Người Thông Minh Học Tập Như Thế Nào ?
Chương 3. Đạt Tới Trạng Thái Sảng Khoái, Để Vượt Qua Nỗi Sợ Học Tập
Học tập và cảm xúc của chúng ta có liên hệ mật thiết với nhau. Cảm xúc có thể quyết định việc chúng ta tập trung vào việc học một cách dễ dàng hay khó khăn như thế nào, hay khả năng chúng ta có thể chuyển thông tin từ dạng ghi nhớ ngắn sang ghi nhớ lâu dài tốt đến đâu. Tất nhiên, chúng ta đều biết rõ điều này từ những trải nghiệm của bản thân, ví dụ nếu chúng ta ghét môn tiếng La-tinh thì việc học để vượt qua được bài kiểm tra hoàn toàn là một sự tra tấn.
Chúng ta có lẽ đã quên mất rằng điều ngược lại cũng đúng: Nếu chúng ta cảm thấy thích môn học nào đó, thì việc học tập dường như trở nên nhẹ nhàng. Chúng ta có thể quá miệt mài đến nỗi không nhận ra nỗ lực đã bỏ ra hay thời gian đang trôi đi. Trong chương này và các chương tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét mối quan hệ này chi tiết hơn. Chúng ta muốn hiểu được do đâu cảm xúc xoá tan mọi hứng thú học tập hoặc thậm chí toàn bộ khả năng học hành. Quan trọng hơn, chúng ta muốn thấu hiểu những cảm xúc khích lệ học tập và biến nó trở thành một niềm vui và sự ham thích, bởi vì chính những cảm xúc này mới giúp chúng ta trở thành những học viên xuất sắc nhất.
Hai vấn đề then chốt ở đây là những cảm xúc của bạn rất quan trọng đối với việc học hành và bạn có thể tự thay đổi cảm xúc của mình. Trong khi điều đầu tiên có vẻ khá rõ ràng từ những ví dụ chúng ta đã xem xét ở trên, bạn có lẽ chưa nhận ra là những cảm xúc hình thành trong suốt những năm ngồi trên ghế nhà trường trước kia có thể ngăn trở việc học tập của bạn ngày nay! Điều đó giải thích tại sao bỏ ra một ít thời gian để xem xét những nỗi lo lắng trước đây là rất quan trọng để bạn có thể hiểu những cảm xúc đó có ý nghĩa gì, chúng đến từ đâu và cách thức đương đầu với chúng.
Tuy nhiên, vấn đề thứ hai mới chính là mấu chốt. Nếu cảm xúc của chúng ta bị đóng kín và không còn hy vọng để thay đổi chúng thì chúng ta sẽ bị sa lầy và không còn phương pháp cứu chữa nào. Nhưng đơn giản là điều đó không chính xác. Khi cuộc sống của chúng ta tiếp diễn, cảm xúc của chúng ta liên tục tiến triển dựa trên kinh nghiệm của bản thân. Chúng ta biết rằng cảm xúc có thể thay đổi, từ việc phát hiện ra rằng chúng ta có thể ngày càng thích thú đối với một số điều mà chúng ta từng ghét bỏ hay từ việc nhận ra rằng một vài người chúng ta từng coi như thần tượng cũng có vài thói xấu.
Chúng ta cần phải học cách nhận ra một cảm xúc, đặt tên cho nó, liên hệ nó với những trải nghiệm khác, nhận ra sự khác nhau giữa hoàn cảnh hiện tại với cái tương tự trong quá khứ, và phải quyết định thử một cách tiếp cận mới mẻ và khác biệt, bất chấp cảm xúc của chúng ta. Nếu đạt được điều này, chúng ta sẽ khám phá ra rằng cảm xúc của chúng ta về hoàn cảnh đó đã thay đổi.
Bạn có thể bắt đầu quá trình rèn luyện đó ngay bây giờ bằng cách khảo sát nguồn gốc của những tâm lý tiêu cực về học hành và áp dụng những bước đầu tiên trong việc loại bỏ chúng. Chương này sẽ khám phá tại sao con người lại có những nỗi sợ đó, chúng là gì, chúng đến từ đâu và cần phải làm gì với chúng.
CHẾ NGỰ NỖI SỢ HỌC TẬP
Triết gia Hy Lạp – Plato đã kể một câu chuyện nổi tiếng so sánh hoàn cảnh của con người với cuộc sống trong một hang động tối tăm, nơi mọi người nhìn chằm chằm vào những cái bóng lập loè trên tường tạo ra bởi sự phản chiếu mờ nhạt của ánh nắng mặt trời (hình ảnh này giống một cách kỳ lạ với hình ảnh của những kẻ nghiện truyền hình suốt ngày ngồi trên ghế bành ăn khoai tây và xem ti vi). Khi một người đàn ông thông thái khuyên rằng mọi người nên rời khỏi cái hang và thăm thú thế giới bên ngoài chan hoà ánh sáng mặt trời, họ từ chối, sợ hãi không dám rời khỏi những cái bóng quen thuộc. Họ kháng cự cơ hội được học tập – được nhìn thấy và nhận thức những điều mới lạ.
Tôi cho rằng điểm cốt yếu trong câu chuyện này là nhiều người không chỉ sợ hãi cơ hội để học tập mà sợ cả khả năng học tập của bản thân. Họ sợ cái trách nhiệm mà khả năng đó mang lại, sợ sự cần thiết phải đối mặt với những mâu thuẫn có thể xảy ra giữa ý kiến của một người và điều mà những người khác muốn người đó phải tin vào.
Ở đây còn một điều nữa là nỗi sợ phải thay đổi. Khi chúng ta lớn lên, chúng ta được cha mẹ và các thầy cô giáo dạy phải tin vào một số điều nào đó. Theo nhiều cách khác nhau, những lời giáo huấn này định rõ chúng ta là ai, mối quan hệ của chúng ta với thế giới xung quanh, với cộng đồng chúng ta đang sống và với kẻ thù của chúng ta. Việc học những ý tưởng mới có khả năng thay đổi sự hình dung của chúng ta về vạn vật, bắt chúng ta phải đánh giá lại chúng ta là ai, đang cái làm gì. Đối với nhiều người điều này làm họ bối rối bởi vậy họ ngừng việc học tập.
Cả hai nỗi sợ kể trên – sợ hãi trước khả năng học tập của bản thân và sợ hãi phải thay đổi bản thân chúng ta theo những ý tưởng mới – có thể dẫn đến sự kháng cự lại việc học tập.
Tất cả chúng ta đều có trong mình sự pha trộn ở một mức độ nào đó giữa nỗi sợ hãi, sự lo lắng và sự chống đối lại việc học. Tuy nhiên, để trở thành một học viên xuất sắc, bạn phải đối mặt với những nỗi sợ hãi này, thấu hiểu và tìm ra con đường thoát khỏi chúng.
Nhưng trên đây mới chỉ là hai nỗi sợ ở cấp độ sâu sắc nhất. Còn có nhiều cảm xúc tiêu cực khác nữa, giống như những biểu hiện bề mặt phát triển từ hai nỗi sợ hãi trên. Thật không may, những nỗi sợ dễ nhận thấy hơn này thường là kết quả của những điều chúng ta trải qua trong trường học – nơi mà đáng nhẽ chúng ta phải yêu thích việc học tập. Trong nhiều trường hợp, những cảm xúc tiêu cực đó được tạo ra bởi học thuyết cũ kỹ về giáo dục dựa trên niềm tin sai lầm về việc học hành của chúng ta. Kết quả là đối với đa số chúng ta, việc học tập trở nên khó khăn và kém thú vị hơn nhiều.
Đây chính là điểm bạn có thể bắt đầu quá trình uốn nắn lại những cảm xúc tiêu cực đối với việc học hành thành sự vui sướng và ham thích mà bạn có thể có được từ phương pháp học tập đỉnh cao.
♦ ♦ ♦ ♦
Những nỗi buồn do học hành chậm chạp
Trong bài tập sau đây – bài tập có tính chất tiêu cực duy nhất mà tôi giao các bạn làm – các bạn sẽ nắm bắt lại những trải nghiệm đã dẫn bạn đến bất kỳ sự e sợ học tập nào bạn mắc phải trong hiện tại. Tôi chỉ đơn giản muốn bạn nhớ lại một ngày tiêu biểu ở trường học. Khi bạn nhớ lại ngày đó, nó sẽ gợi lên những cảm nghĩ và xúc cảm mà bạn đã học được cùng với các môn học. Những xúc cảm này đã định hướng thái độ hiện tại của bạn đối với việc học tập – sự tự tin hay thiếu tự tin vào bản thân. Chỉ bằng cách cảm nhận lại một lần nữa thái độ thực sự của mình trước kia bạn mới có thể bắt đầu để vượt qua chúng.
Ghi lại những cảm xúc và phản ứng của bạn trong cuốn nhật ký học tập dưới bất kỳ hình thức nào bạn thích. Bạn có thể viết ra một vài từ khoá, cảm nghĩ của mình, vẽ một bức tranh hay mô tả một tình tiết bạn nhớ tới.
-
Bạn hãy ngồi trên một chiếc ghế, nhắm mắt lại, và thả lỏng. Hình dung ra bạn đang ở bên trong một lớp học quen thuộc từ những ngày bạn còn trên ghế nhà trường hay một lớp học hiện nay nếu bạn vẫn đang đi học. Hãy cảm thấy là bạn đang ngồi thật thoải mái trên chính chiếc ghế của bạn trong chính lớp học đó. Thực sự cảm thấy như cơ thể bạn đang ở trên chiếc ghế ấy. Hình dung ra cái bàn và cả các dấu vết trên nó.
-
Bây giờ hãy tưởng tượng thầy giáo đang làm một việc mà bạn có thể nhớ tới, chẳng hạn đang giảng bài cho cả lớp. Tiếp tục nhớ lại một thời điểm cụ thể nổi bật lên trong trí nhớ bạn. Thầy giáo này có coi thường bạn, một học sinh khác hay cả lớp do sự kém cỏi? Hoặc bởi vì thầy cho rằng các bạn ngu dốt. Thầy giáo đã nói như thế nào?
-
Bây giờ suy nghĩ kỹ những câu hỏi sau đây: Bạn cảm thấy như thế nào? Bạn có thấy thích thú không? Sợ hãi? Nhút nhát? Những thông tin bạn bị yêu cầu phải học có liên quan đến cuộc sống của bạn hay không? Bạn có thể hình dung được bạn sẽ sử dụng những thông tin trên trong tương lai như thế nào không? Bạn có cảm thấy mình thông minh không? Mạnh mẽ? Sáng tạo? Ngu ngốc? Còn thời gian đang trôi đi? nhanh hay chậm?
Bạn nghĩ những học sinh khác cảm thấy thế nào? Bạn có cảm nhận được sự hỗ trợ của cả nhóm? Hay bạn cảm thấy cô độc dù cho có sự hiện diện của những học sinh khác?
Bạn thấy làm thế nào thì tốt hơn? Bạn cảm thấy ra sao nếu bạn đang làm vậy? Bạn có thể học được điều gì nếu bạn ở trong hoàn cảnh đó?
Bạn có cảm thấy rằng sự việc đã qua mà bạn vừa nhớ tới được khắc hoạ lại bởi nhu cầu và cảm xúc trong tâm trí bạn không? Với các học sinh khác thì thế nào? Và với những người khác nữa?
Trải nghiệm này làm bạn cảm nhận về bản chất việc học tập như thế nào?
♦ ♦ ♦ ♦
Trong học tập, con người sợ hãi điều gì?
Khi tôi giới thiệu bài tập này trong các hội thảo của mình, tôi yêu cầu mọi người thảo luận về những điều họ cảm thấy. Chúng tôi làm như vậy để mọi người có thể hiểu chính xác những nỗi sợ hãi và lo lắng đặc trưng tạo ra bởi trường lớp góp phần như thế nào trong việc tạo ra những vấn đề chúng ta gặp phải trong học tập. Tác động của những cảm xúc như vậy rất nguy hiểm đối với tất cả các giai đoạn trong quá trình học tập. Khi bạn bắt đầu học bất cứ điều gì mới, chúng huỷ hoại sự tự tin về khả năng hiểu và nắm bắt vấn đề đó của bạn. Trong suốt quá trình học tập, chúng làm mất dần nghị lực mà bạn cần, từ đó khiến bạn sa lầy, mất đi đà tiến lên và trở nên thất vọng và chán nản. Và thậm chí ngay cả sau khi bạn đã học được điều gì đó, những cảm xúc này làm cho những điều bạn vừa học được trở nên khó nhớ và không áp dụng được, buộc bạn phải bắt đầu tất cả lại từ đầu hay thậm chí là bỏ cuộc.
Sau đây là ví dụ tiêu biểu mà các học sinh của tôi đã dùng để mô tả những cảm xúc tiêu cực đã cản trở khả năng học tập của họ như thế nào. Có thể, bạn sẽ nhận ra một vài nỗi sợ hãi của chính mình từ trong bài tập trên: Dorothy K. sợ môn Toán. Trong lúc tập, cô nhớ lại một cảm xúc mà cô thường có trong suốt thời kỳ đi học: cô không thể theo kịp những gì đang diễn ra và sợ rằng cô không bao giờ có thể bắt kịp. Kết quả dẫn đến một vòng luẩn quẩn. Khi mỗi bài toán mới được giảng trên lớp, cô vẫn đang nghĩ về bài toàn trước đó cho dù cô đã thực sự giải được nó. Điều đó đủ để làm cô sao nhãng với bài toán hiện tại. Sau bài tập, cô đã nhận ra rằng thái độ của mình đã trở thành một sự dự báo trước để tự thoả mãn bản thân.
Từ việc thảo luận hàng trăm trường hợp như vậy với học sinh của mình, tôi đã nhận biết được sáu nỗi sợ hãi học tập chủ yếu chúng ta hay mắc phải. Một khi bạn nhận ra nguồn gốc của chúng, những nỗi sợ hãi này sẽ không còn mấy tác động lên bạn, bởi chỉ cần mô tả những cảm xúc này bằng lời có thể giúp chúng ta đối đầu với chúng từ đó giảm thiểu nỗi lo lắng của bản thân. Chúng ta sẽ theo dõi từng cái trong sáu nỗi sợ hãi:
Nỗi sợ thứ nhất: Tôi không hiểu những điều tôi đang học. Thỉnh thoảng cảm xúc này sinh ra do một diễn giả hay tác giả sử dụng những từ ngữ chúng ta không hiểu. Hoặc trong trường hợp khác chúng ta hiểu tất cả từ ngữ nhưng dường như không thể nhận ra điểm mấu chốt của nó là cái gì. Trong buổi thuyết trình hay hội thảo điều này có thể còn tồi tệ hơn. Những người xung quanh dường như đều hiểu được vấn đề. Chúng ta có thể nhìn và thậm chí nói như thể chúng ta cũng hiểu, nhưng sâu bên trong chúng ta hiểu rằng chúng ta đang giả vờ. Chúng ta cảm thấy lạc đường, không được giúp đỡ, xấu hổ và không sẵn sàng để chấp nhận rằng chúng ta không hiểu vấn đề đang được nói đến.
Trải nghiệm này thường bắt nguồn từ cách chúng ta được dạy ở trường học. Trình tự và phong cách trình bày kiến thức được quyết định bởi giáo viên. Nếu cách nhận thức sự vật của mỗi bản thân chúng ta không giống nhau, quá trình thích nghi là rất ngắn. Hơn nữa, chúng ta được trông đợi để nắm vững cùng một khối lượng tài liệu như những học sinh khác cùng lớp. Người ta không hề quan tâm tới phần nào khiến chúng ta thực sự thích thú, muốn tìm hiểu sâu hơn và phần nào chúng ta không để tâm nhiều lắm. Cuối cùng, chúng ta hiếm có cơ hội sử dụng tài liệu theo cách của chính mình để áp dụng chúng vào sở thích hay các mối quan tâm của bản thân hoặc tạo ra mối liên hệ riêng đối với những sự vật khác mà chúng ta đã biết.
Không có điều gì trên đây bắt buộc phải áp dụng vào cách học của chúng ta ngày nay. Là những người trưởng thành, chúng ta có thể và nên học tập theo phương pháp riêng, theo trình tự đã được xác định và tuỳ thuộc vào mức độ ưu tiên của từng cá nhân. Chỉ khi chúng ta cho phép bản thân quên đi cảm xúc thiếu sự giúp đỡ, và nếu cảm xúc đó sinh ra, chúng ta sẽ có các cách thức hiệu quả để đối đầu với nó.
Nỗi sợ thứ hai: Tôi không phải là người có thể học môn này. Cho dù ở trường bạn là một học sinh giỏi đến đâu, chắc chắn có một số thứ bạn nghĩ là bạn không thể học nổi. Đối với nhiều người đó là toán học, đối với một số người khác nó có thể là ngoại ngữ, hội hoạ, thể dục, nghệ thuật bán hàng hay nghề mộc.
Lý do chúng ta cảm thấy như vậy một lần nữa liên quan tới phong cách học tập của cá nhân. Như đã biết, mỗi chúng ta có một bộ não duy nhất. Sự phối hợp giữa não bộ và kinh nghiệm trong cuộc sống tạo ra những năng khiếu nào đó, thường đó là những khả năng chúng ta đã bắt đầu rèn giũa từ khi còn bé. Những năng khiếu này chính là những khởi đầu thuận lợi cho cá nhân mỗi chúng ta.
Bởi nền giáo dục trong trường học của chúng ta có xu hướng chỉ nhượng bộ tối thiểu đối với các phong cách học tập khác nhau hay thậm chí các sự khác biệt trong nội dung môn học, chúng ta thường cảm thấy rằng thật khó khăn để có thể hoàn thành việc học tập trong một vài lĩnh vực. Tuy nhiên, là học viên xuất sắc chúng ta có thể thử theo nhiều cách. Nếu một phong cách học tập không thích hợp với chúng ta trong một vài môn học, chúng ta có thể chuyển qua các cách khác để thu nhận lượng kiến thức mà chúng ta cần. Nếu việc học từ vựng và ngữ pháp làm chúng ta buồn chán đến phát khóc, chúng ta có thể học tiếng Nhật hay tiếng Tây Ban Nha bằng cách tới những lớp mọi người mới học để làm quen và hoà nhập với nhau.
Nỗi sợ thứ ba: Tôi không biết cách để học cái này một cách hiệu quả. Như đã được nhắc đến ở Chương 1, hình thức phổ biến trong việc giáo dục ở các trường học là ra lệnh cho học sinh “đi đi và học cái này” mà không bao giờ có một chỉ dẫn về cách bạn được cho là sẽ học nó. Chẳng có mấy thứ có thể giết chết sự hứng thú học tập một cách hữu hiệu hơn là một thử thách có rất ít hướng giải quyết và không có cả nơi để bắt đầu.
Điều đó giống như là khi bạn khởi hành một cuộc đi bách bộ dã ngoại cùng vài người bạn. Họ đã nói cho bạn biết nơi họ sẽ cắm trại và nơi để bạn đậu xe. Bạn đi ra ngoài và hoang mang khi nhìn thấy cánh rừng: bạn nên chọn con đường mòn nào? Nên chú ý đến những cột mốc nào? Nhưng một khi bạn biết mình phải làm như thế nào, mọi chuyện trở nên thật dễ dàng và ngộ nghĩnh.
Phương pháp học tập đỉnh cao sẽ cho bạn những “dấu hiệu chỉ dẫn trên con đường mòn” bạn cần để học những thứ bạn muốn học – và để có thể cảm thấy thích thú suốt con đường đó. Một khi bạn có vài lựa chọn để thử trong các tình huống học tập khác nhau, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy lạc lối vì không biết phải bắt đầu từ đâu.
Nỗi sợ thứ tư: Tôi sẽ không nhớ được những điều tôi đang học. Hầu hết chúng ta ghi nhớ theo kiểu nhồi sọ một cách điên cuồng những sự kiện, ngày tháng, tên tuổi và cứ như thế trong đêm trước ngày thi. Chúng ta vượt qua kỳ thi và thư giãn. Tuy nhiên, ngày hôm sau chúng ta may mắn lắm mới nhớ được một nửa những thứ chúng ta đã phải cố gắng để học.
Lại một lần nữa, trường học đã cho chúng ta một cái nhìn sai lệch về việc học tập. Đối với các khoá học ở trường, chúng ta được kiểm tra định kỳ về mức độ có thể nhai lại đống kiến thức đã được nhớ nhiều đến đâu và được đánh giá gián tiếp bằng việc so sánh khả năng ghi nhớ của chúng ta với những người khác. Trong hệ thống đó, thực tế là hầu hết học sinh đã quên tới 90% kiến thức trong vòng một tuần sau kỳ kiểm tra liên quan. Thật là một sự phí phạm thời gian và công sức.
Nhưng trong cuộc sống thực – điều mà phương pháp học tập đỉnh cao hướng tới – bạn có thể lựa chọn để ghi nhớ nhiều hay ít thông tin tuỳ thích, tuỳ thuộc vào điều bạn cần, cảm thấy có liên quan hay thích thú khi sử dụng. Một khi có cái nhìn tổng thể về một môn học, bạn chỉ cần nắm bắt vừa đủ để có thể nhận ra các mối liên hệ với những điều xung quanh. Đơn giản là không cần phải ghi nhớ mọi thứ trong đầu bạn. Không ai so sánh bạn với những người khác xem bạn có thể nhớ được bao nhiêu.
Nỗi sợ thứ năm: Tôi cảm thấy xấu hổ vì tôi không biết một số điều. Bất cứ khi nào chúng ta thử học một cái gì đó, chúng ta phải bắt đầu bằng cách chấp nhận chúng ta chưa hề biết gì về nó. Thông thường điều đó có nghĩa là chúng ta cần một số sự giúp đỡ để bắt đầu – thậm chí nếu đó chỉ là lời giới thiệu một cuốn sách.
Nhưng kể từ khi lần đầu tiên ngồi trong phòng học và thầy giáo gọi trả lời câu hỏi chúng ta không biết, chúng ta đã được dạy rằng thật xấu hổ khi công nhận chúng ta không biết một điều gì đó. Ở trường học trong hầu hết các trường hợp giáo viên được coi như biết những điều đáng để biết và công việc của những học sinh như chúng ta là học những điều đó từ họ. Nếu chúng ta không học được những điều mà giáo viên biết, chúng ta sẽ bị phạt vì không biết. Ngày nay, khi chúng ta cố gắng trở thành “những học viên thực thụ”, chúng ta khơi lại tất cả những sự oán giận vì đã bị điều khiển, đánh giá và đặt vào vị trí là “những học sinh”.
Nhưng bây giờ khi đã trưởng thành mọi thứ khác biệt rất nhiều đối với chúng ta. Không như những sự cưỡng ép và nghĩa vụ trong các mảng khác của cuộc sống, là những người tự học chúng ta hoàn toàn được tự do để khám phá bất cứ điều gì chúng ta muốn, bất cứ khi nào và dưới bất kỳ hình thức nào. Không có ai nhạo báng chúng ta bởi vì chúng ta không biết một điều gì đó mà chúng ta bị cho là phải biết – sự đánh giá duy nhất đáng chú ý là sự tự đánh giá của chúng ta.
Nỗi sợ thứ sáu: Có quá nhiều thứ để học. Lại một lần nữa, những gì trải qua tại trường học cho chúng ta một nhận định sai lầm. Trong trường học, việc học tập được tổ chức theo các khoá học với một khối lượng kiến thức xác định. Điều đó giống như chúng ta phải ăn toàn bộ một con bò, khi chỉ muốn một cái bánh hamburger ăn nhanh. Bởi vậy, chúng ta bị để lại với một niềm tin rằng để học một điều gì đó có nghĩa là nắm vững tất cả những chi tiết nằm trong những cuốn sách giáo khoa dày cộp, nặng trịch. Quan niệm đó góp phần tiêu diệt bất cứ sự thích thú hay mối quan tâm nào mà lẽ ra chúng ta đã tìm thấy ở các môn học.
Nhưng, lại một lần nữa thế giới thực hoàn toàn khác. Không có các môn học, các khoá học, khối lượng kiến thức ấn định bắt buộc bạn phải học (lần cuối cùng bạn thấy hàng rào quanh một tảng đá ghi rằng:”Cần phải có kiến thức ngành địa chất là khi nào?”).
Thay vào đó, học tập là một quá trình không ngừng nghỉ mà đầu tiên bạn nhận biết những điều hấp dẫn bạn, và có thể tìm hiểu chúng tới bất cứ mức độ nào bạn muốn. Tiếp theo, bạn xử lý kiến thức đó và dựa vào nó, ứng dụng vào nơi hữu ích cho mục đích của bạn. Sau đó, bạn quyết định xem những gì thực sự có ích và đáng để giữ lại, trong khi ghi chú lại nơi bạn có thể tìm thấy những phần còn lại khi cần đến. Cuối cùng, bạn bắt đầu thực hiện lại toàn bộ chu trình.
Điều quan trọng là bạn đã làm được bao nhiêu và làm cái gì với chúng, không phải là ý kiến của ai đó về việc cần phải học bao nhiêu về một vấn đề.
Hãy nhớ rằng tất cả chúng ta phải đấu tranh với những nỗi sợ hãi này khi trở lại khoá học của mình. Để thay đổi, tiến lên và có khả năng sử dụng tiềm năng của mình nhiều hơn nữa, chúng ta phải từ bỏ những phần của bản thân cản trở con đường của chính chúng ta. Cái giá chúng ta phải trả cho một cuộc sống vui vẻ, trọn vẹn và thoả mãn hơn là phải bước ra khỏi những hang động của chính mình và bỏ lại đằng sau bóng tối với những cái bóng nhạt nhoà lay động.
NHỮNG ĐIỀU HOANG ĐƯỜNG VỀ HỌC TẬP
Đối với hầu hết chúng ta, những năm trong trường phổ thông và đại học đã nhồi nhét những niềm tin đối với quá trình học tập không còn có thể áp dụng khi đã là người lớn. Suốt các khoá học, chúng ta tiếp thu một kiểu thần thoại hoang đường về học tập. Bất cứ môn học nào bạn nghĩ rằng mình đang học, bạn cũng được dạy một chương trình thuộc về tiềm thức định hình cách nhìn của bạn về cách bạn học.
Phần sau đây sẽ phân tích tỉ mỉ chúng một cách nhanh chóng, đầu tiên bằng cách nêu lên mỗi điều hoang đường dưới dạng trần trụi nhất của nó, sau đó xem xét xem nó từ đâu đến và sau cùng trình bày rõ ràng sự thật của vấn đề.
Điều hoang đường thứ nhất: Học tập là một hoạt động nhàm chán, không thể thích thú. Cảm giác nhàm chán trong lúc học bắt nguồn từ việc bản thân chúng ta bị bắt ép phải học những thứ chúng ta không quan tâm, trong môi trường không thích hợp, và chẳng liên quan gì tới nhu cầu hay phong cách của bản thân chúng ta.
Hơn nữa, rất có thể bạn quá trông minh so với trình tự học tập điển hình trong trường phổ thông và cả đại học, nơi công việc ở trên lớp thường là sự lặp đi lặp lại được chỉ đạo bởi chương trình học, sách giáo khoa, và với một nhịp độ coi tất cả như một nhóm có chung khả năng ở mức độ thấp nhất. Cố gắng làm chậm lại tư duy của bạn khiến cho việc học tập trở nên buồn tẻ.
Nhưng học tập thực sự là sự trải nghiệm tự nhiên và hấp dẫn nhất mà bạn có thể tham gia. Học tập có thể dịch chuyển với tốc độ của ý nghĩ, bỏ xa bất cứ máy vi tính nào hiện nay.
Sự thật là: Học tập có thể trở thành một trong những hoạt động say mê và hấp dẫn nhất mà bạn có thể tham gia – và nó còn là con đường ngắn nhất dẫn tới điều bạn muốn và cần phải biết.
Điều hoang đường thứ hai: Việc học tập chỉ liên quan đến những môn học và kỹ năng được dạy trong trường học. Chương trình giáo dục chính quy tại các trường học chỉ là mẩu vụn của những điều đáng để biết tới. Nếu được thiết kế cẩn thận, một chương trình giáo dục cá nhân cho bạn công cụ mà với nó bạn nắm chắc được việc học tập của mình.
Những người thành công nhất tự chọn đường đi riêng một khi họ được tự quyết.
Sự thật là: Đối với bạn, những môn học và kỹ năng học tốt nhất hoàn toàn phụ thuộc vào việc bạn muốn bản thân và cuộc sống của bạn trở thành như thế nào. Điều này là đúng bởi mỗi người trong chúng ta có một phạm vi quan tâm riêng.
Điều hoang đường thứ ba: Chúng ta phải thụ động và dễ tiếp thu để có thể “lĩnh hội” được tri thức. Đây là một quan niệm lạc hậu về nền giáo dục được miêu tả chuẩn xác nhất là “rót kiến thức vào một cái bình rỗng”. Điều đó không thể áp dụng đối với việc học tập của những người trưởng thành. Trong chương trước, chúng ta đã lưu ý rằng bộ não là một cơ quan linh động và có kết cấu riêng. Học tập qua thực hành là quan niệm đúng đắn hơn nhiều so với việc nhận thức một cách thụ động và phụ thuộc vào sách vở.
Cách thích hợp để hiểu điều này là nghĩ tới một nhà phát minh. Ông ta hay bà ta muốn tạo ra một đồ vật để làm gì đó và có lẽ phải thử nhiều sự kết hợp khác nhau giữa các bộ phận để làm ra sản phẩm chính xác. Với mỗi lần thử nghiệm, nhà phát minh phải đánh giá xem mình đã đạt được gần tới sản phẩm cuối cùng đến mức nào. Mỗi một lần thử nghiệm mới lại “tạo ra kiến thức”, và chính kiến thức đó là điều không thể tiếp thu một cách thụ động từ sách giáo khoa bởi trước đây chưa ai chế tạo ra đồ vật này. Bởi vậy, mỗi hành động kiểm tra bộ phận đó đem tới những tri thức mới, thậm chí môn học mới. Điều này không hề giảm sự đúng đắn nếu bạn không phải là một nhà phát minh.
Sự thật là: Học tập thực sự là một quá trình chủ động nghiên cứu kiến thức, đánh giá nó theo các mục đích và tiến tới những hành động tiếp theo. Bạn sẽ được trực tiếp cảm thấy điều này bằng những phương pháp sẽ được miêu tả trong cuốn sách sau này.
Điều hoang đường thứ tư: Để học, bạn phải đặt mình dưới sự kèm cặp của giáo viên. Giáo dục trong hầu hết trường phổ thông và đại học dựa vào giáo viên như lực lượng hướng dẫn và điều khiển. Giáo viên quyết định phạm vi của môn học, cách tiếp cận, trình tự, các điểm nhấn và phong cách học. Giáo viên là người quyết định bạn đã hài lòng với việc học hay chưa và phải làm gì nếu bạn chưa đạt được điều đó.
Tất nhiên, một giáo viên tốt có thể là một nguồn tuyệt vời cho việc học tập của bạn. Nhưng bạn thu nhận được nhiều nhất từ giáo viên bằng cách sử dụng họ đúng thời điểm và mục đích. Đối với phần lớn việc học hành, bạn có thể tìm thấy các nguồn hiệu quả và thuận tiện hơn: một băng cassette trong ôtô để nghe trên đường đi làm hàng ngày, một cuộc hội thảo lý thú với rất nhiều những chuyên gia về một lĩnh vực mới mẻ, một băng video hay chương trình máy tính bạn có thể chơi khi cảm thấy thích vào lúc tối muộn, sáng sớm hay vào cuối tuần.
Sự thật là: Là một người trưởng thành, bạn phải chịu trách nhiệm về việc học tập của mình. Giáo viên là một nguồn quan trọng cho bạn sử dụng, nhưng họ chỉ nên là người trợ giúp khi cần đến chứ không phải người điều khiển bạn. Việc học tập là của bạn chứ không phải của họ.
Điều hoang đường thứ năm: Học tập phải có hệ thống, kế hoạch và logic. Điều hoang đường này phát sinh từ việc chúng ta thấy trong các lớp học luôn có sẵn một chương trình hay giáo trình – một kế hoạch hoàn chỉnh để học một môn học. Tiến trình này đã được định ra trước khi chúng ta bước chân vào trường lớp, và công việc của chúng ta là đi theo nó. Giáo trình đề ra những điều sẽ được giảng dạy, thứ tự giảng dạy, sử dụng những tài liệu gì, và chúng ta sẽ được kiểm tra ra sao.
Nhưng các nghiên cứu đã tiết lộ rằng đó không phải là cách học tự nhiên – tự nhiên ở đây nghĩa là bên ngoài lớp học. Trong thế giới hàng ngày, và trong cuộc sống của những học viên xuất sắc nhất (các nhà văn, nghệ sĩ, giáo viên, các doanh nhân và chuyên gia cao cấp), học tập tiến triển một cách hữu cơ. Khi được phỏng vấn về việc học tập, những người đó đều nhanh chóng nhớ ra rằng phần lớn việc học là tự phát, thậm chí là may mắn tình cờ.
Nói tóm lại, bất cứ môn học nào đều có vô số điểm bắt đầu và vô số cách bạn có thể tạo ra con đường của mình để vượt qua nó. Con đường của mỗi học viên trưởng thành là riêng biệt, dựa trên hướng đi và chủ đề nào hấp dẫn và có ích nhất đối với cá nhân.
Sự thật là: Việc học tập tốt phải cân bằng giữa sự hợp lý và linh hoạt của các kế hoạch. Việc học tập của người trưởng thành dễ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi các mối quan tâm và các cơ hội hiện hữu.
Điều hoang đường thứ sáu: Học tập cần phải triệt để, nếu không thà không học còn hơn. Trong trường học, tiêu chuẩn thành công là phải đạt được điểm 10 hoặc một A – có nghĩa rằng bạn phải học hầu như mọi thứ giáo viên đưa ra trong khoá học. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu môn học đó không phải là mục tiêu của bạn? Giả sử bạn chỉ thấy hai chuyên đề trong toàn bộ khoá học là thực sự khiến bạn quan tâm, bỏ thời gian nghiên cứu, áp dụng chúng và dựa vào chúng. Lúc này, có lẽ bạn đã thực sự đưa việc nghiên cứu đó tới điểm mà bạn sẽ có một vài phát kiến hoặc tư tưởng độc đáo cho riêng mình về hai chuyên đề này. Nhưng tất nhiên bạn sẽ trượt bài thi cuối kỳ.
Ý tưởng “bao hàm toàn bộ môn học” được phát minh bởi các giáo viên và những nhà tư vấn của họ như là một cách đo lường họ có đang thực hiện hoàn thiện công việc của mình hay không. Nó chẳng mấy liên quan tới những học viên trưởng thành. Hơn nữa, đối với nhiều môn học và kỹ năng, bạn có thể học 80% những gì bạn muốn hoặc cần phải biết trong 20 tiếng đồng hồ đầu tiên.
Sự thật là: Một trong những quyết định hữu ích nhất cho bất kỳ kế hoạch học tập nào chỉ đơn giản là có bao nhiêu môn học bạn muốn và cần phải học – quyết định tốt nhất thường được đưa ra sau khi bạn đã bắt đầu, không phải là trước đó.
TRẠNG THÁI HỌC TẬP SẢNG KHOÁI – SỰ XOÁ BỎ ĐIỀU HOANG ĐƯỜNG VỀ HỌC TẬP
Trạng thái này đã được nghiên cứu chuyên sâu bởi các nhà tâm lý học trong 15 năm gần đây. Họ đã phỏng vấn và kiểm tra các sinh viên, người lao động chân tay, các chuyên gia và người có tuổi. Tất cả đều đưa đến kết quả là: Khi bộ não chúng ta làm việc trong trạng thái tinh thần đặc biệt này, chúng ta có thể vượt qua những nỗi sợ hãi trong việc học.
Trạng thái trên được gọi là sảng khoái, và nó có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với hạnh phúc của cá nhân.
Sảng khoái là trạng thái mà trong đó học tập và hạnh phúc hầu như hoàn toàn hợp nhất. Một bài báo trên tờ New York Times đã mô tả nó như là “một trạng thái tập trung dẫn đến sự tiếp thu tuyệt đối trong một hoạt động”. Trong trạng thái này, các hoạt động trôi đi một cách dễ dàng từ trong suy nghĩ, bạn cảm thấy mạnh mẽ, tỉnh táo và không lúng túng. Sảng khoái chính là cảm xúc tuyệt diệu rằng bạn đang điều khiển hiện tại và hoạt động ở đỉnh cao năng lực của mình… các nghiên cứu cho rằng trạng thái này có lẽ là một cạnh chung trong sự trải nghiệm của con người”.
Trạng thái sảng khoái xảy ra trong bất kỳ hoạt động nào. Trong thể thao, đó là thời khắc bạn đạt tới mức độ mà khả năng và thành tích thể hiện của bạn vượt trội. Trong âm nhạc, nó xảy ra khi bạn đã hiểu quá rõ nhạc cụ của mình và bản nhạc đến mức bạn chỉ cần chơi thôi, như thể bạn đã trở thành chính nhạc cụ và âm nhạc đó… Trạng thái sảng khoái có một số nét đặc trưng tiêu biểu:
Trạng thái học tập này có thể xảy ra khi những thử thách bạn nhận thấy tương xứng với những kỹ năng đã lĩnh hội được. Có lẽ đặc trưng chủ chốt nhất chính là sự cân xứng tinh tế giữa những gì bạn coi như là thử thách phải đối mặt và cách bạn nhìn nhận khả năng của bản thân trong việc đối đầu với thử thách này. Sự nhận thức ở đây rất quan trọng bởi như chúng ta đã biết, trí tuệ chủ động xây dựng hoàn cảnh mà nó đối mặt. Bất cứ hành động nào cũng có thể được tiến hành trong trạng thái sảng khoái nếu được nhìn nhận đúng cách.
Bước đầu tiên trong việc nhận ra các điều kiện cho sự sảng khoái là có một việc gì đó để làm, một cơ hội hành động hay thử thách. Bước tiếp theo là nhận ra rằng bạn có một số kỹ năng có thể sử dụng để quyết định sẽ phải làm gì tiếp theo. Sự cân xứng giữa hai điều trên sẽ bắt đầu khởi động trạng thái sảng khoái.
Hãy thử làm rõ hơn vấn đề về sự cân xứng này bằng cách so sánh nó với những trải nghiệm mà trong đó có sự không cân xứng giữa thử thách và kỹ năng. Hãy hình dung bạn phải học một khoá dành cho người mới học về công việc mà bạn đang làm để kiếm sống. Kỹ năng và kinh nghiệm của bạn đã bỏ xa những điều đang được dạy. Ngồi mãi một chỗ để nghe những lời giải thích không ngừng nghỉ về những điều bạn đã biết là một cực hình khủng khiếp, buồn chán vô cùng. Trường hợp vừa rồi thuộc về vùng ăn không ngồi rồi.
Mặt khác, giả sử bạn phải tham gia một buổi hội thảo cho những người đã có bằng cấp về một lĩnh vực mà bạn không biết một chút gì – ví dụ như Vật lý lượng tử. Diễn giả cứ nói mãi trong khi bạn ngồi đó, hiểu được một trong số 100 từ. Bạn đang ở trong vùng quá sức.
Trạng thái học tập sảng khoái là cảm giác kiểm soát hoàn cảnh. Kèm theo sự cân xứng nhận thấy ở trên là một đặc trưng khác của việc trải nghiệm sự sảng khoái: một cảm giác kiểm soát.
Trạng thái sảng khoái diễn ra trong những tình huống mà trong đó một người đã vạch ra rõ ràng mục tiêu và có được các ý kiến phản hồi. Các trò chơi cung cấp một hình mẫu tốt để miêu tả các nét tiêu biểu khác của sự trải nghiệm trạng thái sảng khoái.
Trong khi trải nghiệm trạng thái sảng khoái, việc tập trung cao độ giúp bạn phát triển khả năng liên kết những hành động vô thức với sự nhận thức và giúp bạn quên đi thời gian. Hãy nghĩ đến những đứa trẻ mới làm quen với trò chơi điện tử, thậm chí khi đó chỉ là trò ném thú trên máy điện tử xèng. Việc cần phải làm gì để tìm ra kho báu hay tiêu diệt những quái thú xâm lược dường như hoàn toàn rõ ràng trong từng thời điểm. Bởi vậy, bạn dễ dàng mất đi cảm nhận về thời gian, quên đi cơn đói, và thậm chí cả sự đau đớn cho đến khi bạn ngừng chơi.
Bởi vậy, trong một tình huống xác định mà trong đó thử thách tương xứng với kỹ năng và có cảm giác kiểm soát, hoàn toàn có thể có sự tập trung cao độ vào các chỉ dẫn liên quan để kết hợp giữa hành động và sự tính toán theo một cách làm mất đi ý thức và thậm chí làm thay đổi cả cách bạn cảm nhận thời gian đang trôi đi. Đặc trưng này là điều tiếp theo chúng ta cần tới trong việc trải nghiệm cảm xúc sảng khoái trong học tập.
Những trải nghiệm sảng khoái sinh ra từ những động cơ bên trong không phải từ sự để tâm tới những phần thưởng hay mục tiêu bề ngoài. Csikszentmihalyi đã nhận ra rằng chức năng này quan trọng như sự cân xứng giữa thử thách và khả năng. Nó cũng là phần quan trọng nhất trong trạng thái sảng khoái đối với chúng ta, những học viên xuất sắc.
Như chúng ta đã thấy từ trước khi thảo luận về nỗi sợ học tập và những điều hoang đường, việc phải trả bài vì mục đích đạt điểm cao có thể cướp đi sự hứng thú học tập và làm nó trở thành một sự tra tấn. Chắc chắn bạn có thể hài lòng vì điểm tốt, nhưng nó không có vẻ sẽ làm cho quá trình nhồi sọ luyện thi trở nên dễ chịu.
Học tập trong trạng thái sảng khoái
Bạn sẽ cảm thấy như thế nào khi học tập trong trạng thái sảng khoái? Bạn sẽ trải nghiệm điều gì nếu bạn đặt bản thân vào tâm trạng đó bất cứ khi nào bạn muốn? Sau đây là miêu tả của một vài khách hàng và những người tham gia vào các hội thảo của tôi:
Helen học buôn bán bất động sản
Trạng thái học tập sảng khoái giống với việc đang xúc cát trên bãi biển như một đứa trẻ và đổ nó vào đúng chỗ trên lâu đài cát. Chắc chắn rằng có một khối lượng kiến thức khổng lồ để học cũng như một khối lượng cát vô tận xung quanh. Nhưng tôi biết tôi theo đuổi những gì trong những cuốn sách này, tôi cần gì để xây dựng lâu đài cát của mình, và cách tiếp cận những điều cần thiết và đặt nó vào đúng nơi tôi cần nó.
Jack học tiếng Tây Ban Nha
Sau hai lần cố gắng học tiếng Tây Ban Nha bất thành trong môi trường lớp học, cuối cùng tôi đã tìm ra một cách mà tôi thấy dễ dàng và an toàn: những cuộn băng cho tôi sự tự tin rằng mình đang tiến bộ, và một trải nghiệm say mê, nơi tôi đơn giản chỉ nói tiếng Tây Ban Nha với những học viên khác trong một bữa tiệc. Cảm giác chạy theo những tác động xã hội, đôi khi rất tức cười, như là chúng ta học hỏi về ngôn từ và ngữ pháp, khiến tôi ngập chìm trong lo lắng liệu tôi có quên bài học trước trong khi học bài tập tiếp theo.
Charles học môn Thiên văn học
Không có gì làm tôi thoải mái hơn là sau một ngày làm công việc lập trình máy tính có thể nhìn thấy những thứ một người bình thường sẽ không bao giờ thấy. Đó là sự quan sát trực tiếp vũ trụ. Khi tầm quan sát tốt, tôi thường cảm thấy mình không hề để ý đến hàng giờ bỏ ra để quan sát các vì sao và các hành tinh. Được tận hưởng cảm giác đó đã trở thành mục đích của tôi.
Fred tập chơi một trò chơi điện tử
Đầu tiên là cảm giác thất bại nhẹ nhàng khi không biết phải làm gì để chiến thắng trong trò chơi. Nhưng trong một khoảng thời gian ngắn tôi thấy mình đã nắm được những điều cơ bản, và sau đó tôi cảm thấy bị thu hút vào chính trò chơi. Tôi cảm thấy một sự thúc ép to lớn để đi xa hơn, vượt qua những giới hạn mà tôi đã vừa đạt được dưới dạng những thử thách khó khăn hơn.
Susan học nấu các món ăn Trung Quốc
Khi nấu ăn, tôi thực sự có một cảm giác tự do và thích thú. Cảm giác gần như rơi vào tình trạng thôi miên khi lựa chọn nguyên liệu và gia vị, trộn, xào, hay bất cứ cái gì và sau đó tôi có thể nếm thành quả và quyết định phải thay đổi điều gì cho lần sau.
ĐẠT TỚI TRẠNG THÁI HỌC TẬP SẢNG KHOÁI:
NHỮNG BƯỚC ĐẦU TIÊN
Để đạt tới trạng thái học tập sảng khoái, bạn có thể bắt đầu với hai bài thực hành sơ bộ: thư giãn và đánh thức người học viên tiềm ẩn bên trong bạn.
Thư giãn
Các phương pháp thư giãn chắc chắn đã được quan tâm đến từ thời con người sống trong hang động lo lắng phải đi đâu để kiếm bữa ăn tiếp theo. Trào lưu quan tâm đến thư giãn đạt tới đỉnh điểm vào những năm 1960, khi mà phương pháp nhập thiền thư giãn được các phương tiện truyền thông để mắt tới. Một vài người lảng tránh nó bởi những bộ lễ phục tôn giáo và khuynh hướng Đông phương, nhưng Tiến sĩ Herbert Benson ở Trường Y khoa Harvard đã điều tra phương pháp nhập thiền thư giãn một cách khoa học và tìm ra rằng thật sự có những sự khác biệt dễ thấy nhờ việc sử dụng những phương pháp thư giãn.
Lợi ích của thư giãn bao gồm khả năng thoát khỏi lối mòn của chính bạn. Bằng cách đều đặn luyện tập thư giãn như bài thực hành dưới đây, bạn có thể nuôi dưỡng thói quen bỏ qua những áp lực và căng thẳng thường ngày và điều chỉnh lại trí óc cho một nhiệm vụ mới.
Trình tự thư giãn của cá nhân có thể thực hiện theo cùng cách thức. Thay vì ngồi xuống học một cái gì đó và bị sao nhãng bởi việc bạn đã khoá xe hay chưa hay bởi nhớ ra một thứ gì đó bạn quên chưa cho vào danh sách tạp phẩm cần mua, hãy bỏ ra một vài phút thư giãn trước khi bắt đầu học. Bài tập thư giãn cho phép bạn trở nên bình tĩnh, xoá bỏ sự nhiễu loạn trong tâm trí, chuẩn bị cho bạn cống hiến sự tập trung hoàn toàn vào việc hiểu thứ bạn đã chọn học.
Có nhiều bài thực hành thích hợp cho việc thư giãn trong sách và băng. Nếu bạn đã chọn một bài thực hành mà bạn thích, tiếp tục sử dụng nó.
♦ ♦ ♦ ♦
Học cách thư giãn
-
Chọn một từ tiêu điểm hay một câu ngắn bắt rễ chắc chắn trong tín ngưỡng của bạn. Ví dụ, một người theo Thiên Chúa giáo có thể chọn những từ đầu tiên trang 23 cuốn Psalm trong Kinh Thánh: “Chúa là người chăn dắt chúng ta”.
-
Ngồi yên lặng trong một tư thế thoải mái.
-
Nhắm mắt lại.
-
Thả lỏng cơ thể, hơi nghiêng đầu sang bên.
-
Thở chậm và tự nhiên, nhắc lại từ tiêu điểm hay câu đó mỗi lần bạn thở ra.
-
Hãy làm ra vẻ thờ ơ. Đừng lo lắng xem bạn đang thực hiện tốt không. Khi các ý nghĩ khác xâm chiếm tâm trí, đơn giản loại bỏ chúng và nhẹ nhàng quay lại việc lập lại từ.
-
Tiếp tục trong 10 đến 20 phút.
-
Luyện tập phương pháp này một hay hai lần mỗi ngày.
♦ ♦ ♦ ♦
Khơi dậy người học viên tiềm ẩn bên trong bạn
Là những học viên xuất sắc, mỗi người trong chúng ta có một con át tiềm ẩn – một chuyên gia học hành hoàn toàn chịu sự sai khiến của chúng ta khi chúng ta cần giúp đỡ. Ở đâu? Trong trí tưởng tượng của chúng ta. Đó cũng chính là nơi liên quan tới việc “khơi dậy người học viên tiềm ẩn trong bạn”. Nó là một loại tương tự như bài tập tưởng tượng mà các vận động viên Olympic sử dụng để luyện tập, một loại diễn tập tinh thần của những thành tích đỉnh cao được gọi là sự hình dung.
Cách tiếp cận này đang được sử dụng ngày càng nhiều trong thể thao cũng như nhiều lĩnh vực khác. Để luyện tập cho các kỳ Olympic, bạn không còn cần có một cuộn băng ghi bài giảng về cách đánh tennis cho bạn thấy hình ảnh chính mình đang thực hiện cú đánh nữa.
Nguyên lý cơ bản của sự hình dung ở đây liên quan trở lại với sức mạnh của trí tuệ và bộ não của chúng ta. Con người có sức tưởng tượng mạnh mẽ. Tại sao không sử dụng sức mạnh đó theo các cách chủ động, khích lệ thay vì bỏ rơi trí tưởng tượng của bản thân và dùng nó để lo lắng cho thảm hoạ có thể xảy ra?
Việc hình dung có tác dụng bởi khi bạn bỏ thời gian mường tượng mình đang làm một điều gì đó thật tốt và cho vào trí óc từng chi tiết của quy trình, bạn đang củng cố khuôn mẫu hành vi đúng theo cách mà bạn thực hiện bằng cách thực sự luyện tập nó.
Chúng ta có thể đạt được trạng thái “khả năng tột cùng” thường xuyên hơn nhiều nhờ tưởng tượng một cách sống động điều chúng ta cảm thấy khi làm điều đó. Chúng ta cũng có thể tưởng tượng mình sẽ là gì nếu có thể (ví dụ được như một vài học viên xuất sắc mà chúng ta tôn sùng). Sự xuất sắc rất dễ lan truyền. Chúng ta càng bỏ ra nhiều thời gian tưởng tượng, đóng giả Socrates, Galileo, hay Einstein ở mức độ cao nhất, việc học tập trong cuộc sống thật của chúng ta càng trở nên hứng thú.
Bài thực hành sau đây sẽ khơi dậy người học viên trong bạn và sẽ tạo ra một sự kết thúc tương xứng thú vị với bài tập đã mở đầu chương này “những nỗi buồn vì học tập chậm chạp”.
♦ ♦ ♦ ♦
Khơi dậy người học viên tiềm ẩn bên trong bạn
Dành một chút thời gian nhớ lại trạng thái tinh thần của bạn trong lúc bạn đang trải qua thời điểm học tập tốt nhất của mình, thời gian mà kiến thức thu nhận được một cách dễ dàng, tự nhiên và hứng thú nhất. Đừng nghĩ rằng sự trải nghiệm đó phải bắt nguồn từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường. Điều quan trọng là trạng thái tinh thần chứ không phải nội dung môn học. Bạn có thể nhớ đến bất cứ thứ gì, miễn là bạn nhớ rằng đã trải qua việc học tập đó thật vui vẻ. Nó có thể là nấu nướng, học một môn thể thao hay thú tiêu khiển, thậm chí là việc khám phá một thành phố mới.
Đó cũng có thể là một trong những kỹ năng dựa vào nó mà kiếm sống của bạn. Hoạt động có thể tương đối đơn giản như là học đánh máy hay lái xe, hoặc phức tạp như là học bảng tuần hoàn hay các phương trình tài chính.
1. Bắt đầu bằng cách thư giãn trên một vị trí thoải mái như chiếc ghế yêu thích của bạn. Hít thở sâu vài lần, sử dụng phương pháp thư giãn như bạn đã học ở bài tập trước.
2. Bây giờ, hãy nhớ lại lúc mà việc học tập tiến triển rất tốt đẹp. Bạn đang ở đâu? Bạn có thể nhớ lại những cảm giác của giác quan như là ánh sáng hay âm thanh hoặc mùi của nơi đó? Bạn ở đó với ai? Hình dung những khuôn mặt cùng tham gia, và nghe thấy giọng nói của họ. Bạn cảm thấy như thế nào?
Thời khắc này có hiếm gặp trong cuộc sống của bạn? Bạn có cảm thấy sự hài lòng dâng trào khi “đạt được nó”? Liệu nắm bắt được một điều gì mới có khiến bạn có cảm nhận tốt đẹp về bản thân? Bạn nghĩ những người khác cảm thấy như thế nào – các học viên khác và thầy giáo (nếu có)?
3. Hình dung là bạn dừng lại ở những gì bạn đang thấy, đang nghe và cảm nhận trong suốt sự trải nghiệm này. Tận hưởng nó tới chừng nào bạn muốn.
♦ ♦ ♦ ♦
Những điều trên bắt đầu cho bạn cảm giác thế nào là một học viên xuất sắc nhất và trạng thái học tập sảng khoái. Nhớ rằng điểm mấu chốt ở đây chính là “điều đó cảm giác như thế nào”. Bạn càng bỏ ra nhiều thời gian để cảm nhận việc học tập thật tốt đẹp, tưởng tượng bản thân đang thích thú học tập, hay hình dung bản thân là một người thực sự hứng thú học tập mà bạn tôn trọng, sẽ càng dễ dàng hơn cho bạn để thích thú với việc học tập của chính bạn – và sau cùng sẽ dễ dàng hơn cho bạn học bất cứ điều gì.
Đến thời điểm này, bạn đã gần đi được nửa con đường trong việc đọc về những khía cạnh của phương pháp học tập đỉnh cao đề cập tới các xúc cảm. Hãy xem xét lại những gì bạn đã học cho đến bây giờ.
Đầu tiên, bạn đã học nguyên nhân và tính chất của mối liên hệ giữa cảm xúc và học tập: đều ảnh hưởng tới sự thích thú học tập của chúng ta là để các cảm xúc xưa cũ ngáng chân chúng ta. Rèn luyện các bài thực hành hình dung nói trên là phương pháp để chúng ta chống lại những cảm xúc quá khứ này. Sử dụng nó bất cứ khi nào bạn nhận thấy lo lắng đến học tập.
Bạn đã thấy một vài trong số nhiều nỗi sợ hãi mà con người giữ sâu trong lòng đối với việc học hành sinh ra bởi những gì chúng ta trải qua trong giáo dục ở quá khứ tạo ra một số giả định sai lầm về cách con người học tập – những giả định đã bị bác bỏ bởi những nghiên cứu gần đây hơn. Bạn cũng đã trải qua một hành trình xem xét lại những điều hoang đường không may mắn được truyền bá trong hệ thống học đường của chúng ta. Những niềm tin sai lệch này khác biệt rõ ràng với loại hình học tập mà chúng ta – những người trưởng thành muốn thực hiện. Là học viên xuất sắc nhất chúng ta lựa chọn xem mình muốn học nhiều hay ít và theo cách phù hợp nhất.
Bạn đã đặt những bước đầu tiên để khích lệ bản thân trở thành một người có khả năng học tập tốt hơn nữa, để uốn nắn lại cảm xúc của bạn về việc học tập bằng cách học thư giãn và khơi dậy người học viên tiềm ẩn bên trong bạn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.