Ngọn cỏ gió đùa

Chương 13



Trong lúc Lê Tả-Quân ngồi chức Nam-Thàng Tổng-Trấn, ngài có lập tại xứ Cần-Dước một cái đồn gần mé sông Bao-Ngược, và có cắt một vị suất đội với năm tên lính ở thủ đồn. Mấy năm giặc Khôi nổi lên, thì đồn ấy bỏ trống không có quân lính ở thú nữa.

Khi giặc Khôi giẹp yên rồi, triều-đình mới chia đất Nam ra làm 6 tỉnh và mỗi tỉnh đặt quan cai trị. Qua năm mậu-tuất (1838) quan Tổng-Ðốc tỉnh Gia-Ðịnh sắp đặt việc chánh-trị lại, ngài muốn ngăn ngừa đạo tặc trong miền Bao-Ngược nên ngài sai một vị suất đội tên là Phạm-Kỳ với 10 tên lính xuống thú đồn Cần-Ðước.

Phạm-Kỳ nầy ngày trước làm lính coi tội-nhơn tại khám đường Gia-Ðịnh. Khi giặc Khôi nổi lên, quân lính đều theo Khôi hết thảy, duy có một mình Phạm-Kỳ không chịu theo, lập thế thoát thân ra khỏi thành rồi tìm đường bộ tuốt ra kinh-đô mà báo tin cho triều-đình hay. Vua sai tướng đề binh dẹp loạn, thì Phạm-Kỳ dắt đường cho binh triều vào Gia-Ðịnh. Chừng giẹp loạn xong rồi, quan xét công cho Phạm-Kỳ, dưng sớ về triều, nên vua mới phong cho Phạm-Kỳ làm chức suất-đội.

Phạm-Kỳ được lịnh sai xuống thú đồn Cần-Ðước, khi sửa soạn ra đi thì quan Án-Sát có kêu mà dặn rằng: „Trong xứ Cần-Ðước có ông Thiên-Hộ Trần Chánh-Tâm là người cự phú mà lại hiền đức, nhơn dân hết thảy đều kính phục. Ðã vậy mà người lại có công lớn với triều-đình, bở vậy ngươi xuống đó mỗi việc đều phài do nơi người, đừng có làm trái ý người mà mang lỗi“.

Phạm-Kỳ ghi mấy lời dặn ấy vào trí, nên xuống tới đồn Cần-Ðước rồi, thì liền đến nhà ông Thiên-Hộ mà xin ra mắt người. Ngày ấy nhằm ngày rằm tháng giêng, ông Thiên-Hộ mắc đi lên chùa Phật mà niệm hương. Phạm-Kỳ phải ở đó mà chờ; anh ta đi dạo chơi từ trường học, nhà dưỡng lão, qua đến mấy lẫm lúa, ngó thấy công việc của ông Thiên-Hộ làm thì anh ta lấy làm kính phục vô cùng.

Ðến trưa Phạm-Kỳ thấy có một chiếc ghe lường[1] ghé dưới bến, rồi dưới ghe có một người bước lên. Người ấy độ chừng 50 tuổi, cao lớn, vậm vỡ, râu le-the, mà cặp mắt sáng ngời, mặc áo dài, quần rộng bằng vải đen, trên đầu cũng quấn khăn vải đen. Phạm-Kỳ đương đứng tại cửa mà ngó người ấy, thình-lình Bạch-Thị đương ở nhà dưỡng lão bước ra nói rằng: „Ông Thiên-Hộ về“. Phạm-Kỳ lấy làm mừng, bèn đứng nép lại một bên mà chờ. Chừng ông Thiên-Hộ bước vô cửa, Phạm-Kỳ chào ông và nói rằng: „Tôi làm suất-đội, quan trên sai tôi đến thú đồn Cần-Ðước. Tôi dẫn lính xuống tới hôm qua, nên bữa nay tôi lại đây viếng ông“.

Ông Thiên-Hộ đáp lễ, liếc ngó Phạm-Kỳ một cái rồi châu mày day mặt chỗ khác, dường như ông có việc lo ra. Tuy ông day chỗ khác, song ông day rồi thì liền day trở lại mà mời Phạm-Kỳ vô nhà. Ông mời ngồi xong rồi, ông mới hỏi Phạm-Kỳ rằng:

–         Ông đội quê quán ở tỉnh nào?

–         Tổ quán tôi ở Diên-Khánh.

–         Chẳng hay ông đội quý danh là chi?

–         Tôi họ Phạm tên Kỳ.

Hai người ngồi ngang nhau mà lén liếc ngó nhau hoài. Mà chừng ông Thiên-Hộ nghe ông đội xưng tên là Phạm-Kỳ thì ông lại nháy mắt lia-lịa, rồi ngửa bàn tay mà chống cái trán coi bộ ông suy nghĩ lắm.

Phạm-Kỳ thừa dịp ông Thiên-Hộ không ngó mình mới lén nhìn ông không nháy mắt.

Bạch-Thị biểu người nhà bưng nước trà đem ra. Ông Thiên-Hộ mời khách uống nước. Phạm-Kỳ uống một chén nước rồi cười và nói rằng: „Lúc tôi còn ở trên tỉnh thì tôi đã nghe danh ông là người giàu có, mà lại nhơn đức lắm. Nay tôi xuống đây tôi thấy công cuộc làm của ông thiệt tôi thất kinh. Ông làm giàu mà thiên hạ được nhờ hết thảy chớ không phải như họ giàu rồi lại ỷ thân ỷ thế khắc bạc húng hiếp kẻ nghèo. Chẳng hay ông là người gốc-gác ở xứ nầy, hay là ở đâu đến đây mở ruộng?“

Ông Thiên-Hộ day mặt ra cửa mà đáp rằng: „Tôi gốc ở Rạch-Kiến“.

–         Té ra ông không phải là người ở đây. Vậy chớ ông đến đây mà ở đã bao lâu rồi, mà ông làm giàu lớn dữ vậy?

–         Ít năm nay.

Ông Thiên-Hộ trả lời cụt ngủn như vậy rồi kêu Bạch-Thi mà hỏi thăm ông già đau nặng hôm qua đó, bữa nay bịnh ổng có bớt được chút nào hay không tỏ ý rằng không muốn nói chuyện nhiều với ông Ðội. Phạm-Kỳ muốn dua-bợ, mà thấy ông Thiên-Hộ không vui nghe lời khen của mình thì buồn nên đứng dậy từ giả mà về đồn.

Ông Thiên-Hộ không lưu khách, ông đợi Phạm-Kỳ bước ra khỏi cửa thì ông liền thay áo rồi đi xuống nhà dưỡng lão mà thăm ông già bịnh.

Phạm-Kỳ về dọc đường trong trí nghi-nghi ngại-ngại hoài, chẳng hiểu tại sao mà ông Thiên-Hộ Chánh-Tâm hình dạng, mặt mày đều giống Lê-văn-Ðó là một tên tội-nhơn ở tại khám-đường Gia-Ðịnh hồi trước quá. Hay là Lê-văn-Ðó ra khám-đường rồi cải danh diệt tánh xuống đây mở ruộng mà làm giàu. Không lẽ, Lê-văn-Ðó hồi trước ngu lắm, nó có tài trí gì mà làm giàu được, rồi lại thi ân bố đức và được phong tới chức Thiên-Hộ. Chắc là người giống người, không phải Lê-văn-Ðó đâu. Lê-văn-Ðó bị chồng án đến 20 năm. Khi mãn tù nghe nói nó đi ăn trộm đồ đạt của chùa nào đó, rồi nó lại giựt một nồi cơm của tụi ăn mày nào đó nữa, quan có tập nã bắt nó mà xử trảm. Có lẽ nó đã bị chết chém đã lâu rồi, chớ còn đâu mà làm giàu, làm Thiên-Hộ.

Phạm-Kỳ suy nghĩ như vậy rồi bỏ dẹp việc Lê-văn-Ðó không nghi-ngại nữa. Còn ông Thiên-Hộ, chẳng hiểu tại ông biết Phạm-Kỳ rồi ông sợ Phạm-Kỳ nhìn ông hay sao, mà ông ít muốn gặp mặt Phạm-Kỳ. Khi nào rủi phải gặp thì ông lại không chịu nói chuyện dài. Vì có lời của quan Án dặn trước, nên Phạm-Kỳ đã có ý kiên ông Thiên-Hộ mà đến nơi thấy công việc của ông kinh-dinh, thì anh ta lại càng kính nhường hơn nữa, bởi vậy dầu ông Thiên-Hộ gặp mặt anh ta, ông tỏ ý không vui, song anh ta cũng không dám phiền trách.

Ðến tháng tư trời sa mưa, những người ở trong điền ông Thiên-Hộ ai cũng lo cày bừa. Mỗi buổi chiều, trời mưa nhỏ nhỏ mà giông gió ồ ào. Dân làm ruộng lạnh quíu nên ái nấy đều vác cày lùa trâu đi về hết thảy.

Sông Bao-Ngược vì có giông lớn, nên sóng nổi lên như gò, rồi giập vô mé nghe ầm-ầm.

Ông sáu Thới chèo ghe đi xuống dưới phía rừng sát đốn củi chở về đổi gạo mà ăn; khi đi ngang vàm rạch Mái ông bị sóng nhận chìm ghe. Ông đeo cái bánh lái ghe mà hụp lặn theo lượng sóng. Hồi ghe chìm thì ông ở gần mé, mà vì gió ngược sóng đùa, ông lội vô không được, nên lần lần ông trôi ra xa.

Có người ngó thấy như vậy thì la làng chói-lói đặng cho xóm riêng chạy tới mà cứu ông. Dân ở trong điền ông Thiên-Hộ xúm nhau đứng dài theo mé sông kể hơn một trăm người. Phạm-Kỳ cũng dắt lính chạy tới đó. Ông sáu Thới đeo tấm bánh lái, hễ lương sóng chụp tới thì ông hụp mất, cách một hồi lâu ông mới nổi lên được, mà hễ thấy ông nổi lên thì lại thấy ông dang ra xa. Ai nấy đứng dọc theo mé sông đều than trời trách đất, ai cũng đưa tay mà chỉ, nhướng mắt mà dòm ông sáu Thới, song không có người nào dám liều mình hoặc biết cách chi mà cứu ông.

Ông Thiên-Hộ thấy người ta náo-nức dựa mé sông, ông cũng lật-đật chạy ra đó. Chừng ông thấy ông sáu Thới bị hiểm nguy như vậy, ông nóng lòng chịu không được nên ông hô lớn lên rằng: „Người ta bị sóng như vậy, bây giờ xúm nhau mà coi người ta chết chìm hay sao? Nội đây không ai dám chèo ghe ra cứu sao?“

Ai nấy đều nín khe, không dám trả lời. Phạm-Kỳ bước lại gần ông Thiên-Hộ mà nói rằng: „Sóng to quá ai mà dám ra. Hễ ghe ra đây ắt bị sóng nhận nữa“.

Ông Thiên-Hộ không thèm nói chuyện với Phạm-Kỳ, ông lại hô lớn lên nữa rằng: „Ai cứu người ấy được, tôi thưởng 10 nén bạc“.

Ai nấy đều nín khe.

Ông Thien-Hộ nói: „ Hai chục nén … Năm chục nén“.

Không một người nào có gan liều mình.

Ông Thiên-Hộ thấy vậy thì nhăn mặt châu mày. Ông tuốt áo quần dựa mé bờ, ông nhảy xuống chiếc xuồng nang của ai buộc gần đó, ông cầm cây giầm bơi riết, coi bộ mạnh dạn vô cùng. Hơn một trăm người đứng trên bờ ai thấy cũng đều chắc lưỡi xanh mặt.

Chiếc xuồng nang cởi sóng xông ra giữa vời, khi hụp xuống, khi trồi lên, coi cũng như đã chìm rồi, nên giậm đất kêu trời, chẳng dè một lát thấy nổi lên thì lại mừng mà rồi sợ nữa. Cách một hồi lâu chiếc xuồng ra tới chỗ ông sáu Thới trôi. Ông Thiên-Hộ gát cây giầm, rồi hai tay chụp ông sáu Thới mà kéo lên xuồng. Vì chiếc xuồng thì nhỏ, mà ông sáu Thới thì nặng, bởi vậy ông sáu Thới vừa lên được thì chiếc xuồng lật úp.

Phần thì xa, phần thì mưa gió, phần thì đã tối rồi nên những người đứng trên bờ không còn thấy xuồng ông Thiên-Hộ nữa. Ông Thiên-Hộ thấy xuồng úp ông liền đưa tay trái cho ông sáu Thới níu, còn tay mặt thì ông níu chiếc xuồng. Ông tỉnh-táo như thường, không sợ sệt chi hết. Ông nương theo lằn sóng mà lật chiếc xuồng lại, lắc nước[2] cho nhẹ, đỡ ông sáu Thới lên trước rồi ông leo lên sau, chừng ngồi yên rồi, ông lượng sóng mà bơi trở vô bờ, tuy hiểm nguy nhiều, song ông cứu ông sáu Thới được.

Những người đứng ngóng trông trên bờ ngó thấy xuồng của ông Thiên-Hộ chở ông sáu Thới vô tới, thì áp chạy lại hỏi thăm lăng-xăng. Ông sáu Thới mệt thở dốc, nói không ra tiếng. Ông Thiên-Hộ biểu dân dắt ông sáu Thới về nhà dưỡng bịnh, lấy quần áo khô cho ông thay, để ổng nghỉ một lát rồi sẽ dọn cháo cho ổng ăn, chớ đừng cho ăn gắp.

Ông Thiên-Hộ bận áo vô rồi cũng đi về nhà, ông đi trước, tá-điền kéo theo sau, chẳng ai mà chẳng trầm-trồ khen ngợi.

Phạm-Kỳ dắt lính trở về đồn, hễ nhớ tới sự Thiên-Hộ vớt ông sáu Thới thì hết sức kinh sợ. Ðêm ấy anh ta sực nhớ lại năm trước trong khám-đường có tên Lê-văn-Ðó lội lặn cũng hay lắm. Lính dắt tội nhơn xuống Cần-Giờ đốn củi bị chìm ghe, tội nhơn với lính đều chết hết, duy có một mình Lê-văn-Ðó lội vô mé được mà trở về. Ông Thiên-Hộ nầy hình dạng đã giống Lê-văn-Ðó, mà lội giỏi cũng như Lê-văn-Ðó nữa, thế khi chắc ông nầy Lê-văn-Ðó chớ ai. Vả Lê-văn-Ðó bị quan tập nã về tội ăn cắp và giựt đồ. Nếu chắc ông nầy là Lê-văn-Ðó thì mình phải bắt mà giải lên tỉnh. Cha chả, mà ổng giàu có, lại thêm thân-thiết với quan trên quá, nếu bắt mà phải thì tốt, còn như không phải thì mình chết. Phạm-Kỳ dụ dự nửa muốn bắt tra, nửa sợ lầm nên không dám, bởi vậy lo lắng trong trí ngủ không yên.

Còn ông sáu Thới nhờ ăn cháo rồi nghỉ một đêm, nên sáng ra trong mình khỏe-khoắn như thường. Ông lên nhà lạy ông Thiên-Hộ mà tạ ơn cứu tử rồi từ giã đi về. Ông Thiên-Hộ cười và nói rằng: „Tôi không giỏi gì hơn họ. Nhưng vì hôm qua tôi thấy ai nấy đều nhác quá, tôi tức giận nên phải liều mạng mà cứu ông. Làm người hễ gặp nguy hiểm thì phải cứu nhau, có ơn chi đâu mà ông phải cảm tạ“.

Ông sáu Thới quê mùa, không biết lựa lời khôn khéo nên nghe ông Thiên-Hộ nói như vậy thì ổng cúi lạy và nói cụt ngủn rằng: „Nhờ có ông nên tôi mới còn sống đây chớ. Sao mà không có ơn“.

Ông Thiên-Hộ hỏi rằng:

–         Ông năm nay được mấy mươi tuổi?

–         Tôi trên bảy mươi.

–         Già quá! Vậy thì ông mang ơn tôi cũng không mấy ngày.

–         Tôi sống được ngày nào thì tôi nhớ ngày nấy. Mà hễ tôi nhớ thì tôi phải lo đền ơn cho ông.

–         Xin ông đừng lo mà nhọc lòng. Ông phải lo làm nghĩa với người khác, chớ đừng lo đền ơn cho tôi. Tôi giàu sang, có thiếu vật chi đâu?

–         Biết chừng đâu!

Ông sáu Thới tạ từ rồi lui ra về. Khi đi ngang qua nhà dưỡng-lão, ông gặp dân đương lụi-hụi khiêng một cái linh cửu mà đi chôn. Ông hỏi thăm thì họ nói ông Ðinh-Hòa đã chết rồi. Ông nghe nói thì chưng-hửng. Ông lật đật đi riết về nhà đặng thuật chuyện mình chìm ghe và việc ông Ðinh-Hòa chết lại cho Ánh-Nguyệt nghe.

*

*      *

Lý-ánh-Nguyệt từ ngày bị Hồng-Thị vu oan, làm cho Bạch-Thị đuổi ra khỏi nhà nuôi mồ côi của ông Thiên-Hộ thì nàng hổ thẹn mà lại tức tủi vô cùng. Nàng trở về nhà ông sáu Thới rồi khóc tỏ thiệt tâm sự của nàng lại cho ông nghe. Ban đầu nàng muốn trở lên nhà Ðỗ-Cẩm mà tìm con, dầu vợ chồng Ðỗ-Cẩm không thương, muốn đày đọa thân nàng thế nào nàng cũng cam chịu, nghĩ vì danh dự của tổ-tiên còn để cho nhơ-nhuốt, chút thân bèo-bọt nầy còn kể nữa làm chi. May nhờ có ông sáu Thới khuyên giải cắc nghĩa chỗ lợi hại cho nàng nghe, mà nhứt là nhờ mấy lời than thảm thiết của cậu là Ðinh-Hòa, nên nàng còn dụ-dự, không nỡ vì con mà xa cậu.

Nàng chưa quyết định coi phải ở hay là phải đi, rủi thay! Thình-lình nàng vướng lấy chứng bịnh rất hiểm nghèo là bịnh ban cua lưỡi trắng. Người ta giàu, có tiền sẵn, có thầy hay, dầu người ta mang bịnh nặng, người ta cũng có thể thoát khỏi. Phận nàng nghèo hèn, không có tiền bạc, không có thuốc men, ông sáu Thới thương thì kiếm cỏ kiếm cây cho uống đỡ mà thôi, chớ ổng cũng nghèo, có tiền đâu mà chạy thuốc, bởi vậy tuy nàng khỏi chết, nhưng mà bịnh dây-dưa, trở đi trở lại hoài, làm cho nàng phải nằm tại nhà ông sáu Thới hơn một năm, không đi tìm con được mà cũng không làm việc gì có tiền để dành mà chuộc con được.

Trong lúc nàng ngọa bịnh, nàng buồn rầu thương nhớ con chịu không được, nên nàng có cậy ông sáu Thới lên nhà Ðỗ-Cẩm mà thuật việc khốn khổ của nàng cho vợ chồng Ðỗ-Cẩm nghe rồi xin rước con Thu-Vân đem về cho mẹ con gần nhau đặng nàng vui lòng mau mạnh được.

Ông sáu Thới đi về nói rằng Ðỗ-Cẩm liệu thế không đòi nhiều tiền được nữa, nên coi ý muốn cho rước con Thu-Vân. Ngặt vì Thị-Phi kháng cự không chịu thả con Thu-Vân, bởi vậy Ðỗ-Cẩm đổi ý mới buộc nếu không có tiền trả đủ, thì cũng phải trả năm ba quan, anh ta mới cho rước. Ông sáu Thới lại to nhỏ cho Ánh-Nguyệt hay rằng; „Ông lên đó, ông thấy con Thu-Vân thiệt ông đứt ruột. Con nhỏ có bao lớn mà ở truồng ở trần, không có áo quần. Con mẹ Phi nó lại ác nghiệt lắm! Cay cú miệng chửi, nó gọi[3] trên đầu con nhỏ côm-cốp tối ngày …. Bộ nó bỏ đói con nhỏ hay sao mà con nhỏ ốm quá, da bọc xương chớ không thịt“.

Ánh-Nguyệt nghe nói thân con khổ cực dường ấy, thì nàng đau đớn trong lòng không biết chừng nào, nàng muốn liều cái thân của nàng mà cứu chữa sự cực khổ của con, ngặt vì bịnh trầm-trệ phải nằm đây hoài, phần thì trong mình không có một đồng một chữ, biết làm sao mà giải con thoát tay Ðỗ-Cẩm được.

Nàng nghĩ nàng trách riêng tại nàng vụn tính, chớ chi hồi đi về đây nàng bồng con đi theo, thì đâu có nỗi thương nhớ như vầy. Nàng muốn giữ cho tròn danh giá, nàng bỏ con ở lại, vậy mà rồi nàng có giữ trọn được đâu! Nàng suy đi xét lại, suy xét đủ mọi đều[4] rồi, thì chỉ có một cái nghèo nó làm cho thân nàng đê tiện cực khổ, chớ chẳng phải tại đều chi khác. Vì cái nghèo nên cha chết dọc đường dọc sá; vì cái nghèo nên thân mình phải ở đợ cố công; vì cái nghèo nên phải chịu lấy chồng mà không kịp trình cho cô bác; vì cái nghèo nên Hải-Yến mới bội bạc; vì cái nghèo nên mẹ con phải xa nhau; vì cái nghèo nên không dưỡng nuôi cậu được; vì cái nghèo nên phải thọ ơn của người rồi người nhục mạ; vì cái nghèo nên chứng bịnh lâu lành. Y hị! Cái nghèo nó báo hại vô cùng! Vì nó mà người phải trở ra quấy, người nên trở ra hư, người ngay trở ra dại!

Nàng xét tới đó rồi nàng phiền ông Trời sao nỡ khiến nghèo hèn cho nàng làm chi, thà là nghèo hèn thì nghèo hèn hết thảy hoặc giàu sang thì cũng giàu sang hết thảy, dường ấy thì ai cũng như ai, chớ đặt chi cho có kẻ sang người hèn, kẻ giàu người nghèo, rồi người giàu sang họ hiếp kẻ nghèo hèn như vầy, thiệt là ức quá!

Mà ông Trời định có kẻ giàu người nghèo, có kẻ sang người hèn, nhưng mà nào ông có hiểu ai hún hiếp ai, nào ông có hiểu ai khinh khi ai? Ấy là tại lòng người nham hiểm, độc ác, nên mới có việc ức-uất. Nàng nghĩ như vậy rồi nàng không phiền ông Trời nữa, nàng trở lại nàng oán loài người, nàng oán Ðỗ-Cẩm hồi trước bó buộc rồi còn gạt-gẫm nàng; nàng oán Hải-Yến bội nghĩa bạc tình, được sang quên hèn; nàng oán ông Thiên-Hộ làm mặt nhơn từ, mà đã không cứu nàng, lại còn làm nhục cho nàng nữa.

Nàng nằm một chỗ mà oán hết mọi người, mà oán người thì oán chớ không quên nhớ con, cũng không quên thương cậu. Ðến tháng tư năm mậu tuất (1838) nàng mới ngoắt-ngoải đi ra đi vô được, nhưng mà bữa nào trời mưa thì nàng cũng còn ớn lạnh, nên nàng biết bịnh nàng chưa dứt.

Ông sáu Thới chèo ghe đi đốn củi đã mấy bữa rồi chưa về, bỏ một mình Ánh-Nguyệt ở nhà. Một buổi sớm mơi, nàng đương ngồi dựa cửa ngó ra sân mà trông con, thình-lình nàng thấy ông sáu Thới quần vo lên trên bắp vế, băng ngang đám ruộng mà về. Nàng lấy làm lạ, không hiểu ông bỏ ghe ở đâu, sao lại lội ruộng mà về như vậy. Ông sáu Thới thấy dạng nàng thì ông lội riết. Chừng ông bước lên tới sân ông mới kêu nàng mà nói rằng: „Cháu ơi! Cậu của cháu đã chết rồi“.

Ánh-Nguyệt chưng-hửng nên vụt hỏi rằng:

–         Chết hồi nào? Sao ông hay?

–         Ông mới gặp người ta khiên đi chôn hồi nãy đây, nên lật đật lội về cho cháu hay.

 Ánh-Nguyệt khóc rống lên mà kể ra-rít, nghe rất thảm-thiết. Ông sáu Thới cảm động, không muốn đi vô nhà; ông bước trái lại cái hào[5] gần đó mà rửa chơn, song ông đứng kỳ mài hoài, cho đến chừng Ánh-Nguyệt bớt khóc ông mới chịu vô nhà. Ông muốn khuyên giải Ánh-Nguyệt song không biết dùng lời chi, chỉ nói rằng: „Ảnh cũng đã già rồi, chết cũng phải cái mồ. Mà ảnh nghèo khổ tật-nguyền, chết phứt cho mát tấm thân, sống càng thêm cực khổ, chớ sống làm gì“.

Ánh-Nguyệt lau nước mắt rồi hỏi thăm họ chôn cậu chỗ nào, ông đi đâu đó mà gặp. Ông sáu Thới mới ngồi mà thuật việc ổng bị giông chìm ghe, ông Thiên-Hộ vớt lên, cho ăn cơm ăn cháo và cho ngủ đậu một đêm, nên sáng ra ổng mới gặp dân đi chôn ông Ðinh-Hòa. Ông thuật hết rồi ông lại than rằng: „Gia tài có một chiếc ghe; bây giờ chìm mất rồi, thôi co tay, biết lấy chi mà đi làm ăn“. Ánh-Nguyệt nghe lời than như vậy thì nàng thở dài.

Tối lại Ánh-Nguyệt khóc mà nói với ông sáu Thới rằng: „Cháu nương náu tại xứ nầy, ấy là vì cháu thương cậu của cháu, nên không đành bỏ mà đi xa. Chẳng dè ở gần mà cậu của cháu chết, cháu cũng không thấy mặt. Ðã vậy mà hơn một năm nay cháu báo cho ông cực khổ với cháu nhiều lắm. Bây giờ cháu đã lành mạnh rồi, không lẽ cháu dám ở đây mà báo ông nữa. Vậy xin ông để cháu đi, cháu đi lên Vũng-Gù mà tìm con Thu-Vân, đặng mẹ con gần nhau. Cháu đã nguyền với Trời Phật thà là cháu bán cái thân của cháu mà nuôi con, chớ cháu không nỡ để cho con cực khổ nữa“.

Nàng nói tới đó thì nàng khóc mướt một hồi rồi nói tiếp rằng: “Ơn của ông bảo bọc nuôi dưỡng cháu hơn một năm nay thiệt là nặng-nề. Thân cháu khốn khổ như vầy biết làm sao mà đền đáp cho được. Cháu xin thưa thiệt với ông, nếu kiếp nầy cháu không có thế mà trả ơn cho ông, thì cháu nguyền kiếp sau cháu sẽ đầu tai lên làm trâu ngựa mà đáp nghĩa cho ông, cháu chẳng hề dám quên“.

Ông sáu Thới thở dài mà đáp rằng: „Cháu đừng có nói chuyện ơn nghĩa. Ở đời phải vần công[6] với nhau. Vậy chớ ông Thiên-Hộ mới cứu ông khỏi chết hôm qua, ông lại đền ơn cho ổng vật gì đâu? Còn cháu tính đi tìm con, cháu nói liều mạng vậy sao được. Vợ chồng Ðỗ-Cẩm nó tham tiền, nó đã báo hại làm nhơ danh tiết của cháu một lần rồi cháu chưa tởn hay sao? Cháu lên trển đây nó sanh chuyện rồi làm nhục cho cháu nữa đa. Cháu ở đây với ông. Cháu rán dưỡng bịnh ít ngày cho thiệt mạnh rồi ông cháu lo làm ăn, lần lần kiếm được năm bảy quan, ông đem lên ông chuộc con nhỏ về cho, chớ cháu lên đó sợ e cháu về không được. Từ ngày ông lên thăm con nhỏ ông nghe Ðỗ-Cẩm bằng lòng cho chuộc năm ba quan, thì ông đã có tính rồi, ông quyết làm để dàng tiền đặng ông đi chuộc. Xưa rày ông chắt lót để dành đã được một quan rồi, ông chôn dưới chưn giường, đợi chừng nào được ba quan rồi ông đi nói thử coi nó chịu hay không. Như nó không chịu thì ông về làm kiếm thêm nữa. Cháu đừng có lo, bề nào ông kiếm tiền cũng được mà“.

Ánh-Nguyệt nghe những lời háo nghĩa như vậy thì nàng càng thêm cảm xúc, bởi vậy nàng ngồi bẹp dưới đất lạy ông sáu Thới mà khóc chớ không biết lấy lời chi mà tạ ơn cho vừa. Ông sáu Thới thấy vậy cũng cảm động, nên ông cũng khóc theo.

Từ ấy Ánh-Nguyệt quyết làm thuê làm mướn mà kiếm tiền, không tính đi Vũng-Gù nữa. Ông sáu Thới không có ghe, thì ông mướn ghe của họ đi đốn củi chở về đổi gạo mà ăn. Ánh-Nguyệt chưa thiệt mạnh, không dám xuống nước, không dám dầm mưa, nên cứ ở nhà chờ có ai mướn may áo may quần thì nàng may, chớ không dám đi xúc tôm, hoặc đi cấy mướn.

Ngày qua đêm lại thắm thoát đã đến tiết Trung-Thu. Có một cậu trai, vốn con nhà giàu ở xứ Cần-Ðước, tên là Cao-trinh-Tường, tính dọn ghe và mời bằng-bối ít người rồi thả ra sông lớn uống rượi thưởng nguyệt chơi. Từ xưa cậu ta đã biết danh Ánh-Nguyệt đờn hay, mà nay lại nghe Ánh-Nguyệt tá-túc với ông sáu Thới. Chàng muốn rước Ánh-Nguyệt xuống ghe đặng đờn giúp vui cho bậu-bạn, nên trưa bữa rằm tháng 8 chàng ghé nhà thằng Hiền, là cháu của ông saú Thới, mà cậy nó rước giùm, chàng hứa rằng, nếu Ánh-Nguyệt chịu đờn giúp vui một đêm, thì chàng sẽ huờn công cho một nén bạc.

Thằng Hiển thấy Ánh-Nguyệt nghèo khổ, muốn giúp cho nàng có tiền, nên nghe như vậy thì vội vã qua nhà ông sáu Thới mà tỏ sự ấy lại cho ông sáu Thới với Ánh-Nguyệt nghe. Ông sáu Thới nạt rằng: „Khéo nói chuyện bá láp! Nghèo thì chịu, chớ ham một nén bạc rồi đem thân làm đĩ hay sao?“

Thằng Hiển cải rằng:

–         Sao mà kêu là làm đĩ? Người ta mướn mình đờn cho người ta nghe thì mình đờn mà lấy tiền, có cái gì xấu ở đâu?

–         Mình đi đờn như vậy, thì mình cũng như bọn ca xướng, vậy tốt lắm sao?

–         Ối! Miễn là được nhiều tiền thì thôi, tốt xấu mà hại gì! Mà nghề đờn cũng là nghề. Nếu mình biết nghề ấy mà không dùng, thì học mà làm gì?

Ánh-Nguyệt nghe hai ông cháu cãi với nhau như vậy thì nàng cười mà nói rằng: „Ông rầy chú hai Hiển thì phải lắm. Học đờn để dưỡng chí, chớ không phải để kiếm tiền. Mà thân nghèo khổ của cháu đây, còn tâm chí gì nữa mà dưỡng! Xin ông vui lòng để cho cháu đi đờn cho họ nghe một đêm đặng lấy tiền mà chuộc con của cháu. Thuở nay cháu ở phải mà cũng thành ra quấy. Bây giờ đã đến nước nầy, còn gì nữa mà lựa tốt xấu“.

Ông sáu Thới thở ra mà đáp rằng:

–         Tự ý cháu. Chớ ham tiền mà làm như vậy thiệt kỳ lắm.

–         Không hại gì. Cháu biết giữ mình cháu. Miễn là cháu biết cháu trong sạch thì thôi, ai không rõ họ cười chê mặc ý họ.

Thằng Hiển thấy Ánh-Nguyệt chịu, liền chạy báo tin cho cậu Trinh-Tường hay.

Tối lại, trăng thu vừa ló mọc, thì có một chiếc ghe lường chèo lại đậu trước nhà ông sáu Thới mà rước Ánh-Nguyệt. Nàng gỡ đầu, gài nút áo, rồi từ ông sáu Thới mà đi, tuy trong lòng hổ thẹn không biết chừng nào, nhưng vì muốn có tiền mà chuộc con, nên phải rán[7] chúm-chím cười, song cười mà chảy nước mắt.

Ghe ra tới vàm, Ánh-Nguyệt thấy có một chiếc ghe lớn đậu chực tại đó, trong ghe đốt đèn sáng trưng, lại có bốn năm người con trai đương uống rượu cười giởn om-sòm. Hướng đông bóng trăng tỏ rạng, tư bề mặt nước lao-xao, trăng dọi nước vàng-vàng, gió đưa mây cuộn-cuộn.

Ghe lường vừa cặp một bên chiếc ghe lớn, thì cậu Trinh-Tường ngồi trong mui ló đầu ra mà mời Ánh-Nguyệt bước qua, còn mấy cậu kia thì chong mắt ngó chừng, chớ không nói chi hết. Ánh-Nguyệt lấy làm thẹn-thùa hết sức, song nàng phải gượng gạo mà vưng lời. nàng bước qua ghe lớn rồi ngồi phía ngoài, thấy trong mui rượu thịt dọn đầy mâm, đờn địch để đủ hết.

Trinh-Tường mời nàng bước vô trong mui. Nàng cáo từ xin cho ngồi ngoài. Trinh-Tường mời hai ba lần không được, chàng giận nên vói nắm tay nàng mà kéo vô. Nàng lật-đật giựt tay và ngó Trinh-Tường rất nghiêm-nghị mà nói rằng: „Thưa cậu, để cho em ngồi ngoài nầy, em không lẽ dám đồng tọa với mấy cậu“.

Ánh-Nguyệt tuy mặc quần áo lam-lụ, tuy rầu buồn rồi lại bịnh hoạn nên vóc ốm mình gầy, nhưng mà gương mặt thêm yểu-điệu. Mấy cậu ngồi trong mui thấy nàng rồi ngó nhau miệng chúm-chím cười hoài. Trinh-Tường mời vô không đặng bèn hối bạn nhổ sào mà thả ghe trôi dọc theo mé sông Bao-Ngược, rồi lấy cây đờn tỳ-bà trao cho Ánh-Nguyệt đờn.

Ánh-Nguyệt đã lâu rồi không dám rờ tới cây đờn, nhưng mà hôm nay nàng ôm cây tỳ-bà mới lên dây, thì tiếng to như khóc, tiếng nhỏ như than, rồi đến chừng nàng gài vô bản, thì khúc mau như nước đổ, như mưa tuôn, khúc chậm như gió đàn, như chim hát. Trăng thanh, gió mát, nước dợn, đờn tươi, cảnh tình dường ấy người phong lưu ai cũng phải cảm hứng. Mấy cậu ngồi trong tiệc ai ai cũng đều ngơ-ngẩn. Mà cậu Trinh-Tường lại ngơ ngẩn nhiều hơn người ta hết thảy, bởi vậy khi Ánh-Nguyệt đờn dứt bài rồi, cậu cảm xúc dằn lòng không được, nên vói tay nắm áo kéo Ánh-Nguyệt mà biểu ngồi xê lại gần. Ánh-Nguyệt thưa rằng: „Phận em là đờn-bà con gái xin cậu thương giùm danh tiết của em, đừng có làm như vậy tội nghiệp thân em lắm“.

Nàng và nói và giựt vạt áo, còn cặp mắt thì giọt lụy rưng rưng chảy. Trinh-Tường cười mơn, đã không buông vạt áo, mà lại còn thò tay mặt choàng ngang cổ Ánh-Nguyệt mà ôm. Ánh-Nguyệt la lớn lên rằng: „Cậu không được phép vô lễ như vậy. Cậu phải buông tôi ra“. Nàng và la và gỡ tay Trinh-Tường. Mấy cậu kia ngồi cười ngất, tuy không xúi, song cũng không cãn Trinh-Tường.

Trinh-Tường nói rằng: „Nội đây là anh em hết thảy, có ai đâu mà mắc cỡ“. Chàng và nói và kề mặt vào mặt Ánh-Nguyệt mà hun. Ánh-Nguyệt thấy Trinh-Tường vô lễ thái thậm, nàng giận quá, không thế dằn được nữa, bởi vậy nàng chụp cây tỳ-bà mà đập trên đầu Trinh-Tường một cái bốp, cây đờn bể nát.

Trinh-Tường bị nhục trước mặt chúng bạn thì chàng nổi giận, nên vùng đứng dậy đạp Ánh-Nguyệt hai đạp rồi xô tuốt nàng xuống sông. Ánh-Nguyệt la làng inh-ỏi. Trinh-Tường đứng trước mui ghe hối bạn gay chèo mà chèo thẳng lại đồn. Chàng to nhỏ với ông đội thế nào không biết, mà ông đội không rầy chàng, lại sai lính đi kiếm bắt Ánh-Nguyệt.

May ghe thả dựa mé sông, lại cũng nhờ Ánh-Nguyệt biết lội, bởi vậy nàng lần vô mé rồi leo lên ruộng ngồi mà la làng. Những người ở gần không rõ chuyện chi nên áp chạy tới hỏi thăm. Cách chẳng bao lâu có một tên lính chạy tới nắm đầu Ánh-Nguyệt mà dắt đi.

Ánh-Nguyệt thấy lính bắt thì thất kinh, nên nàng run lập-cập và khóc và nói rằng: „Bẩm cậu, người ta hiếp tôi quá; thân tôi là đờn-bà, mà họ làm ngang ôm tôi; tôi không chịu tôi cự, họ lại đánh tôi rồi xô xuống sông. Tôi bịnh hoạn, xin cậu thương giùm tôi, tội nghiệp …“. Tên lính trợn mắt, nắm đầu nàng mà kép xển đi, rồi nói rằng: „É! Thứ đồ đĩ khéo nhiều chuyện! Về đồn đây rồi mi coi“. Ánh-Nguyệt đã bị đánh, rồi bây giờ còn bị bắt và bị nhiếc nữa, nàng nghĩ thân nàng thiệt là tức-tủi, bởi vậy nàng than khóc nghe rất thảm thiết.

Tên lính dắt Ánh-Nguyệt chưa được mấy bước, thình-lình ông Thiên-Hộ đứng cản đường và hỏi rằng: „Việc gì mà người ta là đờn-bà con gái, mi lại nắm đầu người ta mà dắt đi. Dẫu có tội thì mi biểu người ta đi với mi không được hay sao nên phải nắm đầu. Buông ra coi nào“. Tên lính lật đật buông Ánh-Nguyệt ra, rồi xá ông Thiên-Hộ và thưa rằng: „Thưa ông Thiên-Hộ, con nầy nó làm đĩ, nên ông Phạm-Kỳ sai tôi bắt nó mà đem về đồn“.

Ông Thiên-Hộ dòm mặt Ánh-Nguyệt và nói rằng: „Khốn nạn dữ hôn! Sao không lo làm ăn, để đi làm cái nghề nhục-nhã như vậy?“

Ánh-Nguyệt bị ướt áo ướt quần, rồi lại bị gió thổi, nên nàng lạnh run lập-cập. Nàng đương lạnh, đương sợ, mà lại đương tức, thình-lình nghe tên lính kêu người đứng trước mặt mình đó là ông Thiên-Hộ, rồi lại nghe mấy lời người ấy trách mình đó nữa, bởi vậy nàng giận quá, nên xốc lại xỉ trong mặt ông Thiên-Hộ mà mắng rằng: „Ờ! Mi là Thiên-Hộ há? Sao mi dám trách ta không lo làm ăn? Ta lo sao nữa hử? Ta nghèo khổ vô ở đợ với mi, ta làm việc gì quấy đâu mà mi nhục mạ ta rồi đuổi ta ra. Mi là đồ giả nhơn nghĩa! Tại mi độc ác, nên ngày nay thân thể ta mới ra thúi-tha như vầy, danh tiết ta mới ra nhơ-nhuốt như vầy, sao mi còn dám trách ta“.

Tên lính nghe Ánh-Nguyệt mắng nhiếc ông Thiên-Hộ thì nổi giận, nên chụp nắm đầu nàng nữa mà kéo đi, chuyến nầy đi riết về đồn, miệng lại chửi láp-dáp.

Ông Thiên-Hộ muốn cứu Ánh-Nguyệt mà lại bị nàng mắng, bởi vậy ông chưng-hửng, không hiểu tại sao mà nàng nhiếc mình. Ông đứng châu mày suy nghĩ một hồi, rồi ông cũng phăng-phăng đi lại đồn.


[1] thuyền độc mộc

[2] đẩy nước ra khỏi ghe xuồng bằng cách lắc, nước tràn ra ngoài do lực ly tâm

[3] gỏ

[4] điều

[5] ao

[6] thay phiên với nhau ra công: như cấy vần công

[7] Hay ráng, cố gắng


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.