Nguyên Lý 80/20 – Bí Quyết Làm Ít Được Nhiều

14 Tiền, tiền, tiền



Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy đi.

Matthew 25:29

Đây lại là một chương tùy chọn nữa, dành riêng cho những ai đang có sẵn trong tay một ít tiền và muốn biết làm sao để “tiền mẹ đẻ tiền con”.1

Nếu tương lai cũng tương tự như quá khứ, thì làm cho “tiền mẹ đẻ tiền con” thật khá dễ dàng. Những gì bạn cần phải làm là đầu tư tiền vào một nơi thích hợp, và cứ để nó nằm yên đó.

Chuyện tiền bạc cũng tuân theo nguyên lý 80/20

Không phải ngẫu nhiên mà Vilfredo Pareto đã phát hiện ra cái mà ngày nay chúng ta gọi là Nguyên lý 80/20 khi ông nghiên cứu sự phân bổ thu nhập và của cải. Ông nhận thấy rằng tiền của có phân bố cực kỳ không cân đối và có thể tiên đoán được. Tiền của dường như không “chịu” sự phân bố đồng đều.

Trừ phi được tái phân bổ bằng một chính sách thuế lũy tiến, thu nhập có khuynh hướng phân phối không đồng đều, với một nhóm thiểu số giành lấy phần lớn tổng nguồn thu nhập.

Thậm chí với một chính sách thuế lũy tiến, của cải tuân theo một mô hình phân bố còn lệch chênh hơn thu nhập; phân phối của cải cho công bằng lại càng khó hơn so với việc phân phối thu nhập.

Ấy là vì phần lớn của cải được tạo ra từ các kênh đầu tư, không phải từ nguồn thu nhập; và lợi nhuận có từ đầu tư thì càng có khuynh hướng không đồng đều bằng lợi nhuận từ thu nhập.

Đầu tư tạo ra những khoản của cải khổng lồ nhờ cơ chế lãi kép. Ví dụ, bình quân giá trị cổ phiếu có khả năng tăng giá khoảng 12,5% mỗi năm. Điều đó có nghĩa là 100 bảngAnh bỏ vào đầu tư năm 1950 nay sẽ là 22.740 bảng. Nhìn chung, lợi nhuận thực từ các kênh đầu tư (sau khi đã loại ra ảnh hưởng của lạm phát) là rất cao, trừ trường hợp tình hình lạm phát vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Lãi kép do đầu tư mang lại cực kỳ chênh lệch: có một số kênh đầu tư phát sinh lợi nhuận lớn hơn rất nhiều so với những kênh khác. Điều này giải thích vì sao của cải trở nên có phân bố không đồng đều đến thế. Những mức lãi suất hàng năm khác nhau, chẳng hạn như 5%, 10%, 20% hay 40%, tạo ra những khác biệt khổng lồ về lợi nhuận. Trong vòng 10 năm 1.000 bảng Anh bỏ ra đầu tư lúc ban đầu sẽ lần lượt là 1.629 bảng Anh, 2.593 bảng Anh, 6.191 bảng Anh và 28.925 bảng Anh! Với trường hợp chỉ chênh lệch 8 lần, lãi suất hàng năm 40% mang về một khoản tiền lớn gấp 18 lần lãi suất 5%; và nếu chúng ta cứ thế mà tiếp tục thì kết quả sẽ càng chênh lệch hơn nữa.

Một điều cũng khá lạ lùng là một số loại hình và chiến lược đầu tư có thể đoán trước được là sẽ sinh lợi cao gấp bội so với những loại hình và chiến lược đầu tư khác.

Vận dụng những ý tưởng của nguyên lý 80/20 để làm giàu

Bạn có nhiều cơ hội làm giàu hay gia tăng của cải của mình đến mức tối đa bằng cách đầu tư hơn là làm công cho người khác. Điều này có nghĩa là phải sớm tích lũy tiền để có vốn đầu tư. Tích lũy vốn để gia nhập vào giới đầu tư thường đòi hỏi phải tốn nhiều công sức và giảm thiểu chi tiêu: trong một thời gian, thu nhập ròng phải cao hơn mức chi tiêu.

Chỉ có một vài trường hợp ngoại lệ: được thừa hưởng của cải di chúc hay tặng phẩm, kết hôn với một người giàu có, trúng “đậm” sổ xố hay các loại hình cờ bạc khác, và làm những việc phạm pháp. Trường hợp thứ nhất không thể dễ dàng tiên đoán, trường hợp thư ba thì khả năng xảy ra quá bé nên cần phải loại bỏ hẳn ra, trường hợp thứ tư thì rõ ràng là không nên làm. Chỉ có trường hợp thứ hai là ta có thể tự giác lên kế hoạch được, nhưng kết quả cũng khá là bấp bênh.

Do tác động cơ chế lãi kép trong đầu tư, để trở nên giàu có, bạn phải sớm đầu tư ngay từ khi còn trẻ, hoặc bạn phải sống thật thọ, hoặc vừa đầu tư sớm vừa sống thọ. Đầu tư sớm là một chiến lược mà ta có thể kiểm soát được nhiều nhất.

Bạn cần phải càng sớm càng tốt xây dựng một chiến lược đầu tư mang tính nhất quán, dài hạn trên cơ sở những nguyên tắc đã tỏ ra hữu hiệu trước đó.

Vậy bằng cách nào chúng ta có thể đạt được 80% lợi nhuận từ 20% tiền đầu tư? Câu trả lời là: hãy làm theo 10 điều răn của Koch ở Hình 44.

______________________________________

1. Phương châm đầu tư phải phù hợp với cá tính của bạn

2. Hãy tích cực chủ động và đầu tư không cân đối

3. Đầu tư chủ yếu vào thị trường chứng khoán

4. Đầu tư dài hạn

5. Tập trung đầu tư khi thị trường đang đi xuống

6. Nếu bạn không thể khuynh đảo, khống chế được thị trường thì hãy theo dõi nó

7. Đầu tư vào những lĩnh vực bạn có chuyên môn

8. Xem xét những cơ hội của các thị trường mới nổi 9. Sớm loại bỏ các nhân tố gây thua lỗ

10. Không ngừng làm cho lợi nhuận tăng trưởng

_____________________________________

Hình 44 – Mười điều răn của Koch2 cho vấn đề đầu tư

Phương châm đầu tư phải phù hợp với cá tính của bạn

Điểm mấu chốt để những khoản đầu tư cá nhân sinh lợi là bạn phải tìm được một trong số những kỹ thuật đầu tư vốn đã thành công qua thực tế phù hợp với cá tính và kỹ năng của riêng bạn. Phần lớn các nhà đầu tư cá nhân không thành công vì họ sử dụng những kỹ thuật, dù tuyệt hảo, không phù hợp với cá nhân họ. Bạn nên chọn ra một kỹ thuật từ một nhóm kỹ thuật (10 kỹ thuật chẳng hạn) đã áp dụng thành công trên thương trường phù hợp với tính cách và tầm kiến thức hiểu biết của riêng bạn. Ví dụ:

Nếu bạn thích làm việc với các con số và có óc phân tích, bạn nên tập trung vào một trong những phương pháp phân tích đầu tư. Trong các phương pháp phân tích này, tôi chuộng nhất là đầu tư giá trị (nhưng bạn hãy tham khảo thêm thí dụ thứ hai), phát hiện gia tăng thu nhập và đầu tư chuyên doanh như quyền mua cổ phiếu.

Nếu bạn là người có suy nghĩ lạc quan hơn là bi quan, bạn nên tránh xa các kỹ thuật phân tích quá tỉ mỉ nêu trên. Những người lạc quan thường là những người rất kém về đầu tư, vì thế bạn cần đảm bảo rằng các khoản đầu tư của mình phải thực sự thắng chỉ số giao dịch; bằng không, bạn hãy bán ngay chúng và chuyển tiền sang các quỹ theo dõi chỉ số. Đôi khi, những người lạc quan, trong trường hợp này xứng đáng được mệnh danh là ‘những người biết nhìn xa trông rộng’, lại là những nhà đầu tư tài giỏi, vì họ biết chọn hai hay ba loại cổ phiếu mà họ biết chắc có tiềm năng khổng lồ. Tuy nhiên, nếu bạn là một người lạc quan, bạn phải biết kiềm chế sự hăng hái nhiệt tình của mình và hãy viết ra giấy thật cẩn thận lý do tại sao những cổ phiếu đó lại hấp dẫn bạn đến như vậy. Hãy lắng nghe tiếng nói của lý trí trước khi đầu tư. Và nhớ là phải bán hết tất cả những loại cổ phiếu nào đang gây thua lỗ cho dù con tim bạn muốn giữ chúng lại.

Nếu bạn không thuộc loại người thích phân tích cũng không thuộc loại “người có tầm thị kiến”, mà thuộc loại người sống thực tế, bạn nên hoặc đi chuyên vào một lĩnh vực mà bạn biết thật rành rẽ hoặc theo chân những nhà đầu tư có thành tích thắng chỉ số giao dịch.

Hãy tích cực chủ động và đầu tư không cân đối

Tích cực chủ động có nghĩa là bạn tự mình đưa ra những quyết định đầu tư. Mối nguy hiểm khi giao phó công việc cho các nhà tư vấn và quản lý quỹ chủ yếu không phải là họ “hớt đi” phần lớn lợi nhuận mà là họ không có xu hướng đề nghị hoặc thực hiện đầu tư vào các danh mục đầu tư không cân đối, là con đường tạo được siêu lợi nhuận. Người ta cho rằng yếu tố rủi ro được giảm thiểu bằng cách đầu tư dàn trải ra thật nhiều kênh đa dạng: trái phiếu, cổ phiếu, tiền mặt, bất động sản, vàng và các bộ sưu tập quý hiếm. Nhưng việc tối thiểu hóa rủi ro đã được đánh giá quá cao. Nếu bạn muốn có đủ tiền để thay đổi lối sống của mình trong tương lai, bạn cần phải đạt được những lợi nhuận trên mức trung bình. Cơ hội thành công sẽ cao hơn nhiều nếu bạn đi theo hướng đầu tư không cân đối. Điều đó có nghĩa là bạn nên đầu tư vào thật ít danh mục: chỉ đầu tư vào những danh mục bạn tin chắc rằng sẽ đem lại lợi nhuận cao. Điều đó cũng có nghĩa là bạn chỉ nên tập trung vào một kênh đầu tư…

Đầu tư chủ yếu vào thị trường chứng khoán

Trừ phi bạn là một chuyên gia ở một kênh đầu tư chuyên biệt chẳng hạn như khung in lụa Trung Hoa thế kỷ 19 hay những chú lính đồ chơi xưa cũ, kênh đầu tư tốt nhất là thị trường chứng khoán.

Xét về lâu về dài, đầu tư vào cổ phiếu đem lại lợi nhuận nhiều hơn đến kinh ngạc, so với gửi tiết kiệm ngân hàng hay đầu tư vào những công cụ sinh lợi như trái phiếu chính phủ hay trái phiếu công ty. Ví dụ, tôi đã tính toán và thấy rằng, tại Anh nếu vào năm 1950 bạn đầu tư 100 bảng vào một hội xây dựng, đến năm 1992 bạn có thể làm ra được 813 bảng Anh. Nhưng với 100 bảng Anh đó, bạn đem đầu tư vào thị trường chứng khoán, bạn rất có thể đã kiếm được 14.198 bảng Anh, gấp gần 17 lần. Các bạn có thể thực hiện những tính toán tương tự cho thị trường chứng khoán Hoa Kỳ và hầu hết các thị trường chứng khoán lớn khác.

Ngay sau Thế chiến thứ hai, bà Anne Scheiber, một nhà đầu tư chứng khoán tư nhân tại Hoa Kỳ, đã đầu tư 5.000 đôla vào cổ phiếu blue-chip. Sau đó bà cứ để “quên” hẳn chúng đi. Đến năm 1995, 5.000 đôla đầu tư ban đầu đã tăng lên thành hai mươi hai triệu, tăng đến 440.000% so với vốn gốc.

Thật may, thị trường chứng khoán là một kênh đầu tư tương đối dễ dàng đối với những người không phải là chuyên gia.

Đầu tư dài hạn

Đừng quá thường xuyên mua vào rồi bán ra các cổ phiếu riêng lẻ hay toàn bộ danh mục đầu tư. Trừ phi rõ ràng là chúng gây thua lỗ, bạn hãy giữ nguyên số cổ phiếu của mình thật lâu trong nhiều năm. Mua vào và bán ra cổ phiếu vừa tốn tiền lại mất thời gian. Nếu có thể, bạn nên có tầm nhìn với những kế hoạch mười năm, hay thậm chí tốt hơn, là hai mươi, ba mươi hay năm mươi năm. Nếu bạn bỏ tiền vào cổ phiếu trong thời hạn ngắn, thì thực sự đấy là chơi trò đỏ đen chứ không phải là đầu tư đích thực. Nếu bạn không cưỡng lại được việc bán ra cổ phiếu để lấy tiền tiêu xài thì bạn đang trì hoãn việc tiêu xài chứ không phải là đầu tư.

Dĩ nhiên đến một giai đoạn nào đó có thể bạn muốn mình là người được hưởng thụ tài sản khổng lồ này thay vì để những người thừa kế hưởng thụ. Cách sử dụng của cải hay nhất là dùng nó để tạo ra một lối sống mới theo đó bạn có thể chọn lựa cách sử dụng thời gian, cách đeo đuổi một công việc, thực hiện việc làm bạn yêu thích nhất. Khi ấy, thời hạn đầu tư xem như đã kết thúc. Thế nhưng khi bạn còn chưa đủ tiền để thực hiện sự thay đổi này, hãy tiếp tục tích lũy của cải.

Tập trung đầu tư khi thị trường đang đi xuống

Tuy giá trị của thị trường chứng khoán tăng dần theo thời gian, thị trường chứng khoán vẫn phát triển theo hình xoắn ốc một phần do ảnh hưởng chu kỳ kinh tế, song phần lớn là do tâm lý dao động. Điều này quả đáng kinh ngạc, nhưng tâm trạng lo âu thiếu cơ sở gây ra bởi việc chạy theo phong trào, tâm lý bầy đàn chạy theo đám đông, tâm lý hy vọng và lo sợ làm cho giá cả dao động. Chính Pareto đã quan sát thấy hiện tượng này:

Luôn tồn tại một nhịp điệu biến động tình cảm mà chúng ta có thể nhận diện được trong các lĩnh vực đạo đức, tôn giáo, và chính trị như những đợt sóng giống như chu kỳ trong kinh thương…

Khi thị trường đang “lên”, người ta sẵn sàng hồ hởi đón nhận mọi lý lẽ nhằm biện giải rằng một doanh nghiệp nào đó sẽ ăn nên làm ra, thế nhưng lúc thị trường đang đi xuống, những lý lẽ tương tự đều bị thẳng thừng bác bỏ… Những ai trong lúc thị trường có xu hướng đi xuống không chịu mua vào một số cổ phiếu đều tin chắc rằng mình hành động theo tiếng nói của lý trí mà đâu biết rằng trong vô thức mình đã thực sự chịu tác động của cả ngàn cảm nhận ấn tượng do tin tức kinh tế cập nhật hàng ngày đem lại. Sau đó, khi thị trường hồi phục, người ấy lại mua vào chính những cổ phiếu ấy hay những cổ phiếu tương tự (những cổ phiếu này đâu đã có nhiều cơ may hơn để “thắng lớn” đâu!) và lại cho rằng mình cũng chỉ hành động theo mệnh lệnh của lý trí và cũng không biết rằng việc khôi phục lại niềm tin đã mất ấy chịu ảnh hưởng đậm bởi yếu tố tình cảm do “bầu không khí” xung quanh họ tạo ra …

Chúng ta đều biết rất rõ rằng tại Sở Giao dịch Chứng khoán London, phần đông mọi người đều đổ xô mua vào chỉ khi nào thấy thị trường đang đi lên và bán ra khi thị trường có chiều hướng đi xuống. Những nhà tài chính chuyên nghiệp, vì có kinh nghiệm hơn trong lĩnh vực này, dựa vào lý trí nhiều hơn dù đôi lúc họ vẫn để mình nghe theo tiếng nói cảm tính, họ hành động ngược lại với mọi người, và đây là lý do chính vì sao họ gặt được lợi nhuận lớn. Khi thị trường đang vùn vụt tăng trưởng, bất cứ một lập luận tầm thường nào cho rằng thị trường sẽ còn tiếp tục tăng trưởng sẽ có sức thuyết phục rất lớn, và nếu bạn cố công thuyết phục với ngưới khác rằng suy cho cùng thì giá cả không thể cứ tăng lên mãi mãi, chắc chắn sẽ chẳng có ai tin lời bạn.3

Toàn bộ phương pháp đầu tư giá trị đều xoay quanh triết lý sau: bạn hãy mua vào khi thị trường chứng khoán nói chung hay một vài loại cổ phiếu cá biệt nào đó đang ở giá thấp và bán ra khi được giá cao. Một trong những nhà đầu tư thành công nhất trong mọi thời đại, ông Benjamin Graham4, có viết một cuốn sách về các qui tắc đầu tư giá trị, và các qui tắc ông nêu ra đã thường xuyên được thực tế kiểm chứng.

Có nhiều qui tắc dẫn dắt bạn trên con đường đầu tư giá trị. Đơn giản hóa thật nhiều, nhưng đạt được 80% giá trị trong mức dưới xa 20% không gian, và sau đây là ba qui tắc:

Chớ mua vào khi mọi người đều đổ xô nhau mua và khi mọi người đêu “chắc mẩm” rằng thị trường chỉ có khả năng tiếp tục lên. Ngược lại, hãy mua vào khi mọi người đều đang tỏ ra bi quan.

Bạn nên sử dụng hệ số giá cả/lợi tức (hệ số P/E) làm tiêu chuẩn duy nhất để quyết định xem giá cổ phiếu là đắt hay rẻ. Hệ số P/E của một cổ phiếu được tính bằng giá cổ phiếu chia cho lợi tức sau thuế. Ví dụ, nếu một cổ phiếu có giá là 250 xu và lãi suất trên mỗi cổ phiếu là 25 xu; như thế hệ số P/E là 10. Nếu cổ phiếu đó tăng giá, vào thời điểm huy hoàng nhất, đạt mức 500 xu, nhưng mức lãi cổ phần vẫn chỉ là 25 xu, như thế hệ số P/E bây giờ là 20.

Nhìn chung, khi hệ số P/E cho toàn thị trường chứng khoán nói chung vượt trên 17, đây là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Đừng đầu tư mạnh khi thị trường cao như thế. Hệ số P/E dưới 12 là dấu hiệu cho biết có thể mua vào; hệ số P/E dưới 10 cho biết nhất thiết chúng ta phải mua vào. Người môi giới chứng khoán của bạn hay bất kỳ một tờ báo tài chính có uy tín nào đều cho bạn biết hệ số P/E bình quân ở thị trường hiện hành là bao nhiêu. Nếu có ai hỏi bạn đang đề cập đến hệ số P/E nào, bạn cứ trả lời đầy vẻ hiểu biết: “Bác ơi, thì mức P/E lịch sử đó!”5

Nếu bạn không thể khuynh đảo, khống chế thị trường thì hãy theo dõi nó

Hoàn toàn có thể xây dựng cho bản thân một chiến lược đầu tư “trên cơ” mặt bằng chung của thị trường chứng khoán bằng cách tuân thủ một số qui tắc vàng và hình thành riêng một hướng đi phù hợp với tính cách và kỹ năng của riêng mình. Chúng ta sẽ tìm hiểu những khả năng này dưới đây. Tuy nhiên có khả năng cao hơn là việc chọn các khoản đầu tư cho riêng mình sẽ đưa bạn vào tình thế hiệu quả kém hơn các chỉ số thị trường chứng khoán.

Trong trường hợp thứ hai, hay nếu bạn thậm chí không muốn thử nghiệm hướng đi riêng của mình với hy vọng sẽ đánh bại được thị trường, bạn nên ‘theo dõi chỉ số giao dịch chứng khoán’.

Theo dõi chỉ số giao dịch chứng khoán, còn được gọi là theo dõi thị trường, có nghĩa là mua vào các cổ phiếu khi chúng còn nằm trong bảng chỉ số chứng khoán giao dịch. Bạn chỉ bán đi những cổ phiếu nào khi chúng “văng” khỏi bảng chỉ số chứng khoán giao dịch (điều này xảy ra với các cổ phiếu sinh lợi kém) và chỉ mua những cổ phiếu mới khi chúng vừa mới được đưa vào bảng.

Bạn có thể tự mình theo dõi chỉ số, chỉ cần chút công sức theo dõi mấy tờ báo tài chính. Hoặc bạn có thể bỏ tiền vào một “quỹ theo dõi chỉ số” (tracker fund)* để những người quản lý quỹ làm giúp bạn với một khoản phí hàng năm nho nhỏ.

________________ * tracker fund là một hình thức đầu tư theo đó cổ phần ở những công ty khác nhau được mua vào và bán ra sao cho giá trị của các cổ phần nắm giữ luôn tương ứng với giá trị trung bình của cổ phần trên toàn bộ hoặc một phần thị trường chứng khoán.

_______________

Bạn có thể chọn nhiều quỹ đầu tư khác nhau tùy thuộc vào thị trường nào bạn muốn theo dõi. Thông thường, an toàn nhất là chọn thị trường trong nước, tìm một quĩ đầu tư chuyên theo dõi các chỉ số của những loại cổ phiếu lớn nhất, có giá trị nhất (gọi là cổ phiếu thượng hạng – blue-chip).

Theo dõi chỉ số là một chiến lược tương đối ít rủi ro, nhưng về lâu về dài, lợi nhuận cũng không phải là thấp. Nếu bạn chọn đầu tư theo hướng này, bạn không cần phải đọc bốn qui luật vàng còn lại. Còn tự mình chọn các khoản đầu tư thì sao? Có thể như thế sẽ thích thú hơn, đáng làm hơn, tuy rằng mức độ rủi ro có phần cao hơn. Bốn “điều răn” còn lại được dùng cho trường hợp này. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng, theo “điều răn” vàng này, bạn phải theo dõi chỉ số giao dịch trừ phi chiến lược đầu tư của riêng bạn nói chung đánh bại được chỉ số giao dịch. Nếu không, hãy cắt giảm ngay những thua lỗ và theo dõi các chỉ số giao dịch.

Đầu tư vào những lĩnh vực bạn có chuyên môn

Tinh thần xuyên suốt triết lý 80/20 là phải nắm rành rẽ một số chuyện: phải chuyên môn hóa.

Qui luật này đặc biệt rất đúng trong đầu tư. Nếu bạn đang quyết định chọn mua cổ phiếu nào, hãy tập trung vào những lĩnh vực mà bạn là một chuyên gia tương đối có hạng. Điểm mạnh của sự chuyên nghiệp hóa là ở chỗ cơ hội gần như vô tận. Ví dụ, bạn có thể đi chuyên vào những loại cổ phiếu thuộc ngành mình đang hoạt động, hay ngành bạn yêu thích, vùng địa phương của bạn hay bất cứ một lĩnh vực nào đó mà bạn có quan tâm. Ví dụ, nếu bạn thích mua sắm, bạn có thể quyết định đi chuyên về mảng bán lẻ. Sau đó, nếu bạn phát hiện có một hệ thống bán lẻ vừa mới đi vào hoạt động, thế mà các cửa tiệm của hệ thống này lại rất đông khách, bạn có thể cũng muốn đầu tư vào cổ phiếu của hệ thống bán lẻ này.

Cho dù lúc đầu bạn chưa phải là một chuyên gia, bạn vẫn có thể có lợi khi tập trung vào một số loại cổ phiếu, chẳng hạn như cổ phiếu ở một ngành nghề nào đó, để bạn có thể biết về lĩnh vực đó đến mức có thể được.

Xem xét những cơ hội của các thị trường mới nổi

Các thị trường mới nổi là những thị trường chứng khoán nằm ngoài lãnh thổ các quốc gia phát triển: tức là ở những quốc gia nơi nền kinh tế đang phát triển nhanh và thị trường chứng khoán cũng vẫn còn trong giai đoạn đang phát triển. Các thị trường mới nổi bao gồm châu Á (trừ Nhật Bản), châu Phi, Ấn Độ, Nam Mỹ, các quốc gia ở Trung u và Đông u, các quốc gia nằm rìa ngoài châu u như Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Lý thuyết cơ bản thật là đơn giản. Hoạt động của thị trường chứng khoán luôn có mối quan hệ mật thiết với đà tăng trưởng của nền kinh tế. Vì thế, hãy đầu tư vào các quốc gia có mức tăng trưởng GNP (tổng sản lượng quốc gia) hiện tại và ước đoán nhanh nhất, đấy là các thị trường mới nổi.

Còn có những lý do khác giải thích vì sao các thị trường mới nổi là nơi đầu tư tốt. Tại đây, vẫn còn những thị phần lớn nhất mà tương lai sẽ được tư hữu hóa, và thông thường đó là những nơi tốt để đầu tư. Và cổ phiếu tại các quốc gia mới nổi này thường rất có giá vì chúng có hệ số P/E khá là thấp. Khi thị trường phát triển và trưởng thành, các công ty sẽ phát triển lớn ra, chỉ số tài chính sẽ có khả năng cao hơn, làm giá cổ phiếu tăng vọt. Tuy nhiên đầu tư vào thị trường mới nổi tất yếu có nhiều rủi ro hơn so với đầu tư vào thị trường ở bản quốc. Các công ty ở đây còn non trẻ, ít vững chãi hơn và toàn bộ hệ thống thị trường chứng khoán tại đây có nguy cơ bị sụp đổ vì những thay đổi chính trị hay sự sút giảm giá cả hàng hóa; đồng tiền bị mất giá (vì thế cổ phiếu cũng chịu ảnh hưởng) và thế là bạn thấy rằng rút tiền ra lại khó hơn rất nhiều so với lúc ban đầu đổ tiền vào để đầu tư. Ngoài ra, chi phí đầu tư xét ở góc độ “phần trăm bôi trơn”, hoa hồng cũng cao hơn nhiều so với các quốc gia phát triển. Nguy cơ bị trắng tay vì một kẻ lũng đoạn thị trường cũng cao hơn nhiều.

Có ba chính sách các nhà đầu tư nên thực hiện ở các thị trường mới nổi. Thứ nhất, chỉ đầu tư một phần nhỏ trong danh mục đầu tư vào các thị trường mới nổi, tối đa là 20%. Thứ hai, chỉ đổ phần lớn số vốn này để đầu tư khi thị trường còn tương đối thấp và khi hệ số P/E bình quân dưới 12. Thứ ba, đầu tư dài hạn và chỉ rút tiền ra khi hệ số P/E tương đối cao.

Tuy rằng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro như thế, nhưng các thị trường mới nổi, về lâu về dài, có xu hướng vận hành tốt hơn, và đầu tư một ít vào đấy là một việc làm khôn ngoan và nhiều lý thú.

Sớm loại bỏ các nhân tố gây thua lỗ

Nếu một cổ phiếu nào rớt giá khoảng 15% (so với giá lúc bạn mua vào), bán chúng ngay. Bạn phải áp dụng qui luật này thật triệt để và nhất quán.

Nếu bạn muốn mua chúng lại sau này với mức giá thấp hơn, hãy đợi cho đến khi giá không còn xuống nữa: đợi cho ổn định trong vài ngày (tốt hơn là một vài tuần); lúc đó bạn hẵng tái đầu tư.

Áp dụng qui tắc 15% trên cho các khoản đầu tư mới: chận đứng khoản lỗ khi giá tuột quá 15%.

Chỉ có một ngoại lệ có thể chấp nhận được với qui luật vàng này: nếu bạn là một nhà đầu tư dài hạn không muốn mình bị tác động bởi các cơn sốt lên xuống của thị trường và không có thì giờ theo dõi tình hình đầu tư. Những ai đã kiên trì giữ cổ phiếu suốt cả và sau những thời kỳ khủng hoảng lớn như thời kỳ 1929-1933, 1974-1975 và 1987 đều thành công nếu xét theo hướng đầu tư dài hạn. Nhưng thành công hơn là những ai bán ra cổ phiếu trong chặng đầu, khi chúng vừa sụt giá chỉ mới 15% (trong điều kiện cho phép) và quay lại đầu tư khi thị trường vừa mới hồi phục được khoảng 15% từ đáy sàn.

Điểm chính về qui tắc 15% là nó áp dụng cho những loại cổ phiếu riêng lẻ, không phải cho toàn thể thị trường chứng khoán. Nếu một loại cổ phiếu rớt giá 15%, điều này xảy ra thường hơn là trường hợp toàn thể cổ phiếu trên thị trường đồng loạt sụt giá 15%, chúng ta nên bán ngay loại cổ phiếu đó. Trong khi chỉ rất ít – nếu cho là có – lợi nhuận bị thiệt hại do “bám trụ” vào thị trường chứng khoán (hay một danh mục đầu tư đa dạng) theo định hướng lâu dài, chúng ta sẽ bị thua lỗ nặng nếu lỡ dại trung thành “bám” vào một hoặc một vài cổ phiếu đang rớt giá. Đối với các cổ phiếu riêng lẻ, chỉ báo tốt nhất cho xu hướng tương lai là chính tình hình hiện tại.

Không ngừng làm cho lợi nhuận tăng trưởng

Cắt giảm những khoản thua lỗ, nhưng đừng cắt giảm lợi nhuận. Chỉ báo dài hạn tốt nhất để đánh giá mức độ thành công của một khoản đầu tư chính là lợi nhuận ngắn hạn được lặp đi và lặp lại! Phải biết cưỡng lại ham muốn ‘đánh nhanh rút lẹ’. Đây là sai lầm tai hại nhất mà phần lớn các nhà đầu tư tư nhân mắc phải: thu những khoản lợi “ngon ăn” trước mắt mà quên đi những khoản lợi khác còn béo bở hơn. Không ai bại sản vì vội “thộp” lấy lợi nhuận, nhưng nhiều người không bao giờ giàu lên được bằng cách như vậy!

Còn hai qui tắc đầu tư theo Nguyên lý 80/20 chưa được xét tới: Khi so sánh một số lượng lớn các danh mục đầu tư trong một khoảng thời gian dài, thường rất đúng là 20% các danh mục đầu tư mang lại 80% tổng lợi nhuận. Đối với một cá nhân có trong tay là một danh mục đầu tư dài hạn, 80% lợi nhuận thường là do 20% các khoản đầu tư mang lại. Trong một danh mục đầu tư chỉ toàn là cổ phiếu, 80% lợi nhuận là do 20% các cổ phiếu đang nắm giữ mang lại.

Hai qui tắc trên đúng là do một vài khoản đầu tư thường đạt mức siêu lợi nhuận, trong khi phần lớn còn lại thì không. Những cổ phiếu siêu hạng này đem lại cho chúng ta lợi nhuận đáng kinh ngạc. Vì thế, chúng ta nhất thiết phải luôn giữ những khoản đầu tư siêu lợi nhuận này trong danh mục đầu tư trong suốt quá trình đầu tư: cứ để mặc cho lợi nhuận sinh sôi nảy nở. Nói như lời hấp hối của một nhân vật trong một tiểu thuyết của Anita Brookner còn ráng nhắn nhủ lại: “Chớ bao giờ bán Glaxo”.

Rất dễ dàng đạt mức lợi nhuận 100% nếu đầu tư vào IBM, McDonald’s, Xerox, hay Marks & Spencer vào thập niên 1950 và 1960; Shell, GE, Lonrho, BTR hay hãng dược Astra của Thụy Sĩ vào thập niên 1970; American Express, Body Shop hay Cadbury Schweppes vào đầu thập niên 80; hoặc Microsoft sau đó cũng trong thập niên ấy. Những nhà đầu tư nào vội bán đi những cổ phiếu này rất có thể sau đó mất đi cơ hội hưởng được lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần.
Các doanh nghiệp hoạt động tốt có xu hướng tạo ra một chu trình hoạt động vượt trội thường xuyên. Chỉ khi nào cái “quán tính” này bị đảo ngược (có thể phải mất nhiều thập kỷ mới xảy ra hiện tượng này) thì bạn mới nên tính đến chuyện bán ra cổ phiếu. Một lần nữa, một qui tắc đáng nhớ là đừng bán ra cổ phiếu trừ phi giá rớt hơn 15% so với mức giá cao gần đây nhất của cổ phiếu ấy.

Để làm như thế, bạn hãy chốt một mức giá bán có lời để căn cứ vào đó bạn có thể bán ra cổ phiếu. 15% dưới mức giá trần. Sự tụt giá ở mức 15% có thể báo hiệu một sự thay đổi xu hướng. Bằng không, chúng ta cứ giữ cổ phiếu cho tới khi tình thế buộc ta phải bán.

Kết luận

Tiền mẹ sẽ đẻ tiền con. Tuy nhiên, một số phương pháp đem lại kết quả khả quan hơn nhiều so với các phương pháp khác. Samuel Johnson đã phát biểu rằng con người chưa bao giờ làm việc một cách hồn nhiên vô tư như lúc kiếm tiền. Nhận xét này xem việc tích lũy của cải là việc làm hợp đạo đức dù bằng con đường đầu tư hay nhờ một nghề chuyên môn thành đạt hoặc bằng cả hai con đường này. Chúng ta không nên chê trách hai phương pháp kiếm tiền này, song cũng không nên cho rằng chúng là tấm thông hành chắc chắn cho bạn cơ hội phụng sự xã hội và mưu cầu hạnh phúc cá nhân. Cả hai việc – kiếm tiền và thành đạt trong nghề nghiệp – đều ẩn chứa hiểm hoạ là bản thân chúng lại trở thành cứu cánh của cuộc đời.

Hệ lụy của thành công là điều dễ quan sát thấy. Với của cải trong tay, chúng ta lại có nhu cầu phải quản lý chúng, phải làm việc với luật sư, chuyên gia tư vấn khai thuế, chuyên gia ngân hàng và những mối quan hệ cực kỳ hấp dẫn khác. Lôgích của sự thành đạt nghề nghiệp được phác họa trong chương trước tất sẽ dẫn đến những nhu cầu về nghề nghiệp càng cao hơn. Muốn thành công, bạn phải nhắm đến vị trí chóp bu. Muốn được như thế, bạn phải tự thân vận động, đặt mình hòa vào giới kinh thương. Muốn đạt được lực bẩy tối đa, bạn phải sử dụng thật nhiều nhân lực. Muốn tối đa hóa giá trị doanh nghiệp, bạn phải biết sử dụng nguồn vốn của người khác và khai thác đòn bẩy tư bản này để doanh nghiệp ngày một lớn mạnh hơn và sinh lợi nhiều hơn. Quan hệ của bạn phải ngày một rộng hơn và thời gian dành cho bạn bè và người thân quen sẽ eo hẹp lại. Trong men say của thành công, chúng ta rất dễ bị mất tập trung, mất đi cách nhìn đúng đắn và mất đi những giá trị cá nhân của mình. Phản ứng hợp lý nhất trước thực trạng này là nói, ở bất kỳ giai đoạn nào, hãy dừng ngay sự thành công: tôi muốn được giải thoát!

Đấy là lý do tại sao chúng ta nên lùi lại một bước, không để mình bị cuốn hút vào vòng xoáy sự nghiệp và chuyện kiếm tiền, và xem xét chủ đề quan trọng nhất, trên hết tất cả: hạnh phúc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.