Những Thành Tựu Lẫy Lừng Trong Tâm Lý Học Hiện Đại

Chương 5. CÁC CHỨNG BỆNH THẦN KINH VÀ BỆNH TÂM LÝ



Chúng ta đã đi một chặng đường dài. Ngôi giáo đường đã bắt đầu thành hình, nhưng muốn có được điều đó, và để tìm hiểu chính con người mình, đã phải tốn biết bao công sức, tình thương và đau khổ. Tôi đã thấy không biết bao thảm kịch, và tôi còn sẽ trình bày chúng nữa. Vẫn còn hy vọng mà: tâm lý học là một lĩnh vực mà nỗi khổ tâm biến thành sự cân bằng và hy vọng.

THẾ BỆNH THẦN KINN LÀ GÌ?

Đây là một y chứng mà căn nguyên chưa được biết rõ. Đây là một loại bệnh “chức năng” không có tổn thương nội tạng. (Thí dụ như với chứng nhiễu tim, ông bác sĩ sẽ nói “Tim ông không sao hết, bệnh này thuần túy là thần kinh”)

Nhưng tôi chỉ chú tâm vào các triệu chứng có tính cách tâm lý. Người ta gọi chúng là nhiễu loạn thần kinh tâm lý. Tuy nhiên, để cho giản tiện, tôi tiếp tục gọi chúng là rối loạn thần kinh.

Có hàng ngàn triệu chứng rối loạn, từ nhẹ cho đến nặng. Chúng ta thấy chúng có nhiều điểm chung. Sau khi trình bày chúng, tôi sẽ nói đến các phân loại chính về mặt lâm sàng:

Chứng Uể oải – Suy nhược thần kinh – Suy nhược tâm thần – Lo hãi – Ám ảnh – Nỗi ám sợ – Ưu uất – Chứng tâm thần chu kỳ – Chứng paranoia hay Hoang tưởng.

Những điểm chung của chứng bệnh thần kinh là gì?

Ở phần I, tôi có nói đến trường hợp kẻ chuyên quyền. Tại sao ông ta bị loạn thần kinh?

Bên ngoài: ông ta có vẻ mạnh mẽ, thích thống trị, rất tự tin; đôi khi rất “tốt”, ban tặng mọi thứ, chịu đựng mọi thiếu thốn không từ chối bất cứ điều gì, v.v…

Bên trong: ông ta cảm thấy thua kém và bất lực; ông ta gần như không tin vào bản thân, cảm thấy lo sợ, có nỗi hiềm khích và có mặc cảm tội lỗi.

Như vậy, thường có sự khác biệt giữa thái độ bên ngoài và những khuynh hướng nội giới của một người bệnh thần kinh. Chúng ta hãy tìm thêm những điểm chung:

– Cuộc đời của người loạn thần kinh bị chế ngự bởi những sức mạnh u tối và xa lạ, mà ông ta không thể nào kiểm soát được. Điều đó được thấy với mặc cảm, cảm xúc tự ti không dứt, ám ảnh, v.v… mà Freud có nói: “… ông ta giống như một kỵ sĩ tưởng rằng mình điều khiển được con ngựa, trong khi chính nó lại đưa ông ta đi bất cứ nơi đâu nó muốn…”

– Người loạn thần kinh luôn là nạn nhân của những cuộc xung đột nội giới. Chúng ta hãy nhớ lại con chó của Pavlov, do dự một cách khốn khổ giữa cái hình êlíp và vòng tròn, đến mức phải chìm trong cơn loạn thần kinh. Chúng ta cũng nên nhớ lại phân tích tâm lý học, và những cuộc xung đột có thể xảy ra giữa sức mạnh bản năng của chúng ta (cái “ấy”) và sức mạnh đạo lý mà giáo dục mang đến (cái Siêu–ngã).

– Một cách vô thức, người loạn thần kinh tìm cách giải quyết nỗi đau đớn của mình bằng những thỏa hiệp, mà chúng lại ngăn cản anh ta nhìn thấy cái vực thẳm ngay trước mắt anh ta.

– Người loạn thần kinh bị chứng lo hãi hành hạ, có khi lờ mờ, có khi thật hãi hùng.

– Người loạn thần kinh có khi có tính ấu trĩ giai đoạn hoặc thực thụ. Ở tuổi trưởng thành anh ta có phản ứng như hồi ấu thơ hay lúc là thiếu niên. Anh ta bị gắn dính vào những tình huống của quá khứ mà anh ta không tài nào thoát ra được. Thí dụ một người phụ nữ loạn thần kinh có thể xử sự với chồng bà ta giống như cách bà làm với cha của mình; hoặc giả suốt cuộc đời của một người đàn ông loạn thần kinh được xác lập quanh những mặc cảm hồi thơ ấu, v.v…

– Người bệnh thần kinh không thể nào thích ứng với thực tế với xã hội. Anh ta đáp lại một cách cứng nhắc (né tránh, sợ hãi, tấn công, v.v… dù cho anh ta có thể thông minh.

Chứng bệnh tâm lý là gì?

Sự khác biệt giữa chứng bệnh thần kinh và bệnh tâm lý nằm ở mức độ chủ thể còn ý thức được về tình trạng của mình.

Thí dụ: Một người nào đó bị ảo giác, nghĩ mình đã “thấy quỷ” Nếu người đó tin vào sự vô lý của ảo giác này, người này bị “loạn thần kinh”. Trái lại, nếu người này tin vào sự hiện diện thực thụ của con quỉ, người này đã bị loạn tâm lý.

Một thí dụ khác: một người loạn thần kinh luôn tưởng tượng mình đã làm được nhiều việc tốt, mình là Nguyên Thủ quốc gia, một thuyền trưởng vĩ đại, một bác sĩ tài ba, v.v… Người này biết điều này vô lý nhưng những mơ mộng đó làm cho mình “cảm thấy vui” bằng cách cho phép mình trốn khỏi sự thật nội giới. Nhưng khi một người tưởng mình là Napoléon, anh ta chắc chắc đã bị loạn tâm lý rồi. Đến lúc này, anh ta hoàn toàn xa lạ với thực tế (điên=xa lạ). Người bị loạn tâm lý không thể nào nhận biết được tình trạng của mình. Anh ta không ý thức được việc đó.

Từ loạn tâm lý thường được xác định bằng một tính từ: bệnh loạn tâm lý do tuổi già, do viêm nhiều dây thần kinh, hưng–trầm cảm, ảo giác, do độc dược, do truyền nhiễm, v.v…

Vài chứng loạn tâm lý có cái “sóng đôi” của chúng trong chứng rối loạn thần kinh. Thí dụ chứng ám ảnh (thường là triệu chứng của chứng rối loạn) có cái tương ứng của nó trong bệnh phân liệt (là một dạng loạn tâm lý). Chúng ta sẽ xem xét điều này từng điểm một.

Các bệnh thần kinh thường thấy là gì?

Trước hết là những chứng rối loạn có liên quan đến sự mất cân bằng tâm lý. Con người hiện đại sống một cách giả tạo; nền văn hóa của chúng ta nhấn chìm con người trong sự phiền nhiễu, cuồng hứng, tranh đua, kiệt sức, tiếng ồn, trong sự nhồi sọ phi lý. Rượu, các chất kích thích, thuốc an thần được mua dễ dàng như mua khoai tây vậy. Sự di truyền thể chất và tinh thần của trẻ em càng ngày càng trở nên nặng nề hơn. Tình trạng thanh niên phạm tội gia tăng một cách đáng sợ. Nhưng phần lớn thanh niên phạm pháp đều bị loạn thần kinh mà với khoa tâm lý học dự phòng chắc có thể cứu được! Các lệch lạc và ám ảnh tình dục, dưới mọi hình dạng, đã trở thành những điểm nổi bật của xã hội. Vì thế, cũng không có gì lạ khi chứng rối loạn thần kinh là căn bệnh của thế kỷ.

Bệnh thần kinh của trẻ em

Việc lần ra những sự mất cân bằng của trẻ nít đương nhiên là điều tối quan trọng. Đó chính là vấn đề dự phòng của các chứng rối loạn nghiêm trọng nơi người trưởng thành? Đôi khi cũng dễ dàng dò tìm và loại trừ chúng, hơn nữa sự mất cân bằng của trẻ em được biểu lộ mau chóng hơn.

a) Các rối loạn cá tính được nhận thấy. Thay vì có sự linh hoạt và sự không ổn định của lứa tuổi đó, đứa trẻ lại tỏ ra cứng nhắc và “quá vững vàng”. Nó đòi hỏi quá mức và rất bướng bỉnh. Nó hung hăng không vâng lời, phản đối và chống lại môi trường của nó một cách bất thường. Nó chống đối, hờn giận và nói láo. Tính của nó “không cởi mở” và ngoan cố. Sự lười biếng xuất hiện. Kể cả sự nhút nhát thái quá và chứng quá xúc cảm. Đôi khi đứa trẻ nổi loạn dữ dội, trốn nhà, đi phiêu bạt, trộm cắp,…

b) Nhiều biểu hiện thể chất cũng thường được nhận thấy trong các chứng loạn thần kinh của trẻ em. Thí dụ: chứng đái dầm, nói cà lăm, chứng máy cơ, tai nạn dưới dạng ưu uất (cuồng kích), v.v…

Chứng loạn thần kinh của trẻ em thường biểu lộ rõ nét nhất trong môi trường gia đình. Đứa trẻ loạn thần kinh muốn biểu hiện cho người ngoài thấy cái khía cạnh tốt nhất của nó… và dành cho gia đình mặt xấu nhất. Thành thử đôi khi người ta mau chóng tìm ra nguyên nhân của sự mất cân bằng. Thế có phải do môi trường gia đình không? Có phải là do thiên hướng của đứa trẻ không? Nếu đứa trẻ có “khuynh hướng đó”, thì rất khó cho các bậc cha mẹ “giữ cậu ấm trong gia đình”. Sự mất cân bằng của các bậc cha mẹ cũng có thể là nguyên nhân của chứng loạn thần kinh của trẻ em, mà điều này lại thường xảy ra. Mà có khi “sự yếu đuối” của các nhà giáo dục chỉ là sự chán nản trước những cố gắng vô ích của họ… Vì thế, người ta luôn phải bỏ ra nhiều công sức để tìm ra các nguyên nhân.

Những nguyên nhân thường thấy của bệnh thần kinh trẻ em

Tôi đã cho thấy (trong phần phân tâm học) vai trò của mặc cảm OEdipe và mặc cảm bị hoạn mà ngay cả bây giờ, người ta chưa hiểu hết những hậu quả có thể. Đó là những mặc cảm tự ti, tội lỗi, hiềm khích, mà chúng sẽ là hạt nhân lý tưởng cho chứng loạn thần kinh sau này. Vả lại, chứng loạn thần kinh của trẻ em thường có nền tảng cảm thụ. Chúng ta không được quên những thích nghi to lớn mà người ta đòi hỏi nơi đứa trẻ! Có thể chỉ là sự thích nghi thông thường của sự có mặt của một đứa em trai hay đứa em gái. Sự hiểu biết của các bậc cha mẹ không phải lúc nào cũng có thể loại trừ cú sốc ghen tuông, cứ xoay vòng trong đứa trẻ như một thế lực đen tối mà nó không bao giờ ý thức được. Kể cả lúc những đứa trẻ đang đứng trước một tình huống khó khăn. Chúng nhận thấy chúng không thể nào thích nghi được. Đến lúc đó, chúng sẽ “đi giật lùi” và ẩn núp vào trong một tình huống của tuổi thơ. Tại sao vậy? Bởi vì đến khi đó chúng cảm thấy sung sướng và được an toàn. Cũng vì lẽ đó mà rất nhiều đứa trẻ luôn vẫn là “trẻ con”… hoặc ẩn mình trong một căn bệnh để có thể níu giữ sự trìu mến và quan tâm của cha mẹ. Hơn nữa, bất cứ điều gì có thể tạo ra các mặc cảm tự ti, xấu hổ, sợ hãi, đều có nguy cơ khởi phát chứng loạn thần kinh. Cuối cùng khi đến tuổi dậy thì những xung đột nội tại dữ dội mới xuất hiện: xung đột tình dục, tôn giáo, đạo lý, suy luận…

Phương pháp chữa trị bệnh thần kinh trẻ em.

Những căn nguyên của chứng loạn thần kinh trẻ em ít khí nằm trong sâu. Ngay cả khi các bậc cha mẹ đã bất lực trong việc điều trị, đôi khi chỉ cần vài buổi tư vấn tâm lý để loại bỏ những nguồn gốc đó. Cuộc sống của chúng chưa có đủ thời giờ để tổ chức và kết tinh quanh chứng loạn thần kinh mới hình thành này; vì thế không cần thiết phải áp dụng các phương pháp trị liệu tâm lý mạnh. Có rất nhiều phép “trắc nghiệm” đặc biệt dành cho trẻ em; cả những màn sân khấu rối, tranh vẽ. Bằng những trò chơi và hình vẽ đó, đứa trẻ “phóng chiếu” những khuynh hướng ý thức hoặc bị dồn nén. Trong những hình vẽ của trẻ em có một tượng trưng sơ khai, có thể giúp dò ra được những cảm xúc sâu kín. Đứa trẻ sẵn lòng tham gia vào trò chơi này; cái “bí mật” của nó trồi lên mặt, và nó được nhà tâm lý ghi nhận ngay, mà đến chừng đó ông ta mới quyết định phương cách tiếp theo (làm việc với đứa trẻ, mời gọi các bậc cha mẹ, làm việc với các bậc cha mẹ…).

BỆNH THẦN KINH NƠI NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH

Trong trường hợp này cũng thế, chứng loạn thần bình thường do cảm xúc. Mọi việc xảy ra như thể một phần của nhân cách nói “có” còn phần kia thì nói “không”. Những người loạn thần kinh có rất nhiều điểm tương đồng: sự không bao giờ thỏa mãn được cảm xúc, sự không bao giờ thỏa mãn được tình dục: những khuynh hướng tình dục luôn chống chọi với đạo lý của chủ thể, v.v…

Lo hãi là triệu chứng thường được nhận thấy ở những người loạn thần kinh. Nó là một phản ứng trước một hiểm nguy không hiện thực; đôi khi rất dữ dội, không thể chịu nỗi, mà nó thường rất mơ hồ và vô thức. Nhưng đối với một người lo hãi, sự nguy hiểm nội tại và vô hình cũng khách quan như thể mối nguy hiểm nhìn thấy được bên ngoài. (Chúng ta hãy nhớ lại người cầu toàn: tất cả những thứ gì có thể tạo mối nguy hiểm cho dáng vẻ hoàn thiện của anh ta, đều khởi phát mối lo hãi. Đến lúc đó anh ta sẽ tìm mọi cách để loại trừ sự lo hãi kia để củng cố dáng vẻ hoàn thiện…)

Trong chứng loạn thần kinh, đôi khi có biểu hiện các rối loạn thể chất (hiện tượng “chuyển hoán”). Đó là các chứng câm, tê liệt, co giật… Bệnh eczêma có thể xuất hiện, mà thường hay tùy thuộc vào yếu tố tâm lý, cũng như các triệu chứng ngoài da do nguồn gốc dị ứng.

Chứng loạn thần kinh có thể phát sinh hay gia tăng bệnh thần kinh. Cuộc xung đột nội giới không bao giờ chấm dứt, nhất là khi nó xảy ra trong những vùng sâu thẳm của tiềm thức. Có rất nhiều bệnh thần kinh được phát sinh từ thời thơ ấu; nên gốc của nó trở nên hùng mạnh, đã bám thật vững chắc, và điều khiển toàn bộ cuộc đời của chủ thể…

Các nguyên nhân của bệnh thần kinh nơi người trưởng thành.

1) Tình trạng thể chất đôi khi rất quan trọng. Trường hợp thông thường: tật di truyền, bệnh giang mai, mối quan hệ họ hàng cùng huyết thống, nghiện rượu, v.v…)

2) Nguyên nhân đôi khi chỉ đơn thuần thể chất: do ngộ độc, nhiễm trùng, kiệt sức, rối loạn nội tiết, rối loạn gan, rối loạn dạ dày và ruột, v.v…

3) Tuy nhiên các nguyên nhân thường được nhận thấy hơn hết vẫn là những cuộc xung đột nội tại. Trong chín trên mười trường hợp, chúng có nguồn gốc tính dục, tôn giáo hoặc gia đình. Đến lúc đó xuất hiện các cảm giác tội lỗi dai dẳng và sâu kín, những đắn đo nhức nhối, những hoài nghi lo âu…

4) Nếu nguồn gốc có từ thời thơ ấu, sẽ có một “phong tỏa” cảm xúc (bệnh ấu trĩ), tuyệt đối tương khắc với những thích nghi được đòi hỏi nơi người trưởng thành.

Các chứng bệnh thần kinh

Chứng suy nhược

Uể oải là tình trạng thiếu sức lực. Nó gây sự mệt mỏi ngay từ lúc mới thức dậy và tạo khó khăn cho công việc làm. Cũng xuất hiện khó khăn cho việc “muốn” làm cái gì đó (tình trạng suy giảm ý chí). Không thể tập trung. Cảm giác trống rỗng trong đầu. Chúng ta nhận thấy trong chứng uể oải có nhiều triệu chứng của sự suy nhược, mà người ta thường nhầm lẫn.

Nguyên nhân thường thấy trong sự suy nhược: Làm việc quá độ, môi trường xã hội hoặc gia đình thật sự mệt mỏi; thời kỳ hồi phục sau bệnh cúm; nhiễm trùng; ngộ độc; thiếu sinh tố, v.v…

Suy nhược thần kinh

Mệt mỏi thần kinh là chứng uể oải thường xuyên. Đây là trường hợp suy nhược toàn diện của hệ thần kinh, mà năng lực bị giảm thiểu. Hệ thần kinh thực vật bị rối loạn; tình trạng giảm thiểu trí lực đôi khi rất quan trọng. Nhưng một hoạt động hài hòa của vỏ não là cần thiết cho việc cung cấp tốt các xung động thần kinh.

Tình trạng suy nhược này biểu hiện những đặc tính của nó. Phản ứng của người suy nhược thần kinh rất bất thường, thay đổi liên tục, đột ngột, trái ngược, không hợp lý, một cách quá đáng. Một việc không đáng gì cũng có thể kích động người đó. Anh ta có thể đi từ sự hưng phấn “vui vẻ” đến tình trạng chán nản tột độ, không có điềm báo trước. Anh ta biểu lộ nhiều triệu chứng khác nhau mà tính quá đáng của chúng cho thấy sự phân bổ không đều của những xung năng thần kinh, đã trở nên “hỗn loạn”.

Những triệu chứng tổng quát của sự suy nhược thần kinh.

Trước tiên là tình trạng rất mệt mỏi. Một cảm giác bất lực về thể chất, suy kiệt thần kinh, cơ bắp và trí lực. Người suy nhược thần kinh cảm thấy không còn sức và rất dễ bị kích động, nhất là khi mới thức dậy và trong suốt buổi sáng. Anh ta gây gổ vì chuyện không đâu. Tình trạng đó trở nên khá hơn vào lúc chiều và tối; đôi khi anh ta cảm thấy “khỏe khoắn vô cùng sau tám giờ tối…” (Như vậy ở đây chúng ta có tình trạng kích thích, một tình trạng kiệt sức vô thức như chúng ta đã thấy trong mục Mệt mỏi). Vả lại cảm giác kiệt sức của người suy nhược thần kinh thay đổi rất mau chóng tùy theo lúc… Những phản ứng trong trường hợp này cũng rất trái ngược; toàn bộ việc này có vẻ rất khó hiểu và làm cho những người chung quanh phải ngạc nhiên…mà họ không ngần ngại coi anh ta như là “tưởng tượng”…

Những triệu chứng khác của mệt mỏi thần kinh

a) Tình trạng nhức cả đầu, hoặc khu trú ngay trán, sau ót, hai vùng thái dương. Những cơn nhức đầu này đôi khi rất dữ dội và kéo dài. Những cơn nhức đầu thường xuất hiện vào buổi sáng, hoặc trong lúc tiêu hóa…

“Chỉ cần chạm chân xuống đất cũng đủ làm cho hét vì đau…” một người suy nhược thần kinh đã nói như thế.

hoặc “… cái đầu tôi giống như bị kẹp trong một vòng sắt…”

hoặc “… chỉ việc chải đầu thôi, hoặc ngay cả việc chạm đến cái lược thôi cũng đủ làm tăng thêm cơn nhức đầu…”

Như thế đây là sự rối loạn cảm giác.

b) Rối loạn cảm giác khác: đau nhức cột xương sống (chứng đau xương sống). Nó thường khu trú ở vùng ót, vùng thắt lưng hoặc xương cùng. Chứng đau cột sống đôi khi lan tỏa đến hai bên hông.

“… Nó giống như một làn hơi lạnh chạy dài khắp cột sống của tôi vậy…”

hoặc “… giống như ót của tôi được thay thế bởi một miếng thép vậy…”

c) Cũng thuộc dạng rối loạn cảm giác: có thể có tình trạng đau nhức dây thần kinh. Da cũng thế, rất nhạy cảm với cái nóng và lạnh.

“… chạm một vật lạnh, dù chỉ là cái keo thôi, làm cho người tôi run lên, giống như tôi sắp có một cơn động kinh…”

d) Những triệu chứng khác: tình trạng ù tai đôi khi không thể nào chịu được, tăng lớn theo sự mệt mỏi – mất ngủ do run rẩy – Choáng váng – Rối loạn dạ dày cấp – Thường xuyên táo bón – Đau bụng – Co giật – Sai lệch tính dục – Phản ứng dữ dội với ánh sáng và tiếng ồn.

Đôi khi tình trạng suy dinh dưỡng quá nhanh, có thể làm cho các cơ quan nội tạng sa xuống.

Tất cả những triệu chứng này biểu hiện rất rõ tình trạng hỗn lọan của hệ thần kinh; rối loạn cảm giác, nội tạng, hô hấp, tiêu hóa. Cũng có các rối loạn chức năng tim (huyết áp thấp, chứng đau thắt ngực giả tạo) đôi khi làm cho bệnh nhân phải hoảng sợ.

Nhiều rối loạn tinh thần thường bị cấy ghép theo chứng mệt mỏi thần kinh. Bởi vì vỏ não (trung tâm của ý chí và các cảm xúc ý thức) có liên hệ chặt chẽ với hệ thần kinh giao cảm (trung tâm của cảm xúc và tất cả những gì nằm ngoài ý thức và ý chí)

Với người mệt mỏi thần kính, tình trạng yếu kém của não là điều hiển nhiên. Trí nhớ của anh ta không chính xác, không có sự phối hợp giữa hành động và ý nghĩ. Ý chí giảm sút. Anh ta do dự, nghi ngờ, tự hành hạ mình trước mọi hành động, trước mọi lần mua hàng, mọi quyết định. Hơn nữa, anh ta còn đau khổ hơn nữa bởi vì anh ta rất ý thức căn bệnh của mình…

Thế những nguyên nhân của chứng mệt mỏi thần kinh là gì? Có phải chúng thuộc thể chất không? Chúng có thuộc tâm lý không? Đại để, bất cứ sự suy nhược thần kinh nào đều có thể dẫn đến chứng Mệt mỏi thần kinh. Các nguyên nhân thì đa dạng, nhưng chúng luôn dẫn đến sự thiểu năng thần kinh. Chỉ các cảm xúc thôi, cũng là nguồn gốc chính của nhiều rối loạn. Bất cứ cảm xúc nào cũng ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, và như thế sẽ có nhiều hậu quả thể chất và tâm lý. Chúng ta sẽ thấy ngay như sau: nếu vì một lý do gì đó có sự mệt mỏi tinh thần, các cảm xúc sẽ tăng sức mạnh của chúng trên các cơ quan nội tạng. Những hành vi bậc cao (ý chí, ý thức, lựa chọn, quyết định sự mạch lạc, tầm cỡ của hành động) đều bị xấu đi.

Thay vào chỗ của chúng sẽ phát triển tính dễ kích động với tất cả những hệ quả độc hại. Như thế, chứng mệt mỏi thần kinh có thể có nguồn gốc tâm lý hoặc thể chất (lao lực cảm xúc, lo lắng kéo dài, nhiễm trùng, ngộ độc, dồn nén, thất bại, tình dục, v.v…). Tất cả những nguyên nhân có thể này đều phải được xem xét trong lúc điều trị.

Điều trị chứng suy nhược thần kinh

Căn bệnh khốn khổ này có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Với điều kiện phải coi người mệt mỏi thần kinh là một người bị bệnh toàn diện. Toàn bộ cơ thể bị bệnh dù người ta có định vị được chính xác chỗ bị bệnh. Phải thực hiện một khám nghiệm lâm sàng thật tỉ mỉ; sẽ là điều vô lý khi chỉ muốn chữa trị sự rối loạn biểu kiến nhất. Một trắc nghiệm tâm lý học sâu rộng cũng có thể được thực hiện.

Đây là một phụ nữ mệt mỏi thần kinh. Bà ta có bị kiệt sức vì sanh đẻ không? Có phải do các rối loạn dạ con không? Có phải do những khó khăn gia đình không? Có phải do sự không thích nghi tình dục không? Một cuộc hôn nhân bất thành không? Bởi các mặc cảm? Bởi ngộ độc? Bởi những cảm xúc sâu lắng kéo dài suốt nhiều năm liền? Tính di truyền của bà ta như thế nào?

Một người đàn ông mệt mỏi thần kinh. Có phải nguyên nhân chỉ đơn thuần là thể chất không? Nó có thể do sự tiêm nhiễm bệnh lao (bệnh lao tiềm tàng hoặc chậm phát triển). Hoặc giả chứng mệt mỏi thần kinh là hệ quả của những cảm xúc luôn bị dồn nén, xung đột nội tại, thất bại liên tiếp, một thơ ấu không thích nghi với tình trạng rối loạn sau cùng của hệ thần kinh?

Hai trường hợp trên được đưa ra chỉ để làm thí dụ. Tìm cho ra các căn nguyên của một chứng bệnh đôi khi là một công việc lâu dài và khó khăn. Nhưng, với bất cứ chứng rối loạn nào, một tiểu sử căn bệnh phải được thiếp lập, cả về mặt thể chất lẫn tâm lý. Thực ra, bất cứ một tiêu hao năng lực quá đáng nào, bất cứ cảm xúc kéo dài nào, cũng đều có thể dẫn đến chứng mệt mỏi thần kinh, cũng như đến chứng loạn thần kinh, tùy theo khí chất và những thiên hướng đặc trưng của chủ thể. Xem người loạn thần kinh là một người “bệnh tưởng tượng” hoặc “làm biếng” là một điều kém hiểu biết hoặc ngu dốt.

Trước hết là phải phục hồi lại hệ thần kinh. Thông thường lúc ban đầu người ta bắt buộc sự nghỉ ngơi, chất xtrichnin, phốtpho, kích thích tố, canci, v.v… Đương nhiên việc chữa trị phải tùy thuộc vào những kết quả y khoa.

Phân tách tâm lý học (đôi khi rất cần) sẽ loại trừ các nguyên nhân tâm lý đã gây ra hoặc đã phát triển căn bệnh. Khoa tâm lý học sẽ phục hồi và phát triển tính tự chủ. Nó sẽ trợ giúp việc điều hòa cơ chế vận hành não bộ bậc cao. Nó sẽ làm như thế nào để cho người bệnh thích ứng sức lực của mình cho phù hợp với nhu cầu. Khoa tâm lý chiều sâu, tùy theo tình hình, sẽ chỉnh sửa lại nhân cách bị sai lệch hoặc bị giằng xé bởi các mặc cảm. Mà theo đó xúc cảm có thể trở lại bình thường với một kết quả hài hòa cho khắp cơ thể.

Tiếc một điều là chứng mệt mỏi thần kinh lại là căn bệnh thế kỷ. Mong sao cho y học và tâm lý học ngăn không cho nó biến thành truyền nhiễm…

Suy nhược tâm thần

Chứng Suy nhược tâm thần thường được nhận thấy trong những diễn biến của tư tưởng. Rất nhiều ý nghĩ rời rạc thay nhau chợt hiện ra trong tâm trí mà chủ thể không tài nào loại bỏ nó được. Đây là trường hợp thiểu năng tâm trí, chớ không phải là tình trạng uể oải tinh thần như chứng suy nhược thần kinh. Có sự suy giảm trường lực tâm lý, khó có thể thực hiện việc tổng hợp trí tuệ. Chứng suy nhược tâm thần không thể nào thực hiện được các hành vi tri thức (chính vì chúng đòi hỏi một trường lực tâm lý mạnh), nhưng các hành vi tự động của người này không bị tổn thương. Thường có ám ảnh; tình trạng không có sự tổng hợp trí tuệ cho phép các “ký sinh” tâm lý cư trú thoải mái. Người suy nhược tâm thần thường bị thúc phải thực hiện một hành vi trái với đạo lý, nhưng anh ta lại có đủ sức mạnh để chống lại các xung năng của anh ta. Việc kháng cự này rất khó khăn; nỗi lo hãi xuất hiện.

Thí dụ: X, thột người độc thân 28 tuổi.

“… Tôi không ngờ phải chống lại sự thôi thúc… lúc nào tôi cũng cảm nhận được việc đó, nhưng có khi nó bộc phát thành từng cơn…Tôi có cảm tưởng như tôi tự cắt đi cơ quan sinh dục của mình vậy. Có khi tôi tập trung tư tưởng suốt ba mươi phút cho việc đó; tôi tưởng tượng việc bị hoạn đó trong những chi tiết nhỏ nhặt nhất; có lúc tôi đưa cái kéo đến gần cơ quan sinh dục của tôi, đâm nhẹ vào đó, rồi mạnh hơn, cho đến khi nào tôi cảm thấy đau… tất cả những việc đó chỉ để tôi nhận thấy nó khủng khiếp đến mức nào. Tôi cố chống lại, đem hết ý chí vào việc đó, tự nhủ mình chỉ là một thằng ngu và gàn dở… không thể làm gì khác được… tôi cứ tiếp tục. Sau đó tôi kiệt sức, đầm đìa mồ hôi, run rẩy, tái xanh như người chết rồi. Tôi phải trốn ra khỏi nhà. Tôi mua một máy cạo râu. Thật kinh hồn với con dao cạo thường. Tôi thừ người ra đó, nhìn mặt mình trong tấm gương suốt nhiều phút liền, kê sát con dao gần cơ quan sinh dục của tôi…tôi gần như bất tỉnh hết mấy lần. Và tôi đi làm, râu không cạo trong tình trạng kiệt sức mà ông không thể nào hình dung được.”

Vả lại chúng ta nên ghi nhận rằng trong vài trường hợp lo âu cực độ có thể dẫn đến việc cắt xén thật sự, đến việc toan tự sát.

Phiền muộn nằm trong chứng suy nhược tâm thần. Chủ thể cảm thấy khổ sở hết mức khi biết mình không thể hành động và mong muốn; anh ta đau khổ vì những ý nghĩ mà anh ta không tài nào loại bỏ được. Các nỗi ám ảnh đôi khi chỉ là một ý nghĩ bình thường, nhưng kỳ lạ.

Thế giới bên ngoài có vẻ như xa lạ. Vài người suy nhược tâm thần có cảm tưởng là vài bộ phận của cơ thể của mình không còn thuộc về mình nữa.

“… Tôi có cảm tưởng hai bàn tay này không phải là của tôi, tôi nhìn chúng như những vật xa lạ. Thật vô lý, bởi vì tôi phải cố gắng lắm để tự nhủ mình: đó là những bàn tay của tôi, của tôi, của tôi…”

Nhiều ngại ngùng ám ảnh dai dẳng xuất hiện:

“… tôi kiểm tra sổ sách hơn hai mươi lần. Tôi làm việc này trong nỗi lo hãi, tôi bực dọc và bị kiệt sức. Khi tôi làm việc đó, tôi chửi mắng mình… Tôi tự nói: đây là lần chót và rồi mẹ kiếp!… và tôi bắt đầu lại. Nếu tôi tự ép mình bỏ đi, tôi phải trở lại để kiểm tra một lần nữa…”

Nhiều triệu chứng khác cũng xuất hiện. Những đắn đo, sự xấu hổ chính bản thân, sự suy giảm ý chí, sự nhút nhát trước xã hội. Có nhiều nghiền ngẫm tâm thần; cái cảm giác “không còn biết mình đang ở đâu”; sự tưởng tượng bệnh hoạn, có nhiều cơn cuồng hứng, nhiều tật.

Thí dụ: “… Khi tôi ở trong bếp, tôi vào nhà tắm ít nhất là hai mươi lần. Tại sao, ông có biết không?… Để kiểm tra xem các khăn lau tay có được xếp và để cho thật song song không… Người ta bảo tôi là chỉ cần nói không. Tôi đã cố trong sự phẫn nộ… có một cái gì đó lôi kéo tôi vào trong nhà tắm, cho đến mức tôi không thể làm một việc nào khác được…Tôi lại đi. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm được mười phút. Rồi mọi thứ bắt đầu lại. Tôi cố nói gì cũng vô ích thôi: mày mới vừa làm việc đó mà, mày đã kiểm tra rồi; tôi cố nghĩ trong đầu là mấy cái khăn đó đã được xếp song song rồi… Tôi phải trở vào. Tôi nhìn thấy chúng và tự nói: mày thấy không? chúng được để song song rồi đấy. Tốt rồi! Thế ông có biết tôi đã làm gì không? Tôi dời chúng đi và sửa chúng lại cho song song để tự thuyết phục mình! Và điều đó kéo dài suốt buổi sáng… và cái chứng đó chỉ ngừng khi tôi có việc phải đi ra ngoài, mà việc đầu tiên tôi phải làm khi đã về đến nhà, là chạy vào trong nhà tắm…”

Như thế, tôi xin nhắc lại là tất cả những biểu hiện của chứng suy nhược tâm thần đều là ý thức, và tạo nhiều đau đớn nhức nhối cho chủ thể, mà người này đành bất lực trước những hành vi mà chính người này cũng xác định là phi lý.

Bất cứ người suy nhược tâm thần nào cũng bị liên kết với vài tình trạng thể chất (bệnh, kiệt sức, nhiễm trùng) và nhiều khi về mặt tâm thần hơn (sốc xúc cảm, mặc cảm nhận thức, v.v…)

Liệu pháp tâm lý chiều sâu đem lại nhiều kết quả tuyệt diệu, đôi khi được kết hợp với các cách chữa trị sinh học (mà tôi sẽ đề cập sau) và y học phục hồi thể lực của thần kinh.

Lo âu

Bất cứ người thông minh nào cũng bị lo âu. Đó là phần thưởng của người biết suy nghĩ đôi chút… và là chuyện bình thường. Những câu hỏi về cuộc đời, thế gian và vũ trụ luôn đòi hỏi chúng ta phải thích nghi liên tục. Cái gì đã thúc đẩy chúng ta, nếu không phải là nỗi lo hãi đó? Cái gì bắt chúng ta phải tìm tòi và phát hiện, nếu không phải là nó? Tất cả những bước tiến của nhân loại, tất cả những khám phá khoa học, nghệ thuật và văn chương đều đặt nền tảng trên sự lo âu. Nhưng đó là mối lo âu trừu tượng sáng tạo, xác thực và tương đối nhẹ. Có thể nói mười phần trăm lo âu là cần thiết cho một người bình thường… Nhưng tiếc thay, không phải lúc nào cũng như thế.

Chứng lo âu bệnh lý – Chứng lo âu bệnh lý là hủy diệt. Không những nó hủy diệt cá thể đó, mà nó triệt tiêu trước hành động của anh ta. Thế sự khác biệt giữa “sợ” và “lo âu” là như thế nào? Nỗi sợ là một phản ứng trước một nguy hiểm thực thụ. Lo hãi là một phản ứng trước một nguy hiểm “không hiện thực bên ngoài”. Tuy nhiên, lo âu không phải là “tưởng tượng”. Nó dựa trên một nỗi sợ nội giới, có khi dữ dội; cũng thường khi nỗi lo âu được sinh ra bởi những nguyên nhân hoàn toàn vô thức.

Lo âu bệnh lý là một cảm xúc vô cùng khó chịu, được kèm theo bởi một hay nhiều biểu hiện thể chất: xanh xao, run rẩy, cơn khủng hoảng thần kinh, tim đập mạnh, toát mồ hôi, co thắt nội tạng (đôi khi đau đớn đến mức chủ thể phải cong người lại), cảm giác nghẹt thở, miệng khô, đau thắt ngực giả tạo, chân mềm nhũn… Có thể kéo theo sự uể oải vì những xúc động liên tục (lao lực cảm xúc). Chứng lo âu và ám ảnh thường nối kết nhau.

Những người lo âu nói gì?

Sự lo âu được biểu hiện trước một cảm tưởng nguy hiểm sắp xảy ra và không rõ ràng. Chủ thể trở thành con mồi cho chứng lo âu của mình; và tâm trí anh ta tưởng tượng ra những thảm kịch, dù biết rõ sự phi lý khách quan của chúng.

… Tôi như bị nghẹn ở cuống họng và bị như thế suốt cả buổi vì: tôi không biết phải làm gì nữa, tôi luôn luôn có cảm giác khó thở; tôi luôn chờ đợi những tai nạn khủng khiếp đến với mẹ tôi. Lúc nào tôi cũng nghĩ bà ta bị xe điện hay xe hơi cán… nhất là xe điện; tôi nghe bà ta hét… tôi phải lấy tay bóp đầu để xua đuổi những ý nghĩ đó, nhưng không kết quả… tại văn phòng, bất cứ lần nào chuông điện thoại reo cũng làm tôi run lên…

… Tôi rất sợ bị ung thư, bất cứ cái đau nào đối với tôi cũng là điều xác thực; tôi chạy đi khám bác sĩ, tôi đi hết người này đến người khác; họ chế giễu tôi… tôi biết rõ đó là điều lố bịch. Tôi nghĩ tôi sẽ nhẹ người hơn nếu tôi thật sư bị ung thư, ít ra để làm cho mối nghi ngờ lo hãi đó biến mất.

Với sự lo hãi, đôi khi có kèm theo sự rối loạn. Cái cảm thức bất lực là tuyệt đối trước mối nguy hiểm cấp bách, mà điều này càng củng cố thêm tình trạng đó.

Tính đa dạng của các hiện tượng lo âu

Chứng lo hãi có thể chỉ là sự khó chịu tinh thần (ý nghĩ đen tối), nỗi day dứt liên tục, hoặc một sự hốt hoảng không có nguyên nhân rõ ràng.

Nhưng cũng có một chứng lo âu khủng khiếp, làm cho chủ thể phải chìm trong trạng thái sững sốt. Anh ta liền lo ngại đến chứng điên sắp xảy đến, cái chết bất ngờ, sự xóa sạch những phương cách sinh sống… Cơn này thường kết thúc bằng việc chủ thể thải một lượng lớn nước tiểu trong (chứng đái nhiều).

Trường hợp của Paul. Paul đã sống suốt cuộc đời thiếu niên trong nỗi khiếp sợ trọng tội.

… Bố mẹ tôi chỉ nói đến tội lỗi với tôi mà thôi, đến địa ngục và việc xuống địa ngục. Vào lúc đó, tôi xem họ như là thánh, ông thử nghĩ có đúng không?… Lần rước lễ đầu tiên thật khủng khiếp cho tôi. Trong nhiều tháng tiếp sau, tôi chỉ cảm nhận toàn là những nỗi kinh hãi bị phạm tội. Có khi, tôi thổ lộ đôi chút với cha mẹ tôi và họ chỉ đáp lại bằng: hãy nguyền rủa cái ác và sự ô uế đi; Chúa sẽ nhìn thấy và phán xét con. Ông thử thế chỗ của một thằng bé xem… Tôi còn nhớ đúng vào ngày rước lễ đầu tiên của tôi, tôi bị nhiều ám ảnh… và từ đó đến giờ vẫn chưa dứt. Tôi đã xưng tội không biết là bao nhiêu lần trong một tuần, và mỗi lần như thế với nỗi khiếp sợ là tôi đã quên một trọng tội nào đó.

Lúc đi học, tôi nghiền ngẫm điều đó, đôi khi trong nỗi kinh hoàng. Ông có nghe không? Trong nỗi kinh hoàng! Trong các tiết học, cũng thế. Trước khi đi ngủ, cũng vậy. Vì tôi phải rước lễ vào mỗi chủ nhật, tôi không làm sao giải thích tôi hoảng sợ đến mức nào; trong nhà thờ, tôi có cảm tưởng như Chúa có thể đập bẹp tôi bất cứ lúc nào, hoặc giết tôi chỉ bằng một phát để vứt tôi xuống địa ngục… Không ai có thể hiểu những gì tôi đã cảm nhận…

Câu chuyện của Paul kéo dài trong nhiều năm liền. Không một ngày nào mà không có những mối nghi ngờ kinh hãi, những ngại ngùng day dứt, những cảm tưởng hãi hùng. Đến tuổi mười tám, Paul bắt đầu “nhìn gái” trong cái tâm trạng mà chúng ta có thể đoán được…

… Mỗi khi tôi nhìn các cô gái, dù một cách ngẫu nhiên, cổ họng tôi thắt lại vì lo âu. Tôi toát mồ hôi đầm đìa, thở hổn hển và run sợ… Giống như thể tôi bị quỷ ám vậy…

Có khi cơn lo âu lớn bùng phát.

… một cục gì đó chặn ngay họng tôi, làm tôi gần như bị nghẹn thở. Chứng co giật dữ dội nơi cơ hoành làm cho tôi cứng người. Tôi bị nhói tim, và tôi tự nhủ: bây giờ mày sẽ chết và thối rữa tại chỗ, để trừng phạt những tội lỗi ghê tởm của mày. Tôi có cảm tưởng như là thứ phế thải tính dục của nhân loại, và tôi phải chạy trốn vào chỗ đầu tiên mà tôi tìm thấy, để chờ cho việc đó qua đi…

Đương nhiên là phải cần đến cả quyển sách để mô tả, ngày này qua ngày khác, những ý nghĩ, những mối nghi ngờ dằn vặt và những cơn mà Paul phải gánh chịu. Vả lại anh ta có thể bị chứng rối loạn tâm lý. Thay vì bị ám ảnh bởi trọng tội anh ta có thể tự thuyết phục mình đã bị quỷ ám, hoặc mình chính là quỷ cũng nên. (đó là cái mà người ta gọi là sự đi từ nỗi ám ảnh qua chứng hoang tưởng).

NHỮNG NGUYÊN NHÂN THƯỜNG THẤY CỦA CHỨNG LO ÂU

1– Một xung đột nội giới thường phát sinh sự lo hãi.

Xung đột này thường là vô thức. Người đó cảm nhận nỗi lo hãi, nhưng không thể nào cắt nghĩa nguyên nhân. Vì thế không ích gì phải cãi lý với người lo hãi như thế, nhưng phải tìm cho được những nguyên nhân sâu kín, là điều tất nhiên…

Thí dụ: trường hợp của Paul mà chúng ta vừa thấy ở trên. Có sự xung đột mãnh liệt giữa các xung năng tự nhiên (là tình dục chẳng hạn) và “đạo lý” của anh ta (mà đó chỉ là sự răn bảo cứng ngắt của cha mẹ anh ta áp đặt)

2– Sự chống đối bị ức chế là một nguyên nhân khác của sự lo âu. Sự chống đối này thường xuất hiện trong môi trường gia đình hoặc tại nơi làm việc. Nếu một bậc cha mẹ là người thống trị, chuyên quyền và khô khan, thì đương nhiên sẽ khởi phát sự chống đối nơi đứa trẻ. Nhưng sự chống đối này thường bị dồn nén trước khi đến được ý thức (như chúng ta đã thấy ở phần trước). Tại sao? Bởi vì cái đạo lý của Siêu–ngã cấm đoán mọi phản kháng lại các bậc cha mẹ. Vì thế nỗi lo hãi tiềm thức được lý giải bằng những triệu chứng: giấc mơ, hồi hộp, mồ hôi, choáng váng, liên tục lo âu, v.v…

Thí dụ thông thường của nỗi lo âu chống đối nhẹ. Y. là nhân viên văn phòng. Anh ta làm việc với nỗi lo sợ âm thầm và liên tục; anh ta luôn “cảm thấy mình có tội”

a) anh ta cảm nhận sự thù nghịch mãnh liệt với ông sếp của anh ta, người sếp mà anh ta khinh bỉ.

b) sự thù nghịch này làm cho anh ta co cúm và tạo ra cảm xúc. Đúng ra các cảm xúc này phải được giải tỏa.

c) nhưng nếu Y biểu lộ sự thù nghịch này, ông sếp có nguy cớ chống lại anh ta. Nhưng mà đối với Y, sự dửng dưng hoặc sự chống đối những người khác đều phát sinh ra sự lo âu và trạng thái khó chịu “ở bên trong”

Ở đây chúng ta lại gặp những dấu vết của mặc cảm OEdipe. Vì vậy chúng ta có:

a) sự chống đối của Y. Cái nhu cầu giải tỏa sự chống đối này, và nói với ông sếp “những gì anh ta nghĩ về ông ta”; ý muốn biểu lộ những dấu hiệu khinh bỉ, nói lên những lời nhận xét đau như quất, v.v…

b) thay vì thế, Y rất tử tế và ân cần. Anh ta công nhận bất cứ những gì ông sếp nói. Anh ta tự đặt mình “ở dưới” ông ta. Anh ta làm như thế nào đó để ông sếp nhận thấy sự hoàn hảo của công việc làm. Người ta có thể nghĩ rằng Y, muốn người ta chú ý, “muốn lấy điểm”, là một thằng hèn nhát, v.v… Nhưng sự thật hoàn toàn không phải như thế! Sự thật là Y không thể nào chịu được sự thù nghịch của những người khác. Y nhận thấy mình có mặc cảm tự ti và mặc cảm tội lỗi và bất cứ lời khiển trách nào cũng nhấn chìm anh ta trong sự nghiền ngẫm tinh thần và sự lo âu khó chịu. Vì thế anh ta “rất tử tế”, chỉ vì anh ta không dám không tử tế… Vì vậy, tránh sự thù nghịch của những người khác đối với anh ta là một nhu cầu sống còn, một sự dự phòng cho sự an toàn nội tại.

3– Lo âu sẽ xuất hiện mỗi khi một xung động đe dọa một nhu cầu sống còn.

Thí dụ: Jacques 15 tuổi, thực hiện việc thủ dâm đơn độc. Người cha thường nói với cậu ta “… Con hãy nghe cho rõ đây! Nếu con cứ làm chuyện đó một mình, con sẽ mắc một căn bệnh nguy hiểm, con có biết không? Con hiểu ba muốn nói gì không?…” Và Jacques, đã quá tự ti vì một người cha nghiêm khắc và thô bạo, đã sống nhiều năm trong nỗi lo sợ hiển nhiên bị bệnh giang mai, tin chắc rằng việc thủ dâm gây ra căn bệnh đó. Sau một thời gian, nỗi sợ hãi đó đã chuyển thành những ý nghĩ tính dục bình thường… Đến năm mười tám tuổi, lúc ở ngoài đường, mỗi khi anh ta có một ý nghĩ tính dục thì nỗi lo âu dữ dội xuất hiện. Đến lúc đó, anh ta phải đi vào nhà vệ sinh công cộng hay một quán cà phê, để hốt hoảng kiểm tra xem coi “có mụn nào mọc lên chưa”… Lúc nào anh ta cũng có cồn trong người để có thể “khử trùng nếu căn bệnh khốn kiếp đó xuất hiện”. Chúng ta có thể hình dung được những cảm xúc và nỗi lo sợ đã chiếm lấy Jacques trong mấy năm qua. Vì thế phải cần đến sự thông hiểu sâu sắc của nhà tâm lý học để có được những lời tâm sự và để chứng minh sự vô lý của những mối lo sợ của anh ta…

Và chúng ta có:

Lợi ích sống còn bị đe đoạ có thể hoàn toàn do tâm lý. Tôi dùng lại cái thí dụ của một “anh hùng rơm”, tưởng rằng mình mạnh và cương quyết lắm. (Cái thí dụ này là một trong mười ngàn có thể). Thế nhu cầu sống còn của anh ta là gì? Tin vào sức mạnh của mình. Thế đâu là sự hăm dọa? Rằng những người khác (hoặc cả chính anh ta) nhận ra “sức mạnh đó” che giấu một yếu đuối to lớn. Vì thế, mỗi khi sự đe dọa đó trở nên gần như chính xác thì nỗi lo âu xuất hiện. (Thí dụ nếu cảm thức tự ti có nguy cơ được biểu hiện trong thái độ, cử chỉ, lời nói,v.v…).

Vì vậy đây là trường hợp của những người không phải là những gì họ tưởng mình là, dưới con mắt của chính họ hay của những người khác… Họ luôn phải tin vào tính xác thực của dáng bên ngoài của họ… Nỗi lo âu luôn hiện hữu và âm thầm, không khác gì sự khó chịu nội giới không dứt.

Và chúng ta có:

ÁM ẢNH

Ám ảnh là một cảm thức hoặc một ý tưởng vô cùng khó chịu; nó thường xuyên hiện diện trong tâm trí và đôi khi rất quái ác Ý nghĩ này kiên trì, nhức nhối, gây những cơn lo hãi dữ dội, với tất cả những hệ quả sinh lý và tâm lý.

Nó định rõ nhiều hành vi của chủ thể. Ám ảnh thường biểu hiện từng cơn. Chỉ cần một từ, một ý nghĩ, hoặc một sự kiện để khởi phát nó. Giống như trong chủ thể luôn có một sức mạnh lúc nào cũng sẵn sàng bộc phát. Nhưng vì anh ta cảm nhận tính vô lý của nỗi ám ảnh, nên xung đột xảy ra: đó là trận chiến giữa lý trí và ám ảnh.

Từ đó, có tình trạng kiệt sức hoàn toàn và nhức nhối, làm cho người bị ám ảnh không còn sức lực và tuyệt vọng.

Nhưng chúng ta không được nhầm lẫn: nếu một điệu nhạc nào đó bất chợt trở lại ngoài ý muốn, chủ thể sẽ nói là “Điệu nhạc này ám ảnh tôi”. Cảm giác này có thể khó chịu, nhưng nó không hề có liên quan gì với nỗi ám ảnh thực thụ.

Ám ảnh là một chứng bệnh rất phổ biến. Nó thường đi kèm theo chứng loạn thần kinh và loạn tâm lý. Nó bắt đầu từ những ám ảnh lo sợ nhẹ cho đến nỗi ám ảnh nghiêm trọng kiệt sức (Những ám ảnh này thường chạm phải những phạm trù quan trọng của loạn thần kinh: ám ảnh tôn giáo, gia đình, tình dục, bệnh hoạn, cầu toàn, công lý, vệ sinh, bổn phận, trách nhiệm).

Chúng ta không được chú ý đến sự ám ảnh này nọ, mà phải mô tả cái tâm trạng tổng thể của người bị ám ảnh. Chúng ta sẽ thấy ở những phần sau, vài dạng ám ảnh khác: những Ám sợ.

Nỗi khổ của người bị ám ảnh

Tôi có nói đến định kiến. Và chúng ta biết định kiến giống như một ký sinh mạnh sống trong mảnh đất của ý thức.

Ám ảnh cũng làm như thế. Người bị ám ảnh ý thức rất rõ tình trạng của mình, ngay dù anh ta đang là nạn nhân của sự ám ảnh. Hiểu theo nghĩa này, như vậy người đó bị loạn thần kinh.

Những người bị ám ảnh cảm thấy hổ thẹn về tình trạng của họ, và cố hết sức của họ để che giấu nó. Có khi họ thành công. Họ dường như tỏ ra “lo lắng”, căng thẳng, tập trung, xao động, nhưng rất ít người hình dung được trận chiến, đôi khi rất dữ dội, đang xảy ra trong chính họ.

Ở đây cũng thế, cái cảm giác mình là người duy nhất mắc phải chứng bệnh vô lý này” thường xảy ra. Trước nỗi xấu hổ cảm nhận được, không một giải tỏa thật sự nào của sự ám ảnh được thực hiện trong cuộc sống thường ngày.

Vả lại chúng ta hãy tưởng tượng đến một người mà sự ám ảnh bộc phát tại nơi làm việc, trong gia đình, v.v… Chúng ta hãy tưởng tượng đến những trận đối kháng, nỗi lo sợ, và cả sức lực mà người đó phải tận dụng để che giấu chúng…

Nhiều người bị ám ảnh còn nói là: “ít ra tôi cũng cảm thấy vui là không một ai hay biết về tình trạng khủng khiếp đó. Nhưng tôi cũng sẵn sàng bỏ ra tất cả để cho người ta hiểu được nó mà không chế nhạo tôi… Có thể điều đó sẽ giúp ích cho tôi nhiều đấy!

Người bị ám ảnh tìm một xác tín

Anh ta tìm một xác tín thuần lý có thể loại bỏ cái ý nghĩ ám ảnh kia. Nhưng trong khi anh ta càng tìm và càng biện luận thì nỗi ám ảnh càng mạnh thêm. Câu hỏi nhỏ nhất mà anh ta đặt ra sẽ tạo ra nhiều câu hỏi khác, cũng nhức nhối không kém. Đây là một vòng luẩn quẩn tàn nhẫn mà những cố gắng kiệt sức chỉ làm cho chúng mạnh thêm…

Thí dụ: Bà X. bị ám ảnh bởi ý nghĩ nhân loại là một dây xích và mọi hành động cá nhân đều có hậu quả, không những cho những người chung quanh, mà còn đến những vùng xa xôi nhất. Cách nhìn các sự việc như thế không có gì bất thường, trái lại là đằng khác. Nhưng với bà X. cái ý nghĩ trách nhiệm tuyệt đối đã bị ăn sâu. “Tôi phải chịu trách nhiệm về mọi chuyện” tạo thành hạt nhân của cái ý nghĩ ám ảnh đó. “Bất cứ hành vi nào của tôi làm cho tôi cũng phải chịu trách nhiệm với những hệ quả tiếp theo sau đó”.

Nỗi ám ảnh này sau đó được hướng về những người nghiện rượu (tiếp theo sau nhiều tình huống khác). Trước là những người nghiện rượu bà ta quen biết. Nỗi ám ảnh bắt đầu khi một trong những người bạn của bà ta chết vì nghiện rượu. “Nếu một năm trước đây tôi có làm điều này nọ, chắc anh ta sẽ không chết…”. Bà mới chạy đến các bác sĩ để kiểm tra xem coi có một cách trị liệu nào đó có thể được người nghiện rượu chấp nhận không, và có thể giúp ích được gì không. Như vậy, bà đã liên hệ với ba mươi bác sĩ, với nỗi lo sợ mà người ta có thể đoán được. Bà tranh luận, trò chuyện dài dòng, phải khổ sở. Câu trả lời duy nhất là “Không được, đã quá trễ để có thể làm một cái gì đó”.

Bất chấp sự xác tín đó, nỗi ám ảnh cứ tiếp tục: “Nhưng có thể được mà, cách đây vài năm, khi tôi thấy ông ta bắt đầu uống rượu, tôi đã can thiệp thì chắc ông ta sẽ không chết. Tôi phải chịu trách nhiệm về cái chết của ông ta, hoàn toàn và tuyệt đối chịu trách nhiệm”.

Bà lại chạy đến các bác sĩ, nhà tâm lý học; nghiên cứu sách cho đến kiệt sức về tật nghiện rượu, về tự do ý chí, về thuyết định mệnh…

Và khi trách nhiệm của bà càng giảm chừng nào thì bà lại càng đặt cho mình càng nhiều câu hỏi thêm chừng đó. Trách nhiệm này sau đó được nới rộng cho tất cả những người nghiện rượu. Bà đi lang thang ngoài đường, nhìn vào các quán cà phê. Bà đứng ngoài chờ những thanh niên mà bà nhìn thấy họ uống rượu… Bà bỏ hết thời giờ để viết thơ và gọi điện thoại đến những người mà bà nghĩ là nghiện rượu, v.v… Còn những đêm của bà thì sao? Bà trải qua những đêm dài để chống lại cái cảm giác trách nhiệm toàn vẹn đó, để tự nhủ trong sự phẫn nộ là “Nhưng dù sao, tôi có phải là Chúa đâu để phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nhân loại như thế…”. Và một định kiến nhức nhối không kém khác “Nếu Chúa không hiện thực thì sao? Thế ai phải chịu trách nhiệm đây?… Tất cả mọi người, và tôi trước tiên, bởi vì tôi biết là mình phải chịu trách nhiệm…”

Vì vậy đây là cái vòng luẩn quẩn không dứt. Bất cứ một xác tín hợp lý nào đều khởi phát một chuỗi ám ảnh mới. Vì thế việc tự sát đến với bà X. như là giải pháp duy nhất có thể: trốn chạy để không còn nghĩ đến nữa, để không còn phải khổ. Nhưng ở đây cũng thế (mà cũng may đấy) một nỗi ám ảnh mới xuất hiện: “Tôi phải chịu trách nhiệm… bởi vì chỉ với một lời nói của tôi có thể ngăn cản một người uống rượu… thì tôi phải sống để làm điều này”. Và cũng chính với tâm trạng này mà bà đến gặp nhà tâm lý.

Một người bình thường khó có thể hình dung được những nỗi khổ mà sự ám ảnh gây ra. Bởi vì chính sự ám ảnh đó, rất thường khi, là triệu chứng của một chứng bệnh tâm lý rất nặng…

Người bị ám ảnh làm gì để loại bỏ căn bệnh của mình?

Đương nhiên là anh ta sẽ làm mọi cách để làm yên lòng mình. Nhưng ở đây tôi muốn đề cập đến một cách thường được những người bị ám ảnh sử dụng: đó là phương thức xua đuổi tà.

Thí dụ: P. bị ám ảnh về nỗi sợ hãi bệnh ung thư. Một nỗi sợ dằn vặt, lúc nào cũng nhức nhối. Anh ta cố làm cho mình yên lòng bằng cách thì thầm “Ung thư, bệnh ung thư của ta ơi, mày đang có mặt, nhưng tao cóc sợ và chúng ta xem sẽ ra sao. Ung thư, ung thư nhỏ bé, tao không sợ mày đâu, mày có biết không ung thư?

P. là một người vô cùng thông minh và có một ý chí cao hơn trung bình. Bất chấp điều này… ông ta lặp đi lặp lại lời phù chú này hơn một trăm lần trong ngày, lí nhí trong miệng. Khi nào một mình, ông nói lớn tiếng, và nói thầm trong đầu nếu có ai đó bên cạnh. Ông ta phát âm thật rõ ràng; ông ta cố nói câu này cho thật hoàn hảo, để tự thuyết phục mình. Mỗi khi trong nhà ông ta có người, ông ta kiếm bất cứ lý do nào đó để xuống tầng hầm. Và ở đây, trong sự cô đơn, ông ta nói lên những từ mà ông ta nghĩ là cứu tinh… Rồi ông ta trở lên trên. Một tiếng sau, ông lại trở xuống, hoặc đi vào nhà vệ sinh, hoặc đi ra ngoài vườn. Để nói lên câu nói đó…Và mỗi ngày như thế từ nhiều năm nay… Chúng ta phải ghi nhận là P. hoàn toàn ý thức tình trạng này của mình, làm cho ông ta có những mối lo hãi không dứt.

Những cách phù chú khác.

Nhiều người bị ám ảnh cứ làm hoài những cử chỉ bằng tay, ở bên ngoài hoặc trong túi áo túi quần của họ: cử chỉ cắt chặt, dấu thánh giá, cử chỉ mấy ngón tay tượng trưng cây kéo,v.v…

Những dấu tượng trưng này có nghĩa: “tôi cắt đứt nỗi ám ảnh của tôi”.

Hoặc giả họ thốt ra nhiều câu giận dữ, nói với nỗi ám ảnh của mình:

– Hãy cút đi, con vật thối tha.

– Lại nữa rồi, cũng là mày nữa…

– Đồ độc hại bị nguyền rủa, hãy làm cho tao chết đi như vậy sẽ không còn gì để nói nữa hết…

– Mày tưởng mày đã thắng được tao à, nhưng tao sẽ hạ gục mày đấy, đồ thứ ý nghĩ thối tha…

Ngoài sự đau khổ, người ta không khó tưởng tượng được sự bực tức của người đó. Người đó chống chọi bằng tất cả trí thông minh và ý chí của mình, chống chọi bằng tất cả sức lực. Và tất cả những vũ khí này bể nát như thủy tinh trước cái ý nghĩ kia luôn hiện hữu như một sức mạnh bất khả chiến bại…

Tình trạng tổng quát của người bị ám ảnh

Rất nhiều khi căn bệnh của người bị ám ảnh không bị phát hiện. Ngay cả những người bị ám ảnh nặng cũng không bao giờ bị nghi bị như thế. Trí thông minh của họ không hề bị tổn thất, vẫn giữ được vẻ sáng chói của nó. Trí nhớ của họ gần như tuyệt đối trung thực. Ý thức của họ luôn mạnh mẽ (vả lại có khi là quá). Chín lần trên mười thuật thôi miên không thể tác động đến họ, kể cả sự ám thị. (ít ra sự gợi ý trên bề mặt; trái lại tâm phân học và giấc mơ tỉnh táo vẫn giữ nguyên hiệu quả trị liệu của chúng).

Thế sự ám ảnh đặt nền tảng ở những đâu? Nhưng làm sao nhiều giáo sư, nhân viên, nhà văn, có khi lại mắc chứng ám ảnh quái ác này? Và mặc cho chứng bệnh, họ vẫn tiếp tục làm tròn bổn phận của mình một cách hoàn thiện nhất, và không có một ai có thể đoán được bất cứ điều gì?

Những người bị ám ảnh bất chợt

Đó là những người bị ám ảnh tiếp sau vài tình huống ngẫu nhiên. Những ám ảnh này có thể được khởi phát do bất cứ mọi suy yếu của tình trạng sức khỏe tổng quát của chủ thể: nhiễm trùng, ngộ độc, thời kỳ kinh nguyệt, thời kỳ mãn kinh, do một căn bệnh thể chất kiệt sức, suy nhược thần kinh,v.v…

Như vậy nguyên nhân là ngẫu nhiên, và trong vài trường hợp, một cách trị liệu y học thuần túy có nhiều cơ may thành công.

Ngoài ra, sự thích nghi với nhiều công việc mới, sự đề bạt cho nhiều chức vụ quan trọng hơn, có thể tạo nỗi ám ảnh. Nhưng trong những trường hợp này, chúng được liên kết với công việc đã được thực hiện (ám ảnh trước sự khiếm khuyết, không thành công) hoặc được khởi phát vì sự kiệt sức do công việc làm quá mức. Cũng có nhiều trường hợp sự ám ảnh ngẫu nhiên xuất hiện và biến mất một cách tự nhiên.

Những người có xu hướng bị ám ảnh

Sự ám ảnh có thể được khởi phát do những thuận lợi về thể chất hoặc tinh thần. Chứng loạn thần kinh đương nhiên là môi trường lý tưởng. Sự “căng thẳng” của một tâm lý yếu kém sẽ tạo cơ hội cho một ý nghĩ độc hại cư ngụ. (Như chúng ta đã thấy trong vài trường hợp suy nhược tâm thần). Và cả những ám ảnh tù đọng lâu ngày trong vùng sâu của tiềm thức thường dẫn đến đủ mọi loại ám ảnh. Sự ngộ độc của cơ thể cũng rất thuận tiện cho loại loạn thần kinh này. Thêm nữa là tình trạng suy nhược, bệnh còi xương, di truyền, hệ thống tiêu hóa xấu tình trạng làm việc quá độ của vài cơ quan thải trừ chất độc như thận, gan, v.v…

Nói tóm lại (như trong bất cứ loạn thần kinh nào), bất cứ một nguyên nhân nào làm suy yếu hệ thần kinh sẽ tạo môi trường, và chỉ cần vài tình huống nào đó để cho sự ám ảnh xuất hiện và nảy nở.

Cách chữa khỏi sự ám ảnh

Việc chữa khỏi là có thể được nhưng có khi rất khó khăn. Cái ý nghĩ của người bị ám ảnh giống như một tế bào sống vậy: nó có khuynh hướng sống nhờ vào môi trường. Nó lớn lên và muốn chiếm đoạt tất cả. Nó thật sự “vây hãm” con người mắc phải.

Vì thế mọi thứ phải được tận dụng để chữa khỏi người bị ám ảnh. Chuỗi khổ của người đó quá lớn. Không một thứ gì có thể bỏ lỡ: ngay về mặt y học và cả mặt tâm lý học.

Thuật thôi miên có hữu hiệu không?

Tôi xin nhắc lại là không. Sự gợi ý bằng thuật thôi miên không hề tác động đến người bị ám ảnh. Khác hẳn với chứng ưu uất, phạm vi ý thức của anh ta không hề bị thu hẹp. Ý thức của người bị ám ảnh không bị phá vỡ.

Hơn nữa, và có hiệu lực như đối với nhiều cách chữa trị bằng thuật thôi miên, sự gợi ý dưới thôi miên chỉ có thể tấn công vào các triệu chứng bên ngoài mà thôi. Gốc rễ của ám ảnh vẫn sống động, và mau chóng tạo nhiều triệu chứng khác, về thể chất hoặc tinh thần.

Người bị ám ảnh thường là thông minh

Nhưng có thể nào người ta dùng trí thông minh của anh ta để thuyết phục anh ta được không? Là điều vô ích. Ngay bản thân người bị ám ảnh cũng đã chống đối với hết trí năng của mình rồi mà không một chút hiệu quả nào…Với anh ta, sự thuyết phục chỉ dẫn đến thất bại.

Anh ta sẽ nói “… Tôi biết tất cả việc đó… nhưng tôi không tài nào tin vào chuyện đó. Ý nghĩ của tôi mạnh hơn tất cả mọi lý lẽ trên đời…”

Hoặc giả “… Tôi hoàn toàn ý thức rằng tôi không phải chịu trách nhiệm đối với thế giới

… tôi bỏ hết đêm này qua ngày khác để tự thuyết phục mình như thế… nhưng sự ám ảnh của tôi không hề nhường bước…”

Vậy trị liệu pháp nào đây?

Nói chung, phương cách chữa trị sẽ là liệu pháp của bất cứ chứng loạn thần kinh nào. Chỉ với tâm lý học chiều sâu mới có thể chạm đến những gốc rễ sinh ra nọc độc tinh thần đó. Phân tích tâm lý (hoặc giấc mơ tỉnh táo) là thích hợp. Tất cả cuộc đời của chủ thể phải được “bóc trần”. Không một thứ gì được bỏ sót, trong chừng mực có thể. Nhưng trước hết, người bệnh phải biết rằng mình không phải là người duy nhất bị những ám ảnh khủng khiếp. Chúng ta phải thuyết phục ông ta với sự thật này. Phải thuyết phục là ông ta đáng được quan tâm. Đúng thế, có phải ông ta xấu hổ về tình trạng của mình không? Ông ta phải biết nỗi khổ của ông ta được xem xét thật nghiêm chỉnh! Quả thật, sự xấu hổ và nỗi sợ bị khinh bỉ là những đặc tính của sự ám ảnh.

Và liệu pháp chiều sâu sẽ phân tích thật tỉ mỉ tất cả những tình huống của người bị ám ảnh: xã hội, gia đình, tình dục, tôn giáo, di truyền.

Có nhiều khi, việc hiểu biết tận tường cơ chế sâu kín đã khởi phát chứng loạn thần kinh, về mặt lý thuyết có thể chữa khỏi được bệnh. Sự tái tạo lại nhân cách phải được thực hiện nếu thấy cần.

Đây là một công việc khó khăn nhưng rất tốt đẹp, hơn nữa nó đòi hỏi sự hợp tác trọn vẹn của bệnh nhân cũng như của nhà tâm lý học.

TẬT HÃI

Sợ là một dạng của ám ảnh. Nó được mô tả như là sự lo sợ một ý nghĩ, một vật hay một tình huống xác định nào đó.

Trong những cái “nổi tiếng” nhất, người ta có thể liệt kê:

– Chứng sợ các khoảng rộng lớn và sợ bị ngất xỉu

– Chứng sợ những nơi đóng kín

– Chứng sợ đỏ mặt

– Chứng sợ bị bệnh và Ưu bệnh.

Một ám sợ “đáng danh như thế” chi phối toàn bộ cuộc đời chủ thể. Nó sẽ biến thành một nỗi ám ảnh đặc biệt, có khi ngăn cản bất cứ mọi hành động bình thường nào.

Chứng sợ những khoảng rộng lớn hoặc những nơi đông người.

Đó là nỗi sợ bệnh hoạn của một người khi phải đi ngang một khoảng trống: một quảng trường, một con đường, một bãi đất trống. Nỗi kinh hoàng xuất hiện, kèm theo mồ hôi, run rẩy và lo sợ. Hoặc người bệnh đứng chết cứng tại chỗ, không dám nhúc nhích hoặc anh ta đi sát bờ tường, hoặc nỗi hoảng sợ được kèm theo nỗi kinh hoàng, với sự trốn chạy thục mạng đến một nơi đóng kín (hành lang, quán nước, nhà, rạp chiếu bóng).

Chứng sợ những khoảng rộng lớn hoặc những nơi đông người (như mọi chứng ám ảnh) là một triệu chứng nhức nhối và kiệt sức. Những người bệnh này cũng cố gắng hết sức để vượt qua nỗi ám sợ và hốt hoảng. Có khi họ phải biểu dương một khí thế dũng cảm cho những tình huống bình thường nhất, chẳng hạn như băng ngang một con đường… Mỗi khi nói đến ý chí và cố gắng, người ta đã nghĩ đủ chưa khi nói họ là những người đầu tiên muốn áp dụng chúng?

Chứng sợ bị ngất xỉu

Chứng này thường đi kèm theo chứng sợ những khoảng rộng hoặc những chỗ đông người. Nhưng cảm xúc do chứng sợ những khoảng rộng tạo các rối loạn về thị giác và cảm giác choáng váng. Đó là những cảm giác mà người này giải đoán; anh ta nghĩ chúng là những dấu hiệu của sự bất tỉnh sắp xảy ra.

Chúng ta phải ghi nhận điều này: không bao giờ sự bất tỉnh đáng sợ đó xảy ra, dù cho cơn hốt hoảng trầm trọng đến đâu đi nữa.

Nỗi sợ sự bất tỉnh có khi biến mất (không phải lúc nào cũng thế) nếu người đó có đi với một ai khác.

Chứng sợ những khoảng rộng (và cả những hiện tượng phụ) là một triệu chứng nhẹ và ngẫu nhiên. Nó thường xuất hiện khi chủ thể bị suy nhược thần kinh. Vì thế người ta phải tìm và chữa trị các nguyên nhân của sự suy nhược này. Tình trạng rối loạn tiêu hóa hoặc của gan là thủ phạm thứ hai thường được nhận thấy.

Thêm vào đó, đương nhiên nhiều nguyên nhân khác là có thể. Ngoài chiều sâu, chứng sợ những khoảng rộng cũng có thể là triệu chứng của một xung đột nội tại, mà chỉ sự phân tích tâm lý mới có thể tìm ra nguyên nhân (xung đột trong gia đình, tôn giáo, tình dục, v.v…)

Chứng sợ những nơi đóng kín

Đó là chứng sợ những nơi đóng kín: rạp chiếu bóng, nhà hát, thang máy, xe hơi đóng kín, xe lửa, v.v…

Trong rạp chiếu bóng hay bất cứ một căn phòng nào đó, chủ thể sẽ chiếm một chỗ ngay lối ra vào. Anh ta làm điều này để có thể thoát thân được ngay mỗi khi cơn hốt hoảng xuất hiện.

Thí dụ: Bà X. mắc chứng sợ những nơi đóng kín, khiếp sợ thang máy. Tôi nhấn mạnh: khiếp sợ bị nhốt trong thang máy. Nhưng con trai và mấy đứa cháu nội lại ở trên tầng tám của một cao ốc. Vì vậy bà X. phải đi cầu thang và khổ cực đi lên tám tầng lầu Nhưng (và mỗi lần đều thế) sau khi nhấn gọi thang máy và đứng đấu tranh với nỗi hốt hoảng trước cửa buồng thang máy mở.

Ngoài nỗi sợ hãi nhức nhối và sự giận dữ với chính mình, người ta còn thấy sự ngạc nhiên của những người ở trong tòa nhà khi thấy thái độ kỳ quặc của bà ta.

Một thời gian sau, bà X. bị một chứng đau tim và bác sĩ tuyệt đối cấm bà ta đi bộ lên nhiều tầng lầu. Bà X. rất thương con và cháu nội. Nhưng nỗi ám sợ quá mãnh liệt và không bao giờ bà X. dám dùng thang máy để lên nhà con mình. Cũng may là người con hiểu được hoàn cảnh này và cho bà ta đến khám một nhà tâm lý học.

Thí dụ này cho thấy sức mạnh của sự ám sợ mà không một thứ gì có thể chặn đứng nó. Và sự cố gắng để vượt qua nó, có khi là một thử thách dị thường.

Trường hợp này cũng thế, chủ thể nhìn nhận tính cách “vô lý” của triệu chứng. Có khi người đó cố cắt nghĩa bằng kỷ niệm của một tai nạn, một trạng thái bất ổn. Đối với nhà tâm lý chứng sợ những nơi đóng kín thường có liên quan với mặc cảm tự ti hoặc tội lỗi.

Chứng sợ đỏ mặt

Đây là một triệu chứng của những người nhút nhát hay quá dễ xúc động. Chứng sợ đỏ mặt đôi khi có liên quan với những cảm thức tội lỗi, vô thức.

Chứng hãi sợ bị bệnh

Đây là chứng ám ảnh tập trung vào nỗi sợ bị bệnh. Những trường hợp thường thấy nhất là: sợ bị bệnh lao, ung thư, giang mai, các bệnh truyền nhiễm. Chứng ám ảnh sợ bị bệnh hợp cùng:

Chứng hãi sợ về con bệnh

… được thể hiện bởi những nỗi sợ hãi không dứt về tình trạng sức khỏe. Chủ thể tập trung sự chú ý của mình vào hoạt động của các cơ quan của cơ thể, hoặc vào một cơ quan đặc thù nào đó. Ưu bệnh có thể trở thành nỗi ám ảnh chi phối toàn bộ cuộc đời của bệnh nhân. Trong rất nhiều trường hợp, người ta còn nhận thấy nhiều rối loạn quan trọng khác như: táo bón, gan hoạt động không tốt, rối loạn sinh lý, rối loạn của các tuyến nội tiết. Người ta biết rõ tính khí thất thường, sự ích kỷ và rầu rĩ, ủ ê của người mắc chứng ưu bệnh.

Trong vài trường hợp, chứng ưu bệnh có thể dẫn tới rối loạn tâm lý. Đến khi đó nó sẽ kèm theo hư giác hoặc một xác tín tuyệt đối về những tổn thương tưởng tượng.

Người ta phải thực hiện việc khám bệnh hoàn chỉnh đối với chứng ưu bệnh và tiếp theo là sự cải tạo tâm lý thật chính xác.

Chứng ưu uất

Hãy xem lại ở phần trước.

Chứng tâm thần chu kỳ

Chủ thể luôn dao động giữa hai thái cực. Có khi tính khí của anh ta là sảng khoái, hào hứng, hưng phấn, anh ta làm việc thật hăng say, quan tâm đến mọi thứ, rất nhiệt tình. Anh ta nói năng thật lưu loát, tâm trí nhạy bén, đối đáp mau lẹ. Anh ta tin chắc vào sức mạnh vô địch của mình, anh ta tò mò về đủ mọi chuyện; anh ta rất hào phóng, thích giao du, cởi mở, đắc thắng… và rồi đột nhiên…tất cả mọi thứ sụp đổ trong cơn suy nhược. Sự hưng phấn và niềm vui không còn nữa. Anh ta co cúm người lại. Anh ta nghi ngờ, do dự. Anh ta chìm trong sự dửng dưng hoàn toàn và trở nên buồn rầu. Anh ta như đắm mình trong trạng thái đờ đẫn tinh thần, tạo cảm giác như không còn biết đến bất cứ mọi hoạt động nào khác nữa. Anh ta tự giam mình trong cô đơn, cảm thấy tự ti và khiêm nhường, sợ ngày mai và tự trách mình một cách thậm tệ… cho đến cơn hưng phấn khác.

Được đẩy lên đến cực điểm này, những biểu hiện này là của một người loạn thần kinh.

Khi chúng không mạnh đến thế, chúng ta chưa thật sự có chứng loạn thần kinh, đó chỉ là một tính khí: tính khí của người bị tâm thần chu kỳ, rất phổ biến. Vì vậy, chúng ta rất khó mà định được ranh giới của chứng loạn thần kinh này. Mọi thứ đều tùy thuộc vào nhịp độ, thời gian và cường độ của những thay đổi tâm trạng, mà chúng lại rất khác nhau giữa người này với người kia. Dù gì đi nữa, tính khí của người bị tâm thần chu kỳ biểu hiện sự mất cân bằng thần kinh tâm lý và sự biến dạng cá tính. Người ta thường nhận thấy (ở nhiều mức độ khác nhau) ở những nhà lãnh đạo chính trị, những kẻ kích động, những người làm cách mạng. Tính khí này là nền tảng của hoạt động mạnh mẽ và lôi cuốn họ, có khi bị thôi thúc một cách hào phóng và rất nhạy cảm, nhưng cùng với những đàn áp tàn nhẫn và sự thù nghịch dữ tợn của họ.

Tôi nói đến chứng tâm thần chu kỳ, là để có thể trình bày đến một chứng loạn thần kinh quan trọng có liên quan: bệnh hưng–trầm cảm.

Bệnh hoang tưởng (Paronoia)

Cũng là chứng bệnh thần kinh với nhiều biểu hiện khác nhau đi từ sự mất cân bằng nhẹ cho đến những tình trạng bệnh tâm lý nặng và bệnh ảo giác. Người hoang tưởng là người mà chúng ta thường gọi là bị “chứng hoang tưởng tự đại” và “hoang tưởng bị truy hại”

Paranóia trước hết là một biến dạng cá tính. Người paranóia là một người vô cùng kiêu ngạo, có khi được che giấu dưới tính khiêm nhường giả tạo. Anh ta nghĩ mình là sự thông minh tuyệt hảo, tự gán cho mình tất cả mọi vinh dự, sự sáng suốt, tất cả những đức tính. Anh ta là người yêu sách, đòi hỏi cho mình sự nể trọng được dành cho những bậc cao nhân. Anh ta bị nỗi sợ hãi dằn vặt, được che giấu dưới nhiều bộ mặt vị tha và ganh tị, lòng tốt, công bằng. Ngoài ra, anh ta còn bị ám ảnh bởi những mặc cảm tự ti dữ dội. Dù anh ta có nghĩ khác đi nữa, anh ta đặc biệt quan tâm đến sự hoàn hảo. Một việc không đáng gì cũng có thể làm cho anh ta xúc động, nhưng anh ta cũng có thể bỏ tất cả để nghĩ đến chuyện phù phiếm. Những phán xét của anh ta đều sai lệch và định trước. Anh ta ngoan cố, bướng bỉnh và thù vặt mỗi khi ai đó chạm phải tính dễ tự ái của mình, một tính dễ tự ái dị thường. Người hoang tưởng là một con người mà chúng ta “không biết phải đối xử như thế nào”. Đối với anh ta không hề có sự khoan dung, trừ khi anh ta chơi cái trò “khoan dung” đó… trò chơi để củng cố vẻ cao thượng của anh ta. Những người paranoia đôi khi chiếm nhiều vị trí quan trọng trong xã hội; đến lúc đó sẽ là sự cuồng tín, và sự bắt buộc tuân thủ tuyệt đối những quan điểm của họ. Vì người hoang tưởng quá nhạy cảm, nên anh ta bị thôi thúc phải tỏ ra hào phóng; anh ta áp đặt lòng tốt và sự hào phóng của mình. Dù có phải “trở mặt” vì chuyện vặt vãnh đối với người mà anh ta vừa giúp đỡ… Người paranoia không thể nào hoà thuận được với bất cứ một ai, trừ phi anh ta tin người ta công nhận anh ta giỏi hơn. Anh ta thường nghĩ người ta truy hại anh ta, “bởi vì sự sáng suốt và trí thông minh của anh ta làm cho anh ta trở nên nguy hiểm”; vì thế người ta cần phải “loại trừ” anh ta.

Người paranoia luôn dự trữ tính kiêu căng, thống trị và khinh bỉ. Đương nhiên anh ta không hề ý thức những biểu hiện giả tạo này, những thứ mà anh ta rất cần để tin tưởng vào.

Người paranoia không ngừng nói dối. Anh ta tưởng tượng những hoàn cảnh mà anh ta luôn chiếm ưu thế, giữ vai trò hay nhất, v.v… Anh ta ngụ ý thật khéo léo những mối quan hệ cao quí hoàn toàn tưởng tượng, mà hiếm khi anh ta bị “lật tẩy”. Anh ta luôn “thoát khỏi những khó khăn” một cách ngỡ ngàng, anh ta đúng là một thiên tài về lý luận và của sự lôgíc phi lý.

Đứa trẻ paranoia được biểu hiện rất mau chóng: yêu sách, bạo ngược, tính dễ tự ái, hờn dỗi, thù vặt, cứng đầu, kiêu ngạo… Nó dễ bị chạm tự ái vì cái ý muốn khó tính, những yêu sách và tính ích kỷ của nó. Nó không chấp nhận một khuôn phép nào, dù dưới bất cứ hình thức nào. Nó không thể nào đặt mình trong bất cứ một tinh thần đồng đội nào và không hề nghĩ một luật lệ nào có thể được áp dụng với nó. Nó buộc phải “khác những đứa kia” và người ta phải công nhận điều này. Vì thế mới có những mặc cảm tự tôn, thói du đãng, trốn nhà, nổi loạn, phản kháng, những vụ lộn xộn nơi công cộng, v.v…

Và sau đó, trong thời niên thiếu, những đứa hoang tưởng sẽ cung cấp vài kẻ đào ngũ, vài tên phiêu lưu, vài tên từ chối nhập ngũ vì sự đắn đo của lương tâm. Đến lúc đó chúng sẽ biểu hiện chứng loạn thần kinh dưới cái được gọi là triết lý mà thực chất chỉ là lớp mặt nạ mà thôi…

Chứng hoang tưởng nhẹ có thể kéo dài suốt một đời mà không có nhiều rắc rối… chỉ tội cho những người chung quanh! Bởi vì người paranoia là một “người kiệt sức” cho những người sống chung với người đó.

Sau đây là dạng một biểu đồ của những người loạn thần kinh mà tôi vừa nói ở trên, với các chứng loạn tâm lý liên quan.

BỆNH THẦN KINH

– Uể oải và Suy nhược thần kinh

– Suy nhược tâm thần

– Ám ảnh và sợ hãi

– Chứng tâm thần chu kỳ

– Hoang tưởng (Paranoia)

CHỨNG BỆNH TÂM LÝ LIÊN QUAN:

– Sự lú lẫn tâm thần

– Chứng tâm thần phân liệt

– Bệnh cuồng hứng – trầm cảm (la manie depressive)

– Tự cao tự đại (chứng hoang tưởng tự dại)

– Chứng hoang tưởng bị truy hại: ảo giác

Chỉ trong vòng gần một thế kỷ mà số bệnh nhân tâm thần đã tăng lên gấp mười lần trong hầu hết các nước trên thế giới. Nước Pháp, Thụy Điển và Hoa Kỳ bị nặng nhất và những người tâm thần đã trở thành một thảm họa xã hội thực thụ.

Chúng ta phải ghi nhớ điều này: từ “điên” thật sự không có nghĩa gì cả. Từ “điển” không nói lên điều gì cả và nó bao trùm rất nhiều bệnh khác nhau mà các triệu chứng của chúng thường xen lẫn nhau. Đương nhiên một người tâm thần là một người bệnh đấy, và cũng may là đã qua lâu rồi cái thời mà người ta xem người đó như một tội phạm! Hơn nữa, anh ta đôi khi biểu hiện một “biến họa bất ngờ” của vài biến dạng bình thường của cá tính.

Sự lú lẫn tâm thần

Đây chưa hẳn là chứng tâm thần, mà là sự “quá độ” của chứng uể oải. Tất cả những hoạt động tâm lý đều giảm bớt đến mức tối đa. Người bệnh cảm thấy đang ở trong tình trạng đờ đẫn tinh thần và trong tình trạng “lẫn lộn”. Anh ta có cảm tưởng như đầu óc mình đang chìm trong đám sương mù dày đặc. Anh ta không còn định hướng được ý nghĩ của mình… Đôi khi, người bệnh nhầm lẫn thời gian; anh ta tưởng mình đang sống trong thời đại trước (chẳng hạn như một người nào đó nghĩ mình đang sống lại thời đầu của hôn nhân, hoặc lúc ban đầu của thời gian nhập ngũ, v.v…). Việc tổng hợp trí tuệ được thực hiện với vô vàn khó khăn. Người bệnh không thể nào hướng sự chú ý và sự nhận định của mình; như thế sẽ là những phác thảo không có sự liên kết rõ rệt. Vì sự khiếm khuyết phối hợp trong thời gian và không gian, nên có khi người bệnh cảm thấy “lạc lỏng và đãng trí”. Sự lẫn lộn này có khi dẫn đến trạng thái đờ đẫn toàn diện, được gọi là trạng thái sững sờ lú lẫn.

Như thế, ở đây đúng là sự phóng đại của những triệu chứng uể oải và suy nhược thần kinh. Trong sự lú lẫn tinh thần, người bệnh đôi khi mất đi “ý thức”; chẳng hạn anh ta không còn biết mình đang ở đâu. Trở lại trạng thái bình thường, anh ta không còn nhớ những gì đã xảy ra trong thời gian anh ta bị mất ý thức.

Sự lú lẫn tinh thần có khi chỉ là một rối loạn nhất thời, và đó là chứng dễ chữa nhất của các chứng bệnh tâm thần. Phương pháp chữa trị sẽ căn cứ vào nguyên nhân đầu tiên. Sự lú lẫn có thể là kết quả của nhiều tình trạng kiệt sức, tổn thương nặng, ngộ độc, chấn thương sọ não.

Chứng tâm thần phân liệt

Là một bệnh tâm thần rất nặng, chứng tâm thần phân liệt dường như là bệnh tâm thần ở mức cao nhất.

Bệnh tâm thần phân liệt khiến cho bệnh nhân bị mất đi việc tiếp xúc với thực tế. Nói một cách khác cho dễ hiểu hơn, chúng ta hãy xem người bị tâm thần phân liệt như là “một người có tâm thần xa lạ” mà người ta không tài nào tiếp xúc được. Anh ta bị “cô lập” với thực tế, không có phản ứng và hoàn toàn dửng dưng; anh ta sống trong một giấc mơ nội giới, và rất hiếm khi một tình huống nào đó bên ngoài có thể lôi anh ta trở về thực tế được.

Chúng ta đã thấy trong Chứng Suy nhược tâm thần có biểu hiện những cuộc xung đột nội tại, lo hãi và ám ảnh. Tại sao? Bởi vì sự khiếm khuyết “tổng hợp trí tuệ” cho phép các ám ảnh cư ngụ như ký sinh trùng mà không gặp sự chống đối nào. Trong chứng suy nhược tinh thần, người bệnh nhận biết được chứng bệnh của mình, và cố dùng ý chí của mình để dựng lên một rào cản.

Nhưng không có gì tương tự như thế với bệnh Tâm thần phân liệt… Người bệnh có cúm người lại một cách tuyệt đối (Chứng Tự khép mình lại). Tinh thần anh ta hoàn toàn xa lạ với thực tế. Có sự phân tán các mối liên kết tinh thần. Trong tâm trí của người tâm thần phân liệt, được tạo dựng một thế giới ảo giác mà người ta có thể xem như một giấc mơ “phi xã hội”. Có khi người tâm thần phân liệt dễ bảo, trơ lì, dửng dưng. Anh ta tách xa đời sống bên ngoài, ý thức của anh ta biến mất.

Những cái bĩu môi, nhăn mặt, cử chỉ theo nhịp xuất hiện, những cái vỗ tay, những điệu bộ kỳ lạ. Anh ta coi thường những nhu cầu sơ đẳng của cuộc sống, do đó biểu lộ sự giảm sút bản năng sinh tồn. Người bệnh có thể có hư giác (mà anh ta tin là thật). Anh ta sẽ tranh cãi với một bạn chơi vô hình, đôi khi rất dữ dội. Nhưng cũng có khi anh ta còn giữ một chút “bản tính giao du” và nhận ra những người đã từng quen trước đây. Người ta sẽ nói rằng anh ta đã tìm lại được vài mảnh nhỏ của quá khứ mà anh ta chỉ có một ý niệm rất mơ hồ…

Anh ta bị những thúc giục dữ dội rất thường xuyên, và đương nhiên là anh ta không thể nào chặn đứng chúng được. Và rồi giờ đây anh ta đang trong trạng thái sững sờ sâu lắng; anh ta có thể giữ mãi những tư thế vô cùng bất tiện mà người ta áp đặt, anh ta bất động và nội tại đã tách rời với thế giới bên ngoài; anh ta cứ lặp đi lặp lại một cử chỉ, vẫn một cái tương tự một cách buồn tẻ… và rồi đột nhiên bùng phát một thôi thúc mù quáng, vô cớ và phi lý. Chẳng hạn, anh ta nhảy lại bóp cổ vị bác sĩ chuyên chữa trị bệnh tâm thần. Việc gì đã xảy ra? Một ý nghĩ ăn bám đã áp đặt trong tâm trí anh ta (một ý nghĩ phải đối phó với một con quỷ chẳng hạn), và cái thôi thúc này không gặp bất cứ sự kháng cự ý thức nào cả.

Một nhận xét lý thú: vài bệnh nhân tâm thần phân liệt có một hứng khởi trí tuệ quá mức. Những thành quả nghệ thuật của họ đôi khi rất dị thường, nhưng dấu ấn của những tác phẩm đó chỉ mang tính cách tượng trưng mà thôi.

Thời niên thiếu với bệnh tâm thần phân liệt.

Trong phần nhiều trường hợp, bệnh tâm thần phân liệt bắt đầu từ thời niên thiếu. Nó xuất hiện từ lúc tuổi dậy thì, để phát triển cho đến tuổi trưởng thành. (Điều này không thông thường, bởi vì bệnh này có thể khởi phát muộn hơn nữa)

Rất khó truy tìm thời kỳ khởi phát căn bệnh. Đây là một đứa trẻ rất có năng khiếu, siêng năng và bất ngờ biểu hiện một thay đổi trong thái độ. Đứa bé có những trạng thái mơ mộng kéo dài. Nó biểu hiện nhiều thái độ kỳ lạ; nó có vẻ như đãng trí”. Nó cười một cách lạc điệu và khác thường và cho thấy nhiều khuynh hướng tự cô lập một cách tuyệt đối. Người ta có thể buộc nó tội lười biếng, thiếu ý chí hoặc giả vờ. Những đứa trẻ đó trở nên dửng dưng, không để tâm đến bất cứ điều gì. Chúng không gắn bó hoặc chú ý đến bất cứ điều gì.

Không nhiệt tình, không tò mò, không quyến luyến, không chán ghét, không tình thương và cả không hận thù. Không gì khác hơn là một sự trống tuếch và lạnh lùng, ngăn chặn mọi tiếp xúc tựa như những nguồn gốc thầm kín đã bị đông lại trong một lớp băng dày đặc.

Chỉ trong lúc phát triển mới biểu hiện những triệu chứng rõ nét như: sững sờ, cuồng hứng, sự dửng dưng tuyệt đối với những việc và người sống quanh mình, tính trơ lì, hoàn toàn không có phản ứng và tò mò, cử chỉ máy móc, la hét, hư giác, thờ ơ trước sự sạch sẽ sơ đẳng nhất.

Về phương diện xã hội

Lúc khởi phát, bệnh tâm thần phân liệt có sự cuồng hứng và nhiều cơn thúc giục giận dữ vô cớ. Có vài dấu hiệu cho thấy sự khởi đầu căn bệnh này: hiếp dâm, trốn nhà, cắt ngang nhiều mối tình bạn, sự kích động trí tuệ quá mức, v.v… Thái độ trở nên hỗn độn và khó hiểu, và chính thái độ này đã báo động cho những người chung quanh.

Cách chữa trị bệnh tâm thần phân liệt

Trong phần lớn trường hợp, người bệnh phải được nhập viện. Vả lại, thường thường khi liệu pháp tâm lý trở nên vô hiệu. Và đó là điều hợp lý bởi vì chính bản chất của căn bệnh là sự xa lạ với mọi tiếp xúc với thế giới bên ngoài… Những liệu pháp sốc điện và sốc bằng insulin dẫn đến nhiều thay đổi (Chúng ta sẽ thấy những trường hợp này trong Chương liệu Pháp Tâm thể)

Chúng ta cũng vừa thấy tác phẩm của những người tâm thần phân liệt có mang một tính cách biểu trưng. Vì thế, chúng ta có thể nào tiếp xúc được với những bệnh đó bằng biểu tượng không? Có nghĩa là chúng ta cố nói chuyện với họ bằng ngôn ngữ của họ không? Có nhiều trường hợp mà việc chữa trị bằng biểu tượng mang lại nhiều kết quả mỹ mãn.

Cách chữa trị bằng công việc làm cũng rất hiệu quả, kể cả tâm lý liệu pháp theo nhóm; như thế người ta chống lại sự trơ lì và sự co cúm. Trong các trường hợp nặng, việc phẫu thuật não bộ cũng được xem xét và cho nhiều kết quả trong các trường hợp cuồng hứng.

Điều này không có nghĩa là bệnh tâm thần phân liệt không thể chữa khỏi. Nhiều nhà tâm lý đã chứng kiến nhiều trường hợp khỏi bệnh để có một cuộc sống xã hội bình thường.

Bệnh suy nhược tâm thần– Trầm cảm

Chúng ta thấy “Chứng Tâm Thần Chu kỳ” có các đặc trưng là:

a) những thời kỳ kích thích dữ dội, sảng khoái, hưng phấn, hào hứng, tâm trí nhanh nhẹn.

b) những thời kỳ trầm uất, sầu não, trơ lì, nản chí và nỗi chán ghét.

Nếu các thay đổi tính khí được nhân lên gấp chục lần sau vài tình huống nào đó, thì người bệnh sẽ chìm trong chứng loạn tâm lý cuồng hứng – trầm cảm. (Vì thế, với các thời kỳ cuồng hứng và các thời kỳ trầm uất). Trước hết, chúng ta phải chỉ ra điều này: trong tâm lý học, từ “cuồng hứng” không có cùng ý nghĩa với cuộc sống thường ngày. Sự cuồng hứng ở đây không phải là một tật hay một thói quen bạo ngược mà là một trạng thái kích thích cuồng điên (tâm lý và cơ năng).

1. Thời kỳ cuồng hứng

Người cuồng hứng dường như nhân cách hóa niềm vui phấn khích, theo bản năng và cuồng nhiệt, không hề có sự kiềm hãn tinh thần. Anh ta ở trong trạng thái kích thích và sảng khoái không thể tưởng tượng được; trạng thái này được thể hiện bằng những tràng cười, hát và nhảy múa. Anh ta “đùa vui”, anh ta “chết vì vui sướng”, anh ta “đau vì cười nhiều quá” (đó chính là những từ mà anh ta sử dụng).

Những lời đùa cợt bừa bãi được tuông ra không ngừng như một trận pháo bông với một tốc độ quái đản. Có sự thừa thãi ý nghĩ, người bệnh giống như “kích động quá độ”. Quần áo có khi kỳ quặc, anh ta mặc quần áo đủ màu sắc, được tô điểm thêm nhiều vật trang trí. Gương mặt thì rạng rỡ, ánh mắt sáng ngời. Thái độ thì thân thiện một cách khác thường, những tiếng thét tiếp nối nhau, cũng như tiếng ca, tiếng la, bộ điệu; người bệnh không thể đứng yên một chỗ, đi lòng vòng. Toàn bộ thái độ cuồng hứng dường như là của sự kích động vô độ; các quy ước luân lý, xã hội, đạo đức bị quét sạch như rác. Đây là thời điểm phóng thích toàn bộ các bản năng dưới dạng phấn khích và cuồng nhiệt… Người cuồng hứng nhận xét ngay các khuyết điểm của những người chung quanh; anh ta dở trò chơi chữ, anh ta chê bai mọi người và mọi việc; anh ta đả kích, Vu khống một cách trâng tráo và hăng hái, nói láo một cách quả quyết, phản đối, buộc tội, vui sướng thốt ra nhiều câu bông đùa thô bỉ nhất. Bất cứ sự chống đối những trò đùa của anh ta, dù nhỏ nhặt nhất cũng có thể làm xuất hiện sự nổi giận hoặc phẫn nộ, đôi khi cơn thịnh nộ. Sự nhạy bén của các giác quan anh ta dường như mãnh liệt hơn bình thường, nhưng anh ta lại không chú ý đến bất cứ điều gì. Đôi khi anh ta vượt qua giới hạn của chính sự cuồng hứng, sự cuồng động trở nên dị thường, người bệnh la hét không ngừng, cởi bỏ quần áo, vấy bẩn các bức tường với các chất bài tiết của anh ta hoặc có khi ăn nó luôn.

Hai thí dụ

Sau đây là hai thí dụ của trường hợp bệnh cuồng hứng – trầm cảm trong thời kỳ cuồng hứng:

Bản văn (được J. Delay kể lại) – Chúng ta hãy lưu ý là chính người bệnh đã nói lên đoạn văn này với một độ thật nhanh.

Chúa, tổ quốc, sau đó là danh dự, nước Pháp muôn năm và đời sống vĩnh cửu muôn năm,tôi yêu làng quê tôi, Paris là làng quê của tôi, tôi có hai mối tình, tôi đã phục vụ một cách thật lòng không những bằng lời nói mà cả bằng trái tim, cứ tiếp tục nói đi, và với đứa con trai David yêu dấu của tôi, tôi chúc cho mọi người được khỏe mạnh và xin chào, xin chào quý Bà, xin chào quý ông, hãy có nhiều hạnh phúc, một người đàn ông không danh dự là một người bỏ đi, hãy chuyển động đi, Ursule ơi, mày sém cháy rồi đấy, cây thập tự giá của tôi là niềm vui của tôi, alléluia, tôi thích bông hồng, thập tự giá và bông hồng, Đức Mẹ Marie, Chúa Giê xu, Marie yêu dấu, Elisabeth của Hungary, Riquet Chỏm tóc, quả bông xù nhỏ, một cái tát khẽ, a ve Maria a ve Maria, dưới chân của Bà tôi đã cầu nguyện cho em, Rose–Marie, hoan hô bông hồng, đêm qua có một trận mưa bông hồng, còn lại vài cái gai, hỡi người có lòng từ tâm, mày có nín đi không, cái hang, tôi ợ, cây mây, phân lừa, chính là Nénette và sầm một cái, mấy ông đó là các bà bác sĩ, ồ thưa ông Cha xứ, sao tôi hạnh phúc đến thế, tràng hạt của tôi đâu, xin ông ban phước lành, Thánh Thérèse của Chúa Hài Đồng, tôi chịu ảnh hưởng lòng tốt của anh ta, ở đây có dân của tứ xứ, có màu lục và màu hồng…(Một tia sáng mặt trời) ô vàng…tra la la, tralala, là vàng của sông Rhin, vàng của thận, vàng của Nénette và Rintintin, Tintin là Titine, và hãy đi…(chị ta nhìn đồng hồ) bây giờ là 10g10 (chính xác), tôi xin lỗi ông, cái khăn tay này không phải của tôi, Tra–la–la, Thưa Quý ông, Quý Bà, kìa, cô Acorbasson…

Chúng ta nhận thấy gì? Tư tưởng nhảy qua chướng ngại vật như một con ngựa đua và các ý tưởng nối tiếp nhau với một tốc độ siêu thực mà chúng ta sẽ thấy lại cơ chế này trong đoạn văn sau đây:

Bản văn 2 (đây là một lá thơ mà tác giả đã nhận)

Thưa ông, tôi yêu ông vì ông không phải là họ lười, mức độ có cấp bậc, xin chào, ông đại tá, ông có thể cút xéo đi với thanh kiếm, xin lỗi quân đội, xin lỗi Chúa Trời, để trở lại buổi họp của chúng ta tôi sẽ xin Chúa tất cả bông hoa của tháng Năm và các cây đào gai run rẩy của Ngài, ông cũng lạc quan như tôi, tôi chết vì vui sướng tralala, giọng nói của anh là tiền bạc, người của phương Bắc, người của Miền Trung, với ánh sáng ngay giữa tháng Bảy. Tôi thương anh nhiều lắm anh bạn, đi tiểu tiện trên giường, thưa hạ sĩ không có ai vắng mặt trong lúc điểm danh, hãy có nhiều giấc mơ đẹp và nhân loại bảo vệ cho anh, alleluiah!

Ở đây cũng là một dạng siêu thực thuần túy khác! Tôi nghĩ có rất nhiều nhà văn “hiện đại” sẽ không phản đối loại văn chương này, mà trong đó chứa đựng cả một nét đẹp phi lý và một cái gì đó thi vị… (Tôi sẽ xin Chúa tất cả bông hoa của tháng Năm và các cây đào gai run rẩy…).

Nhưng sẽ rất lý thú nếu chúng ta nhận xét cái cách mà các ý nghĩ đó nối tiếp nhau.

Thí dụ:

1. Với từ “họ lười”, người bệnh liên kết cái từ cuối (…grade) với từ mức độ và cấp bậc (gradation và gradé)

2. Anh ta liên kết ngay từ cấp bậc (gradé) với từ xin chào ông đại tá.

3. Chúng ta hãy ghi nhận “tôi chết vì vui sướng” tiếp theo là tralala (một sự liên kết hoàn toàn theo luật hài âm)

4. Cũng với cách liên kết đó “Giọng nói của anh là tiền bạc…), âm cuối của tiền bạc (…gent) gợi ý cho anh ta các từ sau “gens du Nord, gens du Midi” người của phương Bắc, Người của Miền Trung…

5. “Tôi thương anh nhiều lắm anh bạn” anh ta lấy âm cuối là (… mi) để nghĩ đến các từ (pipi, pipi au lit), đi tiểu, tiểu trên giường, một sự liên kết khác với quân đội “thưa hạ sĩ, không có ai vắng mặt lúc điểm danh…”

6. Alleluiah… để đánh dấu sự sảng khoái cuồng hứng.

Sự khởi đầu của các cơn cuồng hứng, đương nhiên có thể kéo theo những hành động kỳ quặc và nhiều thái độ sai lệch. Chúng ta không được quên là sự kềm hãm tinh thần bị giảm thiểu tối đa, cho đến sự loại bỏ hoàn toàn. Đến lúc đó là thẹn thùng, lợi dụng lòng tin, những phản ứng mãnh liệt và giận dữ.

Lúc khởi đầu của sự cuồng hứng có thể dẫn đến các hậu quả xã hội… mà đương nhiên là người bệnh không hề chịu trách nhiệm. Đến lúc đó người bệnh cần phải nhập viện. Hơn nữa, sự quản thúc này sẽ ngăn chặn người bệnh không bị ảnh hưởng do vô số kích động bên ngoài, mà những điều này chỉ làm tăng thêm sự cuồng hứng của anh ta.

2. Thời kỳ trầm uất

Tiếp theo những niềm vui tràn trề của sự cuồng hứng, là sự xuất hiện của thời kỳ trầm uất. Người bệnh chìm trong trạng thái trầm muộn. Đây là suy sụp toàn diện, anh ta có vô số ý nghĩ tội lỗi và xấu xa. Anh ta than thở, rên rỉ. Anh ta cho mình là tên trộm, sát nhân, không xứng đáng với mọi thứ, anh ta nghĩ ruột anh ta bị nghẽn, rằng máu anh ta đông tụ lại, rằng anh ta không còn bao tử, tim, não bộ… (ý nghĩ phủ nhận). Anh ta từ chối ăn uống, và thường khi người ta phải dùng đến ống thông. Nhiều ý tưởng “bị truy hại” xuất hiện, anh ta quả quyết là người ta sẽ giết, tra tấn anh ta và tàn sát tất cả những người thân của anh ta. Đôi khi sự lo hãi đạt đến cực điểm: đây là trường hợp “kích xung lo âu” (thời kịch phát có thể đưa người bệnh đến những hậu quả nghiêm trọng nhất như là án mạng, tự sát, trốn nhà, v.v…). Anh ta đứng thẳng người, mình đẫm mồ hôi, tay run rẩy; anh ta quỳ xuống, khóc nức nở và van xin người ta chấm dứt cơn đau đớn của anh ta… Đến lúc này người ta phải gia tăng sự canh phòng để ngăn chặn một cuộc thôi thúc tự sát; những vật tầm thường nhất đối với anh ta cũng có thể trở thành những phương tiện hủy diệt. Ngoài ra anh ta còn có thể chuẩn bị việc tự sát với một sự kiên nhẫn và mưu mô không thể ngờ được…

Cơn trầm uất điên loạn này (mà đó là sự bi quan quái dị quá đáng của người loạn thần kinh trầm muộn) đôi khi biểu hiện những hư giác. Người bệnh sẽ nghe người ta nói về anh ta, nghe nói “là anh ta sẽ chết, người ta sẽ hành quyết anh ta”. Anh ta thấy “đoạn đầu đài” được dựng lên. Anh ta thấy bóng ma của người thân yêu trách móc thái độ “bỉ ổi” của anh ta…

Người ta có thể nào hình dung nỗi thống khổ kinh hồn mà đôi khi người bệnh phải gánh chịu không?

Cách chữa trị bệnh hưng trầm cảm

Chứng bệnh tâm lý này thường được xem như là một bệnh về thể tạng và đôi khi có mang tính di truyền. Trong nhiều trường hợp, tính khí tâm thần chu kỳ là nguyên nhân. Tuy nhiên vài người bệnh mắc phải chứng loạn tâm lý này mà không hề biết trước đó đã có nhiều sự luân phiên nghiêm trọng về tính khí. Vài nhà tâm lý ghi tên chứng loạn tâm lý này vào sự rối loạn (thể chất hoặc của chức năng) của nền tảng não bộ (vùng dưới đồi mà tôi sẽ nói tới trong Chương Tâm Thể).

Vả lại nhiều cơn hưng cảm đã khởi phát trong các cuộc phẫu thuật não bộ, ngay tại vùng dưới đồi nổi tiếng này. Ngay trong lúc Bác sĩ Foerster đang giải phẫu một người tại cái vùng này của não bộ, người bệnh biểu hiện một cơn hưng cảm với một tràng lời nói, liên kết các từ, trò chơi chữ, v.v…

Ngoài việc này ra, vài yếu tố ngẫu nhiên có thể tác động: các tuyến nội tiết, sốc cảm xúc, chấn thương não, vài loại bệnh nhiễm trùng. Trong nhiều trường hợp khác, là kinh nguyệt, thời kỳ dậy thì, thai nghén, sự đẻ, thời kỳ mãn kinh, sự phá thai. Nhiều hiện tượng như sự đẻ hoặc phá thai sẽ khởi phát sự xáo trộn các tuyến nội tiết; việc nhiễm trùng có thể gây hậu quả tại ngay vùng dưới đồi. Vùng này sẽ trở nên “dị ứng” và dễ bị tổn thương do những nguyên nhân khác có thể xuất hiện sau này…

Kỳ gian của căn bệnh

Cường độ, thời gian và sự luân phiên các trạng thái cuồng động và trầm uất là rất thất thường. Có vài bệnh nhân chỉ có vài ba cơn trong suốt cuộc đời, vài người khác thì có hằng năm… Vài người chỉ có những cơn cuồng động, vài người thì chỉ có cơn trầm uất. Giữa các cơn có thể có một “khoảng cách sáng suốt” có khi kéo dài rất lâu. Chủ thể sẽ có lại một hoạt động hợp lý và bình thường kể cả những năng lực tinh thần.

Bệnh Hưng–trầm Cảm dường như là sự chiến thắng của các sốc và nhất là sốc điện; mà việc này cho một kết quả tuyệt vời trong trường hợp trầm uất và rút ngắn thời gian các cơn cuồng động.

CHỨNG HOANG TƯỞNG TỰ DẠI VÀ HOANG TƯỞNG BỊ TRUY HẠI

1. Chứng hoang tưởng tự đại

Tính hoang tưởng thích làm lớn.

Chứng “hoang tưởng tự đại” rất quen thuộc với các nhà tâm lý… và công chúng. Chứng này là sự phóng đại của chứng hoang tưởng. Người bệnh tin chắc vào sức mạnh phi thường và vẻ đẹp dị thường của anh ta; anh ta xuất thân từ các gia đình nổi tiếng nhất; anh ta có quan hệ với các triều đình Châu Âu và nhiều nơi khác nữa… Anh ta giàu, giàu bạc tỷ, chăm lo nhiều việc kinh doanh, chỉ huy hàng triệu người. Anh ta quả quyết mình là siêu nhân, một nhà tiên tri, một trong những nhà phát minh lừng danh nhất của mọi thời đại. Tất cả đàn bà đều quỳ phục dưới chân anh ta, tất cả mọi công trạng đều thuộc về anh ta, anh ta có tất cả các danh hiệu, có sự quen biết ở những cấp cao nhất, tất cả những sự giàu sang…

Có khi người tâm thần mặc quần áo sờn rách để tượng trưng cho con người được bộ não anh ta tạo dựng lên. Anh ta ăn mặc những bộ quần áo lố lăng, đội nón, mang huy chương, đeo quân hàm…

Bệnh tâm thần này rất thông dụng, nó có phải là một bức biếm họa của hàng triệu người có nhiều tham vọng và loạn tâm lý nhẹ đang tràn ngập trên trái đất này không? Nó có phải là bức biếm họa của những kẻ muốn hơn người ta không?

Nhưng người ta không chỉ gặp chứng hoang tưởng tự đại trong bệnh loạn tâm lý. Người ta còn gặp nó trong bệnh liệt toàn diện (Viêm màng não tủy do bệnh giang mai), và vài dạng cuồng động hoặc chứng tâm thần phân liệt. Vài người bị bệnh đần, tự phong cho mình nhiều chức tước hoặc địa vị cao sang. Đến lượt họ mặc quân phục bất hợp pháp, mang những huy chương cao cấp và nhiều biểu hiện khác để “cụ thể hóa” các cơn hưng phấn của họ.

Như vậy, nó có cả một gam đi từ chứng bệnh tâm lý nhẹ cho đến chứng loạn tâm lý thực thụ. Vì thế vấn đề trách nhiệm pháp lý cũng được đặt ra. Những người loạn tâm lý và hoang tưởng tự đại đôi khi bước qua hành động; họ biểu hiện “quyền lực” của họ và những danh hiệu của mình bằng lời nói, nhưng kể cả bằng quần áo và hành động. Đến lúc đó là những vi phạm trật tự công cộng, mang huy chương bất hợp pháp, lăng mạ thẩm phán, lường gạt, hành hung và gây thương tích…

Đương nhiên sẽ không có trách nhiệm pháp lý trong bệnh liệt toàn diện. Trong các trường hợp khác thì trách nhiệm được căn cứ vào mức độ loạn tâm lý.

2. Chứng hoang tưởng bị truy hại

Như bệnh hoang tưởng tự đại, chứng hoang tường bị truy hại thường được nhận thấy trong bệnh viện và cả ở… những nơi khác nữa.

Chứng bị truy hại thường được gắn nối với chứng hoang tưởng tự đại; nếu người bệnh biết tất cả mọi thứ, rất có quyền thế và hoàn toàn sáng suốt, người ta có nên thủ tiêu anh ta không?… Thế người “bị truy hại” than phiền về điều gì? Rằng ta muốn chiếm đoạt tài sản hoặc địa vị của anh ta. Người ta hãy tác động trên cơ thể anh ta bằng điện, tia bức xạ, vào thuật thôi miên, v.v…

Rằng có nhiều người truy hại anh ta từ xa bằng ma thuật có thể ảnh hưởng đến tinh thần anh ta, tiêu phá tài sản anh ta, ngăn cản anh ta hành động, làm cho anh ta phải chết, v.v… Anh ta còn cho rằng người ta nghe lén anh ta bằng điện đài, người ta biết tất cả những gì xảy ra tại nhà anh ta, người nắm bắt được ý nghĩ anh ta…

Rất nhiều khi có sự biểu hiện của ảo giác. Người bệnh nghe tiếng chửi rủa, hăm dọa anh ta. Đôi khi, anh ta nói người ta đã “cạy phá” não bộ anh ta để lấy đi hoặc điều khiển ý nghĩ anh ta. Đương nhiên là người bệnh này cảm thấy lo hãi dữ dội mà điều này chỉ làm tăng thêm cơn hoang tưởng.

Vừa mới đây, anh ta cho rằng “người ta” muốn truy hại anh ta, mà không xác nhận gì thêm nữa. Nhưng có khi anh ta chỉ định một người nào đó, một nhóm chính trị nào đó, một giáo phái nào đó. Các trụ sở cảnh sát và các cơ quan tư pháp biết rõ điều này.

Người bệnh có thể phản ứng bằng nhiều cách với chứng hoang tưởng bị truy hại. Anh ta có thể tiến hành nhiều biện pháp tự vệ: anh ta tự nhốt mình trong nhà, mặc nhiều thứ quần áo lố lăng kỳ lạ, v.v… Anh ta chế tạo các tấm chắn, linh vật và bùa hộ mệnh để chống lại các tia bức xạ, làn sóng, hoặc ý nghĩ của người truy hại anh ta. Người bệnh cũng nghe được nhiều tiếng nói, hoặc của kẻ thù hoặc của người bảo vệ; anh ta trả lời với họ, tranh luận hoặc bịt tai lại. Hoặc anh ta tự bảo vệ bằng cách khác: anh ta hăm dọa hoặc chửi bới những “kẻ truy hại” anh ta, làm đơn thưa, v.v… Trong trường anh ta muốn tự mình tiêu diệt những kẻ đó, đương nhiên là đến lúc anh ta có thể trở nên rất nguy hiểm.

Một thí dụ:

Để chứng mình, đây là đoạn của một lá thơ (được sao lại nguyên văn kể cả lỗi) của một người bị truy hại:

Thưa ông, Người Anh em và quyền thế,

Điều này, để có được vinh hạnh báo cho ông biết rằng ông có thể ngưng việc muốn giết chết tôi từ xa bằng ý nghĩ của những kẻ thù của tôi. Chúng có những con búp bê mà chúng đâm kim vào đó và thôi miên tôi để biết tất cả những gì tôi biết hầu chống lại đất nước tôi.Tôi biết là chúng có giấu micro trong Dinh thự của tôi, nhưng tôi chưa khám phá ra những thứ đó.Những kẻ thù biết rõ các bí mật quốc gia và của ngành ngoại giao của tôi khi tôi phải đi xa vì công vụ. Tôi không muốn tự hạ thấp mình để làm giống những gì chúng đang làm, nhưng tôi muốn có bên mình sức mạnh của ông. Tôi tin chắc rằng, hai chúng ta có thể đánh bại chúng và chúng không thể nào nắm lấy các ý nghĩ của tôi, nghe lén ở nhà tôi, nghe được tất cả những gì tôi nói và nghĩ. Nếu ông giúp tôi, tôi có thể lấy lại tài sản của tôi và tôi sẽ biếu nó cho ông. Nhưng tôi không muốn ra khỏi nhà nhiều, bởi vì chúng có thể điều khiển tôi đến nhà của chúng bằng điện đài hoặc ý nghĩ để nhốt tôi.

Các chăm sóc bệnh tâm lý học.

Tất cả các trường hợp loạn tâm lý, dù cho nặng đến đâu, cũng có thể được chữa khỏi. Có vài người bệnh đã tuột xuống đến mức thấp nhất của thân phận con người. Nhưng chính những người này có khi lại bình phục một cách thật sự mau chóng để có lại một cuộc sống xã hội và vượt qua được các trở ngại nghiêm trọng một cách tự chủ cho đến suốt cuộc đời.

Đương nhiên việc chữa trị các chứng bệnh tâm lý không thể nào được thực hiện theo “khối”. Bất cứ nhà tâm lý nào cũng phải làm việc với người bệnh thật kỹ càng, và trong suốt thời gian cần thiết. Đôi khi nhiều cuộc hồi sinh tâm thần thực thụ là kết quả sau cùng. Vấn đề là ở chỗ này: thế có đủ nhà tâm lý không? Họ có đủ thời gian trước sự gia tăng của những người bệnh tâm thần không? Hơn nữa, họ có phải chịu những lời nhạo báng của dân chúng và sự đùa cợt của vài loại hình Báo chí không?

Hơn nữa việc phân tích tâm lý và liệu pháp tâm lý có thể cho nhiều kết quả rất khả quan, ngay đối với những bệnh nhân tâm thần nặng nhất. Vậy người “bệnh tâm thần” có phải là một người xa lạ không? Có khi nó có vẻ ít hơn thế. Mặc cho những vẻ bên ngoài, luôn có trong anh ta một nhân cách bị bóp chẹt, âm thầm nhưng đang chịu đau khổ. Vì thế tất cả các công việc của dưỡng trí viện, trước hết phải được đặt nền tảng trong việc tôn trọng người bệnh tâm thần, mà như bất cứ con người nào khác, vẫn có những quyền hạn thiêng liêng nhất của con người.

LẠI CHỨNG SUY NHƯỢC THẦN KINH

Sau một bầu trời tối đen của chứng bệnh tâm lý, chúng ta hãy quay ngược trở lại để tìm lại ý thức và những áng mây xám của chứng suy nhược thần kinh.

Chứng suy nhược thần kinh với tuổi dậy thì

Tuổi dậy thì mở cửa cho nhiều chứng loạn thần kinh. Cái tuổi dậy thì nổi tiếng này có phải là “bước nhẩy” lớn và sự thích nghi đầu tiên mà Cuộc Đời đòi hỏi không? Nếu như có vài chứng bệnh thần kinh xuất hiện ngay sau thời kỳ của tuổi dậy thì, thì chúng đến từ đâu? Do một nguyên nhân thể chất? Do nguyên nhân tâm lý? Tuổi dậy thì được thể hiện đặc trưng bởi sự xuất hiện các trạng thái hướng dục và nhiều thay đổi sinh lý (xuất hiện của lông, sự phát triển ngực nơi con gái, nay đổi giọng nói, v.v…). Chúng ta có phải gắn kết các chứng suy nhược thần kinh của thời thiếu niên với những thay đổi sinh lý và những biến đổi của các tuyến nội tiết không? Trong một thời gian dài, người ta đã tin như thế. Người ta còn đặt một ví trí quan trọng cho các nguyên nhân kích thích tố; nhưng giờ đây, nói chung vai trò của tuyến nội tiết thường trở nên không đáng kể, nếu không muốn nói là không hiện thực. Vậy sẽ còn lại những gì, nếu không phải là các yếu tố tâm lý?

Và một lần nữa, Tâm Phân học nhảy vào đấu trường… Người ta thường nhận thấy các chứng suy nhược thần kinh của đám thiếu niên xuất phát từ những sự không thích nghi; không thích nghi với tính dục, không thích nghi với môi trường, v.v… Đại loại như là một thiểu năng phát triển bình thường. Trong trường hợp này, tuổi dậy thì có gây ra chứng loạn thần kinh không? Có vẻ như là không. Nhưng tuổi dậy thì có thể “bật công tắc” bằng cách làm xuất hiện một sự mất cân bằng đã có từ trước. Sự mất cân bằng có thể do thể tạng, hay được môi trường tạo thành…

Đứa trẻ loạn thần kinh cảm thấy có nhiều trở ngại trong việc thích nghi với những nhiệm vụ xã hội; anh ta trốn chạy các trách nhiệm, anh ta yếu đuối. Đây là một đứa trì độn về cảm xúc, bị chặn lại ở đâu đó trong quá khứ của nó… Nó thường ẩn trốn nơi bà mẹ… cho đến khi nó làm việc đó với người vợ của nó… trừ khi nó có sự bù trừ. Tất cả mọi cách đều được sử dụng!

Đến lúc này, chúng trở thành những đứa bị ám ảnh, quá tỉ mỉ, lo hãi, quá nhút nhát, hung hãn, trơ trẽn, nổi loạn… Đương nhiên là những rối loạn này đều ảnh hưởng đến tính dục. Nó trở nên thôi thúc với nhu cầu được thỏa mãn ngay tức thì (xâm phạm tiết hạnh, thủ dâm liên tục, đồng tính luyến ái, bạo dâm, v.v…).

Các thiếu niên suy nhược thần kinh do một ngăn chặn cảm xúc đều tùy thuộc vào việc chữa trị bằng tâm lý học.

Chứng suy nhược thần kinh với cuộc sống lứa đôi

Như thế trang thiếu niên phải thích nghi với nhân cách mới của anh ta và giới tính kia nữa; anh ta về mặt “tinh thần” phải tách rời cha mẹ anh ta để nghĩ đến cuộc sống riêng của anh ta. Đây là thời điểm quyết định: anh ta có vượt qua rào cản… hay đứng lại tại chỗ. Sau đó, có thích nghi hay không, anh ta lao mình thẳng đến hôn nhân. Nhưng người ta lại nhận thấy có nhiều chứng loạn thần kinh đã biểu hiện ngay sau đám cưới.

Thế hai đòi hỏi thích nghi lớn nhất cho khoảng đời là gì? Đó là hành vi tính dục và sự thích nghi với cuộc sống chung.

Hành vi tính dục

Đây không phải là bất cứ một hành vi tính dục nào, nhưng được thực hiện với một người nhất định: người chồng hoặc người vợ. Và điều này thay đổi tất cả… Chứng loạn thần kinh trong hôn nhân thường có nền tảng tình dục: bất lực toàn diện hay từng phần của người chồng, lãnh cảm nơi người vợ. Có biết bao nhiêu người đàn ông đã có những quan hệ bình thường với một tình nhân (hoặc vẫn còn tân khi lập gia đình) đột nhiên trở nên bất lực trước người vợ của họ!… Trong trường hợp này, thường xảy ra sự việc mà tôi đã nói ở Chương Tình Dục. Một cơ chế vô thức nhưng lại rất hiệu quả! Chứng loạn thần kinh của người trưởng thành chỉ lặp lại một tình huống loạn thần kinh của thời ấu thơ và của thời thiếu niên. Tôi xin nhắc lại cái cơ chế này, bởi vì đây là một trường hợp rất thường gặp.

Trong thời ấu thơ và niên thiếu:

Mẹ = Người Đàn bà Lý tường; Tình yêu dành cho Mẹ: Tôn trọng tuyệt đối với sự dồn nén tính dục.

Trong hôn nhân:

Tình yêu dành cho người vợ = gợi nhắc lại tình yêu dành cho người mẹ: bất lực sinh lý.

Ngoài ra, có rất nhiều người đến với hôn nhân với những mặc cảm tự ti, mặc cảm tội lỗi, hổ thẹn chính mình. Nỗi sợ bị khinh bỉ và sự xấu hổ chính cơ thể mình thường gặp. Thói thủ dâm dữ dội có thể ngăn chặn một hành động tính dục bình thường. Ngoài ra có vài hành vi đồi bại, đã có từ thời niên thiếu, được liên kết với tật thủ dâm, sẽ ngăn cản tính dục trong hôn nhân. Tại sao? Bởi vì người suy nhược thần kinh cần đến hành vi đồi bại để có thể đạt được sự khoái cảm bình thường. Nhưng làm sao người đó có thể báo tin này cho người chồng hoặc người vợ biết, nếu người đó có những cảm xúc xấu hổ, tội lỗi và hối hận?… Đây sẽ là vấn đề của một người có tính dục bình thường nhưng lại bị ngăn chặn về mặt tinh thần.

Còn những khả năng khác thì sao? Có hàng ngàn trường hợp… Những người không thích nghi về mặt tính dục sẽ tạo một môi trường lý tưởng, cho phép phát triển nhiều chứng rối loạn thần kinh. Ngoài những người bất lực hay lãnh cảm, sẽ là những cơ cứng, co giật, sợ hãi, đắn đo.

Và cho dù thế nào đi nữa, nếu hành vi tính dục được thực hiện, sẽ không có thỏa thích sâu lắng hoặc thư giãn. Tuy nhiên nó sẽ mang đến một cảm giác cũng rất khó chịu nhưng là thường xuyên: sự không hài lòng với chính mình và những người khác.

Đã có biết bao cuộc hôn nhân mà không có tình yêu thực thụ! Đến lúc này hành vi tính dục trở nên khó khăn, không vẹn toàn… hoặc không thể được. Sẽ là những lời trách móc không thôi, những nghi kỵ, ghen tuông, chia tay, cãi vã… mà đứa trẻ thường sẽ nhận lấy hậu quả.

Vì thế, hành vi tính dục phải được xem như là một thích nghi rất quan trọng. Phần lớn các thiểu năng tâm lý phát sinh những thiểu năng tính dục có nguy cơ làm đổ vỡ cuộc sống vợ chồng bất cứ lúc nào.

Sau đây là một trường hợp suy nhược thần kinh trong hôn nhân (rất thường gặp với nhiều dạng thức khác nhau).

X. suy nhược thần kinh, đã đến với hôn nhân sau một sự giáo dục làm cho anh ta rất nữ tính và mất hết nam tính. Người mẹ chuyên quyền, người cha yếu đuối. Như vậy X trở thành một người đàn ông có khuynh hướng nữ tính, về mặt tinh thần không thể nào thực hiện được cái nhiệm vụ đàn ông của mình. Bất chấp sự việc, anh ta vẫn tìm được cho mình một người phụ nữ đã chấn chỉnh lại cán cân và làm cho các quan hệ tính dục của anh ta trở nên có thể được. Như vậy, người vợ của anh ta có nam tính, như người ta có thể tiên đoán. Người ta nhận ra ngay là X. có nhiều khuynh hướng đồng tính vô thức. Sự cân bằng tâm lý của anh ta tùy thuộc vào hai yếu tố:

1) giữ lại “cái nữ tính” của anh ta, bởi vì anh ta không thể nào có tính chất nam tính.

2) là bà vợ anh ta đồng ý điều này trong khi vẫn là nam tính.

Vả lại X và bà vợ anh ta có vài thực hành tính dục biểu lộ rõ nét cái trò chơi đảo lộn nữ tính và nam tính này.

Một ngày nọ. Vợ của X. biểu lộ ước muốn có con. Một nỗi lo hãi mãnh liệt chiếm lấy X. và anh ta làm đủ mọi cách để loại bỏ ý muốn này. Vả lại anh ta không thể nào đưa ra bất cứ một lý do có thể chấp nhận được… và điều này càng làm cho bà X. bực tức thêm. Những mâu thuẫn, cãi cọ, lời trách móc thường xuyên xảy ra trong gia đình. Nỗi lo hãi của X. làm cho anh ta chấm dứt mọi quan hệ tính dục với vợ và chìm trong sự suy nhược trầm trọng.

Tại sao? Có con có nghĩa là bà vợ sẽ không còn đảm nhận cái vài trò của người đàn ông nữa. Khi có một đứa con, bà ta trở lại làm phụ nữ. Vì thế:

a) X. phải đảm nhận cái vai trò đàn ông của mình, điều mà anh ta không thể nào làm được.

b) Sự đồng tính tiềm tàng của anh ta chỉ có thể thực hiện được một khi người vợ đóng vai người đàn ông. Nó sẽ chấm dứt khi người vợ đảm nhận lại vai trò phụ nữ và làm mẹ của bà ta. Tất cả sự cân bằng tâm lý sẽ bẻ gãy. Vì vậy mà có những nỗi lo sợ và từ chối có con, suy nhược, v.v…

Sự thích nghi với cuộc sống lứa đôi

Người ta biết câu ngạn ngữ dân gian khôn ngoan sau đây: Hôn nhân đòi hỏi sự sống chung. Chỉ việc sống chung với cha mẹ của một trong hai vợ chồng, tự nó đã là một nguyên nhân thường gây ra các rắc rối trong hôn nhân. Tình huống đó đòi hỏi cả hai người phải có một sự cân bằng tâm lý thật vững vàng. Ngay trong trường hợp này đi nữa, rất hiếm khi đôi vợ chồng có thể “buông trôi”. Nhưng cũng rất hiếm khi các bậc cha mẹ có thể “tách khỏi” đứa con của họ! Đến lúc đó bắt đầu những cuộc theo dõi, lời nhận xét, lời nói bóng gió, lời trách móc, lời khuyên chua cay và đường mật. Rắc rối cứ lớn dần nếu đứa con vẫn còn bám theo cha mẹ. Sự đeo bám nguy hiểm nhất là của người mẹ với đứa con. Trong trường hợp này, chứng loạn thần kinh thường xảy ra. Sau cuộc hôn nhân, đứa con trai vẫn tiếp tục cái tình trạng của thời niên thiếu của anh ta. Anh ta vẫn là “thằng con trai cưng của mẹ”. Anh ta dồn nén sự thù nghịch đối với người mẹ, và chuyển nó qua người vợ. Đến lúc này, người vợ sẽ bắt tội anh ta là “binh bà mẹ để chống lại chị ta”. Thằng con trai sẽ không chấp nhận bất cứ lời chỉ trích nào của bà vợ, bởi vì những lời chỉ trích đó chạm đúng ngay sự thù nghịch bị dồn nén của anh ta. Người chồng và bà vợ bị kẹt giữa nhiều lằn đạn mà thường được kết thúc bằng sự đổ vỡ hôn nhân.

“… Tôi không chịu nỗi được nữa, bà X nói,… tôi kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần… chồng tôi không bao giờ bảo vệ tôi mỗi khi bà mẹ chồng tấn công tôi… anh ta nín thinh, anh ta không dám thế nhưng tôi biết anh ta yêu tôi… nhưng rồi đây tôi sẽ ghét anh ta thôi… anh ta giống đúc bà mẹ mình… có vẻ như bà ta đã ảnh hưởng quá nhiều đến anh ta… bà mẹ anh ta không ngừng chỉ trích tôi, bảo tôi phải ăn mặc như thế này, phải nấu ăn như thế kia… bà ta lúc nào cũng ở phía sau tôi… canh chừng tôi… tôi không dám trả lời nếu không thì ẩu đả sẽ xảy ra giữa bà ta với chồng tôi… nếu chồng tôi bị một chút gì đó là sẽ do lỗi của tôi… bà ta nghĩ tôi chăm sóc anh ta không đúng mức… lúc nào cũng là những lời bóng gió về vấn đề này… sáng thức dậy đối với tôi quả là một cơn ác mộng khi tôi nghĩ tôi phải chung đụng với bà ta suốt cả buổi mà chồng tôi thì đến tối mới về nhà… bà ta để ý đến mọi thứ… chồng tôi sợ… ngay cả quần áo của anh ấy cũng do bà ta lựa chọn… buổi sáng làm bánh mì phết bơ cho bà ta là cả một chuyện giống như tôi hoàn toàn vô dụng vậy… tôi lúc nào cũng phải đè nén sự giận dữ làm cho tôi hết hơi…

Những gì bà X nói dường như được in sẵn vì thường gặp phải!

Nói chung, việc sống chung với cha mẹ chồng hay vợ là điều nên tránh. Điều gì sẽ xảy ra nếu một trong các nhân tố đó là người suy nhược thần kinh!…

Một cuộc sống riêng tư khó khăn

Ngay cả việc thích nghi cũng rất tế nhị khi hai vợ chồng sống riêng. Cuộc sống riêng tư là một việc khó thực hiện được và đòi hỏi một sự thông hiểu lớn lao. Nhưng sẽ không có được sự thông hiểu thực thụ khi không có sự cân bằng và tinh thần không rộng mở. Hôn nhân đòi hỏi tình yêu, không phải tình yêu cho chính mình, nhưng dành cho người kia. Nếu một trong hai phối ngẫu bị loạn thần kinh thì chứng loạn thần kinh đó (dù người đó không muốn) trở thành trung tâm của những lo lắng. Cũng giống như một người bị bệnh bao tử nặng thì căn bệnh đó sẽ là yếu tố làm thay đổi toàn bộ nhân cách người đó. Chứng loạn thần kinh của một phối ngẫu sẽ làm cho người đó hiểu người kia qua chứng loạn thần kinh đó. Hoặc ít ra, người đó tưởng rằng mình đã hiểu người kia với cả lòng thành và thiện ý nhất trên đời.

Rất nhiều người loạn thần kinh, dù nhẹ đến mức nào đi nữa, chỉ có thể có những mối quan hệ xã hội hời hợt mà thôi, nhưng không thể có những mối quan hệ sâu sắc được.

Đương nhiên đó sẽ là điều gây tổn thất cho cuộc sống riêng tư! Có rất nhiều người phối ngẫu đã nói “… tôi phải mất rất nhiều thời gian để thích nghi với một ai đó… ở suốt một ngày chủ nhật với anh ấy (hoặc chị ấy) làm cho tôi kiệt sức… tôi phải ở trong trạng thái căng thẳng làm cho tôi hết hơi; tôi không biết phải nói gì, tôi co cúm lại, tôi cảm thấy mình có lỗi… không còn sự thân mật nữa… chúng tôi như hai kẻ xa lạ tôi nhận biết đó là lỗi của tôi chứ… tôi sống thu mình lại quá mức và quá nhút nhát vì thời thơ ấu của tôi… và tôi không tài nào tách ra khỏi được.”

Hơn nữa, chúng ta không được quên điều này: chứng loạn thần kinh của thời thơ ấu có nguy cơ tồn tại cho đến lúc hôn nhân, mà còn phát triển nữa.

“… tôi là người yếu đuối và tôi sợ vợ tôi… chị ta gợi cho tôi nhớ lại mẹ tôi… nhưng với mẹ tôi, tôi có thể phó mặc vì bà ta làm tất cả, quyết định mọi thứ cho tôi. Còn bây giờ tôi không biết phải làm gì nữa. Và tôi cảm nhận vợ tôi khinh tôi, mà điều này làm tăng thêm sự xấu hổ và sự khinh bỉ mà tôi cảm thấy cho chính mình…”

Hay là:

“Vợ tôi lớn hơn tôi mười lăm tuổi. Sau cuộc gặp gỡ, tôi nhận ra rằng tôi đang tìm kiếm một bù trừ cho sự yếu đuối của tôi tôi đã cưới một người đàn bà–mẫu tử thay vì một phụ nữ–vợ… tôi vẫn đeo bám mẹ tôi… thực ra tôi đã cưới mẹ tôi… vả lại tôi không hề có quan hệ tình dục với vợ tôi”.

Các chứng suy nhược thần kinh với những quan niệm về hôn nhân

Có nhiều người suy nhược thần kinh đến hôn nhân với vài ý niệm cứng như bê tông: tình dục là một việc xấu xa; tình dục làm cho tôi sợ; người phụ nữ phải chống lại người đàn ông; người phụ nữ luôn là con mồi của người đàn ông; người phụ nữ luôn phải hy sinh; người phụ nữ là một tuẫn đạo, v.v…

Người ta thấy ngay đây là một môi trường lý tưởng cho sự suy nhược thần kinh của mấy đứa con trong tương lai! Hơn nữa, có nhiều ý niệm về hôn nhân được đặt trên nền tảng của sự thỏa hiệp. Một phối ngẫu cố tự bù trừ cho mình với người kia. (Như X, nữ tính, đã cưới một người phụ nữ nam tính).

Thí dụ:

Một người chuyên quyền (như thế là suy nhược thần kinh) tìm kiếm một người phụ nữ yếu đuối hoặc một phụ nữ–trẻ con, để ông ta có thể “che chở” và thống trị.

Một phụ nữ chuyển quyền (là suy nhược thần kinh) tìm một người đàn ông có tính trẻ con nhút nhát, v.v…

Cho đến mức nhiều cuộc hôn nhân được đặt trên nền tảng của sự tranh đua! Mỗi người phối ngẫu cảm thấy mình gặp nguy hiểm khi đối mặt với người kia. Người đó sống trong tình trạng báo động, với nỗi lo là “không được để cho người kia làm tới!”

Thế bà Y đã nói gì? “… tôi có quyền của tôi… đó là các quyền lợi của người phụ nữ. Tôi nghĩ tôi phải bảo vệ chúng với bất cứ giá nào và tôi cương quyết từ chối nhìn nhận những quyền hạn mà luật pháp dành cho chồng tôi. Có nhiều người đàn ông thường hay nghĩ chúng tôi là đầy tớ của họ, v.v…”

Thật ra, cái danh sách của những cuộc hôn nhân thất bại rất dài và sầu thảm. Bởi vì đôi khi một sự thỏa hiệp khập khiễng đang duy trì tình trạng đó, được căn cứ trên “những quyền lợi tương hỗ”, trên sự hung hãn, những oán hận, sự khinh bỉ. Những người loạn thần kinh, dù yếu hay mạnh, là những giải thưởng đen tối. Không những người loạn thần kinh có một quan niệm sai lầm về cuộc hôn nhân, nhưng bởi vì cuộc hôn nhân cho phép họ nổi bật hơn.

Ngoài ra, trong dân gian người ta thường hay tin rằng “cuộc hôn nhân chữa khỏi chứng loạn thần kinh”. Đây là một quan niệm hoàn toàn phi lý. Hai trường hợp rất thường gặp: hoặc cha mẹ thúc giục đứa con loạn thần kinh lập gia đình để có thể “chữa khỏi” bệnh cho nó. Mà với điều này không hề nghĩ đến người phối ngẫu, hoặc đứa con có thể có sau này sẽ nhận lấy hậu quả! Hoặc nhiều người loạn thần kinh trẻ tuổi lẫn trốn trong một cuộc hôn nhân vội vàng, để tránh môi trường đang sống. Các hậu quả cũng có thể buồn thảm không kém.

Mà người ta không thể nào ứng biến làm một nhà giáo dục được, cũng như ứng biến làm một phối ngẫu. Chỉ có duy nhất một điều có thể ứng biến được: đó là sự cân bằng. Vì vậy cuộc hôn nhân phải được xem như là một phương cách phòng ngừa. Nhiều hiểu biết về tâm lý học, dù cho sơ đẳng nhất, cũng có thể cứu vãn rất nhiều việc, tôi có thể bảo đảm với quý vị như thế. Trong hôn nhân, tình yêu là điều thiết yếu. Nhưng “hiểu được chính mình” phải là một quy tắc vàng…

Kết luận

Chứng loạn thần kinh cũng như bất cứ căn bệnh tâm lý nào, phải là đối tượng của một cuộc khám nghiệm toàn diện một cách tuyệt đối. Tất cả những tìm kiếm sinh lý phải được thực hiện: tìm kiếm việc bị ngộ độc, các thương tổn, nhiễm trùng; kiểm tra các nội tiết, đến thể dịch, về gan, dạ dày. Một cuộc kiểm tra tỉ mỉ về môi trường sống, về những gì không thể thích nghi,v.v…

Tất cả những phương tiện của cách chữa trị bằng tâm lý phải được tận dụng. Rất hiếm thấy một bệnh nhân tâm lý bóp nghẹt một nhân cách sâu thẳm. Cái nhân cách đó phải chịu muôn ngàn đau khổ; và những khổ đau của “ý thức tinh thần” luôn đóng một vai trò đáng kể. Những xung đột nội tại, thường khi bị dồn nén, thường là nền tảng của những chứng loạn thần kinh và loạn tâm lý. Cho dù đó chỉ là tính nhút nhát bình thường hay là chứng hoang tưởng bị truy hại…

Bất cứ phương cách chữa trị bằng tâm lý, dù đơn giản hay nghiêm túc, tuyệt đối phải có tình người, tôn trọng con người một cách toàn vẹn là một định luật tối thượng. Chúng ta hãy mong ước một điều: rằng sự trong sáng tinh thần và tâm lý luôn phát triển. Rằng cái thế giới hiện hữu học cách xem xét một cách khách quan: rằng mỗi con ngươi chúng ta ước muốn được học hỏi thay vì tin chắc là “đã biết rồi”.

Sau hết, chúng ta hãy cầu mong sao cho tâm lý học phát triển đủ mạnh để mỗi con người chúng ta đạt được trạng thái sung mãn cho chính mình, nhìn nhận một cách lành mạnh những yếu kém của mình và khám phá được những khả năng còn tiềm ẩn.


Created by AM Word2CHM


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.