Minh Triết Trong Đời Sống
2. Tính nóng giận
Thời gian hưu trí mà Boyd mong đợi từ lâu đã đến nhưng nó đến cùng một lúc với bệnh cao huyết áp, bệnh tim và bệnh phong thấp. Boyd là nhân viên kiểm soát tài chính cho một công ty lớn, ông chuyên tính toán những con số bằng máy vi tính nhưng bây giờ bác sĩ khuyên ông hãy toan tính cho việc chăm lo chính bản thân mình thì hơn. Là một người nóng tính như lửa, ông thú nhận với tôi:
– Thưa bà, tôi phải tìm cách làm chủ tính nóng giận, nếu không thì với bệnh tim và cao huyết áp, tôi khó có thể kéo dài cuộc sống hết năm nay.
Vợ chồng Boyd đến tham dự khóa dạy Yoga cho những người cao niên của tôi. Ông cho biết ngay trong buổi thực tập đầu tiên, ông đã cảm thấy như có ai nhấc gánh nặng ngàn cân ra khỏi vai ông, chưa bao giờ ông lại thấy mình có thể thoải mái, thư giãn như vậy. Ông tâm sự:
– Thưa bà, trước đây vợ chồng tôi chỉ ao ước đi du lịch vòng quanh thế giới bằng tàu thủy nhưng bây giờ thì chúng tôi chỉ mong có được sự yên tĩnh thoải mái. Nỗi khổ tâm của tôi là tính nóng giận, như đã kể, tôi là một người nóng tính như lửa. Khi đi làm, tôi là một “hung thần” đối với nhân viên dưới quyền, ai trái ý là có chuyện với tôi ngay. Bây giờ tuy về hưu nhưng tính tôi vẫn nóng như xưa. Trưa hôm qua tôi đang ngủ thì có người gọi cửa, hắn muốn mời tôi mua bảo hiểm. Tôi chỉ muốn bẻ cổ hắn ngay lập tức vì đã phá giấc ngủ của tôi. Tuy đó chỉ là chuyện nhỏ nhưng cho thấy sự thật là tôi vẫn nóng như hồi nào. Có điều bây giờ đã già, huyết áp cao và thêm bệnh tim, nóng nảy quá chỉ có hại nên tôi muốn tìm cách chinh phục sự nóng giận này.
– Có nhiều phương pháp chinh phục sự nóng giận, vì ông là một chuyên viên vi tính nên tôi tạm sử dụng những thuật ngữ vi tính cho dễ hiểu. Có ba cách chinh phục sự nóng giận: Xóa bỏ (Delete), Kiểm soát (Control), và Thêm vào (Insert).
Phương pháp Xóa bỏ như sau: Đã từ lâu các vị đạo sư phương Đông đều nói rằng chúng ta ăn thứ gì thì sẽ chịu ảnh hưởng những thứ đó. Do đó, việc loại bỏ các thức ăn như thịt, cá là điều rất cần để kiểm soát tính nóng giận. Trong cuốn Các luân xa (The Chakras), tác giả C. W. Leadbeater đề cập đến việc chất thịt làm thân thể trở nên nặng trược, thô kệch, có những rung động làm ngăn trở luồng vận chuyển của sinh khí qua các luân xa và gây nhiều tai hại đối với cơ thể. Muốn hiểu rõ chi tiết, ông nên tìm đọc cuốn này. Sách vở của truyền thống Vệ Đà cho rằng thịt cá mang tính chất nặng trược hay Tamas, ảnh hưởng và kích thích sự tức giận, dâm dục, thuộc các cơ quan cấp thấp trong cơ thể.
Nếu nói một cách khoa học hơn, có lẽ ông biết rằng ngày nay người ta thường chích vào thân thể các gia súc như bò, gà, heo những liều thuốc kích thích có chứa hormone tăng trưởng và hàng trăm loại hóa học khác mục đích để làm sao cho chúng béo tốt, nặng cân. Dĩ nhiên những hóa chất này có hại cho huyết quản và sức khỏe con người vì hậu quả việc sử dụng hóa chất chưa được nghiên cứu cẩn thận, kỹ lưỡng. Khi những con thú này bị đưa đến lò sát sinh, lòng sợ hãi hoang mang, ý tưởng căm thù của chúng cũng tạo ra những thay đổi trong thể xác, ảnh hưởng vào hạch nội tiết, tạo ra những hóa chất trong máu huyết hay xác thịt của chúng. Do đó khi ăn nhiều thịt, chúng ta chắc chắn sẽ gặp những phản ứng bất lợi không thể lường trước được. Tóm lại, chúng ta ăn thứ gì thì trở thành thứ đó, muốn giữ thân thể lành mạnh, trí óc an tĩnh thì chúng ta chỉ nên ăn các thức ăn tinh khiết mà thiên nhiên đã mang lại như rau trái, các loại ngũ cốc mà thôi.
Một điều khác cũng cần “xóa bỏ” nữa là việc xem phim ảnh, chương trình truyền hình mà không chọn lựa. Các chương trình có nội dung bạo lực có thể ảnh hưởng lên đầu óc chúng ta một cách vô thức và tạo ảnh hưởng khiến người xem dễ trở nên nóng nảy, bạo động. Các hình ảnh khêu gợi, kích thích tính dâm dục cũng gây nên hậu quả không tốt vì đam mê thèm khát cũng là mặt trái của tính nóng giận.
Bây giờ chúng ta hãy xem đến phương pháp Kiểm soát (Control). Như ông thấy, việc mất đi năng lượng tạo nên sự tức giận và chúng ta đều mất năng lựợng khi chúng ta nói nhiều. Đa số các đạo sư phương Đông đều khuyên học trò nên kiểm soát việc nói năng, không được phát ngôn bừa bãi. Các ngài dạy học trò phải giữ yên lặng vài giờ mỗi ngày và sau đó gia tăng thời gian này lên như một phương pháp làm chủ xác thân. Khi không làm chủ được thân xác, lời nói cử chỉ làm hao tán năng lượng một cách phung phí và hậu quả là chúng ta không còn kiểm soát được mình nữa. Đó là nguyên nhân của hầu hết những nỗi tức giận, bực dọc và bất an trong đời sống.
Nếu đã kiểm soát được những điều trên, ông có thể Thêm vào (Insert) hay thay thế các thói quen không tốt bằng những thói quen tốt hơn. Việc luyện tập các tư thế Hatha Yoga có công dụng điều hòa sự bài tiết, giúp xác thân khỏe mạnh, làm êm dịu hệ thần kinh. Việc thực tập hô hấp theo phương pháp khí công Pranayama giúp thân thể tự động điều hòa, tống thải các chất cặn bã. Việc thiền định và quan sát bản thân qua câu hỏi “Ta là ai” sẽ giúp chúng ta nhận thức rằng chúng ta không phải là các cảm xúc của chúng ta. Việc đồng hóa với tâm thức thay vì cảm xúc sẽ giúp chúng ta ý thức rõ rệt mình là ai, và lấy lại sự quân bình và kiểm soát được chính mình.
Nhà tư tưởng George Ivanovitch Gurdjieff nói rằng phần đông chúng ta đều sống như một cái máy. Khi mọi việc suôn sẻ, chúng ta thấy vui vẻ nhưng khi gặp lúc khó khăn thì chúng ta ngã lòng thối chí ngay. Tất cả mọi việc đều “xảy ra” cho chúng ta: thương yêu, thù hận, ham muốn, giận hờn. Chúng ta sống và hành động như thể chúng ta là những “hậu quả” mặc dù thật ra chúng ta chính là “nguyên nhân”. Tóm lại, sự thay thế những năng lượng giận dữ qua việc tập luyện này sẽ giúp chúng ta thoát khỏi tình trạng thụ động, “sống như một cái máy”. Đã đến lúc chúng ta phải biết cách sai khiến “con ngựa tâm thức” thay vì để nó điều khiển cuộc đời chúng ta.
– Thưa bà, đó là điều tôi cần để kiểm soát sự nóng giận sao?
– Ông cần hành động chứ không phải chỉ nghe nói suông. Nếu làm được phân nửa điều tôi trình bày thì ông cũng tiến rất xa trên đường làm chủ bản thân của ông rồi.
– Nhưng… nhưng nếu như vẫn có kẻ chọc tức tôi thì tôi phải làm sao đây…
– Nếu đã làm chủ được chính mình thì những lời chọc giận đó làm sao có thể ảnh hưởng đến ông được? Ông nên suy ngẫm về câu nói: “Chúng ta không bao giờ nhìn đúng về người khác mà chỉ nhìn họ theo quan niệm riêng của chúng ta mà thôi”.
– Thưa bà, tôi có thể tạm thời chấp nhận được ý kiến đó nhưng nếu có kẻ cố ý chọc tức tôi và mọi sự hoàn toàn là do lỗi của y chứ không phải lỗi của tôi thì sao?
– Trong trường hợp đó ông có thể suy ngẫm về câu chuyện sau. Một hôm Đức Phật hỏi người kia rằng: Nếu anh đưa cho tôi một tờ giấy mà tôi không nhận thì sao? Người kia trả lời: Nếu Ngài không lấy thì tôi giữ lại tờ giấy đó chứ sao nữa. Đức Phật bèn nói: “Đối với các lời nhục mạ của anh, tôi cũng làm đúng như vậy. Tôi không nhận nó và nó ở lại với anh”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.