Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi

Chương 5



24.10.1971

Nằm mãi mà không ngủ được. Đêm nay là đêm thứ bao nhiêu rồi, mình thức dậy. Đồng hồ chỉ 11 giờ kém 15, Kisinhốp là mấy giờ rồi?

Lâu lắm, 20 ngày đã qua, bận bịu và mệt mỏi, mình bỏ quên trang nhật ký, nhưng có lúc nào quên được Như Anh. Tháng mười, tháng sinh nhật – Tuần lễ sinh nhật đi qua. Ừ, trời cũng trong xanh hơn và lòng ta cũng mở ra đón gió. Tuổi 19, 20…

Như Anh ở đâu, nắm lấy bàn tay T., gió rét về thổi tím ngọn bàng, đâu rồi hơi ấm của ta?

Ai bảo những ngày này không đẹp, không thơ?

25.10.1971

Tháng 11 sắp đến rồi… Và như vậy, tháng 8 đã trôi qua…

Buổi sáng đến chậm chạp.

14.11.1971

Đã 10 giờ đêm, chủ nhật. Đang buổi tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi còn ở nhà, những buổi tiếng thơ này, mình ngồi bên bờ ao hay bên một cái giao thông hào ngập nước, nghe những giọng ngâm quen thuộc. Thế mà hôm nay, ở đây, ở cái đất Hà Bắc này, mình ngồi viết, vừa lắng tai nghe… Kim Cúc đấy, với giọng hơi mượt mà, chải chuốt, Kim Dung, Trần Thị Tuyết. Nghe quen như giọng người hàng xóm.

Buổi trưa, vừa gửi thư cho P. Có lẽ đó là cái thư cuối cùng ở đất Hà Bắc. Từ ngày mai, không được ra khỏi chỗ đóng quân nữa. Không biết đi lúc nào – Lo lắm, liệu P. có hiểu và thông cảm cho không – Biết làm sao được, khi bản thân mình không thể chủ động trong chuyện đó.

Gặp Dũng, bạn học từ lớp 8 – Dũng học Đại học Y khoa, và bây giờ ở C.17. Dũng cũng tốt đấy, hiểu mình và rất quấn quít. Vẫn gặp trên sân bóng, xung quanh là phi lao, có con đường chui qua, đỏ bụi. Dũng hỏi thăm hết bạn bè. Xuyên đi Bungari rồi. Châu đi Cuba, Dung đi Tiệp hay Đức gì đó… Thường thôi… đừng coi trọng họ, đi nước ngoài thì người ta thích, nhưng ít ai thích người đi nước ngoài, có cái gì hơi là lạ…

Dũng nhắc cho mình chuyện lớp, trường, chuyện thằng Khang, Nhữ Đình Huân, cái tụi nghịch như quỉ sứ – Ngô Bình nữa, nó đang đóng ở Quảng Bình, bị thương và đã được kết nạp Đảng hay sao ấy… Nhanh quá, mới đó mà nay mỗi đứa một phương trời. Mình nhớ mấy câu thơ tặng Bình khi tiễn Bình đi bộ đội hồi cuối lớp 10…

Dũng hỏi mình về chuyện đi nước ngoài. Khơi dậy làm gì chuyện ấy. Nó khiến mình buồn bã suốt một thời gian dài. Thật hèn hạ và xấu xa.

Mình kể cho Dũng cuộc sống từ khi hết lớp 10. Dũng cũng đồng ý với mình và tỏ ra hài lòng với cách sống ấy. Kể cũng lạ, sao Dũng dễ dàng đồng ý với ý kiến của mình thế.

Dũng bảo mình cần đoàn kết sâu, rộng với bạn bè hơn nữa. Dũng bảo: “Hãy biết liên kết với các bạn bằng những mặt tốt của họ. Nên triệt để nối mình với các bạn bằng cái tốt đó”. Kể cũng hay. Mình sẽ cố gắng.

Đá bóng với B1. Gió mạnh. Dạo còn ở trường, mình với Thanh hay ở cùng một bên, bây giờ Thanh ở B1, còn mình lại sang B2. Đá bóng mà nhớ trường, nhớ kỷ niệm đến thế – ơi, Yên Hoà B… đâu rồi?

Buổi tối ba má và anh của Minh lên chơi. Còn mình thì chẳng có ai lên cả – Buồn và nhớ gia đình vô cùng. Nhưng mình không tán thành chuyện lên thăm đó. Mình ngồi nghe rất lâu chuyện hai bác và anh Bằng nói. Chẳng có gì mà phải lên tận đây cả – Nhớ Minh ư, mà sao có vẻ thờ ơ tệ. Không giống trong tưởng tượng của mình chút nào? Hay là tại mình không ở trong tình trạng đó nên mình không biết, không cảm hiểu?

Không, rõ ràng không. Gia đình đi từ 5h30 sáng mãi trưa mới đến nơi. Mang cả cơm nắm và thức ăn định ăn ở Bắc Giang, nhưng không hiểu sao lại về tận đây ăn. Buổi trưa, bọn mình ăn cơm, phải sang chỗ anh Hinh ăn tập trung. Mình chào gia đình và Minh cũng đi ăn – ở nhà còn ba má và anh Bằng – Sao hai bác và anh không gọi Minh ở lại ăn cùng.

Không hiểu ra sao cả – Lạ thật – Gia đình mình thì nhất định không thế rồi.

Nói chung, mình chưa hiểu rõ lắm về Minh và gia đình cậu ta. Biết chung chung, đại khái.

Tối nay, liên hoan tiểu đoàn, ăn cơm muộn nên được phép nghỉ. Mình nói chuyện với bà.

Bà kể chuyện “Duyên Tiên”, chuyện “Trương Chi”,v.v… làm mình như trở lại trẻ con.

Thương anh Đổng Vĩnh ra gốc cây đề và khóc, ngóng lên trời tìm nàng Bảy.

Nàng tiên ơi, tấm lụa trắng đâu rồi, và gốc cây đề ấy ở đâu trong rừng sâu kia?

“Mùa xuân hoa nở, thiếp về

Mời chàng ra gốc cây đề nhận con…”

Bà bảo mình đọc “Bầm ơi”, mình đọc, gió lành lạnh và mình thương mẹ quá, mẹ ơi…

Bà đã 60 tuổi – Bà bảo, năm nay là “năm tuổi”, mẹ mình đã qua tuổi 49 và 53 rồi, không bị làm sao là mừng lắm. Lạy trời cho mẹ sống lâu, sống mãi và đừng ốm đau gì cả. Thương mẹ lắm mà không biết làm gì. Thù thằng Mỹ quá, phải giết hết nó đi.

15.11.1971

Thằng Mỹ, nó là cái gì mà mơ hồ như thế? Đi bộ đội, mình cảm thấy hơi mông lung trong việc nhìn nhận kẻ thù. Hố bom còn toác ra ở trên đồi. Và cảnh làng xóm tiêu điều, bị tàn phá ngày 29-2-1968, ta đâu có quên. Mặt mũi thằng Mỹ thế nào? Hẳn đó cũng là khuôn mặt người bị bóp méo xộc xệch. Hẳn đó là bộ mặt nhăn nhúm trước ánh sáng mặt trời.

Đêm ấy, thật đau lòng. Hồi chiều, bị ném 40 quả bom. Điện bị đứt lung tung. Làng xóm chìm trong tang tóc và bóng đêm. Ở ngay trước ngõ là một bát hương hiu hiu khói. Anh Phúc bị bom tiện đứt cả chân tay, nằm trong chiếc quan tài đỏ, ngọn đuốc nứa thổi phừng phừng, cái xe bò lăn lộc cộc… Sao giống “chiếc quan tài” như thế.

Không, suốt đời ta không quên, ta không quên cảnh em bé miền Nam đập tay lên vũng máu. Dưới tay em lẽ ra là chậu nước trong mát – cái biển mênh mông của tuổi thơ hồn nhiên, nhí nhảnh…

Thằng Mỹ, nó thế nào? Trời ơi, sao lâu quá. Bây giờ cái khao khát nhất của ta – cái day dứt trong ta là khi nào được vào miền Nam, vào Huế, Sài Gòn – xọc lê vào thỏi tim đen đủi của quân thù.

Ta ngồi đây, thanh bình như thế. Nhưng ở cuối trời Tổ quốc, bao nhiêu người con ưu tú của dân tộc đang đổ máu, đang giập gãy từng khúc xương, đang bị kẻ thù đày đọa và các đồng chí của ta, anh giải phóng quân kiên cường đang nín thở đợi giờ xung trận, đang đói rét và đau nhói vết thương trên một cánh rừng già.

Vậy mà, lại đến giờ đi ngủ. Những cơn gió liu riu trên cành tre đưa ta vào cơn mơ – Ta lại trở về với cái ngõ nhỏ của mình… Lạc lõng ư? Có lẽ nào!

Ta biết giấu mặt vào đâu, vào gấu quần hay gấu áo, khi đường Trường Sơn không có dấu chân ta? Khi cả cuộc đời ta chưa có cái niềm vui mãnh liệt của người chiến thắng, cắm cờ Tổ quốc trên cả nước thân yêu.

Phạm Tiến Duật, Triệu Bôn… Các anh đêm nay ở đâu trên Tổ quốc? Các anh có viết những bài thơ, những truyện ngắn vào giờ này? Ôi, những nhà thơ, nhà văn – chiến sỹ, ta gặp nhau trên cùng một ước mơ làm nhiều cho Tổ quốc. Chúng ta có mặt trên trận tuyến ác liệt nhất, khi đất nước đánh thù, có gì tự hào hơn nữa.

Ta bỗng nhớ câu thơ của Hồng Chính Hiền:

“Thương nhau, thương nhau nên hoá gần nhau

Nghe cả tiếng hiệp đồng qua hơi thở…”

Các anh có nghe tiếng tôi? Tiếng của đứa trẻ bước chập chững vào đời với bao thôi thúc, bao niềm tin, hy vọng?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.