Ngọn cỏ gió đùa

Chương 4



Lê-văn-Ðó, một tay ôm gói, một tay xách cây hèo, ra khỏi chùa rồi thì băng dưới ruộng mà đi. Mảnh trăng khuyết treo giữa trời chói sáng, tiếng ảnh ương kêu trong bụi uênh-oang. Xung xăng vạch lúa tách đường, lầm-lũi không ngoái đầu ngó lại.

Anh ta đi không bao lâu, thì phía trước nghe tiếng gà đua gáy, hướng đông thấy lố rạng mây ngang. Anh ta biết trời đã gần sáng rồi, nên thầm tính kiếm xóm vô hỏi thăm đường mà đi cho khỏi lạc.

Trời sáng thiệt mặt, anh ta mới tới xóm đông, vừa mới bước chơn vô xóm thì gặp Lý-trưởng Võ-văn-Thân ở trong nhà đi ra. Lê-văn-Ðó đón hỏi đi hướng mà về huyện Tân-Hòa.

Lý-trưởng Thân thấy tên Ðó dị hình dị dạng, tay lại có ôm một gói đồ, nghi anh ta là đứa ăn trộm, nên hỏi rằng: “Chú ở đâu đi lại đây sớm dữ vậy? Chú ôm gói gì đó, mở ra coi thử coi.”

Lê-văn-Ðó không trả lời, lại quày quả trở ra mà đi. Ly-trưởng Thân thấy cử chỉ như vậy, lại càng nghi hơn nữa, nên hô lên một tiếng dân trong xóm túa ra bắt trở lại, mở gói ra xem thấy áo quần thầy chùa với một bộ chén với một cái bình trà tốt lắm.

Dân trong xóm nầy ai cũng cúng chùa Chánh-Tâm, nên ai cũng biết bộ chén với cái bình ấy là đồ của ông Hòa-Thượng. Lý-trưởng Thân tra hỏi tên Ðó làm sao mà có đồ ấy được. Ban đầu anh ta lặng thinh không chịu nói. Họ hỏi riết túng thế anh ta nói dối rằng đồ ấy là đồ của mấy người ở chùa Chánh-Tâm cho anh ta.

Lý-trưởng Thân không tin, nên dạy dân trói ké Lê-văn-Ðó rồi dắt đem qua chùa Chánh-Tâm cho ông Hòa-Thượng nhìn coi đồ ấy có phải là đồ của ngài bị ăn trộm hay không.

Buổi sớm mai, Hòa-Thượng đương cung đối Phật tiền, Giác-Thế thì ở dưới nhà trù, còn Thiện-Thanh thì đương cuốc đất vun vồng mà trồng khoai trước cửa chùa. Thiện-Thanh vừa thấy Hương-chức dắt Lê-văn-Ðó bước vô thì lật-đật buông cuốc chạy lại hỏi rằng: “Mấy ông giỏi quá! Làm sao mà bắt được ăn trộm đó? Bộ chén với cái bình của Hòa-Thượng còn đủ hay không?”

Lý-trưởng Thân mở gói đưa chén với bình cho Thiện-Thanh xem và biểu nhìn coi phải là đồ của chùa hay không. Thiện-Thanh vừa ngó thấy liền nói rằng: “Phải rồi! Ðồ nầy là đồ của Hòa-Thượng, chớ xứ nầy ai làm sao mà có được. Mấy ông dắt gian nhơn vô đặng tôi bạch cho Hòa-Thượng hay.”

Hòa-Thượng còn niệm kinh trên chánh điện, nên Thiện-Thanh mời Lý-trưởng Thân với mấy tên dân làng ngồi tại thính đường mà chờ. Cách một hồi lâu, Hòa-Thượng niệm kinh rồi, ngài huỡn-đãi đi trở xuống hậu trai. Khi bước tới thính đường ngài thấy Lý-trưởng Thân đương ngồi trên ván, sau lưng lại có Lê-văn-Ðó, tay bị trói ké với mấy tên dân làng, thì ngài chưng hửng, nên ngó Lê-văn-Ðó trân-trân. Chẳng hiểu lúc ấy vì hổ thẹn hay vì sợ-sệt, mà Lê-văn-Ðó đứng gục mặt xuống đất, không dám ngó Hòa-Thượng.

Lý-trưởng Thân đứng dậy mở gói đồ ra và nói rằng: “Bạch Hòa-Thượng, anh em chúng tôi bắt được đứa gian ăn trộm quần áo, bình chén trong chùa, nên anh em chúng tôi dắt nó lại đây cho Hòa-Thượng nhìn đồ, như phải thì anh em chúng tôi giải nó qua bên Huyện, đặng quan trên trừng trị nó.”

Hòa-Thượng bước lại đứng trước mặt Lê-văn-Ðó rồi hỏi rằng: “Hồi hôm bần-đạo có tính để sáng bần-đạo cho bạc thêm nữa, sao chú em nó không chờ, lại từ mà đi sớm dữ vậy ?” Hòa-Thượng bèn day qua nói với Lý-trưởng Thân rằng: “Người nầy không phải là người gian. Ðồ nầy là đồ của bần-đạo cho. Chớ không phải là đồ ăn trộm đâu. Làng xóm bắt dắt trở lại đây thất công, thiệt tội nghiệp quá.”

Lê-văn-Ðó nghe Hòa-Thượng phán mấy lời thì chưng-hửng, nên ngước mặt ngó Hòa-Thượng trân-trân. Lý-trưởng Thân với dân làng hồi nãy nghe Thiện-Thanh nói Lê-văn-Ðó ăn trộm đồ của chùa, mà bây giờ lại nghe Hòa-Thượng phân như vậy, không hiểu duyên cớ ra sao, nên đứng nhìn nhau bợ-ngợ hết sức. Thiện-Thanh lắc đầu, bỏ đi ra ngoài vườn mà cuốc đất, vì sợ trái ý Hòa-Thượng, nên không dám xen vô mà nói.

Hòa-Thượng lột mão hiệp-chưởng, mở nút áo cà-sa, rồi đi thẳng vào hậu trại. Cách chẳng bao lâu, ngài trở ra, mình mặc áo quần lụa trắng, vai vắt một cái khăn trắng, tay cầm 5 nén bạc đưa cho Lê-văn-Ðó mà nói rằng: “Ðây, chú em nó lấy ít nén bạc đây mà làm phí lộ[1]. Bần-đạo tu hành, nên không có tiền bạc nhiều, vậy chú em nó lấy đỡ bao nhiêu đó mà đi về xứ; như đi dọc đường có hụt tiền thì kiếm nhà giàu mà bán bộ chén với cái bình đó, có lẽ cũng đủ mà về tới nhà được.”

Lý-trưởng thấy vậy ngẩn-ngơ, nên hối dân làng mở trói cho Lê-văn-Ðó. Hòa-Thượng ngó Lý-trưởng và cười và nói rằng: Bần-đạo làm thất công cho làng xóm quá! Xin miễn chấp.” Lý-trưởng đáp rằng: „Bạch Hòa-Thượng, chẳng thất công bao nhiêu. Anh em chúng tôi tưởng tên nầy ăn cắp đồ trong chùa nên mới bắt chẳng dè bắt lầm, làm nhọc lòng Hòa-Thượng, thiệt anh em tôi có lỗi nhiều.”

Lý-trưởng Thân nói rồi liền từ Hòa-Thượng dắt dân làng ra về. Lê-văn-Ðó tay cầm 5 nén bạc, mắt ngó chén với bình để trên ván, rồi liếc Hòa-Thượng, không hiểu vì cớ nào mà Hòa-Thượng không bắt mình, rồi còn cho mình mấy vật quý ấy, và lại cho thêm 5 nén bạc nữa. Anh ta đứng chần-ngần, không chịu đi.

Hòa-Thượng bước lại phương-trượng ngồi mà uống nước. Lê-văn-Ðó theo lại gần mà hỏi rằng: “Vì cớ nào tôi ăn trộm đồ của ông, người ta bắt tôi được rồi, ông không giải đến quan cho tôi ở tù, mà ông lại cho tôi đồ ấy và cho thêm bạc nữa?” Hòa-Thượng cười và đáp rằng: “Phật từ bi chẳng hề làm hại ai. Bần-đạo là người tụng kinh niệm Phật, vì chưa được thành tâm nên không đủ phước đức mà chế[2] độ chúng sanh được, ấy bần-đạo đã buồn rồi, có lẽ nào bần-đạo lại đành đem chú em mà nạp cho quan trị tội. Chú em vì bần hàn, nên mới sanh tâm gian-giảo vậy bần-đạo phải cho chú em chút đỉnh tiền bạc, đặng hết đói lạnh, tự nhiên chú em trở nên tử tế như người ta.”

Lê-văn-Ðó châu mày ngó xuống đất mà suy nghĩ một hồi rồi nói rằng: “Ông thấy tôi đói lạnh ông thương, nên ông không nỡ làm tội tôi. Mà sao ông dám chắc rằng tôi có 5 nén bạc nầy rồi tôi trở nên người tử tế? Thuở nay tôi tử tế  luôn luôn, chớ tôi có quấy với thiên hạ đâu. Tại trời đất không công bình mà cũng tại thiên hạ hiếp đáp tôi lắm, nên tôi đã thèm, tôi không tử tế với ai hết. Tôi nói thiệt ông dung thì tôi đi, song tôi nhứt định tôi không dung ai đâu.”

Hòa-Thượng nghe mấy lời kỳ khôi, ngài lấy làm lạ, nên ngồi ngó Lê-văn-Ðó trân-trân rồi hỏi rằng:

–         Tại sao mà chú em có hơi trách trời đất, oán thiên hạ dữ vậy ?

–         Tôi trách trời đất phải lắm, mà tôi oán loài người cũng đáng lắm.

Hòa-Thượng càng lấy làm lạ hơn nữa, nên theo khuyên dỗ biểu Lê-văn-Ðó thuật rõ tâm sự cho ngài nghe. Lê-văn-Ðó thủng-thẳng kể chuyện nhà, từ nhỏ thì đã đi ở đợ, chừng lớn về nhà phải lo nuôi mẹ với sắp cháu. Vì nghèo nàn không có gạo cho gia quyến ăn, đi làm họ không mướn, đi mượn họ không cho, bưng có một trã cháo heo về mà cứu mẹ với cháu, họ lại bắt đánh rồi đày tới 20 năm. Anh ta thuật tới đó, thì tức giận nên trợn mắt dững tóc mà nói rằng: „Thiên hạ ở với tôi tử-tế gì đó, mà tôi phải tử-tế với họ? Tôi bị đày mãn hạn rồi tôi đi về, đói bụng xim cơm ăn họ không cho, họ lại vác cây rượt mà đánh; tôi lạnh ngồi đụt mưa ngoài cửa ngõ, chó cũng không thương nên áp mà cắn không cho tôi ngồi, tôi cũng loài người mà không bằng con heo con chó, còn họ thì giàu có sang trọng, họ lại không biết thương tôi, thói đời như vậy ông biểu tôi đừng oán sao được?”

Hòa-Thượng nghe rõ chuyện nhà, và hiểu rõ tâm tánh của Lê-văn-Ðó rồi, ngài ngồi lặng thinh một giây lâu, coi bộ suy nghĩ lắm.

Lê-văn-Ðó đứng lâu mõi chơn, nên trở lại ngồi trên bộ ván gần đó. Hòa-Thượng ngó theo mà nói rằng: „Chú em bấy lâu nay bị hoạn-nạn rồi trách trời oán người, ấy là tại chú em còn bị ´tam chướng´ là THAM, SÂN, SI. Bần-đạo chắc chú em không hiểu nghĩa chữ tam chướng. Vậy để bần-đạo giảng cho chú em nghe. Chú em chưa thức đạo, nên trong lòng còn ham công danh phú quý, còn giận thói đời giả dối tàn bạo, còn mê muội không biết đường chơn chánh mà đi. Bởi chú em còn tham công danh phú quý, nên thấy người ta giàu sang, còn xét phận mình nghèo hèn, chú em mới buồn. Bởi chú em còn giận thói đời, nên bị người ta khinh khi húng hiếp, chú em mới oán. Bởi chú em còn mê muội, nên không biết tiêu diêu khoái lạc. Nếu chú em mà thấu hiểu được nghĩa-lý mấy chữ: “Hữu tướng, vô tướng, hữu ngã vô ngã” thì chú em chẳng còn oán trách ai nữa. Chú em xét lại đó mà coi, các việc trên dương trần nầy đều là “hư vô” hết thảy. Họ giàu sang rồi làm chi? Chú em nghèo hèn rồi hại gì? Bần-đạo khuyên chú em đừng kể việc trần tục, cứ giữ trí thanh-tịnh, cứ giữ lòng từ bi, ai hung-bạo giả-dối mặc ai, mình lao tâm nhọc xác đừng kể; hễ chú em làm được như vậy thì tự nhiên hết oán trách nữa.”

Hòa-Thượng lấy đạo lý mà giảng, ngặt vì Lê-văn-Ðó dốt nát khờ-khạo không hiểu chi hết, nên ngồi bơ-vơ, coi lại thì lời vàng ngọc của Hòa-Thượng nói ra chẳng khác nào nước đổ trên lá môn. Hòa-Thượng thấy Lê-văn-Ðó không cảm giác, ngài mới tính lấy lời thường mà giảng nữa, nên ngài nói tiếp: “Chú em chớ nên trách trời oán người, bởi vì Trời Phật chẳng hề khi nào hại ai, mà loài người tuy có kẻ xấu, song cũng có người tốt, chớ không phải xấu hết. Ấy vậy chú em trách Trời thì lỗi, còn oán người thì lầm. Từ nhỏ chí lớn chú em bị hoạn-nạn luôn luôn, bị nghèo nàn, bị hiếp đáp, bị sầu não, bị oan ức, chú em cũng chẳng nên phiền, không biết chừng tại cái nhơn quả của chú em như vậy, chớ không phải tại ai đâu. Chú em hãy nhớ, Phật Thích-Ca thuở trước còn phải chịu khốn khổ, còn phải bị khinh bỉ thay: Mà nhờ chịu khốn khổ, nhờ bị khinh bỉ đó, Phật Thích-Ca mới thành Phật được. Vậy chú em phải rán mà chịu, đừng phiền hà, đừng oán trách, cứ giữ lòng thanh tịnh từ bi, hoặc may kiếp sau chú em sẽ thanh nhàn sung sướng.

Hòa-Thượng giảng tới đó, coi bộ Lê-văn-Ðó hết giận, nên ngài bèn hỏi rằng:

–         Bây giờ chú em tính đi đâu?

–         Về Tân-Hòa.

–         Bà con trong thân tộc còn ai hay không?

–         Không còn ai hết. Ðể về đó tôi kiếm thử chị dâu tôi coi.

–         Ðã 20 năm rồi, bần-đạo sợ chị dâu đã xiêu lạc. Như kiếm không được rồi ở với ai?

–         Biết đâu.

–         Chú em tính về rồi làm gì mà ăn?

–         Chưa biết.

–         Chú em biết làm ruộng hay không?

–         Biết.

Hòa-Thượng ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói rằng: “Bần-đạo có một người quen tên là Lý-kỳ-Phùng, đương mở rừng làm ruộng dưới đồng Cần-đước. Chú em bây giờ không có nơi nương dựa, vậy thì để bần-đạo viết một bức thơ cho chú em cầm xuống Cần-đước trao cho Lý-kỳ-Phùng, rồi ở đó mà làm ruộng với ổng. Bần-đạo khuyên chú em đừng nhớ chuyện cũ, cứ lo làm ăn, trong năm ba năm thì chú em đã hết cực khổ, mà cũng hết phiền muộn nữa.”

Hòa-Thượng nói dứt lời, liền lấy giấy mực viết một phong thơ rồi trao cho Lê-văn-Ðó. Ngài lại kêu Giác-Thế biểu dọn cho Lê-văn-Ðó ăn một bữa cơm chay nữa. Lê-văn-Ðó ăn uống no rồi, Hòa-Thượng mới chỉ đường cho anh ta đi xuống Cần-đước.

Anh ta lấy thơ với 5 nén bạc lận vào lưng, rồi xách hèo mà đi, không thèm tạ ơn ai hết. Hòa-Thượng thấy anh ta bỏ gói áo quần với bình chén trên ván kêu lại mà hỏi rằng: “Sao chú em không lấy đồ nầy đi, lại bỏ đó? Bần-đạo đã cho chú em thì chú em cứ lấy đi.”

Lê-văn-Ðó không bợ-ngợ chi hết, nghe nói như vậy thì liền gói bộ chén với cái bình vào quần áo, rồi cặp nách mà đi.

Người không thông tâm-lý thấy cử-chỉ của Lê-văn-Ðó như vậy, chắc ai cũng phải lấy làm kỳ. Ăn trộm đồ của người ta, người ta bắt được đã không làm tội, lại cho luôn đồ ấy và cho thêm tiền bạc nữa, thế mà người ăn trộm không tỏ dấu ăn năn, không tỏ lời cảm tạ, tánh tình dường ấy chưa ắt dễ sửa được, nên phải dụng tâm từ bi quảng đại mà cảm hóa. Chẳng hiểu Hòa-Thượng Chánh-Tâm có nghĩ như vậy hay không, mà Lê-văn-Ðó ra đi, ngài chắp tay ngang ngực, mắt nhắm lim dim, dường như ngài làm phước là do thiện-tâm mà thôi, chớ không phải vì cớ nào khác, bởi vậy ngài cầu khẩn Phật đặng cho lòng oán thù hung ác của Lê-văn-Ðó hóa ra lòng từ bi thanh tịnh như của ngài vậy.

Lê-văn-Ðó ra khỏi chùa rồi nhắm hướng của Hòa-Thượng chỉ mà đi. Trời nắng chan-chan, giữa đồng vắng-vẻ, Lê-văn-Ðó lằm-lủi đi riết, dường như ý muốn xa lánh Hòa-Thượng cho mau, mà lại tránh xóm làng, dường như ý không muốn gặp người trần thế. Anh ta đi đổ mồ-hôi ướt áo mà không chịu ngồi nghỉ chơn, đi riết đến chiều mát, bụng đói cơm, họng khát nước, thình-lình thấy trước mặt có một xóm chừng năm bảy cái nhà. Anh ta dừng chơn đứng ngó, thì xóm ở cách chừng vài dây ruộng. Anh ta vừa muốn ghé lại đó mà xin cơm ăn, xin nước uống, rồi anh ta lại nhớ chuyện mình bị người ta hân-hủi, hủy-hoại tại Trường-Bình hôm qua, thì trong lòng ngần-ngại, nên đứng dụ-dự một hồi rồi bỏ mà đi không thèm ghé.

Anh ta đi được một khúc đường, bỗng gặp một cái chòi rách, trước cửa chòi thấy có để một cái lu nước nhỏ, lại có một cái gáo úp ngang qua miệng lu. Anh ta xăm-xăm đi riết vô cửa chòi, lấy gáo múc nước mà uống tự-nhiên, không thèm hỏi ai hết. Anh ta uống luôn hai gáo nước no bụng rồi, mới trợn mắt đứng ngó vô chòi, thì thấy chòi trống trơn, chẳng có giường ván chi hết. Có một bà già, đầu bạc răng rụng, đương lum khum nhắc nồi cơm để xuống đất, rồi một ông già mình mẩy ốm-nhách, mặt mày nhăn-nhíu, áo quần tả-tơi, với một đứa nhỏ, chừng sáu bảy tuổi, ở truồng ở trần, đương cầm chén cầm đũa hờm bới cơm mà ăn.

Bà già dở nắp nồi cơm ra, khói bay lên ngui-ngút, thằng nhỏ đưa chén vô mà nói rằng: “Bà xúc cho tôi một chén bà”. Ông già lại tiếp mà nói: “Mụ xúc trước cho cháu một chén đi, kẻo từ hồi chiều hôm qua cho đến bữa nay không có cơm, cháu nó đói bụng”.

Lê-văn-Ðó đứng ngoài thấy vậy, bèn a vô thò tay bưng nồi cơm mà đi ra, tuy nồi chưa nguội, song tay anh ta chai cứng nên không biết nóng. Bà già đương cầm chén muốn xúc cơm, bà thấy Lê-văn-Ðó bưng nồi thì bà la bài hãi rằng: “Ủa cậu, cậu làm giống gì vậy cậu? Trời ôi! Cậu giả bộ bưng nồi cơm rồi vợ chồng tôi với cháu tôi lấy gì mà ăn”. Lê-văn-Ðó không thèm nói chi hết, cứ bưng nồi cơm bươn bả bước lại cửa mà ra.

Ông già chạy theo níu tay anh ta và nói rằng: “Tội nghiệp tôi lắm cậu ôi! Từ sớm mơi cho đến bây giờ tôi mới xin được một vùa[3] gạo đem về nấu cơm đó đa, nếu cậu bưng đi thì vợ chồng tôi với cháu tôi chết đói còn gì ?”

Lê-văn-Ðó trợn mắt ngó ông già, rồi hất cánh tay ông té nghiêng vô vách. Anh ta thong-thả đi ra, bộ mặt hầm-hừ, cặp mắt chao-oảo, hàm râu dựng ngược,  coi hung ác vô cùng. Ông già té đụng vai vô trong vách, thế khi ông đau lắm, nên ông đứng dậy tay vò vai, mặt nhăn-nhíu, miệng hít hà. Bà già nóng lòng, tay dắt thằng cháu chạy theo và khóc và than rằng: “Tội nghiệp tôi lắm cậu ôi! Người ta giàu có, sao cậu không đến đó cậu lấy mà ăn? Vợ chồng tôi già cả lại nghèo nàn, ăn mày ăn xin, sao cậu không thương, lại ở chi ác nghiệt lắm vậy, cậu?”

Lê-văn-Ðó day lại trợn mắt, coi bộ dữ lắm; bà già thất kinh không dám nói nữa. Anh ta nách cắp gói đồ, tay bưng nồi cơm, tay xách cây hèo, lằm lủi đi riết, không thèm ngó lại phía sau.

*

*      *

Trời đã chạng-vạng tối. Lê-văn-Ðó đi đến một lùm cây, đứng ngó coi thì không phải xóm làng chi hết, bởi vì trong lùm cây ấy có hai ba cây cao lớn, còn bao nhiêu thì cây nhỏ nhỏ, dây bò qua nhánh vò lại bít chịt dường như thuở nay chưa có ai bước chơn đến chốn nầy. Ngó vô phía trong nữa, thì thấy một cái nhà lá lớn, trước nhà có dựng một cây cột rất cao, cũng như cây cột cắm trước chùa Chánh-Tâm vây.

Lê-văn-Ðó đứng ngó quanh-quất, thì không thấy dạng ai đi, mà cũng không nghe tiếng ai nói, chỉ thấy trên ngọn cây lớn có một bầy quạ đương kiếm chỗ mà ngủ, nên bay lên đáp xuống kêu “quạ, quạ” vang tai. Anh ta muốn vào đó móc cơm trong nồi ra mà ăn, rồi kiếm chỗ cao ráo nằm mà ngủ, đợi sáng ngày sau sẽ đi nữa, nên thủng-thẳng bước tới dưới gốc một bụi gừa lớn, gốc hai ba người ôm không giáp, rễ nổi trên mặt đất như ai bỏ cây nằm sắp hàng, dây nhiểu lòng-thòng như ai giăng võng treo đu đó vậy.

Anh ta lựa một chỗ bằng thẳng, rồi để nồi cơm xuống, để cái gói một bên, để cây hèo một bên, tính ăn cơm rồi ngủ luôn tại đó. Trên đầu nghe tiêng quạ còn kêu inh-ỏi, bên chơn thấy rắn mối chạy lăng xăng, anh ta ngồi xuống vừa muốn thò tay vô nồi móc cơm mà ăn, thình-lình nghe phía sau có tiếng chuông dộng bon … bon … bon…làm cho anh ta giựt mình, lật-đật rút tay ra, rồi ngó dáo dác.

Ðương lúc anh ta sửng sốt ấy, thì nghe tiếng quạ trên đầu ngành kêu nữa, mà lại nghe tiếng chuông một lát dộng một cái bon. Hễ nghe tiếng chuông thì anh ta dùn[4] mình rởn óc, rồi văng vẳng bên tai lại nghe tiếng khóc than của hai vợ chồng ông già hồi chiều.

Lê-văn-Ðó ngồi khoanh tay gục mặt, nhớ cái cảnh mình làm dữ giựt nồi cơm hồi chiều, thì châu mày ủ mặt trong lòng ăn-năn không biết chừng nào. Anh ta tỉnh giấc mê-muội, rồi suy nghĩ rằng hai vợ chồng ông già nầy nghèo nàn, đã thân già yếu đuối lại thêm cháu nhỏ thơ ngây, không biết làm nghề gì, nên đi xin gạo của người ta đem về mà nuôi miệng. Cái cảnh của ông già nầy chẳng khác nào cái cảnh của mình ngày trước. Sao ngày trước mình nghèo đói, người ta không giúp đỡ, mình biết oán trách giận hờn người ta, rồi bây giờ mình gặp người nghèo đói mình đã không thương, mà lại còn giựt cơm của người ta mà ăn nữa ?

Anh ta nghĩ tới đó thì xốn-xang khó chịu hết sức, rồi lại nghe tiếng chuông dộng nữa, mấy tiếng bon nó xói tim cắt ruột anh ta mấy lần, nên mắt lim-dim mà giọt lụy tuông ròng, ngồi chần ngần mà ngực nhảy thình-thịch.

Có lẽ tại anh ta ăn-năn quá, không thế chịu được nên ngồi lặng thinh một hồi lâu rồi vùng đứng dậy bưng nồi cơm, ôm gói đồ, xách cây hèo, tính trở lại mà trả nồi cơm cho vợ chồng ông già. Anh ta ra khỏi lùm cây rồi nhắm hướng mình mới đi hồi nãy mà trở lại, văng-vẳng hãy còn tiếng chuông dộng xa xa.

Trời đã tối rồi. Bữa ấy đã không mưa, mà lại sao mọc tứ giăng trên đầu. Tuy vậy mà một là vì không có trăng, nên cây cỏ ngó lờ mờ, hai là vì đường không quen, nên nhắm chừng mà đi chớ không chắc ý, bởi vây Lê-văn-Ðó đi lạc trong đồng, lần-quần trở đi trở lại hoài, đi cho đến khuya trăng mọc rồi mới tìm được cái chòi rách hồi chiều.

Anh ta lén bước vô, trong chòi vắng teo, lờ-mờ thấy trong có mấy cụm đen-đen, nghi vợ chồng ông già với đứa cháu nằm ngủ tại đó, nên để nồi cơm nhẹ-nhẹ ở giữa chòi, mò trong lưng lấy ra một nén bạc bỏ trong nồi cơm, rồi lén bước trở ra. Anh ta vừa ra khỏi cửa, thì nghe tiếng đứa nhỏ cựa mình nói: “đói bụng quá, ông bà ôi”, làm cho anh ta cảm động chịu không được, nên đâm đầu mà chạy.

Lê-văn-Ðó đi hoài tới sáng, quên đói bụng, mà cũng quên mỏi chơn. Anh ta trả được nồi cơm rồi, thì trong lòng nhẹ thơ-thới, hết ăn năn buồn bực nữa. Anh ta lại nhớ những lời của Hòa-Thượng Chánh-Tâm giảng dụ, biểu đừng có trách trời, đừng có oán người, từ nhỏ chí lớn mình bị hoạn nạn ấy là tại phần số của mình phải như vậy, chớ không phải thiên-hạ họ riêng ghét mình. Phật thuở xưa còn phải chịu khốn khổ, còn phải bị khinh bỉ thay. Nhờ có khốn khổ sỉ nhục, đức Thích-Ca mới thành Phật được. Vây mình phải rán mà chịu khốn khổ kiếp nầy, đặng kiếp sau mình an hưởng thanh nhàn.

Anh ta nhớ mấy lời từ-bi ấy, thì trong trí nhẹ-nhàng, trong lòng vui vẻ, hết buồn-rầu tức-giận như trước nữa. Hồi trước mặt mày anh ta hầm-hừ hung ác, bây giờ lại đổi ra từ-thiện ôn-hòa: Những người ái mộ đạo Phật ai cũng nói vì Phật muốn cứu độ Lê-văn-Ðó, nên đổi tánh rửa lòng, đặng anh ta cải ác tùng thiện, rồi ngày sau rước về Tây-Phương. Chúng tôi đây là kẻ lăn lộn chốn hồng-trần, chìm nổi vòng thế-tục, chúng tôi luận thì do tâm-lý chớ không dám do tôn-giáo, chúng tôi tưởng có lẽ Lê-văn-Ðó là người tánh tốt, tiếc vì mấy mươi năm trước không được gần người hiền, không được nghe tiếng phải, nên mỗi-mỗi đều do bổn tâm mà lập tánh, bởi vậy cử chỉ không giống người thường. Hôm nay gặp Hòa-Thượng Chánh-Tâm, gặp cảnh nghèo của vợ chồng ông già nọ, rồi lại nhờ tiếng chuông đả tỉnh nữa, khiến lòng chan-chứa, nên mới ăn-năn sấm-hối, rồi đổi dữ làm lành, đổi oán làm vui.

Lê-văn-Ðó lần đi xuống tới đồng Cần-Ðước, hỏi thăm ông Lý-kỳ-Phùng, tính đến trao thơ của Hòa-Thượng Chánh-Tâm, rồi xin ở mà làm ruộng. Họ nói Lý-kỳ-Phùng mới chết hôm tháng trước. Lê-văn-Ðó chưng-hửng, không biết bây giờ phải đi đâu.

Ở Cần-Ðước có một bà già, tuổi đã đúng 70, mà sức bà còn mạnh mẽ. Trong xứ không ai biết gốc bà ở làng nào tỉnh nào, mà cũng không ai biết bà tên chi họ chi, chỉ biết bà lại ở đây đã hơn hai mươi năm rồi, không có chồng mà cũng không có con cháu chi hết, ai cũng kêu bà là “bà Hai”. Bà ở một cái chòi nhỏ ngoài đầu xóm, thuở nay bà vô rừng lượm củi khô hoặc xuống rạch xúc tôm cá đem về đổi gạo mà ăn, chớ không có nghề chi khác. Tánh bà ôn hòa, lòng bà từ thiện, bà chẳng hề dua bợ ai, mà cũng chẳng hề nói thêm nói bớt cho ai, bởi vậy ở trong làng từ trẻ chí già ai cũng yêu mến và kính nhường bà.

Lê-văn-Ðó xuống Cần-Ðước, hay tin Lý-kỳ-Phùng chết rồi thì bơ-vơ, nên vào nhà bà Hai nầy xin ở đậu ít bữa, đợi kiếm ghe quá giang rồi sẽ về Tân-Hòa. Anh ta đã có ý muốn cải danh diệt tánh đặng hết nhớ những chuyện xưa nữa, song còn bối rối chưa biết phải đặt tên gì. Lúc vô nhà bà Hai mà xin ở đậu, bà Hai hỏi tên gì, nhà cửa ở đâu, anh ta lính-quýnh sực nhớ tên ông Hòa-Thượng Chánh-Tâm, anh ta vùng xưng mình là Trần-Chánh-Tâm, gốc ở Rạch-Kiến.

Anh ta gói bạc với bộ chén, cái bình vào một gói, rồi bỏ bậy dựa vách, bà Hai tưởng là gói quần áo, nên không coi không hỏi chi hết.

Ðêm ấy Lê-văn-Ðó nói chuyện với bà Hai. Ban đầu bà hỏi anh ta đi qua huyện Tân-Hòa có việc chi hay không, thì anh ta nói dối rằng mình có hai anh em, người anh ở Tân-Hòa mới chết, bỏ vợ con bơ-vơ, nên tính qua đó tìm đem về mà nuôi. Lần lần bà mới nói qua tới chuyện làm ăn ở xứ Cần-Ðước.

Bà than rằng rừng xứ nầy dễ phá, đất xứ nầy phân nhiều ngặt vì người trong xứ không có tiền bạc mà qui dân cho đông nên chưa mở rừng làm ruộng được bao nhiêu. Lê-văn-Ðó nghe vậy thì chíp trong bụng, thầm tính về Tân-Hòa kiếm chị dâu với sắp cháu được được rồi thì dắt hết trở qua đây ở mở rừng làm ruộng.

Cách vài ngày, nhơn dịp có ghe họ đi qua Tân-Hòa, Lê-văn-Ðó mới xin quá giang mà đi. Vắng mặt trót 20 năm, mà hình dạng lại đổi khác hết, nên Lê-văn-Ðó về quê xưa, không ai biết mà nhìn, anh ta cứ xưng mình là Trần-Chánh-Tâm, ban đêm lén đến chỗ nhà cũ mà thăm, thấy có một cái mả lạn[5] ở gần đó, coi lại thì quả chỗ mình chiêm bao ma dắt mà chỉ ngày trước, nên đi lại ngồi dựa bên mả. Phút chút trong lòng cảm động anh ta thương tiếc mẹ chịu không nổi, nên khóc rống lên nghe rất thảm thiết.

Lê-văn-Ðó đi rảo khắp các làng các xóm trong huyện mà tìm cũng không gặp Thị-Huyền, còn hỏi thăm thì chẳng có một người nào biết mà chỉ. Anh ta tìm cho đến hai tháng mà tìm cũng không được, túng thế mới trở qua Cần-Ðước ở mở rừng làm ruộng lo tích đức tu nhơn, quyết chịu cực-khổ sỉ-nhục kiếp nầy, đặng kiếp sau được an nhàn sung sướng.

Anh ta qua đến Cần-Ðước rồi thì tìm đến nhà bà Hai mà xin ở đậu nữa.

Bà hỏi vậy chớ kiếm chị với cháu có được hay không, thì anh ta lắc đầu, coi bộ buồn-bực lắm.

Sáng bữa sau anh ta lội ra ngoài đồng mà xem mấy đám lúa của họ cấy, và luôn dịp đi thẳng vô mé rừng mà coi cây cối thế nào. Chiều lại anh ta đi cùng trong xóm mà kiếm coi có chỗ nào ở được. Anh ta cứ đi như vậy cho đến năm sáu ngày.

Một đêm nọ, Lê-văn-Ðó nói với bà Hai rằng: “Ở gần đây có cái nhà của ai hổm nay tôi thấy sập cửa hoài vậy bà? Bộ khi nhà bỏ hoang hay sao?”

Bà Hai xụ mặt châu mày đáp rằng: “Nhà đó là nhà của cậu Lý-Kỳ-Nguyên đa. Cậu lên thành Gia-Dịnh mà thi cử chi đó không biết, nhuốm bịnh về không được. Con gái của cậu gởi nhà cho tôi mà đi rước cậu, té ra nó lên đó rồi nó làm sao không biết mà bị quan họ bắt nó, ghe trở về không, còn nó không về. Mấy tháng nay nó bỏ nhà nó cho tôi coi chừng dùm, không biết chừng nào cha con nó về nữa. Cậu đó cậu làm lếu quá. Mình nghèo thì lo làm ruộng mà ăn, bày đặt đi đâu làm chi cho lộn xộn như vậy không biết.

Lê-văn-Ðó không hỏi đến việc đó nữa. Anh ta vô rừng đốn cây lá cất một cái chòi nhỏ ở mà làm ruộng.

Người trong xứ thấy anh ta lạ mặt mà lại quen với bà Hai, không hiểu là người ở đâu, nên ai gặp bà Hai cũng hỏi. Bà Hai cũng không rõ gốc tích Lê-văn-Ðó, mà bà muốn cho người ta khỏi làm nhọc bà nữa, nên bà nói rằng: “Nó là cháu của tôi đa. Nó tên là Trần-Chánh-Tâm, gốc ở trên Rạch-Kiến”.

Từ ấy về sau ai cũng kêu Lê-văn-Ðó là Trần-Chánh-Tâm và không tra hỏi chi nữa hết.

(Xin coi tiếp qua quyển thứ nhì)

 


[1] lộ phí

[2] tế

[3] dụng cụ làm bằng gáo dừa để xúc gạo, dung tích tương đương với cái chén.

[4] rùn

[5] chỗ sâu hóa ra cạn dần hay chỗ cao bị thấp đi: bị san bằng, ao lạn, đìa lạn, mả lạn, kinh lạn


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.