Mật Mã Da Vinci
CHƯƠNG 100
Cơ thể g;ám mục Manuel Aringarora đã chịu đựng nhiều kiểu đau đớn, nhưng cái nóng thiêu đốt của vết đạn trong lồng ngực thật lạ đối với ông ta. Sâu và nghiêm trọng. Không phải là vết thương ở phần da thịt… mà gần với tâm hồn.
Aringarosa mở mắt ra, cố nhìn, nhưng mưa giàn giụa trên mặt đã làm nhòa mắt ông ta. Mình đang ở đâu thế này? Ông ta cảm thấy những cánh tay lực lưỡng đang bế mình, mang cái thân hình mềm oặt của ông ta như một con búp bê bằng vải. Nhấc cánh tay rã rời lên, Aringarosa rụi mắt và thấy người đàn ông đang ôm mình chính là Silas. Gã bạch tạng khổng lồ đang hì hụi chạy theo một vỉa hè mù mịt sương, la lớn để tìm bệnh viện, giọng hắn rên rỉ đau khổ đến não lòng. Đôi mắt đỏ trân trân dõi về phía trước, nước mắt tuôn trào trên bộ mặt trắng trợt lấm tấm máu. “Con trai”, Aringarosa thì thầm, “con bị thương đấy”.
Silas liếc nhìn xương, mặt rúm lại vì đau khổ: “Con xin lỗi Cha”. Hắn quá đau đớn để thốt lên lời.
“Không đâu, Silas”, Aringarosa đáp, “chính ta mới phải xin lỗi. Đây là lỗi tại ta”. Thầy Giáo đã hứa với ta là sẽ không có giết chóc và ta đã bảo con tuân lệnh lão ta hoàn toàn. “Ta đã quá háo hức. Quá sợ hãi. Ta và con đều bị lừa rồi”. Thầy Giáo sẽ không bao giờ đưa cho chúng ta Chén Thánh cả.
Được ẵm trong vòng tay của người mà nhiều năm trước đây ông đã cưu mang, giám mục Aringarosa cảm thấy mình như quay trở ngược lại thời gian. Quay về Tây Ban Nha. Về những khởi đầu khiêm nhường của mình, xây dựng một nhà thờ Ki tô giáo nhỏ ở Oviedo cùng Silas. Và rồi đến New York – nơi ông đã sáng danh Chúa với Trung tâm Opus Dei cao ngất trên đại lộ Lexington.
Năm tháng trước đây, Aringarosa đã nhận được những tin choáng váng. Công việc cả đời của ông đang gặp nguy hiểm. Ông nhớ lại cuộc gặp gỡ bên trong lâu đài Gandolfo với những chi tiết sinh động, cuộc gặp gỡ đã thay đổi cuộc đời ông. Cái tin đã khởi phát toàn bộ đại hoạ này.
Aringarosa đã bước vào Thư viện Thiên văn học của Gandolfo, đầu ngẩng cao, tràn đầy hi vọng được hàng loạt cánh tay chào đón ca ngợi, tất cả đều háo hức muốn vỗ vai khen ngợi ông ta về việc đại diện tuyệt vời cho Ki tô giáo tại Mỹ. Nhưng chỉ ba người có mặt.
Thư ký của Toà thánh Vatican. Béo phệ. Nghiêm nghị.
Hai Hồng Y giáo chủ cao cấp người Ý. Ra vẻ đạo đức hơn người. Tự mãn.
“Thư ký ư?”, Aringarosa nói, cảm thấy bối rối.
Con người béo tròn phụ trách các vấn đề pháp lý của Tòa thánh bắt tay Aringarosa và chỉ cái ghế đối diện với ông ta: “Xin cứ thoải mái tự nhiên”. Aringarosa ngồi xuống, cảm thấy có điều gì đó không ổn.
“Tôi vốn không khéo nói chuyện phiếm, thưa Đức Giám mục”, vị thư ký nói. “Bởi vậy, hãy cho phép tôi nói thẳng về lý do cuộc viếng thăm của ngài hôm nay”.
“Xin mời. Hãy nói một cách cởi mở”, Aringarosa liếc qua hai Đức Hồng Y, dường như họ đang đánh giá ông với sự đoán định tự cho là đúng.
“Như ngài đã biết”, vị thư ký nói, “Đức Giáo hoàng và những người khác ở Roma gần đây rất lo lắng những hậu quả chính trị do những thực hành gây tranh cãi của Opus Dei”.
Aringarosa lập tức nổi giận. Ông đã nhiều lần cảm thấy thế đối với vị giáo chủ mới, hóa ra Ngài lại rất nhiệt thành ủng hộ sự thay đổi theo khuynh hướng tự do trong Giáo hội khiến Aringarosa hết sức kinh ngạc.
“Tôi muốn đảm bảo với ngài”, vị thư ký vội nói thêm, “rằng Đức Giáo hoàng không tìm cách thay đổi gì trong cách ngài điều hành giáo phận của ngài”. Tôi hy vọng là thế. “Vậy tại sao tôi lại ở đây?”.
Ông béo thở dài: “Thưa Đức Giám mục, tôi không biết làm thế nào để diễn đạt điều này một cách tế nhị, vậy tôi xin nói thẳng. Hai ngày trước đây, Hội đồng thư ký đã bỏ phiếu nhất trí rút sự chấp thuận của Toà thánh Vatican đối với Opus Dei”. Aringarosa chắc chắn rằng mình nghe nhầm: “Tôi xin ngài hãy nhắc lại?”.
“Nói thẳng ra, sáu tháng nữa kể từ ngày hôm nay, Opus Dei sẽ không còn được xem là một giáo phận của Vatican nữa. Ngài sẽ thuộc một giáo hội của riêng mình. Toà Thánh sẽ tách rời khỏi ngài. Đức Giáo hoàng đã đồng ý và chúng tôi đã soạn thảo giấy tờ hợp pháp”.
“Nhưng… điều đó là không thể”.
“Trái lại, điều đó hoàn toàn có thể. Và cần thiết. Đức Giáo hoàng trở nên lo lắng với chính sách tuyển mộ thô bạo và thông lệ hành xác của các ngài”. Ông ta dừng lại. “Những chính sách của ngài đối với phụ nữ cũng thế. Nói một cách rất thẳng thắn, Opus Dei đã trở thành một thứ gây bất lợi và phiền hà”. Giám mục Aringarosa sững sờ: “Phiền hà ư?”.
“Chắc chắn ngài không thể ngạc nhiên là sự thể đi đến mức này”.
“Opus Dei là một tổ chức duy nhất của Thiên Chúa giáo có số lượng thành viên tăng trưởng! Chúng tôi hiện có hơn 1100 giáo sĩ!”. “Đúng. Một vấn đề rắc rối cho tất cả chúng ta”.
Aringarosa đứng bật dậy: “Hãy hỏi Đức Giáo hoàng liệu Opus Dei có phải là một sự phiền hà hay không vào năm 1982 khi chúng tôi giúp đỡ Ngân hàng Vatican!”. “Toà thánh Vatican sẽ luôn biết ơn về điều đó”, vị chánh thư ký nói, giọng xoa dịu. “Tuy nhiên có nhiều người vẫn tin rằng sự hào phóng về tài chính của ngài năm 1982 là lý do duy nhất khiến ngài được ban chức giám mục”. “Không đúng!”. Sự ám chỉ đó xúc phạm Aringarosa sâu sắc.
“Dù thế nào đi nữa, chúng tôi cũng chủ trương hành động với thiện ý. Chúng tôi đang thu xếp hoàn trả lại những khoản đã nhận. Nó sẽ được chi trả làm năm lần”.
“Ngài đang mua chuộc tôi đấy à?”. Aringarosa hỏi. “Trả tiền cho tôi để tôi lặng lẽ ra đi? Khi mà Opus Dei là tiếng nói duy nhất còn lại của lý trí!”.
Một trong số Hồng Y ngước nhìn: “Tôi xin lỗi, ngài vừa nói lý trí?”.
Aringarosa ngả người qua mặt bàn, giọng sắc nhọn như một mũi tên: “Ngài có thật sự tự hỏi tại sao các tín đồ Thiên Chúa giáo bỏ nhà thờ không? Hãy nhìn xung quanh ngài, thưa Đức Hồng Y. Người ta đã đánh mất niềm kính trọng. Sự nghiêm ngặt của tín ngưỡng không còn nữa. Học thuyết trở thành một thứ hỗn độn. Sự kiêng khem, xưng tội, lễ thánh thể, lễ rửa tội, lễ chầu – hãy chọn đi – chọn bất kỳ sự kết hợp nào ngài ưng và bỏ qua những gì còn lại. Giáo hội đang đề ra cái kiểu dẫn dắt tâm linh gì vậy?”. “Những luật lệ ở thế kỉ III”, vị Hồng Y thứ hai nói, “không thể ứng dụng cho những môn đệ hiện đại của Thiên Chúa.
Những luật lệ đó không có hiệu quả trong xã hội ngày nay”.
“Ồ, dường như chúng lại đang có hiệu quả tại Opus Dei!”.
“Giám mục Aringarosa”, vị chánh thư ký nói, giọng dứt khoát, “vì sự kính trọng mối quan hệ giữa tổ chức của ngài với Đức Cựu Giáo hoàng, Đức Đương kim Giáo hoàng sẽ cho Opus Dei sáu tháng để tự nguyện tách ra khỏi Vatican. Tôi đề nghị ngài hãy liệt kê những ý kiến khác biệt của ngài với Tòa Thánh và tự thiết lập tổ chức Cơ đốc giáo cho chính mình”.
“Tôi từ chối!”, Aringarosa tuyên bố. “Và đích thân tôi sẽ nói điều đó với Giáo hoàng!”.
“Tôi e rằng, Đức Giáo hoàng không cần gặp ngài nữa”.
Aringarosa đứng dậy: “Ngài sẽ không dám huỷ bỏ một giáo phận được thiết lập bởi Đức Giáo hoàng tiền nhiệm!”.
“Tôi rất tiếc”, vị chánh thư ký nhìn không nao núng, “Chúa Trời ban cho và Chúa Trời cũng lấy đi”.
Aringarosa lảo đảo rời khỏi cuộc gặp gỡ đó trong tâm trạng hoang mang và hoảng sợ. Trở lại New York, suốt bao ngày, ông cứ thao láo nhìn ra đường chân trời, vỡ mộng, lòng nặng trĩu nỗi buồn cho tương lai của Thiên Chúa giáo.
Chính vài tuần sau đó, Aringarosa nhận được cú điện thoại đã làm thay đổi tất cả. Người gọi đến nghe như giọng Pháp và xưng danh là Thầy Giáo – một tước hiệu phổ biến trong Giáo đoàn. Ông ta nói ông ta biết là Vatican dự định rút bỏ sự ủng hộ đối với Opus Dei.
Làm thế nào mà ông ta có thề biết được điều đó? Aringarosa tự hỏi. Ông đã hy vọng là chỉ một dúm người trung gian quyền lực của Vatican biết về chủ trương sắp huỷ bỏ Opus Dei. Rõ ràng tin đã lọt ra ngoài. Nói đến việc ngăn chặn lời đồn đại thì không có bất kỳ bức tường nào trên thế giới dễ thẩm thấu như những bức tường quanh thành phố Vatican.
“Tôi có tai mắt ở khắp nơi, thưa Giám mục”, Thầy Giáo thì thầm. “Và với những tai mắt này tôi đã thu thập được một số thông tin. Với sự giúp đỡ của ngài, tôi có thể khám phá ra nơi ẩn giấu một thánh thể linh thiêng, mà điều đó sẽ mang đến cho ngài quyền lực rất lớn… đủ để bắt Vatican phải cúi đầu trước ngài. Một quyền lực đủ để cứu lấy Niềm tin”. Ông ta dừng lại.
“Không chỉ cho Opus Dei mà còn cho tất cả chúng ta”.
Chúa trời lấy đi… và Chúa trời lại ban cho. Aringarosa cảm thấy bừng lên một tia hy vọng huy hoàng. “Hãy nói cho tôi biết kế hoạch của ông”.
° ° °
Giám mục Aringarosa đã bất tỉnh khi những cánh cửa của bệnh viện St. Mary kẹt mở. Silas chệnh choạng lao vào, gần như mê sảng vì kiệt sức. Khuỵu gối xuống nền gạch, hắn gào lên cầu cứu. Mọi người trong khu tiếp tân há hốc miệng kinh ngạc trước cảnh gã bạch tạng gần như trần truồng bế một giáo sĩ đầy máu.
Người bác sĩ đã giúp Silas đưa vị Giám mục đang mê sảng vào phòng cấp cứu trông có vẻ bi quan khi xem mạch Aringarosa: “Ông ấy mất quá nhiều máu. Tôi không hy vọng lắm”.
Mắt Aringarosa chớp chớp, và ông tỉnh lại một lúc, cái nhìn đăm đăm hướng về Silas:
“Con ta…”.
Tâm hồn Silas nổi sấm sét hối hận và cuồng giận: “Cha ơi, dù có phải mất cả cuộc đời, con cũng sẽ tìm ra kẻ đã lừa gạt chúng ta và con sẽ giết hắn”.
Aringarosa lắc đầu, vẻ buồn bã khi người ta chuẩn bị đẩy xe đưa ông đi: “Silas… nếu con chưa học được gì từ cha, thì giờ xin con…hãy học lấy điều này”. Ông cầm tay Silas và xiết chặt. “Tha thứ là món quà lớn nhất của Chúa”. ” Nhưng Cha ơi…”.
Aringarosa nhắm mắt lại: “Silas, con hãy cầu nguyện đi”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.