Người Thông Minh Học Tập Như Thế Nào ?
Chương 2. Khoa Học Chứng Minh: Bạn Là Học Viên Xuất Sắc!
Đã có rất nhiều học thuyết về phương pháp học tập, nhưng chỉ có một vài học thuyết mang tính cách mạng bắt đầu diễn ra trong vài thập niên gần đây. Phần lớn nhờ vào những thông tin mới gây ngạc nhiên trong hai lĩnh vực nghiên cứu – cách thức hoạt động của bộ não và tâm lý học duy lý – từ đó làm thay đổi sâu sắc các học thuyết của chúng ta về bản chất của phương pháp học tập và cách thức ứng dụng của nó. Những câu trả lời mới đã được đưa ra để giải đáp cho những câu hỏi tương tự như:
-
Chúng ta có thể học tập liên tục cả đời không?
-
Những người khác nhau có phong cách học tập khác nhau hay không?
-
Bằng cách nào chúng ta có thể học được mọi thứ?
Tại sao những nghiên cứu về bộ não lại quan trọng đến như vậy? Hơn 50 năm qua, những công nghệ và thiết bị nghiên cứu mới đã mở cánh cửa cho chúng ta khám phá bộ não, vượt xa những gì chúng ta từng mơ tới. Các công trình nghiên cứu về não bộ ngày nay thu hút cả những học giả và nhà nghiên cứu xuất sắc từ hàng loạt các lĩnh vực khác nhau như nhân loại học, trí thông minh nhân tạo, ngôn ngữ học, thần kinh học và tâm lý học. Những thiết bị công nghệ cao và dữ liệu thực nghiệm được xử lý trên máy tính ngày nay đã cung cấp cho các nhà khoa học những cách nhìn nhận chưa từng có trước đây về hoạt động của bộ não.
Chương này sẽ làm tiêu tan những điều hoang đường trong tâm lý về học tập, những học thuyết lỗi thời từng nói với chúng ta rằng việc học tập của chúng ta hạn chế hơn rất nhiều so với khả năng thực tế. Nó cũng sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về một số cách thức phức tạp, đáng ngạc nhiên mà bộ não của chúng ta được tổ chức theo đó. Một cách đơn giản và trực tiếp, các bạn bắt đầu thấy những thông tin mới mẻ này sẽ đưa đến những kết luận mới về cách thức chúng ta suy nghĩ và học tập từ những trải nghiệm.
Tiếp theo, chương này sẽ chuyển sang lĩnh vực tâm lý học để khảo sát các loại học thuyết học tập trước đây đã thay đổi như thế nào.
MÔ HÌNH MỚI CỦA BỘ NÃO
Bộ não là một khối kép màu xám hồng nặng khoảng 1,1 kg. Nó được tạo nên bởi hàng tỷ nơ-ron, những tế bào não chuyên biệt có chức năng như những mạch điện hoá và liên kết với các nơ-ron khác theo mọi hướng. Nơi phần kéo dài của hai nơ-ron gần như chạm nhau gọi là khớp thần kinh. Đó là nơi tín hiệu điện tử yếu ớt, được tạo nên trong mỗi tế bào não, giải phóng ra những chất hoá học đặc biệt, vượt qua khe hở và truyền sang nơ-ron khác.
Đừng để những thuật ngữ này quật ngã bạn. Điểm cần chú ý ở đây là đặc trưng thiết yếu của một bộ não đang hoạt động như những bước nhảy không bao giờ ngừng của tín hiệu từ nơ-ron này sang nơ-ron khác. Hơn thế nữa, các nơ-ron trong bộ não của bạn được kết nối một cách phức tạp trong cả hệ thống rộng lớn, chứng tỏ rằng sự hiểu biết và trí nhớ phức tạp đáng kinh ngạc.
Bộ não chia làm hai phần
Hippocrates, ông tổ ngành y người Hy Lạp, đã để ý thấy rằng những chiến binh bị gươm đâm vào phía bên trái đầu có thể bị suy giảm khả năng ngôn ngữ, trong khi những người bị đâm vào bên phải đầu thì không. Từ đó, ông kết luận rằng hai bên của bộ não có những chức năng khác nhau. Các bác sỹ của thế kỷ XIX cũng đã có những quan sát tương tự, từ đó xác định thêm các vùng não có chức năng riêng biệt, như hai vùng ngôn ngữ đều nằm trên phần não phía bên trái được đặt theo tên Paul Broca và Carl Wernicle. Tuy nhiên, trên thực tế chưa ai khám phá hiện tượng này cho đến khi Giáo sư Sperry và nhóm của ông nghiên cứu bộ não tách rời trên những bệnh nhân động kinh buộc phải trải qua phẫu thuật để chữa bệnh tai biến mạch máu não. Các bác sỹ phẫu thuật trong nhóm Giáo sư Sperry đã tách rời hai bán cầu não của họ.
Trong một thí nghiệm điển hình, bệnh nhân đưa tay phải của anh ta ra đằng sau lưng. Sau đó, anh ta được đưa cho cầm một vật quen thuộc và phải nói ra tên của đồ vật đó. Do nửa cơ thể phía bên phải được điều khiển bằng bán cầu não trái, vùng não chức năng ngôn ngữ, có thể diễn tả những gì cảm nhận được bằng lời nói, nên anh ta không gặp bất cứ vấn đề nào khi gọi tên đồ vật đó. Tuy nhiên, khi một đồ vật khác, tương tự giống như món đồ trên, được đặt vào tay trái của bệnh nhân, thì vùng não câm phía bên phải không thể đưa ra từ nào để gọi tên nó. Do hai bán cầu não không liên hệ được với nhau qua thể chai, nên bán cầu não phải không nhận được sự giúp đỡ từ vùng ngôn ngữ nằm trên bán cầu não trái. Bán cầu não phải có thể đưa ra hình ảnh của vật, hoặc liên hệ với một vật thể khác tương tự, nhưng về cơ bản không thể hiện được bằng ngôn ngữ.
Tất nhiên, thí nghiệm của Giáo sư Sperry bao gồm những công đoạn phức tạp hơn nhiều so với ví dụ trên. Nhưng về tổng thể, họ đã cung cấp một hình ảnh cụ thể mới lạ về bộ não kép của chúng ta – một bức tranh mà tầm quan trọng của nó lớn đến mức Giáo sư Sperry đã nhận được một giải Nobel cho nghiên cứu của ông vào năm 1981.
Từ thời của Giáo sư Sperry đến nay, chúng ta đã bắt đầu thấy được mỗi bán cầu não có các vùng chức năng riêng biệt như sau:
Não trái | Não phải |
---|---|
Khả năng phân tích | Khả năng lý luận |
Khả năng ngôn ngữ | Liên tưởng bằng hình ảnh |
Làm việc theo trình tự | Làm việc đồng thời |
Liên tưởng thời gian | Liên tưởng không gian |
Giáo sư Sperry cảm thấy vui mừng với những kết quả to lớn và khác biệt từ những phát hiện của ông. Ông đề cập tới tầm quan trọng trong những khám phá của mình:
Chủ đề chính ở đây là dường như có hai hình thức tư duy: ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, nằm riêng rẽ lần lượt trên hai bán cầu não trái và phải, và hệ thống giáo dục của chúng ta, cũng như khoa học nói chung, thường ít quan tâm đến dạng trí tuệ phi ngôn ngữ. Điều này đã giải thích cho việc xã hội hiện đại ngày nay đối xử phân biệt với nửa bán cầu não phải.
Hãy dành một chút thời gian suy nghĩ về kết luận của Giáo sư Sperry. Chúng ta đã biết từ hàng ngàn năm nay rằng hầu hết mọi người đều thuận một tay hơn là tay kia trong xử lý mọi việc, ngoại trừ một phần thiểu số những người thuận cả hai tay, có nghĩa là họ có thể sử dụng hai tay như nhau. Sự thiên lệch này được các nhà khoa học gọi là dominance (Ưu thế phát triển vượt trội).
Mặc dù có rất nhiều giả thuyết giải thích tại sao trong não chúng ta lại hình thành dominance, song điểm quan trọng ở đây là có những điểm thực sự khác biệt về thể chất, sự kết nối về giác quan và hệ thống dây thần kinh trong một khu vực của bộ não nơi điều khiển hoạt động của tay thuận. Những điểm khác biệt này có thể tương tự như khi chúng ta luyện tập một số cơ bắp nhất định trong thể thao. Nếu chúng ta đương nhiên sử dụng và luyện tập một bên của bộ não nhiều hơn bên còn lại, những chức năng của bên đó sẽ phát triển mạnh hơn.
Do vậy mà dominance cũng có thể mang đến cho chúng ta cả cách suy nghĩ thích hợp hơn, không chỉ đơn thuần là tay nào thuận khi viết hay ném bóng. Kết quả nghiên cứu của Giáo sư Sperry làm sáng tỏ việc một số người có thể thấy thích hoặc trội hơn ở phương pháp học tập này hơn các phương pháp khác.
Đây là bước tiến lớn đầu tiên của chúng ta dựa trên nghiên cứu về bộ não: việc học tập không phải là một quá trình đơn lẻ. Mọi người có thể trở thành những học viên xuất sắc hơn khi họ sử dụng cách tư duy được điều khiển bởi bán cầu não thuận của họ.
Mô hình bộ não ba ngôi một thể
Theo Giáo sư MacLean, khi bộ não con người phát triển, chúng thêm vào những thùy và chức năng mới trên bộ não cơ bản nguyên thủy tương tự với bộ não đã được phát triển ở loài bò sát. Khu vực não xưa nhất này vẫn hiện diện trong đầu chúng ta, bao gồm một số phần như cuống não, hạch cơ sở, mạng lưới hoạt hoá phức tạp, và phần não trung tâm, nằm ở vùng thấp nhất của bộ não, gần với dây cột sống nhất. Khu vực não gốc này, như cách gọi của Giáo sư MacLean là the R-complex, xử lý những hành vi bản năng, bao gồm bản năng sinh tồn, tuyên bố lãnh thổ và vị thế, đánh nhau và giao phối.
Hệ thống thần kinh cảm xúc. Khu vực thứ hai mới hơn, tiến hoá sau hàng triệu năm, song hành cùng sự tiến hoá của loài động vật có vú. Phần này của bộ não, hệ thống thần kinh cảm xúc, bao bọc hoàn toàn quanh phần não loài bò sát. Giáo sư MacLean tin rằng, chức năng của phần này có liên hệ rất gần gũi với bản năng, trí nhớ và những hành vi cảm xúc như chơi đùa hay nuôi dạy trẻ nhỏ. Khu vực này cũng điều khiển hệ thống thần kinh tự trị, phần điều hoà các chức năng của cơ thể – bao gồm cả cơ chế tiết mồ hôi, sự lưu thông máu, quá trình tiêu hoá, và sự giãn nở đồng tử trong mắt – các chức năng này liên tục hoạt động nằm ngoài ý thức của chúng ta.
Giáo sư MacLean đã đề cập đến vai trò to lớn của hệ thống thần kinh cảm xúc đối với sự nhận thức, cảm giác và ghi nhớ, điều này khiến cho vùng não này trở nên rất quan trọng đối với việc học tập. Nó kiểm soát mọi cảm giác đầu vào, chuyển chúng sang dạng thích hợp để tiếp tục xử lý, và đưa chúng đến hệ thống lưu trữ ký ức thích hợp. Các chất hoá học thần kinh trong hệ thống thần kinh cảm xúc cũng có ảnh hưởng đến khả năng của chúng ta trong việc chuyển đổi những ký ức từ dạng lưu trữ ngắn hạn sang dài hạn. Trừ phi có sự chuyển đổi này, nếu không chúng ta sẽ hoàn toàn đánh mất những gì chúng ta học được trong vòng 30 giây – khoảng thời gian những kiến thức này lưu lại trong ký ức ngắn hạn.
Bước đột phá lớn thứ hai từ nghiên cứu mới về bộ não là việc khám phá ra rằng trí nhớ và cảm xúc có liên quan rất chặt chẽ với nhau bên trong bộ não của chúng ta. Sự liên kết chặt chẽ này, cho dù không thể can thiệp nhưng vẫn có ảnh hưởng lớn tới việc học tập. Trong khi những liên kết bên trong vẫn chưa được hiểu cặn kẽ, hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực học tập đều thống nhất quan điểm rằng cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong việc học tập của chúng ta hơn nhiều so với những cách thức hoàn toàn dựa trên lý trí và logic mà chúng ta bị hạn chế ở trường học.
Vùng não thị giác và thính giác: Theo Giáo sư MacLean, phần thứ ba của bộ não là vùng thị giác và thính giác có riêng ở con người và động vật linh trưởng. Phần này nằm trên đỉnh bộ não của chúng ta, ở cả hai bên, bao bọc xung quanh hệ thống thần kinh cảm xúc. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng phần này của bộ não là nơi hầu hết các hoạt động tinh thần diễn ra. Những tư duy về không gian và Toán học, những giấc mơ và ký ức, và sự thu thập, giải mã thông tin thuộc về cảm giác đều được tổ chức tại vùng này.
Vùng não thị giác và thính giác là nơi điều khiển nhiều kiểu chức năng chuyên biệt, như khả năng hiểu ngôn ngữ và khả năng tưởng tượng hình ảnh của các sự vật. Rõ ràng, những chức năng này rất thiết yếu cho việc học tập, và do đó chúng ta có thể thấy được khi vùng này bị tổn thương sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào. Tuy nhiên, dường như có phép màu, chúng ta thường thấy, với việc rèn luyện, một phần khác của vùng thị giác và thính giác có thể thay thế cho phần bị tổn thương, đảm nhận những chức năng của phần này.
Học thuyết về bộ não ba ngôi một thể hàm ý rằng những cảm xúc, trí nhớ, và trạng thái của cơ thể chúng ta có thể được kết nối với nhau thông qua trung khu thần kinh của bộ não. Hệ thống thần kinh cảm xúc, theo những cách tác động mạnh mẽ tới việc học tập. Khả năng ghi nhớ thông tin để sử dụng trong tương lai có thể phụ thuộc nhiều vào cảm xúc của chúng ta trong từng thời điểm hơn là chúng ta nhận thấy. Cũng như vậy, thay vì một bộ não hoạt động êm, chúng ta thực sự có một uỷ ban thường xuyên tranh cãi, với những thành viên liên tục cố gắng để giành quyền chi phối. Sự liên kết giữa vùng hình thành muộn nhất của bộ não với những người họ hàng hình thành trước đó có thể ảnh hưởng tới việc học tập của chúng ta.
Bộ não luôn luôn phát triển
Chúng ta đã quen với ý nghĩ rằng bộ não chỉ phát triển đến một độ tuổi nhất định và sau đó dừng lại để rồi bắt đầu chết đi. Điều này khiến cho ta thấy dễ hiểu khi mọi người tin rằng việc học tập chỉ thuộc phạm vi của những người trẻ tuổi và rằng, khi chúng ta lớn lên, chúng ta bắt đầu đánh mất dần kiến thức. Giáo sư Sperry và Giáo sư MacLean đã chỉ ra rằng bộ não của chúng ta phức tạp hơn như thế rất nhiều.
Trong chiều dài lịch sử loài người, chúng ta đã tưởng tượng ra bộ não như là nơi tiếp nhận một cách thụ động những cảm xúc từ thế giới bên ngoài. Nhưng hai xu hướng nghiên cứu gần đây đã xoá bỏ hình ảnh đó và thay thế bằng một hình ảnh mới thú vị hơn nhiều.
Thứ nhất, ngày nay, bộ não được miêu tả là phát triển không ngừng. Giáo sư Marion Diamond của Đại học California ở Berkeley đã phát biểu rằng: “Cấu trúc và khả năng của phần vỏ não có thể thay đổi trong suốt cuộc đời bằng cách làm phong phú thêm môi trường cảm giác. Kết quả thu được từ hình ảnh mới mẻ, chính xác hơn này là chúng ta có thể thực sự trở nên thông minh hơn khi chúng ta nhiều tuổi hơn, nếu chúng ta mang tới cho bộ não sự khuyến khích và môi trường thích hợp để bộ não “làm công việc của mình”.
Giáo sư Diamond đã phát hiện ra rằng môi trường phong phú giúp làm tăng đáng kể khối lượng não của chuột – khoảng 10% – kể cả ở những con trưởng thành mà sự phát triển lẽ ra đã phải dừng lại! Những khám phá của bà đã gây sửng sốt cho những nhà sinh vật học đồng nghiệp, đặc biệt là những người kiên định nhất ban đầu khăng khăng những điều kiện bên ngoài không thể gây ảnh hưởng sâu sắc đến hình thức phát triển bên trong của bộ não chuột ngoại trừ trường hợp tổn thương nặng về thể xác.
Trong những năm gần đây, Giáo sư Diamond và các cộng sự của bà đã được khuyến khích thử nghiệm trên chuột ở độ tuổi tương đương với người 60 và 70 tuổi. Một lần nữa, bộ não mỗi con chuột già phát triển thêm 10% khi chúng sống với những con chuột ít tuổi hơn trong môi trường phong phú.
Giáo sư Robert Ornstein, nhà nghiên cứu bộ não và là đồng nghiệp của Giáo sư Diamond, đã nhận xét về khám phá của bà: “Những thay đổi rõ ràng của bộ não diễn ra ở các tua ngắn (một phần của các nơ-ron nối liền với nhau ở các khớp thần kinh) của mỗi tế bào thần kinh, được làm dày lên bởi những kinh nghiệm có tính kích thích. Nó cứ như là một khu rừng những tế bào thần kinh phong phú hơn, và mật độ của nhánh tua cũng tăng lên.”
Bài học cốt yếu ở đây là bộ não có thể tiếp tục phát triển trong suốt cuộc đời chúng ta thay vì cách nghĩ truyền thống “tre già khó uốn” và nỗi lo sợ lão hoá sớm làm cho mọi thứ trượt khỏi trí óc chúng ta. Tuy nhiên, để điều đó có thể xảy ra, chúng ta cần tự tạo cho mình một môi trường phong phú tương ứng với con người như cách Giáo sư Diamond từng tạo ra cho chuột. Tất nhiên đối với chúng ta, cần nhiều hơn là những món đồ chơi và guồng quay để chạy, môi trường được làm phong phú thêm của chúng ta phải bao gồm những kích thích liên tục từ những ý tưởng và hiểu biết mới, từ tất cả những thách thức và cơ hội, từ những gì tốt nhất mà nhân loại đã từng nghĩ đến, cảm nhận và làm được.
Cách nhìn mới thứ hai về bộ não luôn luôn phát triển là nó liên tục chủ động. Trong một quá trình phức tạp, liên tục, bộ não của chúng ta tổ chức những dữ liệu cảm giác thành những kinh nghiệm và từ những kinh nghiệm thành những thông tin. Khi chúng ta nhìn thấy điều gì mới mẻ, bộ não của chúng ta sẽ thu nhận kết quả tác động của ánh sáng lên mắt và vẽ nên những cạnh của vật thể.
Bằng chứng cho điều này là thế giới của trí thông minh nhân tạo, thường được gọi là trí tuệ nhân tạo (AI). Mạng lưới thần kinh gần đây trở thành một lĩnh vực trong việc nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo sử dụng đến máy vi tính để lập mô hình cách vận hành các liên kết giữa các tế bào não. Trong khi không thực sự cần thiết phải sa đà vào những chi tiết kỹ thuật, vẫn rất quan trọng để hiểu được điều này đã giải thích cách học tập của chúng ta như thế nào.
Mạng lưới thần kinh là bản mô phỏng trên máy vi tính của một bộ não thu nhỏ, ở bất cứ đâu cũng đều có từ một tá cho đến một nghìn hoặc hơn những nơ-ron thần kinh nhân tạo.
Một khi bộ não mô phỏng này được kích hoạt, nó sẽ tự hoạt động. Những người làm thí nghiệm cung cấp cho nó những tác nhân kích thích – như từ ngữ, tranh ảnh, thậm chí là mùi hương – và những nơ-ron mô phỏng, theo những quy luật đơn giản của quá trình, bắt đầu tự tổ chức lại chúng trên cơ sở của những thông tin nhập vào. Ví dụ như những liên kết giữa các nơ-ron được sử dụng thường xuyên sẽ phát triển mạnh hơn, và những kích thích mới sẽ có xu hướng được xử lý bởi những đường truyền đang tồn tại. Bộ não nhân tạo bắt đầu xây dựng trật tự riêng của nó.
Học thuyết về mạng lưới thần kinh đã cho chúng ta hình ảnh mới có tác động lớn về cách thức bộ não làm việc khi chúng ta học tập. Hình ảnh này không phải là của lớp học thông thường hay vị trí của sinh viên, mà trong đó chỉ tập trung thu hút một mảnh thông tin đơn. Đúng hơn, hình ảnh đó là sự kết hợp thông tin nhiều chiều. Các thông tin đầu vào khuấy động hàng nghìn nơ-ron thần kinh khiến chúng hò hét, thì thầm, lẩm bẩm theo nhiều cách mà trong đó những dữ liệu mới ăn khớp vào những mô-típ bộ não đã xử lý trước đó.
Quá trình trao đổi thông tin phức tạp, liên tục giữa nhiều nơ-ron thần kinh này gần đây đã được Giáo sư Marvin Minsky của M.I.T (Viện Công nghệ Massachusetts) miêu tả trong cuốn Trí tuệ xã hội. Lý giải ngược lại từ chương trình trên máy vi tính và bộ não, ông đưa ra gợi ý chúng ta là một ủy ban phức tạp hơn cả những gì được gợi ý bởi hai khu vực của Giáo sư Sperry hay ba của Giáo sư MacLean. Có một số lượng khổng lồ các quy trình nhỏ vận hành bán tự động tại bất kỳ thời điểm nào, với sự tập trung quanh chúng của chúng ta.
Bộ não và việc học tập
Những khám phá này dẫn tới điều gì? Bộ não không chỉ là một khối bị động yên vị trong đầu chúng ta như một hệ thống tổng đài điện thoại câm lặng. Nó là một cơ quan chủ động như những cơ bắp của chúng ta. Nó xử lý những thông tin thô gửi tới bằng các giác quan của chúng ta và ngày qua ngày thực sự xây dựng nên cái thế giới chúng ta cảm nhận.
Bởi não là một phần của cơ thể, mỗi bộ não chia sẻ với cơ thể của nó môi trường hoá học và cảm xúc, những thứ ảnh hưởng tới việc học tập. Những điều kiện sinh lý của việc học tập – như ánh sáng, nhiệt độ, tư thế của cơ thể, mức độ tỉnh táo, và cảm giác đói bụng – đều ảnh hưởng tới mức độ hoạt động hiệu quả của bộ não. Thậm chí, bộ não của bạn có thể vượt qua những chu trình thời gian khi chăm chú, lúc mệt mỏi, một số trong đó đã hoà vào bạn.
Hệ thống thần kinh cảm xúc đều đặn kiểm tra tình trạng sinh lý của bạn bất cứ khi nào bạn yêu cầu bộ não thực hiện. Bạn cần ở trong tình trạng khoẻ mạnh và khởi động trước cho những hoạt động có cường độ cao của thần kinh cũng như thể chất.
Bộ não có thể tiếp tục phát triển trong suốt cuộc đời. Bộ não của bạn có thể tiếp tục học tập và phát triển cho đến tận cuối đời bạn, ngoại trừ chấn thương tâm lý hay những trận ốm nguy kịch. Sự lão hoá thực chất không huỷ hoại khả năng học tập mà là thái độ và phong cách sống mới gây ra điều đó. “Sử dụng nó hoặc sẽ mất nó”, điều này đúng với bộ não của bạn cũng như với những phần khác của cơ thể bạn.
Bộ não là cơ quan chủ động và phát triển. Bộ não của bạn không ngừng xử lý những cảm giác và suy nghĩ theo vô số cách khác nhau. “Một bộ não bình thường được tạo nên để được thách thức”; Giáo sư Jerry Levy của trường Đại học Chicago đã phát biểu như vậy.
Bộ não của bạn phản ứng lại một cách chủ động với thách thức do môi trường phong phú đặt ra, và như Giáo sư Diamond đã chỉ ra, bộ não thậm chí có thể tiếp tục phát triển những tế bào và liên kết mới. Nó hoạt động tốt nhất khi bị kích thích một cách thích đáng bằng những tác nhân thú vị, phức tạp, chỉ cần bộ não có phương thức để xử lý chúng hiệu quả.
Bộ não có một lượng lớn các chức năng và sức mạnh. Không chỉ là một máy vi tính sinh học vĩ đại, bộ não của bạn còn là nguồn gốc cảm xúc, trực giác, khả năng sáng tạo, và trí thông minh dồi dào, phức tạp. Bộ não có thể vận hành trong chế độ phân tích/trực tuyến và cả chế độ chính thể luận/tạo khuôn mẫu. Nó có thể đáp lại các thông tin và tình huống bằng logic hoặc cảm giác, bản năng học vẹt, những cảm xúc không nhìn thấy được, hoặc khả năng sáng tạo – hoặc tất cả những điều trên cùng một lúc.
Nhưng hầu hết chúng ta đều bị giới hạn trong chỉ một hoặc nhiều nhất là hai cách suy nghĩ (ví dụ như dựa trên lý trí đối lập với dựa trên cảm xúc). Chúng ta làm việc cật lực theo cách thức quen thuộc của mình, và năng lực tiềm tàng đã từng có ngày càng ít cơ hội trở lại. Chỉ cần chuyển đổi sang một lối suy nghĩ khác, chúng ta có thể phục hồi lại năng lực và sự hăng hái của mình. Học tập sẽ đạt được hiệu quả tối ưu khi chúng ta sử dụng toàn bộ năng lực chứ không phải chỉ sử dụng nhiều nhất một thứ. Bộ não của bạn cũng độc lập như bản thân bạn vậy. Mỗi bộ não đều đơn độc trong phát triển sinh lý, và nó có những sở thích đặc biệt trong cách thức hoạt động của mình. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta chưa từng có cơ hội được sắp xếp việc học tập của mình để có thể điều tiết sở thích cá nhân của mỗi chúng ta. Khi chúng ta có khả năng làm được điều này, việc học tập sẽ mang một hứng thú tâm lý hoàn toàn khác biệt. Thay vì trở thành một thứ gánh nặng cho bộ não, ngược lại việc học tập được thực hiện một cách dễ dàng và thoải mái như bản chất của nó. Có thể xem phần cứng của việc học tập giống như cách thức hoạt động của não bộ. Vậy còn phần mềm, quá trình của chính việc học tập thì sao? Học tập là gì? Để trả lời câu hỏi này chúng ta cần nhìn lại bản chất vật lý tự nhiên của bộ não ngoài hiểu biết hạn chế của chúng ta về các chức năng của nó.
HỌC TẬP LÀ GÌ?
Với tất cả những kiến thức về bộ não mà chúng ta vừa tiếp nhận, trí tuệ vẫn còn là một điều bí ẩn. Cái cách mà chúng ta, những con người, có thể trải nghiệm thế giới và thay đổi hành động của mình như một kết quả của những trải nghiệm đó, còn lâu mới có thể hiểu hết được. Robert M.Smith đã đưa ra cái nhìn tổng quan tuyệt vời về lĩnh vực học tập trong cuốn Học phương pháp học: Những lý thuyết ứng dụng cho người trưởng thành.
Giờ đây, chúng ta đã có một định nghĩa hoàn chỉnh hơn về học tập, chúng ta có thể đặt ra câu hỏi việc học tập diễn ra như thế nào. Malcolm Knowles, trong cuốn Adult learners, a neglected species (Học viên trưởng thành – những người hay sao nhãng), liệt kê ra hơn 50 người sáng tạo ra các học thuyết mới về việc học tập từ năm 1885 đến năm 1980. Trong số đó, tôi sẽ tập trung vào hai phong cách, hay cách tiếp cận những học thuyết về học tập khác nhau, một sự phân loại được hình thành từ năm 1970 bởi hai nhà tâm lý học phát triển, Reese và Overton. Họ đã tập hợp lại thành nhóm các học thuyết về học tập tuỳ theo từng thuyết cơ giới hoá hay hữu cơ.
Học thuyết về việc học tập theo thuyết cơ giới hoá
Quan điểm cơ giới hoá coi máy móc là phép ẩn dụ cho việc học tập. Theo cách nhìn nhận này, những sự kiện phức tạp sau cùng cũng có thể được biến đổi trở thành tác động qua lại dễ dự đoán và đo lường được giữa các thành phần, tương tự theo cách mà các phần trong động cơ ôtô của bạn đồng thời làm việc để lăn các bánh xe và đưa bạn đến bất cứ đâu bạn muốn.
Theo cách tiếp cận này, một học viên kiểu mẫu chỉ biết phản ứng trở lại, thụ động, là một phiến đá trống rỗng hồi đáp lại những tác động bên ngoài. Những học thuyết về học tập dựa trên hình mẫu này thường nhấn mạnh những kết quả có thể đo đếm và định lượng, như là điểm số của bài kiểm tra. Những học thuyết này cố gắng giải thích hành vi học tập phức tạp bằng việc chỉ ra cách mà chúng được sinh ra từ những hành vi đơn giản nguyên sơ hơn.
Những học thuyết này xem xét việc học tập như tác nhân kích thích nơ-ron thần kinh và quá trình phản xạ có điều kiện. Ví dụ, khi một bác sỹ kiểm tra hệ thần kinh của bạn bằng cách dùng một cái búa gõ vào đầu gối bạn, ông ta đã đưa ra một kích thích; khi chân bạn đá thẳng lên, đó là một phản ứng tác động trở lại. Trong thí nghiệm đơn giản này cái búa đã gây ra kích thích một dây thần kinh chạy lên cột sống. Thậm chí không cần liên hệ lên tới bộ não, tín hiệu thần kinh đã được kích hoạt sẽ truyền một phản xạ không điều kiện xuống thông qua các dây thần kinh khác điều khiển bắp cơ ở chân đá lên.
Nhà tâm lý học người Nga, Ivan Pavlov, đã khám phá ra rằng nếu ông ta đều đặn rung một quả chuông bất cứ khi nào ông cho một con chó ăn trong phòng thí nghiệm của mình, thì cuối cùng con chó có thể bắt đầu phản ứng như thể thức ăn đang ở đó mỗi khi tiếng chuông vang lên. Giáo sư Pavlov gọi quá trình đó là sự hình thành một phản xạ có điều kiện, một phản ứng của hệ thần kinh phát triển nhờ kết hợp kích thích mới, cái chuông, với một phản xạ có sẵn trước đó, sự tiết nước bọt khi có mặt thức ăn ở đó.
Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, bộ não của chúng ta chủ động và phức tạp hơn nhiều so với những giả định trước đây. Nếu bộ não chủ động xây dựng kinh nghiệm của nó, học tập là một quá trình phức tạp hơn là đơn giản thưởng cho hành vi tốt và phạt những hành vi xấu. Những học thuyết giáo dục theo cơ giới hoá dường như không thể duy trì trước những tiềm năng mới được khám phá về bộ não chúng ta.
Học thuyết về việc học tập có hệ thống
Học thuyết về việc học tập có hệ thống nhấn mạnh rằng nó không chỉ đơn giản là kết hợp một sự khuyến khích cho trước với phản hồi được mong đợi. Thay vào đó, học viên chủ động tổ chức kinh nghiệm dựa theo cả quá trình sinh lý học (giống như cách não của chúng ta tổ chức màu sắc, ánh sáng và bóng tối vào vật thể mà chúng ta quan sát) và quá trình tâm lý học liên quan đến động lực, nhu cầu và mục đích của con người.
Những nhà tâm lý học theo chủ nghĩa nhân văn như Abraham Maslow và Carl Rogers phát triển các học thuyết về những nhu cầu tâm lý, bản năng ảnh hưởng tới quá trình tiếp thu kiến thức. Với cả hai người, vấn đề chính không phải là việc phản ứng bị động đối với các tác động bên ngoài dẫn đến biến đổi hành vi, mà là quá trình tự thể hiện tiềm năng của mình.
Rogers đã trình bày rõ ràng tập hợp giả thuyết định nghĩa loại hình học tập lấy sinh viên làm trung tâm. Những học thuyết này nhấn mạnh rằng một người không thể được dạy mọi thứ một cách trực tiếp và người thầy chỉ có thể giúp việc học tập của người khác trở nên thuận tiện hơn; khả năng tiếp thu đáng kể chỉ diễn ra với những điều được lĩnh hội như duy trì và nâng cao cấu trúc của bản chất (chẳng hạn như sự trừng phạt không dẫn đến việc tiếp thu bài học); kinh nghiệm được xem như mâu thuẫn với bản chất, chỉ có thể học được với điều kiện người đó cảm thấy thực sự an toàn, không đe doạ nới lỏng giới hạn của nó; và kinh nghiệm học tập hiệu quả nhất là trong đó học viên cảm thấy mối đe doạ ít nhất và được giúp đỡ để được trải nghiệm nhiều nhất.
Trong cuốn Openmind/Whole mind, Bob Samples đã đưa ra một bước tiến mới trong học thuyết về việc học tập. Rút ra từ nghiên cứu của nhà thần kinh học Karl Pribram, nhà vật lý học David Bohm và nhà hoá học Ilya Prigogine, Sample đã tạo ra kiểu mẫu mới – không hạn chế ý thức của não bộ, hệ thống chính thể luận tác động lẫn nhau theo nhiều hướng với môi trường xung quanh. Tôi muốn đưa ra một vài giả định của ông ta về việc làm thế nào hệ thống này có thể hoạt động, bởi vì vài điểm có liên quan tới sự am hiểu việc học tập lâu dài.
-
Hệ thống não bộ được xem như một tổng thể thống nhất.
-
Tất cả các phần của hệ thống não bộ biết mọi thứ mà các phần khác biết. Chúng ta có thể mở rộng phạm vi tập trung của chúng ta vào trong hệ thống não bộ của bản thân. Chúng ta có thể chọn lựa sử dụng nhiều loại kết nối giữa những kinh nghiệm của chúng ta hơn nữa.
-
Chúng ta chú ý tới càng nhiều cách kết nối hệ thống não bộ thì chúng ta càng thêm tỉnh táo, tăng cường sự linh hoạt và trôi chảy của chức năng trí tuệ.
-
Chúng ta càng coi trọng và đánh giá cao cách trí tuệ hoạt động thì càng có nhiều cách để thể hiện bản thân và tương ứng là có thêm càng nhiều phương pháp học tập.
-
Chúng ta không thể không sử dụng toàn bộ hệ thống não bộ. Sự phản hồi của chúng ta đối với cuộc sống quyết định và bị quyết định bởi chính chúng ta hiện nay và con người chúng ta trong tương lai
Trên đây là một cái nhìn sơ lược về hai loại học thuyết giáo dục. Những học thuyết cứng nhắc lâu đời và truyền thống đào tạo ra những học viên thụ động, giống như điều chúng ta đã trải qua trong trường học thuở nhỏ – học hành bị chi phối và ảnh hưởng bởi hệ thống thưởng – phạt bằng điểm số và bằng cấp.
HỌC THUYẾT GIÁO DỤC VÀ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI
Tổng kết hay nhất về những thay đổi cần thiết trong các học thuyết giáo dục đã được trình bày tại một hội thảo quốc tế chưa từng có – Hội nghị thượng đỉnh về giáo dục tổ chức tại Washington năm 1988. Đến dự có các nhà nghiên cứu, những người đưa ra các phát kiến mới đã nói đến ở trên và cả các nhà giáo dục đổi mới đi đầu trong việc áp dụng những phát kiến này vào trong lớp học tại các trường phổ thông và đại học. Hội nghị này dựa trên nguyên lý khả năng tư duy không phải là một cấu trúc tĩnh tại mà là một hệ thống mở và năng động, có thể liên tục phát triển suốt cuộc đời và bởi vậy mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể học hành.
Sau đây là cách thức mà các chuyên gia hàng đầu thấy giáo dục cần phải được thay đổi để phù hợp với những điều hiện nay chúng ta biết về bộ não:
Giáo dục truyền thống nhấn mạnh vào | Giáo dục hiện đại nhấn mạnh vào |
---|---|
Thuộc lòng và lặp lại Phát triển trí tuệ cụ thể và theo đường thẳng Sự tuân thủ Nỗ lực cá nhân/cạnh tranh Phương pháp gò bó không thay đổi Học theo nội dung định sẵn Giáo viên là người cung cấp thông tin Chương trình phân hoá thành các phần Đồng đều về văn hoá Môi trường dạy học riêng biệt Công nghệ trở thành một công cụ bị lãng quên Hạn chế sử dụng các tiện nghi Có sự can thiệp của phụ huynh Tự quản lý trong cộng đồngThời đại công nghiệp | Yêu thích và hứng thú học hành Khả năng toàn diện của con người trong việc phát triển đạo đức, trí tuệ, và thể chất Tôn trọng tính đa dạng và cá nhân Nỗ lực cộng tác / kết hợp Suy nghĩ, sáng tạo và trực giác Quy trình học tập với các nội dung chất lượng Giáo viên là người hỗ trợ việc học tập Học tập liên quan đến nhiều lĩnh vựcSự tương đồng và khác biệt về văn hoá Môi trường dạy học cộng tác Công nghệ là công cụ không thể thiếu Sử dụng các tiện nghi linh hoạt Mở rộng sự cộng tác của phụ huynh Cộng tác với cộng đồng Xã hội học tập / thông tin |
Những chương tiếp theo sẽ giải thích bằng cách nào mà sự thay đổi tầm quan trọng của giáo dục hiện đại có thể dẫn tới cách tiếp cận đặc biệt cho người trưởng thành muốn đánh thức lòng say mê học tập.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.