Nhơn tình ấm lạnh
Chương 11
Từ ngày lở dở việc mai dong rồi, thì bà Phán Kim còn lên chơi nhà bà đốc phủ một vài lần nữa. Bà Phán dòm coi ý bà đốc phủ không niềm nở như khi trước, tưởng bà phủ giận, nên bà không dám tới nữa.
Cách chừng một tháng rưỡi, quan đốc phủ ở dưới ruộng về thăm nhà thấy bà lớn theo khắc khổ Phi Phụng hoài thì ngài can gián. Bà đốc phủ chẳng phải người thường hễ bà giận thì không ai làm sao cho bà nguôi ngoai được. Bà đương ghét Phi Phụng, nếu đừng ai nói chi hết, thì có lẽ lần lần lòng ghét của bà phai lạt dần hết được. Quan đốc phủ tuy biết tánh bà, song không dè bà ghét Phi Phụng, nên ngài mới can; nhưng ngài can gián bà càng khắc khổ hơn, làm cho Phi Phụng tức tưởi vô cùng, rồi tôi tớ trong nhà thấy bà không trọng, chúng nó cũng bắt chước khinh thị cô nữa.
Chiều hôm nọ hết chỉ thêu, cô hai Nguyệt biểu cô đi chợ Bến Thành với cô đặng kiếm chỉ mua. Cô ba Huê hết phấn dồi mặt nên cũng đi theo mua phấn nữa. Phi Phụng vào buồng đặng thay một cái áo mới đặng đi với hai cô. Bà đốc phủ ngó thấy bèn kêu mắng: „Ðừng có diện lắm nữa! Cứ quen cái thói ngựa hoài! Hễ ra khỏi nhà thì quần nầy áo kia“.
Phi Phụng nghe rầy thì hổ thẹn và lại sợ lật dật trở vào mặc một cái áo xuyến cũ sờn hai cánh chỏ, mặc một cái quần lãnh cũ, còn chân đi guốc chớ không dám thay giày.
Ra chợ mua chỉ xong rồi, cô ba Huê biểu dắt đi kiếm dầu thơm, phấn tốt đặng mua cho cô. Phi Phụng dắt hai cô đi vòng qua đường Espagne, tới ngang tiệm hớt tóc để hiệu „Văn Minh Tiến Phát” thấy trong tủ kiếng có để dầu thơm đủ thứ, phấn dồi đủ hiệu, cô mới đứng lại dòm coi rồi hỏi cô ba muốn mua thứ nào. Có một người chừng 17, 18 tuổi không mang giày mang guốc gì hết, mặc áo ba bà trắng, quần vải đen, chạy ra mở tủ lấy dầu lấy phấn cho cô ba lựa.
Cô ba Huê lựa được một ve dầu một hộp phấn, trả giá cả xong rồi mới đưa cho Phi Phụng một cái giấy bạc năm đồng đặng trao cho họ thối. Phi Phụng đưa cái giấy bạc cho tên trai ấy rồi đứng tại cửa chờ thối tiền, còn hai cô thì ra phía ngoài đặng coi đồ để trong tủ nữa. Phi Phụng ngó vô trong tiệm thấy tên trai đưa tiền cho một người trai khác ngồi trong, mình mặc đồ Tây, tuổi trên hai mươi, mặt mày bộ tướng giống in Duy Linh, cô nghi mà sợ lầm nên không dám ngó cho kỹ. Người mặc đồ Tây trong đó ngó ra thấy Phi Phụng thì sửng một hồi rồi mở tủ lấy tiền thối cầm trong tay, xăm xăm đi ra. Ra tới cửa tay đưa tiền, còn mắt thì ngó Phi Phụng rồi vùng nói rằng:
– Ủa! em, em đi đâu trên nầy làm chi, đi với ai?
Hai người nhìn nhau nửa mừng nửa tủi, lính quýnh không trả lời được. Duy Linh thấy Phi Phụng áo rách quần cũ, đầu trần, thì lấy làm lạ nên gượng gạo hỏi tiếp:
– Em lên nầy làm chi, đi với ai?
Phi Phụng hiểu Duy Linh thấy mình quần áo lang thang thì lạ mắt; song cô không lấy đó làm xấu hổ, cô muốn tỏ thiệt nhưng cô tức tủi nghẹn ngào nói không ra được, nên cô rưng rưng nước mắt rồi đáp:
– Em lên trên nầy đã năm sáu tháng nay.
Duy Linh càng lấy làm lạ nên hỏi tiếp:
– Ở trên nầy làm chi?
– Anh ôi! Thân em khổ lắm; cha mẹ em đều khuất hết, gia tài sự nghiệp của em cũng bị giựt hết, thân em mới ra như vầy.
– Ủa! Bác trai bác gái mất hồi nào? Sao không cho tôi hay?
Phi Phụng nghe hỏi càng hêm tức tủi; nước mắt đầm đìa chừng muốn nói nữa, thì cô ba Huê bước vào kéo cánh tay mà nói:
– Người ta thối tiền rồi hay chưa? Sao không chịu về, chuyện gì mà nói nhây dữ vậy hứ?
Cô ba thấy hai người đều khóc, không hiểu duyên cớ làm sao, nên đứng ngó sững. Duy Linh sợ Phi Phụng đi mất không hỏi hết chuyện được, nên ngó cô ba Huê nói:
– Tôi xin mời cô vào tiệm chơi, cho tôi hỏi thăm con em tôi một chút rồi sẽ về.
Lời nói đủ lễ nghĩa lại dịu ngọt như vậy tưởng động lòng cô ba được, chẳng dè cô ba nghe lời thì xụ mặt nhọn mỏ nói cộc cằn với Phi Phụng:
– Thiệt chị không chụi về hay sao? Thôi chị ở lại đó để tôi về tôi mét với má rồi chị coi.
Cô nói mấy lời thì quay quả bước ra đường.
Phi Phụng không biết liệu sao sợ cô ba về mét rồi bà đốc phủ sanh chuyện, nên lau nước mắt và hỏi Duy Linh:
– Anh ở đây phải hôn?
– Phải, tiệm nầy là tiệm của tôi.
– Thôi, để bữa nào rảnh em ra thăm rồi em sẽ kể hết việc nhà cho anh nghe. Thưa anh em về.
Phi Phụng cúi dầu xoay chân bước ra. Duy Linh lấy làm đau đớn trong lòng, có nhiều việc muốn hỏi nhưng vì Phi Phụng vội về nên không hỏi được, túng thế đi ra cửa và kêu hỏi với:
– Em lên đây ở đâu vậy em?
Phi Phụng ngó ngoái lại đáp: “Em ở trong Chợ Đũi?”
Cô nói có mấy lời rồi đi theo hai cô kia. Duy Linh đứng lại cửa ngó theo, trong lòng đau đớn dường như ai cắt ruột xẻ gan, bởi vậy ngó cho tới khi cô về tới góc chợ rồi quẹo mất không thấy hình dạng nữa mà anh ta cũng còn đứng chần ngần tại đó hoài không chịu trở vào.
Duy Linh đang còn bàng hoàng ngơ ngẩn, bỗng có người sau lưng thình lình vổ vai anh ta hỏi rằng:
– Làm gì đứng đó?
Duy Linh giựt mình day lại, thấy hai vợ chồng Phước Đằng với cô Hai Thanh quần áo nhổn nha, khăn tua vớ lụa, liền đổi mặt buồn làm vui, chắp tay chào hỏi mời hết vào tiệm. Vợ Phước Đằng thấy cô Hai Thanh đi vòng mấy tủ kiếng xem hàng hóa, thấy đồ thứ nào cũng tốt, tủ cái nào cũng đầy, thì mẹ con cô khen ngợi vô cùng.
Phước Đằng ngồi uống nước dòm coi cùng tiệm rồi nói:
– Mấy tháng nay chú không ghé tiệm được, không dè bây giờ cháu bán đồ nhiều quá. Hàng hóa trong tiệm bây giờ cũng đáng bốn năm ngàn chớ phải ít ỏi gì sao.
Duy Linh cười đáp:
– Thưa chú, cháu tính tháng sau cháu dẹp chỗ hớt tóc để trống chỗ để thêm tủ bán hàng.
– Hớt tóc không khá hay sao?
– Thưa cũng khá, song chộn rộn quá nên cháu tính dẹp nghề ấy để bán vật khác cho dễ.
– Nếu muốn bán đồ khác thì cháu phải ra vốn thêm nữa.
– Dạ phải.
– Cháu có vốn hay không lại tính mở lớn thêm tiệm nữa?
– Thưa, cháu cũng còn dư vốn chút đỉnh.
Phước Đằng thấy làm lạ bèn kêu vợ nói:
– Nầy, má nó ơi; thằng nầy nó buôn bán lôi thôi, mới có hai năm mà coi bộ nó khá quá há. Nó tính mở lớn thêm nữa đa, má nó à.
Vợ Phước Đằng trề môi, kéo ghế ngồi đáp rằng:
– Khá bao nhiêu đó mà mừng! Khá nỗi gì? Hồi đó tao biểu đi làm việc quan, hoặc cứ đi làm nhựt trình cũng được, rồi ta làm mai con Kiềm cho, coi có phải làm giàu liền được hay không. Không nghe lời để đi sang tiệm hớt tóc, đã hai năm mà cũng chưa có ruộng vườn phố xá chi hết, vậy mà khá nỗi gì. Mấy năm nay thím dọ thử ý nó hoài, hễ nói tới cháu thì nó phát ghét quá. Bây giờ nó có chồng giàu biết chừng nào. Nghe nói thằng chồng nó có tới hai cái xe hơi.
Phước Đằng vùng hỏi vợ:
– À, hôm trước má nó nói mà tôi mắc khách nên nghe không rõ. Con Ba Kiềm nó có chồng là con nhà ai ở đâu vậy, má nó?
Vợ Phước Đằng xĩa thuốc rồi đáp:
– Con nhà giàu nào ở đâu dưới Bạc Liêu không biết, nghe nói bây giờ nó mua nhà trong Chợ Lớn. Mình hỏi con nhỏ nó thiệt biết gốc tích, bởi vì hôm trước con Ba Kiềm ra to nhỏ với nó chớ không có nói với tôi.
Cô Hai Thanh liếc ngó Duy Linh rồi nói:
– Thưa, chồng chị Ba Kiềm tên là Tú Cẩm, hồi trước ở Chợ Lớn mà cha mẹ ở dưới Bạc Liêu. Cha chồng chị lại ông huyện, ông phủ chi đó không biết, có ruộng nhiều, có nhà lầu lớn, ổng bả chết hết rồi chồng chỉ mới xuống lãnh gia tài. Mấy tháng nay đem bạc về mua nhà trong Chợ Lớn rồi mới đi nói cưới chỉ đó. Bây giờ chỉ sung sướng lắm đi đâu cũng có xe hơi hết thảy, không đời nào chỉ chịu đi xe kéo.
Vợ Phước Đằng ngó Duy Linh cười rồi nói:
– Nó đã giàu mà lại có chồng giàu nữa thì tự nhiên nó sung sướng chớ có gì là lạ. Cháu bậy quá! Chớ chi hồi đó cháu nghe lời thím cháu đụng nó thì có phước biết chừng nào! Cháu làm tỉnh đó nó có chồng khác coi có uổng hay không?
Duy Linh gặp Phi Phụng mà không hỏi rõ việc nhà cửa của cô được, nhứt là quên hỏi chồng cô ở đâu mà cô lên ở trên Sài Gòn, nên đương bối rối trong lòng, tuy ngồi nói chuyện với chú thím mà trí nghĩ việc Phi Phụng. Anh ta bề ngoài thì tiếp chú thím rất vui vẻ, nhưng trong lòng thì trông chú thím về cho mau, đặng có rảnh rang suy nghĩ việc của mình. Chừng nghe chú thím hỏi thăm việc buôn bán thì anh ta còn vui vẻ trả lời, đến lúc nghe chú thím nhắc tới việc cô Ba Kiềm thì anh ta lấy làm bất bình, nên vì bữa nay trí lộn xộn dằn lòng không được, nên trả lời có cách quạu quọ rằng:
– Ôi! Gái như Ba Kiềm có đáng gì mà thím tiếc hoài. Tôi chưa tính cưới vợ, hễ chừng tôi cưới vợ tôi có thèm cưới gái như cô vậy đâu.
Vợ Phước Đằng nghe lời đáp nặng nề thì phiền nên đáp:
– Cha chả! Cháu sang trọng lắm hay sao mà cháu chê con Ba Kiềm? Thím sợ cháu tìm cho đến già cũng chưa được một con vợ như vậy đâu.
Bà nói dứt lời rồi đứng dậy biểu chồng con đi về.
Vợ chồng Phước Đằng với cô Hai Thanh về rồi. Duy Linh chắp tay đi qua đi lại trước cửa mà suy nghĩ. Bởi lúc chiều thiên hạ dập dìu, làm cho anh ta phải tránh người nầy người nọ, lộn xộn không suy nghĩ việc chi được, nên anh ta trở vào tiệm rồi đi thẳng lên lầu nằm nghỉ.
Đồng hồ gõ sáu giờ trên lầu lờ mờ ngó bàn ghế thì thấy dạng[1] thôi, chớ không thấy rõ. Duy Linh bước lại mở hết mấy cánh cửa sổ, rồi nằm trên ghế bố, chớ không chịu vặn đèn lên. Anh ta nhớ tới Phi Phụng thì bâng khuâng bồi hồi lạ thường. Nhớ lại hồi nãy cổ nói cha mẹ chết hết, gia tài của cô họ đã giựt. Chết hồi nào? Mấy người tranh nhau xin cưới cô đó, cô đã ưng chỗ nào hay chưa? Chắc là chưa, bởi vì mấy chỗ đi nói cô đều ở Bạc Liêu hết thảy, nếu cô có chồng rồi thì nếu cha mẹ cô chết, sự nghiệp tiêu, cô theo nương dựa bên chồng chớ lên Sài Gòn làm gì. À, à, có lẽ tú tài Thủ Hiệp cưới cô rồi dắt cô lên Sài Gòn ở làm việc. Mà nếu cô làm vợ tú tài Thủ Hiệp, dầu nghèo hèn cũng còn thể diện, chớ không lẽ nó để cô ăn mặc bần hàn như vậy. Kỳ, việc nầy thiệt kỳ! Cô nói ở trong chợ Đũi, vậy mà ở nhà ai? Tức quá, hồi nãy lộn xộn quên hỏi việc đó cho rõ. Còn cô đi với hai cô nào đó? Cô nhỏ mỏ nhọn đó là ai mà coi bộ Phi Phụng sợ dữ vậy? Bây giờ Phi Phụng coi bộ ốm hơn hồi trước nhiều sao cô ốm vậy, tại trí rầu hay là thân cực khổ? Chắc là cô rầu lắm bởi vậy mình vừa mới hỏi thăm việc nhà cô thì cô ứa nước mắt nói không được. Mình bậy quá, hai năm nay mình ghét nên không thèm đọc nhựt báo, chớ mình đọc thì lẽ nào không hay bác huyện mất, mà dầu không đọc nhựt báo đi nữa hễ mình gặp người Bạc Liêu mình hỏi thăm thì lẽ mình cũng hay được. Tại mình tính sai nên thành quấy. Chớ chi lúc bác mất mình hay mình về thăm, như Phi Phụng có việc chi bối rối mình lo gỡ giùm thì có lẽ cô bớt buồn rầu. Cô có hứa bữa nào cô ra ở chơi để thuật liền cho mình nghe thì xong quá. Mình muốn biết việc của cô liền bây giờ, ngặt biết cô ở Chợ Đũi mà không biết ở đường nào, nhà ai, mà sao kiếm được. Mình bỏ xứ Bạc Liêu ra đi mới có vài năm mà nhân vật đổi dời dữ quá! Mình tưởng Phi Phụng giàu sang sung sướng lắm chớ có dè đâu ngày nay thê thảm thế nầy. Nếu cô chưa có chồng, thì dịp nầy là dịp may cho mình lắm.
Duy Linh nghĩ tới đó thì liền mắc cở thầm, bởi vì người ta đương hoạn nạn, mình chưa rõ việc nhà cửa người ta, mà chưa chi mình đã tính tới việc trăm năm với người ta thì mính bậy lắm. Đêm ấy Duy Linh thao thức hoài ngủ không được, cứ nằm suy tính, rồi ao ước Phi Phụng ra cho mau, đặng gặp mặt cho rõ hết mọi việc.
Anh ta suy nghĩ tới việc Phi Phụng rồi bắt nhớ tới việc cô Ba Kiềm. Tuy anh không có tình gì với cô, song khi nghe cô có chồng giàu sang thì ban đầu anh ta giận. Anh ta giận đây chẳng phải tiếc cô mà giận; ấy là nghe chồng cô giàu sang hơn anh ta; mà anh ta lại nghĩ tánh tình cô như vậy mà có chồng được, ấy cũng là may cho cô, anh ta cười thầm rồi đi mở rương lấy cái gói của cô gởi hồi trước, đem ra quẹt hộp quẹt đốt cháy tiêu cái khăn và cháy luôn phong thơ của cô, chưa xé nên chẳng biết cô nói gì ở trỏng.
Còn Phi Phụng khi gặp Duy Linh thì ủ dột không nói ra lời, song cô nghẹn ngào là vì cô nhớ việc nhà của cô nên cô buồn chớ không phải thấy mặt Duy Linh mà buồn. Đi dọc đường cô ba Huê hỏi thăm người thanh niên chủ tiệm đó là ai mà Phi Phụng quen, Phi Phụng thầm nghĩ không cần phải nói việc riêng của mình cho người không thương mình biết làm chi, nên cô đáp cụt ngủn rằng: „Anh đó ở một xứ với tôi, quen biết nhau từ hồi nhỏ“.
Cô ba nghe trề môi rồi dắt nhau đi bộ về nhà, không thèm nói tới việc đó nữa. Phi Phụng từ ngày gặp được Duy Linh thì trong bụng mừng thầm, nên lộ ra sắc vui vẻ lắm. Đêm ấy Phi Phụng nằm suy nghĩ bây giờ mình không còn cha mẹ bà con chi hết, Tú Cẩm tuy xưng là anh mình, song mình không chắc có phải là anh hay không, mà dầu thiệt là anh đi nữa, anh đã bứt mối tơ duyên của mình, cái oán ấy còn ôm ấp trong lòng mãi, không tài nào mà gần gủi anh được. Anh Duy Linh tuy không phải bà con mà từ thuở nay anh thương mình như em ruột, mình cũng thương ảnh như anh cả; mấy năm mình gặp hoạn nạn ảnh không hay, hồi chiều mình mới nói sơ ít tiếng cho anh hiểu việc khổ của mình thì ảnh ứa nước mắt. Chắc là ảnh thương mình lắm. Vậy bà lớn ở đây khắc nghiệt mình ở không được thì mình ra tiệm năn nỉ xin ở với ảnh, không sợ gì nữa. Anh em từ nhỏ chí lớn thương yêu nhau lắm, có lý nào mình gặp hoạn nạn mà ảnh không giúp mình. Phi Phụng suy nghĩ có bấy nhiêu đó thì ngủ quên.
Sáng ngày Phi Phụng thức dậy gở đầu, nhớ sự mình gặp Duy Linh hôm qua thì trong lòng hớn hở, tính trưa rảnh đặng xin phép đi ra chợ đặng thăm Duy Linh để thuật mọi chuyện khổ nảo của mình cho ảnh nghe. Ở trong buồng bước ra liền lấy đồ mà thêu. Cách một hồi hai cô thức dậy rửa mặt rồi cô hai ngồi thêu với Phi Phụng, còn cô ba bỏ đi thẳng xuống nhà bếp kiếm đồ để ăn.
Phi Phụng với cô hai Nguyệt ngồi thêu, nói chuyện nho nhỏ với nhau, khi ngó nhau cười, khi giúp nhau rút chỉ, coi bộ tương đắc lắm.
Đồng hồ treo ngoài trước ngõ gõ tám giờ, quan Ðốc Phủ với bà lớn thức dậy đi ra. Phi Phụng chăm chỉ lo thêu không dám nói chuyện nữa.
Bà lớn ra ngoài ngồi ăn trầu, còn quan lớn ngồi bên ghế hút thuốc. Cô ba huê nghe mẹ thức dậy ở dưới bếp xăm xăm đi lên, thấy Phi Phụng ngồi thêu thì liếc háy một cái rồi đi thẳng ra ngoài trước ngồi dựa ngả ngớn một bên bà đốc phủ.
Cách chẳng bao lâu quan Ðốc Phủ kêu nói:
– Con Phi Phụng ở đâu ra cho tao hỏi một chút.
Phi Phụng dạ rồi lật đật đi ra. Bà đốc phủ day ngó cô ta mà nói rằng:
– Tao tưởng mầy là con nhà tử tế nên tao mướn mầy trước là tập con tao thêu thùa, sau nữa chơi với nó cho có bạn….Tao không dè mầy là đồ hư, tao nghĩ mấy tháng nay tao cho con tao gần gũi mầy thật là hư danh giá của hai con tao quá. Thôi, tao không bằng lòng cho mầy ở trong nhà tao nữa, bởi vì mầy ở mầy làm gương xấu cho hai con tao chớ không ích gì. Mầy về với chị Phán Kim hay là ở với ai tùy ý, miễn là ra khỏi nhà tao thì sẽ trai gái, chớ ở trong nhà tao thì không được phép. Mấy tháng trước tao đã phát tiền đủ cho mầy rồi. Còn tiền công tháng nầy đây, mầy cầm lấy và vào gói quần áo mà đi cho mau.
Quan lớn nói và để mười đồng bạc ở trên bàn, Phi Phụng khi mới nghe mấy câu đầu thì chưng hửng, chừng nghe hết thì tức giận hổ thẹn, mắt lòa cổ nghẹn, không nói chi được, chỉ đứng lấy tay bụm mặt mà khóc. Cô ba Huê ngồi dựa lưng vào vách tường rồi ngó Phi Phụng cười. Cô hai Nguyệt nghe những lời nói lạ tai nên bước ra dựa cửa buồng mà nghe, chừng thấy Phi Phụng khóc thì cô động lòng nên cũng ứa nước mắt.
Bà đốc phủ thấy Phi Phụng khóc thì nạt rằng:
– Tao nói oan cho mầy lắm hay sao mà khóc? Thôi, đừng có làm bộ mặt chánh chuyên. Tao không cho ở nữa đâu, đừng có khóc cho uổng công.
Phi Phụng gượng gạo thưa nho nhỏ:
– Bẩm bà lớn, con ở trong nhà bà lớn mấy tháng nay con chưa hề bước chân ra đi chơi một mình lần nào, đi đâu cũng có bà lớn hoặc hai cô đi chung với con. Con tuy thân phận nghèo hèn, song con cũng biết trọng danh tiết của con, chẳng hiểu vì cớ nào bà lớn lại rầy con.
Bà đốc phủ đáp:
– Thứ bậu mầy còn danh tiết nỗi gì, đừng nói danh tiết tao mắc cở lắm nào!
Phi Phụng nghe lời khinh bỉ thì giận xanh mặt nên lau nước mắt rồi nói:
– Bẩm bà lớn xin bà lớn nghĩ mà thương thân phận con nhà nghèo. Con nhà giàu sang với con nhà nghèo hèn tâm tánh cũng nết na như nhau, có khi con nhà giàu hư mà có khi con nhà nghèo khá, chớ nào phải con nhà giàu khá hết, còn con nhà nghèo hư hết đâu. Làm thân con gái ai không biết trọng danh tiết là gì thì tội nghiệp cho con biết!
Bà đốc phủ nghe trả lời thì bà càng giận, bà nạt:
– Ý mầy muốn nói động tới con tao phải không? Con tao hư chỗ nào thì mầy chỉ ra đi, nếu mầy nói khống thì tao đố mầy khỏi tay tao.
– Bẩm bà lớn, con nghe bà lớn nói như vậy con mới phân trần phải trái cho bà lớn nghe chớ con đâu dám nói động tới hai cô.
– Bây giờ mầy muốn gây với tao hay sao nè!
– Bẩm bà lớn, xin bà lớn thương dùm thân con, bụng con thiệt mà bà lớn gia tiếng dữ cho con hoài thì tội nghiệp cho con quá.
– Mầy nói mầy chánh chuyên, sao chiều hôm qua mầy đi chợ với hai con tao gặp trai mầy ghì lại nói chuyện rồi khóc lóc nữa, mà mầy gọi là chánh chuyên. Mầy muốn lấy ai thì mầy lấy tao cản mầy làm chi, song trước mặt con tao mà mầy nói chuyện với trai như vậy tao không bằng lòng. Tao không muốn mầy làm gương xấu cho con tao, mầy hiểu chưa?
Phi Phụng chưng hửng nên ngó ngay bà đốc phủ đáp rằng: „Bẩm bà lớn, người nói chuyện hôm qua với con đó là anh bà con với con, chớ phải ai lạ hay sao mà bà nghi cho con tư tình với họ. Hôm qua con gặp hỏi thăm có mấy lời chớ có nói chuyện chi đâu. Xin bà lớn hỏi thử coi cô hai con nói chuyện gì“.
Cô hai Nguyệt bước tới nói rằng:
– Thưa má, chị có trai gái với ai đâu. Hôm qua ba đứa lại tiệm hớt tóc mà mua dầu và phấn cho con Huê. Chừng trả tiền người trong tiệm đem tiền ra thối ngó thấy chị thì chưng hửng hỏi lên Sài Gòn làm chi. Chỉ nói cha mẹ chỉ chết hết, bây giờ chỉ nghèo khổ lên trên nầy ở, rồi dắt nhau đi về, chớ có nói tiếng chi đâu mà nghi chị trai gái với người ấy. Má đừng nói như vậy oan ức cho chỉ tội nghiệp.
Cô ba Huê trợn mắt đáp:
– Chị mà biết giống gì, nên xen vào cãi lẽ. Hôm qua tôi lại gần nó tôi thấy rõ ràng hai người nói chuyện rồi khóc. Nếu không phải trai gái với nhau, sao đứng khít một bên nhau, rồi nói chuyện lại khóc nữa?
Cô hai mắng lại:
– Mầy có tài kẻ vạch đầu nầy đầu kia hoài. Chừng mầy chết cái miệng của mầy bị dòi nó đục trước hết, bằng không thì quỷ sứ nó rạch cho tới mép tai.
Cô ba Huê bị mắng nhiếc không chịu nhịn thua nên đỏ mặt chu miệng đáp:
– Chị đừng có binh. Chị muốn theo đồ hư đó thì theo đi
Bà đốc phủ thấy hai con rầy với nhau thì bà can:
– Ủa! Chuyện của người ta bây giờ chị em của bây rầy với nhau hay sao? Ngộ dữ hôn!
Quan đốc phủ ngồi lặng thinh ngó ngay ngoài trước sân, dường như trong nhà không có việc chi hết.
Phi Phụng bước lại chắp tay thưa với bà đốc phủ:
– Thân con tuy ở mướn mặc dầu, song con cũng biết chỗ phải chỗ quấy, chỗ xấu chỗ tốt. Mấy tháng nay con nhờ bà lớn thương xót, cho con ở nhà mà nhờ hột cơm dư, ơn ấy con nguyện ghi lòng dầu thế nào con cũng không dám xao lảng. Xin bà lớn nhớ lại coi mấy tháng nay bà lớn rầy rà mắng nhiếc con có dám tỏ lời than phiền hay không, con nghĩ vì phận con côi cút bà lớn thương tưởng nên mới rầy la dạy bảo, lẽ nào con dám phiền. Hôm nay bà lớn không dùng nữa, bà lớn biểu một tiếng thì con phải đi liền, con đâu dám cãi. Bà lớn nghe chi lời đắng cay của cô ba mà mắng nhiếc con, làm cho con hổ thẹn với tôi tớ trong nhà con nghĩ thiệt con buồn quá!
Phi Phụng nói tới rồi ngừng lại đó, có ý trông coi bà lớn nói thế nào. Bà lớn biết lời nói nặng nề hồi nãy của mình là giận hờn rồi nói bõ ghét, nên ngồi lặng thinh không biết trả lời sao cho xuôi.
Phi Phụng thấy vậy khi thầm bèn nói tiếp:
– Bẩm bà lớn, hồi cha mẹ con sanh tiền có người răn dạy che chở chẳng nói làm gì. Từ ngày cha mẹ con bị khuất rồi thân con dật lạc nghèo khổ bơ vơ không còn ai dìu dắt, thì con cần phải lo làm sao mà giữ tròn danh tiết lắm, chớ con đâu dám lơ đểnh, nghĩ vì người ta giàu sang, dầu có hư đi nữa thì người ta lấy của mà che đậy được, còn phận con nghèo hèn, con không có vật chi quý, thì con phải trọng danh tiết, đặng lấy đó mà đối với người giàu. Bẩm bà lớn, chỗ con kính trọng, mà bà lớn không dè, hồi nãy bà lớn khinh bỉ quá, nên con đối đáp nhiều lời thất kính với bà lớn, vậy con xin bà lớn rộng lượng thứ lỗi cho con.
Bà đốc phủ biết Phi Phụng nhiếc bà, song bà không kiếm được lời đối đáp nên bà lặng thinh hoài. Phi Phụng đứng suy nghỉ mộ hồi rồi thưa rằng:
– Bẩm bà lớn, xin phép bà cho con đi.
Bà đốc phủ đáp:
– Thì tao đã biểu hồi nãy rồi còn xin phép xin tắc gì nữa.
Phi Phụng thấy biết bà lời cộc cằn, chớ không quen giọng thanh nhã, nên chúm chím cười rồi đi quay quả vô buồng xếp quần áo bỏ vào giỏ xách. Cô hai Nguyệt đi theo vô buồng hỏi nhỏ Phi Phụng:
– Bây giờ chị về nhà dì Phán hay là chị đi đâu.
Phi Phụng đáp:
– Để thủng thẳng rồi tôi sẽ tính, chớ bây giờ tôi chưa biết đi đâu.
Cô hai nói:
– Chị ở đâu cũng vậy, lâu lâu vào thăm tôi nghe chị. Nầy, chừng chị nhứt định ở đâu thì gởi thơ cho tôi nghe hôn.
Phi Phụng thấy cô hai có lòng quyến luyến thì động lòng, nên mặt mày buồn xo. Cô vừa xếp áo quần vừa đáp:
– Cô có lòng thương thiệt tôi cảm đức cô lắm. Song tôi e tôi đi rồi mà trở vô bà lớn không vui. Vậy thương nhau xin cô để bụng; dầu xa cách nhau dẫu ngàn năm đi nữa tôi cũng không bao giờ quên tình hạ cố của cô. Thôi, cô ở lại mạnh giỏi.
Phi Phụng xách gói đội khăn ra ngoài chắp tay xá quan lớn bà lớn, từ giã cô ba, trở vào nhà sau từ giã tôi tớ, rồi mới đi. Cô ra tới cửa, bà đốc phủ dòm thấy còn mười đồng bạc để trên bàn mới kêu cô hai biểu cầm ra mà đưa cho Phi Phụng.
Phi Phụng không muốn lấy bạc ấy, nhưng nghĩ vì tiền công của mình chớ không phải tiền cho, mà cô hai cầm đưa nếu mình không lấy sợ cô buồn, nên mới lấy bỏ tiền vào túi rồi từ già cô hai.
[1] dáng nhìn xa không rõ
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.