Người Thông Minh Học Tập Như Thế Nào ?
Chương 1. Học Tập Đỉnh Cao – Kỹ Năng Cần Thiết Cho Hiện Tại Và Tương Lai
Thế nào là học viên xuất sắc nhất? Đó là người có phương pháp học tập đỉnh cao – mức độ cao nhất của việc học tập. Dù khái niệm “học tập đỉnh cao” có lẽ vẫn còn lạ lẫm, nhưng bạn đã có cơ hội quen biết với những học viên xuất sắc. Cũng có thể bạn chính là một người trong số họ. Ví dụ, những thời điểm mà trí não bạn có khả năng nhanh chóng tiếp nhận lượng thông tin thú vị về chủ đề mới – cho dù đó là những công thức mới hoặc tính trung bình cộng trong nháy mắt mà không cần phải nỗ lực. Đó chính là khoảnh khắc bạn có phương pháp học tập đỉnh cao.
Có thể bạn còn nhớ người đã kể với bạn thông tin mới nhất họ vừa có được về những gì thích thú mà họ tham gia hay biết được. Khi kể lại mọi thứ trong tâm trạng phấn khích đó, sự thích thú và niềm vui sướng mà những khám phá mới đem lại cho họ dường như có thể lan toả ra khắp mọi người xung quanh. Họ là những học viên xuất sắc nhất.
Học tập đem tới cho những học viên xuất sắc nhất một cảm giác khác biệt. Ở đây vấn đề không đơn thuần là việc quay trở lại trường học, ngồi trong phòng học nghe thầy cô giáo giảng bài, và càng chẳng liên quan mấy tới bài kiểm tra và điểm số. Thay vào đó, nhu cầu tiếp thu trỗi dậy từ trong bản thân con người họ đã dẫn đến việc tự học. Cho dù xuất phát từ cảm hứng hay bị bắt buộc, tự học vẫn chứng tỏ mong muốn trở thành một nhân vật nào đó, những việc họ làm được để người khác biết về họ.
Những học viên xuất sắc nhất có vài đặc điểm nổi bật. Thứ nhất, họ cảm nhận được khả năng của bản thân rõ ràng nhất khi họ tiếp thu kiến thức mới. Họ sẵn sàng tiếp thu và hứng thú một cách kỳ lạ với những kinh nghiệm, ý tưởng và thông tin mới mẻ cho dù là họ thử nghiệm cách thức nấu ăn mới, nghe một nhà khoa học miêu tả công việc của cô ta hay đọc bài báo về những vụ sáp nhập công ty. Đối với họ học tập trở thành một thói quen trong cuộc sống thường ngày chứ không phải một công việc đặc biệt. Họ thấy hãnh diện khi đối đầu với những thử thách, dù đó là một trò chơi ô chữ hay việc sử dụng thành thạo một chương trình máy tính mới.
Một đặc trưng khác của những học viên xuất sắc là họ luôn nhận thức rõ ràng rằng còn rất nhiều điều mà bản thân chưa biết, nhưng điều đó không làm họ băn khoăn lo lắng. Họ biết luôn có nhiều điều mới lạ cần học hỏi, nghiên cứu sâu hơn hay học cách thực hiện nó. Những học viên xuất sắc không hề sợ hãi trước sự kém cỏi của bản thân, họ không ngần ngại đưa ra những câu hỏi “ngốc nghếch” hay thừa nhận rằng họ chưa hiểu điều gì đó khi được giảng giải lần đầu tiên.
Những học viên xuất sắc nhất thu được khối lượng kiến thức khổng lồ từ kinh nghiệm sống và bằng phương thức mới. Họ tìm kiếm tư liệu cần thiết cho việc học tập trong một phạm vi rộng lớn thay vì từ bỏ nếu những nguồn thông tin thông thường không thể đáp ứng đề tài cụ thể.
Tự tin vào khả năng tiếp thu và học hỏi của bản thân chính là đức tính quan trọng của những học viên xuất sắc. Họ hiểu rằng một khi đã có người nắm bắt được một kiến thức nào đó thì các cá nhân khác cũng hoàn toàn có thể lĩnh hội được kiến thức đó nếu sẵn sàng học hỏi. Họ biết cách xét đoán nguồn thông tin khéo léo hay thu hẹp sơ hở khi giải thích. Những học viên này tuy sử dụng những chi tiết đơn giản, nhưng nó lại là những công cụ hữu hiệu giúp họ trong quá trình xử lý và lựa chọn những thông tin mà họ cần để lưu giữ vào bộ nhớ và sử dụng nó.
Cuối cùng, học viên xuất sắc nhất tin rằng đầu tư thời gian vào sự tiến bộ của chính họ là cách đầu tư tốt nhất cho tương lai dù xét theo khía cạnh nghề nghiệp hay cá nhân. Họ bắt đầu học kiến thức mới ngay ngày hôm nay để chuẩn bị cho cuộc sống họ muốn đạt đến trong năm đó hay những năm tới.
Cuộc sống hiện đại thúc đẩy mỗi người chúng ta trở thành một học viên xuất sắc nhất. Khi bạn nghĩ về những người mà bạn khâm phục hay về chính những khả năng cao nhất mà bạn có thể đạt đến, dễ thấy phương pháp học tập này là yếu tố quyết định dẫn đến một cuộc sống tốt đẹp.
TẠI SAO PHẢI TRỞ THÀNH MỘT HỌC VIÊN XUẤT SẮC?
Chúng ta là thế hệ đầu tiên của nhân loại được sinh ra và sẽ sống cả cuộc đời trong một thế giới đang thay đổi mạnh mẽ. Một vài điều có thể thay đổi nhưng kết cấu cơ bản và chất lượng của cuộc sống sẽ vẫn duy trì như vậy trong suốt khoảng thời gian họ sống. Đơn giản là do vào thời đó mọi thứ thay đổi chậm hơn hiện nay.
Năm 1970, Alvin Toffler đã đưa ra thuật ngữ “cú sốc tương lai” để miêu tả phản ứng toàn diện mà ông nhận thấy đang phát triển: con người dường như bị chôn vùi dưới những thay đổi ngày càng nhanh. Trên mọi lĩnh vực, lượng kiến thức tăng lên gấp đôi trong khoảng một thập kỷ hoặc ít hơn. Các bác sỹ, kỹ sư đều nhận thấy một nửa lượng kiến thức chuyên môn mà họ đã phải nỗ lực để tích luỹ trong khoảng 15 năm bỗng không còn thích hợp. Dường như tuần nào cũng có hàng loạt phát hiện mới dẫn đến mỗi ngày lại có nhiều phương pháp làm việc cũng như loại dụng cụ mới được tạo ra.
Ngày nay, tốc độ thay đổi vẫn không hề giảm. Tại chính thời điểm này, ngôn từ về bùng nổ thông tin đã trở nên lỗi thời khi mà máy tính đã mạnh mẽ hơn bao giờ hết, tạo ra lượng lớn thông tin mới, con người hiện nay ngày càng chịu nhiều thách thức để có thể tiếp tục học tập và giữ cho tri thức liên tục được cập nhật. Sự tiến bộ không ngừng đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hiện đại, từ đó đòi hỏi chúng ta phải có khả năng làm chủ hiện thực và những kỹ năng mới, thậm chí cả quan điểm lẫn đức tin mới.
Tương tự đối với những vấn đề của cá nhân, sự biến đổi nhanh chóng và bất thường của đời sống xã hội khiến chúng ta dễ dàng thích nghi hơn, tiếp thu những cái mới nhanh hơn. Hãy thử xem xét trong năm qua bạn đã phải tìm hiểu bao nhiêu vấn đề trong những lĩnh vực sau để đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình, bạn bè và công việc:
-
Những tiến bộ trong y tế, bao gồm cả những kiến thức mới về ăn kiêng, các bài tập thể dục, stress hay phương pháp chữa trị mới cho các căn bệnh cụ thể.
-
Sự phát triển kinh tế với các chính sách thuế mới, cơ hội đầu tư hay các rủi ro và đổi mới tài chính có thể ảnh hưởng đến nghề nghiệp và công việc kinh doanh của bạn.
-
Công nghệ phát triển dẫn đến sự ra đời của máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và phương thức truyền thông mới tác động đáng kể đến bạn trong cả cuộc sống và sự nghiệp.
-
Những phát triển của xã hội như xu hướng về nhà ở, chính sách về việc làm hay kiến nghị về luật pháp tại đất nước hay trong cộng đồng nơi bạn đang sinh sống cũng ảnh hưởng lớn tới phong cách sống của bạn.
-
Sự thay đổi trong các mối quan hệ công việc hay cá nhân đòi hỏi bạn phải tìm hiểu nhiều hơn về những hành vi xử sự của bản thân và của những người khác.
Tóm lại, học tập đã trở thành yêu cầu bức thiết trong thời đại này.
TRUYỀN THỐNG HỌC TẬP
Một trong những cội nguồn sớm nhất của nền văn hoá phương Tây là thành phố Athens của Hy Lạp, quê hương của Plato và Socrates và là khởi nguồn của hình thức học tập năng động vượt xa trường lớp hay bằng cấp. Thay vào đó, các công dân thành phố thảo luận những vấn đề quan trọng ở các khu chợ ngoài trời, còn gọi là agora, tại bể bơi hay phòng tập thể dục, hoặc tại những bữa ăn tối muộn được phục vụ trước các vở kịch. Học tập gắn bó chặt chẽ với cuộc sống, công việc và nghỉ ngơi; từ đó dẫn tới mọi nguồn lực của cộng đồng: nghệ thuật, nghề thủ công, giới chức, lịch sử và luật pháp. Socrates đã tuyên bố: “Không phải tôi, mà chính thành phố này dạy các bạn”.
Niềm tin vào hình thức học tập tương tự chính là điểm then chốt trong tư tưởng của những người khai sinh ra Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Nền cộng hoà của họ chỉ có thể thực hiện được nếu mọi người biết tự đánh giá về nhu cầu và nguyện vọng của bản thân.
Mỗi người trong chúng ta, dù ở mức độ khiêm tốn nhất, đều tin rằng hệ thống chính trị của quốc gia chúng ta giống như trung tâm trí tuệ, phán quyết và hành động độc lập, tự do suy nghĩ. Chúng ta đã và đang khuyến khích tự do ngôn luận và tự do báo chí bởi chúng ta biết cách tốt nhất tìm ra sự thật chính là để dân chúng được tự do tranh luận.
Ngày nay, truyền thống đó đang đối mặt với một thời kỳ khó khăn. Trong khi chỉ một khối lượng nhỏ thông tin cũng vượt trên khả năng đọc hiểu của nhiều người, chúng ta nhận ra rằng niềm tin của bản thân vào việc suy nghĩ độc lập và tự học đã bị đe doạ bởi áp lực phải tuân theo những phương tiện truyền thông đại chúng luôn luôn hiện hữu, luôn luôn làm ta sao nhãng – Neil Postman, người hay chỉ trích truyền hình đã nói như vậy. Sự cân nhắc của chúng ta về những vấn đề xã hội sống còn giờ đây giảm xuống còn hai phút bản tin trên truyền hình.
Một mối đe doạ khác phát triển từ niềm tin sai lệch của chúng ta rằng bằng cấp, chứng chỉ là đủ đảm bảo cho năng lực. Ngày càng có nhiều ngành nghề cố gắng bảo vệ danh tiếng của những người đang hành nghề bằng cách đòi hỏi chứng chỉ. Và do đó, họ không thể tránh khỏi việc tạo ra ngày càng nhiều những người hành nghề mà năng lực duy nhất họ có là khả năng vượt qua kỳ thi sát hạch lấy chứng chỉ.
Nhà phê bình, tiểu thuyết gia Philip Wylie đã nói không lâu trước khi mất: “Nếu có người Mỹ nào đủ học vấn để cho ta những lời phê bình có ích và lời khuyên có tính xây dựng, ta có thể chắc chắn một điều rằng: Họ là người có khả năng tự học… Họ là những người học được cách học tập và muốn học tập – những người đã không ngừng học tập ngay cả khi họ đã nhận được bằng cấp hay rất nhiều bằng cấp – những người đã phát triển phương tiện đánh giá kiến thức nhằm xác định điều gì họ phải biết để đưa ra ý kiến hữu dụng, những người biết được điều mà họ chưa biết và học những gì là cần thiết”.
Những học viên xuất sắc nhất là những người như vậy. Khả năng biến học tập thành một hoạt động liên tục trong cuộc sống của họ đã mang đến cho chúng ta cơ hội thích nghi tốt nhất như một nền văn hoá, một hành tinh.
VƯƠN TỚI PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP TỐI ƯU
Tới thời điểm này, tôi hy vọng đã đưa tới cho các bạn một ý tưởng đầy đủ về nội dung của phương pháp học tập đỉnh cao, vì sao nó quan trọng, và bằng cách nào nó đã khôi phục được một phần truyền thống văn hoá phương Tây mà chúng ta đã thờ ơ. Tôi đoán rằng, đến đây các bạn đã dần thích thú với ý tưởng trở thành học viên xuất sắc hơn – nhưng bạn vẫn còn một vài e dè đối với quá trình trở thành một học viên xuất sắc.
Toàn bộ quá trình này là tự nhiên. Trong các hội thảo do tôi tổ chức, khoảng 85% người tham dự có cảm giác như vậy. Đó là lý do tại sao chúng ta thường khởi đầu với việc rũ bỏ mọi ám ảnh. Chúng ta đánh tan những nỗi sợ hãi và lo lắng, chủ yếu trong học tập, vẫn ngấm ngầm ám ảnh hầu hết chúng ta khi còn trên ghế nhà trường. Chúng ta sẽ giải quyết những vấn đề này chi tiết, nhưng cho phép tôi điểm mặt chúng ở đây để đảm bảo với các bạn rằng chúng sẽ không gây trở ngại tới việc học tập khi các bạn sử dụng phương pháp học tập đỉnh cao.
Nỗi lo về học tập. Trải qua những ngày tháng trong trường phổ thông và đại học, chúng ta liên tục được nhắc nhở phải học nhiều thứ – nhưng không bao giờ được nói cho biết bằng cách nào. Ví dụ: “Học các từ vựng trong chương này cho buổi thi vấn đáp ngày thứ sáu” là một nhiệm vụ điển hình. Còn sau đó? Hoặc chúng ta ngồi xuống và cố gắng nhìn chằm chằm vào danh sách từ vựng cho đến khi bằng cách nào đó chúng ta tìm ra một phương pháp để nhồi nhét chúng vào đầu cho tới ngày thi, hoặc nếu không tìm ra cách nào, chúng ta sẽ trở nên sợ hãi và nản chí, bởi chúng ta không biết sẽ phải làm gì khi ngồi vào lớp học. Nhưng một khi các bạn thực sự học được phương pháp học, nỗi lo lắng đó sẽ biến mất. Phương pháp học tập đỉnh cao vô cùng thoải mái và thú vị bởi nó sẽ cho bạn nhiều chiến lược cụ thể để nắm vững các cơ sở lập luận, khái niệm, và các nguyên tắc.
Nỗi lo về thời gian. Chủ yếu những người đến hội thảo của tôi đã có kế hoạch làm việc kín đặc, cả cá nhân lẫn công việc. Họ thực sự không thể dành thêm thời gian cho việc học tập. Nhưng phương pháp học tập đỉnh cao diễn ra đồng thời với những hoạt động khác của các bạn. Việc học tập của bạn là một phần quá trình lên kế hoạch và đưa ra quyết định của bản thân, một phần của sự hiểu biết nghề nghiệp và cá nhân, một phần của sự giao tiếp xã hội và thời gian rảnh rỗi, một phần công việc và thời gian dành cho gia đình.
Những quan niệm tiêu cực về việc học tập: Quá trình trải nghiệm trong trường học đã để lại trong chúng ta một quan niệm tiêu cực về học tập, một cảm giác đeo đẳng chúng ta rằng học tập thật buồn tẻ, nhạt nhẽo, cô độc hoặc không liên quan gì đến lợi ích thật sự của chúng ta. Điều đó dễ dẫn đến ý nghĩ rằng học tập phải thụ động, gồm cả việc ngồi nghe thầy giáo giảng bài hay cố gắng thu nhận thông tin từ một cuốn sách. Không có điều gì ở trên là đúng với phương pháp học tập đỉnh cao, phương pháp học tập đầu tiên và tiến bộ nhất sẽ khiến bạn hứng thú và quan tâm. Hơn nữa, phương pháp học tập đỉnh cao về cơ bản mang tính thiết thực. Bạn không chỉ lựa chọn mình sẽ học cái gì, mà còn chọn lựa xem mình sẽ học như thế nào từ một loạt các cách thức phù hợp nhất với phong cách học tập của bản thân bạn.
Bây giờ các bạn có thể tin chắc rằng phương pháp học tập đỉnh cao không chỉ là điều đáng ao ước, một cách để phát triển sự đánh giá hoàn thiện hơn về cuộc sống, mà còn là điều nằm trong tầm tay đối với bất kỳ ai muốn thử nó.
CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP ĐỈNH CAO
Các nguyên tắc của phương pháp học tập đỉnh cao dựa trên một số chân lý cơ bản về học tập và phát triển – nhiều nguyên tắc vẫn còn bị các nhà giáo dục cho là dị giáo – có thể giải phóng bạn khỏi sự lệ thuộc quá vào trường học và thúc đẩy bạn vào con đường tự phát triển bản thân. Một số chân lý trong số đó là:
-
Những người trưởng thành nắm quyền chủ động trong việc học tập của bản thân thường tinh thông nhiều thứ hơn và nắm vững những điều đó tốt hơn những người trông chờ vào sự dạy dỗ. Họ có xu hướng hứng thú với việc học tập, ghi nhớ tốt hơn những thứ họ đã học và ứng dụng chúng tốt hơn trong đời sống.
-
Người trưởng thành có nhiều cách để học hơn trẻ em. Chúng ta có một ý thức riêng khác về bản thân, về thời đại của chúng ta và về điều gì đáng để học và tại sao.
-
Không ai có thể học thay cho bạn, cũng như không ai có thể ăn thay cho bạn.
-
Không có cách học cụ thể nào vượt trội hẳn so với các cách học khác. Thành công trong học tập không phụ thuộc vào bản thân môn học hay điều kiện học tập (như thế nào, ở đâu và khi nào), mà chủ yếu phụ thuộc vào cảm hứng của học viên đối với môn học.
Hệ thống các phương pháp học tập đỉnh cao được định nghĩa bởi sáu nguyên tắc cơ bản:
1. Bạn có khả năng học được phương pháp học. Như bạn sẽ thấy trong Chương 2, phương pháp học tập đỉnh cao không dựa trên những suy nghĩ mong muốn hay hy vọng hão huyền mà dựa trên khám phá có căn cứ khoa học. Hai cuộc cách mạng song hành trong nghiên cứu bộ não con người và tâm lý học tập đã đảo lộn những câu chuyện hoang đường lâu đời rằng học tập là khả năng bẩm sinh và người già không thể học tập. Ngày nay, chúng ta nhận thấy rằng bộ não được tổ chức bằng nhiều cách phức tạp, và não bộ là cơ quan xử lý chủ động, chịu ảnh hưởng bởi chính cơ thể cũng như cảm xúc của chúng ta, và bộ não với sự kích thích hợp lý sẽ liên tục phát triển trong suốt cuộc đời mỗi con người!
2. Bản thân bạn đôi lúc đã là một học viên xuất sắc, và bạn có thể dựa trên khả năng tự nhiên đó để biến toàn bộ việc học tập trở nên dễ dàng, hứng thú và hữu ích. Chương 3 bàn về những trở ngại trong việc học tập mà chúng ta thừa hưởng từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường và chỉ ra phương pháp loại bỏ chúng. Bạn sẽ nhận thấy rằng trong một trạng thái gọi là “học tập trôi chảy” việc học hành đến với chúng ta thật thú vị ngay từ những thời khắc học tập đầu tiên, trước khi tiềm năng của chúng ta bị chặn lại. Chương 4 sẽ dựa vào trạng thái học tập này đưa ra thêm hai chiến lược học tập khác để tăng cường sự tin tưởng trong học tập của bạn.
3. Bạn có phong cách học tập của riêng mình, và bạn có thể xác định, tận dụng, và củng cố nó để trở thành một học viên hoàn hảo hơn nữa. Ngày nay, chúng ta nhận thức được rằng mỗi người có một sự kết hợp riêng các kỹ xảo, tài năng và sở thích để nắm bắt và sử dụng thông tin. Chương 5 trình bày một số cách để bạn có thể xác định sự tiếp cận tốt nhất. Bạn sẽ học cách để tìm ra sự pha trộn chuẩn xác giữa thực tế, cảm giác, chỉ dẫn, sự độc lập, và các sáng kiến giúp bạn sử dụng phương pháp học tập tự nhiên nhất đối với mình.
4. Bạn học tốt nhất khi bạn chủ động nhất về mặt tinh thần (và đôi khi cả thể xác), đưa ra quyết định của mình về việc học cái gì, như thế nào, ở đâu và khi nào và sử dụng các chiến lược để thúc đẩy trí tuệ hoạt động. Chương 6 và 7 bao gồm các chiến lược và cách thức tốt nhất cho việc học tập chủ động. Những cách tiếp cận cụ thể và thực tế này giúp bạn học cách kiểm soát bản thân, mang đến cho bạn nguồn tài liệu dồi dào để định hướng phương pháp học tập theo cách bạn thấy thoả mãn nhất và giúp bạn thành công trên con đường của mình.
5. Bạn có thể thiết kế môi trường học tập tối ưu cho bản thân để việc học tập thoải mái hơn và do đó trở nên hiệu quả hơn. Thật dễ dàng khi làm cho mọi người tin rằng việc tiếp thu kiến thức chỉ xảy ra khi bạn phải ngồi không thoải mái trong lớp học, phòng thuyết trình hay thư viện. Sự thật lại là điều ngược lại. Chương 8 chỉ cho bạn cách tạo ra môi trường học tập lý tưởng và những kết quả tích cực mà nó mang lại. Sau đó, Chương 9 đưa ra cái nhìn tổng quát về những cơ hội lạ thường trong quá trình học tập trên mạng Internet.
6. Bạn sẽ cảm thấy thú vị nhất khi được học tập bằng cách lựa chọn từ một nguồn phong phú các phương tiện thông tin, phương pháp và kinh nghiệm. Chương 10 mời bạn tự thành lập bộ phận nghiên cứu và phát triển riêng để thực hiện một số dự án học tập cùng một lúc. Ngày nay, điều này thực sự dễ dàng khi chúng ta có thể sử dụng toàn bộ kho báu trí tuệ và tinh thần con người bằng những biện pháp chưa từng xảy ra trước đây.
Nói tóm lại, công nghệ hiện đại đã tạo ra cách thức mới làm cho việc học tập trở nên thích hợp với tất cả mọi người, mọi nơi, và vào bất cứ thời điểm nào trong cuộc đời. Cách truy cập vào Trường đại học vô hình chứa đựng những nguồn tài liệu học tập phong phú được bật mí ở Chương 12.
7. Bạn có thể tiến xa trong nghề nghiệp bằng cách: “Học từ cuộc sống” – nắm bắt những kỹ năng và tri thức mới mỗi ngày ngay từ trong công việc. Chương 11 sẽ giới thiệu cho bạn một cách thú vị và hữu ích để khởi động “Guồng quay học tập” trong nghề nghiệp hay công việc của bạn. Bạn có thể tạo ra các cơ hội phát triển và làm tốt nhiệm vụ được giao, được công nhận và khen thưởng cho dù bạn làm việc trong một tổ chức hay tự làm chủ.
LÀM CHO PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP ĐỈNH CAO TRỞ NÊN HIỆU QUẢ
Chìa khoá để trở thành một học viên xuất sắc là xây dựng cho bản thân bạn một chương trình riêng – một tập hợp có hệ thống các kỹ năng học tập. Hầu hết chúng ta không có chương trình đó. Chúng ta đã có thể góp nhặt ít hay nhiều kỹ xảo trong học tập một cách ngẫu nhiên qua năm tháng, một vài nguyên tắc để đọc nhanh, vài kỹ xảo để tăng khả năng ghi nhớ, và có lẽ một vài lời gợi ý để chọn đúng những điều mình cần.
Những kỹ năng tách biệt này chỉ có tác dụng rất hạn chế. Ví dụ, liệu có ích lợi gì khi tập trung vào một cuốn sách không thích hợp hay bỏ ra bốn giờ học tập trong khi bạn có thể rút ra nhiều thông tin hơn hẳn chỉ trong vòng hai giờ? Nếu chúng ta không có kỹ năng để sử dụng những gì chúng ta học được có hiệu quả, chương trình đào tạo tuyệt vời nhất trên thế giới cũng chẳng đem lại cho bạn mấy giá trị lâu dài.
Đó là điều mà cuốn sách này sẽ giúp bạn có khả năng thực hiện. Bằng các phương pháp học tập có trong cuộc sống, nắm được toàn bộ sẽ tốt hơn là cộng lại từng phần của nó. Phương pháp học tập đỉnh cao sẽ giúp bạn thành công nhờ khai thác những kỹ năng tốt nhất bạn đã có, bổ sung và kết hợp chúng với những kỹ năng bạn sẽ học trong cuốn sách này để biến tất cả thành khả năng của bạn.
NHẬT KÝ HỌC TẬP
Trước hết, cuốn nhật ký sẽ là nơi để bạn làm những bài tập xuất hiện xuyên suốt các trang sách. Ví dụ, bạn sẽ phải tạo ra những bản đồ tư duy, kiểm soát sự lập lại tức thời các kinh nghiệm có ý nghĩa, nuôi dưỡng ý tưởng để tạo ra những học thuyết mới của riêng bạn, đặt ra các câu hỏi xuyên suốt dẫn đường cho yêu cầu của bạn trong những lĩnh vực mới, và sử dụng hàng chục các kỹ năng khác.
Thứ hai, việc ghi chép sẽ mang tới những lợi ích to lớn cho việc học tập của bạn. Một cuốn nhật ký học tập là tối cần thiết bởi bản thân ghi chép đã là một trong những quá trình học tập có tác dụng nhất.
Ích lợi quan trọng nhất mà nhật ký học tập của bạn mang lại chính là hình ảnh bản thân bạn được xây dựng như một học viên xuất sắc. Cuốn nhật ký sẽ hiển thị rõ ràng những phương pháp và kỹ năng mà bạn thấy tâm đắc nhất. Nó sẽ tiết lộ, đặc biệt có cân nhắc, loại hình hoạt động học tập bạn thích thú và có thể sử dụng để đạt được lợi thế lớn nhất trong mục tiêu học tập của cá nhân bạn.
Nói tóm lại, nhật ký học tập của bạn trở thành một hồ sơ bằng hình ảnh của các hoạt động trí não của bạn trong học tập. Những lợi ích đặc biệt của nó (khác với những lợi ích từ những cuốn nhật ký thông thường hay cá nhân) là:
-
Bạn sẽ tạo ra cho bản thân mình bức tranh sống động về những ý tưởng trong các lĩnh vực có ý nghĩa với bạn.
-
Bạn sẽ phát triển một sân chơi linh hoạt cho việc thoả mãn phong cách học tập cá nhân của mình bằng cách dịch chuyển và chuyển đổi những môn học này sang môi trường trung gian mà bạn có cảm hứng hơn. Bạn có thể viết, vẽ hoặc nguệch ngoạc trong cuốn nhật ký của mình để giúp bản thân ghi nhớ và khám phá những ý tưởng mới.
-
Bạn sẽ phát triển sáng tạo những điều bạn đang học dựa trên sự hiểu biết của bản thân và khám phá mối liên hệ giữa chúng mà có lẽ bạn không thể phát hiện ra bằng các cách khác.
-
Bạn sẽ có thể dễ dàng truy cập những tài liệu quan trọng nhất đã thu thập cho công việc hiện tại hoặc để dành phát triển về sau.
-
Bạn sẽ hài lòng với một hồ sơ về khối lượng kiến thức đã học và cách thức phát triển các kỹ năng học tập của bạn, điều có lẽ chứng tỏ sự hữu dụng nhất là khi cần có thể chỉ cho những người khác thấy bạn đã học cái gì và như thế nào.
-
Bạn sẽ thoả mãn với một hồ sơ ghi chép có tác dụng ôn tập lại bởi nó được hình thành từ sở thích của cá nhân bạn.
Phía sau thành công của những học viên xuất sắc luôn là những cuốn nhật ký học tập như vậy.
Tuy nhiên, hầu hết chúng ta không nhận thức được vai trò cần thiết của những cuốn nhật ký trong quá trình học tập. Khi chúng ta thấy những sản phẩm hoàn thiện của một học viên hoàn hảo, dù họ là nghệ sĩ, doanh nhân hay chính trị gia, chúng ta dễ dàng quên mất những năm tháng học hành trước đó của họ.
Sự sáng tạo thường được miêu tả như những tia chớp loé lên một cách bí ẩn, nhưng không biết từ đâu ra. Tuy nhiên, có thể mô tả bằng một mô hình tổ ong, tuy ít ấn tượng nhưng hữu dụng hơn nhiều. Những con ong mật không mệt mỏi vo ve xung quanh, thăm những bông hoa và thử từng bông một. Hàng nghìn cuộc thăm viếng cuối cùng tạo ra kết quả là một khối lượng lớn mật ngọt, kết tinh từ mật của không biết bao nhiêu bông hoa.
THIẾT LẬP NHẬT KÝ HỌC TẬP
Mua một vài cuốn sổ ghi nhớ mà bạn có thể mang theo bất cứ đâu. Bạn phải phát triển thói quen ghi chép lại các suy nghĩ khi nó xuất hiện trong đầu. Hãy quên đi việc “ghi nhớ trong đầu” – thay vào đó hãy viết nó ra. Nói một cách đơn giản, trí nhớ của chúng ta không được tạo ra để chuyển những ý nghĩ tự phát thành ký ức lâu dài. Bạn sẽ mất 90% những ý tưởng hay nhất của mình nếu bạn không lưu lại một vài trong số chúng vào đúng thời điểm chúng xuất hiện. Nếu bạn muốn khởi đầu một cách đơn giản, bạn có thể mang theo một mảnh giấy có kích thước 8½ x 11 gấp làm tư hoặc một tập giấy ghi nhớ có kích thước 5½ x 3¼, như vậy là đủ chỗ trống cho các ý tưởng tức thời của bạn có khả năng xuất hiện trong suốt một ngày.
Bất cứ khi nào bạn viết tờ giấy ghi nhớ, bạn hãy nhớ truyền tải những ý tưởng này vào nhật ký của bạn cùng ngày hôm đó hoặc chỉ trong một thời gian ngắn sau đó. Điều này cho bạn một cơ hội để ghi nhớ những suy nghĩ của bạn trên nhật ký và để xem xét lại những ý tưởng ban đầu.
Chúng ta liên tục ghi nhớ những chi tiết như vậy trên giấy. Tuy nhiên, chúng chỉ có tác dụng rất nhỏ nếu chúng ta không ghi lại vào nhật ký, xem lại hay ngẫm nghĩ về chúng. Cuốn nhật ký của bạn chính là trung gian. Nó chính là cái nôi nuôi dưỡng những hạt giống “cảm hứng”, nếu không thì chúng sẽ bị những sự kiện sắp tới thổi bay.
Sử dụng hệ thống ghi chú hai mặt: dán các đoạn mà bạn đọc được (hay các tranh minh hoạ, ký hiệu âm nhạc, ghi nhớ các công việc) trên mặt trái cuốn nhật ký của bạn khi mở ra, và trình bày rõ ràng ý kiến của bạn (dù chỉ là một từ hay một hình ảnh) vào trang đối diện.
Bắt đầu cuốn nhật ký của bạn ngay từ bây giờ cho dù bạn chưa khởi động bất cứ kế hoạch học tập nào. Thậm chí bạn có thể sử dụng nhật ký để khám phá ra một số điều bạn muốn học ngay lập tức. Hàng ngày, nên chú ý đến những chỉ dẫn nhỏ nhất của những kỹ năng hay khả năng đặc biệt, dù cho chúng dường như có vẻ ngốc nghếch hay không quan trọng đối với bạn. Ghi chép những đánh giá của bạn bè và họ hàng khi họ nói điều gì đó là “điển hình của bạn”. Đúng thời điểm, nhật ký học tập của bạn sẽ trở thành vật báu có giá trị, đánh dấu hành trình đến với phương pháp học tập đỉnh cao.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.