Nhơn tình ấm lạnh

Chương 7



Mỗi ngày hễ Duy Linh thức dậy thay áo đổi quần rồi đi mất, cho tới 11 giờ mới về ăn cơm. Buổi chiều cũng vậy, từ 3 giờ đến 5 giờ chẳng có Duy Linh ở nhà. Duy Linh đi khắp các nẻo đường đặng coi có thế chi buôn bán được hay không.

Vợ chồng Phước Đằng thấy cháu còn nhỏ, lại thuở nay chưa đến Sài Gòn lần nào, tưởng nó đi sở thú, đi xem nhà hàng, đi chơi cho biết cảnh xinh thú lịch đất kinh thành nên không hỏi nó đi đâu, và cũng không nhắc tới sự xin việc làm.

Bữa nào hễ chiều ăn cơm rồi Duy Linh cũng thấy có nhiều người đến nhà chú, đàn ông có, đàn bà cũng có, người mặc đồ tử tế vào cửa lớn, còn kẻ quần vắn áo cụt thì đi vòng cửa sau. Duy Linh thấy có khách thì bỏ ra ngoài, nên không biết khách đến có việc chi.

Duy Linh đi chơi ít bữa rồi biết rằng vốn của mình có hai ngàn đồng bạc, nếu mình muốn buôn bán thì bây giờ chỉ lập tiệm hớt tóc, tiệm may hay là lập quán bán cà-fê với tạp hóa chút đỉnh thôi, chớ không thể khai tiệm lớn được.

Mà mình không biết may, nếu lập tiệm may mình phải mướn thợ rồi phú thác hết cho họ, biết họ có tử tế hết lòng với mình hay không? Lập quán cà-fê coi cũng bất tiện, bởi mình không thạo nghề ấy nên làm chắc cũng khó lời được. Còn tiệm hớt tóc hoặc may mình làm được, bởi hồi còn đi học, mình hay hớt tóc dùm cho học trò nên quen tay rồi, bây giờ mình cầm bào cầm kéo không thua gì thợ, nếu mình làm chủ thợ khó ăn qua với mình được. Ví như mình lập tiệm hớt tóc mình sẽ mua dầu thơm, nước gội, phấn dồi mặt, phấn đánh răng mình bán, lần lần rồi mình sẽ bán tới giày, vớ, nón bâu, áo sơ mi, khăn hỉ mũi, có lẽ trong ít năm mình sẽ khá. Mà bây giờ căn phố nào trống cho mình mướn để khai tiệm?

Duy Linh đang suy nghĩ tới đó lấy làm buồn, bởi vậy nên mỗi ngày đi hoài, trông chỗ nào trống có thể lập tiệm đặng sẽ mướn liền.

Cách chẳng bao lâu tới cuối tháng, lại nhằm bữa chiều thứ bảy, Duy Linh ăn cơm rồi, lúc chạng vạng tối ra ngoài đường hóng mát. Hút chưa tàn điếu thuốc bỗng thấy một cái xe kéo ngừng ngay trước cửa, người ngồi trên xe bước xuống đi thẳng vào nhà. Duy Linh đứng tránh một bên cho người ấy đi, tuy không nhìn kỹ, song thấy đầu bịt khăn đóng, mắt mang kiếng, mình mặc áo dài đen chói láng láng, dưới bận quần[1] Tây rộng ống lại đi giày vàng, tay cầm ba ton huơi lên chống xuống, đi coi bộ khoan thai lắm. Khi người ấy qua khỏi, Duy Linh mới ngồi chồm hổm dựa cửa ngó ra đường, thấy tên xa phu ngồi thở dốc hai tay nắm hai vạt áo quạt lia quạt lịa, làm xe nhúng lên nhúng xuống còn lồng đèn treo phía sau lúc lắc như gió thổi đong đưa.

Duy Linh nghe trong nhà nói chuyện om sòm, nhưng vì không để ý đến, nên không hiểu nói chuyện gì. Cách một hồi mới nghe Phước Đằng kêu nói lớn „Cháu à cháu, vô đây biểu cháu. Có ông chủ bút lại đây, vậy vô nói chuyện chơi“. Duy Linh ứng tiếng dạ, lật đật đứng dậy đi vô nhà.

Trong nhà đốt đèn sáng lòa, Duy Linh bước vô chắp tay cúi đầu chào khách, liếc coi người khách mà chú mình kêu là ông chủ bút đó, tuổi chừng 35, da trắng, miệng dài, mày thưa, càm nhọn, y phục sắc sảo, bộ tướng đoan trang. Duy Linh chào trọn lễ, nhưng người khách ngước mặt làm ngơ rồi gục gặt dầu mà thôi, chớ không thèm đứng dậy đáp lễ. Duy Linh thấy khách cao kỳ thì trong bụng không vui, song nghĩ thầm ông chủ bút là bực kiến thức cao minh, chẳng lẽ lại là người đồng bậc với mình, nên cũng không lấy đó làm hổ thẹn. Duy Linh đương bợ ngợ chưa kịp nói chi hết kế Phước Đằng nói:

–          Đó, thằng cháu tôi đó, nó ở Bạc liêu mới lên ở mấy bữa nay. Nó học khá quá mà không chịu làm việc quan, y lại muốn buôn bán. Nầy cháu, ông đây là ông Cao Minh Chiếu biệt hiệu Đại Quang, chắc cháu có nghe danh ông rồi chớ?

Duy Linh đáp rằng:

–          Dạ, thưa cháu có nghe danh ông lâu rồi, vì phận cháu quê mùa, nên không có duyên hội diện cùng ông. Nay may mắn cho cháu lắm.

Ông chánh chủ bút Cao Minh Chiếu thò tay vào túi lấy cặp kính ra kẹp ngang sóng mũi, rồi ngó Duy Linh rồi kéo tay áo cho lòi cặp măng séc[2] trắng mới ủi láng ngời, rồi nói:

–          Thầy em ở dưới Lục Tỉnh mới lên Sài Gòn mà ứng đối nghe tao nhã quá! Ở đời nầy chẳng có chi buồn hơn là thấy người đồng bang của mình chủ hướng ngày càng thêm tệ. Mấy ông thanh niên tân học bây giờ họ gặp nhau cứ nói ròng tiếng  Pháp, nói trúng cũng nói, nói trật cũng nói, họ bỏ tiếng mẹ đẻ của mình, trong ý của họ cho tiếng Việt nam quê mùa, phải tiếng  Pháp mới ra người văn minh! Tôi đây nói tiếng  Pháp dở lắm sao? nhưng gặp người Việt Nam tôi chỉ nói ròng tiếng Việt chừng nào gặp người Pháp tôi mới nói tiếng Pháp.

Phước Đằng gật đầu cười và đáp:

–          Luận như ông vậy tôi phục lắm. Người mình nói tiếng mình nghe không ngộ hay sao, cần gì phải dùng tiếng ngoại quốc.

Phước Đằng day lại thấy Duy Linh còn đứng sớ rớ bèn biểu:

–          Ngồi đó cháu, ngồi nghe ông chủ bút nói chuyện chơi. Ngồi ghế đây. Ông chủ bút đây là người cao kiến, từ ngày ông ra chấp bút viết báo Sài Gòn cho tới Lục Tỉnh ai cũng khen ngợi, danh giá ông bay khắp ba kỳ, chẳng ai không nghe danh ông. Ngồi đó cháu, ngồi đi mà, đừng ké né chi hết.

Duy Linh thấy chú nài ép, nên kéo một cái ghế dang ra ngoài ngồi.

Cao Minh Chiếu nghe lời khen ngợi coi bộ vui lòng ngó Phước Đằng nói tiếp:

–         Tôi cầm bút viết báo, tôi không phải như họ vậy đâu. Tờ báo là cái gì? Tờ báo là cơ quan để khai thông dân trí, bình phẩm nhân tình, cải lương phong tục, tỏ bày chánh ý, binh vực quyền lợi, cái nghĩa vụ của người bình bút trong tòa soạn quý hóa biết chừng nào, cái trách nhiệm của nhà ngôn luận nặng nề biết bao nhiêu! Tôi đứng trong làng báo hơn mười năm nay, bạn đồng nghiệp tôi ai cũng kiêng nể tôi, mà độc giả ai cũng yêu mến tôi, ấy là vì tôi chẳng hề khi nào rời tôn chỉ trên. Tôi không thèm làm quan, mà ông coi bây giờ có ông phủ ông huyện nào danh giá được như tôi vậy hay không?

Phước Đằng gật đầu hoài, coi bộ vừa ý lắm. Duy Linh từ thuở nay ưa đọc báo Việt ngữ, song chưa được nghe một vị chủ bút nào nói chuyện, nay nghe Cao Minh Chiếu can đảm hùng biện trong lòng lấy làm kính phục nên ngồi im lóng tay nghe.

Cao Minh Chiếu hứng chí, lấy cặp kính cầm trên tay, rồi trợn mắt chau mày nói:

–          Ông có coi kỹ mấy bài xã thuyết của tôi không? Khi thì ký tên Đại Quang, khi thì ký T. N. B mấy bài đó đều là của tôi hết thảy.

Phước Đằng đáp:

–          Mấy bài kuận của ông tôi coi kỹ lắm chớ.

Cao Minh Chiếu lại nói:

–         Tôi luận trong mấy bài «Cải Lương Phong Tục» đó họ phục quá. Ôi, còn nói: tiểu thuyết «Bể Ái Thuyền Tình» tôi đăng mấy tuần nay ai đọc cũng mê mẩn. Nhứt là độc giả Sài Gòn họ ưa tiểu thuyết của tôi lắm. Lúc nầy tôi đang khảo cứu về quốc văn, tôi tính cổ động làm sao cho nền văn minh của mình vững bền đẹp đẽ. Ông nghĩ coi, các nước bên Âu Mỹ nước nào nền quốc văn cũng rực rở, mình đứng vào bậc trí thức há làm lơ, không lo xây đắp nền quốc văn của mình hay sao?

Phước Đằng nghe nói tới đó trong long càng thêm kính phục nên khen:

–          Ông lo lắng cho xã hội quá như vậy, công của ông thiệt lớn không biết chừng nào.

Cao Minh Chiếu chúm chím cười và tính nói nữa bỗng nghe Duy Linh hỏi:

–          Thưa ông, ông mới nói ông lo cổ động đặng làm cho quốc tự được bền vững đẹp đẽ. Ông tính việc đó hay lắm; nhưng không biết ông cổ động cách nào?

Minh Chiếu ngó Duy Linh đáp:

–          Thầy không hiểu, nước mình không phải không có quốc văn. Mấy bộ truyện như Kim Vân Kiều, Nhị Độ Mai, Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm, Lục Vân Tiên là những bộ sách văn chương lỗi lạc, ý tứ thâm trầm, xét coi văn chương chẳng kém văn nước nào hết.

Đồng bang ta không để ý đến, mấy ông cựu học trò giỏi chữ Hán, bây giờ mấy ông tân học họ giỏi chữ Pháp lại cứ dùng chữ Pháp, họ cũng không chịu dùng quốc văn, bởi vậy quốc văn của ta lu mờ hoài, nay tôi tính cổ động là cổ động cho người mình dùng chữ mình, đặng làm cho nền quốc văn vững bền đẹp đẽ.

–          Thưa ông, ông là bậc cao minh trí trức, tôi kính phục ông lắm. Nhưng tôi muốn tỏ ý tôi chút đỉnh cùng ông chẳng hay ông có cho phép hay chăng?

–          Không mà, thầy em muốn phô diễn điều chi xin cứ việc nói ngay đi, có chi đâu mà ngại. Tôi ưa cãi lẽ lắm, có cãi lẽ mới nảy ra ý chớ.

–          Thưa thầy, ông tính cổ động khuyên lơn người mình phải dùng chữ mình là chữ quốc ngữ, đặng làm quốc văn thịnh phát, ý nghe hay thật ngặt cách làm coi có chỗ khó lắm.

–          Sao thầy gọi là khó?

–          Thưa, khó là vầy: Ở Việt nam bây giờ trong số một trăm người, một người biết chữ Tàu, vài người biết chữ Tây, 27 người biết chữ quốc ngữ mà thôi, còn lại 70 người dốt đặc không biết thứ chữ nào hết. Mà hai người biết chữ Tây ấy họ cũng biết chữ quốc ngữ nên nếu họ muốn viết chữ quốc ngữ cũng được chớ chẳng phải không. Vậy bây giờ muốn cho mọi người đều dùng chữ quốc ngữ dầu cổ động cho mấy đi nữa sợ cũng không công hiệu được, bởi 70 người dốt đặc đó họ không có biết viết biết đọc chữ quốc ngữ đâu mà dùng. Tôi tưởng hay hơn hết là ông yêu cầu chánh phủ lập trường học cho khắp mọi nơi, và cổ động cho các bậc trí thức hiệp lại với các nhà tư bổn lập thêm trường riêng nữa, làm như vậy trong năm mười năm người mình điều biết chữ quốc ngữ hết, chừng ấy ông không cần cổ động tự nhiên họ cũng dùng chữ quốc ngữ.

–          Thầy nói nghe cũng có lý. Nhưng mình cầm viết mà viết báo mình phải cổ động chớ.

Duy Linh chúm chím cười rồi nói tiếp:

–          Thưa ông, dầu hết thảy mọi người Việt Nam đều biết đọc biết viết chữ quốc ngữ, tôi sợ nền quốc văn của mình cũng không rực rỡ được.

–          Sao vậy? Thầy nói cái đó mới kỳ đa!

–          Thưa ông, theo ngu ý của tôi, trong các nước văn minh bên Âu hay bên Mỹ, ngày nay thấy nền quốc văn của họ nguy nga rực rỡ đó, là nhờ họ có văn nhân đông, có nhiều bác sĩ, mỗi vị đều gia tâm đặt sách vở truyện lưu truyền đời nầy sang đời kia nên mới được như vậy. Trong nước mình bây giờ mọi người đều biết quốc ngữ, mà biết là đọc cho xuôi câu, biết viết trúng vấn đề mà thôi, còn học thức không chi hết tôi sợ viết một bức thơ e cũng không xong. Có tài trí gì mà làm sách vở hay như truyện Kim Vân Kiều, trông gì giúp nền quốc văn cho rực rỡ được.

Cao Minh Chiếu ngồi lặng thinh một hồi rồi ngó Phước Đằng mà nói:

–          Thầy em đây nghị luận nghe được quá. Mà nói nghe cũng thanh nhã như lời nói của mấy người viết báo,

Minh Chiếu lại day qua hỏi Duy Linh.

–          Thuở nay thầy có viết bài ấn hành vào tờ báo hay không?

–          Thưa không, tôi học sơ thiển quá, nên đâu dám múa men nơi trường nghị luận.

–          Hứ! Thầy biết nói tiếng đó, là viết báo được rồi, chớ còn đợi cho có tài làm chi nữa. Nãy giờ tôi nghe thầy dùng mấy tiếng „thạnh phát”, „cao minh”, „trí thức”, „văn minh Âu Mỹ”, „trường nghị luận“đó là giỏi quá.

–          Thưa, tôi đọc báo tôi thấy mấy ông viết báo hay dùng mầy tiếng ấy nên tôi mới bắt chước nói, chớ có trau dồi quốc văn đâu mà giỏi.

–          Mà thuở nay thầy có hay viết quốc văn hôn?

–          Thưa, viết quốc văn là sao? Viết chữ quốc ngữ đó phải không?

–          Ừ, chữ quốc ngữ đó là quốc văn chớ gì.

–          Thưa, quốc ngữ tôi viết thường

–          Ờ, nếu thầy có rảnh viết thử ít bài luận rồi gởi cho tôi dượt[3] thử coi, như được thì tốt bằng có chỗ nào sai tôi sửa cho rồi đăng báo.

Phước Đằng nghe Minh Chiếu khen Duy Linh trong bụng mừng thầm nên nói:

–          Nếu ông vui lòng dạy bảo nó để tôi biểu nó tập viết. Ông liệu thử coi nếu nó viết được, ông có thể nào đem nó vô báo quán giúp đở bài vở cho ông được hay không?

Minh Chiếu đứng dậy bỏ cặp kiếng vào túi và đáp:

–          Được, nếu thầy viết được tôi nói với ông tổng lý cho thầy vào làm ngay.

Minh Chiếu móc bóp phơi lấy 20 đồng bạc giấy đưa cho Phước Đằng và nói nho nhỏ:

–         Tôi mới lãnh lương nên mới lật đật đem vô cho ông đây.

Phước Đằng cười và cũng đáp nho nhỏ:

–         Ông gấp quá mai mốt cũng được mà.

Minh Chiếu cáo từ ra về. Phước Đằng đưa ra khỏi trước cửa, chừng Minh Chiếu lên xe đi rồi mới trở vô nhà.

Vợ Phước Đằng ở sau mới bước ra hỏi chồng:

–          Ông chủ bút có đưa tiền hay không?

–          Có, ổng đưa rồi.

–          Ông còn góp mấy tháng nữa mới hết?

–          Ba tháng.

–          Nghe nói ổng ăn lương trên một trăm đồng làm giống gì hết mà phải hỏi tiền góp như vậy.

–          Má nó hỏi cái đó mới thiệt là kỳ đó: Người ta làm chánh chủ bút, giao thiệp rộng, quyền thế nhiều, bước ra khỏi nhà phải đi xe, mà đi xe cũng phải ngồi hạng nhứt. Ăn xài cho xứng danh giá của mình tự nhiên phải túng thốn, cái đó có lạ gì đâu.

–          Tôi nói chuyện trong nhà nghe chơi vậy thôi, chớ tiền của ổng ổng xài, ổng vay bạc của mình mình ăn lời, chớ can chi đâu mà sợ.

–          Ổng có tánh khoe khoang, song ổng khá hỏi tiền hễ tới ngày thì đóng góp không để trễ như họ.

–          Nầy tôi nói cho mình hay thầy Bảy Vàng thầy tính giựt mấy chục đồng bạc đó đa! Bạc đã tới kỳ năm sáu bữa rày rồi mà thẩy không chịu góp. Từ hôm qua tới nay tôi sai con Sảnh lại nhà thẩy đòi, thẩy trốn đi lỗ nào không biết. Vợ thẩy lại làm mặt lạnh nói không biết tiền bạc gì mà đòi, thẩy có thiếu thì kiếm thẩy mà lôi lưng thẩy. Để mai tôi sai con Sảnh ra sở thẩy làm kéo lưng thẩy cho thẩy biết chừng.

–          Ừ, phải đòi thẩy chớ. Nếu thẩy lôi thôi tôi đưa giây cho trưởng tòa kiện rồi bắt giam thâu mất chỗ làm đa, nói cho thẩy biết.

Duy Linh ngồi nghe hai vợ chồng Phước Đằng nói những việc cho vay đòi nợ trong long không được vui nhưng vì mình ở đậu trong nhà, nên không dám chen vô nói chi hết.

Phước Đằng day lại nói với Duy Linh:

–          Nầy cháu, chú mới nghĩ một việc nầy hay lắm: cháu sợ ràng buột nên không chịu làm việc nhà nước, vậy thôi cháu ra viết báo đi. Làm nhựt trình bây giờ ăn lương đã rộng mà thiên hạ lại kêu mình là „ký giả“, tên tuổi mình bay khắp sáu tỉnh, sang trọng biết chừng nào. Làm nghề đó có lợi mà cũng có danh; còn hai ngàn đồng bạc của cháu để đây chú cho vay dùm, trong ít năm cháu sẽ lại giàu lại sang nữa. Cháu làm đi.

Duy Linh suy nghĩ, nhớ khi mình còn ở dưới Bạc Liêu thiên hạ họ đọc nhựt trình kẻ khen ông ký giả nầy, người chê ông ký giả kia, tên mấy ông ký giả thiên hạ đều biết hết thảy. Anh ta lại nhớ ông Cao Minh Chiếu ngồi đàm luận hồi nãy, lời tuy suông sẽ, nhưng chí lại không cao, mà toàn bộ làm tướng coi quan trọng lắm. Nếu mình viết báo mình nghị luận cao sâu hơn ông tự nhiên mình sang trọng hơn ông, mà mình có tiền mình không đi vay hỏi ai mình càng quý hơn nhiều. Tuy vậy thuở nay mình chưa viết một bài nào trong nhựt trình, không biết mình có viết được hay không? Duy Linh suy tới nghĩ lui bụng muốn làm ký giả, song trí sợ không viết được bài nên trả lời lôi thôi:

–          Thưa chú, thuở nay cháu không có tập viết báo, không biết cháu có viết được hay không, mà dám viết bướng.

–          Thuở nay cháu có đọc nhựt trình thường hay không?

–          Thưa chú, đọc thì cháu đọc hằng ngày, nhựt trình nào cũng đọc hết thảy.

–          Nếu cháu có đọc nhựt trình, tự nhiên cháu viết được chớ có chi khó đâu. Cháu cứ viết như họ đó là được.

–          Sợ cháu học ít quá, viết khơng bằng họ.

–          Cháu không hiểu: cháu tưởng như ông chánh chủ bút Cao Minh Chiếu đó ổng học giỏi lắm hay sao? Chú biết ổng rõ lắm, ổng không biết một chữ Tàu nào hết. Ổng viết dùng bậy cho xuôi câu mà thôi, trúng trật trối kệ. Còn chữ Tây ổng học lam nham chưa có bằng cấp sơ học. Cháu coi đó, ổng học lôi thôi quá, mà dám ra làm chánh chủ bút rồi bây giờ danh ổng nổi phao phao đó sao. Chú còn biết nhiều ông chủ bút khác cũng như vậy. Chú dám chắc cháu làm báo không thua họ đâu. Cháu làm đi. Thôi mai chiều viết thử một bài luận gì đó rồi đưa cho chú đưa cho ông Minh Chiếu coi thử, như được chú cậy ông đem cháu vô báo quán làm.

Duy Linh trong ý đã chịu rồi, song sợ không kham nỗi ngồi cười, chớ không dám tỏ lời vâng chịu.

Vợ chồng Phước Đằng vào phòng nằm nghỉ. Duy Linh nằm ngoài thổn thức suy nghĩ coi bây giờ mình phải viết một bài chi. Bởi anh ta uất ức vì căn duyên nên trong trí vừa nghĩ tới chuyện con nhà giàu sang giành nhau mà cầu hôn với Phi Phụng. Anh ta ngồi dậy lồm cồm lại bàn, viết luận về „gái phải biết kén chồng“. Anh ta đọc đi đọc lại, bôi chỗ nầy thêm chỗ nọ, chừng coi vừa ý rồi mới chép lại bỏ túi và tắt đèn đi ngủ.

Đồng hồ gõ một giờ khuya mà Duy Linh hãy còn rộn trong trí nên chưa ngủ được. Anh ta nghĩ bài luận mình viết chắc hay lắm. Anh ta viết thêm một bài nữa, song chưa biết phải giải vấn đề gì. Anh ta suy nghĩ một hồi, nhớ tới Bá Kỉnh khinh bỉ mình trong lòng phát giận nên tính sáng mai sẽ viết thêm một bài nữa luận về “Ỷ thế cậy quyền“.

Sáng bữa sau Duy Linh dậy sớm, thấy chú thím còn ngủ hết, mới lấy giấy viết thêm một bài nữa. Anh ta sữa và chép lại vừa rồi thì Phước Đằng thức dậy. Vì Duy Linh lấy việc mình đương uất ức làm đề mục đem ra luận, nên hai bài văn chương hùng hồn, lý tưởng cao sâu, song bài trước ý hơi trách kẻ sắc tài, còn bài sau ý hơi khinh người quyền thế.

Phước Đằng xem rồi khen nức khen nở, ăn cơm xong lại còn đọc cho vợ nghe nữa.

Tối hôm đó Phước Đằng dắt Duy Linh ra nhà Cao Minh Chiếu. Đọc rồi bụng ông khen thầm, nhưng sợ nếu mình khen Duy Linh tưởng giỏi nên không kiêng nể mình nên nói: „Thầy viết như vầy đăng báo cũng được. Vậy để mai tôi sửa lại rồi đăng báo dùm cho“.

Phước Đằng nghe Minh Chiếu nói bài của Duy Linh đăng báo được mừng rỡ hết sức, liền cậy Minh Chiếu đem Duy Linh vào phụ bút trong “Đại Đồng Nhựt Báo“. Minh Chiếu thầm nghĩ Duy Linh còn trẻ tuổi nếu mình cho phụ bút dể sai khiến; vã lại Duy Linh mới tập viết tự nhiên ham viết bài, hễ viết nhiều được mình càng khỏe bớt. Đã vậy Phước Đằng cậy mình, nếu mình giúp dùm được có lẽ sau mình vay hỏi bạc tiền cũng dễ. Minh Chiếu nghĩ như vậy nên hứa để sáng mai sẽ nói với ông Tổng Lý chịu dùng Duy Linh làm phụ bút, định lương mỗi tháng 50 đồng và biểu Duy Linh mau mau ra lãnh việc.

Phước Đằng lấy làm mừng rỡ, nên bữa sau dắt Duy Linh ra báo quán tạ ơn Cao Minh Chiếu, cậy Minh Chiếu tiến dẫn Duy Linh cho ông Tổng Lý và dạy dỗ dùm cho Duy Linh quen nghề nghiệp.

Duy Linh mới vào viết báo, chưa thông thạo, nên bỡ ngỡ mọi bề, nhưng vì anh đắc chí vui lòng, quyết làm cho nổi danh trong sáu tỉnh, nên ngồi tại báo quán không rời cây viết, mãn giờ về nhà trí cũng lo tính hoài. Vợ chồng Phước Đằng thấy Duy Linh tánh nết mềm mỏng, lòng càng yêu mến, nên biểu Duy Linh cứ ở đậu nhà mình cho khỏi hao tốn. Tuy vợ chồng Phước Đằng không nói tới chuyện tiền cơm, song Duy Linh thầm tính để tới tháng anh ta trả tiền cơm của mình và cũng trả luôn cho thằng Cử nữa.

Cách chẳng bao lâu tới lễ Phục Sanh[4].Tổng Lý định ra số báo thứ bảy rồi nghỉ số thứ hai sau. Chiều thứ bảy báo ra rồi Duy Linh đi về trong bụng thầm tính dùng hai ngày nghĩ để viết bài thật nhiều, như có rảnh rang sẽ khởi thử một bổn tiểu thuyết tả tình riêng của mình chơi.

Xe lửa tới Cầu Kho, Duy Linh bước xuống đi bộ về nhà, vừa đi vừa tính coi phải luận việc gì, tay cầm tờ báo mới mực còn ướt, nên mấy đầu ngón tay lấm lem. Anh ta lầm lũi đi, khi tới cửa vùng quẹo vô, thấy có hai nàng con gái đương đứng tại cửa ngõ. Duy Linh bở ngở không biết là ai, bụng nghĩ thầm trong hai nàng ấy có lẽ một nàng là con của Phước Đằng song không biết là nàng nào. Duy Linh không dám ngó chán chường, và cũng không dám chào hỏi, chỉ dở nón thôi. Hai nàng cúi đầu đáp lễ, đứng nép mỗi nàng mỗi bên để khoảng giữa trống cho Duy Linh vào nhà.

Duy Linh vào nhà thay áo đổi quần nghe tiếng vợ chồng Phước Đằng đang nói chuyện dưới nhà sau, rồi lại nghe ngoài ngõ có tiếng lãnh lót kêu con Sảnh biểu đem ra hai cái ghế.

Trời xâm xẩm tối. Duy Linh vặn đèn lên và trải tờ báo mới đem về trên bàn đọc hai bài của mình lại. Phước Đằng ở trong buồng bước ra ngó thấy Duy Linh bèn nói:

–          Cháu về rồi đây mà. Con em cháu nó chơi ngoài trước cửa, nãy giờ cháu có gặp nó hay chưa?

Duy Linh đáp:

–          Thưa hồi nãy cháu về cháu có thấy hai cô đứng chơi trước cửa. Té ra bữa nay có cô em về hay sao?

Phước Đằng ngó ra ngoài cửa thấy hai nàng con gái đương ngồi mỗi người một cái ghế đương nói chuyện, bèn day lại nói với Duy Linh:

–          Ờ lễ Phục Sanh bãi trường được một tuần nên hồi chiều má nó vô rước về. Con em cháu nó mặc áo trắng đó, còn con mặc áo màu xanh kia là con ba Kiềm con ông bá hộ Bảy trong Chợ Lớn. Hai chị em nó học một trường thân thiết với nhau lắm, nên lần nào có lễ con nọ cũng theo con nhỏ ở nhà ra đây chơi một đêm rồi sáng hôm sau mới về.

Duy Linh nghe vậy hay vậy, thấy Phước Đằng chỉ tay ngoài cửa cũng ngó theo, thấy hai nàng mỹ nữ ngồi cũng như thấy hai chậu bông đẹp, ngó thì trong long càng kính trọng, chớ chẳng sanh cảm tình chút nào hết.

Cơm dọn rồi, Phước Đằng kêu Duy Linh vào ăn. Vợ Phước Đằng với con gái là cô hai Thanh và con ông bá hộ Bảy là cô ba Kiềm cũng ngồi ăn chung một bàn.

Cô hai Thanh tuổi vừa 17 tuổi, da trắng, mặt tròn, cặp mắt sáng như gương, hàm răng trắng như phấn, má hồng. Còn cô ba Kiềm cũng 17 tuổi, dung nhan yểu điệu, lời nói dịu dàng, nước da trắng đỏ, gương mặt tươi cười, hai gò má núng đồng tiền, mái tóc đen huyền dợn sóng. Nếu sánh về sắc khó biết ai đẹp hơn ai. Tuy vậy, hai nàng có chỗ chẳng giống nhau: một là hai Thanh vóc vạc chắc chắn, còn ba Kiềm ốm yếu, hai là hai Thanh nói hay cười, còn ba Kiềm đứng ngồi tề chỉnh.

Duy Linh sợ thất lễ nên chim bỉm[5], ngồi ăn không dám liếc ngó hai nàng. Trong trí anh lại đang tính kiếm đề mục đặng tối viết bài, nên không để ý nghe hai nàng nói chuyện.

Phước Đằng tưởng Duy Linh thấy con gái mắc cở, bèn kiếm lời hỏi Duy Linh coi hổm nay ông Tổng Lý có khen chê bài vở chi không.

Duy Linh đáp mấy bài luận của mình hổm nay ông chánh chủ bút đều dùng làm xã thuyết hết thảy, song không nghe khen chê chi hết.

Phước Đằng nghe nói chưn ghửng bèn hỏi:

–          Té ra mấy xã thuyết hôm đó, cháu lại để tên là „Tân Nam Tú” nào đó?

–          Thưa, ông chủ chánh bút nói phàm đã cầm viết viết báo phải đặt một cái hiệu riêng, vậy mới ra mặt văn nhân, chớ đừng có ký tên thật. Như cháu nghe lời ông nên đã  lấy bút tự là „Tân Nam Tú“.

–          Phải, phải lắm. Làm báo phải có biệt hiệu mới được. Cháu đặt bút tự tên „Tân Nam Tú“ đó cũng hay đa.

Lúc Duy Linh nói chuyện với Phước Đằng hai nàng ngồi lóng tai nghe. Hai Thanh ngó ngay Duy Linh, không ái ngại chi hết, còn Ba Kiềm lâu lâu mới liếc ngó lên một cái, miệng chúm chím cười hoài.

Ăn cơm xong rồi Duy Linh đi ra ngoài đường, đi lên đi xuống hứng mát, có ý đợi trong nhà đi ngủ rồi vô viết bài. Phước Đằng ra ghế ngoài ngồi hút thuốc. Người vợ nằm trên ván đó nói chuyện với hai cô con gái. Duy Linh đi nghểu nghếnh ngoài đường trót giờ chân hơi mỏi, nên vô nhắc ghế để ngoài sân ngồi một mình tính sắp ý đặng viết một bổn ái tình tiểu thuyết.

Vợ chồng Phước Đằng có con về lòng mừng nên nói chuyện chơi với con cho tới 11 giờ khuya mới chịu đi ngủ. Nhà của Phước Đằng phía sau dọn dẹp thứ lớp, chánh giữa lót bộ ván đôi để tiếp khách đàn bà, kế đó đặt bàn hột xoài để ăn cơm. Còn hai bên có hai buồng, trong mỗi buồng đều có giường sắt, tủ áo, ghế nhỏ đủ thứ hết. Vợ chồng Phước Đằng vào ngủ trong buồng phía tay mặt. Còn hai cô ngủ buồng phía tay trái.

Duy Linh thấy khuya nên cũng đi ngủ, tính thức dậy sớm đặng viết cho thong thả trí. Anh ta nằm bộ ván ngoài cách giường của hai cô có một tấm vách thôi, bởi vậy nằm nghe hai cô nói chuyện rầm rì, một lát nghe cười nho nhỏ, song không rõ nói chuyện chi, mà cũng không hiểu cớ nào lại cười. Chưa được bao lâu anh ta ngủ quên, không nghe chi nữa hết.

Đúng 6 giờ sáng Duy Linh thức dậy, biết chú thím quen ngủ tới chin, mười giờ, nên súc miệng rửa mặt chải đầu rồi lén mở một cánh cửa ngay bàn viết cho sáng đặng ngồi làm việc. Mặt trời mọc một lát, con Sảnh mở toang mấy cánh cửa hết thảy, thằng Cử quét nhà, chùi ghế lau bàn. Duy Linh mắc lo viết nên không hay con Sảnh với thằng Cử đang làm lộn xộn, đứa mở cửa, đứa quét nhà và cũng không dè cô Hai Thanh và cô Ba Kiềm đang ngồi dựa bàn hột xoài trong buồng, người thêu khăn, người đọc „Đại Đồng Nhựt Báo“, một lát day mặt ra dòm ngoài trước một cái.

Thường khi có lễ Ba Kiềm theo Hai Thanh về nhà ở chơi một đêm, hễ sáng thức dậy là về Chợ Lớn. Lần nầy cô cứ ngồi đọc nhựt báo hoài, không nói tới chuyện về. Đến 4 giờ chiều vợ chồng Phước Đằng nói:

–          Con ba sữa soạn về, kẻo trong nhà anh bá hộ ảnh trông. Còn nghỉ bảy tám ngày nữa, thôi con về thăm nhà, rồi bữa nào buồn nói trước cho anh bá hộ ảnh hay, rồi con sẽ ra ở chơi.

Ba Kiềm liền thay áo gỡ đầu, cô thấy cô Hai Thanh quyến luyến theo nói chuyện hoài, cô mới nói nhỏ:

–          Sáng mai chị vô nhà tôi chơi. Chị vô chơi rồi tôi nói với ba tôi, tôi đi theo chị ra ngoài nầy nữa. Tôi ở nhà một mình buồn quá. Thế nào chị cũng vô chơi nhé.

Hai Thanh gật đầu. Ba Kiềm giã từ vợ chồng Phước Đằng đội khăn ra về. Ra ngoài thấy Duy Linh đương ngồi viết, cô ta cúi đầu chào Duy Linh, Duy Linh đáp lễ rồi cúi xuống viết nữa, không ngó theo.

Qua bữa sau, ăn cơm trưa rồi, Hai Thanh xin phép mẹ cha vô Chợ Lớn thăm ông bá hộ Bảy với cô Ba Kiềm. Cha mẹ cho đi, song dặn đi chơi một chút rồi về chớ đừng có ở tối. Lối 3 giờ chiều Duy Linh thay đồ cũng thưa với chú thím đặng đi chợ Đũi thăm ông chánh chủ bút Cao Minh Chiếu. Đến Duy Linh về thấy cô Hai Thanh đi Chợ Lớn về rồi, lại có thêm cô Ba Kiềm theo trở ra nữa.

Người có ý ai thấy cử chỉ của cô Ba Kiềm như vậy ấy cũng sanh nghi. Lúc ăn cơm vợ chồng Phước Đằng một lát ngó Duy Linh một cái rồi chúm chím cười. Duy Linh không để ý đến việc gì hết, nên ngồi ăn cơm nói chuyện như thường, khi nghe cô Ba Kiềm hoặc cô Hai Thanh nói cũng ngó, song ngó thì ngó ngay chớ không nghiêng tròng trộm liếc.

Đến bữa thứ ba Duy Linh hết nghỉ nên sáng thức dậy sửa soạn đi ra báo quán làm việc. Trưa về cũng thấy cô Ba Kiềm còn ở tại nhà; kế mấy bữa sau cũng còn thấy cô ở đó hoài, cho tới chiều thứ sáu mới không thấy nữa. Chừng ngồi lại ăn cơm Duy Linh vùng hỏi trống:

–          Còn cô Ba đi đâu, sao không thấy ăn cơm?

Cô Hai Thanh cúi mặt xuống bàn, miệng cười còn mắt liếc ngó mẹ. Phước Đằng thấy vợ con không trả lời bèn nói:

–          Ờ, nó về trong Chợ Lớn, chiều chúa nhựt nó sẽ ra đây và sẽ đi cùng với con nhỏ ở vô trường.

Chiều chúa nhựt lối 3 giờ rưỡi Duy Linh thay đồ sửa soạn đi chơi. Vợ Phước Đằng xem thấy liền hỏi:

–          Cháu đi đâu sao không ở nhà chơi?

Duy Linh đáp:

–          Thưa, cháu mắc đi coi đá banh đặng sáng mai viết bài tường thuật cho thiên hạ xem biết. Nghe có hội „Etoile de Gia-Định” (ngôi sao Gia định) là hội Việt Nam năm nay lãnh chức vô địch. Để cháu đi xem thử xem đá hay bực nào mà thiên hạ khen quá.

Duy Linh nói rồi đội nón ra đi.

 


[1] mặc quần

[2]  (manchette), cổ tay áo

[3] duyệt

[4] lễ chúa sống lại, Pâque, Ostern.

[5] Cách làm tỉnh như mím môi, nhìn thẳng


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.