Những bài học cuộc sống

Chương 12



Mục tiêu là những ước mơ có thời hạn

“Những người có mục tiêu sống chắc chắn sẽ thành công vì họ biết rõ con đường mà họ đang hướng đến.”
– Earl Nightingale
Động lực và mục tiêu: sức mạnh chiến thắng
Kết hợp của động lực và mục tiêu không chỉ là nguồn lực mạnh mẽ nhất của con người mà còn là hạt giống cho mọi thành công. Tất cả mọi thành đạt, dù lớn hay nhỏ, đều được kích hoạt do mục tiêu và cung cấp năng lượng nhờ động lực, ngoài việc nói đến tầm quan trọng của sự tự khích lệ, giải thích vai trò của khát vọng, niềm tin, và lợi ích của việc hình dung ra công việc trước khi thực sự bắt tay vào thực hiện, tôi lại nói về mục tiêu.
Vì sao mục tiêu lại quan trọng đến thế?
Có rất nhiều cách định nghĩa thành công. Định nghĩa hay nhất tôi đã từng nghe là: Thành công là sự hoàn thành liên tục những mục tiêu ý nghĩa và có giá trị. Nhà tâm lý học Charles Garfield đã từng làm việc với các nhà du hành vũ trụ, các nhà phát minh, các lãnh đạo doanh nghiệp, các vận động viên tầm cỡ thế giới và các nhân vật thành đạt có tiếng khác, tin rằng bất cứ thành công nào cũng khởi đầu bằng một mục tiêu cụ thể cùng một khát vọng thực sự.

Sống mà không có mục tiêu như thể đi du hành mà không có đích đến. Ta vẫn thấy vô số người cứ trôi dạt không phương hướng, không điểm dừng nhưng dường như họ không hiểu được tại sao lại như vậy. Đáng buồn thay, nhiều bạn trẻ cũng đang lâm vào tình trạng ấy. Tuy nhiên, có một cách tương đối đơn giản để thay đồi tiến trình cuộc sống, bất kể tuổi tác hay hoàn cảnh, đó chính là đặt ra cho mình những mục tiêu cụ thể rõ ràng.
Lợi ích của việc thiết lập mục tiêu
Nhờ có mục tiêu, cuộc sống của chúng ta có thể trở nên phong phú theo nhiều cách:

* Động cơ – Mục tiêu bắt nguồn từ nhiều động cơ. Chúng cho chúng ta lý lẽ để hành động và khởi đầu những điều tốt đẹp.

* Sự độc lập – Mục tiêu giúp chúng ta dám chịu trách nhiệm với cuộc sống của chính mình. Thay vì chạy theo đám đông hoặc trôi lang thang trong cuộc đời, chúng ta chọn con đường riêng cho chúng ta, con đường giúp hoàn thành những ước vọng của mình.

* Định hướng – Mục tiêu cho chúng ta một đích đến. Biết được đích đến, chúng ta có thể sẽ thấy rõ viễn cảnh tương lai.

* Ý nghĩa – Cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn khi chúng ta nhận rõ điều chúng ta mong muốn. Thay vì chỉ tồn tại ngày này qua ngày khác, mục tiêu trong cuộc sống giúp chúng ta có được những lý do để bắt đầu cuộc sống thực sự.

* Sự hứng khởi, vui tươi – Sống có mục đích là thuốc giải độc cho căn bệnh đáng sợ nhất mà xã hội hiện có: sự nhàm chán. Làm sao mà bạn có thể chán chường được khi bạn có những điều hào hứng để thực hiện? Mục tiêu trong cuộc sống làm cho cuộc sống bạn vui thú hơn, hấp dẫn hơn, và thêm nhiều thách thức mới.

* Sự thỏa mãn – Mục tiêu, hơn bất kỳ điều gì khác, giúp chúng ta phát triển tiềm năng. Thiết lập mục tiêu giúp chúng ta nhận ra điều gì trong tầm tay. Mỗi bước thành công đều xây dựng nên lòng tự tin. Mỗi mục tiêu được hoàn thành giúp chúng ta thấy được nhiều hơn về điều chúng ta có thể thực hiện, dẫn dắt đến những mục tiêu mới và nhiều thành công hơn nữa.

Khi ước mơ trở thành mục tiêu

Tôi từng giảng một khóa học về thiết lập kế hoạch và thay đổi cơ cấu tổ chức tại một trường cao đẳng, trong đó cũng bao gồm việc thiết lập mục tiêu cho đơn vị. Tôi cho sinh viên làm bài tập như sau: Hãy viết mười mục tiêu cho cuộc sống của mình. Trong những giờ học sau tôi yêu cầu sinh viên cùng thảo luận về một trong số mười mục tiêu đó. Diane, một nữ sinh viên trên 40 tuổi, hăng hái và ham học, trình bày trước tiên. Cô nói, “Tôi luôn mơ ước một ngày nào đó được sống ở châu Âu”. Tôi nói, “Thật tuyệt, nhưng đó mới gần như là một mục tiêu. Chúng ta có thể biến nó thành một mục tiêu cho cuộc sống bằng cách chỉ thực hiện hai điều đơn giản”. Tôi nhận được cái nhìn bối rối và câu hỏi tiếp theo là: “Tại sao đó không phải là một mục tiêu?”

“Mục tiêu là ước mơ có thời hạn”. Tôi giải thích rằng, khi ta đặt thời hạn cho một ước mơ, thì đó là bước đầu tiên trong việc biến nó thành mục tiêu. Câu hỏi tiếp theo là: “Cần phải có điều gì nữa để biến nó thành mục tiêu”?

Câu trả lời: “Châu Âu là một châu lục. Sao ta không giới hạn trong một không gian hẹp hơn nữa chẳng hạn như một quốc gia cụ thể nào đó, hoặc tốt hơn nữa, một vùng, một thành phố?” Tôi tiếp tục giải thích rằng “ước mơ được sống ở châu Âu một ngày nào đó” là một ví dụ tốt về một “mục tiêu gần”. Có những ước mơ chẳng thể thành hiện thực vì chúng ta không đủ rõ ràng. Bộ não con người không hướng tới cái tổng quát mà hướng về cái đích cụ thể. Câu chuyện về cầu Golden Gate là một thí dụ điển hình. Joseph Strauss hình dung về công trình càng sinh động, chi tiết chừng nào thì ông càng dễ hướng tới việc biến nó thành hiện thực chừng nấy.

Khoảng 3 năm sau, tôi nhận được một bức thư có dấu bưu điện ở Vienne, nước Áo. Trên đầu trang thư là hàng chữ: “Mục Tiêu Là Ước Mơ Có Thời Hạn”. Đó là thư Diane. Cô giải thích rằng cô đã đổi “một ngày nào đó” bằng một nưm cụ thể và thu hẹp từ “châu Âu” lại còn một nước Áo, rồi thủ đô Vienne. Cô đã có được một việc làm rất tuyệt ở Liên Hiệp Quốc và hiện tại đang rất thích thú với công việc. Ước mơ của cô đã thành hiện thực!

Khởi động mục tiêu

1. HÃY HIỂU RÕ SỰ KHÁC BIỆT GIỮA MỤC TIÊU VÀ MONG ƯỚC

Khi hỏi mọi người rằng mục tiêu của họ là gì, thì câu trả lời mà bạn thường được nghe nhất là: được hạnh phúc, được giàu có và được nổi tiếng. Đó không phải là mục tiêu, đó là mong ước. Mong ước là ước mơ không rõ ràng mà ta mong nó sẽ xảy đến với ta. Mục tiêu là bức tranh rõ nét của mong ước bởi trong đó còn có cả quyết tâm của chúng ta làm cho nó trở thành hiện thực.

2. HÃY VIẾT RA CÁC MỤC TIÊU CỤ THỂ CỦA BẠN

Viết ra các mục tiêu là hành động cam kết đầu tiên với chính mình. Nhìn thấy những mục tiêu đó trên giấy là bước khởi đầu cho việc biến ước mơ đó thành hiện thực.

Hãy viết càng cụ thể càng tốt và xác định thời hạn hoàn thành cho từng mục tiêu. Càng tỉ mỉ chừng nào, suy nghĩ và hành động của bạn càng bị lôi cuốn theo bức tranh đó chừng nấy. Sau đây là một số điều cần quan tâm khác nữa khi bạn lập kế hoạch cho cuộc sống: Những bước đi nào cần thiết để bạn hoàn thành những mục tiêu lớn? Những trở ngại gì bạn sẽ phải vượt qua? Bạn cần sự giúp đỡ của những ai? Bạn cần phải học hỏi những gì?

3. KIỂM TRA VÀ ĐIỀU CHỈNH CÁC MỤC TIÊU MỘT CÁCH THƯỜNG XUYÊN

Với danh sách “những điều cần làm” đã lập ra, chúng ta nên thường xuyên nhìn lại những điều mình mong muốn đạt được, ít nhất một lần trong một tuần, để thấy rằng bạn đã thay đổi ra sao. Tôi cũng thường thêm vào danh sách của mình những mục tiêu mới và đôi lúc thay đổi các lĩnh vực mà tôi quan tâm. Điều đó giúp tôi cảm thấy phấn chấn hơn vì mình đã tiến một bước dài trên con đường hướng đến mục tiêu mong muốn.

“Biết hướng tới mục đích thì người chậm chạm nhất cũng tiến nhanh hơn bất cứ kẻ nào nhanh nhẹn mà lang thang không mục đích.”

– G.Lessing


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.