Nặng gánh cang thường
Chương 14
Cử binh, hổ tướng thành công
Tức vị, thánh quân ban thưởng
Ðây tưởng phải thuật sơ việc biến loạn xảy ra tại triều, thì độc giả mới hiểu tại làm sao mà có tờ Hịch của quan Thủ ngự Kinh lược sứ Lạng Sơn gởi cho các đạo.
Số là ông Thân Nhơn Trung cầm quyền Tướng quốc, ông lấy nhơn nghĩa chánh trực mà chế trị bá quan, bởi vậy ở tại triều những đứng trung thần như ông Ðỗ Nhuận, ông Lê Thọ Vực tận tâm khâm phục đã đành, thậm chí mấy mặt sàm nịnh như Trịnh Công Lộ cũng phải kiêng nể, không dám rục rịch. Ðến khi ông thọ bịnh, không dự vào việc triều chánh nữa được, Trịnh Công Lộ lần lần chuyên quyền, rồi toan ám hại mấy đứng hiền lương, toan kết phe với kẻ gian ác.
Trịnh Công Lộ dòm thấy trong hàng đại thần, ông Ðỗ Nhuận với ông Lê Lộng đã chết rồi, ông Lê Ðình Ngạn với ông Lê Nhơn Hiếu thì suy nhược, duy còn có một mình ông Lê Thọ Vực là rường cột của nhà vua mà thôi. Anh ta muốn ám hại ông Lê Thọ Vực, nên nhơn dịp có tin binh Trung Nguyên rục rịch muốn xâm lấn biên cương, bèn tâu với vua xin phong cho ông Lê Thọ Vực làm chức Thủ ngự Kinh lược sứ để trấn Lạng Sơn mà ngăn ngừa bắc địch. Vua Lê Thánh Tôn nhậm lời hạ chỉ sai ông Lê Thọ Vực đi.
Từ ấy quốc chánh đã trọn vào tay Trịnh Công Lộ.Tuy vậy mà anh ta cũng chưa mãn ý, nghĩ vì có quyền mà không có binh, thì cái quyền khó mà mạnh được. Anh ta nhơn dịp Thanh Tòng từ hôn công chúa, anh ta tâu vô tâu ra, làm cho vua phát nộ thâu chức Ðô Tổng binh của Thanh Tòng rồi dạy đày chàng lên Cao Bằng.
Từ ấy Trịnh Công Lộ hoành hành giữa triều, binh quyền một tay, muốn làm việc chi không ai dám ngăn trở hết thảy. Lê Ðắc Ninh với Trần Lăng là hai tướng ngày trước giúp Lạng Sơn Vương Nghi Dân mà thí vua Nhân Tông đặng soán ngôi. Khi vua Thánh Tôn tức vị ngài không nạp dụng, hai tướng ấy phải trở về quê quán.
Trịnh Công Lộ muốn cho có phe đảng nên sai người tìm Lê Ðắc Ninh và Trần Lăng mà rước về nuôi trong dinh để làm nha trão[1].
Qua năm Hồng Ðức thứ 28 (1497) vua Thánh Tôn băng hà. Triều đình đại hội tính tôn thái tử Tăng lên ngôi. Trịnh Công Lộ không thuận, tìm tỏ ý tôn Nghi Thoại, là trưởng tử của Nghi Dân. Nhưng đại thần là Lê Ðình Ngạn và Lê Nhơn Hiếu phản kháng, nói rằng Tăng đã lập làm Thái tử, triều đình không cho phép phế mà tôn người khác; Trịnh Công Lộ quyết không chịu, dạy bộ tướng Trần Lăng dẫn binh loạn cung bắt Thái tử Tăng giam vào ngục rồi truyền cho bá quan hay rằng nếu thuận để tôn Nghi Thoại, thì sẽ tha Thái tử Tăng còn nếu nghịch ý thì Thái tử Tăng sẽ bị giết.
Lê Ðình Nạn và Lê Nhơn Hiếu lấy làm bất bình, nhưng vì hai ông thấy Trịnh Công Lộ quyền thế mạnh, nha trão đông, hai ông không dám dụng binh mà xung đột mới bàn cùng nhau rồi lén sai người đem mật thơ ra Lạng Sơn mà khuyên ông Lê Thọ Vực mau mau đem binh về triều trừ tà phạt nịnh.
Ông Lê Thọ Vực được tin, lật đật kéo đại binh về kinh. Trịnh Công Lộ hay sự ấy, anh ta sợ Lê Thọ Vực về triều thì sanh biến, bèn sai Trần Lăng dẫn một muôn binh đi chận đường mà đánh. Lê Thọ Vực mới về tới Bắc Giang thì gặp binh Trần Lăng. Hai bên giao chiến! Lê Thọ Vực binh thiểu thế cô, đã không phá giặc nổi mà lại còn bị giặc cản lộ, lui không kham mà tới cũng không được, nên phải sai người đem tờ Hịch đi rải khắp các đạo mà cầu cứu.
Tại như vậy đó nên mới có tờ Hịch đến Hưng Hóa và Thái Nguyên làm cho Thân Thanh Tòng phải bươn bả cử nghĩa binh về trợ hiền lương, dẹp gian nịnh, mà tài bồi xã tắc, chống vững giang san.
Thanh Tòng dẫn năm trăm binh Hưng Hóa, độ qua sông Nhị Hà, thẳng đến Bạch Hổ Khê, lãnh thêm năm trăm binh Thái Nguyên nữa, rồi kéo đi riết xuống Bắc Giang.
Ði trót năm ngày năm đêm mới tới sông Bình Lộ, thấy mé nam mé bắc đều có binh đóng, không biết binh ngụy đóng mé nào. Thanh Tòng đồn binh dựa triền núi, rồi sai ít tên quân tâm phúc đi do thám. Ðến tối quân về báo rằng binh ngụy kể hơn một muôn, có Trần Lăng làm đô đốc, thì đóng ở mé nam, còn binh của quan Kinh lược sứ Lạng Sơn, không được năm ngàn, thì đóng ở phía bắc.
Thanh Tòng liền viết một bức thơ rồi sai quân lập thế lén qua sông mà trao cho ông Lê Thọ Vực. Trong thơ chàng nói rằng chàng hay ông bị vây nên lật đật đến mà giải cứu. Tiếc vì chàng có một ngàn binh mà thôi, không thể chiến được. Vậy chàng tính đêm nay, nhơn Trần Lăng không phòng bị, chàng sẽ dẫn binh xuống áp xuống công phá dinh trại. Chàng xin ông đêm nay hễ hay mé sông bên nây có mòi náo nhiệt, hoặc thấy lửa đốt, hoặc nghe trống rung, thì mau mau độ binh qua tiếp với chàng mà phá giặc.
Chàng gởi thơ đi rồi thì lo kiểm điểm quân sĩ, sắp đặt hỏa hổ đặng có cướp trại đốt lương của ngụy tặc.
Vừa được nửa canh hai, Thanh Tòng dẫn binh ra, sắp hàng sắp ngũ, hễ một tốp cằm khí giới thì một tốp ôm bổi với hỏa hổ, dặn rằng khi đến trại giặc tốp cầm hỏa hổ thì cứ phóng bổi đốt trại, còn tốp cầm khí giới thì giao chiến cho tận tâm, phải la ó cho hung đặng binh ngụy tưởng mình đông người, nhứt là phải hô rằng: ”Có công tử Thân Thanh Tòng đến đây. Ngụy tặc phải bó tay quy hàng cho mau“.
Sắp đặt xong rồi, Thanh Tòng mình mặc quần đen áo đen, đầu vấn khăn xanh ngồi trên lưng một con ngựa tía, một tay cầm đoản kiếm, một tay cầm trường thương nhắm trại giặc dẫn binh xông tới.
Trần Lăng chận đường ông Lê Thọ vực không cho độ binh qua sông. Anh ta thấy giặc án binh bất động, trong bụng khinh khi, nên không cần phòng bị chi hết.
Thanh Tòng lén kéo binh tới, rồi phân ra tốp lo đốt trại tốp lo chém giết, la ó vang vậy. Binh giặc đương ngủ, bỗng thấy các trại đều phát hỏa, lại nghe binh của Thân công tử đến, bởi vậy người người đều khủng khiếp, chen nhau giành đường mà chạy, không chống cự chi hết. Thanh Tòng giục ngựa xông vào trung ương, chàng tới đâu thì quân giặc đều ngã lăn hết thảy, chàng lui tới, lại qua dường như đi trong chỗ không người.
Trần Lăng ở trong trại trung ương nghe tin trại cháy quân loạn, không kịp bận giáp, lật đật mang cung tên và vác đao lên ngựa chạy ra. Vừa ra khỏi cửa liền gặp Thanh Tòng. Hai tướng đánh nhau mới được vài hiệp thì Trần Lăng rút chạy. Thanh Tòng giục ngựa đuổi theo cản lại. Trằn Lăng thấy binh tán loạn, chỉ lo gom binh mà thôi chớ không có lòng muốn giao chiến, bởi vậy hễ bị Thanh Tòng cản lộ thì đánh cầm chừng rồi chạy, chớ không quyết chiến.
Thanh Tòng giết không đặng Trần Lăng thì nổi giận, nên cứ rượt theo hoài. Chàng rượt giặc cho đến sáng, coi lại không có một tên quân nào của chàng mà theo tiếp chàng, còn trước mặt thì có đạo binh ngụy, kể chừng ba bốn ngàn quân, xông ra mà tiếp Trần Lăng. Chàng thấy thế đã nguy rồi, song nghĩ mình đã lỡ leo lên lung cọp không dễ gì mà xuống được, bởi vậy chàng hét lên một tiếng rồi xốc tới đâm bừa Trần Lăng.
Hai bên giao chiến rất kịch kiệt. Binh ngụy thấy Trần Lăng thắng Thanh Tòng không nổi, bèn áp vô trợ chiến. Thanh Tòng một mình tả đột hữu xông, tay chém tay đâm mà binh giặc cứ ào tới hoài như nước bể bờ, không thế ngăn nổi. Chàng bèn quày ngựa mà chạy. Trần Lăng xua binh giục ngựa đuổi theo. Thanh Tòng bị đi đường xa trọn năm ngày đêm, rồi lại bị chiến đấu từ hồi nửa đêm cho đến chừng đó nữa, bởi vậy chàng mệt đuối, huơi thương hết muốn nổi.
Trần Lăng rượt theo riết gần kịp rồi trương cung lắp tên muốn bắn Thanh Tòng. Anh ta đương nhắm bỗng nghe sau lưng có tiếng nạt lớn rằng: „Thằng kia mi không được hại anh ta! Ta sẽ lấy đầu mi”. Trần Lăng lật đật ngó ngoái lại thì thấy có một trang râu ria xồm xoàm đương huơi búa mà chém. Anh ta đỡ không kịp, mà tránh cũng không kịp, nên bị lưỡi búa chặt văng đầu xuống đất.
Thanh Tòng day lại thấy đầu của Trần Lăng bay, mà người chém Trần Lăng đó là Ðinh Hổ, bởi vậy chàng mừng rỡ không xiết kể, lật đật quày ngựa trở lại. Vừa tới nơi thì chàng đã đuối hơi rồi, nên leo xuống ngựa ngồi dựa gốc cây mà thở dốc và nói rằng: „Nếu không có nhơn huynh tiếp kịp thì em đã chết rồi”.
Ðinh Hổ lật đật hỏi rằng:
– Công tử có bị thương hay không?
– Không. Vì tôi có một mình mà phải đánh với mấy ngàn người; tôi đâm chém riết rồi đuối tay, cử động không nổi nữa, nên tôi phải tìm đường mà chạy. Chớ chi quan Kinh lược sứ độ binh qua tiếp chiến với tôi, thì có đâu tôi bị hại như vầy, Ðinh huynh sao biết tôi ở đây nên đến cứu tôi?
– Anh em tôi ở trên Ngưu Sơn. Hôm qua Tô Hộ đem thơ đến, anh em tôi kéo binh đi liền. Anh em tôi nghe nói giặc đóng tại sông Bình Lộ nên tính đi qua đó. Anh em tôi đạp đường rừng trọn một đêm nay. Ðến sáng nghe có tiếng trống ở phía nầy, anh tôi nghi giặc đương đánh tại đây, nên kéo binh qua. Binh đi lâu quá, tôi bỏ binh mà đi trước. Khi còn xa xa, tôi thấy một người đương rượt một người, tôi không biết là ai, nên quất ngựa riết theo. Chừng lại gần tôi thấy rõ công tử lại thấy thằng khốn ấy đương trương cung bắn công tử, nên tôi xốc tới mà chém nó đó.
– Thiệt là may quá!
Thanh Tòng ngồi nghỉ một chút thì hết mệt, nên đứng dậy leo lên ngựa. Lúc ấy Ðinh Long với Tô Hộ dẫn một đạo binh cũng vừa tới. Anh em gặp nhau nỗi mừng tả không hết được.
Thanh Tòng dạy Ðinh Long dẫn phân nửa binh đi kiếm quân giặc mà dụ hàng, còn Ðinh Hổ dẫn phân nửa binh đi với chàng trở lại sông Bình Lộ dặng ra mắt quan Kinh lược sứ.
Hồi hôm ông Lê Thọ Vực có tiếp được thơ của Thanh Tòng khắc kỳ phá giặc, nhưng vì ông sợ cái thơ ấy là quỷ kế của Trần Lăng, bởi vậy nên ông không dám động binh. Ðến sáng ông nghe chắc Thanh Tòng một mình đã phá giặc được rồi, ông mới bạt trại độ binh qua sông.
Thanh Tòng trở lại nửa đường thì gặp binh Thái Nguyên và Hưng Hóa đương bơ vơ kiếm chàng. Chàng dạy nhập với binh Ðinh Hổ rồi trở lại Bình Lộ Giang. Ðinh Long đi đường khác mà cũng tới đó một lượt.
Thanh Tòng dắt Ðinh Long, Ðinh Hổ vào yết kiến quan Kinh lược sứ và thuật việc phá giặc cho ông nghe. Ông Lê Thọ Vực khen ngợi vô cùng rồi bàn việc tấn binh hồi triều mà cứu chúa. Thanh Tòng xin cho chàng với hai anh em họ Ðinh dẫn ba ngàn binh làm tiền đạo, đi luôn ngày đêm riết vào kinh đô, chớ nếu diên trì sợ e Thái tử thọ hại. Ông Lê Thọ Vực khen phải và chọn ba ngàn binh tráng kiện mà cấp cho ba tướng đi liền, còn ông thì kéo đại đội theo sau phòng hờ ứng tiếp. Trần Lăng đã bị giết, binh ngụy đã vỡ tan, ở ngoài không còn đạo binh nào ngăn cản nữa, bởi vậy Thanh Tòng với anh em họ Ðinh thong thả, thôi thúc quân sĩ đi riết, nên có ba ngày ba đêm thì về tới kinh thành.
Trịnh Công Lộ tuy ỷ quyền bắt Thái tử hạ ngục, song anh ta thấy quần thần thảy đều nghịch ý, lại chưa có tin bắt Lê Thọ Vực được, bởi vậy anh ta đã không dám làm ngang tôn Nghi Thoại, mà cũng không dám làm dữ giết Thái tử. Anh ta còn đương trông tin Trần Lăng, thình lình quân vào báo rằng công tử Thân Thanh Tòng kéo một đạo binh vây hết bốn cửa thành và kêu phải mở cửa mà nạp Trịnh Công Lộ lập tức.
Trịnh Công Lộ nghe nói tới tên Thanh Tòng thì kinh tâm biến sắc, liền cho đòi lão tướng Lê Ðắc Ninh mà thương nghị. Anh ta vừa thấy Lê Ðắc Ninh bước vô thì nói rằng: „Không xong rồi, tướng quân ôi! Thân Thanh Tòng kéo binh về vây thành rồi, chắc là bọn ta phải bị hại. Vậy tướng quân liệu kế đặng chúng ta thoát thân”.
Lê Ðắc Ninh trợn mắt vinh râu đáp rằng: ”Thanh Tòng số nó phải chết tại tay tôi, nên nó mới về đây. Xin tướng công chớ lo, để tôi bắt nó mà nạp cho tướng công liền bây giờ đây“. Anh ta nói dứt lời liền thót lên ngựa dẫn binh mở cửa thành xông ra.
Thanh Tòng thấy Lê Ðắc Ninh không biết là ai, nên đứng ngó trân trân. Lê Ðắc Ninh xốc ra trước mặt trận kêu lớn lên rằng: ”Tiểu tử phải hạ mã nạp mình cho mau, kẻo nhọc công ông chém đầu“. Thanh Tòng giận quá, không thèm đối đáp, liền thúc ngựa nhảy tới mà đâm. Lê Ðắc Ninh đỡ khỏi rồi hai đàng giao chiến với nhau.
Lê Ðắc Ninh lớn tuổi, lại không phải là người đối thủ với Thanh Tòng, bởi vậy mới đánh nhau được ít hiệp thì bị Thanh Tòng phi kiếm, làm cho anh ta thọ thương té nhào xuống đất, Thanh Tòng cắt đầu rồi xua quân nhập thành.
Trong lúc Thanh Tòng đánh với Lê Ðắc Ninh tại Bắc Môn, thì Ðinh Long với Ðinh Hổ ở Nam Môn, nhờ có Lê Ðình Ngạn và Lê Nhơn Hiếu xúi quân mở cửa nên hai tướng dẫn binh tràn vô thành. Lê Ðình Ngạn dắt Ðinh Hổ đi thẳng vào ngục thất mà giải cứu Thái tử, còn Lê Nhơn Hiếu thì dẫn Ðinh Long đến vây chặt phủ của Trịnh Công Lộ mà bắt loạn thần và bắt hết thảy gia quyến không sót một người. Chừng Thanh Tòng nhập thành thì đâu đó đã an hết rồi. Thái tử ra chánh điện, bá quan văn võ thảy đều tề tựu trước điện mà bái yết, Thanh Tòng với Ðinh Long, Ðinh Hổ quỳ mà tâu rằng: ”Tội thần về trễ, để cho Ðiện hạ thọ khổn lâu ngày, thiệt là lỗi của tội thần rất lớn. Ngửa xin Ðiện hạ rộng lượng dung thứ”.
Thái tử tạ ơn Thanh Tòng và anh em họ Ðinh, phủ ủy bá quan, rồi dạy đem Trịnh Công Lộ và gia quyến giam hết vào ngục, đợi triều đình hội nghị rồi sẽ định tội. Quần thần tung hô rồi lui ra.
Cách hai ngày sau ông Lê Thọ Vực mới kéo đại binh về tới. Ông vào bái yết Thái tử, tôi chúa ôm nhau mà khóc. Ông dắt Thanh Tòng đi viếng lăng Thánh Tôn rồi mới hội văn võ bá quan mà chọn ngày tôn Thái tử lên ngôi cửu ngũ.
Thái tử Tăng tức vị, xưng hiệu là Cảnh Thống, phong cho Lê Thọ Vực làm chức Tả Tướng quốc, còn các quan văn võ đều được thăng lên một cấp hết thảy. Vua lại dạy Thân Thanh Tòng làm một cái biểu dựng lên mà kể tội kể công cho vua xem và dạy Lê Thọ Vực nhóm đại thần mà nghị tội Trịnh Công Lộ.
Triều đình hội cộng đồng, nghĩ vì Trịnh Công Lộ lộng quyền ỷ thế phản chúa khi quân, ngoài gây cuộc binh đao trong bày điều ly loạn, nên nghị án Trịnh Công Lộ thì chịu lăng trì, còn gia quyến và đồng lõa thì bị trảm quyết.
Vua Cảnh Thống bổn tính nhơn từ quảng đại lại mới lên ngôi bủa đức rưới ân, nên chế giảm cho phạm nhơn, định trảm quyết một mình thủ phạm Trịnh Công Lộ mà thôi còn bao nhiêu thì ân xá đuổi về quê quán nhập vào hạng lê thứ.
Thân Thanh Tòng vưng lịnh làm biểu mà kể hết những chuyện: từ hôn Công chúa mà phải bị thâu chức lại bị đày, tới Bắc Giang phân rẽ anh em họ Ðinh, qua Thái Nguyên làm con nuôi Huỳnh Như Hào, đi cưới vợ lại cưới nhầm thế nữ Xuân Lan, nhờ Xuân Lan mới gặp Lệ Bích, lúc sấm sét, nghe quan Thái úy mách bảo, nhờ Ngô Sĩ Liên và Chánh sứ Hưng Hóa Thái Nguyên giúp binh nên mới đi xuống Bắc Giang, gặp Ðinh Hổ cứu mới khỏi nguy, hiệp với Ðinh Long, Ðinh Hổ về triều bình loạn, đầu đuôi kể hết không sót chút nào.
Vua xem biểu rồi mới phán rằng: ”Ngày nay trẫm được nối Tiên vương mà tài bồi xã tắc bá tánh được an cư lạc nghiệp, khỏi nạn loạn ly, phần nhiều nhờ sức Thân Thanh Tòng là một đứng nam nhi đã giữ vẹn can thường, mà lại còn có chí cần vương cứu quốc nữa. Vậy trẫm do theo tờ biểu mà phong thưởng như vầy:
Thân Thanh Tòng: Tài cao, công lớn, nên trẫm phong chức ”Nam quốc đại tướng quân“, chấp chưởng trọn binh quyền trong nước.
Lệ Bích: Trọng hiếu, trọng tứ nên trẫm cho phục phẩm Công nương, lại cho sánh duyên cùng Thân Thanh Tòng cho khỏi trái ý cha, và khỏi lỗi thệ ước.
Công chúa Nhị Hoa: Vì tiên đế đã tứ hôn cho Thanh Tòng nên trẫm cũng vưng theo ý ấy mà đưa về Thân phủ để làm đệ nhị phòng.
Thế nữ Xuân lan: Tuy là phận thấp hèn, nhưng mà có công cực với Lệ Bích, lại đã động phòng hoa chúc với Thân Thanh Tòng rồi, ấy là ý trời định vậy, nên trẩm phong tam phẩm phu nhơn, cho vào Thân phủ để làm đệ tam phòng.
Ðinh Hổ: Tuy tánh ngang tàng, song có khiếu trung trực, có công cứu Thanh Tòng, mà lại có công vào ngục thất giải thoát cho trẫm trước hết, nên trẫm phong chức „Nam phương chư đạo Ðô tổng binh”.
Ðinh Long: Sẵn lòng dẹp loạn, lại có công bắt hết bọn phản thần nên trẫm phong chức ”Bắc phương chư đạo Ðô Tổng binh”.
Hành khiển Tuyên phủ Chánh sứ Thái Nguyên và Hưng Hóa: Có công giúp binh cho Thanh Tòng dẹp loạn, nên trẫm thăng lên một cấp và ban thưởng cho mỗi người 10 cây lụa với một trăm nén bạc.
Nguyên Giám sát Ngự sử Ngô Sĩ Liên: Ðã trí sĩ rồi mà cũng có lòng trung quân ái quốc, nên trẫm ban thưởng 10 cây lụa và 100 nén bạc.
Tô Hộ: Ở trọn niềm với chủ, lại có công cực khổ đem thơ qua Ngưu Sơn, nên trẫm thưởng cho 10 nén bạc và hai chữ ”Nghĩa bộc”.
Thanh Tòng, Ðinh Long, Ðinh Hổ đồng quỳ trước điện mà tạ ơn. Bá quan văn võ thảy đều vui mừng cho minh quân hổ tướng tao phùng, tài tử giai nhân tế ngộ.
Thanh Tòng về tổ quán mà rước mẹ. Chàng lại viết thơ rồi cậy Ðinh Hổ với Tô Hộ đem đi rước Lệ Bích, Xuân Lan, Ngô Sĩ Liên và Huỳnh Như Hào về triều đặng bái mạng.
Khi sum họp đủ rồi, vua mới chọn ngày đưa Công chúa Như Hoa về Thân phủ, đặng Lệ Bích, Như Hoa và Xuân Lan chung nhau làm lễ giao bôi với Thanh Tòng một lượt.
Cang thường nặng gánh hai vai,
Nghĩa sâu hơn biển, tình dài hơn sông.
An Trường Février – Mai 1930
[1] tay chơn bộ hạ
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.