Mẹ Không Thể Ép Con, Nhưng Thuyết Phục Thì Được

CHƯƠNG VIII. KHI NÀO NÊN TỎ RA QUYẾT LIỆT?



3 giờ 02 phút sáng. Chuông điện thoại đổ dồn. Charles vẫn còn mắt nhắm mắt mở, nhưng vợ anh, Jennifer bật dậy ngay lập tức. “Tin về Angie đấy,” cô lặng đi. Tim cô nhói lên trong lồng ngực. Đứa con mười bảy tuổi bướng bỉnh của cô lại một lần nữa về muộn, chìm trong những cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Jennifer linh tính rằng lần này mọi chuyện nghiêm trọng hơn hẳn những lần trước. Charles chăm chú nghe và gật đầu vẻ nghiêm nghị.

Anh gác máy, gục đầu vào bàn tay rồi nói chậm rãi: “Angie đã lái xe. Con bé cùng Gina và Roger vừa rời bữa tiệc và đang trên đường về nhà. Con bé cua quá gấp. Chiếc xe lộn nhào và lao vào cây.” Jennifer kinh hoàng tột độ, và Charles nói tiếp thật nhanh: “Angie không sao. Con bé đã thắt dây an toàn và chỉ bị gãy tay cùng vài vết thâm. Roger đang trong tình trạng nguy kịch. Nhưng Gina thì không thể qua khỏi.”

Cú điện thoại đó đã thay đổi cuộc sống của gia đình họ mãi mãi. Jennifer và Charles đã vật lộn với bản tính bướng bỉnh của Angie bao nhiêu năm trời, đặc biệt là hai năm qua, mối quan hệ của họ thực sự tồi tệ. Angie kết thân với mấy đứa bạn không ra gì, và việc học của cô bé trượt dốc không phanh. Đến khi bố mẹ cô muốn xiết chặt quản lý và cải thiện điểm số và kiểm soát các mối quan hệ xã hội của mình, Angie phản ứng bằng cách càng chống đối dữ dội hơn.

Jennifer cảm thấy rằng Angie đã tuột khỏi tay họ từ nhiều tháng trước, nhưng vẫn cố duy trì tình trạng. Charles tự an ủi rằng có lẽ đó chỉ là một giai đoạn, và lũ trẻ rồi sẽ lớn lên, vượt qua thời điểm đó. Nhưng Angie ngày càng trượt dài. Con bé ăn cắp vặt, nói dối cha mẹ, gian lận kiểm tra ở trường, đe dọa những học sinh khác và ngập chìm trong những bữa tiệc thâu đêm với đám bạn hư hỏng. Gần đây, Jennifer còn nghi ngờ Angie dùng cả ma túy. Những cuộc gặp chuyên gia tư vấn của trường, mục sư nhà thờ và đội trưởng các nhóm thanh niên đều vô hiệu.

Và rồi cuộc điện thoại lúc sáng sớm đó đến.

Kiểm tra nồng độ ma túy và cồn của Angie sau tai nạn cho thấy cô bé đã chịu ảnh hưởng của cả hai thứ. Cô bé không chỉ gặp rắc rối với luật pháp mà còn phải chịu trách nhiệm trước cái chết của người bạn thân. Con bé suy sụp hoàn toàn. Hai tuần sau tai nạn, Angie tự tử nhưng không thành.

Bố mẹ cô tưởng như phát điên, và rồi, theo lời khuyên của một nhà tâm lý, đành lòng đưa con vào trung tâm phục hồi thanh thiếu niên. Chương trình của trung tâm này rất nghiêm khắc và cứng rắn, thế nên với bản tính bướng bỉnh của Angie, cô bé chẳng thay đổi gì. Sau lần tự tử thứ hai suýt thành, Angie và bố mẹ cô gặp một chuyên gia tư vấn rất uy tín chuyên về TCĐ. Sau khi cân nhắc cẩn thận, họ quyết định chọn một chương trình khác có vẻ phù hợp hơn với phong cách và tính khí của Angie. Mặc dù con đường còn dài và gian khổ nhưng Angie và bố mẹ cô đang từng bước tiến lên.

Chuyện của Angie cũng chẳng phải lạ lẫm gì, đặc biệt là đối với các TCĐ. Rất nhiều người trong số các bạn, những người đang đọc cuốn sách này hẳn đã có những trải nghiệm tương tự hoặc biết đến ai đó từng phải trải qua những chuyện như thế. Nhờ nói chuyện và làm việc với nhiều gia đình như gia đình Angie suốt vài năm qua, tôi đã tìm ra một số mô hình rõ ràng cũng như vài chiến lược đối phó với một TCĐ đã vượt quá giới hạn. Tôi không phải chuyên viên tư vấn, cũng chẳng phải chuyên gia về tâm lý hay về hành vi tội phạm. Nhưng tôi thực sự tin rằng tôi có thể chia sẻ một vài hướng dẫn chung cho bạn.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIẾT CON ĐÃ VƯỢT QUÁ GIỚI HẠN

Trong cuốn sách này, tôi đã đưa ra một số ví dụ về những hành động của các TCĐ không nên coi là thách thức hay nổi loạn. Tôi đã lý giải tại sao những TCĐ lại làm thế. Tôi hy vọng các nguyên lý và chiến lược làm cha mẹ của tôi có thể giúp bạn điều chỉnh và vun đắp mối quan hệ với TCĐ.

Nhưng tôi phải thừa nhận có một giai đoạn thực sự khó khăn, đó là khi bạn phải công nhận rằng TCĐ của mình đã vượt khỏi tầm kiểm soát và những luật lệ họ đặt ra không thể ngăn TCĐ làm tổn thương chính mình và người khác.

Sau đây là một số câu hỏi có thể giúp bạn kiểm chứng từng mặt đời sống TCĐ của bạn và xác định xem liệu mọi chuyện đã đi quá xa hay chưa:

An toàn về thể chất: Tính mạng của TCĐ của bạn có đang bị đe dọa không? TCĐ của bạn có gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác hay không?

Các giá trị đạo đức và tinh thần: TCĐ của bạn không đếm xỉa gì tới nguyên tắc trong gia đình hay vi phạm các giá trị đạo đức của bạn và gia đình?

Hành động phá hoại: TCĐ của bạn có gây ra thiệt hại về tài sản hay gây nguy hiểm tới tài sản của mọi người, kể cả chính tài sản của chúng?

Không trung thực: Bạn có phát hiện ra TCĐ của bạn cố tình nói dối hay che giấu sự thật không?

Nếu trả lời có cho bất kỳ câu nào trong những câu hỏi trên, bạn nên bận tâm. Nếu bạn mất kiểm soát trong bất kỳ mặt nào ở đây thì đã đến lúc hành động.

NÊN LÀM GÌ KHI BỊ MẤT KIỂM SOÁT

Nếu bạn cảm giác TCĐ của bạn đã tuột khỏi tay, hãy thử quy trình bảy bước sau đây, càng sớm càng tốt:

1. Trao đổi

Nói chuyện với người bạn đời của bạn hoặc ai đó ủng hộ bạn. Hãy trung thực đánh giá tình hình, xem có thật bạn đã mất khả năng kiểm soát con chưa. Xác định thời điểm bạn bắt đầu mất khả năng gây ảnh hưởng lên TCĐ của bạn.

2. Xử lý các vấn đề trước mắt

Cố gắng đưa ra quyết định dựa trên những gì đang xảy ra. Đừng đổ lỗi cho người khác hay tự dằn vặt bản thân về chuyện xảy ra. Mỗi người đều phải có một phần trách nhiệm nào đó. Và bạn phải chấp nhận rằng mình không thể kiểm soát được hết mọi thứ. Mọi TCĐ đều có ý chí riêng, và bạn chỉ có thể làm gì đó để tác động đến những lựa chọn trong cuộc sống của con bạn. Đừng ngại nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia, như vậy không có nghĩa là bạn đã thất bại trong vai trò làm cha mẹ. Vào thời điểm này, việc bạn tự dằn vặt mình hay cố gắng đổ lỗi, trút giận lên người khác sẽ chỉ càng phản tác dụng.

3. Xác định bạn cần hướng tới điều gì

Nếu quá căng thẳng, bạn có xu hướng trở nên khắc nghiệt với con hơn. Dù cho thực tâm bạn không muốn cực đoan như thế và bạn cũng lường trước được những phản ứng tiêu cực của con trong trường hợp đó, thậm chí nguy cơ lạm dụng thuốc.

Bạn có cần cách ly TCĐ của bạn khỏi nhà để đảm bảo an toàn cho gia đình không?

Con bạn có nguy cơ tự tử không?

Hay chúng chỉ đơn giản là cần thời gian và được một mình để tự hạ nhiệt?

Nếu gia đình thẳng thắn trao đổi với nhau, thì tình hình có khả quan hơn không?

Hãy xác định xem bạn cần làm gì để giúp TCĐ của bạn. Nếu được, lý tưởng nhất cả gia đình nên ngồi lại với nhau và lập một danh sách những mục tiêu cần đạt được. Kể cả nếu bạn có nổi cơn tam bành, hãy cố tỉnh táo hỏi mình một điều vô cùng quan trọng: “Làm vậy để làm gì? Mình muốn nhắm tới điều gì khi làm việc này?” Nếu bản thân còn không biết nhắm tới điều gì, làm sao bạn có thể thành công được?

4. Nhờ chuyên gia tư vấn

Không thiếu những chương trình, đội ngũ chuyên gia tư vấn và chuyên gia y học/sức khỏe tâm thần làm việc hiệu quả trong nước cũng như trên thế giới. Nhưng ngay cả những chương trình chuyên nghiệp nhất với những thành công đã được ghi nhận cũng vẫn có thể phản tác dụng nếu những kỹ thuật được sử dụng hoàn toàn trái ngược với bản tính tự nhiên và cách tư duy của con bạn. Biết được điều này không có nghĩa bạn sẽ tìm được một chương trình mà TCĐ của bạn sẽ yêu thích, nhưng cũng có nghĩa bạn sẽ tăng khả năng tìm được một chương trình thực sự có hiệu quả lâu dài.

Hãy đảm bảo rằng chuyên gia mà bạn chọn có chứng chỉ quốc gia, là thành viên của các tổ chức chuyên nghiệp, có tài và có tâm. Nếu muốn, bạn có thể hỏi vài câu quan trọng để xác định xem người này hay tổ chức này có phù hợp và phối hợp tốt với con bạn không. Hãy hỏi:

Nhiệm vụ và mục tiêu mà tổ chức hướng tới là gì?

Anh sẽ làm gì để kiểm soát hành vi của con tôi?

Làm thế nào tôi biết chương trình này đã thành công?

Anh có cố gắng dập tắt tinh thần của đứa trẻ hay đơn giản là khống chế các mong muốn của nó? Anh sẽ làm như thế nào?

Các nhân viên sẽ áp dụng các phương pháp huấn luyện nào dành cho những nhu cầu và vấn đề của một đứa trẻ bướng bỉnh?

Vào lúc nào chúng ta có thể biết được rằng chương trình này là thành công hay không?

5. Tìm kiếm nhiều lựa chọn

Đừng chỉ túm lấy giải pháp đầu tiên xuất hiện. Trước hết, hãy lắng nghe lời khuyên từ những người mà bạn tin tưởng nhất, đặc biệt là bạn bè hay người quen đã thành công trong việc nuôi nấng TCĐ của họ. Như thế, bạn sẽ có được luồng ý kiến đa chiều hơn, và ý kiến hay nhất đôi khi lại đến từ các cặp cha mẹ không cùng cảnh ngộ. Tuy nhiên, hãy kiên định, giữ vững hy vọng và đừng để người khác làm nhụt ý chí của bạn. Tham khảo ý kiến vài nhà chuyên môn thậm chí là các chuyên gia nếu thấy cần. Hãy tin tưởng bản năng làm cha mẹ của bạn. 

Hãy luôn tâm niệm, mỗi bước này đều đòi hỏi thời gian. Dù bạn có mong muốn được giải thoát ngay tức khắc khỏi tình trạng khốn khổ đó bao nhiêu đi nữa, thời gian để con bạn hồi phục có thể mất nhiều tuần, nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm. Hãy chú ý và chúc mừng từng thành công nho nhỏ. Hãy thật kiên trì. Vì đôi khi, có thể bạn sẽ phải làm đi làm lại nhiều lần. Đừng bỏ cuộc!

6. Đừng cố tự làm điều này một mình

Tìm những nhóm người đồng cảnh ngộ để được chia sẻ và thông cảm. Hãy ở bên những người không phán xét. Làm hết sức và không trách cứ bản thân.

7. Yêu thương TCĐ của bạn, và hãy thể hiện tình yêu thương đó càng nhiều càng tốt

Nhưng đừng do dự trong quyết định của mình khi tìm cách tốt nhất để giữ TCĐ của bạn được an toàn và khỏe mạnh mà không gây hại cho các thành viên trong gia đình hay trong xã hội.

KHÔNG NGỪNG HY VỌNG

Tôi chưa từng gặp bậc phụ huynh nào lại ngần ngại bỏ tiền của hay thời gian nếu như vẫn có hy vọng cứu vãn. Với tâm lý còn nước còn tát, nhiều cha mẹ sẵn sàng bán nhà bán cửa, thế chấp mọi thứ, thậm chí vay nợ, xoay đủ nghề chỉ để tìm ra con đường giúp TCĐ của họ được an toàn, có ích và thành công.

Có thể bạn đang đọc những dòng này sau những cơn giông tố do chính TCĐ của bạn gây ra. Những lúc thế này, không có gì đảm bảo cả, chỉ có niềm hy vọng. Con đường dẫn dắt con trở lại sẽ đầy chông gai, đắt đỏ và dài đẵng đẵng, nhưng đứa con của bạn xứng đáng với điều đó. Sự giúp đỡ sẽ đến khi bạn đến đường cùng. Bạn sẽ không phải trải qua tất cả những điều này một mình. Đây có thể là điều khó khăn nhất bạn từng làm, thế nhưng đó cũng là điều xứng đáng nhất.

 NHỮNG LỜI TỪ TRÁI TIM CỦA MỘT TCĐ

• Bố mẹ có thể sẽ phải cứu con, cho dù con có chối rằng con không cần sự giúp đỡ của bố mẹ.

• Đừng nhắc con về những thất bại của mình. Hãy luôn nhất mạnh đến những tiến triển của con.

• Đừng bao giờ ngừng yêu thương con.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.