Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi
Chương 6
20.11.1971
Đại đội trưởng cũng đi rồi. Quân đội đúng là một đại gia đình, và đi đâu cũng người nhà cả mà thôi.
Chẳng cần tiễn đưa gì cả. Cắt cho Đại đội trưởng cái đầu mới toe – Kỉ niệm, thế là đủ rồi. Mà kể cũng lạ, biết đâu lần này chính là lần gặp cuối cùng trong đời! Thế mà thật bình tĩnh, thật thanh thản. Nhưng, riêng mình vẫn không thể bình thường được.
Hôm nay Quốc tế hiến chương các nhà giáo đấy. Mình định viết thư cho thi sĩ, nhưng rồi lại bận quá. Không viết được.
Càng nhớ thầy, càng nhớ bạn, càng lo lắng về công việc của mình. Tuần lễ cứ trôi qua, ngoảnh lại, chưa làm được việc gì ra hồn cả. Cả thói quen ghi chép cũng không rèn luyện được. Thật đáng lo.
Khi còn phổ thông, ước mơ khá lớn, khá lâu dài là được đi xa và nhiều, và rảnh rỗi mà viết lách. Bây giờ, thoải mái, không phải suy nghĩ gì về bài học cả. Thế mà từ khi đi bộ đội đến giờ, mình đã viết được gì đâu.
Cầm viết được nhiều, quả thực ở nó có tài năng, hay ít ra, đó cũng là một khả năng tốt. Khanh bảo Cầm nó chăm lắm, mặc dù sức khoẻ yếu. Mình nhớ dạo mới đi bộ đội, hay gặp Cầm lang thang trong đêm. Có lần đi gác, Cầm nằm ngủ ngay trên cái cầu xi măng bắc qua sông Tô Lịch. Nó bảo nó nằm nhớ lại dĩ vãng xa xưa của nó ở Kinh đô, đôi guốc mộc và cái quần chùng, hàn huyên với các sư huynh bên quán nước.
Kể cũng lạ, ở nó có gì đáng học đâu, ngoài những ý sáng tạo trong thơ. Cách sống của nó hơi ngang tàng và thiếu nghiêm túc. Nhưng vì sao nó nắm bắt mạch thơ đúng thế. Tưởng như lời nào của nó cũng là thơ(!)
Giới thiệu bài hát, nó bảo: Mười con chim sơn ca nuôi trong cổ họng xin ca nhạc phẩm “Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây” nhạc của (…), lời Phạm Tiến Duật. Nhạc Việt Nam được trộn pha ácjăngtin… liến thoắng như cái máy mà hấp dẫn. Lúc ấy, nó thật đáng yêu, và con người nó hoàn toàn là của nghệ thuật.
Có điều là những cái nó viết ra xanh xao lắm, và hơi trừi tượng, nó đèm đẹp và trơn tru, nhẵn nhụi; Nó thiếu một sức ấm nóng lan toả. Có lẽ điều đó không phải không đáng ngại.
Mình không muốn và không được đi theo con đường ấy. Cứ kiên trì, bình tĩnh và tích cực, mình sẽ làm được hết.
Có điều thơ là gì mình cũng chịu. Thơ không cần chi tiết mà cần hình tượng. Hình tượng thơ phản ánh tâm hồn con người. Đó là điều quan trọng trong thơ.
Cuộc sống này, mình rất yêu, rất đắm mình vào. Nhưng sao ngòi bút cứ tắc, cứ ngắc ngoải? Có phải vì mình không có khả năng? Dám thế lắm.
Càng ngày mình càng hiểu: Không dễ dàng gì đâu. Dẫu anh có đi nhiều, biết nhiều, nhưng cũng cần phải có phương pháp tốt.
Trước kia, còn viện cớ này nọ. Nào dò đường, nhận đường, nào tự tìm mình, tự xác định dấu vết… Nhưng chẳng lẽ mình cứ hão huyền thế mãi. Cứ lí luận suông thế mãi hay sao?
Mình đã sống thật hay chưa? Chưa, chưa nghiêm túc sống. Trong cả sinh hoạt, trong cả rèn luyện và trong cả danh dự, lương tâm của người cầm bút tự giác.
Ao ước quá, nếu như được đi trên tuyến đường Quyết Thắng, được đi trên đỉnh Trường Sơn, gặp nhà thơ trẻ P. T. Duật… Mình không biết sẽ hỏi gì, nhưng chắc chắn cuộc gặp gỡ đó sẽ thú vị biết bao.
Bao nhiêu điều muốn hỏi. Bao nhiêu băn khoăn thắc mắc: Thế nào là đề tài, chủ đề
thơ? Thế nào là cấu tứ một bài thơ? Nhưng quan trọng hơn cả là nhìn cuộc sống ra sao để có thể đưa vào thơ, vào truyện những vấn đề nóng hỏi của cuộc sống.
Mình bắt đầu ghét những cảm xúc mòn, xáo về một đêm hành quân, một đêm gác khuya, một buổi gặp gỡ hoặc chia tay trong cái ngõ nhỏ thơ thơ. Không phải là Lý Bạch để có thể quên “Hoàng hạc lâu” mà sáng tác. Cứ hành quân, là trong đầu lại thơ, lại những bài thơ về hành quân mà mình đã đọc. Vậy là chịu, không thể có một ý gì mới mẻ nữa.
Chẳng có lẽ bầu trời kia không dành riêng ta một ngôi sao xanh, một ngôi sao đỏ làm nên cái lấp lánh của bài thơ?
Mình đi lạc đường chăng? Đâu là “Đường vào thơ”? Càng nghĩ, mình càng bị day dứt và dằn vặt. Mình hiểu rằng không thể rời bỏ được thơ, được văn. Nhưng viết ra thì không đủ độ chín. Chí nghĩ trong đầu đã đủ thấy nó xèm xẹp, chỉ muốn dập tắt cái cảm xúc ấy đi. Không hiểu nhà thơ nào đã nói: Ai đến với cuộc đời chiến đấu để làm thơ thì khó mà làm nên hồn một bài thơ. Hãy bắt đầu từ cuộc sống, và từ đó sẽ nẩy ra thơ.
Mình đến từ đâu? Mình mong làm được thơ, làm được nhiều thơ hay để làm gì? Thú thực, chưa rõ ràng gì cả. Có lúc, mình muốn làm thơ chỉ vì được đọc một bài thơ hay đến xuýt xoa! Có lúc lại muốn làm thơ để có tên mình trên sách báo “Lưu truyền hậu thế” hay sao? Tư tưởng này rõ ràng là xấu, không xuất phát từ quan điểm đúng đắn: Phục vụ nhân dân. Hãy bắt đâu bằng người lính.
Bao nhiêu cơn mơ, chỉ còn lại những cơn mơ hữu ích. Nhưng đêm tháng 7… “Tháng 6 qua rồi T. nhỉ, bây giờ là tháng 7”… – “Tháng 7 là gì?” – “Tháng 7, mùa thu, lá phong đỏ…” Cô gái nhỏ ấy ư, trong “ngõ cụt của tâm hồn”…
Mùa thu trải dài như vô tận, cái màu xanh da trời như một niềm thương nhớ khôn nguôi…
Nhưng còn mùa xuân, mùa xuân, mùa vạn vật sinh sôi của trăm ngàn hoa thơm quả ngọt… “Thế là P. đã ở đây với những mùa đông lạnh lẽo và hoa tuyết thờ ơ, bình thản này… Biết bao giờ ta mới gặp nhau? Bỗng nhiên lòng buồn vô hạn. Hay là không bao giờ nữa? Và mùa xuân của cuộc đời P. là như thế đấy…”
Không phải là như thế! Mùa xuân sẽ về, sẽ đẹp tuyệt vời nhờ sức lực của chính mình.
Tự nhiên, mình cảm thấy và rất rõ ràng, mình có trách nhiệm với cuộc sống của P.. P. như một cái gì, như trái tim mình, như một phần thân thể mình. P. có khoẻ không, có nhức đầu và mệt mỏi hay không? Những đêm khuya như thế này, P. đã đi ngủ hay chưa? Bài chắc nhiều và khó, có lúc nào P. phải nhíu mày, tập trung suy nghĩ về một bài toán? Ước gì giúp được cho P. phần nào, đỡ cho P. một phần khó khăn trong học tập…
Nhưng xa nhau rồi… Kisinhốp, một thành phố nhỏ li ti trong cả liên bang Xô Viết, xa lạ, xa lạ… Còn ngày mai, mình sẽ ở đâu, mình sẽ đi đâu, không thể biết được. Chẳng bao lâu nữa là hai đứa hoàn toàn bặt vô âm tín… Rồi sau đó sẽ ra sao? P. sẽ sống ra sao giữa Thủ đô của bình yên và sung túc, của vật lý hiện đại?
Và chính cả mình nữa, mình sẽ sống ra sao?
Cơn gió thổi từ phía đồi mặt trời qua hồ cá. Sương mù thốc nhẹ lên rặng phi lao ven đường… Con trâu đi ngang, con cá trắng bơi dọc, và những vòng sóng hình tròn toả rộng xung quanh… Sự sống hiện ra ở khắp mọi chiều. Và chỗ nào mà chẳng có mầm xanh, chỗ nào mà chẳng có giọt nắng hình quả trứng lăn nghiêng?
“Dĩ vãng thì đã xa xăm. Mà cuộc sống thì luôn cất tiếng gọi trở về” – Altưnai đấy – Có phải đấy là lời tự bào chữa. Song, chắc Đuy Sen cũng rất hài lòng về chuyện đó – Như vậy đúng hơn và hợp lô-gich hơn!
Bắt đầu là bộ đội. Rồi sau là thầy giáo. Sau nữa là Đuy Sen. Tập đó là Anh – và cuối cùng, là Người, là ông già đưa thư âm thầm, lặng lẽ… Đuy Sen sao khéo chôn kỷ niệm của mình mà sống. Đâu phải dễ dàng vì hai cây phong còn đó, vì ngọn đồi Đuy Sen còn đó và mùa thu trở lại, lá phong đỏ lại rơi, tơi bời trong chòm râu bạc… Con người đó đáng kính phục lắm, lý tưởng lắm. Đã có ai trên đời này lấy Đuy Sen thay cho Carơsaghin? Cuộc sống này thi vị biết bao và cần nghị lực biết bao!
Tại sao Đuy Sen lại tự im lặng, tự ôm lấy con tim mình cho nó khóc? Vì hạnh phúc của Altưnai ư? Vì quyền lợi của học trò ư? Vì ước mơ cao cả của cả thầy và trò, của dân làng vùng Kadắc, thèm khát vươn tới đỉnh cao của khoa học…
Còn nhiều nữa và tin rằng, tất cả là sự thật. Nếu như Altưnai và Đuy Sen lại ở bên nhau như hai cây phong tuyệt diệu như vậy, thì ông già Đuy Sen cũng là một cái “tôi” to tướng…
Ta biết vậy, ta biết vậy… Và con đường cũng mở cho ta hai nhánh lớn. Đuy Sen ơi, Người là ngọn lửa, là ngọn lửa hồng giữa đêm thâu giá buốt. Ta ước mong gì hơn nữa, được làm, được sống như Đuy Sen, được đau khổ và sung sướng như Đuy Sen…
Ôi, tiếng nói nghẹn thắt của Người thầy đầu tiên khi con tàu chuyển bánh, cái tiếng thất thanh của con tim ứ tràn niềm xao xuyến… Altưnai… Altưnai… Cái tiếng thân yêu ấy bánh sắt của con tàu đã lăn qua – Hay trái tim giầu xúc cảm và lòng nhân đạo, lòng cao thượng ấy bị bẹp nát trên đường xe lửa?
Cuộc sống tuyệt vời biết bao, trong thực tế và trên trang sách. Nhưng cuộc sống cũng bi thảm biết bao. Cái đẹp còn trộn lẫn niềm sầu muộn. Cái nên thơ còn lóng lánh giọt nước mắt ở đời. Bao giờ để niềm vui về cùng hạnh phúc, để những đôi bạn bình yên dạo trong rừng bạch đàn, có ánh nắng xanh dịu và những đàn chim câu trắng muốt điểm sáng của rừng?
Phải đấy, rừng không nên thơ như ta tưởng. Và để ngày mai tuyệt diệu ấy, hôm nay, có bao người cầm súng, có bao người gửi gắm vào thiên nhiên xanh tươi, vào cánh rừng gai góc âm u tất cả thời thanh xuân của mình.
Ai đấy, khi nắm tay người bạn thân yêu của mình, khi cánh buồm xanh đi về, cánh cửa trời rộng mở, chớ quên dưới chân mình là cát sỏi, là hòn đất đượm mồ hôi, thấm máu của bao thế hệ, mà cuộc sống của họ đã xa xôi…
Ai đấy, khi khoác vai người bạn yêu quí của mình, chỉ cho bạn, kia là ngôi sao Hôm – ngôi sao Mai. .. Ngôi sao ban chiều và ngôi sao của bình minh. Chớ quên rằng, có buổi sáng nào, sao Mai, mang màu đỏ, màu máu và màu lửa! Chớ quên rằng, để đêm trăng có những ngôi sao tình tự, để con người tự do mơ ước vươn tới những đỉnh cao xa; có những trái tim đầy khát vọng phải xếp vào ba lô mọi mơ ước dịu hiền nhất, mọi tương lai cá nhân quen thuộc nhất. Mà đánh giặc.
Có lúc nào anh tự hỏi mình: Đâu là chiến hào đánh Mỹ? Đâu là dây cung để bật những mũi tên căm uất? Còn tôi. Từ rất lâu rồi, tôi đã tìm ra đâu là chỗ đi và chỗ đến của mình…
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.