Những Thành Tựu Lẫy Lừng Trong Tâm Lý Học Hiện Đại
Chương 11. Ý CHÍ
Thoạt nhìn, việc định nghĩa nó có vẻ như dễ lắm. Nếu tôi được mời dự một dạ hội, tôi tự hỏi “tôi có đi hay không?”, sau đó cân nhắc việc có hay không đi, rồi tôi quyết định “đi” hoặc “không”. Quyết định thể hiện một hành động của ý chí.
Sự quyết định tự nguyện được khởi phát bởi hai yếu tố chính:
– các tình huống bên ngoài (ở đây là lời mời)
– các tình huống nội giới (tính khí, và tâm lý, cách nhìn những sự việc, nhu cầu giải trí, nỗi lo sợ người ta, v.v…)
Một thí dụ khác: nếu tôi phải đến nha sĩ, cách suy nghĩ của tôi sẽ khác đi. Tùy theo tôi có đau hay không, tôi có sợ hay không, tôi có bị căng thẳng hay không, v.v…
Như vậy người ta thấy một hành vi của ý chí tùy thuộc vào những khuynh hướng, thị hiếu, tính khí, những đam mê của chúng ta, v.v…Chúng ta muốn, là đương nhiên rồi. Nhưng luôn vẫn có một cái gì đó trong chúng ta ảnh hưởng đến quyết định của chúng ta…mà không cần hỏi ý kiến chúng ta. Mà điều này đã trả tính kiêu căng của con người về lại một tầm cỡ khôn ngoan hơn…
Hơn nữa, trong nhiều hành vi “tự nguyện”, có biết bao nguyên nhân mà chúng ta không dám thú nhận! Có biết bao ý chí tranh đua, ý muốn trội hơn người khác, hoặc ức chế họ! Có biết bao nhu cầu mình có lý, để khẳng định chính mình là người “hay” hơn, để cho thấy mình có thể tự kiềm chế, rằng mình có nghị lực hơn, v.v…
Như thế, có phải đã tồn tại những ý chí thực thụ và giả hiệu không? Có phải có một bản chánh và các bức biếm họa không? Đúng. Đó là điều tôi muốn xem xét.
Ý chí được hình thành như thế nào?
Đối với nhiều người, là một người kiên quyết có nghĩa là nắm tay và cắn răng lại, châu mày, và đương đầu với các trở ngại. Nhưng không gì sai lầm hơn quan điểm này!
Hoặc, ý chí được nhìn xuyên qua một loạt khẩu hiệu, được xem như chắc chắn là có giá trị. Thế chúng là những gì?
– Muốn? là có thể nói không đối với tất cả mọi người.
– Khi nào tôi muốn là tôi muốn.
– Ai muốn thì được! (đây là khẩu hiệu chánh. Người ta không ngừng giáng nó cho các bệnh nhân tâm thần mà không hiểu người ta đang nói gì. Khẩu hiệu này đã gây ra biết bao tai họa).
– Khi tôi đã quyết định thì coi như đã xong. Các lý lẽ hay nhất trên đời cũng không thể làm cho tôi thay đổi ý kiến!
– Ý chí? Có nghĩa là vượt qua các chướng ngại vật.
– Ý chí? Có nghĩa là giữ vững các ý kiến của mình với sự cương quyết không thể lay chuyển.
– Nếu tôi đã nói không thì là không.
– Người ta phải mong muốn một cách quyết liệt… v.v…
Thế nhưng, tất cả những thái độ này là những biểu hiện hạ cấp của ý chí. Chúng hơi giống với ý chí thực thụ như một miếng thiếc so với một thỏi vàng…
KHI NÀO NGƯỜI TA HÀNH DỘNG MỘT CÁCH TỰ NGUYỆN HOẶC KHÔNG TỰ NGUYỆN?
1) Hành động một cách tự nguyện có nghĩa là hành động vì những lý do có ý thức.
Nếu chúng ta nói “Tôi muốn”, có vẻ như tự nhiên chúng ta biết ít nhất tại sao. Rằng chúng ta biết một cách có ý thức và ít nhiều chúng ta biết tại sao chúng ta lựa chọn hoặc quyết định cái này hoặc cái kia. Khi người ta nói “tôi muốn”, ít nhất chúng ta phải ý thức đưa ra được các lý do mà do đó chúng ta muốn. Nhưng trong bảy lần trên mười, người ta có thể chứng kiến cuộc đối thoại sau đây:
– Tôi muốn như thế!
– Tại sao?
– Bởi vì tôi muốn như thế; chấm hết.
Những con người này cho rằng mình đã hành động một cách tự nguyện. Thay vì phải có thể đưa ra các lý do có ý thức của một hành động tự nguyện. Như vậy, ở đây là sự tự động vô thức, chớ không phải của ý chí.
Chúng ta hãy lấy thí dụ một người bị thúc đẩy phải có một quyết định theo bản năng, một nhu cầu mình có lý, để thống trị, v.v… Thế anh ta có hành động một cách tự nguyện không dù cho bề ngoài nó có vẻ như thế! Không đời nào: anh ta hành động một cách vô thức. Cũng giống như thế, không một ai sẽ nghĩ rằng một cơn thịnh nộ là có ý thức, hoặc một người dễ xúc động lại tự nguyện bị khớp trước đám đông…
2) Hành động không tự ý chính là bị thúc đẩy bởi những con quái vật vô thức.
Và cũng chính vì thế mà hàng triệu người nói “tôi muốn”… trong khi hành động của họ vẫn là vô thức; ngay cho dù họ nghĩ hoàn toàn trái ngược. Tại sao? Bởi vì cái vô thức mạnh hơn ý thức của họ (trong các xung năng và mặc cảm chẳng hạn).
Những người này không muốn gì hết. Chính cái vô thức của họ thúc đẩy họ muốn.
Thí dụ: Đây là một người mà nhiều năm nay đã có một quyết định quan trọng. Anh ta thề rằng “Tôi MUỐN trở thành một luật sư tài ba”. Anh ta bỏ sức ra học, cố gắng thật dữ dội, làm việc cho đến kiệt sức, vượt qua tình trạng kiệt sức này. Không muốn nghe bất cứ ai, anh ta dồn hết tâm trí hướng đến mục đích.
Bây giờ chúng ta hãy thí dụ anh ta bị nhiều mặc cảm tự ti nghiêm trọng. Vì anh ta cảm thấy thấp kém, anh ta vô thức cảm thấy cần trở nên ưu việt hơn. Trong trường hợp này, anh ta có thực hiện được các hành động tự nguyện không? (tôi muốn nói tự nguyện một cách có ý thức?). Rất ít. Không phải ANH TA quyết định trở thành một luật sư nổi tiếng; nhưng chính các mặc cảm tự ti đã bắt anh ta phải tìm kiếm một ưu thế. Nhưng có lẽ anh ta không hề biết điều này… Anh ta tin tưởng là mình đã thực hiện được hàng ngàn hành động tự nguyện; nhưng thật ra, anh ta đã nghe theo các thôi thúc nội tại.
Kết quả của cái ý chí giả hiệu đó có thể rất tốt đẹp, về mặt cá nhân hoặc xã hội. Dù sao đi nữa, nó không bao giờ là kết quả của một ý chí thực thụ!
Trong bất cứ hành động tự nguyện nào, luôn có một sự pha trộn của ý thức và vô thức.
Và chúng ta có:
1) ý chí được tăng lên khi các lý do có ý thức tăng lên. Đến lúc này người này biết mình muốn cái gì và tại sao. Vì thế sự hiểu biết chính con người mình là vô cùng cần thiết.
2) ý chí giảm đi khi các nguyên nhân vô thức tăng lên.
Chúng ta nên ghi nhận là có rất nhiều người có thể biểu hiện các dấu hiệu bên ngoài của một ý chí mạnh mẽ… trong khi sự thật không phải như thế. Và chúng ta sẽ thấy ở phần sau đây.
Ý chí hợp lý – Một đức tính của con người là có thể tiên đoán được các hậu quả của vài hành vi. Thí dụ như con người biết việc tiêu thụ rượu một cách vô độ sẽ làm cho anh ta đau đớn trong một thời gian ít nhiều gần hoặc xa. Biết điều này, anh ta có thể so sánh sức khỏe hiện tại của anh ta với căn bệnh trong tương lai. Nói tóm lại, một người đúng theo danh nghĩa, có thể thiết lập bản tổng kết các hành động của mình, để lý giải và phân tích chúng.
Nhưng tôi xin lặp lại rằng những lý lẽ có ý thức của chúng ta được pha trộn với những thế lực đen tối nội tại (các bản năng, các thôi thúc, cảm xúc, tính khí, các nhu cầu của chúng ta, v.v…) Nếu ý chí tùy thuộc vào các lý lẽ có ý thức, nó cũng phụ thuộc vào sự hiểu biết mà chúng ta có được về chúng ta, vào các sự việc bên ngoài. Chúng ta hãy lấy cái thí dụ sau đây, và đặt cho vài người một câu hỏi không thể tầm thường hơn sau đây:
– Tại sao ông lại quyết định bỏ thuốc lá?
Và thường chúng ta có các câu trả lời sau đây, không thể nào hời hợt hơn, và không biểu hiện được một ý chí thực thụ:
– Bởi vì nó có hại cho sức khỏe (mà nói cho đúng có thể anh ta không biết một chút gì hết, chỉ lặp lại những gì anh ta được nghe).
– Bởi vì đây là một tật quá xấu (tại sao? có thể anh ta không thể phân tích rõ hơn)
– Bởi vì nó tốn quá nhiều tiền.
– Bởi vì tôi muốn thử thách ý chí của tôi (như vậy không chắc là anh ta có nó)
– Tôi nói không là không (anh ta không biết tại sao; như vậy đây là sự ngoan cố, và không phải là ý chí… dù cho kết quả của quyết định của anh ta rất lý thú.)
– Bởi vì vợ tôi không muốn cho tôi hút thuốc (có thể đây là người sáng suốt nhất!…)
Bây giờ chúng ta hãy thí dụ một bác sĩ quyết định không hút thuốc lá nữa. Tại sao? Bởi vì ông ta được thông tin rõ hơn và có thể phân tích kỹ càng các tác hại của thuốc lá. Ông ta so sánh sức khỏe hiện tại của ông ta với các nguy cơ của căn bệnh. Như vậy vị bác sĩ này có nhiều lý do có ý thức hơn những người khác. Người ta có thể nói là ông ta có nhiều ý chí hơn.
Cũng như thế, bây giờ chúng ta hãy thí dụ một nhà phân tách tâm lý phải quyết định một điều gì đó. Nhà phân tích tâm lý này hiểu con người ông ta ở mức tối đa. Ông ta có thể phân tích thật chi tiết cái vô thức của ông ta. Ông ta có trong tay rất nhiều dữ kiện cho phép ông ta quyết định sáng suốt với đầy đủ ý thức. Như vậy ý chí của ông ta đương nhiên sẽ rộng lớn và trong sáng hơn nhiều…
Ý chí đạo đức – Đây là ý chí hướng chúng ta đến cái thiện. Bất cứ người đàn ông nào cũng có cảm giác là nghe theo lý trí hay hơn làm theo các thiên hướng của bản năng. Thế nhưng, người có ý thức nhất trên đời vẫn giữ các thiên hướng, bản năng, v.v…
Vì thế, muốn có được một ý chí tinh thần hoàn hảo… thì phải là một người có tinh thần trong sáng.
Khoa tâm lý học hiện đại có khuynh hướng chỉ coi là thực thụ khi ý chí tìm kiếm cái thiện và cái tốt nhất. Tìm kiếm các lạc thú, thú vui và tiện nghi cho chính mình sẽ không ảnh hưởng gì đến ý chí.
Ý chí của quyền lực – Dạng ý chí này thường thúc đẩy con người đến việc thống trị đồng loại của mình. Đây là một khuynh hướng muốn trở thành mạnh hơn, mà không cần quan tâm đến những phương tiện được sử dụng. Vì vậy ý chí của quyền lực này rất độc hại. Nó không bình thường, được đặt trên nền tảng của các mặc cảm tự ti và bất lực; trên nhu cầu “làm hay hơn” những người khác, quan trọng hơn, có quyền thế hơn…
Những nhà giáo dục rối loạn thần kinh thích thống trị, nằm trong trường hợp này. Họ áp đặt “ý muốn” của họ… khi tin tưởng rằng họ hành động “vì lợi ích” của đứa trẻ. Về mặt xã hội, nước Đức của Hitler là một hình mẫu của loại ý chí của quyền lực này.
Một dạng khác, nhưng cao hơn: khi một cá thể càng ngày càng muốn có giá trị hơn, có được sự tự chủ, thực hiện được nhiều công việc tốt đẹp, v.v… Thế ý chí này có hoàn hảo không? Đương nhiên là không rồi! Nó được đặt trên nền tảng của sự ích kỷ. Con người tìm cái tốt cho mình, người ta thực hiện công việc của mình, người ta hướng đến giá trị của nó.
Thí dụ: một nghệ sĩ bỏ hết tâm trí vào tác phẩm của ông ta. Anh ta thực hiện nó với một ý chí “mãnh liệt”. Thế có phải là ý chí thực thụ không? Không. Người này cố gắng tự khẳng định mình, tìm kiếm sức mạnh cho mình.
Nhưng ý chí này sẽ ưu việt hơn, nếu anh ta nghĩ rằng mình có một thông điệp cần chuyển giao cho những người khác. Nếu như thế, trong một chừng mực nào đó, anh ta hướng đến cái tốt của những người khác.
Ý chí của quyền lực (cái xấu nhất!) rất phổ biến. Phần đông con người bị nó ám ảnh, nhất là trong loại xã hội của chúng ta (ý muốn tranh đua, nhu cầu vượt lên trên những người khác, muốn thống trị, v.v…)
Thay vì là ý chí, ở đây thường là rối loạn thần kinh, yếu đuối hoặc bất lực.
Quan niệm cổ điển về ý chí – Theo cách cổ điển, một hành vi tự nguyện được chia làm bốn thời kỳ:
1) Quan niệm: hành vi được thực hiện trong tâm trí (thí dụ như: tôi dự kiến được mời tham dự một vũ hội)
2) Sự cân nhắc: mà trong lúc đó người ta xem xét các lý do được hoặc không được (Nếu tôi có đi buổi dạ vũ đó thì vì lý do gì? còn tôi không đi thì vì lý do gì?)
3) Quyết định: đây là phán quyết kết thúc sự cân nhắc. Người ta chấp nhận hoặc từ chối.
4) Thi hành: nó ít nhiều mau chóng đi theo sau quyết định.
Trong bốn điểm này, điểm 3 (quyết định) mới là hành vi của ý chí.
Trên lý thuyết thì rất hay..:nhưng trong cuộc sống hàng ngày, Charles Blondel đã viết về vấn đề này như sau: Anh ta thật sự muốn đăng một thông báo trên báo chí để mời những người đã chọn lựa nghề nghiệp của họ hoặc quyết định một chuyến đi du lịch nào đó, xin được cho biết tên!
Trên thực tế, có rất nhiều quyết định được thực hiện trong cái hỗn độn nội tại, một số nguyên nhân vô thức không thể ngờ được! Xuyên qua các bản năng, tính khí, nỗi lo sợ, lo âu, mặc cảm, tính dễ bị kích thích, v.v… như chúng ta đã thấy. Quyết định tối hậu tùy thuộc trước hết vào sự tiếp nhận nội tại mà chúng ta nghĩ về vấn đề. Nếu một người quá nhút nhát nhận được một lời mời, phản ứng đầu tiên của anh ta là một cú sốc cảm xúc. Làm sao anh ta có thể “tự nguyện” quyết định được? Dù anh ta nói có hoặc không, chính tâm trạng nhút nhát của anh ta một phần lớn đã thúc đẩy anh ta. Thế thì sao?…
Hơn nữa, hành vi tự nguyện không chỉ kết thúc ở một điểm (thi hành). Quyết định một cái gì đó không phải là thi hành nó! Giữa lúc quyết định và thi hành luôn có những lúc do dự, nghi ngờ, nghiền ngẫm… tạo ra nhiều sự cân nhắc và quyết định mới. Người ta thường nhận thấy một quyết định đã được chọn, nhưng người đó không bao giờ thi hành nó. Đó là các trường hợp tầm thường của những người hút thuốc và uống rượu đã “quyết định” thay đổi thái độ. Đó cũng là trường hợp của rất nhiều người bệnh tâm thần (thí dụ như các suy nhược tâm thần). Họ “muốn” làm rất nhiều việc; họ quyết định “ngày mai” họ sẽ thực hiện điều này hoặc điều kia. Tuy nhiên họ không bao giờ thực hành cả. Hành vi tự nguyện đã bị ngăn cản ngay giữa đường; có nghĩa là nó không bao giờ xảy ra.
Cuối cùng thì ý chí có hiện hữu không? Thí dụ chúng ta đang ở ngoài đường. Chúng ta đi ngang qua một ông già đang đẩy một chiếc xe chở rất nặng. Khi nhìn thấy cảnh này, không một người đi đường bình thường nào lại tỏ ra dửng dưng; đây là một điều không thể có. Khi nhìn thấy ông già khốn khổ đó, trong chúng ta sẽ có rất nhiều cảm giác. Thí dụ chúng sẽ biểu hiện như thế này (mặc dù sự thật vô cùng phức tạp hơn nhiều?):
– Cảm giác đầu tiên: sự thương hại. Người nhìn thấy sẽ phản ứng bằng lời nói: “ông già khốn khổ kia! ở từng tuổi đó! Mà không có một con vật để giúp ông ta! v.v…”
– Cảm giác thứ hai: “Tôi muốn giúp ông ta. Tại sao? Bởi vì đây là nhiệm vụ của tôi; bởi vì đó là điều tự nhiên; bởi vì tôi không thể chịu được cái cảnh đó; bởi vì nếu tôi ở vào địa vị của ông ta, v.v…, v.v…”
– Cảm giác thứ ba: nhút nhát, sợ cái người–ta–sẽ–nói–gì– đây; sợ tỏ ra lố bịch, v.v…
Sau đó:
1/ Người nhìn thấy sẽ tự ép mình, băng qua đường, giúp ông già. Anh ta sẽ hài lòng hoặc hãnh diện. Anh ta vừa làm một cử chỉ đẹp, và “có được một chiến thắng với chính mình”.
hoặc
2/ Người nhìn thấy sẽ quay mặt đi và bỏ trốn về mặt tinh thần. Anh ta không làm gì hết. Anh ta cảm thấy bất bình, hổ thẹn với chính mình và “sự hèn hạ” của mình (mà thường khi chỉ là nỗi sợ hãi, nhút nhát hoặc sự ngốc nghếch…)
Như thế, người ta sẽ kết luận là người số 1 là cương quyết và người số 2 là “hèn hạ”. Có đúng như vậy không? Người ta nhận thấy rằng những do dự và quyết định đều được khởi phát bởi các tâm trạng của nội tâm (mặc cảm tự ti, nhút nhát, cách nhìn các sự việc ý thức đạo đức, thương hại, tình tương trợ, v.v…).
Thực ra, người ta có thể khẳng định ý chí không có liên quan gì đến việc đó cả. Nhưng đó chỉ là toàn bộ các phản xạ rắc rối, được chồng chéo lên nhau. Những phản xạ này vẫn được thực hiện ngoài ý muốn của chúng ta, vẫn gây rối trong chúng ta, mà chúng ta không thể làm gì được. Thế cái gì sẽ chiến thắng. Đơn giản chỉ là cái phản xạ mạnh nhất. Như vậy đây chỉ là sự phủ nhận đơn thuần của ý chí mà người ta thường nghe thấy.
Và bây giờ là một người khác đang quan sát ông già. Không một xung đột nội tâm, không do dự, không một cảm xúc thôi thúc không hổ thẹn, không phô trương, anh ta băng qua đường và phụ đẩy chiếc xe. Anh ta không hề phải cố gắng để quyết định hành động của mình. Điều đó được quyết định trong anh ta, một cách tự động. Anh ta làm điều này một cách đơn giản và tự nhiên thật hoàn hảo. Có điều chắc chắn là người này có tinh thần thoải mái hơn những người khác. Anh ta có cần phải huy động đến ý chí của anh ta không? Không. Trước hết anh ta không cần phải suy luận gì cả… Thế, ngay cả anh ta có phải tuân theo các phản xạ hoàn hảo hơn mấy người khác không?
Như vậy, ý chí là gì, mà theo đó nhiều triết gia và nhà tâm lý đã chú tâm trong nhiều thế Kỷ, mà không bao giờ định nghĩa được nó? Nó có hiện hữu không, hay là người ta tưởng cái ảo giác đó là chân lý? Người ta nói “Tôi muốn”, là việc đương nhiên rồi… Nhưng có phải người ta đã nói thế để giải thích các phản xạ đã trở nên ý thức không? Vậy thì, vai trò của chúng ta trong trường hợp này là gì? Điều cần thiết là phải sáng suốt nhận ra các phản xạ của chúng ta. Để có thể tự khẳng định với mình: “Tôi muốn và quyết định điều này; thế các phản xạ đã thúc đẩy tôi là gì? Chúng đến từ đâu và tại sao? Tâm trạng nội tại không chủ tâm của tôi là như thế nào, đã bắt tôi thực hiện một hành vi mà tôi tưởng là tự nguyện?
Và một lần nữa, chúng ta lại rơi vào sự hiểu biết mà chúng ta phải có ở chính con người chúng ta.
THẾ Ý CHÍ CÓ ĐÒI HỎI SỰ CỐ GẮNG, CÓ CO THẮT HOẶC CĂNG THẲNG KHÔNG?
Theo ý nghĩa thông thường thì đúng như vậy. Thường người ta nghĩ ý chí đòi hỏi một cố gắng. Người ta cho rằng sẽ không có ý chí nếu không có sự cố gắng. Thế nhưng chúng ta sẽ thấy nếu ý chí đòi hỏi một cố gắng thì sẽ không phải là một ý chí cao cả.
Đây là thí dụ của hai học sinh:
HỌC SINH 1 Rất giỏi. Tinh thần rất vững mạnh. Sinh khí dồi dào. Không hề phải cố gắng. Giải quyết các bài toán một cách điêu luyện. Tâm trí tập trung một có dễ dàng. Hiểu ngay không một chút khó khăn. Dễ dàng kết thúc học vấn, không mệt mỏi quá đáng. |
HỌC SINH 2 Học lực kém. Tinh thần suy nhược. Sinh khí yếu đuối. Tiến tới một cách khó nhọc. Phải cố gắng thật nhiều. Không thể tập trung tâm trí. Dù sao anh ta vẫn tiếp tục trong sự co thắt. Anh ta “vận dụng” hết ý chí. Thật chậm chạp, anh ta cũng giải quyết được bài toán và thành công. |
Thế ai mới thật sự có ý chí? Học sinh 1 hoặc học sinh 2?
Theo ý nghĩa thông thường sẽ là học sinh 2. Tại sao? Bởi vì anh ta cố gắng rất nhiều. Bởi vì anh ta vẫn tiến tới trước bất chấp mọi khó khăn. Tại sao anh ta tiếp tục? Đó là điều chúng ta phải tìm hiểu trước tiên. Có thể là: vì ý muốn tranh đua; do sợ thua kém những người khác; sợ bị khinh bỉ; muốn kết thúc học vấn trong danh dự, cuối cùng là để cho những hy sinh của cha mẹ không vô ích; sợ cha mẹ, v.v…
Vì anh ta cố gắng thật nhiều để vượt qua những khó khăn, nên người ngưỡng mộ anh ta. Đó sẽ là điều tự nhiên nếu những lý do của anh ta thật cao thượng và ý thức đạo đức của anh ta cao cả. Nhưng điều này không hề chứng minh đây là ý chí thực thụ. Dù cho ý thức đạo đức của anh ta cao thượng đến mấy đi nữa, đấy là một ý chí thấp kém, vì thiếu sức mạnh và do sự co cúm.
Còn học sinh 1? Anh ta đạt được mục đích mà không cần cố gắng và có sức mạnh giúp cho anh ta có được sự thoải mái tự nhiên. Anh ta vẫn giữ nguyên sinh khí của mình, cũng như sự hài hòa của cái tôi. Nhưng, ý chí là một hành vi phù hợp với lý trí có ý thức và sự hài hòa. Mà người đó không phải cố gắng để chứng minh sự hoàn hảo của hành vi. Chính anh này mới có ý chí thực thụ, bởi vì ý chí là sự hoàn hảo và sức mạnh. Vì thế, muốn được thể hiện, nó đòi hỏi các điều kiện phải hoàn hảo…
Một thí dụ thứ hai
MỘT NHÀ VĂN
Sáng tạo không gắng sức, thật mãnh liệt, với nụ cười và không co thắt ông ta làm việc thật mau lẹ, đều đặn, không do dự, không mệt nhọc. Ông ta sáng suốt biết được mục đích và hướng đến nó với tất cả trí thông minh và sinh khí của mình.
Sau một thời gian:
Lần hồi ông trở nên mệt mỏi. Ông vẫn tiếp tục sáng tạo. Càng ngày ông càng kiệt sức hơn. Ông bắt đầu co cúm và “mất đi giòng suy nghĩ”. Ông ta trở nên căng thẳng. Ông ta vẫn tiếp tục, chế ngự sự mệt mỏi, và “chế ngự” thân thể của mình. Ông ta tập trung và kiên trì. Ông chống chọi một cách khổ nhọc, để kết thúc được công việc làm của mình (vì một lý do nào đó)
Khi nào nhà văn này có ý chí thực thụ?
Ông ta có nó ở phần I. Ý chí cao cả là một hành vi hợp lý và ý thức, và vì thế mà ông ta tràn đầy sinh khí và sáng suốt. Ông ta hành động tự nguyện một cách tự nhiên.
Ông ta đã mất ý chí thực thụ khi nào? Khi nào ý chí đó trở nên thấp kém?
Đó là vào giai đoạn 2 khi ông ta phải cần đến ý chí thấp kém.
Sinh khí của ông ta bị giảm thiểu… và ý chí của ông ta cũng theo con đường đó. Ông ta phải co cúm và kiên trì. Ông ta đi đến mục đích với một cái tôi bị giảm thiểu vì mệt mỏi. Đến lúc đó ông ta phải cần đến “hết ý chí của mình”… mà đó là bằng chứng của sự thiếu hụt. Ông ta rơi vào trạng thái của ý chí thấp kém.
Trong khả năng sử dụng thông thường, người ta thường nghĩ ý chí có nghĩa là cố gắng. Rằng ý chí chỉ can thiệp vào mỗi khi phải chiến thắng, chế ngự, thống trị, có được quyền lực trên người khác, v.v… Người ta thường nghĩ rằng ý chí là để vượt qua các khó khăn.
Những quan điểm này được căn cứ trên các nhận xét hời hợt hoặc sai lệch. Nếu bạn phải cố gắng, điều này chứng minh sự khiếm khuyết. Nếu bạn phải cố gắng thật nhiều để nhấc lên 50 kg, điều này chứng tỏ bạn yếu đuối trong lĩnh vực này. Trái lại nếu bạn làm một cách dễ dàng, có nghĩa là bạn có một sức mạnh thích hợp với công việc. Một cố gắng đương nhiên là một dấu hiệu của ý chí. Nhưng một lần nữa, đây là một dạng thấp kém. Ý chí cao cả được căn cứ trên sự cân bằng và sức mạnh: cũng vì lẽ đó mà nó không cần đến sự cố gắng. Chỉ khi nào nó trở nên khiếm khuyết, người ta phải “tự động cố gắng”. Dĩ nhiên… nó thay đổi đôi chút các tục lệ thông thường, nhưng tôi không thể làm gì khác được. Mà đó là quy luật sinh lý… và hết sức lôgic. Mà hơn nữa, chân lý lúc nào cũng đẹp hơn ảo giác. Một con người ý thức và sáng suốt có phải hiện thực hơn là một người gần như hoàn toàn bị lệ thuộc vào sự kiệt sức hoặc cái vô thức của anh ta không? Ngay cho dù anh ta có làm những cố gắng tưởng chừng là tự nguyện…
Các điều kiện của một ý chí hoàn hảo là gì?
Chúng ta sẽ xem xét nó sau. Trước hết tôi muốn xin nhắc lại điều này: phải làm một cố gắng tự nguyện là biểu hiện sự bất lực của ý chí. Một ý chí hoàn hảo đòi hỏi một con người toàn diện hướng đến mục đích của anh ta, với sự phán đoán bình thường, lý trí và trí thông minh của anh ta. Nếu các khuynh hướng trái ngược hiện hữu trong chúng ta, chúng ta sẽ đi đến mục đích chỉ với một phần của chúng ta mà thôi… và chúng ta sẽ đi ngang qua đó. Các khuynh hướng trái ngược cắt bỏ sự hoà hợp của nhân cách, và chia rẻ ý chí của chúng ta. Đến lúc đó chúng ta chỉ có vài phần của ý chí, co cúm và đối chọi với nhau… và hướng đến những mục tiêu mà chúng ta chỉ thấy có một phần.
Đây là một thí dụ của một bà mẹ đang hy sinh cho các con của mình và làm việc đến kiệt sức. Bà phải cố gắng hết sức mình để hoàn tất công việc làm. Bà ta có ý chí không? Có, bởi vì bà ta “muốn đạt được”. Nhưng có phải đó là ý chí thực thụ không? Không! Đó chỉ là các mảng của ý chí và bị co cúm vì kiệt sức. Cho dù hành vi của bà mẹ đó đẹp đến như thế nào đi nữa, ý chí thực thụ của bà ta chỉ có ý nghĩa nếu bà ta lấy lại đủ sức lực để không phải cố gắng nhiều.
Ý chí phải giống như vẻ thanh lịch: vô hình
Ý niệm “ý chí” khiến cho bạn nghĩ gì?
a) Đến sự kiên trì – Con người quyết tâm phải thành công, và sử dụng vài phương tiện nào đó. Nhưng người ta thường hay nhầm lẫn sự kiên trì (mà nó là sức mạnh của sự cân bằng) và ngoan cố (là bất lực và yếu đuối)
b) Đến sự tự chủ – Đó là năng lực để chế ngự các cảm xúc, bản năng, v.v… Hơn nữa chúng ta còn phải biết nhận ra đâu là sự tự chủ thật đâu là giả.
c) Đến tinh thần quyết đoán – Nó phải mau lẹ, không do dự quá đáng và nghiền ngẫm tinh thần. Mà hơn nữa, nó còn phải là tinh thần quyết đoán thực thụ. Thí dụ một người bốc đồng có vẻ cho thấy nhiều quyết định vô cùng mau lẹ. Tuy nhiên anh ta không hề có ý chí như chúng ta sẽ thấy sau đây.
d) Đến tinh thần sáng tạo – Đó là năng khiếu để thực hiện một công việc mới.
Như thế tất cả những đức tính đó đòi hỏi vài điều kiện. Những điều kiện này là gì? Để hiểu rõ hơn, tôi đề nghị xem cái trò trái ngược, và quan sát cái gì ngăn cản ý chí.
Bất cứ ai cũng biết phương châm muốn thì được”. Phần đông người ta gần như tin vào chân lý của lời khẳng định này… bởi vì họ không có gì khác để sử dụng. Họ hiếm khi thẩm tra nó, ngoại trừ xuyên qua vài thí nghiệm mơ hồ một cách hời hợt.
Tuy nhiên những người này có thể mắc một căn bệnh nào đó. Nhiều khó khăn xuất hiện, nhất là các bệnh tâm lý. Các tình huống tầm thường nhất bắt đầu đòi hỏi nhiều cố gắng dũng cảm. Đấy là lúc cần phải cầu cứu đến “Ai muốn thì được” và đưa nó ra thực hành.
Trong trường hợp này, chúng ta hãy lấy thí dụ của một người bỗng nhiên bị suy nhược thần kinh. Căn bệnh này buộc anh ta phải nghi ngờ, tâm trí phải nghiền ngẫm, phải do dự trong lo âu, không dám làm gì cả, không dám hành động. Đến lúc đó người này nghĩ đến “Nếu tôi muốn là được. Ít ra đó là những gì người ta thường nói với tôi”. Những người bạn của anh ta không ngần ngại nhắc đến câu này luôn! Thế là người này đi với câu phương châm trong đầu, và lặp đi lặp lại suốt cả ngày. Điều gì sẽ xảy ra? Khẩu hiệu này không còn tác dụng nữa… Người này có thật sự tự nhủ cũng vô ích thôi “Tôi muốn là được”; không ăn thua gì nữa rồi. Người ta cố gắng hết mình, co cụm lại, cố “tự chế ngự” bằng ý chí trong nỗi tuyệt vọng. Không một kết quả khả quan nào hết, nếu không nói đến sự kiệt sức mỗi lúc một nhiều hơn.
Và đến lúc này, với sự bối rối, người bệnh tự hỏi không biết phương châm này có phải là một trò đùa dễ mến được những người khỏe mạnh đặt ra không. Và chính tại điểm này anh ta gần chạm vào sự thật.
Người bệnh nhận thấy một điều. Khi anh ta có sức khỏe, anh ta có thể muốn như bất cứ người nào khác. Nhưng bây giờ anh ta không thể muốn được nữa. Thế cái ý chí đó chỉ đơn thuần là một hậu quả thôi sao? Nó cần phải có vài điều kiện cụ thể để xuất hiện sao?
CÁC ĐIỀU KIỆN CỦA Ý CHÍ
Cũng như bất cứ một biểu hiện nào của con người, ý chí bắt buộc phải tuân theo các qui luật. Như vậy, tôi sẽ xem xét cái gì đã kềm hãm hoặc triệt tiêu ý chí. Chúng ta sẽ thấy có biết bao ý chí giả hiệu nhưng lại có tất cả hình dáng của cái thật. Một con lừa, đứng cứng đơ trên đôi chân của nó, đã không phải cho chúng ta thấy hình ảnh của ý chí, bởi vì nó nói “không” với sự cương quyết không thể lay chuyển được hay sao? Và rất nhiều người hành động như thế, trong khi vẫn tin tưởng rằng mình “rất cương quyết” hay sao?
Bây giờ chúng ta hãy xem xét nó dưới dạng biểu đồ, kèm theo lời giải thích.
ĐIỀU NGĂN CẢN Ý CHÍ |
ĐIỀU CHO PHÉP Ý CHÍ |
Sự thôi thúc quá đáng Sự ức chế quá mức Sự thiếu vắng nghị lực và những nghị lực giả hiệu (mệt mỏi, xao động, bồn chồn, quá xúc cảm, v.v…) Sự dửng dưng bệnh hoạn. |
Sự cân bằng giữa sự thôi thúc và ức chế Sinh khí, nghị lực thực thụ, cân bằng và tự chủ Sự quan tâm đến cảm xúc. |
Sự thôi thúc quá đáng
Thế nào là thôi thúc? Đó là một xung động không thể cưỡng lại thúc đẩy một người phải thực hiện một hành vi mà không suy tính. Người thôi thúc thường hay bùng nổ. Anh ta phóng tới trước. Anh ta không thể tự kiềm chế và hướng đến một cuộc đời cân bằng. Anh ta bị dẫn dắt bởi các ý muốn sơ đẳng, những tự động vô thức và cảm xúc của anh ta bị sai lệch. Thường anh ta hành động một cách “điên cuồng”. Là người chỉ huy, anh ta thường ra lệnh một cách khô khan và khinh bỉ. Dĩ nhiên anh ta tự coi mình như là “người cầm đầu” và “cương quyết,” Anh ta không bao giờ do dự, lúc nào cũng tiến về phía trước và không bao giờ chấp nhận mình sai lầm (trừ phi anh ta muốn làm ra vẻ hoàn hảo). Như vậy, người thôi thúc có vẻ “muốn”. Mà thật ra, anh ta không thể kềm chế các hành động của mình và có ít ý chí như một người yếu đuối. Người thôi thúc cũng giống như người xao động, tỏ vẻ cương quyết mà thật ra không hề chút nào (người xao động đã được xem xét trong mục “mệt mỏi”).
Như vậy người thôi thúc lao theo một hành vi quá đáng. Anh ta không ngừng chạy. Có vẻ như anh ta đầy ý chí và sức mạnh tinh thần. Nhưng trong thâm tâm, anh ta biết (tuy nhiên nếu anh ta dám tự xem xét mình…) rằng mình không hề có ý chí thực thụ. Với một tinh thần quyết đoán giả tạo, để che giấu sự bất lực, lo âu và tính dễ xúc động.
Đây là một người nghiện hành động… Anh ta phóng thẳng tới trước, có khi một cách hung hãn, và không thể lùi bước để khả dĩ có thể đổi hướng đi… Anh ta không phải là một người cương quyết: mà là một người máy.
Có một dạng người thôi thúc khác: người thôi thúc với phản ứng chậm. Phản ứng bên ngoài của anh ta không tức thì. Anh ta nghiền ngẫm. Các sự kiện được tích lũy trong anh ta như những loại đạn dược nguy hiểm. Cuối cùng, các sự kiện này cứ phình lên quá mức và thu hút tất cả sự chú ý của anh ta. Áp lực nội tại tăng lên đến tột cùng. Người thôi thúc này trở nên bực tức, hăng lên… và bùng nổ. Sự bùng nổ này thường được chính anh ta tìm kiếm, hầu để làm giảm thiểu sức ép tâm lý! Như vậy, anh ta cũng thế, anh ta có thể làm ra vẻ mình là người có ý chí đang hành động… Nhưng sự thật không phải vậy. Người ta có thể dễ dàng quan sát anh ta: anh ta bối rối, trở nên căng thẳng, cà giật. Giọng nói của anh ta đứt quãng. Anh ta không bao giờ làm chủ mình, của hành động và cả lời nói của mình.
Như vậy, những người thôi thúc không hề có ý chí, nhưng đơn thuần chỉ là sự tuân theo sức mạnh của các bản năng vô thức. Và có thể nói gì được khi những người này bị các mặc cảm tự ti, làm cho “ý chí” thống trị và quyền lực của họ tăng lên thêm…
Sự trì hoãn quá mức
Trì hoãn là sự kềm hãm một hành vi hoặc một ý tưởng.
Nó trì hoãn việc thực hiện một hành vi dự định, để có thể phán đoán và lý giải nó. Một người bình thường sẽ “do dự một lúc” trước khi hành động. Nhưng sự do dự này phải ngắn ngủi.
Nhưng không thể như thế với người bị ức chế quá mức. Sự do dự này đã kéo dài từ lâu rồi. Người này do dự rất lâu, nghiền ngẫm, nghi ngờ, không ngừng xem xét lại các quyết định của mình. Sự ức chế có thể kết thúc bằng việc chặn đứng hoàn toàn hành vi dự định.
Người bị ức chế trốn tránh hành động, bởi vì anh ta không thể vượt qua nỗi lo sợ của mình. Không phải vì thiếu vắng ý chí, nhưng vì nó bị nhốt lại. Thí dụ, một người nhút nhát “rất muốn” biểu lộ tính quyết đoán; nhưng anh ta “không thể” làm được. Bởi vì các kềm hãm nội tại mạnh hơn ý muốn của anh ta rất nhiều. Anh ta cũng giống như một chiếc xe hơi cố gắng chạy tới trước với các thắng bị giữ chặt.
Người bị ức chế chờ cho các sự kiện quyết định giùm cho anh ta, hoặc một nhân cách mạnh hơn giải tỏa cho anh ta. Khiếm khuyết này thường được bắt gặp trong sự nhút nhát, trầm uất, các mặc cảm tự ti, suy yếu trí tuệ, rối loạn thần kinh, mặc cảm, v.v…
Trái lại – ý chí là khả năng hành động có ý thức. Đương nhiên hành động này đòi hỏi một phần thôi thúc. Nhưng chúng ta vừa thấy một người thôi thúc “thuần túy” giống như một chong chóng trước gió, cho dù anh ta có vẻ như hành động với một năng lực tự động. Vì thế, một hành động cũng yêu cầu sự kềm hãm các thôi thúc đó (ức chế). Một hành động tự nhiên đòi hỏi sự cân bằng giữa sự thôi thúc và ức chế. Nếu sự cân bằng bị gãy đi vì một lý do nào đó, người ta sẽ rơi vào tình trạng ức chế quá mức hoặc thôi thúc; và người ta sẽ tự động gặp tình trạng thiếu ý chí.
Tình trạng thiếu năng lực
Chúng ta đã xem xét rất kỹ sự mệt mỏi, và cả hai hậu quả của nó là sự kiệt sức và sự cuồng động.
Người ta dễ nghiệm thấy sự kiệt sức gây ra tình trạng thiếu ý chí. Một nhân cách bị suy yếu chỉ có thể xuất phát từ một ý chí yếu kém.
Còn cuồng động thì sao? Người ta có thể so sánh nó với sự thôi thúc quá đáng. Người cuồng động không ngừng thực hiện nhiều hành vi, mà không hề cảm thấy kiệt sức. Anh ta làm ra vẻ mình có nhiều sinh lực… trong khi anh ta gần như cạn kiệt! Bị lệ thuộc một hệ thống thần kinh rối loạn, người cuồng động xoay đủ mọi hướng. Như vậy, anh ta biểu hiện một sinh lực giả tạo được cắt nghĩa bằng một ý chí giả hiệu. Giống người thôi thúc, những hành vi của người cuồng động có vẻ tự động, nếu được quan sát một cách hời hợt.
Tình trạng thiếu sinh lực cũng tạo ra cảm xúc, kích động. Những người dễ bị kích động và xúc cảm tự động mất đi sự sáng suốt…và như vậy các khả năng của họ. Họ bị lệ thuộc vào nhiều nhiễu loạn thần kinh như chúng ta đã thấy trong mục “y học tâm thể”. Vỏ não của họ hoạt động không tốt. Họ là chủ đề của những cơn bão nội tại thực thụ, mà cảm xúc của họ phải gánh chịu hậu quả. Nếu họ phải có một quyết định, nó có thể nào “một cách tự nguyện” không? Không. Họ bị thúc đẩy bởi các thôi thúc do xúc cảm tạo ra…
Cũng như thế, sự kiệt sức có khi tạo ra nhiều ý chí giả tạo thần kỳ. Người ta biết rõ những con người kiệt sức vẫn cứ tiếp tục hành động bất chấp mọi thứ, bị xô đẩy bởi các nguyên nhân nội tại. Họ không ngừng vượt qua sự mệt mỏi của họ, và không quan tâm đến nghỉ ngơi. Khi nhìn họ, người ta có thể nghĩ đây là “chiến thắng của ý chí”; người ta có thể tưởng tượng họ có một nghị lực và ý chí đáng phục. Văn học, điện ảnh và đời thường tràn đầy những gương đó. Tôi có nêu trường hợp của một bà mẹ kiệt sức làm việc không nghỉ ngơi, và có ghi ra các kết quả đôi khi rất cao cả về mặt tinh thần. Nhưng điều này không làm thay đổi vấn đề, mà nó là như sau: khi không ngừng vượt qua sự kiệt sức, có phải đây là ý chí thực thụ không? Câu trả lời là: không. Không hề có ý chí, nhưng là sự co cúm với một nhiệm vụ được giao phó, bắt đầu từ một ý nghĩ có thể đi đến ám ảnh (ám ảnh về nhiệm vụ, thành công một công việc, sợ bị khinh bỉ, v.v…).
Trái lại – Giá trị của con người tồn tại trước hết trong sinh lực và cân bằng. Nó tồn tại trong sự tự chủ mà người đó có trong chính họ. Người ta không thể tưởng tượng một con người cương quyết mà không có sự tự chủ giúp cho anh ta xem xét một cách bình tĩnh và sáng suốt tất cả những vấn đề đến với anh ta.
Sự thiếu quan tâm
Bất cứ một quyết định nào của con người cũng đòi hỏi một mức độ quan tâm nào đó. Quyết định một hành động có nghĩa là chúng ta quan tâm đến nó theo một cách nào đó. Thế nhưng có rất nhiều người không thể nào (mặc dù họ rất muốn) cảm thấy một chút quan tâm với bất cứ việc gì. Các nguyên nhân phải được tìm kiếm cho thật cẩn thận. Sự thiếu quan tâm tạo ra sự xấc láo, lười biếng, chậm chạp và không hoàn tất các hành động, v.v… Những nguyên nhân thường thấy là: thể tạng, tính di truyền, sự hoạt động không tốt của các tuyến nội tiết, suy nhược trí tuệ, rối loạn thần kinh, v.v…
Trái lại – Một sự quan tâm sâu sắc, kèm theo sư cân bằng tự nhiên sẽ tạo ra ý muốn. Như vậy sự “thiếu quan tâm” thật sự là một căn bệnh của ý chí và phải được xem xét và chữa trị như thế.
ĐIỀU NGĂN CẢN Ý CHÍ Tinh thần cứng nhắc Sự ngoan cố Sự bướng bỉnh Các quan điểm cố chấp Sự co cúm, tính khiêu khích Sự ngốc nghếch Làm việc một cách vô thức thay vì có ý thức Tất cả những gì chia nhỏ hoặc giằng xé nhân cách Tất cả những gì ngăn cản sự tổng hợp trí tuệ. |
ĐIỀU CHO PHÉP Ý CHÍ Sự mềm dẻo và tầm rộng của trí tuệ; quan điểm rộng rãi Sự hài hòa giữa ý thức và vô thức Tất cả những gì hợp nhất và cân bằng nhân cách Tất cả những gì cho phép sự tổng hợp trí tuệ. |
Tinh thần cứng nhắc
Những loại người này thường cứng nhắc và không thể lay chuyển như một tảng đá. Cũng không hiếm thấy sự cứng nhắc tinh thần ở những người bị ức chế.
Như vậy trường hợp này là thường của những kẻ nhút nhát hoặc có mặc cảm tự ti. Họ do dự rất lâu trước khi hành động. Nhưng một khi đã quyết định hành động, họ sẽ chú tâm và bám níu một cách nhẫn tâm. Người ta có thể nghĩ họ đang bám vào một móc an toàn… Như vậy trong các quyết định của họ có sự cương quyết gần giống như một sức mạnh tinh thần. Nhưng trên thực tế, đây là sự yếu đuối nghiêm trọng… Người yếu đuối không bao giờ thoải mái được; anh ta bị giam hãm trong quyết định mà anh ta đã chọn. Tại sao? Bởi vì quyết định đó đã làm cho anh ta tiêu hao quá nhiều năng lượng. Anh ta không thể nào xét lại quyết định đó để chọn một cái khác… điều sẽ làm cho anh ta phải do dự trở lại… Như vậy anh ta dứt khoát bám lấy những gì anh ta đã quyết định. Thêm vào đó, một người yếu đuối cần có một quyết định không thể lay chuyển! Điều này giúp cho anh ta có sự an toàn bởi vì nó loại bỏ tất cả những nghi ngờ khổ tâm! Và cũng vì vậy mà anh ta phải có một thái độ cứng nhắc… Có khi anh ta hãnh diện mà tuyên bố rằng “Tôi à? Tôi không bao giờ thay đổi quyết định dù cho người ta có phản đối tôi với những lý do hay đến mấy đi nữa…”. Anh ta không thể giảm bớt sự cứng nhắc của mình; vì anh ta cho đó là ý chí. Đến lúc này anh ta dựa vào các “nguyên tắc” để có thể dễ chứng minh cái tính không thể lay chuyển của mình.
Rất nhiều người chuyên quyền nằm trong trường hợp này, như chúng ta thường thấy. Họ tạo ra nhiều sự giáo dục tai hại bằng cách bẻ gãy ý muốn của các con họ.
Sự ngoan cố, co cúm, bướng bỉnh và các quan điểm cố chấp
Đây là những tật còn tệ hại hơn là sự cứng nhắc! Một người cứng nhắc còn có thể suy nghĩ; người đó có thể cắt nghĩa hành vi của mình, dù bằng những nguyên tắc vô lý (mà đối với người đó là rất hợp lý). Điều này không thể với người ngoan cố, bướng bỉnh và người bám lấy các quan điểm của mình… Họ không hề nghĩ gì cả. Dù họ cố giữ quan điểm của họ “bất chấp mọi thứ”, đây không hề là ý chí. Họ không bao giờ suy xét thái độ của họ: vì họ không thể làm việc này. Như tôi đã nói, tâm lý của họ bị xơ cứng. Đối với người này thì sẽ không có vấn đề biện minh cho một quyết định. Anh ta nói “… tôi muốn bởi vì tôi muốn như thế, tôi quyết định bởi vì tôi quyết định, và không có gì phải bàn cãi hết!.”
Những người chung quanh anh ta có khi hỏi “… nhưng tại sao anh ngoan cố đến thế?” Anh ta không trả lời, bởi vì anh ta không thể đưa ra bất cứ một lý do nào cả. Vậy, bạn muốn anh ta phải làm gì đây? Anh ta càng cứng đơ hơn nữa và bám lấy các quan điểm của mình. Anh ta giữ thái độ kênh kiệu của mình, cố chế ngự mang ý chí của mình” tất cả những người mà anh ta cảm thấy vượt trội hơn anh ta. Còn những người khác, họ có thể làm gì trước một bức tường bê tông như thế, nếu không phải là đi ngang đó, phản kháng lại hoặc phục tùng, với tất cả những hậu quả mà điều này áp đặt?
Sự mềm dẻo tinh thần
Người ta thấy ngay sự mềm dẻo tinh thần chống chọi lại mọi hình thức cứng đơ tinh thần. Và một tinh thần rộng mở ngăn cản sự xuất hiện của những thái độ cứng nhắc! Vì vậy chúng ta phải tìm cho ra các nguyên nhân của sự cứng đơ này, ngoan cố, v.v… Những khiếm khuyết này có khi xuất phát từ sự ngốc nghếch… nhưng thường hơn là do các mặc cảm bất lực, tự ti và ức chế. Cũng có thể do sự thiếu hiểu biết: là điều khá hợp lý khi một người bị cứng đơ trước những cảm giác mà người đó cho là sự thật. Tầm nhìn rộng rãi là rất cần thiết cho một ý chí bình thường. Trước hết, bởi vì nó cho phép một phán đoán ý thức tối đa; sau nữa nó làm cho người ta nhận biết rằng tất cả các mảng của thực tế để hướng đến chân lý cuối cùng. Rất nhiều việc sẽ được cứu vớt nếu mỗi chúng ta nhận ra rằng mình có lý… mà người kia thì cũng không hề sai!
Khi vô thức làm tổn hại đến ý thức
Khi một con người chỉ biết hành động theo vô thức, thì không còn là con người nữa, mà là một cỗ máy. Ý chí là một tính năng cao cấp và tinh khiết. Như vậy, người ta thấy một ý chí thực thụ rất hiếm khi được thể hiện trong suốt một ngày… hoặc trong cả một đời người. Rất nhiều người sống suốt cả một cuộc đời mà không hề thực hiện được dù chỉ một hành vi ý chí thực thụ, trong khi không ngừng lặp đi lặp lại “tôi muốn”. Chúng ta lại phải nghĩ đến những rối loạn thần kinh, mặc cảm, nỗi sợ sệt, lo hãi, bù trừ. Những chứng bệnh đó bắt con người phải hành động xuyên qua một cảm tính hoàn toàn sai lệch. Con người hướng đến mục đích chỉ với một phần nhỏ của anh ta mà thôi. Và cái phần nhỏ đó nói “tôi muốn” thường là phần bệnh hoạn!
Chúng ta hãy xem lại thí dụ của người chuyên quyền. Anh ta nói “tôi muốn” để có thể thống trị được những người khác. Tại sao? Vì sự yêu thích thống trị? Không hề? Nhưng để có thể bám víu vào một ảo giác quyền lực và sức mạnh. Vì thế đó là phần bệnh hoạn (yếu đuối) bắt anh ta phải muốn như thế. Mà điều đó có khi một cách dữ dội trên sự đau khổ của những người khác. Anh ta bị giằng xé theo mọi hướng, luôn trong tình trạng căng thẳng; anh ta biết rằng bất cứ sự thả lỏng nào của ý chí–cứng đơ của anh ta sẽ làm cho anh ta rơi về lại sự yếu đuối cơ bản của mình…
Hơn nữa, các xung đột nội tại ngăn cản sự tổng hợp tinh thần, mà nó là “sự tiêu hóa tinh thần” của tất cả các sự kiện trong đời. Chúng ta đã thấy khi nghiên cứu Janet rằng có nhiều tình huống không được bộ não “tiêu hóa một cách trọn vẹn”, giống như thể một bữa ăn còn nằm lại trong bao tử”, tạo sự khó chịu trong người và chứng khó tiêu. Thế những thức ăn khó tiêu của tinh thần là gì? Là tất cả những gì mà vô thức giằng xé con người, vì vậy là tất cả những biến dạng của tâm lý và toàn bộ những cảm xúc sai lệch.
Như thế đạt được tính năng cao cấp là ý chí đòi hỏi sự chỉnh sửa tất cả những cảm xúc bị sai lệch đó. Đó là nhiệm vụ của khoa tâm lý.
Và chúng ta có điều này:
ĐIỀU SAI Ai muốn thì được! Có cần phải nói gì thêm không? |
ĐIỀU ĐÚNG Ai làm được thì muốn |
Ý CHÍ, NÉT THANH LỊCH ĐÓ
Ý chí không phải là một tính năng đặc biệt. Nó tùy thuộc nhiều yếu tố thể chất và tinh thần; nó xuất phát từ sự cân bằng của toàn thể các trung khu thần kinh. Nó xuất hiện biến mất và thay đổi tùy theo các dao động của nhân cách chúng ta.
Chúng ta biết rằng:
Một năng lượng thực thụ, cân bằng, sáng suốt và hài hòa tạo một ý chí thực thụ ổn định, vô hình, mạnh mẽ và vững bền. Một năng lượng giả hiệu, tình trạng thiếu năng lượng, sự co cứng, căng thẳng thần kinh, mệt mỏi, cuồng động, ngoan cố, thôi thúc là những sai lệch tinh thần tạo ra một ý chí giả tạo hoặc thiếu ý chí.
Như thế ý chí là vấn đề của sức khỏe? Trước hết, là đúng tư thế? Nhưng từ “sức khỏe” này phải được hiểu trong cái nghĩa rộng nhất. Tôi nhắc lại là ý chí đòi hỏi toàn bộ con người chúng ta hướng đến một mục đích, và điều này với sự cố gắng tối thiểu. Vì thế, không có sự gò bó hoặc giằng xé nội tại. Nếu chúng ta phải “tự nguyện cố gắng” để bẻ gãy các thói quen có từ lâu chúng ta sẽ xem xét hành vi chỉ với một phần của chúng ta mà thôi. Như vậy sẽ không phải là ý chí thực thụ.
Con người hành động, có một sức mạnh ổn định. Anh ta hành động một cách tự nguyện, bởi vì hành động là nét đặc thù của con người. Và nếu ngoài điều này ra, anh ta sáng suốt và thoát khỏi các giằng xé nội tại, thì anh ta có ý chí. Anh ta không cần phải tìm kiếm nó bằng cách nắm tay lại. Không một chút khó khăn, ý chí sẽ đáp ngay lời yêu cầu của anh ta. Tại sao? Bởi vì “trong anh ta tự động quyết định”. Anh ta chỉ cần dự định một hành vi nào đó để có thể thực hiện không một chút gắng sức. Nếu một đầu máy xe lửa hoàn hảo sản sinh ra sức mạnh thì một con người hoàn hảo cũng sản sinh ra ý chí. Trao dồi ý chí của mình, có nghĩa là đạt được sức mạnh, sự cân bằng, trí tuệ và sự sáng suốt. Như vậy sẽ không còn vấn đề “ý chí” theo cách mà người ta thường hiểu; nhưng là sức mạnh tinh thần cao quý, được đặt trên nền tảng của một tinh thần ổn định và cao cả.
Một ý chí giả tạo giống như một thân cây cằn cỗi, phải bám vào tất cả rễ của nó; ý chí thực thụ như một cây sồi, mạnh mẽ và mềm mại.
Vì vậy chúng ta không được nói “đây chỉ là vấn đế ý chí” nhưng phải là “đây là vấn đề sức mạnh và tinh thần khoáng đạt “
Ý chí tự dạy dỗ, tái giáo dục và tự trau dồi
Như Baudoin đã nói, ý chí được xem như là một “chùm khuynh hướng bền chắc được nối kết với nhau. Nó đòi hỏi tất cả sức mạnh của chúng ta phải được giải thoát và cùng hướng đến một mục đích. ý chí là một hành vi ổn định, nhất là được tạo ta bởi sự giải thoát chính con người mình. Nó là sự tự chủ và chi phối thế giới bên ngoài. Như vậy, chúng ta phải loại bỏ tất cả những gì có nguy cơ phân tán “Cái Tôi” của chúng ta.
Loại bỏ những gì làm rối loạn sinh khí.
Một sinh khí bình thường là điều kiện tiên quyết của một ý chí thực thụ. Không thể có một bản sonát của Mozart với một cây dương cầm không được so dây cho hoàn chỉnh; không một ý chí cao cả trong một thân thể không hài hòa! Thuyết của giáo sư Gilbert Ro bin rất nổi tiếng: “Không có người lười biếng: chỉ có người bệnh mà thôi. Chỉ các bậc cha mẹ là lười biếng, các nhà giáo dục và bác sĩ không muốn tìm kiếm các nguyên nhân của sự thấp kém mà họ “thương xót”. Điều này cũng dễ hiểu… Người ta muốn chỉnh sửa những khiếm khuyết của ý chí (lười biếng, chậm chạp, do dự, thôi thúc, v.v…) ngay trước khi tìm cho ra các nguyên nhân sâu lắng của những khiếm khuyết đó.
Loại bỏ những gì làm rối loạn tâm thần
Vấn đề này còn bao la hơn nữa. Như tôi đã nói, đây là vấn đề làm sao phát triển và tập hợp sức mạnh tinh thần của chúng ta lại thành một điểm lý tưởng. Lúc đó sẽ xuất hiện một ý chí vào bậc nhất, lý tưởng và thanh thản. Tìm lại một năng lượng cân bằng, có nghĩa là: tự thoát ra khỏi các kềm hãm vô thức, chia xẻ nhân cách chúng ta; tự thoát ra khỏi các cặn bã nội tâm đang bóp nghẹt sự sáng suốt của chúng ta. Đương nhiên đây là một công việc rất khó khăn và gần như không thể thực hiện một mình. Hầu như chúng ta phải cần đến sự trợ giúp của các nhà tâm lý chiều sâu.
Thí dụ: Một dồn nén hoặc một mặc cảm ngăn cản hành vi của một ý chí thực thụ. Phần lớn các quyết định được thực hiện vì các sự kết tinh vô thức. Con người không hề biết sự hiện hữu của chúng; tất cả những gì anh ta nhận thấy là anh ta chỉ thực hiện được nhưng hành vi bất thành, xé nát bàn tay anh ta. Trong suốt cuộc đời anh ta chỉ đi ngang qua cánh cửa đang mở để đụng đầu vào chính bức tường… Và nếu con người cố gắng tự mình xem xét các sai lệch tinh thần của chính anh ta, anh ta chỉ có thể làm được việc đó xuyên qua chính những sai lệch đó, mà đó là điều hiển nhiên. Thí dụ này có giá trị cho tất cả các thiểu năng tâm thần đang giằng xe và làm sai lệch nhân cách của chúng ta.
Bên cạnh những trợ giúp đắc lực của khoa tâm lý chiều sâu, các phương tiện trực tiếp là những gì? Với Masson–Oursel, người ta có thể tin rằng “con người không phải sinh ra là đã cương quyết nhưng trở thành như thế bằng tập luyện”. Và người ta đạt gần như một nghịch lý: muốn có được ý chí thực thụ người ta phải thực hiện nhiều cố gắng liên tục và đi đúng hướng. Những cố gắng tự nguyện này không phái là ý chí, nhưng giúp chúng ta đạt được bằng tập luyện. Cũng giống như một vũ công đạt được sự thoải mái hoàn hảo và tự chủ sau nhiều cố gắng có mức độ và hướng đến một mục đích. Những cố gắng đó không phải là vũ điệu, nhưng cuối cùng rồi cũng đạt tới.
Vì vậy chúng ta phải nghĩ đến những bậc thang. Chúng ta phải:
a) biết tình trạng thể chất và tinh thần của mình.
b) không ngừng quan tâm đến nó.
c) và từ đó trau giồi việc tập luyện tùy theo các khả năng và lặp đi lặp lại càng thường xuyên càng tốt.
Sự tự kỷ ám thị được thực hiện đúng cách có thể giúp ích rất nhiều. Tôi xin nhắc lại tự kỷ ám thị là cách đặt một ý tưởng vào trốong tâm trí của chúng ta. Một khi ý tưởng này trở nên vô thức, nó thúc đẩy một cá thể tự động thực hiện vài hành vi nào đó.
Giáo dục đặt trong chúng ta nhiều khái niệm. Những khái niệm này có khi trở nên vô thức, và bắt chúng ta phải tuân theo. Như vậy, vấn đề là tìm cho ra các ý tưởng vô thức này để xem xét. Thế chúng tốt hay xấu? Hơn nữa, việc luyện tập tự kỷ ám thị cho phép đặt trong chúng ta nhiều quan điểm khác, từ cá nhân chúng ta, và tạo ra nhiều hành vi có ý thức hơn của riêng chúng ta.
Học cách tập trung tư tưởng cũng quan trọng. Thay vì phân tán tâm trí, chúng ta phải học “cách tập trung tinh thần” cho một công việc. Thế nhưng rất nhiều người lại đi phân tán tâm trí của họ! Bộ não phải chăm chú vào công việc muốn thực hiện, và không được xao lãng. Như thế là sự tập trung có ý thức. Nhưng hãy cảnh giác! Chúng ta đã xem xét sự tập trung. Có một điều chắc chắn là các bài về tập trung không được gây ra tình trạng kiệt sức hoặc định kiến. Chúng ta không được thúc đẩy quá mức hoặc kéo dài quá lâu. Chúng ta cắt ngang các đợt tập luyện này bằng những nghỉ ngơi, mà chúng là “những lúc nghỉ ngơi của tinh thần”. Rất nhiều bài tập không thể thực hiện một mình.
Phải ý thức đến chính mình. Đây phải là kết quả của sự phân tích chiều sâu, làm trồi lên mặt ý thức các sự kiện tù đọng trong vô thức. Như vậy tâm lý học tìm được các sai lệch nội tại, đang giam hãm nhân cách và ngăn cản ý chí.
Nhưng có rất nhiều việc khác làm rối loạn ý thức con người. Chúng ta hãy nhìn quanh chúng ta… Có biết bao nhiêu là tật! Tật về ngôn ngữ, tật về cử chỉ, tật về bộ điệu! Ở đây cũng vậy, những bài tập luyện có vẻ hấp dẫn một cách phi thường. Tất cả những tật này thường là vô thức; các bài tập sẽ loại bỏ chúng bằng cách làm cho chúng trở nên ý thức.
Tập luyện để cảm nhận chính mình trong tất cả các biểu hiện của thân thể là điều tối quan trọng. Ở đây không phải là để chế ngự, mà là để ý thức. Có biết bao cử chỉ tự động, người ta đã làm trong một buổi? Hàng trăm hoặc hàng ngàn. Mở một cánh cửa, cài một nút áo, đốt một điếu thuốc, gật đầu để xác nhận hoặc từ chối, lấy một cây bút chì, gạt một tàn thuốc lá mỡ một cánh cửa sổ, v.v…
Một bài tập luyện tốt có nghĩa là nhận thức rõ ràng những hành vi tự động này. Chúng ta phải tập cảm nhận được mình đang làm việc này việc nọ. Cảm nhận mình đang mở một cánh cửa, bằng cánh tay và bàn tay. Cảm nhận tối đa mình đang lấy một vật gì đó. Cảm nhận có ý thức mình đang gạt tàn thuốc lá. Cảm nhận được mình đang thực hiện một hành vi này hoặc một cử chỉ kia trong không gian, v.v…
Ở đây tôi chỉ có thể nêu ra các nét thật đại cương mà thôi. Một tập luyện quá mức đòi hỏi một hướng đến. Nhưng với kết quả gì? Nhưng dù sao chúng ta cũng nên thử xem. Nếu bạn nói chuyện với một ai đó, bạn có nhận ra là bạn đang gật đầu không. Bạn có cảm nhận được các điệu bộ của khuôn mặt bạn không, bạn châu mày, chứng máy cơ miệng của bạn không, các lần nhún vai; bạn hãy ý thức rằng bạn đang cắn chặt răng lại; bạn có ý thức bạn đang làm một cử chỉ này hoặc cử chỉ nọ không, bạn đang bắt chéo hai chân bạn, v.v… Bạn hãy thử cảm nhận tất cả những thứ đó bằng từng sớ thịt của bạn…
Chúng ta có cần phải “tự nguyện” chế ngự các cử chỉ, tật và những thói quen kỳ quặc của chúng ta không? Không, không đời nào. Vấn đề là chúng ta phải ý thức được chúng theo cách tốt nhất có thể được. Và nếu điều này được thực hiện tốt, người ta nhận thấy được điều này: sự tự chủ sẽ tự động hình thành. Vài khiếm khuyết (như tính nhút nhát chẳng hạn,v.v..) sẽ hưởng lợi tối đa khi ý thức chế ngự được thân thể. Thân thể không thể nào điều khiển được con người nhưng chính con người chỉ huy thân thể.
Chế ngự được các thôi thúc sẽ mau chóng đem lại kết quả. Chúng ta biết một người thôi thúc không hề hành động một cách tự nguyện, dù cho anh ta có vẻ tỏ ra có ý chí. Anh ta hành động một cách máy móc, và tiêu hao năng lượng một cách vô ích. Nên việc ý thức được chính con người mình là rất hữu ích. Anh ta phải học cách thoát ra khỏi các “tật” của tay, đầu, thân thể của anh ta. Anh ta ý thức được sự “hăng say” trong lúc tranh cãi, và đôi khi sẽ nhận thấy rằng mình muốn mình có lý và chế ngự địch thủ. Anh ta sẽ nhận ra hành vi này xuất phát từ mặc cảm tự ti, v.v…
Sự chế ngự các bộ điệu – Việc “ý thức các bộ điệu sẽ phát triển được việc làm chủ bất cứ thái độ nào. Chủ thể sẽ có những tư thế ôn hòa, bình thản và dịu dàng hơn. Hãy ghi nhận điều này: bằng sự tập luyện này, con người sẽ không tự chế ngự mình; người này sẽ không cần phải cắn răng “để tỏ ra” thản nhiên. Trái lại sự thanh thản sẽ trở thành sự thoải mái tự động. Nếu mình chống đối nó, việc tập luyện sẽ bắt nó phải đáp trả bằng một thái độ chín chắn hơn, không cần đến sự phẫn nộ hoặc giận dữ vô ích. Nó sẽ đạt được sự điềm đạm thực thụ chớ không phải sự điềm đạm tức tối. Thái độ sẽ trở nên thoải mái hơn, các cử chỉ đúng đắn và sáng suốt hơn…
Tất cả những điều trên chỉ là một hình ảnh tổng quát. Còn rất nhiều kỹ thuật khác như thuật Yoga chẳng hạn, mà tôi sẽ nói đến sau. Mỗi cá thể biểu hiện một trường hợp đặc thù. Và nếu con người muốn có được ý chí thực thụ mà không có sự hỗ trợ thể chất và tinh thần, thì trước hết anh ta phải tìm cho được sự hỗ trợ này, đó là điều tất nhiên. Như vậy, trước tiên người ta sẽ hiểu một người rối loạn thần kinh phải loại bỏ chứng rối loạn thần kinh của anh ta. Anh ta không thể nào làm được việc này một mình và bắt buộc phải kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà tâm lý chuyên khoa.
Ý CHÍ THỰC THỤ
Ý chí là một tính năng cao cả, mà người ta thường hay chế giễu. Người ta phải làm đủ mọi cách để phát triển ưu thế này. Người ta không được nghĩ ý chí chỉ được dành cho “một tinh hoa trí tuệ”. Điều này là có thể cho bất cứ người nào hiểu được cơ chế của nó, muốn “dọn dẹp nội tâm” của mình và học cách hợp nhất nó.
Ý chí thực thụ chỉ có thể đạt được một khi đã loại bỏ tất cả những gì tạo ra các ý chí giả hiệu. Sự hợp nhất tinh thần và tập hợp lại các chia rẻ nội tại là điều rất cần thiết. Như thế ý chí thực thụ sẽ trở thành một hành vi tự nhiên; người ta muốn cũng dễ dàng như uống một ly nước vậy. Sức mạnh đối với thế giới bên ngoài cũng tăng lên kể cả các khả năng tinh thần.
Như vậy, người ta muốn và thực hiện thật dễ dàng như một người tiều phu, thật khỏe mạnh với một cái rìu thật tốt, đốn ngã một cái cây trong rừng…
Một kỹ thuật vĩ đại của con người YOGA
Yoga là một phương tiện tuyệt vời để rèn luyện con người một cách toàn diện. Được thực hành từ nhiều thế kỷ nay tại Ấn Độ, nó bắt đầu bằng những kỹ năng về thể chất và tinh thần. Theo dòng thời gian, nó được phân chia thành một số lớn biến thức và mỗi biến thức tương ứng với một nét đặc trưng của bản tính con người. Ở đây tôi chỉ chú trọng đến thuật yoga như là một phương tiện để phát triển thể chất và tinh thần. Đây là một công cụ vô cùng lý thú mà các người phương Tây dễ dàng thực tập nó. Thẳng thắn mà nói những kết quả của nó cho sức khỏe, sự cân bằng và sáng suốt, còn ưu việt hơn các loại thể dục phương Tây. Vài dạng yoga cho nhiều kết quả rất mỹ mãn cho tinh thần. Nó có thể khơi dậy các khả năng tiềm ẩn, và chưa được sử dụng đến. Yoga huấn luyện thân thể: bởi vì sự tinh khiết tinh thần không thể nào có được mà không có sự hài hòa thể chất. Các bài tập yoga đi vào trung tâm các cơ quan nội tạng, bằng những co thắt, vặn các cơ bắp và khớp. Nó ảnh hưởng rất hiệu quả trên các cơ quan nội tiết, tuần hoàn máu và hình dáng đẹp của cột sống.
Nguyên tắc cơ bản của nó là gì? Một sự liên kết hoàn hảo của tất cả các phần cơ thể. Như thế sẽ là sự hợp nhất tuyệt đối của thể chất và tinh thần. Nếu sự cân bằng của một phần cơ thể bị bẻ gãy, toàn bộ cấu trúc sẽ lung lay. Nhưng nếu sự cân bằng của toàn bộ cấu trúc được thực hiện, cơ thể sẽ có được sức khỏe, trong nghĩa rộng nhất. Sẽ xuất hiện sự hài hòa, ổn định, thoải mái, và ý chí. Chúng ta gặp lại ở đây các nguyên tắc của phương Tây về môn y học tâm thể, đã được nghiên cứu ở phần trước.
Vài căn bệnh là sự biểu hiện của sự nhiễu loạn tâm thần, được truyền đến các cơ quan qua trung gian của hệ thần kinh thực vật. Hơn nữa, các quan hệ cảm xúc của chúng ta sẽ truyền những căn bệnh này cho con cháu của chúng ta và cho xã hội. Như vậy xã hội sẽ là hậu quả to lớn của nhiều tâm trạng cá thể…
Nếu các rối loạn không ngừng bẻ gãy sức khỏe con người và họ không thể tìm được cách chữa trị cho thể xác, như vậy con người phải tìm cho mình một phương cách khác. Đó là nền tảng của y học tâm thể và của yoga; chúng giúp việc chỉnh sửa tình trạng sai lệch của tinh thần.
Không chỉ có những căn bệnh nặng; còn có nhiều loại khuyết tật thể chất và tinh thần cắt giảm sức mạnh tự nhiên của một cá thể. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến những người dễ bị kích động, quá nhạy cảm, v.v… Các bài tập yoga có khi loại bỏ được một phần các khuyết tật đó, mà không cần phải tốn nhiều công sức. Những bài tập này thật sự đem đến cho nhiều người một hy vọng cuối cùng. Vài bài tập, được thực tập trong vài tháng, có thể loại bỏ các tình trạng mất cân bằng và đem lại sự tự chủ cho nhân cách, và chúng ta phải thực tập môn yoga mới biết được những thay đổi mà nó có thể mang đến.
Môn yoga mà tôi nói ở đây được căn cứ trên hai yếu tố: các tư thế và sự hô hấp. Nhưng trước khi trình bày dạng này (Hata–yoga = Yoga của năng lượng thể chất). Sau đây là những đại cương của Yoga Hoàng gia(Raja Yoga), mà lần hồi đã tạo ra tất cả các dạng khác.
Các qui phạm của Yoga này gồm có tám điểm chính chủ yếu như sau:
1) Sự tiết chế (Yama): đây là sự kiềm chế và kiểm soát các ham muốn.
2) Tính kỷ luật (Niyâma): nó tập trung tinh thần vào sự hợp nhất tất cả sự việc.
3) Các tư thế (Asânas): đây là các tư thế đặc biệt của cơ thể mà chúng ta sẽ xem xét; chúng cũng được làm nền tảng cho sự trầm tư.
4) Sự hô hấp (Prânâyâma): đây là một trong các qui phạm chủ yếu của Yoga, mới bắt đầu được nghiên cứu một cách có khoa học ở phương Tây.
5) Sự tĩnh tâm (Pratyâhâra): Các giác quan phải được yên nghỉ; con người phải thoát ra khỏi các cảm giác hão huyền bên ngoài.
6) Sự tập trung (Dhâranâ): ý nghĩ có thể tập trung vào một điểm không một chút cố gắng. Mục đích của sự tập trung có thể là một vật nào đó, một phần của cơ thể, hoặc đến vô cực.
7) Sự nhập định (Dyâna): nó tiếp nối sự tập trung; nó “thấu triệt” vật mà người ta đang tập trung vào đó, và như thế nắm bắt được bản thể sâu sắc của nó.
8) Sự đồng hóa (Samâdhi): là sự hợp nhất với vật thể được trầm tư; đây là sự hợp nhất của tâm hồn con người với vô cực. Đây là một thời đoạn tinh thần rất cao siêu.
CÁC “TƯ THẾ”
Một nguyên lý quan trọng chỉ đạo loại hình yoga này: là sự chậm rãi và hài hòa. Một cử động của yoga không bao giờ được ngắt khoảng hoặc mau lẹ. Một qui luật chủ yếu khác: là không bao giờ có tinh thần cạnh tranh.
Một người luyện tập yoga chỉ quan tâm đến những gì người này đang làm. Người này phải ý thức được hành động mình đang làm và không nghĩ gì khác hết. Như vậy, có một sự khác biệt rất lớn giữa cách tập thể dục của phương Tây với yoga. Trong các nước phương Tây người ta thường quan tâm đến điều này: làm sao thực hành được một bài tập nào đó hay hơn người khác; về nhất; là người mạnh nhất, v.v… Người ta không thể nào hình dung một trận tennis của phương Tây mà không có người thắng kẻ thua, nhưng duy nhất chỉ vì nét đẹp của thân hình và một trận đấu hoàn hảo.
Vì thế người ta thấy ngay bản thân yoga đã là một kết quả! Loại bỏ tinh thần cạnh tranh là kết quả của sự giải tỏa chính mình… Vì vậy, trước khi muốn làm bất cứ điều gì về yoga, người ta phải loại bỏ mọi ý muốn đấu tranh, thi đua, thành công vẻ vang hoặc thất bại đáng chê trách, thua kém, ngay lần đầu tiên phải thành công bằng bất cứ giá nào,v.v… Thành công hoặc không làm được một tư thế nào đó không quan trọng. Con người không bao giờ được thi đua với chính mình, và không bao giờ được tỏ ra bực tức hoặc căng thẳng khi không làm được một bài tập nào đó.
Tinh thần của yoga là sự bình tĩnh và sự thanh thản tâm hồn. Một huấn luyện viên thể dục phương Tây thường hay trụ trong các bộ điệu quân nhân. Như vậy là sự “huấn luyện”… và về phía các học trò là sự từ bỏ cá tính của chúng. Trái lại với yoga thì cá tính vẫn nguyên vẹn và toàn diện và lần hồi càng phát triển thêm. Đối với một huấn luyện viên yoga, không bao giờ có việc khen thưởng hoặc khiển trách, mà chỉ duy nhất là việc nhận xét bài tập có thành công hay không mà thôi. Trong việc thực hành các tư thế, như tôi đã nói, không bao giờ có sự cạnh tranh với một “địch thủ”. Nhưng là phải loại bỏ các “kẻ thù nội tại”. Mục đích của yoga là sự tự chủ chớ không phải sự thống trị thế giới bên ngoài.
Tất cả các bài tập được được thực hiện trong sự thư giãn. Người tập luyện phải chú tâm đến những gì người đó đang làm, và không được bận tâm đến việc “ông thầy sẽ nghĩ như thế nào đây!”. Người huấn luyện viên đưa các chỉ thị thật chính xác, nhưng không phải là mệnh lệnh. Dù sao đi nữa, người tập luyện không bao giờ kết thúc một bài tập trong sự thất vọng.
SỰ THƯ GIÃN
Trong đời sống thường ngày, sẽ là điều quan trọng và dễ chịu nếu con người có thể thư giãn tùy thích. Trong yoga, việc thư giãn là rất cần thiết. Thế nhưng trong cách sống hiện tại, con người luôn sẵn sàng tạo sự căng thẳng triền miên cho các cơ. Ngay cả trong lúc ngủ, rất nhiều người vẫn còn giữ một chút căng thẳng nào đó, vì thế tiêu hao một số lớn năng lượng… Họ ngủ nhưng nghỉ ngơi không đủ. Chúng ta chỉ cần quan sát con người trong đời sống thường ngày; anh ta luôn trong tình trạng căng thẳng và tự vệ. Anh ta luôn “cảnh giác” trước những đòn tấn công tưởng tượng, trước những thất bại có thể trước “những kẻ khác”, v.v… Tình trạng căng thẳng này là dấu hiệu của sự yếu đuối và sợ sệt.
Học cách thư giãn là với mục đích: đem lại cho cơ bắp cái trường lực tự nhiên tùy theo công việc phải thực hiện. Đem lại trong giấc ngủ sự thư giãn toàn diện hầu có sự nghỉ ngơi trọn vẹn và hồi sức. Việc học thư giãn làm dịu đi hệ thần kinh và đưa đến sự tự chủ và ý thức chính mình. Việc thư giãn làm giảm bớt sự mệt mỏi do công việc làm gây ra; và thời gian sẽ ngắn hoặc dài tùy theo mục đích muốn đạt đến.
Sự luyện tập thư giãn đúng mức cũng giúp giảm bớt độ nhạy cảm với đau đớn. Hô hấp sẽ điều hoà, nhịp tim chậm lại; các cử chỉ tự động của cơ bắp chấm dứt; phản xạ bánh chè sẽ giảm hoặc mất hẳn. Hơn nữa hoạt động tâm thần cũng sẽ giảm đi đáng kể. Ngoài ra, sự thư giãn dự phòng có khi là cần thiết; như thế con người có thể tỏ ra bình thản trước các cảm xúc sắp đến, trước những địch thủ, v.v…
Có vài phương pháp thư giãn. Yoga được tập luyện như sau:
– Trải dưới sàn một tấm thảm, một cái mền hoặc một nệm cứng.
– Nằm thẳng lưng dưới đất; tựa đầu trên ót, duỗi các chi thẳng ra, bàn tay và các ngón tay úp xuống.
– Lần hồi thả lỏng cơ bắp đến mức tối đa. Đây là việc “bỏ mặc tất cả”, là điểm khó nhất, có khi cần đến sự có mặt của huấn luyện viên. Phương pháp này có phần giống với tự kỷ ám thị với sự nhận thức càng ngày càng lớn hơn của cơ thể. Người ta phải tập trung thật nhiều, làm giãn da đầu, trán, mí mắt, lỗ mũi, hàm, các ngón tay, cánh tay, chân, v.v…
Việc học thư giãn là dễ hoặc khó tùy theo từng người. Thông thường, một đứa trẻ thư giãn mau và hoàn hảo hơn. Trong các trường hợp khác, người huấn luyện sẽ gây sự chú ý đến tình trạng cơ bắp cho đến khi nào người học viên ý thức được. Việc thư giãn lần hồi sẽ được thực hiện; chủ thể phải cám thấy mình như là một “gói hàng” có khuynh hướng lún sâu xuống đất. Tâm trí đang lơ lửng, ý nghĩ không chú tâm vào việc gì; không một hình ảnh nào hiện lên trong não… Sự thoải mái là toàn diện, chủ thể đang thư giãn, không còn ý thức đến chính mình. Anh ta đang trong trạng thái nghỉ ngơi toàn diện, trong khi các năng lượng dự trữ bù đắp cho số bị hao hụt của cơ thể.
Thông thường, việc thư giãn được thực hiện lúc bắt đầu và khi kết thúc các tư thế.
CÁC TƯ THẾ CỦA YOGA LÀ NHƯ THẾ NÀO?
Đây là những tư thế đặc biệt của cơ thể và phải được giữ trong một thời gian nhất định. Như tôi vừa mới nói, các tư thế này đòi hỏi các cử động phải thật chậm chạp. Không được thực hiện một cử động hấp tấp hoặc ngắt khoảng. Việc thực hiện một tư thế phải được làm liên tục và hài hòa.
Bất cứ tư thế nào cũng gồm có ba giai đoạn:
1) việc thực hiện một tư thế
2) việc giữ tư thế này
3) việc trở về điểm khởi đầu.
Việc thực hiện một tư thế thật chậm chạp đem đến một lợi ích to lớn. Trong môn thể dục phương Tây, mau lẹ và làm gấp, cơ thể phải đón nhận một sốc. Không có gì tương tự với yoga. Trái lại, nhịp độ hài hòa của tư thế giống như thực hiện việc xoa bóp các cơ quan nội tạng.
Chúng ta phải tìm được nhịp điệu chính xác của mỗi bài tập. Lý tưởng nhất là không được có sự đứt hơi, nhưng khi mới bắt đầu, việc này không khỏi xảy ra. Trong trường hợp này, người học viên phải thư giãn ngay.
Mục đích của dạng yoga này (Hatha–yoga) là kiểm soát cơ thể và các năng lượng trọng yếu. Các bài tập này bảo đảm sự cân bằng cho các cơ quan chức năng, và có thể đưa đến một hành động tự nguyện của bất cứ cơ nào của thân thể. Hơn nữa, như tôi đã trình bày ở trên, Hatha–yoga dẫn đến nhiều dạng yoga khác, và bao gồm nhiều phát hiện tinh thần cao cả. Mục đích của các “asânas” (tư thế) là điều hòa lại toàn bộ cơ thể và trí tuệ; chúng có một ảnh hưởng rất lớn trên sự chuyển hóa.
Tất cả các tư thế này đã được nghiên cứu để đạt được một hiệu quả tối đa với một năng lượng tối thiểu… Số tư thế có thể thực hiện được trên lý thuyết là 85 x 100.000! 84 trong số này rất quan trọng, 33 tư thế tạo ra nhiều hiệu quả đáng kể; và phần lớn công chúng chỉ làm được có 2 thôi! Có nhiều tư thế được kết hợp với các kỹ thuật hô hấp.
Sau đây là vài tư thế được trình bày để làm thí dụ.
Đây là tư thế “Rắn”.
Nằm sấp, hai bàn tay úp ngay vị trí dưới đôi vai, sau đó nhấc thân trên lên thật chậm cho đến khi nào hai cánh tay thẳng đứng. Khi làm tư thế này thì phải hít hơi vào cho đến khi nào đầu được bật hết ra phía sau. Hai đùi vẫn phải áp sát mặt đất. Sau đó trở lại tư thế nằm sấp như lúc ban đầu thật chậm rãi trong lúc thở ra. Có thể làm bài tập này hai đến ba lần.
Tư thế Rắn củng cố các cơ lưng và làm săn cơ bụng. Nó rất có ích cho các rối loạn dạ con–buồng trứng.
Đây là tư thế “Châu chấu”. Ở đây cũng thế, người thực tập nằm sấp xuống đất, hai cánh tay để dọc theo thân người, hai lòng bàn tay để ngửa lên. Hai chân để sát vào nhau. Người thực tập đưa hai chân lên cùng lúc và cao nhất có thể được, và trong lúc này anh ta hít hơi vào. Giữ tư thế này trong một lúc trong khi nín thở. Sau đó trả hai chân về tư thế ban đầu và thở ra thật chậm. Hiệu quả rất tốt cho ruột, gan, thận, và các cơn đau vùng thắt lưng.
Ở trên là tư thế “Cái Cày” và bên phải là tư thế “Cây Nến”.
Lúc khởi đầu, tư thế Cây Nến được thực hiện thật chậm và được giữ trong một lúc. Sau đó người học viên mới đưa hai chân lên trên đầu, nhưng chân vẫn thẳng đứng. Hai bàn chân phải qua khỏi đầu và hai ngón chân cái đụng đất. Tiếp đến cong hai đầu gối xuống hai bên lỗ tai. Sau đó trở về tư thế ban đầu (nằm thẳng lưng) thật chậm, nhưng trước đó giữ tư thế “cây nến” trong một lúc.
Tư thế này rất tốt cho sức khỏe, bảo đảm sự vận hành hoàn hảo của cơ thể. Nó loại trừ các chứng bệnh về ruột và giữ sự mềm dẻo “trai trẻ” của cột sống. Tuy nhiên nó cũng có vài chống chỉ định.
Đây là tư thế “Cây Xanh”. Như tất cả những tư thế khác, nó phải được thực hiện thật chậm. Người học viên rút một chân theo chiều dài của chân kia, hai cánh tay buông xuôi. Khi nào bàn chân được rút lên chạm phải đầu gối của chân kia, người học viên mới dùng tay nắm lấy cổ chân đó và kéo lên tới háng. Rồi anh ta đứng lên từ từ và đưa hai bàn tay chập lại trước ngực.
Trước hết, đây là một bài tập về cân bằng và trầm tư. Nó đòi hỏi một sự thư giãn thật cao để có thể thực hiện nó cho đúng cách.
Và dưới đây là vài tư thế khác khá hấp dẫn.
Bên trái là tư thế kín. Nó rất tốt cho việc thực hiện các bài tập hô hấp và trầm tư.
Bên phải là tư thế Sư tử cũng được dùng cho các bài tập hô hấp.
Đây là tư thế toàn hảo. Nó đòi hỏi một sự chỉ dẫn và một thời gian thực tập lâu dài.
Đây là tư thế Hoa sen và được xem là khó. Các thao tác cần có sự mềm dẻo thật lớn của háng và đầu gối. Ngoài ra bài tập này chỉ được thực hành sau khi đã thực hiện được các bài tập trước với mức độ khó dần lên.
Hình bên phải là tư thế Cây Cung kéo căng. Rất hiệu quả trong việc loại trừ viêm mô tế bào dưới da của hông và đùi
KIỂM SOÁT HƠI THỞ (PRÂYÂNÂMA)
Đây là một trong những qui phạm chủ yếu của yoga. Là vấn đề “kỹ thuật thở” rất nổi tiếng (prâna). Từ thời xa xưa, nước Ấn Độ đã công nhận mối liên quan giữa hơi thở với các trạng thái tinh thần và cảm xúc. Hơi thở luôn bị tình trạng thần kinh chi phối và phải chịu hậu quả của bất cứ cảm xúc nào. Cuộc sống thường ngày cũng đã chứng minh khá rõ việc này! Hơn nữa, chúng ta cũng nhận thấy có rất nhiều trẻ nít có những thói hô hấp kỳ quặc. Phổi của chúng không được làm thông khí đúng mức và một lượng khí ô nhiễm vẫn tồn đọng trong đó.
Các nhịp thở thường quá chậm, quá nhanh hoặc không đầy đủ. Chúng ta không được quên là mỗi khi chúng ta hít thở, có rất nhiều cơ hoạt động một cách máy móc. Và nếu chúng ta chú ý đến hơi thở của chúng ta, trên lý thuyết, chúng ta có thể kiểm soát được sự vận hành của các cơ đó. Đương nhiên là việc này được thực hiện tùy theo mức độ tập luyện.
Việc tập hít thở cho đúng cách cho phép con người biết được các trạng thái của ý thức mà phần nhiều con người không hề biết đến; nó là một giai đoạn lý tưởng để hướng đến sự hợp nhất con người.
Và người ta nhận ra điều này: nền y khoa phương Tây và nền triết lý cao siêu của phương Đông đã gặp nhau bằng những con đường khác nhau. Chỉ cách đây mới có vài năm nền y khoa của các nước phương Tây mới bắt đầu nghiên cứu các hậu quả của sự hô hấp đặc biệt này. Đó là một điều lý thú cho những người muốn hưởng lợi từ sự tự chủ hoàn mỹ này.
Con người hít thở không đúng cách… Tại sao? Bởi vì con người thở một cách vô thức. Mỗi người chúng ta tưởng rằng mình biết thở, nhưng phần lớn chúng ta sống với một cách thở máy móc… Thế nhưng hít thở là một kỹ thuật, một trong các kỹ thuật quan trọng nhất của cuộc đời.
Nhịp thở càng quan trọng hơn khi nó liên quan đến trạng thái cảm xúc. Việc kiểm soát hơi thở của chúng ta, sau một sự tập luyện chuyên cần và khéo léo, có thể là một trong các phương cách hay nhất để chế ngự cảm xúc của chúng ta. Thông thường các kỹ thuật hít thở được thực hiện cùng một lúc với việc tập luyện các tư thế.
Lượng hơi được hít vào, kềm thèo các nhịp đặc biệt, làm thay đổi chất lượng và thời hạn cuộc đời. Năng lượng mà chúng ta tích tụ được bằng lỗ mũi có thể được định lượng, kiểm soát hoặc ngưng lại; mà điều này theo ý muốn của chúng ta. Điều quan trọng nhất là làm sao chúng ta ý thức được nhịp thở của mình… và chúng ta hãy làm một thí nghiệm.
Hãy ngồi yên và bình tĩnh. Bắt đầu hít vào thật chậm và thật sâu. Việc này phải được thực hiện một cách hài hòa và liên tục. Hãy nín thở trong phổi độ ba hoặc bốn giây. Sau đó hãy thở ra bằng mũi, thật chậm và cũng thật sâu.
Làm việc này nhiều lần liền, và tập trung tư tưởng của mình vào lối đi của không khí: lỗ mũi, sau mũi, đáy họng, khí quản, phổi, sự hạ thấp cơ hoành, sự giãn nở của lồng ngực, rồi hướng đi ngược lại của không khí trong lúc thở ra.
Như thế đây là một ý thức sơ đẳng của hơi thở, tuy nhiên nó lại biểu hiện một khía cạnh rất quan trọng.
I
Tốt hơn hết là bạn nên ngồi bẹp xuống đất. Cột sống và ót thẳng hàng. Bạn hãy tập trung tư tưởng vào việc hít thở và loại bỏ hết mọi ý nghĩ khác.
Hít vào thật chậm và thật sâu, trong khi đếm nhẩm các giây trôi qua. Bạn hãy bắt đầu với 2 giây hít vào – Hãy nín thở trong thời gian gấp bốn lần đó = 8 giây – Sau đó thở ra thật chậm không ngắt khoảng trong gấp đôi thời gian hít vào = 4 giây.
Tập bài này vài ba lần, sau đó tăng thời gian lên. Nhịp thông thường nhất được căn cứ trên thời gian hít vào. Không khí được giữ lại là gấp bốn lần thời gian hít vào. Thời gian thở ra là gấp hai lần thời gian hít vào.
Và chúng ta có:
HÍT VÀO |
NÍN THỞ |
THỞ RA |
2 giây |
8 giây |
4 giây |
3 giây |
12 giây |
6 giây |
4 giây |
16 giây |
8 giây |
Lúc nào chúng ta phải có được:
a) sự chậm rãi tối đa
b) sự tập trung tối đa
II
Việc hít vào và thở ra được thực hiện bằng một lỗ mũi thôi. Bạn hãy ngồi. Để ngón trỏ và giữa ngay giữa hai chân mày; dùng ngón cái và áp út để bít lỗ mũi kia. Hãy tập trung vào. Thường người huấn luyện viên sẽ yêu cầu học viên nhắm mắt lại.
Hãy áp dụng một nhịp thở, thí dụ như là:
3 giây hít vào
12 giây nín thở
6 giây thở ra.
(Tôi nghĩ các ngón trỏ và giữa phải được đặt ở ngay đầu hai chân mày). Dùng ngón cái để bít lỗ mũi phải. Thở thật chậm trong vòng ba giây (đương nhiên là bằng lỗ mũi trái). Hãy tập trung vào lối đi của không khí. Xong điều này, hãy bít lỗ mũi trái với ngón áp út. Nín thở trong vòng mười hai giây. Bỏ ngón cái ra khỏi lỗ mũi phải.
Sau đó hãy thở ra bằng lỗ mũi phải trong thời gian sáu giây.
Hãy làm lại bài tập này nhưng bắt đầu với cách hít vào bằng lỗ mũi phải và thở ra bằng lỗ mũi trái. Những thực tập này dạy cho chúng ta có thói quen thở thật chậm và giúp cho các phế nang giãn nở.
Nhịp độ 3 –12 – 6 giây là nhịp độ thông thường và chậm nhất. Vả lại 3 giây là thời gian cần thiết để hít thở cho thật sâu Sau đó nín thở trong 12 giây không có gì là quá đáng cả.
Sau đó các bài tập hít thở tăng lần thời gian lên. Nhịp hít thở được xem “trung bình” là như sau:
Hít vào: 16 giây
Nín thở: 64 giây
Thở ra: 32 giây.
… điều không được làm nếu không có tập luyện.
Các bài tập thở có một hiệu quả bổ dưỡng rất hữu hiệu cho cơ thể; chúng mau chóng tạo ra nhiều thay đổi đáng kể. Chúng giúp ích thật đắc lực các hoạt động trí tuệ, nhưng chúng phải tuân theo lời khuyên của bác sĩ.
Có rất nhiều bài tập thở khác, hướng đến nhiều mục đích đặc biệt (cho thể chất và tinh thần). Và chúng cũng được kết nối với các tư thế đặc biệt.
Như vậy, việc hít thở của chúng ta ít nhiều gì cũng được liên kết với hoạt động chức năng của cơ thể chúng ta. Nó cung cấp cho cơ thể chúng ta lượng ôxy và năng lượng cần thiết. Nó điều hòa sự cân bằng thể dịch của chúng ta, khắc phục các rối loạn thần kinh, cảm xúc và các bệnh chức năng… và thể chất. Nhịp thở được kiểm soát ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của chúng ta, và tạo sức mạnh, sự cân bằng và niềm vui. Nó cũng ảnh hưởng lên hệ tuần hoàn, nhịp tim, tiêu hóa, thận và sự chuyển hóa. Nó loại bỏ các chứng co giật, mất ngủ, các trạng thái suy nhược, tính dễ cáu giận. Đương nhiên nó đòi hỏi một thời gian tập luyện lâu dài dưới sự hướng dẫn có thẩm quyền. Và người ta có thể xác nhận rằng các người phương Đông đã nhận thấy đúng khi quy cho sự hô hấp có chủ ý nhiều đặc tính “thần kỳ”…
Để kết luận… Thuật Yoga dạy cho chúng ta sự hiểu biết cao cả và giúp rất đắc lực đời sống thường ngày. Về mặt thể chất, nó có thể làm thay đổi một con người trong vài tháng. Một lần nữa, chúng ta nên biết, là bất cứ loại bài tập nào luôn phải được thực hiện với sự tập trung cao độ và không bao giờ mang tính tranh đua. Bất cứ người nào cũng khát khao thực hiện được một việc gì đó có ý thức, được thoát ra khỏi các cơ chế, các vòng xích cổ và các cảm xúc độc hại của họ. Thuật Yoga giúp cho sự hiểu biết chính mình và khám phá tất cả những gì nằm ngoài Cái Tôi nhỏ bé của chúng ta…
Created by AM Word2CHM
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.