Tôi từ từ tỉnh dậy. Mặt tôi đau, môi tôi bết lại vì máu khô. Măt tôi sưng húp thành thử chẳng biết được liệu bóng đèn trên trần hầm giam đã thắp hay chưa. Nhưng tôi nghe thấy tiếng nói qua cửa sổ thông xuống tầng hầm, tôi hãy còn sống. Các bạn đang đi dạo ngoài sân.
° ° °
Một dòng nước chảy ra từ chiếc vòi cắm trên một bức tường ở bên ngoài. Các bạn nối tiếp nhau đứng vào đó. Những ngón tay lạnh cóng cầm không vững bánh xà phòng dùng để rửa ráy. Rửa xong, họ trao đổi với nhau vài tiếng rồi đến sưởi ở chỗ một vệt nắng chiếu xuống nền sân.
Bọn cai ngục nhìn một người trong chúng tôi. Bọn chúng mang trong mắt ánh nhìn của những con diều hâu. Đôi chân cậu bé bắt đầu run, các tù nhân xúm quanh cậu, vây lấy cậu để che chắn.
– Nào, lại đây với chúng tao! tên chánh quản ngục nói.
– Bọn chúng muốn gì thế? cậu bé Antoine hỏi, mặt l sợ hãi.
– Lại đây, đã bảo mà! tên cai ngục vừa ra lệnh vừa rẽ lối đi giữa các tù nhân.
Những bàn tay giơ ra để siết lấy bàn tay của Antoine đang bị người ta cướp đi khỏi cuộc sống. Một người bạn thì thầm:
– Đừng lo nhé.
– Nhưng bọn chúng muốn gì tôi thế? cậu thanh niên mới lớn bị chúng xốc vai lôi đi không ngừng lặp lại.
Tất cả mọi người ở đây đều biết rõ lũ diều hâu muốn gì, và Antoine hiểu ra. Vừa rời sân, cậu vừa nhìn bạn bè, câm nín; cái chào lặng lẽ nhưng những người tù im lìm nghe thấy lời vĩnh biệt của cậu.
Bọn canh ngục dẫn cậu trở lại xà lim. Khi bước vào, chúng ra lệnh cho cậu mang đồ đạc của cậu đi, tất cả đồ đạc của cậu.
– Tất cả đồ đạc của tôi ư? Antoine cầu khẩn.
– Mày điếc à? Tao vừa nói gì đấy!
Và tỏng lúc Antoine cuộn tấm nệm rơm, chính là cậu đang gói ghém cuộc đời mình; mười bảy năm ký ức, hành trang dọn dẹp nhanh thô
Touchin đung đưa người trên hai cẳng chân.
– Nào, lại đây, y nói, đôi môi thô dày nhếch lên một cái tởm lợm.
Antoine đến bên cửa sổ, cầm cây bút chì để ngoáy vài chữ cho những người còn ở ngoài sân, cậu sẽ không gặp lại họ nữa.
– Lại còn cái gì nữa thế, tên chánh quản ngục vừa nói vừa quất vào hông cậu.
Chúng túm tóc Antoine, tóc mảnh quá thành thử đứt ra.
Cậu bé đứng dậy cầm gói đồ, ôm vào bụng rồi đi theo hai tên cai ngục.
– Đi đâu thế? cậu hỏi, giọng nhỏ thanh thanh.
– Khi nào đến nơi mày sẽ biết!
Và khi tên chánh quản ngục mở cánh cửa chấn song của xà lim tử tù, Antoine ngước mắt và mỉm cười với người tù đang đón mình.
– Cậu làm cái quái gì ở đây thế? Enzo hỏi.
– Tớ chẳng biết, Antoine trả lời, tớ cho là chúng cử tớ đến để cậu bớt cô độc. Còn có thể có gì khác
– Ừ phải đấy, Antoine ạ. Enzo khẽ đáp, cậu bảo còn có gì khác được chứ?
Antoine không nói gì nữa. Enzo chìa cho cậu nửa phần bánh mì của mình nhưng cậu bé không muốn nhận thêm.
– Cậu phải ăn đi.
– Để làm gì chứ?
Enzo vừa đứng dậy, vừa nhảy lò cò vừa nhăn nhó rồi đến ngồi bệt xuống đất, dựa vào tường. Cậu đặt tay lên vai Antoine và chỉ cho bạn bắp chân mình.
– Cậu thực sự nghĩ rằng tớ tự làm mình đau đớn thế này, nếu không có hy vọng sao?
Hai mắt giương to, Antoine nhìn vết thương đang rỉ mủ. Cậu ấp úng:
– Thế là các bạn ấy đã thành công ư?
– Ừ, cậu thấy đó, các bạn đã thành công. Thậm chí tớ còn có tin tức về cuộc đổ bộ, nếu như cậu muốn biết mọi chuyện.
– Cậu, trong xà lim tử tù, cậu có được loại tin tức ấy sao?
– Hoàn toàn đúng! Với lại, Antoine ạ, cậu chưa hiểu gì hết. Nơi này, không phải gian xà lim cậu nói, mà là xà lim của hai người kháng chiến, hãy còn sống. Lại đây, tớ phải cho cậu xem một thứ.
Enzo lục túi và lấy ra một đồng bốn mươi xu bẹp gí.
– Tớ để nó trong lần lót, cậu biết đấy.
– Cậu đã làm cho nó thành kỳ cục quá, cái đồng tiền của cậu ấy, Antoine thở dài.
– Thoạt tiên tớ phải cạo bỏ thanh phủ việt 1 của Pétain đi đã. Bây giờ nó nhẵn thín rồi đấy, cậu hãy nhìn những gì tớ đã bắt đầu khắc đây.
Antoine cúi xuống đồng tiền và đọc những chữ đầu tiên.
– Cái câu mà cậu khắc nói gì thế?
– Chưa xong đâu, nhưng đó sẽ là: “Hãy còn những nhà ngục phải chiếm lấy.”
– Enzo này, nói rất trung thực, thì tớ không hiểu cái trò cậu khắc là hay, hoặc rất ngu.
– Đó là một câu viện dẫn. Không phải của tớ đâu, chính Jeannot một hôm đã nói với tớ câu ấy. Cậu sẽ giúp tớ khắc cho xong, bởi vì để cũng trung thực như cậu, thì với cơn sốt đang quay trở lại, tớ không còn nhiều sức lắm, Antoine ạ.
Và trong lúc Antoine dùng một chiếc đinh cũ vạch chữ lên đồng bốn mươi xu, thì Enzo, nằm dài trên phản, sáng tác cho cậu nghe những tin tức của cuộc chiến.
Émile là tư lệnh, cậu đã lập một đạo quân, giờ đây họ có ôtô, súng cối và sắp có đại bác. Đội đã thành lập lại, họ tấn công khắp nơi. Enzo kết luận:
– Cậu thấy đó, không phải chúng mình toi đâu, hãy tin tớ! Mà tớ còn chưa nói với cậu về cuộc đổ bộ. Sắp rồi, cậu biết đấy. Khi Jeannot ra khỏi hầm giam, thì người Anh và người Mỹ sẽ ở đó, cậu sẽ thấy mà.
Ban đêm, Antoine không rõ lắm liệu Enzo nói thật với mình hay cơn sốt và sự mê sảng nơi bạn đã trộn lẫn mơ với thực.
Sáng ra, cậu tháo những dải băng, nhúng chúng vào thùng nước tiểu trước khi quấn lại cho bạn. Thời gian còn lại trong ngày, cậu chăm sóc Enzo, theo dõi hơi thở của bạn. Khi nào không bắt rận, cậu cặm cụi không ngừng với đồng xu và mỗi lần khắc thêm một chữ mới, cậu lại thì thầm với Enzo rằng rốt cuộc, chính Enzo có lý; họ sẽ cùng nhau thấy cuộc Giải phóng.
° ° °
Cứ cách một ngày, người y tá lại đến thăm họ. Tên chánh quản ngục mở cánh cửa chấn song và giam anh cùng với họ, cho anh mười lăm phút để chăm sóc Enzo, không thêm một phút.
Antoine đã bắt đầu cởi dải băng và xin lỗi.
Người y tá để hộp dụng cụ xuống và mở nắp hộp.
– Cứ cái đà này, thì chúng ta sẽ giết chết cậu ấy trước khi đội hành hình lo việc ấy.
Anh đã mang đến cho họ aspirine và một ít thuốc phiện.
– Đừng cho cậu ấy uống nhiều quá; hai hôm nữa tôi mới quay lại và ngày mai sẽ còn đau hơn.
– Cám ơn anh, Antoine thì thào khi người y tá đứng dậy.
– Không có gì, người y tá đáp. Tôi tặng các cậu tất cả những gì tôi có, anh buồn bã nói.
Anh thọc tay vào túi áo choàng và ngoảnh về phía cửa xà lim. Antoine hỏi:
– Anh y tá nàym, tên anh là gì thế?
– Jules, tên tôi là Jules.
Và người y tá quay mặt lại để đối diện với Antoine.
– Cậu biết đấy, anh bạn Jeannot của cậu đã trở lên gác rồi.
– A! Thật là một tin tốt lành, Antoine nói. Còn người Anh?
– Người Anh nào?
– Thì các Đồng minh, cuộc đổ bộ, anh không biết gì hết sao? Antoine sững sờ chất vấn.
– Tôi có nghe chuyện nhưng không có gì chính xác.
– Không có gì chính xác hay không có điều gì là đích xác? Bởi vì trong trường hợp của cả hai chúng tôi, hai điều trên không giống nhau, anh có hiểu không, anh Jules?
– Thế còn cậu, tên cậu là gì thế? người y tá hỏi.
– Antoine!
– Vậy thì nghe này, Antoine, cái cậu Jeannot mà tôi bảo với cậu ban nãy, tôi đã nói dối cậu ấy khi cậu ấy đến tìm tôi để ginh bạn với cái chân mà tôi đã chữa trị quá chu đáo. Tôi không phải bác sĩ, chỉ là y tá thôi, và tôi ở đây vì tôi đã bị bắt gặp khi đang thó khăn trải giường và vài thứ lặt vặt khác trong các tủ của bệnh viện nơi tôi làm việc. Tôi bị án năm năm; tôi cũng như cậu thôi, là một tù nhân. Các cậu, chính trị phạm, tôi thường phạm, tóm lại, không giống các cậu; tôi thì tôi chẳng là cái gì hết.
– À có chứ, anh là một người rất tuyệt, Antoine nói để an ủi người y tá, vì cậu cảm thấy rõ anh buồn phiền vì chuyện trên.
– Tôi đã thất bại mọi sự, tôi những muốn được như cậu. Cậu sắp bảo tôi rằng chẳng có gì để ghen tị với người mà chúng sắp đem bắn, nhưng tôi những muốn được biết niềm tự hào của cậu, được có lòng dũng cảm của cậu, trong một khoảnh khắc. Tôi từng gặp bao nhiêu chàng trai giống cậu. Tôi đã ở đây rồi, cậu biết đấy, khi chúng xử chém Langer. Tôi sẽ nói gì đây, tôi ấy, sau chiến tranh? Rằng tôi sẽ bị tù vì chôm khăn trải giường ư?
– Nghe này, Jules, anh sẽ có thể nói rằng anh đã chăm sóc chúng tôi và thế là rất nhiều rồi. Anh cũng có thể nói rằng cứ hai ngày một, anh liều với nguy hiểm để đến băng bó lại cho Enzo. Enzo là cậu ấy đó, là cậu bạn mà anh chăm nom, trong trường hợp nhỡ anh không biết tên cậu ta. Những cái tên quan trọng lắm, Jules ạ. Ta nhớ đến mọi người như vậy đấy; ngay cả khi họ đã chết, đôi khi ta vẫn tiếp tục gọi họ bằng tên; nếu không, thì ta chẳng thể gọi được. Anh chẳng thó khăn trải giường vì anh là kẻ cắp, mà vì anh cần phải bị bắt để ở đây và giúp đỡ chúng tôi. Được, bây giờ khá hơn rồi, Jules, tôi nhìn thấy điều này qua gương mặt anh, anh đã có lại khí sắc, hãy bảo cho tôi biết, về cuộc đổ bộ chuyện thế nào?
Jules tiến về phía cửa chấn song và gọi để họ đến đưa anh ra.
– Hãy tha lỗi cho tôi, Antoine, nhưng tôi không thể nói dối được nữa, tôi không còn sức. Về cuộc đổ bộ của cậu, tôi chẳng nghe thấy gì hết.
Đêm ấy, khi Enzo rên rỉ vì đau đớn, bị cuốn đi trong cơn sốt, thì Antoine, ngồi xổm dưới đất, khắc xong từ “nhà ngục” trên một đồng bốn mươi xu.
Mờ sáng, Antoine nhận ra tiếng các chốt cửa xà lim bên cạnh được mở ra rồi đóng lại. Những bước chân theo nhịp đi xa dần. Vài khoảnh khắc sau đó, víu lấy chấn song cửa sổ, cậu nghe mười hai tiếng trầm đục đập vào bức tường của những người bị xử bắn. Antoine ngẩng đầu; xa xa, cất lên Bài ca quân du kích. Một điệu hát mênh mang, xuyên qua những bức tường nhà ngục Saint-Michel và đến với cậu, như một khúc ca hy vọng.
Enzo mở một con mắt, và nói khẽ:
– Antoine, cậu cho là bạn bè cũng sẽ hát khi chúng bắn tớ chứ?
– Ừ, Enzo ạ, còn to hơn nữa, Antoine dịu dàng đáp. Thậm chí, rất to, đến mức mọi người nghe được tiếng họ cho đến tận cuối thành phố.
Chú Thích
1. Búa trận của người Franc xưa, được chính phủ Pétain (1940-1944) sử dụng làm biểu tượng.