Marc tỉnh lại sau khi chúng tôi đào thoát ba hôm, đoàn tàu do Schuster dẫn dắt đi vào trại tử thần Dachau, đích cuối cùng mà nó đạt tới vào ngày 28 tháng Tám năm 1944.
Trong số bảy trăm tù nhân tuy thế vẫn còn sống sót sau cuộc hành trình khủng khiếp, chỉ một nhúm người thoát chết.
Trong khi quân đội đồng minh đang giành lại quyền kiểm soát đất nước, Claude và tôi lấy được một chiếc xe hơi do bọn Đức bỏ lại. Chúng tôi đã đi ngược các trận tuyến và đến Montélimar tìm thi hài của Jacques và Francçois để đem về cho gia đình các bạn.
Mười tháng sau, một sáng mùa xuân năm 1945, sau hàng rào sắt của trại Ranvensbruck, Osna, Damira, Marianne và Sophie nhìn thấy các đạo quân Mỹ đến và giải thoát họ. Trước đó ít lâu, ở Dachau, Marc còn sống sót cũng đã được giải thoát.
Claude và tôi không bao giờ gặp lại cha.
° ° °
Chúng tôi đã nhảy khỏi con tàu ma vào ngày 25 tháng Tám năm 1944, đúng ngày Paris được giải phóng.
Những ngày sau, người chủ trại và gia đình chăm sóc chúng tôi tận tình. Tôi còn nhớ cái buổi tối họ làm cho chúng tôi món trứng tráng. Charles lặng lẽ nhìn chúng tôi; gương mặt các chiến hữu ngồi quanh bàn ăn tại nhà ga nhỏ Loubers trở lại trong ký ức chúng tôi.
° ° °
Một buổi sáng, thằng em đánh thức tôi.
– Lại đây anh, nó vừa nói vừa lôi tôi ra khỏi giường.
Tôi theo nó ra bên ngoài nhà kho nơi Charles và những người khác vẫn đang ngủ.
Chúng tôi bước đi như vậy, bên nhau, không nói một lời, cho đến khi thấy mình ở giữa một cánh đồng rạ rộng lớn. Claude cầm tay tôi mà bảo:
– Nhìn đi anh.
Những hàng chiến xa Mỹ và những hàng chiến xa của binh đoàn Leclerc đang quy tụ phía xa xa về hướng Đông. Nước Pháp được giải phóng.
Jacques nói đúng, mùa xuân đã trở lại… và tôi cảm thấy bàn tay của thằng em siết chặt lấy tay tôi.
Trên cánh đồng rạ ấy, thằng em tôi và tôi đã là và mãi mãi sẽ là hai đứa con của tự do, lạc giữa sáu mươi triệu người chết.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.