Minh Triết Trong Đời Sống
7. Mặc cảm tội lỗi
Shawn là một thanh niên còn trẻ, râu tóc rậm rì. Anh đến tham dự buổi diễn thuyết của tôi với một dải băng đỏ quấn trên trán và chiếc áo thun có hàng chữ lớn ngạo nghễ: “Thời đại mới là đây”. Bề ngoài thì trông như vậy nhưng bên trong Shawn lại mang nặng mặc cảm tội lỗi vì khi cha anh bị ung thư sắp chết thì anh vẫn còn mải mê tụ tập bạn bè để hút ma túy, không săn sóc gì cho ông cụ. Anh đã than thở:
– Thưa bà, tôi đã không ở với cha tôi cho trọn đạo làm con và bây giờ thì muộn rồi vì cha tôi đã chết. Tôi phải làm gì để chuộc bớt tội lỗi đây?
– Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu về nghĩa của từ “Chết”. Theo hiểu biết của tôi thì sự sống không thể mất đi vì nó có tính chất vĩnh cửu. Không ai có thể vượt khỏi nó hay làm gì được nó. Sự sống là cái cơ bản, tiềm ẩn trong mọi vật. Phần bên trên của nó là các hình thể, danh tánh, tạm thời nổi lên và rồi lại chìm xuống như sóng biển. Chết chỉ là sự tan rã của các nguyên tố bên trên xác thân chứ không phải mất đi sự sống. Khi các yếu tố của xác thân đã hư hoại, không còn biểu lộ được cái tinh thần bên trong nữa thì tâm thức tự rút lui. Nếu một người không đạt được sự thực hiện Chân Ngã ở trong kiếp này thì họ sẽ tái sinh ở một hình thể khác biệt khác.
– Nếu bà nói như vậy thì con người ra sao sau khi chết và giữa các kiếp sống?
– Theo các đạo sư Ấn Độ thì sau khi chết, sự sống được các thực thể thanh nhẹ bao bọc lại, người ta thường gọi cái thực thể này là linh hồn. Nếu cái thực thể này có sự gắn bó mạnh mẽ với một người, một vật hoặc nơi chốn nào đó thì nó sẽ quanh quẩn ở cõi trần này một thời gian khá lâu trước khi di chuyển sang cõi khác để trải nghiệm những kết quả của các hành động trong kiếp sống. Sau khi trải qua các kinh nghiệm này rồi thì nó bắt đầu nghỉ ngơi trong một trạng thái an tĩnh cho đến khi bắt đầu bước vào một kiếp sống mới. Anh có thể tìm hiểu tiến trình này qua các sách vở huyền môn của ông C. W. Leadbeater và bà Annie Besant về cõi Trung giới và các thể sau khi chết. Trong quan niệm này, chúng ta hãy khách quan mà nhìn vào lỗi lầm của anh. Hiện nay anh còn trẻ và lúc anh theo bè bạn tụ tập hút chích ma túy thì anh còn trẻ hơn bây giờ nhiều lắm. Lúc đó phẩm giá và tư cách của anh ra sao? Tình trạng suy nghĩ của anh thế nào? Nếu lúc đó mà ở cạnh cha anh thì liệu tư cách, hành động và lời nói của anh có giúp ích gì được cho cha anh hay không? Biết đâu sự thân cận với cha anh khi đó lại có thể mang lại những hậu quả xấu? Hiện nay anh đã tỉnh táo hơn, trưởng thành hơn và là lúc có thể giao tiếp với cha anh được. Lúc này tâm hồn anh đã rộng mở, có thể chuyển được các năng lượng cao cả của anh để giúp đỡ cho cha anh. Tuy cha anh không còn mang xác phàm nữa nhưng ông cụ vẫn cảm nhận được tư tưởng của anh như thường. Biết đâu hiện nay cha anh đang ở gần anh, còn gần hơn cả người thính giả đang ngồi cạnh anh nữa kìa. Theo tôi thì mỗi buổi sáng anh hãy bỏ ra vài phút ngồi yên lặng, để thân thể hoàn toàn thư giãn, hãy thở nhẹ và hình dung hình ảnh của ông cụ trong tâm trí rồi bắt đầu gọi thầm tên ông. Nếu anh làm việc này một cách chân thành thì anh sẽ cảm thấy một cảm giác thân mật, vô cùng gần gũi với cha anh. Khi anh cảm nhận được sự giao tiếp này thì anh hãy gửi đến ông cụ những làn sóng tư tưởng thân yêu, an lạc, những cảm giác chân thật phát xuất từ đáy lòng của anh dành cho ông cụ. Nếu anh thực hành việc này một cách đều đặn thì không những nó giúp cho cha của anh mà nó sẽ giúp cho tâm hồn của anh nữa. Anh nên nhớ rõ điều này: “Không bao giờ quá trễ để sửa đổi bất cứ lỗi lầm nào”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.