Nhơn tình ấm lạnh
Chương 13
Ông còm-mi Đảnh rời khỏi Sài Gòn rồi, Phi Phụng mới hết buồn lòng cực trí nữa. Cô ở tiệm may chật hẹp, tới khi cô nhớ tới nhà bà Phán, thì tiếc thầm, chớ chi bà Phán không giận, ban ngày để mình đi may, ban đêm cho về nhà bà mà ngủ thì mình thong thả vô cùng. Tuy vậy mà cô chủ tiệm tử tế, lại mấy chị thợ may vui vẻ, nên cô bớt buồn, cứ lo làm việc bổn phận, không than phịền mà cũng không dám biếng nhác.
Bữa chiều nọ ăn cơm rồi Phi Phụng lại tiệm thăm Duy Linh. Cô thuật lại chuyện cô muốn tránh ông còm-mi nên đi may mướn, bà Phán giận đuổi cô, rồi ông còm-mi lộ chân tình môi miếng đặng vui chơi một lúc chớ không phải tính việc lâu dài, thì Duy Linh chưng hửng, không dè bọn nam nhi trừ Thủ Hiệp ra rồi mà cũng còn có người giả dối đến thế. Duy Linh hỏi tiệm may vậy có yên ổn hay không, thì cô khen chủ tiệm, khen thợ may, coi bộ vừa lòng, nên anh ta bớt lo.
Phi Phụng chơi một lát rồi từ giả về tiệm may. Duy Linh ý muốn Phi Phụng ở lại mà nói chuyện, song không dám cầm, nên đưa ra cửa mặt mày buồn xo. Anh ta cũng căn dặn Phi Phụng nếu có việc chi bối rối thì cứ lại tiệm cho anh ta hay, đừng ái ngại chi hết.
Phi Phụng về rồi Duy Linh còn đứng trước cửa tiệm, trong lòng bâng khuâng khoan khoái. Anh vừa muốn xây lưng đi vô, thì thấy một cái xe hơi rất đẹp ở đường Viénot chạy lại rồi ngừng ngay nhà hàng kế tiệm anh ta đó. Có một người trai da trắng, mặt tròn, mép có râu lún phún, mình mặc đồ tích so[1], có thắt cà vạt tím, chân đi giày da vàng, đầu đội nón nỉ xám, mở cửa bước xuống rồi đi thẳng vào nhà hàng. Duy Linh ngó trên xe lại thấy cô Ba Kiềm ngồi đó, mình mặc áo dài nhung màu hột xay, đầu choàng khăn lụa màu trứng gà.
Duy Linh sực nhớ hôm nọ cô Hai Thanh nói cô Ba Kiềm có chồng tên là Tú Cẩm, vốn là anh của Phi Phụng, nên đứng nán lại coi cho kỹ thử coi Tú Cẩm người ra thế nào, song không muốn cho cô Ba Kiềm biết mình, nên day lưng giả bộ không thấy cô.
Cách chẳng bao lâu người trai ấy ở trong nhà hàng trở ra leo lên xe và mở máy chạy. Duy Linh ngó chăm chỉ vào xe và thấy cô Ba Kiềm ngó mình miệng chúm chím cười, coi bộ kiêu căng, dường như muốn tỏ ý rằng bây giờ cô có chồng giàu có, xinh đẹp hơn mình thập bội. Chẳng hiểu Duy Linh thấy vậy hổ thẹn hay là tức giận, mà anh ta quay quả trở vào tiệm, sắc mặt coi không vui.
Duy Linh có ý trông Phi Phụng lại chơi đặng nghe mình thuật lại chuyện gặp Tú Cẩm cho cô nghe, song hai ba tuần cũng không thấy cô lại. Anh ta sợ Phi Phụng có bịnh hoạn nên đi không được, nên ý muốn lại tiệm may thăm cô; mà anh ta nghĩ mình là trai chưa vợ, nếu đi thăm kiếm cô trong tiệm chắc không khỏi họ nghi, nên dục dăc không đi.
Phi Phụng cũng muốn lại thăm Duy Linh mỗi ngày đặng nói chuyện chơi cho giải khuây, nhưng cũng vì hiềm nghi nên không dám đến thường, tính mỗi tháng đi thăm một lần thôi.
Cô may mướn được vài tháng, bữa nọ bà Phán Kim thình lình đến tiệm may thấy cô thì mừng rở, hỏi thăm lăng xăng, hỏi sao cô không trở lên nhà chơi, hỏi cô ăn ngủ trong tiệm có tiện không, rồi biểu cô đem đồ trở về nhà mà ở, ban ngày đi may tối về nhà mà nghỉ. Bà Phán ân cần quá, mà chủ tiệm muốn cho Phi Phụng ở riêng cho bớt chật, nên cũng theo an ủi, Phi Phụng cầm lòng không đậu, nên chiều bữa đó xách giỏ quần áo trở về nhà bà Phán.
Xe vừa ngừng trước cửa, cô liếc dòm vô căn phố của ông còm-mi Đảnh ở hôm trước thì thấy đồ đạc dọn khác hết, lại có một người đàn bà độ chừng bốn mươi tuổi đương đứng cửa ngó ra. Cô biết thiệt ông còm-mi đã đổi đi Rạch Giá rồi trong bụng mừng thầm. Chừng vô nhà cô làm bộ như không biết sự ấy, mới hỏi bà Phán coi ông còm-mi dọn nhà đi đâu, còn ai dọn về nhà đó lạ hoắc cô không biết. Ông bà Phán liền nói rằng:
– Ôi! Cháu hỏi thăm làm chi thằng cha đó nữa. Đổi đi Rạch Giá mấy tháng nay, không gởi được một bức thơ về thăm vợ chồng bác. Hôm trước cứ theo chọc ghẹo cháu hoài, lại năn nỉ bác cậy làm mai cột mối dùm. Phải mà bác nghe lời, bây giờ mà nó bỏ cháu thì bác mang tội biết chừng nào.
Phi Phụng nghe mấy lời trong bụng cười thì thầm, cười là cười bà Phán không hiểu ý mình, mà cũng cười bà dời đổi không chừng, khi ưa thì khen dồi, khi ghét thì khai tệ.
Sớm mai thức dậy Phi Phụng đi may, đến chiều mới về nhà bà Phán mà ngủ. Cô ở được ba bữa rồi; đêm nọ cô ngồi nói chuyện với vợ chồng bà Phán bỗng nghe xe hơi ngừng ngay trước cửa; cô ngó ra thì thấy một người xâm xâm bước vô nhà. Cô chẳng biết là ai, nên ngó chăm chỉ. Chừng người ấy bước vào cửa, cô nhìn rõ thì biết là Tú Cẩm, cô chưng hửng muốn bỏ đi vào nhà mà lánh mặt, ngặt Tú Cẩm thấy cô vùng nói lớn rằng:
– Úy em! Cha chả! Em đi đâu gần một năm nay, làm cho anh kiếm hết sức vậy em? Cha mẹ giàu có, để rụộng đất bạc tiền lại không biết bao nhiêu cho hết, có hai anh em mà không thương anh em bỏ đi đâu cực khổ đến nỗi nầy?
Tú Cẩm vừa nói vừa lấy khăn lau nước mắt, Phi Phụng không biết nói làm sao được, nên ngồi trơ trơ, không tính lánh mặt nữa, mà cũng không trả lời. Tú Cẩm cứ theo năn nỉ với Phi Phụng, khuyên hãy về nhà mà ở, chẳng nên đi may thêu dạy mướn thiên hạ chê cười. Anh ta nói rằng từ ngày Phi Phụng gạt anh ta ở dưới Cái Cùng anh ta về nhà không thấy cô thì buồn rầu không chịu được, nên ở vài tháng rồi về Chợ Lớn mướn nhà mà không ở Bạc Liêu nữa. Tuy vậy mỗi tháng anh ta đều có về thăm nhà một lần, và tới mùa gặt thì xuống góp lúa. Anh ta kể hết các việc rồi nói rằng:
– Anh nghĩ em lên Sài Gòn chớ không đi đâu xa, bởi vậy từ ngày anh về Chợ Lớn ở, anh có ý tìm em, nên gặp ai anh cũng hỏi thăm, song hỏi thăm hết sức mà tìm không đặng. Anh đã cưới vợ rồi, anh cưới vợ chỗ đó cũng tử tế. Anh có thuật việc của em cho vợ anh nghe; nó nghe em buồn rầu bỏ nhà ra đi như vậy nó cũng thương nên thường biểu anh phải cố tìm cho được em đem về nhà nuôi. Thằng Thủ Hiệp là thằng khốn kiếp em giận nó làm gì. Thôi, về ở với anh về; rồi thủng thẳng anh lựa chỗ xứng đáng anh gả em lấy chồng. Anh nói thật nếu em kiếm chồng cho em mà không hơn thằng Thủ Hiệp thì em đừng thèm kêu anh bằng anh nữa. Sẵn có xe đây, vậy em sữa soạn rồi xếp áo quần lên xe mà về với anh luôn thể.
Phi Phụng thấy mặt Tú Cẩm thì trong lòng đã không vui, chừng nghe Tú Cẩm khinh bỉ Thủ Hiệp thì cô nổi giận nên trả lời cục ngủn:
– Tôi để gia tài cho anh ăn một mình, anh chưa vừa lòng hay sao mà còn theo chọc ghẹo tôi nữa?
– Em đừng có nói như vậy anh buồn lắm. Tuy anh được án tòa cho phép anh hưởng trọn gia tài, song anh có tính ăn một mình bao giờ đâu? Em nhớ lại coi, mấy năm nay anh cứ theo năn nỉ biểu em về nhà mà ở đặng chung hưởng giàu sang với anh, trước là cha mẹ ở dưới cữu tuyền vui lòng, sau nữa người ngoài khỏi dị nghị; tại em không chịu về nhà, nên mới ra thân cực khổ như vầy, chớ nào phải tại anh ghét bỏ em hay sao? Em đừng có nói vậy không nên. Ông Phán với bà Phán đây là bà con không nói gì, chớ người ngoài họ nghe họ tưởng anh đoạt gia tài rồi xua đuổi em, thì anh mang tiếng xấu với họ còn gì. Thôi, đi về với anh, đừng có giận hờn chi nữa, em muốn vật gì cũng được hết thảy, tiền bạc bao nhiêu em muốn xài thì em xài, quần áo em muốn sắm bao nhiêu thì tùy ý em sắm.
– Tôi không thèm đâu! Thà tôi đi ở đợ đặng ăn tôi cũng vui lòng, chớ về với anh tôi không vui thì sao tôi ở được?
– Sao vậy? Anh có khắc khổ với em hồi nào đâu mà em hờn anh?
Phi Phụng tay cầm hộp quẹt lần gở cái nhản hình con nai, cặp mắt lì lì ngó xuống, không thèm nói chi hết. Cô giận rồi xem gương mặt của cô càng đẹp hơn lúc bình thường nữa. Tú Cẩm thấy vậy lắc đầu, ngó hai vợ chồng ông Phán, cặp mắt buồn thảm, dường như ý muốn cậy vợ chồng ông Phán nói tiếp giùm.
Bà Phán mới nói:
– Cha mẹ chết hết, bây giờ còn có một anh một em, cháu đừng có cố chấp như vậy không nên. Cháu phải nghe lời bác, đi về là hơn, đi về ở với thầy hai đây. Tưởng là thầy ghét bỏ cháu thì cháu giận chớ thầy thương mến cháu quá mà cháu giận không chịu về là nghĩa lý gì.
Ông Phán cũng tiếp mà nói vô nữa; ba người nói hết văn cùng lý, mà Phi Phụng cũng không chịu vâng lời.
Đồng hồ gõ 12 giờ. Tú Cẩm thấy đã khuya rồi, liệu thế nói không được, nên mở bóp phơi lấy hai tờ giấy một trăm để trên bàn nói:
– Anh thương em nên đã nói hết lời mà em không nghe, thiêt anh buồn quá. Khuya rồi, thôi để anh về cho ông Phán nghỉ. Bữa nào rãnh anh sẽ ghé thăm. Bữa nay tình cờ gặp em, nên anh không có bạc sẵn trong mình, vậy em lấy đỡ vài trăm mà xài, rồi bữa nào anh sẽ lấy đem ra nữa cho.
Phi Phụng không chịu lấy bạc; Tú Cẩm bỏ trên bàn rồi từ mà về tuốt. Tú Cẩm về rồi ông Phán lấy bạc đưa cho Phi Phụng. Cô nằng nặc quyết một không thèm thọ của Tú Cẩm đến nỗi ông Phán làm mặt giận rầy cô, túng thế cô mới chịu lấy.
Đêm ấy Phi Phụng nằm lăn lộn hoài không ngủ được chẳng hiểu vì cớ nào, Tú Cẩm biết mình ở tại nhà ông Phán nên đến kiếm.
Thuở nay mình ở đây không nghe vợ chồng ông Phán nói quen Tú Cẩm, mà sao Tú Cẩm bước vô, vợ chồng ông Phán chào hỏi như khách đã quen lâu rồi? Tại sao vợ chồng ông Phán tiếp với Tú Cẩm khuyên mình về, còn hai trăm bạc mình không lấy ông Phán lại làm mặt giận? Phi Phụng nghi vợ chồng ông Phán đã toa rập với Tú Cẩm trước rồi. Mà gặp nhau ở đâu mà toa rập? Ai nói với Tú Cẩm là anh mình cho vợ chồng ông Phán biết? Ai nói mình ở nhà ông Phán cho Tú Cẩm hay?
Phi Phụng suy nghĩ hoài nhưng không tìm ra mối. Số là bà Phán có tính ham mê cờ bạc, cách ít bữa bà vô nhà bà Ban Cách, ở trong Chợ Lớn, đánh bài chơi. Trong lúc đánh bài thình lình có một đứa nhỏ ở trong nhà chạy vô thưa với bà Ban rằng có Hai Vàng đến thăm bà. Bà Phán tình cờ hỏi bà Ban vậy chớ Hai Vàng nào. bà Ban đáp rằng Hai Vàng ở bên Xóm Củi, hồi trước chẳng buôn bán chi hết, chỉ đánh bài bạc thôi, hễ thua thì đến bà vay bạc, nên bà mới quen. Cách vài năm trước anh ta lãnh gia tài rồi trở nên giàu to, không vay bạc nữa, song lâu lâu cũng ghé thăm bà; bây giờ có tiền nhiều rồi lại sanh sứa, cải tên họ lại nên kêu là Huỳnh Tú Cẩm.
Bà Phán vẫn nghe Phi Phụng nói tên ấy, nên vừa nghe bà Ban nói như vậy liền khuyên bà mời Tú Cẩm vào trong dặng cho bà biết mặt. Bà Ban muốn vừa lòng khách, mà cũng muốn cho khỏi rã sòng bài.
Tú Cẩm bước vào thấy bà đương đánh bài thì chào hỏi kéo ghế ngồi dựa bên bà Ban coi đánh. Chừng qua bàn bài rồi bà Phán mới hỏi Tú Cẩm:
– Thầy hai, phải thầy là con ông Huyện Hàm ở dưới Bạc Liêu hay không?
– Thưa phải. Xin lỗi dì, cho tôi biết coi dì ở đâu mà biết tôi.
– Tôi là vợ Phán Kim ở ngoài Sài Gòn. Ông Phán của tôi với ông Huyện ngày trước là đôi bạn thiết. Mấy năm trước ông Huyện hễ đi Sài Gòn thì ở nhà tôi, chớ không chịu ở nhà hàng hay nhà ngủ nào hết.
– Tôi còn nhỏ, mà lại hồi trước tôi không có ở cùng với ba tôi, nên tôi không biết ai là bà con hết. Vậy xin dì tha lỗi cho tôi.
– À nầy, tôi tính hỏi thăm thầy một việc.
– Thưa dì muốn hỏi việc chi?
– Hai vợ chồng ông huyện mất, để lại có hai anh em thầy, mà thầy tệ chi quá vậy, sao thầy không nuôi con em thầy, thầy để nó linh đinh cực khổ tấm thân nó quá như vậy?
– Dì muốn nói con Phi Phụng phải hôn?
– Phải, thầy có một đứa em đó, chớ có đứa nào nữa đâu.
– Thưa, nó bây giờ ở đâu? Dì biết hay không?
– Sao lại không biết?
– Nếu dì biết dì chỉ dùm làm phước cho tôi, thì thiệt tôi cám ơn dì lung lắm. Có phải là tôi bỏ nó đâu; tại nó không chịu ở với tôi, nó bỏ nó đi từ hồi năm ngoái cho đến nay tôi tìm kiếm hết sức mà không gặp. Nó ở đâu dì làm ơn nói cho tôi biết đặng tôi đi rước nó liền bây giờ đây.
– Từ ngày nó lên Sài Gòn cho đến bây giờ nó đậu tại nhà tôi, chớ ở đâu.
– Vậy hay sao? Dì ở Sài Gòn đường nào, số mấy, xin dì cho tôi biết đặng tôi ra rước tôi rước em tôi.
– Tuy vậy mà bây giờ nó thôi ở nhà tôi rồi.
– Ủa! vậy chớ nó đi đâu?
– Mấy tháng nay nó buồn nó đi may mướn rồi nó ở luôn ngoài tiệm may.
– Tiệm may chỗ nào?
– Thầy nóng nãy quá! Thầy đi chơi hay là đi có việc chi đi thì đi, chừng năm giờ chiều thầy trở lại đây rồi tôi sẽ dắt đi chỉ dùm cho.
Tú Cẩm mừng hết sức, liền từ mấy bà mà đi, hứa năm giờ sẽ trở lại. Thiệt quả mới bốn giờ rưỡi anh ta đã trở lại chờ bà Phán. Mấy bà không muốn để cho anh ta chờ hoài nên xên bài, rồi anh ta mời bà Phán lên xe hơi về Sài Gòn.
Thấy bà Phán, Tú Cẩm hăm hở muốn gặp em cho mau, nên bà làm khó, không chịu dắt thẳng lại tiệm may, để dắt về nhà để bà nói chuyện, tính để bữa khác bà sẽ cho gặp.
Ông Phán thấy bà Phán đi chơi lại có xe hơi đưa về ông lấy làm kỳ. Chừng bà Phán vào nhà lại có Tú Cẩm đi theo, ông Phán không biết là ai nên chào hỏi sơ sài rồi đứng lơ láo. Bà Phán mới tiến dẫn Tú Cẩm cho ông Phán nghe. Ông Phán mới rõ căn nguyên rồi thì mừng rỡ lật đật mời Tú Cẩm ngồi.
Tú Cẩm năn nỉ vợ chồng ông Phán làm ơn dắt dùm cho gặp mặt Phi Phụng và cậy giúp lời cho Phi Phụng chịu về ở với mình. Bà Phán nói rằng bà coi ý Phi Phụng khó lắm, nếu nóng nãy sợ e Phi Phụng đi mất, nên bà khuyên Tú Cẩm phải hưỡn đãi cho bà dỗ Phi Phụng trở về ở với bà rồi bà sẽ cho hay đặng ra rước. Tú Cẩm nghe lời nên không đòi ra tiệm may nữa. Anh ta trao cho bà Phán một trăm đồng bạc đặng đền ơn nuôi Phi Phụng rồi từ ra về. Khi ra cửa cứ dặn bà Phán rằng nói dùm, nếu Phi Phụng chịu trở về thì anh ta đền ơn trọng lắm.
Bởi bà Phán đã thọ một trăm đồng bạc trước rồi, lại còn muốn nhờ nhiều nữa nên bà mới tới tiệm may nói dã lã rồi khuyên Phi Phụng trở về ở với bà chừng nào Tú Cẩm ra, vợ chồng ông Phán mới tịếp khuyên Phi Phụng phải về ở với Tú Cẩm.
Thiệt bụng ông Phán thấy Phi Phụng may mướn cực khổ ông thương, ông muốn lo cho cô về nhà ở cho Tú Cẩm nuôi rồi lựa chỗ xứng đáng gả chồng cho, nên ông lấy chỗ lợi mà giảng dụ cho cô nghe, song cô vẫn ghét Tú Cẩm không thể nào nguôi được, bởi vậy vợ chồng ông Phán nói hết lời mà cô cũng không xiêu lòng.
Bà Phán cùng thế nên lập mưu với Tú Cẩm phải ân cần mua đồ đặng vui lòng Phi Phụng rồi thủng thỉnh bà sẽ nói nữa. Tú Cẩm tiền nhiều mà lại không tiếc tiền, nên nghe lời bà Phán mua đồ vài bữa ghé cho một món, khi mua áo, khi mua quần, khi mua khăn, khi mua dù, khi mua giày, lần lần rồi lại mua tới dây chuyền có mề đay bông nhẫn thủy xoàn mà cho nữa. Những đồ cho đó thì gởi cho bà Phán cậy trao lại cho Phi Phụng. Phi Phụng bụng không muốn lãnh, nhưng vì sợ mích lòng vợ chồng ông Phán nên phải thâu, nhưng thâu rồi cô để đó chớ không chịu dùng.
Cách vài tuần lễ Tú Cẩm ra năn nỉ với Phi Phụng nữa song Phi Phụng cũng không chịu về. Bà Phán nổi giận mới lập mưu với chủ tiệm may đuổi, không cho Phi Phụng may nữa, đặng cho cô ở nhà cho bà dễ khuyến dụ. Chủ tiệm may nghe lời, bởi vậy tiệm đương thịnh phát; thiên hạ đặt áo quần may không kịp lại nói rằng may ế phải bớt thợ, rồi biểu Phi Phụng đi kiếm tiệm khác.
Phi Phụng đi may mướn, chủ tâm cho có công việc làm đặng khuây khỏa lòng buồn của mình, dầu ăn tiền công bao nhiêu cũng được, nên theo năn nỉ với chủ tiệm để mình ở may, muốn bớt tiền công bao nhiêu tự ý, nhưng chủ tiệm không chịu, nhứt định không chịu cho cô may nữa. Phi Phụng buồn lại giận, nên khi ra về, muốn tỏ lòng tức tủi của mình, song không biết tỏ với ai, bèn đi lại tiệm Duy Linh.
Đã lâu Duy Linh không thấy Phi Phụng lại chơi, nên hằng ngày có lòng trông đợi. Thình lình anh ta thấy cô bước vô thì trong lòng khoan khoái vô cùng. Anh ta thì vui mà thấy sắc mặt cô buồn, bởi vậy anh ta lấy làm lo lắng, không biết có việc chi.
Chừng cô ngồi rồi, Duy Linh mới hỏi:
– Hổm nay anh có lòng trông mà không thấy em lại chơi. Em mắc việc chi hay sao?
Phi Phụng ngó lơ, dường như không nghe lời Duy Linh hỏi để lâu một chút mới đáp:
– Thiệt em cũng có nhiều chuyện lộn xộn làm cho em nhọc lòng vô cùng. Chủ tiệm may đã không cho em may nữa.
Duy Linh nghe nó chưng hửng liền hỏi:
– Nếu em không may tiệm đó nữa thì có chỗ nào đâu cho em ở?
– Em trở về nhà trong ông Phán rồi.
– Ủa! Về hồi nào? Em đã nói bà Phán đã đuổi em rồi sao mà em còn trở về đó?
– Em về nhà bà Phán hơn nửa tháng nay. Thưa, phải, hồi đó bà Phán cản không được em nên giận đuổi em. Hôm nọ bà ghé tiệm em rồi biểu em trở về. Em thấy bà Phán trìu mến em quá nên em nghe lời, ban ngày đi may thêu ban đêm về đó ngủ.
– Còn em thôi may hồi nào?
– Mới thôi hồi nãy đây.
– Mới thôi rồi em đi thẳng lại đây nói cho anh hay và luôn dịp đặng nói chuyện khác nữa.
– Em muốn nói chuyện chi nữa?
Phi Phụng lặng thinh không trả lời. Duy Linh hiểu ý Phi Phụng muốn tỏ việc riêng mà thấy trong tiệm kẻ ra người vô lộn xộn không chịu nói bởi vậy anh ta mời cô lên lầu nằm chơi. Cô nghe lời liền đi thẳng lên lầu. Thấy hình Duy Linh mới chụp lộng trong khuôn kiếng để trên bàn cô bèn lại gần nhìn. Cô đương xem hình, Duy Linh lên lầu không hay. Duy Linh thấy cô đương xem hình của mình thì cười hỏi rằng:
– Em coi hình chụp đó giống anh hay không?
Phi Phụng cười đáp:
– Giống thì giống lắm, ngặt anh đứng chụp hình mà gương mặt coi nghiêm chỉnh quá.
Hai người ngó nhau cười, Phi Phụng đi lại ván ngồi, còn Duy Linh cũng kéo ghế ngồi ngang đó.
Hồi nãy Duy Linh nghe cô nói muốn tỏ việc khác với mình, mà không biết việc chi, bởi vậy trong lòng ngần ngại, ngồi ngó cô trân trân, có ý trông nghe thử coi nói chuyện gì. Phi Phụng cũng ngó Duy Linh mà không chịu hở môi, làm cho anh ta ngồi yên trí mà không yên, hổm nay trông gặp mặt, tưởng gặp thì vui té ra gặp mà trong lòng lấy làm khó chịu quá.
Phi Phụng ngồi một hồi lâu rồi mới nói:
– Em có một việc riêng lấy làm khó tính lắm. Hổm nay em lo lắng ăn ngủ không được, em buồn hết sức vì phận cô thân nên không biết thổ lộ với ai. Em nghĩ trên đời nầy bây giờ chỉ còn một mình anh có lòng thương em thôi, nên em lại đây mà tỏ cho anh nghe rồi hỏi ý anh coi cho em phải làm thế nào.
Duy Linh mới nghe mấy lời tưởng Phi Phụng đã có tình với ai rồi muốn kết tóc trăm năm với người ấy nên đến hỏi mình, cũng như cô hỏi khi ông còm-mi Đảnh uốn lưỡi tính gạt cô đó vậy, bởi vậy, anh ta ngồi mà ruột gan lạnh ngắt, lưng trán đều đều rịn mồ hôi.
Phi Phụng tằng hắng nói tiếp:
– Việc em muốn tỏ với anh, đây là việc cũ, chớ không phải việc nào mới. Số là Tú Cẩm người xưng là anh của em rồi kiện mà đoạt hết gia tài của em đó, bây giờ đã cưới vợ rồi về mua nhà mà ở trong Chợ Lớn. Cách ít tuần nay, em đương ngồi nói chuyện với ông Phán bà Phán, thình lình ảnh bước vô, em trốn tránh không kịp nên phải chào hỏi ảnh. Ảnh gặp em năn nỉ hết lời, xin em về nhà mà ở với ảnh cho ảnh nuôi. Hai vợ chồng ông Phán cũng theo khuyên dỗ em, song em cũng nhứt định không chịu về, ảnh mới để lại hai trăm đồng bạc bỏ lại trên bàn cho em. Từ hôm bữa đó cho đến nay hễ cách vài ngày thì ảnh ghé nhà ông Phán một lần, khi thì gặp em, khi thì không gặp, mà lần nào ảnh cũng có đem đồ đạc cho em. Em coi ý ảnh thì ân cần lắm, còn vợ chồng ông Phán thì cứ theo khuyên dỗ em phải về mà ở với ảnh. Em đã nói chuyện cho anh nghe rồi, lòng em hờn anh Tú Cẩm không biết cho đến đời nào phai cho được. Mà bây giờ tình trạng như vầy em lấy làm bối rối, không biết tính lẽ nào, nên đến hỏi thử coi theo ý anh thì em nên về ở với anh Tú Cẩm cho ảnh nuôi hay là em nên lánh xa người ấy. Em vẫn biết anh thương em nhiều lắm, nên em tin lòng anh. Vậy anh định cho em phải làm thế nào thì anh nói ra ngay, anh nói thì em nghe, em không dám trái đâu.
Duy Linh nghe rõ đầu đuôi, tuy không phải vì Phi Phụng bày tỏ việc khác chớ không phải tư tình anh ta hết sợ, song cô hỏi một điều khó liệu hết sức, bởi vậy anh ta ngồi chống tay lên trán mà suy nghĩ một hồi rồi nói:
– Đến bữa mà Tú Cẩm ghé nhà gặp em đó mới hay ảnh về ở trên Chợ Lớn, chớ trước khi gặp em thì em không dè hay sao?
– Không, em có hay ảnh về ở trên nầy hồi nào đâu.
– Anh có nghe lâu rồi, song thấy ý em không ưa nên anh không nói cho biết làm chi.
– Thiệt đó chớ! Dầu em hay em càng giận chớ không ích gì.
– Lúc ảnh gần cưới vợ thì anh đã hay rồi, mà cách chừng một tháng nay, anh có thấy ảnh ghé mua đồ trong tiệm kế bện đây nữa.
– Ủa! Anh biết mặt anh Tú Cẩm hay sao?
– Không, thuở nay anh không gặp lần nào, đến bữa đó anh mới biết.
– Anh chưa gặp lần nào thì sao anh biết được?
– Anh biết mặt người vợ, bởi người ấy đi với vợ nên anh mới biết.
– Người vợ ở đâu mà anh biết?
Duy Linh nghe hỏi tới câu đó thì mắc cở nên ú ớ, không muốn thuật việc riêng của mình cho Phi Phụng nghe, bèn nói dối rằng:
– Cô nọ hay ghé tiệm anh mà mua đồ thường thường. Có một bữa nọ cô nói chuyện với người ta rằng cô gần có chồng, rằng chồng cô tên là Tú Cẩm, bởi vậy chừng cô đi chơi với chồng cô anh mới biết.
Phi Phụng day mặt ra cửa sổ coi bộ suy nghĩ riêng rồi cô day vô, cười và hỏi:
– Thôi, nếu anh biết mặt vợ chồng anh Tú Cẩm lại càng tốt, chớ không hại gì. Vậy còn chuyện của em, anh nghĩ cho em phải làm sao đây?
Duy Linh nghĩ rằng cái tình của mình đối với Phi Phụng cũng còn nặng nề thâm thúy như khi mình ở Bạc Liêu ra đi. Mình mà thất chí ngã lòng nầy nọ là vì cô giàu sang còn mình nghèo hèn lại những chỗ gấm ghía[2] cầu hôn đều giàu sang hơn mình có tỏ tình mình ra cũng chẳng chắc Phi Phụng chuộng cái tình khắn khít của mình hơn là tham cái sang giàu của ba người kia. Ngày nay Phi Phụng sự nghiệp tan nát, chút thân liễu bồ trôi nổi xứ người; đã vậy mà những trai nài nỉ nợ duyên hồi trước bây giờ đều xây lưng ngoảnh mặt hết. Tuy ý cô vẫn vọng tưởng Thủ Hiệp; song người đó đã cưới vợ khác rồi, dầu cô hoài vọng cũng không ích gì. Vậy mình cũng cầu cho cô cực khổ, may mặc mới xứng với phận mình, chớ nếu để cô về với Tú Cẩm, cô trở nên sang giàu lại rồi, cô ở trên cao, mình đứng dưới thấp, mình sao với tới; ví dầu cô có hạ mình đưa tay với tới mà kéo mình lên đi nữa, thì thiên hạ cũng không rõ cái tình trong sạch của mình, chắc chẳng khỏi họ nói mình ham giàu sang, dường ấy cái phẩm giá của mình nhẹ quá.
Phi Phụng thấy Duy Linh suy nghĩ tưởng tưởng là anh ta đắn đo lợi hại phải quấy cho mình chớ không dè anh ta tính toán việc riêng của anh ta, nên cứ ngồi chờ không dám làm rộn. Duy Linh nghĩ như vậy rồi hổ thầm, bởi vì muốn phỉ cái tình của mình mà để Phi Phụng cực khổ, độ lượng ấy là độ lượng của tiểu nhân, chớ quân tử hễ yêu thương người thì phải lo làm cho nên người mà hại thân mình thì cũng vui, chớ có lẽ nào mình đành hại người đặng cho mình phỉ nguyện. Duy Linh nhớ tới sự đó thì trong lòng bâng khuâng khó chịu lắm, không biết tiện lẽ nào; nếu cản cô thì cô cực khổ, mà cô cực khổ mình mới phỉ chí ước mơ, còn nếu xúi cô thì cô cao sang, mà cô cao sang thì chắc là mình thất tình rủn chí.
Trong mấy tiếng sẽ trả lời với Phi Phụng đây, theo người thường thì không trọng hệ gì bao nhiêu, mà theo phận Duy Linh thì có ảnh hưởng xa lắm, vì mấy tiếng ấy có thể làm cho Duy Linh buồn thảm hoặc vui vẻ trọn đời, mà hễ anh ta vui vẻ thì có lẽ Phi Phụng hèn hạ. Vậy phải định lẽ nào?
Duy Linh liếc ngó Phi Phụng thấy cô ngồi im, nét mặt thật thà, đôi tròng đoan chánh, trong lòng anh ta yêu thương kể xiết, thà là anh ta tan xương nát thịt, chớ không đành để người thương nhọc trí cực thân, bởi vậy anh ta quyết khuyên Phi Phụng trở về ở nhà cho Tú Cẩm nuôi, song vì tủi lòng sợ tiếng nghe bệu bạo nên phải nói lớn lên:
– Em nên về mà ở với Tú Cẩm.
Phi Phụng châu mày hỏi:
– Vì cớ nào mà anh lại khuyên em như vậy?
– Vì anh không muốn cho em cực khổ nên anh khuyên em về.
Phi Phụng xoay mặt vào vách tường rưng rưng nước mắt nói:
– Vì anh thương em nên anh muốn như vậy, thiệt em không dám cãi. Nhưng mà em nghĩ em với anh Tú Cẩm đã có thù hiềm với nhau, ở chung một nhà thiệt là khó quá.
Duy Linh đau đớn trong lòng hết sức, nhưng gượng làm tỉnh mà hỏi:
– Tại Tú Cẩm đoạt hết gia tài không chịu chia cho em nên em phiền phải không?
– Không mà! Em có màng gì gia tài. Ảnh là con của ba em, thì ảnh ăn gia tài em có phiền chi đâu. Người phải mới quý, chớ tiền bạc mà quý gì?
– Vậy chớ em phiền việc chi?
– Em phiền là phiền ảnh phá đứt căn nợ của em, chớ không phiền việc chi hết.
– Ủa! Việc đó thì em trách Thủ Hiệp mới phải, chớ sao em lại phiền Tú Cẩm.
– Thủ Hiệp có làm chi mà em trách.
– Nó là người trọng tài khinh ước thấy em thất kiện mất hết sự nghiệp như vậy là tiểu nhân, khạc nước miệng trên mặt nó không đáng hay sao, chớ Tú Cẩm có lỗi lầm gì mà em giận?
– Tại Tú Cẩm giựt gia tài của em nên Thủ Hiệp mới bỏ em, chớ nếu Tú Cẩm đừng có làm như vậy thì đời nào Thủ Hiệp đi cưới vợ khác.
– Em vì cái tình nó che đậy, nên mắt thấy không rõ, trí nghĩ không nhằm. Em nói rằng tại Tú Cẩm giựt hết gia tài nên Thủ Hiệp mới bội ước, em đổ lỗi cho Tú Cẩm chớ không phiền trách Thủ Hiệp. Em nghĩ lại coi, nếu Thủ Hiệp là trai ân hậu, nếu thiệt nó cầu hôn là kết nghĩa trăm năn với em, chớ không ham nhà cao ruộng rộng, thì Tú Cẩm đoạt hết gia tài của em, nó lại càng yêu mến thương xót phận em hơn hồi trước nữa mới phải, nó phải cưới em liền đặng bảo bọc nuôi dưởng em cho em bớt rầu buồn, cho em khỏi cực khổ, chớ thương rồi mà làm sao thấy em nghèo rồi nó không đoái hoài, lại đi kiếm nơi khác giàu sang mà đi cưới, mà em gọi rằng thương? Hôm em mới gặp anh, em thuật chuyện nhà cho anh nghe, thì anh đã thấy ý em hiểu lầm rồi, nhưng hôm ấy em đương buồn rầu, lại anh cũng đương bối rối nên không muốn phân giải phải quấy làm chi. Nay em nhắc tới chuyện đó nữa, nếu anh không phân giải cạn lời cho em nghe thì té ra anh không tận tình với em. Vậy em phải xét mấy lời của anh mới nói đó lại coi có phải là Thủ Hiệp đáng chê đáng ghét hay không?
Phi Phụng ngồi cúi đầu lặng thinh hồi lâu, mặt mày buồn xo, coi bộ suy nghĩ lung lắm. Duy Linh thấy mấy tháng nay ý cô còn hoài vọng Thủ Hiệp thì trong lòng không vui, thường muốn phân hắc bạch một lần cho cô nghe, song không có dịp. Nay nói ra được rồi, lại thấy cô ngồi suy tưởng thì trong lòng mừng thầm; anh ta lại nhớ tới mấy lời khuyên cô ta trở về với Tú Cẩm là lời chánh đáng nên trong lòng càng vui nên nói tiếp:
– Anh khuyên em nên về nhà mà ở cho Tú Cẩm nuôi là phải lắm. Phận gái thơ ngây, tuổi em đã trọng rồi không nên linh đinh như trai vậy được. Em về nhà hoặc may có chỗ nào xứng đáng họ cầu hôn, thì Tú Cẩm gả chồng đặng cho thân phận yên ổn.
Duy Linh nói mấy lời trong lòng đau đớn hết sức, tưởng là Phi Phụng tạ ơn hoặc tủi lòng rơi lụy, chẳng dè cô vùng đứng dậy đi đi lại lại rồi đứng dựa cạnh phía cửa sổ mà nói:
– Anh đừng có nói đến căn duyên của em nữa! Em đã thề rồi, ai nói tới em nghe em ghét lắm. Thiên hạ giả dối hết thảy, có ai biết tình nghĩa là gì mà mong xe duyên kết tóc.
Duy Linh nghe mấy lời vùng vằng, hiểu Phi Phụng đã thất tình cũng như mình hồi trước, đã có qua cái đường buồn thảm ấy rồi, nay thấy cô bước chân vào đó, động lòng thương, nên dùng lời nhỏ nhẹ khuyên:
– Em đừng thất chí, không nên đâu. Đã biết ở đời người giả dối là phần nhiều, song có lẽ cũng có người chân chánh, biết trọng nghĩa khinh tài, dám vì tình liều thác, chớ lẽ mà mọi người đều bội bạc hết hay sao em.
Phi Phụng đứng dựa cửa sổ ngó xuống đường coi thiên hạ qua lại, không thèm trả lời, Duy Linh thấy vậy ngồi lặng thinh, không nói nữa, tuy hai người sắc mặt như thường nhưng mà nếu có cái kiếng soi cho thấu trong ruột gan, thì chắc sẽ thấy Phi Phụng trăm mối ngổn ngang, còn Duy Linh cũng thảm sầu dồn dập.
Cách một hồi Phi Phụng day lại, lấy khăn choàng hầu sửa soạn ra về và nói với Duy Linh:
– Thôi, anh biểu em như vậy thì em phải nghe lời anh. Nếu nay mai có anh Tú Cẩm ra rước, em ở yên rồi em sẽ ra thăm anh. Thưa anh em về.
Phi Phụng vừa nói vừa đi thẳng lại thang lầu. Duy Linh gật đầu mà ngó lơ, chớ không dám ngó Phi Phụng. Cô vừa đi xuống khuất mình rồi, thì anh ta lần đi lại cái giường để phía trong, leo lên giường nằm day mặt vào vách, nước mắt đầm đìa.
[1] (tissot), lụa
[2] gấm ghé
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.