Năm Cam - Canh Bạc Cuối Cùng

CHƯƠNG 3



Chiến sự nổ ra ác liệt ở Phước Long, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống ăn chơi của Sài Gòn. Các tay chơi rửng mỡ vẫn lui tới các tụ điểm vui trơi giải trí hợp pháp và bất hợp pháp, trong đó, hấp dẫn nhất vẫn là các sòng bạc.
Bà Bảy Quăn vẫn nổi danh giàu có bởi các dịch vụ đeo theo cờ bạc như cho vay, cầm đồ… Bé Bòn, hung thần của Chí Hòa thuở nào, giờ đây cũng là một sĩ quan ban 2 của tiểu khu Gia Định và đỡ đần cho ông anh vợ của mình là Tư Chánh mở sòng bạc ở khu Bà Chiểu.
Năm Cam vẫn sống một cách thong dong bằng nghề cờ bạc. Y đã kiếm tiền không ít bằng cách đánh bạc với các tay có máu mặt trong giới làm ăn, tất nhiên – để lọt vào với trưởng giả thượng lưu Sài Gòn kiếm chác, Năm Cam phải nhờ cậy đến những tay sĩ quan quân đội khác.
Bác sĩ Quang – trưởng khu 5. Tổng y viện Cộng Hòa, bây giờ là bệnh viện 175, quen biết với Năm Cam đã thọ ơn Năm Cam và tình nguyện dắt mối cho y kiếm chác. Ông ta có một ngôi nhà bị cháy bởi chiến sự năm Mậu Thân, đã bày sòng ngay trong bệnh viện với các tay chơi cũng là bác sĩ của Tổng y viện; Năm Cam đã được đưa vào để trổ ngón và vét sạch túi của những người bạn đồng nghiệp bác sĩ Quang. Năm Cam đã giao cho bác sĩ Quang một số tiền khá lớn để ông ta xây cho mình một cơ ngơi. Từ đó đến sau này, đối với bác sĩ Quang, Năm Cam là số 1.
Cuộc sống của một tên cờ bạc chuyên nghiệp trôi qua một cách êm ả, cho đến tận ngày quân giải phóng nổ súng tiến công thị xã Buôn Mê Thuột…
Nhanh đến độ không ai ngờ, mặt trận Tây nguyên tan vỡ dẫn đến việc xóa sổ trung đoàn 2 trong một cuộc tháo chạy toán loạn, được gọi một cách văn hoa là di tản chiến thuật!
Rồi thì quân đoàn 1 trấn giữ các tỉnh phía Bắc Trị Thiên cũng tuỳ nghi di tản. Chiến sự lan nhanh đến Long Khánh và cuối cùng cũng kết thúc số phận quân đoàn 3 bằng sự thất trận của viên tướng trẻ Lê Minh Đảo, tư lệnh sư đoàn 18… Hai trái bom CBU5 đã không thể cứu vãn cục diện đã quá mức tồi tệ…
Năm Cam cũng được gọi về căn cứ Quân vận ở khu Long Bình trình diện. Nơm nớp lo sợ cho viễn cảnh phải cầm đến khẩu M16 để bắn nhau, Năm Cam tìm cách chuồn khỏi đơn vị như hầu hết các vị chỉ huy của mình.
Đại tá Lê Quí Đỏ, cục trưởng cục quân vận và đích thân trung tướng Đồng Văn Khuyên tổng cục trưởng tiếp viện đã có mặt ở cổng 3 căn cứ Long Bình để ngăn đám binh sĩ dưới quyền rã ngủ. Thế nhưng, bọn sĩ quan cao cấp khác ở mọi đơn vị, đến gần sát ngày 30-04-1975, hai vị chỉ huy lặng lẽ biến mất khỏi vị trí chiến đấu! Cũng chẳng trách được họ, ngay cả tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, tướng Kỳ nổi tiếng hiếu chiến và trung tứơng Vĩnh Lộc – kẻ vừa tạm thay quyền cho đại tướng Cao Văn Viên đã chuồn mất, cũng kẻ trước người sau, ôm đồ tế nhuyễn – của riêng tây, trèo lên máy bay tếch khỏi một Sài Gòn hỗn loạn.
Năm Cam, một hạ sĩ lái xe nhưng chẳng bao giờ có mặt tại đơn vị, để tốn hàng tháng một số tiền để mua chân lính kiểng, lẽ dĩ nhiên chẳng dại gì mà ở lại quân đội bại trận vào giờ phút cuối cùng. Y về đến nhà vào chiều 29. Đến sáng 30, Năm Cam cũng tìm ra bến tàu để dò dẫm cách di tản khỏi Việt Nam, nhưng bên cạnh y là Trúc với 5 đứa con: Lan, Ngọc, Anh, Vũ, Bảo… Rồi lại còn Mai với hai đứa con: Nhung, Cang… việc rời bỏ quê hương để tìm đến xứ lạ quê người, là điều quá sức với tên cờ bạc chuyên nghiệp như y.
Cuối cùng thì chiếc T54 của quân đội cách mạng đã ủi sập cánh cổng sắt dinh Độc Lập, kết thúc sự tồn tại cái gọi là VNCH.
Ngay trong hẻm 148 Tôn Đản, Năm Cam nhìn thấy một con người cách mạng bằng xương bằng thịt và gây cho y một ấn tượng đến mãi sau này khi y đã vào tù ra khám không ít lần.
Chị Út, một phụ nữ hết sức bình thường làm nghề thợ may, đã có chồng là Hùng – một viên cảnh sát đặc biệt chuyên theo dõi việc bắt bớ Việt Cộng năm vùng. Một nách ba đứa con, chị lầm lũi lo việc nhà và tỏ ra một người vợ đảm đang.
Một lần, ông trưởng khóm – nổi tiếng là mẫn cán trong việc rình mò dòm ngó các đối tượng khả nghi để báo cho mật vụ, đã nhận được một lá thơ dúi ngay cánh cửa nhà với nội dung yêu cầu ông ta từ chức. Thay vì sợ hãi, ông ta đem lá thư lên trình cho ban cảnh sát đặc biệt để tỏ ra mình rất tận tuỵ trong việc chống cộng. Sau đó hằng đêm, chân đi ủng, tay cầm mã tấu bụng lận súng ngắn dắt theo vài ba chú nhỏ nhân dân tự vệ, ông tiếp tục đi rình mò chỉ điểm. Năm Cam còn nhớ tên ông ta là Chín Ngang…
Vài hôm sau, ông ghé lại quán cafê của vợ Năm Cam gọi một ly soda chanh đường. Trên tay ông bế một đứa bé con hàng xóm mà ông rất thương, ông múc từng muỗng nước cho đứa bé. Năm Cam nhớ lại, lúc bấy giờ, một thiếu niên vào khoảng 15 – 16 tuổi, lảng vảng ở đầu hẻm. Ở xa hơn có một chiếc honda chờ sẵn và một cô gái trạc ngoài hai mươi cũng có mặt như một kẻ tình cờ.
Có lẽ vướng đứa bé trong tay ông trưởng khóm, cậu thiếu niên cứ rụt rè mãi. Ông trưởng khóm trả tiền nước cho Trúc rồi bế đứa nhỏ đi về nhà. Cậu thiếu niên lập tức đi theo. Năm Cam hơi ngạc nhiên nên nhìn theo. Ông trưởng khóm trao đứa bẻ lại cho mẹ của nó rồi đi thẳng về nhà; thấy thời cơ, cậu thiếu niên tiến đến thẳng ông ta.
– Nhân danh cách mạng, tôi thi hành án tử hình ông!
Ba, bốn phát súng đanh gọn vang lên, ông trưởng khóm ngã xuống đất chết tươi. Cậu thiếu niên lập tức nhét súng vào cạp quần rảo bước đi ra đầu hẻm. Rủi ro làm sao, Hùng – tên cảnh sát đặc biệt, đang nghỉ ở nhà vừa đi ra khu cầu cá, nhìn thấy rõ mọi việc, y lao đến cậu thiếu niên ôm lấy cậu ta vật xuống đất.
Cô lật đật chạy từ đầu hẻm vào đến nơi, vội rút khẩu K54 ra… Tuy nhiên, gã cảnh sát đặc biệt và cậu thiếu niên vật nhau loạn xạ khiến cho cô lúng túng không biết phải xử trí ra làm sao. Cuối cùng thấy tiếng còi hụ xe cảnh sát đã vang lên ở đầu đường, cô bắn luôn một phát. Không biết vì hấp tấp hay kỹ thuật sử dụng súng chưa thành thạo, viên đạn thay vì đẩy gã cảnh sát khỏi đồng đội, lại găm luôn vào chân gã thiếu niên!
Hoảng hồn, Hùng buông vội kẻ địch, chạy láng quáng vào cuối hẻm.
Dìu cậu thiếu niên ra đầu hẻm, cô gái lột bớt một chiếc áo ngoài buộc vết thương cho cậu. Nhìn về phía bọn cảnh sát, nhân dân tự vệ đang hăm hở lao đến, cô gái vẫy luôn mấy phát súng. Một tên sĩ quan cảnh sát trúng đạn vào ngực lăn ra mặt đường.
Cuối cùng thì sau một lúc chống trả vô vọng, đạn hết, vòng vây càng lúc càng xiết chặt, cô gái và bọn thiếu niên lọt vào vòng tay bọn cảnh sát. Tên Hùng lúc này mới hoàng hồn, đi nghênh ngang gặp đồng nghiệp để khoe chiến tích vật nhau với Việt cộng của mình, dĩ nhiên, gã lờ tịt đi chi tiết đó chỉ là một cậu bé con loắt choắt và cảnh mất hồn của mình khi suýt bị cô gái bắn chết!
Thế nhưng, ngày Sài Gòn rợp bóng cờ đỏ sao vàng, cả xóm bàng hoàng khi thấy chị Út, vợ của gã cảnh sát đặc biệt chuyên săn lùng Việt cộng này, đeo súng dắt theo một số bộ đội vũ trang, đến nhà để bắt Hùng. Hoá ra, chị chính là Việt cộng nằm vùng!
Khẩu súng roulette của Hùng, đã bị chị Út lén đem dấu tự lúc nào. Gã tái mặt khi biết được ‘cô vợ Việt cộng’ của mình là một cán bộ chịu trách nhiệm tiếp thu chính là bộ phận Phượng Hoàng của mình.
Sau khi chồng đi học tập cải tạo theo chính sách chung, chị Út tần tảo nuôi một nách ba con lại phải nuôi cả Hùng suốt thời gian trường trại.
Năm Cam chợt nhận ra, chính quyền cách mạng, với những con người sẵn sàng hy sinh mọi thứ kể cả hạnh phúc riêng tư như chị Út, thật khác xa với chế độ Thiệu đã mục ruỗng. Y hiểu ra một điều: những con người vô lại, như y và các chiến hữu, sẽ khó có đất dung thân.
Bán chiếc honda dam cà tàng để lây lất qua ngày, Năm Cam đạp chiếc xe lọc cọc lui tới Sài Gòn – Thủ Đức để làm tròn một nghĩa vụ của người chồng, một người cha có đến hai gia đình. Cuối cùng, Năm Cam – vào một đêm thanh vắng đã nói thật với Trúc về “mái ấm gia đình” thứ hai của mình. Trúc chỉ biết khóc rấm rứt. Trước việc Năm Cam đã có hai con với Mai, bà vợ tốt tính của y đành chấp nhận giải pháp đưa luôn Mai và con cái về chung sống hòa bình ở căn nhà 148/3 Tôn Đản.
Hàng loạt tên lưu manh cặn bã của chế độ cũ bị giam giữ ở Chí Hòa, nhân cơ hội ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đã sổng ra và rục rịch ngóc đầu dậy.
Một số vụ cướp có súng xảy ra trên địa bàn thành phố do những tay sừng sỏ của giang hồ sài Gò gây nên, đã buộc những người có trách nhiệm quyết định các biện pháp mạnh. Trong đó, những tên thành tích bất hảo được lưu trong hồ sơ của cảnh sát chế độ cũ, đều lần lượt bị bắt tập trung cải tạo.
Năm Cam cũng không thoát khỏi đợt tổng càng quét này. Y bị bắt ở khu vực trung tâm Sài Gòn do chứng nào tật nấy, lui tới những sòng bạc còn lén lút hoạt động buổi giao thời để kiếm chác, và không thoát khỏi tai mắt của người dân.
Đưa vào bót cảnh sát quận nhì nằm trên đường bác sĩ Yersin. Năm Cam hiểu rằng mình đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi xem thường luật pháp. Y quá chủ quan khi cho rằng những quân nhân cách mạng quen thuộc với địa đạo và bom đạn trên tuyến lửa Trường Sơn, khi vào thành phố làm công việc giữ gìn an ninh vốn xa lạ với kinh nghiệm của họ, sẽ không tài nào biết được hoạt động của các sòng bạc. Thế mà, y đã phải ngậm ngùi sau cánh cửa tò vò của trại giam.
Quý tử hình, anh ruột của Châu Phát Lai Em, một để tử thân tín của Năm Cam sau này, đã chết trước mắt Năm Cam vì lên cơn vật vã do thiếu thuốc phiện. Đó cũng là một trong những lý do Năm Cam ghét ma tuý một cách khủng khiếp. Y cho biết:
– Con bé Châu, con anh Mười côn lôn và chị Kiên bị bệnh tiêu chảy kinh niên, bụng ỏng eo, mỗi lúc qua nhà chơi, anh nhìn thấy nó mà còn tội nghiệp! Vậy mà ông Mười có lo gì được cho con cái đâu? Tội nghiệp chị Kiên, gặp một ông chồng nghiện oặt người như ổng, có hưởng được gì cho ra cuộc đời con gái… Rồi thì ông Nô cao giò, chích đến độ nát hết cả ven, mỗi lần lên cơn phải nhờ vợ là chị Nữa chích giùm ở cổ, và mỗi lần chích là mỗi lần khóc! Thấy trước mắt anh sợ lắm!
Nằm giam ở phòng bót cảnh sát quận nhì được vài tháng, Năm Cam được tha về trong một buổi chiều. Nghe lời một ai đó bày cho, chị Tư Xẩm và vợ Năm Cam làm đơn đi kinh tế mới. Ngày trở về, Năm Cam đành chấp nhận giải pháp tình thế này.
Gom góp được một số tiền, Năm Cam bắt đầu lao ra khu chợ trời Huỳnh Thúc Kháng để xoay sở cho cuộc sống và nuôi con cái. Đứa con gái lớn của y và Trúc, Lan – vừa thi đậu vào trường Trưng Vương cũng đành giã từ con đường học vấn để giúp mẹ lo chuyện gia đình. Thọ – con trai độc nhất của chị Tư Xẩm với Bảy Xi, vốn thông minh và học rất siêng, niềm hy vọng của Tư Xẩm, Năm Cam… cũng thôi học. Cả nhà đều tất bật với cuộc sống hệt như bao gia đình buổi giao thời khác. Đạo, con dì Hai Ngọt cũng đã trở về hàm trung uý quân giải phóng. Nhờ một người quen có gốc gác ở miền Tây, chị Tư Xẩm xuống tận xã Mỹ Đức Đông – huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang để mua lại một mảnh vườn khoảng 3 công đất. Đồng tiền kiếm được ở chợ trời Huỳnh Thúc Kháng được Năm Cam dồn vào việc trồng và chăm sóc vườn cây ăn trái. Lúc ấy, những tưởng cuộc đời của Năm Cam sẽ kết thúc em đềm hệt như bao người khác, như một lão nông tri điền có nhan nhản khắp lục tỉnh Nam Kỳ.
Thế nhưng, máu tham con người đã làm hại Năm Cam…
Cuộc bon chen ở chợ trời sản sinh ra nhiều người rủng rỉnh tiền bạc. Đôi khi chỉ một hai lời nói ngọt ngào hoặc một màn kịch đóng khéo léo, đủ để một con buôn chợ trời kiếm chác được một số tiền gấp mấy lần lương tháng của một công nhân viên chức nhà nước.
Lúc bấy giờ, Luông điếc đã tái xuất giang hồ. Tên giang hồ gác sòng điếc tai nhưng hung tợn này, cùng vợ là Thu Hà – người đàn bà này cũng xuất thân từ giới lưu manh mạt hạng được gọi bằng hỗn danh Hà trề, ra mở quán café cóc ở góc Pasteur – Huỳnh Thúc Kháng. Năm Cam đặc biệt thích tính tình của Luông điếc nên kết giao rất thân mật.
Năm Cam nhận ra, những lúc nhàn rỗi – những ông tướng chợ trời hay lôi bộ bài ra sát phạt. Y hiểu ngay đây chính là cơ hội kiếm tiền của mình. Năm Cam thuê những căn nhà ở quanh đó, không quá lâu để thành qui luật, và tổ chức chứa bài lấy xâu. Dĩ nhiên, số tiền xâu được không lớn như ngày trước do những con bạc ăn thua không lớn và có giới hạn…
Bất ngờ và cũng là định mệnh, Năm Cam lại gặp Tám Phánh. Ở miền Nam, ai đã từng cầm cây bài để sát phạt ăn thua, hẳn đều biết nhân vật này.
Ông Tám Phánh là chủ nhân của khách sạn Kim Thành, lớn nhất khu Chợ Lớn thời trước ngày giải phóng. Thế nhưng, người ta biết đến ông vì ông là chủ của rất nhiều sẹc. Tổ chức sẹc có từ đầu thế kỷ 20, thoạt đầu là những tổ chức giải trí với đủ mọi thú vui kể cả gái đẹp và cờ bạc, do những ông bang trưởng của ngũ bang: Quảng Đông, Triều Châu, Phước Kiến, Hẹ và Hải Nam đứng ra xin phép chính quyền thực dân Pháp thiết lập.
Đến khi Bình Xuyên của Bảy Viễn lấn sân vào các hoạt động ăn chơi của Sài Gòn Chợ Lớn, các sẹc của người Pháp không đủ tư thế để cạnh tranh với những Kim Chung. Đại Thế Giới và Bình Khang, nên tự giác lui vào bóng tối. Tiền thu được hằng đêm ở các nơi chở bằng xe traction từng thùng về đại bản doanh Bảy Viển chứng tỏ chẳng có gì lợi nhuận cao hơn nghề tổ chức cờ bạc…
Năm 1955, lợi dụng được quân của Trịnh Minh Thế quay súng về ủng hộ, Ngô Đình Diệm đã triệt hạ được Bình Xuyên – Bảy Viển đồng thời ngay trong cuộc giao chiến ở cầu Quay – Khánh Hội, Trịnh Minh Thế cũng bị giết bằng 1 phát carbin từ phía sau.
Các sòng bạc của người Hoa lại mọc lên như nấm sau mưa. Tất nhiên để có thể tồn tại một cách gần như công khai, việc hối lộ cho các quan chức đã được thường xuyên và rãi từ trên xuống dưới.
Đến thời “tam đầu chế” Thiệu – Kỳ – Khiêm rồi Khiêm ra đi để Nguyễn Hữu Có lọt vào bộ sậu cầm quyền, sòng bạc của Tám Phánh nổi lên như một hiện tượng. Bởi lẽ, sòng có sự bảo trợ bằng hình thức “hùn hạp”của trung tướng Phạm văn Đổng – Bộ trưởng Bộ Cựu Chiến Binh. Tất cả Sài Gòn Chợ Lớn có hơn 30 sòng bạc, không có sòng nào không có “phần hùn của chú Tám”! Dĩ nhiên, đó là những sòng bạc lớn có đầy đủ những trò đỏ đen, còn cỡ sòng bạc như Bảy Xi – Năm Cam, chỉ đáng một nụ cười nửa miệng của Tám Phánh…
Thế mà, sau nhát chổi cực mạnh của Uỷ Ban Quân Quản thành phố, những kẻ tạo dựng cơ đồ bằng cách dựa vào thế lực của chế độ cũ làm ăn phi pháp, đều trở nên trắng tay.
Tám Phánh cũng không thoát khỏi kiếp nạn. Ông ta chỉ còn lại một căn phố lầu nho do một cô vợ bé bằng tuổi cháu ngoại ông, đứng tên. Thói thường, khi gắn bó với nhau bằng tiền tài thì khi của cải đội nón ra đi, tình nghĩa bám vào đâu mà tồn tại? Cô vợ ngang nhiên đem nhân tình trẻ khoẻ đẹp trai để vào nhà để bày trò trên người ông chồng già thất thế…
Buồn tình, anh Tám bỏ đi lang thang với thói quen hút thuốc phiện, đã gặp Năm Cam một cách tình cờ.
Sự nể trọng của Năm Cam dành cho Tám Phánh đã làm cho ông già sa cơ lỡ vận hết sức cảm động.
Thế là, mặc nhiên ông Tám xem Năm Cam như một truyền nhân duy nhất để hướng dẫn cho Năm Cam mọi ngóc ngách của nghề tổ chức sòng bài. Mãi đến lúc này, Năm Cam mới hiểu được vì sao, bao nhiêu năm ròng rã mở sòng bạc, Bảy Xi cũng không thể trở nên giàu có! Ông Tám phân tích tường tận mọi thứ, từ tâm lý của các tay chơi bạc đến thủ thuật vét sạch đến đồng bạc cuối cùng trong túi những kẻ máu mê bằng đường lối dịu ngọt.
– Tất cả những điều anh nói với em, rất tiếc đã không còn hợp thời… Anh em mình gặp nhau quá muộn, lúc anh ở đỉnh cao, em có hưởng được gì đâu mà bây giờ lại thành gánh nặng suốt đời cho em?
Tám Phánh nói với giọng xúc động thực sự.
Từ ngày có “quân sư” Tám Phánh, Năm Cam thay đổi hẳn cách làm ăn. Y bắt đầu quan hệ rộng hơn trong giới giang hồ và bọn con buôn chợ trời để bằng mọi cách lôi kéo các con bạc về chơi với sòng của mình. Để có thể tồn tại trước chính quyền đầy rẫy tai mắt của nhân dân, theo tham mưu cũa Tám Phánh, Năm Cam tổ chức những sòng bạc cò con luôn thay đổi địa điểm và qui luật.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Năm Cam ăn nên làm ra và đã mua thêm cả mẫu tây đất vườn ở Cầu Ông Vẽ – Cái Bè để trồng cam.
Một bữa nọ, Năm Cam bị bắt với đầy đủ bộ sậu: Sáu Nhà, Tám Phánh, bởi một nguyên cớ hết sức vô duyên.
Nhà sách Khai Trí, sau khi chủ đã rời bỏ quê hương để đi Mỹ vào những ngày nhộn nhạo, đã được chính quyền mới giao cho một gia đình cán bộ quản lý. Bằng lời lẽ ngọt ngào, Năm Cam thuyết phục người chủ mới chấp nhận cho y mở sòng sóc dĩa trên căn lầu lửng của nhà sách. Sự ra vào rộn rịp của các con bạc được che đậy bởi hoạt động công khai của một nhà sách nên sòng tồn tại một cách ngon lành ngay trước mũi bàn dân thiên hạ và công an phường. Ông chủ nhà lúc đầu chỉ ngồi không hưởng lợi nhưng về sau lại sinh tật. Thỉnh thoảng ông lại dốc túi vào xới vời hy vọng làm giàu ngang xương. Quy luật cờ bạc đâu cho phép “cò gỗ mổ cò thật”, ông chủ nhà thua xiểng liểng. Không nhìn ra nguy cơ, Năm Cam cứ để ông ta lao vào xới để ăn thua với chính mình… Dĩ nhiên, ngoài số tiền tiết kiệm được do chứa sòng bạc của Năm Cam thua sạch vào bốn quân đen trắng, ông ta bắt đầu sử dụng đến đồng tiền riêng của vợ chồng tích cóp bấy lâu.
Khuyên răn, vật nài thậm chí khóc lóc đe dọa mãi ông chồng không được, bà vợ tiếc của quyết định tố cáo…
Thế là một ngày đẹp trời, sòng sóc dĩa của Năm Cam, Sáu Nhà, Tám Phánh bị CA thộp cổ cùng đầy đủ tang vật. Cả bọn lập tức bị giải giao về tạm giam CA Quận 1 ở đường Mạc Đỉnh Chi.
Vào đến phòng giam, ông Tám Phánh lên cơn vật vã do thiếu thuốc phiện. Gã du đảng nổi danh hung thần Mạc Đĩnh Chi lúc bấy giờ là Ba Vá – gốc lò heo Chánh Hưng Quận 8, do được Hoàng Cùi – em ruột Cu lang khu nhà lô Cô Giang giới thiệu, đã lập tức giúp đỡ Năm Cam. Thấy cảnh vật vã của ông Tám, Năm Cam vội năn nỉ Ba Vá. Bằng mối quan hệ của bọn lao động phục vụ nhà bếp, Ba Vá đổi một số quần áo mới của y trấn lột từ các bạn tù, lấy một ít thuôc phiện sống vào cho Tám Phánh cầm cơn.
Lần ở tù ấy tuy ngắn ngủi nhưng Năm Cam hiểu rằng, hoạt động sòng bạc sớm muộn gì cũng có lúc xảy chân, mà nếu không có sự giao du hào phóng với giang hồ lưu manh các kiểu, khi rơi vào trại giam, sẽ dễ bị biến thành “âm binh mắt ma” và trở nên thân tàn ma dại. Chính vì vậy, từ sau lần rơi vào Mạc Đỉnh Chi ấy, Năm Cam dành một phần không nhỏ lợi tức của việc thăm nuôi, cho bọn đầu trâu mặt ngựa xem tù tội như trò đùa.
Cũng lần ấy, Năm Cam đã chứng kiến bản lĩnh của tên Lộc lì và quyết định đầu tư vào tên này để làm thuộc hạ.
Lộc lì vốn xuất thân ở vùng Phú Nhuận. Sau khi gây một số vụ án đủ để bị CA quận săn lùng, gã trốn qua vùng đất thánh của giang hồ là quận 4. Lúc ấy, một nhân vật nữ khá nổi danh vì chuyên cưu mang những tên trôi sông lạc chợ nhưng có lá gan to, là má Nguyệt. Đó là một đàn bà xấu xí, ti hí mắt lươn nhưng được giới giang hồ tặng cho mỹ danh là “má”… Chồng của mụ là Chảy, một người bạn nối khố của Năm Cam, vốn rất hiền lành nhưng cha của “má Nguyệt” lại là người tồ chức cờ bạc đầu tiên ở quận 4. Với xuất thân như thế, mụ Nguyệt luôn dành cảm tình cho bọn có máu mặt trong giới giang hồ. Về ở khu Cầu Ván – đường 20 thước đi vào, Lôc đã trải qua không ít vụ đụng độ với các hảo hán địa phương do chữ “lì” của mình.
Lần ấy, Tiến chó, Đức ngọng, Thảo chó, Long vịt… những tay có tên tuổi đã quyết định thử Lộc lì. Gã du đãng con nuôi của má Nguyệt vừa đi về đến đầu ngõ đã thấy một loạt anh chị thành danh đứng đón sẵn với mã tấu, dao lê hườm sẵn trên tay. Lộc lì vẫn lạnh như tiền, thò tay vào cạp quần rút ra một lưỡi lê Tiệp bén ngót cười lạt:
– Mình lưu lạc khắp nơi, sỡ dĩ chọn quận 4 làm chốn dung thân vì nghe danh quận 4 có nhiều anh hùng hảo hán… Bây giờ các bạn như thế này, nói thiệt đừng giận, mình hết nể nổi:
– Hết nể thì sao chớ? Một anh chị nóng mặt hỏi độp luôn một câu.
– Nếu các bạn còn chút danh dự giang hồ thì cứ vô từng người một, mình sẽ tiếp đón hết, cho đến khi nào mình gục thì thôi… Còn nếu ngại, thì lên luôn một lượt, mình có chết cũng không buồn! Lôc lì thản nhiên đáp.
Cả bọn đưa mắt nhìn nhau. Lộc lì quả đúng với danh xưng, thôi thì tứ hải giai huynh đệ cho xong… lỡ có thua Lộc lì thì có nước bỏ xứ mà đi còn thắng thì, ỷ đông hiếp yếu, danh dự gì nữa!
– Thôi, đi nhậu cho rồi… Tiến chó lên tiếng.
Năm Cam nghe đến tên tuổi của Lộc lì từ lúc Lộc còn lăn lộn giựt dọc ở chợ Sài Gòn. Một đàn em của Lộc bị CA phường Bến Thành bắt khi giở trò đạo chích. Thuở ấy, cũng có phần dễ dãi, gã đàn em bị nện cho một trận rồi tống về địa phương quản lý. Lộc hay tin bèn hỏi đàn em:
– Mày có nhớ mặt thằng CA bắt mày không?
Sau đó theo sự chỉ mặt của đàn em, Lộc bất ngờ dùng dao chém tới tấp anh CA nọ, dĩ nhiên chỉ vào nơi không liên quan đến tính mạng. Lần này, Lộc lì rơi vào CA quận 1 do một vụ cướp không thành.
Lộc đi cùng một người bạn đến ngân hàng để rình mò trên một chiếc xe honda 67. Do chiếc xe bị hở bình xăng con, Lôc lì khoá xăng cho an toàn. Con mồi vừa xuất hiện với túi sách đựng tiền, Lộc lao đến giật vội. Người bị hại la lớn: “ăn cướp! ”. Lộc vừa nhảy lên xe để tẩu thoát, lực lượng SBC đã phục sẵn nhào ra… Cuộc săn đuổi ngoạn mục trên đường phố bắt đầu. Chạy được vài trăm thước, xe chở Lộc bị tắt máy bởi việc khoá xăng của y. Lập tức SBC bao lấy hai tên cướp giật, Lộc rút khẩu súng trong bụng ra bóp cò! Viên đạn không nổ…
Thế là cả hai tên cướp bị đưa vào trại tạm giam với bộ dạng tơi tả dưới ánh mắt của bọn tù hình sự.
Lộc lì, với bản chất hung hăng liều mạng, khi vào trại giam đã phản ứng dữ dội các quản giáo. Cuối cùng, biện pháp mạnh đã được sử dụng để khuất phục gã tướng cướp liều lĩnh này.
Gã bị còng tay treo vào song sắt của hành lang trại Mạc Đỉnh Chi, gã không ngớt chửi rủa bất chấp những trận đòn do sự thiếu kiềm chế của một số bảo vệ vũ trang.
Năm Cam lắc đầu trước sự cứng đầu vô ích của tên Lộc bèn lén lúc khuyên nhủ gã:
– Thôi, em đừng cương nữa! Kệ mai mốt về rồi tính…
Lộc nhìn Năm Cam với ánh mắt lạ lùng khó hiểu. Đến đêm, Năm Cam thức giấc nhìn ra cửa nơi Lộc đang bị còng treo. Chẳng hiểu từ lúc nào, Lộc đã thôi chửi rủa… Hoá ra, những quản giáo ở trại giam Mạc Đỉnh Chi đã trúng kế Lộc lì. Gã đã tháo được chiếc còng Mỹ một cách dễ dàng êm thắm và đã biến mất!
 
Gần Tết, Năm Cam và đồng bọn được thả. Lý do đơn giản, chỉ một ai đó trong bộ phận lấy lời khai của vụ án, chấp nhận cách lý giải ngô nghê của các tên liên quan, đủ để vụ án trở nên hết sức vớ vẫn! Chuyện đút lót, có thể có có thể không, nhưng dễ gì Năm Cam chịu thố lộ cùng ai… Đó là bảo vệ cho chuyện về lâu về dài mà, làm sao Năm Cam tin được ai?
Về đến nhà, Năm Cam tắm táp xong đã vội đi đến sòng bạc của Bảy Xi để gặp mối tình mới…
Lành – người đẹp mà Năm Cam có dịp làm quen từ năm 1974 ở sòng bạc, nay lại trở về vối nghề “hàng xáo” của mình.
Bằng cách cư xử hào phóng và quá hiểu tâm lý phụ nữ, chỉ qua vài lần gặp gỡ, Năm Cam đã mời người đẹp đi “dạo mát” với mình. Và cũng chỉ qua vài cuộc dạo mát ngắn ngủi, Lành đã có đứa con trai đầu lòng với y. Trương Hữu Lộc, ra đời trong sự bảo bọc hết sức an toàn của cha là một tay cờ bạc chuyên nghiệp và mẹ là một người chuyên cho vay cầm đồ quẩn quanh ở sòng bạc Bảy Xi.
Cũng trong thời gian này, có hai việc quan trọng xảy đến đối với Năm Cam, Ánh đột ngột xin phép cha mẹ để xuất gia qui y Phật Pháp ở chùa Bồ đề khu hãng phân. Đó là đứa con hiền lành xinh xắn nhứt nhà và cũng là người sau này có ảnh hưỏng nhiều đến Năm Cam. Ở nhà, cô được gọi tên là Mỹ lớn nhưng ở chùa, cô là ni cô Diệu Quang…
Chuyện thứ hai, đối với nhiều người có thể chỉ là một rủi ro, nhưng với cuộc đời Năm Cam có thể là một bước ngoặc hết sức tồi tệ, nếu đặt việc này vào tổng thể cuộc đời y với kết thúc hoàn toàn không có hậu chút nào!
Trận lụt ở đồng bằng sông Cửu Long gần như đồng thời với việc tăng mạnh cuộc tấn công quân sự vùng biên giới của quân PolPot, đã làm cho bao nhiêu công sức tiền của do vợ chồng Năm Cam và chị Tư Xẩm trở thành xe cát biển Đông! Ao thả cá của gia đình Năm Cam do chính y nai lưng ra đào đất rộng cỡ 3 công đất đã ngập sâu dưới giòng nước đục ngầu phù sa. Tất nhiên, vườn cam và căn nhà lá nho nhỏ nhưng xinh xắn cũng trôi theo cơn lũ cuối thập kỷ 70.
Cố gắng với hy vọng sẽ có một chốn nương thân nơi thôn dã, chị Tư Xẩm gạt nước mắt lao vào phục hồi mảnh đất và liên tục đi đi về về Sài Gòn buôn bán gạo, mặt hàng đang bị cấm đoán lúc bấy giờ. Và rồi, dầu năm 1981, Năm Cam và chị gái phải bán đi mảnh vườn ở quê hương thứ hai để lui về Sài Gòn sống tiếp tục cuộc đời của kẻ ngụ cư. Lành có thêm hai đứa con với Năm Cam là Trương Hữu Phước và đứa con gái Trương Thị Thanh Xuân, được xem là út nên Năm Cam thương hơn trứng mỏng. Trúc hoàn toàn không biết gì về cái gia đình thứ ba này của ông chồng hiếu sắc. Có điều, với gánh nặng như vậy, Năm Cam càng lúc càng táo tợn liều lĩnh hơn trong việc tổ chức sòng bạc nhằm kiếm được thật nhiều tiền.
Lúc đó, trong giới giang hồ, nếu có nhắc đến tên Năm Cam thì mọi kẻ vô lại đều hình dung ra một tay bạc bịp chuyên tổ chức sòng để lấy xâu. Chẳng một ai, kể cả những kẻ y ban bố tiền tiền của, lại thứa nhận y là một tay anh chị… Bảy Xi, sau chuyến tù thăm thẳm ở trại tập trung cải tạo, cũng đã trở về với nghề cũ là tổ chức sòng nho nhỏ để sinh sống qua ngày.
Trong thời gian Bảy Xi ở trại giam, Năm Cam cho vợ đi thăm nuôi và có lần bị lật xuồng xuýt chết. Ấy vậy mà ông anh rể năm xưa vẫn không buồn nhớ ơn và lại còn gây ra cho Năm Cam không ít bực bội. Có điều, Năm Cam vẫn chưa phải là Năm Cam – một ông trùm có nhiều quyền lực để “dạy dỗ” cho Bảy Xi phải biết điều!
Chẳng những thăm Bảy Xi, đối với Ba Trình – một trùm cờ bạc Thị Nghè, đang thất thế sa cơ ở trại Tống Lê Chân không một ai nuôi nấng, dòm ngó, Năm Cam đã bảo vợ đi thăm nuôi… Tất cả, đối với Năm Cam, có thể tóm lại một câu đầu môi giang hồ Sài Gòn thường sử dụng: “Không có cuộc hy sinh nào vô nghĩa! ”
Những tay khét tiếng thời mồ ma ông Thiệu như Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái… miệt mài cuốc đất phát hoang ở Tống Lê Chân, Ba Thế lắc đầu le lưỡi trước sự liều lĩnh hung tợn của Đức kẽm Hải móm… ở trại Đồng Tháp, còn Lâm chín ngón quần quật trên đồng ruộng Hậu Giang.
Bọn giang hồ lẫn trốn được sự truy lùng của pháp luật như: Bắc què, Liên daulphine, Thành thổ mộ, Đức nguyễn… sau một thời gian im hơi lặng tiếng, bắt đầu tái xuất giang hồ bằng những vụ cướp có súng một cách hung bạo. Lần lượt từng tên, sa vào lưới pháp luật để ra pháp trường hoặc đền tội ngay trên đường phố bởi những phát đạn của lực lượng SBC thuộc CATP.
Mặc cho sự thế xoay vần, Năm Cam vẫn trung thành với sư phụ Tám Phánh và lao vào việc tổ chức cờ bạc.
Đi đêm có ngày gặp ma, năm 1982 – tên trùm cờ bạc bị tóm gáy. Bằng sự nhạy bén của một tay chuyên tổ chức sòng bài, Năm Cam liều mạng giữ chặt cửa chính của căn phòng trên đường Nguyễn Huệ, các con bạc và những tay chân thân tín của Năm Cam có đủ thời giờ tẩu thoát bằng lối thoát hiểm. Giải thích cho lý do hành vi cam đảm ấy, Năm Cam giải thích bằng giọng kẻ cả:
– Nếu không làm như vậy mà chỉ lo bỏ trốn, bọn con bạc bị bắt cũng khai ra mình… Còn tử thủ để cuối cùng bị bắt, muốn khai sao không được? Sau này, mình có rủ thì ai cũng yên tâm… Nghề cờ bạc là như vậy đó!
Thời gian này, đứa con gái lớn của y đã có chồng và sinh đứa con thứ nhì. Tuy vậy, Lan vẫn cùng mẹ đi thăm nuôi Năm Cam khá đều đặn và huy hoàng chẳng thua gì một ông giám đốc sa cơ!
Chàng rể đầu tiên của Năm Cam vốn xuất thân từ giới giang hồ. Quê gốc ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Hiệp lưu lạc vào sống ở Sài Gòn và tham gia cùng các tiểu yêu giang hồ làm nghề giựt dọc với hỗn danh Hiệp Mụn. . Đó chính là nguyên nhân Hiệp được giao cho cư xử với bằng hữu giang hồ sau này. Tư Hòa, chị của Mười côn lôn – sống ở khu Dân Sinh, đã nhận Hiệp làm con nuôi và nâng đỡ Hiệp nhiều trong những tháng ngày hắn lăn lóc ở vỉa hè, mái hiên, góc chợ…
Hiệp lui tới khu Sáu Căn, hẻm 148 Tôn Đản và để ý đến Lan đứa con gái lớn của Năm Cam thường được gọi với tên Điệp, lúc ấy cô gái chỉ mới 17, 18 tuổi.
– Thằng Hiệp thương con Điệp nhà mình, anh tính sao? Trúc hỏi.
Năm Cam đắn đo một lúc rồi trả lời:
– Thì hỏi con gái mình coi, nếu nó đồng ý thì kêu thằng Hiệp tiến tới!
Đám cưới được tổ chức khá đơn giản và sau đó đứa cháu ngoại đầu tiên được Năm Cam quí hơn vàng đã ra đời, Hải – tên đứa cháu, được Năm Cam dồn hết hy vọng đổi đời của mình vào, sau khi những đứa con của y đã tỏ ra không mấy gì sáng sủa trên con đường học vấn.
Khi ở trại Đồng Phú, bằng sự khéo léo gây tình cảm của một tên cờ bạc chuyên nghiệp, Năm Cam sống hết sức ung dung nhàn hạ.
Đang còn độ tuổi sung mãn, Năm Cam cũng bắt chước các tay giang hồ đang thụ hình để dòm ngó cưa cẩm một cô gái đang trả nợ nhà nước ở khu giam nữ.
Nga – tên cô gái, khá xinh đẹp trắng trẻo ở độ tuổi 24 – 25, vốn xuất thân làm nghề nhảy tàu. Nhà ở An Lợi Đông, Nga chèo thuyền cặp mạn các tàu viễn dương để mồi chài các thuỷ thủ khát tình đói sắc. Nếu có cơ hội, cô gái cuỗm sạch ví tiền và các vật dụng đắt tiền trong các carbin của các chàng thuỷ thủ dại gái để phóng ùm xuống sông giữa lúc đêm khuya. Đó là lý do để Nga có mặt ở trại Đồng Phú để gặp gỡ Năm Cam.
Trong thời gian lẹo tẹo với Nga, vợ Năm Cam và con gái vẫn đến ngủ lại ở trại với y. Để y đừng bận tâm, Trúc dấu biệt mọi thông tin quan trọng không cho chồng hay: ở nhà, cô vợ bé của y đã phải đi làm ở một công ty và công khai đi cùng một gã nhân tình đi về hằng đêm trên chiếc xe gắn máy.
Để có thể tồn tại, chị Tư Xẩm đành phải quay qua chứa bài. Dĩ nhiên mối quan hệ giới hạn của người đàn bà chỉ cho phép thu được một số tiền xâu ít ỏi nhưng cũng tạm sống qua ngày và thăm nuôi em trai.
Được gần một năm, do sự bừa bãi của nam nữ ở trại dẫn đến hàng loạt vụ mang thai ngoài ý muốn của các cô gái đang thụ hình, lãnh đạo trại đã phải quyết định chuyển toàn bộ số tù nữ đi nơi khác! Nga cũng nằm trong số phải ra đi. Năm Cam bùi ngùi chia tay cô bồ mới và sau khi cho địa chỉ với lời thề non hẹn biển, y dúi vào tay Nga một khoản tiền khá lớn.
Sau 16 tháng cưỡng bức lao động, Năm Cam về trước thời hạn được gần 8 tháng. Y hết sức tự hào về việc này và luôn nói một cách úp mở:
– Ở đời, có tiền chưa phải là có tất cả… nhưng tất cả… là vì tiền! Miễn là người hiểu chuyện và có chút đầu óc phán đoán là xong!
 
Trở về nghĩ ngơi chưa chưa được bao lâu, Năm cam lại bắt tay vào trong công việc tạo dựng cơ đồ, tất nhiên bằng biệp pháp tổ chức cờ bạc. Có điều, giờ đây vị quân sư duy nhất trong cuộc đời Năm Cam, đã không còn… Ông Tám Phánh, trong lúc y còn đang lặn hụp ở trại Đồng Phú, đã gom góp được một ít tiền, vàng để vượt biên.
Lan và Hiệp mở một điểm bán sơn và vật liệu xây dựng trên đường Calmett. Năm Cam có vẻ hài lòng khi thấy chàng rể có phần chí thú làm ăn. Tuy nhiên, chị Tư Xẩm, đã lôi Năm Cam ra một bên để báo cho em trai một tin xấu:
– Con Mai, chị thấy không được rồi đó… Ai đời chồng đi tù mà ở nhà ngồi sau xe ôm eo ếch trai, người ta coi mình ra gì nữa!
Giận tím mặt, Năm Cam gọi Mai ra một quán nước để hỏi chuyện. Cuối cùng dù muốn hay không, cô gái từng chết mê chết mệt vì miệng lưỡi của Năm Cam cũng phải gạt nước mắt ra đi sau khi đã thanh minh, thề thốt hết lời.
Kim Anh – cô nhân tình bé bỏng năm nào, giờ đây cũng đã có chồng có con nhưng thỉnh thoảng vẫn lui tới tìm ông anh – bà chị lối xóm để nối lại chút tình cố cựu. Năm Cam vẫn không thể quên cô bé lai Tây có sắc vóc bốc lửa nên vẫn tìm cách gạ gẫm. Dĩ nhiên chuyện thầm kín ấy, đâu để cho Trúc có thể bắt gặp quả tang dù không tránh khỏi nghi kỵ.
Thương em trai, Tư Xẩm đã gom góp tự lúc nào để mua sẵn cho Năm Cam một chiếc honda S50 còn mới. Dẫu sao nghề nghiệp của y không thể thiếu phương tiện đi lại. Năm Cam bắt đầu cho việc làm giàu bằng cách lui tới các sòng bạc lôi kéo các tay chơi…

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.