Ngọn cỏ gió đùa

Chương 6



Ðỗ-Cẩm ít nói mà tánh lại xảo trá; còn Thị-Phi nói nhiều mà tánh lại hỗn hào. Hai vợ chồng tánh ý khác nhau, nhưng mà thuở nay ở chung với nhau một nhà, chẳng hiểu là tại vợ phục trí xảo của chồng, hay là tại chồng sợ thói hỗn của vợ, mà ít ai thấy vợ chồng rầy rà cùng đánh lộn.

Ánh-Nguyệt vưng lời quan phân xử, về ở đợ cho vợ chồng Ðỗ-Cẩm, thân nàng cực khổ sỉ nhục không kể xiết. Tuy nhà nàng nghèo mặc dầu, nhưng mà từ nhỏ chí lớn nàng quen nấu cơm, xúc cá, may áo, hái rau, chớ nàng chưa từng làm những việc nặng nề cực nhọc.

Hôm nay vợ chồng Ðỗ-Cẩm bắt nàng làm như tôi mọi, tuy cho ăn no mặc ấm, song mỗi ngày làm công việc không hở tay: bữa thì dang ngoài nắng cuốc đất giâm khoai, bữa thì dầm ngoài mưa đốn cây nhổ cỏ, bữa thì lội xuống sông kéo lưới tay mà bắt cá, bữa thì vô trong rừng mót củi khô mà gánh về. Nhiều bữa nàng làm ban ngày đã mỏi mệt rồi, mà ban đêm còn phải thức xay lúa giọt gạo[1], chớ không nghỉ ngơi được.

Thân nàng thiệt cực khổ đáo để, mà vợ chồng Ðỗ-Cẩm không thương, có nhiều khi nàng không có lỗi chi trọng, mà Thị-Phi chưởi bới đánh đập tưng bừng, coi nàng cũng như con thú ở trong nhà, chớ không phải là gái má phấn, môi son, đờn hay, học giỏi.

Ý hị! Cha mắc nợ có 30 quan tiền mà thân con phải đi làm tôi mọi, nghĩ đáng tức tủi hay không! Mà làm tôi mọi cho người, cực khổ sỉ nhục đáo để như vầy rồi đến chừng nào mới mãn hạn? Việc ấy quan không định, mà Ánh-Nguyệt cũng không hiểu!

Cái kiếp của Ánh-Nguyệt hoạn nạn như vầy, dầu có dịp chi vui nàng cũng chẳng hề vui được. Nhưng mà thiệt cũng lấy làm kỳ cho nàng, dầu chịu cực khổ sỉ nhục, song nàng cũng chẳng hề để bụng phiền hà bao giờ. Nàng thầm nghĩ phận nàng là gái, lúc cha ương yếu nàng không dưỡng nuôi, lúc cha tỵ trần nàng không tống táng, vợ chồng Ðỗ-Cẩm thế cho nàng mà lo cơm cháo thuốc men, rồi lại chôn cất nữa, ơn ấy rất nặng, nghĩa ấy rất dày, bây giờ nàng không có tiền thì phải đem thân làm trâu ngựa mà đền đáp ơn nghĩa cho người, nếu vì cực khổ mà phiền trách thì ai cho mình là gái biết ơn nghĩa. Bởi nàng nghĩ như vậy nên chịu cực nàng không buồn, bị đánh nàng không giận, cứ giữ một tánh trung tính cung kỉnh vợ chồng Ðỗ-Cẩm luôn luôn.

Vả khi mới đi về ở với vợ chồng Ðỗ-Cẩm, nàng hỏi thăm biết mồ mả của cha, bởi vậy hễ có buồn thì nàng ra đó viếng thăm, khi thì ôm đất bồi núm mả thêm cho cao, khi thì nhổ cỏ quét rác chung quang mả cho sạch, làm như vậy rồi sự buồn của nàng bao nhiêu đều tiêu tan hết.

Ánh-Nguyệt ở đợ hơn một năm, vì làm công việc nặng nề, nên mấy ngón tay móng gảy, hai bàn tay chai cứng nhưng mà nước da của nàng cũng còn trắng như dồi phấn, gương mặt của nàng cũng còn sáng như trăng rằm, tướng đi của nàng còn dịu-dàng, giọng nói của nàng cũng còn nho-nhã.

Một buổi chiều, trời khô-khan, gió mát mẻ. Hai vợ chồng Ðỗ-Cẩm ngồi trong nhà mà nói chuyện, còn Ánh-Nguyệt xách chổi ra sân quét lá cây rụng, rồi hốt đem bỏ dựa hàng rào.

Có một người trai chừng 25, 27 tuổi, đầu vấn khăn đen, tác cao mà ốm, da trắng, mặt thỏn, đi ngang qua nhà Ðỗ-Cẩm, cặp mắt ngó chăm chỉ vô sân, rồi thủng-thẳng bước chậm chậm mà ngó hoài. Tên trai ấy đi qua khỏi rồi, cách một lát thấy trở lộn lại nữa. Lúc tên trai ấy vừa đi tới, thì Ánh-Nguyệt ôm một ôm lá cây cũng vừa bỏ dựa hàng rào. Vả hàng rào xương rồng nầy ngăn cái sân cho phân biệt với đường đi, mà cây xương rồng thấp thấp chừng tới rún chớ không cao, bởi vậy Ánh-Nguyệt ở trong, tên trai ấy ở ngoài, hai người ngó nhau một cái, rồi Ánh-Nguyệt quày-quả trở vô quét sân, nàng chẳng hề để ý đến. Tên trai ấy ngó theo trân trân một hồi rồi mới đi.

Mấy bữa sau, buổi chiều nào tên trai ấy cũng có đi ngang qua nhà Ðỗ-Cẩm, mà hễ đi ngang thì ngó vô nhà luôn luôn. Ánh-Nguyệt vô tâm, nên nàng không thấy việc ấy. Thị-Phi vô ý nên chị ta cũng không hay, duy có một mình Ðỗ-Cẩm thấy vậy lấy làm kỳ, nên một bữa nọ anh ta đợi tên trai ấy đi trở về, anh ta làm bộ đi có việc, mới nom theo coi tên trai nầy ở đâu cho biết.

Tên trai nầy là Từ-hải-Yến, gốc ở trên tỉnh An-Giang, cha mẹ giàu lớn, công học đã dày, vưng lời cha xuống thành Gia-định du học đặng chờ khoa sau mà ứng thí. Chàng xuống tới Gia-định đã hơn một tháng rồi, ở đậu tại nhà bà đội Thỉnh mà học. Hôm nọ nhơn trời trong gió mát, chàng lần bước ra ngoài thành mà chơi, tình cờ gặp Ánh-Nguyệt đương quét sân, tuy nàng ở trong chỗ thảo lư, tuy nàng mặc áo quần lam lụ, song dung nhan tuấn tú, tướng mạo doan-trang, làm cho Hải-Yến vừa ngó thấy thì tâm-thần mờ mệt, biển ái sóng dồi, chơn không muốn đi, mắt bắt phải ngó, nên bữa đầu phải đi trở lại mà ngó một lần nữa, rồi mấy bữa sau cứ đi đến chỗ đó hoài, hễ thấy dạng Ánh-Nguyệt thì về nhà vui cười, còn bữa nào không thấy thì nằm dàu-dàu[2], không tập văn đọc sách được.

Ðỗ-Cẩm hỏi thăm biết được tánh danh, biết được chỗ ở, rồi dọ dẫm hiểu được tình ý của Hải-Yến nữa, thì trong bụng mừng thầm, nhưng mà anh ta không nói cho vợ biết, hễ chiều thì cứ bắt Ánh-Nguyệt làm công việc trong nhà sau, chớ không cho ra sân nữa.

Trọn 10 ngày Hải-Yến không thấy mặt Ánh-Nguyệt, thì chàng xót-xa bứt-rứt, ăn ngủ không được, ban ngày dỡ sách ra mà trí lại tưởng ở đâu, ban đêm đi thơ-thẩn ngoài đường, lúc ngồi dưới cội[3] trông trăng, lúc đứng trên cầu chờ nước, mà trông trăng đến trăng lặn cũng không hết buồn, chờ nước đến nước ròng càng thêm ảo-não. Ðến nông nỗi nầy chàng Hải-Yến mới biết mối sầu tương-tư có thể giết người như chơi.

Hải-Yến bưng-khuâng đêm ngày chịu không được, nên một bữa nọ chàng mặc y phục tử-tế rồi đến nhà Ðỗ-Cẩm. Ðỗ-Cẩm vừa thấy chàng bước vô tới sân, thì gặt đầu, chúm-chím cười. Anh ta chào hỏi bãi buôi, lật-đật mời ngồi.

Hải-Yến ngó quanh quất rồi nói rằng: “Tôi là học trò ở phương xa du học, đến đây đã gần vài tháng rồi. Ở trong thành bực bội, mà lại đông người rầy rà, tôi học không tiện, nên muốn kiếm nhà ở ngoài cho yên tịnh đặng ôn nhuần kinh sử cho dễ. Tôi thấy nhà chú rộng rãi, mà lại chung quanh có cây mát mẻ, nên đến đây xin chú làm ơn cho tôi ở đậu một ít lâu, không biết có được hay chăng?”

Ðỗ-Cẩm cười mà không trả lời, lại kêu Ánh-Nguyệt biểu lấy trầu cau đem cho khách ăn. Ánh-Nguyệt ở trong buồng bước ra, Hải-Yến ngó thấy mặt, thì trong lòng khoăn-khoái, mừng mà không dám ngó, vui mà sợ, nên ngồi bợ ngợ vô cùng. Ðỗ-Cẩm liếc thấy, hiểu ý Hải-Yến vì tình nên đến xin ở đậu, bèn cười và nói rằng:

–         Chẳng phải tôi hẹp gì với cậu, ngặt vì nhà tôi xịch-xạc[4], sợ e không có chỗ cho cậu ăn nằm cho xứng đáng. Ðã vậy mà phận tôi nghèo nàn, thiếu trước hụt sau, nên tôi sợ không có đủ cơm gạo mà nuôi cậu được.

Hài-Yến đáp rằng:

–         Không hại gì, miễn là chú cho tôi một bộ ván thì đủ rồi. Còn việc cơm gạo thì tự chú định mỗi tháng tôi trả cho chú bao nhiêu cũng được. Như dù có nghèo lắm, muốn lãnh trước chút đỉnh, tôi cũng đưa cho.

Ðỗ-Cẩm ngồi ngẫm nghĩ một hồi rồi gãi đầu nói rằng:

–   Tôi tuy dốt nát, song tôi có lòng thương con nhà học-trò lắm. Khoa trước tôi cũng có nuôi học trò ở trong nhà. Chớ chi tôi giàu có như người ta, thì cậu ở không cũng được, chẳng cần phải trả tiền, chừng nào thi đậu rồi sẽ đền ơn. Ngặt tôi nghèo quá, vậy nếu cậu muốn ở thì cho tôi mỗi tháng năm quan.

–   Ðược. Hổm nay tôi ở trong nhà bà đội Thình, bà tính cho tôi mỗi tháng 3 quan. Ở đây rộng rãi thanh vắng, vậy chú tính năm quan cũng được.

Ðỗ-Cẩm thấy Hải-Yến chịu liền như vậy, thì tiếc mình không đòi nhiều hơn nữa, nên anh ta nghĩ một hồi rồi nói rằng:

–   Hồi nãy cậu có nói như tôi muốn mượn tiền cũng được. Vậy cậu làm ơn cho tôi mượn chút ít đặng mua lúa gạo.

–   Ừ, được. Ðể tôi cho chú mượn vài ba nén bạc. Thôi để tôi về tôi thâu xếp đồ đạc, rồi chiều tôi dọn ra đây tôi ở nghé.

Ðỗ-Cẩm gặt đầu lia-lịa, vì nghe nói cho mược trước vài ba nén thì mừng quýnh.

Hải-Yến vừa ra khỏi cửa, thì Thị-Phi ở trong buồng bước ra nói lớn rằng:

–         Mình ngốc quá! Bộ thằng đó giàu lắm, mình sợ giống gì mà đòi tiền cơm một tháng có 5 quan, không dám đòi nhiều hơn?

Ðỗ-Cẩm lấy tay khoát vợ và nói nhỏ-nhỏ rằng:

–         Ai dè nó giàu! Mà thôi mầy đừng nói gì hết, để đó mặc tao. Chuyến nầy tao trúng mối lớn rồi tao hết lo nghèo nữa.

Thị-Phi châu mày đáp rằng:

–         Hứ! Thứ nó ở một tháng 5 quan, nó ăn cơm vài quan, mình té[5] giỏi lắm là 3 quan, chớ bao nhiêu đó mà giàu.

Ðỗ-Cẩm ngó chừng trong buồng rồi nói nhỏ-nhỏ với vợ rằng:

–         Ậy! Mầy đừng có cãi mà! Thằng đó mê con Ánh-Nguyệt nên nó mới tới đây mà xin ở đậu, biết hôn? Ðể mình lấy con Ánh-Nguyệt làm mồi mà câu nó. Hễ nó mắc mồi rồi thì tiền bạc của nó có bao nhiêu là tiền của mình chớ gì, hiểu chưa? Ấy vậy, mầy phải biểu con Ánh-Nguyệt tắm rửa cho sạch sẽ, mặc áo quần cho tử tế. Từ rày sắp lên đừng có bắt nó làm công việc nặng-nề nữa, hễ thằng đó có hỏi thì mình nói Ánh-Nguyệt là con nuôi nghe hôn. Mầy cứ nói y theo lời tao dặn, đừng có cãi gì hết, thì xong việc, nhớ hôn?

Thị-Phi hiểu rõ ý chồng rồi thì cười và gặt đầu lia-lịa.

Vợ chồng Ðỗ-Cẩm lo quét tước nhà cửa sạch sẽ, chừa một bộ ván cho Hải Yến nằm lại nhắc một cái ghế để gần đó cho chàng để sách vở. Dọn dẹp xong rồi, Thị-Phi biểu Ánh-Nguyệt tắm gội, thay đổi áo quần. Ðỗ-Cẩm thấy Ánh-Nguyệt biểu đâu làm đó thì vui mừng, nên kêu ra nói dịu ngọt rằng:

–         Nầy cháu, từ hồi năm ngoái đến nay, vì vợ chồng chú nghèo nên thân cháu mới cực khổ, chớ không phải chú thím ghét go gì đó. Từ rày về sau, chú có cho người ở đậu, nên chắc là trong nhà chú hết túng rồi nữa. Vậy cháu đừng có làm nhọc nhằn như trước nữa, nghe hôn cháu. Thuở nay cháu cực, xin cháu đừng phiền, ấy cũng vì chú thím thương ông già cháu nên  hóa ra nghèo, cháu mới cực, chớ không phải chú muốn chi vậy. Thôi, từ rày sấp tới ai có hỏi thì cháu nói là con cháu trong nhà, chớ đừng có nói ở đợ ở đần gì hết.

Ðỗ-Cẩm vừa nói tới đó thì thấy Hải-Yến đã bước vô sân, lại có một người vác rương tráp theo sau. Anh ta lật-đật chạy ra tiếp rước, phụ dọn đồ lăng-xăng. Thị-Phi cũng vui cười và hối Ánh-Nguyệt đi nấu nước cho khách uống, Hải-Yến sắp sách vở, dọn rương trắp, móc cây đờn cầm trên vách, để bút nghiên trên ghế, rồi mở rương lấy cho Ðỗ-Cẩm 3 nén bạc.

Cả nhà vui hết thảy, nhưng mỗi người vui riêng một thế, vợ chồng Ðỗ-Cẩm vui vì có bạc tiền, Hải-Yến vui vì được gần gũi người yêu, còn Ánh-Nguyệt vui vì hết cực khổ.

*

*     *

Từ-hải-Yến được ở yên nơi, mà lại được gần người mình hoài vọng, thì trong lòng thơ thới, bởi vậy vừa mới tối thì chàng đốt đèn rồi lấy sách ra mà đọc. Ánh-Nguyệt không rõ tình ý của chàng, nên ra vô dọn dẹp như thường. Có khi nàng đứng nghe Hải-Yến bình sách ngâm thi, bộ không e-lệ chút nào hết.

Hải-Yến ngồi đọc sách, mà hễ thấy dạng nàng thì liếc mắt lưng tròng, tuy chàng không nói chi với nàng, song sắc mặt chàng coi vui lắm. Gần hết nửa canh một, vợ chồng Ðỗ-Cẩm vô buồng mà ngủ. Ánh-Nguyệt cũng vô trong mà nằm. Chỗ nàng ngủ cách bộ ván của Hải-Yến nằm có một tấm vách.

Trời khuya lần lần, tư bề vắng vẻ, chỉ nghe có giọng Hải-Yến đọc sách ngâm nga mà thôi, Hải-Yến đọc mệt rồi, mới xếp sách để trên ghế và lấy cây đờn cầm treo trên vách rồi lên dây mà đờn. Hải-Yến vốn sẵn có ngón đờn tươi, mà lại đương lúc tương-tư, rồi cái thần nó truyền ra tới mấy đầu ngón tay, bởi vậy tiếng đờn rỉ rả như nước chảy như mưa sa, giọng đờn nhỏ to như trông người như nhớ bạn. Người cảm hứng đờn nghe tiếng đờn nghe dễ cảm hứng, bởi vậy Ánh-Nguyệt nằm trong giường, nghe tiếng đờn tiêu tao, thì trong lòng nàng bát ngát vô cùng. Vả Ánh-Nguyệt có ngón đờn tuyệt diệu, thuở nay nàng chưa từng gặp ai đờn tươi hơn nàng bao giờ. Hôm nay nàng nghe tiếng đờn của Hải-Yến thanh tao thì nàng khen thầm, mà khen rồi lại bưng-khuâng, tủi tấm thân linh đinh, nhớ quê nhà diệu vợi, thương mẹ cha ngàn thu vĩnh biệt, xót liễu bồ chút phận bùn than.

Hải-Yến ở được mấy bữa, tuy hay dòm ngó Ánh-Nguyệt, chớ chẳng hề dám mỡ miệng ghẹo chọc. Còn Ánh-Nguyệt thấy Hải-Yến đọc sách, đờn cầm thì biết chàng học giỏi đờn hay, song nàng cũng không ngụ ý chi khác. Vợ chồng Ðỗ-Cẩm không quạu-quọ nữa, mà cũng không hún hiếp đày đọa Ánh-Nguyệt như xưa.

Một bữa nọ, Thị-Phi dắt Ánh-Nguyệt vào chợ mua đồ ăn, Ðỗ-Cẩm ở nhà ngồi trước cửa chẻ tre đương giỏ, Hải-Yến chà lết lại ngồi một bên hỏi thăm công việc làm ăn dông dài một hồi rồi hỏi rằng:

–         Chú có mấy người con?

–         Vợ chồng tôi không có con.

–         Còn cô Hai ở trong nhà đây là ai?

–         Nó là cháu.

–         Hổm nay tuy tôi nghe cô kêu chú bằng chú, song tôi tưởng là con gái của chú chớ.

–         Không, nó là cháu.

–         Cô còn cha mẹ gì hay không, sao cô lại ở với chú?

–         Cha mẹ nó chết hết.

–         Tội nghiệp dữ hôn! Cô có chồng hay chưa?

–         Chưa.

–         Cô được mấy tuổi rồi mà chưa có chồng?

–         Nó năm nay được 22 tuổi.

–         Cô lớn rồi, sao chú chưa kiếm người tử-tế mà gả cho cô có đôi bạn với người ta?

–         Họ thấy vợ chồng tôi nghèo, có ai dám cưới đâu mà gả.

–         Nghèo mà hại gì!

–         Thiệt cháu tôi nó có sắc một chút. Vợ chồng tôi cũng tính kiếm chỗ có tiền, đặng gả cho nó nhờ. Ngặt chưa thấy ai đi nói, bây giờ tôi biết ai đâu mà gả.

Hải-Yến nghe nói như vậy thì hiểu ý Ðỗ-Cẩm ham tiền, chàng ngồi suy nghĩ một hồi rồi, rồi kiếm chuyện khác mà nói.

Chiều bữa ấy trời mát mẻ, Ðỗ-Cẩm di lại đàng xóm mà chơi. Thị-Phi thì đi ra vườn thuốc mà thăm vườn. Hải-Yến thấy Ánh-Nguyệt ở nhà có một mình, để ý muốn ghẹo nàng, song không biết làm sao mà khởi đầu, bèn lấy cây đờn ngồi trên ván mà đờn. Chàng dụng tâm ghẹo Ánh-Nguyệt, nên lựa khúc tuyệt hiệu mà khơi động tình nàng.

Ánh-Nguyệt nghe đờn hay, thì nàng ngứa nghề, nên ra đứng dựa cửa buồng làm bộ ăn trầu đặng lóng tai mà nghe. Hải-Yến thấy nàng ra, liền ngưng đờn và hỏi rằng:

–         Tôi đờn như vậy cô nghe có vừa tai cô hay không, cô hai?

Ánh-Nguyệt mắc cở muốn chạy vô buồng, song nàng sợ thất lễ, nên day lại nói nghiêm chỉnh rằng:

–         Dạ, thưa cậu đờn đã chắc nhịp mà ngón lại tươi quá.

Hải-Yến nghe lời dịu dàng thì khoăn-khoái, mà thấy nàng khen trúng điệu thì chưng hửng nên buông đờn hỏi rằng:

–         Té ra cô biết đờn hay sao, cô Hai?

–         Dạ thưa, ông thân tôi hồi trước cũng là nhà học trò, nên có dạy tôi chút đỉnh.

–         Nếu cô biết đờn, vậy thì tôi xin cô vui lòng đờn thử chơi vài bản, được hôn?

Hải-Yến và nói và đứng dậy đưa cây đờn. Ánh-Nguyệt đưa tay mà cản và nói rằng:

–         Thưa cậu, nghề tôi vụng về, tôi đâu dám Ban-môn động phủ[6].

Vả Hải-Yến vì thấy nhan sắc mà sanh tương-tư, chớ không dè Ánh-Nguyệt là con nhà nho học. Nay nghe nàng biết đờn, lại nghe nàng nói chữ nữa, thì trong lòng càng thêm yêu chuộng, nên cứ nài-nỉ nàng đờn hoài. Nàng ái-ngại nên không dám đờn. Chàng nói rằng:

–         Bá-Nha gặp được Tử-Kỳ[7]  mà chưa chịu đờn, vậy còn để chờ ai.

Nàng biết Hải-Yến muốn ghẹo, nên thẹn mặt xây lưng đi vô buồng, và đi và nói rằng:

–         Thưa cậu, nghề tôi hèn mọn, có đáng chi mà dám sánh với Bá-Nha.

Hải-Yến ái mộ Ánh-Nguyệt lắm, muốn thử coi ngón đờn của nàng ra thể nào, nên Ðỗ-Cẩm đi chơi về chàng bèn nói với Ðỗ-Cẩm rằng:

–         Cô hai cổ biết đờn mà nãy giờ tôi mời cô đờn chơi cô không chịu đờn. Ðâu chú biểu cô đờn thử ít bản nghe chơi chú.

Ðỗ-Cẩm không dè Ánh-Nguyệt biết đờn, nên nghe nói như vậy, thì chưng hửng. Anh ta ngó Hải-Yến mà đáp rằng:

–         Không biết nó biết đờn hay không.

–         Tôi mới hỏi, cô nói cô biết.

–         Vậy hay sao?

–         Phải. Cô biết đờn mà lại biết chữ nữa. Cô nói ông thân cô hồi trước là nhà nho-học nên có dạy cô.

Ðỗ-Cẩm đứng ngó lơ-láo rồi nói trớ rằng:

–         Phải. Ông già nó hồi trước cũng là học trò như cậu vậy. Có lẽ khi ổng có dạy nó.

Anh ta nói phóng chừng chớ không dám chắc.

Thị-Phi ở ngoài sau vườn đi vô, nghe nói Ánh-Nguyệt biết đờn thì chị ta không tin, mà cũng không dám cãi. Hải-Yến muốn cho có chuyện đặng làm quen với Ánh-Nguyệt, nên theo đốc riết vợ chồng Ðỗ-Cẩm biểu nàng đờn. Thị-Phi bèn kêu Ánh-Nguyệt ra rồi nói rằng:

–         Mầy biết đờn phải hôn? Như mầy biết thì đờn thử ít chập nghe chơi.

Ánh-Nguyệt thấy Hải-Yến ngồi chong mắt ngó nàng chằng chằng[8] thì nàng mắc cỡ, nên nói xu-xị rằng:

–         Cháu hồi trước biết đờn cọt-quẹt, mà bỏ lâu quá nên còn nhớ bài bản gì đâu.

Hải-Yến rước nói rằng:

–         Không hại gì, cô nhớ câu nào thì đờn câu nấy nghe chơi. Mình ở trong nhà, chớ phải ai xa lạ chi hay sao mà mắc cỡ.

Ánh-Nguyệt dục dặc không chịu đờn. Thị-Phi muốn làm cho vừa ý Hải-Yến, là người mình đang nhờ cậy, nên trợn mắt ngó Ánh-Nguyệt và nói rằng:

–         Ta biểu đờn thì đờn đi, khéo làm bộ nhõng-nhẽo hoài!

Ánh-Nguyệt nghe lời nói xẵng thì sợ, nên ríu-ríu bước lại lấy cây đờn. Nàng cầm tới cây đờn thì nhớ thói xưa, bần hàn mà phong lưu, rồi lại mhớ tới cha, bởi vậy nàng ứa nước mắt. Phần thì nàng buồn bực, phần thì nàng thẹn thùa, nên nàng bước vô trong cửa buồng rồi ngồi ghé trên đầu giường lên dây và đờn. Tuy hơn một năm rồi nàng không rờ tới cây đờn, nhưng mà hôm nay nàng đờn chẳng chút nào lợ tay, lại đờn luôn mấy khúc không nghe lỗi nhịp. Bởi vì ngón đờn nàng đã tươi sẵn, mà lại thêm nàng lại đương buồn thảm trong lòng, nên hơi đờn nghe như oán như sầu, làm cho Hải-Yến ngồi ngoài tai lóng nghe, dạ bắt xốn xang, thậm chí vợ chồng Ðỗ-Cẩm không thông điệu đờn mà cũng biết nàng đờn hay nữa. Nàng vừa dứt bản oán rồi, thì Hải-Yến đứng dậy nói lớn rằng: “Trời ơi, ngón đờn cô tuyệt diệu, mà cô nói cô biết chút đỉnh chớ! Tôi ở trên An-Giang xuống tới đây, chưa từng nghe ai đờn bằng cô. Cô hai ơi, mời cô ra cho tôi hỏi thăm một chút”.

Ánh-Nguyệt ngồi đờn mà trong lòng nàng hoài cảm, nên nước mắt chảy rưng-rưng. Thình-lình nàng nghe Hải-Yến kêu, nàng lật đật lấy vạt áo lau nước mắt, rồi cầm đờn thủng-thẳng bước ra.

Thị-Phi nghe Hải-Yến khen Ánh-Nguyệt đờn hay thì mừng, nên ngồi ngó nàng mà cười. Ánh-Nguyệt buồn nên sắc mặt coi càng nghiêm nghị hơn nữa. Hải-Yến nhìn mà nói rằng:

–         Người ta thường nói hễ có sắc thì có tài. Sắc cô đẹp, tự nhiên tài cô cao, nghĩ là phải lắm.

Chẳng hiểu tại Ánh-Nguyệt khiêm nhượng nên nghe khen nàng hổ thẹn hay là tại nàng nghi Hải-Yến muốn chọc ghẹo, nên nàng không chịu trả lời, mà người ta nói như vậy nàng làm lơ, không nghe, cứ ôm cây đờn đem lại để trên ván.

Hải-Yến ngó theo và nói nhỏ nhẹ rằng:

–         Cô hai, dây oán của cô tôi được nghe rồi. Không dám nào cô làm ơn đờn thêm ít bản nữa, đặng cho tôi nghe thử dây bắc với dây nam của cô coi.

Ánh-Nguyệt đáp rằng:

–         Thưa cậu, tôi học đờn nhấp nhem. Vì tôi sợ chú thím tôi rầy, nên tôi rán đờn thử một bản cho cậu nghe, tưởng cũng đủ rồi…

–   Không, cô nói khiêm nhường chi lắm vậy! Tuy tôi đờn không hay, song tôi cũng biết nghe chớ. Cô đờn đi, cô lấy đờn ngồi bộ ván bên kia mà đờn; ngồi đờn ngoài nầy đặng gần tôi nghe cho dễ.

Ánh-Nguyệt dụ-dự không muốn vưng lời. Vợ chồng Ðỗ-Cẩm thấy Hải-Yến khen ngợi mà lại quyến-luyến quá, có lẽ muốn khuấy cho mối tơ sầu tương-tư của chàng càng thêm rối nữa, nên ép riết, cực chẳng đã Ánh-Nguyệt phải bước tới lấy cây đờn. Nàng ngó quanh-quất, vừa muốn đi lại phía sau lưng Thị-Phi mà ngồi, thì Thị-Phi ngồi sụt lại rồi biểu nàng ngồi trước mặt.

Lúc ấy trời đã chạng vạng tối rồi. Con gà mái dắt một bầy gà con đi vô nhà kiếm chỗ mà ngủ, nên kêu nhau chéo-chét. Ðỗ-Cẩm thổi lửa đốt đèn rồi đem để giữa ván, dựa bên chỗ Ánh-Nguyệt ngồi. Ánh-Nguyệt ôm cây đờn mà lên dây. Bóng đèn chấp-chóa, mái tóc phất-phơ, tiếng đờn rỉ-rả nghe như khêu dạ ghẹo tình, ngón tay dịu dàng thấy bắt lưng tròng liếc mắt.

Hải-Yến ngồi bộ ván bên kia, tai thì lóng nghe tiếng đờn, mắt thì liếc nhìn không mỏi, mà trí thì mẩn-mê mê mẩn, bởi vậy ngồi tại đây, nghe ở đây, dòm ở đây, mà bụng lại nghĩ việc gì ở đâu. Ánh-Nguyệt đờn bài bắc, thì giọng đờn nghe thanh nhả, như trời xuân gió mát, nước đổ non cao; đến chừng nàng đờn qua dây nam, thì lại nghe hơi thảm sầu như tiếng oanh tìm ổ, tiếng nhạn lạc bầy, khiến cho người trong nhà ai cũng đau lòng xót dạ.

Ánh-Nguyệt đờn vừa dứt thì Hải-Yết chắt lưỡi nói rằng:

–         Cô đờn thiệt hay quá! Tôi khen thiệt chớ không phải tôi vị mặt cô. Tôi không dè trong chốn thảo-lư nầy mà có người tài sắc đến bực như cô vậy. Ngón đờn của cô tuy tươi song có lẽ cũng có người tươi bằng, chí ư cái hơi thê-thảm bàng-hoàng thì không dám chắc có một anh tài-tử nào bì kịp.

Nàng đứng dậy nói khiêm nhượng rằng:

–         Thưa cậu, hổm nay cậu đờn mấy lần, tôi nghe cũng thiệt là hay, thuở nay tôi chưa nghe ai đờn hay bằng. Cậu khen tôi chi quá vậy.

–         Không, tài của tôi đâu dám bì với cô. Nếu cô đờn hay như vậy, có lẽ khi cô cũng biết làm thi làm phú nữa chớ?

Ánh-Nguyệt vì chịu lỡ biết đờn, nàng đã nhọc lòng cực trí tự nãy tới giờ rồi, nàng thất kinh, không dám chịu biết làm thi nữa, nên nghe hỏi tới đó, nàng liền đáp rằng:

–         Thưa cậu, thân tôi nghèo cực phải lo làm ăn; hồi nhỏ ông già tôi dạy chút đỉnh vậy thôi, chớ có ngày giờ đâu mà dạy tới biết làm thi, làm phú.

Nàng nói rồi liền bỏ đi xuống nhà sau.

Hải-Yến ngó Ðỗ-Cẩm và nói rằng:

–         Cô hai đờn hay thiệt đa chú. Tài cô giá đáng ngàn vàng. Chú thím có phước lắm, mới có được một người cháu như vậy. Xin chú thím đừng có bắt cô làm công việc cực khổ tội nghiệp.

Ðỗ-Cẩm cười và đáp rằng:

–         Vợ chồng tôi không biết đờn, nên có hiểu nó đờn hay dở gì đâu. Có cậu nói đây mới hay chớ. Vọ chồng tôi nghèo, con cháu nó phải làm việc trong nhà, chớ phải là giàu có chi hay sao mà để nó ở không cho được.

Hải-Yến ngồi lơ-lửng, không nói chi nữa hết. Vợ chồng Ðỗ-Cẩm thấy khuya rồi nên gài cửa đi ngủ. Hải-Yến tính lấy sách ra đọc, song ngồi ngó ngọn đèn rồi trong dạ bâng-khuâng hoài. Chàng ngồi lặng thinh, nghe hai vợ chồng Ðỗ-Cẩm nằm trong buồng nói chuyện xầm xì, rồi một lát nghe tiếng Ánh-Nguyệt ho nho nhỏ. Chàng mài mực rồi lấy giấy viết, tính làm một bài thi để dọ tình ý Ánh-Nguyệt chơi. Chàng tính như vậy, mà chừng cầm viết mới tả có một câu “Ðào-nguyên lạc bước gặp tiên nga”, rồi chàng lại nghĩ rằng nàng nầy nói biết đờn chút đỉnh, mà rồi nàng đờn hay hơn mình. Hồi nãy nàng nói không biết làm thi, mình chẳng nên tin. Mình làm thi không được tao nhã. Nếu mình đưa thi cho nàng mà nàng chê thì khổ. Ở một nhà cần gì phải nói xa nói gần. Ðể mình làm quen nói chuyện lần lần, rồi đợi bữa nào nàng  ở nhà một mình, thì mình tỏ đại tình ý của mình cho nàng biết cũng được mà. Nàng là con nhà nghèo, mình học giỏi lại có tiền bạc nhiều, có lý nào mình nói mà nàng không xiêu lòng.

Chàng tính như vậy rồi dẹp giấy mực tắt đèn nằm ngủ.


[1]  giả gạo với chày tay

[2] ủ dột, có nét buồn

[3] gốc cây lớn: chim xa rừng thương cây nhớ cội

[4] xiêu vẹo

[5] thừa ra, dư ra

[6] múa búa trước cửa Lỗ Ban: Lỗ Ban là tổ sư của ngành mộc, không ai có nghệ thuật dùng búa bằng ông. Thành ngữ nầy ý nói là không dám khoe  tài nghệ trước mặt người tuyệt giỏi.

[7] hai người bạn tri âm đời Xuân Thu

[8]  không rời, không dứt


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.