Minh Triết Trong Đời Sống

44. Kinh nghiệm tâm linh



Joe là một mục sư lớn tuổi đã thực hành thiền định trong nhiều năm. Ông nói:

– Thưa bà, cách đây tám năm tôi đã có một kinh nghiệm tâm linh thật tuyệt vời. Hôm đó đang tĩnh tâm cầu nguyện trong thánh đường xây bên cạnh bờ biển, qua cửa sổ tôi nhìn thấy biển cả bao la và nghe thấy tiếng sóng biển vỗ vào bờ. Bất chợt mọi tư tưởng của tôi ngưng lại, một luồng ánh sáng tinh khiết bỗng bao trùm lên tất cả mọi vật, tôi thấy mình lặn ngụp trong một trạng thái xuất thần, bình an và thiêng liêng.

Trong giây phút đó đầu óc tôi bỗng thông suốt và lần đầu tiên tôi ý thức được “Jesus” là gì. Từ đó đến nay ngày nào tôi cũng cố gắng ngồi tĩnh tâm và cầu nguyện như vậy, nhưng kinh nghiệm tuyệt vời đó không trở lại. Tôi không hiểu tại sao nó không đến nữa mặc dù tôi đã cố gắng rất nhiều?

– Thưa ông, nó không trở lại vì ông cố gắng nhiều quá. Trong khi tĩnh tâm ông đã nghĩ gì?

– Tôi nghĩ đến Thượng Đế, đến Đấng Cứu Thế, đến luồng ánh sáng tuyệt vời, đến cảm giác thoải mái khi được hòa nhập với nó, tôi mong muốn nó biết bao.

– Chính sự mong ước của ông đã ngăn chặn kinh nghiệm đó đến với ông. Bất cứ một sự mong mỏi nào cũng tạo ra yếu tố hiếu động mà thuật ngữ Yoga gọi là Rajas. Chính yếu tố này đã ngăn chặn kinh nghiệm tâm linh của ông.

– Nhưng nếu vậy thì tại sao lúc đầu luồng ánh sáng đó lại đến với tôi?

– Lần đầu tiên ông đâu có biết, ông đâu có ngờ, trí óc ông đang yên lặng, ông đang tĩnh tâm, mở rộng tâm hồn để cầu nguyện và rồi kinh nghiệm đó đến với ông.

– Xin bà giải thích thêm về các yếu tố này.

– Các sách vở về Yoga nói rằng có ba mãnh lực hay yếu tố (Gunas) điều khiển và chi phối đời sống chúng ta. Nó là “Tamas” hay Thụ động, “Rajas” hay Hiếu động và “Sattwa” hay Quân bình. Khi yếu tố Tamas chiếm ưu thế, chúng ta đâm ra lười biếng, chỉ muốn ngủ, không muốn làm gì hết, đây là yếu tố khiến chúng ta không muốn rời khỏi giường vào buổi sáng. Khi Rajas chiếm ưu thế, chúng ta chỉ muốn làm hết việc này đến việc khác, toàn thân cứ náo động như bị một cái gì thúc đẩy. Chẳng hạn khi tham thiền, chúng ta ngồi im được một lúc thì tự nhiên trong tâm chúng ta nảy sinh một ý nghĩ: “Đứng dậy đi, như thế đủ rồi”, đó chính là mãnh lực của yếu tố Rajas đang thúc giục chúng ta. Khi Sattwa chiếm ưu thế thì chúng ta thấy thoải mái, bình an và dễ dàng thiền định. Trong thiên nhiên, mãnh lực Sattwa mạnh nhất vào khoảng một giờ trước khi mặt trời mọc và lặn. Nếu biết thu xếp thời giờ để tĩnh tâm thiền định vào lúc đó thì cái sức mạnh của vũ trụ, của thiên nhiên sẽ trợ giúp chúng ta nhiều hơn. Đó cũng là lý do các thiền giả thường tham thiền vào lúc buổi sớm.

– Nhưng tôi muốn biết việc ao ước hay mong mỏi kinh nghiệm đó đến với tôi thì có điều gì sai quấy không ?

– Theo ý kiến của tôi thì nó không có gì sai quấy nhưng chỉ không ích lợi thôi. Mong cầu bất cứ một điều gì thì đều làm gia tăng mãnh lực của Rajas và làm hư hoại mục đích chính của chúng ta.

– Nhưng khi đã kinh nghiệm được một điều gì thì nó cứ thúc đẩy người ta thèm muốn thêm nữa. Ngoài ra tôi vẫn thắc mắc tại sao kinh nghiệm đó lại đến với tôi?

– Đôi khi kinh nghiệm đó đến với chúng ta để giúp cho ta có thêm lòng tin ở công việc đang làm.

– Vậy tôi phải hành động như thế nào?

– Ông không nên coi trọng nó quá, hãy coi nó như một kinh nghiệm thông thường, như diễn tiến của một hiện tượng phù du, cái gì không còn mãi thì không có thật. Mục đích của kinh nghiệm trên là một bài học cho ông về thực tại, và thực tại chỉ ở nơi người ban tặng phẩm chứ không phải tặng phẩm.

– Xin bà giải thích rõ hơn nữa, trong tương lai tôi phải nghĩ gì, làm gì trong giờ phút tĩnh tâm?

– Hãy để cho cái trí lặng yên, đừng mong cầu, ao ước, đừng hồi tưởng những gì đã qua, đừng tìm kiếm điều gì chưa đến, hãy mở rộng cõi lòng cho tình thương của Jesus đến với ông. Thông qua đó, ông có thể kinh nghiệm được điều Ngài muốn nói: “Hãy lặng yên và biết rằng ta là Thượng Đế”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.