Những Thành Tựu Lẫy Lừng Trong Tâm Lý Học Hiện Đại

Chương 8. GIÁO DỤC



Giáo dục là một đề tài bao la như thế giới vậy. Cuộc đời của mỗi người chúng ta đều tùy thuộc vào nó ngay cả những niềm vui và đau khổ tập thể. Các cuộc chiến tranh đã không phải là sự suy diễn của những tình cảm cá nhân hay sao?

Giáo dục có thể dẫn đến niềm vui, hoà bình và sự thanh thản trí tuệ. Mà cho cả việc giảm thiểu các khả năng, bệnh tật và thất bại. Trong tác phẩm này thường hay đề cập đến vấn đề về giáo dục; và bây giờ tôi sẽ cố gắng trình bày nó với một ý nghĩa rộng lớn hơn.

Nhưng người ta thường đổ lỗi cho các nhà giáo dục có liên quan; như thế sẽ rút gọn lại vấn đề một cách thiển cận. Bất cứ nhà giáo dục nào cũng chính là kết quả của sự giáo dục mà người đó nhận được, và là kết quả của những nhà giáo dục tiền nhiệm, và cứ tiếp tục như thế. Giáo dục là một chuỗi xích vô tận, mà điều này đôi khi đem đến một kết quả bi thảm. Vấn đề phải được xem xét với một tâm trí thoải mái, rộng lớn đến mức có thể, chớ không phải xuyên qua cái lỗ khóa tương ứng với “Cái Tôi” hoặc “Cái Anh”. Chúng ta phải xuất phát từ một nhân quan tổng thể, và từ đó từ từ hướng xuống đến chính mình. Xuất phát từ chính mình và sau đó mới triển khai là điều phi lý.

Giáo dục người khác bắt đầu bằng sự giáo dục chính mình

Không có ngoại lệ cho quy luật này. Đây là một luật lệ khắc nghiệt, rắn chắc như kim cương, và bất khả xâm phạm như chính nó vậy. Người ta sẽ nói gì nếu một người thầy thuốc chữa bệnh cho những thân thể mà không hề biết đến chúng. Hoặc một tu sĩ giảng đạo với một trái tim đầy hiềm khích? Họ không ở đúng vị trí của họ, có phải không? Có nhiều cuộc khám nghiệm buộc phải được thực hiện có dành một chỗ đứng nhỏ nhoi ngoài ánh nắng mặt trời; nhưng bất cứ người nào cũng có thể trở thành nhà giáo dục, trong ngày một ngày hai. Nhưng bất cứ nhà giáo dục nào cũng phải dẫn dắt đến sự hiểu biết chính con người mình, đến chân lý và sự cân bằng. Bất cứ nhà giáo dục nào cũng phải làm phát triển các khả năng trí tuệ. Nhưng để làm được điều này, bắt buộc ông ta phải chính là sự khôn ngoan và cân bằng đó! Làm sao ông ta có thể chỉ rõ được mặt trời nếu như ông ta không biết đến sự tồn tại của nó? Nếu ông ta không hề có sự khôn ngoan và cân bằng đó, nhà giáo dục phải biết rõ điều này và ông ta không thể mạo nhận là người mà ông ta không hề là. Đến lúc đó sẽ là sự khởi đầu cho con đường giáo dục và trí tuệ của chính ông ta.

Rất nhiều nhà giáo dục đã lo âu tự hỏi về vấn đề của một đứa trẻ hoặc một thiếu niên: “Nó đi không đúng hướng, nó nói láo, ăn cắp, nhút nhát, hay gây gổ, nham hiểm, v.v…”

Nhưng tôi hiếm khi thấy những nhà giáo dục này tự hỏi về chính họ trước bất cứ việc gì khác.

Tám lần trên mười, một đứa trẻ hư hỏng là một đứa trẻ biến chất. Nếu một đứa trẻ nói láo hoặc ăn cắp, không phải cần chỉ cho nó một chân lý lý tưởng hoặc lương thiện. Nhưng mà phải tìm xem tại sao nó nói láo hoặc ăn cắp. Lúc nào cũng có một nguyên nhân cho bất cứ một việc gì đó, có đúng thế không?

Người ta không thể chuyển giao sự giáo dục mà người ta có. Như thế thì hoàn toàn tự động. Vì thế rất cần phải tìm cho được một ý nghĩa của cuộc đời trong chính mình; điều gì đã thúc đẩy mình tự tìm hiểu chính mình và tách lọc một số đáng kể các hành vi sẵn có độc hại. Người ta luôn nhìn sự việc qua chính con người mình, mà đó là điều tự nhiên. Vì vậy “cái tôi” phải giống như một tấm kính trong suốt chứ không phải là một tấm kính tối đen, chặn đứng các tia nắng mặt trời. Nếu không người ta bắt đứa trẻ phải là đứa mà người ta muốn nó trở thành chứ không phải là đứa mà đáng lý nó sẽ là.

Chính mình phải giáo dục mình trước khi giáo dục một đứa trẻ

Rất nhiều người “bị cứng đơ” trong cách sống và suy nghĩ của họ. Đó là nguyên nhân của hàng triệu sự giáo dục khiếm khuyết hoặc bất toàn. Đối với nhiều người, một ngày mới chỉ là sự lập lại tự động của ngày hôm trước. Trước hết bởi vì họ đã được giáo dục trong quan niệm đó; sau nữa bởi vì hàng ngàn sự kết tinh đã chai cứng trên các sai lệch, ức chế, mặc cảm của họ. Lúc đó họ sống bằng những “tật” tinh thần, trên các khẩu hiệu rỉ sét (mà dường như có vẻ chúng đem đến một sự an toàn nào đó, nhưng tiếc thay họ lại áp dụng với con của họ!). Có khi thật hãi hùng khi phải nghe các “huấn lệnh” được các ông bố đưa ra… Có vẻ như ông ta vừa khám phá được một mảnh giấy cũ kỹ trong đáy ngăn kéo… Đó là “kinh nghiệm và sự “khôn ngoan” của họ… Một hoàn cảnh nào đây? Người ta mở ngăn kéo ra và người ta rút ra vài phương châm, vài phán quyết rõ ràng, vài câu trống rỗng và ấu trĩ.

Một hoàn cảnh khác à? Người ta tìm tại một phần khác của cái tủ và cứ tiếp tục như thế. Tuy nhiên đây lại là những con người sáng suốt và thông minh… Nhưng mà kìa… đến lúc đứng tuổi họ đã đóng cánh cửa lại, có vẻ như đã xem cuộc đời của mình đã hình thành và cá tính của họ đã hoàn chỉnh… Hơn nữa, họ đã bị mắc trong các vòng xoáy của cuộc đời. “Không có thời giờ, đã trở thành điệp khúc của họ. Mỗi ngày họ không thể bỏ ra chỉ mười phút để tự xem xét và phát triển mình. Hoặc ngay cả lúc họ đã làm như thế đi, họ đã cúi nhìn trong một lỗ đen làm cho họ hoảng sợ, và họ đã mau lẹ đóng cánh cửa hầm lại…

Tất cả mọi thứ này đều hay và tốt; nhưng đứa trẻ vẫn đứng đấy với tính tò mò non nớt và một trí tuệ rộng mở cho tất cả mọi thứ. Người ta phải dạy dỗ nó, có nghĩa là giữ nguyên cái trí tuệ rộng mở nhất có thể được. Một bên, đứa trẻ sẵn sàng thương yêu tất cả mọi thứ, hiểu tất cả, ôm lấy mọi thứ. Bên kia là nhà giáo dục “cứng đơ” không làm sao hiểu được, chỉ còn biết ôm lấy vài chân trời tương ứng với các kết tinh của ông ta…

Nhà giáo dục này không thể phát triển được nữa, trước một con người đang cần đến sự phát triển. Làm sao nó có thể học hỏi cuộc đời, nếu về mặt tinh thần nó như đã chết rồi?…

Tại sao bạn có con?

Trước khi giáo dục một đứa trẻ, người ta phải tạo nó ra. Như vậy, vấn đề là phải tạo ra một sự sống dành cho việc suy nghĩ, cảm nhận, đau khổ, cười đùa, có ý thức. Điều này rất nghiêm trọng. Đây là một trong các hành vi chủ yếu nhất trên thế gian này. Và đến đây, tôi không thể kềm chế việc đưa ra đây các câu trả lời mà tôi thường nghe được khi đặt câu hỏi: “Tại sao bạn muốn có một đứa con?”

– Đời mà, có phải không?

– Bởi vì tôi yêu trẻ con.

– Chồng tôi không muốn nhưng tôi lại muốn.

– Tôi muốn năm đứa, không hơn không kém.

– Tôi đã có ba đứa con gái nhưng tôi muốn có một thằng con trai.

– Tôi không biết nữa…

– Để tiếp tục nghề nghiệp của tôi; đây là một nghề tốt, nhưng đang bị mai một.

– Tôi muốn chờ nữa, nhưng nó đã có mặt rồi…

– Để cho tên tôi không bị mất đi

– Để gắn chặt cuộc hôn nhân không được êm ấm của tôi.

– Để tôi cảm thấy ít cô đơn.

– Ô đó là một tai nạn!…

– Vợ tôi muốn một đứa con gái, còn tôi thì một thằng con trai; đây là đứa con gái, mặc kệ, tôi vẫn thương nó như thường.

– Chồng tôi muốn.

– Bà vợ tôi muốn.

– Một phụ nữ không có con thì không còn là phụ nữ nữa. Dù sao thì không thành vấn đề nữa khi có tình yêu thực thụ

– Đây là sự khẳng định tình yêu của chúng tôi; một đứa trẻ sanh từ tình yêu phải được sung sướng.

– Bởi vì tôi tự đánh giá, một cách công tâm, rằng tôi khỏe mạnh và cân bằng; và như thế tôi hy vọng là sẽ cho ra đời một con người thỏa mãn, làm được nhiều điều tốt quanh nó.

Và thế đấy… Chỉ ba câu sau cùng tự chúng là khá hay. Còn những câu kia!… Không phải là sự ích kỷ, nhưng ít nhiều gì cũng là sự vô thức hoàn toàn. Như thế, những con người đó muốn trở thành các “nhà giáo dục”. Nhưng “nhà giáo dục” cho cái gì mới được? Bằng phương tiện gì? Với những sự hiểu biết nào đây? Sự sáng suốt nào đây? Và nhất là với tình thương nào đây? Tim tôi đã run rồi, nếu như lương tri tôi thôi đã chưa làm điều đó…

Giáo dục thường là sự thu hẹp

Bởi vì rất nhiều nhà giáo dục (cha mẹ, giáo sư, nhà đạo đức học, triết gia, v.v…) là những người có tinh thần “hẹp hòi”. Họ co rút lại mỗi khi họ có những tư tưởng không thể thay đổi, tự động loại bỏ tất cả những ý nghĩ khác có thể. Đơn giản như việc thuộc một quốc tịch nào đó, một chủng tộc nào đó, một tầng lớp xã hội nào đó, đã áp đặt những thu hẹp và thành kiến người ta khó mà gạt bỏ được. Nhưng việc gạt bỏ những thành kiến đó là rất cần thiết nếu người ta muốn các khả năng của chính mình trở nên phong phú hơn, cũng như sẽ có được một ý niệm về giá trị của giáo dục. Hơn nữa, hàng chục triệu người xoay quanh các mặc cảm, dồn nén, nỗi lo sợ, ý kiến của họ, v.v… Tất cả điều này tự động sẽ đưa đến những ý nghĩ sẵn có và thói quen vô thức. Điều này là hiển nhiên thôi. Nó là một vòng xích bóp nghẹt các khả năng của trí tuệ. Nhân loại đã bị chia thành ô: và mỗi ô như thế lại bị chia thành hàng ngàn phần nhỏ hơn. Và bắt đầu từ những thu hẹp đó, người ta mới bắt đầu giáo dục.

Chúng ta hãy thí dụ một nhà quý tộc chỉ có thể là quý tộc, nghĩa là không thể nào mở rộng tâm trí ông ta cho nhiều quan niệm khác hơn là những quan niệm quý tộc, những thù địch, khoan dung, cố chấp, v.v… Vì vậy đây là một trí tuệ được chuyên môn hóa”. Như thế ông ta sẽ tự động cho một sự giáo dục, chỉ có thể là quý tộc mà thôi. Và nhiều đường hướng dẫn tinh thần mới đào tạo được đứa trẻ. Nó sẽ giống đúc hàng ngàn đứa trẻ khác ra trường trước nó; nó có cùng một cách diễn đạt, cùng một dáng đi, cùng một cách ăn mặc, v.v… Người ta đã cho nó một đồng phục tinh thần, bằng cách giảm thật nhiều các khả năng tổng quát và tính tự phát của nó. Có lẽ nó được “giáo dục thật tốt” như một cỗ máy được cải tiến, mà chỉ có thế mà thôi.

Bây giờ chúng ta hãy thí dụ một trưởng giả mà chỉ có thể là trưởng giả. Trò chơi lại diễn ra. Và vì thế mà nhân loại bị chia thành hàng triệu ngăn, chứa đầy các thứ vặt vãnh không hề giống với những thứ của người bên cạnh.

Có hàng triệu người bị xích trong các thí nghiệm cá nhân và có giới hạn của họ, mà không hề biết cái từ đầu tiên của các thí nghiệm của người bên cạnh và cũng không thể hiểu được chúng.

Giáo dục là một cái gì hoàn toàn khác với những thứ đó. Nó phải mở rộng tâm trí thay vì đóng kín nó lại trong sự thu hẹp và các đồng phục.

Nó phải nhắm đến sự phát triển và phát triển các khả năng. Nó phải ngăn cản các thành kiến và khẩu hiệu nội tại, các kết tinh và nỗi lo sợ. Thay vì áp đặt cho đứa trẻ một số lượng kiến thức quái dị, đáng lẽ người ta phải dành thêm một ít thời giờ để tập cho nó học cách hiểu chính con người nó. Thay vì thúc đẩy nó trở thành “một nhân vật quan trọng” người ta phải giúp nó “trở thành một cái gì đó”. Dù cho nó có là người hốt rác hoặc một ông thủ tướng cũng không thay đổi vấn đề.

Nhiều khi kết quả của giáo dục là một cỗ máy được chỉnh theo một sự luyện tập. Hơn thế nữa, người ta chỉ cần nhìn vào con số người rối loạn tâm lý đang áp đặt những sự giáo dục sai lệch cũng vì chính sự rối loạn tâm lý của họ. Tôi cũng đã nói khá nhiều về đề tài này trong tác phẩm này để không cần phải nhắc lại nữa.

Thay vì thu hẹp tâm trí lại, người ta phải nới rộng nó ra cho tất cả mọi thứ. Có rất nhiều sự giáo dục ngăn cản sự sung mãn, dạy phải lo sợ trong cuộc sống, sự thù nghịch, tìm kiếm sự che chở cho các rối loạn thần kinh, tính khiêu khích, v.v… Nhưng cũng chính các nhà giáo dục đó lại trở nên bực mình khi một cuộc chiến tranh tàn phá hành tinh của chúng ta.

Giáo dục là phải xây dựng, chớ không phải tàn phá, khi cắt bỏ các khả năng trí tuệ. Một lần nữa, để làm gì khi mình có một cây phong cầm thật lớn mà chỉ biết đánh có vài nốt nhạc thôi, dù ngay sau đó người ta có ban tặng cho mình một cái hôn tay thật đúng điệu đi nữa?

Khi những người trưởng thành trở lại trường học

Trở lại trường học là để báo cáo rằng mình không biết. Là để biết mình có vài khái niệm sai lệch, hoặc nhiều khái niệm chưa đầy đủ hoặc không có gì. Đương nhiên một phần của giáo dục là những hiểu biết từ bên ngoài. Nhưng trên hết, nó phải được đặt nền tảng trên sự hiểu biết và khôn ngoan nội tại. Người ta sẽ hiểu được là nếu tình trạng nội tại bị sai lệch thì những ý niệm xuất phát từ đó đương nhiên cũng sẽ không đúng. Đây là sự thật cơ bản. Nhưng có rất nhiều người từ chối nhìn nhận sự thật cơ bản này, bởi vì họ sợ. Một sai lệch tâm lý sẽ ảnh hưởng lên tất cả hành động của chúng ta, từ cái nhỏ nhất cho đến cái lớn nhất, với những hậu quả rõ nét ít nhiều. Điều này đúng với tất cả các mặc cảm, tự ti, ức chế, v.v… Như vậy tự giáo dục lại có nghĩa là ra khỏi vỏ bọc mà lần hồi đã đông cứng lại quanh người mình. Và nhất là khi trở lại trường học có nghĩa người ta chấp nhận là mình không biết.

Đã bao nhiêu lần người ta nghe thấy: “Dù sao thì tôi cũng biết cách dạy con tôi như thế nào chứ, và về vấn đề này tôi không cần phải nhận lời khuyên của bất cứ ai hết!”. Mà chúng ta hãy nhớ là cũng chính người này sẽ van xin các lời khuyên của người thợ máy khi đem chiếc xe đi tu bổ; người này sẽ hỏi về các ý kiến về cách mua vỏ xe, cách xây cất ngôi nhà, v.v… Nhưng về cách giáo dục thì không bao giờ!

Quan điểm này là ấu trĩ và hung hãn. Như vậy, nó biểu lộ sự sợ hãi. Đây là thái độ của sự tự tôn giả tạo, sản sinh bởi một mặc cảm tự ti.

Trở lại trường học có nghĩa là “học tập cho chính mình”. Nếu không, không một giáo dục nào có thể thực hiện được, với một giá trị hoàn toàn. Đến lúc đó người ta áp đặt một giáo dục cứng nhắc sẵn có, bằng cách căn cứ trên “Cái Tôi” của mình. Nhưng nếu “Cái Tôi” đó bị gò bó và cứng đơ, làm sao chúng ta có được sự mềm dẻo vô hạn và cái khả năng lĩnh hội vô tận do sự giáo dục đòi hỏi?

Hãy thoát khỏi nhu cầu an toàn nội giới

Đây là một vấn đề quan trọng… Phần lớn đời sống con người đều bị dẫn dắt bởi nỗi lo sợ. Lo sợ về tình dục, tôn giáo, đạo đức, nỗi lo sợ xuất phát từ các mặc cảm tự ti, lo sợ về cái– người–ta–sẽ–nói–gì–đây, sự phê phán của người khác, sợ sự thật,v.v… Tất cả những nỗi lo sợ này đến lượt chúng tạo ra các dồn nén, mặc cảm, thù nghịch, như một con vít vô tận. Thế mà một số lớn con người không hề biết đến những nỗi sợ của họ vì chúng vẫn vô thức. Nhưng tất cả cuộc đời của họ đều đặt nền tảng trên đó.

Những tìm kiếm ưu thế, chuyên quyền, quyền lực, thống trị, chỉ căn cứ trên sự sợ hãi. Chúng ta đã thấy điều này trong suốt tác phẩm này. Con người bị cứng đơ trong hàng ngàn tật của anh ta, trong các thói quen và thỏa hiệp, đã cho họ một ảo tưởng về sức mạnh và quyền lực. Anh ta bị nhồi nhét đầy những bù trừ, và mang một áo giáp làm cho anh ta tưởng rằng mình đã loại bỏ được nỗi sợ hãi. Mà sự thật là anh ta vẫn tiếp tục đau khổ vì các xung đột nội tại, mà chúng càng nguy hiểm hơn vì chúng vô hình. Đến lúc đó con người co rút lại, bị kết tinh và cứng đơ. Về mặt tinh thần, anh ta bị khóa chặt, giống như một chiếc tàu bị mắc cạn. Dù muốn hay không, anh ta xoay vòng quanh mình. Đương nhiên là như thế anh ta không hề có năng lực để thông hiểu một cách trọn vẹn.

Nếu chúng ta bị chứng nhức nửa đầu, có thể nào chúng ta có được tầm hiểu biết sâu rộng về các vấn đề của những người khác không? Thì đối với các nỗi đau tâm lý cũng thế. Mỗi khi có xung đột nội tại, thì người đó sẽ không có khả năng thông hiểu. Người đó “hiểu” vấn đề tùy theo tình trạng chính của anh ta, mà đó là của nỗi đau đớn của anh ta. Nếu một nỗi đau gây ra sự lo hãi, làm sao người đó có được sự thông hiểu? Trái lại: tất cả những gì anh ta thấy nơi người khác sẽ gắn liền với nỗi lo hãi của mình và làm cho nó tăng lên. Một người lo sợ hoặc bị dồn nén về tình dục, làm sao có thể hiểu được? Không được gì hết; nếu không phải là nhìn thấy các sự việc xuyên qua các dồn nén của anh ta. Cơ chế vận hành này có giá trị cho tất cả các nỗi đau tâm lý, bất kể chúng là gì. Như vậy thoát khỏi được nỗi lo sợ của chính mình là nhiệm vụ chủ yếu. Để người ta không chuyển giao nỗi lo sợ đó, và để có thể thông hiểu được.

Điểm chủ yếu của vấn đề là thoát khỏi chính mình. Điều này có nghĩa là người ta phải biết mình phải tách khỏi cái gì, mà đó là nhiệm vụ của tâm lý học. Nếu không, người ta sẽ cho người kia nhiều chỉ thị không phù hợp với người đó. Hơn nữa, sự không thông hiểu sẽ ngăn cản chúng ta đặt mình vào chỗ người kia. Tình thế này gây ấn tượng mạnh trong các trường hợp rối loạn thần kinh, và nhất là đối với những sự giáo dục được thực hiện bởi các người chuyên quyền.

Giáo dục với chiến tranh

Sự giáo dục theo cách mà chúng ta biết đã được đặt trên nền tảng của sự chia rẽ. Nó phân chia con người theo ý thức hệ, theo các hệ thống giai cấp, chính trị, tôn giáo,v.v… Đương nhiên là các loại hình giáo dục này ngăn cản con người được tự do phát triển và thu hẹp phạm vi hoạt động của anh ta… và tình yêu thương. Mỗi khi mà người ta vẫn còn nói một người nào đó thuộc một nước nào đó, của một tôn giáo nào đó, một ngôn ngữ nào đó, người ta đã bẻ gãy sự tiến triển của anh ta. Hơn nữa, người ta sẽ phát triển sự thù nghịch đối với tất cả những người không cùng phe với anh ta. Đó là điều hiển nhiên. Nền giáo dục hiện tại xô đẩy con người đến bạo lực, thù hận, khinh bỉ và cạnh tranh thô bạo. Chúng ta chỉ cần nhìn vào tình cảm của những đứa trẻ “nghèo” đối với những “đứa bạn” thuộc tầng lớp giàu… và ngược lại. Chúng ta không nên tìm tình yêu thương ở đây bởi vì nó không hiện hữu. Nhưng đứa trẻ tự ý nó có như thế không? Không bao giờ; nó đã trở thành như thế bởi vì người đã dạy nó như thế. Các trường hợp này được lặp đi lặp lại hàng triệu lần trong tất cả các nước. Về mặt nhân bản, thật là bỉ ổi. Loại hình giáo dục này tự động sẽ tạo ra chiến tranh. Và các cuộc chiến tranh vẫn cứ tiếp diễn mỗi khi con người chưa chịu học cách tự hiểu mình và tìm lại bản thể sâu lắng của chính mình. Mỗi khi mà anh ta chưa nhận thấy rằng bản chất con người đều giống nhau ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này, và tất cả những thứ còn lại chỉ đơn thuần là một lớp dầu bóng ngoài bề mặt. Thay vì điều này, người ta nhồi nhét trong đầu chúng ta nào chúng ta là người Pháp, Bỉ, Anh quốc, Papou, Tin lành, Công giáo, Hồi giáo, giàu, nghèo,v.v…; cho đến một ngày con người giết nhau và tàn phá vì quốc gia, tôn giáo, tư tưởng chính trị của họ, v.v… Tất cả những điều này sẽ còn tiếp tục một khi sự giáo dục còn chia rẻ loài người ra thành nhiều “nhóm” biệt lập và đối nghịch nhau. Vấn đề ở đây không phải là đứa trẻ mà là người giáo dục! Tất cả những điều này cũng cho thấy con người không còn gì, ấu trĩ và luôn lo sợ. Người ta sẽ không bao giờ đạt được hòa bình (cá nhân hoặc tập thể) khi phân chia con người thành những nhóm đối đầu nhau. Và những điều mà mỗi ngày cứ tái diễn giữa các người đối đầu nhau, sẽ tiếp tục xảy ra bằng đại bác và bom trên toàn thế giới này.

Giáo dục và lòng yêu thương

Không thể có bất cứ một lối giáo dục nào mà không có lòng yêu thương. Đó là điều hiển nhiên. Không tình thương, người ta không thể dạy dỗ, khuất phục, uốn nắn ai, khắc sâu các kiến thức và hành vi tốt đẹp cho ai được. Tình yêu thương là trạng thái sung mãn nội giới. Bất cứ điều gì làm giảm bớt sự sung mãn nội giới sẽ làm giảm thiểu tình thương yêu. Tình thương yêu thực thụ đòi hỏi nhiều điều kiện khắc khe; vả lại điều này cũng là bình thường bởi vì một tâm trạng cao cả cho có thể đạt được sau nhiều lần tẩy sạch chính mình. Tưởng thương yêu và thương yêu thật sự là những đặc tính hoàn toàn đối nghịch nhau không khác gì hướng bắc với hướng nam. Tình thương yêu đòi hỏi một nội tâm thanh thản: như vậy nó đòi hỏi sự cân bằng, sáng suốt và sức mạnh. Tất cả những gì làm hư hỏng và tổn hại đều biểu hiện sự thiếu vắng tình thương yêu.

Bất cứ nhà tâm lý học nào cũng biết có rất ít nhà giáo dục thật sự thương yêu những người họ dạy dỗ. Vả lại rất nhiều khi, họ lại chắc chắn tin vào điều trái ngược… Những nhà giáo dục này có một cái nhìn sai lệch về tình yêu thương. Trong giáo dục, tình thương có nghĩa là ban tặng chớ không phải là nhận lãnh, dù dưới bất cứ hình thức nào.

Chúng ta sẽ thấy ý niệm “ban tặng” này đôi khi bị hiểu sai đi đến chừng nào. Một lần nữa, tình yêu thương sai lệch được tìm thấy ở tất cả những người chuyên quyền, thống trị, độc tài, và điều này dưới bất cứ hình thức thống trị nào. Dù cho nó tàn nhẫn, hoặc được che giấu dưới các điều tận tụy và tốt bụng, cũng không làm thay đổi vấn đề. Tại sao? Bởi vì người thống trị tìm kiếm sự an toàn nội tại mà người này chỉ tìm được trong việc thống trị. Chúng ta đã thấy điều này nhiều rồi. Nhiều người chuyên quyền “sẽ làm tất cả mọi thứ cho con của họ”. Họ có thể cho cả mạng sống của họ, nếu như đứa trẻ phạm tội, mà điều đó thường thấy xảy ra. Nhưng cái đó không phải là tình thương. Mục đích vô thức của họ là dễ chế ngự đứa trẻ bằng cách chỉ ra rằng người ta đã “tốt” với nó đến chừng nào, và như thế ngăn chặn bất cứ sự nổi loạn ra mặt nào. Còn về những nổi loạn nội tâm, họ có nghĩ đến không? Mục đích vô thức của bất cứ kẻ chuyên quyền nào là phải giữ cho bằng được sự an toàn nội tâm, bằng cách nghĩ rằng mình mạnh, được khâm phục và nể nang. Vả lại, bất cứ hành động tự phát nào của đứa trẻ cũng được ông ta xem như là một sự nổi loạn và cảm thấy như một tát tai.

Một người mẹ “nuông chiều” đứa con của bà, “đeo bám” vào nó như thế, thật sự không phải bà yêu thương gì đứa con đó đâu mà bởi vì chính bà ta ngăn cản sự phát triển của riêng nó. Rất nhiều bậc cha mẹ cũng hoán chuyển lên đứa trẻ những tham vọng của chính họ. Tôi đã nghe không biết bao suy tưởng trong chiều hướng đó!

– Tôi muốn nó trở thành đứa đẹp trai nhất…

– Tôi muốn nó trở thành đứa thông minh nhất…

– Tôi muốn nó có một địa vị tốt mà tôi không hề có được…

– Tôi muốn nó tiếp tục công việc của tôi…

– Tôi muốn nó có một đám cưới thật đẹp…

– Những điều mà tôi không thực hiện được, chính nó sẽ làm…

– Loại giáo dục này đã thành công với tôi, vì thế nó cũng sẽ thành công với thằng con trai của tôi…

– Mẹ tôi vẫn còn tát tôi khi tôi đã bốn mươi tuổi; và tôi sẽ làm điều đó với thằng con của tôi, nếu sự thành công của nó phải chịu trả cái giá đó, v.v…

Tình thương đã ở đâu trong tất cả những câu đó? Người nào trong các “nhà giáo dục” kia đã tự đặt mình vào vị trí của đứa trẻ? Tuy vậy các bậc cha mẹ đó tưởng rằng mình thương yêu và làm điều đó vì “lợi ích của đứa trẻ”. Quả thật thì đó là một lỗi lầm với những hậu quả thật tai hại.

Họ chỉ đơn giản làm điều đó vì chính họ và mong muốn đứa trẻ lớn lên đúng theo ý muốn của họ, những tham vọng của họ, mà gần như không cần quan tâm đến đứa con của họ thật sự là như thế nào. Những kiểu giáo dục đó thì lúc nào cũng mang đến những xung đột nội giới cho người được dạy dỗ. Những xung đột nội giới, và vì thế những đau khổ, rối loạn thần kinh, thù nghịch, nổi loạn, mặc cảm tự ti.

Một hôm, một người cha đã nói với tôi: “Mặc cảm tự ti à?? Tôi không biết. Ông hãy nhìn tôi xem, có phải tôi có bộ mặt bị mặc cảm tự ti không? Thằng con trai của tôi sẽ được dạy dỗ đúng theo cách của Tôi. Tôi đã quyết định như thế. Nếu nó muốn, nó có thể. Là vì lợi ích của nó. Tôi à, Tôi chỉ biết có chừng đó thôi!…” Người cha này là mẫu anh hùng rơm hay nhất mà tôi chưa từng thấy…

Người ta không khó khăn gì tưởng tượng được đứa trẻ, đã trở thành thiếu niên với một ý chí bị bẻ gãy và mang đầy mặc cảm tự ti…

Và cứ như thế, vẫn bài hát này được lặp đi lặp lại khắp mọi nơi. Bất cứ sự giáo dục nào mà là nguồn gốc của các xung đột nội tại hoặc sự giảm thiểu nhân cách đều biểu lộ sự thiếu vắng tình yêu thương và thông hiểu. Mà nói cho cùng, nó chỉ là sự ích kỷ trá hình mà thôi.

Một trường hợp thông thường khác. Có vài nhà giáo dục lấy cớ cho sự cứng rắn. Họ tự tôn vinh vì đã có những quan điểm không thể lay chuyển. Và như thế là một dạng cứng nhắc và ngoan cố mà họ cứ nhầm tưởng là sức mạnh và ý chí. Chín trường hợp trên mười, đương nhiên là họ không đạt được mục đích: sự co cứng đã làm họ quên đi mục tiêu đã nhắm. Đây là một thảm họa một khi những con người này làm chủ gia đình. Những con người “có nguyên tắc” này, cứng nhắc, co cúm, khô khan, duy ý chí, luôn sẵn sàng tra tấn những người ông quanh họ (Đương nhiên lúc nào cũng “vì lợi ích của họ” thôi!) Thế bản chất sâu lắng của họ là gì? Nỗi sợ hãi. Bằng bất cứ giá nào họ muốn ý tưởng của họ lúc nào cũng hợp lý. Đối với họ xem xét lại những ý tưởng đó là dấu hiệu của sự hèn yếu và thiếu cá tính…

Một trong những người cha đó đã nói với tôi: “… Các nguyên tắc của tôi và tôi chỉ là một. Các nguyên tắc của tôi không bao giờ thay đổi. Tôi dạy dỗ con tôi đúng theo những thứ đó. Sau này chúng nó sẽ thấy rằng sự cứng nhắc đó đều tốt và sẽ cảm ơn tôi” Thế mà không. Các người con trai của ông ta không cám ơn ông ta. Kết quả không đúng như thế chút nào. Chúng không cho người cha của chúng đã “thương yêu” chúng, mà chỉ huấn luyện chúng. Hai điều này không hề giống nhau chút nào. Còn về việc cám ơn, tôi nghi ngờ là chúng sẽ làm nhân danh các nỗi lo sợ, thất bại và sự nhút nhát trong tương lai của chúng…

Và cũng vì thế mà xảy ra các thảm kịch khổ tâm trong gia đình và cuộc sống. Kaflka, trong Bức thư gởi cho cha tôi, đã biểu lộ rõ tính cách thương tâm của những thảm kịch xúc cảm đó đã đưa chúng ta rời xa tình yêu thương…

Tìm kiến sự an toàn nội tâm hoặc sự thừa nhận các nguyên tắc của mình không bao giờ là yêu thương. Làm sao nhiều nhà giáo dục có thể nói là họ “thương yêu”, nếu họ cứ thúc đẩy sự chia rẻ giữa các con người? Thế mà có vô số loại hình giáo dục lại được đặt nền tảng trên đó. Người ta thúc đẩy sự chia rẻ nhân danh sự giàu sang hoặc nghèo nàn, nhân danh các thành kiến xã hội hoặc chủng tộc, như tôi đã nói ở trên. Người ta thúc đẩy sự chia rẻ nhân danh các bộ tộc, đối đầu chính trị, đối đầu giai cấp. Tất cả những thứ đó đều dẫn đến sự thù nghịch, tranh đua, xung đột, thất bại và đau khổ. Loại giáo dục đó làm hư hỏng xã hội. Thế mà tình yêu thương không bao giờ làm hư hỏng và không bao giờ tách rời.

Làm sao người ta có thể dạy dỗ, nếu chúng ta cứ chống đối một giai cấp nào đó trong xã hội, tôn giáo nào đó, một đảng phái nào đó… hoặc ngay cả với những người láng giềng của chúng ta? Thay vì mở mang trí tuệ và sự thông hiểu của các đứa trẻ, người ta đóng kín nó lại. Những cách giáo dục đó thúc đẩy sự chia rẻ, sự kiêu căng, đến ưu thế, đến tranh chấp. Chúng cũng thúc đẩy những điều trái ngược: sự thất bại, lo sợ, sự bất lực. Dù sao đi nữa, chúng làm hư hỏng các khả năng tổng thể của đứa trẻ.

Nếu tâm trí của nhà giáo dục quá thiển cận (rối loạn tinh thần, hiểu sai lệch các sự việc, cái nhìn méo mó, kết tinh) thì đương nhiên trí thông minh của ông ta cũng bị hạn chế. Ông ta không thể nào xem xét cuộc sống về mặt tổng quát được. Thế mà giáo dục là sự phát triển của trí tuệ được hòa nhập trong cái nhìn tổng thể của thế giới. Nó không có nghĩa là thực hiện được các cuộc thi cử hiển hách mà là phát triển sự sáng suốt. Nếu tâm trí của các nhà giáo dục bị hạn chế, đương nhiên là họ sẽ chuyển giao những kiến thức theo sách vở, nhưng không phải là trí tuệ. Và nhất là tình yêu thương, và một lần nữa, nó sẽ là sợi xích vô tận.

Giáo dục phải là sự hợp tác trong sự khiêm tốn

Với sự giáo dục thực thụ, sẽ không được có kẻ trên người dưới, nhưng phải là sự hợp tác toàn diện. Nếu chúng ta dạy dỗ một người, chúng ta cũng học chừng ấy thứ mà người đó học của chúng ta. Giáo dục là sự trao đổi quan điểm thường xuyên. Rất nhiều nhà giáo dục có cảm tưởng họ là cấp trên những người mà họ dạy. Đây là một điều hoàn toàn sai lầm. Mà thường khi lại chính là điều trái ngược. Đứa trẻ và người thiếu niên muốn học hỏi và phát triển sự sáng suốt của chúng. Nhưng rất nhiều nhà giáo dục đã ngưng học hỏi và trở nên cứng đơ. Hơn nữa, mỗi khi có một cảm giác tự tôn, thì sẽ có nguy cơ chuyển giao một cách độc đoán những gì mà người ta cho là chân lý. Nhưng người ta không thể chuyển giao chân lý: mỗi người phải tự tìm lấy nó. Người giáo dục phải là một tinh thể sáng chói…Nếu ông ta nghĩ mình là cấp trên, ông ta sẽ cố định ông vai trò đó, và cố hết sức mình để bảo vệ vai trò đó. Uy thế của ông ta đã trở thành một ý muốn vô thức rằng mình có lý.

Hơn nữa, rất nhiều nhà giáo dục (các bậc cha mẹ hoặc giáo sư) rất cần cảm thấy họ là bề trên (đây là trường hợp của những người bị mặc cảm tự ti, của tất cả những người chuyên quyền). Vì vậy đó là một nhu cầu bệnh hoạn của sự kính trọng (thường là vô thức), sự tôn kính, khâm phục, v.v…

Những nhà giáo dục đó muốn người được giáo dục phải chấp nhận vô điều kiện các chỉ thị, sự thật, nguyên tắc; họ sẽ trở nên thù địch nếu người kia không làm như thế.

Một khi bắt buộc đứa trẻ chấp nhận uy quyền, người ta ức chế trí tuệ và sự tự phát của nó. Người ta bắt buộc nó phải thu hẹp sự sáng suốt và tinh thần của nó. Người ta ngăn cản nó nhận thức các giá trị nhân bản tương ứng với chính con người của nó. Cảm thấy là cấp trên có nghĩa là “thống trị” và áp đặt một sự chỉ huy được xác lập xuyên qua “cái tôi” bị biến dạng. Đến lúc đó nhà giáo dục có được cảm giác uy quyền để cứu vớt sự bất lực của ông ta… (và đây cũng là trường hợp của các bậc cha mẹ và các giáo sư rối loạn tâm lý, của vài người trưởng nhóm, của vài nguyên thủ quốc gia)

Hoàn toàn trái lại, nhà giáo dục phải đắm mình trong sự khiêm tốn sâu lắng. Có phải ông ta ngày nào cũng phải học thêm hay sao? Chỉ với sự khiêm tốn mới cho phép ông ta giữ được một tinh thần cởi mở và sẵn sàng. Dạy dỗ một đứa trẻ có nghĩa là “đặt mình vào vị trí của nó”. Làm sao người ta có thể làm việc đó nếu tâm trí của họ chứa đầy cặn bã kềm hãm trí tuệ và khóa chặt nó lại?

Một nhà giáo dục thực thụ phải có nội tâm sung mãn. Ông ta ban tặng và không hề nghĩ đến việc nhận lấy. Đối với ông ta vinh dự, sự biết ơn, quyền lực phải không là cái gì cả. Ông ta không hề có cảm giác ưu thế, và không hề muốn áp đặt bất cứ điều gì. Ông chỉ đơn giản nghĩ rằng định mệnh hiện giờ của ông ta là dạy dỗ, và việc tiếp nhận sự dạy dỗ này là nhiệm vụ của người kia.

Để được điều này, nhà giáo dục phải hoàn thiện chính mình với tất cả những phương tiện tâm lý sẵn có của ông ta. Một khi mà không được tách khỏi bất cứ thứ gì ngăn cản sự sung mãn nội tâm, ông ta chưa phải là một nhà giáo dục. Một khi mà còn tồn tại trong ông ta nỗi lo sợ, một mặc cảm tự tôn, ông ta chưa phải là nhà giáo dục. Đây là một điều luật vô cùng khắt khe nhưng cũng vô cùng đẹp như ánh nắng mặt trời.

 


Created by AM Word2CHM


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.