Nhơn tình ấm lạnh
Chương 15
Tháng chạp gió bấc thổi già, khí trời lạnh lẽo. Tối lúc bảy tám giờ, mấy thầy đi chơi phần nhiều đều mặc áo nỉ, tay thọc vào túi quần, còn mấy cô choàng khăn trùm lỗ tay, bộ cũng còn lạnh. Mấy tiệm đều dọn hàng rực rỡ, người đi mua cũng đông đảo hơn ngày thường.
Trong tiệm Duy Linh kẻ ra người vào dập dìu, cha dắt con vô mua nón, mua giày, chồng cặp vợ vô mua khăn, mua vớ. Duy Linh đứng giữa tiệm tiếp khách có hai đứa con trai đứng ngoài phụ mở tủ lấy hàng. Phi Phụng ngồi trong thâu tiền, hễ bán được bao nhiêu thì đem đưa cho cô ghi vào sổ.
Khách đương vào ra lộn xộn, bỗng có một người đờn bà chừng 50 tuổi, mặc quần lãnh trắng, áo nỉ đen màu bông hường, đầu không choàng khăn, chân đi giày bắc, ở ngoài rồi bước vào tiệm rồi xâm xâm đi lại trước mặt Duy Linh và nói:
– Thưa ông, tôi xin vô phép hỏi thăm ông một việc, không biết có đặng hay không?
Duy Linh thấy người lạ, trang sức theo Nam Việt còn tiếng nói cũng cứng như người ở ngoài Bắc Việt, không hiểu là ai và muốn hỏi chuyện chi, nên do dự rồi đáp:
– Thưa bà, muốn hỏi thăm ai có việc chi?
– Tôi xin vô phép hỏi ông coi có con gái của quan Huyện tên là Huỳnh Tú Phan ở trong tiệm ông đây chăng?
Duy Linh thấy người lạ đến hỏi Phi Phụng thì trong lòng sanh nghi, nên đứng nhìn người ấy, dường như muốn dòm cho thấu trí coi ý có tính việc gì. Người đàn bà ấy hiểu ý Duy Linh nghi bụng mình nên cười nói thêm:
– Tôi là bà con với con gái quan Huyện; xưa nay tôi ở ngoài bắc; tôi về vài tháng nay. Hôm trước tôi xuống Bạc Liêu tìm thì họ nói con quan Huyện bây giờ ở tại tiệm ông, nên tôi đến đây đặng thăm chớ không có chuyện chi khác.
Duy Linh nghe rõ như vậy thì trong lòng bớt nghi nên đáp:
– Có. Con quan Huyện Hàm ở tại nhà tôi.
Anh ta liền day vô Phi Phụng nói:
– Em hai, có bà nói có bà con với em, lại hỏi thăm em đây.
Phi Phụng nghe kêu liền đứng dậy đi ra, thấy người đờn bà ấy lạ hoắc lại xưng bà con, không biết là ai, nên ngó rồi cúi đầu chào, không biết xưng hô thế nào, coi bộ bỡ ngỡ lắm.
Người đàn bà ấy ngó Phi Phụng thấy cô thì gật đầu, rồi chúm chím cười hỏi:
– Cô là con gái của quan Huyện phải không?
– Thưa, phải.
– Cô tên chi?
– Thưa, tôi tên Phi Phụng
– Ờ phải, hôm trước tôi hỏi thăm thì họ nói tên đó, nhưng tôi không nhớ.
Người đàn bà đứng ngó Phi Phụng trân trân rồi nói một mình: „Phải, gương mặt nó giống ổng hồi còn trai quá“. Duy Linh đứng dang ra, song cặp mắt chẳng hề rời người lạ ấy. Phi Phụng tuy bỡ ngỡ, nhưng muốn biết coi người ấy là ai, nên hỏi:
– Thưa bà, bà là ai mà biết cha tôi và tôi?
Người đờn bà ấy ngó thấy dựa mấy tủ kiếng đựng giày có một cái ghế mây liền đi lại đó ngồi, rồi mới nói:
– Qua đây là mẹ lớn của con, tại thuở nay con không gặp lần nào, nên con không biết. Mà có lẽ hồi ba con sanh tiền có nói chuyện qua cho má con hay chớ?
Phi Phụng với Duy Linh đều chưng hửng, nên ngó nhau lặng thinh không nói chi hết. Phi Phụng biết người nầy là mẹ Tú Cẩm, cô càng ái ngại, không hiểu đến tìm để nói chuyện gì, nên trong lòng cô lo sợ. Duy Linh bước lại nói:
– Té ra bà đây là chánh thất của bác Huyện hồi trước phải hôn? Tú Cẩm lãnh gia tài được rồi ảnh kiếm bác mà về chung hưởng với ảnh, ảnh ở được như vậy là khá quá!
Người đàn bà ấy đáp rằng:
– Phải! qua đây tên là Lưu Mỹ Lệ chánh thất của quan Huyện hồi trước. Con trai của qua đẻ qua đặt tên là Huỳnh Tú Cẩm, qua khai quan Huyện là cha nó, thiệt có như vậy. Nhưng mà con qua nó đã chết hồi nó mới được 3 tuổi, người xưng là Tú Cẩm rồi kiện gia tài đó không phải là con qua đâu.
Duy Linh vừa nghe tới đó vùng la lớn:
– Húy! Cha chả! Nếu vậy thì tòa xử lầm rồi! Mấy năm nay quân gian nó lập kế đoạt sự nghiệp hết để cho em tôi cực khổ thiệt oan ức quá.
Phi Phụng biến sắc, vừa muốn hỏi thăm bà Lưu Mỹ Lệ cho rõ mọi việc, bỗng có ba thầy dắt nhau vào tiệm hỏi giày mua. Duy Linh thấy việc quan trọng, mà trong tiệm khách ra vô lộn xộn không thể nói được, bèn biểu Phi Phụng mời bà Lưu Mỹ Lệ bước thẳng lên lầu, đặng thanh vắng nói chuyện cho dễ.
Duy Linh lấy giày bán cho ba thầy rồi, bèn biểu thằng Cử với người phụ bán coi tiệm, rồi cùng Phi Phụng với Mỹ Lệ lên lầu. Duy Linh mời bà Lưu Mỹ Lệ ngồi còn Phi Phụng lăng xăng têm trầu rót nước. Lưu Mỹ Lệ cứ ngó Phi Phụng chúm chím cười hoài, coi bộ vui vẻ lắm. Duy Linh liếc coi tuổi bà đã lớn, song sắc hãy còn đẹp, môi mỏng mà miệng nói có duyên, mắt lanh mà tròng ngó chín chắn, biết tuy là người xảo quyệt nhưng lòng cũng hiểu đường chánh nẻo tà.
Duy Linh mời bà uống nước rồi nói:
– Cháu đây là con của Phạm Duy Hiển, gốc ở Chợ Lớn, anh em bạn thiết của bác Huyện hồi trước, có lẽ bác biết ông già cháu chớ?
– Ủa! Té ra thầy đây là con của chú ba Hiển đây hay sao? Qua biết lắm chớ. Hồi trước ở Chợ Lớn, ông già thầy ở khít một bên nhà qua, mà hồi đó thím ba chưa có chửa đẻ lần nào hết.
– Dạ, ông bà già cháu xuống làm ruộng dưới Bạc Liêu rồi mới sanh cháu.
– Phải! Bây giờ có nói qua mới nhớ. Hồi đó qua hư rồi, ở nhà qua ổng giận bỏ qua đặng đi theo hai vợ chồng chú ba xuống Bạc Liêu làm ruộng.
Lưu Mỹ Lệ thấy Phi Phụng đứng ngó mình hoài, bèn ngoắc lại biểu ngồi một bên rồi mới nói tiếp:
– Bây giờ ở đây hai đứa là con cháu không có ai xa lạ; vậy để qua thuật hết việc riêng cho bây nghe. Vã hồi quan Huyện cưới qua về thì quan Huyện mồ côi cha mẹ, còn qua thì còn có một cha già, chớ không còn mẹ; vợ chồng ăn ở với nhau được ít năm trong nhà thiếu trước hụt sau, nhưng quan Huyện không lo, cứ theo bài bạc hoài. Nhiều khi không có tiền xài, qua than phiền với chồng, chồng đã không lo tính, lại quạu quọ rầy rà. Qua bị mồ côi mẹ sớm không ai dạy biểu, lại cũng tại tánh qua nóng nảy ham gây gổ bởi vậy chồng nói một tiếng thì qua nói hai tiếng, chẳng hề khi nào chịu nhịn thua. Vợ chồng cắn đắng nhau hoài, ông huyện ổng giận bỏ nhà đi luôn. Phận qua là vợ, lẽ ra qua phải lấy lời dịu ngọt êm ả để xin lỗi đặng cho chồng về ở nhà lo làm ăn mới phải. Lúc nhỏ qua dại, qua không thấy rõ đường quấy nẻo phải, nên qua đã không tính hòa thuận, mà lại còn oán hận chồng, rồi sanh tâm làm quấy nữa. Hơn mười năm nay hễ qua nhớ tới sự đó thì qua hối hận vô cùng…..
Lưu Mỹ Lệ nói tới đó thì ứa nước mắt. Duy Linh thấy người biết ăn năn thì động lòng lắm, nên ngồi lặng thinh chờ nghe nói nữa, không dám xen hỏi lộn xộn. Lưu Mỹ Lệ lấy khăn trong túi ra lau nước mắt, rồi nói tiếp: „Quan Huyện hay qua làm việc xấu như vậy thì tức tủi hổ ngươi chịu không nổi, song không trách qua một tiếng nào hết; may lúc ấy có hai vợ chồng chú ba đi làm ruộng dưới Bạc Liêu về thăm nhà, ổng mới bỏ qua mà đi theo, qua biết lỗi nên qua không dám nói chi hết. Ổng đi được ba tháng, qua đẻ một đứa con trai tại nhà bảo sanh, họ buộc phải khai sanh, tuy qua biết cha đứa nhỏ không phải là ổng, song qua không biết phải khai tên ai, nên qua trình hôn thú rồi qua quyết khai tên ổng. Lại đặt tên đứa nhỏ là Huỳnh Tú Cẩm. Nói cho phải, ông già qua ngay thẳng lắm, ổng rầy rà đánh chửi không cho trở về nhà. Qua không có chỗ nương dựa túng thế phải đi lấy chồng Tây đặng có tiền mướn vú nuôi con. Ở như vậy được bốn năm, ông Tây của qua đổi ra Bắc Việt, qua dắt con đi theo. Qua ra Hà Nội được có một năm, kế nghe tin ông già qua mất. Qua lấy làm buồn rầu, chừng ấy qua mới biết lỗi của qua chớ từ khi vợ chồng xa cách nhau cho tới đó, qua bị ham vui nên quên hết việc nhà, nên qua không biết sự qua làm ngày trước là sự nhơ nhuốc cho tông môn, sự buồn rầu cho chồng. Qua thấy mặt thằng Tú Cẩm của qua chừng nào, qua càng ăn năn hổ thẹn chừng ấy, nên nó mới tám tuổi qua lật đật bỏ nó vào nhà trường, chớ không muốn nó ở nhà, việc thật là rũi ro, nó vào trường chưa được nửa năm kế mang bịnh bỏ mình.
Lưu Mỹ Lệ ngừng lại nữa. Phi Phụng thở dài rồi hỏi rằng:
– Té ra anh Tú Cẩm chết ngoài Hà Nội hay sao? Mà dì đi về trong nầy hồi nào. Sao dì biết con mà kiếm?
Lưu Mỹ Lệ thấy ý Phi Phụng nóng nghe nên nói tiếp:
– Ðể thủng thẳng dì nói tiếp cho con nghe. Cách năm năm nay dì có về Sài Gòn một lần. Dì hỏi thăm mấy người quen thì họ nói cha con ở dưới Bạc Liêu nhờ ruộng mà làm giàu, lại đụng vợ khác có sanh được một người con gái. Dì nghe như vậy thì lấy làm mừng cho cha con, chớ nếu dì nghe cha con nghèo nàn cực khổ thì chắc là dì buồn lắm. Chẳng nói dấu con làm chi, dì ra Bắc Việt gần hai mươi năm, dì tiện tặn nên lúc dì về Sài Gòn dì có vốn liếng được năm bảy ngàn, trước khi về dì có tính nếu cha con mà nghèo thì dì sẽ chia cho phân nửa đặng có vốn làm ăn làm như vậy cũng như dì chuộc bớt tội lỗi ngày xưa, chớ gia đình tan rả là tại dì. Mà dì để cha con bần hàn còn thân dì sung sướng thì dì chịu sao được. Chẳng dè nghe cha con đã làm giàu rồi thì dì hết lo, song dì buồn, bởi vì hễ giàu thì dì làm sao mà giúp đỡ đặng chuộc tội.
Dì mới trở ra bắc nữa. Hôm Tết ông Tây của dì đúng kỳ hưu trí nên về Tây, nhứt định không trở qua nữa. Ông thâu góp tài vật mà bán rồi cho dì ít ngàn đồng bạc đặng dì về xứ ở. Dì có vốn riêng lại có thêm bạc ấy nữa, nên cách đây hai tháng dì trở về Sài Gòn, mua một cái nhà trong xóm Gà ở. Dì ở yên ổn rồi, hôm đầu tháng nầy dì xuống Bạc Liêu tính tìm cha con đặng thăm, chẳng dè xuống tới đó họ nói cha con đã chết hơn hai năm rồi, gia tài bị đứa con người vợ lớn tên là Tú Cẩm đoạt hết, má con buồn rầu bỏ mình. Còn con thì bơ vơ bây giờ đụng một người buôn bán có tiệm lớn tại đường Espagne.
Phi Phụng nghe tới đó hổ thẹn cúi đầu. Duy Linh nói:
– Thưa bác họ thấy con hai nó ở đây với cháu họ nghi quấy quá như vậy, chớ không phải như vậy đâu. Để bác nói hết chuyện của bác rồi con hai nó kể chuyện của nó cho bác nghe.
Lưu Mỹ Lệ liếc Duy Linh, miệng chúm chím cười nói:
– Họ nói như vậy thì bác nghe như vậy, chớ bác có hiểu lầm?
Bà lại day qua nói với Phi Phụng:
– Nầy con, dì nghe nói Tú Cẩm kiện đoạt gia tài của con, thì dì chưng hửng, mà rồi dì giận quá không biết thằng nào ở đâu cả gan dám mạo tên giựt của người ta như vậy. Tuy dì giận, song dì làm tỉnh, quyết về Sài Gòn tìm cho được con mà hỏi công chuyện cho rõ ràng rồi thưa với tòa còng đầu đứa gian bỏ tù đặng cho nó biết chừng. Con biết mặt thằng đó hay không? Nó đi đâu không biết, họ nói nó không ở dưới Bạc Liêu nữa. Dì có đến nhà lầu kiếm, để coi mặt nó, thì có vài đứa đầy tớ ở giữa nhà chớ không có chủ.
Phi Phụng tiếp:
– Phải. Bây giờ nó ở trong Chợ Lớn. Nay có dì ra con mới dám nói. Thiệt mấy năm nay con nghi người đó không phải anh con, bởi vì nếu nó là anh con thì nó cũng giống ba con chút đỉnh, chớ có lẽ nào mình mẩy tay chân, tánh ý đều khác hẵn như vậy.
Lưu Mỹ Lệ cúi mặt xuống và nói:
– Nó giả mạo mà giống nỗi gì? Nếu dầu Tú Cẩm thiệt đi nữa, cũng không giống được. Thằng nầy nó làm sao mà đoạt hết gia tài đâu con nói cho dì nghe thử coi.
Phi Phụng bèn kể đầu đuôi sự việc lại cho Lưu Mỹ Lệ nghe. Cô cũng thuật luôn chuyện Tú Cẩm dụ dỗ đem về ở trong Chợ Lớn, rồi nửa đêm toan cưởng bức nên cô phải chạy ra đây trú ngụ. Lưu Mỹ Lệ nghe rồi bèn thò tay vào túi móc ra một xấp giấy, lựa lấy hai tờ để trên ván và nói:
– Dì có tờ khai sanh của thằng Tú Cẩm ở Chợ Lớn, mà cũng có bổn khai tử của nó ngoài Hà Nội nữa đây. Vậy mà họ dám cả gan mạo danh tánh đặng đoạt sự nghiệp của người ta chớ.
Duy Linh bước lại lấy hai tờ cầm coi rồi nói:
– Thưa bác, sự nghiệp của bác Huyện hồi trước nhiều lắm, huê lợi ruộng đất mỗi năm góp tới 50 ngàn giạ lúa. Mấy năm nay họ giựt hết nên con hai linh đinh nghèo khổ tội nghiệp vô cùng. Nay nhờ có bác nói ra hai anh em cháu mới biết. Vả con hai bây giờ mồ côi, bác cũng như mẹ, vậy xin bác làm phước cứu nó, thì ơn nghĩa của bác dầu ngàn ngày nó cũng không dám quên. Cháu xin bác cho cháu mượn tờ khai sanh với tờ khai tử nầy đặng cháu đến quan Biện lý mà kiện. Tòa có đòi xin bác chịu khó đi làm chứng dùm, hễ được việc rồi dầu bác muốn bạc tiền bao nhiêu cháu cũng biểu con hai đền ơn cho bác đủ số.
Lưu Mỹ Lệ nghe nói thì châu mày đáp:
– Cháu nói sao vậy? Cháu tưởng vì bác muốn ăn tiền đó nên bác mới đi tìm nó đây hay sao? Không phải như vậy đâu. Hôm bác xuống Bạc Liêu bác nghe chuyện đó trong lòng bác đã quyết làm cho ra lẽ ngay gian, đặng trước là trừ đứa bất lương, sau nữa cứu con Phi Phụng. Hổm nay, bác chưa vào đơn trong tòa mà kiện, ấy là bác muốn kiếm cho được con Phi Phụng đặng hỏi cho ra đầu đuôi. Và hỏi coi thằng đó bây giờ ở đâu mà chỉ cho quan Biện Lý bắt, chớ nào phải có ý gì khác đâu. Hồi bác nhỏ, bác có lỗi với cha nó nhiều lắm, vậy ngày nay bác phải hết lòng cứu nó đặng chuộc tội của bác ngày xưa. Cháu đừng có lo, cháu để cho bác tính cho. Sáng mai bác giao giấy tờ cho trạng sư họ làm một chút thì xong, có khó chi đâu.
Phi Phụng cảm tình nên khóc:
– Dì có lòng thương như vậy thì con nguyện kính mến gì như mẹ đẻ, con sẽ theo phụng sự dì trọn đời, cũng như con ruột của dì vậy
Lưu Mỹ Lệ nghe nói động lòng cũng khóc òa.
Duy Linh thấy hai mẹ con đương trìu mến nhau, liền đứng dậy bỏ đi xuống dưới, coi cho kẻ ở đóng cửa tắt đèn, rồi trở lên thưa Lưu Mỹ Lệ:
– Thưa bác, đã mười một giờ khuya. Vậy xin bác ở lại đây đặng nói chuyện chơi với con hai, kẻo mấy năm nay nó sầu thảm vô cùng, mà chưa hề gặp được một người kính yêu đặng thổ lộ can tràng cho giải bớt nỗi sầu áo não.
Lưu Mỹ Lệ chịu ở lại, Phi Phụng lật đật quét ván, trải nệm giăng mùng, ôm gối lăng xăng. Ba người lúc mới gặp nhau bỡ ngỡ bao nhiêu giờ đây lại càng tin cậy bấy nhiêu, bởi vậy kẻ nói chuyện nầy, người thuật chuyện kia không dứt. Có lúc nhắc tới sự Tú Cẩm thì Phi Phụng nói rằng: „Bây giờ tôi hiểu ý nó rồi. Nó mạo danh mà đoạt của, sợ ngày sau bể chuyện bị đi đày, nên nó quyết làm vợ chồng với tôi, hễ tôi mà làm vợ nó, thì khỏi sợ ai thưa kiện nữa. Nếu nó không có ý đó, thì sao lúc mới xuống Bạc Liêu mà ở, nó lại giả bộ mơn trớn trìu mến tôi làm chi? Tôi biết rồi, tại ý đó nên mới kiếm chuyện mà dứt căn duyên của tôi, nó không cho má tôi gả tôi cho Thủ Hiệp, tôi mắng lộn với nó, nó thâu hết gia tài đặng Thủ Hiệp chê tôi nghèo rồi đi cưới vợ khác.
Chừng tôi xuống Cái Cùng ở riêng, nó lại theo năn nỉ biểu tôi về hoài, mấy cách tử tế của nó đều là để dụ tôi, chớ không phải nó thiệt lòng thương em út đâu! Phải rồi, nó với tôi có tình anh em bà con gì đâu mà ngại, bởi vậy ở Chợ Lớn nó mới trổ tài cưởng bức tôi đó chớ! Quân khốn kiếp thật!
Duy Linh gật đầu đáp:
– Nó khốn nạn thật, mà nó cũng có trí lắm đa em à. Rủi nó gặp em là gái chín chắn, nên kế nó không thành được, chớ gặp người bị mưu nó rồi, thì bác đây có giấy tờ, bằng cớ bao nhiêu nữa cũng phải bỏ qua chớ không biết nói sao được.
Lưu Mỹ Lệ nghe Duy Linh nói như vậy thì đứng dậy cãi rằng:
– Cháu nói sao vậy? Ví dầu con hai mà làm vợ nó rồi, qua trình giấy tờ nó cũng bị tội giả nữa chớ.
– Thưa phải, nếu bác đến tòa kiện thì nó bị đi đày. Song nó đã là chồng con hai lỡ rồi, bác nỡ nào đi kiện làm cho con hai biết lầm rồi hổ thẹn hay sao?
Lưu Mỹ Lệ suy nghĩ một hồi rồi khen Duy Linh nói phải. Duy Linh day qua nói với Phi Phụng:
– Nầy em, xưa rày qua thấy nó nhịn thua, nó bị qua một chuyến rồi thụt mất, không dám léo đến nói tiếng chi nữa hết, qua lấy làm lạ. Bây giờ qua mới hiểu nó có tịch, sợ tới tòa rồi bể chuyện giả mạo của nó, nên nó chịu thua đó chớ gì. Phi Phụng cũng cho lời luận của Duy Linh là trúng.
Ba người đàm luận đến hai giờ khuya mới ngủ. Sáng bữa sau Lưu Mỹ Lệ đến trạng sư kể hết mọi việc gian dối cho Tú Cẩm rồi trao khai tử cho trạng sư xem. Trạng sư liền làm đơn vào tòa thưa cho quan Biện Lý hay rồi xin bắt giam tên Tú Cẩm giả và tịch ký hết thảy tài sản giao lại cho Phi Phụng. Quan Biện Lý chấp đơn rồi phú cho thẩm án tra xét. Quan thẩm án xuất trác bắt Tú Cẩm đến, mới hỏi sơ thì biết anh ta mạo tánh danh mà đoạt sự nghiệp của người ta, nên làm giấy giam và niêm hết gia tài nhà cửa.
Tú Cẩm có mua một cái nhà ở trên đường Tháp Mười và có mướn một căn phố ở dựa đường xe lửa Mỹ Tho. Tòa niêm đủ và đóng cửa luôn hai chỗ đó. Cô Ba Kiềm hay việc thì kinh hãi, khóc mà đi về nhà ông bá hộ Bảy, không lấy được một món đồ chi hết.
Quan thẩm án tra ra thì thiệt đứa gian nầy tên là Lý Văn Khoan, gốc ở Xóm Củi (Chợ Lớn), từ nhỏ chí lớn, chuyên có một nghề bài bạc, chớ không có làm nghề chi khác. Khi nó được 21 tuổi, mướn phố ở Bình Tây để chứa me, có bị lính bắt một lần, rồi tòa tiểu hình kêu án 20 ngày tù và 2000 quan tiền vạ. Bởi nó ở Chợ Lớn có nghe nói chuyện ông Huyện Hàm Tú Phan ở với vợ lớn có một đứa con trai, mà người vợ dắt đứa con đi mất hơn 20 năm không về, nên khi nó nghe ông Huyện Hàm chết nó mới xin sao lục khai sanh rồi xuống Bạc Liêu mạo xưng là Huỳnh Tú Cẩm đặng xin chia gia tài. Sở tâm của nó thì tính xin chia thôi, may nhờ Phi Phụng không có khai sanh, nên tòa mới giao hết sự nghiệp cho nó, chớ thiệt nó không dè được như vậy.
Quan thẩm án xét nó đủ tội mạo danh tánh đặng giựt gia tài, liền giải nó lên tòa đại hình đặng tòa kết án.
Qua ba tháng, tòa đại hình nhóm xử, có đòi Phi Phụng với Lưu Mỹ Lệ đến làm chứng. Bữa ấy Duy Linh cũng đi theo Phi Phụng với Lưu Mỹ Lệ đến tòa đặng nghe coi tòa kết án thế nào. Đúng 7 giờ, ba người bước vô tòa, thấy thiên hạ chộn rộn trước cửa, bèn đi kiếm chỗ đứng đợi đến giờ xử sẽ vô.
Duy Linh dòm thấy Phước Đằng với cô Hai Thanh đương ngồi trên ghế phía tay mặt đang nói chuyện với cô Ba Kiềm. Duy Linh chỉ cho Phi Phụng coi rồi dắt nhau bước lại chào vợ chồng Phước Đằng và cô Hai Thanh, ý muốn chào thêm cả cô Ba Kiềm, ngặt vì cô day mặt chỗ khác làm lơ, nên không chào được. Vợ Phước Đằng cứ ngó Phi Phụng hoài, bộ như muốn nói chuyện chi đó song ái ngại nên lặng thinh.
Cách một hồi Phi Phụng nghe Mỹ Lệ kêu, lật đật đi lại để nói chuyện với trạng sư. Vợ Phước Đằng bèn nói với Duy Linh:
– Nầy cháu, thằng Tú Cẩm bị tòa xử đại hình bữa nay đó, nó là chồng của con ba đây. Cháu thân thiết với con Phi Phụng, vậy cháu làm phước nói giùm với nó đừng có buộc tội lắm tội nghiệp, nghe hôn cháu? Hổm nay con ba nó muốn cậy cháu nói dùm chuyện đó, nhưng vì nó sợ nói không đắt lời nên không dám đến.
Duy Linh nghe lời năn nỉ trong lòng đã bất nhẫn rồi, dòm thấy cô ba ngồi tỉ tê khóc, anh ta lại càng động tâm, nên cúi mặt xuống đất đáp:
– Thím vì thương cô ba nên cậy việc đó, không lẽ cháu không vâng lời, ngặt vì trong vụ nầy bây giờ về phần quan chưởng lý buộc tội, chớ không phải Phi Phụng, bởi vậy cháu sợ nói cũng không ích gì.
Cô Hai Thanh vừa muốn xen vô nói, bỗng nghe trưởng tòa cầm giấy ra kêu tên mấy người chứng vô trong ngồi. Duy Linh liền đi vô, vợ Phước Đằng, cô Hai Thanh và cô Ba Kiềm cũng đi vô theo một lượt. Duy Linh thấy Tú Cẩm ngồi gần mười mấy tội nhân khác, cứ gục mặt xuống bàn không dám ngó ai hết, còn cô Ba Kiềm thì ngồi nước mắt tuôn đầm đìa.
Toà hỏi phạm nhân, hỏi chứng xong rồi thì quan Phó Chưởng lý đứng dậy buộc tội. Trạng sư của Tú Cẩm cãi một hồi rồi Toà vô phòng đặng nghị án. Cách chẳng bao lâu Toà ra đọc án, ai nấy lẳng lặng đón nghe Toà định án Lý Văn Khoan 5 năm cấm cố.
Trạng sư của Mỹ Lệ làm đơn qua Toà hộ xin Toà định uỷ án trước và giao gia tài của Huỳnh Tú Phan lại cho Phi Phụng hưởng. Giấy tờ làm không đầy một tháng thì xong xuôi hết.
Từ ngày Toà đại hình kêu án Lý Văn Khoan rồi thì Phi Phụng với Mỹ Lệ vui mừng, mẹ con thân thiết với nhau lắm. Mỹ Lệ dắt Phi Phụng về nhà ở trong Xóm Gà chơi hoài. Duy Linh hễ thấy mặt Phi Phụng thì vui cười như thường, mà hễ ngồi một mình thì hay ngó sững, bộ như người đương mắc lo tính công việc chị vậy.
Phi Phụng được án Toà cho hưởng gia tài rồi, bèn cậy Duy Linh vô Chợ Lớn coi mướn người dọn dẹp đồ đạc ở căn buồng dưới đường xe lửa đem về nhà ở đường Tháp mười. Chừng Duy Linh nói rằng anh ta có bịnh nên đi không được, túng thế Phi Phụng phải cậy Mỹ Lệ dắt mình đi làm việc đó.
Chiều bữa ấy vợ Phước Đằng với cô hai Thanh ghé tiệm thăm Duy Linh, không thấy Phi Phụng, vợ Phước Đằng hỏi:
– Cô hai ở nhà đây cô đi đâu vậy cháu?
– Thưa. Nó đi vô Chợ Lớn coi thâu xếp đồ đạc để dọn về một chỗ đặng mướn người ở giữ cho dễ.
– Bữa nay thím mới cho cháu biết; tội nghiệp con ba Kiềm quá, nó thấy thằng nọ giàu nó tưởng là người tử tế nó ưng lắm, bây giờ nó ăn năn nên khóc hoài. Còn một việc nầy nữa, là áo quần vàng chuỗi hôm trước nó để trong tủ. Toà dạy niêm thình lình nó lấy ra không kịp, bây giờ không biết làm sao lấy lại. Nó thấy mặt cháu nó hổ thẹn nên không dám ra, nó cậy thím ra nói với cháu làm ơn nói giùm với cô hai trả đồ của nó lại cho nó, nếu được vậy thì nó mang ơn cháu lắm.
Duy Linh ngồi suy nghĩ chưa kịp trả lời, kế cô hai Thanh hỏi:
– Anh hai, thiệt từ hồi đó đến bây giờ anh với chị Phi Phụng không có tình tự gì với nhau hay sao? Em coi bộ chỉ thân thiết với anh quá, thôi anh nói mà cưới phứt cho rồi, để họ cưới ăn gia tài uổng lắm. Lúc chỉ suy sụp chỉ nhờ anh, lẽ nào bây giờ chỉ giàu có chỉ lại phụ lòng anh hay sao mà sợ.
Duy Linh cười:
– Em tính như vậy sao cho được…
Duy Linh mới nói mấy lời, kế thấy xe hơi ngừng ngoài cửa, kế Phi Phụng xuống xe bước vô. Phi Phụng gặp vợ Phước Đằng thì mừng rỡ chào hỏi lăng xăng. Cô hai Thanh cũng vui cười theo hỏi thăm Phi Phụng coi bây giờ tính ở đâu, chớ không phải làm lơ như lần trước. Phi Phụng đáp:
– Tôi cũng còn ở đây rồi thủng thẳng sẽ tính với anh hai tôi coi ảnh định cho tôi ở đâu. Nầy anh, dì với tôi đã ghé tiệm trên lầu đặt một cỗ đồ ăn chệt rồi, dì biểu tôi đi xe hơi về rước anh vô ăn với dì. Sẵn có thím và cô hai đây, vậy tôi cũng xin mời thím với cô hai đi luôn vô ăn cơm với tôi cho vui. Cái xe hơi nầy là xe của ba tôi mua hồi trước. Thằng đó nó có mua thêm một cái xe nhỏ nữa. Cái xe nhỏ còn mới hơn, song hồi nãy tôi muốn đi xe của ba tôi nên tôi mới đi xe nầy.
Vợ Phước Đằng với cô hai Thanh chịu đi. Duy Linh không lẽ từ, nên phải nhận lời rồi dắt nhau lên xe vô Chợ Lớn. Lúc đi học đường vợ Phước Đằng thấy Phi Phụng vui vẻ nên đem chuyện cô ba Kiềm muốn xin quần áo vòng xuyến lại thuật cho cô nghe.
Phi Phụng nghe nói cũng động lòng thương, nên ăn cơm rồi cô mời hết đi lại nhà rồi cô mở cửa soạn tủ áo quần và đồ nữ trang đưa hết cho vợ Phước Đằng, mượn đem về trao cho cô ba Kiềm, cô lại gởi 500 đồng bạc cho thêm nữa.
Cô đếm hết trong tủ còn được bảy ngàn rưỡi, cô đem ra xe trở về Sài Gòn, còn nhà thì cô mướn người ở giữ. Về tới tiệm rồi cô cho xe hơi đưa mẹ con cô hai Thanh về Cầu Kho, còn Mỹ Lệ thì cô cầm ở lại ngủ đặng bàn tính việc nhà giùm cô.
Trong đêm ấy Mỹ Lệ với Duy Linh đồng khuyên Phi Phụng phải về ở nhà lớn dưới Bạc Liêu đặng phụng thờ cha mẹ và coi cho mướn ruộng đất, còn cái nhà trong Chợ Lớn thì để đó, khi nào lên chơi có chỗ ở cho tiện. Phi Phụng nài xin Mỹ Lệ với Duy Linh theo về Bạc Liêu ở với cô, cô nói rằng cô nhờ hai người nên ngày nay cô muốn hai người chung hưởng với cô chớ cô không chịu hưởng một mình.
Lưu Mỹ Lệ thấy cô quyến luyến quá nên bằng lòng. Cô bèn khuyên bà bán phứt cái nhà trong Xòm Gà, vì hễ ở với cô thì cái nhà ấy để phải tốn tiền mướn người giữ không có ích gì.
Duy Linh dục dặc không về Bạc Liêu, nói rằng cuộc buôn bán ngày nay đã đồ sộ kinh dinh, nếu đẹp thì uổng công phu gầy dựng, còn nếu để tiệm bỏ về ở dưới Bạc Liêu thì không ai coi, chắc phải hư hao. Duy Linh ngồi nói đoan chánh, còn Phi Phụng thì cứ theo mơn trớn, bơm dỗ hoài, cô nghe Duy Linh tính lợi hại như vậy thì cứ đáp:
– Anh có việc chi phiền em hay sao mà anh không chịu về Bạc Liêu ở với em? Ngày em buồn rầu khốn khổ trong thiên hạ ai cũng tính gạt em hết thảy, duy có anh thiệt tình thương mến em, nên lo bảo hộ cho em thôi. Hôm nay em hết khổ rồi sao anh lại làm lơ cho đành? Hay là anh sợ em giàu rồi em thay lòng đổi dạ? Nếu anh tưởng như vậy thì buồn lắm. Bụng em chẳng phải như bụng thiên hạ vậy đâu. Người phải mới thiệt quí, chớ tiền bạc có nghĩa chi. Anh theo em về Bạc Liêu ở, ruộng đất của em anh muốn lấy bao nhiêu anh cho mướn cũng được. Sự nghiệp của em đó là sự nghiệp chung của dì với của anh. Xin anh đừng ngại chi hết.
Duy Linh nghe Phi Phụng nói ngon ngọt chừng nào trong lòng càng thấy ngẩn ngơ chừng ấy, song bề ngoài phải ráng làm vui, nên cười:
– Ngày nay em hết hoạn nạn rồi mà em chẳng quên anh, thiệt anh cảm tình em lắm. Nhưng vì thuở xưa đến nay anh không biết làm ruộng, về ở dưới Bạc Liêu không ích gì. Vậy em với bác về dưới ở đi, lâu lâu anh về thăm một lần cũng được, đây với đó chẳng xa xuôi cách trở gì.
Phi Phụng nài nỉ hết sức song Duy Linh cũng không chịu về Bạc Liêu. Cô hỏi nếu có cần dùng bạc làm vốn mở tiệm cho lớn thì cô để mấy ngàn đồng bạc lại cho, anh ta cũng không chịu lấy. Phi Phụng cũng không biết làm sao để tỏ tình yêu mến Duy Linh được nên lòng lấy làm buồn. Cách vài ngày Mỹ Lệ sắp đặt việc nhà xong, và Phi Phụng lên thăm vợ chồng ông Phán Kim có để ba trăm đồng bạc đặng đền ơn nuôi dưỡng mấy tháng rồi hai mẹ con mới lên xe hơi đi về Bạc Liêu. Duy Linh đưa ra xe, chừng xe chạy rồi anh ta trở vô cặp mắt ướt dầm.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.