Nam cực tinh huy

Chương 12



Ngô-Quyền giả sợ mở trùng vi,

Công-Tiện mắc mưu bị nả tróc.

Từ ngày Kiều-Thuận khai đông môn dẫn binh trong thành Đại-La ra đánh, quyết phá vây mà phá không nổi, lại bị Ngô Thứ-sử khiển binh công kích mấy cửa khác làm cho Công-Tiện sợ thất phải thâu binh vào thành, thì binh tướng của họ Kiều cứ ở trong thành cố-thủ mà chờ binh Tàu qua cứu, chớ không dám ló ra nữa. Ngô Thứ-sử ban đầu thì quyết vây hoài đặng trong thành hết lương phải ra hàng đầu, mà vây đến bốn tháng chưa thấy Công-Tiện rục rịch. Ngô Thứ-sử sợ vây lâu ngày binh Lưu-Cung qua nhiễu loạn, rồi lớp thì phải trừ giặc ở trong, lớp thì phải cự giặc ở ngoài, lấy làm bất tiện, nên hằng lo có kế chi mà hạ thành, mà trù nghĩ hết sức cũng không tìm được một chước nào hết.

Đến đầu tháng bảy, hễ ban đêm thì có binh của Kiều-công-Tiện khi năm đứa, khi ba đứa lén leo thành rồi lội ngang hào mà xin hàng đầu, nói rằng trong thành lương thực đã hết rồi, nếu ở trong thành chắc phải chết đói nên mới lén mà trốn. Chư tướng sai quân về đại trại mà báo cho Ngô Thứ-sử hay. Ngô-Quyền nghe báo thì trong bụng mừng thầm, song muốn biết cho rõ mọi việc trong thành, nên dạy phải cho người dẫn quân mới đầu đó về đại trại đặng cho mình tra vấn. Quân về tới, Ngô Thứ-sử thấy đứa nào hình dạng cũng ốm-nhách, mặt mày vàng ẻo, quần áo lang thang, biết trong thành chắc là khốn đốn lắm, bèn dạy quân nấu cơm rồi dọn cho bọn lính mới đầu đó ăn rồi mới vỗ về mà hỏi thăm việc trong thành. Chúng nó ăn uống no-nê rồi mới khai thiệt rằng trọn một tháng trước trong thành quân lính ăn một ngày có một bữa cơm mà thôi, mà hổm nay lại phát gạo ít quá nên phải nấu cháo mà ăn, chớ không có cơm nữa. Quân lính xầm xì muốn rủ nhau mở cửa thành ra hàng đầu đặng khỏi chết đói, rủi cơ mưu giấy lậu, Kiều-Thuận bắt mấy người làm đầu chém hết nên quân lính kinh khủng không dám tính tới việc đó nửa.

Ngô Thứ-sử nghe rõ tình cảnh trong thành thì chẳng xiết nỗi mừng, bèn hội Cảnh-Thạc với Bạch-Hổ lại mà bàn tính sự công thành. Chiều bữa ấy Ngô Thứ-sử được thơ của Trần-Khánh cho hay rằng Dương-kiết-Lợi đã tử trận, thái-tử Hoằng-Tháo vây thành Lục-châu gắp lắm nên xin binh ứng tiếp. Ngô Thứ-sử đọc thơ rồi thì lo lắng lắm, hỏi ý chư tướng coi phải liệu định lẽ nào. Phạm-Bạch-Hổ xin dẫn vài ngàn binh lên cứu Lục-châu và ngăn cự thái-tử Hoằng-Tháo, Đỗ-Cảnh-Thạc liền cản mà nói rằng: “Phạm tướng-quân nóng quá như vậy không nên! Vã chặng đường từ Lục-châu xuống đây xa xuôi mà hiểm trở lắm, ví dầu Hoằng-Tháo nó có lấy được Lục-châu rồi đi nữa cũng 20 ngày hoặc một tháng nó mới kéo đại binh xuống đây. Huống chi nó vừa mới tới Lục-châu, chớ cũng chưa chắc lấy thành được, thế thì có chi mà lo sợ. Còn chúng ta vây thành Đại-La đã hơn bốn tháng nay, bây giờ trong thành đã hết lương mà binh lại muốn sanh phản-tâm, hễ chúng ta đánh một trận thì thấy lấy thành được. Vậy chúng ta phải hiệp lực quyết kế lấy thành Đại-La trước rồi chúng ta sẽ phân binh cho đi đón mà đánh Hoằng-Tháo chớ bây giờ thành Đại-La chưa lấy mà Phạm tướng-quân dẫn binh lên Lục-châu thế lực phân tán, dường ấy sợ lấy thành Đại-La không nổi mà cứu Lục-châu cũng không được nữa”.

Ngô Thứ-sử nghe nói hữu lý nên dạy chư tướng chỉnh bị lương thực khí giới, định hai ngày nữa là ngày mùng 6 tháng bảy sẽ đốc binh công thành. Sáng bữa sau Ngô Thứ-sử với Cảnh-Thạc, Bạch-Hổ đương ngồi nghị việc, bỗng có một tên quân vào báo rằng hồi hôm đạo binh đóng ở bắc môn đi tuần gặp một người lạ mặt muốn lén mà vào thành, xét trong người có một bức thơ nên bắt giải đến cho Ngô Thứ-sử định đạt. Ngô-Quyền dạy dẫn người ấy vào và lấy bức thơ mà coi thì thấy ngoài bao gởi cho Kiều-công-Tiện. Ngô-Quyền hỏi thơ ấy ai gởi thì người ấy khai rằng thơ ấy là thơ của Hoằng-Tháo sai đem vào Đại-La cho Công-Tiện. Ngô-Quyền dạy quân dẫn người ấy đen giam vào ngục rồi lập thế mở bức thơ ra xem. Trong thơ Hoằng-Tháo nói rằng mình dẫn 3 vạn binh qua cứu viện, đã đánh duổi Dương-kiết-Lợi chạy mất và đã lấy thành Lục-châu rồi, nên khuyên Công-Tiện phải ráng giữ thành, đợi mình tới giải vây cho.

Ngô Thứ-sử xem thơ ngồi suy nghĩ một hồi, rồi mới nói với Cảnh-Thạc và Bạch-Hổ rằng: “Ta được bức thơ nầy thiệt là may lắm, bởi vì có thơ nầy ta mơi hay Lục-châu đã mất mà Kiết-Lợi chưa chết, lại ta mới biết số binh Tàu là 3 vạn. Vả nay Lục-châu đã mất rồi thì ta phải đánh thành Đại-La cho gắp, chớ không được dụ dự nữa. Mà ta đánh thì đánh song cũng phải cho người dẫn binh đi đón đường đánh cầm chừng với Hoằng-Tháo, đặng thông tin cho ta biết nó xuống tới đâu, chớ không nên bỏ qua. Lại ta sẽ sai người tâm phúc giả dạng người của Hoằng-Tháo, đem bức thơ nầy vào thành mà trao cho Công-Tiện, đặng ta có thiết kế mà lấy thành cho dễ”.

Cảnh-Thạc can rằng: “Thượng quan không nên cho Công-Tiện biết binh Tàu đã qua gần tới, bởi vì trong thành hết lương, quân lính thảy đều ngã lòng mõn chí, hễ ta đánh thì chắc thắng, nếu cho chúng nó biết binh ứng tiếp đã gần đến, tự nhiên chúng nó vui mừng rồi ráng sức mà chống cự thì làm sao ta phá thành cho được”.

Ngô-Quyền cười và đáp rằng: “Mấy tên quân mới đầu nó nói như vậy mà biết có thiệt hay không, hay là chúng nó lập mưu mà gạt ta. Đã vậy mà hễ công thành thì tự nhiên phải hao binh nhiều; nay chúng ta đương cần dùng binh để mà cự với binh Tàu, nếu chúng ta đánh liều, sợ e hao binh tổn tướng rồi không còn người mà cự với Hoằng-Tháo nữa. Vậy tướng-quân chớ lo, để mặc ta liệu định”.

Ngô-Quyền liền cho đòi Trần-Lãm đến đại trại và dạy phải đem hết mấy chục chiến thuyền qua sông Bạch-Đằng rồi bắt đó đi lần lên ngọn mà ngừa binh Tàu, hễ gặp thì đánh cầm chừng rồi báo tin về đại trại hay. Trần-Lãm vưng lịnh nội ngày ấy đem chiến thuyền đi hết. Ngô-Quyền phong bức thơ của Hoằng-Tháo lại kỹ lưỡng rồi sai người tâm phúc giả dạng quân của Hoằng-Tháo rồi đêm ấy cho vào thành mà đưa thơ cho Kiều-công-Tiện.

Sáng bữa sau, chánh là ngày mùng 6, Ngô-Quyền lại truyền lịnh cho các tướng vây mấy cửa nhổ trại hết thảy, và hễ trời tối thì phải bỏ vây kéo binh sụt ra chừng một dậm mà đóng, nếu có binh trong thành đuổi theo thì đánh cầm chừng mà thôi, đợi chừng nào nghe tin binh phục đã hạ thành được rồi chừng ấy sẽ nỗ lực trở lại mà đánh.

Ngô Thứ-sử cũng dạy đại trại phải bỏ chỗ ấy rồi vào trong rừng mà đóng. Nội ngày mùng 6 mấy đạo binh ngoài thành lao-nhao lố-nhố, đến lúc mặt trời gần lặn thỉnh thoảng kéo nhau mà đi, quân lính không hiểu vì cớ nào đã vây thành mà không công phá, lại rút binh mà chạy. Ngô Thứ-sử lại dạy đuổi hết mấy tên quân của Công-Tiện mới đầu, không cho chúng nó đi theo, nói rằng rút binh về Ái-châu, không đánh giặc nữa nên chúng nó theo không ích gì. Trời tối binh đã kéo ra xa thành rồi. Ngô Thứ-sử bèn kêu Phạm-Bạch-Hổ với Đỗ-Cảnh-Thạc mà dặn phải dẫn 4 ngàn binh lén trở lại ở ngoài thành mai phục, hễ thấy binh trong thành kéo ra mà rượt binh mình thì để cho chúng nó đi thong thả, đừng ngăn trở, chừng nào chúng nó đi khỏi rồi thì xông vào cửa thành nói dối là binh của họ Kiều đuổi giặc trở về đặng trong thành mở cửa cho mình tràn vào lấy thành; còn như trong thành không có binh đuổi theo binh mình, thì phải núp đó mà chờ, chừng nào có lịnh sẽ công thành.

Bạch-Hổ với Cảnh-Thạc thấy Ngô-Quyền đặt kế sách như vậy thì khen ngợi vô cùng, bởi vì nội đêm ấy thế nào cũng phải công thành, mà thà là mình giả rút binh đặng cho giặc đuổi theo rồi thừa dịp mà tràn vào thành, dường ấy mới gọi là mưu lược, chớ thình lình đốc quân công thành là cách thường dùng, chẳng có chi đáng khen. Tuy vậy mà muốn cho đắc kế thì trong thành phải dẫn binh đánh đuổi binh ngoài mới được. Vậy chớ Kiều-công-Tiện nó tưởng mình sợ binh Tàu kéo qua tới nên bạt trại kéo về Ái-châu rồi nó thừa thế rượt theo mà công kích, hay là nó biết mình giả trá, cứ ở trong thành cố thủ mà chờ binh Hoằng-Tháo ứng tiếp. Hai tướng dẫn binh trở lại mai phục mà cứ bàn như vậy hoài.

Té ra đêm trước Kiều-công-Tiện tiếp lấy bức thơ của Hoằng-Tháo, đọc dứt rồi thì vuốt râu mừng rỡ, không thèm tra hỏi người đem thơ cho cặn kẽ, bởi vậy không dè Ngô-Quyền đã đọc thơ ấy rồi. Đến sáng liền hội chư tướng lại đọc thơ cho mọi người nghe. Trong thành lương thực gần hết, quân sĩ mõi lòng, bởi vậy ai nghe binh Tàu qua gần tới cũng đều vui mừng hết thảy.

Qua tới giờ ngọ quân canh cửa lại vào báo với Công-Tiện rằng ngoài thành binh giặc lao-nhao chẳng biết chúng nó tính làm việc chi. Công-Tiện dạy người ra thám dọ, đến lúc trời nửa chiều thám tử lại vào báo rằng binh giặc nhổ trại hết thảy. Công-Tiện lại dặn phải canh giữ cho nghiêm nhặt. Chừng mặt trời sắp lặn lại thấy sắp quân lén trốn ra đầu Ngô-Quyền mấy bữa trước, kéo nhau trở lại kêu cửa, nói rằng có việc riêng muốn tỏ cho Tiết-đạt-sứ nghe.

Kiều-Thuận đương đi tuần khắp mấy cửa thành, nghe báo sắp quân phản-nghịch trốn theo đầu giặc hôm nọ muốn trở vào thành thì nổi giận không cho vào, đến chừng nghe nói chúng nó có việc mật muốn tỏ cho trong thành biết thì đứng suy nghĩ một hồi, không hiểu chúng nó muốn tỏ việc chi, mà ý lại muốn biết coi binh vây ở ngoài sao lại nhổ trại, nên dạy quân mở cửa cho chúng nó vô đặng hỏi thăm việc ở ngoài. Cửa thành mở rồi thì có mười mấy tên quân ở ngoài lỏn lẻn đi vô, ngó thấy Kiều-Thuận đứng trước mặt thì kinh hồn khiếp vía, nên quì mà xin tha tội, nói rằng chúng nó đói nên lén đi kiếm cơm mà ăn chớ không dám sanh lòng bội nghịch! Kiều-Thuận hỏi vậy chớ binh Ngô-Quyền muốn làm việc chi mà lao-nhao lố-nhố từ hồi trưa đến bây giờ, rồi hồi chiều lại thấy nhổ trại nửa? Sắp quân ấy thưa rằng, chúng nó nghe Ngô-Quyền tính nhổ trại kéo binh về Ái-châu không vây thành nữa, không biết có việc chi, nên mới trở vào thành mà báo tin.

Kiều-Thuận nghi Ngô-Quyền hay binh Hoằng-Tháo gần đến không dám đối địch nên bỏ vây dẫn quân về Ái-châu mà cố thủ. Lúc ấy trời đã tối rồi, anh ta mới sai người lén mở cửa thành ra gần bờ đê mà thám dọ lại cho chắc. Thám tử về báo rằng thiệt binh vây bốn cửa đều phá trại hết và đương chở lương thỉnh thoảng kéo nhau mà đi. Kiều-Thuận nghe rõ thì trong bụng mừng không xiết kể, liền chạy vào dinh tỏ rõ cho Kiều-công-Tiện hay và xin phát binh xuất thành theo rượt giặc mà đoạt lương bởi vì chúng nó sợ nên mới nhổ trại mà đi, không có lòng chiến đấu nữa, nếu binh trong thành đuổi theo thì chắc chúng nó bỏ lương mà chạy.

Kiều-công-Tiện nghe hữu lý, bèn dạy Kiều-Thuận với Phan-quế-Chi dẫn ba ngàn binh xuất thành rượt giặc. Hai tướng vưng lịnh rồi phân binh, Kiều-Thuận thì ra đông môn còn Quế-Chi thì ra nam môn. Ra tới bờ đê thấy dinh trại phá hết, còn binh giặc thì đương kéo nhau đi xa xa. Kiều-Thuận với Quế-Chi mới hiệp binh lại rồi hăm hỡ trở rượt theo.

Cảnh-Thạc với Bạch-Hổ đem 4 ngàn binh núp trong rừng cách tây môn chừng một dậm, cho người đi dọ thám, chừng nghe Quế-Chi đã xuất nam môn còn Kiều-Thuận đã xuất đông môn, liền phân binh rồi hai người dẫn vào hai cửa mà kêu trong thành phải khai môn lập tức, nói dối rằng binh rượt giặc đã đoạt được lương thực vô số nên trở về không theo nữa. Trăng đã lặn rồi, nên người trong thấy kẻ ngoài không rõ. Đã vậy mà trong thành hết lương, quân sĩ nghe nói đoạt lương thực nhiều thì mừng quýnh, nên không thèm xem đi xét lại, vội vàng mở bét cửa thành. Bạch-Hổ ở đông môn, còn Cảnh-Thạc ở nam môn, kéo binh xông vào, gặp ai chém nấy, quân trong thành tán loạn, không hiểu là binh nào, mà trong tay cũng không có khí giới mà chống cự. Bạch-Hổ phân binh giữ chặt mấy cửa thành không cho một người nào thoát ra khỏi, còn Cảnh-Thạc đề đao dẫn quân thẳng vào dinh đặng vây bắt Công-Tiện; trong thành rần rần, kẻ chạy người rượt, kẻ khóc người la, mấy ngàn binh của Công-Tiện muốn chạy mà ra cửa không được, nên bó tay hàng đầu hết thảy.

Kiều-công-Tiện ở trong thành nghe quân sĩ xôn xao tưởng là binh Kiều-Thuận với Quế-Chi về; đến chừng nghe la vang rân không hiểu có việc chi; lật đật chạy ra, vừa tới cửa dinh gặp Đỗ-Cảnh-Thạc đương hâm hở xông vào; Công-Tiện cả kinh, muốn chạy mà chơn run lập-cập chạy không được, té quì ngồi dưới đất. Cảnh-Thạc chạy tới nắm đầu rồi hô quân trói chặt. Cảnh-Thạc lại truyền lịnh vây chung quanh dinh của Công-Tiện đặng xét bắt hết gia thuộc, song không có Công-Hãn, duy bắt được có một mình Liễu phu-nhơn mà thôi. Lấy thành xong rồi, hai tướng mới thương nghị với nhau và chia phần Cảnh-Thạc thì ở trong dinh coi giữ vợ chồng Công-Tiện, còn Bạch-Hổ thì ở ngoài thành đốc quân canh mấy cửa thành đợi binh Kiều-Thuận có về thì chống cự, không cho giải cứu được.

Đây nói về Kiều-Thuận với Quế-Chi dẫn binh rượt theo Ngô-Quyền đi được hơn một dậm đường thì gặp đạo binh của Lữ-Đường với Nguyễn-Siêu lục-thục đi sau. Hai tướng đốc quân xông tới mà đánh Lữ-Đường với Nguyễn-Siêu trở lại đối địch, hai bên giao chiến với nhau một hồi rồi Nguyễn-Siêu rút binh chạy qua bên tả, còn Lữ-Đường rút binh chạy qua bên hữu. Kiều-Thuận với Quế-Chi vừa muốn phân binh đuổi theo, bỗng thấy trước mặt có một đạo binh khác trở lại, có hai tướng là Lý-Khuê với Cao-đằng-Vân xông vào mà đánh. Kiều-Thuận với Quế-Chi đối địch chưa được năm niệp thì Lý-Khuê với Cao-đằng-Vân tẻ ra hai bên mà chạy nữa. Kiều-Thuận thấy trời tối đen, không biết giặc có dùng kế chi hay không, nên dụ dự muốn thâu binh trở về, chẳng dè chưa thâu quân mà Ngô-Quyền đã dẫn đại binh trở lại, rồi dạy Thủ-Thiệp với Nhựt-Khánh xông vào mà đánh, Kiều-Thuận thấy binh giặc đông quá, liệu thế cự không nổi, nên dẫn quân nhắm thành Đại-La mà về. Phía sau Thủ-Thiệp với Nhựt-Khánh rượt nà tới, còn Lý-Khuê với Đằng-Vân áp ra hai bên mà chặn đường nữa. Kiều-Thuận phải xông đột hết sức thoát mới khỏi; mà chạy chưa được nửa dậm đường lại bị hai đạo binh của Nguyễn-Siêu và Lữ-Đường cản nữa. Kiều-Thuận thì đánh với Lữ-Đường còn Quế-Chi thì đánh với Nguyễn-Siêu, hai bên đương hổn chiến, mấy đạo binh của Lý-Khuê, Đằng-Vân, Thủ-Thiệp và Nhựt-Khánh lại áp tới phân nhau vây chặc, rồi các tướng xông vào một lượt quyết bắt hết binh của họ Kiều. Quế-Chi với Kiều-Thuận thấy thế nguy cấp, nên ráng sức giải vây, may Kiều-Thuận chạy khỏi, còn Quế-Chi bị Nguyễn-Siêu với Lữ-Đường dâm chết tại trận.

Kiều-Thuận còn chừng ba bốn trăm quân, dắt nhau chạy riết về thành Đại-La, tới đông môn kêu mở cửa, thì trong thành quân đáp rằng: “Thành Đại-La đã bị Phạm, Đỗ nhị vị tướng quân lấy rồi. Kiều-công-Tiện toàn gia bị bắt, vậy chớ tướng nào về đó phải thúc thủ hàng đầu cho mau đặng khỏi nhọc công truy-tróc”. Kiều-Thuận nghe nói cả kinh đứng trân trân không biết liệu lẽ nào, bỗng thấy cửa thành mở hoát quân sĩ kéo ra la hét vang rân, còn sau lưng lại nghe tiếng quân rượt theo gần tới nữa, trong lòng rối loạn, mới quất ngựa dắt quân chạy riết vào rừng.

Phạm-bạch-Hổ cử binh ra ngoài phía đông môn chẳng thấy ai hết, mà xa xa vẳng nghe tiếng trống vang trời, tiếng người dậy đất chẳng biết là binh nào, nên trở vào thành leo lên địch lầu mà xem. Đến đầu canh năm, có một đạo binh kéo tới nam môn rồi quân kêu trong thành mà nói rằng: “Lữ-Đường với Nguyễn-Siêu đã tới đây, nếu Đỗ-Phạm nhị vị tướng quân đã hạ thành rồi, xin mở cửa mà rước binh nhà Ngô vào”. Bạch-Hổ nghe nói rất mừng, biết chắc là mấy đạo binh ngoài đã thắng trận được rồi, song dạy quân kêu Lữ-Nguyễn nhị vị tướng quân mà xin chịu phiền binh ở ngoài chờ mai sáng rồi sẽ nhập thành, bởi vì trong thành binh mới binh cũ đã đông, nếu vào nữa thì sợ e lôn xộn, Lữ-Đường với Nguyễn-Siêu nghe nói Bạch-Hổ với Cảnh-Thạc đã lấy thành được rồi nên cũng mừng, bèn dạy quân ngồi ngoài mà nghỉ, chớ không đòi nhập thành nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.