Tặng chú Claude em cha, tặng tất cả những người của tự do.
Tặng con trai của cha tặng em yêu của anh.
Mai này tôi sẽ yêu em, hôm nay tôi còn chưa biết em. Tôi khởi đầu bằng việc đi xuống cầu thang tòa nh nơi tôi ở, xin thú nhận với em là bước chân hơi vội vã. Ở tầng trệt, bàn tay tôi, đã siết chặt hàng lan can, cảm nhận chất sáp ong mà vào các ngày thứ Hai người gác cổng thoa một cách quy củ cho đến khúc ngoặt đầu cầu thang tầng hai và vào các ngày thứ Năm thì đến những tầng gác cuối. Dù ánh nắng dát vàng lên mặt tiền các tòa nhà, song lề đường hãy còn óng ánh nước mưa sáng sớm. Thế mà về những bước chân nhẹ nhõm ấy, tôi còn chưa biết gì hết, tôi chẳng biết gì về em hết, em là người chắc chắn một ngày kia sẽ trao cho tôi tặng phẩm đẹp đẽ nhất mà cuộc đời ban cho con người.
Tôi bước vào quán giải khát nhỏ trên phố Sant-Paul, tôi có nhiều thì giờ rảnh cho mình. Ba người đứng bên quầy, chúng tôi là số ít ỏi những kẻ giàu thời gian vào buổi sáng xuân hôm ấy. Thế rồi, hai bàn tay chắp sau tấm áo choàng len tréo go, cha tôi bước vào, cha tì khuỷu tay lên quầy cứ như đã không nhìn thấy tôi, một phong thái lịch sự rất riêng nơi cha. Cha gọi một tách cà phê đặc và tôi có thể thấy nụ cuời cha cố giấu tôi dù khéo dù vụng, vụng thì đúng hơn. Bằng cách vỗ nhẹ tay xuống quầy, cha cho tôi biết rằng trong phòng “yên tĩnh”, rằng cuối cùng tôi có thể xích lại gần. Khi chạm khẽ vào áo cha, tôi cảm thấy sức mạnh nơi cha, gánh nặng của nỗi buồn đè trĩu vai cha. Cha hỏi liệu tôi “vẫn chắc chắn chứ”. Tôi chẳng chắc chắn điều gì hết, nhưng tôi gật đầu. Thế là cha rất kín đáo, đẩy chiếc tách của mình. Bên dưới đĩa lót, có một tờ năm mươi phrăng. Tôi từ chối, nhưng cha nghiến rất chặt hai hàm và lầm bầm rằng, muốn chiến đấu, thì bụng phải no. Tôi cầm tờ bạc và, qua cái nhìn của cha, tôi hiểu bây giờ mình phải đi. Tôi chỉnh lại mũ lưỡi trai, mở cửa quán giải khát và đi ngược con phố.
Khi đi dọc theo cửa kính, tôi nhìn cha ở bên trong quán, một thoáng nhìn trộm, như thế đấy; còn cha tặng tôi nụ cười cuối cùng của cha, như để ra hiệu rằng cổ áo tôi k chỉnh.
Trong mắt cha có một sự khẩn cấp mà phải mất nhiều năm tôi mới hiểu, nhưng giờ đây tôi chỉ cần cha trở lại trong tôi, nguyên vẹn. Giờ đây tôi biết cha buồn vì tôi ra đi, giờ đây tôi cũng đoán biết cha dự cảm rằng chúng tôi sẽ không còn gặp lại nhau. Cha đã mường tượng không phải cái chết của cha, mà là cái chết của tôi.
Giờ đây tôi ngẫm nghĩ lại về cái khoảnh khắc ấy trong quán giải khát Tourneurs. Ắt phải đòi hỏi rất nhiều can đảm ở một người để đưa tang con trai mình trong khi đang uống tách cà phê – rau diếp ngay bên cạnh nó, để vẫn giữ im lặng và không bảo nó “Con về nhà ngay lập tức và làm bài đi”.
Một năm trước, mẹ tôi đã đến sở cảnh sát nhận những ngôi sao vàng của chúng tôi. Với chúng tôi đó là dấu hiệu di cư và chúng tôi đã đi Toulouse. Cha tôi là thợ may và ông sẽ không bao giờ khâu cái vật bẩn thỉu ấy lên một mảnh vải nào.
Ngày 21 tháng Ba năm 1943 ấy, tôi mười tám tuổi, tôi bước lên xe điện và đi tới một bến đỗ không có tên trên bản đồ nào hết: tôi đi tìm chiến khu.
Mười phút trước tôi còn mang tên tên Raymond, từ lúc xuống bến cuối của đường tàu số 12, tôi mang tên Jeannot. Jeannot không họ. Vào khoảnh khắc hãy còn êm đềm ấy trong ngày, rất nhiều người trong thế giới của tôi chẳng biết những gì sắp đến với mình. Cha và mẹ chẳng biết rằng người ta sẽ sớm xăm một số hiệu lên cánh tay mình, mẹ chẳng biết rằng trên một sân ga, người ta sẽ chia lìa mẹ với người đàn ông mà mẹ hầu như yêu hơn cả chúng tôi.
Còn tôi, tôi cũng chẳng biết rằng mười năm sau, tôi sẽ nhận ra trong một đống những cặp mắt kính chất cao gần năm mét, tại Đài Tưởng niệm Auschwitz, đôi gọng cha đã cất vào túi trên áo vét, lần cuối cùng tôi gặp cha ở tiệm giải khát Tourneurs. Claude em trai tôi chẳng biết rằng tôi sắp tạt qua tìm em, và nếu như em không nói đồng ý, nếu hai chúng tôi không cùng nhau đi qua những năm tháng ấy, thì chẳng một người nào trong hai anh em còn sống sót. Bảy chiến hữu của tôi, Jacques, Boris, Rosine, Ernest, Francçois, Marius, Enzo, chẳng biết rằng mình sẽ chết trong khi hô to “Nước Pháp muôn năm”, và hầu như tất cả đều hô với một âm sắc ngoại quốc.
Giờ đây tôi rất ngờ rằng ý nghĩ của mình đang lộn xộn, rằng từ ngữ đang xô đẩy nhau trong óc tôi, nhưng kể từ giữa trưa ngày thứ Hai ấy và ròng rã hai năm, tim tôi sẽ đập không ngừng trong lồng ngực theo nhịp do nỗi sợ hãi áp đặt; tôi đã sợ hai năm ròng rã, giờ đây thỉnh thoảng tôi còn thức dậy ban đêm với cái cảm giác chết tiệt ấy. Nhưng em đang ngủ bên tôi, em yêu, dù câu chuyện về Charles, Claude, Alonso, Catherine, Sophie, Rosine, Marc, Émile, Robert, bạn bè tôi, người Tây Ban Nha, Italia, Ba Lan, Hungari, Rumani, những người con của tự do.