Nam cực tinh huy

Chương 2



Nghe tin dữ anh-hùng sái lụy

Hưng nghĩa binh dõng-sĩ báo thù

Qua ngày sau, mới vừa tảo thinh Ngô Thứ-sử đã thức dậy ngồi tại tiền đường mà uống trà. Trước cửa có hai tên quân đứng hầu, còn ngoài huê-viên thì có mấy tên quân đứa vạch lá bắt sâu, đứa vun phân nhổ cỏ. Hai vị công-tử là Xương-Cấp với Xương-Văn chạy ngang dọc trong mấy đám bông rượt bắt bươm bướm đang bay là đà hút nhụy. Xương-Cấp rủi vấp nhằm cục đất nên té nằm dài mà khóc, Xương-Văn lật đật đỡ anh ngồi dậy, rồi mấy tên quân xúm lại bồng công-tử vào dinh.

Ngô Thứ-sử tuy ngồi trong nhậu trà, song đã có ý dòm chừng hai đứa con, bởi vậy cho nên ngó thấy đầu đuôi rõ hết. Chừng quân bồng Xương-Cấp và dắt Xương-Văn vào tới cửa thì Ngô Thứ-sử mới nói rằng: “Để nó đứng xuống coi thử nào”! Quân lật đật để Xương-Cấp đứng xuống mà Xương-Cấp hãy còn khóc thúc thích. Ngô Thứ-sử kêu hết hai công-tử lại đứng ngay trước mặt mà dạy rằng: “Làm con trai phải tập cho quen tánh hùng-hào dạn-dĩ, còn làm anh em phải biết trìu mến yêu thương nhau. Nãy giờ tao đã thấy rõ hết: thằng Cấp té, thằng Văn lật đật đỡ dậy. Thằng Văn có lòng thương anh thiệt là đáng khen. Còn thằng Cấp, mi đã 12 tuổi rồi, chớ đâu phải là mới nên năm nên ba gì đó mà khóc. Cái tánh nhu-nhược của mi đó lẽ thì ta phải phạt mi đặng cho mi biết mà chừa cãi.

Nhưng nghĩ vì việc đã lỡ rồi nên ta tha mi, song ta nói cho mi biết từ rày sắp tới mi phải sửa tánh lại cho cứng cỏi, nếu mi còn nhu nhược như vậy nữa thì ta đánh đòn chớ không dung nữa đâu. Chơi rủi té trong đám bông mi lại nằm đó mà khóc! Thoảng ngày sau mi khôn lớn, ra xông đột với đời, rủi gặp cơn khuynh-phúc, mi ngồi mà khóc, chớ không lo mưu ra sức mà giải nạn trừ nguy, thì ta chắc cả đời mi không làm nên việc gì cả. Mi phải nhớ lời ta dạy, chớ nên bỏ qua…”.

Ngô Thứ-sử vừa nói tới đó, thì có một tên quân hầu vào thưa rằng có người ở Đại-La thành [1], xưng là Lê-hầu-Ngạc, vì có việc gắp, nên xin vào ra mắt quan Thứ-sử. Ngô Quyền nghe báo liền dạy nhị vị công-tử vào hậu đường, rồi sai quân ra đòi Lê-hầu-Ngạc vào. Hầu-Ngạc bước vào vừa ngó thấy mặt quan Thứ-sử vùng khóc rống lên mà thưa rằng: “Thượng quan ôi! Lịnh nhạc-phụ là quan Tiết-đạt-sứ thọ hại rồi…”.

Ngô-Quyền nghe nói thất sắc vỗ bàn đứng dậy mà hỏi rằng: “Hại về việc gì? Sao mà bị hại?” Hầu-Ngạc thưa rằng: “Hôm tối mùng 8 Tiết-đạt-sứ ra chơi trước dinh, Kiều-công-Tiện phục binh lén giết rồi, thượng quan ôi!” Ngô-Quyền nghe nói té ngồi trên ghế rồi hai tay ôm ngực mà khóc. Dương phu-nhơn ở trong hậu đường nghe khóc chẳng hiểu có việc chi, nên lật đật chạy ra mà hỏi, chừng nghe rõ cha đã bị người ta giết rồi thì ngã lăn dưới đất mà than khóc kêu trời nghe rất thảm thiết.

Quan Thứ-sử nghe nhạc-phụ bị giết thì tức giận vô cùng, mà thấy phu-nhơn ai-bi như vậy lại càng thêm đau-đớn, bởi vậy ngồi thở ra rồi khuyên phu-nhơn rằng: “Tôi đã lo sợ hằng ngày mà không khỏi! Thôi, việc đã lỡ rồi, bây giờ phu-nhơn khóc đã không ích gì, mà lại còn làm cho tôi bối rối thêm nữa. Xin phu-nhơn hãy nín đi để tôi hỏi lại rõ ràng rồi tôi sẽ liệu lượng”. Phu-nhơn nghe lời quan Thứ-sử nói như vậy liền đứng dậy đi lại bộ ván để gần đó mà ngồi. Quan Thứ-sử mới nói với Hầu-Ngạc rằng:

–    Em là đứa hầu cận quan Tiết-đạt-sứ, có lẽ em rõ hết các việc ở Đại-La thành. Vậy em hãy tỏ thiệt cho ta nghe coi vì cớ nào mà Kiều-công-Tiện lại nỡ phản tâm như vậy; nó giết rồi bây giờ nó tính làm việc gì, còn nhạc-mẫu và em ta là Dương-tam-Ca bây giờ ở đâu?

–    Thưa thượng quan, từ ngày thượng quan đem binh ra trấn Ái-châu thì Kiều-công-Tiện quản xuất binh nhung, lần lần muốn lộng quyền, có nhiều khi chém giết người ta mà không tỏ cho lịnh trên hay. Ông Đỗ-cảnh-Thạc, thường có xin quan Tiết-đạt-sứ hãy thâu binh quyền lại, nhưng mà quan Tiết-đạt-sứ vì yêu Kiều-công-Tiện thái quá nên không chịu nhậm lời của Cảnh-Thạc xin. Trong tiết nguơn-đán mới rồi đây dân ở Thái-bình dấy loạn, Kiều-công-Tiện xin quan Tiết-đạt-sứ sai Đỗ-cảnh-Thạc lãnh hai ngàn quân đi dẹp loạn, Đỗ-cảnh-Thạc đi rồi thì ở Đại-la tướng sĩ chẳng còn ai dám đối đầu với Kiều-công-Tiện nữa, bởi vậy tối mùng 8 nó mới sai con nó là Kiều-công-Hãn dắt 10 tên võ sĩ lén thích tử quan Tiết-đạt sứ. Những quân hầu đứa nào chống cự đều bị giết hết thảy. Tôi thấy việc chẳng lành liền chạy vào báo cho phu-nhơn và công tử hay. Phu-nhơn vừa mới bước ra bị Kiều-công-Hãn bắt lại. Phu-nhơn giận mắng nó nên nó cũng thích tử luôn phu-nhơn nữa.

Ngô-phu-nhơn nghe nói mẹ bị giết nên rống lên khóc nữa. Quan Thứ-sử chắt lưởi rồi lại lắc đầu mà hỏi rằng:

–    Nó có giết luôn em ta hay không?

–    Thưa thượng quan, tôi thấy họa đã lớn rồi mà lúc ấy Kiều-công-Tiện lại kéo binh vào dinh, tôi sợ tánh mạng của công tử khó toàn, nên tôi cản không cho công tử ra rồi tôi lén dắt qua ngã tây môn cho công tử thoát nạn. Vừa mới tới cửa thì có năm sáu người tay cầm khí giái đón hỏi chúng tôi là ai, và nửa đêm dắt nhau đi đâu vậy? Công-tử sợ hãi lật đật núp sau lưng tôi…

–    Cha chết mà không dám báo thù, gặp kẻ nghịch mà không dám chống cự! Con nhà tướng mà sao khiếp nhược quá như vậy? Thiệt tức quá !

–    Thưa thượng quan, chúng nó đông dẫy đầy, còn công tử thì có một mình mà chống cự sao được.

–    Thà là chết, chớ nỡ nào lại cúi đầu úp mặt mà chạy! Hứ! Thứ đồ hư!…mà công tử bây giờ ở đâu.

–    Thưa thượng quan, tôi thấy bọn nó đông, còn tôi có một mình mà lại không có khí giái, nên tôi phải dùng chước nói dối rằng chúng tôi là đề-lại đi ra ngoài thành chơi. Chúng nó hỏi vậy chớ họ đã giết quan Tiết-đạt-sứ rồi chưa. Tôi giã bộ không hay không biết chi hết, và hỏi chúng nó vậy chớ ai giám giết quan Tiết-đạt-sứ. Chúng nó mắng tôi là đồ ngu rồi xô tôi với công tử biểu đi ra khỏi cửa cho mau. Tôi với công tử mới dắt nhau mà chạy, tưởng là thoát nạn được rồi, nào dè mới chạy được một khúc thì chúng nó rượt theo sau lưng và la ó vang rân rằng: “Bắt nó! Công-tử Dương-tam-Ca đó đa. Phải bắt cho được nó”. Tôi với Công-tử hồn phi phách tán nên cong lưng chạy riết, không dám ngó lại. Ra khỏi thành chúng tôi liệu chạy trên bờ cái sợ kẻ nghịch rượt theo kịp, nên tẻ đường chạy băng ngang mấy đám ruộng, tính vô rừng mà trốn. Công-tử yếu đuối quá nên lược bược ở sau hoài, tôi phải chạy chậm chậm mà chờ. Khi băng ngang ruộng, Công-tử đuối chơn tôi phải nắm tay mà dắt. Có một tên quân chạy theo kịp vừa đưa tay chụp đầu công tử thì tôi day lại đá một đá té lăn, nó la om sòm, phía sau nghe có một đám ngưòi chạy gần tới, tôi sợ mới dắt công tử vô rừng; trời tối đen, không thấy đường mà chạy, phần thì không dám kêu chừng nhau, nên chạy một hồi công tử lạc mất.

Tôi trở lại mà kiếm, song kiếm tới sáng cũng không gặp, tôi không biết Công-tử trốn đi đâu, hay là bị quân nghịch nó bắt được. Tôi muốn dọ tin Công-tử nên quơ mót được một gánh củi khô rồi giả dạng tiều-phu gánh vô thành bán. Tôi hỏi thăm thì họ nói Công-tử đã trốn mất, quân của Công-Tiện bắt không được, còn Công-Tiện thì đã đoạt chức Tiết-đạt-sứ, rồi dạy con là Công-Hãn chỉnh tu binh-mã để phòng chống cự với các châu huyện nào nghịch mạng không chịu tùng quyền. Tôi nghe rõ tin ấy liền bươn bả trèo núi lội sông riết đến đây mà báo cho thượng-quan hay đặng thượng-quan liệu định.

Dương phu-nhơn nghe rõ đầu đuôi rồi thì khóc ấm-ức mà thưa với chồng rằng: “Thưa tướng-công, nay quân phản nghịch nó đã giết cha mẹ thiếp rồi. Em thiếp là đứa khốn nạn không dám chết với mẹ cha, lại còn mang đầu mà chạy, thì không còn kể chi nó nữa. Thiếp là phận gái, không biết cầm thương lên ngựa, bây giờ làm sao mà báo thù cho cha? Vậy thiếp xin lỗi tương-công cho thiếp tự-tử cho rồi đặng cho tròn chữ hiếu”.

Ngô Thứ-sử nghe vợ nói như vậy thì cười mà đáp rằng: “Chuyện gì mà phu-nhơn phải chết? Thằng Tam-Ca nó nhác, chớ ta đây cũng sợ Kiều-công-Tiện mà không dám báo thù nữa hay sao? Phu-nhơn hãy vào hậu dinh mà nghỉ để cho ta tính kế trả thù. Ta nói thiệt, nếu ta còn một tấc hơi thì cha con thằng Công-Tiện cũng không ngồi yên được. Ta quyết sẽ phân thây chúng nó mà đền ơn tri-ngộ cho nhạc-phụ ta”.

Ngô Thứ-sử liền nhóm bộ tướng là Nguyễn-Khoan, Lý-Khuê, Triệu-Tấn, Ngô-nhựt-Khánh, Nguyễn-thủ-Thiệp, Lữ-Đường, Nguyễn-Siêu và Cao-đằng-Vân mà thương nghị. Chư tướng ai nghe tin Kiều-công-Tiện thích-tử Dương-diên-Nghệ thì cũng tức giận, bởi vậy họ rập nhau xin cử binh báo thù. Ngô Thứ-sử thấy lòng chư tướng như vậy thì mừng thầm liền dạy Lữ-Đường với Nguyễn-Siêu đi gom hết binh lính các quận huyện trong địa phận Ái-Châu và Hoan-Châu[2], lại truyền lịnh mà chiêu mộ dân tráng để sung làm nghĩa binh thêm nữa. Người lại viết ba bức thơ sai quân đem cho Đỗ-cảnh-Thạc một bức mà khuyên giúp binh đặng phá quân nghịch, và đem cho Dương-kiết-Lợi ở Lục-châu một bức mà khuyên đừng có động binh, phải hết lòng lo ngăn ngừa binh Tàu đừng cho qua cứu Công-Tiện, đặng để mình thong-thả mà lo mưu phá giặc.

Hai tướng đi mộ binh thì chia nhau mà đi, Lữ-Đường lo nội trong Ái-Châu, còn Nguyễn-Siêu lãnh đi Hoan-châu. Nguyễn-Siêu mộ binh góp lính Hoan-châu gần xong sắp trở về bỗng gặp hai tên quân đương dắt một tên trai đi trước, mà sau lưng lại có một bà già với một nàng con gái chạy theo than khóc coi bi thảm lắm. Nguyễn-Siêu kêu đứng lại hỏi thì bà già nói rằng bà có một đứa con trai tên là Lê-Đạt nhà nghèo mà bà nhờ có nó mới khỏi đói lạnh. Bà định đôi bạn cho nó vừa rồi, hôm nọ tiết trời lạnh lẽo, Lê-Đạt thấy mẹ già run lập-cập, mới lật đật xách búa vào rừng đốn củi khô, tính đem về đốt lửa cho bà hơ ấm. Mới vào tới mé rừng, Lê-Đạt thình lình gặp một tên trai, vốn con nhà thân-hào trong xứ, đương hãm hiếp một nàng con gái. Lê-Đạt thấy vậy bất bình dằn lòng không được, nên đánh tên trai ấy gãy ba cái răng. Cha mẹ tên trai ấy binh con nên làm đơn đến huyện đường mà kiện, rồi đem tiền đút lót nài xin phải đày Lê-Đạt đi cho xa. Quan huyện một là vị oai thế nhà thân hào, hai là mê hơi tiền bạc, nên không lóng trong gạn đục, liền dạy lính đi bắt Lê-Đạt đem về, rồi xử đày Lê-Đạt vào nam biên không cho ở trong huyện nửa. Nay lính dắt Lê-Đạt đi đây là dắt mà đày vào xứ Chàm, bởi vậy mẹ già với vợ yếu mới chạy theo, quyết tình sanh tử có nhau, chớ không nỡ kẻ ở chơn trời người góc biển.

Bà già thuật chuyện như vậy rồi ngồi khoanh tay dựa gốc cây rồi khóc muồi. Nguyễn-Siêu nghe rõ sự oan ức như vậy thì nổi giận dằn không được, rượt đánh lính ngã lăn, mở trói cho Lê-Đạt rồi dắt trở lại huyện đường, quở trách quan huyện và dạy phải tha Lê-Đạt lập tức. Quan huyện sợ oai nên bỏ án cũ và lên án mới mà tha bổng Lê-Đạt, không dám cãi lẽ chi tiết.

Mẹ con Lê-Đạt khỏi nạn, bèn lạy tạ Nguyễn-Siêu rồi dắt nhau trở về nhà, hỏi thăm mới hay người cứu mình đó là gia tướng của quan Thứ-sử sai đi mộ binh. Mẹ Lê-Đạt nghe nói ngồi suy nghĩ một hồi rồi xuối con biểu ra đầu quân, trước là đền bồi nghĩa nặng cho ân-nhân, sau nữa vẹn toàn phận sự của nam-tử. Lê-Đạt thấy mẹ già yếu không nỡ bỏ mà đi. Mẹ giận đòi tự vận mà chết còn vợ thì cũng theo đốc hoài nên cực chẳng đã Lê-Đạt phải nghe lời.

Lê-Đạt theo Nguyễn-Siêu mà xin đầu quân, thuật rõ việc nhà cho Nguyễn-Siêu nghe, Nguyễn-Siêu thấy người hào nghĩa thì đem lòng thương và dượt thử, thấy võ nghệ túc dụng nên liền cho làm đội trưởng.

Ngày 30 tháng giêng, Lữ-Đường và Nguyễn-Siêu thâu góp binh các quận và chiêu mộ nghĩa binh đem về Ái-châu-thành kể số được 2 muôn. Ngô Thứ-sử bèn thăng đường, cho đòi chư tướng đến đủ mặt rồi phân rằng: “Phép dụng binh nếu muốn công kích người ta trước phải lo thủ thế. Ta nay tính kéo nghĩa binh ra Đại-La thành đặng đánh bắt Kiều-công-Tiện mà báo thù cho nhạc-phụ ta, tuy là ta thầm nguyện nếu ta không thành công thì ta chết cho rạng danh trung nghĩa, chớ không thèm trở về đất Ái-châu, nhưng mà ta nghĩ Ái-châu là căn bổn của ta, nếu ta kéo hết binh đi, không lo phòng bị, thoảng như họ Kiều nó dọ biết được tình cảnh ấy, nó đợi binh ta đi ra xa rồi nó cho một đạo binh lên vào lấy Ái-châu, rồi trong đánh ra ngoài đánh vô, ta lưỡng diện thọ địch ắt phải mang hại. Vậy thì Nguyễn-Khoan phải lãnh ba ngàn binh ở lại Ái-châu, trước bảo hộ cho gia quyến ta, sau ngăn ngừa binh họ Kiều vào thâu đoạt, hoặc binh Chiêm-Thành sanh rối loạn; Lữ-Đường và Nguyễn-Siêu lãnh chức tiền đạo tiên phuông; Lý-Khuê với Ngô-nhựt-Khánh lãnh tả hữu lưỡng dực, còn Nguyễn-thủ-Thiệp, Triệu-Tấn, Cao-đằng-Vân thì theo ta mà quản suất trung-quân. Ngày mai là ngày tốt, ta sẽ chọn ngày ấy rồi làm lễ tế cờ mà khởi binh. Vậy tướng sĩ phải kiểm điểm binh lính, sửa soạn khí giái, rồi sáng mai, đầu giờ thìn, phải tề tựu tại bắc môn mà nghe lịnh”.

Chư tướng nghe lịnh truyền rồi thảy đều cuối đầu lui ra. Rạng ngày mai tại bắc-môn tiết lễ tế cờ rất rất trọng. Ba ngàn binh ở thủ thành thì dàn ở trong, Nguyễn-Khoan cỡi ngựa cầm đao đứng trước đầu quân mà quản xuất. Ngoài thành thì có Lữ-Đường với Nguyễn-Siêu thống lãnh ba ngàn quân dàn ra phía trước. Lý-Khuê dàn hai ngàn binh ở bên tả, Ngô-nhựt-Khánh dàn hai ngàn binh bên hữu, còn chính giữa thì Nguyễn-thủ-Thiệp, Cao-đằng-Vân với Triệu-Tấn quản xuất một muôn binh, sắp đứng chung quanh một cái đài cao, trên đài có dựng một cây đại kỳ đề chữ:

Nghĩa binh báo cừu,

Ái-châu Ngô Thứ-sử.

Đến giờ thìn đánh ba hồi trống và ba hồi chiêng dứt rồi thì thấy Ngô-Quyền trong thành cỡi ngựa kim đi ra, mình mặc giáp trắng, đầu bao khăn trắng, tay cầm thương, lưng đai kiếm, ngựa đi chậm chậm, coi oai nghi lẫm liệt.

Dương phu-nhơn với nhị vị công-tử ngồi xe theo sau. Ra đến trung-quân, Ngô Thứ-sử xuống ngựa rồi dắt phu-nhơn và hai công tử lên đài cúng tế, khẩn nguyện đất trời phù hộ nghĩa binh, vái linh hồn Dương-diên-Nghệ rồi từ biệt vợ con mà tấn binh, trống đánh nghe vang tai, quân đi, coi chật đất. Dương phu-nhơn cùng nhị Công-tử lên xe ngồi ngó theo, cho đến binh tướng đi khuất hết rồi mới lau nước mắt mà trở vào thành.

Ngô Thứ-sử kéo binh đi được vài dậm đường, xảy có một tên quân, thuộc tiền đạo, trở lại mà báo rằng có gặp Dương-tam-Ca ở Đại La-Thành vào, nên vưng lịnh nhị vị tiên phuông trở lại bẩm cho quan Thứ-sử hay. Ngô-Quyền vẫn tưởng Dương-tam-Ca đã bị giặc giết rồi, nay nghe nói có gặp Dương-Công-tử thì mừng không xiết kể, lại muốn hỏi thăm cho biết thế lực của Kiều-công-Tiện, nên truyền lịnh dừng binh liền rồi cho đòi Dương-tam-Ca đến hội diện. Dương-tam-Ca nhập trung-quân, dòm thấy Ngô Thứ-sử thì chạy lại ôm mà khóc. Ngô Thứ-sử lấy lời khẳng khái mà khuyên lơn, rồi hỏi Dương-Công-tử coi làm sao mà thoát nạn được. Dương-Công-tử nói rằng từ khi lạc mất Hầu-Ngạc rồi thơ thẩn đi trong rừng hoài, đi trót một đêm một ngày mới gặp một tiều-phu hỏi thăm đường rồi lần lần vào Ái-châu. Ngô Thứ-sử bèn sai hai tên quân đưa Dương-tam-Ca trở vào Ái-châu thành đặng em chị gặp nhau, rồi truyện lịnh tấn binh, không chịu trì huởn.

 


[1] Thành Đại-La bây giờ là Hà-nội (Bắc-kỳ).

[2] Hoan-châu thuộc tỉnh Nghệ-An (Trung kỳ) bây giờ


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.