Nặng gánh cang thường
Chương 9
Giận nghịch tử, Tả Tướng quốc tắt hơi
Giữ chung tình. Ðô Tổng binh mang họa
Còn đương tuổi thanh niên mà đã trọn thảo với cha, lại cũng đền xong nợ nước, đã được cầm quyền lớn, mà lại sẵn có tài cao đứng làm trai được như chàng Thanh Tòng ai cũng cho là túc nguyện. Nhưng mà trót một năm nay chàng vì có một chữ tình mà hôm sớm lờ đờ lững đứng, vào ra than thở ưu sầu, được tiếng thơm không biết vui, cằm quyền lớn không mãn ý.
Tuy vua đã có truyền cho các châu các huyện phải kiếm mà bắt Lệ Bích, song chàng Thanh Tòng cũng không an lòng; chàng sai riêng người tâm phúc đi rảo khắp tứ phương mà dò la. Ðã mãn năm rồi, mà chưa biết được nàng Lệ Bích trú ngụ nơi nào, còn vua thì thôi thúc phải chọn ngày giao duyên với Công chúa.
Chàng Thanh Tòng lo gỡ rối tóc tơ chưa xong, kế phải buồn về nghiêm đường ngọa bịnh. Trong mấy tháng sau đây, quan Tướng quốc Thân Nhơn Trung, một là vì tuổi cao sức yếu, hai là vì việc nước đa đoan, bởi vậy ông đau càng ngày coi càng ốm càng gầy, chẳng những là ông không đi chầu vua được, mà cơm ông ăn cũng không chịu tiêu, đêm ông nằm cũng không muốn ngủ.
Vua sai các ngự y điều trị, nhưng mà dầu có thầy hay dầu dùng thuốc tốt, song bịnh cũng không thuyên giảm chút nào.
Một buổi sớm mơi, quan Tướng quốc đương nằm trên giường, coi bộ ông mệt hơn mấy ngày trước. Phu nhơn ngồi một bên, trong lòng lo sợ, nên sắc diện buồn hiu. Công tử thì dụm lửa đặng hâm thuốc cho cha uống. Phu nhơn ngồi ngó ông một hồi rồi hỏi rằng: ”Trong mình ông bây giờ ra thể nào mà bữa nay tôi coi bộ ông mệt hơn các bữa trước nhiều lắm”. Ông lặng thinh một hồi rồi ráng nhướng mắt mà đáp rằng: ”Bữa nay tôi mệt lắm, nằm không yên. Tôi biết chắc là tôi ráng chịu chừng một đôi ngày nữa mà thôi, chớ không lâu đâu”. Ông nói mấy lời rồi ông nhắm mắt nằm thiêm thiếp. Bà lấy làm đau đớn, nên ngồi chống tay lên trán mà khóc. Thanh Tòng bước lại đứng ngó cha rồi giọt lụy cũng tràn trề.
Cách một hồi lâu, quan Tướng quốc mở mắt ra nữa mà ngó vợ nhìn con rồi nói nhỏ nhỏ rằng: „Tới tuổi nầy thì chết đã vừa rồi; tiếc vì việc nước lăng xăng, triều đình lộn xộn, trung thần nhu nhược, gian thần lẫy lừng, nếu không có người chấp quyền bỉnh cáng cho hẳn hòi, thì làm sao…“ Ông ngừng lại mà nghĩ một hồi lâu, rồi ngoắt Thanh Tòng lại đứng khít một bên mà nói nữa rằng: ”Năm ngoái, Thánh thượng định gả Công chúa Như Hoa cho con. Lời phán giữa triều đình, nên con không phép trái lịnh. May nhờ Thánh thượng xét công lao của cha con mình, nên mới cho đình lại một năm đặng tìm kiếm Lệ Bích cho con hết ái ngại về tiếng bội ước. Kỳ hạn mãn đã lâu rồi, vậy chớ mấy lần đại triều sau đây, cha có bịnh nên đi chầu không được, mà con đã có phục chỉ rồi hay chưa vậy con?
Thanh Tòng dụ dự một chút rồi lau nước mắt mà đáp rằng: „Thưa cha, kỳ đại triều hôm rằm tháng nầy, Bệ hạ có nhắc sự ấy. Con có tâu mà xin đình thêm một năm nữa“.
Quan Tướng quốc châu mày ủ mặt mà hỏi rằng:
– Một năm đã nhiều lắm rồi, sao con dám cả gan mà tâu nữa?
– Thưa cha, con cùng nàng Lệ Bích đã nặng ước mà lại nặng tình. Có lẽ nào con đành bội ước đoạn tình mà ưng Công chúa Như Hoa cho được.
– Con Lệ Bích nó nghe con thắng trận hồi trào, nó sợ Bệ hạ gả nó cho con, nên lật đật bỏ nhà mà trốn. Nó làm như vậy thì nó bội ước đoạn tình rồi. Con với nó còn tình còn nghĩa chi nữa đâu mà chờ đợi?
– Thưa cha, nàng lánh con thì nàng quấy, nhưng mà con giết cha của nàng há con lại không quấy hay sao?
– Thì con quấy trước rồi nàng mới quấy sau.
– Mà cái quấy của con mười phần, cái quấy của nàng không được một. Xin cha xét lại mà coi.
– Phải. Con giết cha nàng thì con quấy. Mà tại cha nàng quấy trước, chớ nào phải tại con hay sao.
– Con xét lại thì phận con bây giờ là người thù của nàng, nên không thế nào nàng kết tóc xe tơ với con được. Tại cớ đó nên nàng phải lánh mặt. Mà cũng tại cái cớ đó nên con không thể bỏ nàng mà giao duyên với người khác.
– Té ra con nhứt định từ hôn với Công chúa hay sao?
Thanh Tòng lặng thinh không trả lời nữa. Quan Tướng quốc thở ra mà than rằng: ”Nhà tôi vô phước dữ a! Mà xã tắc cũng vô phước nữa!”
Trong lúc ấy Tô Hộ ở ngoài bước vào thưa rằng có quan Hình bộ Thượng thơ Trịnh Công Lộ đến trước phủ nói rằng phụng mạng Bệ hạ đệ thánh chỉ đến cho quan Ðô Tổng binh và xin quan Ðô Tổng binh ra tiếp thánh chỉ.
Thanh Tòng cáo lỗi cùng cha mẹ rồi lật đật sửa áo bước ra tiền đường mà tiếp thánh chỉ. Chàng đi rồi thì quan Tướng quốc nói với phu nhơn rằng: ”Thanh Tòng trái lịnh của Bệ hạ, ắt chẳng khỏi mang họa. Hôm nay quan Thượng bộ hình đệ thánh chỉ đến dinh, tôi sợ e không phải là một điềm lành. Vậy bà hãy bước ra ngoài lóng tai nghe coi thánh chỉ dạy việc chi”.
Phu nhơn vưng lời, liền dạy thể nữ thế mặt ở hầu ông, rồi bà thủng thẳng đi ra ngoài trước. Cách một hồi lâu bà bơ hơ bài hãi trở vào thưa cho ông hay rằng vua bắt tội Thanh Tòng khi quân, nên sai Hình bộ Thượng thơ đệ chiếu qua mà thâu quyền Kinh sư Ðô Tổng binh và lấy ấn phù đem về nạp cho vua.
Quan Tướng quốc hay sự ấy thì ông nghẹt cổ nghẹt hơi, tay chân lạnh ngắt. Phu nhơn với thể nữ kinh hãi, xúm nhau đốt lửa mà hơ một hồi rất lâu ông mới tỉnh lại.
Ông ngó phu nhơn mà nói rằng: ”Nhà mình vô phước nên mới sanh con ngỗ nghịch như vậy. Nó đã không biết làm cho tôi an lòng trong mấy ngày tôi còn sống thừa lại đây, mà tôi còn sợ e chừng tôi nhắm mắt rồi thì xã tắc vì nó mà phải khuynh nguy, giang san vì nó mà phải biến động. Cái tội của nó đối với cha mẹ thì nặng có một phần, chớ đối với nước nhà thì nặng đến mười phần”.
Ông nói tới đó thì thấy Thanh Tòng trở vào, sắc diện tuy là buồn, song cũng không buồn hơn hồi lúc đi ra. Ông dạy chàng lại đứng gần một bên rồi ông hỏi rằng: ”Thánh chỉ dạy điều chi đó con?”.
Thanh Tòng dụ dự một chút rồi giả bộ tự nhiên mà đáp rằng:
– Thưa cha, thánh chỉ dạy con phải ân cần quân vụ, chớ chẳng có việc chi lạ.
– Cha đã hay hết rồi, con còn giấu cha làm chi? Bệ hạ bắt tội con khi quân, nên đã thâu chức Kinh sư Ðô Tổng binh với ấn phù lại hết rồi, phải vậy hay không?
Thanh Tòng chưng hửng, liếc mắt ngó mẹ rồi quỳ xuống ôm tay cha và khóc và nói rằng: ”Cúi xin cha thứ tội cho con. Con thưa dối với cha, là vì con sợ cha buồn, chớ không phải con dám cố ý bất nghĩa với cha!“
Quan Tướng quốc lắc đầu thở ra rồi ông nhìn con trân trân, song không nói tiếng chi hết. Thanh Tòng lau nước mắt mà nói rằng: ”Bệ hạ không xét giùm cái tình của con, nên làm tội con, thì con vưng chịu, con đâu dám phiền trách. Mà mất quyền tước cũng không đủ làm cho con buồn. Con lo có một điều, là lo cha đương có bịnh mà không được vui lòng đó mà thôi”.
Quan Tướng quốc khoát tay mà nói rằng: ”Mi là một đứa con bất hiếu, mi còn biết cha mi là ai mà mi nói lo”. Thanh Tòng bị cha quở thì chàng khóc ròng. Ông nín một hồi rồi ông nói tiếp rằng: ”Mi là một đứa nghịch thần, mi còn kể vua là ai mà mi xưng hô Bệ hạ… Thiệt rõ ràng mi là thiên hạ đại tội nhơn, mi có biết chăng?”
Thanh Tòng cứ khóc không dám đối đáp với cha. Ông nằm thở dốc, coi bộ ông mệt lắm. Cách một hồi ông gượng mà nói rằng: „Mi muốn ta chết cho mau, nên mi mới cãi lời ta. Ta biết ta phải chết bây giờ đây. Nhưng mà dầu còn một tấc hơi, ta tưởng cũng nên dùng mà coi cái tội của mi cho mi biết. Mi làm con mà không chịu vưng ý cha, thì mi phải cái tội bất hiếu. Mà cái tội bất hiếu còn khả dung, chớ cái tội bất trung không thế dung cho mi được. Mi là đứa có học, sao mi không thức thời vụ? Từ ngày ta ngọa bịnh đến nay, ta lóng nghe trong triều tiểu nhơn lẫy lừng, quân tử ly tán. Những đứng trung thần còn ai đâu? Bên văn thì ông Ðỗ Nhuận, bên võ thì ông Lê Lộng đã mất lộc rồi. Còn ông Lê Ðình Ngạn với ông Lê Nhơn Hiếu thì là bạc nhược, mà lại không có dõng lược chi hết, chẳng khác nào người chết mà chưa chôn. Ta coi trong quân thần bây giờ chỉ còn có một mình ông Lê Thọ Vực là lương đống của nước nhà, mà ông bị sàm thần châm chích làm cho Bệ hạ không vui với ông, nên đã sai ông lên Lạng Sơn mà lãnh chức Thủ ngự Kinh Lược Sứ. Thế thì trong triều bây giờ còn ai biết lo tá quốc cần vương nữa đâu. Mi cầm quyền Kinh sư Ðô Tổng binh thì kẻ nịnh thần mới không dám hơi động, chớ nếu quyền ấy mà giao cho bọn phản thì còn chi là giang san! Mi nghĩ đó mà coi cái tội của mi lớn là dường nào? Ta không dè công ta sanh thành mi, công ta giáo dục mi, mà ngày nay lại ung đúc mi ra một đứa mê sắc, không kể cha không kể chúa chi hết! Ta đến giờ chót mà thấy con bất trung bất hiếu thì ta lấy làm đau đớn vô hồi!”
Thanh Tòng sụt sùi trong lòng, rất tức tối về những lời cha quở trách, nhưng vì sợ cha thêm giận nên không dám hở môi. Ông nói nhiều quá nên ông thêm mệt nhiều.
Chàng muốn giải cái nộ khí của ông nên thỏ thẻ nói rằng: „Con dẹp chữ tình mà báo oán cho cha, con liều tánh mạng mà đền ơn cho chúa, con làm như vậy là trọn nghĩa quân thần, trọn đạo phụ tử rồi. Vì con muốn trọn luôn niềm phu phụ nữa, nên mới hóa ra nghịch lịnh chúa, trái ý cha. Con cúi xin cha tha thứ cho con, và xin cha xét giùm lại cho phận con; nếu con bỏ Lệ Bích mà ưng Công chúa, thì chẳng những là con mang tiếng giết cha vợ đặng thay mái tóc đổi mối tơ, mà con lại đau lòng trọn đời về nỗi quên tình xưa, phụ ước cũ. Ðã biết ơn cha lắm nặng, nợ chúa lắm dày, nhưng mà mối tình con đã lỡ vấn vương, nên thà là chết, chớ thiệt con cũng khó gỡ ra cho được”.
Ông nghe tới đó, ông trợn mắt nạt rằng: ”Quả thiệt mi coi ái tình trọng hơn gia đình, trọng hơn giang san, trọng hơn hết thảy! Thôi mi ráng mà sống, đặng giữ cho trọn chữ tình…”
Ông đã yếu mà ông lại giận quá, nên nói tới đó rồi ông làm xung, trợn mắt tắt hơi. Phu nhơn và công tử áp ôm quan Tướng quốc mà khóc rống lên. Thế nữ lăng xăng đứa lo đổ thuốc đứa thử quạt hơi, làm hết sức mà không hồi dương cho ông được.
Quan Tả Tướng quốc Thân Nhơn Trung đã mất lộc!
Triều đình đã mất thêm một vị trung thần nữa!
Thanh Tòng lo việc cư tang báo hiếu. Các quan từ lớn chí nhỏ thảy đều đến phủ Tướng quốc mà điếu tang. Cách ba ngày, Thanh Tòng đương tế cha, bỗng có quan Hình bộ Thượng thơ Trịnh Công Lộ tới dinh lại có dắt theo 20 tên quân, Ðinh Long và Ðinh Hổ thay mặt cho Thanh Tòng mà tiếp khách.
Quan Hình bộ Thượng thơ bước vào nói lớn lên rằng: ”Có thánh chỉ, vậy phải mau đặt bàn hương án cho ta đọc”. Tô Hộ lật đật phụng mạng đặt bàn hương án. Quan Hình bộ Thượng thơ quì xuống mà đọc thánh chỉ. Vua bắt tội Thân Thanh Tòng rằng: vua tứ hôn mà chàng dám từ hôn rồi cha đau chàng lại chọc giận cho cha chết nữa: quả là chàng phạm tội khi quân sát phụ, lẽ thì phải chém đầu mà răn kẻ bất trung bất hiếu. Xét vì chàng có công dẹp yên giặc Chiêm Thành, lại xét vì quan Tả Tướng quốc sanh có một mình chàng mà thôi, nếu chém chàng thì triều đình phụ kẻ công lao, mà quan Tả Tướng quốc lại không có người kế hậu. Vì vậy nên vua định đày Thanh Tòng đi xa ba ngàn dặm và dạy phải bắt mà giải chàng lên Cao Bằng lập tức.
Cả nhà ai nghe thánh chỉ cũng đều kinh khủng. Quan Hình bộ Thượng thơ đọc chỉ rồi ông đứng dậy, khí sắc hân hoan hiệu hiệu tự đắc, dường như ông đã hại được một người cừu địch vậy. Ông hô lên một tiếng, mấy mươi tên quân áp vào trước linh cữu của quan Tả Tướng quốc mà bắt trói Thanh Tòng. Thân phu nhân ngã lăn, bất tỉnh nhơn sự. Cả nhà ai thấy tình cảnh như thế cũng đều đau đớn trong lòng.
Quan Hình bộ Thượng thơ bước ra cửa rồi leo lên kiệu mà ngồi. Quân dẫn Thanh Tòng đi theo sau. Ðinh Long với Ðinh Hổ trợn mắt ngó theo lườm lườm, coi tức giận lắm.
Khi quân dẫn Thanh Tòng đi khuất rồi thì Ðinh Hổ nóng lòng quá chịu không được, nên đấm ngực ba cái rồi hét lớn lên rằng: „É! Ức lắm nào! Trung thần mà làm gì?”
Anh ta nói rồi liền kéo Ðinh Long chạy theo. Tô Hộ thấy vậy cũng lau nước mắt mà theo anh em họ Ðinh.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.