Nguyên Lý 80/20 – Bí Quyết Làm Ít Được Nhiều
12 Với một ít hỗ trợ từ bằng hữu
Các mối quan hệ giúp chúng ta xác định mình là ai và sẽ có thể như thế nào trong tương lai. Hầu hết mọi người chúng ta có thể truy ra rằng ngọn nguồn của những thành công mình là từ các mối quan hệ mấu chốt.
Donald O Clifton và Paula Nelson1
Nếu không có những mối quan hệ thì coi như hoặc chúng ta chẳng màng gì đến nhân tình thế thái hoặc đã chết rồi. Điều này, dù nghe có vẻ tầm thường, lại rất đúng: quan hệ bằng hữu là cái chính yếu trong đời sống của chúng ta. Và cũng đúng khi nói rằng các mối quan hệ nghề nghiệp là cái cốt lõi trong sự thành công của chúng ta. Chương này sẽ bàn đến cả những mối quan hệ cá nhân lẫn các mối quan hệ trong công việc. Chúng ta sẽ bắt đầu với các mối quan hệ cá nhân, với bạn bè, người yêu và người thân yêu. Sau đó chúng ta sẽ xét đến các mối quan hệ trong công việc đúng nghĩa.
Những vấn đề này có liên quan gì đến Nguyên lý 80/20 chứ? Câu trả lời là: Có khá nhiều đấy. Giữa chất và lượng có một sự giằng co, buộc chúng ta phải đánh đổi và chúng ta thường xuyên chăm chút không đứng mức những cái rất quan trọng nhất.
Nguyên lý 80/20 đưa ra ba giả thiết đầy khiêu khích sau:
80% giá trị của tổng các mối quan hệ là do 20% số quan hệ tạo ra.
80% giá trị của tổng các mối quan hệ là do 20% quan hệ gần gũi mà chúng ta hình thành đầu tiên trong đời mình.
Chúng ta bỏ ra dưới xa mức 80% sự chú ý của mình vào 20% các mối quan hệ tạo ra 80% giá trị.
Lập bảng kê 20 mối quan hệ quan trọng nhất của mình
Tại giai đoạn này, bạn hãy viết ra tên 20 người bạn và người mình yêu quý quan trọng nhất, những người mà bạn có mối quan hệ quan trọng nhất, được sắp xếp theo thứ tự giảm dần về mức độ quan trọng. ‘Quan trọng’ có nghĩa là mức độ sâu sắc và gần gũi của mối quan hệ cá nhân, mức độ hữu ích của mối quan hệ ấy đối với bạn trong cuộc sống, và mức độ làm tăng ý thức của bạn về việc mình là ai và sẽ như thế nào trong tương lai. Hãy thực hiện công việc này trước khi đi tiếp sang phần kế.
Hãy xét một vấn đề đáng quan tâm. Người yêu hay người bạn đời của bạn nằm đâu trên danh sách đó? Trên hay dưới cha mẹ, con cái của mình? Hãy thật lòng (nhưng có lẽ bạn nên hủy tờ danh sách ấy đi khi bạn đã đọc xong chương này!).
Tiếp theo, hãy phân tổng số điểm 100 ra cho các quan hệ đã được liệt kê ra tùy theo mức độ quan trọng của chúng đối với bạn. Ví dụ, nếu người đứng đầu danh sách quan trọng đúng bằng 19 người khác trên danh sách gộp lại, hãy cho người ấy 50 điểm. Có thể bạn cần phải làm tới làm lui đôi ba lần để có thể phân chia sao cho khi kết thúc tổng điểm của quan hệ đúng bằng 100.
Tôi không biết danh sách của bạn trông như thế nào, nhưng xu hướng chung, trùng khớp với Nguyên lý 80/20 có hai đặc điểm sau: mối quan hệ đứng đầu danh sách (20% trên tổng số) sẽ giành lấy phần lớn số điểm (có thể là 80%), và thường có một mối liên hệ bất biến giữa mỗi con số với con số kế tiếp bên dưới. Ví dụ, số thứ hai có thể bằng 2/3 hoặc 1/2 số thứ nhất về mức độ quan trọng; số thứ ba có thể cũng tương tự như vậy: bằng 2/3 hoặc 1/2 số thứ hai; và cứ tiếp tục như thế. Một điều thú vị đáng lưu ý là quan hệ đứng trước quan trọng gấp hai lần quan hệ đứng sau. Như vậy, số thứ sáu chỉ xấp xỉ bằng 3% số thứ nhất về mức độ quan trọng!
Cuối cùng, hãy hoàn tất bài tập này bằng cách ghi chú bên cạnh mỗi cái tên tỷ lệ thời gian mà bạn chủ động bỏ ra để chuyện trò hay làm việc cùng với người ấy (không kể thời gian gặp gỡ mà người ấy không phải là tiêu điểm của sự chú ý, chẳng hạn như khi xem truyền hình hay xem phim). Hãy xem tổng thời gian bỏ ra với 20 người trong danh sách là 100 đơn vị, và phân bố tương ứng. Thông thường, bạn sẽ thấy rằng bạn bỏ ra ít hơn 80% thời gian nhiều với nhóm người ít ỏi mang đến cho bạn 80% ‘giá trị quan hệ’.
Như vậy, đã rõ chúng ta cần phải làm gì. Hãy bám theo chất lượng hơn là số lượng. Hãy bỏ ra thời gian và công sức của mình để củng cố và làm thâm sâu hơn các mối quan hệ quan trọng.
Thế nhưng còn có một lời khuyên khác, liên quan đến thời gian của các mối quan hệ trong cuộc sống của chúng ta. Hóa ra khả năng tạo ra những mối quan hệ gần gũi của con người hoàn toàn không phải là vô hạn. Luôn có một sự thỏa hiệp giữa chất và lượng mà chúng ta cần phải ý thức rõ.
Lý thuyết làng mạc
Các nhà nhân học nhấn mạnh rằng số lượng các mối quan hệ cá nhân quan trọng và mang lại cho chúng ta niềm vui mà chúng ta có thể thiết lập là có hạn.2 Dường như mẫu hình chung của mọi người trong xã hội là có hai người bạn quan trọng từ thời niên thiếu, hai người bạn quan trọng lúc trưởng thành và hai bác sĩ. Thông thường, có hai người mà chúng ta có quan hệ tình dục làm cho tất cả những người khác trở nên lu mờ. Thông thường nhất là bạn chỉ yêu có một lần và có một thành viên trong gia đình mà bạn yêu thương trên tất cả những thành viên còn lại. Các mối quan hệ cá nhân quan trọng đối với mọi người rất sát nhau về số lượng, bất chấp là họ ở đâu, trình độ tư duy thế nào và thuộc văn hóa nào.
Quan sát này dẫn đến ‘lý thuyết làng mạc’ trong ngành nhân học. Trong một ngôi làng châu Phi, tất cả những mối quan hệ này xảy ra trong khoảng cách vài trăm mét và thường được hình thành trong một khoảng thời gian ngắn. Đối với chúng ta, những mối quan hệ này có thể trải rộng ra khắp hành tinh và kéo dài suốt cả đời người. Dẫu gì đi nữa, những mối quan hệ ấy tạo nên một ngôi làng mà mỗi người trong chúng ta đều có trong đầu. Và một khi những ô đó đã được lấp kín, chúng xem như đã vĩnh viễn bị lấp kín.
Các nhà nhân học cho rằng nếu chúng ta có quá nhiều kinh nghiệm quá sớm thì chúng ta không còn khả năng thiếp lập thêm các mối thâm giao. Điều này có thể giải thích cho sự hời hợt thường thấy ở những người có nghề hay điều kiện buộc họ phải có nhiều mối quan hệ như người bán hàng, hay những ai thường xuyên chuyển chỗ ở.
J. G. Ballard dẫn ra làm ví dụ một dự án cải tạo ở tiểu bang California cho những phụ nữ trẻ sống cùng với những kẻ tội phạm. Những phụ nữ này còn trẻ, tuổi chỉ 21-22, và chương trình đó là nhằm tạo ra cho họ một môi trường xã hội mới, chủ yếu là những người tình nguyện thuộc giới trung lưu. Những người tình nguyện này kết bạn với họ và mời họ đến nhà chơi.
Nhiều người trong số những cô gái trẻ ấy đã lập gia đình ở độ tuổi quá sớm. Nhiều người có con đầu lúc mới 13 hoặc 14 tuổi. Một số lập gia đình đến ba lần khi họ mới ở tuổi đôi mươi. Thông thường họ có hàng trăm người tình và đôi khi có những mối quan hệ rất thân mật với người tình hoặc có con với những người sau đó phải ngồi tù hoặc bị bắn chết. Họ đã kinh qua mọi thứ – các mối quan hệ, làm mẹ, tan vỡ, tang tóc
– và nếm trải tất cả mùi vị của cuộc đời khi mới ở tuổi thiếu niên.
Dự án trên hoàn toàn bị thất bại. Lời giải thích đưa ra là những người phụ nữ ấy không còn khả năng hình thành những mối quan hệ sâu sắc mới. Khả năng ấy đã bị vắt kiệt. Những ô chứa quan hệ của họ đã bị lấp đầy, vĩnh viễn.
Câu chuyện đáng buồn trên rất bổ ích. Nó cũng khớp với Nguyên lý 80/20 rằng một số lượng nhỏ nhoi các quan hệ giải thích cho phần lớn giá trị về mặt tình cảm. Hãy lấp đầy những ô tình cảm của mình một cách cực kỳ thận trọng và đừng quá sớm!
Các mối quan hệ và liên minh trong công việc
Bây giờ chúng ta chuyển sang các mối quan hệ và liên minh liên quan tới việc làm của các bạn. Ở điểm này, tầm quan trọng của một vài liên minh chặt chẽ có nhấn mạnh đến mấy cũng không thừa.
Những cá nhân dường như có thể làm được những điều phi thường – và đúng họ có làm những điều ấy. Thế nhưng hành động cá nhân phi thường đòi hỏi phải có những liên minh.
Các bạn không thể đơn thương độc mã mà thành công được. Chỉ có những người khác mới có thể làm điều đó cho bạn. Cái bạn có thể làm là chọn cho mình những mối quan hệ và liên minh tốt nhất để đạt được mục đích của mình.
Các bạn rất cần có liên minh. Các bạn phải đối xử tốt với họ như các bạn (nên) đối xử với chính bản thân mình. Đừng nghĩ rằng tất cả bạn bè và liên minh của mình đều quan trọng gần như nhau. Hãy tập trung và vun đắp những liên minh chủ chốt trong đời mình. Nếu lời khuyên này có vẻ hiển nhiên và tầm thường, hãy tự hỏi có bao nhiêu người bạn của mình làm đúng như lời khuyên ấy. Sau đó hãy tự hỏi mình có làm như thế không.
Tất cả mọi lãnh tụ tinh thần đều có nhiều liên minh. Nếu họ cần có liên minh thì bạn cũng cần như vậy. Xin dẫn ra đây một ví dụ. Chúa Giê-su phải dựa vào thánh Gioan Tẩy Giả để người dân chú ý đến mình; sau đó là dựa vào 12 tông đồ; kế đến là những tông đồ khác, nổi bật nhất là thánh Phao-lô, có thể được xem là thiên tài tiếp thị tài ba nhất trong lịch sử.3
Không gì quan trọng hơn là việc chọn liên minh và cách xây dựng liên minh. Không có họ, bạn chỉ là con số không. Có họ, bạn luôn có thể thay đổi đời mình, thường xuyên có thể thay đổi cuộc sống của người khác, và đôi khi, bằng cách này hay cách nọ, thay đổi cả một tiến trình lịch sử.
Chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của các liên minh bằng cách lược sơ qua lịch sử.
Lịch sử được tạo ra bởi những cá nhân biết hình thành những liên minh hữu hiệu
Vilfredo Pareto, cho rằng lịch sử thực chất là lịch sử của sự nối ngôi của những nhóm tinh hoa.4 Do đó, mục tiêu của những cá nhân và gia tộc có nghị lực là nhắm đến việc trổi lên thành nhóm tinh hoa hay một bộ phận của một nhóm tinh hoa lật nhào một nhóm tinh hoa khác (hoặc, nếu đã nằm trong giới tinh hoa, duy trì vị trí của mình trong giới và góp sức giúp giới tinh hoa ấy trụ vững).
Nếu bạn theo quan điểm lịch sử dựa trên cơ sở giai cấp của Pareto hay Các-Mác, bạn có thể kết luận rằng các mối liên minh trong nhóm tinh hoa hay nhóm tinh hoa tương lai chính là lực lượng thúc đẩy sự tiến bộ. Cá nhân chẳng là gì ngoài việc là một thành
viên của một giai cấp; cá nhân khi liên minh với những cá nhân khác trong cùng giai cấp (hoặc có thể với những cá nhân thuộc một giai cấp khác) là tất cả.
Tầm quan trọng của những cá nhân liên minh với những cá nhân khác thể hiện rất rõ qua những bước ngoặc lớn của lịch sử. Cuộc Cách mạng Nga năm 1917 liệu có xảy ra nếu không có vai trò chủ chốt của Lê-nin? Có lẽ chẳng thể nào, và chắc chắn không thể là một cuộc cách mạng làm thay đổi chiều hướng của lịch sử thế giới suốt 72 năm.
Chúng ta có thể chơi lặp đi lặp lại trò chơi lịch sử như trên để chứng minh tầm quan trọng của những cá nhân. Sự thảm sát người Do Thái và Đệ nhị Thế chiến đã không thể xảy ra nếu như không có Hitler. Nếu không có Roosevelt và Churchill, chắc có lẽ Hitler đã hợp nhất được châu u sớm hơn và triệt để hơn, và bằng một cách gây oán than hơn nhiều so với những người kế vị ông ta đã làm. Vân vân và vân vân. Thế nhưng có một điểm mấu chốt thường không nhận ra là những cá nhân trên chẳng ai có thể làm thay đổi chiều hướng của lịch sử nếu họ không có những quan hệ và liên minh.
Trong hầu hết mọi lĩnh vực thành tựu nào,5 bạn cũng có thể nhận diện được một số lượng nhỏ những người cộng sự chủ chốt. Không có họ, con người cá nhân đã không thể đạt được thành công; nhờ có họ, con người cá nhân đã có được những ảnh hưởng lớn lao. Trong chính quyền, trong các trào lưu ý thức hệ quần chúng, trong kinh doanh, y tế, khoa học, công tác từ thiện hay trong thể dục thể thao, tất cả đều có một mẫu hình chung. Lịch sử không phải được cấu thành bởi những lực lượng mù quáng, phi con người. Lịch sử không phải do những giai cấp hay nhóm người tinh hoa nắm quyền điều khiển theo một công thức xã hội hay kinh tế đã được định trước nào đó. Lịch sử được quyết định và thay đổi bởi những cá nhân tận tụy biết hình thành những liên minh hữu hiệu với một số ít người cộng sự gần gũi.
Bạn cần phải có một vài người liên minh chủ chốt
Nếu bạn đã có những thành công trong đời, bạn sẽ (trừ phi bạn là một kẻ tự cao tự đại muốn chuốc lấy sự thất bại) nhận ra tầm quan trọng thiết yếu của những người liên minh đối với những thành tựu của mình. Tuy nhiên bạn cũng sẽ thấy có cả sự hiện hữu của bàn tay của Nguyên lý 80/20. Những liên minh chủ chốt rất ít về số lượng.
Thông thường chúng ta có thể an tâm mà phát biểu rằng ít nhất 80% tổng giá trị mà các liên minh tạo ra là do 20% số liên minh mang đến. Đối với bất kỳ ai đã làm được một cái gì đó, danh sách những người liên minh, khi bạn suy nghĩ về chúng, thì rất là dài. Thế nhưng trong số hàng trăm hay hơn những người liên minh có liên quan thì phân phối giá trị cực kỳ méo lệch. Thông thường khoảng nửa chục liên minh quan trọng hơn nhiều so với tất cả các liên minh còn lại.
Bạn không cần phải có nhiều liên minh nhưng bạn cần có những liên minh phù hợp, có mối quan hệ phù hợp giữa bạn và từng liên minh và giữa các liên minh với nhau. Bạn cần những liên minh ấy đúng lúc, đúng nơi và có lợi ích chung trong việc nâng cao những quyền lợi của bạn. Và trên hết, các liên minh phải tin tưởng bạn và bạn phải tin được họ.
Hãy lập ra danh sách 20 mối quan hệ hàng đầu, với những người mà bạn cho là những liên minh quan trọng, và so sánh danh sách ấy với tổng số các mối liên hệ ước chừng mà bạn có thể giao tiếp một cách thân mật – nếu bạn có sử dụng Rolodex, Filofax hay một danh bạ điện thoại thì đấy là tổng số các số liên hệ thường xuyên trên danh sách. 80% giá trị của tổng các liên minh đối với bạn có xu hướng là tập trung vào 20% các mối quan hệ. Nếu không phải vậy thì các liên minh (hoặc một số liên minh) có thể có chất lượng kém.
Những liên minh giúp bạn thành đạt
Nếu bạn vào nghề đã lâu, hãy lập ra một danh sách những người đã giúp ích cho bạn nhiều nhất từ trước đến nay. Sắp xếp họ theo trật tự từ trên xuống dưới và sau đó phân bố 100 điểm trong số 10 người đứng đầu.
Thông thường những người giúp đỡ các bạn nhiều nhất trong quá khứ cũng sẽ là những người như vậy trong tương lai. Tuy nhiên, đôi khi một người bạn tốt nằm đâu đó phía cuối danh sách lại trở thành một liên minh quan trọng hơn nhiều trong tương lai: có lẽ do người ấy vừa được bổ nhiệm vào vị trí mới có ảnh hưởng lớn, vừa mới giàu phất lên nhờ đầu tư hoặc vừa được mọi người nhìn nhận quý trọng. Hãy làm lại bài tập này, lần này sắp xếp các liên minh của mình từ 1 đến 10 và phân bố 100 điểm cho nhóm này trên cơ sở khả năng giúp đỡ bạn trong tương lai.
Người khác giúp bạn vì giữa bạn và họ có một mối quan hệ bền chặt. Những mối quan hệ tốt đẹp nhất được xây dựng trên năm đặc điểm: sự thích thú khi ở bên nhau, sự tôn trọng, đồng hội đồng thuyền, sự có qua có lại, và lòng tin. Trong các mối quan hệ làm việc thành công, những đặc điểm trên hòa quyện vào nhau và không thể tách riêng ra từng đặc điểm một, nhưng chúng ta có thể xem xét chúng một cách riêng rẽ.
Sự thích thú khi ở bên nhau
Trong năm đặc điểm của chúng ta, cái đầu tiên là đặc điểm rất hiển nhiên. Nếu bạn không cảm thấy thích thú khi nói chuyện với ai đó, trong văn phòng của họ, trong một nhà hàng, tại một buổi tiệc hay qua điện thoại, bạn và người ấy sẽ không xây dựng được một mối quan hệ bền vững. Họ cũng cần phải thích thú khi ở bên cạnh bạn.
Nếu như bạn thấy điều này quá hiển nhiên, hãy bỏ ra chút thời gian suy nghĩ về những người mà bạn giao du về mặt xã hội, nhưng căn bản là phải nhằm vào những mục đích nghề nghiệp. Bạn thực sự thích bao nhiêu người trong số họ? Một số lượng người lớn đến ngạc nhiên bỏ ra nhiều thời gian tiếp xúc với những người họ không thích. Đây quả là một sự lãng phí thời gian vô cùng. Nó không mang đến cho ta niềm vui mà chỉ làm ta mệt mỏi, thường làm ta tốn kém, cản trở chúng ta làm những việc hay hơn và tuyệt nhiên không dẫn chúng ta đến đâu cả. Hãy ngừng ngay chuyện này! Hãy bỏ thêm thời gian cho những mối liên hệ mà bạn cảm thấy thích thú, đặc biệt là nếu những quan hệ ấy cũng có thể giúp ích được gì cho bạn.
Sự tôn trọng
Có những người tôi rất thích gặp gỡ nhưng lại rất không tôn trọng về mặt chuyên môn, và ngược lại. Tôi chẳng bao giờ giúp ai đó thăng tiến về nghề nghiệp nếu như tôi không tôn trọng khả năng chuyên môn của họ.
Nếu ai đó muốn giúp bạn về mặt nghề nghiệp thì người ấy phải thật sự có ấn tượng về bạn. Tuy nhiên thông thường thì chúng ta hay giấu nghề. Paul, một người bạn tốt của tôi, người ở vị thế có thể giúp tôi thăng tiến về nghề nghiệp, có lần nhận xét trong một cuộc họp của Ban quản trị mà trong đó chúng tôi là những ủy viên ngoài biên chế rằng anh ta có thể tin tôi có khả năng về chuyên môn mặc dù anh ta chưa từng thấy bằng chứng gì cho điều ấy! Tôi quyết tâm tìm cơ hội để mình có thể trưng ra chút bằng chứng. Tôi đã làm được – và Paul lập tức trở thành một trong những người liên minh hàng đầu của tôi.
Đồng hội đồng thuyền
Cũng như trong một ngôi làng nguyên thủy, chúng ta chỉ có một số lượng giới hạn các ô dành cho những kinh nghiệm nghề nghiệp quan trọng. Kinh nghiệm cùng chia sẻ, đặc biệt là khi có liên quan đến sự tranh đấu hay khổ đau, có sức mạnh kết chặt rất lớn. Một trong những mối quan hệ lớn nhất của tôi, cả ở phương diện là một người bạn và liên minh trong công việc, có được từ cảnh ngộ chung giữa tôi và người ấy khi mới chân ướt chân ráo bước vào việc làm đầu tiên. Tôi chắc chắn rằng chúng tôi ắt đã không thể có được mối quan hệ tốt đẹp nếu cả hai chúng ta đều không chán ghét công việc của mình tại nhà máy tinh chế dầu.
Hàm ý của câu chuyện trên là nếu bạn có một công việc khó khăn thì hãy tìm cho mình một người liên minh mà bạn mến và tôn trọng. Hãy vun đắp nó thành một liên minh sâu sắc và có hiệu quả. Nếu không thì bạn đang để tuột mất một cơ hội lớn đấy! Cho dù bạn không ở vào tình huống đau khổ, hãy tìm một người đồng hội đồng thuyền với mình và biến người ấy thành người liên minh chủ chốt của mình.
Sự có qua có lại
Để các liên minh phát huy tác dụng, mỗi người liên minh phải làm được nhiều thứ cho người kia – một cách thường xuyên, trước sau như một và trải suốt một thời gian dài.
Sự giúp đỡ qua lại đòi hỏi mối quan hệ không được mang tính đơn phương. Cũng quan trọng không kém, sự giúp đỡ qua lại cần phải diễn ra một cách tự nhiên và không nên tính toán quá chi li. Điều quan trọng là bạn phải làm bất cứ điều gì có thể để giúp người kia miễn là phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức. Điều này đòi hỏi cần phải có thời gian và suy nghĩ! Bạn không nên chờ đến khi người ta xin trợ giúp.
Cái làm tôi ngạc nhiên khi xét lại các mối quan hệ trong công việc là sự giúp đỡ qua lại đúng nghĩa lại được vun đắp quá thiếu thường xuyên. Ngay cả khi các yếu tố khác – tình bạn, sự tôn trọng, đồng hội đồng thuyền và lòng tin – đều hiện hữu, con người rất thường sao nhãng việc tích cực chủ động giúp đỡ những người liên minh. Và điều này, cũng vậy, là sự lãng phí một cơ hội lớn cho việc làm cho mối quan hệ trở nên sâu sắc hơn và tích lũy sự trợ giúp trong tương lai.
Ban nhạc The Beatles đã từng bảo chúng ta rằng ‘bạn cho đi bao nhiêu tình yêu thì cuối cùng rồi bạn sẽ nhận về được bấy nhiêu tình yêu’. Tương tự như vậy, bạn giúp người khác bao nhiêu thì cuối cùng rồi bạn sẽ nhận được bấy nhiêu trợ giúp trong nghề nghiệp.
Lòng tin
Lòng tin làm cho các mối quan hệ được bền chặt. Sự thiếu lòng tin sẽ nhanh chóng làm cho các mối quan hệ vơi dần đi. Lòng tin đòi hỏi sự chân thành tuyệt đối ở mọi lúc. Chỉ cần có một nghi ngờ rằng bạn không nói thật những gì bạn đang nghĩ, cho dù vì những lý do cao thượng nhất hay chỉ để tỏ ra lịch sự khéo léo, lòng tin có thể bị xói mòn.
Khi bạn không hoàn toàn tin một ai đó, đừng cố tìm cách xây dựng liên minh với người ấy. Liên minh ấy (tất) sẽ không hiệu quả.
Nhưng nếu bạn thực sự có lòng tin tuyệt đối thì các mối quan hệ sẽ trở nên nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn. Bạn sẽ đỡ tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Đừng bao giờ đánh mất lòng tin bằng những hành vi bồng bột, hèn nhát hay gian trá.
Nếu bạn chỉ mới bước vào nghề, hãy lấp đầy những ô dành cho liên minh một cách thận trọng
Một nguyên tắc hay dựa theo kinh nghiệm là bạn nên phát triển sáu hoặc bảy liên minh vàng trong công việc, gồm:
Một hoặc hai quan hệ với những người hướng dẫn dày dặn, những người có vị trí cao hơn bạn
Hai hoặc ba quan hệ với những người cùng cấp Một hoặc hai quan hệ với những người bạn hướng dẫn
Các mối quan hệ với những người hướng dẫn
Chọn một hoặc hai người hướng dẫn một cách thận trọng. Đừng để họ chọn bạn: họ có thể chiếm mất ô dành cho một người hướng dẫn tốt hơn họ nhiều. Những người hướng dẫn bạn chọn cần có hai đặc điểm sau:
Bạn phải có thể xây dựng được mối quan hệ gồm đủ năm thành tố: sự thích thú lẫn nhau, sự tôn trọng, đồng hội đồng thuyền, sự có qua có lại và lòng tin.
Người hướng dẫn cần phải có vị trí càng cao càng tốt hoặc, lý tưởng hơn, có vị trị tương đối thấp nhưng thấy rõ triển vọng thăng tiến lên vị trí chóp bu. Những người hướng dẫn tốt nhất là những người cực kỳ có năng lực và đầy tham vọng.
Nói các mối quan hệ với người hướng dẫn cần phải có qua có lại nghe có vẻ lạ, vì tất nhiên người hướng dẫn sẽ có nhiều cái để cho hơn là người được hướng dẫn. Tuy nhiên, người hướng dẫn cần phải được đền đáp; nếu không, họ sẽ mất đi sự hứng thú. Người được hướng dẫn cần phải cho họ những ý tưởng mới, những kích thích trí tuệ, sự nhiệt tình, cần mẫn, tri thức về các công nghệ mới hay một cái gì khác có giá trị đối với họ. Những người hướng dẫn khôn ngoan thường sử dụng những liên minh trẻ nhằm giúp họ nắm bắt những trào lưu mới và những cơ hội hay nguy cơ tiềm tàng mà người ở vị trí chóp bu có thể không nhìn thấy.
Các mối quan hệ với những người cùng cấp
Với những người cùng cấp thì thông thường bạn có khối lựa chọn. Có rất nhiều liên minh tiềm năng. Nhưng hãy nhớ rằng bạn chỉ có hai hoặc ba ô cho liên minh này.
Hãy thật chọn lọc. Hãy lập ra danh sách tất cả những liên minh tiềm năng có đủ năm yếu tố nói trên hoặc có khả năng có những yếu tố ấy. Chọn ra hai hoặc ba liên minh mà bạn tin rằng sẽ thành công nhất. Sau đó cố gắng biến họ thành liên minh của mình.
Các mối quan hệ với những người bạn hướng dẫn
Đừng xem thường những mối quan hệ này. Bạn có thể thu được nhiều nhất từ những người bạn hướng dẫn nếu họ làm việc cho bạn, tốt nhất là trong một quãng thời gian khá dài.
Đa liên minh
Các mối liên minh thường tạo nên những mạng lưới trong đó nhiều người có quan hệ qua lại với nhau. Những mạng lưới này rất hùng mạnh, hoặc chí ít là như vậy dưới con mắt của người ngoài. Thông thường họ là những người rất thú vị.
Tuy nhiên đừng để mình quá say sưa, tự mãn khi biết rằng mình đã ‘vào guồng’. Có thể bạn chỉ là một tay chơi bên lề. Đừng quên rằng mọi quan hệ đích thực và có giá trị đều mang tính song phương. Nếu bạn có liên minh chặt chẽ với X và Y, và giữa họ với nhau cũng có một liên minh chặt chẽ, thế thì quá tốt. Lê-nin có nói rằng độ chắc của sợi xích tương đương với độ chắc của mắt xích yếu nhất của nó. Cho dù các mối quan hệ giữa X và Y có mạnh thế nào đi nữa thì các mối quan hệ thực sự có ý nghĩa đối với bạn là quan hệ giữa bạn với X và với Y.
Đối với các quan hệ cá nhân và công việc, càng ít và càng thâm giao tốt hơn là càng nhiều và càng hời hợt. Không phải quan hệ nào cũng tốt như nhau. Những mối quan hệ sai lầm nghiêm trọng, khi bạn bỏ quá nhiều thời gian bên nhau nhưng kết quả chẳng hề thỏa mãn, cần phải chấm dứt càng sớm càng tốt. Chỉ có một số lượng ô ít ỏi dành cho các mối quan hệ; đừng lấp đầy hết các ô quá sớm hoặc lấp chúng bằng những quan hệ có giá trị thấp.
Hãy chọn lọc một cách thận trọng. Rồi sau đó quyết tâm xây dựng quan hệ.
Ngã rẽ trong quyển sách này
Bây giờ chúng ta đã đi đến một ngã rẽ tùy chọn trong cuộc hành trình qua quyển sách này. Hai chương kế tiếp (13 và 14) lần lượt dành cho những ai muốn biết làm thế nào để thăng tiến trong sự nghiệp và kiếm thêm được nhiều tiền. Những độc giả mà đối với họ những vấn đề này không phải là mối quan tâm lớn nên đi thẳng đến Chương 15, nơi mà bảy thói quen mang lại hạnh phúc đang chờ đón bạn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.