Ngọn cỏ gió đùa

Chương 16



Tiết tháng hai, mặt trời chen lặng chói cây cỏ, chỗ đỏ-đỏ, chỗ vàng-vàng. Lúc gần tối, chim trở về rừng bay có bầy, tốp kéo ngang, tốp kéo dọc.

Trong xứ Cần-Ðước, tại chỗ ông Thiên-Hộ Trần-chánh-Tâm ở cách hai năm trước người ta xúm-xít đông đầy, nhà cửa cất chật đất, bây giờ người ta thưa thớt, nhà cửa lại tan-hoang. Mấy lẫm lúa hồi trước lẫm nào cũng vun-chùn, bây giờ trống trơn chứa gió chứa mưa, chớ không chứa lúa nữa. Mấy dưỡng đường hồi trước để nuôi người bịnh, chỉ thấy thằn-lằn rắn mối mà thôi. Trường học ngả nghiêng, nhà dưỡng lão hư sập. Cả ngàn nông phu đã tản lạc, hồi trước mười phần bây giờ còn không được ba phần. Trong sở ruộng ngày xưa cày cấy không bỏ sót một chỗ nào, bây giờ thấy gốc rạ từ khoảnh từ chòm, còn bao nhiêu thì cỏ mọc cao lên tới ngực.

Có một người cao lớn vậm-vỡ, tóc xấp-xải chấm hai vai, quần xà lỏn, áo cụt tay, thủng thẳng lội xa xa trong ruộng, mà đi ít bước rồi lại đứng ngóng dòm mấy tòa nhà của Thiên-Hộ Chánh Tâm ngày trước.

Mặt nhựt đã lặn mất rồi, một lát kế thấy nửa mặt nguyệt treo giữa bầu trời. Cây cỏ ruộng đồng lần-lần lu lờ mà người lội trong ruộng hồi nãy đó lại lần lần đi sát phía sau vuông rào của ông Thiên-Hộ. Nếu lúc ấy ai rình mà coi, thì ắt thấy người ấy ngó vô nhà, mà hai hàng nước mắt rưng-rưng. Ngặt vì trong nhà thấy đốt đèn leo lét mà không thấy dạng người vô ra, bởi vậy người ấy xẩn bẩn đi tới đi lui, cho đến hết nửa canh một rồi mới nhằm phía vàm rạch Cần-Ðước mà đi.

Người nầy chẳng phải là ai lạ, ấy là Lê-văn-Ðó, lúc thanh niên vì lén bưng một trã cháo heo tính đem về cho mẹ và cháu ăn đỡ đói, mà phải bị đày 20 năm. Khi mãn tù nhờ đợc nghe lời phải nên đổi lòng sửa tánh, cãi tên là Chánh-Tâm, thi ân bố đức, cứu khổ phò nguy, sau được triều đình phong chức Thiên-Hộ. Cách 2 năm trước, vì không để người thọ tội thế cho mình, nên mới xưng thiệt tên họ cho quan xử trảm giam hậu và đày vô Hà-Tiên. Nhơn vì đã nặng lời hứa sẽ bảo bọc con Thu-Vân thế cho Ánh-Nguyệt, nên ra thọ tội rồi lại lập mưu làm cho người ta tưởng mình đã chết, đặng lén trở về đây.

Lê-văn-Ðó nhắm phía vàm Cần-Ðước mà đi, song hễ đi ít bước thì quày đầu ngó ngoái lại chỗ mình ở hồi trước một cái, mà mặt mày buồn xo, dường như trong lòng còn tiếc hay là mến chỗ mình dày công sáng tạo. Anh ta đi đến trăng gần lặn, lên tới vàm Cần-Ðước, gặp một người câu hỏi thăm rồi đi lần lại nhà ông sáu Thới.

Trong nhà im-lìm, mà lại tối mò, Lê-văn-Ðó thấy có một gốc cây để ngoài sân, bèn lại đó mà ngồi. Ông sáu Thức dậy chống cửa bước ra sân. Lê-văn-Ðó vùng đứng dậy rất gọn-gàng. Ông sáu Thới giựt mình la bài-hãi hỏi rằng: „Ai đó?“ Lê-văn-Ðó liền bước lại nói nhỏ-nhỏ rằng:

–         Tôi. Xin ông đừng nói lớn.

–         Tôi là ai?

–         Tôi là Lê-văn-Ðó.

–         Lê-văn-Ðó nào?

–         Lê-văn-Ðó là Thiên-Hộ Chánh-Tâm, ông quên tôi hay sao?

–         Húy! Mẹ ơi! Nói chơi hay hay sao chớ!

Ông sáu Thới và nói và đi xít lại gần đặng nhìn mặt, ngặt vì cặp mắt ông đã lờ rồi, mà trời thì lại còn tối, bởi vậy ông dòm mà không thấy rõ. Tuy vậy mà ông nắm tay Lê-văn-Ðó vô nhà và hỏi nhỏ rằng : « Vậy mà họ nói ông chết rồi chớ! Sao ông lại được trở về đây? »

Lê-văn-Ðó không trả lời, lại hỏi ông sáu Thới rằng :

–         Con Thu-Vân còn ngủ phải hôn? Ðâu ông đốt đèn lên coi.

–         Cha chả! Nhà tôi không có đèn. Tôi nghèo, hễ tối thì ngủ, đốt đèn làm chi cho tốn dầu tốn mỡ. Còn con Thu-Vân tôi rước nó không được.

–         Sao vậy ông.

–         Có tiền đau mà chuộc!

–         Vậy chớ tiền tôi đưa cho ông hồi đó ông để làm gì?

–         Ông biểu bà Bạch-Thị đếm cho tôi một trăm quan. Tôi chưa kịp vác, kế lính nó áp tới bắt ông, nó làm dữ quá, nó đuổi tôi về, rồi niêm nhà niêm cửa hết, tôi có lấy tiền được đâu.

Lê-văn-Ðó nghe nói như vậy thì chắc lưỡi lắc đầu, rồi ngồi khoanh tay thở ra, không nói chi nữa hết. Ông sáu Thới hỏi nữa rằng : « Mà ông làm sao được về đây? » Lê-văn-Ðó lặng thinh một hồi rồi nói rằng : « Tôi trốn, nên về đây tôi không dám cho ai thấy mặt. Vì tôi chắc ông không nỡ hại tôi, nên tôi mới dám vô nhà ông. Vậy ông dám giấu dùm tôi ít ngày hay không? »

Ông sáu Thới cười và đáp rằng : « Ông hỏi kỳ quá! Sao tôi không dám? Tôi nhờ ơn ông vớt tôi khỏi chết chìm năm trước nên tôi mới còn sống cho đến bây giờ đây. Nói cùng mà nghe, ví dầu tôi giấu ông trong nhà, mà quan có hay, họ bắt họ giết tôi đi nữa, thì tôi lại càng vui lòng, bởi vì tôi muốn đem thân già nầy mà thế mạng cho ông đặng tôi trả ơn ngày xưa, nên chết tôi có sợ chi đâu. Thân già nầy dầu còn hay là mất nghĩ cũng không ích lợi gì, chớ ông sống thì có ích cho nhiều người ; tôi tưởng trong xứ nầy chẳng luận là nhà tôi, dầu ông đến nhà nào họ cũng sẵn lòng giấu-giếm giùm cho ông hết thảy. »

Lê-văn-Ðó gặt đầu rồi hỏi rằng : « Hồi chiều tối tôi có lén về gần nhà tôi mà thăm coi những công nghiệp của tôi gầy-dựng hồi trước, bây giờ ra thể nào, tôi thấy nhà cửa xơ-rơ, nông phu tản lạc tôi buồn quá. Vậy chớ từ khi họ bắt tôi rồi họ làm sao đâu, ông nói lại cho tôi nghe thử coi. Quan Tri-Huyện là người đi với ông Ðội đó, có dạy chôn cất con Ánh-Nguyệt cho tử tế hay không? »

Ông sáu Thới nghe hỏi ông rất cảm động, bởi vậy ông nói bệu-bạu rằng : « Ông nhắc tới chuyện đó tôi buồn quá » rồi ông ngồi trên sập mà khóc rắm-rứt.

Nãy giờ hai người nói chuyện thầm trong nhà, vì trời còn tối, mà lại không có đèn, nên không thấy mặt nhau cho rõ. Ông sáu Thới khóc một hồi, trời đã sáng bét. Ông bước lại nắm tay Lê-văn-Ðó dắt ra cửa mà dòm mặt cho kỹ, thì thấy Lê-văn-Ðó cặp con mắt cũng ướt rượt. Ông nhìn rồi nói rằng : « Ông bây giờ coi ốm hơn hồi trước, mà da mặt da trán lại dùn nữa. Người như ông biết thương kẻ nghèo hèn, lẽ thì trời cho hưởng sung sướng mới phải, chớ sao lại khiến hoạn nạn cực khổ như vậy không biết. »

Lê-văn-Ðó không giống như người thường, nên nghe than như vậy mà không buồn, đứng nói hòa huởn rằng : « Kiếp trần nầy còn cũng vậy mà mất cũng vậy, sướng cũng vậy mà cực cũng vậy, tôi có sá chi đâu. Tôi về đến đây tôi thấy sự nghiệp của tôi hư hết, thiệt tôi buồn, nhưng mà tôi buồn chẳng phải là tiếc chức Thiên-Hộ hay là tiếc tiền tiếc của chi đâu, tôi buồn là vì tôi vừa ra khỏi nhà rồi thì đã thấy thiên-hạ không còn ai biết thương yêu cứu giúp con nhà nghèo nữa. Mà thôi, chuyện ấy nói không hay cùn, vậy ông thuật sơ công việc của tôi, trong 2 năm nay ở nhà họ làm làm sao, cho tôi nghe một chút. »

Lê-văn-Ðó nắm tay ông sáu Thới kéo trở vô nhà. Ông sáu Thới và đi và nói rằng : « Việc ấy nói lại nghe buồn lắm. Ông Ðội với lính bắt dắt ông đi rồi, thì quan Tri-Huyện dạy lính bao nhà hết thảy, cấm không cho ai ra vô. Tô sợ quá nên ngồi chồm hổm trong hốc, ngó cái thây ma của con Ánh-Nguyệt mà khóc. Ðến chiều có một cậu lính vô đuổi tôi ra. Tôi chỉ con Ánh-Nguyệt mà nói rằng cháu tôi nó chết còn nằm đó, xin cho phép tôi vác nó về tôi chôn. Cậu nạt tôi, biểu phải đi cho mau. Tôi ra ngoài rồi tôi lại xin phép lên nhà lớn mà vác một trăm quan tiền của ông cho tôi. Họ nhảy lại đạp tôi rồi xô đùa tôi đi. Tôi ra tới mé sông, tôi gặp Bạch-Thị, Hồng-Thị, thầy thuốc, thầy giáo đương ngồi chùm-nhum mà khóc. Mấy ông già bà già và sắp con nít mồ-côi đều bị đuổi ra hết thảy. Tôi hỏi thăm mới hay quan Tri-Huyện dạy đuổi ra hết, không cho ai ở trong sở của ông nữa. Ðêm ấy ngài coi cho lính đào xới cùng trong nhà ngoài sân đặng kiếm coi ông có chôn vàng bạc chi hay không. Qua bữa sau ngài dạy làng lấy hai chiếc ghe lớn mà chở tiền bạc và đồ đạc của ông đem về tỉnh. Người thiệt ác quá, tiền bạc thì biết lấy, còn cái thây con Ánh-Nguyệt người ta không thèm dạy lính chôn giùm. Quan Tri-Huyện đi rồi, cái thây sình bay hơi thúi quá, lính ở lại giữ lúa họ chịu không nổi, nên túng thế họ mới bắt dân khiêng ra ruộng đào lỗ mà dập. »

Lê-văn-Ðó nghe nói tới đó thì nổi giận nên trợn mắt nói rằng :

–         Quân khốn nạn! Không có lương tâm.

–         Ông nói ai?

–         Thằng Tri-Huyện Hải-Yến đó chớ ai.

–         Hễ làm quan thì họ làm như vậy hết thảy.

–         Ông biết Tri-Huyện là ai hay không? Nó là chồng của con Ánh-Nguyệt đó đa.

–         Húy! Sao ông biết?

–         Hồi nó bước vô bắt tôi, con Ánh-Nguyệt thấy mặt, nó la om, ông không nghe hay sao? Con Ánh-Nguyệt ngó thấy nó giận quá, nên làm xung mới chết đó chớ. Nó nhìn cũng biết con Ánh-Nguyệt, nên mặt mày nó tái xanh. Vậy mà nó không lo chôn cất cho tử-tế, để lo kiếm tiền bạc, quân đó thiệt là ác nghiệt.

–         À! Ông nói tôi mới nhớ, con Ánh-Nguyệt hồi trước nó có nói với tôi rằng người chồng bạc bẽo bỏ mẹ con nó đo tên là Hải-Yến. Té ra Hải-Yến là quan Tri-Huyện nầy hay sao? Bất nhơn dữ hôn! Tôi có dè đâu! Hồi họ áp bắt ông đó, tôi thất kinh, hồn vía bay mất hết, có hiểu chuyện gì nữa đâu.

–         Tri-Huyện chở đồ-đạt của tôi đi về tỉnh rồi quan trên dạy lẽ nào? Ông có nghe nữa hay không?

–         Không biết quan trên dạy làm sao, mà ít bữa ghe tới chở hết mấy lẫm lúa của ông đi đâu không biết. Ông Ðội với lính bỏ đồn, vô nhà ông mà ở, đốc dân làm ruộng, tính làm như ông hồi trước, mà không làm phước cho ai hết. Mây ông già bà cả với sắp nhỏ mồ-côi, không có chỗ nương dựa, nên tác lạc đi đâu không biết. Ông Ðội làm ruộng năm ngoái thất, phần thì ổng thâu góp gắt gao, phần thì đánh khảo hèn (hành)-hạ người ta, nên dân lần lần trốn đi xứ khác. Năm nay còn ít người làm chút đỉnh, còn bao nhiêu thì bỏ hoang. Tôi nghe nói quan trên rút đội lính về tỉnh chi đó không biết mà hôm tháng trước đi hết, để lại có một người lính ở lại giữ nhà đó mà thôi.

–         Ứ hự! Tôi lo cứu giúp thiên-hạ mà cứu không được! Tội nghiệp cho kẻ nghèo quá!

–         Bây giờ ông về đây, ông ra mặt làm như ngày trước được hay không?

–         Không được.

–         Sao vậy?

–         Quan trên làm án trảm giam hậu tôi, nên tôi phải đày chung thân. Vì tôi thấy thân con Ánh-Nguyệt tôi thương xót lắm nên lúc nó tắt hơi, tôi có thề với nó rằng tôi sẽ hết lòng lo bảo bọc con nó. Khi vô tới Hà-Tiên, tôi thầm nghĩ trong mấy năm tôi ở Cần-Ðước, tôi dốc lòng lo cứu khổ phò nguy ; con Ánh-Nguyệt là đứa hiếu nghĩa, vì nhà nghèo nên phải chịu lao khổ, rồi lại bị kẻ bất lương gạt gẫm nên xủ tiết ô danh, nó xiêu lạc khắp xứ, mà cũng giữ chặc một lòng trinh bạch. Khi nó vô ở nhà tôi, tôi không xem xét mà cứu vớt nó, để cho Bạch-Thị đuổi lầm nó đi, làm cho thân nó phải trở ra đê tiện. Cái lỗi ấy tại tôi mà ra. Tôi nghĩ đến việc đó tôi ăn-năn vô cùng, rồi tôi nhớ lời tôi thề với nó nữa, thì tôi càng xốn-xang chịu không được. Trong 2 năm nay tôi thường lo mưu tính kế trốn về đặng bảo bọc con Thu-Vân mà tôi tính hoài không biết làm thế nào trốn cho khỏi. Cách năm sáu tháng trước tôi nhơn có một chiếc ghe bị giông đương chìm ngoài khơi, tôi ngồi ghe nhỏ xông ra mà vớt. Tôi ra đến đó thì họ đã chìm mất hết, không vớt được người nào. Tôi bèn thừa dịp ấy nhận luôn chiếc ghe của tôi rồi ôm bánh lái nương theo lượn sóng mà vô mé. Tôi trôi trọn nửa ngày một đêm vô tới Hòn Chông. Quan làng ở Hà-Tiên đều tưởng tôi bị chìm ghe chết rồi. Tôi lên bờ rồi lần lần tìm đường đi mấy tháng nay mới về tới đây.

–         Hèn chi họ đồn ông chết cũng phải lắm. Ông giỏi quá. Ở ngoài biển mà ai dám nhận ghe đặng lội vô bao giờ.

–         Bây giờ ông dắt tôi đi tìm con Thu-Vân được hay không?

–         Ðược chớ, mà tìm nó rồi có tiền đâu mà chuộc. Hồi trước vợ chồng Ðỗ-Cẩm đòi thêm 37 quan, con Thu-Vân ở thêm trong nhà nó 2 năm nữa, bây giờ chắc nó đòi cả trăm quan, tiền đau có mà chạy cho đủ.

–         Ông đừng lo. Tôi có tiền.

–         Tiền bạc của ông thì Tri-Huyện đã tịch mà chở đi hết rồi, tiền đau ông còn nữa?

–         Tôi có tiền. Ông cho tôi mượn một chiếc ghe tôi đi chở về đây cho ông coi.

–         Ðược. Thằng cháu tôi là Hiển nó có một chiếc ghe trọng đến. Ðể tôi đi mượn về cho ông. Ông tính chừng nào ông đi?

–         Chừng nước ròng tôi mới đi. Vậy ông có gạo thì nấu cho tôi ba hột cơm đặng ăn rồi ông sẽ đi mượn ghe.

–         Ghe ở gần một bên đây. Muốn lấy chừng nào cũng được.

Ông sáu Thới lật đật đi lấy gạo nấu cơm. Chừng cơm chín rồi hai người dọn ăn với nhau, mà cửa thì chống sụp-sụp, không dám cho người ngoài thấy.

Ăn cơm rồi thì nước đã dậy nhà, ông sáu Thới đi mượn ghe đem về đậu trước cửa. Lê-văn-Ðó đứng dậy tính xuống ghe mà đi, mà chừng bước được một bước anh ta đứng lại suy nghĩ một hồi rồi nói với ông sáu Thới rằng :

–         Tôi muốn nói với ông một chuyện, không biết ông chịu hay không.

–         Ông muốn nói mấy chuyện cũng được mà, cần gì ông phải ái-ngại.

–         Ông ở có một mình, mà thân tôi đây cũng một mình, vậy ông với tôi kết làm anh em, từ rày về sau sanh tử có nhau, đi hay ở gì cũng chung với nhau, chẳng biết ông có bằng lòng hay không?

–         Ông đã cứu tôi khỏi chết, ơn ấy tôi phải theo làm tôi mọi mà đền cho ông ; ông muốn sai khiến việc chi tôi cũng vưng hết thảy, tôi đâu xứng làm anh em với ông. Khi trước ông dặn tôi phải lo bảo bọc con Thu-Vân, mà ông đi rồi tôi có tay, không chuộc nó được, tôi buồn quá, bởi vậy từ hồi khuya cho đến bây giờ tôi hổ thẹn vô cùng.

–         Việc con Thu-Vân ông đừng ngại. Ông đã già cả mà lại nghèo, còn vợ chồng Ðỗ-Cẩm thì đòi tiền trăm, ông làm sao mà lo cho được. Tôi chịu gian-nan mà về đây là vì con Thu-Vân. Vậy xin ông hãy hiệp lực với tôi mà nuôi dưỡng dạy dỗ nó, cho khỏi thất ước với con Ánh-Nguyệt.

–         Tôi xin vưng.

–         Vậy thì ông đi với tôi.

Hat người dắt nhau xuống ghe rồi gay chèo chèo ra sông Bao-Ngược mà đi xuống rừng sát. Khá khen Lê-văn-Ðó trí nhớ giỏi, từ vàm Cần-Ðước xuống rừng sát, rạch nẽo rất nhiều, mà anh ta còn nhớ cái vàm rạch có 2 cây đước lớn, nên khi ghe đến đó thì anh ta cạy (dùng mái chèo hay mái giằm lái ghe xuồng để thay hướng) vô, chèo hết năm khúc sông rồi chúi mũi vô doi (vùng cạn của sông rạch tại khúc quanh, vùng sâu gọi là vịnh) mà nhảy lên bờ. Ông sáu Thới cột ghe vô cây rồi lót cót theo sau. Lê-văn-Ðó đếm bước nhắm hướng mà đào hai chỗ, lấy lên đủ hai ché bạc chôn năm trước.

Ông sáu Thới phụ đem 2 ché bạc xuống ghe. Lê-văn-Ðó móc bạc ra thì chén với bình còn đủ. Anh ta để riêng đồ ấy một chỗ, còn bạc thì đếm được 200 nén, rồi bỏ dưới khoang ghe móc bùn trét lên trên. Các việc xong rồi, Lê-văn-Ðó tính đi luôn lên Vũng-Gù mà tìm con Thu-Vân. Ông sáu Thới không chịu, khuyên phải trở về lấy gạo rồi sẽ đi.

*

*      *

Dựa mé sông Vũng-Gù có một xóm đềm hết thảy chừng 10 cái nhà, mà mỗi cái đều trở cửa xuống sông, day hè ra ngoài ruộng, lại ở cách nhau xa xa, chớ không phải khít nhau. Cái nhà lá 3 căn ở đầu dưới chung quanh có trồng mấy bụi chuối đó là nhà Ðỗ-Cẩm.

Lê-văn-Ðó với ông sáu Thới chèo ghe lên tới đó, thì đã gần hết nửa canh một rồi. Bữa ấy nhằm ngày mùng 8 nên trăng không được tỏ. Ông sáu Thới chúi mũi ghe đậu ngay cửa Ðỗ-Cẩm. Lê-văn-Ðó thấy trên nhà có đốt đèn, lại nghe có tiếng mắng chửi om-sòm. Anh ta mò trong khoang ghe lấy 5 nén bạc lận vào lưng, rồi bước lên bờ. Trước khi đi anh ta kêu ông sáu Thới mà dặn nhỏ-nhỏ phải dời ghe xuống chỗ bụi bần rạch dưới kia mà đậu, phải thức canh ghe, và phải coi chừng đừng cho Ðỗ-Cẩm thấy mặt.

Ghe sụt ra rồi, Lê-văn-Ðó đi nhẹ-nhẹ vô sân, lại đứng núp trong bụi chuối rậm đặng lóng tai mà nghe. Trong nhà có tiếng đờn-bà la lớn rằng : « Thu-Vân, sao tao biểu mầy đi kiếm con heo mà mầy còn lục-đục ở đó. » Kế có tiếng con nít nói nhỏ-nhỏ nghe không được. Thoạt có tiếng đờn-bà la lớn nữa rằng : « Kiếm trong xóm không có thì mầy ra ngoài đồng mà kiếm chớ. Mầy đi hay không hử? … Cha chả! Thứ mới bây lớn mà biết sợ ma nữa. » Nói vừa dứt tiếng lại nghe tiếng roi quất trót-trót, rồi đứa nhỏ la ôi-ôi. Nghe trót-trót hơn 10 tiếng nữa, rồi cái cửa vụt hé ra, có một con nhỏ chạy ra sân, hai tay ôm đít mà khóc hụ-hụ. Trong nhà có tiếng đờn-bà nói lớn nữa rằng : « Phải kiếm cho được con heo đem về đây cho tao. Mầy kiếm không được tao giết mầy chết. Cái mạng của mầy đó không bằng con heo của tao đâu, nói cho mà biết. »

Trăng mờ-mờ, Lê-văn-Ðó lum-khum trong bụi chuối, thấy con nhỏ chừng chím mười tuổi, dưới bận một quần rách lang thang, trên ở trần không có áo. Ðứa nhỏ ấy và khóc và đi vòng sau hè rồi băng xuống ruộng.

Lê-văn-Ðó biết con nhỏ nầy là Thu-Vân, bèn đi theo xa xa mà nom coi nó đi đâu. Ruộng tháng nầy trời nắng nên khô queo, song gốc rạ còn đứng sững, nên cản chưn khó đi lắm. Con nhỏ đi xa-xa nhà một chút, rồi bộ nó sợ hay sao nên đứng ngó dáo-dác. Lê-văn-Ðó đi riết theo mà kêu nhỏ-nhỏ rằng : « Thu-Vân, cháu đi đâu đó? » Con nhỏ day lại rồi đứng mà chờ. Lê-văn-Ðó theo kịp, lấy tay vuốt đầu nó mà nói rằng : « Cháu đi kiếm heo phải hôn? Cháu có sợ ma, thì ông đi giùm với. »

Con Thu-Vân thấy mặt lạ hoắt, không biết là ai, nên đứng run. Lê-văn-Ðó bèn cười và nói rằng : « Cháu đừng có sợ, ông đây là người ta, chớ không phải ma quỉ chi đâu. Ông thấy cháu đi đêm hôm trong ruộng một mình cháu sợ, nên ông đi theo mà kiếm giùm heo cho cháu. Ði, đi với ông. » Lê-văn-Ðó nói dứt lời bèn nắm tay Thu-Vân mà dắt đi.

Thu-Vân đi theo mà còn khóc thút-thít. Lê-văn-Ðó hỏi rằng :

–         Vợ thằng Ðỗ-Cẩm nó đánh cháu hồi nãy đó phải hôn?

–         Phải.

–         Nó đánh đau hôn?

–         Ðau.

Thu-Vân nói đau mà một tay lại rờ sau lưng. Lê-văn-Ðó cúi xuống coi thì thấy lưng con nhỏ có năm sáu lằn roi đỏ lòm. Anh ta vạch quần coi mông đít, thì lại thấy lằn ngang lằn dọc nữa. Lê-văn-Ðó biểu con nhỏ vận quần lại rồi dắt nhau đi nữa. Anh ta thấy con nhỏ như vậy thì cảm động, nên lặng thinh cúi đầu mà đi, không nói chuyện nữa được. Anh ta dắt con nhỏ đi lẩn-quẩn trong ruộng gần một canh mà không gặp con heo. Thu-Vân mỏi chơn, nên đi lệt-bệt, xảy gặp một cái gò, Lê-văn-Ðó bèn dắt nó lên đó ngồi nghỉ chơn, Lê-văn-Ðó mới hỏi nó rằng :

–         Cháu năm nay mấy tuổi?

–         Mười tuổi.

–         Cha mẹ cháu là ai?

–         Cha tôi là Từ-Hải-Yến, còn mẹ tôi là Lý-Ánh-Nguyệt.

–         Cháu biết cha cháu ở đâu hôn?

–         Cha tôi ở trên An-Giang, còn mẹ tôi về dưới Cần-Ðước.

–         Sao lại bỏ cháu ở đây?

–         Không biết nữa …

–         Cháu có bà con chi với vợ chồng Ðỗ-Cẩm hay không?

–         Có.

–         Cháu kêu nó bằng giống gi?

–         Ông bà.

–         Vợ chồng nó thương cháu không?

–         Không.

–         Cháu sợ nó hôn?

–         Sợ.

–         Thuở nay nó hay đánh khảo cháu, hay là mới đánh bữa nay?

–         Ðánh hoài chớ. Ông tôi thì hay bạt tai, đạp, bà tôi thì ngắt véo đau quá.

–         Cháu ở với nó cực hay sướng?

–         Cực.

–         Mỗi bữa cháu ăn cơm no hay không?

–         Không.

–         Cháu muốn đi theo về ở với ông hay không?

Thu-Vân nghe hỏi tới câu đó thì ngó Lê-văn-Ðó rồi day mặt chỗ khác, không trả lời. Lê-văn-Ðó ngồi ngó nó, mà cũng lặng thinh. Cách một hồi lâu anh ta hỏi nữa rằng : « Cháu nhớ má cháu hôn? » Thu-Vân nói « nhớ » nhỏ-nhỏ rồi xụ mặt bộ coi buồn bực lắm. Nó nằm ngoẻo trên đám cỏ, hai cơn co rút lại, còn hai tay thì nắm vuốt lá cỏ. Lê-văn-Ðó ngồi khoanh tay một bên, mà ngó mông trong đồng. Trăng non đã xế bóng, mà vì mây bay từ cụm, nên khi tỏ khi lờ, ngọn gió thổi lao rao, đèn đầu cỏ ngã qua ngã lại. Tư bề vắng vẻ, chẳng thấy một bóng đèn, chẳng nghe một tiếng người, duy lâu lâu hoặc thấy vài con vạc bay kiếm ăn, hoặc nghe tiếng dế gáy ro-re trong gốc rạ.

Lê-văn-Ðó ngồi nghĩ cuộc đời, trong dạ bắt não-nề. Cách một hồi anh ta ngó lại thì thấy con Thu-Vân đã ngủ khò. Anh ta lấy tay vuốt đầu nó, rồi rờ xuống mặt, đụng cặp con mắt nó ướt rượt, mới hay nó khóc. Vì nó ở trần, lại bị gió thổi mát, nên mình nó lạnh ngắt. Lê-văn-Ðó bèn cổi áo mà đấp cho nó ngủ ấm.

Lê-văn-Ðó thấy thân con nhỏ như vậy thì thương xót hết sức, thương con nhà nghèo phải chịu cay đắng trăm chiều, rồi lại giận kẻ giàu sang không biết nghĩa nhơn danh dự. Anh ta nhắm-nhía muốn bồng con Thu-Vân đem tuốt xuống ghe mà chở đi phứt cho rồi. Ðỗ-Cẩm bắt con nhỏ làm tôi mọi cho nó mấy năm nay, lại đã lấy 10 quan tiền rồi, nghĩ chẳng hẹp chi đó. Mà rồi anh ta lại nghĩ chớ chi con Ánh-Nguyệt còn sống, mình bắt trộm đem về cho mẹ con nó gặp nhau, con thấy mẹ vui mừng ắt nó không oàn hờn mình chi hết chớ phần mình là người lạ, còn Ðỗ-Cẩm tuy dày đọa nó song cũng là người quen, mình quyết đem nó đi mà dưỡng nuôi dạy dỗ nó đặng ngày sau nó trở nên người phải, mà mình dùng chước bất lương, mình bắt trộm nó, thì dầư bây giờ nó thoát khỏi tay Ðỗ-Cẩm nó không buồn, nó không oán mình đi nữa, mà chừng nó khôn lớn rồi, nó nhớ tới chuyện mình làm hôm nay đây, sợ e nó không kính trọng mình chăng. Anh ta xét như vậy nên không nỡ bắt trộm con Thu-Vân, quyết chờ đến sáng đem nó về cho Ðỗ-Cẩm rồi sẽ nói mà chuộc cho minh bạch.

Thu-Vân nằm giữa trời, trên cỏ, mà nhờ có mảnh áo của Lê-văn-Ðó đắp ấm-ấm nên nó ngủ ngon giấc, đến trăng lặn, trời tối thui nó cũng không hay. Lê-văn-Ðó ngồi một bên coi chừng, lâu lâu nó cựa mình thì nó mớ kêu « má » rồi ngủ nữa. Lê-văn-Ðó thấy tình cảnh như vậy càng thêm áo-não.

Ðến khuya, chừng sao mai ló mọc, con Thu-Vân thức giấc, nó lồm cồm ngồi dậy lấy tay dụi hai con mắt rồi ngó quanh quất tứ phía. Lê-văn-Ðó ngồi khoanh tay liếc mắt coi chừng coi nó làm sao. Thu-Vân rờ đụng cái áo bao chung quanh mình nó, nó bèn thò tay phăng mà rút rồi trao lại cho Lê-văn-Ðó và hỏi rằng : « Áo của ông phải hôn? » Lê-văn-Ðó cười và đáp rằng :

–         Áo của ông. Cháu có lạnh thì để mà quấn cho ấm.

–         Không lạnh. Tôi ở trần quen rồi.

–         Cháu còn buồn ngủ nữa hôn?

–         Không. Ông làm giống gì mà ngồi đây?

–         Ông ngồi coi chừng ma cho cháu ngủ. Cháu sợ ma hôn?

–         Sợ.

–         Có ông đây, cháu còn sợ hôn?

–         Không.

–         Ừ, cháu đừng có sợ. Hễ có ông thì ma nó không dám lại gần đâu.

–         Ma nó sợ ông phải hôn?

–         Ừ.

–         Vậy ông làm phước dắt giùm cho tôi đi kiếm con heo được hôn?

–         Cháu biết nó đi đâu mà kiếm?

–         Hồi chiều tôi kiếm cùng trong xóm mà không có. Chắc nó ăn nội đồng nầy chớ đâu.

–         Ðồng rộng minh-mông biết nó ăn chỗ nào. Thôi, bỏ nó cho rảnh, đừng thèm kiếm.

–         Không kiếm nó đây, về bà tôi đánh chết.

–         Ông thường[1] cho.

–         Ông đâu có heo mà thường.

–         Ông thường tiền.

Thu-Vân ngó Lê-văn-Ðó rồi chúm-chím cười, trong trí nó tưởng Lê-văn-Ðó ăn mặc lèn-xèn, tiền đâu có mà thường con heo cho nổi. Lê-văn-Ðó hiểu ý nó, nên nói tiếp rằng :

–         Ông thiếu gì tiền. Cháu chịu đi theo về nhà ông mà ở hôn? Cháu về, ông may áo quần tốt cho cháu bận, ông mua bánh trái cho cháu ăn, cháu muốn vật chi ông mua cho hết thảy, cháu chịu hôn?

–         Không dám.

–         Sao vậy?

–         Ông bà tôi đánh chết.

–         Ông nói với vợ chồng Ðỗ-Cẩm rồi ông mới đem cháu đi chớ.

Thu-Vân ngồi chim-bỉm, không trả lời nữa. Cách một hồi lầu, Lê-vănÐó mới hỏi nữa rằng :

–         Sao? Cháu chịu đi với ông hay không?

–         Không.

–         Cháu ở với Ðỗ-Cẩm nó đánh đập chưởi bới tối ngày, còn ở với ông cháu sung-sướng lắm, sao cháu không chịu đi với ông?

–         Tôi đi với ông rồi, chừng má tôi trở lên đây, biết tôi đâu mà kiếm.

Lê-văn-Ðó nghe con nhỏ nói mấy lời như vậy thì biến sắc, hết biết lời chi mà dỗ nó nữa. Anh ta ngồi suy nghĩ, vừa muốn nói thiệt cho con Thu-Vân nó biết mẹ nó đã chết rồi, mà rồi anh ta lại hồi tâm, nghĩ rằng con nhỏ còn khờ dại quá, nó chịu lao khổ phần xác đã nhiều rồi, mình không nên làm cho nó đau-đớn phần trí nữa. Chi bằng mình dùng lời giả dối mà dụ nó, chừng nào mình nói hết sức mà không được thì mình sẽ nói thiệt, gẫm cũng không muộn gì. Anh ta mới nói với Thu-Vân rằng :

–         Ông biết cha mẹ cháu hết thảy. Nhơn vì có việc riêng nên cha mẹ cháu không thế nào gặp cháu nữa đâu. Cháu hãy đi với ông ; ông thề với cháu rằng ông thương cháu, ông cưng cháu còn hơn cha mẹ cháu nữa.

–         Tôi không biết cha tôi. Má tôi có nói cha tôi bạc lắm, vậy tôi không cần cha tôi. Còn má tôi thương tôi lắm, lẽ nào má tôi bỏ tôi. Vì như má tôi không kiếm tôi đi nữa, thì trong ít năm nữa, tôi khôn lớn rồi, tôi cũng xuống Cần-Ðước mà tìm mẹ tôi.

–         Cháu nhỏ mà có lòng thương mẹ như vậy thì tốt lắm, phải lắm. Như cháu đi với ông, ông nói cho Ðỗ-Cẩm nó biết ông ở chỗ nào, đặng mẹ cháu có trở lên Ðỗ-Cẩm nó chỉ cho mẹ cháu để tìm. Mà ở đây cháu cũng chờ, về với ông cháu cũng chờ. Chi bằng về nhà ông chờ mà khỏi bị đòn bị chửi, chừng cháu khôn lớn rồi ông sẽ dắt cháu đi tìm cha mẹ cháu, cháu nghĩ thử coi có phải đi với ông tốt hơn là ở đây hay không.

Thu-Vân ngồi suy nghĩ một giây lâu rồi ngước mặt ngó Lê-văn-Ðó và hỏi rằng :

–         Nhà ông ở đau?

–         Ở dưới vàm Cấn-Ðước.

–         Họ nói má tôi về đâu dưới Cần-Ðước. Vậy chớ xưa nay ông có gặp má tôi hay không?

–         Không.

–         Kỳ dữ hôn! Vậy chớ má tôi đi đâu kia. Má tôi lén tôi mà đi, tôi không hay. Chớ hồi đó tôi hay thì tôi đi theo.

–         Nếu má cháu đi xuống phía Cần-Ðước thì cháu nên đi với ông, đặng rồi sau cháu tìm má cháu cho dễ.

Thu-Vân ngồi lặng thinh một hồi nữa, không biết trong trí nó tính lẽ nào mà nó vùng đứng dậy và nói rằng : « Tôi chịu đi, mà ông phải nói với ông bà tôi hay rồi tôi mới dám đi. »

Lê-văn-Ðó nghe con Thu-Vân chịu đi thì mừng rở hết sức. Anh ta liền đứng dậy bận áo vô. Hướng đông mây đã giăng ngàng mấy vừng, yến mặt trời đã lố rạng đỏ-đỏ. Xóm Ðỗ-Cẩm ở đã thấy láp-xúp nóc nhà dạng-dạng, dàn bần mọc theo mé sông đã thấy lúm-khúm đen-đen. Lê-văn-Ðó vói tay ẳm con Thu-Vân rồi nhắm xóm mà trở về.

Ði dọc đường Lê-văn-Ðó nói rằng : « Chừng về gần tới nhà ông thả cháu xuống đặng cháu về trước, rồi thủng thẳng ông vô sau. Ông nói thế nào tự nơi ông, cháu đừng có nói gì hết, miễn là Ðỗ-Cẩm nó hỏi cháu thì cháu cứ nói chịu đi với ông. Có ông nó không dám đánh cháu đâu, cháu đừng sợ. »

Thu-Vân nói rằng :

–         Mất con heo đây tôi bị đòn chết.

–         Ậy, không sao đâu. Như nó bắt thường thì ông thường cho. Ông thiếu gì tiền mà cháu lo.

Thu-Vân nghe nói như vậy thì nó bớt buồn song trong lòng cũng còn bưng-khuân hoài. Bước vô tới xóm thì trời đã sáng thiệt mặt rồi. Lê-văn-Ðó thả con Thu-Vân đứng xuống đất rồi biểu nó đi trước về nhà. Anh ta đứng ngó cho nó đi khuất rồi lội xuống mé sông, dòm thấy chắc chắn ghe của ông sáu Thới còn đậu dưới lùm bần, cách xóm chừng 10 công đất, anh ta gặt đầu rồi trở lên đi lại nhà Ðỗ-Cẩm.

*

*     *

 Con Thu-Vân đi về nhà, mà ngoài mặt xẻn-lẻn, trong dạ bồi hồi. Khi nó bước vô sân, nó thấy con heo quẳn đương đứng mà ủi dựa bụi chuối thì nó mừng quýnh, nên chạy a lại. Sân khô-khốc, mà đất lại long-chong. Con Thu-Vân chạy vấp một cục đất, té nằm sấp sải tay. Tuy té đau, song nó mừng khỏi mất con heo nên nó lồm cồm đứng dậy phủi sơ bụi dính bụng và dính mặt rồi phăng-phăng đi lại con heo, bụng bị đất khô quào rướm máu mà nó không kể.

Con heo quẳn dạn lắm, nghe Thu-Vân té một cái đụi thì nó day lại mà ngó đuôi ngoắt phất-phơ miệng kêu ịch-ịch, rồi cúi xuống ủi đất nữa. Con Thu-Vân lại ngồi chồm-hỗm một bên, choàng một tay qua lưng con heo mà gãi, còn một tay thì vỗ gáy nó mà nói rằng : « Em đi đâu dữ vậy em? Em báo hại qua bị đòn quá! Phải mà em đi mất thì qua chết còn gì. »

Thị-Phi là vợ Ðỗ-Cẩm thức dậy, nghe lụi-hụi ngoài sân, thì chống cửa bước ra. Chị ta thấy con Thu-Vân đương ngồi ôm con heo quẳn, khỏi mất heo đã không mừng, bắt con Thu-Vân đi sáng một đêm đã không thương, mà lại còn nói những tiếng bất nhơn rằng : « Con mắc dịch về hồi nào đó! Ờ tao tưởng mầy kiếm không được con heo, tao giết mầy chết. Tao nói cho mầy biết, cái mạng của mầy không bàng con heo tao đâu. Nếu mầy muốn sống thì phải giữ nó. »

Con Thu-Vân đứng dậy, cúi mặt xuống đất, không nói chi hết.

Lê-văn-Ðó tay cầm một cái cây, ở ngoài hăm-hở đi vô. Thị-Phi thấy người lạ tới nhà mà bộ coi hầm-hừ lắm không biết người ấy đi đâu, nên đứng ngó trân-trân. Lê-văn-Ðó hỏi lớn rằng : « Phải nhà nầy là nhà Ðỗ-Cẩm không thím? »

Thị-Phi dụ-dự một chút rồi đáp rằng : « Phải. Chú đi đâu? Hỏi chi vậy? » Lê-văn-Ðó day qua phía con Thu-Vân đứng, đưa cái cây cầm trong tay lên mà chỉ nó và hỏi Thi-Phi rằng :

–         Phải con nhỏ con của Ánh-Nguyệt hay không?

–         Phải. Sao chú biết nó?

–         Ờ, biết. Chồng thím có ở nhà hay là đi khỏi?

–         Ở nhà.

Lê-văn-Ðó xốc-xốc đi vô cửa, Thi-Phi cũng quày-quã trở vô nhà.

Ðỗ-Cẩm đã thức dậy rồi mà còn leo lên võng nằm ráng. Chừng anh ta nghe tiếng nói om-sòm ngoài sân, anh ta mới lồm-cồm ngồi dậy. Anh ta vừa đứng dậy bới đầu thì Lê-văn-Ðó đã bước vô tới nhà. Anh ta liền hỏi Lê-văn-Ðó rằng : « Anh đi đâu? Có chuyện chi hay không? »

Lê-văn-Ðó đứng ngó ngay Ðỗ-Cẩm rồi đáp rằng :

–         Tôi ở dưới Cần-Ðước, lên thăm chú. Tôi là cậu của con Ánh-Nguyệt.

–         Vậy hay sao? Anh ngồi trên ván đây. Con Ánh-Nguyệt nó mạnh anh há?

–         Ừ, mạnh.

–         Nó làm ăn khá hay không?

–         Làm giống gì mà khá. Nó nghèo quá.

–         Nó báo hại tôi quá! Nó mướn tôi nuôi con nhỏ nó mấy năm nay, nó không trả cho tôi một đồng tiền làm tôi tốn hao phải mang nghèo. Tôi tốn cơm nước quần áo đã nhiều, mà con nhỏ nó bất nhơn, cứ đau hoài, nay nhức đầu, mai nóng lạnh, mốt có ban, bữa kia kiết, vợ chồng tôi chạy thuốc chơn không bén đất, tốn tiền bạc không biết bao nhiêu. Tôi bị nó đó mà lần lần vợ chồng tôi bán đồ đạc hết ráo. Anh coi đó mà coi trong nhà tôi bây giờ trống lỗng, có còn vật gì đáng năm bảy tiền hoặc một quan đâu. Hồi trên Gia-Ðịnh tôi khá lắm tôi mới trở về quê quán chớ, chẳng dè về đây tôi vì thương con Ánh-Nguyệt mà gia tài tôi tiêu hết.

–         Chú nuôi có một con nhỏ xíu mà tốn hao giống gì tới hết gia tài lận?

–         Thiệt chớ, ai nói chơi hay sao!

–         Chú nuôi giùm con cho Ánh-Nguyệt thì nó biết ơn, chớ không phải quên. Ngặt vì nó nghèo mà nó lại thương nhớ con nó quá, nên nó cậy tôi lên năn-nỉ với chú mà rước giùm con nó về cho nó. Bạn nghèo xin thương nhau. Tôi chắc ngày nào nó làm ăn khá thì nó không dám quên ơn hai ông bà đâu.

–         Ý! Ðược đâu. Lươn phải nắm đàng đầu, chớ vuốt đuôi sao được. Vì con nhỏ đó mà vợ chồng tôi tan nát. Phải đem tiền cho đủ mà chuộc tôi mới cho chơ rước không vậy sao được.

–         Nó nghèo khổ tội nghiệp quá. Chú bó buộc nó quá như vậy nó làm sao.

–         Nó làm sao được nó làm chớ. Nó nghèo mà nó còn báo hại vợ chồng tôi mang nghèo nữa đây, ai tội nghiệp cho tôi?

–         Nó phải trả cho chú bao nhiêu tiền, chú mới cho bắt con nhỏ?

–         Không biết. Anh tính lấy. Nó có làm giấy hẵn-hòi, nó mướn tôi nuôi con nhỏ mỗi tháng một quan tiền. Tiền đó là tiền cơm và tiền giữ. Tôi nuôi 4 năm nay anh tính coi là bao nhiêu. Còn tiền áo tiền quần, tiền thầy tiền thuốc cho nó nữa, cọng hết thảy có hơn tiền trăm chớ phải ít ỏi gì hay sao.

–         Cách vài năm nay con Ánh-Nguyệt có cậy một ông già đem lên trả cho chú được 10 quan.

–         Ðâu có! Hồi nào? Nẳm nay tôi có thấy ông già nào đâu.

–         Tôi hỏi thiệt chú vậy chớ bây giờ chú đòi bao nhiêu tiền?

Ðỗ-Cẩm đứng gãi đầu suy nghĩ một hồi rồi nói rằng : « Thôi em cháu nó nghèo tôi không nỡ làm gắt nó. Bây giờ nó trả đỡ cho tôi một trăm quan mà thôi. »

Lê-văn-Ðó châu mày đáp rằng :

–         Nhiều quá.

–         Nhiều sao? Vậy là tôi thương nó lắm chớ. Anh tính thử coi, tiền cơm 4 năm là 48 quan, tiền áo quần ít nào cũng 30 quan, còn tiền thuốc trên 50 quan nữa, cộng hết thảy gần một trăm rưỡi quan, mà tôi biểu trả có 100 quan, sao lại kêu là nhiều?

–         Tôi nói thiệt với chú như vầy: Tôi cũng nghèo chớ không giàu có gì, song tôi thấy con Ánh-Nguyệt nó thương nhớ con nó quá, tôi cầm lòng không đậu, tôi mới đi giùm cho nó đây. Vậy như chú có bằng lòng lấy 50 quan tiền, thì tôi cho nó mượn mà trả cho chú, bằng không chịu thì thôi, chớ chú đòi nhiều quá tiền đâu tôi trả cho chú đủ.

–         Không được. Phải cho đủ 100 quan, chớ thiếu một quan tôi cũng không chịu.

Lê-văn-Ðó ngồi lặng thinh một hồi rồi nói rằng : « Ðâu chú kêu con nhỏ ra đây cho tôi coi một chút. » Ðỗ-Cẩm cất tiếng kêu con Thu-Vân om-sòm. Con Thu-Vân ở ngoài bụi chuối chạy vô, đứng dáo dác. Lê-văn-Ðó ngó nó rồi day lại nói với Ðỗ-Cẩm rằng : « Chú nuôi nó như vầy mà chú đòi mắc quá. » Ðỗ-Cẩm làm bộ không nghe, bỏ đi lại ghế ăn trầu. Lê-văn-Ðó hỏi Thu-Vân rằng : « Cháu chịu đi với ông hay không? » Con Thu-Vân cúi đầu nói nhỏ-nhỏ rằng : « Chịu », mà hai hàng nước mắt nó chảy rưng-rưng.

Lê-văn-Ðó liền day lại nói rằng : Tôi thấy con nhỏ tôi thương quá. Thôi, tôi trả phứt cho chú một nén bạc đây, đặng tôi dắt nó về cho rồi. » Anh ta và nói và lần lưng lấy ra một nén bạc mà để trên ghế. Ðỗ-Cẩm thấy nén bạc thì mừng nên chúm chím cười và nói rằng : « Anh nghĩ đó mà coi, tôi nuôi 4 năm trường cực khổ tốn hao nhiều quá mà. Trả cho tôi một nén bạc có nhiều đâu. Thu-Vân, thôi con sửa soạn rồi đi với ông nghe hôn con. »

Thị-Phi ở nhà sau bước lến nói rằng :

–         Mình cho chuộc con Thu-Vân hay sao? Chuộc bao nhiêu đó?

–         Một nén.

–         Không được. Tôi nuôi nó mấy năm nay đã mến tay mến chơn, nên tôi không bằng lòng để cho nó đi. Tôi không có con, bởi vậy tôi thương nó lắm, tôi không đành rứt nó đâu.

–         Thôi mà! Mình kiếm đứa khác mà nuôi, con nầy xui lắm. Phần thì má nó nhớ nó, thôi để cho nó về má nó.

–         Mình không biết anh nầy, mà mình làm bướng giao con Thu-Vân cho ảnh, rồi sau con Ánh-Nguyệt nó lên nó đòi con nó, mình mới liệu làm sao?

–         Anh nầy là cậu con Ánh-Nguyệt mà.

–         Hứ! Không dữ!

Thị-Phi nguých một cái, rồi bỏ đi ra nhà sau.

Ðỗ-Cẩm biểu Thu-Vân lấy quần áo rồi có đi với ông cậu cho sớm. Thu-Vân vô trong buồng lục lộp-cộp một hồi, lấy ra một cái áo cụt cũ xì và rách tan nát. Lê-văn-Ðó hối nó bận vô, lấy nén bạc đưa tới tay Ðỗ-Cẩm, rồi từ giả nắm tay con Thu-Vân mà dắt đi.

Ðỗ-Cẩm cầm nén bạc đi ra sau, cười ngỏn-ngoẻn mà khoe với vợ. Thị-Phi trợn mắt và nói rằng : « Nhiều lắm hay sao mà mừng? Thằng cha đó coi bộ nó còn nhiều bạc nữa, không biết chừng Hải-Yến sai nó đi chuộc con Thu-Vân đó đa. Ta kiếm chuyện cản trở đặng nó đòi bạc nữa, mà cứ làm lanh theo cãi hoài. Giỏi dữ! »

Ðỗ-Cẩm xụ mặt châu mày, bỏ đi lên nhà trên rồi leo lên võng nằm đưa tòn-ten. Không biết anh ta suy nghĩ thế nào, mà cách một hồi lâu, anh ta ngồi dậy đi ra nhà sau đưa nén bạc cho vợ, rồi chạy ra đường. Anh ta hỏi thăm người ở gần có thấy một người mới dắt con Thu-Vân đi ngang đó hay không. Họ nói mới thấy dắt nhau đi xuống. Ðỗ-Cẩm xăn quần tốc theo, xuống tới lùm bần, thấy Lê-văn-Ðó với Thu-Vân đã ngồi dưới ghe rồi, và ghe đương dang ra mà đi. Anh ta tay ngoắt miệng kêu rằng : « Anh ơi anh không được. Anh phải đem con nhỏ trả lại cho tôi … Vợ tôi nó không chịu, nó rầy quá. »

Lê-văn-Ðó không thèm trả lời, cứ chèo ghe mà đi. Ðỗ-Cẩm đi dọc theo mé sông kêu hoài mà ghe không chịu ghé, anh ta giận nên chửi láp-dáp. Lê-văn-Ðó buông chèo, chỉ Ðỗ-Cẩm mà mắng rằng : « Mầy là quân ăn cướp, quen thói ngược-ngạo hoài. Giựt một nén bạc rồi chưa đủ hay sao, mà còn ào-ào nữa hử? Lấp-lửng tao đập nát đầu, chớ không phải chơi đâu. »

Chẳng hiểu Ðỗ-Cẩm thấy bộ Lê-văn-Ðó hầm-hừ mà sợ, hay là nghĩ mình ăn cướp một nén bạc đã nhiều rồi, mà anh ta nghe Lê-văn-Ðó nói như vậy rồi nín khe, ríu-ríu trở về, không theo nữa.

Lê-văn-Ðó với ông sáu Thới rước được con Thu-vân thì cả hai đều mừng, nên theo nói với con nhỏ hoài đặng cho nó quen. Ði đến mặt trời nửa buổi mới đậu ghe lại nấu cơm mà ăn. Lê-văn-Ðó nhìn con Thu-Vân tỏ-rõ, mới thấy gương mặt nó giống hịch Tri-Huyện Hải-Yến còn cặp mắt với miệng thì lại giống Ánh-Nguyệt.

Con Thu-Vân thấy trái bần rạch lòng-thòng trước mũi ghe nó mới ra hái mà ăn ngổm-ngoảm.

Ông sáu Thới vo gạo rồi, đương ngồi nhúm lửa mà nấu cơm. Lê-văn-Ðó lết lại gần dặn nhỏ-nhỏ đừng cho con Thu-Vân hay Ánh-Nguyệt chết, mà cũng đừng nhắc tới tên Ánh-Nguyệt. Hai người bàn tính với nhau coi bây giờ phải đi đâu mà ở cho yên đặng nuôi con Thu-Vân. Lê-văn-Ðó nói rằng trở về Cần-Ðước mà ở sợ lâu ngày bể chuyện, quan bắt buộc, thành ra công việc dỡ-lỡ nữa. Vả khi Ánh-Nguyệt tắt hơi anh ta có hứa với nàng sẽ hết lòng lo dưỡng nuôi dạy dỗ con Thu-Vân đặng ngày sau nó trở nên người phải. Bây giờ anh ta thì dốt nát, mà kiếm chỗ cất nhà ở, rồi rước thầy dạy riêng nó nghĩ cũng bất tiện,chi bằng cạo đầu dắt nhau đi kiếm một cảnh chùa yên tịnh rồi vô đó mà tu, làm như vậy mình có thế nuôi con Thu-Vân, mà nó cũng có sẵn người hay chữ mà học nữa. Ông sáu Thới khen phải. Lê-văn-Ðó tính đưa ổng về nhà, rồi anh ta mua đứt chiếc ghe mà đi với Thu-Vân. Ông sáu Thới quyết chí không chịu lìa Lê-văn-Ðó, nên cứ nài-nỉ xin cho ông theo mà đỡ tay đỡ chơn.

Lê-văn-Ðó thấy ông già có lòng với mình, không nỡ phụ rãy ổng, nên bằng lòng cho ổng theo.

Hai người tính xong rồi mới chèo ghe trở về Cần-Ðước. Lê-văn-Ðó cho thằng Hiển một nén bạc mà mua đứt chiếc ghe. Ông sáu Thới lại cho nó cái nhà của ông đặng rảng tay mà đi cho yên. Thằng Hiển theo cật hỏi ổng đi đâu, ổng cứ nói đi buôn bán, không chịu nói thiệt.

Nước vừa lớn, Lê-văn-Ðó với ông sáu Thơi dắt Thu-Vân xuống ghe. Nhổ sào xô ghe ra rồi, Ðó gay chèo lái, Thới gay chèo mũi mà chèo ra vàm.

Con Thu-Vân ngồi trong mui ngó ra, mặt tươi rói, miệng chúm chím cười bộ nó hân-hoan, chớ không phải ưu sầu như hồi ở nhà Ðỗ-Cẩm nữa.

 


[1]  đền bù


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.