Nhơn tình ấm lạnh

Chương 12



Phi Phụng chạy đã được một khúc đường mà mặt cũng chưa hết sắc giận. Ban đầu cô tính đi thẳng ra chợ đặng thuật hết việc khổ nảo của mình cho Duy Linh nghe, rồi xin Duy Linh cho ở trong tiệm, hoặc coi sóc cơm nước, hoặc biên chép sổ sách trước ấm cật yên thân, sau khỏi bị khinh bỉ nữa.

Ra khỏi gần tới chợ cô lại nghĩ bà đốc phủ nghi cho mình có tư tình với anh Duy Linh, hễ mình ra tiệm anh Duy Linh mà ở, thì họ đoán quyết, chớ họ không thèm nghi nữa. Mình trong sạch thì mình biết, mà làm thân con gái không nên làm việc gì mà đến nỗi người ta dị nghị, nhứt là danh tiết mình phải gìn giử cho kỹ lưởng mới được.

Cô nghĩ như vậy nên cô biểu xe quẹo về nhà ông Phán Kim. Nhớ tới nhà ông Phán Kim cô lại nghĩ mình về đây chắc bà Phán không vui. Mà vui hay buồn mình cũng chẵng lo cho lắm, bây giờ có anh Duy Linh, nếu bà Phán thương thì mình ở, còn như bà không thương tưởng, bà đuổi thì mình ra tiệm anh Duy Linh. Cô lại nghĩ bây giờ phải về nhà bà Phán; về thì thủng thẳng sẽ về, làm gì gấp lắm vậy, để mình ghé thăm anh Duy Linh, thuật chuyện nhà của mình cho ảnh nghe rồi sẽ về, tưởng cũng không muộn.

Phi Phụng biểu xe kéo quay đầu trở lại chợ. Xe ngừng ngay trước cửa tiệm hớt tóc, cô leo xuống móc tiền ra trả. Duy Linh ngồi trong tiệm thấy dạng Phi Phụng lật đật chạy ra mừng rỡ. Anh ta ngó Phi Phụng, thấy sắc mặt không vui, và lại cặp mắt hơi đỏ, thì có bụng lo.

Phi Phụng trả tiền xe rồi thò tay xách giỏ. Duy Linh hỏi:

–          Em có cái giỏ gì đấy? Đưa cho qua xách cho.

Phi Phụng ngó Duy Linh và nói giọng rất buồn thảm:

–          Gia tài sự sản của em bây giờ chỉ còn có bấy nhiêu đó thôi.

Duy Linh nghe rất động lòng, sợ ứa nước mắt ngoài đường thiên hạ thấy nên không dám ngó Phi Phụng, chỉ thò tay xách cái giỏ rồi đi thẳng vào tiệm. Phi Phụng đi theo không nói chi hết.

Buổi sớm mai thiên hạ vào tiệm mua đồ liền liền, Duy Linh nghĩ tới chỗ đó không phải là chỗ nói chuyện với Phi Phụng được, nên để cái giỏ giữa tủ tiền rồi mời Phi Phụng đi theo lên lầu.

Duy Linh mở hết mấy cái cửa sổ rồi quét ván mời Phi Phụng ngồi. Anh ta kéo ghế ngồi gần đó mắt liếc ngó Phi Phụng song lòng đau đớn vô cùng. Anh ta thấy Phi Phụng lấy khăn chấm nước mắt hoài, biết cô tức tủi lắm nên không nỡ hỏi, cứ ngồi ngó vào vách tường, mắt nháy lia lịa đặng đuổi nước mắt vô trong, mà nháy riết rồi nó nhỏ giọt xuống mặt, túng thế phải lấy khăn ra lau. Cách một hồi Duy Linh thở dài hỏi: „Hôm qua em nói hai bác mất hết, gia tài của em bị chúng đoạt, hai bác chết năm nào, đau bịnh chi, còn gia tài em làm sao đoạt được?”

Phi Phụng khóc và thuật hết đầu đuôi cho Duy Linh nghe, thuật cho tới chuyện Thủ Hiệp bạc tình đi cưới vợ khác, là sự hổ thẹn đau đớn tức tủi nhiều hơn hết của cô mà cô cũng không dấu.

Duy Linh nghe tới tên Tú Cẩm thì chưng hửng, vì mới hồi hôm qua nghe cô Hai Thanh thuật chuyện cô Ba Kiềm lấy chồng, có nói chồng cô Ba Kiềm tên là Tú Cẩm, con của ông phủ hay ông huyện gì đó dưới Bạc Liêu, cha mẹ chết hết mới hưởng gia tài, chắc là anh nầy chớ không ai xa lạ. Tuy anh ta nghi như vậy, song không nói cho Phi Phụng biết, bởi vì Phi Phụng không quen với cô Ba Kiềm, mà cũng không ưa Tú Cẩm, dầu nói ra cũng không ích gì.

Lúc Duy Linh nghe Phi Phụng thuật lại chuyện Thủ Hiệp bạc tình thấy cô mất hết gia tài thì bội ước đi cưới vợ khác, thì anh ta tức giận, rồi tím ruột bầm gan. Chừng anh ta nghe Phi Phụng nói: „Mà em nghĩ em giận Tú Cẩm chớ không giận anh Thủ Hiệp bởi vì nếu anh Tú Cẩm đừng có kiện mà đoạt gia tài của em thì căn duyên em có lỡ dở như vầy đâu, tại ảnh đoạt hết sự nghiệp của em nên anh Thủ Hiệp mới đi cưới vợ khác“.

Duy Linh hiểu ý Phi Phụng còn thương Thủ Hiệp lắm, muốn vạch chỗ quấy của đứa bạc tình phụ nghĩa cho Phi Phụng nghe, nhưng nghĩ chớ chi mình trong sạch, không có ý gì với cô thì mình lấy tình anh em mà phân giải phải trái cho cô hiểu, ngặt mình có lòng yêu trộm mình thấy Thủ Hiệp hữu thời đắc thế mình sanh lòng ghen ghét, nếu nay mình chê Thủ Hiệp quấy, sợ e lời nói của mình không công chánh chăng?

Phi Phụng cũng lần lần thuật luôn chuyện mình muốn tránh xứ Bạc Liêu lên Sài Gòn ở đậu nhà ông Phán Kim xin vào trường đặng học. Chẳng dè học không được mà bạc tiền ngày càng hao mòn nên phải đi ở với người ta mà dạy thêu, họ hành hạ tấm thân, rồi sớm mai họ còn nhục mạ danh tiết nữa, nên tức giận bỏ đi ra đây.

Duy Linh nghe rõ đầu đuôi thì ngồi lấy tay chống trán một hồi rồi nói:

–          Có lẽ cũng tại qua nên thân em mới cực khổ như vầy. Chớ chi qua cứ ở Bạc Liêu, lúc em mất cha mất mẹ và tiêu tan gia tài rồi thiên hạ trở mặt thì có qua…!

Duy Linh nói coi bộ chưa rõ ý, bộ coi như hổ thẹn, nên bỏ nửa câu không tiếp.

Phi Phụng đáp:

–         Thiệt anh tệ quá! Anh bỏ xứ mà đi không nói trước cho em hay, mấy năm nay anh cũng không gởi thơ từ chi hết. Chớ chi mấy năm trước có anh ở Bạc Liêu thì chẳng những là đỡ cho em mà có lẽ sự buồn rầu của em cũng bớt nhiều. Mà phải em biết anh ở đây thì hôm em lên trên nầy em ghé qua mà ở với anh tiện quá; đi ở đậu với người ta làm chi phải mang ơn họ. Còn tại làm sao anh bỏ xứ Bạc Liêu, đâu anh nói cho em nghe thử; hai năm nay anh làm việc gì, anh làm sao mà có cái tiệm như vầy đây?

Duy Linh nói dối rằng tại nhân vật ở Bạc Liêu kẻ ỷ tiền, người ỷ thế, họ hiếp đáp anh ta, nên thất chí mới bỏ xứ lạ làm ăn. Anh ta thuật việc lên Sài Gòn ban đầu làm phụ bút nhựt báo rồi mới mua tiệm hớt tóc. Anh ta thuật đủ hết, duy có sự cô Ba Kiềm quyến luyến trao thơ ghẹo chọc thì anh giấu biệt không chịu nói ra, không phải anh ta không thật tình, ấy là tại anh ta nghĩ một là không nên thuật việc trăng gió cho một người con gái tử tế nghe, hai là muốn giữ danh tiết cho cô Ba Kiềm trọn vẹn, nên anh ta không nỡ nói.

Nói chuyện với nhau đến gần 11 giờ mà không hay. Duy Linh thấy thằng Cử lên mời ăn cơm liền đứng dậy, ngó Phi Phụng, cô cũng liền đứng dậy, không nghe mời thỉnh chi hết rồi hai người cùng nhau đi xuống một lượt.

Lúc ngồi ăn cơm, mặt Phi Phụng không còn sắc buồn nữa, Duy Linh nói nói cười cười coi bộ thiệt là vui vẻ song nếu dòm cặp mắt cho kỹ thì biết trí anh ta lo nhiều. Thình lình Phi Phụng vụt nói:

–          Nếu bây giờ em được ở với anh thì chắc em hết buồn nữa.

Duy Linh biến sắc, lật đật bưng chén xuống và nhìn ra cửa và hỏi:

–          Vậy chớ bây giờ em tính đi đâu?

–          Trên nầy em chỉ quen với một nhà ông Phán Kim, chớ có quen nhà nào nữa đâu, vậy em phải trở về đó mà ở đậu. Bà Phán ý coi không thương em cho lắm, song bây giờ chớ chi anh có vợ rồi thì em ở đây với anh tiện quá.

Duy Linh buồn bực hết sức, muốn nói với Phi Phụng nếu bà Phán Kim không vui thì để anh ta dắt vô Cầu Kho mà gởi cho vợ chồng Phước Đằng, song anh ta liền nhớ vợ chồng Phước Đằng là người trọng bạc tiền chớ không trọng người phải, nếu Phi Phụng vào nhà ấy cũng chắc không khỏi cực trí nhọc lòng. Đã vậy mới hôm qua thím đã giận mình về chuyện cô Ba Kiềm, nếu dắt Phi Phụng ra sợ thím không rõ căn do, thím nghi ngờ xiên xẹo thì lại càng nhục danh tiết của Phi Phụng nữa. Anh ta nghĩ như vậy nên không nói việc đó, lại nói rằng:

–          Dầu bà Phán có khó cho mấy đi nữa em cũng phải rán ẩn nhẩn mà ở đỡ rồi sau về sẽ tính, chớ biết là sao bây giờ.

Phi Phụng ở chơi cho đến bốn giờ chiều mới sửa soạn về nhà ông Phán Kim. Khi cô lại xách giỏ thì Duy Linh thò tay vào túi lấy một tấm giấy bạc hai chục đồng và nói:

–          Em lấy vài chục đồng bạc đây bỏ túi mà xài

Phi Phụng cười mà đáp rằng:

–          Cám ơn anh, anh cất đi; em có xài việc gì đâu. Em còn năm chục đồng bạc ở trong túi đây.

Phi Phụng vừa bước lên xe kéo thì Duy Linh chạy lại, tay vịn vè xe, mắt ngó Phi Phụng nói rằng:

–          Em bây giờ chẳng còn ai bà con thân quyến hết. Anh đây tuy chẳng phải ruột thịt; song từ nhỏ chí lớn gần gũi nhau, nên anh thương yêu em chẳng khác nào tình huyết mạch. Em là phận gái ở đất Sài Gòn nầy thiên hạ yêu ma lắm vậy anh dặn em hễ có việc chi cưc lòng nhọc trí thì cứ đến đây nói cho anh hay, anh sẽ hết lòng giúp đỡ, chớ đừng ái ngại chi hết. Em muốn làm việc chi cũng phải nói cho anh hay đặng anh chỉ bảo cho; còn như em hết tiền tiêu xài thì cứ ra đây lấy, anh tuy không giàu, song có lẽ cũng nuôi em được.

Duy Linh dặn rồi liền bước dang ra. Phi Phụng cúi đầu từ giả và biểu xe chạy lên đường Bắc Hà ngồi ngó ngay trước mặt, miệng chúm chím cười mặt mày hớn hở coi bộ không lo rầu chi hết.

Phi Phụng vừa ngừng xe thấy bà Phán đứng trước cửa, tay chống nạnh, tay trái xĩa thuốc và hỏi:

–          Đi đâu mà từ hồi sớm mai cho tới bây giờ mới về tới đây.

–          Dạ, thưa cháu ghé thăm người anh cháu ở ngoài chợ.

–          Thằng ở tiệm hớt tóc đó phải hông?

–          Thưa, phải. Ảnh là chủ tiệm, chớ không phải ảnh ở với tiệm hớt tóc. Ai nói với bác mà bác biết cháu quen với tiệm ấy.

–          Hồi sớm mai bà đốc phủ sai trẻ mời tao vô bà nói hết công chuyện cho tao nghe tao mới hay, chớ không thì tao đâu có biết đâu mà nói.

Phi Phụng xách giỏ vào nhà cất rồi nói với bà Phán rằng:

–          Thưa bác, tuy cháu bây giờ nghèo nàn phải xuất thân đi làm thuê làm mướn, song cha mẹ cháu vốn là nhà lễ nghĩa, mà cháu cũng có ăn học chút đỉnh, lẽ nào cháu không biết tìm đường phải mà đi, thấy nẻo quấy mà tránh. Bà đốc phủ tưởng con nhà giàu sang như con bả đó mới nên, còn con nhà nghèo hèn thân phận như cháu đây đều hư hết thảy, nên bà nói lời nhục nhã cháu quá, cháu không chịu nỗi. Vậy cháu xin bác cho cháu ở đậu ít ngày, đặng cháu kiếm chỗ khác cháu may mướn hoặc dạy học, chớ ở với bà thật cháu không thể nào ở được nữa.

–          Mày muốn ở nữa hay là muốn thôi thì tự ý mầy chớ tao ép làm sao được. Song bà lớn nói chuyện mầy nhiều lắm, phần đi đem mầy đi ở tao nói mầy là cháu tao, nên bà lớn nói đó cũng như lời mắng vốn, làm tao ngồi nhột nhạt hết sức.

–          Thưa bác, bà lớn nói cháu có tư tình với anh chủ tiệm hớt tóc đó phải không?

–          Ừ.

–          Thiệt tánh bà lớn khó quá! Hồi sớm mai cháu giận, cháu có nói nhiều lời nặng nề không biết bả có giận cháu hay không?

–          Bà lớn giận mầy lắm, cô ba cũng vậy, trừ ra cô hai và quan lớn không nói tiếng gì hết.

Hai người nói chuyện tới đó kế ông Phán về.

Phi Phụng lật đật đi coi dọn cơm ăn. Tối lại hai vợ chồng ông Phán kêu Phi Phụng lại hỏi cho rõ coi bà đốc phủ lấy cớ gì mà rầy, và hỏi Duy Linh là bà con gần hay xa. Phi Phụng đem hết chuyện dắt hai cô đi chợ gặp Duy Linh rồi về sáng nay bà đốc phủ rầy làm sao, đều thuật rõ ràng cho hai vợ chồng ông Phán nghe. Cô cũng thuật căn cước của Duy Linh tuy không phải bà con, song từ nhỏ đã gần nhau nên thân như anh em ruột. Vợ chồng ông Phán nghe rõ đầu đuôi, biết Phi Phụng không có bụng xiêu xẹo, nên không rầy la chi hết.

Phi Phụng thuật chuyện vừa mới dứt thì thấy ông còm-mi Đảnh mặc đồ mát, miệng ngậm thuốc ở ngoài bước vào, cô lật đật đứng dậy cúi đầu chào và quầy quả bỏ đi ra nhà sau.

 Ông còm-mi đứng ngó cô trân trân, chừng cô vào khuất rồi mới hỏi nhỏ ông Phán:

–          Cô nào đó?

–          Con cháu tôi.

–          Cháu kêu bằng chú hay bằng bác, dượng hay cậu?

–          Không, nó là con người anh em bạn của tôi.

–          A há!….Cổ ở đâu mà tôi coi giống cô đi coi hát với bà đốc phủ hôm trước dữ vậy?

Bà Phán cười đáp rằng:

–          Nó chớ ai!

–          Úy! Vậy hay sao? Té ra cô nầy dạy hai con bà đốc phủ học đó sao?

–          Phải.

–          Cổ quen với ông bà sao từ hôm đó tới nay ông bà không nói cho tôi biết.

–          Tôi nói nhắm ông không được ích gì.

–          Có ích lắm, chớ sao bà lại nói vậy! Bữa nay cô ra ngoài nầy làm chi đây?

–          Nó gây với bà Ðốc phủ, không chịu ở dạy học nữa, nên nó mới về đó.

–          Cha chả! May dữ hôn!

Còm-mi Đảnh cười ngất rồi tiếp:

–          Tôi nói may cho ông bà chớ chưa dám nói may cho tôi. Hai ông bà không có con nên buồn, nay có cô về đây, ra vào hủ hỷ, làm cho ông bà vui, vậy là may chớ sao.

–          Ông khéo nói đùa.

–          Không, thưa tôi nói thiệt chớ. Mà cô nầy cha mẹ còn hay không, nhà cửa ở đâu, anh em mấy người, xin bà nói cho tôi nghe thử coi.

–          Ôi! Ông hỏi căn cước người ta làm chi?

–          Không, tôi hỏi cho biết vậy thôi, chớ có ý gì đâu.

Ông còm-mi không hỏi thăm việc Phi Phụng nữa, day qua nói chuyện chơi với ông Phán tới 11 giờ khuya mới chịu về. Từ ấy về sau mỗi đêm ổng đều qua nhà ông Phán Kim chơi luôn luôn, bữa thì mua bánh mì trái đãi, bữa lại mời đi coi hát. Bữa nào mời đi coi hát, ông cũng cậy bà Phán Kim mời luôn Phi Phụng, nhưng Phi Phụng tánh nết dè dặt, hễ có ông còm-mi thì chẳng bước ra nhà ngoài, mà lần nào mời đi coi hát cô cũng từ, khi thì giả nhức đầu, khi thì vờ đau bụng.

Tuy bữa đầu bà Phán không chịu dẫn lai lịch của Phi Phụng cho ông còm-mi Đảnh biết, song lần lần chắc tại bà thấy ông còm-mi đảnh ăn xài rộng rãi, bằng không thì cũng tại bà vô ý, nên vui miệng bà đem hết lai lịch của cô khai với người không sót một mảy.

Ban đầu ông còm-mi nghe nói con ông Huyện Hàm Tú Phan dưới Bạc Liêu, giàu mỗi năm góp đến 50 ngàn giạ lúa thì ông chưng hửng nên hỏi thăm hoài. Chừng ông nghe nói cha mẹ cô chết hết, gia tài của cô bị người anh cả kiện lấy hết thì ông suy nghĩ nói rằng:

–          Phải rồi! Hổm nay tôi nghi nhằm lắm! Có như vậy cô ta mới thân ra vậy, chớ có lẽ nào con nhà nghèo đi ở mướn mà tướng mạo đoan trang đứng ngồi yểu điệu đến thế. Người như vậy mà bị hoạn nạn nghĩ thiệt uổng quá, bà Phán hả?

Bà Phán ý muốn nói làm cho trọng thân danh của Phi Phụng nên bà đáp:

–          Tại tánh nó cứng cỏi, không chịu quật hạ anh nó, nên nó cực khổ chớ nếu nó chịu trở về với anh nó thì nó lên xe xuống ngựa kẻ bẩm người thưa, sung sướng biết chừng nào.

Có bữa ông còm-mi qua chơi, ông giả đi tiểu tiện đặng đi thẳng ra nhà sau cho thấy mặt Phi Phụng, Phi Phụng hễ thấy ông vào trong thì đứng dậy chào hỏi như thường, mà chào rồi cô cứ ngồi may, hoặc đứng nấu, chớ không thấy trai lật đật trốn tránh như gái khác. Ông còm-mi thấy vậy càng ưa đi vào nhà sau lắm.

Ông Phán Kim tuy không nói ra, song ông thường để ý coi chừng cử chỉ của ông còm-mi Đảnh. Ông thấy ông còm-mi không rời nhà ông, hay quyến luyến bà Phán, mà lại hay đi ra nhà sau hoài thì ông có bụng lo, nên đêm nọ ông dặn vợ:

–          Anh Huyện Hàm hồi trước tuy không có bà con với mình, song anh em biết với nhau lâu, nên thương nhau cũng như anh em ruột. Nay con ảnh tới ở với mình, nó còn khờ dại, vậy mình phải coi chừng coi đỗi không nên để làm việc quấy, bởi vì nó ở trong nhà mình, nếu nó hư thì mình cũng không tốt gì. Hỗm nay tôi coi ổng còm-mi quyến luyến nhà mình lắm. Vậy mình phải giữ cho kỹ lưởng. Nếu ổng có muốn con Phi Phụng thì ổng phải thưa với cha mẹ ổng hay rồi cậy mai nói mà cưới, bằng không thì thôi. Ổng nói mấy đi nữa cũng đừng nghe lời mà dụ dổ con nọ, không nên đâu.

Bà Phán đáp:

–          Ông tưởng tôi dại lắm hay sao mà ông phải dặn? Ông để đó mặc tôi. Tôi coi ý ông còm-mi ổng mê Phi Phụng lắm. Ổng có chức phận lại nhà giàu; nếu con Phi Phụng đụng ổng thì nó có phước biết chừng nào. Vậy tôi lập thế đặng cho ổng cưới nó đặng cho nó có chỗ nương dựa sung sướng tấm thân. Hôm trước ổng chưa biết lai lịch của nó, ổng thấy nó đi coi hát với hai đứa con bà đốc phủ mà ổng đã đành rồi; tôi nói nó là đứa ở dạy thêu chớ không phải là con quan đốc phủ, ổng cũng chịu cưới nữa, nói rằng ổng là con nhà giàu, không cần cưới con nhà giàu làm chi. Nay ổng biết rõ tông tích nó rồi, mà ổng lại còn quyến luyến nó hơn trước nữa, thế thì tôi làm mai dễ như chơi, ông đừng có lo.

Ông còm-mi Đảnh thiệt nói như vậy mà chẳng hiểu vì cớ gì từ ngày Phi Phụng trở về nhà bà Phán, ổng quyến luyến cà rà qua chơi hoài, song không nghe ổng nói tới chuyện cưới hỏi nữa.

Bữa nọ ông Phán có chuyện nên ăn cơm chiều rồi thay áo đổi quần di Chợ Lớn. Ông com-mi Đảnh qua chơi, nghe nói ông Phán đi khỏi mà ông không trở về, lại kéo ghế ngồi nói chuyện với bà Phán. Ban đầu ông nói tới chuyện Phi Phụng. Ông thấy bà Phán vui vẽ nên ông tỏ thiệt:

–         Chẳng biết tôi với cô hai đây có duyên gì hay không sao tôi thấy cô thì trong lòng tôi ái mộ vô cùng; đêm nào tôi cũng nằm mơ tưởng cô ngủ không được, hễ vô tới sở làm thì mong mãn giờ về cho mau hễ có về nhà thì mong qua đây đặng thấy mặt cổ. Bữa nào tôi không thấy thì trong lòng buồn lắm; nếu tôi được gần gũi với cô thì tôi không còn mơ ước chi nữa. Cái sầu tương tư của tôi đây tưởng có một mình bà gỡ được thôi. Vậy xin bà làm ơn tỏ giùm lại cho cô hai hay nếu tôi với cô hai mà được gần nhau thì ân đức của bà dầu ngàn năm tôi cũng còn tạc dạ.

Bà Phán để cho ông nói hết rồi mới đáp:

–         Tôi đã có nói cho ông biết, con cháu tôi đây nó hồi trước là con nhà giàu sang, lại tánh nó cứng cỏi không chịu quật hạ anh nó nên mới linh đinh cực khổ. Ông là người học hay, chức quý, giàu nhiều, nếu ông có lòng thương tưởng nó thì có lẽ nào nó dám phụ lòng ông. Vậy nếu ông muốn gần nó thì có khó gì. Ông viết thơ về thưa cho thầy Cai với cô Cai ở dưới nhà hay rồi cậy mai nói tới. Nếu nó dục dặc thì tôi nói giúp cho; người như ông không lẽ nó không ưng mà ông ngại.

Ông còm-mi suy nghĩ rồi thở dài:

–          Tôi cũng có nghĩ tới việc đó rồi, sáng mai tôi sẽ viết thơ về nhà. Nhưng tôi sợ, thầy tôi thì mắc bận việc quan còn má tôi thì ít hay đi đâu lắm, nên chắc là có lên được cũng một hai tháng chớ không mau. Tôi đã thệ tâm thế nào tôi cũng kết nghĩa trăm năm với cô, dầu ai có sắc đẹp hay là giàu có đi chăng nữa tôi cũng không màng. Nếu cô phụ tình tôi thì tôi nguyện ở vậy trọn đời không thèm cưới vợ nào hết. Xin bà làm ơn trao lời lại cho cô hay.

Bà Phán nghe mấy lời đinh chắc như vậy, chắc ông còm-mi thiệt tình với Phi Phụng, nên bà mừng thầm. Qua ngày sau ông Phán đi hầu rồi, bà mới to nhỏ thuật những lời của ông còm-mi lại cho Phi Phụng nghe, Phi Phụng lóng tai nghe bà nói dứt rồi mới đáp:

–          Thân cháu hèn hạ nhờ có bác thương nên mới có cơm ăn chỗ ngủ. Ông còm-mi Đảnh là người sang trọng, nếu ổng có lòng thương yêu cháu thì cháu đội ơn ổng vô cùng. Nhưng mà cháu bị hoạn nạn dồn dập mấy năm nay làm cho lòng cháu đã lạnh tanh, tình cháu đã khô héo, nên cháu còn tính lấy chồng làm chi. Xin bác tỏ với ông còm-mi rằng ổng thương cháu thì cháu đội ơn, song ổng tính việc trăm năm sợ cháu không làm vừa ý cho ổng được.

Bà Phán không rõ tình riêng của Phi Phụng, nghe nói như vậy lấy làm kỳ nên hỏi:

–          Cha chả! Ông com-mi như vậy cháu còn chê hay sao?

–          Thưa bác, thân cháu như vầy đâu dám chê ổng.

–          Vậy chớ sao cháu lại nói như vậy?

–          Tại bụng cháu không muốn lấy chồng.

–          Hay là cháu đã hứa hôn với nơi nào rồi hay sao?

–          Thưa, không.

Bà Phán ngó Phi Phụng trân trân rồi nói:

–          Ổng nói viết thơ về nhà đặng xin cha mẹ lên coi cháu rồi cậy mai nói cưới. Ổng thương cháu ổng tính như vậy thiệt tốt biết chừng nào. Vậy cháu đừng có làm mích lòng ổng.

Phi Phụng không trả lời nữa. Bà Phán tưởng như vậy là cô đã chịu rồi, song lại mắc cở nên làm bộ dục dặc. Từ khi cô nghe việc ấy rồi trong lòng lo lắng nên biếng nói biếng cười.

Bữa sau bà Phán lại xúi cô dầu có ông còm-mi qua chơi vào cũng như ra thường đừng có đừng có nhút nhát ké né làm chi hết. Nghe lời dặn thì cô ta dạ cầm chừng, song cô giữ thói thường, hễ có ông com-mi thì cô ở trong không chịu ra.

Ông còm-mi lại tỏ việc ông tính đó cho ông Phán nghe nữa. Thấy ý ông Phán cũng vui, ông mới xông pha vô nhà sau như thường thường, rồi lại kiếm chuyện để nói với Phi Phụng, khi thì ông cậy làm khăn cho ông bỏ túi, khi thì ông cậy may áo mát cho ông bận trong nhà. Ông nói với cô thì miệng chúm chím cười, lời ngọt dịu như đường, mắt liếc đưa tình; mà ông thân cận bao nhiêu, cô cũng dè dặt nghiêm nghị bấy nhiêu nên ông không dám lả lơi, không dám tỏ một lời nào thất lễ, cùng là khiếm nhã.

Một bữa chúa nhựt Phi Phụng thưa với vợ chồng ông Phán đặng đi chợ thăm Duy Linh. Bà Phán ý không vui, bà không muốn cho đi nhưng tại ông cho nên bà không cản được.

Duy Linh thấy Phi Phụng bước vào tiệm thì mừng rỡ vô cùng hỏi thăm lăng xăng không dứt. Anh ta dòm coi ý cô không vui, hỏi đâu thì cô trả lời đó chớ ý cô không muốn nói chuyện; anh ta nghĩ cô có việc chi uất ức nên hỏi rằng:

–          Em có việc chi cực lòng lắm hay sao?

Cô đáp:

–          Em có một việc muốn nói cho anh nghe, mà sợ làm rộn cho anh nên em không muốn nói.

Duy Linh cười rồi mời cô lên lầu, có ý muốn lựa chỗ thanh vắng đặng nghe cô nói chuyện gì. Phi Phụng bèn đem hết chuyện ông còm-mi Đảnh thuật lại cho Duy Linh nghe rồi hỏi Duy Linh ví như ông còm-mi Đảnh mời cha mẹ lên cậy mai mà cưới, vậy nên cô có ưng chỗ đó hay không.

Cô thuật chuyện như vậy làm bộ mặt tỉnh táo, không mắc cở, không vui cười, nhưng giọng nói nghe hơi buồn thảm. Duy Linh ngồi chăm chỉ nghe, măt ngó cô trân trân không nháy. Chừng cô nói dứt rồi, anh ta chống tay lên trán suy nghĩ một hồi lâu rồi nói:

–          Việc vợ chồng là việc quan hệ, anh tưởng em cũng nên suy xét cho kỹ rồi định liệu lấy, chớ anh không biết làm sao mà khuyên em. Theo lời em nói đó thì thiệt là ông còm-mi nầy là người xứng đáng lắm; dầu cho ngày trước em đương giàu sang em ưng ổng cũng được, chẳng luận ngày nay gia tài tán tận, thân phận linh đinh, nếu em còn chê ổng thì sợ không còn chỗ nào hơn ổng mà em đợi. Tuy vậy, anh nghĩ mà con gái lấy chồng không phải gặp chỗ giàu mà gọi rằng có phước được, bởi vì nếu họ giàu sang mà họ khinh thị mình, hoặc họ cưới mình mà trong ý họ làm ơn cho mình, hoặc họ tính làm cho phỉ cái lòng dục của họ trong một lúc thôi, chớ không phải họ vì tình sâu nghĩa trọng, không phải họ mến nết tốt đức dầy, đường ấy nếu mình ưng họ thì một là mình bị giảm phẩm giá hai là mình bị hư danh tiết.

Duy Linh nói tới đó, dường như ăn năn mấy lời khuyên của mình, nên nín một hồi rồi mới nói tiếp:

–          Anh muốn chỉ đường ngay cho em đi, nhưng nói cho ngay, thì ý anh muốn cản, không cho em ưng ông còm-mi. Anh chưa biết mặt ổng, chưa nói chuyện với ổng lần nào, nên có biết ý ổng là như thế nào mà dám khuyên hay là dám cản. Vậy mà hôm nay em coi ý ổng quyết chuyện trăm năm hay là ổng nói ngoài miệng như vậy còn trong lòng ổng tính chơi qua đường?

Phi Phụng ngồi chăm chỉ nghe Duy Linh nói, chừng nghe hỏi như vậy cô mới thở dài:

–          Em làm sao mà biết bụng ổng được; mà bây giờ em cũng chẳng cần biết làm chi. Mấy lời anh nói đó phải lắm. Ổng mà tính kết nghĩa với em một là ổng ái truất phận em, hai là ổng tính vui chơi một lúc đặng giải buồn. Ổng mới biết em, dầu ổng có nghe rõ việc nhà của em đi nữa, ổng cũng chưa rõ sự đau đớn của em, thế thì có lẽ nào mà ổng ái truất đến nỗi cưới em làm vợ đặng cứu thân em. Chắc là ổng muốn giải buồn. Mà dầu ổng có lòng ái truất hay là có ý giải buồn em cũng không ưng ổng được, bởi vì đạo vợ chồng phải có tình với nhau thì ở mới đời được; em đối với ổng không có tình chi hết, mà không phải một ổng mà thôi, dầu người khác cũng vậy thì em làm sao lấy chồng.

Phi Phụng nói tới đó thì mặt buồn xo nên không nói nữa. Duy Linh ngó Phi Phụng, thấy vậy cũng thương tâm nên ứa nước mắt, Phi Phụng nói nho nhỏ:

–          Cái kiếp của em là cái kiếp sống thừa, còn vui vẻ chi, còn tình tự chi, mà tính lấy chồng.

Duy Linh biết Phi Phụng còn thương tưởng tú tài Thủ Hiệp lắm, nên lắc đầu thở dài, rồi chống tay lên trán ngồi lặng thinh. Cách một hồi anh ta mới nói:

–          Thân em như cái hoa vừa mới nở, nếu em thất chí chán đời, không chịu lấy chồng, để khi hoa gần tàn rồi chừng ấy ăn năn cũng đã muộn. Ở đời ai phải thì mình gần, ai quấy thì mình tránh, người quấy họ đã tránh em trước lẽ thì em mừng chớ sao em lại tiếc?

Phi Phụng ngước mắt ngó Duy Linh đáp:

–          Thuở nay anh chưa có tình với ai nên anh nói như vậy, chớ nếu anh đã nhóm lửa tình trong lòng rồi, cái ánh sáng chói lóa con mắt anh, chắc anh cũng chẳng còn biết đâu là phải đâu là quấy.

Duy Linh nghe Phi Phụng nói mình chưa có tình với ai thì lấy làm đau đớn vô cùng, song đau rồi lại giận, nên gượng gạo nói:

–          Sao em biết anh chưa có tình với ai? Sao em dám chắc anh chưa hiểu lửa tình là gì? Mà dầu anh không có nhóm lửa tình trong lòng ấy cũng là một sự may cho em, bởi nếu vậy con mắt của anh khỏi lòa, anh mới thấy kẻ quấy người phải mà chỉ giùm cho em được.

Phi Phụng lặng thinh một hồi rồi đi ra đứng dựa cửa sồ ngó xuống đường. Duy Linh cứ ngồi chống tay lên trán, mặt coi buồn thảm lắm. Cách một hồi day lại thấy anh ta như vậy thì thì động lòng nên nói:

–          Việc bậy bạ của em nói làm chi cho anh nghe cực lòng anh, em nghĩ thiệt ăn năn quá.

Duy Linh đáp rằng:

–          Việc như vậy mà em cho là bậy bạ chớ việc gì nữa mới trọng. Em tin anh, nên em mới tỏ thiệt việc riêng của em cho anh biết rồi hỏi ý kiến anh, anh nghĩ anh rất cảm kích. Nếu anh không tỏ hết ý anh cho em hiểu, té ra anh phụ tình em. Vậy trong việc nầy, theo ý anh nếu ông còm-mi quyết kết nghĩa trăm năm với em, cậy mai mối nói cưới cho rõ ràng thì em cũng nên ưng, chớ đừng có câu chấp việc cũ để cho hoài việc mới không nên. Song nếu ông dụng tình không ngay thẳng, muốn làm việc qua đường chớ không phải quyết kết nghỉa trăm năm thì em phải dè dặt, dầu nát thân cũng đừng để phạm tiết. Còn sự Thủ Hiệp nó thấy em hết gia tài nó phụ em mà đi cưới vợ khác, đứa như vậy là tiểu nhân, em chẳng nên để ý nữa làm chi“.

Phi Phụng cười đáp: ”Ôi! Thôi, bỏ chuyện đó đi! Xuống dưới nầy coi anh buôn bán vật gì đây. Anh dẹp mấy cái bàn hớt tóc rồi để tủ đựng hàng, bây giờ cái tiệm xem ra hực hỡ quá“.

Duy Linh lắc đầu rồi theo Phi Phụng xuống lầu, Phi Phụng đi một vòng xem hàng đựng mấy tủ kiếng hết thảy rồi mới từ Duy Linh ra về.

Cử chỉ của ông còm-mi Đảnh một ngày một kỳ; ông cứ nói với ông Phán bà Phán rằng ông gởi thơ về cho cha mẹ ông đã bằng lòng, lại nói sẽ lên đặng cậy mai nói cưới Phi Phụng, song đã lâu không thấy cha mẹ lên; mà ông cứ theo quyến luyến Phi Phụng hoài, lần lần coi ông lả lơi nói nhiều lời trêu hoa ghẹo nguyệt làm cho Phi Phụng hổ mặt thẹn lòng, muốn tránh ông nên phải kiếm tiệm may xin ở may mướn; đặng khỏi nghe tiếng và khỏi gặp mặt ông nữa. Ông hay việc ấy thì ăn năn, năn nỉ với bà Phán xin cản đừng cho Phi Phụng đi may. Phi Phụng lấy lời êm ái mà nói với bà Phán rồi cứ đi may, không vâng lời, làm cho bà Phán giận nên đuổi không cho ở nhà bà nữa.

Phi Phụng dằn lòng lấy áo quần ra ở luôn ngoài tiệm may. Ông còm-mi bữa chiều nào cũng ghé tiệm, khi thì đặt may áo quần mát, khi thì kiếm chuyện hỏi thăm. Phi Phụng cứ giữ mực đoan chánh, ông cười cô cũng không động dung, ông cợt cô cũng không nhếnh mép. Cách ít ngày ông ghé mà nói rằng ông mới được dây thép đổi xuống Rạch Giá và xin cô đi theo ông xuống đó rồi sẽ liệu thế giúp cô làm ăn. Phi Phụng nghe mấy lời tức cười nín không đặng nên ngó ngay ông, miệng chúm chím cười: „Vậy chớ ở Sài Gòn không ai chịu làm mai hay sao, nên bây giờ ông rủ đi xuống Rạch Giá đặng ông cậy người ở dưới?”

Ông còm-mi Đảnh mắc cở gục mặt, song gượng nói dã lã ít lời rồi từ giả đi mất.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.