Nhơn tình ấm lạnh
Chương 14
Vì nghĩa mà đoạn tình, duy những người chí cao tánh tốt mới làm được, Duy Linh đã quyết cam chịu đau đớn để tấm thân Phi Phụng được sung sướng, thái độ ấy thiệt là thái độ của hiền nhân quân tử.
Nhưng Duy Linh là một người trai đa tình, chí tuy cao song tình cũng nặng, bởi vậy đã khuyên Phi Phụng về ở với Tú Cẩm nuôi rồi, chừng Phi Phụng từ giả ra về thì ruột gan đau đớn như ai dần ai cắt, không biết nói sao, chỉ nằm ôm lòng mà khóc gần hai giờ đồng hồ cũng chưa nguôi được.
Thằng Cử dọn cơm trưa chờ hoài không thấy chủ xuống ăn, mới lên lầu thì thấy Duy Linh nằm co như ngủ. Nó tưởng Duy Linh ngủ thiệt nên bỏ đi xuống, đến 12 giờ nó mới trở lên tính kêu chủ dậy ăn cơm.
Duy Linh ngồi dậy rửa mặt xuống ăn cơm; nhưng ngồi dựa mâm cơm mặt mày buồn xo, rán ăn cho hết một chén, song nghẹn cổ nghẹn hầu nuốt cơm cũng như nuốt đất, chẳng biết mùi chi hết. Trọn ngày đó anh ta lửng đửng lờ đờ như kẻ không hồn. Đến tối thanh vắng anh ta mới suy đường quấy nghiệm nẻo phải, thầm nghĩ rằng mình thương Phi Phụng thì phải lo làm nên giùm cho cô; mà mình đã làm phải rồi sao lại còn ăn năn? Mình đã nêu cái tình của mình rồi sao còn tiếc mà buồn, sao còn tức mà khóc.
Duy Linh nghĩ như vậy thì trong trí hổ thầm, nên quyết không buồn nữa, lại chúc cho Phi Phụng hòa hảo với anh, định đôi bạn đặng trọn đời sung sướng
Qua ngày sau Duy Linh buôn bán vui vẻ như thường duy lúc ban đêm hễ nhớ tới Phi Phụng thì trong lòng có hơi khoan khoái chút đỉnh.
Cánh đã hơn một tuần lễ rồi, mà Duy Linh không thấy Phi Phụng ghé tiệm, nên không biết Tú Cẩm đã ra rước cô hay chưa. Đêm nọ, lúc10 giờ khi đóng cửa tiệm rồi, Duy Linh bèn đi lên lầu viết thơ gởi qua bên Pháp đặng mua hàng. Viết ba cái thơ xong thì đồng hồ đã gõ mười hai giờ. Duy Linh lại ghế bố nằm hút thuốc giải trí, đèn khí còn dốt sáng trưng. Ngoài đường vắng tiếng xe, cách một hồi nghe tiếng kèn xe hơi bóp te te phía bên đầu chợ, cách một hồi nữa lại nghe chị bán nem nướng rao tiếng thanh tao lảnh lót.
Duy Linh hút thuốc phì phà, cặp mắt lim dim, ngó vào vách tường, lổ tai lùng bùng lóng nghe đồng hồ đi lắc cắt. Lúc đương bang hoàng bỗng nghe dưới đất, ngay trước cửa tiệm, có tiếng xe kéo, ngừng khua cặp gọng trên thềm gạch, rồi lại nghe tiếng gỏ cửa kêu văng vẳng rằng:
– Cử ạ, Cử, em còn thức hay không em? Mở cửa dùm một chút nghe hôn Cử a, Cử, mở cửa nghe hôn.
Duy Linh nghe rõ, song không biết tiếng của ai, lật đật chạy lại mở cửa sổ lầu dòm xuống. Người kêu đứng sát trong cửa, lại bị mái thiếc án khuất, nên Duy Linh không thấy được, chỉ thấy có cái xe kéo để giửa đường thôi. Tên xa phu thấy cửa sổ trên lầu mở, nó nói tiếng chi đó không biết, có một người ở trong cửa đi ra ngoài ngước mặt ngó lên. Đèn khí ngoài đường tuy không sáng lắm, nhưng Duy Linh nhìn biết là Phi Phụng, nên trong lòng hồi hộp hỏi rằng:
– Phải em kêu cửa đó hay không em hai?
Phi Phụng đáp: „Phải”. Rồi hối mở cửa, Duy Linh không biết có việc gì nửa đêm Phi Phụng ghé tiệm, nên lật đật chạy riết xuống lầu thì thằng Cử đã mở cửa rồi. Phi Phụng ở ngoài xách giỏ áo quần bước vô, y phục bàu nhàu, mặt mày dã dượi. Duy Linh vừa thấy tình trạng như vậy thì biến sắc, lật đật hỏi:
– Có việc chi vậy? Em đi đâu chừng nầy.
Phi Phụng để cái giỏ xuống đất rồi ngồi đại trên ghế dựa bên đó, lấy khăn che mặt, vừa khóc vừa nói giọng tức tủi:
– Anh ôi! Có việc khốn nạn lắm, nói không được….Thằng Tú Cẩm nó là thú vật, chớ không phải là loài người. Em lầm rồi nên em tức quá.
Duy Linh chưng hửng, liền chận ngang hỏi:
– Ủa! Sao vậy?
Phi Phụng khóc vùi mà đáp:
– Hổm nay em về với nó chẳng có chi lạ. Mới hồi hôm nầy nó làm thói trâu chó, em ngủ nó lén mở mùng chung vô nằm đại bên em…..
Duy Linh nghe tới đó thất kinh, la lớn lên:
– Úy! Cha chả! Người gì mà ăn ở nhơ nhuốc dữ vậy!
Anh ta giận đỏ mặt, thấy Phi Phụng ngồi khóc sướt mướt, còn thằng Cử đứng ngó trân trân, bèn biểu thằng Cử đóng cửa lại, rồi mời Phi Phụng đi thẳng lên lầu đặng kể hết đầu đuôi nghe coi tại sao Tú Cẩm là anh mà lại loạn luân như vậy. Phi Phụng lau nước mắt đi lên lầu, Duy Linh đi theo sau, nhớ lời mình khuyên cô hôm nọ, thì ăn năn vô cùng. Anh ta còn giận, muốn nghe cho mau, nên Phi Phụng vừa ngồi thì anh ta biểu Phi Phụng thuật rõ đầu đuôi cho anh ta nghe.
Phi Phụng mới nói:
– Hôm em ghé thăm anh đó rồi em đi thẳng về nhà ông Phán. Tối lại Tú Cẩm ra năn nỉ khuyên em về, mà hai vợ chồng ông Phán cũng nói hùa theo nữa. Em nghĩ ai cũng muốn cho em về ở nhà Tú Cẩm, rất đổi là anh còn khuyên em như vậy thay, bởi vậy em mới chịu đi.
Tú Cẩm nghe em chịu đi thì nó mừng rỡ hết sức, liền biểu em sẵn xe hơi thôi đi luôn bữa ấy với nó. Em biểu nó về trước để em sửa soạn đồ đạc rồi xe hơi trở ra rước em. Nó không chịu về trước, nói rằng khi ở dưới Cái Cùng nó đã bị em gạt một lần rồi, nên nay nó muốn rước em đi một lượt, chớ không chịu để cho em đi một mình nữa. Em thấy nó nghi bụng em như vậy, em tức cười, nên em thâu xếp áo quần mà đi với nó. Khi ra tới xe nó để em ngồi sau, còn nó leo lên ngồi phía trước với sốp phơ, ý như vậy là kỹ lưỡng quá, làm sao mà em nghi cho được.
Em nghe nói nó đã cất nhà và cưới vợ rồi, chẳng dè vô tới đó thì thấy nó ở một căn phố lầu chớ không phải nhà, phố nó ở ngó ra đường xe lửa Mỹ Tho, người lân cận đều là chệt hết thảy không thấy người mình.
Em hỏi nó vậy chớ vợ nó đi đâu, và nghe nói nó cất nhà, mà sao lại ở phố thì nó nói rằng: „Nhà nó cất chưa rồi, nên phải mướn phố ở đỡ, còn vợ nó về thăm cha mẹ, rủi bị cảm thương hàn nên còn ở bển uống thuốc, đợi mạnh rồi sẽ về”. Em tin lời nó, nên em không nghi ngờ chi hết.
Em ở đó hổm nay, thường thấy khách khứa hay đến nhà, đàn ông cũng có, đàn bà cũng có, mà người nào cũng nói chuyện bài bạc, chớ không nghe nói chuyện chi khác. Tú Cẩm cũng ít ở nhà, đi ngày đi đêm, đi hoài mà hễ về nhà thì hỏi em việc nầy việc kia, bộ ân cần thương tưởng lắm. Em nghi nó đi đánh bài bạc, mà nó cứ nói dối với em, khi thì nó nói đi coi cất nhà, khi thì nói đi thăm vợ. Nó cũng ít ăn cơm nhà lắm, hôm mới về nó ăn cơm với em một bữa trưa, rồi hồi chiều nầy nó ăn một bữa nữa. Ở trong nhà có một bà già nấu ăn với một thằng bồi. Hồi tối ăn cơm rồi nó kêu thằng bồi ra ngoài cửa nói nhỏ chuyện gì không biết rồi thằng bồi đi mất, cách một lát có xe hơi đem lại, nó rủ em lên xe đi chơi với nó. Em không đi nó đi một mình. Em lên lầu nằm nghỉ. Em đang mơ màng bỗng nghe tiếng xe hơi ngừng ngoài cửa, và bà già nấu ăn ra mở cửa. Em biết Tú Cẩm về, song phòng của nó ở từng dưới, em chắc nó về hễ thấy trên lầu tắt đèn hết, biết em đã ngủ rồi, thì nó ngủ, chớ không lẽ nó kêu em thức dậy mà nói chuyện. Thiệt quả ở từng dưới tuy đèn còn đốt sáng, song không nghe tiếng tăm chi hết.
Em nằm một hồi, vừa mới thiu thiu ngủ, bỗng cái giường của em rung rinh; em giựt mình mở mắt ra, nhờ bóng đèn ở từng dưới dọi lên sáng lờ mờ, em thấy có một người đương giở mùng lén leo lên giường của em. Em thất sắc kinh tâm, vùng ngồi dậy hỏi lớn lên rằng: „Anh làm gì kỳ cục vậy?“. Nó cười hì hì và biểu nằm xuống đặng nó nói chuyện cho em nghe. Nó lại nắm tay em nữa. Em giận quá nên vả chát vào mặt nó, rồi chạy lại thang lầu mà kêu bà già. Nó chạy theo ôm em lại; em vùng vẫy không nỗi, túng thế em cào mặt nó đau quá nó giận đánh em, nên em lật đật chạy xuống cầu thang nó không chạy theo, lại đứng trên chửi em, rồi quăng giỏ áo quần của em xuống đuổi em phải đi khỏi nhà nó cho mau. Em ở trong nhà nên thất thế, lại bà già nấu ăn bỏ đi đâu mất không thấy mặt, em sợ nó chạy theo làm dữ thì khổ cho em, nên em xách giỏ mở cửa ra ngoài đường lính quýnh không biết đi đâu, may thấy có một cái xe kéo đang nghểu nghến em kêu lại rồi biểu đi Sài Gòn về nhà ông Phán mà nói cho vợ ổng hay.
Duy Linh ngồi lặng thinh nghe, song sắc mặt hầm hầm, mồ hôi nhỏ giọt; chừng nghe tới đó, anh ta mới nhẹ nhàng trong mình nên hỏi:
– Vậy mà nó có đánh em trúng chỗ nào nặng hay không?
Phi Phụng đáp:
– Không! Nó kéo níu và có đánh em có một bốp tai thôi. Cũng may mắn! Chớ chi hồi đó có cây cối chi ở đó, em giựt em đập nó thì nó chắc nó không nhịn rồi sanh chuyện lớn. Em về nhà ông Phán kêu cửa, bà Phán chạy ra mở cửa cho em vô. Em hỏi ông Phán thì bà nói ổng có bịnh nên đã vào nhà thương hồi sớm mai rồi. Bà thấy em về nửa đêm, mà quần áo nhàu nát, mặt mày dã dượi, bà lấy làm lạ nên hỏi em đi đâu chừng nầy. Em khóc mà thuật hết đầu đuôi sự Tú Cẩm loạn luân cho bà nghe. Bà không binh vực em thì thôi lại còn rầy em nói nhiều chuyện, được sung sướng không muốn ở yên để đặt điều nói xấu cho Tú Cẩm. Em giận quá dằn lòng không được nên cãi lẽ với bà. Anh nghĩ mà coi, người ta đã quấy mà bà lại trở cho mình là quấy, ức quá nín sao cho được. Bà đã nói bậy lại cũng không biết nghe lời phải; bà nghe em cãi lẽ thì bà giận nên bà đuổi không chứa em nữa, nói anh ruột của em mà em còn nói xấu, nếu bà chứa em trong nhà bà sợ ngày sau cũng mang tiếng xấu như Tú Cẩm. Em nghe mấy lời nghẹn cổ, nên ngồi khóc, chớ không biết nói sao được. Bà Phán không động lòng nói nhiều tiếng gắt gao, rồi đuổi em biểu đi đâu thì đi để cho bà đóng cửa bà ngủ.
Em muốn năn nỉ với bà, nhưng nghĩ thầm người đã không thương mình nếu mình năn nỉ xin ở nữa thì sợ ngày sau sanh nhiều việc khó. Em nhớ lời anh dặn, hễ có việc chi khốn đốn phải cho anh hay. Mà bây giờ trên đời nầy em chẳng biết ai mà nhờ cậy nữa hết, nên xách đồ lên xe kéo mà ra đây, cúi lạy anh thương thân em chỉ biểu dùm coi phải làm thế nào mà trừng trị quân dâm ô, kẻo để như vậy thì tức quá chịu không được.
Phi Phụng nói dứt lời rồi ngồi khóc thút thích ngó Duy Linh thì thấy anh ta tay khoanh trước ngực, mắt ngó vào vách không nói chi hết. Cách một hồi lâu Duy Linh mới day qua, ngó ngay Phi Phụng nói:
– Từ rày sắp lên em ở đây với anh đừng đi đâu nữa hết thảy.
Duy Linh thấy Phi Phụng ngó mình trân trân thì day mặt chỗ khác rồi nói tiếp rằng:
– Đã biết em ở đây với anh chắc là thiên hạ dị nghị. Mà mình nên hư mình biết thiên hạ nói thế nào trối kệ họ, miễn là mình không hổ với lương tâm của mình thì thôi.
Duy Linh đứng dậy đi lại thang lầu kêu thằng Cử biểu xách giỏ đồ của Phi Phụng lên, rồi biểu đem cái ghế bố xuống từng dưới. Anh ta nhượng cái giường của anh ta lại cho Phi Phụng, còn anh ta tính xuống từng dưới nằm trên ghế bố mà ngủ đỡ rồi sáng mai sẽ đi mua thêm một cái giường nữa.
Trước khi đi ngủ, anh ta nói với Phi Phụng:
– Thôi, em cứ ngủ yên, để mai rồi sẽ tính coi có nên đi thưa kiện nó thì anh đi cho, em đừng lo chi hết.
Phi Phụng về ở với Tú Cẩm, thì Tú Cẩm nhượng cho ngủ một mình trên lầu, rồi cách mấy ngày Tú Cẩm trở mặt dê. Mới bị đó, liền ra đây Duy Linh cũng nhượng cho cô ngủ một mình trên lầu nữa, theo thường tình ai gặp cảnh như vậy cũng giựt mình, chẳng hiểu vì cớ nào Phi Phụng không lo sợ, mà thấy Duy Linh sắp đặt chỗ mình ăn ở thì trong lòng lại vui mừng, nên nói với Duy Linh:
– Em cũng đã cùn trí rồi, bây giờ em không sợ chi miệng thiên hạ nữa. Ai muốn nói tiếng chi thì nói, miễn anh thương dùm thân em, cho em ở nhờ nương manh áo hột cơm, anh muốn sai khiến em làm việc chi cũng được hết thảy. Thôi để em đi chợ nấu ăn, trưa có rảnh em may áo vá quần, hoặc thêu giày thêu khăn, làm vớ nón để bán, còn tối em biên chép sổ sách chút đỉnh giúp anh cũng được. Em ở với anh thì em yên lòng, không sợ chi hết.
Duy Linh đứng nghe, miệng chúm chím cười. Chừng Phi Phụng nói dứt lời rồi, anh ta biểu: “Thôi, em ngủ đi! Gần ba giờ rồi, ngủ một chút rồi sáng mai sẽ hay”, rồi sau đó anh ta xuống lầu.
Đêm ấy Duy Linh nằm suy tới tính lui ngủ không được. Phi Phụng ở đây một là gây thù oán với Tú Cẩm hai là làm mích lòng bà Phán Kim, sợ chẳng khỏi hai người ấy đến đây kiếm chuyện nói mình dụ dỗ cô rồi làm rầy với mình, lại làm nhục cho cô nữa. Nếu muốn làm rầy với mình thì mình chẳng lo gì, sáng mai mình xuống bót thưa với ông Cò xin bắt Tú Cẩm, rồi giải ra tòa đặng tòa phạt về tội cưỡng dâm nếu bà Phán ra nói chéo véo thì mình thưa luôn bà đồng lõa nửa thì hai người không phép nào dám gây với mình, và cũng không thể nào nói xấu cho Phi Phụng được. Hễ việc ra đến tòa rồi thì Phi Phụng ở với mình yên ổn, khỏi lo Tú Cẩm cáo mình dụ dỗ gái thiếu niên mà tuy Tú Cẩm sanh tâm lang sói, song nó cũng là con bác Huyện Hàm, nếu mình làm ra lẽ ngay gian thì tồi bại gia đình bác huyện quá. Khó tính quá! Việc nầy mình phải dọ ý Phi Phụng coi cô liệu lẽ nào, chớ mình không nên tự chuyên. Mà dầu mình có đi kiện thưa ra lẽ, hay mình bỏ qua, thì cũng chẳng khỏi thiên hạ họ dị nghị, bởi vì mình với Phi Phụng nếu không có tình với nhau thì sao mà lại đến tiệm mình mà ở, và sao mình lại chứa cô ta trong nhà. Tình mình cao lòng mình sạch thì mình biết, chớ thiên hạ ai biết dùm được cho mình. Phận mình là trai ai muồn dèm xiểm mặc ai, mình không lo chi hết, ngặt Phi Phụng là gái, những lời vu oan giá họa có lẽ làm xúc phạm danh tiết của cô được, nếu mình không ngăn ngừa trước, để cho cô mang tiếng xấu rồi mình gỡ sao ra. Vậy để sáng mai mình tỏ hết chân tình u uẩn của mình ôm ấp mấy năm nay cho cô rõ, rồi xin cô kết tóc trăm năm với mình phứt cho rồi, đặng chẳng ai dám dị nghị nữa. Cái kế đó hay thì có hay thật, nhưng biết cô có dạ thương mình hay không? Nếu cô thương mình thì thương như người anh ruột, chớ không có chút tình chi khác, thì lời dịu ngọt của mình gẫm chẳng khác gì với cưởng dâm của Tú Cẩm, dường ấy chẳng khác ra cô chạy ô mồ mắc ô mả, còn mình thị nhục Tú Cẩm chắc cô cũng thị nhục mình. Huống chi hôm nay cô gặp hoạn nạn, thân liễu bồ bơ vơ giữa đám ma quỷ, như nằm bên miệng giếng, như đứng dựa vây hùm[1], cô không có nơi nương dựa, lại không biết ai cậy nhờ, cô tin lòng mình chân chánh nên đến đậu nhờ không nghi ngại chi hết, nếu mình thừa nhân chi nguy[2] mà làm cho phỉ nguyện, cô không tuân lời sợ mích bụng mình, còn cô tuân lời thì buồn ý cô, người ta gặp cảnh như vậy mà mình ép trí thì mình là tiểu nhân, dầu làm chồng một cô bán cá ngoài chợ cũng không xứng, có đâu đèo bồng dám làm chồng một cô như Phi Phụng. Không được chẳng nên tính quấy!
Duy Linh càng tính, trong lòng càng xôn xao, tính đến sáng mà cũng chưa xong việc nào. Còn Phi Phụng mới bị việc khủng hoảng trong Chợ Lớn, lẽ thì cô tức tủi ngủ không được, té ra cô nằm chẳng bao lâu thì cô ngủ khò, đến 6 giờ sáng thằng Cử mở cửa khua lộp cộp cô mới giựt mình thức dậy.
Duy Linh đợi Phi Phụng rửa mặt gở đầu rồi mới lên lầu hỏi cô coi theo ý cô có nên xuống bót mà thưa Tú Cẩm về tội toan cưỡng dâm và xin bắt đến tòa trị tội, hay là đi cớ cho cò hay sự ấy đặng ở yên khỏi sợ Tú Cẩm trở trái làm mặt mà thôi. Phi Phụng không suy nghĩ chi hết, lại nói: „Anh liệu thế nào phải thì anh làm giùm, tự ý anh định thế nào em cũng chịu hết. Duy Linh nghĩ nếu mình làm cho thẳng lẽ ra thì Tú Cẩm bị tội, bằng không thì cũng mang nhục, ngặt có một điều Tú Cẩm mang xấu rồi sự xấu hổ ấy cũng lây ít nhiều cho Phi Phụng nữa, nên anh ta do dự không nỡ làm. Tuy vậy anh ta muốn khỏi mang tội dụ dỗ gái thiếu niên, nên cũng đi xuống bót thuật rõ chuyện Phi Phụng cho ông cò nghe, rồi xin ông cò làm chứng cho Phi Phụng ở nhà mình thôi chớ không thưa kiện Tú Cẩm.
Đến chiều, lối năm giờ, Phi Phụng ngồi tại tủ tiền để thâu tiền, còn Duy Linh thì đứng ngoài trước phụ với mấy đứa làm công. Thình linh Phi Phụng kêu Duy Linh nói có bà Phán mới đi ngang qua tiệm đó. Duy Linh chạy ra dòm thì thấy có một người đàn bà đi ra khỏi tiệm rồi mà còn xây mặt lại mà ngó. Chẳng bao lâu bà Phán đi trở lộn lại nữa mà lần nầy bà đi chậm ngó vô tiệm, coi ý như kiếm ai vậy, Phi Phụng ngồi ngó ra tỉnh táo như thường, song giả bộ như không thấy bà, nên không chào hỏi chi hết.
Duy Linh đi vô trong nói với Phi Phụng:
– Bà Phán đi dọ thám coi có em ở đây hay không. Nếu bà có vào tiệm thì em chào hỏi cho trúng lễ mà thôi, chớ đừng nói chi hết, để đó mặc cho anh nói cho.
Anh ta có ý riêng trông cho bà Phán vào coi bà nói ra làm sao, chẳng dè bà đi tuốt, không thấy trở lại nữa.
Qua ngày sau, lối 8 giờ sáng có hai thầy vào tiệm mua đồ. Duy Linh lấy hàng cho khách xem, còn Phi Phụng đứng trong tay cầm chổi lông gà, đương quét bụi trên tủ tiền. Thình lình Tú Cẩm y phục đoan trang, áo nỉ xám, quần tích so, chân đi giày vàng, đầu đội nón trắng, miệng ngậm xì gà, ở ngoài xâm xâm bước vào, liếc ngó Phi Phụng rồi hỏi trống rằng:
– Chủ tiệm nầy là ai?
Duy Linh day lại thấy người ấy mặt bị quàu hai ba đường, biết là Tú Cẩm, song giả bộ như không biết nên hỏi tỉnh táo:
– Chủ tiệm là tôi đây, thầy muốn nói chuyện chi?
Phi Phụng biến sắc, ngừng lại không quét nữa, tay cầm cây chỗi đứng ngó trân trân. Tú Cẩm trợn mắt ngó Duy Linh và nói:
– Thầy là người có học, lại làm chủ một tiệm lớn như vầy, sao thầy không biết luật, thầy dụ dỗ con em gái tôi rồi oa trữ nó trong nhà? Tôi nói cho thầy biết, để tôi làm cho thầy ở tù một chuyến đặng thầy bỏ cái thói dụ dỗ con em người ta.
Phi Phụng nghe nói nổi giận, mặt mày tái xanh, ở trong xốc xốc đi ra, tay quên buông cây chổi, và đi và nói lớn:
– Đồ đã nhơ nhuốc lắm mà chưa biết xấu hổ, lại còn dám đến đây mà nói xấu cho người ta nữa hay sao?
Tú Cẩm thấy bộ Phi Phụng hầm hừ, tay lại cầm cây chổi, sợ Phi Phụng ỷ thế có chỗ đông người rồi dùng chổi làm nhục mình, nên đi sụt lại vài bước. Duy Linh liền nói với Phi Phụng:
– Em hãy đi vô trong, một mình anh trả lời với thầy cũng đủ rồi, chẳng cần em phải nói cho uổng tiếng.
Phi Phụng đứng lại một bên cái tủ giày, tay cũng còn cầm cây chổi, lại cô giận quá run tay, nên lông gà kết trong chổi lúc lắc lia lịa. Hai thầy lựa hàng, nghe thấy chuyện như vậy lấy làm lạ, nên đứng ngó, nhứt là thấy Phi Phụng cầm chổi thì tức cười nôn ruột.
Duy Linh can Phi Phụng rồi day lại hỏi Tú Cẩm:
– Phải thầy là anh ruột của cô hai đây không?
– Phải
– Tên thầy là Huỳnh Tú Cẩm phải không?
– Phải.
– A ha! Bất nhơn dữ hôn! Vậy mà tôi không dè nên không chào hỏi, xin thầy miễn chấp. Mời thầy ngồi, thầy ngồi đây rồi tôi nói chuyện cho thầy nghe.
– Thầy muốn nói chuyện chi thì nói đi, cần gì phải ngồi. Mà tôi tưởng tôi với thầy không có chuyện chi mà nói, để tòa nói với thầy chớ tôi không muốn nói.
– Khoan! Chậm chậm vậy chớ, nếu thầy muốn tới tòa mà nói chuyện cũng được, nhưng trước khi tới tòa tôi tính để tới bót đã, bởi vậy tôi đã xuống bót mà nói cho ông cò hay rằng có lẽ tôi với thầy sẽ xuống nói chuyện trước mặt ông. Vậy thầy lựa giờ nào rảnh thì đi với tôi một lượt đặng khỏi chờ đợi. Ông cò hay trước rồi, hễ mình xuống thì ổng biết liền.
Tú Cẩm nghe nói như vậy, mặt thì giận, còn cặp mắt có mòi lo sợ, nên lặng thinh một hồi rồi hỏi:
– Mà bây giờ thầy muốn nói chuyện gì thì nói đi. Tôi nói trước cho thầy biết, tôi không phải như họ vậy đâu thầy đừng năn nỉ vô ích. Tôi thương con em tôi lắm, nên tôi tính kiếm chỗ xứng đáng tôi gả, chớ tôi không bằng lòng cho nó làm bạn với thầy đâu. Nếu thầy biết sợ phép thầy khuyên nó đi theo tôi mà về, thì họa may tôi tha thầy, chớ nếu thầy đeo đuổi, cầm nó ở lại, thì tôi phải làm hại thầy, tôi không thể nào dung thầy được.
Duy Linh cười đáp:
– Thầy đừng lo. Tôi không năn nỉ thầy tha tội đâu, mà tôi cũng không thất lễ với cô hai đâu mà thầy sợ. Tôi muốn nói với thầy là nói chuỵên khác, chớ khnôg phải nói chuyện thầy tưởng đó đâu.
– Vậy chớ chuyện gì khác nữa?
– Tôi muốn nói cho thầy biết thầy là giống súc vật, chớ không phải người ta. Đó, tôi có muốn nói có bấy nhiêu đó thôi.
Tú Cẩm nãy giờ thấy Duy Linh dịu ngọt nên có ý lấn lướt; thình lình nghe Duy Linh mắng nặng nề quá như vậy thì chưng hửng, lại thấy hai thầy lạ cười chúm chím thì mắc cỡ nên nổi giận muốn đánh Duy Linh. Duy Linh vẫn biết Tú Cẩm là người biết nhục thì mấy lời mắng của mình sẽ làm anh ta dụng võ để rửa hờn, nên đứng thủ thế phòng hờ. Chẳng dè Tú Cẩm dám giận mà không dám rửa nhục, bộ giận dữ như hùm, mà tính nhát hơn cheo, trợn mắt xui tay mà hỏi xui xị:
– Sao thầy dám chửi tôi, hứ?
– Không, tôi có chửi thầy đâu tôi mắng chớ. Tôi rất tiếc ở nước ta không có tiếng nào nặng hơn nữa, đặng tôi dùng với thầy, chớ mấy tiếng tôi mới nói đó cũng chưa vừa với người thái độ nhơ nhuốc như thầy vậy.
Tú Cẩm giận quá, song thấy Duy Linh nói nghiêm chỉnh bộ tỉnh tuồng nhứt là nghe nói đã có cho cò bót hay rồi thì trong lòng lo sợ, không dám làm dữ nữa. Tuy vậy anh ta cũng muốn làm oai nên nói đỡ mắc cở:
– Thầy đừng có làm phách, để rồi thầy coi tôi.
Nói rồi xây lưng muốn bước ra cửa. Duy Linh nắm áo kéo lại nói:
– Khoan! Thầy muốn đi đâu? Nếu thầy đi tôi kêu lính bắt thầy liền. Để tôi nói hết chuyện cho thầy nghe rồi sẽ đi, lật đật chi dữ vậy?
Tú Cẩm nghe nói kêu lính bắt thì sợ nên phải đứng lại, ngó Duy Linh làm bộ giận lắm không nói chi hết. Duy Linh liếc ngó thấy hai thầy mua đồ, không muốn cho hai thầy hiểu chuyện xấu xa của Tú Cẩm nên nói xa ra vời Tú Cẩm:
– Con người ở đời nếu biết ăn cơm uống nước thì phải biết tôn trọng luân lý. Anh em một máu ruột thịt với nhau, dầu hồi nhỏ không được gần nhau, đến lúc lớn lên mới được gặp mặt, thì cũng phải thương yêu nhau như sanh một bọc, ở một nhà, chớ có đâu mà lại trở mặt, giành hết gia tài ăn một mình, rồi còn lại toan làm nhơ nhuốc danh tiết của người ta, làm bại hoại luân lý trong gia đình nữa. Tôi nói giùm cho thầy biết vì tôi kính trọng bác Huyện Hàm lắm, tôi không muốn cho bác đã khuất rồi mà còn phải đứng chứng kiến họ Huỳnh phải mang tiếng xấu, nên tôi không nỡ đem thầy ra giữa tòa Đại hình đặng thầy đền tội gian ác của thầy rồi đày thầy ra Côn Lôn. Tuy vậy tôi đã kể tội thầy cho cò bót biết hết rồi. Vậy thầy phải về bình yên, đừng có héo lánh đến đây mà nói nữa. Nếu thầy mà cãi lời tôi, còn theo nói xấu hoặc làm khó cho cô hai, thì tôi đây không thể dung thầy được. Thôi bây giờ thầy muốn đi đâu thì thầy đi cho mau đi.
Tú Cẩm phần mắc cở, phần lại giận, muốn nói lại song nghẹn cổ cứng hầu nói không được, nên bỏ đi một nước không từ giã ai hết. Duy Linh theo ra cửa thì thấy có một cái xe hơi đậu tại góc đường, trên xe có bà Phán Kim.
Duy Linh trở vào tiệm thấy Phi Phụng ngó mình còn cặp mắt ướt sượt, bộ cảm tình mình lắm. Hai thầy mua đồ đó không hiểu việc chi nên hỏi:
– Người đó là ai, làm việc gì mà nghe nói lôi thôi dữ vậy?
Duy Linh cười đáp:
– Đồ bậy bạ mà muốn làm mặt lanh, nên tôi giận tôi mắng cho nó biết chừng.
Hai thầy đi rồi, Phi Phụng ngồi khóc thút thít:
– Anh mắng nó thiệt đáng lắm! Mà em sợ nó không nhịn đâu. Nó có tiền bạc nhiều chắc nó sẽ thí tiền mà làm hại mình.
Duy Linh cười đáp:
– Em đừng lo. Nó có giỏi nó làm thử coi, anh không sợ chi hết.
Duy Linh tuy nói cứng cho Phi Phụng vững lòng, song trí cũng tưởng Tú Cẩm không lẽ nhịn, dầu mà nó ép Phi Phụng về ở với nó không được thì nó cũng kiếm thế mà phá cho Phi Phụng ở không yên. Chẳng dè Tú Cẩm về rồi thì vắng tin, đã trót tháng rồi mà không thấy léo hánh tới tiệm, lại cũng không nghe thưa kiện chi hết.
Từ ngày Phi Phụng về ở với Duy Linh thì cô không buồn nữa, ban ngày cô coi sóc dùm trong tiệm, hễ bán thì cô thâu tiền, ban đêm thì cô thêu giày thêu khăn, đặng treo trong tủ để bán. Duy Linh không muốn cho cô coi nấu ăn, nói rằng trong bếp đã có mướn người, và cũng không cho cô đứng bán, nói rằng làm như vậy mệt nhọc cô. Duy Linh để trọn từng lầu cho cô ở với trữ hàng hóa chút đỉnh thôi, còn anh ta ăn ở nội từng dưới, chẳng hề khi nào bước lên lầu.
Duy Linh là trai đa tình, lại quyến luyến một mình Phi Phụng thôi, thường hay nói thầm rằng nếu trời khiến anh ta với Phi Phụng không duyên nợ với nhau thì anh ta quyết cam chịu ở vậy trọn đời không thèm cưới vợ, cứ tu tâm dưởng tánh, kết nghĩa gây tình, đặng chờ kiếp sau sẽ hội hiệp. Nay Phi Phụng về ở chung một nhà ra vào thấy mặt nhau tối ngày, hôm sớm nói chuyện với nhau vui vẻ, ăn chung một mâm, ngủ cách nhau có mấy thước, bởi vậy có hôm Duy Linh nằm lăn lộn bâng khuâng dã dượi ngủ không được, muốn tỏ phứt tình riêng của mình cho cô biết coi cô liệu lẽ nào tự ý cô, nếu cô chịu thì tốt, dầu cô không chịu cũng cam tâm, thà vui hay buồn mình biết một lần cho rồi, chớ để ôm ấp cái tình riêng như vầy hoài thì trong lòng nặng nề bứt rứt lắm. Muốn như vậy rồi nghĩ ngày nay cô bơ vơ không nơi nương tựa, đến xin đùm đậu với mình, vì cô tin bụng mình chân chánh không có chút hồ nghi, nếu mình trổ mòi mà cô không thuận thì còn gì danh tiếng của mình, còn nếu cô thuận, mình cũng không khỏi mang tiếng thừa câu nhân chi nguy.
Phi Phụng ở chung với Duy Linh được năm sáu tháng, bởi tình riêng của Duy Linh như vậy nên ban ngày thấy mặt nhau hoài thì Duy Linh vui vẻ vô cùng, còn ban đêm nằm một mình thì anh ta sầu não không kể siết. Lần lần anh ta không đau mà ốm, ngoài mặt thì tươi tắn, còn trong lòng lại héo hắt. Có đêm anh ta đau đớn quá buồn rầu chịu không được nữa mới để tính sáng ngày tỏ phứt tình riêng với Phi Phụng một lần cho rồi, miễm là mình được phỉ nguyền thì thôi, ai dèm pha, chê cười tự ý họ.
Đã quyết như vậy rồi như qua ngày sau, Duy Linh thấy Phi Phụng vào ra chuyện vãn như thường, giọng thân thiết chẳng khác nào anh em ruột, cách đứng ngồi chẳng chút chi bỡ ngỡ, thì anh ta bất nhẫn nên từ sớm mai cho đến xế, có nhiều dịp vắng vẻ, mà anh ta rụt rè ái ngại không dám hở môi.
Đến ba giờ chiều, Phi Phụng ngồi một mình trên lầu thêu giày, Duy Linh vào ra bức rức, nhăn mặt chau mày một hồi rồi lần bước lên lầu, tính thừa dịp nầy mà bày tỏ niềm riêng, chớ nếu do dự hoài thì biết ngày nào mới tỏ được?
Phi Phụng thấy Duy Linh lên lầu thì mừng rỡ, hỏi chuyện nầy, chuyện nọ lăng xăng, Duy Linh kéo ghế ngồi nói chuyện dông dài một hồi; vừa muốn nói việc riêng của mình, thì thằng Cử chạy lên thưa Duy Linh hay rằng có khách đến chơi.
Duy Linh không đắc ý nên sắc mặt chẳng vui, ngặt vì đã bị lộn trí rồi, không thể nào nói chuyện trọng hệ như vậy được, nên đứng dậy đi xuống miệng nói lầm bầm coi bộ bất bình lắm.
Tưởng là khách nào lạ, té ra vợ chồng Phước Đằng với cô Hai Thanh. Duy Linh bỏ giận làm vui, kéo ghế mời ngồi, hối trẻ rót nước.
Vợ Phước Đằng ngồi nói chuyện, mà mắt cứ liếc vô trong hoài. Cách một hồi lâu, bà mới hỏi Duy Linh: „Nghe bầy trẻ nói cháu đã cưới vợ rồi, sao cháu cưới vợ lại không cho chú thím hay?“.
Duy Linh chưng hửng, liếc thấy cô Hai Thanh chúm chím cười, anh ta lại càng khó chịu nên bỡ ngỡ đáp:
– Thưa, cháu có cưới vợ hồi nào đâu?
– Hứ ! Sao bầy trẻ nó nói có cô nào ở trong tịêm cháu mấy tháng nay?
– Dạ, người ở trong tiệm cháu mấy tháng nay là con của bác Huyện Hàm Phan chớ. Bác huyện là anh em bạn của ông già cháu hồi trước. Nay bác chết rồi con gái bác bơ vơ không chỗ nương dựa, cháu thấy vậy cháu phải bao bọc.
– Cô đó đi đâu mà bây giờ không thấy.
– Dạ cổ đương thêu ở trên lầu.
– Cha! Biết thêu nữa sao? Cô ấy bao lớn? Con gái mà cháu nuôi trong nhà coi sao được.
– Thưa thím, cổ là em út, có sao mà coi không được.
Vợ Phước Đằng cười, cặp mắt lộ rõ cái ý nghi ngờ việc quấy quá cho Duy Linh lắm. Duy Linh đang tính kiếm lời cắt nghĩa cái tánh tình chân chánh của mình cho vợ con Phước Đằng hiểu, bỗng nghe Phi Phụng ở trên lầu đi xuống. Anh ta đợi Phi Phụng đi xuống hết thang rồi mới kêu ra để tiến dẫn cho vợ chồng Phước Đằng và cô Hai Thanh biết mặt.
Phi Phụng cúi đầu chào vợ chồng Phước Đằng rồi, chừng chào tới cô Hai Thanh thì cô chưng hửng; bởi vì cô Hai Thanh là bạn học của cô ngày trước, không dè cô Hai Thanh bà con với Duy Linh. Cô muốn nhắc chuyện cũ để làm quen, nhưng thấy cô Hai Thanh ngồi ngó trân trân làm mặt lạ, nên cô buồn ý làm thinh, đi vô trong xách bình nước trà ra rót thêm cho khách uống, không nói chuyện chi hết.
Vợ con Phước Đằng cứ ngó Phi Phụng hoài làm cho cô khó chịu nên bỏ đi ra nhà sau. Duy Linh đương lấy hàng cho Phước Đằng coi, bỗng nghe vợ Phước Đằng nói nhỏ với cô Hai Thanh rằng: „Con nầy nó cũng có bóng sắc chớ! Mà đời nay có tiền thì quý, có sắc mà ích“.
Duy Linh nghe nói như vậy thì lòng phiền hết sức, nhưng vì trong trí đương lộn xộn, không biết trả lời sao được, nên cứ giả như điếc, như ngu.
Chừng vợ chồng Phước Đằng dắt con về rồi, Duy Linh ngồi trên ghế, khoanh tay ngồi ngó sửng ra ngoài đường suy nghĩ. Phi Phụng ngồi tại tủ tiền đặng đếm bạc cắc gói lại từ cây. Cách chẳng bao lâu có một thầy ăn mặc đẹp đẽ, quần là áo trắng, ủi sát đâu đó vừa vặn lắm, ở ngoài bước vô tiệm.
Sau lưng lại có người vợ đi theo, ăn mặc cũng đẹp đẽ, quần lụa trắng, áo nhung đen, chân đi giày gắn bông, đầu đội khăn có tua, cổ đeo chuyền, tay đeo cà rá đều có nhận hột thủy xoàn hết thảy. Người vợ nước da tuy trắng, song mặt có mụn, miệng lại hô, tay chân lại cứng còng, bụng lại có nghén thè lè, nên cặp mắt coi chau vau[3].
Duy Linh thấy khách vào tiệm thì đứng dậy, nhưng vì trí đương lo ra nên không ngó mặt khách. Chừng thầy ấy biểu mở tủ lấy giày vàng cho thầy coi, Duy Linh ngó lên thì thấy quả là tú tài Lâm Thủ Hiệp thì ngơ ngẩn, tay mở tủ mà mắt liếc ngó vào trong dòm chừng Phi Phụng. Duy Linh thấy Phi Phụng ngồi ngó sững hai vợ chồng Thủ Hiệp mặt mày biến sắc tái xanh, biết cô đã thấy Thủ Hiệp rồi, nên cứ lo lấy giày cho khách coi, không ngó chừng cô nữa.
Thủ Hiệp mua giày rồi vợ chồng dắt nhau ra đi. Duy Linh liếc dòm coi ý Phi Phụng thế nào thì thấy cô đứng dậy đi lên lầu, mặt mày buồn xo, cặp mắt ướt rượt. Duy Linh thấy tình cảnh ấy thì cảm động nên thở dài lắc đầu, đi vào phòng nằm nghỉ.
Đến bữa chiều dọn cơm rồi, Duy Linh sai thằng Cử lên lầu mời Phi Phụng xuống ăn cơm. Cô nói cô không đói, biểu thằng Cử nói với Duy Linh đừng chờ cô.
Đêm ấy Duy Linh thấy trên lầu đèn chong sáng trưng, một lát nghe mở cửa khép cửa, biết Phi Phụng đau đớn trong lòng nên ăn ngủ không được. Duy Linh thấy cô vì lời cha trối mà bền lòng đến nỗi Thủ Hiệp bạc tình cô cũng không hờn giận, thì thương cho thân cô, lại cũng buồn cho thân phận mình vô cùng, bởi vậy không tính tới sự tỏ tình riêng cho cô biết nữa, lại toan lập chước gỡ mối sầu dùm cho cô. Ngày sau anh ta giả vờ như không dè cô thấy Thủ Hiệp, bèn nói với cô rằng hôm qua có vợ chồng Thủ Hiệp vào tiệm mua giày. Cô ngó sửng Duy Linh rồi nói:
– Anh nói với em làm chi! Có ích chi đâu mà nói?
Duy Linh không hiểu vì cô đau đớn trong lòng nên nói lẫy, hay là vì cô hờn giận không muốn nghe, bởi vậy anh ta không dám nhắc tới Thủ Hiệp nữa.
Ở đời cũng có khi tại hai người khộng hiểu ý nhau nên mích lòng hoặc xa cách. Phi Phụng thấy vợ chồng Thủ Hiệp rồi thì cô buồn và giận, nên đêm ấy cô nghĩ trên đời nay chỉ còn có một mình Duy Linh là thương mình thôi, nếu Duy Linh đừng hiềm nghi quyết kết tóc trăm năm với mình thì mình ưng liền đặng gỡ hết mối sầu xưa nay cho nhẹ lòng rãnh trí.
Chớ Duy Linh hiểu được ý ấy, thừa lúc để nói chuyện đó để tỏ thiệt cái u tình của mình ôm ấp mấy năm nay; cô đương khi thất chí ngã lòng, chắc cô thuận tùng, thì cả hai người đều giảm bớt thảm sầu, rồi duyên trăm năm càng mặn mòi đằm ấm. Tiếc thay! Duy Linh không dè như vậy, lại sợ nói ra làm trái ý cô rồi cô càng buồn thêm, nên bữa ấy đã không dám nói, rồi từ đó về sau cũng không dám tính nói nữa, bởi vậy cả hai người chung một nhà, ý như nhau, tình giống nhau, mà cũng như kẻ Việt người Hồ, để trai ôm tình trằn trọc năm canh, gái cũng thất chí bâng khuâng sáu khắc.
Tuy là hai người đều buồn rầu hết cả hai, song Phi Phụng sợ Duy Linh biết rõ ý mình, mà Duy Linh cũng sợ Phi Phụng hiểu thấu tình riêng, nên ban ngày hai người vào ra thấy mặt nhau đều làm mặt vui như thường, nói chuyện với nhau chẳng hề lộ môi chi hết, mà hễ ban đêm thì người nằm trên giọt sầu chan chứa, kẻ ngủ từng dưới chau mày than thở.
Hai người ở chung với nhau gần mãn năm đó rồi không ai dám nhắc tới chuyện cũ, lại cũng không ai dám tính tới chuyện sẽ tới. Duy có một bữa nọ Phi Phụng thấy trẻ nhỏ ôm nhựt báo quốc ngữ đi bán, cô mua một số để đọc giải buồn, tình cờ cô thấy có một bài báo đăng tin mừng, Trần Bá Kỉnh là con trai quan phủ Trần Bá Thiện, cưới cô ba Nguyễn Thị Huê con gái quan đốc phủ Nguyễn Quốc Phong. Cô liền trao bài ấy cho Duy Linh coi rồi hai người cười với nhau, mà cười rồi người nhớ chuyện đã qua, kẻ nghĩ việc sắp tới, cả hai đều buồn, nên thầy ra đường ngóng mong, còn cô lên lầu nằm khóc.
[1] gân vai con hùm (cọp), giương vây
[2] việc không an của người khác
[3] mất tinh thần, dã dượ, vẻ mặt như người mất ngủ
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.