Mẹ Không Thể Ép Con, Nhưng Thuyết Phục Thì Được
CHƯƠNG II. NÊN LÀM GÌ ĐỂ THIẾT LẬP MỐI QUAN HỆ TÍCH CỰC VỚI ĐỨA CON CỨNG ĐẦU?
Đó là cảnh trong chương trình trò chuyện trên truyền hình tôi tình cờ xem được. Có vẻ như đây nằm trong tuần lễ tuyên truyền về ma túy học đường, thực trạng và giải pháp. Chương trình sáng hôm đó giới thiệu phương thức kiểm tra ma túy tại nhà và phát cảnh một thiếu niên bị bắt quả tang đang dùng thuốc, cùng với bố mẹ cậu, những người đã hạ quyết tâm không bỏ qua cho cậu dễ dàng.
Người mẹ run rẩy và giận dữ kể với phóng viên rằng bà suy sụp đến thế nào khi phát hiện ra sự thật, và liền đó phác ngay ra kế hoạch đưa con trai hoàn lương. Phương châm “yêu cho roi cho vọt” được quán triệt, và bài kiểm tra ma túy tại nhà lúc nào cũng sẵn sàng. Trong khi máy quay bắt cận cảnh khuôn mặt người mẹ, tôi lại chú ý tới cậu con trai đằng sau. Nhìn nó, tôi cảm nhận được tự nó cũng biết rõ nó đang gặp vấn đề. Nó biết đã phạm sai lầm. Nó biết sẽ phải chịu những hình phạt cứng rắn. Nhưng điều tôi không nghĩ nó biết được, đó là bố mẹ nó vẫn còn yêu nó. Thấy không, bà mẹ không hề nói rằng: “Suýt chút nữa chúng tôi đã mất đi con mình, và nó quan trọng với chúng tôi biết bao. Nó là một phần quý giá trong gia đình, và chúng tôi yêu con mình đến mức có thể làm bất cứ điều gì để đưa nó trở lại. Nếu buộc phải nghiêm khắc, phải kiểm tra sát sao, kể cả giam con lại hay ép nó theo một chương trình cai nghiện nghiêm ngặt, chúng tôi cũng sẽ làm vì chúng tôi yêu con và muốn nó lại là chính mình.”
Nhưng bà không nói thế, và đứa con trai phía sau chùng xuống với bộ dáng và thái độ vừa ngán ngẩm vừa thách thức. Ngay khi người phóng viên hoàn tất phân đoạn người mẹ, anh ta lia máy quay sang cậu con.
“Con trai à,” anh ta hỏi, “nói chú nghe – cháu nghĩ gì về tất cả những chuyện này?” Cậu thiếu niên nhìn xoáy vào ống kính, gằn từng tiếng: “Tôi không thể chờ tới khi bỏ nhà ra đi.”
Khi cảnh quay mờ dần, suýt chút nữa tôi đã khóc. Những ông bố bà mẹ đó thực sự nghĩ đáng làm vậy sao? Dùng tới biện pháp mạnh như vậy, họ đã đánh mất con trai mình. Thay vì kéo nó lại gần, họ lại đẩy nó xa hơn. Tôi không tin họ muốn như vậy. Tôi đồ rằng họ thật lòng tin mình đang làm điều tốt nhất trong hoàn cảnh ấy. Nhưng họ đã bỏ qua phần trọng yếu: họ không hề nuôi dưỡng trong con mình một mối quan hệ mà nó muốn giữ gìn.
Khi cậu bé không hề làm trái ý và vâng lời, họ có mắng nó hay không? Bố mẹ của cậu bé đã lần nào dành ra chút thời gian và công sức để nói với nó rằng họ hạnh phúc vì có nó ở bên? Khi họ dạy nó điều hay lẽ phải, họ có chú tâm và khen ngợi những lần nó vâng lời hay chưa? Nếu họ từng bỏ thời gian vun đắp mối quan hệ tốt đẹp với con, thì những lời khiển trách và yêu cầu con thay đổi gay gắt biết đâu đã có tác dụng. Nhưng nếu họ đã dành những năm qua để mắng mỏ hơn là nói chuyện nhẹ nhàng, nếu họ luôn soi xét những lỗi sai còn chẳng nói lấy một lời động viên khi mọi việc đi đúng hướng, thì con trai họ có thể cảm thấy mình chẳng còn gì để mất. Nếu kiểu gì thì cha mẹ nó cũng sẽ quát tháo và nổi điên lên, vậy nó còn thử làm gì?
Có một vài nguyên tắc làm cha mẹ cơ bản đúng với mọi mối quan hệ cha mẹ-con cái. Đặc biệt khi cư xử với TCĐ, càng phải đặc biệt chú ý đến những nguyên tắc này, bởi trong quan hệ với TCĐ, mọi thứ, cả tích cực lẫn tiêu cực, đều có xu hướng trở nên cực đoan hơn.
Một trong những nguyên tắc chủ yếu đó là đây:
THƯỜNG XUYÊN BIỂU LỘ TÌNH YÊU, NÊU CAO Ý NGHĨA CỦA CON VÀ TÔN TRỌNG CON
TCĐ nào tôi biết (kể cả tôi) cơ bản đều có chung một ý nghĩ: Nếu một người không quan tâm đến ta, ta cũng không cần quan tâm tới điều họ làm với mình.
Quan hệ của bạn với con có tốt đẹp hay không sẽ quyết định tính hiệu quả của cách thức bạn dùng. Nếu bạn luôn bồi dưỡng cảm tình thắm thiết với các con, chúng sẽ nỗ lực giữ gìn tình cảm đó. Còn nếu quan hệ bố mẹ – con cái đã chẳng thắm thiết gì, thì càng cố thiết lập kỷ luật sắt và gò ép chúng sẽ chỉ càng chuốc lấy sự chống đối mà thôi.
Kể cả đứa trẻ cứng đầu nhất cũng sẽ chỉ phục tình yêu và lòng tốt chân thật hơn là những phương pháp và cách thức mới lạ nào đó.
Tôi từng nghe nhiều bậc cha mẹ tức tối và căng thẳng quả quyết rằng TCĐ nhà họ “phải học cách chung sống với người khác.” Tôi nhắc họ rằng nhà tù luôn chật ních những kẻ không cần hòa đồng với thế giới. Tại sao không khiến cho TCĐ của bạn muốn chung sống với mọi người ngay từ đầu đã? Sau đó, nếu đứa trẻ có mối liên hệ mạnh mẽ và tích cực cùng bạn, bạn sẽ là người đầu tiên nó xin ý kiến về việc nên làm như thế nào.
Nguyên tắc này có thể khó khăn đối với phụ huynh của một TCĐ bởi TCĐ không dễ khiến người khác yêu. Bạn nói: “Bất luận điều gì xảy ra tôi vẫn yêu bạn.” Và TCĐ đáp: “Thật không? Nếu thế này thì sao? Bạn còn yêu tôi không? Điều này thì thế nào?” Bằng kinh nghiệm bản thân, chúng nhận ra rằng không phải bạn yêu chúng vô điều kiện. Bạn yêu nếu chúng làm mọi thứ theo cách của bạn và nếu chúng tuân theo quy tắc bạn đặt ra. TCĐ không trông mong bạn sẽ mặc mình cư xử không ra gì, nhưng chúng tin vào sự thật rằng mối quan hệ giữa chúng và bạn sẽ bền vững dù chuyện gì xảy ra chăng nữa.
Tôi nhớ như in một ngày hồi Mike mới lên hai, nó đã cố tình quấy rầy tôi cả ngày. Đến khi tôi cạn kiệt kiên nhẫn, nó dẫn tôi vào phòng chơi, bỏ mặc tôi đứng đó, bò vào cái tủ rỗng, rướn về phía tôi và gào lên: “Mẹ đi đi!” rồi đóng sầm cánh cửa. Mặc dù chỉ mong thoát thân khỏi đó, tôi vẫn đứng nguyên tại chỗ. Ngay sau đó, cánh cửa bật mở và thằng nhóc tỏ ra kinh ngạc nhưng nhẹ nhõm khi vẫn nhìn thấy tôi. Nó lại hét lên: “Mẹ không đi đi!” Rồi nó nhìn tôi, gay gắt hơn: “Đi đi!”
Khi cùng nó chơi trò mẹ-đi-đi-sao-mẹ-còn-chưa-đi, tôi đã nghĩ rằng không biết bao nhiêu TCĐ, đặc biệt là thanh niên, đã nói với bố mẹ chúng những điều đại loại như: “Con ghét bố/mẹ! Đi đi! Ra khỏi cuộc đời của con! Con không bao giờ muốn nhìn thấy bố/mẹ nữa!” Rồi đóng sầm cửa. Nhưng ở bên trong, chúng lại hy vọng thầm lặng, yếu ớt rằng bạn sẽ không rời khỏi đó. Chúng mở cửa ra, và bạn vẫn ở đây. “Con đã nói đi đi cơ mà! Con thật sự mong thế đấy! Con ghét bố/mẹ. Để con yên!” Và chúng sập cửa còn mạnh hơn trước. Chúng băn khoăn: Liệu có được không? Lần này mình có đẩy được họ ra xa không?
Gần như mọi TCĐ tôi từng trò chuyện thừa nhận rằng chúng thường cảm thấy thôi thúc tìm hiểu xem tình yêu bố mẹ dành cho mình có thực sự là vô điều kiện hay không. TCĐ cần được biết rằng dù chúng có làm gì, bố mẹ vẫn yêu thương chúng. Chúng đều biết phạm một quyết định sai lầm sẽ phải trả giá, nhưng chúng phải được biết rằng cái giá đó không bao giờ bao gồm việc đánh mất tình yêu của cha mẹ. Khi TCĐ cảm thấy an toàn trong vòng tay bạn, có khi bạn còn bất ngờ thấy những lần chúng thử thách tình cảm đó hiếm hoi đến mức nào.
Một nguyên tắc làm cha làm mẹ cơ bản nữa là:
CHỌN LỰA KHÔN NGOAN NHỮNG TRẬN ĐỐI ĐẤU – HẦU HẾT KHÔNG ĐÁNG ĐỂ HY SINH QUAN HỆ CHA MẸ-CON CÁI
Khi tôi dần lớn lên, bố luôn là quyền lực tối cao, là người có tiếng nói trọng lượng trong nhà. Tôi không hay giở giói cái thói TCĐ mỗi khi bố ra lệnh. Nhưng bạn thấy đấy, bằng trực giác, bố biết phương thức dạy dỗ phù hợp để đối phó với loại trẻ bướng bỉnh. Nếu ông nói: “Cindy! Ngồi xuống. Ngay!”, thì tôi sẽ ngồi. Không hỏi han hay tranh cãi gì cả. Tôi biết bố sẽ không nói bằng giọng đó trừ trường hợp cần tôi vâng lời. Nếu ông từng nói với tôi theo kiểu đó mọi lúc mọi nơi, tôi đã bắt ông tránh xa và không làm bất cứ thứ gì ông yêu cầu. Cha mẹ hãy chú ý này: Nếu bạn dùng tông giọng ra lệnh để nói mọi điều (“Lên nhà đi ngủ! “Ăn hết bữa tối đi!” “Mặc quần áo vào ngay không thì bảo!”), chẳng chóng thì chày bạn sẽ thấy TCĐ của mình cãi lại bạn mọi nơi mọi lúc.
Rất khó để duy trì một mối quan hệ tích cực và thân thiết với TCĐ nếu cả hai người đều tranh đấu liên miên giành quyền kiểm soát. Cha mẹ thường thấy mình lên giọng và mất bình tĩnh. Họ thường không nhận ra là, phần lớn chuyện trò giữa hai bên chứa những từ ngữ cay nghiệt và những chỉ thị tức giận. Nếu tình hình này xảy ra trong nhà bạn, bạn có thể thay đổi diễn biến quen thuộc đó. Nếu không muốn vấp phải sự chống đối khi yêu cầu con nghe lời mình, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi này: Liệu có đáng hay không? Có đáng đấu trận này chăng? Chuyện này ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ với con?
Trong gia đình luôn có những vấn đề không thể thương lượng: (1) an toàn thân thể, ví dụ, chúng ta không đứng trước mũi một chiếc xe đang chạy hoặc lái xe mà không cài dây an toàn, và (2) những giá trị đạo đức và tinh thần, ví như, ta không nói dối hoặc làm người khác tổn thương. Ngoài ra, chúng ta gắng để TCĐ của mình thỏa thuận đến một mức độ nào đó.
Một buổi sáng mùa đông lạnh lẽo, khi con trai Micheal của tôi mới bốn tuổi, nó định bước ra khỏi cửa mà không mặc áo len. Biết đầu óc một TCĐ suy nghĩ gì, tôi cho nó quyền lựa chọn: “Mike, con thích mặc cái áo len màu đỏ hay màu xanh?” Nhanh như chớp, nó quay lại và đáp: “Con không muốn mặc áo len.” Tôi phải đấu tranh với phản ứng cố hữu của mình, để không buột ra rằng nó tất nhiên sẽ phải mặc áo len, và khôn hồn thì tự chọn áo, không thì tôi sẽ làm điều đó thay nó. Nhưng tôi biết mình chẳng thể bắt nó mặc gì cả. Liệu cuộc cãi vã có làm hỏng cả buổi sáng bên nhau của chúng tôi hay không?
Nuốt cục tức lại, tôi hỏi nó một câu nữa: “Mike, thế con muốn mặc gì cho ấm nào?” Nó dừng chốc lát và rồi nhún vai, trả lời: “Con muốn mặc áo len của bố,” nó nói nghiêm trang. Một lần nữa tôi phải cố gắng kiềm chế lại để không quát um lên rằng chuyện đó thật lố bịch và rằng hãy mặc áo của nó vào đi. Tôi hỏi chồng tôi xem Mike có thể mặc một chiếc áo len của anh ấy không, và anh đồng ý. TCĐ bốn tuổi của tôi gần như lọt thỏm trong cái áo đó. Nhìn nó thật buồn cười, và tôi chỉ muốn dán lên lưng nó cái biển đề: “Mẹ tôi không lo cho tôi cái mặc!” Thay vào đó, tôi kẹp một chiếc áo len của Mike vào nách và bắt đầu hành trình. Chưa đầy mười lăm phút, Mike đã phát mệt vì vật lộn với cái áo len quá khổ. Cưỡng lại thôi thúc “Mẹ đã nói mà,” tôi chỉ làm như thường hỏi nó có muốn thay áo len của mình hay không. Không ngần ngại, thằng bé gật đầu, cởi ngay món đồ lùng thùng đó ra và mặc áo của nó vào. Chỉ vậy thôi. Không có gì to tát cả.
Lần tới nếu bạn muốn TCĐ của mình làm gì đó (mà tránh được một cuộc tranh đấu quyền hành), trước hết hãy quyết định xem xung đột có đáng hay không. Việc này không hề đơn giản, và có thể sẽ mất kha khá thời gian luyện tập cho tới khi bạn và TCĐ của mình có thể xác định rạch ròi những vấn đề có thể và vấn đề không thể thỏa thuận. Nhưng nỗ lực đó sẽ mang lại điều khác biệt lớn lao trong mối quan hệ của bạn đấy.
Vài năm trước, tôi từng nói chuyện với một nhóm cha mẹ tại một trường tư khá bảo thủ. Sau buổi nói chuyện, một người mẹ chờ khá lâu để trao đổi với tôi. Bà rất xúc động và buồn bã.
Bà nói: “Tôi có một cô con gái cứng đầu. Tôi thừa nhận mình đã rất nghiêm khắc, và đôi khi không linh hoạt. Nhưng tôi đã quản lý được nó, và nó biết ai mới là chủ trong nhà.” Bà dừng lại và chỉ vào khung cửa nhà thể chất. Đứng đó là một cô bé cau có, giận dỗi, nghịch kẹo cao su bem bép và dậm chân một cách sốt ruột. Mẹ nó quay lại nhìn tôi mắt rơm rớm.
“Con gái tôi đấy. Nó ghét tôi. Cô có cách nào khiến nó lại yêu tôi không?”
Đó là một bà mẹ yêu cầu sự tuân phục không bàn cãi, người đã cai trị với bàn tay sắt. Bà ép buộc con gái mình làm theo. Nhưng không hề nhận ra hậu quả cho tới ngày bà phải trả giá đắt cho sự vâng lời của con gái mình. Cô con gái vị thành niên chỉ muốn rời khỏi nhà, gạt bỏ tất cả những gì mẹ cô cho là quý giá. Mối quan hệ của họ đã tan vỡ. Có đáng phải đánh đổi sự phục tùng bằng cái giá như thế?
NHƯNG NẾU NHỮNG BẬC CHA MẸ KHÔNG NHẤT TRÍ?
Trong số độc giả đang đọc những dòng này, sẽ có người gật đầu tán đồng với tôi. Nhưng cũng có người đang nghĩ đến người bạn đời của mình, người có thể còn chẳng hiểu mấy về điều này. Cũng thường thấy cảnh trong một gia đình, hoặc bố hoặc mẹ sẽ tỏ ra khoan dung và thấu hiểu TCĐ hơn người còn lại, cho dù cả hai đều lo lắng cho đứa con của mình như nhau. Vậy trong những gia đình TCĐ chỉ thân thiết với một trong hai bậc thân sinh của mình thì sao? Còn những cha mẹ đơn thân đang vật lộn giữ cho cuộc sống con cái mình khỏi trục trặc? Và những gia đình rổ rá cạp lại, có mạng lưới quan hệ chằng chịt? Bất kể hoàn cảnh có khó khăn đến đâu, vẫn có thể tạo dựng và duy trì một mối quan hệ thật tích cực với TCĐ của mình.
Khi TCĐ của bạn khiến hai vợ chồng bất hòa
Mặc dù cha mẹ không cố ý yêu con nhiều hay ít hơn, nhưng không hiếm cha hoặc mẹ mâu thuẫn với đứa con không ngoan ngoãn làm theo những gì được bảo. Chẳng tốn nhiều thời gian để TCĐ nhận ra cách khích người nọ xung đột với người kia.
Susan thân với bố hơn mẹ. Bản thân cũng là một TCĐ, bố cô bé cố gắng tạo cho Susan ngoại lệ, đưa ra các lựa chọn và hiếm khi cao giọng hay phạt cô. Mẹ của Susan được nuôi dạy trong gia đình quân nhân, và bà nghĩ chồng mình đã quá chiều chuộng con gái. Nói cho cùng, người mẹ tin rằng cấp bậc đi cùng đặc quyền, và con cái phải phục tùng tuyệt đối cha mẹ và học cách làm theo chỉ dẫn chính xác đến từng li. Bà lo ngại cứ để Susan tự do đưa ra quyết định rồi sẽ làm hư con. Bà nói bà rất yêu con gái mình nên không thể để nó lạc lối. Bố của Susan cãi lại rằng ông đơn giản là giúp cho Susan trở thành một người có suy nghĩ độc lập.
Susan ghét việc chiều nào cũng phải làm bài tập về nhà. Cô bé thường thuyết phục ông rằng bài tập về nhà có thể để sau, nhờ thế họ có thể “cùng nhau chơi đùa.” Mẹ Susan nhất định cho rằng việc học lúc nào cũng phải được ưu tiên hơn việc chơi; người bố lại chỉ ra rằng bài tập lúc nào cũng nguyên đó còn con gái họ đang lớn rất nhanh. Dần dà Susan nhận định bố là người cho phép cô bé vui chơi còn mẹ là người cản cô lại. Quan hệ giữa hai mẹ con căng thẳng đến đỉnh điểm.
Trước khi Susan bước vào tuổi vị thành niên, mâu thuẫn giữa hai bố mẹ đã tới mức không tài nào chịu nổi. Trước bờ vực li hôn, cặp vợ chồng đã tìm đến nhà tư vấn hôn nhân-gia đình. Susan, dĩ nhiên, cần được cả bố và mẹ đánh giá cao. Cô bé cần tỏ ra ngoan ngoãn và học tính tự giác. Cô bé cũng cần được tự do đưa ra những quyết định của riêng mình và tự chịu trách nhiệm về chúng. Người cố vấn gợi ý bố mẹ của Susan nên thống nhất đưa ra những quy tắc nền tảng để nuôi dạy Susan.
Dù bài học này đến khi đã muộn, họ đều đồng ý nỗ lực. Họ thường hỏi nhau: “Vấn đề là gì? Chúng ta muốn Susan làm những gì?” Một khi họ thấy được mục tiêu – an toàn thân thể, trách nhiệm cá nhân, v.v – họ có thể mở một cuộc hội họp gia đình sau bữa tối, chia sẻ danh sách mục tiêu dành cho Susan, và cho phép cô bé quyết định một vài phương pháp để đạt được chúng.
Ví dụ, lệnh giới nghiêm là một vấn đề lớn. Susan ghét phải về nhà trước mười giờ tối ngày cuối tuần trong khi bạn bè được chơi bời tới tận nửa đêm. Mẹ khẳng định rằng bà tin tưởng Susan, nhưng bà mong Susan được an toàn. Bố bày tỏ rằng Susan cần có trách nhiệm cho mỗi quyết định mình đưa ra. Dù vậy, cả hai người đều đồng ý an toàn của Susan phải đặt lên hàng đầu. Susan cùng bố mẹ thỏa thuận giờ giới nghiêm vào nửa đêm ngày thứ Sáu và thứ Bảy, và có thể có ngoại lệ nếu cô bé gọi điện về nhà trước và cho họ biết cô bé đang ở đâu, mấy giờ sẽ về đến nhà. Bố thừa nhận rằng cần thiết phải theo dõi được con gái mình đang ở đâu, và mẹ đồng ý tin tưởng quyết định của con gái cho tới khi có lí do để không làm vậy nữa.
Dù phải mất hơn một năm để thấy được sự tiến triển vượt bậc trong quan hệ giữa Susan và mẹ mình, song cuộc hôn nhân của hai bố mẹ lại phục hồi nhanh chóng. Qua thời gian, mẹ của Susan đã học cách biểu đạt tình yêu và sự tôn trọng mình dành cho con bằng cách chừa cho cô bé rộng đường thương lượng. Bố của Susan đã có thể khiến con mình hiểu rằng vui vẻ nhưng phải có trách nhiệm, và Susan nhận ra rằng dù bố mẹ có đòi hỏi cô phải tuân theo quyền hành của họ, rõ ràng họ luôn nâng niu và quý trọng cô.
Khi bạn là phụ huynh đơn thân với một TCĐ
Hầu hết những cha mẹ đơn thân nằm trong hoàn cảnh người kia đã qua đời hoặc li dị. Kết quả là trẻ cảm thấy bất an và thậm chí giận dữ, khiến cho chúng đem tình thương của cha mẹ ra thử nghiệm. Rõ ràng biểu lộ tình yêu và tôn trọng với một đứa trẻ đang giận dỗi hay bối rối là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất. Nếu TCĐ nhà bạn đọc vị được bạn và tìm ra cách khiến bạn “mất tự chủ”, câu chuyện sau đây không chừng có thể giúp được.
“Không công bằng! Con ghét sống ở đây! Con sẽ tới sống với bố!” Sally đã nghe cậu con trai mười tuổi Ryan của mình đe dọa như vậy cả trăm lần. Suốt hai năm qua, Ryan đã bắt thóp mẹ. Hôm nay thì khác. Cô đã khác. Sally hít thật sâu và bắt đầu thực tập phương pháp dạy dỗ con mới.
“Ryan, nếu con đi, mẹ sẽ nhớ con ghê lắm. Nhưng mẹ không thể bắt con ở lại được.” Cô nghe thấy tiếng mình vẫn đều đều, và cô không chắc ai mới là người ngạc nhiên hơn, cô hay Ryan. Nó nhìn cô đầy nghi hoặc.
“Mẹ muốn con tới sống với bố?” Thằng bé hỏi. Sally mỉm cười và lắc đầu.
“Không, dĩ nhiên là không rồi. Mẹ muốn con ở đây với mẹ. Nhưng cả mẹ và con đều biết quy định tại đây. Nếu con không có cách nào sống chung với chúng, và nếu con quyết tâm tới sống với bố, mẹ sẽ không ép con ở lại.”
Ryan cau mày: “Nhưng quy định của mẹ thật ngu ngốc. Bố không bao giờ bắt con làm những chuyện đó ở nhà bố cả.” Sally gật đầu ra chiều thấu hiểu.
“Mẹ biết,” cô nói một cách thản nhiên, chống lại thôi thúc đưa ra nhận xét nào đó xa hơn. Cô đứng đó quan sát khuôn mặt con trai mình trong khi nó cũng nhìn cô để tìm kiếm biểu hiện giận dữ nào đó.
Cô cầu cho mình có đủ sức mạnh giữ vững nguyên tắc của mình với Ryan. Nó biết những từ ngữ nào sẽ làm cô phát cáu. Nó luôn có khả năng chọc vào điểm yếu của cô mỗi lúc phải to tiếng. Nhưng cô cũng đã quyết giữ chặt mối quan hệ mỏng mảnh với con mình. Cô từng chứng kiến mối quan hệ này đi xuống sau vụ li hôn và cảm thấy bất lực để giữ nó khỏi sụp đổ hoàn toàn. Ryan quá giỏi trong việc lôi kéo, quá lanh lẹ trong việc chộp lấy cơ hội để khiến bố mẹ chống lại nhau. Và Sally đã bị dồn xuống đáy với quá nhiều thứ xảy ra dồn dập – li hôn, áp lực công việc, cảm giác tội lỗi với Ryan. Cô thấy mình quát tháo con vì hầu hết mọi thứ. Nhưng giờ cô đã hiểu hơn. Cô sẽ không để tuột mất con trai mình.
Ryan đang đợi cô hành động như mọi lần, và nó hoang mang không chắc sẽ làm gì khi cô không quát nó nữa. Quyết tâm của nó có vẻ đã lung lay. Sally rướn qua ôm nó thật nhanh.
“Ryan, con có biết mẹ thích gì ở con không?” cô hỏi. Khi thằng bé lắc đầu, trái tim cô như vỡ ra. Chẳng lẽ nó không biết cô yêu nó đến mức nào sao?
“Con yêu, mẹ thích cách con ở bên mẹ khi mẹ cảm thấy mọi thứ đổ vỡ. Mẹ thích cách con ngồi cùng mẹ xem chương trình tivi cũ kĩ mẹ yêu thích mỗi tối trước khi đi ngủ rồi bắt mẹ bế con vào. Và mẹ đặc biệt thích cách con bảo vệ những gì mình tin tưởng, cả khi những người khác không đồng ý với con. Ryan, con là đứa trẻ tuyệt vời, và mẹ thật may mắn vì có con.”
Ryan cố không mỉm cười, nhưng nó không từ chối cái ôm của cô. “Có phải thế nghĩa là con sẽ không phải mang rác đi đổ nữa không?” Nó hỏi. Sally đẩy cậu bé một cách tinh nghịch.
“Cố gắng khá đấy. Nếu mẹ giúp con, và chúng ta sẽ làm việc đó nhanh gấp hai lần thì sao nhỉ?”
Thằng bé nhún vai và gật đầu. Nó nói: “Con phải gọi cho bố.” Tim Sally suýt nữa ngừng đập. Ryan lại gật đầu lần nữa: “Con nghĩ tốt hơn con nên nói với bố con sẽ không gặp bố cho tới cuối tuần này.”
Làm một ông bố/bà mẹ đơn thân mang tới những thử thách vắt kiệt sức và ngoài sức tưởng tượng, dù cho bạn có một đứa con vâng lời đi nữa. Thêm một TCĐ vào mớ hỗn hợp này, và đó có thể thành một công thức cho thảm họa! Nhưng một vài giải pháp thực tế có thể nhanh chóng mang lại sự nhẹ nhõm.
• Thử “trao đổi” TCĐ với một bố/mẹ đơn thân khác trong một ngày
Thường thì thay đổi không khí một chút sẽ giúp bạn dễ thở hơn. Cũng vậy, đôi khi tiếp xúc với một TCĐ khác sẽ khiến bạn khách quan hơn với con mình. Khi “trao đổi” lại, hãy chia sẻ với phụ huynh kia những điều thích nhất ở TCĐ của nhau. Hãy bắt đầu bằng những điều đại loại thế này: “Thứ tôi thích nhất ở Josh là…”
• Xin tư vấn từ một bậc phụ huynh bạn ngưỡng mộ – tốt nhất là một người đã nuôi dạy thành công TCĐ của chính người đó.
Tìm người sẵn sàng nghe những cuộc điện thoại bất chợt và cho bạn lời khuyên chân thành, không phán xét. Nhớ đừng làm phiền cố vấn của bạn bằng những câu hỏi dài dòng hoặc vào những lúc họ kín lịch. Nói cho người đó kế hoạch của bạn trong tình huống cụ thể, và lắng nghe các phản hồi và góp ý. Đừng ngại xin giúp đỡ khi bạn cảm thấy mất phương hướng. Hầu hết những người tư vấn tốt sẽ cảm thấy vinh dự vì bạn đã xin lời khuyên của họ.
Khi bạn có một gia đình chắp vá và một TCĐ
Cư xử với TCĐ trong những gia đình chắp vá là việc cực kì thách thức. Bạn không chỉ phải thay đổi cho phù hợp với bạn đời mới, mà còn phải học cách chấp nhận và thích nghi với những đứa trẻ khó hiểu và có những nét tính cách không thừa hưởng chút gì từ mình.
Tôi từng trò chuyện với cả tá cha mẹ đang gắng gượng yêu và hiểu một TCĐ, kẻ có vẻ quyết tâm phá hoại nền tảng của một gia đình mới. Một người mẹ bức xúc thừa nhận rằng cô đã đạt tới giới hạn với đứa con chồng cứng đầu mười hai tuổi, và không còn muốn cố yêu thương nó nữa. “Giờ nó muốn gì, tôi cho nó cái ấy. Tôi đáp ứng những nhu cầu vật chất,” cô đảm bảo với tôi, “nhưng tôi không thể để nó đùa giỡn với cảm xúc của tôi thêm nữa. Nó nghĩ tôi ghét nó, và tôi quá mệt mỏi để mặt đối mặt với nó hàng ngày nên tôi nghĩ sẽ cho nó thấy tôi từ bỏ hẳn mối quan hệ này.”
Tôi hiểu nỗi bức xúc của người phụ nữ đó. Bản thân cô ấy là cũng là một TCĐ, và đứa con chồng gần tuổi vị thành niên của cô đã tìm ra cách hiệu quả nhất để dồn cô vào chân tường mỗi khi họ đấu khẩu với nhau. Nó biết làm thế nào để khích bố đối đầu với người mẹ kế, và nó dùng đến mẹ đẻ như một phần lý lẽ. Nhiều lần nó đã thoát tội trót lọt với những hành vi hư hỗn của mình, và cô cảm thấy bất lực trong việc thực thi quy định mà không có sự ủng hộ của chồng.
Trường hợp này quá phổ biến. Kỉ luật, dĩ nhiên, không được phép suy suyển. Trong chương 5, chúng ta sẽ bàn về vài kỹ năng thực tế và hiệu quả để đưa TCĐ vào khuôn khổ. Tôi không hề biện hộ cho hành vi xấu của TCĐ. Nhưng để biện pháp kỷ luật nào đạt được hiệu quả như mong muốn, trước hết, cần phải xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa những bên liên quan. Tôi từng tiếp xúc với nhiều bậc cha mẹ đầu hàng trước chính con đẻ của mình. Không nghi ngờ gì, làm cha, mẹ kế là phải gắng sức để học cách yêu thương con người khác. Bạn không thể có một gia đình hạnh phúc mà không xây dựng và gìn giữ một mối quan hệ gần gũi và tôn trọng mỗi đứa trẻ. Dĩ nhiên trẻ con cũng cần phải tôn trọng cha mẹ, nhưng vì chúng ta là người trưởng thành, ta cần làm gương trước.
Khi cha mẹ đầu hàng và quyết định thoát khỏi mối quan hệ với con, hầu như luôn dẫn đến cảnh tan vỡ. Một gia đình không thể tồn tại mà thiếu tình yêu vô điều kiện dành cho nhau. Điều này không có nghĩa là bạn phải chấp nhận bất kể lối cư xử nào của con. Thay vào đó, cần hiểu là bạn vẫn kiên quyết bắt con tuân thủ những quy định và phạt nghiêm khi con phạm lỗi, nhưng trên tất cả để con hiểu là bạn vẫn yêu thương chúng.
Một TCĐ biết rằng bạn không thể ép nó yêu hay chấp nhận bạn. Nó cũng biết nó không cần phải làm những điều bạn nói. Điều duy nhất nó không biết là liệu bạn có tiếp tục yêu nó bất kể chuyện gì xảy ra hay không. Suy cho cùng, nó cũng đã mất đi ít nhất một trong hai bố mẹ của mình. Nó sẽ có được sự bảo đảm nào rằng bạn sẽ luôn gần gũi bên nó? Không dễ dàng, nhưng bạn có thể vun đắp niềm tin của con với và với gia đình mới của mình.
Tìm cách để đứa bé hiểu bạn là một thành viên và sẽ gắn bó với gia đình chắp vá này. Những cử chỉ quan tâm nho nhỏ cũng có ý nghĩa rất lớn với một đứa bé đang tìm kiếm dấu hiệu của sự an toàn. Ví dụ:
• Gợi ý cả nhà cùng làm một hộp thời gian. Yêu cầu mỗi thành viên trong gia đình góp một món đồ sẽ luôn nhắc họ về bước ngoặt này trong cuộc đời mình. Khuyến khích mỗi người viết một ghi chú ngắn gọn phát biểu cảm xúc bản thân, sau đó niêm phong lại và bỏ trong một phong bì. Cùng quyết định ngày nào sau này sẽ mở chiếc hộp này ra.
• Tìm cơ hội trò chuyện về tương lai như một gia đình. Ví dụ, mua vé một chương trình trong vài tháng tới, hoặc treo một cuốn lịch theo dõi hoạt động cả năm.
• Khi TCĐ của bạn (hoặc bất cứ đứa con nào) chứng kiến một trận cãi vã giữa bạn và người bạn đời mới, dành thời gian trấn an nó rằng mối quan hệ đó vẫn bền vững và gắn bó. Bất kể công cuộc hàn gắn và hòa giải khó khăn tới mức nào, con bạn cần được biết rằng tình yêu của bạn sẽ không thay đổi. Nếu trân trọng mỗi đóng góp của từng đứa trẻ cho gia đình, bạn sẽ xây dựng và củng cố mối quan hệ cả đời này.
ĐỪNG BAO GIỜ ĐẦU HÀNG!
Một vài người đọc đến đây có thể thấy nản, mất đi động lực và năng lượng cần có để bắt đầu và khôi phục lại mối quan hệ tốt đẹp với TCĐ của mình. Bạn có thể làm gì khi đã mất ý chí tiếp tục? Viễn cảnh này có làm bạn nhụt chí? Tôi không tin cha mẹ của TCĐ có thể tự mình xây dựng và vun đắp những mối quan hệ mỏng manh đó. Chúng ta có quá nhiều giới hạn cùng niềm kiêu hãnh và sự bướng bỉnh trong mình để trị những cái đầu cứng và nổi loạn.
Trong nhiều năm qua, tôi đã là một TCĐ, đã nuôi dạy một TCĐ, và đã làm việc cùng cha mẹ của TCĐ, và giải pháp hiệu quả duy nhất tôi thấy cho việc xây dựng và phục hồi lại những mối quan hệ tới giờ là: Tạo hóa có thể khôi phục lại tình yêu và làm mới niềm mong mỏi giữ cho những mối quan hệ của ta mạnh mẽ và bền vững.
Nếu bạn cảm thấy đã cạn kiệt lựa chọn – nếu bạn từng có nó – và bạn không thấy cách nào để xây dựng lại mối quan hệ với TCĐ của mình, hãy để tôi tặng bạn một hy vọng tuyệt vời nhất tôi từng tìm thấy và gần như đúng với tất cả mọi người. Tin tưởng con và quan trọng nhất, yêu con mình vô điều kiện. Đừng tuyệt vọng nếu mọi thứ không thay đổi ngay. Hãy cứ cầu nguyện và làm mọi thứ với thái độ của bạn. Đừng từ bỏ! Bạn có thể làm được!
NHỮNG LỜI TỪ TRÁI TIM CỦA MỘT TCĐ
• Hãy coi đây là một mối quan hệ đặc biệt. Chính điều đó mới có sức lay động con chứ không phải biết được bao nhiêu kỹ năng hay phương pháp làm cha mẹ.
• Con không cố tình trêu gan bố mẹ. Con chỉ muốn bố mẹ trân trọng cá tính của mình. Con muốn bố mẹ nhìn nhận con và yêu con dù thế nào chăng nữa.
• Nếu được yêu thương và trân trọng, con sẽ làm mọi thứ vì bố mẹ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.