Những Thành Tựu Lẫy Lừng Trong Tâm Lý Học Hiện Đại

Chương 12. MỘT NGHỆ THUẬT SỐNG



Tất cả chúng ta đều tham gia vào công việc sáng tạo tất cả chúng ta đều là vua, thi sĩ, nhạc sĩ, và công việc còn lại là chúng ta hãy tự cởi mở như những nụ hoa sen để khám phá những gì tồn tại trong chúng ta.

Henry Miller

Chúng ta đã đi đến đoạn cuối của con đường. Đây là phần kết của một quyển sách tâm lý học, trong khi bản chất con người là vô tận… Cũng vì lẽ đó mà tôi cầu mong sự kết thúc này lại là một sự khởi đầu. Nếu ông X chịu thực tập Yoga hoặc bà Y chịu làm một phân tích tâm lý, họ có thể hướng đến sự cân bằng và sức khỏe. Nhưng họ cũng có thể nhìn xa hơn và xem tâm lý học như là sự khởi bước đến những đỉnh cao hơn chưa được phần lớn loài người biết đến.

Vì vậy tôi mong cuốn sách này được dùng cho một tầm nhìn xa hơn là vai trò làm người của chúng ta. Tôi chủ yếu đề cập đến khoa tâm lý học “máy móc”; tôi đã tháo gở các “bánh xe”, các xú páp và pít tông của con người. Và tôi cũng hy vọng là trình bày được các nguyên nhân thường gặp của sự hỏng hóc.

Hình như (theo lời người ta đồn…) con người muốn tìm đến sự an bình, hạnh phúc, cân bằng và vẻ đẹp. Sẽ là một chương trình tuyệt mỹ, nếu như người ta không làm điều hoàn toàn trái ngược! Nhưng nếu chúng ta nhận thấy hơn ba phần tư con người đều sợ sệt, kích động, dễ bị kích thích, rối loạn thần kinh, kiệt sức đến lúc đó người ta mới nhận ra rằng phải xem xét lại vài quan điểm. Rất nhiều ý kiến được áp dụng vì thói quen đơn thuần; thế chúng có đem lại hạnh phúc không?

Các bạn cũng đã nhận thấy tâm lý học không hề răn dạy một ai. Nó không bao giờ nói “điều này tốt hoặc xấu”; nhưng “điều này tự nhiên hoặc không bình thường”. Ngoài ra chúng ta còn phải hiểu cho thật rộng nghĩa của từ “không bình thường”… Nếu các khả năng tinh thần của chúng ta to lớn hơn và chúng ta chỉ sử dụng mới có một phần thôi, đó là điều không bình thường. Nếu các bạn có những ý thức về chính anh, nhưng lại cứ vô tâm, thì việc này cũng không bình thường. Nếu các bạn cứ sống vì các dồn nén và mặc cảm của các bạn, điều này cũng không bình thường! Bởi vì sống dưới các khả năng của chính mình là đứng ngoài cái nhiệm vụ được giao phó cho chúng ta trên trái đất này.

Những người muốn thay đổi thân phận hiện tại

Nhưng ai đã tạo ra những điều kiện sống hiện tại, nếu không phải là chính chúng ta? Nếu chúng ta xao động, chúng ta sẽ có những hành vi xao động. Nếu chúng ta bất động về mặt tinh thần, chúng ta sẽ khởi phát các hành vi trì trệ. Thật khổ tâm khi thấy có quá nhiều người sống một cách máy móc và vô thức… Họ không biết mình đang làm gì… hoặc biết rất ít! Ai có thể tự khẳng định, sau một ngày làm việc “Trong thâm tâm, tôi thật sự đã ý thức được trong năm phút”?… Thay vào đó, người ta làm việc một cách máy móc, suy nghĩ một cách máy móc, người ta sống trên các chứng máy cơ và thói quen thường ngày.

Chính vì thế mà rất nhiều người đang sống nhưng như đã chết rồi, như tôi đã nói trước đây. Họ bị đung đưa bởi sự vô thức mà họ không buồn phát hiện. Có bao nhiêu cử chỉ ý thức cho hàng triệu cái vô thức? Có bao nhiều lời nói như vẹt, được học ở nhà trường mà không bao giờ được nhắc lại? Có một chút gì ý thức cá nhân nào đó trong tất cả những thứ này?

Thay đổi thân phận có nghĩa là chúng ta phải thay đổi chính chúng ta. Tất cả những gì chúng ta làm là tối quan trọng. Mỗi hành vi mà chúng ta làm được khắc sâu trong chính chúng ta và những người khác. Có thể nào chúng ta chịu đựng một trách nhiệm nặng nề như thế nếu chúng ta không biết những gì chúng ta làm? Và không biết điều gì đã xui khiến chúng ta hành động?

Trở nên ý thức hơn là một hoàn thiện. Nhưng ý thức cũng như ý chí, nó đòi hỏi sự cạo rửa nội tại và sự luyện tập. Nếu ý thức là sự hoàn hảo, nó đòi hỏi các điều kiện phải hoàn hảo. Trước tiên nó đòi hỏi sự cân bằng và một sự liên kết. Một con người mà nội tâm không vững vàng là một cỗ máy vô thức.

Con người luôn buộc phải chấp nhận một hiểm nguy: trở thành một cỗ máy. Nếu con người là một cỗ máy, người ta chỉ có thể trông chờ các hành vi máy móc mà thôi, dù cho anh ta có phụ trách về khoa học, thơ ca hay âm nhạc. Con người có thể không còn là một cỗ máy, với điều kiện anh ta phải hiểu chính mình: Đây là một công việc làm lâu dài nhưng lại là một khám phá tuyệt diệu.

Để thay đổi số phận của mình, chúng ta phải hiểu nó. Thế nhưng rất nhiều người tưởng mình “đã hiểu rất nhiều chuyện”, trong khi họ chỉ nhìn thấy các sự việc qua một cái tôi bị méo mó. Nếu chúng ta phải hiểu sự nối tiếp sau đây:

A – B – C – D – E – F, có thể chúng ta hiểu được từ A cho đến C, từ A cho đến D, v.v… Cũng có thể chúng ta hiểu được từ A cho đến E, nhưng không thể nào hiểu rõ khoảng giữa E và F. Rất nhiều người tưởng rằng họ “đã hiểu một phần lớn”. Mà thật ra họ chẳng hiểu một chút gì cả. Bởi vì việc cần là phải hiểu từ chính F, và tất cả những gì ở phía trước chỉ đơn giản giúp chúng ta hiểu nó mà thôi.

Có rất nhiều người có nhiều quan điểm sai lầm hoặc méo mó. Đương nhiên các quan điểm này tùy thuộc vào cái tôi của họ. Tôi xin nhắc lại là một cái tôi bị méo mó chỉ có thể hiểu một cách méo mó mà thôi. Là điều hiển nhiên. Trong khi một cái tôi sáng suốt và không mặc cảm nắm bắt các sự việc một cách sáng suốt và bao quát hơn. Cũng là điều đương nhiên.

Để có thể hiểu được, chúng ta phải thoát khỏi các quan điểm sai lầm. Nếu không các hiểu biết mới sẽ được đặt trên các nền tảng sai lầm. Thay đổi các điều kiện à? Mọi thứ đều tự đứng vững được và mọi thứ đều tùy thuộc vào nhau! Chính chúng ta đang là nền tảng. Và tất cả mọi việc luôn được thực hiện theo cách của con người chúng ta!

Thanh lọc cá tính của chúng ta

Trước hết, thế nào là một cá tính? Đó là cách mà chúng ta đáp lại các hoàn cảnh. Cá tính sẽ thể hiện thái độ của chúng ta trong các mối quan hệ xã hội, thiên hướng tình cảm, tính khí trội nhất của chúng ta. Nó tùy thuộc vào tính khí của chúng ta, của hệ thần kinh, các khuynh hướng trí tuệ của chúng ta.

Thế nhưng rất nhiều người lại cằn nhằn: “Tánh tôi đã như thế, tôi không thể làm khác được. Tôi dễ bị kích động, tôi thù vặt, tôi bồng bột, và tôi–cái–này, tôi–cái kia, v.v…, vả lại người ta không thể nào thay đổi tính tình được!”

Nhưng chính người đàn ông này lại bắt đứa con ông ta thay đổi thái độ, nếu điều đó không làm cho ông ta vừa lòng.

Ông ta ra lệnh cho con ông ta thay đổi tính nết, nhưng với chính mình, ông không ra lệnh gì hết…mà điều này dễ hơn nhiều.

Nói không thay đổi được tính nết là một lời thú tội chai lỳ. Đó là thừa nhận sự thất bại. Và phần lớn những người thốt ra câu nói này là những người yếu đuối hoặc hung hăng (mà điều này cũng giống nhau thôi). Họ đã tự tạo cho mình một tuyến phòng thủ, để ngăn cản các vấn đề của cuộc sống chạm đến họ. Họ lo sợ các tình huống mới mà sự yếu đuối của họ không tài nào chịu đựng được. Bởi vì họ chỉ có sẵn mỗi một thái độ, thẳng đờ và cứng nhắc.

Phần lớn những nỗi sợ và xung đột nội giới tạo ra sự ngưng trệ phát triển của con người. Nhà tâm lý học có khi nhận thấy có nhiều người có thể phát triển với sự sáng suốt hoàn mỹ, nhưng họ lại bị phong tỏa đâu đó… Như thế, đây là những người không sinh khí, sống cả một cuộc đời mà không bao giờ thay đổi tính nết… chính bởi vì họ không có sinh khí! Nhưng các bạn có nghĩ con người đáng giá hơn thế không? Hẳn trong anh ta có biết bao khả năng sáng suốt, phán đoán, năng lượng và hành động. Nếu về mặt tinh thần anh ta bị kềm hãm, làm sao anh ta có thể thực hiện một điều gì đó mang tính cách thật sự của con người được?

Trái với điều này, một con người cân bằng và hợp nhất luôn cảnh giác. Trước mọi câu hỏi của cuộc đời, anh ta cho ra lời giải đáp cần thiết. Anh ta luôn tiến tới trước, luôn tiến hóa một cách hoàn hảo cùng với các hoàn cảnh.

Con người này là một nhà quý tộc của cuộc đời. Anh ta sáng suốt và ý thức trước các hoàn cảnh. Anh ta là chủ của bản thân mình. Anh ta nhảy xuống vực thẳm là điều tự nhiên, nhưng anh ta mau chóng trồi lên mà các cảm xúc không hề làm tổn thương anh ta.

Chúng ta luôn phải biết nói “không” với sự trì trệ, dù dưới bất cứ hình dạng nào. Vấn đề ở đây là chúng ta phải hiểu được chúng ta! Đây là một người đang làm việc thật cật lực; anh ta chạy đủ mọi nơi, anh ta làm việc, anh ta chỉ huy, anh ta hoạt động không ngừng. Với cuộc khám nghiệm, chúng ta nhận thấy đây là một người bị thôi thúc theo bản năng hoặc một người hung hãn. Về mặt tinh thần, con người này có phải là một người năng động không, bất chấp các hoạt động thể chất kia? Không đời nào, anh ta là người không sinh khí! Anh ta không hề làm bất cứ điều gì có ý thức: chính những thôi thúc hoặc tính hung hăng của anh ta hành động giùm anh ta. Anh ta chuyển động rất nhiều không khí nhưng chỉ để tạo ra gió mà thôi…

Bất cứ một sai lệch nội tại nào, mặc cảm, dồn nén, đều là nguyên nhân của sự phong tỏa và trì trệ. Một người bị kềm hãm hoặc có một “cá tính xấu không chịu được” không bao giờ chấp nhận cá tính đó ở một đứa trẻ nít… Phải thú nhận là tôi không tài nào hiểu được… Nếu một người không thể nào làm bất cứ điều gì đó để tự hiểu và sửa chữa mình, làm sao người đó có thể bắt buộc một người yếu đuối hơn anh ta làm việc đó? Hơn nữa, ở đây người ta không biết ai là kẻ yếu đuối hơn… người đó hay là đứa trẻ?

Giải thoát chính mình

Thật tầm thường khi nói một “người dễ bị kích động” suy nghĩ và hành động khác hẳn một “người bình thản”. Hoặc một “người vụng về” nói khác một “người hung hãn”. Tuy nhiên điều tầm thường này che giấu một chân lý quan trọng.

Mỗi ngày con người phải tự đặt cho mình mười lần câu hỏi “Hiện giờ trạng thái tinh thần và thể chất của tôi như thế nào đây?” Thí dụ anh ta sẽ trả lời “Tôi đang mệt mỏi vì thế tôi chỉ có thể thực hiện được vài hành vi của một người mệt mỏi mà thôi”. Hoặc “Tôi đang bị kích động và lo âu, vì thế tôi chỉ có thể suy nghĩ bằng tâm trạng kích động và lo âu của tôi thôi”. Đó chính là lôgic, có phải không? Nếu trạng thái của chúng ta bị suy yếu, lừ đừ hoặc bị bóp nghẹt, có thể nào chúng ta có đủ khả năng để có thể thực hiện nhiệm vụ của chúng ta một cách trọn vẹn không? Chúng ta có đủ ý chí và ý thức thực thụ không? Dĩ nhiên là không, bởi vì các đặc tính cao cả đó của con người đòi hỏi sự hài hòa của cá tính chúng ta.

Hoặc giả câu trả lời của người này “Tôi có mặc cảm” (cho dù anh ta không thể hiểu chính mình). Vì thế anh ta hành động và suy nghĩ bằng những mặc cảm đó. Trong anh ta có một lăng trụ làm biến dạng hình ảnh của sự việc. Anh ta bị bẻ gãy, phân chia thành nhiều mảnh. Có lúc mảnh này hoạt động, có khi là mảnh khác. Anh ta không bao giờ tự do hành động hoặc một cách trọn vẹn; nhưng anh ta luôn bị các sức mạnh nội tại chỉ huy, mà anh ta không hề biết đến uy lực hoặc ngay cả sự hiện diện của chúng.

Gần như mọi người tưởng mình làm được một cái gì đó. Họ nghĩ họ “hoàn toàn tự do và hành động một cách tự nguyện”. Thế nhưng một lần nữa, “hành động một cách tự nguyện” có nghĩa là phải giải thoát ra khỏi chính mình và các lăng trụ nội tại. Ý chí là sự hài hòa mạnh mẽ, không phải là một sự phân chia hoặc co cúm. Không bao giờ có tự do một khi vẫn còn hiện hữu các bó buộc nội tại. Có điều chắc chắn là một người bị dồn nén tình dục (thí dụ) sẽ không bao giờ có một nội tâm tự do khi các dồn nén của anh ta chưa bị loại bỏ. Hơn nữa, anh ta sẽ chuyển giao các dồn nén này cho các hậu duệ anh ta… và sẽ là câu chuyện muôn đời của các sự giáo dục yếu kém.

Con người tưởng mình hành động. Nhưng anh ta vẫn phải phục tùng các thiểu năng nội giới, các thói quen độc hại, các tật tinh thần, v.v…, và anh ta sẽ không làm gì hết. Mà điều này là ngoài ý muốn của anh ta và anh ta cũng không thể nào hiểu tại sao và bằng cách nào. Có một cái gì đó trong anh ta bắt anh ta phải suy nghĩ và hành động. Lúc này anh ta không hề ý thức được chính con người mình. Nếu anh ta không ý thức, có nghĩa là anh ta đang ngủ. Nhưng vì anh ta đang ngủ nên anh ta không biết mình đang ngủ.

Tất cả chúng ta đều hành động bằng trạng thái của tinh thần và thể chất chúng ta. Nếu trạng thái đó tốt, các hành động của chúng ta cũng sẽ tốt. Nếu trạng thái của chúng ta hùng mạnh, chúng ta sẽ có những hành vi hùng mạnh.

Nếu chúng ta muốn thay đổi số phận và cuộc đời của chúng ta, chúng ta phải thay đổi tình trạng thể chất và tinh thần của chúng ta bằng cách thanh lọc và chỉnh sửa nó lại.

Đa nhân cách

Tất cả chúng ta đều nói Tôi. Tôi muốn cái này, tôi nghĩ thế kia, v.v… Chúng ta tuyên bố một cách lạnh lùng: Tôi quyết định, tôi chọn, tôi muốn, tôi do dự, tôi nhút nhát, v.v… Và khi mà con người vẫn hành động theo các thôi thúc vô thức quan trọng đó, anh ta vẫn nói tôi muốn! Điều này có nghĩa gì? Rằng anh ta không biết mình đã nói gì!

Đây là một người hung hãn. Thí dụ anh ta sẽ nói “Tôi không để cho người ta bắt nạt tôi đâu!” Tại sao anh ta luôn có câu hăm dọa này ở cửa miệng vậy? Bởi vì anh ta cảm thấy bị tấn công. Tại sao anh ta cảm thấy bị tấn công? Bởi vì anh ta sợ.

Vì thế đúng ra anh ta phải nói như thế này “Trong tôi có một cái gì đó bắt tôi phải hung hăng; và cái “cái gì đó” là “nỗi sợ của tôi”.

  

THAY VÌ NÓI:

Tôi nhút nhát

Tôi buồn

Tôi do dự

  Tôi quyết định, tôi nghi ngờ

  

NGƯỜI TA PHẢI NÓI:

Có trong tôi một cái gì đó bắt tôi phải nhút nhát

Có trong tôi một cái gì đó bắt tôi phải buồn

Có trong tôi một cái gì đó bắt tôi phải do dự

  Có trong tôi một cái gì đó bắt tôi phải quyết định hoặc nghi ngờ…

… Và cứ thế mà tiếp tục.

Bởi vì sự việc cứ xảy ra như thế trong cuộc đời. Có nhiều ngăn kéo được mở ra và đóng lại trong mỗi một nhân cách. Chín lần trên mười, chúng ta không thể làm gì khác được. Nhưng người ta cứ vẫn nói tôi như thường: vì thói quen và bởi vì nó đã mệt hơn việc phải tìm hiểu chính con người mình.

Thường con người có nhiều ngăn kéo tinh thần. Trong một con người thôi, có nào là ngăn kéo yếu đuối, ngăn kéo sợ hãi, nhiều cái khác cho các dồn nén, thôi thúc, hung hăng, v.v…

Trong một nhân cách có biết bao nhân cách khác nhau.

Bây giờ chúng ta hãy thí dụ trong mỗi con người chỉ có hai nhân cách thôi, thế anh ta có lợi hơn khi hợp nhất chúng lại không? Đúng, có phải vậy không? Thế nhưng, rất nhiều người, không những có hai nhân cách khác nhau, mà có đến cả chục đấy. Và trong trường hợp này, sự hợp nhất chúng lại cũng rất quan trọng. Bởi vì có khi các “ngăn kéo” làm việc cho riêng chúng. Và mỗi cái như thế tin là mình có lý… Việc mà con người làm là điều tốt, cái mà anh ta nói là chân lý…mặc cho việc mười phút sau đó anh ta thay đổi ý kiến, bởi vì một “ngăn kéo” khác đã được mở ra. Đến lúc đó anh ta nói “Tôi thay đổi ý kiến”. Như vậy con người bị chìm ngập trong muôn vàn mâu thuẫn nội tại, tự hỏi một cách ngây thơ không biết chuyện gì đã xảy ra với mình… Rất nhiều người sống như thế suốt cả đời họ.

Nói tôi, phải không được xem như một cái tật, nhưng là một cảm xúc hành động với toàn bộ con người mình. Điều này bao gồm sự ý thức chính mình, sự sáng suốt và một ý chí thực thụ. Vì vậy bất cứ công việc làm tâm lý nào cũng phải hướng đến tầng lớp quý tộc của con người.

Con người với cuộc đời

Cuộc đời vẫn tiếp diễn và sự phát triển của nó xoay chậm như một bánh xe quạt nước. Con người phải có khả năng (bằng sự cân bằng của anh ta) để cho lướt trên người anh ta một tình huống bất lợi nào đó. Còn với tình huống có lợi, nó đòi hỏi phải được sử dụng đến. Nhưng cách sử dụng hay hoặc dở lại tùy thuộc vào sự sáng suốt của chúng ta! Thường những người không có khả năng lợi dụng một tình huống tốt là những tên “tù nhân tinh thần”. Họ chính là những người có nhiều sai lệch nội tại. Cuộc đời không bao giờ công bằng hoặc bất công. Nó cũng không tốt hoặc mù quáng. Đó chỉ là những thuộc tính của con người. Cuộc đời phải là như thế đấy: thế tại sao người ta lại muốn nó phải tốt hoặc mù quáng?

Cuộc đời rất lôgic. Nó chảy thản nhiên như một con sông đưa các con thuyền chở đầy người. Điều cốt yếu là làm sao biết được con thuyền mình không bị vô nước. Đó là nhiệm vụ của các nhà giáo dục, bác sĩ và nhà tâm lý.

Sự tiến triển của cuộc đời dường như quá tàn nhẫn đối với những người suy nhược, yếu đuối, bệnh hoạn. Có khi, thay vì muốn xuyên thủng màn sương, họ chỉ làm cho các thất bại trở nên nặng nề hơn. Họ làm lại những hành động đó, mà không cần tự hỏi tại sao mình thất bại, và phải dùng những phương tiện gì để tránh lần thất bại khác đây! Họ trở lại cuộc chiến với những thứ vũ khí đó, thật là phi lý. Đương nhiên là họ sẽ thất bại nữa mà thôi. Họ ngoan cố, vẫn với những phương tiện đó và cũng không cần nghĩ xem hành động này có thích hợp hay không, xem coi họ đã nhìn chính xác vào vấn đề chưa, hoặc các vũ khí của họ có bị sét rỉ hay không…

Lần hành động mới là lần thất bại mới. Cỗ máy con người bắt đầu hoạt động, đẩy lên mức tối đa, đến mức điên cuồng… Và con người đó càng lún sâu xuống; người đó cảm thấy dường như nỗi bất hạnh đến với mình, mà không cần tìm hiểu xem sự thất bại của mình có phải do một kềm hãm nội tại không.

Như tôi đã nói, con người chỉ nhìn thấy các tình huống xuyên qua tâm trạng của anh ta, giống như một chiếc máy thu thanh được bắt sẵn ngay một đài cố định. Như vậy, nhiệm vụ của con người là phải thay các bóng đèn hư và chọn cho mình một tụ điện khác tốt hơn.

Chửi bới cuộc đời không có ích gì cả; vấn đề là phải biết sử dụng nó ở mức tốt nhất. Cuộc đời không có mắt để nhìn và tai để nghe. Nhưng nếu con người, vì kém sáng suốt, ít nhiều như bị mù, sẽ đụng đầu vào các tình huống để bị bể mũi mà thôi.

Nguyền rủa cuộc đời là điều vô ích. Để chiến đấu, tôi phải thấy địch thủ của tôi. Nếu không tôi bị đánh bại trước. Nếu tôi mạnh và cân bằng, việc thích nghi với các hoàn cảnh của cuộc đời sẽ là trò chơi trẻ con. Đó là điều mà người ta gọi là một thành công nội tại. Như thế, trước sự thất bại, tôi có trước mặt tôi một địch thủ hữu hình và quen biết; một địch thủ mà tôi cố gắng làm cho nó mạnh hơn. Và có khi tôi nhận thấy, tên địch thủ đó là chính tôi.

Tâm lý học, sự tỏa sáng với nhân bản luận

Thân phận con người là cả một tinh hoa. Nếu bạn nghĩ mình không thuộc nhóm tinh hoa này, là bởi vì bạn không tìm kiếm đó thôi. Hoặc tìm kiếm không đúng cách.

Các sự việc trọng đại đều rất đơn giản. Chúng ta không bao giờ nghĩ Chúa phức tạp có đúng vậy không? Hơn nữa, các sự việc trọng đại phải được mọi người tiếp cận. Nếu không chúng không còn là những sự kiện trọng đại nữa. Để tìm được chúng, chúng ta chỉ cần khởi sự ngay từ lúc bắt đầu và tìm hiểu chính mình.

Hành trình của các vì sao thật đơn giản. Jean–Sébastien Bach thật đơn giản. Cuộc đời rất đơn giản. Chỉ cần chúng ta nhìn được mọi việc trong sự nối kết sáng suốt. Chỉ những điều không nằm trong trật tự và sự hài hòa của vạn vật mới khó hiểu mà thôi. Những con người rắc rối không nằm trong trật tự này, bởi vì một rối loạn nội tại ngăn cản họ nhìn thấy và tham dự vào. Các sai lệch nội tại cũng không nằm trong trật tự; kể cả sự co cúm, hung hăng.

Các sự việc trọng đại luôn rất đơn giản. Sự đơn giản hóa nội tâm làm nên sự vĩ đại của con người. Và nếu có ai đó hỏi tôi “Nhân danh ai mà ông tán dương sự vĩ đại đó của con người, sự cân bằng và năng lượng thực thụ?” Tôi sẽ trả lời “Nhân danh trật tự và vì thế nhân danh cái tốt”.

Rất nhiều người chạy theo các câu chuyện phiêu lưu trong phim ảnh hoặc ở những nơi khác. Họ ùa lên và chen lấn nhau. Nhưng ít khi nào họ xem xét con người đã thực hiện cuộc phiêu lưu đó, họ không muốn tìm hiểu tại sao lại có cuộc phiêu lưu đó. Và cũng vì thế mà họ chỉ nhìn thấy bề ngoài mà thôi, và mọi thứ đều như không.

Sẽ là điều tốt đẹp nếu như mỗi ngày chúng ta có thêm được một chút gì đó; và một ngày khác một chút gì khác. Sẽ rất tốt nếu chúng ta có thể nói được “Ngày hôm nay, tôi đã có thêm được điều này; điều này đã được loại ra khỏi con người tôi; ngày hôm nay, tôi đã thay đổi”. Chính nhờ thế mà con người trở thành một chùm tia sáng hài hòa, trong sự thăng tiến đến sự đơn giản.

Nếu con người thoát khỏi các kềm hãm nội tại, các vết nhơ, nỗi lo sợ và tự khép mình lại của họ, họ sẽ thay đổi. Và nếu con người bắt đầu thay đổi, mọi thứ khác sẽ thay đổi theo. Giải pháp thật đơn giản. Chính vì thế mà nó rất khó được áp dụng. Bởi vì muốn thay đổi, chúng ta phải nhận biết các vấn đề của mình.

Rất nhiều người chỉ là chính họ mà thôi, nhưng trong mười năm nữa, họ vẫn cứ như thế. Không có gì được thêm vào hoặc loại bỏ đi…Thế họ không đáng phải hay hơn thế sao? Người ta có thể rút ra được một bài học từ bất cứ điều gì.

Người ta không thể rút ra được bất cứ điều gì từ sự chai lỳ của con người. Tính chai lỳ không tạo được gì cả, nếu không phải toàn những điều chai lỳ. Người ta không thể rút ra bất cứ điều gì từ vô thức nếu không phải là các hành vi vô thức.

Người ta nói điều hạnh phúc nhất là ở được ngay vị trí của mình. Thật đúng vô cùng. Nhưng chúng ta có tự hỏi có phải chúng ta đang ở đúng cái vị trí của chúng ta trong vai trò của một con người phải biết suy nghĩ, dạy dỗ người khác và hoạt động trên thế giới này không…

Người ta cũng nói nghệ thuật làm người không còn nữa. Tại sao con người lại muốn điều đó? Các khả năng của con người vẫn hiện hữu ngay lúc này đây cũng như cách đây mười ngàn năm kia mà. Con người vẫn có bàn phím đó, nhưng có bao nhiêu lần người ta đã dạy cho anh ta đánh lên đó?

“Không phải người nào cũng có thể trở thành nhà thông thái” một người đã nói với tôi như thế. Nhưng có ai nói đến việc trở thành thông thái bao giờ? Và tại sao phải thành như thế?. Nếu chúng ta học để có một chuyên môn chỉ về một lĩnh vực nào đó thôi, thì chúng ta sẽ góp sức vào sự bần cùng và chia rẽ thế giới. Là một nhà khoa học và chỉ bấy nhiêu đó thôi thì không có gì đáng nói. Một trí thông minh sáng suốt, không thành kiến, phát triển ra mọi hướng, mới thật sự quan trọng.

Bản thân sự giáo dục cũng không quan trọng cho lắm. Nếu như nó không dạy con người biết tổng hợp cuộc đời, nó vẫn khô khan và không có một chút giá trị nào. Tất cả các nền giáo dục trên đời có dạy cho con người không bị dày vò, mang vô số mâu thuẫn và nỗi lo sợ không? Thay vì khuyến khích những khác biệt giữa các con người, sự giáo dục phải trình bày sự giao hảo. Nếu không cuộc đời vẫn tiếp tục là một chuỗi xung đột và đau khổ.

Con người không nên tìm kiếm sự giáo dục mà là sự sung mãn. Anh ta phải tự tìm hiểu các khả năng của chính mình, và thực hiện chúng trong sự hài hòa của chính anh ta.

Bằng não bộ, chúng ta thấy được các lăng trụ trong chính chúng ta. Việc đầu tiên trước một tình huống là tự hỏi xem mình đã nhìn thấy đúng như vậy không. Mình đã thấy nó trọn vẹn chưa? Và ngày mai mình có sẽ thấy nó như ngày hôm nay không?… Bởi vì rất nhiều người hay phán xét. Họ phán xét người khác, đạo lý, tôn giáo, và cả bức tranh trong phòng khách. Họ bắt đầu một cuộc tranh luận mà đôi khi là một sự không hiểu biết máy móc. Tại sao? Bởi vì họ chủ quản và nhìn mọi việc bằng cái tôi chứa đầy đồ phế thải vô dụng. Tuy nhiên họ vẫn khẳng định là họ đã quan sát một cách đúng nhất trên đời.

Đạt được sự chủ quan là mục tiêu cao quý nhất. Không có sự chủ quan, con người “tưởng” đã hiểu, trong khi con người chỉ nhìn xuyên qua “cái tôi” đã hóa đá. Sự chủ quan chỉ có thể đạt được với sự giải tỏa của chính mình và các vấn đề vô thức. Nó xuất phát từ sự bể nát các lăng trụ mà tất cả các ý nghĩ đều phụ thuộc vào.

Với một chủ quan sáng suốt, con người đạt được sự tỏa sáng. Đến lúc đó anh ta là một sức mạnh ổn định để ban phát. Sự tỏa sáng không bao giờ được tìm thấy trong lo sợ hoặc yếu đuối. Nó được tạo ra trong sự thoải mái tinh thần, và con người không bao giờ phải trốn chạy các vấn đề của anh ta. Một khi đã trở nên ý thức, những vấn đề này không còn khả năng tàn phá được gì nữa.

Chúng ta không nên chiêm ngưỡng những gì vĩ đại ở vài con người. Sự vĩ đại đó chỉ là hậu quả của những khả năng đã được giải tỏa. Nhưng chúng ta phải thương xót cho cái gì còn đang thiếu ở nhiều người khác, thay vì những gì nó có thể là…

Và như thế, bằng tâm lý học, con người có thể đứng vững trên đôi chân trong hàng ngũ các nhà chủ nghĩa nhân bản tích cực. Sự quân bình của anh ta là bệ phóng. Sự lo âu và sợ hãi đã biến mất với niềm vui của thiên nhiên vừa tìm lại được. Anh ta bước lên một vùng cao, với sức mạnh được tăng thêm nhiều, sự khoan dung sáng suốt và cao thượng. Anh ta nhã nhặn, hướng về những người khác. Sự hào phồng và lòng tốt của anh ta không xuất phát từ một nhu cầu nội tại, nhưng do một sức mạnh bình lặng. Anh ta có được sự thông hiểu, bởi vì trong tâm trí của anh ta, mọi đấu tranh đã chấm dứt… Tính khả ái của anh ta đến từ một sức mạnh vĩ đại, chứ không từ sự yếu đuối.

… Và tôi cầu chúc cho mọi người có được thiên duyên bằng lời chào tạm biệt các bạn.

—HẾT—

 


Created by AM Word2CHM


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.