Ngọn cỏ gió đùa
Chương 5
Dầu trong thành-thị hay là ra ngoài thôn-hương, dầu ở chốn gia đình hay ra nơi học hiệu, đi đến chỗ nào cũng nghe rùm tai những tiếng:
Trời Phật ở công bình
Loài người biết nhơn nghĩa
Trời Phật thì mình không thấy hình dung, mà mình cũng không nghe ngôn ngữ, nhưng vì mình có lòng kính sợ nên mình tin chắc Trời Phật công bình, thôi cũng cho là phải đi, chớ như loài người ở chung lộn với mình đây, tánh người hung bạo giả dối, thói đời đen bạc xấu xa, mình đã từng thấy hằng ngày, thế thì nói „loài người biết nhơn nghĩa“ thiệt là khó tin lắm.
Hai chữ „nhơn nghĩa“ là chữ của bực Thánh-Hiền xưa bày ra để cảm hóa loài người cho biết thương nhau cho biết giúp nhau, đặng đừng hại nhau, đừng hiếp nhau, đừng gạt nhau. Tiếc vì Thánh-Hiền chết đã lâu rồi, nên loài người không còn nghe lời nói chơn chánh, không còn thấy cách ở nhơn từ nữa, bởi vậy họ đã không làm theo ý Thánh-Hiền, mà họ lại còn mượn hai chữ „nhơn nghĩa“ để mà hại nhau, hiếp nhau, gạt nhau cho dễ, nghĩ thiệt nên chán- ngán!
Nếu loài người biết nhơn nghĩa thì có lý nào người khôn ngoan giàu có đã không thương kẻ khờ dại bần hàn, mà lại còn khinh khi đày dọa, húng hiếp cho đến nước, theo như truyện Lê-văn-Ðó chúng tôi đã thuật trong quyển ÐAU ÐỚN PHẬN HÈN đó vậy?
Nếu loài người mà biết nhơn nghĩa, thì có lý nào bực tu mi nam tử, sức mạnh học hay, đã không thương phận nhược chất liễu bồ, côi-cúc bơ-vơ, nghèo nàn khốn khổ, mà lại đành lòng bó-buộc, túng ép, gạt gẫm, làm đến nỗi ô danh xủ tiết, tuyệt mạng vong thân theo như truyện Lý-Ánh-Nguyệt chúng tôi sẽ thuật trong quyển NÁT THÂN BỒ LIỄU nầy đây?
Cũng trong năm mậu tí (1828) là năm Lê-văn-Ðó mãn tù, trở về quê nhà dọc đường trách trời oán người may gặp Hòa-Thượng Chánh-Tâm nên mới đổi lòng sửa tánh; mà cũng tại xứ Cần-Ðước là xứ Lê-văn-Ðó tính ở đặng mở rừng làm ruộng đó, có một cái nhà nhỏ hai căn, cất dựa mé rạch, ở trong lót có một bộ ván mỏng với vài cái chõng tre, dựa vách có kệ sách vun-chùn, trên lại có treo một cây đờn cầm[1]. Người lạ hễ chơn bước đến cửa, mắt liếc vô nhà, thì biết là nhà học trò nghèo. Tuy vậy mà ngoài sân dọn dẹp sạch sẽ, một bên trồng bông mãn năm, thường thấy bông trổ đỏ vàng, còn một bên trồng rau, tháng nào cũng thấy rau đơm xanh mướt.
Chung quanh nhà không có một cộng cỏ. Hai bên chái có hai hàng sua-đủa thưa thớt, trái treo tòn-ten gió đánh dùng-đưa. Dọc theo mé rạch có một đám lá dừa rậm-rạp, áng phong trần không cho lọt vào nhà. Còn phía sau hè có mấy bụi chuối tiêu[2], tàu xũ xọp[3], quày lòng thòng, để quến[4] bầy dơi rần-rật.
Lúc nửa chiều, mặt trời gác trên nhành sua-đũa, ngọn gió khua lạch-cạch lá dừa. Ngoài sân ba con gà giò[5] lẩn quẩn kiếm ăn, dựa cửa một con mèo mướp[6] lim dim nằm đợi chủ. Trong nhà im lìm, không nghe tiếng người ra vào. Thình lình có một nàng tuổi lối đôi mươi, mặt trắng đỏ, mắt sáng ngời, lưng thắt eo, mình dịu nhiễu, đầu bịt trùm khăn, áo xăn ngang qua lưng, quần vo tới đầu gối, một tay bưng cái thúng, một tay xách cái rổ, ở dưới rạch vẹt lá dừa leo lên mé sân rồi thủng-thẳng đi vô nhà.
Mấy con gà thấy dạng nàng thì áp chạy theo kêu chét-chét. Còn con mèo nằm ngủ nghe động đất, thì mở mắt ngóc đầu rồi kêu ngao-ngao. Nàng ấy mắt liếc ngó con mèo, miệng chúm chiếm cười, song nàng bưng thúng xách rổ đi luôn ra nhà sau, chớ không đứng lại.
Nàng nầy tên là Lý-Ánh-Nguyệt, con gái của Lý-Kỳ-Nguyên. Nàng đã được 21 tuổi rồi. Mẹ khuất sớm, nàng không chịu lấy chồng, ở hủ-hỉ với cha trót mấy năm trường. Ban ngày cha đi đốn củi, vãi mạ, con đi xúc cá, hái rau. Ban đêm cha hay chữ, nên thường lấy sử kinh mà đọc cho con nghe, còn con đờn tươi, nên con thường đờn vài khúc tiêu-dao cho cha giải muộn.
Lý-Kỳ-Nguyên tuy nhà nghèo tuổi lớn, song chí đọc thơ không mỏi, lòng mộ đạo vẫn bền, hễ lúc rảnh rang thì ông lo ôn nhuần ba truyện năm kinh, chờ gặp vận đặng đua tài văn-sĩ. Ông không có bà con đông, chỉ có một người em ruột tên là Lý-Kỳ-Phùng, với một người anh vợ tên là Ðinh-Hòa. Năm nay ông đã gần 50 tuổi rồi, sức yếu, nhà nghèo, song ông rộn rực muốn lên đó mà đua tài, hoặc may như tên đứng bảng vàng thì khỏi uổng công đèn sách. Ánh-Nguyệt thấy cha già yếu, ý không muốn cha đi, song nàng sợ trái ý cha buồn, nên nàng lật đật bán con heo với một cặp áo lấy tiền đưa cho cha làm phí lộ[7].
Lý-Kỳ-Nguyên đi đã hơn một tháng, Ánh-Nguyệt ở nhà trông đợi đêm ngày, mà trông hoài không có tin tức chi hết, bởi vậy trong lòng đã lo rồi. Ðêm hồi hôm nàng nằm bứt-rứt hoài, ngủ không được. Ngày nay trong lòng nàng lại càng xốn xang khó chịu hơn nữa, nên hồi trưa nàng mới xách rổ xuống rạch xúc tôm xúc cá mà giải khuây.
Hồi nãy mình thấy Ánh-Nguyệt bưng thúng xách rổ ở dưới rạch leo lên đó là nàng đi xúc cá về. Nàng đi thẳng ra nhà sau tắm rửa thay đổi áo quần rồi thì mắc kho cá nấu cơm mà ăn, nên không thấy dạng nàng nữa.
Lúc mặt trời chen lặn, Ánh-Nguyệt ăn cơm uống nước xong rồi, nàng mới thủng thẳng lần bước đi ra sân. Nàng mặc quần ái vải đen, nhưng mà tướng đi đứng dịu-dàng, nên người ta thấy còn muốn ngó hơn là gái mặc sô sa gấm nhiễu.
Nàng để đầu trân, tóc vuốt mà bới chớ không cần lược, nhưng mà mái tóc nàng xấp-xải[8] hai bên bàng tang[9], đầu tóc nàng xụ-xộp đàng sau ót, làm cho chiều lả lơi với vẻ hữu tình. Mặt nàng không dồi phấn mà trắng hồng hồng, môi nàng không thoa son mà ửng đỏ đỏ, hàm răng nàng khít khao mà lại trắng trong, chơn mày nàng cong vòng mà lại nhỏ rức, ngón tay nàng dài mà nhọn như mũi viết, lại thêm phao hồng hồng, móng suôn đuột, nên đánh đòn xa coi dịu nhiễu, bàn chơn nàng không đi giày mà gót ửng đỏ, bàn no vun, nên hễ gió phất ống quần thì ai cũng phải ngó. Tướng mạo nàng đẹp đẽ dường ấy mà lại thêm tánh tình nàng chơn chính, cử chỉ nàng thanh tao nữa, bởi vậy tuy nàng ở trong nhà dân giả bần hàn, song phẩm giá nàng chẳng kém gì gái trâm anh[10] phiệt duyệt[11].
Ánh-Nguyệt đứng giữa sân mà ngó mấy bụi bông lài, con mèo mướp chạy theo cọ lưng vô chưn của nàng rồi nằm ngửa quào ống quần, làm cho nàng bày cái cườm chưn ra coi trắng nõn. Gió phất mái tóc xấp xải, yến mặt trời dọi vào mặt đỏ lòm, nàng nheo mắt cúi xuống, tay trái vén mái tóc, tay mặt vỗ con mèo, miệng chúm-chím cười, coi chẳng khác nào như hoa xuân mới nở. Nàng bắt con mèo mà ôm trong tay, rồi đi lại hái một cái hoa lài kê vào mũi mà hưởi. Hoa đã trắng mà gương mặt nàng cũng trắng, bởi vậy mặt chói hoa, hoa chói mặt, khó phân ai trắng hơn ai.
Nàng ngó mông về hướng bắc, là hướng thành Gia-định, rồi có lẽ lòng nhớ cha dồi-dào hay sao, mà nàng đứng ngẩn-ngơ lụy ứa rưng-rưng. Mặt trời đã lặn mất hồi nào nàng không hay, chừng nàng ngửa mặt ngó lên trời, thì sao đã rạng mọc tứ giăng, ngôi tỏ ngôi lờ, làm cho lòng nàng càng thêm áo não. Nàng thở dài một cái rồi ôm con mèo mà trở vô nhà.
Ba con gà giò vào chuồng còn kêu chét-chét phía sau. Họ giả gạo khua tiếng chày nghe cắc-cụp đàng xóm. Ánh-Nguyệt thổi lửa đốt lên, rồi lấy cây gài cửa sau cửa trước đâu đó đều chặt chịa hết thảy. Nàng đem cái đèn để trên ván, lại vách lấy cây đờn cầm, rồi ngồi dựa đèn lên dây[12] mà đờn. Tiếng đờn thanh tao khi khoan khi nhặt, mà rỉ rả khi nhỏ khi to, điệu đờn hay thì thiệt là hay, mà nghe ra như ngậm thảm trêu sầu, bởi vậy tay nàng đờn, mà lòng nàng lại bưng-khuâng, thậm chí con mèo nằm trên vạt áo của nàng nó nghe, rồi nó cũng nhắm mắt lim-dim dường như nó thương ai, nhớ ai, nên bộ coi xu-xị[13]. Chẳng hiểu Ánh-Nguyệt vì giọng đờn nghe buồn thảm nên nàng không đờn nữa, hay là vì không có người tri-âm nên nàng hết muốn đờn, mà nàng đờn chưa dứt một bản thì nàng lại xuống dây, rồi đem treo trên vách. Nàng bước lại kệ sách thấy quyển „Lý gia thi tập“ nằm trên hết, nàng lấy quyển ấy đem lại ván rồi nằm dở ra mà đọc. Tập nầy là tập thi của Lý-kỳ-Nguyên thuở nay hễ có làm bài nào hay thì ông chép vào đó, để khi buồn đem ra đọc lại chơi. Vì Ánh-Nguyệt cầm mà coi, chớ cô không ngâm, nên không biết trong ấy hay dở thể nào. Mà nàng coi đâu được vài ba trương, rồi nàng xếp lại nằm gác tay qua trán mà ngó sững ngọn đèn.
Ðàng xóm họ giả gạo rồi, nên không nghe tiếng chày cắc cụp nữa. Trong nhà lặng-lẽ, ngoài sân im-lìm, duy trong buồng nghe dế lửa gáy vang, trên cột thấy thằng lằng đua chạy, Ánh-Nguyệt nằm ngó ngọn đèn trân-trân không hiểu trong trí nàng suy nghĩ những việc gì, mà nàng ngó gần hết một canh rồi nàng mới chịu ngồi dậy dẹp đèn mà đi ngủ.
Nàng vô buồng nằm thổn-thức hoài ngủ không được. Ðến canh ba, nàng nghe dưới rạch có tiếng ghe khua chèo lộp-cộp, rồi lại nghe có tiếng người nói chuyện rầm-rì. Nàng không hiểu ghe của ai nửa đêm lại vô rạch nầy, nên có ý nằm im-lìm lóng tai mà nghe. Cách chẳng bao lâu nàng nghe có tiếng chơn bước ngoài sân thịch-thịch rồi lại nghe tiếng người ta kêu rằng: „Ánh-Nguyệt a, Ánh-Nguyệt, cháu ngủ hay là thức đó cháu?“
Ánh-Nguyệt và lồm cồm ngồi dậy và đáp rằng: „Dạ, tôi thức đây. Ai kêu đó?“
Ở ngoài có tiếng nói rằng:
– Ông. Ông là ông sáu Thới ở ngoài vàm. Cháu mở cửa cho ông vô, ông nói chuyện cho mà nghe.
– Có chuyện chi vậy ông?
– Ờ, có chuyện gắp lắm. Ông già cháu đau nặng quá, nên nhắn biểu cho cháu hay.
– Húy! Trời đất ôi! Khốn khổ chưa! Hai bữa rày trong bụng tôi buồn-bực nên tôi nghi có chuyện gì đây, thiệt tôi nghi chẳng sai. Cha tôi bây giờ ở đâu vậy ông?
Ánh-Nguyệt tay chơn run lập cập, nước mắt tuôn dầm dề, quên thổi lửa[14] đốt đèn, cứ chạy thầm ra mở cửa. Nàng thấy ông sáu Thới đứng giữa sân, nàng không kịp mời vô nhà, liền tiếp hỏi rằng:
– Ông đi đâu mà gặp cha tôi? Chớ chi ông làm phước rước về đây, thì tôi mang ơn ông biết chừng nào. Cha tôi bây giờ ở đâu vậy ông? Ðau làm sao đó?
Nàng hỏi lăng xăng ông không trả lời từ câu cho kịp, bởi vậy phải chờ cho nàng hết hỏi rồi ông mới nói rằng:
– Ông có gặp cha cháu đâu mà biết đau làm sao. Ông đi đánh câu ngoài sông lớn, gặp ghe thương hồ họ cậy ông nói lại dùm với cháu rằng cha cháu đau nặng bây giờ còn ở tại quán của tên Ðỗ-Cẩm nào đó, trên thành Gia-định. Ông nghe như vậy nên nước lớn ông cuốn câu rồi chèo thẳng vô cho cháu hay đây.
Ánh-Nguyệt chắt lưỡi lắc đầu mà nói rằng:
– Cha chả! Không biết nhắn từ hôm nào đến bữa nay … Mà nếu cha tôi đau nặng thì làm sao kiếm ghe mà nhắn được. Chắc là cha tôi mượn ai đi nhắn dùm chớ gì. Phải hồi nãy ông hỏi dùm họ kỹ lưỡng thì tiện quá!
Ông sáu Thới đáp rằng:
– Ghe họ chèo ngang, họ hỏi ông ở đây mà có biết cha cháu hay không. Ông nói biết. Họ nói vói có mấy tiếng đó rồi họ chèo ghe đi tuốt, ông không hỏi kịp việc chi hết.
Ánh-Nguyệt châu mày đứng ngẫm nghĩ một hồi rồi nói một mình rằng:
– Tôi phải đi rước cha tôi mới được, chớ đau mà nằm trong quán, bát cơm chén thuốc biết cậy nhờ ai?
Nàng thì tính một mình, mà ông sáu Thới tưởng nàng nói với ông nên ông đáp rằng:
– Cháu đi rồi bỏ nhà ai coi? Mà đường từ đây lên thành Gia-định đi không phải dễ gì, phận cháu là gái, đi một mình sao được? Cháu có đi thì phải đi ghe. Như cháu muốn đi ông dùm với, thì ông với thằng Hiển chèo ghe đưa cháu đi. Cháu tính lại coi …
Ánh-Nguyệt vì nghe cha đau thì bối-rối nên quên lễ nghĩa hết, chừng nghe ông sáu Thới nói như vậy, nàng cảm ý tử tế của ông, nàng mới nhớ sực lại rồi lật-đật mời ông vô nhà. Nàng chống cửa lên rồi thổi lửa đốt đèn. Ông sáu Thới đi lại ván mà ngồi và nói rằng:
– Phải đi ghe đặng rước cha cháu về, chớ đi bộ rồi lên trển biết mướn ghe có được hay không. Nè, mà cháu là con gái dầu đi ghe cũng khó. Vậy thôi cháu cậy ông chú, hoặc ông cậu của cháu đi rước dùm cũng được mà.
Ánh-Nguyệt lắc đầu đáp rằng:
– Không được. Cậu của cháu mù quáng đi sao cho được. Còn chú của cháu, thì hôm kia cháu xuống thăm, thấy chú đau bịnh rét, ăn uống không được nên chú ốm quá. Chú nói hơn một tháng nay bữa nào chú cũng có cữ, nên không ra khỏi nhà. Chú bịnh như vậy thì đi rước giống gì được. Bề nào cháu cũng phải đi mới xong.
Nàng nói vừa dứt lời thì có một bà già ở gần, xưa nay người ta kêu là „bà Hai“, ở ngoài bước vô hỏi rằng:
– Cháu nói chuyện với ai mà nãy giờ nghe lộn-xộn bên nây vậy? Phải cha cháu về hay không?
Bà vừa hỏi vừa ngó thấy ông sáu Thới, bà liền chào ông. Ánh-Nguyệt bèn đem cái tin buồn của ông sáu Thới mới báo cho mình hay hồi nãy đó mà thuật lại cho bà nghe. Bà động lòng thương, nên nói rằng:
– Tội nghiệp dữ hôn! Phải làm sao đi lên mà rước cậu về, chớ cậu đau mà để cậu ở trển sao được.
Ánh-Nguyệt mới thuật cho bà nghe sự mình tính mượn ghe ông sáu Thới và đi với ông lên mà rước. Luôn dịp nàng gởi nhà cho bà coi chừng dùm. Bà nghe hết rồi mới nói rằng:
– Cháu sửa soạn mà đi đi. Ðể nhà đó bà coi chừng dùm cho, không có sao đâu mà lo.
Ông sáu Thới cũng biểu nàng sửa soạn mà đi liền bây giờ cho xuôi nước. Ánh-Nguyệt vô buồng trút hũ gạo thì còn được ba bốn nồi; nàng lại lần vách móc ra một quan tiền của nàng giấu đó, rồi bỏ chung vô quảu gạo[15] mà bưng ra ngoài. Nàng mượn ông sáu Thới đem dùm tiền với gạo lần xuống ghe. Nàng ở lại sau coi gài cửa tắt đèn, rồi nàng đi ra với bà Hai. Nàng mặc có một bộ áo quần trong mình, lại lấy có một cái khăn mà thôi, chớ không đem theo vật chi hết.
Ghe nhổ sào xô ra, ông sáu Thới cầm chèo lái, thằng Hiển là cháu của ông, mới 15 tuổi gay chèo mũi, rồi hai ông cháu chèo trở ra vàm. Ghe đi ngang qua nhà, ông kêu bà sáu mà nói cho bà hay rằng ông lên thành Gia-định mà rước Lý-kỳ-Nguyên rồi đi luôn chớ không chịu ghé.
*
* *
Tại thành Gia-định ngó về hướng tây, cách cửa thành chừng một dậm, có một xóm nhỏ chừng 5 cái nhà, mà nhà nào cũng lợp lá dừa, lại nhà nào chung quanh cũng có trồng trầu, bởi vậy người trong xứ mới đặt tên xóm ấy là „xóm Trầu“.
Trong xóm nhà ấy duy có cái nhà ở đầu xóm, phía mặt trời mọc, thì cao-ráo rộng rãi hơn hết. Nhà cất trở cửa ra đường, trước nhà có một cái sân lớn, dựa đường có trồng một hàng xương rồng[16], lại có làm một cái rào tre để chận gà heo ở trong sân không ra ngoài đường được. Nhà ấy là nhà của Ðỗ-Cẩm.
Lý-Ánh-Nguyệt ngồi ghe lên tới thành Gia-định rồi, nàng bèn lên bờ đi hỏi thăm quán Ðỗ-Cẩm ở chỗ nào. Nàng đi trọn một ngày hỏi thăm cùng hết, họ chỉ lần lần, đến tối nàng mới tìm được. Khi nàng xô cửa tre bước vô sân thì thấy trong nhà đèn đốt leo-lét. Nàng lần bước đi gần tới cửa, thì có một con chó mực ở trong nhà hực-hực vài tiếng, rồi xông thẳng ra chận đường và sủa om-sòm. Nàng không biết con chó hiền hay dữ, nên nàng đứng lại kêu và nói rằng: „Có ai ở trong nhà xin làm ơn la chó dùm cho tôi vô một chút“.
Nàng vừa nói dứt tiếng thì nghe có người trong nhà hỏi rằng: „Chừng nầy mà ai còn đi đâu đó vậy?“ Nàng chưa kịp trả lời thì thấy có một người trạc chừng 40 tuổi, ở trần trùi trụi, mặt thỏn da đen, cầm nhọn, mép có râu lún-thún[17], cặp mắt ngó láo-liên, bước ra cửa đứng nhìn nàng rồi la chó om-sòm. Con chó mực nín sủa và xụ đuôi trở đi vô nhà. Ánh-Nguyệt bước tới cửa rồi nói với người ở trong nhà rằng: „Tôi ở dưới Cần-Ðước, ông già tôi là Lý-kỳ-Nguyên đi lên trên nầy mà thi. Tôi mới hay tin ông già tôi đau nằm tại quán của chú, nên lật đật đem ghe lên mà rước ông già tôi. Thưa chú, không biết ông già tôi đau bịnh chi, bữa nay đã hết hay chưa, còn ở đậu nhà chú hay không vậy chú?“
Người ấy ngó Ánh-Nguyệt nháy mắt vài cái rồi nói rằng: „Ờ, té ra em là con của ông Lý-kỳ-Nguyên hay sao? Cơ khổ dữ hôn, có biết ở đâu! Qua nhắn hổm nay hơn nửa tháng rồi, sao bữa nay em mới lên? Bước vô đây em, vô nhà rồi qua sẽ nói chuyện cho em nghe“.
Ánh-Nguyệt bước vô nhà, mắt ngó láo liên, có ý kiếm coi cha nằm ở chỗ nào. Nàng không thấy cha, mà lại thấy có một người đàn-bà ở nhà sau bước ra, trạc chừng 35, 37 tuổi, mình choàng một cái yếm chớ không có áo, miệng rộng môi mỏng cặp mắt lươn[18], chơn mày thưa, thấy tướng mạo thì biết là người lanh lợi mà lại khắc bạc nữa. Người đàn ông ra hỏi Ánh-Nguyệt đó là Ðỗ-Cẩm, còn người đàn-bà nầy là vợ, tên là Cao-thị-Phi.
Thị-Phi bước ra thấy Anh-Nguyệt thì ngó chồng mà hỏi rằng:
– Ai đó?
Ðỗ-Cẩm và đi lại ván lấy cái áo mà bận và đáp rằng:
– Con em đây là con gái của ông già ở đậu trong nhà mình đó đa.
Thị-Phi vừa nghe nói thì liền ngồi xề trên ván và châu mày trợn mắt ngó Ánh-Nguyệt mà nói rằng:
– Dữ hôn! Ta nhắn bữa hổm mà để đến bữa nay mới lên! Con gì mà bất hiếu lắm vậy nà! Ổng chết đã thúi hoắc rồi còn lên làm chi đó?
Ánh-Nguyệt vô tội mà bị mắng nhiếc thình-lình, nàng chưa kịp trả lời, kế nghe nói cha chết rồi, thì nàng sững sốt, mặt mày tái xanh, nước mắt chảy rưng rưng, song nàng gượng mà nói rằng:
– Té ra cha tôi chết rồi hay sao thím? Trời ôi! Ác nghiệt chi lắm vậy! Cha tôi chết hôm nào? Ðau làm sao mà chết đó? Xin thím làm phước nói dùm cho tôi biết một chút thím.
Nàng nói mấy lời rồi liền ngồi ghé nơi đầu ván, lấy vạt áo đậy mặt mà khóc. Ðỗ-Cẩm ngồi ăn trầu, miệng nhai nhóc nhách, thảm trạng dường ấy mà anh ta không cảm động chút nào. Còn Thị-Phi thì lại vọt miệng nói rằng:
– Tưởng người ta đây là mọi hay sao nên làm quá như vậy? Ở trong quán người ta gần một tháng không có trả một đồng tiền cơm, đau lại mượn tiền bạc của người ta mà uống thuốc rồi chết còn lại bắt người ta lo chôn cất nữa. Xưa rày lớp thiếu, lớp mượn, lớp tốn hao chôn cất hết thảy là 30 quan tiền. Bây giờ phải làm sao mà trả tiền liền cho vợ chồng tôi, chớ để lâu không được. Có đem tiền bạc theo đó hay không?
Ánh-Nguyệt đương đau lòng vì nỗi cha mất, mà lại còn nghe chủ quán đòi tiền nữa, thì trong lòng bối rối vô cùng. Tuy vậy mà nàng không kể chi tiếng nặng nhẹ, muốn biết coi cha chết hồi nào, nên bệu-bạo nói rằng:
– Thưa thím, sự cha tôi đau rồi mất trong nhà chú thím, làm cho chú tím cực lòng ấy là sự rủi ro, chớ không phải cha tôi muốn chi vậy. Còn chú thím thấy cha tôi đau nhiều, lật-đật nhắn cho tôi hay, ấy là ơn trọng, tôi đâu dám quên. Không biết chú thím nhắn hồi nào, chớ tôi mới hay hồi khuya hôm qua, tôi lật-đật đi liền lên đây, chớ đâu dám để trể; xin thím làm phước nói dùm cho tôi biết coi cha tôi đau bịnh chi, đau bao lâu, rồi chết ngày nào, kẻo thình-lình mà tôi nghe nói chết thì tủi lòng tôi quá.
Thị-Phi hứ một tiếng, rồi đứng dậy ngoe-nguảy bỏ đi vô buồng, và đi và nói rằng:
– Thiếu tiền người ta, không lo tính mà trả, để đi hỏi dong dài, ai làm thầy-thuốc hay sao nên biết bịnh gì mà nói.
Ðỗ-Cẩm ngồi vít đốc[19] mà nói rằng:
– Ông già em ở đậu trong quán qua được chừng mười bữa. Tới ngày thi, ổng gởi đồ đạc ở đây mà nhập trường. Ổng thi có một bữa rồi trở ra, nói ổng đau, nên thi không được nữa. Ổng về quán thì thấy ổng nằm hoài đó, ai biết ổng đau bịnh gì. Cách vài ngày ổng cậy kiếm thầy-thuốc coi mạch hốt thuốc dùm cho ổng uống. Cách vài ngày nữa thầy thuốc nói ổng đau nặng lắm, sợ cứu không được. Vợ chồng qua mới hỏi ổng gốc-gác ở đâu rồi kiếm ghe nhắn cho em hay đó. Té ra mới nhắn bữa trước tới bữa sau ổng chết.
Ánh-Nguyệt ngồi lóng tai mà nghe, chừng Ðỗ-Cẩm nói dứt rồi nàng hỏi tiếp rằng:
– Chú có nhớ cha tôi chết bữa nào hay không?
Ðỗ-Cẩm ngửa bàn tay trái ra, chỉ từ lóng tay mà đếm lầm-thầm rồi nói rằng:
– Chết hôm ngày mùng 6, đến bữa nay là 10 ngày rồi.
Ánh-Nguyệt lắc đầu thở dài, buồn thảm quá không nói chi được hết. Ðỗ-Cẩm ngó nàng và nói tiếp rằng:
– Ông già em báo hại quá! Vợ chồng qua có vốn liếng chút đỉnh, bị ổng làm tiêu hết. Bán con heo rồi cũng đút cho ổng. Lớp nuôi cơm, lớp chạy thuốc, rồi lớp mua hòm rương nữa, nghĩ thử coi tốn hao là dường nào. Bây giờ tính hết thảy ổng thiếu vợ chồng qua là 30 quan. Vậy em phải tính trả đủ cho qua, đừng có để chậm trễ mà mích lòng.
Ánh-Nguyệt lau nước mắt và đáp rằng:
– Chú thím nuôi dưỡng chôn cất cha tôi, ơn ấy trọng lắm, dầu ngàn năm tôi cũng không quên được. Cha tôi mắc nợ chú thím, phận tôi là con, tự nhiên tôi phải lo mà trả, huống chi nợ nầy là nợ ơn nghĩa, lẽ nào tôi dám chối. Ngặt vì cha con tôi nghèo khổ, mà số nợ thì nhiều quá, tôi biết làm sao mà trả nổi bây giờ. Chẳng dấu chú làm chi, hôm cha tôi đi thì tôi bán con heo với cặp áo đặng lấy tiền đưa cho cha tôi làm phí lộ mà đi đó. Thiệt bây giờ trong nhà tôi không còn một vật gì đáng năm ba tiền hoặc một quan, nên bán trả cho chú được. Ðây sự sản của tôi có một quan tiền mà thôi“. Ánh-Nguyệt lần lưng mở quan tiền mà để nằm dài trên ván, rồi ngồi bẹp xuống đất, ngay trước mặt Ðỗ-Cẩm, và lạy và nói rằng: „Xin chú thương phận tôi nghèo hèn côi cút tội nghệp. Nếu tôi giàu có như người ta thì chẳng những là tôi trả nợ của cha tôi, mà tôi còn phải đền ơn cho chú thiếm thập bội nữa mới vừa.
Thị-Phi ở trong buồng bước ra đứng chóng nạnh hai tay mà nói lớn rằng:
– Trời ơi, thiếu người ta 30 quan tiền, bây giờ trả có một quan rồi lạy mà trừ hay sao? Húy! Ðược đâu nà! Làm sao thì làm, phải trả cho đủ, chớ thiếu một đồng cũng không được nữa đa.
Ánh-Nguyệt và khóc và đáp rằng:
– Thưa thím, tôi có bao nhiêu đó mà thôi, bây giờ biết làm sao. Thôi, để sáng tôi đến viếng mộ của cha tôi, rồi tôi về bán hết nhà cửa được bao nhiêu tôi đem thêm cho chú thím.
Thị-Phi hỏi rằng:
– Nhà tốt hôn? Bán chừng được bao nhiêu tiền?
– Thưa, có một cái nhà lá 2 căn; mà tôi sợ bán không ai thèm mua mới khổ nữa.
– Nếu vậy thì đòi về bán nhà nỗi gì? Bộ khi muốn kiếm chước mà trốn hay sao? Tưởng người ta dạy lắm đa há, nên bày mưu mà gạt!
– Thưa thím, tôi nói thiệt, chớ tôi đâu dám gạt. Như chú thím có sợ tôi trốn thì chú hoặc thím đi theo tôi; hễ tôi bán nhà cửa được bao nhiêu thì lấy hết mà trừ.
– Nói chòi lá mà bán bao nhiêu tiền, nên phải đi theo. Không được, làm sao cũng phải trả cho đủ tiền rồi đi về mới được, nếu không trả thì phải đi đến quan.
– Thưa thím, tôi không có tiền, như thím thương thì tôi nhờ, còn như không thương thì tôi chịu, chớ biết làm sao bây giờ.
– Ờ, thôi để sáng rồi sẽ hay. Bây giờ khuya rồi, nếu mà đôi co hoài thêm hao dầu của tôi, chớ không ích gì.
Ðỗ-Cẩm nghe vợ nói như vậy liền đứng dậy đi ra sân khép cái cửa tre lại, rồi trở vô nhà sập cửa gài kín mích. Anh ta quăng cái gối trên ván biểu Ánh-Nguyệt nằm đó mà ngủ, vói tay lấy quan tiền và tắt đèn, vợ chồng dắt nhau đi vô buồng.
Ánh-Nguyệt nằm co dựa góc ván, nước mắt tuôn dầm-dề. Nàng đau lòng về nỗi cha chết mà không thấy mặt con, không trối được một lời rồi nàng lại rộn trí về nỗi nợ đòi không biết làm sao có tiền mà trả. Mà dầu không tiền nàng cũng ít lo, nghĩ vì cái thân của nàng nếu phải bán mà trả nợ cho cha, thì nàng cũng sẵn lòng mà bán liền. Nàng buồn là buồn hài cốt của cha nằm nới đất khách quê người, ngày sau sợ khó mà viếng thăm mồ mả cho thường được.
Nàng nằm suy tới tính lui, rồi nghe hai vợ chồng Ðỗ-Cẩm nói chuyện xầm-xì trong buồng. Nàng trông sáng cho mau đặng cậy Ðỗ Cẩm dắt chỉ dùm mồ mả cho nàng biết, bởi vậy nàng thổn-thức hoài, ngủ không được.
Trời vừa rựng đông thì nàng đã thức dậy rồi; nàng ngồi khoanh tay mà chờ vợ chồng Ðỗ-Cẩm. Chừng trời sáng thiệt mặt, nàng thấy Thị-Phi dậy chống cửa nàng mới nói nhỏ nhẹ rằng:
– Thưa thím, không biết mộ của cha tôi chôn gầy đây hôn, xin thím làm ơn chỉ dùm đặng tôi ra đó lạy cha tôi cho thỏa lòng một chút.
Thị-Phi châu mày nói rằng:
– Lật đật dữ hôn! Nợ của người ta đây không lo, để lo đi ra mả mà lạy! Lạy rồi ổng sống dậy mà trả nợ được hay sao? Không được, phải chạy mà trả cho đủ 30 quan tiền rồi mới được đi.
Ánh-Nguyệt đáp rằng:
– Tôi đã thưa với chú thím rằng tôi không có tiền, bây giờ thím đòi, tôi biết lấy chi mà trả“.
Thị-Phi trợn mắt nói rằng:
– Nếu không trả thì phải tới quan, chớ mắc nợ người ta, bây giờ nó không có tiền rồi thôi hay sao?
Ánh-Nguyệt cúi đầu lặng thinh, không dám nói chi hết. Ðỗ-Cẩm thức dậy, nói chuyện gì với vợ ở nhà sau không biết, mà một lát anh ta bước ra biểu Ánh-Nguyệt phải đi với anh ta lên Huyện. Ánh-Nguyệt thuở nay chưa tới quan lần nào, nên nghe biểu lên Huyện thì nàng sợ, song sợ mà cũng phải đi, bởi vì mình mắc nợ người ta bây giờ cải chối sao được.
Lên tới trước mặt quan Huyện, Ðỗ-Cẩm thưa hết đầu đuôi mọi việc cho quan Huyện nghe và xin ngài dạy Ánh-Nguyệt phải trả đủ số nợ của Lý-kỳ-Nguyên là 30 quan tiền. Quan Huyện liếc ngó Ánh-Nguyệt rồi chúm-chím cười và hỏi Ánh-Nguyệt quả có thiếu số tiền đó hay không. Ánh-Nguyệt ngồi xuống mà lạy và chịu có thiếu, song nàng cũng thưa thiệt bây giờ nàng không có tiền mà trả.
Người làm quan đổi vui ra giận thiệt mau. Quan Huyện mới cười đó, mà rồi ngài lại giận, trợn mắt nạt rằng:
– Hễ thiếu nợ người ta thì phải trả, chớ chịu có thiếu rồi nói không có tiền sao được. Có thằng lính nào đó, bây ra dắt nàng nầy đem giam trong khám cho tao.
Lính liền nắm tay dắt Ánh-Nguyệt đi ra phía sau. Ðỗ-Cẩm xá quan Huyện mà về.
Ông sáu Thới thấy Ánh-Nguyệt đi kiếm quán Ðỗ-Cẩm mà sao trọn một ngày một đêm nàng không trở xuống ghe, ông lấy làm lạ, nên sáng bữa sau ông đi kiếm. Chừng ông nghe nói Lý-kỳ-Nguyên đã chết lâu rồi, còn Ánh-Nguyệt thì bị quan Huyện nhốt vào khám ông không rõ duyên cớ nên ông đau lòng tha thiết, chắt lưỡi lắc đầu, rồi trở xuống ghe gay chèo mà về.
Nhớ nỗi cha đã buồn đứt ruột, nghĩ thân mình thêm sợ vô cùng. Ánh-Nguyệt ngồi trong khám mà gan héo mặt sầu, lớp thì tức tủi cho cha chết ở xứ người, lớp thì lo cho mình không biết làm sao mà trả nợ. Ðến tối nàng đương ngồi lo liệu, thình lình có một chú lính mở cửa khám bước vô nói rằng quan lớn cho đòi nàng lên thơ phòng cho ngài dạy việc.
Ánh-Nguyệt lật-đật đứng dậy đi theo chú lính. Khi nàng bước vô thơ phòng, thì nàng thấy quan Huyện, trạc chừng 45 tổi, trên mép dưới càm đều có râu le the vài chục sợi, đương ngồi tréo mảy chơn[20] trên ghế mà hút thuốc. Ngài ngó nàng trân-trân, mà miệng lại chúm-chím cười. Nàng sợ sệt nên đứng khoanh tay, cúi mặt xuống đất, không dám ngó ngài.
Ngài biểu chú lính đi ra ngoài, rồi bỏ chơn xuống mà nói với Ánh-Nguyệt rằng: „Nàng thiếu nợ Ðỗ-Cẩm, bây giờ nàng tính làm sao mà trả?“
Ánh-Nguyệt thưa nhỏ nhẹ rằng:
– Bẩm quan lớn, nợ con thiếu ở đây là nợ nhân nghĩa, bởi vậy con lo hết sức. Ngặt vì nhà con nghèo, phận con là gái, mà số nợ thì nhiều, bởi vậy con không biết làm sao mà trả được, xin quan lớn thương dùm thân con.
– Nàng muốn khỏi trả nợ ấy hay không?
– Bẩm quan lớn, con muốn như vậy sao phải. Vả chăng vợ chồng chú Ðỗ-Cẩm nuôi dưỡng cha con gần một tháng, mà chừng cha con chết, chú lại còn lo chôn cất nữa. Cái ơn ấy là ơn trọng. Phận con làm con, con phải ghi tạc trong lòng. Chớ chi con giàu có, thì con sới gia tài mà chia cho chú, con mới vừa lòng, có lẽ nào có 30 quan tiền mà con thối thác không chịu trả.
– Nàng thiệt thà nên không hiểu. Vợ chồng thằng Ðỗ-Cẩm là quân chặt đầu lột da người ta, chớ không phải làm nhơn nghĩa gì đâu. Cha nàng đi thi có lẽ cũng có đem theo tiền bạc chút đỉnh chớ?
– Dạ, bẩm có năm sáu quan tiền, vì nhà con nghèo nên đâu có tiền mà đem theo nhiều như thiên hạ vậy được.
– À, quả thiệt hôn! Năm sáu quan tiền ít lắm hay sao? Cha nàng ở đó có một tháng mà tiền cơm hết bao nhiêu. Còn nó nói uống thuốc, có bằng cớ gì đâu mà tin được. Việc chôn cất chắc nó cũng làm sơ-sịa không tốn hao bao nhiêu, bởi vậy có gì đâu mà vợ chồng nó tính tới 30 quan. Phải là vợ chồng nó muốn ăn cướp nàng không hử?
Ánh-Nguyệt nghe quan Huyện nói như vậy thì nàng đứng ngẫm nghĩ một hồi rồi đáp rằng:
– Bẩm quan lớn, bề nào ơn nghĩa của vợ chồng chú Ðỗ-Cẩm cũng trọng lắm, bởi vậy có lẽ nào con dám nghi bụng chú.
Quan Huyện cười ngất rồi ngó ngay Ánh-Nguyệt mà nói rằng:
– Nàng khờ dại quá! Thôi, nàng muốn nói vợ chồng Ðỗ-Cẩm tử tế thì tự ý, ta cải làm chi. Vậy bây giờ nàng làm sao mà trả nợ, đâu nàng bẩm cho ta nghe thử coi?
– Bẩm quan lớn, xin quan lớn thương dùm phận con.
– Ta thương lắm chớ! Ta thương nên đêm hôm vắng-vẻ ta mới kêu nàng vào đây mà nói chuyện.
Quan Huyện nói mà chúm-chím cười còn mắt thì liếc ngó Ánh-Nguyệt. Có lẽ nàng thấu hiểu mấy lời của quan Huyện mới nói đó là lời xiên-xẹo hay sao, mà nàng mắc cỡ nên gò má ửng hồng, mặt cúi xuống đất, rồi mới nói tiếp rằng:
– Bẩm quan lớn, xin quan lớn làm phước tha con về con bán hết nhà cửa coi được bao nhiêu, còn thiếu bao nhiêu con bán thân con nhập cho đủ số 30 quan đem lên mà trả cho vợ chồng chú Ðỗ-Cẩm.
Quan Huyện cười nữa và nói rằng:
– Dại quá! Nàng ở đây với ta thì khỏi trả đồng nào hết. Nàng chịu hôn?
Ánh-Nguyệt chưa kịp trả lời, thình lình quan Huyện vói níu tay nàng mà kéo, nàng thất kinh, giựt tay, và bước sụt ra đứng dựa cửa. Quan Huyện cười và đưa tay ngoắc nàng mà nói rằng:
– Làm giống gì vậy? Vào đây, vào đứng gần ta nói cho mà nghe.
Nàng xích vô có một bước, rồi khoanh tay đứng đó. Không dám lại gần quan lớn nữa.
Quan Huyện nói rằng:
– Ta thấy nàng nghèo hèn mà có sắc nên ta thương, nên ta muốn làm phước cứu nàng. Vậy nàng ở đây hầu ta. Nàng khỏi trả nợ, khỏi ở đợ cực khổ, biết hôn? Ði xê lại đây ta biểu một chút.
Quan lớn nói rồi đưa tay ngoắc nữa. Áng-Nguyệt biến sắc, nghẹn hầu, nữa giận, nữa sợ, không nói chi được hết. Quan Huyện đứng dậy miệng cười, chơn bước lần lại chỗ nàng đứng và tay vói níu nàng nữa. Ánh-Nguyệt hất tay quan lớn, ngước mặt ngó ngay và nói rằng:
– Bẩm quan lớn, quan lớn là cha mẹ của dân, quan lớn phải giữ thể diện chớ sao lại làm việc trái đời như vậy? Phận con tuy nghèo, song con vốn con nhà nho học, con biết lễ nghĩa chút đỉnh, có lẽ nào con vì chữ bần mà phải bán cái danh tiết của con sao? Xin quan lớn hãy đứng xê ra, nếu quan lớn làm trái đạo nghĩa, thì ắt con phải thất lễ với quan lớn đa.
Lời nàng nói dịu dàng, mà giọng nàng nghe cứng cỏi, mặt nàng lại nghiêm-nghị, bởi vậy quan lớn tuy giận, song ngài kiên sợ, nên ríu-ríu trở lại ghế mà ngồi, rồi kêu lính biểu dắt Ánh-Nguyệt đem giam lại dưới khám.
Sáng bữa sau quan Huyện cho đòi Ðỗ-Cẩm đến hầu. Khi Ðỗ-Cẩm đến rồi, ngài mới dạy lính dắt Ánh-Nguyệt lên. Ngài thấy Ánh-Nguyệt thì sắc mặt ngài đầm-đầm, cặp mắt ngó lườm-lườm và nói rằng:
– Lý-Ánh-Nguyệt đã chịu có thiếu của Ðỗ-Cẩm 30 quan tiền thì phải trả liền đủ. Nếu không có tiền thì phải ở cố công cho chủ nợ, chừng nào có tiền trả đủ rồi mới được về. Thôi Ðỗ-Cẩm dắt con nầy về nhà mà bắt nó làm công việc, nếu nó trốn, thì lập tức phải đến báo cho ta hay.
Ðỗ-Cẩm lạy quan Huyện rồi bước ra. Ánh-Nguyệt ríu-ríu đi theo, sắc mặt như thường, coi không buồn mà cũng không giận.
[1] đờn kìm, đờn nguyệt
[2] loại chuối có hột như hột tiêu
[3] rũ teo
[4] lôi cuốn
[5] gà tơ, mới „nhổ giò“, chưa mọc đủ lông
[6] mèo có lông xám, có sọc dọc theo thân như sọc của trái mướp
[7] lộ phí
[8] bay qua bay lại
[9] màng tang: thái dương
[10] trâm cài đầu và dải mũ; dùng để chỉ dòng dõi quyền quý, cao sang
[11] 閥閱 viết công trạng vào giấy hay tấm ván rồi nêu ra ngoài cửa, bên trái gọi là phiệt, bên phải gọi là duyệt
[12] căng dây đờn cho đúng giọng.
[13] xuôi xị, xuôi xuội: có vẻ mệt mỏi
[14] thổi than hoặc rơm đang ngún cho ra ngọn lửa. Bếp lửa ngún đốt về đêm cốt để có khói, đuổi muỗi
[15] thúng nhỏ đựng gạo
[16] cây cùng họ với thầu dầu, thân mềm ba cạnh, có chứa mủ trắng, lá thoái hoá thành gai, trồng làm hàng rào
[17] lún phún, thưa
[18] mắt hí, vừa hẹp vừa ngắn, chỉ người gian ác
[19] đốc: phần tim đèn bị cháy cùn lại, vít đốc: vít cho rơi cái đốc
[20] đùi nọ gát lên đùi kia
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.