Ngày Xưa Có Một Chuyện Tình
Chương 1: Kỳ 1
Nó đến từ bên kia đồi.
Trước đó, chính xác là hai ngày trước đó (vì tôi mới đến đây được ba ngày) tôi chưa từng nhìn thấy nó.
Một buổi chiều, sau khi múc nước tưới đẫm gốc mấy cây ổi đang bắt đầu ra trái non, tôi ngồi đong đưa chân trên thành giếng ngắm hoa ổi nở trắng xóa một góc vườn và khi đang dõi mắt theo một chú ong vừa bay vừa kêu vù vù, ánh mắt tôi chợt chạm phải một bóng người từ trên đồi đi xuống.
Khi nó đến gần, tôi nhận ra đó là một cậu bé áng chừng bảy, tám tuổi, mặt mày sáng sủa, tóc dày và xoăn, có vài lọn lòa xòa trước trán.
Nó đeo đồng hồ nơi tay, mặc chiếc áo ca rô đen trắng như ô bàn cờ, vạt nhét gọn gàng trong chiếc quần soọc màu xanh có hai sợi dây đeo trước ngực. Cách ăn mặc đó khiến nó có vẻ chững chạc so với tuổi của mình.
Nó đứng gác tay lên hàng rào gỗ, chăm chú nhìn vào bên trong. Tôi không rõ nó có nhìn thấy tôi không nhưng tôi không nghe nó nói gì. Có vẻ như nó đang để hết tâm trí vào việc ngửi hít mùi vị của khu vườn. Nếu nó không đổi chân hai ba lần vì mỏi, tôi nghĩ những ngọn gió chiều từ trên đồi đã đến được chỗ nó đứng và ép chặt nó vào hàng rào.
– Này con! – Một hồi, tôi nói, không kềm được tò mò.
– Chú à. – Bấy giờ nó mới cất tiếng, không chút gì ngạc nhiên như thể nó đã phát hiện ra tôi từ lâu, còn hơn cả thế, như hai bên đã từng quen biết – Con có thể vào trong vườn chơi được không?
Đó là vườn ổi của ông Năm Khoa, nằm ở rìa thị trấn, thuộc xóm Trong. Ông cất nhà ngay trong vườn. Xưa nay, cả gia đình ông sống nhờ vườn ổi này.
——-
Ông Năm Khoa là bạn của ba tôi. Có lẽ hai ông chơi với nhau rất thân vì tôi nhớ hồi gia đình tôi chưa rời khỏi thị trấn, chiều nào ba tôi cũng chạy xe qua chơi nhà ông, khi cao hứng ba tôi còn chở tôi đi theo.
Lần nào cũng vậy, vừa dừng xe ba tôi đã hắng giọng bảo tôi:
– Con ra vườn hái vài trái ổi vào cho ba và bác Năm nhắm rượu.
Đó là những năm tôi còn học cấp hai. Bây giờ, đã nhiều năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in câu nói đó của ba tôi. Tôi có thể quên sạch những câu chuyện giữa ba tôi và ông Năm Khoa bên chiếu rượu, nhưng câu nói đó thì tôi không bao giờ quên, như thể nó mọc ra ngay từ trí não tôi và bám rễ vĩnh viễn ở đó. Có lẽ vì nó không giống những câu sai khiến bình thường khác mà tôi phải nghe từ sáng đến tối từ miệng ba tôi. Nó được ba tôi thốt ra bằng một ngữ điệu sảng khoái, tươi vui giống như thể nó phát ra từ một quả chuông – điều mà tám năm qua kể từ ngày gia đình tôi rời khỏi thị trấn tôi không còn nghe thấy nữa.
Tôi chấp hành mệnh lệnh tươi vui đó từ ba tôi bằng những bước chân nhảy nhót cũng tươi vui không kém. Vì tôi biết rằng chốc nữa đây trong khi ba tôi và ông Năm Khoa khề khà bên chiếu rượu với những quả ổi xanh thì tôi và thằng Vinh còm, con ông, thi nhau xực những quả ổi chín thơm lừng như một thứ phần thưởng cho những tên phục vụ bé con.
Tôi không nhớ tôi và thằng Vinh còm thân nhau từ lúc nào, dù hai đứa tôi học cùng một lớp. Có lẽ là từ ngày tôi đánh nhau với thằng Lẹ và thằng Cu Em.
——-
Đuôi Tôm nhớ đúng.
Năm đó chúng tôi học lớp bảy.
Đó là một năm học đặc biệt đối với tôi. Mười hai tuổi, tôi bắt đầu để ý đến bạn khác giới.
Tôi không biết từ lúc nào tôi thích nhỏ Miền.
Hồi đó trong lớp ngoài tôi ra, hầu như chẳng đứa nào bắt chuyện với Miền và Miền cũng chẳng bắt chuyện với ai. Nó cứ úp mặt xuống tập suốt buổi học, chỉ đứng lên khi thầy cô gọi trả bài.
Bạn bè không ghét gì Miền. Nhưng thằng Hướng, anh của Miền, là đứa hống hách, du côn, không ai muốn dây vào. Là em, tự dưng nhỏ Miền bị vạ lây.
Ông Sáu Thôi, ba của Miền, lại thường xuyên là đề tài đàm tiếu của người lớn trẻ con trong làng. Ông ham rượu, lại hay đánh nhau.
Có lần say rượu vật nhau với ông Đường, ông Sáu Thôi ngã lăn xuống vạt ruộng bên đường rồi nằm ngáy khò khò, ai lay cũng không buồn dậy. Rốt cuộc, một bạn hàng chuyên bỏ mối cho tiệm tạp hóa của ông phải xuống đường quốc lộ cõng ông về.
Sáng hôm sau, tụi bạn trong trường xúm lại trêu chọc Miền.
– Bây giờ tao hiểu câu “màn trời chiếu đất” nghĩa là gì rồi. – Lẹ nói. Cu Em phụ họa:
– Ha ha… chắc trong nhà nóng quá nên ba bạn Miền ra ngoài ruộng ngủ cho mát!
Mỗi đứa chêm một câu, chẳng mấy chốc mặt Miền tái xanh như tàu lá. Thấy Miền bỏ chạy ra sau hè, tôi đoán chắc nó đang kiếm chỗ ngồi bưng mặt khóc.
Tôi quay qua Lẹ và Cu Em, hừ mũi:
– Tụi mày là con trai mà ăn hiếp con gái. Đồ không biết xấu hổ! Lẹ sấn tới:
– Mày nói ai không biết xấu hổ hả, Vinh còm?
Vừa nói Lẹ vừa đá vào tôi từ phía sau. Nó đá ngay nhượng chân khiến tôi khuỵu xuống.Thêm một cú đá nữa của thằng Cu Em trúng vào lưng tôi đánh “bộp”:
– Mày định làm anh hùng cứu mỹ nhân hả?
Tôi nghiến răng chịu đau. Biết mình sức yếu, tôi không đánh trả nhưng lòng tôi ngùn ngụt căm hờn. Tôi tự thề với mình thế nào tôi cũng sẽ trả thù những đứa bắt nạt tôi, dù trả thù bằng cách nào tôi vẫn chưa nghĩ ra.
Ở trường, Lẹ và Cu Em luôn cậy khỏe chèn ép tôi. Chơi bi, chơi đánh đáo, tụi nó thường giở trò mất dạy với tôi: nếu không giật tiền, giật bi của tôi một cách trắng trợn, tụi nó thế nào cũng chơi quỵt. Chỉ vì tôi là thằng Vinh còm.
Đó là tên thằng Lẹ đặt cho tôi.
Tôi hỏi cậu Huân:
– Tại sao tụi bạn gọi con là Vinh còm? Cậu Huân xoa đầu tôi:
– Vì hồi một tuổi con bị ốm một trận rất nặng, tưởng chết. Con uống thuốc Tây nhiều quá nên cơ thể bị ảnh hưởng.
– Thế mai mốt con có mập bằng tụi nó không hả cậu? – Tôi hồi hộp hỏi.
Bàn tay cậu Huân nhảy từ đầu xuống vai. Cậu vỗ vai tôi:
– Chắc chắn rồi! Chừng vài năm nữa con sẽ phát triển bình thường!
So với bạn bè cùng lớp, tôi ốm nhom. Sức tôi vì thế cũng yếu hơn. Trong một cộng đồng, đứa yếu nhất bao giờ cũng là đứa thiệt thòi nhất. Từ khi nghe cậu Huân nói như vậy, ngày nào tôi cũng cố ăn thật nhiều. Tôi còn nhờ cậu Huân chặt tre trồng cho tôi một cái xà đơn trước sân, sáng nào tôi cũng chạy ra đu người lên xà kéo đến vã mồ hôi. Tôi mong tôi chóng to khỏe. To khỏe thì tôi có thể đánh trả được những đứa hay bắt nạt tôi. Nhưng ngày đó sao mà lâu tới quá. Thời gian đằng đẵng trôi qua và tôi vẫn tiếp tục sắm vai nạn nhân khốn khổ.
Hôm đó, khi tụi bạn tản đi tôi chạy ra sau hè tìm Miền. Tôi thắt cả ruột khi thấy nó đang ngồi dựa lưng vào tường, đầu gục trên hai tay, tóc che kín mặt.
Tôi muốn an ủi nó xiết bao nhưng tôi không đủ can đảm mở miệng. Tôi lót dép dưới mông, ngồi cách Miền một quãng và đưa đôi mắt âu sầu nhìn nó.
Hai đứa ngồi im lìm như hai pho tượng, bất chấp trời ngả dần về trưa, hơi nóng mỗi lúc một hực lên như thổi ra từ lò than.
Chỉ đến khi tiếng trống vào lớp vang lên, thấy Miền vẫn ngồi bất động, tôi đánh bạo lên tiếng:- Vào học đi Miền!
Tôi giục đến lần thứ ba thì Miền chậm chạp đứng lên. Nhưng nó không thèm nghe lời tôi. Miền chạy thẳng về phía hàng rào và nhanh chóng biến mất sau cổng trường trước vẻ mặt sửng sốt của tôi.
Chắc nó chạy về nhà. Tôi tặc lưỡi nhủ bụng và thất thểu vào lớp.
Miền không quay lại, cuối buổi học tôi đành gom tập của nó lại và mỗi tay một chiếc cặp, tôi buồn bã ra về.
– Mày làm đầy tớ cho con Miền hồi nào vậy, Vinh còm?
Phớt lờ lời chế nhạo của thằng Lẹ, tôi cứ lầm lũi bước. Tôi rất muốn chửi thằng Lẹ một câu cho hả tức nhưng tôi biết nếu tôi làm vậy thế nào nó cũng nhào vô tôi. Tôi không sợ đau nhưng tôi không muốn chiếc cặp của Miền bị vấy bẩn, tệ hơn nữa là đứt quai nếu xảy ra xô xát, nên tôi lẳng lặng mím môi rảo bước.
Thằng Hướng chặn bọn tôi ngay chỗ ngã ba rẽ vào nhà thờ thị trấn, tay vung vẩy một khúc cây dài.
Đang ồn ào trò chuyện, tụi học trò lập tức im bặt khi nhác thấy Hướng. Có vài bàn chân hấp tấp thụt lui.
Mặt hầm hầm, Hướng huơ khúc cây trên tay, rít giọng:
– Sáng nay đứa nào chọc em tao?
Vừa nói Hướng vừa quét ánh mắt dữ tợn lên bọn tôi. Ánh mắt đằng đằng sát khí của nó làm quai hàm tôi cứng lại.
– Đâu có ai chọc nó.
Cu Em lí nhí. Thằng này ở trường thì hung hăng nhưng đứng trước thằng Hướng, nó nhũn như con chi chi.
– Tụi mày không chọc sao nó khóc chạy về nhà?
Giọng Hướng gằn gằn. Thình lình nó vung khúc cây lên khỏi đầu, gầm lên:
– Đứa nào?
Lẹ đột ngột chỉ tôi:
– Thằng này nè.
Ánh mắt Hướng ghim thẳng vào mặt tôi như mũi dùi:
– Mày hả, Vinh còm?
– Không… tao không có… – Tôi ấp úng, bụng ước gì có thể nuốt sống được thằng Lẹ.
– Đúng là mày rồi! – Hướng hét tướng, lúc này nó đã nhìn thấy chiếc cặp của Miền trên tay tôi – Trả cái cặp lại cho em tao!
Không để tôi kịp phân trần, Hướng lao tới, tay phải giáng một gậy vào vai tôi, tay trái giật phắt chiếc cặp của Miền.
Hướng ra tay rất nặng. Cú đánh của nó khiến tôi sụm người xuống, có cảm tưởng bả vai gãy rời.Tụi con gái xanh mặt, có đứa bật khóc hu hu.
Trong khi Hướng vung tay định quất tôi một cú nữa, thằng Phúc đột ngột nói:
– Thằng Vinh còm không chọc con Miền. Hướng quay sang Phúc, mắt vằn gân đỏ:
– Vậy chứ đứa nào?
Phúc chỉ tay vào Lẹ và Cu Em:
– Hai đứa này nè.
Vừa nghe thằng Phúc tố cáo, Lẹ và Cu Em nhảy bắn ra sau. Nhưng Hướng đã kịp nhào tới, vung gậy quất túi bụi. Lẹ và Cu Em chỉ giỏi bắt nạt những đứa bé. Gặp đứa du côn như Hướng, hai đứa như gà phải cáo, chỉ biết ôm đầu chịu trận.
Lúc đó, nếu không có người trong nhà thờ đi ra can ngăn, chắc thằng Hướng đập Lẹ và Cu Em què giò.
Nhìn thấy Lẹ và Cu Em bị Hướng cho ăn đòn tơi tả, dĩ nhiên tôi rất hả hê. So với bọn học trò, Hướng lớn tuổi hơn, đã ra dáng thanh niên. Nó bỏ học từ năm lớp tám, suốt ngày đu theo các tài xế xe tải lang thang khắp chốn. Hễ về thị trấn là Hướng lại gây chuyện đánh nhau. Tôi vừa bị nó đập một gậy suýt xỉu, nhưng tôi không ghét Hướng. Tôi chỉ sợ nó. Riêng Lẹ và Cu Em thì tôi ghét. Vì hai đứa này là chúa chơi bẩn.
Sau vụ đó, không đứa nào trên trường dám trêu Miền nữa. Tụi nó cũng không trò chuyện với con nhỏ này. Chỉ vì ngán thằng Hướng côn đồ.
Lẹ và Cu Em không gây sự với Miền, nhưng hôm sau hai đứa nó vây thằng Phúc ngay gốc phượng ở góc sân trường. Tôi vừa ôm cặp lò dò qua cổng đã thấy tụi bạn xúm đen xúm đỏ chỗ gốc cây, liền tò mò chạy lại.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.