Những Cây Cầu Ở Quận Madison
Chương 05
Một không gian nơi đó người ta lại nhảy múa
Tối thứ ba, tháng Tám 1965, Robert Kincaid đăm đăm nhìn Francesca Johnson. Bà nhìn trả lại ông. Cách nhau ba mét qua chiếc bàn mi-ca trong nhà bếp, họ đã ràng buộc với nhau một cách thâm sâu toàn vẹn và mãi mãi. Điện thoại reo. Francesca vẫn nhìn ông và không hề cử động khi nghe tiếng chuông thứ nhất rồi thứ hai. Cả một khoảng im lặng dài rồi trước khi tiếng chuông thứ ba reo, mắt ông rời bà nhìn về phía mấy chiếc ba lô đựng máy ảnh. Điều đó cho phép Francesca đi ngang qua nhà bếp đến máy điện thoại đặt gần tường ở lối ra vào, ngay đằng sau ghế ông ngồi.
”Alô chào Marge. ừ mình khoẻ. Tối thứ năm hả? Bà tính nhanh ”ông có nói ông định ở lại một tuần, ông đến ngày hôm qua và hôm nay là Thứ ba“. Bà quyết định nói dối không do dự.
Đến gần cửa ra hiệu, điện thoại nơi tay, bà thấy đằng sau lưng ông ngồi rất sát mình. Bà nhẹ nhàng đặt bà tay không cầm điện thoại lên vai ông một cách tự nhiên như những người đàn bà khác vẫn làm với những người đàn ông thuộc về mình, chỉ sau 24 giờ quen biết.
”ồ, Marge, chắc không được đâu. Mình có việc phải đi Des Moines. Bởi Richard và bọn nhỏ vắng nhà, mình lợi dụng thời gian rảnh để làm vài việc mà ngày thường bận quá không làm được“.
Tay bà vẫn đặt nhẹ nhàng lên vai của Robert Kincaid. Bà có thể cảm thấy bắp thịt cổ và vai ông căng lại ngay ở chỗ xương quai xanh. Bà nhìn mớ tóc xám dày được chải cẩn thận. Tóc ông dài phủ cả cổ áo Marge thì nói huyên thuyên.
”ờ, Richard có gọi về cách đây vài phút… Không, Thứ tư, ngày mai ấy giải thưởng mới trao. Richard có bảo mình đến tối Thứ sáu ba cha con mới về nhà được. Ngày thứ năm họ còn khối việc để xem. Đường thì xa mà chiếc xe tải chở gia súc ấy thì… ơ không, việc huấn luyện chỉ bắt đầu vào tuần sau. ấy là mình nghe Michael nói vậy“.
Qua lần áo sơ mi, bà cảm thấy sức nóng toát ra từ người ông. Sức nóng ấy lần theo bàn tay bà đi dọc cánh tay và nhẹ nhàng toả ra khắp người bà. Robert Kincaid vẫn ngồi bất động, cố không gây một tiếng động gì gợi ra sự nghi ngờ của Marge. Francesca đoán vậy.
”à có, đó là một người ghé hỏi thăm đường ấy mà“. Đúng như bà đoán, Floyd Clark, hôm qua về nhà đã kể liền cho bà vợ nghe là anh ta có thấy một số chiếc xe tải nhỏ màu xanh nước biển trong sân nhà Johnson.
”Một tay phó nhòm à? Chúa ơi mình cũng không biết nữa. Mình cũng không chú ý kỹ. Chắc vậy“. Bà nói dối càng lúc càng dễ dàng.
”Ông ta tìm cây cầu Roseman hả? Chụp ảnh mấy cây cầu cũ à? ờ thế thì cũng chẳng hại gì“.
”Một chàng hip-pi hả?“.
Francesca phá lên cười và đưa mắt nhìn Robert Kincaid đang chậm rãi lắc đầu. ”Này, mà thật ra mì cũng không hề biết một gã hip-pi như thế nào. Còn cái ông này thì lễ phép lắm. Ông ta chỉ dừng lại hỏi thăm đường một hai phút rồi đi… mình cũng chả biết ở ý có bọn hip-pi không Marge ạ. Từ tám năm rồi mình có đặt chân về bên ấy đâu. Và như mình đã nói với bạn đó, mình không chắc là mình còn nhận được ai bên ấy không nếu mình có gặp đi nữa“.
Marge kể cho Francesca nghe điều bà ta đã đọc đâu đó trên báo về tình yêu tự do, về đời sống cộng đồng và ma tuý.
”Marge, mình đang sửa soạn tắm thì bạn gọi. Mình phải vội không thì nước nguội mất… được rồi mình sẽ gọi lại sớm“.
Bà không muốn rời tay khỏi vai ông nhưng vì chẳng còn có lý do gì để làm như vậy. Bà bước qua bên bếp và vặn radio. Vẫn còn mục trồng trọt. Bà vặn qua đài khác cho đến khi máy vang lên một bản hoà tấu.
Tangerine – ông nói.
Sao?
Bài hát ấy mà. Bà Tangerine. Câu chuyện về một người phụ nữ Achentina.
Một lần nữa, ông lại nói chuyện chung chung, vô thưởng vô phạt. Nói bất cứ điều gì cho có và để tìm lại cái lý do – dường như để nghe từ cái phần nào đó trong tâm hồn ông tiếng động không thể nhận ra nơi cánh cửa đang khép lại trên hai con người, trong một ăn phòng bếp ở Iowa.
Bà mỉm cười dịu dàng nhìn ông.
Ông đói chưa? Bữa ăn đã sẵn rồi đó.
Hôm nay là cả một ngày dài tốt đẹp. Tôi muốn uống một chai bia trước khi ăn. Bà có muốn uống với tôi không?.
Bà đồng ý. Ông đứng dậy, lấy thăng bằng rồi mở hai chai bia, đặt một chai trên bàn.
Francesca hài lòng vì dáng vẻ của mình và hài lòng về điều bà cảm thấy. Bà thấy mình đầy nữ tính. Dịu dàng, say đắm và nữ tính. Bà ngồi xuống ghế, chéo chân và vuốt làn váy. Kincaid đứng dựa vào tủ lạnh, khoanh tay, cầm chai Budweiser. Francesca hài lòng vì đứng như thế, ông có thể thấy đôi chân đẹp của bà, và quả thật ông đang ngắm nhìn đôi chân ấy.
Ông thấy tất cả. Lẽ ra ông nên đi thì hơn, vẫn còn thì giờ để ra đi. Lý trí ông gào lên. ”Bỏ đi Kincaid, lên đường của mày đi. Hãy đi chụp những chiếc cầu của mày, hãy đi ấn Độ đi. Rồi mày dừng lại trên đường ở Bangkok và gặp một cô gái bán tơ lụa rất rành những phương pháp ái ân của tổ tiên truyền lại để làm mày lên đến đỉnh điểm của khoái lạc. Rồi lúc bình minh, mày có thể trần truồng bơi lội với cô ta trong những con sông chảy qua các cánh rừng nhiệt đới, và rồi khi mày đi vào cô ta, nghe tiếng cô ta kêu thét vang động cả hoàng hôn. Hãy bỏ đi – tiếng nói trở nên thúc bách – sự tình đã vượt xa khỏi mày rồi đó?!
Nhưng từ xa, đâu đó, đã vọng lên một bản tango chậm buồn. Ông nghe tiếng một cây đàn phong cầm cũ kỹ. Từ xa hay ngay trước nhà, ông cũng không biết rõ nữa. Dẫu sao thì tiếng nhạc đã đến gần ông, dứt khoát. Tiếng nhạc làm ông bối rối và dần dần đưa ông trở về với một tình cảm đồng nhất rõ rệt. Một cách nghiêm khắc, tiếng nhạc khiến ông không còn một nơi nào để tiến đến, ngoại trừ về phía Francesca Johnson.
”Nếu bà muốn, chúng ta có thể nhảy. Bản nhạc này rất thích hợp để khiêu vũ“. Ông nói giọng nghiêm trang và bẽn lẽ. ”Tôi cũng chẳng phải nhảy giỏi gì đâu, nhưng cũng có thể xoay xở trong phòng bếp này được“.
Jack cào cào cửa tỏ ý muốn vào. Không được, lúc này thì chú mày phải đứng ngoài thôi.
Francesca thoáng đỏ mặt. ”Đồng ý. Nhưng chính tôi cũng rất ít nhảy… sau này. Vâng, hồi trước ở ý, lúc tôi còn trẻ, còn ở đây tôi chỉ có dịp khiêu vũ vào ngày Tết thôi, mà cũng không nhảy lâu“.
Ông mỉm cười và đặt ly bia xuống bàn bếp bên cạnh. Francesca đứng và bước lại bên cạnh ông. ”Bạn đang trải qua buổi dạ tiệc khiêu vũ ở Chicago – một giọng trầm cất lên. Chúng tôi ngưng một lát rồi sẽ trở lại ngay sau phần quảng cáo“.
Họ phá lên cười. Điện thoại, quảng cáo. Những thứ như cứ ngoan cố chen vào giữa hai người. Họ biết mà không hề nói ra.
Nhưng ông đã đưa tay ra nắm lấy bàn tay Francesca. Ông vẫn còn đứng dựa lưng hờ hững vào bàn bếp, tréo chân. Francesa thì đứng cạnh ông, tựa vào bồn rửa chén, nhìn ra cửa sổ bên ngoài, cảm thấy những ngón tay thon dài của ông xiết chặt tay mình.
Bên ngoài không một làn gió nhẹ. Cánh đồng bắp đứng kim sững.
”ồ khoan, một tý đã“. Bà miễn cưỡng rút tay khỏi ông, mở ngăn kéo tủ, lấy ra hai cây đèn cầy trắng mua hồi sáng ở Des Moines cùng với hai giá nến bằng đồng. Bà đặt lên bàn. Ông tiến lại, chỉnh cây nến rồi thắp lửa trong khi bà tắt ngọn đèn trần. Căn phòng bây giờ chìm trong bóng tối, ngoại trừ ánh lửa của hai cây bạch lạp toả thẳng, không hề dao động trong một đêm hè lặng gió. Căn phòng bếp tầm thường như sang trọng hẳn lên.
Nhạc lại trỗi. Rất may, lần này là bản Lá úa, chơi chậm.
Francesca hơi lúng túng. Ông cũng vậy. Nhưng ông đã cầm lấy tay bà, tay kia ôm qua người, bà bước tới sát một bước và sự lúng túng mất đi. Mọi thứ tự nhiên đâu vào đấy. Ông ôm bà chặt hơn vào người mình.
Francesca cảm nhận mùi nơi ông, mùi của áo sạch, mùi xà phòng và sức nóng. Mùi thơm đơn giản của một người văn minh, đồng thời một phần nơi con người đó vẫn có một cái gì của một con người nguyên thuỷ.
”Tôi thích mùi thơm của bà“. Ông nói, tay đặt nhẹ lên ngực bà, chỗ gần vai.
Cám ơn.
Họ nhảy thật chậm, gần như bất động. Bà cảm thấy chân mình chạm chân ông và bụng họ thỉnh thoảng sát vào nhau.
Bài hát đã chấm dứt, nhưng ông vẫn giữ lấy người bà, vẫn lẩm nhẩm điệu buồn của bài hát mà ông vừa nghe và họ vẫn giữ nguyên cho đến khi bắt đầu bài há tiếp.
Ông bước một cách máy móc và cuộc khiêu vũ tiếp tục trong khi bên ngoài, tiếng dế kêu vang báo hiệu cho tháng Chín sắp tới.
Bà cảm thấy rõ bắp thịt ở vai ông qua làn vải áo sơ mi. Ông có thật, có thật hơn hết thảy những gì bà từng biết. Ông hơi chồm người tới trước để áp má bà vào má mình.
Sau này, trong một lần hai người cùng đi dạo chơi, ông từng nói rằng ông là một trong những người cao bồi cuối cùng. Khi đó họ đang ngồi trên bãi cỏ, gần chiếc má bơm phía sau nhà. Bà không hiểu và hỏi ông muốn gì.
”Có một loài nào đó trong nhân loại không còn lý do để tồn tại. Hay gần như không còn – Ông trả lời – Thế giớ đã có tổ chức và tổ chức quá chặt chẽ đối với những người như tôi. Mọi thứ đều có chỗ của nó. Được, tôi cũng thích thế. Em thấy đấy, đồ đạc của tôi sắp đặt ngăn nắp. Nhưng điều đó đã đi quá xa. Các quy tắc, luật lệ và những quy ước xã hội… Hệ thống thứ bậc, sự điều khiển, sự tiên đoán, ngân sách. Quyền lực của các xí nghiệp, vị thượng đế trong kinh doanh. Một thế giới của y phục đồng loạt và của những tên tuổi có nhãn hiệu rõ ràng.
Con người ta không giống nhau. Một số cố gắng để thích nghi với cái thế giới sắp đến, một số khác, có thể ngay trong số chúng ta thì không thể. Người ta quan tâm đến máy tính, rôbôt và ý nghĩa của chúng. Trong các nền văn minh trước đây, chúng ta có những nhiệm vụ phải làm tròn, những nhiệm vụ cần thiết mà không ai dùng máy móc để thay thế được. Chúng ta chạy nhanh, chúng ta có sức mạnh, hung hãn và bền lâu. Can đảm. Chúng ta ném lao và chiến đấu bằng đôi chân tay trần.
Cùng với thời gian, máy tính và rô-bốt chiếm lấy quyền hành. Còn người quan tâm đến máy móc của mình, nhưng điều đó không đòi hỏi một sự can đảm, một sức mạnh, một tính chất nào cả. Thực ra, con người tồn tại bằng tính đồng nhất. Các ngân hàng tinh trùng giúp bảo đảm sự tồn tại của giống nòi, hiện giờ đã bắt đầu phát triển. Phần lớn người ta đều là những tình nhân tồi, phụ nữ nói như vậy, cho nên người ta không mất mát nhiều lắm khi thay thế dục tính bằng khoa học.
Chúng ta đã khước từ tự do hành động, chúng ta được tổ chức, chúng ta đã dìm chết cảm xúc của chúng ta. Thế giới đầy sự sản xuất, sự hữu hiệu và những khái niệm nhân tạo khác. Và anh cao bồi cuối cùng cũng như sự tự do hành động đã biến mất, cùng lúc với sự biến mất của loài báo núi và sói xám. Bởi đâu còn nhiều chỗ để di chuyển nữa.
Tôi là một trong những gã cao bồi cuối cùng đó. Công việc của tôi cho tôi một ít tự do. Trong giới hạn mà xã hội cho phép. Tôi không phàn nàn gì. Tôi chỉ là điều cần thiết, đó là cách duy nhất để bảo vệ chúng ta khỏi sự huỷ hoại. Theo tôi, chính những hoóc-môn nam là nguyên nhân chính của những nhiễu loạn của hành tinh chúng ta. Đó chính là cái khiến người ta đi chinh phục một bộ lạc khác, một xứ khác. Đó là cái khiến người ta chế tạo tên lửa, hay huỷ hoại thiên nhiên như người ta đã làm. Rachel Carson có lý. John Muir và Aldo Leopold cũng thế.
Lời nguyền rủa lên nền văn minh hiện đại của chúng ta, chính là cái ưu thế của hóc-môn nam khiến nó có thể tạo ra những tàn phá vô phương cứu chữa. Chưa nói đến chiến tranh giữa các quốc gia hay sự phá hoại thiên nhiên, luôn luôn có sự xâm lược làm chia rẽ con người, gây nên những xung đột phải giải quyết. Chúng ta phải tìm cách thế nào để làm cao cả cái chất kích thích tố nam ấy, hoặc là, trong mọi trường hợp, chế ngự nó.
Có lẽ đến lúc chúng ta phải khước từ những ảo tưởng trẻ con để lớn lên. Thì tôi biết thế, tôi chấp nhận: tôi chỉ chụp những bức ảnh đẹp của cuộc sống trước khi nó mất lý do tồn tại hoặc bị tàn phá nghiêm trọng vô phương cứu chữa!“.
Cùng với năm tháng sau này, bà thường suy nghĩ về điều ông nói. Một mặt nào đó, rõ ràng ông nói đúng. Tuy rằng quan niệm của ông mâu thuẫn với con người ông. Nơi ông tiềm tàng một sức mạnh xâm lược, có điều ông có vẻ như điều khiển được nó, sử dụng hoặc vất bỏ nó theo ý muốn. Và đó là lý do tại sao nơi ông luôn luôn có một cái khiến người ta bối rối hoặc bị thu hút – chính là cái sức mạnh không ngờ, nhưng là một sức mạnh được chế ngự, đo lường và căng thẳng như một mũi tên, tuy nồng nhiệt nhưng không hề dữ tợn.
Tối hôm đó, một cách dần dần và không ý thức, họ đã tiến lại gần nhau khi khiêu vũ trong nhà bếp. Francesca áp sát vào người ông, tự hỏi ông có cảm thấy đôi vú mình qua làn áo mỏng không, và bà chắc là có.
Bà thích áp sát người ông như thế này. Bà muốn cái giây phút này không bao giờ ngừng lại, muốn nghe những bài hát cũ, muốn nhảy, muốn cảm thấy thân thể mình chạm thân thể ông, muốn nữa và muốn mãi mãi. Bà lại trở thành người phụ nữ đích thực. Vẫn còn không gian để người ta khiêu vũ một lần nữa. Chậm rãi, vĩnh viễn, bà đã trở lại nơi chốn đích thực của bà, nơi mà bà chưa bao giờ rời bỏ. Trời vẫn nóng. Hơi ẩm ướt bốc lên và có tiếng sấm xa xa về phía Tây Nam. Loài bướm đêm bị ánh nến thu hút, lao vào đốm lửa.
Ông đã trở thành một với bà. Và bà thành một với ông. Bà xích má mình khỏi má ông và nhìn ông bằng cặp mắt đen láy. Ông hôn bà. Bà hôn trả lại, một cái hôn dài, dịu dàng, như một dòng sông vô tận.
Họ như không còn khiêu vũ nữa và cánh tay Francesca quàng chặt qua cổ ông. Bàn tay trái của Kincaid ôm lấy hông bà, tay kia ông ve vuốt cổ, gò má, làn tóc đen của bà. Thomas Wolfe đã gọi đó là ”bóng ma cổ xưa của dục vọng“. Cái bóng ma đó đã thức dậy nơi Francesca Johnson, nơi cả hai người.
Ngồi cạnh cửa sổ vào ngày sinh nhật lần thứ 67 trong đời, Francesca ngắm nhìn cơn mưa và nhớ lại. Bà đã mang theo chai brandy từ nhà bếp lên và dừng lại một lúc để ngắm nhìn đúng cái nơi ngày xưa họ đã yêu nhau. Như bao giờ, một cảm giác tràn ngập khắp người bà, không cưỡng lại được. Qua bao năm tháng, cái cảm giác ấy vẫn mạnh mẽ đến nỗi bà không thể gợi ra được. Qua bao năm tháng, cái cảm giác ấy vẫn mạnh mẽ đến nỗi bà không thể gợi ra được từng chi tiết một lần bởi thần trí của bà bị chế ngự dưới sức mạnh của một xúc cảm tinh thuần.
Làm sống lại những kỷ niệm là một cách của bà để tồn tại. Những năm sau này, các chi tiết càng trỗi dậy trong tâm trí bà thường xuyên hơn. Bà không còn cố xua đuổi hình ảnh Robert Kincaid trở lại với bà nữa. Hình ảnh càng lúc càng chính xác, càng lúc càng thật trong hiện tại, nhưng những hình ảnh đó lại đến từ một nơi thật xa vời. Đã 22 năm rồi nhưng dần dần chúng trở thành thực tại của bà, cái thực tại duy nhất mà bà sống.
Bà biết rằng bà đã 67 tuổi và chấp nhận điều đó, nhưng bà không thể hình dung được rằng lúc này Robert Kincaid hẳn cũng xấp xỉ 75. Bà không thể nghĩ tới hoặc tưởng tượng ra điều đó. Ông ấy vẫn ở đây thật sát gần bà trong chiếc sơ mi trắng, mớ tóc xám dài, cai quần kaki, đôi dép màu nâu thẫm, chiếc vòng đeo tay và sợi dây chuyền bạc quanh cổ. Ông vẫn ở nơi đây, ôm bà trong vòng tay. Cuối cùng bà lách khỏi ông, khỏi nơi họ đang đứng trong phòng bếp và cầm tay ông dẫn về phía cầu thang, bước lên những bậc thang, xuyên qua phòng Carolyn rồi phòng Michael trước khi đế phòng bà. Bà bật ngọn đè nhỏ nơi đầu giường.
Ngày hôm nay, sau ngần ấy năm trời, Francesca cầm ly brandy ở tay, vẫn chậm rãi bước lên cầu thang, đưa tay phải ra phía sau như để hướng dẫn cái kỷ niệm mà bà có được với ông khi bước lên bậc thang, bước dọc hành lang và bước vào phòng.
Những hình ảnh đó in trong ký ức bà rõ rệt đến nỗi chúng như là những bức ảnh chụp sắc nét của Robert Kincaid. Bà nhớ lại cái lúc như trong một giấc mơ, họ cởi bỏ áo xống và nằm dài trên giường. Bà nhớ lại ông nằm trên người bà và chậm rãi vuốt nhẹ trên ngực, trên bụng bà. Ông vuốt đi vuốt lại mãi, như thể thực hiện một nghi thức gợi tình mà con đực dành cho con cái tự ngàn xưa. Đè chặt lên bà, ông đưa miệng hôn lên môi, lên tai hay dùng lưỡi lướt dọc cổ Francesca, liếm bà như một con báo đực thường làm như thế trong đồng cỏ Phi Châu. Thì ông cũng là một con thú. Một con thú đực khoẻ mạnh và uyển chuyển không làm gì rõ rệt để chế ngự bà, thế mà đã chế ngự bà hoàn toàn, đúng như lúc đó bà muốn.
Điều đó như vượt ra khỏi mối dây thể xác, mặc dầu chính cái khả năng làm tình kéo dài và không mệt mỏi của ông là một phần quan trọng. Việc làm tình đối với bà hiện nay chỉ có nghĩa như một cái gì tầm thường, khi mà những năm sau này người ta nói rất nhiều về chuyện đó, nhưng làm tình với ông là cả một hành động tinh thần. Đó là một hành vi tâm linh, chẳng tầm thường chút nào cả.
Ngay khi mới gặp ông, bà đã chờ đợi một cảm giác dễ chịu, phá bỏ sự tầm thường, đơn điệu trong đời sống của bà. Bà không ngờ rằng nó có một sức mạnh kỳ lạ đến như vậy.
Bởi gần như ông chiếm đoạt mọi hướng, mọi phần của đời sống bà. Điều đó làm bà sợ hãi. Bà vẫn luôn luôn tưởng rằng yêu ông, một phần nơi con người bà vẫn còn giữ lại. Đó là phần thuộc về gia đình bà, về cuộc sống của bà ở cái quận Madison này.
áp mặt vào cổ ông, da chạm vào da ông, Francesca mơ thấy những dòng sông, những bếp than hồng, nghe thấy tiếng đầu máy xe hoả rời nhà ga từ mùa đông của những đêm khao khát, bà thấy những người lữ hành trang phục đen vội vã đi dọc những bờ sông mượt cỏ hay băng ngang qua cánh đồng mùa hạ, theo đuổi con đường mình để đi đến nơi tận cùng thế giới.
Đêm trôi đi, và cuộc khiêu vũ lớn lao vẫn tiếp tục. Robert Kincaid thường từ khước những suy tư duy lý và ông thường chìm đắm vào hình thể, âm thanh và bóng tối. Ông theo những lối đi quanh co trong vương quốc của tiềm thức xa xưa để tự dẫn mình lần về phía sáng của làn sương phản chiếu ánh mặt trời, nơi lớp cỏ mùa hạ hay nơi những chiếc lá úa đỏ rực của mùa thu.
Và ông nghe thấy tiếng nói của Francesca rót vào tai ông, lạ như giọng của một ai khác. Những lời trong một bài thơ của Rilke. ”Dọc theo tầng tháp xưa… Tôi đã lạc lối nghìn năm“. Lời một bài thơ ca tụng mặt trời ở Navaho. Và ông thì thào thốt ra hình ảnh mà Francesca lúc này gợi lên – những làn cát xoáy, những ngọn gió nguyên sơ, những con chim bồ nông cỡi trên mình cá heo lướt sóng về phương Bắc dọc bờ biển Phi châu. Và như một người thợ săn lớn, sau nhiều năm dài băng qua những con đường xa tắp, đột nhiên thấy ánh lửa trại nơi ngôi làng quê mình, niềm cô đơn bao lâu chợt rời bỏ ông. Cuối cùng, cuối cùng ông đã đến nơi. Đã đến từ một nơi xa, rất xa. Thế là ông nằm nghỉ bên cạnh Francesca, trong một sự độc nhất vô nhị của tình yêu ông dành cho bà.
Sáng sớm, ông sửa soạn y phục và nhìn vào mắt Francesca, nói: ”Đó chính là lý do tại sao anh ở trên hành tinh này, Francesca. Không phải để đi du lịch hay đi thực hiện các bức ảnh, mà để yêu em. Ngay hôm nay anh đã biết rõ, anh rơi xuống từ một nơi chốn rất cao, rất lớn rộng từ rất lâu rồi, rất nhiều năm trước khi sống cuộc sống này. Và trong suốt những năm dài đó, là anh rơi về phía em“.
Họ bước xuống nhà, hóa ra máy phát thanh vẫn còn mở, từ hồi đêm. Bình minh đã hiện nhưng mặt trời vẫn còn ẩn mình sau những lớp mây dày.
”Francesca, anh muốn xin em một đặc ân“, ông nói khi bà đang pha cà phê.
”Sao?“. Bà ngước mắt lên. Rồi bà nghĩ: ”Ôi, trời ơi, sao em yêu anh thế không biết“, bà run rẩy, muốn ông nhiều hơn nữa, muốn rằng không bao giờ ngừng lại.
”Em mặc chiếc quần jean và chiếc áo sơ mi trắng hôm qua vào, mang đôi xăng-đan. Không có gì khác. Anh muốn chụp em một bức ảnh. Một bức ảnh cho chỉ hai chúng ta“.
Francesca bước lên thang lầu. Bà mặc áo quần và đi ra đồng với ông. Chính lúc đó ông chụp bà bức ảnh mà bà vẫn ngắm nhìn hàng năm sau này.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.