Nặng gánh cang thường

Chương 6



Ðến chịu tội. Thanh Tòng cứu tử

Sợ giao duyên. Lệ Bích bôn đào

Một buổi sớm mơi, trời trong gió mát, trước thềm hoa cười chúm chím, trên nhành chim hót líu lo. Tuy mùa xuân đã gần tàn, song giai cảnh cũng còn sót chút đỉnh màu xinh đẹp.

Lệ Bích đi với hai con thể nữ ra vườn, nàng đến mấy nơi mà cha hay ngồi xem hoa hứng cảnh, thì nàng nhớ cha nên bồi hồi dạ ngọc bát ngát lòng son. Nàng đi vòng khắp trong vườn rồi trở vô nhà, đốt mấy cây hương cặm trên bàn thờ và rót một chung trà để mà cúng.

Trên bàn thờ ngọn đèn leo lét, khói hương phất phơ, ngoài giá bạc cây cung dây dùn, lưỡi gươm bụi đóng. Phủ rộng lớn, cảnh coi càng hiu quạnh, người đương buồn thấy cảnh lại thêm đau. Lệ Bích muốn khuây lãng, nên dạy thể nữ lấy đồ đem ra cho nàng thêu. Nàng ngồi trên cái ghế dựa cửa sổ, tay với lấy kim chỉ, mà mắt ngó ra ngoài vườn giọt lụy tuôn dầm dề.

Thể nữ Xuân Lan thấy công nương ảo não thì động lòng, nên thỏ thẻ khuyên rằng:

– Thưa công nương, người ở đời ai cũng có cái số phận nấy. Công nương mà gặp cuộc gia biến đây, ấy là tại số trời định như vậy. Xin công nương rán làm khuây mà tịnh dưỡng tinh thần. Nếu công nương buồn rầu hoài, con sợ công nương phải mang bịnh.

– Làm khuây sao được, mà con khuyên làm khuây con? Ta nhớ phụ thân ta chừng nào, ta càng giận công tử Thanh Tòng chừng nấy. Con nghĩ lại đó mà coi, người mần răng mà tệ cha chả là tệ, dầu không nghĩ chút tình, thì cũng phải vì chút nghĩa, chớ có đâu lại đành giết Phụ thân ta đi…

– Thưa công nương, Thân công tử thiệt là tệ lắm mà. Con nói ra sợ công nương buồn thêm, chớ theo ý con thì con chắc Thân công tử không có thương công nương chút nào hết.

– Xuân Lan, sao con chắc Thân công tử không thương ta!

– Nếu công tử mà thương công nương thì có lẽ nào đành thích tử tôn ông bao giờ. Công nương xét lại đó mà coi, có người ở đời ai thương vợ mà giết cha vợ cho được. Mà ví dầu có rủi tay giết lỡ đi rồi, thì cũng phải tính làm sao, chớ có đâu không được một lời phải quấy chi hết.

Lệ Bích ngồi lặng thinh suy nghĩ một hồi rồi gặc đầu nói rằng:

– Ta nghĩ công tử ở bất nghĩa, thiệt ta phiền lắm. Ai mà dè người văn chương như vậy, võ nghệ như vậy mà tánh tình lại như vậy? Ta xét lại thì ta ăn năn mấy lời hẹn ước ngày xưa không biết chừng nào.

– Ối thôi, thứ người bạc bẽo như vậy công nương quên phứt đi cho rồi, còn phiền trách làm chi cho nhọc lòng.

– Ta nói phải quấy mà nghe vậy thôi, chớ ta có thèm phiền trách chi đâu.

Lệ Bích nói tới đó, rồi nàng chống tay vào gò má, ngó sững ra ngoài cửa sổ một hồi lâu rồi day vô mà nói rằng: “Mà nghĩ cho kỹ, nếu mình trách người ta quá như vậy thì cũng không nhằm. Người ta lỡ tay rồi, người ta biết trước lỗi nên người ta quỳ mà chịu tội. Tại mình không chém người ta mà báo cừu cho cha thì thôi, bây giờ còn trách người ta nỗi gì? Còn mình phiền mình nói sao người ta không đến đây mà phân phải trái. Người ta đã lỡ tay giết cha mình rồi, mình hầm hầm đương giận người ta, làm sao người ta dám bước chơn tới đây mà trách”.

Xuân Lan chúm chím cười mà đáp rằng:

– Thưa công nương, nếu Thân công tử mà còn nghĩ đến công nương, dầu không dám tới đây, thì cậy mượn người khác đến nói giùm, hoặc gởi thơ mà năn nỉ cũng được, chớ có đâu lại im lìm như vậy?

– Xuân Lan, mình cố chấp quá như vậy thì cũng tội nghiệp cho người ta.

– Công nương còn thương nữa hay sao mà nói tội nghiệp?

– Người ta không thương ta rồi, ta thương làm sao cho được mà hỏi. Ta nói tội nghiệp là vì ta nghĩ khi người lầm lỗi rồi thì kế lịnh bệ hạ sai cầm binh dẹp giặc, người mắc lo chinh chiến, có rảnh rang chi đâu mà lo việc riêng, nên mình trách.

– Trước khi xuất chinh, thì ghé lại đây mà phân phải quấy một đôi lời lại không được hay sao. Mà như có sợ không dám ghé, thì lúc đi đường viết thơ sai người đem trở về cũng được chớ.

Lệ Bích bỏ kim chỉ, đứng dậy đi ra cửa mà ngó mông. Nàng thấy trên nhành một con quạ đương đút mồi cho con ăn, trước thềm một con mèo đực đương giỡn chơi với một con mèo cái. Cái quang cảnh ấy làm cho nàng càng thêm bát ngát, bởi vậy nàng bỏ đi vô, ngồi ngơ ngẩn một hồi rồi hỏi thể nữ rằng: ”Thân công tử cầm binh dẹp giặc, tính ra đã gần một tháng rồi. Hai con có nghe người thắng bại lẽ nào hay không con?”

Xuân Lan bước lại đáp rằng:

– Thưa công nương, hai chị em con mắc hầu hạ công nương có đi đâu ra ngoài được mà nghe. Mà con nghĩ công tử may thắng được, khỏi chết thì nhờ, còn có dở để thất cơ binh, bị chết thì chịu lấy, công nương còn phải hỏi làm gì?

– Chớ chi sự thắng bại mà không can thiệp đến ta, thì ta có hỏi thăm mà làm chi. Ngặt vì ta với Thân công tử đã thệ ước cùng nhau đồng sanh đồng tử, nếu chàng thất bại, Bệ hạ bắt tội chém đi rồi ta mới làm sao!…

– Thưa công nương, việc ấy có can chi mà công nương ngại. Tuy công nương với công tử có thệ ước với nhau, song công tử thích tôn ông, tức thị đã bội ước rồi, còn tình nghĩa chi nữa mà lo thủ ước. Mà thiên hạ ai cũng đều khen Thân công tử văn hay võ giỏi, con chắc công tử đi dẹp giặc không thế nào thất bại đâu.

– Con chắc thế nào Thân công tử cũng không thất bại. Cha chả! Nếu công tử thắng trận khải hoàn, Bệ hạ xá tội rồi dạy ta kết duyên cùng chàng, chữ phụ thù còn đó ta mới liệu làm sao…

Lệ Bích vừa nói tới đó, bỗng thấy có dáng người lấp ló trước thềm. Thể nữ Thu Cúc bước ra hỏi người ấy rồi trở vô thưa rằng: ”Thưa công nương, có một người chiến sĩ xin ra mắt công nương. Người nói rằng người có một việc cần muốn tỏ với công nương”. Lệ Bích gặc đầu rồi dạy Thu Cúc ra mời khách vào. Người khách bước vào bái Lệ Bích và nói rằng mình tên Tô Hộ vốn là chiến sĩ đi theo Bình Nam Tướng quân mà dẹp giặc Chiêm Thành. Nhơn vì có lịnh sai hồi trào, nên mới ghé lại đây.

Lệ Bích châu mày rồi hỏi rằng:

– Té ra tráng sĩ là người tùng chinh, nhơn vì có lịnh sai nên mới trở về Kinh. Thưa tráng sĩ, chẳng hay binh triều bình Nam mà thắng hay là bại vậy người?

Tô Hộ bợ ngợ một chút rồi mới đáp rằng:

– Thưa công nương, không thắng mà cũng không bại.

– Ủa! Phàm đánh giặc, nếu không thắng thì là bại, còn nếu không bại thì là thắng, chớ sao không thắng mà cũng không bại?

– Dạ, bởi vì lịnh Nguyên nhung tôi chưa nhứt định. Tôi nghe Nguyên nhung tôi nói sự thắng bại đều tại công nương, hễ công nương muốn thắng thì thắng, còn nếu công nương muốn bại thì bại.

– Phận thiếp là gái khuê phòng, còn Nguyên nhung của người cầm binh xuất trận. Nơi chiến trường thắng bại là tại Nguyên nhung, cớ sao lại nói tại thiếp.

– Dạ, không biết tại sao mà Nguyên nhung tôi nói kỳ cục như vậy.

– Người nói có lịnh sai người hồi trào, vậy thì người vào yết kiến Thánh thượng, chớ ghé dinh thiếp làm chi?

– Thưa công nương tôi đã nhập trào rồi. Nay tôi ghé đây là vì có một việc riêng:

– Việc chi vậy?

– Dạ, thưa công nương, vả chăng quân Chiêm Thành thuở nay nó sợ cái oai võ của lịnh tôn ông lắm. Chúng nó nghe lịnh tôn ông mất lộc, chúng nó tưởng chẳng còn ai đủ tài cầm binh đối địch, nên chúng nó hành hung nhiễu loạn. Nay lịnh Bệ hạ sai Nguyên nhung tôi cầm binh dẹp giặc, Nguyên nhung tôi hằng hoài vọng tài cao đức trọng của tôn ông, nên sẵn dịp sai tôi hồi trào, Nguyên nhung tôi mới dạy tôi tạm ghé lại đây…

Tô Hộ nói tới đó rồi liếc mắt ngó chúng Lệ Bích. Lệ Bích cũng liếc mắt ngó Tô Hộ rồi hỏi rằng:

– Ghé chi vậy?

– Thưa, ghé xin phép công nương đặng phàn hương cầu nguyện cho linh hồn lịnh tôn ông siêu thăng, gọi là tỏ chút tình kỉnh mến của Nguyên nhung tôi vậy mà.

– Chẳng biết Nguyên nhung là ai, mà có lòng kính mến phụ thân tôi dữ vậy người?

– Công nương không biết hay sao?

– Không.

– Thân công tử Thanh Tòng chớ ai.

Nãy giờ Lệ Bích dằn lòng mà đối đáp với Tô Hộ. Ðến chừng nghe tới tên Thanh Tòng thì nàng không thể dằn nữa được, bởi vậy nàng vùng đứng dậy nói lớn lên rằng: ”Cha chả! Công tử Thanh Tòng cả gan dữ a! Ðã không kể tự nghĩa, giết phụ thân thiếp đặng mà đoạt quyền cao tước trọng, chưa vừa lòng hay sao, nên còn sai người đến đây mà nhục thiếp nữa!” Lệ Bích nói mà coi bộ giận lắm, làm cho Tô Hộ sợ nên lật đật đứng dậy.

Lệ Bích nói tiếp rằng: ”Tráng sĩ có trở vào Thuận Hóa, xin tráng sĩ nhớ mà nói lại với công tử Thanh Tòng rằng chữ phụ thù thiếp thề chẳng chịu đội trời chung, đã bội nghĩa rồi thì đừng có làm bộ nhơn nghĩa”.

Lệ Bích nói mấy lời rồi bỏ đi vô phía trong. Tô Hộ ngơ ngẩn, kiếm  không ra lời mà nói, túng thế phải bái Lệ Bích rồi lần lần bước ra cửa.

Chừng chàng ra khỏi cửa, Lệ Bích dạy Thu Cúc kêu trở lại mà nói rằng: ”Thiếp nói chưa hết lời, tráng sĩ đi đâu mà vội vậy!”

Tô Hộ trở vô đứng còm róm và hỏi rằng:

– Dạ, thưa công nương, còn muốn nhắn việc chi nữa hay sao?

– Vậy chớ công tử Thanh Tòng dặn tráng sĩ ghé đây mà nói chuyện chi nữa?

– Nguyên nhung tôi dặn lăng xăng thiếu gì chuyện…

– Nếu có dặn nhiều chuyện khác nữa sao người không tỏ hết cho thiếp nghe, lại lật đật đi về.

– Thưa, tôi mới tỏ có một chuyện mà coi bộ công nương giận lung quá. Nếu tôi kể thêm nữa, thì công nương càng giận thêm, rồi giận lây tới tôi, thêm hại cho tôi chớ ích gì. Thôi, tôi xin phép công nương để cho tôi về.

– Khoan đã, Nguyên nhung của người ở quấy, tôi giận là giận họ chớ người có chuyện chi mà tôi giận. Mời người ngồi nói cho tôi nghe coi họ còn dặn việc chi nữa.

Tô Hộ kéo ghế mà ngồi rồi cười ngón ngoẻn và nói rằng: ”Thưa công nương, tôi muốn thử ý công nương nên tôi nói chơi vậy thôi, chớ Nguyên nhung tôi có dặn việc chi nữa đâu“.

Lệ Bích châu mày thở ra rồi nói rằng:  

– Công tử Thanh Tòng thiệt là tệ. Tráng sĩ nghĩ lại mà coi, người đã hứa hôn cùng thiếp, tuy chưa chung chăn gối nhưng mà lời thệ ước đã nặng nề. Người chẳng vì tình nghĩa, đánh sát tử phụ thân thiếp đi; giết rồi biết thiếp thảm sầu ảo não lắm chớ, song người chẳng có chút đoái hoài, không thèm tới mà nói phải quấy chi hết. Thiếp nghĩ tình đời bạc bẽo, thiệt thiếp ngán ngẩm.

– Công nương trách Nguyên nhung tôi thiệt là đáng lắm ! Nguyên nhung tôi đã hứa hôn với công nương, tuy chưa có lễ cưới mặc dầu chớ cũng là nghĩa vợ chồng. Hai ông ở trên có rầy rà với nhau, hai ông làm sao thì làm, mình là phận con rể sao lại nhảy ra binh cha ruột mà giết cha vợ đi. Nguyên nhung tôi làm cái đó thiệt là quấy, tôi không chịu như vậy. Còn việc công nương trách Nguyên nhung tôi từ ngày phạm tội rồi thì bặt âm tín, không có được một lời phải quấy. Việc đó tại sao vậy tôi không hiểu. Nhưng mà tôi có thấy cái nầy, là từ ngày xuất binh đến nay, Nguyên nhung tôi thân thể gầy mòn, khí sắc buồn rầu lắm.

– Buồn lắm hay sao?

– Dạ, buồn quá. Ðể tôi nói hết cho công nương nghe: Khi ở tại Kinh kéo binh ra đi, thì Nguyên nhung tôi coi bộ không vui vẻ chút nào; mà đi dọc đường cũng chẳng thèm nói chuyện với ai, cứ cỡi ngựa đi lục thục đàng sau một mình luôn luôn. Tôi lén dòm coi thì tôi thấy nhiều lúc hai hàng nước mắt nhỏ giọt. Nguyên nhung thấy tôi ngó thì lấy khăn lau nước mắt rồi rầy tôi biểu tôi đi dang ra, không cho tôi đi gần. Ban đêm đồn binh mà nghỉ, quân sĩ đi mệt mỏi, nên ai cũng lo kiếm chỗ mà ngủ, duy có một mình Nguyên nhung tôi lọ mọ thức hoài, cứ ra thở vào than; tôi rình coi thì không thấy làm việc gì, cứ ngồi khóc và kêu „công nương ôi, công nương“. Thức đêm nào sáng đêm nấy, thiệt tội nghiệp quá. Mà phải ngủ không được mà thôi đâu, đã không ngủ mà cũng không ăn nữa mới là khổ cho chớ. Bởi vậy Nguyên nhung tôi bây giờ ốm nhách, còn da bọc xương. Tôi tưởng nếu sầu não hoài như vậy thì ít ngày nữa chắc phải chết. Tội nghiệp quá!

Lệ Bích ngồi rưng rưng nước mắt. Tô Hộ liếc thấy, chàng bèn nói tiếp rằng:

– Thưa công nương, hôm tôi sửa soạn đi đây, Nguyên nhung tôi có kêu mà nói rằng: Tô Hộ, ngươi về Kinh, ta muốn cậy ngươi một việc riêng, không biết ngươi có vui lòng mà giúp cho ta hay không?” Tôi nói: ”Nguyên nhung muốn biểu việc chi cũng được mà“. „Ậy“. Nguyên nhung tôi mới nói: ”Ta muốn cậy ngươi đem giùm một phong thơ”. Tôi hỏi: ”Ðem cho ai?” Nguyên nhung tôi nói ”Ðem qua dinh quan Thái úy mà trao cho công nương”. Tôi nói: ”Không được, thơ đó tôi không dám lãnh”.

– Tại sao mà không dám lãnh?“

– Công nương đương hờn Nguyên nhung tôi; tôi đem thơ từ, như công nương không thương, công nương mắng luôn tới tôi, thì tôi làm sao?

– Thiếp hờn là hờn Thân Nguyên nhung chớ người vô can, thiếp đâu dám vô lễ với người mà người ngại, nên không dám lãnh thơ.

– Lời công nương nói thiệt giống y như lời của Nguyên nhung tôi. Nguyên nhung tôi cũng nói như công nương vậy đó; lại cứ theo năn nỉ cậy tôi hoài, cực chẳng đã tôi phải chịu lãnh.

– Té ra người có lãnh thơ hay sao?

– Dạ, thưa có.

– Vậy xin người trao cho thiếp xem thử coi.

Tô Hộ lật đật thò tay vô áo móc một phong thơ ra mà trao cho Lệ Bích. Lệ Bích lấy phong thơ, coi ngoài bao rồi hỏi vậy chớ Thân Nguyên nhung có nhắn điều chi nữa hay không. Tô Hộ nói không có, rồi lại hỏi Lệ Bích như có hồi âm thì mình sẽ lãnh mà đem về cho Nguyên nhung, Lệ Bích cười gượng mà đáp rằng:

– Thiếp chưa xem thơ, thiếp có biết Nguyên nhung của người nói việc chi đâu mà trả lời.

– Nếu công nương chưa trả lời được, thôi thì công nương nhắn miệng, công nương muốn nói việc chi cũng được mà. Tôi là gia thần cua Thân Nguyên nhung, công nương đừng ngại chi hết.

Lệ Bích để phong thơ trên bàn, bước lại gần bình bông ngắt một cái bông héo mà đưa cho Tô Hộ và nói rằng: ”Thiếp không có lời chi mà nói với Thân Nguyên nhung hết. Thiếp chỉ xin người làm ơn đem cái bông héo nầy về mà trao cho người, và thưa lại với người rằng: thiếp vì người mà phải khô héo, chẳng khác nào cái bông nầy”.

Tô Hộ thấy Lệ Bích và nói và rơi lụy thì chàng lấy làm cảm xúc, nên lãnh cái bông rồi lật đật cáo từ mà lui ra.

Lệ Bích đợi Tô Hộ ra khỏi thềm rồi mới dạy Thu Cúc đóng cửa lại, và dạy Xuân Lan bỏ tấm cháng[1] trước bàn thờ xuống. Nàng vào thơ phòng mở thơ ra thì thấy thơ nói như vầy:

Gái thục nữ đức tài thơm ngát,

Trao anh hùng tình nghĩa nặng nề.

Một nhà dầu loan phụng được dựa kề,

Trăm năm nhắm tóc tơ coi phát lứa.

Ðền Thánh mẫu tình cờ xuôi gặp gỡ,

Chốn thơ phòng trằn trọc luống ai hoài.

Ba sinh dốc kết duyên kết nợ, nối xích thằng[2] cậy mối cậy mai,

Sáu lễ làm theo tiết theo nghi, vào tứ các[3] nạp trưng nạp lễ

Những tưởng vầy duyên cang lệ,

Dè đâu gây cuộc tang thương.

Lang thảo thân nên nguội lửa lạnh hương,

Tiếng bội nghĩa rất buồn tình xót dạ.

Thấy đó oán thù không nỡ trả,

Khiến đây kính mến lại càng thêm.

Vai mang sao than thở chạnh nỗi niềm,

Ðầu đội nguyệt chứa chan dầm giọt lụy.

Hỡi ai là tri kỷ?

Có thấy chút tình chăng?

Nặng chữ đồng nên phải cắn răng,

Nhớ lời hẹn càng thêm hổ mặt.

Ra tài mọn chốn chiến trường đà yên giặc,

Ân tình dài nơi Kinh địa sắp dời chơn,

Công cán thành thì khỏi tội sát nhơn,

Duyên nợ cũ biết có đành xe chỉ.

Xin thục nữ nghĩ  tình chung thỉ[4],

Thương anh hùng gánh nặng cang thường

Chốn dương trần dầu phân rẽ hai phương,

Nên âm phủ cũng chung cùng một mộ.

Ngửa xin chiếu cố,

Dung thứ tình si.

Trọn nghĩa tương tri,

Trăm năm hòa hiệp.

Lệ Bích xem thơ rồi thì nước mắt tuôn dầm dề, Xuân Lan muốn kiếm lời khuyên giải, nên bước lại gần mà hỏi rằng: ”Thưa công nương, Thân công tử gởi thơ nói chuyện chi đó, mà công nương xem rồi công nương lại sầu thảm như vậy?”. Lệ Bích lắc đầu, thở ra rồi lau nước mắt mà đáp rằng:

– Thân công tử cho ta hay rằng người dẹp giặc đã yên rồi nay mai gì đây người sẽ về tới. Người năn nỉ xin ta đừng có hờn giận mà tan rã cuộc cang  thường, người nói rằng phụ thân ta chết đó là sự rủi chớ không phải người cố ý giết.

– Cha chả kết duyên làm sao được?

– Ta cũng biết như vậy; mà hễ người về đây, Bệ hạ xá tội rồi dạy ta giao duyên, ta biết làm sao?

– À! Còn cái chuyện đó nữa! Khổ thiệt!

– Ta nghĩ thân phận ta thiệt là khổ. Thân công tử là người có thệ ước với ta. Bây giờ đã giết phụ thân ta rồi thì ta kết duyên sao được Mà coi thế không kết duyên cũng không được! Khổ lắm! Ta tưởng có lẽ tay phải chết thì cái khổ nầy mới dứt được.

Lệ Bích nói tới đó rồi nàng khóc. Hai con thể nữ dắt nàng vào phòng cho nàng nằm nghỉ. Ðến chiều dân trong kinh thành xôn xao. Thu Cúc mở cửa ra đường mà hỏi thăm rồi trở vào báo tin cho Lệ Bích hay rằng Thân công tử thắng trận khải hoàn, binh kéo về tới, nên dân sự mừng chen nhau đi coi. Lệ Bích nghe nói thì mừng, nên nàng cười song cười mà hai hàng nước mắt nhỏ giọt. Ðêm ấy nàng trằn trọc, nỗi tình nỗi hiếu ngổn ngang trong lòng, nên nàng than thở hoài, ngủ không được.

Ðến sáng nàng dạy hai con thể nữ sắm hương đăng trà quả đặng cho nàng đi viếng mộ cha. Thể nữ sắm xong rồi, nàng dạy chúng nó đi trước ra ngoài mộ cha, để nàng viết một bài văn tế rồi nàng sẽ theo sau.

Thể nữ đi rồi thì nàng bước lại đứng dựa bên bàn thờ của cha, hai tay vịn cái bàn mà than khóc nghe rất thảm thiết. Nàng khóc một hồi rồi nàng leo lên ghế mà buộc cái khăn chế trên cây kèo nhà; cái mối khăn lòng thòng thì nàng thắt làm một cái vòng rồi đút đầu vô mà tự tử.

Hai con thể nữ ra tới mộ đợi lâu quá mà không thấy công nương, chúng nó mới trở vô mà rước. Khi chúng nó bước vô cửa thì ngó thấy Lệ Bích đương đút đầu vô vòng. Chúng nó kinh hãi, nên la lên: ”Úy? Trời ơi! Công nương chết! Bớ người ta, làm sao cứu công nương! Công nương ôi!,, Chúng nó và la và chạy vô, áp ôm chân Lệ Bích mà khóc, song không biết làm sao mà cứu.

Thanh Tòng kéo binh về Kinh, nhưng vì không nhằm ngày chầu vua, nên chàng bái mạng chưa được. Chàng về phủ Tướng quốc vấn an cha mẹ, nghe Tô Hộ nói đã trao thơ cho Lệ Bích rồi, lại coi ý nàng còn thương tưởng chàng lắm, bởi vậy sáng bữa ấy chàng tính qua dinh Thái úy mà phân phải trái với Lệ Bích.

Chàng vừa tới cửa thì nghe thể nữ la khóc cầu cứu. Chàng chạy riết vô, thấy Lệ Bích treo tòn ten trên rường, chàng liền nhảy lên ghế rồi rút gươm cắt đứt cái khăn chế mà ôm Lệ Bích xuống rồi đem để nằm trên giường. Nhờ cái vòng thắt không chặt lại cũng nhờ cái khăn chế mềm, nên Lệ Bích khỏi chết, hơi thở còn hoi hóp.

Thể nữ chôn rộn chung quanh, đứa đốt than mà hơ tay hơ chơn, đứa lấy khăn mà lau mồ hôi nước mắt.

Thanh Tòng đứng dựa bên đó, cứ ngó Lệ Bích mà khóc. Cách một hồi lâu, Lệ Bích định tĩnh tâm thần, nàng mở mắt ra ngó thấy Thanh Tòng đứng bên mình, thì nàng nổi giận, nên chỉ tay mà nói rằng: ”Cha chả! Sao ngươi cả gan dám tới đây? Ði ra cho mau. Ðã giết cha ta rồi, bây giờ còn tới mà giết ta nữa hay sao?

Thanh Tòng và khóc và đáp rằng:

– Công nương phân như vậy thì tội nghiệp cho tôi lắm. Ðôi ta đã nặng lời thệ ước, có lẽ nào tôi nỡ phụ phàng mà giết nhạc gia. Ấy cũng là tại trời khiến cho căn duyên đôi ta phải dở dang, nên mới gây cuộc biển dâu như vậy. Xin công nương bớt giận, để tôi phân hết đầu đuôi cho công nương nghe.

– À thôi. Chữ phụ thù bất cộng đái thiên, ta không thế nào mà thấy mặt ngươi nữa được. Ngươi phải ra khỏi cửa cho mau. Ta không thèm nghe đâu mà phân.

– Công nương ôi! Lời thệ ước…

– Ta biểu nín. Ðừng nhắc lời thệ ước nữa. Ði cho mau. Thể nữ đuổi người ra.

Lệ Bích khoát tay và day mặt vô vách. Hai thể nữ sợ công nương giận rồi làm xung[5] mà sanh họa, nên áp lại đuổi công tử Thanh Tòng đi về. Thanh Tòng không thể tỏ lời chi nữa được, nên chàng khóc và riu ríu bước ra cửa.

Lệ Bích thấy Thanh Tòng bước ra, nàng bèn ngồi dậy ngó theo mà khóc. Hai con thể nữ khuyên nàng hãy nằm xuống mà nghỉ và xin hãy khuây lãng, đừng có hờn giận thảm sầu mà sanh bịnh. Lệ Bích ngồi khóc một hồi rồi nói rằng: ”Ta khuây lãng làm sao cho được! Lời thệ ước tuy là nặng, nhưng mà oán giết cha thù lại càng sâu! Ta có thế nào mà kết duyên cùng Thân Thanh Tòng cho được. Nay Thân công tử đã thắng trận khải hoàn, chi cho khỏi lịnh Bệ hạ xá tội cho chàng và dạy ta giao duyên. Nếu ngay cùng chúa, thì trái nghĩa cha còn nếu trọn đạo cùng cha thì mất ngay cùng chúa, ta biết liệu làm sao bây giờ? Ta đã nghĩ, ta phải chết, thì mới vẹn toàn được mà thôi.

Thể nữ Xuân Lan bước tới thưa rằng:

– Công nương phân như vậy sao cho phải. Ông bà sanh ra có một mình công nương mà thôi. Nay ông bà mất lộc rồi vậy thì công nương phải sống mà phụng thờ, chớ nếu công nương hủy mình thì còn ai mà báo thù cho tôn ông, còn ai mà lo vùa[6] hương bát nước?

– Nếu ta sống thì lịnh Bệ hạ gả ta cho Thân công tử thì ta làm sao? Ta đã trả thù cho phụ thân ta không được mà ta lại còn phải kết duyên với kẻ thù.

– Nếu lịnh Bệ hạ dạy giao duyên thì công nương đừng chịu, có lẽ nào Bệ hạ nỡ ép công nương phối hiệp với người thù hay sao.

– Bệ hạ đã phán giữa triều rồi, Bệ hạ lấy lời lại sao được. Nếu ta kháng cự, không chịu tuân theo lịnh Bệ hạ thì ta phải bị chết chém còn gì. Vậy thà là ta chết phứt bây giờ, cho đặng ta trọn thảo với cha, mà cũng khỏi trái lịnh vua và khỏi mang tiếng bội ước.

Xuân Lan đứng ngẫm nghĩ một chút rồi thưa rằng:

– Con có một cái kế hay lắm; nếu công nương làm theo kế ấy thì đã khỏi chữ bất trung, mà lại khỏi chữ bất hiếu nữa.

– Kế của con thế nào, đâu con thưa cho ta nghe thử coi?

– Thưa công nương, theo như lời công nương mới nói đó, thì công nương chắc thế nào lịnh Bệ hạ cũng gả công nương cho Thân công tử. Nếu công nương vưng lịnh thì đặng trung mà mất hiếu, còn như trái lịnh thì đặng hiếu mà mất trung. Bây giờ con xin dưng kế như vầy: Công nương bỏ nhà đi lên chốn thâm sơn cùng cốc rồi cải danh diệc tánh mà lánh mặt một ít lâu, đợi chừng nào Thân công tử cưới vợ rồi công nương sẽ trở về mà lo phụng tự ông bà. Công nương đi liền bây giờ thì còn ai đâu mà Bệ hạ tứ hôn, thì công nương khỏi bất trung, ngày sau công nương trở về khỏi bị tội chi hết; chớ nếu công nương ở nhà, Bệ hạ dạy kết duyên mà công nương không chịu thì công nương bị tội nặng. Xin công nương xét coi lời con phân như vậy có phải hay không?

Lệ Bích khen kế của Xuân Lan hay, liền dạy sắm sẵn hành lý đặng trong đêm ấy nàng lánh thân. Nàng định đem Xuân Lan theo mà đỡ tay chân; còn Thu Cúc thì nàng dặn ở nhà phải thay thế cho nàng mà lo đốt nhang cúng nước, ai có hỏi nàng đi đâu thì phải kín miệng, đừng nói lậu cho ai biết.

Tối lại Lệ Bích thay đổi y phục, lấy một cây kiếm mà đeo vào lưng đặng hộ thân, rồi làm lễ bái biệt từ đường Nàng quỳ trước bàn thờ cha mẹ mà than khóc một hồi, rồi dắt Xuân Lan lên đường.

Thiệt là:

Dở chơn giọt lụy chứa chan

Nỗi tình nỗi hiếu ngổn ngang trong lòng


[1] bức vải thêu để đi mừng hay đi điếu, bức cháng (hay chướng) điếu dùng làm màn chắn trước bàn thờ

[2] dây đỏ, tơ hồng: mối duyên

[3] tứ=tía, các=gác: gác tía, ý nói nhà phú quí

[4] thủy

[5] những chứng bịnh xảy ra thình lình, do ảnh hưởng tinh thần

[6] dụng cụ đựng đồ làm bằng sọ dừa; nhiều gia đình khá giả, giàu có cũng dùng một cái vùa để cắm nhang trên bàn thờ thay cho lư hương, để tượng trương cho sự đạm bạc, khiêm nhường của chủ nhà


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.