Người Lạ Trong Gương

CHƯƠNG 4



Sân khấu hài kịch từng đã rất phát triển ở Mỹ, đến vài chục năm trời, trước khi rạp Palace đóng cửa vào năm 1932. Đây là nơi vào nghề, cũng là nơi tập dượt, thử thách của các diễn viên hài trẻ tuổi mong muốn nhanh chóng khẳng định mình trước đám khán giả thưởng thức thì ít mà chọc phá thì nhiều. Không ít diễn viên đã đạt được mục đích từ “lò” đào tạo ấy, trở nên nổi tiếng cả về tài lẫn về tiền, thí dụ như Eddie Cantor, Jolson, Benny, Abbott, Burns và anh em nhà Marx, cùng nhiều người khác nữa. Họ biểu diễn trên sân khấu trong các chương trình riêng, biểu diễn cả trong các câu lạc bộ hoặc khách sạn, hộp đêm mà tên tuổi của nó cũng nổi không kém họ. Toby chưa được cái vinh quang đó. Anh cũng diễn hài trong các câu lạc bộ, các hộp đêm nhưng nếu gọi cho sát hơn cái thực tế của nó thì phải gọi là hệ thống nhà vệ sinh, tức là các quán rượu nhỏ và tồi tàn, bẩn thỉu mọc nhan nhản khắp nước Mỹ. Khách khứa vào đây toàn dân lao động chân tay, ăn cho kỳ no, uống cho tới say, nôn oẹ thì cũng cho bằng hết. Ngoài ra, họ vào quán để ngắm các cô gái múa thoát y, và để được cười. Gái xấu, hoặc chuyện hài mà không cười nổi, là họ chửi rủa, la hét, và ném vỏ chai vào diễn viên. Nơi đây, chỗ hoá trang thường là một góc, xó nào đó, nếu không sặc mùi thức ăn thiu thối thì cũng nồng mùi nước tiểu trộn nước hoa rẻ tiền pha lẫn mùi mồ hôi chua loét. Nhà vệ sinh thì bẩn tới mức chỉ kẻ say mới dám bước vào, còn các diễn viên thì cứ thản nhiên đái vào chậu rửa mặt. Thù lao ư? Vô giá. Tức giá nào cũng là có thể. Một bữa ăn, thậm chí một chiếc bánh mì. Song cũng có khi lại là năm, bảy, thậm chí mười lăm đôla. Nó tuỳ thuộc hoàn toàn vào thái độ của người xem.
Cái hệ thống nhà vệ sinh đó chính là trường học của Toby Temple. Khổ sở và cả gai góc đấy nhưng nó dạy cho anh bao nhiêu là mưu mẹo, mánh khoé dể sống, để thực hiện giấc mơ. Toby biết cách phân biệt sự la hét vô thức của đám say với cái chọc phá cố tình của lũ mất dạy. Không bao giờ anh lầm lẫn hai loại này với nhau, và nó rất quan trọng để giúp anh tìm ra cách xử lý với mỗi loại.
Anh tự lên chương trình biểu diễn, gồm những bài hát dân gian đã bị xuyên tạc lời; bắt chước điệu bộ và giọng nói của các ngôi sao ca nhạc, sân khấu, điện ảnh; các trò học lỏm được từ các danh hài, là những người có khả năng thuê người khác viết kịch bản cho riêng mình. Anh không sợ mang tiếng, vì hầu hết đám diễn viên có cảnh ngộ tương tự anh đều làm vậy, và họ đâu có thèm giấu giếm gì. “Tôi sẽ sắm vai Jerry Lester”. Người nào nói vậy là ngầm khoe mình đã “thuổng” vở của Lester đấy. Rồi lại còn tuyên bố “Và tôi diễn còn hơn chính cả Lester. Hãy đến xem”. Hoặc anh khác thì “Giá mọi người được xem tôi sắm vai Red Skelton”.
Toby diễn đủ trò, chẳng chừa gì, chẳng kiêng gì cả. Giương đôi mắt xanh biếc và ngây thơ lên, anh nhìn vào đám đông, ngơ ngác hỏi “Các vị đã thấy người Eskimo đái chưa? ”. Anh đặt tay vào cửa quần, và người ta thấy từng cục băng nhỏ rơi xuống. Tuy nhiên, anh cũng luôn sắn trò thay thế khi cảm thấy vỏ chai chuẩn bị bay tới chỗ mình.
Và luôn luôn Toby nghe thấy tiếng xả nước ở nhà vệ sinh khi đang biểu diễn.
Toby di chuyển chủ yếu bằng xe buýt, từ hộp đêm này đến quán rượu kia, và thuê những nhà trọ rẻ tiền nhất để ở, ăn uống thì kham khổ, vừa nhai vừa thèm thuồng nhìn những món ăn ngon trên bàn kế bên. Anh đệm bìa vào giầy che lỗ thủng, lấy phấn xoa trắng cổ áo để đỡ tốn tiền giặt. Khổ cực anh chịu nổi nhưng sự cô đơn đã huỷ hoại anh biết bao. Dường như trên cả trái đất mênh mông với hàng tỷ con người sinh sống này, không một ai quan tâm đến anh, thậm chí nghĩ tới anh, còn sống hay đã chết? Lâu lâu anh cũng gọi về cho cha, nhưng chủ yếu vì nghĩa vụ con cái chứ không vì thương yêu. Mỗi ngày anh mỗi bị dày vò hơn bởi thiếu người thổ lộ nỗi lòng và chia sẻ ước mơ. Anh nhìn một cách thèm thuồng và ghen ghét với những kẻ làm cùng công việc như anh nhưng nổi danh và giàu có hơn anh gấp vạn lần. Sau mỗi buổi diễn, họ ra về trên những chiếc xe hơi đắt tiền, khoác vai những co gái lộng lẫy hẳn cũng đắt tiền chẳng kém chiếc xe. Bao giờ anh sẽ như họ?
Bây giờ, anh còn đang phải chống chọi với nỗi khiếp sợ mỗi khi thất bại, bị người xem la ó hoặc ném vỏ chai, hoặc bị đuổi xuống trước khi bắt đầu. Thất bại trong biểu diễn, với anh, là rơi xuống đáy, là không còn gì tồi tệ hơn, là tận cùng của sự thảm hại. Lúc đó, anh chỉ muốn giết hết đám đông ngu muội và tàn nhẫn kia, rồi sau đó giết chính mình. Lúc đó anh chỉ mong sao mình căm thù được sân khấu, ghét bỏ được ước mơ, để mãi mãi không phải đứng trên đó mua vui cho thiên hạ. Thà anh làm thợ mộc, phu khuân vác, hoặc chọc tiết bò, pha thịt lợn như bố mẹ còn hơn.
Anh thực lòng mong vậy đó, để rồi ngay tối hôm sau lại đứng dưới ánh đèn sân khấu, lại nhăn nhó hay cười cợt để rồi có thể lại nhận những lời la ó kèm hay không kèm vỏ chai.
Có một chuyện anh hay mang ra kể, với vẻ mặt ngây thơ và cái nhìn trong trẻo. “Có anh nọ phải lòng con vịt mà mình nuôi, đi xem phim cũng mang theo và nhét nó vào trong quần để đưa được nó vào rạp. Phim chiếu được một lúc, chú vịt ngọ nguậy, anh nọ bèn cởi cúc quần cho nó thò đầu ra. Ngồi cạnh anh nọ là một cặp vợ chồng trẻ, chị vợ bảo anh chồng “Chim cái anh ngồi cạnh em thò cả ra ngoài”. Anh chồng mắt không rời màn ảnh, hỏi: “Nó có làm phiền em không? ” Chị vợ lắc đầu. Anh chồng bảo: “Vậy kệ nó. Mình mất tiền để vào đây xem phim chứ có vào xem chim ông khách ngồi bên đâu”. Một lúc sau chị vợ lại huých chồng. “Này, chim anh ta… ”. Anh chông sẵng giọng “Anh đã bảo kệ nó… ”. Chị vợ nũng nịu “Không kệ được, chim anh ta đang nhai ngô của em”.
Dần dần, do chịu khó học hỏi, công việc của Toby cũng ngày một khấm khá hơn. Anh bắt đầu biểu diễn được ở những nơi, tuy chưa gọi là danh tiếng, nhưng ít nhiều cũng có tiếng, như Twenty-One ở San Francisco, Rudy’s Rail ở New York hay một vài nơi khác nữa. Anh còn biểu diễn trong đại hội những người thợ làm ống nước, trong cuộc vui gặp gỡ của dân Do Thái, trong đêm chiêu đãi một đội vô địch bóng chày. Anh vẫn không ngừng học hỏi.
Rồi một bất ngờ xảy ra.
Tháng Mười hai năm 1941. Buổi chiều chủ nhật lạnh lẽo ấy. Toby đang trình diễn tại một rạp trên đường Mười Bốn, New York. Đây là buổi thứ năm trong ngày, mỗi buổi có tám tiết mục và một phần công việc của anh còn là giới thiệu các tiết mục đó. Buổi diễn đầu bình thường. Đến buổi thứ hai, khi Toby giới thiệu tốp diễn viên nhào lộn người Nhật, khán giả bỗng vung tay la hét ầm lên. Anh lui vào, ngơ ngác. “Chuyện chó chết gì ấy nhỉ? ”. Nghe anh hỏi, người chủ rạp bực dọc. “Không biết gì à? Mấy giờ trước bọn Nhật đã tấn công Trân Châu cảng”.
Toby càng ngơ ngác hơn. Chiến tranh là việc của hai quốc gia, của nước người cầm đầu. Còn đây là các nghệ sĩ, những tay nhào lộn nổi tiếng thế giới cơ mà.
Buổi diễn tiếp theo, khi đến tiết mục của nhóm người Nhật này, anh giới thiệu họ là người Phi, buổi sau nữa, họ là người nước Hawaii hạnh phúc, rồi người Trung Hoa may mắn… Nhưng anh không cứu được, họ vẫn cứ bị xua đuổi như thường. Rồi anh không cứu được cả anh nữa. Có một phong thư đang chờ anh, mở đầu bằng câu Chúc mừng anh và kết thúc là chữ ký của Tống thống Mỹ. Hơn tháng sau, Toby nhập ngũ.
Những cơn đau đầu vẫn tiếp tục xuất hiện và khi đó, Josephine cảm thấy thái dương nó như bị ép trong chiếc kẹp sắt to tướng. Nó không dám khóc, vì sợ mẹ cáu. Độ này mẹ nó rất năng đi lễ nhà thờ, vì thấy không nhiều thì ít hai mẹ con cũng gián tiếp gây ra cái chết của chồng bà. Đó là kết quả của một lần bà tình cờ nghe mục sư hùng hồn rao giảng. “Các ngươi đầy tội lỗi. Chúa ghê tởm và sẽ trừng phạt các ngươi, nếu các ngươi không chịu hối cải… ”. Bà bỗng thấy nhẹ nhõm như đang được nghe tận tai những lời Chúa nói với riêng bà. “Mẹ con mình bị Chúa trừng phạt vì đã giết chết ba con”. Bà hay nói vậy với con gái, và đầu óc non dại của Josephine hiểu rằng mình đã làm một cái gì đó không nên làm. Nó rất mong được biết đó là cái gì để có thể xin mẹ tha thứ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.