Mẹ Không Thể Ép Con, Nhưng Thuyết Phục Thì Được

CHƯƠNG V. LÀM CÁCH NÀO ĐỂ ĐƯA ĐỨA CON CỨNG ĐẦU VÀO KHUÔN KHỔ?



Micheal Tobias, nhặt đồ chơi lên và cho vào giỏ ngay!” Ngay khi nhận ra mình đang ra lệnh cho đứa con trai bốn tuổi, tôi biết mình phạm sai lầm rồi. Đôi lúc tôi quên bẵng, và giờ vẫn thế, rằng Mike cứng đầu y như tôi mà tôi chẳng bao giờ ngoan ngoãn tuân theo những lời ra lệnh và đe dọa như thế cả. Nhưng tôi đã vượt rào mất rồi, và cũng chẳng có ý định sửa chữa.

Thấy Mike vẫn tỉnh bơ như không, tôi làm tới: “Mike, mẹ mà phải nhặt đồ chơi cho con, mẹ sẽ cho hết những đứa trẻ khác đấy.” Nó ưỡn ngực nhìn tôi, nói cứng: “Vậy mẹ đem cho đứa khác đi.” Tôi không khỏi kinh ngạc. Vài món trong đống đồ đó là đồ chơi ưa thích nhất của thằng bé. Nhưng chính nó cũng vượt quá giới hạn của mình rồi. Không nói thêm lời nào nữa, tôi gom đống đồ chơi và mang xuống ga-ra. Ngay trong tuần đó tôi trao chúng cho Quỹ Nhân ái. Sáu tháng sau, Mike vẫn không hé một lời hỏi tới bất kỳ món đồ nào trong số đó. Nó ý thức được cái giá phải trả, và đã chuẩn bị sẵn tinh thần.

Nếu bạn sinh ra một TCĐ, không cần nói bạn cũng biết những biện pháp kỷ luật có tác dụng với những đứa trẻ khác, lại chẳng mảy may phát huy tác dụng với một TCĐ. Từ khi trong nôi tới lúc xanh cỏ, TCĐ của bạn sẽ luôn “tặng” bạn những thử thách oái oăm, không giống chút nào những đứa trẻ khác cả. Cái lý lẽ bạn là người lớn, còn TCĐ nhà bạn là trẻ con không đủ thuyết phục. Bạn không thể trị chúng nhờ vào cấp bậc, đặc quyền hay đòn roi.

TCĐ tôn trọng quyền hành và trông đợi lòng tin cùng kỷ luật. Chúng chẳng mong bạn cho qua những hành vi tồi tệ của mình hay phải cho chúng những ưu đãi đặc biệt nếu không xứng. Chương này sẽ giới thiệu cho bạn vài phương cách đạt được mục đích chính yếu. Nhưng bạn cần tỉnh táo và giữ cái đầu lạnh. Bạn cũng cần mở lòng, thử những hướng đi mới mẻ. Và còn cần hiểu tại sao bạn không bao giờ phải từ bỏ uy quyền của mình khi quyết định chia sẻ nó với TCĐ, kẻ không thể sống thiếu quyền lực được. Thử một lần xem – bạn cũng chẳng mất gì mà. Nếu bạn đã hết cách, biết đâu thử làm những gì TCĐ đưa ra lại chẳng khiến bạn kinh ngạc về hiệu quả bất ngờ!

Mỗi khi nói hay viết về kỷ luật, tôi luôn nhấn mạnh nguyên tắc sau:

BẠN CÓ THỂ THỰC THI LUẬT LỆ, NHƯNG BẠN KHÔNG THỂ ÉP BUỘC TUÂN LỜI

Khi trở thành mẹ của cặp sinh đôi, tôi đã khám phá ra thực tế đáng kinh ngạc và cũng đáng bực mình. Dù mỗi đứa nặng chưa đến 3 kg, vẫn có những thứ tôi không thể bắt chúng làm cho nổi! Tôi không thể bắt chúng ngủ cả đêm hay ăn đúng giờ quy định hoặc giữ bỉm cho sạch. Khi chúng lớn hơn, tôi lại nhận ra rằng chẳng thể ép chúng tôn trọng hay yêu quý mình hay ngoan ngoãn nghe lời mình vô điều kiện.

Dù thích hay không, mỗi người trong chúng ta vẫn có ý chí tự do của riêng mình. Là cha mẹ, ta cần nhận thức được không thể bắt con cái nghe lời chỉ vì chúng ta muốn thế. Nếu bạn thường xuyên cãi cọ và dính vào những vụ tranh chấp quyền hành với TCĐ của mình, hãy xét lại cách truyền đạt điều bản thân bạn muốn. Nhiều khi chính cách bạn nói khiến TCĐ chọn cách bật lại. Nếu bạn quát tháo, hay ra tối hậu thư: tốt hơn hết là làm những điều bố/mẹ nói, không thì đừng trách, đứa bé sẽ không thèm nghe thêm câu nào nữa.

Tôi đã được giáo dục phải vâng lời từ khi còn rất nhỏ. Tôi hiểu tầm quan trọng của sự vâng lời, và chẳng có gì phải tranh cãi về điều ấy hết. Nhưng với tôi, vâng lời không có nghĩa là bảo gì phải nghe răm rắp điều đó. Tôi không dễ dàng phục tùng như vậy. Nhưng chỉ cần nói rõ ràng với tôi thế này: “Được rồi, thỏa thuận thế này nhé. Nếu con làm, thì sẽ như thế này; nếu không, sẽ là như thế…” Và tôi sẽ vâng theo. Tôi sẽ chỉ vâng lời nếu được phép lựa chọn. Tôi có thể chọn làm theo và được thưởng hay không làm và bị phạt – cơ bản là tôi được lựa chọn. Tôi không phục tùng vì sợ hãi hậu quả nếu không tuân theo. 

Một lần nữa, bạn có thể nghĩ điều này mới nực cười làm sao. Tôi chỉ cần vượt qua sự cứng đầu của mình và nghe lời là được mà. Nhưng điều đó không đơn giản với TCĐ. Bạn có thể đơn giản cho rằng những phát ngôn của các bạn chỉ là những “chỉ thị” hoặc “gợi ý”, nhưng vào tai TCĐ chúng thường được hiểu thành những mệnh lệnh được ban ra để giành quyền kiểm soát. 

VẤN ĐỀ KHÔNG PHẢI QUYỀN UY, MÀ LÀ CÁCH THỂ HIỆN NÓ

Một điểm đáng suy ngẫm dành cho bạn là phần lớn TCĐ vẫn luôn coi cha mẹ, thầy cô như những biểu tượng uy quyền trong cuộc sống của mình. Chúng sẽ thấy bất an nếu bạn không tin tưởng chúng như ranh giới bạn từng định ra. Nhưng chúng cũng không muốn bạn làm chủ. Chúng muốn bạn thừa nhận thế mạnh của bản thân và đưa ra những hướng dẫn và luật lệ.

Điều này thể hiện rất rõ trong cái mà tôi gọi là thuyết phục-vụ-tại-chỗ. Khi tôi dừng xe tại một quầy phục vụ thức ăn nhanh và gọi món qua ô cửa bé tẹo, tôi thường nghe được những câu như “Của bạn là 3.86 đô-la. Xin hãy tiến lên trước.” Xin hãy tiến lên trước. Không phải rõ rành rành rồi hay sao? Cho tôi xin! Chẳng lẽ họ nghĩ tôi ngu ngốc tới mức không biết đường mà lái lên chỗ cửa quầy để thanh toán ư?

Kiểu gì thì kiểu, trên đường ra quầy thu ngân, tôi sẽ hậm hực, khó chịu tới mức thề không bao giờ quay lại đây nữa. Tuy nhiên, khi nghe: “Của bạn hết 3.86 đô-la, thanh toán tại cửa sổ, xin mời,” tôi biết chính xác phải trả bao nhiêu tiền và trả ở đâu. Cách nói đó nhìn nhận tôi là người sáng láng và biết suy nghĩ. Tôi biết ăn thì phải trả tiền chứ. Tôi cũng biết không thể muốn trả bao nhiêu thì trả. Có giá tiền chính xác và địa điểm cụ thể, và tôi không tranh cãi gì điều đó cả. Thấy chưa, chính cách diễn đạt của bạn đã mang lại khác biệt. Có thể điều này chẳng là gì với bạn, nhưng lại rất quan trọng với TCĐ bởi chúng luôn muốn được ghi nhận cho việc hiểu được cái gì là đương nhiên.

Trong nhiều trường hợp, cha mẹ không nhận ra rằng những chỉ dẫn đơn giản (đi ngủ đi, ngồi xuống, đừng đánh em con nữa) lại có thể bị TCĐ xem như một mệnh lệnh khó chịu. Nhiều năm rồi tôi không bước chân vào một quán ăn trong vùng. Lý do? Có một cái biển lắp đèn nê-ông viết Vào trong này! Ác cảm của tôi có vẻ lố bịch, nhưng tôi vẫn cứ bực bội với lời ra lệnh ấy. Bộ phận marketing nghĩ nó hay ho, tôi lại thấy nó xúc phạm. Một tổ chức khác chuyên về lĩnh vực đồ gia dụng lại có khẩu hiệu Hãy về nhà đi! Mặc dù mục đích chỉ là cố lôi kéo sự chú ý, nó cũng tạo ra chút cảm giác ghét bỏ nhất định chứ. Ở vài bang miền Nam, có vô số biển báo trên đường cao tốc thông báo nơi đi với hàng chữ đỏ to đùng cộc lốc, Ra ngoài. Chồng tôi nghĩ đây là cách nhắc nhở thân thiện về lối ra nên đi, nhưng cái đầu óc bướng bỉnh của tôi lại thấy nó như một mệnh lệnh hống hách: Biến khỏi đường cao tốc ngay – tôi hiểu là thế đó! Thế nên nếu là tôi lái xe, tôi sẽ phóng qua những đường thoát có biển báo kiểu như vậy. Tôi đợi tới một lối ra thân thiện hơn dù có phải vòng xe lại.

Nếu bạn không phải một TCĐ, chuyện TCĐ hành xử như vậy nghe thật buồn cười. Sao phải làm khó mọi thứ khi đã biết con đường dễ dàng hơn? Tôi không cách nào lý giải rành mạch cho bạn được. Tôi chỉ có thể nói rằng TCĐ luôn dị ứng với những mệnh lệnh trực tiếp. Chúng chẳng cần quá mềm mỏng, kiểu Vào đây xem nào; Về nhà đi thôi; Lối ra của bạn ở đây, nhưng chúng muốn được tôn trọng trong giao tiếp.

Như vậy không có nghĩa là các bậc phụ huynh sẽ lờ đi hay giảm nhẹ hậu quả của những việc làm sai trái. Cải biến yêu cầu không có nghĩa là bạn buông tha cho con cái. Lời của bạn có sức thuyết phục hay không tùy thuộc vào cảm giác an toàn người làm cha mẹ có thể mang tới cho con cái. Bạn phải thực thi quy định nhằm ngăn con mình trở thành những đứa hư hỏng. Nhưng cách bạn chọn để truyền đạt điều muốn nói mới là yếu tố quyết định. Trong cuốn Làm cha mẹ với tình thương và óc logic, Foster Cline và Jim Fay đã diễn tả điều này rõ ràng nhất qua những ví dụ về Câu nói xung đột” và “Câu nói suy ngẫm”.

• Đứa trẻ gào lên điều gì đó không hay với bố mẹ:

CÂU NÓI XUNG ĐỘT: “Mày đừng có nói với tao bằng cái giọng đó!”

CÂU NÓI SUY NGẪM: “Con có vẻ không vui. Bố/Mẹ sẽ vui lòng nghe nếu con chịu dịu giọng đi như bố/mẹ.”

• Đứa trẻ lần lữa không làm bài tập về nhà:

CÂU NÓI XUNG ĐỘT: “Mày đi học bài ngay!”

CÂU NÓI SUY NGẪM: “Thoải mái xem tivi cùng bố mẹ khi nào con học xong nhé.”

• Hai đứa con cãi nhau:

CÂU NÓI XUNG ĐỘT: “Chơi với nhau cho tử tế. Thôi cãi nhau đi.”

CÂU NÓI SUY NGẪM: “Các con được hoan nghênh trở lại khi nào giải quyết xong chuyện giữa hai đứa nhé.”

• Đứa trẻ không làm việc nhà:

CÂU NÓI XUNG ĐỘT: “Mẹ muốn con xén bãi cỏ đó ngay lập tức!”

CÂU NÓI SUY NGẪM: “Mẹ sẽ đưa con tới trận đấu bóng ngay khi con xén xong cỏ.”

Phải mất công luyện tập để cải biến những hướng dẫn hoặc mệnh lệnh của bạn. Hãy nghĩ xem đâu là điều bạn và TCĐ thường tranh cãi nhiều nhất. Chọn ra ba xung đột đầu bảng rồi viết ra. Cố gắng ghi lại câu bạn thường nói trong lúc tranh cãi nảy lửa nhất. Sau đó thử thay đổi và viết cụm từ “suy ngẫm”. 

Chẳng hạn, tôi và Mike thường tranh cãi về việc thằng bé tắm quá lâu. Sau khi cân nhắc, tôi nhận ra câu nói xung đột của mình là: “Mike, đến lúc ra khỏi phòng tắm rồi đấy.”

Nó đáp sao? “Không!”

Tôi thử dùng tới câu nói suy ngẫm rằng: “Mike, con chuẩn bị ra ngoài chưa thế?”

“Không!”

Lại thử một lần. “Hai phút nữa, được không?”

Ngay lập tức thằng bé tán đồng. “Được ạ.”

Dù việc tìm ra những từ ngữ đúng đắn tốn thêm khối công sức, nhưng cũng đáng thử nếu TCĐ của bạn rỏ ra hợp tác thay vì chống đối ra mặt.

HÀNH ĐỘNG CỦA BẠN LUÔN HIỆU QUẢ HƠN CẢM XÚC

Mặc dù mỗi TCĐ tôi từng hỏi han đều nói rằng bố mẹ chúng quát nạt chúng – cực nhiều. Dĩ nhiên cha mẹ của TCĐ không vô duyên vô cớ nổi xung lên hay ngán ngẩm với hành vi của con mình. Họ luôn có lý do chính đáng. Nhưng cáu giận lại là cách kém hiệu quả nhất để thay đổi thái độ hoặc cách cư xử của một TCĐ. Người ta hay nói, cả giận mất khôn. Nếu bạn để cho cơn giận lấn lướt chi phối bản thân, chẳng chóng thì chày, bạn cũng chuốc lấy thất bại mà thôi. Tôi đã thấm thía điều này từ trước khi sinh TCĐ của mình.

Khi tôi còn là nhân viên cảnh sát thực tập, có cả tá lý thuyết và bài học thực tiễn về quy trình viết vé phạt giao thông. Thông thường là thế này: Khi bạn thấy một lỗi vi phạm giao thông và bắt đối tượng tấp vào lề đường, lúc đó bạn quyết định có viết vé phạt không hay chỉ cảnh cáo. Dĩ nhiên, nguyên tắc là không được để cảm xúc chi phối hành động, bạn không được để người vi phạm hay hoàn cảnh vi phạm luật giao thông ảnh hưởng đến quyết định của mình. Lý thuyết là vậy, nhưng tôi không phải lính mới duy nhất khó khăn lắm mới thực hành nổi việc này.

Có lần, tôi thấy một tài xế quay đầu xe sai quy định. Mặc dù hành động của anh ta không gây nguy hiểm cho bất cứ ai trong lúc đường vắng, nhưng cũng cần phải cho anh ta biết việc anh ta làm là không được phép và có thể gây nguy hiểm nếu đường đông. Khi người lái xe cho xe vào lề đường và tôi đỗ xe tuần tra của mình ngay đằng sau, tôi định sẽ chỉ lên lớp anh ta một bài đủ để anh ta không tái phạm lần sau. Tôi đinh ninh mình sẽ cứu cả một ngày của anh ta bằng việc để anh ta thoát một vé phạt rất đắt.

Nhưng trước khi tôi kịp hỏi bằng lái và đăng ký xe, người tài xế đã nhảy bổ xuống và bắt đầu quát vào mặt tôi những lời lẽ tục tĩu. “Sao bắt tôi tấp vào? Cô không còn gì để làm ngoài việc quấy rầy những công dân đúng mực hay sao? Sao cô không đi mà bắt tội phạm ấy?” Anh ta la lối om sòm. Phải thừa nhận rằng, cơn thịnh nộ của anh ta làm tôi sững cả người. Trước khi tôi có thể đáp lại, hắn chỉ thẳng tay vào mặt và nhìn vào mắt tôi. “Tôi không làm gì sai, và cô không thể viết vé phạt cho tôi được đâu!” Lý trí của tôi đã không thắng được cảm xúc. Cũng nói luôn rằng tôi không chỉ cho hắn một vé phạt vì vòng xe sai quy định mà còn tặng kèm vài phiếu cho những lỗi linh tinh nhưng đúng luật mà thường thì tôi sẽ nhắm mắt cho qua.

Cơn ức chế dâng cao vượt qua lý trí, và tôi phải dùng đến giải pháp dự phòng. Cuối cùng chúng tôi phải bắt giữ người lái xe vì tội cản trở công vụ và công kích một nhân viên cảnh sát. Nếu cứ theo cách giải quyết lúc đầu, biết đâu tôi đã giảm bớt mâu thuẫn rồi. Nhưng tính bướng bỉnh và cứng đầu khiến tôi không sẵn lòng nhượng bộ. Đến khi tôi nhiều kinh nghiệm và biết suy ngẫm hơn, tôi học cách rèn luyện phản ứng của mình và không để những tình huống vẩn vơ làm mình nóng mặt. Hóa ra đây lại là một trong những kinh nghiệm quý giá nhất tôi từng thu được để đối phó với TCĐ của mình.

TCĐ rất giỏi làm người khác tức điên. Chúng biết làm thế nào bạn sẽ mất bình tĩnh và mất kiểm soát. Nếu để cơn giận và sự ngang bướng của mình xen vào cuộc tranh cãi, vậy bạn thua rồi đấy. Bạn cần bình tĩnh và làm chủ được cảm xúc của mình, đặc biệt là cơn cáu giận. Không phải như vậy là bạn tha cho TCĐ của mình. Cũng không phải thế nghĩa là bạn để nó nghĩ hành vi sai trái của nó chẳng có gì to tát. Hành vi sai trái cần được trừng trị, nhưng quan trọng là trừng trị như thế nào. Điểm mấu chốt nằm ở cách bạn phản ứng trong từng trường hợp. Một đoạn tôi ưa thích trong cuốn Trẻ cứng đầu của tiến sĩ Dobson tổng kết lại vấn đề cảm xúc với hành động trong một ví dụ khác về nghề cảnh sát này.

Một người cảnh sát đứng nơi góc đường, không được trang bị bất cứ phương tiện gì để bắt giữ người cả. Không ôtô, không môtô; anh ta cũng không đeo phù hiệu, không mang súng, và chẳng được viết vé phạt. Phận sự của anh ta chỉ là đứng một chỗ trên lề đường và quát mắng nếu bạn phóng nhanh. Liệu bạn có đi chậm lại chỉ vì anh ta giơ nắm đấm lên phản đối hay chăng? Dĩ nhiên là không rồi! Biết đâu bạn còn vẫy tay với anh ta khi lao vút qua mặt nữa ấy chứ. Cơn thịnh nộ của viên cảnh sát sẽ chỉ tạo cho anh ta hình tượng châm biếm và xuẩn ngốc mà thôi.

Ngược lại, chẳng cảnh tượng nào ngăn chặn Những Yêng Hùng Xa Lộ hiệu quả hơn là thấy những chiếc xe cảnh sát đen-trắng với gần hai chục cái đèn đỏ nhấp nháy đằng sau truy đuổi gắt gao qua gương chiếu hậu. Khi ôtô của anh ta vào điểm đỗ, một viên cảnh sát tuần tra nghiêm nghị, nhã nhặn tiến tới cửa xe. Viên cảnh sát cao hai mét mốt, giọng nói sang sảng và mỗi bên hông kè kè một khẩu súng. “Thưa ông,” người cảnh sát nói kiên quyết nhưng lịch sự, “bộ phận ra-đa của chúng tôi báo rằng ông đi với tốc độ 100 km/h trong khu vực chỉ được đi 40km/h. Tôi có thể xem bằng lái xe của ông được không?” Anh ta mở cuốn sổ ghi chép bọc da và cúi xuống. Viên cảnh sát đó chẳng thể hiện thái độ thù địch hay chỉ trích gì cho cam, thế mà ngay lập tức bạn thấy mình sợ run bần bật. Lóng ngóng dò dẫm giấy tờ trong ví (cái có bức ảnh chụp lấy ngay xấu xí ấy!). Sao mà tay bạn lại ướt nhẹp còn mồm thì khô rang được nhỉ? Sao tim lại đập thon thót lên tận cổ được chứ? Bởi chuỗi hành động tiếp theo vị cảnh sát đó sẽ làm chẳng mấy dễ chịu. Than ôi, chính hành động của anh ta sẽ ảnh hưởng rõ rệt tới cách lái xe của bạn sau này đấy.

Phản ứng cảm tính của bạn, đặc biệt trong những trường hợp tiêu cực, sẽ chẳng đem lại một hiệu quả tích cực nào đối với TCĐ của bạn cả. Mặt khác, chính hành động của bạn mới có thể để lại ấn tượng đúng đắn và lâu dài.

LỜI NÓI CHẲNG MẤT TIỀN MUA…

Trong ví dụ đã nêu về câu nói xung đột và câu nói suy ngẫm, thật dễ thấy cách nào là tốt nhất để truyền đạt chỉ đạo của bạn. Nhưng trong lúc mâu thuẫn sôi trào, không dễ kiềm chế như vậy. Thường cha mẹ của TCĐ không nhận ra mình vừa khiêu chiến đứa con do cách diễn đạt của mình. Họ không có ý định cưỡng chế ép buộc, dù đứa con cứng đầu của họ có thể nghĩ thế đi chăng nữa. Phải trải qua luyện tập mới có thể trau chuốt từ ngữ làm cho mâu thuẫn tiêu tan thay vì bùng nổ thêm nữa. Dưới đây là ba mẹo có thể giúp bạn:

1. Nếu bạn có mối quan hệ tốt với TCĐ của mình, thử dùng một từ khóa xem sao

Thỏa thuận với nhau rằng, mỗi lần ngôn từ bạn nói nghe hăm dọa hoặc trịch thượng, TCĐ của bạn có thể dùng tới một ám hiệu giữa hai người. Lúc đó bạn có cơ hội dừng lại và cân nhắc xem nên nói như thế nào. Giả dụ, đó có thể là Ối. Bạn đang nói chuyện với TCĐ của mình, nó bỗng kêu “Ối!” một tiếng, và bạn hỏi: “Sao vậy? Mẹ nói điều gì hách dịch sao?” Nó sẽ cho bạn hay điều gì làm nó cảm thấy xúc phạm. Từ đó bạn có thể cân nhắc giữ nguyên lựa chọn từ ngữ của mình hay diễn đạt lại. Trong mắt của TCĐ, điều này không phải là điểm yếu. Thực ra, đây có thể là một trong những phương pháp hiệu quả nhất bạn có thể dùng để xây đắp và giữ gìn trong con lòng tôn trọng với bạn và quyền cha mẹ của bạn.

2. Tránh những cách nói như “con phải”, “con buộc phải”, hoặc “con không đời nào được phép”

Dù là TCĐ hợp tác nhất cũng không chịu để bị ra lệnh đâu. Nếu bạn nói: “con sẽ làm việc này,” tôi sẽ chọn cách không làm chỉ để chứng minh cho bạn thấy bạn không tài nào bắt ép tôi được. Tôi không định chơi trội hay nổi loạn gì cả. Tôi chỉ muốn bạn hiểu rằng tôi có quyền quyết định việc gì làm, việc gì không. Một lần nữa, cách diễn đạt lại làm nên sự khác biệt.

Nếu việc lúc nào cũng phải ngẫm nghĩ xem những từ ngữ của bạn vào tai TCĐ sẽ thành thế nào thật mệt mỏi và quá sức, thì, tôi phải thừa nhận rằng, việc đó đối với TCĐ tôi từng trò chuyện cũng vậy. Chúng chẳng làm cho bạn dễ thở chút nào. Nhưng mục đích của toàn bộ cuốn sách này là để giúp bạn tìm ra những giải pháp thực tế vượt qua nhanh chóng khó khăn trên và giao tiếp mà không cần nghĩ ngợi từng từ.

3. Dùng tới từ ma thuật Được không

Từ Được không luôn mang tới hiệu quả thần kỳ. Dùng từ này giúp cha mẹ duy trì quyền lực trong khi vẫn chia sẻ cho con chút ít quyền kiểm soát. “Từ ma thuật” này không phải với ai cũng có tác dụng, nhưng hiệu quả hơn 80% đối với TCĐ.

Lắng nghe sự khác biệt này:

“Tracy, thắt dây an toàn vào.”

“Không.”

“Mẹ nói thắt dây an toàn của con vào.”

“Không.”

Điều gì xảy ra tiếp theo? Không gì khác ngoài cuộc tranh cãi quyền lực hăng máu chẳng lợi lộc gì.

Nhưng thử thế này xem:

“Tracy, cài dây an toàn của con vào, được không?”

“Không ạ.”

“Sao lại không chứ?”

“Chặt lắm, con không thích đâu.”

“Ừm, vậy thì chúng mình nới lỏng ra chút nhé, rồi cài vào, được không?”

“Vâng ạ.” Cuối cùng cũng thành công, không mười lần cũng được tám, chín.

Ngạc nhiên thật, nhưng đúng đấy – một xíu thương lượng thường mang lại khác biệt. Từ Được không? cho TCĐ thấy rằng bạn hiểu nó luôn luôn có lựa chọn. Dĩ nhiên, Được không không có nghĩa là “Con không phải làm việc đó.”, mà nghĩa là: “Con có thể chọn nhận lấy hậu quả nếu muốn vậy.” 

CHO ĐI QUYỀN KIỂM SOÁT VÀ GIÀNH LẤY SỰ UY NGHIÊM CỦA CHA MẸ

Trong cuốn Làm cha mẹ với tình thương và óc logic, Foster Cline và Jim Fay đã làm sáng tỏ rằng cha mẹ có thể kiếm soát tới mức nào:

Quyền hành là một thứ kỳ lạ. Càng cho đi, chúng ta nhận lại càng nhiều. Cha mẹ nào gắng sức tước đi mọi quyền kiểm soát từ con mình cuối cùng lại sẽ đánh mất quyền hành mới đầu họ có. Những phụ huynh này chính là đã mời con họ vào cuộc chiến giành lại kiểm soát. 

Trong cuộc chiến quyền hành này, đừng bao giờ chiếm nhiều hơn phần chúng ta được nắm giữ;luôn cần chia sẻ nó với con mình. Làm vậy, chúng ta quản lý chúng trong điều kiện của mình. Phải cho con mình phần kiểm soát ta không cần đến để giữ quyền hành của chính mình.

Hãy nhớ rằng quyền hành không giống như quyền uy. Bạn có thể và rất nên duy trì uy nghiêm của bậc làm cha làm mẹ, nhưng để làm được điều đó, trước hết chính bạn phải tôn trọng đứa con TCĐ của mình đã. Bạn cần chỉ ra đâu là giới hạn, và chúng cũng sẽ cho bạn biết rằng chúng có thể giẫm qua vạch đó và chọn lấy hậu quả nếu muốn. Hãy tôn trọng ý chí tự do của TCĐ đồng thời biểu đạt lòng tin của mình.

Chẳng hạn, đến giờ cô bé Lisa ba tuổi phải ngủ trưa, bạn nói: “Lisa, đến giờ ngủ trưa rồi, con yêu. Con muốn ngủ ở giường con hay giường mẹ nào?” Bạn kiên quyết yêu cầu nhưng cũng đưa ra hai lựa chọn cho con bé.

Lisa lắc đầu: “Không, con không muốn ngủ trưa tí nào.”

Giờ là lúc bạn khẳng định: “Con phải nghỉ ngơi, ít nhất một lúc, không thì nhắm mắt cũng được. Nằm ở đâu cho con yên lặng đây nhỉ?” Dĩ nhiên, không có cách vạn năng nào hữu hiệu cho mọi trường hợp, nhưng bạn có thể bất ngờ khi thấy nếu cho TCĐ của mình chút quyền, có biết bao cuộc tranh cãi đã được dập tắt từ trứng nước.

GIỮ CHO MÌNH KHIẾU HÀI HƯỚC

Chuyện kể rằng có một con vịt bước vào cửa hàng tạp phẩm. Nó đi tới chỗ người bán hàng.

“Ông có nho không?”

“Không,” người bán hàng trả lời. Chú vịt đi ra ngoài.

Vài phút sau, chú ta lại bước vào. “Ông có nho không?”

Người bán hàng bực bội. “Tôi đã nói rồi. Không có nho.”

Chú vịt gật đầu, đi ra.

Lại thêm vài phút nữa, vịt ta lại vào trong: “Ông có nho không?” Nó hỏi thêm lần nữa.

Người bán hàng đỏ mặt tía tai, ông ta rướn người qua quầy hàng và giận dữ nhìn chú vịt. “Nghe đây, tôi đã nói với cậu đến ba lần rồi. Tôi không có quả nho nào cả. Nếu cậu còn vào đây hỏi tôi câu đó thêm một lần nào nữa, tôi sẽ đóng đinh cái chân có màng của cậu xuống sàn nhà đấy, hiểu chưa?” Con vịt chỉ nhún vai rồi bước đi.

Vài phút trôi qua, nó lại vào cửa hàng. “Ông có đinh không?” nó hỏi.

Người bán hàng cố nhịn tức trả lời: “Không có!”

Con vịt nhìn quanh. “Vậy có nho không?”

TCĐ không dễ dàng từ bỏ! Thay vì phật ý với chúng vì lẽ đó, thi thoảng hãy lấy đó làm vui xem sao. Chúng luôn cố đi trước bạn vài nước. Bạn có thể biến TCĐ trở nên phấn chấn hơn mà chẳng cần dẹp bỏ những kì vọng của bản thân. Hãy tận hưởng thực tế rằng bạn có một đứa con tuyệt vời độc nhất vô nhị, luôn mang tới sự ngạc nhiên và đầy tài năng. Chỉ dẫn cho chúng, nhưng đừng bắt chúng nhất nhất phải tuân thủ. Lòng tôn trọng đến từ cả hai phía, và nếu có được sự tôn trọng từ TCĐ, sau này bạn sẽ thấy kỷ luật không phải vấn đề to tát như trong quá khứ nữa. 

 NHỮNG LỜI TỪ TRÁI TIM CỦA MỘT TCĐ

• Với con, hiểu tại sao bố mẹ đặt ra quy tắc hoặc giới hạn nào đó là rất quan trọng.

• Nên chứng tỏ với con bằng hành động chứ không phải những cơn tam bành.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.