MÙA THU CỦA CÂY DƯƠNG
Chương 08
Đầu vẫn cúi gầm, bác Nishioka rên lên những tiếng đứt đoạn, rồi đột nhiên, bác đứng phắt dậy. Mặt đỏ tía tai. Hai vai rung bần bật. Cô Sasaki, mẹ, tôi, cả đến bà cụ thường ngày còng là thế giờ đều thẳng lưng sững sờ.
“Bác Nishioka…”Mẹ nói, lo lắng nhìn sang bà cụ và cô Sasaki.
“Bác nên ngồi xuống đi. Vừa uống bia xong mà đứng lên như thế chóng say lắm
Chẳng rõ bác Nishioka có nghe được lời cô Sasaki nói hay không, chỉ thấy bác phăm phăm tiến về phía trước. Chân vấp phải tấm chăn phủ bàn sưởi, nửa thân trên trông như bù nhìn của bác liền lảo đảo. Rốt cuộc bác Nishioka lấy lại được thăng bằng, loạng choạng bước tới bồn rửa trong bếp, mở vòi nước cho tuôn xối xả. Cứ tưởng bác ấy định rửa mặt, nhưng hóa ra, bác chỉ lấy cốc múc nước rồi quay lại.
“Bị nấc. Uống nước là hết.”
Bà cụ nghiêm cẩn đón lấy cốc nước mà bác Nishioka đưa. Nhưng dường như, vì căng thẳng quá nên cơn nấc của bà cũng hết hẳn từ trước rồi.
Tôi không biết sau đó cô Sasaki phải trở đi trở lại bao lần giữa phòng cô và phòng bà cụ để lấy bia. Cô Sasaki bấy giờ đã say ngất ngư ép bác Nishiika tấu hài tiết mục Trống hỏa diệm. Chỉ có một mình mẹ cười, nhưng bác Nishioka vẫn tỏ ra rất vui, sau mỗi hớp bia bác liền lặp đi lặp lại mỗi đoạn: “Ôi đái ngồi, đúng là ông phỗng.” Nghe bà cụ hát Dạ khúc Tô Châu đều đều như kinh cầu, tôi chui vào bàn sưởi và thiếp đi lúc nào không hay.
*
* *
Cuộc sống cứ thế trôi đi, trên các cành nhánh trơ trụi của cây dương bắt đầu lác đác xuất hiện những chiếc lá xanh bé xíu. Hương cỏ cây xộc vào mũi ngày một nồng đượm. Sau nhà kho, một cô mèo cái đã sinh hạ một đàn mèo nhỏ. Vì mèo mẹ rất dữ, chẳng thể nào lại gần được nên hằng ngày, tôi chỉ dám đặt đĩa sữa ở gần nhà kho.
Dạo đó, tôi bước vào thời kì nổi loạn. Hễ thấy tấm lưng của mẹ lúc đúng bếp, cơn tức giận điên cuồng trong tôi lại trào lên, tôi giận mẹ không mở lòng với tôi, giận mẹ không nói ra những điều nên nói.Tôi trách mẹ những chuyện nhỏ nhặt, chẳng đáng gì: như cộc lốc nói chúc ngủ ngon vào buổi tối, hay nghe tôi kể chuyện nhưng mắt cứ dán vào ti vi. Tự nhiên tôi thành một đứa hay sinh sự. Nhưng tôi càng làm thế, cõi lòng mẹ càng trở nên khó tiếp cận, lương tâm tôi thì càng day dứt giày vò. Tôi gần như không viết thư cho bố nữa. Tôi bất lực với chính mình. Thậm chí tôi còn không biết có nên biết cơn giận thành lời nói hay không, và nói ra liệu có ích gì.
Bởi thế, tôi đã rất bất ngờ khi một hôm mẹ đột nhiên chìa cho tôi một phong thư. Trên bì thư đề tên bố.
“Thư cho bố con. Con bảo có người sẽ mang đi giúp mẹ đúng không?”
Tôi nhớ lại những gì đã nói với mẹ ở nhà bà ngoại trong đêm giao thừa.
“Vâng ạ.”
“Vậy con đưa thư này cho người đó giúp mẹ nhé?”
Tôi gật đầu, nhận lấy phong thư. Trên phong bì màu kem, chạm vào là nghe thấy tiếng sột soạt khe khẽ, những con chữ người lớn của mẹ viết thật rõ ràng. “Gửi ông Hoshino Shunzo – từ Tsukasa”. Lá thư khá nặng, trĩu trong lòng bàn tay tôi, và dĩ nhiên phong bì được dán kín.
Mẹ đã chấp nhận lời đề nghị của mình nghĩ thế tôi lại thấy vui. Hôm sau, vừa từ trường về tôi tới ngay chỗ bà cụ và đưa bà lá thư của mẹ được tôi cất cẩn thận trong cặp.
“Cháu không thất hứa là giữ bí mật đâu bà. Cháu không nhắc gì đến bà cả.”
“Ừ, được rồi,” bà cụ đáp rồi nhận thư. “Bù lại, hôm nay cháu nhổ cỏ nhé?”
Chẳng biết mẹ nghĩ gì mà đưa tôi thư gửi bố nhỉ? Mẹ muốn nói chuyện với bố chăng, hay mẹ muốn dỗ dành cái đứa suốt ngày ca cẩm là tôi? Dẫu sao, sau chuyện đó, cơn tức tối trong tôi cũng tạm thời lắng xuống, khó tin như chuyện đùa.
Đến kỳ nghỉ xuân, ngày nào tôi cũng chạy đuổi theo lũ mèo con trong vườn nhà bà cụ. Tôi và bà cụ rất chăm nhổ cỏ. Mỗi chúng tôi ôm theo một cái bị cà thi xem bị của ai đầy cỏ trước. Trên nền đất đen đẫm sương già của mùa đông, những ngọn cỏ non giờ đây đã bắt đầu mọc lên xanh tươi. Để chắc chắn, chốc chốc tôi lại hỏi bà cụ: “Cây này có nhổ được không ạ?” Bà cụ lúc thì bảo “Đó là cây hoa păng xê,” rồi lại “Đó là cây bạc hà,” thành thử mãi mà tôi chẳng nhổ được mấy. Nhưng chốc chốc, bà cụ lại lén bỏ vào bị của tôi vài nắm cỏ bà nhổ được. Mùa xuân năm đó, giày của tôi đã lên cỡ 25cm, và để chuẩn bị cho kỳ học mới, mẹ mua cho tôi một chiếc váy màu xanh da trời thay cho chiếc váy màu đỏ giờ thành ra quá chật. Những bóng ma lỗ cống ngày nào giờ đã hoàn toàn biến mất, tôi hầu như không còn nhớ gì về những cái hố đen sì ấy nữa. Một ngày gió lớn đầu tháng Tư.
“Con đừng mở cửa ra, bụi vào nhà đấy.”
Nghe lời mẹ, tôi chỉ dám ngắm cây dương qua kính cửa sổ, những phiến lá non mới nhú vẫn kiên trì bám lấy thân cành trong gió thổi. Chốc chốc, gió quật vào tấm cửa kính tôi đang mơ màng dán mũi vào, khiến tôi bừng tỉnh.
Những đám mây màu xám tro lừng lững trôi. Tình cờ nhìn xuống dưới, tôi thấy bà cụ đang đi ra vườn. Mái tóc bà cụ bạc phơ tung bay trước gió, hai bàn chân quấn lần tất ló ra bên dưới cái váy hình ống đang cố bấm chặt xuống đất để khỏi bị gió thổi bay. Trong một ngày giông thế này, bà cụ làm gì ở ngoài ấy cơ chứ?
Liền đó tôi có câu trả lời tức thì. Hóa ra chậu cây cao su ở chỗ phơi đồ bị gió lay đổ. Bà cụ bước tới đó, dáng liêu xiêu như người lội nước, dồn sức vào cái lưng còng rồi dựng chậu cây kia lên. Quay lưng về phía mái hiên, bà cụ bắt đầu kéo lê chậu cây từng chút một.
Bà cụ muốn mang chậu cây vào nhà, phải xuống giúp bà cụ mới được. Nghĩ vây, tôi quay lưng lại cửa sổ, nhưng gió bất chợt giật mạnh hẳn lên, nghe thấy cả tiếng rít nữa. Tôi quay lại cúi nhìn, thấy lưng bà cụ cứng đờ ra. Bà cụ ngã nhào, tay vẫn ôm chậu cây cao su.
Thật không may, cả cô Sasaki lẫn bác Nishioka đều đi vắng. Tôi chạy ra vườn. Gió giật dữ dội, con chó ở góc đường tru tréo như lên cơn điên, chỉ có xung quanh bà là yên tĩnh đến khó chịu. Tôi vừa khóc vừa đập cổng nhà hàng xóm.
*
* *
Ngày mẹ nghỉ làm, tôi theo mẹ vào viện thăm bà cụ chủ nhà. Đã ba hôm rồi kể từ khi bà cụ bị ngã. Lúc chúng tôi đến, bà cụ đang ngủ và phải thở ô xy. Hai con mắt thường ngày vẫn soi mói láo liên xung quanh giờ nhắm nghiền bên dưới cái trán rộng và dô, tấm chăn trắng phẳng lì xẹp lép. Cứ như thể đột nhiên bà cụ bị thu nhỏ đi vậy. Vẻ yếu ớt ấy khiến tôi sững sờ. Nhưng cảm giác sững sờ lúc này rất khác so với khi tôi trông thấy bà cụ ngã, tựa như tôi đang bị thứ gì đó lạnh buốt và ẩm ướt nhấn chìm.
“Bà sẽ chết phải không mẹ?”
Trên đường từ bệnh viện trở về, tôi hỏi mẹ. “Bà không sao đâu con,” mẹ trả lời, nhưng vẻ lo lắng lộ rõ trên mặt. Trước mắt tôi lại hiện lên hình ảnh một lỗ cống há ngoác cái miệng đen ngòm chờ đợi. “Đồ đáng ghét, biến đi” tôi thì thào, nhưng đáp lại chỉ có những tiếng cười hằn học.
Buổi chiều, mẹ xuống mở khóa cửa phòng bà cụ. Vào ngày nghỉ, mẹ và cô Sasaki thay nhau mang áo quần vào cho bà cụ, vì thế hai người luân phiên giữ chìa khóa nhà. Hôm đó, mẹ định ngày hôm sau trước khi đi làm sẽ ghé viện lần nữa để mang sẵn cho bà cụ ít đồ lót.
Nghe tiếng bước chân mẹ bước xuống cầu thang bên ngoài, tôi không khỏi nghĩ về cái ngăn kéo ấy. Liệu bộ dạng hiện thời của bà cụ, y như con búp bê gỗ bị hỏng, có phải là dấu hiệu cho thấy cái ngăn kéo đã đầy? Tuy nhiên, bây giờ vẫn còn có thể cứu được bà. Chỉ có lúc này, khi cửa nhà bà cụ không khóa, tôi mới có thể làm được gì đó có thể tránh cho bà khỏi bị cái hố đen sì kia nuốt chửng.
Tôi theo sau mẹ, lén lút xuống cầu thang. Thật may, cánh cửa kéo ở sảnh trước vẫn mở, còn mẹ đang ở trong phòng chứa đồ, đối diện phòng ngủ của bà, ngay trước phòng tắm. Tôi đánh liều đi rón rén qua cửa phòng chứa đồ rồi mon men tới phòng sinh hoạt riêng của bà. Có tiếng mẹ ngâm nga hát. May quá, vậy là mẹ không phát hiện ra tôi.
Tôi lấy ghế đẩu trong bếp ra, đặt trước cái tủ quần áo to màu đen rồi trèo lên. Ở độ cao ấy, chỉ cần nhón lên, tôi có thể nhòm được vào trong ngăn kéo trên cùng. Lướt qua thôi, thật nhạn, thế là xong. Chẳng phải bà cụ đã nói rồi sao, ai nhìn vào bên trong ngăn kéo ấy, người đó sẽ phải đi chuyển thư.
Đây đương nhiên không phải hành động quả cảm sẵn sàng chết thay cho bà cụ. Mà vì đâu đó trong đầu tôi lởn vởn một ý nghĩ liều lĩnh, rằng có lẽ chỉ cần mở ngăn kéo ra và nhìn vào bên trong, tôi có thể đánh bại nổi sợ bị cái lỗ cống toang hoác kia nuốt chửng. Nhưng cũng còn một lí do thứ hai nữa. Tôi không chịu nổi ý nghĩ rằng bà cụ sẽ chết. Tôi muốn bà được sống.
Đứng chắc chắn trên ghế đẩu, tôi cố hết sức kéo ngăn tủ ra. Tuy nặng nhưng nó trơn hơn tôi tưởng, thành thử tôi mở được mà không gây ra tiếng động nào. Một mùi dễ chịu như mùi nhang thoang thoảng dậy lên, bất giác, tôi nhắm mắt. Rướn người lên. Nào, mở mắt ra đi! Như vậy mình có thể ngăn được cái chết của bà cụ. Nào, mở mắt nhanh lên!
Thế nhưng, đầu ngón tay tôi cứ run lên bần bật còn hai mắt thì vẫn nhắm nghiền.
“Con đang làm gì thế?”
Chợt có tiếng nói vang lên, tôi quay lại và bắt gặp cái nhìn của mẹ. Mới chỉ vài phút ngắn ngủi thôi mà. Có lẽ do tôi đã quá căng thẳng nên quên bẵng đi rằng mẹ cũng đang ở trong nhà bà, tôi sững sờ.
“Con đang làm gì thế hả? Ai cho con tự mở tủ của bà?”
Mẹ đẩy một tay vào cái ngăn kéo, nó đóng kín lại cứ như bị nam châm hút. Từ trên ghế đẩu, tôi bước phịch xuống. Thế là hết. Buổi tối, mẹ sẽ đưa chìa khóa cho cô Sasaki. Vì tôi không mở mắt ngay nên cơ hội đã vuột xa mãi rồi.
Tối hôm ấy, tôi viết thư cho bố. Có đưa được lá thư đó cho bà cụ hay không đối với tôi không quan trọng nữa. Tôi chỉ nghĩ, nếu phải khẩn cầu ai đó cứu bà cụ thì chỉ có thể khẩn cầu bố mà thôi, chẳng thể là ai khác, kể cả Chúa Jesus. Thật kì lạ, khi viết lá thư ấy, hiện lên trong tôi không phải là hình ảnh bà cụ mà chính là bố tôi – dáng bố ngồi ăn cơm lặng lẽ, cách bố đóng cổng khi ra khỏi nhà và nói “Bố đi đây!” hay cách bố nói “Bố về rồi” lúc trở về, dáng tay bố cởi áo khoác ngoài ám mùi khói thuốc và không khí lạnh, rồi tiếng bố gọi “Chiaki ơi!” – vô số những hình ảnh, âm thanh như thế cứ hiện diện rồi lại tan biến đi.
Tôi nhét lá thư dưới gối rồi nằm xuống. Nhưng tôi không tài nào ngủ được. Tôi xấu hổ không để đâu cho hết và hối hận vì đã hèn nhát đến nỗi không thể mở mắt nhìn vào bên trong ngăn kéo.
Đến tận nửa đêm, khi ánh trăng đã nghiêng nghiêng chiếu qua cửa sổ, mắt tôi vẫn mở thao láo. Mẹ nằm ngủ yên lành bên cạnh. Dường như cả thế giới này chỉ còn mình tôi thức, cái gối tôi nằm ươn ướt và âm ấm từ lúc nào tôi cũng chẳng hay. Nếu có thể tua được thời gian, tôi sẽ chẳng ngại ngần gì mà không quay trở lại khoảnh khắc mở ngăn kéo tủ, và lần này chắc chắn tôi sẽ mở mắt ra… Dằn vặt mãi với ý nghĩ ấy, tôi cựa quậy trở mình suốt.
Đúng lúc đó, điện thoại đổ chuông. Âm lượng điện thoại đã được chỉnh xuống mức khá nhỏ, như thể thực ra cũng không cần thiết vì mẹ đã quá mệt nên chẳng hề động đậy. Tôi đứng dậy, ra bếp nhấc máy. Không nghe tiếng trả lời. Chỉ có những âm thanh khô khốc như tiếng gió, hay như tiếng điện thoại gọi đến từ một nơi xa lắc.
“Bố ạ?”
Chẳng kịp suy nghĩ, tôi thốt lên. Có lẽ vì âm thanh vọng ở ống nghe ra giống thứ tạp âm trong những cuộc điện thoại bố gọi về khi sang Anh hồi rất lâu rồi. Những tiếng tu tu tút tút và tạp âm nối tiếp nhau, rồi bụp, tín hiệu tắt ngúm. Tôi cúp máy, đứng thẩn thờ như trời trồng một hồi lâu. Âm thanh ấy vẫn kêu liên tu bất tận trong tai tôi.
Rồi liền đó, một dự cảm an lành chợt dấy lên trong tôi. Chắc chắn bà cụ sẽ được cứu sống. Vì cú điện thoại khi nãy hẳn là của bố là dấu hiệu cho thấy bố nhận lời cầu khẩn của tôi trong thư. “Hãy cứu bà cụ chủ nhà!” Cuối cùng, “điều kỳ diệu” mà tôi mong ngóng đã xảy ra. Dù hoa quả trên bàn thờ có héo rữa, thì bố vẫn sẽ luôn dõi theo tôi từng bước.
Tôi nghĩ vậy và hoàn toàn không mảy may ngờ vực. Khi quay trở lại phòng ngủ, ánh trăng mà vừa mới đây tôi chỉ cảm thấy sáng lạnh tàn nhẫn giờ tuôn chảy mới dịu dàng, thân thiết làm sao, như một người bạn cùng sẻ chia những điều bí mật. Còn cây dương, thấu rõ hết mọi chuyện, là một nhân chứng đáng tin cậy. Trong lúc nhón chân quay lại giường, cảm giác ân hận cay đắng ban nãy đã tan biến, tôi nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ.
*
* *
Có lẽ cú điện thoại đêm đó đơn giản là chỉ là gọi nhầm hay trêu chọc mà thôi. Về sau, tôi cứ nghĩ thế. Nhưng là thế thật cũng chẳng sao. Vì tôi hoàn toàn có thể tin rằng đó là cú điện thoại từ bố. Và bởi vì, tôi thấy thanh thản khi tìm được miếng ghép hình mà bấy lâu nay mình tìm kiếm, tôi có thể yêu tâm rằng mình không bao giờ quên đi bóng hình của bố.
Bà cụ thể hiện khả năng bình phục đáng kinh ngạc bất chấp tuổi tác của mình. Một tuần sau cú điện thoại ban đêm kia, bà đã có thể ngồi trên giường bệnh và ăn bánh đậu Đại Phúc tôi mua ở cửa hàng Nishigawa. Hầu như ngày nào, trên đường từ trường về, tôi đều ghé bệnh viện thăm bà cụ. Tôi muốn được nhìn cho thỏa, dù chỉ tí chút, “điều kỳ diệu” ở trước mắt mình.
Bà cụ ra viện trong kỳ nghỉ kéo dài của tháng Năm. Bà đi taxi của bác Nishioka về khu căn hộ sau nhiều ngày vắng nhà. Thoạt tiên bà cụ ngước nhìn cây dương với những chiếc lá xanh vẫy gió giữa bầu trời quang đãng, rồi hấp háy mắt như bị chói. “Phù! Phù!” Bà cụ thở hắt ra đằng mũi. Sau đó, bà vào nhà, làm lễ trước bàn thờ chồng và chậm rãi nhìn khắp căn phòng. Khi có bà cụ ở đây, từ bức tượng con rồng đến những cuốn sách cũ và cả tấm phướng màu vàng mà tôi thấy có vẻ gớm ghiếc bỗng dưng đều trở nên rất phù hợp với căn phòng.
Trong phòng sinh hoạt, chăn đệm được trải sẵn ở đúng vị trí mà tôi v ngủ dạo bị ốm. Có lẽ là mẹ hoặc cô Sasaki trải chăn đệm ở đó vì thấy phòng này vừa có ti vi lại rộng rãi hơn phòng ngủ. Mẹ dặn tôi: “Khi nào bà thay quần áo xong và đi nằm, con cũng lên nhà luôn nhé.” So với bị người lớn quấy quả, thì chuyện một đứa trẻ con là tôi ở đây với bà cụ phải hơn, hẳn đó là suy đoán của mẹ hoặc cô Sasaki.
Nhưng mãi không thấy bà cụ định đi nghỉ. Bà mở tủ bát trong bếp, bới lộc cộc trong ngăn kéo nhỏ bên hông bàn thờ, moi ra cái giũa móng tay cũ rích, rồi còn vỗ bôm bốp vào lưng ghế dựa, miệng lẩm bẩm gì không biết. Tôi theo dõi bà với một thoáng bất an trong lòng.
Bà cụ vươn tay trượt các ngón đánh “roạt” một cái trên móc chiếc tủ đen. Rồi bà quay lại, đột ngột nhìn thẳng vào mắt tôi khi đó đang ngồi chiếu, cái trán hơi nhợt nhạt do phải nằm viện của bà nhướng lên. Mặt tôi thoáng đỏ bừng. Ánh mắt bà cụ nhìn như thấu suốt tất cả. Nhưng rồi bà bất ngờ quay đi và bắt đầu thay quần áo. Nhìn thẳng vào người khác lúc họ đang thay đồ là rất xấu, tôi bèn cúi đầu xuống. Bà cụ lên tiếng:
“Cái ngăn kéo ấy vẫn chưa đầy đâu. Tiếc thật đấy, nhưng còn khướt bà mới chết.”
“Thật ạ?”
Tôi ngẩng đầu lên tức thì. “Thực!” Bà cụ đáp và nghiêm trang trong tư thế như vị thần đứng canh cổng đền, với cái quần cộc năm phân và áo lót ngắn tay màu da người. Tôi cứ tưởng bà cụ sẽ thay sang quần áo ngủ, nhưng nhoáng một cái đã lại thấy bà mặc cái váy ống ở nhà màu xám tro như mọi khi.
“Còn khướt là bao lâu hả bà?”
“Còn khướt à, là còn rất lâu thôi.”
“Đến khi cháu lớn ạ?”
“À, đó lại là một chuyện xa xôi khác.”
Bà cụ không nói gì thêm. Rồi bà chậm rãi cài lần lượt từng khuy chiếc áo khoác len không cổ màu nâu đỏ quen thuộc. Sau đó, hai bà cháu cùng ăn chè đậu đỏ ăn liền sẵn trong tủ bếp.
“Ôi, thoải mái quá! Được ở nhà làm những việc mình thích thế này dễ chịu thật! thích ngủ lúc nào thì ngủ, thích dậy lúc nào thì dậy, thích ăn cái gì thì ăn.”
Bà cụ vừa ăn chè vừa nhăn nhó bộ mặt chằng chịt nếp nhăn sẵn. Nhưng tôi đang không có tí tâm trạng nào để hào hứng. Bà cụ nhìn chằm chằm khuôn mặt tiu nghỉu của tôi một lúc, rốt cuộc bà khơi chuyện:
“Cháu không có nhòm trộm vào bên trong ngăn kéo đấy chứ?”
Tuy muốn nói “Không ạ”. nhưng tôi không nói dối được.
“Cháu định xem, nhưng mắt cháu không chịu mở ra.”
Nghe vậy, bà cụ bật cười. Bà cụ cười ngặt nghẽo đến sụm cả lưng, cứ như thể đó là một chuyện quá sức khôi hài. Tự nhiên tôi muốn biến mất khỏi nơi này, vì xấu hổ, và vì tức giận. Chẳng lẽ bà cụ không biết mình đã khiến người khác lo đến thế nào hay sao?
Nhưng bà cụ nói thế này.
“Chỉ nghĩ đến việc phải sống đến khi cháu thành người lớn cũng đủ khiến bà sởn tóc gáy. Nhưng mà được, thử cố gắng một lần xem sao?”
Gió tháng Năm thổi ùa vào phòng qua cửa sổ mở toang. Bà cụ nhắm mắt như đang lắng tai nghe tiếng reo vui của những chiếc lá dương.
*
* *
Bố có khỏe không? Hôm nay, bà cụ chủ nhà đã ra viện và về nhà rồi. Bà cụ sờ nắn tất cả mọi thứ trong nhà và có vẻ rất vui. Bà cụ vẫn còn phải nghỉ ngơi, thế mà mãi bà chẳng ngủ, khố lắm bố ạ. Mãi rồi bà cụ cũng đi ngủ. Khi ấy, bà cụ dạy con “câu thần chú giúp ngủ ngon” đấy. Thế này này:
“Được ngủ là sướng nhất đời
Chỉ những đồ ngốc mới thức làm việc.”
Bà cụ bảo, bà vượt qua được trận ốm lần này là nhờ trước khi ngủ đêm nào cũng niệm câu thần chú đó. Con cũng nói chuyện của bố nữa. Con kể rằng con đã cầu khấn bố là “Ước gì bà cụ chủ nhà khỏi bệnh” rồi sau đó bố gọi điện thoại về cho con. Nghe vậy bà cụ bảo: “Thế thì phải cám ơn bố cháu thật nhiều.”
Buổi chiều, con tới nhà thờ. Mới đây, con nhặt được một cá bật lửa màu vàng, không bật được lửa nữa nhưng vì nó rất đẹp nên con đem đến tặng ông Jesus. Sau một thời gian không gặp, con chẳng còn thấy ông Jesus giống bố nữa. Con nói với ông ấy: “Ông làm sao thế, ông không thích ạ?” Vẻ mặt ông Jesus trông cứ như người ngồi trên ô tô và bị say xe ấy.
Dạo này con rất nhớ bố. Thế mà ngày trước, con chẳng nhớ gì cả, lạ thật đấy. Bố không ở trên mặt trăng với con thỏ, cũng không biến thành cừu, bố nhỉ? Bố đang ở đâu đó, im lặng hút thuốc và đọc sách hoặc làm việc như hồi xưa, đúng không?
Con cũng muốn gọi cho bố nhưng không biết số điện thoại, thế là những lúc ấy, con lại gọi đến số dự báo thời tiết. Nghe dự báo thời tiết cũng vui lắm bố ạ. Đôi lúc con nghĩ thế này. “Chắc giá cước điện thoại ở chỗ bố cao lắm nên phải gọi điện về đây khó vô cùng. Nếu không phải dịp đặc biệt như vừa rồi thì bố không thể nào gọi điện thoại được.”
Hôm qua, đang trong giờ học, bạn Hashiguchi thấy trong người khó chịu. Con liền đưa bạn ấy xuống phòng y tế. Vì con là cán bộ y tế của lớp mà. Chỉ có con và bạn Hashiguchi đi trên hành lang thôi. Con lo lắm. Đúng lúc đó, có tiếng nhạc vọng ra từ phòng nhạc. Là một bài hát cũ, chắc chắn bố cũng từng nghe rồi. Con bỗng thấy hết lo lắng. Con bảo Hashiguchi: “Được rồi, bạn mà nôn ra được thì tốt.” Hashiguchi tỏ vẻ hơi ngạc nhiên. Thế rồi, bạn ấy nói: “Cảm ơn bạn, Hoshino.” Con nghe Hashiguchi bảo bạn ấy ăn bánh rán vào bữa sáng. Mẹ bạn ấy đã dặn: “Bánh rán rất ngậy nên hãy để đến bữa xế” thế mà Hashiguchi vẫn ăn. Nên giờ bạn ấy mới thấy khó chịu trong người. Hashiguchi làm thế là vì sợ lúc bạn ấy ở trường em trai bạn ấy sẽ ăn mất cái bánh. Hashiguchi bảo: “Biết vậy tớ để dành rồi ăn cùng em tớ thì hơn.” Con nghĩ mình sẵn sàng làm thân với Hashiguchi. Thật tuyệt khi được làm cán bộ y tế của lớp, con đã nghĩ thế.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.