Minh Triết Trong Đời Sống

43. Bệnh tật: nguyên nhân và cách điều trị



Yvonne là một nữ điều dưỡng có nhiều năm kinh nghiệm ở một trung tâm nghiên cứu về bệnh Ung thư. Cô tham dự buổi diễn thuyết của tôi về phương pháp dưỡng sinh của người phương Đông. Cô nói:

– Thưa bà, trước đây tôi không để ý gì đến điều này nhưng hiện nay nhờ chứng kiến tận mắt một phép lạ mà tôi hết sức tin tưởng về phương pháp điều trị và dưỡng sinh của người phương Đông. Cách đây ít lâu tôi có chăm sóc một bệnh nhân bị chứng ung thư gan, các bác sĩ đều nói rằng ông ta khó sống qua năm nay. Ông ta bèn khởi sự thiền định, tập trung tư tưởng vào một trạng thái sức khỏe tốt đẹp hoàn hảo. Ông “quán tưởng” rằng lá gan của ông hoàn toàn tốt đẹp, không hề bị bệnh gì, và sau một thời gian tự nhiên ông hồi phục, lá gan của ông trở lại bình thường khiến các bác sĩ đều ngạc nhiên. Một số kết luận rằng cơ thể của ông thích hợp với các phương pháp điều trị và thuốc men, nhưng là nữ điều dưỡng nên tôi biết rất rõ tình trạng của bệnh nhân này. Sự tò mò về nguyên nhân và cách điều trị khiến tôi tìm đọc các sách nói về Tâm sinh bệnh lý như cuốn “The Stress of Life” của Hans Seyle, “Anatomy of an Illness” của Norman Cousins, và công cuộc khảo cứu về bệnh Ung thư của bác sĩ Carl Simonton. Tôi cũng khởi sự tham thiền, và sau một thời gian tôi bắt đầu cảm nhận sức mạnh tuyệt diệu mà thiền định mang lại cho tôi. Khi trí óc hoàn toàn an tĩnh thì nó mở lớn ra như một tờ giấy trắng mà tôi có thể viết lên đó bất cứ cái gì tôi muốn. Tôi nghiệm ra rằng chính tôi có thể góp phần tạo dựng lại số phận và tình trạng sức khỏe của chính mình. Điều tôi thắc mắc là tôi sẽ ảnh hưởng thế nào đến số phận của mình hàng ngày, khi làm việc, lúc không thiền định? Phải chăng mỗi người đều ít nhiều góp phần vào công việc tạo dựng hay hủy hoại sức khỏe và số phận của họ?

– Đúng thế, tất cả chúng ta đều trực tiếp ảnh hưởng đến số phận và tình trạng sức khỏe của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày, tùy theo thái độ, quan niệm và cách xử sự của chính chúng ta. Các dòng tư tưởng tình cờ, không kiểm soát sẽ đem lại các hậu quả ngẫu nhiên và ảnh hưởng đến chúng ta một cách bất ngờ. Một tâm trí bình an giống như một cánh đồng màu mỡ không có cỏ dại và một tâm trí xáo động, tràn ngập các tư tưởng sai quấy thì giống như một cánh đồng mà cỏ dại mọc tràn lan.

– Thưa bà, tôi muốn dạy bệnh nhân cách tham thiền nhưng không mấy người chịu tập. Tôi kể cho họ nghe chuyện người bệnh ung thư gan đã tự chữa khỏi bệnh nhưng không mấy ai chịu tin. Tôi đưa những cuốn sách của Hans Seyle, Norman Cousins và Simonton viết về ảnh hưởng của tâm lý đối với sinh lý mà chẳng ai chịu đọc. Đa số bệnh nhân cứ than thở, trách móc về số phận không may của họ. Nếu cứ tiếp tục như thế thì làm sao bệnh trạng có thể thuyên giảm được.

– Cái đó cũng là sự thường thôi. Thói thường người ta không tin những điều giản dị mà chỉ quan tâm đến những cái phức tạp rắc rối mà mình không thể hiểu. Việc sử dụng trí óc như tham thiền, nhập định, thay đổi chính mình chứ không cần sự trợ giúp bên ngoài thì không mất tiền, không mất thì giờ, lại bị đa số người Tây phương cho là không có giá trị. Quan niệm của người Tây phương là cái gì càng đắt, càng quý, càng khó tìm, càng khó khăn thì càng giá trị. Một phần nữa, đa số được giáo dục rằng phải trông cậy vào các cơ quan y tế. Các cơ quan này phê chuẩn và hướng dẫn chúng ta trong giới hạn và kiến thức của họ. Các trường y khoa không hề dạy cho sinh viên về sức mạnh tâm linh, sức mạnh tư tưởng, hiệu quả của thiền định, ảnh hưởng của tư tưởng đối với thể xác. Họ cũng phủ nhận các quan niệm y học của người phương Đông như huyệt đạo, kinh mạch nối liền các thể, các luân xa hay trung tâm năng lực tâm linh, sự liên hệ giữa sinh lực và các hạch nội tiết hay dịch thể của xác thân, v.v. Có lẽ vì thế mà các bác sĩ y khoa thường bỏ qua những dữ kiện, bằng chứng không hợp với tiêu chuẩn hay khuôn mẫu của họ. Có lẽ họ không chấp nhận vì sợ thay đổi, sợ phải đối mặt với những yếu tố có thể phá vỡ quan niệm cố hữu của họ, sợ các bằng chứng có thể chọc thủng truyền thống khoa học như vật lý, hóa học, sinh lý học, giáo dục và cả tôn giáo nữa. Giống như một người muốn lên thang lầu nhưng cứ nắm chặt lấy lan can mà không chịu buông.

Để tôi kể cho cô nghe thêm một câu chuyện sau: Có một phụ nữ mắc bệnh suyễn rất nặng đã hơn hai mươi năm. Các bác sĩ phải dùng Adrenaline và Cortisone để làm dịu cơn bệnh mỗi khi nó bùng phát. Hai loại thuốc trên rất đắt và phải được điều trị dưới sự kiểm soát của các bác sĩ hàng tháng vì sợ phản ứng. Một bác sĩ nói rằng suyễn là một căn bệnh không thể chữa được, y học hiện đại chỉ có thể tạm thời làm dịu cơn bệnh mà thôi. Người phụ nữ trên đã trả một giá rất đắt cho công cuộc điều trị suốt mấy chục năm cho đến khi qua Ấn Độ trả 2 rupees cho một bác sĩ chữa theo phương pháp Ayruveda, một ngành y học cổ truyền đã có lịch sử hơn 5.000 năm. Phương pháp này chủ trương điều trị toàn thể con người chứ không giới hạn việc chữa trị vào một trạng thái. Chỉ hai hôm sau, bệnh suyễn đã dứt hẳn và không bao giờ tái diễn nữa. Bệnh nhân trở về Hoa Kỳ, kể cho các bác sĩ tại đây nghe thì các ông này đều cười và nói rằng họ không thể làm gì khác được, điều này hoàn toàn nằm ngoài giới hạn hiểu biết của họ. Đây là một câu chuyện có thật vì đó là trường hợp của chính tôi. Một người bạn rất thân của tôi, giám đốc một nhà xuất bản lớn cũng gặp trường hợp tương tự: Các bác sĩ đã bảo Jane rằng nếu không chịu giải phẫu não để cắt đi cái bướu trong sọ thì bà không thể sống quá ba tháng. Jane không muốn bị giải phẫu, bà tham thiền và niệm một bài chú thiêng để chữa bệnh trong suốt 21 ngày. Sau đó bà đi chụp X-quang thì thấy cái bướu đó đã xẹp hẳn xuống và theo thời gian thì mất hẳn, mặc dù có bằng chứng hiển nhiên rõ ràng như vậy nhưng các bác sĩ nhất định không tin phương pháp mà họ gọi là “vô lý” này. Họ gạt bỏ tất cả mọi dữ kiện không phù hợp với giới hạn tham khảo của họ và kết luận rằng nạn nhân chỉ gặp “may mắn” mà thôi.

Mặc dù thế, đến nay đã có bao nhà thông thái chuyên môn nhìn nhận rằng: “con người vốn có khả năng tự chữa bệnh cho chính họ” vì nguyên nhân và phương pháp điều trị đều nằm tại chính con người. Chẳng hạn, giáo sư Troskin, giám đốc trung tâm nghiên cứu về bệnh Ung thư của Nga đã chứng minh rằng lượng tế bào bạch huyết bị suy giảm khi bệnh nhân ung thư bi quan, tiêu cực hay phát ra những lời nói có tính cách giận dữ. Ngược lại, lượng bạch huyết gia tăng lên nhiều khi người ta có thái độ tích cực, thoải mái, chấp nhận. Bác sĩ Douglas Stevenson, giám đốc nghiên cứu về bệnh Ung thư của Anh cũng kết luận: “Điều mỉa mai nhất là cả nguyên nhân gây bệnh lẫn cách điều trị đều có trong chính con người”.

Một điều mỉa mai nữa là việc nghiên cứu về nguyên nhân và phương pháp chữa bệnh này rất giản dị, không đòi hỏi tiền bạc gì cả; trong khi phần đông các nhà chuyên môn cho rằng muốn tìm ra phương pháp chữa bệnh thì phải tốn kém hàng tỷ đô la với biết bao công trình thí nghiệm.

– Xin cám ơn bà đã chỉ dẫn một cách rõ ràng như vậy. Tôi hoàn toàn đồng ý về nhận xét của bà nhưng liệu có cách nào để tôi trình bày hay thuyết phục những bệnh nhân của tôi như vậy không?

– Cô có thể giải thích cho họ rằng mọi việc xảy ra trong vũ trụ đều có những nguyên nhân, không có gì có thể gọi là tình cờ ngẫu nhiên được. Tất cả những nguyên nhân đều bắt đầu từ bên trong mà ra chứ không bao giờ có việc gì xảy ra từ bên ngoài vào. Chỉ có con chó vẫy đuôi chứ không thể có cái đuôi vẫy con chó được, do đó muốn biết nguyên nhân người ta phải quay vào bên trong và chỉ có như thế người ta mới tìm được phương pháp điều trị thích hợp.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.