Đu đủ ăn ngọt thơm, thấm vào đến tim phổi, tươi ngon vô cùng. Đu đủ hương vị độc đáo, ăn bổ, được người Trung Quốc mệnh danh là “vua quả Lĩnh Nam”. Quả đu đủ chín vàng, có hình dáng đẹp, ăn tươi hoặc chế biến để dùng điều trị bệnh dạ dày đều tốt.
Tương truyền, có một viên quan huyện triều Minh sinh hạ được ba cô con gái; mãi đến năm 42 tuổi, ông này mới có một cậu con trai, đặt tên là Đức Lâm. Cậu ấm được cả phủ quý như viên ngọc sáng. Ai ngờ Đức Lâm từ nhỏ đã gầy yếu, lắm bệnh, người như que củi, quặt quẹo luôn. Đến năm 13-14 tuổi, cậu ấm còn đi chưa vững, hay buồn nôn, kém ăn, uống nhiều thứ thuốc mà sức khỏe vẫn không khá lên được. Mùa xuân năm ấy xảy ra chiến tranh, viên quan đánh không nổi thiên binh vạn mã của địch, chết nơi chiến trường. Cậu bé Đức Lâm theo mẹ lang bạt xuống vùng Lĩnh Nam, người mệt, bụng đói, bệnh tình ngày càng nặng hơn. Đêm đến, mẹ con tựa vào nhau ngủ thiếp đi. Về khuya, trăng lên cao, một cơn gió lạnh làm cho phu nhân tỉnh giấc. Bà thấy trên sườn đồi trước mặt có ánh vàng lấp lánh. Một ông tiên râu tóc bạc phơ cầm gậy, lúc chỉ sang phía đông, lúc chỉ sang phía tây. Mấy chục con hạc tiên tỏa ánh bạc bay lượn trên không trung, biến hóa đội hình theo cây gậy của tiên ông, nửa giờ sau thì biến mất. Phu nhân lấy làm lạ, phải chăng thần linh đang thương tình mách bảo mẹ con bà?
Sáng sớm hôm sau, phu nhân cố sức cõng con trai đi về phía quả đồi. Lên đến sườn đồi, bà ngạc nhiên sững sờ khi thấy ở thung lũng mấy chục cây lạ chi chít những quả to bằng quả bầu, màu vàng óng. Một dòng suối trong chảy từ trên cao xuống, xung quanh cỏ hoa tươi tốt um tùm, mùi thơm ngào ngạt, chẳng khác nào nơi bồng lai tiên cảnh. Đang đói mệt, bà bèn đặt Đức Lâm xuống, hái lấy một quả chín vàng ăn. Hương vị ngọt thơm, lần đầu tiên trong đời được nếm làm cho phu nhân tỉnh táo hẳn. Bà đưa một miếng vào miệng con và hai mẹ con cứ thế ăn no nê. Ngày hôm sau, bà dựng lều tại đó, hết ăn tươi lại nấu chín thứ quả đó. Sau hơn 10 ngày, bệnh tình con bà đã lui hẳn. Sau vài tháng ăn đu đủ, Đức Lâm đã leo được lên núi đốn củi, giúp mẹ làm lụng, cơ thể cậu rắn chắc khỏe mạnh, cao lớn hẳn lên. Phu nhân kể lại sự việc này cho dân chúng. Một đồn mười, mười đồn trăm… Truyền thuyết trên chứng tỏ đu đủ đúng là thứ quả có giá trị, ăn ngon và chữa được nhiều bệnh.
Theo “Trung dược đại từ điển”, đu đủ chứa một loại kiềm có tác dụng phòng chống ung thư và sát trùng, diệt khuẩn. Men protein trong đu đủ giúp tiêu hóa protein, chữa rối loạn tiêu hóa và viêm dạ dày mạn tính, chân gối mỏi… Nhựa đu đủ xanh làm tiêu tan các tổ chức mô bị hoại thư. Ngoài ra, lá đu đủ giã nát đắp vào mụn nhọt, vết loét có tác dụng điều trị nhất định.
Người Quảng Đông đặc biệt thích ăn món đu đủ hầm với đường phèn. Cách làm đơn giản: chỉ cần 1 quả đu đủ chín, gọt vỏ, thái miếng, đựng trong bát to, tra đường phèn, hầm cách thủy. Món này ăn rất ngon, có hương vị đặc trưng, già trẻ ăn quanh năm đều được. Việc ăn nó thường xuyên trong mùa xuân, hè có tác dụng thanh tâm, nhuận phế, giải nhiệt, giải độc. Ăn vào mùa thu, đông có tác dụng nhuận táo, ấm dạ dày, bổ tỳ vị, dưỡng gan, giảm ho, nhuận phổi, tan đờm.
Một số bài thuốc chữa bệnh bằng đu đủ:
– Viêm dạ dày: Đu đủ 30 gam, táo tây 30 gam, mía 30 gam, sắc uống.
– Tỳ vị hư nhược: Đu đủ 30 gam, củ mài 15 gam, sơn tra 6 gam, gạo nếp 100 gam, nấu cháo ăn ngày 2 lần (sáng – chiều).
– Đau lưng mỏi gối: Đu đủ 30 gam, ngưu tất 15 gam, hoàng kỳ 10 gam, đỗ tương 15 gam, câu kỳ tử 10 gam, cam thảo 3 gam, sắc uống.
– Ho do phế hư: Đu đủ 100 gam, đường phèn 20-30 gam, hầm ăn.
– Mụn nhọt: Lá đu đủ giã nát, đắp.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.