Những Thành Tựu Lẫy Lừng Trong Tâm Lý Học Hiện Đại
I. NHỮNG CHUYÊN GIA ĐÀO HANG VÀ NHỮNG THỢ ĐẼO ĐÁ.
MESMER VỚI THUẬT THÔI MIÊN
Ba người phụ nữ còn trẻ đang quằn quại trong các cơn co giật ghê hồn. Họ đã té bật ngửa ra sau, người run lên vừa cười như cười nắc nẻ, vừa tiếng nấc to lớn. Cơn khủng hoảng thần kinh bộc phát.
Trong bộ quần áo lụa đen, một người đàn ông đứng nhìn. Người đàn ông này là giáo chủ của nơi bí hiểm này. Trong căn phòng này, bóng tối gần như toàn diện. Các cửa sổ được các bức màn thật dày ngăn chặn ánh nắng mặt trời. Và Mesmer, cha đẻ của môn “Từ trường sinh vật”, nhà tiên phong của thuật thôi miên, tay cầm một cây đũa bằng kim loại đang nghĩ ngợi.
Ba người phụ nữ đang lên cơn. Ngay giữa căn phòng “mầu nhiệm” này, có một thùng bằng gỗ, bên trong có nước, miếng thủy tinh tán nhỏ và mạt sắt. Từ các lỗ trên nắp thùng, có ló ra vài thanh thép mềm.
Các bệnh nhân bước vào trong căn phòng này một cách trịnh trọng; người ta nghe được một điệu nhạc du dương. Các bệnh nhân giữ im lặng tuyệt đối và mỗi người cầm thanh thép ấn vào ngay chỗ bị đau.
Và Mesmer xuất hiện trong một áo choàng lộng lẫy. Ông chậm rãi đi đến trước mặt bệnh nhân, nhìn thẳng vào trong mắt họ. ông quơ cây đũa trên người họ… và ba người phụ nữ liền té xuống đất.
Và Mesmer, nhà thôi miên và thầy lang, nhớ lại cuộc đời mình…
1734. Ông chào đời tại Radolfzell, bên bờ hồ Constance. Bố của ông? Một người bảo vệ rừng. Đến mười tuổi, theo ý muốn của bà mẹ, ông vào tu viện để trở thành mục sư. Cho đến đại học, ông học môn thần học, nhưng ông còn học cả các môn thiên văn học, vật lý và toán. Ông đọc Paracelse, người luôn tin tưởng vào sự tác động của các vì sao…
Đến lúc đó Mesmer thay đổi ý định… Hướng đi của cuộc đời ông đã thay đổi. Ông rời bỏ Giáo hội, và xoay qua ngành Y khoa. ông sẽ trở thành mục sư của thể xác.
Như thế, Mesmer lao đầu theo ngành y khoa rất nghiêm khắc vào thời đó, một môn khoa học không bao giờ chấp nhận bất cứ điều gì không được chứng minh một cách thực tế. Nhưng Mesmer lại tin vào các sức mạnh vô hình và huyền bí. Trước ông, Guillaume Maxwell, không phải đã xem tất cả các loại bệnh tật như là một sự mất sức sống của các cơ quan của chúng ta hay sao? Ông ta đã không phải tin việc tái lập sự cân bằng đó phải được thực hiện với sự bồi hoàn của “sức mạnh từ trường” hay sao? – Và Mesmer cũng theo con đường đó.
1765. Mesmer được 31 tuổi. Mozart nới 9 tuổi, cậu Mozart mà ông Mesmer sẽ che chở vào năm 1768… Và Mesmer trình luận án y khoa “ảnh hưởng của các hành tinh trên con người”. Luận án này được coi như là một thách thức cho nền y khoa khoa học mà ông đã được lĩnh hội. Và ông thành công! Các bậc thầy của thời đó không coi đây là trò bịp bợm, có phải vì Mesmer là một sinh viên ưu việt!
Như vậy ông trở thành một thầy thuốc chính thức, con người với chiếc thùng gỗ, được công nhận. Ồ… nhưng ông không kiếm được nhiều tiền. Ông rất nghèo. Hãy nghĩ xem! Ông dành hết thời gian của mình để cứu chữa những người khốn cùng mà không nghĩ đến tiền nong và tiếng tăm…
Nhưng cuộc đời ông lại chuyển hướng một lần nữa. Vào năm 1768, Mesmer cưới một bà góa rất giàu. Và ông, người không bao giờ nghĩ đến danh dự và tiếng tăm, bất ngờ ông lại gặp những điều đó trên con đường đi của mình.
Mesmer cho rằng: có sự hiện hữu của một ảnh hưởng huyền bí toàn năng tác động lên mọi vật thể… ông tin rằng ý chí con người có khả năng tác động đến ảnh hưởng huyền bí đó, làm cho nó rời khỏi một điểm nào đó để tích thụ vào một điểm khác…
Và chúng ta đang ở vào năm 1768. Bà Mesmer có một cô hầu gái tên Franzl Gesterlin, mà sức khỏe tiều tụy sẽ là vật thí nghiệm của Mesmer. Thế cô Gesterlin bị bệnh gì đây? Gần như đủ mọi thứ… tê liệt tạm thời, rối loạn tiêu hóa, bị nôn mửa từng cơn, suy nhược, sợ hãi, ngất xỉu, mù lòa nhất thời. Nói tóm lại là bị ưu uất. Và cách trị liệu của Mesmer đã chữa lành người phụ nữ này.
Tiếng tăm lẫy lừng đã tôn vinh Mesmer, ông luôn tin tưởng vào công việc làm của mình và dám thách thức các đại giáo chủ khoa học của thời đó. Tên ông nổ rền và tiếng tăm vang dội. Nhưng Mesmer, với một bộ óc thực tế, thấy rằng việc chữa trị từng người một mất quá nhiều thời gian…
Và ông đã sáng chế ra cái thùng gỗ cho tập thể! Và các bệnh nhân sẽ được lùa vào trong giáo đường từng loạt…
Nhiều người tiếng tăm cầm vào các thanh thép kia. Nhà văn La Harpe cũng có mặt, kể cả Quận công Paul của Nga! Như thế, dường như mọi việc đều tốt, và tác dụng của thôi miên đã được dành cho những người quyền quý nhất…
Nhưng hai sức mạnh khác vẫn đang canh chừng: Y Khoa và Thời Trang.
* Thời trang. Hãy tưởng tượng xem các mệnh phụ phu nhân của thời đó bàn cãi về thuật thôi miên! Thế những người đó đã không làm như thế khi thổ lộ hết các mặc cảm của mình với Freud hay sao?
* Y khoa. Và chính các giáo sư đã công nhận cái luận án táo bạo của Mesmer, cũng đang chờ đợi cơ hội. Nó xuất hiện dưới hình dáng của một thiếu nữ trẻ bị mù (Thérésa von Paradis), một nhạc sĩ dương cầm được Nữ Hoàng bảo trợ. Không một liệu pháp nào, và cho dù chính các nhà nhãn khoa nổi tiếng nhất của Vienne chữa trị cũng không đem lại được một kết quả nào.
Trong nỗi tuyệt vọng, người ta đưa cô ta đến Mesmer… và ông đã làm cho cô ta nhìn thấy trở lại sau một liệu pháp chặt chẽ. Câu chuyện này có đáng tin không? Có thể, nhưng lại là thật. Đây là chứng mù vì bệnh ưu uất. Bây giờ hãy nghe xem… Một khi thị lực được khôi phục lại, cô gái này không còn chơi đàn hay như trước nữa. Và lợi tức từ công việc đó có nguy cơ ra đi. Các bác sĩ khám cô gái đó và nhìn nhận cô gái đã tìm lại được thị giác, nhưng lại từ chối việc cô ta có thể nhìn thấy bởi vì cô ta không biết tên gọi của các đồ vật! (Nhưng cô gái này đã bị mù từ năm lên ba!) Và các bác sĩ bắt đầu nguyền rủa Mesmer, và chính ông đã kể lại, bằng cách nào mà ông bố điên tiết của cô gái đã xông vào nhà ông với một thanh kiếm trong tay.! Nhưng rồi thị giác lại rời bỏ cô gái (điều này chứng minh bệnh này là do bệnh ưu uất). Mesmer bị.tống ra khỏi trường đại học và đã qua Pháp để ẩn náu.
Và như một việc thường xảy ra, một ủy ban được chỉ định để nghiên cứu Học thuyết của Mesmer không hề bận tâm đến việc xem Mesmer có chữa trị được hay không; nhưng chỉ cần phát hiện độ chính xác của các lý thuyết của ông mà thôi! Nhưng lý thuyết gì? Và “tác dụng thôi miên” là gì? Không thể có một chứng minh nào cả, và các lần chữa lành bệnh của Mesmer được xem… là trí tưởng tượng. Và mọi chuyện bị chìm vào trong quên lãng.
THÔI MIÊN VÀ SỰ ÁM THỊ
1814. Mesmer đã chìm vào trong bóng tối… nhưng phương thức của ông ta vẫn còn. Ông Puységur, một sĩ quan nổi tiếng trong quân đội, một nhà nghiên cứu thuật thôi miên trong điền sản của ông tại Soissons. Nhưng lần này không còn có màn, nhạc hay nghi lễ nào nữa. Điều kỳ diệu bắt đầu chiếm chỗ của khoa học! Chỉ cần một cái cây, một cái cây to lớn bị thôi miên cũng đủ cho ông rồi. (mà Frankini tuyên bố rằng ông không cần được thôi miên để có từ tính…)
Một hôm (một câu chuyện được nhiều người biết đến) một người chăn cừu trẻ tuổi “bị thôi miên” không hề vặn người. Thay vào đó, anh ta ngủ. Không phải vì mệt mỏi hay dửng dưng nhưng một giấc ngủ rất kỳ lạ… Người ta gây tiếng ồn, người ta la hét, nhưng không ăn thua gì. Người chăn cừu này không thức dậy. Còn hơn thế! Anh ta đứng lên, bước đi, nói chuyện và tuyệt đối tuân theo lệnh của ông Puységur… mà chưa chi ông ta nghĩ mình đã là hiện thân của ý chí toàn năng rồi. Thuật thôi miên đã được khám phá lẫn cả sự ám thị thôi miên.
Sau Mesmer và Puységur, Deleuse khám phá sự ám thị sau thôi miên. Ông ta nhận thấy, dù đã tỉnh táo, một người vẫn thi hành các mệnh lệnh đã nhận được trong lúc ngủ. (Thí dụ một trường hợp đơn giản rất thông thường: người ta thôi miên cho một người nào đó ngủ; người ta sẽ gợi ý cho người đó là nước mà người đó sẽ uống có nhiều tiêu. Người ta đánh thức người đó dậy, cho người đó uống nước mà người đó phun nước đó ra liền. Không có gì có thể loại bỏ ý nghĩ đó trong đầu anh ta. Để loại bỏ ý nghĩ đó, người ta phải cho anh ta ngủ lại).
Có rất nhiều nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục các công việc của họ và thuật thôi miên đạt đến đỉnh cao của sự hứng thú.
Nhưng những người theo thuyết của Mesmer nói nhiều quá… Mặc cho những thành công vang dội của các ca đại phẫu thuật dưới thôi miên (và chúng ta mới chỉ ở thế kỷ thứ XIX mà thôi), thuyết của Mesmer lại rơi sâu hơn lúc nó đạt đến đỉnh cao nhất…
Cơn sóng cuối cùng xảy ra tại Anh quốc, nơi mà bác sĩ Elloitson chuyển sang thuyết Mesmer, mà việc này bắt ông phải từ chức trong quân đội trong năm 1838…
Nhưng vào năm 1955, chính Anh quốc đã công nhận tính hiệu quả của thuật thôi miên và, qua Hiệp Hội Y Khoa Anh Quốc, yêu cầu thuật thôi miên phải được thực hành trong các bệnh viện và giảng dạy như các ngành học khác, sau đó là Liên Xô và tiếp theo sau ở nhiều nước khác nói tiếng Anh.
Chúng ta nên biết ngay từ năm 1838, có nhiều cuộc phẫu thuật cắt cụt chi được thực hiện không đau nhờ thôi miên. Như vậy, vào thời đại này, người ta chỉ áp dụng lại một phương cách trị liệu hết sức hấp dẫn.
Vẫn ở thế kỷ XIX, bây giờ đến một bác sĩ Esdaille, một thầy thuốc Anh quốc ở tại Ấn độ. Ông ta thực hành thuật thôi miên và đã thành công hơn ba trăm ca đại phẫu thuật nhờ thôi miên mà không gây một chút đau đớn! Và cái hiệu quả tuyệt vời đó được đón nhận như thế nào? Bằng sự khinh bỉ… và bệnh viện của ông bị đóng cửa.
THUẬT THÔI MIÊN, CÁNH CỬA CỦA VÔ THỨC
Các tạp chí bình dân đã mô tả một cách chính xác… Thế quý vị muốn gì, điều tuyệt diệu chăng!… Một bệnh nhân, nằm dài thật thoải mái, nếu có thể được…một không khí yên tĩnh… Một giọng nói trầm, đơn điệu, thấm dần và mệt mỏi của người thôi miên. – “Ông sẽ ngủ… ông đang rất buồn ngủ… Hãy nhìn vào mắt tôi đi…” Ngay trong lúc đó, bệnh nhân nhìn vào một vật sáng chói để hơn cao độ hai mươi phân trên mắt anh ta. Và giọng đó vẫn tiếp tục nói “… Anh sẽ ngủ… anh rất muốn ngủ…”.
Người bệnh nhân chớp mắt. Anh ta không còn muốn gì nữa, kể cả mở đôi mí mắt nặng trịch, hoặc giải tỏa bộ não đã tê cóng, không còn ý chí… Các đồng tử đã thu nhỏ lại trong khi hơi thở trở nên đều đặn và chậm rãi… Và giọng đó vẫn tiếp tục một giọng thật ấm, thật lôi cuốn của người điều khiển…
Và “sự gợi ý” thôi miên bắt đầu. “Ngay từ giây phút này, sự ngứa ngáy không còn làm cho anh khó chịu nữa. Ngay từ bây giờ, những nốt đỏ trên da sẽ biến mất… bệnh eczêma của anh sẽ biến mất… Anh có nghe không? Anh không còn bị bệnh eczêma nữa… Da của anh sẽ đẹp, mượt mà, không còn nốt đỏ nào nữa… Không còn nốt đỏ…”.
Và rất thường khi là bệnh eczêma được chữa khỏi và các nốt đỏ biến mất…
Hoặc thuật thôi miên tiền phẫu.
Năm 1956 đó là trường hợp của một phụ nữ Anh quốc được giải phẫu kèm thôi miên, đã làm xôn xao dư luận. Vị bác sĩ đã vẽ lên bụng của bệnh nhân một hình vuông tưởng tượng mỗi cạnh 20 phân. Người bệnh đang chìm trong giấc ngủ thôi miên. Vị bác sĩ nhấn mạnh “Tôi sẽ làm tê phần này của bụng… Tình trạng tê chỉ ảnh hưởng phần bên trong cái hình mà tôi đã vẽ. Bà sẽ không cảm thấy gì trong cái hình vuông này… Bà sẽ không cảm thấy đau…”
Cuộc giải phẫu được thực hiện mà người bệnh không hề biết đau.
Thuật thôi miên có thể làm xuất hiện những vết phồng da khi gợi ý rằng chỗ đó bị phỏng. Bằng lời gợi ý lúc thôi miên, người ta có thể làm tăng hay giảm nhịp đập của tim, thí dụ bằng cách gợi ý người đó đang chứng kiến một tai nạn. Như thế, trong trường hợp này, những thay đổi của nhịp tim được thể hiện với sự khởi phát một cảm xúc. Ảnh hưởng của thôi miên rất lớn trên đường hô hấp; rất quan trọng trên hệ tiêu hóa. Thuật thôi miên ảnh hưởng đến các co thắt và các chất bài tiết của bao tử và ruột. Nó cũng ảnh hưởng trên đường niệu (tăng hoặc giảm lượng nước tiểu). Cả trên các quan hệ tình dục, và ngoài ra dường như người ta có thể làm cho kinh nguyệt xảy ra sớm hoặc trễ hơn. Ảnh hưởng của thôi miên trên các triệu chứng vận mạch là vô hạn. Nhất là trên da, nó có thể làm xuất hiện các vết thương hoặc nốt phồng… (vì da luôn có mối quan hệ chặt chẽ với hệ thần kinh giao cảm).
Điều đó chứng minh được cái gì? Rằng những hiện tượng thôi miên cho thấy có mối liên hệ chặt chẽ giữa “tinh thần” và “thể xác” Tôi sẽ nói lại vấn đề này khi đề cập đến ưu uất và y học tâm thể. Đến chừng đó người ta mới thấy được các tiềm năng của thuật thôi miên… và hiểu tại sao người ta muốn lấy nó để làm phương thuốc vạn năng!
Giấc ngủ thôi miên xảy ra như thế nào?
Giấc ngủ thôi miên là một giấc ngủ không hoàn hảo, được gây ra nhờ (sự ám thị) sự gợi ý thôi miên (trong khi sự gây mê là giấc ngủ được thực hiện bằng hóa chất). Giấc ngủ thôi miên là một giấc ngủ không toàn diện: ý thức bị làm tê liệt nhưng vẫn hiện hữu. Chủ thể vẫn còn có khả năng tập trung vào sự chú ý; cảm giác của những giác quan vẫn còn. Trường lực của cơ không biến mất. Cũng chính vì thế mà người bị thôi miên có thể bước đi, đứng lên và giữ nguyên vài tư thế mà đối với người bình thường rất là mệt nhọc.
Thí dụ như người ta bảo người bị thôi miên là anh ta không thể cử động cánh tay phải được. Dù cho anh ta có muốn đi nữa, chúng ta cũng sẽ nhận thấy:
– anh ta co rút các cơ gấp để xếp cánh tay lại.
– rồi anh ta thả các cơ duỗi để giữ cho nó thẳng.
Trong lúc thôi miên, người ta nhận thấy chủ thể tỏ ra biết vâng lời, trong một chừng mực nào đó thôi! đối với người điều khiển. Anh ta trả lời và thi hành vài lệnh. Các lệnh phải được thực hiện sau giấc ngủ thôi miên, thường được thực hiện hơn; nhưng người ta vẫn chưa nhận thấy một hành động được hoàn tất nếu nó xung khắc một cách trầm trọng với cảm tính đạo đức của chủ thể.
Có thể nào người ta làm cho một người nào đó ngủ ngoài ý muốn của chính anh ta không?
Vào thời của Charcot, người ta tin là được. Thời đại ngày nay điều đó bị phủ nhận. Dù cho chưa phải là một khái quát, nhưng một người mắc chứng ưu uất có thể bị thôi miên ở mức tối đa… mà điều đó không có nghĩa là bất cứ người bị thôi miên nào cũng đều mắc chứng ưu uất.
Babinsky khẳng định rằng:
– chủ thể không mất trí nhớ trong lúc bị thôi miên
– giấc ngủ mê là không hề vô thức
– và chủ thể không hề mất đi sự kiểm soát của ý muốn chủ động; và vì thế anh ta sẽ không thi hành một cách mù quáng các mệnh lệnh của người điều khiển.
Và Babinsky còn nói thêm: “Trong các tình huống nghiêm trọng, những người bị thôi miên làm chủ trở lại các hành động của họ trong chừng mực giống như khi họ ở trong tình trạng tỉnh táo” Lời nhận xét này gợi lại câu chuyện buồn cười được Janet kể lại “Một người điều khiển trình diện một người bị thôi miên trước các sinh viên y khoa và cho phép họ đưa ra các gợi ý. Một trong các sinh viên đó đề nghị cô ta lột hết quần áo của mình ra. Khi nghe câu nói này, cô bị thôi miên đó bất ngờ tỉnh dậy và phẫn nộ bỏ đi ra ngoài… Để kết thúc, điều này làm cho người ta yên tâm hơn.
Ngoài ra, người ta nghĩ rằng khó có thể thuyết phục một người đang bị thôi miên, thực hiện một trọng tội. Nhưng nếu người đó có khuynh hướng gây tội ác thì sao? Chỉ có thí nghiệm mới có thể đưa ra câu trả lời.
Chúng ta phải xem thuật thôi miên như thế nào?
Một cách tự nhiên như các phương cách trị liệu khác, bất chấp cái tính chất “tuyệt vời” thoạt nhìn của nó. Nhưng tiếc thay, sự tin tưởng thông thường của thời đại này cũng giống y như hồi năm 1870; người thôi miên giống như một đạo sĩ có rất nhiều quyền năng và đang nắm trong tay ông ta định mệnh của chủ thể! Sự thật cũng không thần kỳ đến như thế và chỉ căn cứ trên cơ chế hoạt động của thần kinh, như chúng ta sẽ thấy ở phần sau.
Thuật thôi miên có thể là một tác nhân gây mê. Và nếu những cuộc đại phẫu thuật được thực hiện với giấc ngủ thôi miên, chúng ta không bao giờ được quên là chúng đã được thực hiện từ hồi thế kỷ XIX và chúng ta phải tỏ lòng ngưỡng mộ những nhà tiên phong đó. Như vậy, khả năng lớn nhất của thuật thôi miên là thay thế thuốc gây mê. Nhưng chúng ta cũng nhận thấy rằng chỉ có mười phần trăm những người có thể chịu được ảnh hưởng của thôi miên, mà điều đó cũng đã giảm đi rất nhiều những khả năng thực tiễn của nó.
Một khả năng quan trọng khác: sự gợi ý thôi miên làm giảm các cơn đau hậu phẫu.
Khả năng của thuật thôi miên về phương diện tâm lý học là như thế nào?
* Với các bệnh tâm thần: dường như không một kết quả cụ thể nào được ghi nhận. Có rất nhiều bệnh nhân tâm thần không thích hợp với thuật thôi miên, việc này thường gây ra cho họ những phản ứng điên cuồng.
* Về mặt tâm lý học: nhiều “thành công–giả tạo” rất ngoạn mục có thể được ghi nhận. Là điều hợp lý khi thuật thôi miên có thể loại bỏ các định kiến, ám sợ, chứng nói lắp, ám ảnh.
Đúng vậy, người ta thường nhận thấy vài rối loạn mau chóng biến mất. Các triệu chứng cũng thế. Tuy nhiên các kết quả đó không vĩnh viễn. Tại sao? Bởi vì căn nguyên sâu kín vẫn còn.
Những triệu chứng được sản sinh bởi căn nguyên sâu sắc đó; và nếu một triệu chứng biến mất, thì có rất nhiều cơ may cho một triệu chứng khác sẽ thế vào chỗ đó. Loại bỏ cái thứ hai thì cái thứ ba sẽ xuất hiện… Điều này chứng minh rằng cái căn nguyên bệnh hoạn không thể nào bị thuật thôi miên loại trừ được.
Như thế sẽ là một chuỗi dài của triệu chứng được khởi phát từ một căn nguyên lúc nào cũng tồn tại trong chiều sâu (mà chứng ưu uất là một thí dụ điển hình).
Bởi vì nếu muốn giết một con rắn, người ta không chỉ cần chặt có cái đuôi mà thôi…
CHỨNG RỐI LOẠN THẦN KINH.
Chúng ta không được quên điều này (mà chúng ta sẽ còn gặp nhiều lần nữa trong tác phẩm này): chứng rối loạn thần kinh đôi khi được biểu hiện như một cơ chế an toàn nội tại. Một người rối loạn thần kinh lúc nào cũng phải ẩn mình trong chứng bệnh để tìm sự an toàn cho tinh thần. Vì người đó phải tìm sự an toàn, nên đó là điều tất nhiên khi người đó lại cần đến chính chứng bệnh của mình (dù cho có ý thức hay không). Nói chung, một người rối loạn thần kinh không bao giờ than phiền chứng bệnh của mình. Người đó chỉ than phiền điều làm cho người đó đau khổ. Nhưng điều làm cho người đó đau khổ không phải là chính chứng bệnh, vì nó đã trở nên vô thức rồi. Nhưng chứng rối loạn thần kinh đó tạo ra các triệu chứng; những triệu chứng này rất nhức nhối và người bệnh muốn chỉ loại bỏ chúng mà thôi.
Đây là một thí dụ đơn giản: Người cầu toàn (Xem lại mục này)
Thí dụ một người cầu toàn đang đau khổ vì cô độc, bị ruồng bỏ, dễ xúc động và nhút nhát. Vì thế anh ta muốn được chữa khỏi tính dễ xúc động đó, sự cô đơn, sự nhút nhát đó, mà chúng chỉ là những triệu chứng mà thôi. Nhưng anh ta có muốn được chữa khỏi chứng rối loạn thần kinh sâu kín kia không: sự cầu toàn của anh ta đó? Không… bởi vì sự cầu toàn là sự an toàn của anh ta.
Như thế, người ta thấy trong trường hợp này, thuật thôi miên là vô hiệu. Ý muốn của người điều khiển sẽ xung đột với ý muốn sâu thẳm của người bệnh, và sẽ không có kết quả nào hết. Ở đây, chỉ tâm lý trị liệu theo chiều sâu mới hiệu nghiệm. Vì thế chúng ta nên trả thuật thôi miên về đúng giá trị đích thực của nó, mà nó khá là to lớn.
CHARCOT, Ở LA SALPÉTRÌERE
Với giáo sư Charcot (1825–1913), bác sĩ chuyên về bệnh thần kinh tại bệnh viện La Salpétrière, việc nghiên cứu thuật thôi miên bước vào giai đoạn… có thể gọi là chính thức đi. Hay hơn nữa! Là nó mang tính khoa học đi. Charcot, phụ trách các bệnh về thần kinh, đã nhận thấy tầm quan trọng của thuật thôi miên, luôn được đề cao hay loại bỏ một cách sôi nổi.
Nhưng Charcot là một bác sĩ chuyên về bệnh thần kinh chứ không phải là bác sĩ chuyên về tâm bệnh học. Về thần kinh học, ông phụ trách về những hiện tượng sinh lý của người bị thôi miên, những hành vi và phản xạ của người đó. Việc này khiến ông bỏ qua một bên các hiện tượng tâm lý. Một nguy cơ của việc chuyên môn hóa.
Chúng ta phải ghi nhận là Charcot chưa bao giờ thôi miên một người nào. Và chúng ta có thể tưởng tượng được cảnh ông bước vào trong căn phòng… và các học trò giới thiệu với ông một người đang bị thôi miên.
Dù sao Charcot cũng có lý… Vì nhận thấy việc nghiên cứu các hiện tượng tâm lý là rất tế nhị, ông muốn trước tiên phải biết rõ các tính chất vật lý của những hiện tượng bất thường đó để dễ dàng nhận ra chúng bằng các biểu hiện, hầu không bị nhầm lẫn với sự giả vờ. Tôi xin nhắc lại là Charcot, trước hết, muốn nghiên cứu các hành vi và phản ứng của những người được cho ngủ bằng thuật thôi miên.
Vì vậy ông Charcot vĩ đại lại bắt tay vào việc nghiên cứu các hiện tượng sinh lý của thuật thôi miên. Nhưng có một điều này: môi trường ở La Salpétrière chỉ “cung cấp” những phụ nữ mắc chứng ưu uất (như thể dễ bị thôi miên) để cho ông theo dõi. Vì thế Charcot đi từ một trường hợp riêng biệt đến một trường hợp tổng quát quá dễ dàng. Ông mới tuyên bố là chỉ những loại bệnh nhân đó mới thích ứng cho thuật thôi miên!… Đối với ông, các hiện tượng của thuật thôi miên là những hiện tượng bất thường.
BERNHEIM, HOẶC CUỘC TUYÊN CHIẾN
Bernheim, theo trường phái Nancy, không bao giờ đồng ý gì hết và không ngần ngại gì hết để nói điều đó.
Chỉ có các bệnh nhân mới dễ bị thôi miên thôi à? Không hẳn thế, Bernheim đáp lại! Thuật thôi miên là một hiện tượng rất tự nhiên và phần lớn con người đều có thể bị thôi miên.
Ông ta tuyên bố như sau “Cái mà người ta gọi là thuật thôi miên chỉ là việc cho hoạt động một đặc tính bình thường của não bộ: tính dễ bị ám thị nghĩa là khả năng bị một ý nghĩ chi phối một cách tuyệt đối. Không hề có thuật thôi miên: ở đây tôi muốn nói là không hề có một trạng thái đặc biệt, bất thường nào đáng được gọi như thế; chỉ là các chủ thể ít nhiều dễ bị ám thị mà người ta có thể đưa ra những gợi ý, cảm xúc, hành vi, ảo giác…”
Thế chúng ta kết luận như thế nào đây?… Kết luận rằng các khả năng bị thôi miên lại phụ thuộc vào trạng thái của cơ thể ngay trong thời điểm đó; và các hiện tượng của thuật thôi miên bắt nguồn từ một căn nguyên tâm thần: tính dễ bị ám thị mà chúng ta sẽ xem xét ở đoạn sau.
BABINSKY, NGƯỜI ĐƯA RA KẾT LUẬN…
Joseph Babinsky (1857–1932) công nhận các quan điểm của Bernheim.
Đối với ông, thuật thôi miên là sự ám thị, được tăng cường bởi tình trạng không thể kiểm soát. Ông xem thuật thôi miên như “một tình trạng tâm thần bắt chủ thể đang chịu tác động, có khả năng tuân theo những gợi ý của người khác”. Đề cập đến bệnh u uất, ông ta không xem đó là một căn bệnh thể chất mà như là một tình trạng tâm thần làm cho chủ thể đang chịu tác động, có khả năng tự ám thị và dễ bị người khác ám thị.
SỰ ÁM THỊ KHÊU GỢI CẢM XÚC.
Phiên tòa đại hình đang nhóm họp; mạng sống của một con người sẽ được quyết định trong giây phút. Luật sư bào chữa trổ hết tài năng hùng biện của mình. Mệt mỏi vì phải để ý đến quá nhiều chứng cứ, nhưng bồi thẩm đoàn vẫn theo dõi. Thế người ta đã không kêu gọi đến lý trí, đến đức độ và tính liêm chính của con người hay sao? Và vị luật sư bào chữa, cố thuyết phục các vị thẩm phán…
Vị bào chữa bất ngờ nhắc đến thời thơ ấu của bị cáo. Cha nghiện rượu, mẹ cũng nghiện rượu, những vụ gây gổ trong một gia đình bần cùng, những trận ẩu đả… Vị luật sư nói thật to “Xin quý vị bồi thẩm hãy nghĩ đến cái thời thơ ấu khủng khiếp đó và hãy tha bổng!”. Một bồi thẩm tái mặt. Như một mũi tên, lời kêu gọi này bắn trúng tim ông ta, không phải trúng vào lý trí, trái lại đúng vào cảm xúc của ông ta. Bởi vì vị bồi thẩm này cũng nhớ lại người cha nghiện rượu của mình, một bà mẹ luôn vắng mặt, cảnh nghèo khổ, đến thời thơ ấu đau khổ của chính mình. Lời nói của vị luật sư đã ảnh hưởng đến ông ta rất nhiều.
Thế là xong. Đối với viên bồi thẩm này,vị luật sự đã thắng cuộc. Sự suy luận và sự thuyết phục đã nhường bước cho cảm xúc. Và sự thôi thúc xuất phát từ đó làm chủ tình hình. Và cũng từ viên bồi thẩm này sẽ là sự tha bổng hoặc giảm án…
Khi mà tính lô gích và lý trí đang luống cuống thì sự ám thị cảm xúc sẽ chiến thắng.
Những người cầm đầu đám đông biết rất rõ sức mạnh của việc ám thị này! Bà Lem Riefenstahl, người đạo diễn của Đệ III Đức Quốc Xã, cũng biết rõ điều này. Bà đã đưa lên màn ảnh những lần Hitler xuất hiện trong các buổi lễ long trọng của Parteitag! Hơn một trăm ngàn người đứng thật chỉnh tề! Hằng ngàn cờ xí và chuông của thành phố Nuremberg đổ liên hồi; một quảng trường bằng đá và cẩm thạch, một lối đi dẫn ra một khu rừng rộng lớn… Và chính trên lối đi này, Hitler tiến bước một mình, không cận vệ, trong tiếng ca vang và đại bác nổ rền từ xa… Có vẻ giả tạo quá phải không? Đương nhiên rồi. Nhưng rất khích động vì một cảm xúc mãnh liệt.
Bởi vì ngay lúc đó, chỉ cần đưa ra một mệnh lệnh nào đó cũng đủ lôi cuốn đám người đó như một cơn thủy triều…
Và những cuộc diễn hành đúng nhịp như một màn vũ balê rầm rộ và oai hùng! Điệu nhạc với tiếng trống định âm vang động? Mà điều đó làm cho người chống chủ nghĩa quân phiệt hăng say nhất cũng phải nghĩ “… cảnh tượng đó làm cho tôi cảm thấy như thế nào ấy…”. Vẫn là sự ám thị khêu gợi cảm xúc.
THẾ ÁM THỊ LÀ GÌ?
Chúng ta không nên nhầm lẫn sự gợi ý với sự thuyết phục.
Nếu tôi muốn thuyết phục anh, tôi tìm đến lý trí của anh. Tôi sẽ cố dành cho được sự tán thành tự nguyện và ý thức của anh. Anh sẽ được thuyết phục khi anh nhìn nhận tôi có lý và đồng ý với các lý lẽ của tôi.
Nếu tôi muốn ám thị anh, tôi sẽ áp dụng một phương pháp khác hoàn toàn. Tôi sẽ nhắm vào tính dễ bị ám thị của anh… mà dường như đó là điều hiển nhiên. Để làm việc đó, tôi không được quan tâm đến ý thức và lý trí của anh và phải đánh trúng vào các trung tâm thần kinh vô thức; mà điều đó đòi hỏi những tình huống đặc biệt, bởi vì ít nhiều gì lý trí và ý thức cũng phải bị loại bỏ. Vì vậy, người ta sẽ bị ám thị chỉ khi nào khả năng chống đối có chủ ý không còn nữa.
TÍNH DỄ BỊ ÁM THỊ LÀ NHƯ THẾ NÀO?
Đó là một tình trạng tinh thần cho phép một người dễ dàng tuân theo một cách tuyệt đối các mệnh lệnh được ban ra.
Tình trạng đó có thể được biểu lộ trong các trường hợp sau đây:
* Tính dễ bị ám thị có thể bắt nguồn từ sự ngây ngô và tính cả tin. Đó là những người “tin đủ mọi chuyện”. Nhưng đó chưa phải là tính dễ bị ám thị theo đúng nghĩa của nó.
* Tính dễ bị ám thị được biểu hiện trong vài trường hợp rối loạn nhất thời: kiệt sức, suy nhược thần kinh, các dạng rối loạn cảm xúc làm mất đi tính tự chủ (người ta biết các cuộc hoảng loạn tập thể!), tính quá xúc động (cũng như vị bồi thẩm đó đã bị thuyết phục nhưng sau lại bị ám thị). Mức độ cao nhất của tính dễ bị ám thị được gặp trong chứng ưu uất.
Tóm lại:
Sự thuyết phục: được thực hiện từ một cuộc tranh luận ý thức. Người ta tự nguyện tin tưởng
Sự ám thị: Là việc người ta chấp nhận không bàn cãi hoặc suy luận. Đó là một sự kiện người ta chấp nhận ngay tức thì như một sự thật. Việc ám thị nhắm ngay vào ý thức (cũng giống như sự ám thị do thôi miên).
– Một thí dụ cho sự ám thị: một người quen của bạn đang ngồi trên chiếc ghế nha sĩ để chịu việc khoan răng. Có rất nhiều khả năng là chính bạn sẽ cảm thấy đau ở một cái răng nào đó hay ở một nơi khác. Như vậy, ngay lúc đó bạn sẽ cảm thấy đau trong khi không có một tổn thương nào chứng minh cho sự đau đó. Người ta sẽ bảo “Tưởng tượng!” trong khi bạn đau thật sự. Đến lúc đó người ta sẽ nghi ngờ là hệ thần kinh đã có vấn đề rồi. Chúng ta sẽ xem xét trường hợp này sau.
– Ngoài ra sự ám thị đôi khi tương ứng với một ý nghĩ sâu kín của cá thể đó. Hãy nhìn xem một anh chàng nhút nhát vừa ra khỏi phòng chiếu một phim của Douglas Fairbanks! Hãy nhìn anh ta cho kỹ: anh ta muốn bắt chước Fairbanks! Anh ta là Fairbanks! Anh ta cảm thấy nhẹ nhõm, ung dung, mạnh dạn nhìn mọi người!
Người này đã bị ám thị… và Fairbanks đã khơi dậy trong anh ta một cảm thức vô thức: đó là cảm thức về sức mạnh mà anh ta muốn có, một đối trọng cho sự yếu đuối của mình. Như vậy sự ám thị là việc một ý tưởng được đưa vào trong bộ não và được nó chấp nhận. Nó nhắm vào việc tạo ra một xung lực không ý thức mà từ đó sẽ khởi phát hành vi.
CÁC ĐIỀU KIỆN CỦA ÁM THỊ
Ám thị là một hành vi đặc biệt và những điều kiện của nó cũng phải như thế. Và sự ám thị chỉ thực hiện được với các điều kiện đó mà thôi.
1/. Sự ám thị tương đối tự nhiên.
Tôi nhắc lại người nhút nhát kia ra khỏi phòng chiếu phim. Anh ta muốn có sức mạnh bởi vì anh ta yếu đuối. Ý muốn này tiềm ẩn trong anh ta. Thế Fairbanks có ám thị người nhút nhát này không? Không. Ông ta chỉ khởi động sự vận hành mà thôi: và sự tự ám thị của người nhút nhát làm hết phần còn lại. Cái ý muốn đó biến thành lòng tin nhất thời và sẽ tạo ra các hành vi (dáng đi, cách nhìn, giọng nói, cử chỉ,…).
Điều kiện thứ 1: Sự ám thị tự nhiên phải tương ứng một cảm nghĩ sẵn có trong vô thức của chủ thể và có thể tạo ra một xung lực.
Điều kiện thứ 2: Là việc chống lại ám thị không được xảy ra. Những trường hợp thông thường: kiệt sức, cảm xúc, nhút nhát suy nhược, lo hãi,… Như thế, sư chống đối của tinh thần bị suy giảm, sẽ giúp cho người đưa ra gợi ý hoạt động dễ dàng hơn. Thí dụ: nếu người ta nói với một người quá xúc cảm đang trong lúc sợ sệt “trời ơi, anh cảm thấy khó chịu lắm phải không và sao anh tái xanh như thế…” Lời ám thị này không gặp phải sự phản kháng nào hết. Ngoài ra, nó chỉ chạm phải một cảm giác đã có sẵn trong chủ thể, và nỗi lo hãi liền khởi phát.
Thế người đưa ra gợi ý đã làm gì? Ông ta nung đúc, thúc đẩy và kích thích cái cảm nghĩ vô thức kia. Chủ thể liền chuyển sang tình trạng tự ám thị. Như vậy, người ta thấy việc ám thị rất khó xảy ra nếu chủ thể làm chủ các khả năng của mình; anh ta sẽ tranh luận, suy luận…và như thế chúng ta lại rơi vào trường hợp thuyết phục. Như vậy, sự ám thị tự nhiên chỉ có những hiệu quả nhất thời, bởi vì nó tùy thuộc vào một trạng thái thiểu năng nhất thời.
2/. Khi ám thị tâm bệnh lý.
Đây là một trong những trường hợp được Janet ghi nhận. Irène, một thiếu nữ 21 tuổi, đau nặng sau cái chết của mẹ cô. Cô từ chối việc uống nước từ vòi, bởi vì cô cho rằng từ cái vòi đó không chảy ra nước mà là máu. Từ lúc nào đã bắt đầu sự tự kỉ ám thị đó, cái hư giác đó? Từ ngày mà Irène thấy nước từ cái vòi đó nhỏ từng giọt một… “giống như máu từ môi của mẹ cô”.
Sự tự kỉ ám thị của Irène đã trở thành một định kiến. Định kiến là một tự kỉ ám thị được đẩy lên mức cao nhất. Thôi miên là một phương tiện lý tưởng để cấy một định kiến vào não của một người. Sau đây là một thí nghiệm tầm thường của thuật thôi miên.
Một phụ nữ được cho ngủ. Sau đó người ta gợi ý với cô ta là cái ly mà cô đang cầm trong tay đựng nước rất mặn. Tiếp đến người ta đánh thức cô dậy. Cô ta uống nước đó (mà thật sự đây là nước tinh khiết) và nhổ nó ra ngay với bộ điệu tởm lợm. Cô ta nói nước này “mặn quá”, và không gì, không một lời giải thích nào, không một chứng mình nào, có thể làm cho cô ta nghĩ khác được. Để làm được việc đó, người ta phải cho cô ngủ lại và gợi ý ngược lại.
Vì thế người đó, do bị thôi miên, đã mắc phải định kiến: nước mặn. Việc gợi ý này đến từ người thôi miên, và nó đã trở thành một sự khẳng định tuyệt đối cho người bị thôi miên; sau đó là sự tự ám thị và một định kiến. Tôi xin nhắc lại là trong tất cả những phương cách đó, luôn có một cơ chế vận hành thần kinh đơn thuần mà chúng ta sẽ xem xét khi cần. Ám thị không phải là một phép lạ một khi chúng ta hiểu được cách hoạt động của thần kinh, và cái bí mật “kinh hoàng” sẽ biến mất…
THẾ NÀO LÀ ĐỊNH KIẾN
Chúng ta có thể xem nó như một ý nghĩ “ăn bám” vào đời sống tinh thần của con người. Cái ý nghĩ ăn bám này có đủ sức mạnh và kiên định để loại bỏ tất cả những ý nghĩ khác. Không một lập luận nào, không một tranh cãi nào, có thể loại bỏ được định kiến, giống như nó là một tảng đá không thể lay chuyển được.
Có hàng ngàn loại định kiến, từ loại bất thường nhẹ đến loại bệnh rất nặng. Chúng có thể áp đặt sự hiện diện của chúng trong một thời gian ngắn, dài hoặc rất lâu… đôi khi suốt cả một đời người… trong sự khốn khổ của những người chung quanh. Hàng ngàn định kiến có thể được cất vào trong não của một người. Ở đây cũng thế, tính chất bệnh lý chỉ là sự phóng đại của một việc bình thường, theo chiều sâu và thời gian.
Những định kiến được xem là bình thường.
Một nhà thông thái đang bước đi và một vấn đề làm cho ông phải lo nghĩ… Vấn đề này chiếm lấy toàn bộ con người ông. Ai sẽ ngạc nhiên khi thấy ông này cầm cục phấn, một cách vô thức viết lên một chiếc xe hơi đang đậu? Ai sẽ ngạc nhiên trước sự “lơ đãng” quá mức của ông ta? Ngay lúc đó, nhà thông thái, đang là nạn nhân của định kiến: với vấn đề của riêng ông. Nhưng định kiến này chỉ tạm thời mà thôi; nó chỉ tồn tại cho đến khi nào ông lý giải được cái khó khăn của vấn đề ấy… hoặc cho đến khi nào một chiếc xe hơi khác thắng gấp ngay trước mặt ông, “để kéo” ông ra khỏi cái giấc mơ tỉnh táo đó.
Một nghệ sĩ đang bị ám ảnh bởi một tác phẩm đang thai nghén, không hay biết, không để ý gì khác ngoài cái đó? Trường hợp này cũng là định kiến. Dù là nghệ thuật và có dễ chịu đi nữa, cũng mặc, vẫn là định kiến.
Người đàn ông đó, bị ám ảnh bởi các phiền muộn gia đình, làm hết lỗi này đến lỗi khác trong công việc, chồng chất các sai phạm? Vẫn là định kiến nhất thời, rất khó chịu và mệt sức.
Những định kiến được xem là bất thường.
Trong cái thế giới mệt mỏi và dễ xúc động hiện nay, có hàng chục ngàn người, đang trong khi nằm ngủ, lại đứng lên. Họ đứng lên để kiểm tra vòi ga. Sau đó họ đi nằm lại. Rồi một nghi ngờ xuất hiện: “Không biết mình đã khóa kỹ cái vòi đó chưa?…” Và lý trí trả lời “Có rồi, mày đã khóa rồi”. Nhưng hiện tượng xúc động vô thức vẫn tiếp tục nghi ngờ. Và nó “mạnh” hơn họ. Họ lại đứng lên. Kiểm tra một lần nữa. Rồi đi nằm lại. Người ta đoán chừng sau hai hay ba lần kiểm tra thì họ sẽ bị thuyết phục được xúc động đó? Không bao giờ! Họ sẽ đứng lên nữa, mỗi lần lại mệt hơn, càng lúc càng không thể chống lại cái định kiến kia, mà họ nhìn nhận là vô lý nhưng không một lập luận nào có thể làm gì được. Ở đây tôi chỉ cho thí dụ của một trường hợp định kiến nhẹ, thường bị nối kết với một thiểu năng nhẹ, một tình trạng kiệt sức hay lo âu. Nhưng vẫn là định kiến và là triệu chứng của một trạng thái bệnh hoạn.
Tôi muốn giới thiệu thêm một số định kiến nữa… nhưng nó quá nhiều! Vì thế chúng ta phải hiểu là chúng gồm cả một số lớn và nhiều mức độ khác nhau, đi từ nhẹ cho đến trường hợp nặng nhất, từ nhất thời cho đến vĩnh viễn. Dù sao đi nữa, định kiến luôn được sản sinh bởi một cơ chế vô thức.
Thế những định kiến mà người ta thường thấy nhất là gì? – Các loại ám ảnh – Chứng sợ (mà chỉ có trời mới biết con số chính xác!…) – Phần lớn là các nỗi lo âu – Các tật nhỏ, và lớn, ngoại diện hoặc sâu kín – Các tật khi chúng vẫn vô thức hoặc “máy móc” – Ám ảnh bị điên (thường xảy ra) – ám ảnh bị té ở ngoài đường, v.v…
Và chúng ta phải tự hỏi nếu cái thời đại tốt đẹp của chúng ta, với đầy rẫy mệt mỏi, hụt hẫng và cảm xúc khó chịu, chẳng phải là một môi trường lý tưởng để nuôi cấy các định kiến trầm trọng mà tôi thật lòng không muốn thấy con người mắc phải dù chúng có thể được chữa trị.
Sự trì hoãn trong định kiến.
Nhà bác học tập trung ý nghĩ cho vấn đề của ông ta, được xem như một “người đãng trí”. Nhưng thật sự ông ta không hề đãng trí: ông ta đang bị trì hoãn. Tôi có nói đến sự trì hoãn trong các mục Mệt mỏi và Nhút nhát. Nếu nhà bác học đó không nhận ra điều này, chỉ vì tâm trí ông ta đang dồn hết cho vần đề đó đến mức không còn nghe thấy hoặc nhận biết những gì xảy ra chung quanh mình. Tại sao thế? Trong não ông ta, tất cả các trung tâm thần kinh không tham gia vào công việc đó đều bị khoá lại.
Trong định kiến, đương nhiên là các tế bào bị khóa không thể nào tạo ra các dao động cần thiết! Và những thông tin từ bên ngoài không thể nào khởi phát bất cứ một phản ứng nào.
Thí dụ: đối với nhà bác học kia, một chiếc xe phóng tới trước ông ta trong tiếng còi inh ỏi, vẫn không được bộ não của ông ta ghi nhận, bởi vì định kiến đã khóa hết các trung tâm thần kinh khác mà trong lúc tự nhiên, chúng phải phản ứng lại chiếc xe hơi hoặc với một việc nào khác.
Vì thế, chúng ta thấy tình trạng sảng khoái của tâm trí, không bị một quan điểm nào ngự trị, không ngoan cố, không ương ngạnh, là một điều tốt đẹp và thánh thiện biết bao!…
Làm cách nào định kiến tâm bệnh bắt rễ?
Suốt một ngày bình thường, mỗi con người đều phải hứng chịu biết bao cuộc tranh luận, lời bóng gió, đủ mọi đề nghị. Thế tại sao chúng ta lại không hề có định kiến? Và một lần nữa, tôi phải làm bản so sánh giữa:
a) ý nghĩ nổi trội nhất của thời điểm đó.
và b) định kiến theo đúng nghĩa của nó (tâm bệnh)
Nếu một định kiến hiện hữu, là bởi vì một “cái gì đó” trong trạng thái của chủ thể, cho phép nó như thế.
Đến lúc này hai điều kiện nhập cuộc:
1– Sự ám thị.
2– Tình trạng thể chất và tinh thần của chủ thể ngay lúc anh ta nhận ám thị đó.
Để lộ diện, định kiến đòi hỏi phải có sự sai lệch của sự cân bằng tự nhiên của bộ não: do xu hướng, quá mất sức, bị nhiễm trùng, do cảm xúc,… Nhưng, và tôi xin nhắc lại, nó chỉ bắt rể khi nó phát triển một nhân tố cảm xúc có sẵn. Tôi lấy lại thí dụ của người nhút nhát ra khỏi phòng chiếu phim. Sự gợi ý do phim tạo ra, đã trở thành tự kỉ ám thị. Nhưng tự kỉ ám thị này chỉ “kích thích thêm” một tình trạng hiện hữu: một ý muốn mãnh liệt có được sức mạnh, tự tin, thoải mái, v.v…
Định kiến có thể:
a. ý thức. Một người bị ám ảnh biết chắc mình có định kiến… bởi vì anh ta chống lại nó với lý trí của mình… mà không kết quả.
b. vô thức. Trường hợp của Irène (ở phần trên). Đó cũng là định kiến được hình thành bởi sự gợi ý do thôi miên. Nhưng dù sao, cái căn nguyên cho phép định kiến xuất hiện vẫn là vô thức.
Thôi miên có thể tạo một định kiến, ít ra là đối với vài cá thể. Nhưng chúng ta có thể nào kết luận rằng tất cả những người có định kiến đều bị thôi miên không? Đương nhiên là không rồi! Vì vậy, nếu ý nghĩ đó không được cấy từ bên ngoài vào thì làm sao sự tự ám thị có thể ảnh hưởng đến mức đó được? Chẳng hạn, làm sao một sốc do cảm xúc có thể tồn tại và tạo ra định kiến, tật, ám ảnh, ám sợ được? Chúng ta sẽ hiểu thêm vấn đề này khi nghiên cứu về Janet.
ÉMILE COUÉ, với sự xung đột nội giới
Bất chấp các nền tảng quá sơ đẳng của phương pháp của ông, Emile Coué (1857–1926) vẫn có công trạng lớn. Ông đã đưa sự tự kỉ ám thị vào thực hành mà ông xem như là ám thị của chính bệnh nhân.
Chúng ta biết điều này: trong các chứng tâm bệnh, sự lý luận ý thức không giúp ích được gì. Cả sự tranh luận hợp lý và sự thuyết phục. Thí dụ: Một người rất nhút nhát luôn đưa ra những lý lẽ chính đáng để phủ nhận mình là người nhút nhát; anh ta không ngừng cố tự thuyết phục bằng các lý lẽ tinh thần. Việc đó có ngăn cản sự nhút nhát không? Không… còn trái lại! Huống chi, sự vô ích của lý luận lộ rõ trong các ám ảnh, ám sợ, lo hãi, v.v…
Vì thế, một nhà tâm lý biết rõ việc không nên “thuyết phục” một bệnh nhân tâm lý. Và sẽ rất lố bịch khi bảo thái độ anh ta là phi lý vì một lý lẽ nào đó, và anh ta “phải cố gắng lên”… Rất nhiều bệnh nhân tâm lý phải hứng chịu thái độ không thông cảm cũng chính vì lý đó. Người ta không ngừng nói với họ các khái niệm về ý chí, mà không hề nghĩ rằng tính năng này đã bị sai lệch ngay từ lúc khởi điểm. Tại sao? Bởi vì cách hoạt động mà thần kinh tạo ra ý chí đã bị sai lệch. Điều đó không khác gì việc yêu cầu một nhạc sĩ vĩ cầm hãy chơi nhạc theo nốt mi trên một dây đàn được so với nốt fa. Người nhạc sĩ đó muốn biểu diễn lắm chứ… nhưng cây vĩ cầm chỉ cho ra nốt fa mà thôi. Thế chúng ta có phải hét lên, la ó, khinh bỉ anh ta, bắt buộc anh ta bằng bất cứ giá nào cũng phải chơi nhạc theo nốt mi không? Không! Chúng ta phải lấy cây vĩ cầm… và so dây lại theo nốt “mi”.
Bất cứ sự biểu hiện nào của một ý chí thực thụ, để được lộ diện, luôn cần đến các điều kiện cơ bản. Zbinden đã tuyến bố “Lý luận sai là một tật xấu tai hại không khác gì việc sử dụng mooc–phin hoặc bạch phiến”. Có thể nói khác được không? Nếu lý luận “đúng” là kết quả của một cảm tính “đúng” thì lý luận “sai” là kết quả của một cảm tính “sai”. Nhưng tiếc thay, người ta quên điều này hết chín lần trong mười trường hợp… và tôi còn lạc quan đấy!
Nếu cảm xúc vô thức đã nói “Không” thì mặc cho lý luận bảo “có” cho đến kiệt sức đi nữa cũng không ăn thua gì. Trong bất cứ mọi trường hợp, cảm xúc luôn chiến thắng. Một người bình thường hiếm khi hiểu được điều này. Tại sao? Bởi vì trong con người ấy, có sự thỏa thuận giữa ý chí, ước muốn và cảm tính. Có một thỏa hiệp giữa ý muốn với khả năng. Nhưng có phải đôi khi anh ta cảm nhận có sự giằng co nội tại, được kèm theo nỗi lo hãi không? Có phải “một cái gì đó” bắt anh ta phải làm ngược điều anh ta muốn làm không? Mà trong tư tưởng anh ta đã phát triển sự tương khắc; mà với thời gian anh ta làm cho nó nghiêm trọng hơn về cường độ và chiều sâu, và chỉ đến khi đó anh ta mới hiểu được!
Thế thì, nếu bất cứ một bệnh tâm thần nào cũng có nền tảng cảm xúc, thì liệu pháp tâm lý cũng phải nhắm vào cảm xúc đó. Và chính tại đó, là cái ung nhọt tâm lý đang ẩn mình trong bóng tối.
Vì vậy ông Coué đã cố gắng làm như thế khi tuyên bố “Một khi trí tưởng tượng và ý chí có tương khắc, trí tưởng tượng luôn chiến thắng, mà không có ngoại lệ…”. Như vậy Coué đã trao cho đời sống tâm lý vô thức cái nhiệm vụ chủ yếu mà ông gọi là trí tưởng tượng. Hiển nhiên phương pháp của ông là sơ đẳng; nó cố gắng loại bỏ một ám thị bệnh hoạn bằng một ám thị đối nghịch lành mạnh. Giống như một lệnh và một phản lệnh vậy. Mọi người đều biết phương pháp nổi tiếng này. Coué thường bảo bệnh nhân của mình thường xuyên phải lặp đi lặp lại, dù họ không tin đi nữa, nhưng cốt để tác động đến lỗ tai mà thôi “Tôi cảm thấy càng ngày càng khá hơn về mọi mặt…”
Những lời nói này, được lặp nhiều lần như một cái máy, đều được dẫn vào vô thức (cảm tính), và cuối cùng vô thức đó cũng bị thuyết phục theo phản ứng, thúc đẩy người đó hành động một cách tự nhiên, một cách hợp lý và tự nguyện.
Phương pháp này là sơ đẳng, bởi vì nó chỉ xem xét các triệu chứng theo “khối”. Nó không quan tâm đến nỗi đau được cảm nhận và rất hiếm khi loại bỏ được các căn nguyên tiềm tàng. Phương pháp Coué đương nhiên vẫn nằm trong phạm vi của ám thị: chủ thể nghe một giọng nói (của chính mình) gợi ý sự cải thiện, và chính niềm tin vững chắc đó biến thành tự ám thị.
Sẽ là tầm thường khi còn nói (căn cứ trên những khám phá của khoa tâm lý hiện đại và nền y học tâm–thể) tâm trí ảnh hưởng đến thân thể; và nếu tâm trí có thể khởi phát một căn bệnh… thì chính tâm trí đó cũng có thể chữa lành căn bệnh đó. (Ở đây “tâm trí” phải được hiểu là “bộ não”). Đây là một thực tế. Chúng ta sẽ thấy trong những phần sau, toàn bộ cơ thể phải chịu sự điều khiển của não bộ. Mà theo đó phương pháp Coué có thể chấp nhận được.
Nếu bạn muốn thực hành tự kỉ ám thị.
Tự ám thị cũng như ám thị đến từ một người khác, là một phương pháp tuyệt diệu để huấn luyện hành động và ý chí. Tôi xin nói rõ tự ám thị không phải chỉ được thực hiện với những bệnh nhân mà thôi! Trái lại. Tự ám thị nếu được làm một cách đứng đắn, sẽ bổ xung cho vô thức nhiều năng lượng mới và tập hợp nhiều trạng thái tỉnh táo mới. Đó là một phương tiện rất hữu hiệu để phát triển và củng cố nhân cách. Nó cho phép chỉnh sửa các thiểu năng cảm xúc. Tôi nhắc một lần nữa… bộ não chi phối lên thân thể với một quyền lực gần như độc đoán.
Những điều kiện của tự kỉ ám thị.
Người ta phải xem tự kỉ ám thị như là sự trầm tư hơn là sự tập trung tư tưởng. Trầm tư là việc thả nổi tâm trí; một sự mở rộng thụ động và yên lặng; nó dễ dàng cho phép thu nhận các ý nghĩ và cảm giác. Trong khi tập trung tư tưởng là sự gắng sức nhắm vào một điểm. Chúng ta biết tập trung tư tưởng làm ngủ đi một phần lớn não bộ; vì thế nó mặc nhiên loại bỏ hàng trăm cảm giác có thể rất hữu ích…
Trở ngại… và là một trở ngại tầm cỡ! Bác sĩ Dubois, ở thành phố Berne, đã cho các bệnh nhân của ông nhiều lời khuyên rất bổ ích: “hãy loại bỏ các phiền não của quý vị… hãy gạt qua một bên sự lo âu… hãy trút bỏ các lo lắng… và hãy hướng tâm trí của các bạn đến những điều thú vị v.v…”
Nhưng như Janet đã nói: “… dĩ nhiên điều đó là tốt đấy nhưng có vẻ khôi hài nếu muốn đề cập đến các người không thể điều khiển được ý nghĩ của họ. Mỗi khi nằm yên trên giường, họ luôn nghĩ đến những ảo tưởng, họ tự vắt kiệt sức trong các công việc tính toán và trù tính hóc búa…”
Mà đó lại là điều hiển nhiên! Cũng như phải nói với một người bị ám ảnh “…anh đừng bao giờ nghĩ đến nỗi ám ảnh của mình nữa…” hay với một người mắc chứng cuồng động “… coi nào, anh hãy bình tĩnh đi, rất bình tĩnh có được không!…”
Có phải đúng là một trò chơi trẻ con không?
Làm sao loại bỏ trở ngại này được?
Là phải làm cho cái ý nghĩ bệnh hoạn đó tách khỏi tâm trí càng xa càng tốt. Muốn như thế, phải nhắm, gần chừng nào hay chừng đấy, đến các trung tâm thần kinh vô thức trong khi vẫn “thả nổi” ý thức. Vì vậy tình trạng thoải mái là rất cần thiết. Làm cách nào có được tình trạng thoải mái đó? Thân thể phải được nằm dài và bất động. Có nhiều kỹ thuật hiện đại dành cho việc thư giãn từ từ các cơ bắp; chúng cần sự điều khiển của một chuyên gia. Sau đó cảm thấy các chi của mình trở nên nặng nề hết cái này đến cái khác. Nhắm mắt lại nhưng mí mắt vẫn để hé. Và như thế cho đến khi đạt được trạng thái đờ đẫn và cái cảm giác mình đang bay lâng lâng trên chính cơ thể mình. Dĩ nhiên là nơi này phải hoàn toàn im lặng và tối đen. Người ta không thể nào tưởng tượng sự nhập định trong tiếng ồn!
Thời điểm nào thích hợp nhất?
Đối với những người chưa quen tập luyện thư giãn cơ bắp, việc chọn thời điểm để hòa trộn Ý Thức–Vô Thức, gần như được thực hiện một cách tự động. Có nghĩa là lúc gần như mê man, trong trạng thái vừa ngủ chập chờn.
Hoặc trong cơn đờ đẫn lúc vừa thức dậy, khi tâm trí bắt đầu nhận thức những vật thấy được.
Trở ngại: Rất nhiều chủ thể không bao giờ đạt được trạng thái đờ đẫn (những người cuồng động, bị ám ảnh, bị mất ngủ, v.v.). Vì thế việc can thiệp bằng thuốc đôi khi là cần thiết. Dù sao đi nữa, việc thực tập cách thư giãn theo chiều sâu phải do một chuyên gia hướng dẫn.
Rồi sao nữa? Khi đạt được trạng thái đờ đẫn rồi (cảm giác đờ đẫn và lâng lâng) và không có bất cứ mối lo lắng nào, đến lúc đó mới đưa một ý nghĩ bổ ích vào vô thức. Đương nhiên là ý nghĩ đó, đối với các bệnh nhân, phải là điều trái ngược với tình trạng thiểu năng của họ. Đừng bao giờ làm cho việc trầm tư đó trở thành sự tập trung tư tưởng. Bởi vì một khi bắt đầu cố gắng thì phải ngưng lại ngay.
Vậy có thời điểm nào lý tưởng không?
Có nhưng rất khó đạt được nếu không có luyện tập. Chúng ta không được để cho ý thức và vô thức ở cách nhau quá xa: ám thị (luôn phải chủ động) đương nhiên sẽ mất hiệu lực ngay. Trước khi đạt đến giới hạn của giấc mơ, bộ não phải chìm trong trạng thái đờ đẫn. Nhưng nó vẫn ý thức mà không được có mối lo lắng nào hết. Chúng ta đều biết giấc ngủ chập chờn, cái trạng thái “nằm vắt ngang” giấc mơ và hiện thực. Đến lúc đó con người (mà trước đây là diễn viên) sẽ trở thành khán giả. Anh ta không còn tham gia trò chơi để chuyển qua chiếm ngưỡng trò chơi. Cũng giống như anh ta đang xem một cuộn phim đang diễn ra trước mắt mình. Anh ta ngắm nhìn một chuỗi hình ảnh gần như không giống với hiện thực. Anh biết là mình không mơ bởi vì anh ta vẫn ý thức. Tiếng tíc tắc của đồng hồ, tiếng ồn của đường phố, tiếng động của một cánh cửa, tiếng chó sủa vẫn đến với anh ta với độ trong suốt và cường độ hoàn hảo. Anh ta như đang bay lâng lâng trên cuộc đời ngay trên thân thể của chính mình. Vả lại hiện tượng đó dễ chịu vô cùng. Những hình ảnh và cảm giác đó, như một bức hoạt họa, hiện ra với tất cả tính phi lý mà người đó chấp nhận một cách tự nhiên. Anh ta còn có thể loại bỏ một nhân vật nào đó để thế một nhân vật khác vào đó, v.v… Đây là thời điểm lý tưởng để thực hiện ám thị.
Vậy thì: Phải chờ cho đến khi nào con sóng ức chế tràn ngập gần hết vỏ não, là trung tâm của sự ý thức chủ động. Kết quả đạt được sẽ là trạng thái mơ mộng với trường ý thức tối đa (trong khi với sự tập trung tư tưởng, phạm vị ý thức bị thu hẹp rất đáng kể).
Những phương tiện khác: Rất hữu hiệu hơn nhiều, nhưng phải cần đến sự trợ giúp của nhà tâm lý. Việc chiếu rọi những hình ảnh có thể thực hiện được, nhưng ở đây chúng ta bước vào lãnh vực của khoa tâm lý theo chiều sâu. Tôi sẽ nói lại vấn đề này trong các mục “Tượng trưng” và “Giấc mơ tỉnh táo”.
Thực tập tự ám thị sẽ được gì?
Kết quả là chúng ta có cơ hội tạo ra một trạng thái tinh thần hữu ích. Nó có thể ảnh hưởng đến thể xác (về mặt này, có hàng vạn trường hợp khuôn mẫu).
Đây là một trường hợp từ một bệnh viện: Một người đàn ông đã bị bệnh trong một thời gian dài, dường như bị ung thư vì ông ta mang rất nhiều triệu chứng. Cuộc giải phẫu được quyết định và nhà phẫu thuật đã mổ bụng bệnh nhân. Ông ta nhận thấy tình trạng ruột rất xấu nhưng không có dấu hiệu ung thư. Các xét nghiệm được tiến hành: không có ung thư. Các bác sĩ đều sững sờ; bởi vì những triệu chứng mà người đó đang gánh chịu là của căn bệnh quái ác kia…
Điều gì đã xảy ra? Sẽ rất dài dòng nếu phải kể chi tiết cuộc đời khủng khiếp của con người khốn khổ này. Một cuộc đời bất hạnh, cô độc, bị ruồng bỏ, nghèo khổ về thể chất và bất hạnh về tinh thần…
Một ngày nọ, ông ta bị bệnh. Không tiền bạc, nhưng ông ta vẫn được nhập viện. Đến lúc đó, trong căn phòng chung, và đây là lần đầu tiên trong cuộc đời khốn khổ của mình, ông ta cảm thấy hạnh phúc. Ông ta ở chung với nhiều bệnh nhân khác và chúng ta đều biết nỗi đau khổ thường hay gắn bó con người lại với nhau… Các bác sĩ đều hòa nhã, ân cần và tươi cười. Các nữ y tế cũng rất cảm thông với đôi tay dịu đàng. Đây là cái giường, không phải trong sự cô độc và nghèo nàn, nhưng rất tình người. Đây là sự an toàn cho tinh thần và thể chất. Và cơ chế vận hành vô thức bắt đầu hoạt động. “Mày phải ở lại đây… mày phải tiếp tục bị bệnh… càng ngày bệnh càng nặng hơn…”. Việc tự ám thị bắt đầu, nhức nhối, liên tục và mãnh liệt. Và người khỏe mạnh thành có bệnh. Triệu chứng của bệnh ung thư xuất hiện, càng ngày càng dữ dội hơn cho đến cuộc giải phẫu vô ích kia… Đối với người đó, “căn bệnh ung thư tượng trưng cho một “sự an toàn” lý tưởng. Và trường hợp này cho thấy sức mạnh của não bộ, mà chúng ta sẽ gặp lại trong chương về y học tâm–thể.
Nhưng bạn có biết vụ ông bị “say sóng” không? Chiếc tàu đang neo tại cảng và ông này ngủ trong cabin của mình. Màn đêm buông xuống. Ngay giữa đêm tối, tiếng máy tàu vang xuyên qua vách buồng. “Tàu đang ra khơi…” ông ta tự nhủ. Và mọi thứ bắt đầu: nôn mửa, lo hãi, ước muốn được chết đi… Cảm thấy xấu hổ, ông co rút người lại, đau khổ trong im lặng cho đến sáng. Nhưng rồi ông đứng lên và nhìn qua cửa sổ tròn… chiếc tàu vẫn đậu nguyên tại chỗ.
Mọi người đều biết sức mạnh của sự ám thị. Nhưng thỉnh thoảng, chúng ta có cần nhắc lại điều đó hay không?
Vì thế, người ta dễ dàng nghiệm thấy sức mạnh của sự ám thị đúng cách, khi các điều kiện cho phép. Vì vậy những bài thực tập trí tuệ phải được thực hiện mỗi ngày, nhất là khi người đó chỉ có khái niệm cơ bản về kỹ thuật đó.
Ám thị có thể chữa trị được gì?
Ở đây tôi muốn đề cập đến ám thị theo chiều sâu, một kỹ thuật hết sức đặc biệt mà con người tự mình không thể nào thực hiện được nếu không có luyện tập. Trong số các trường hợp thông thường: thiểu năng tình dục, trạng thái lãnh cảm của nữ giới, lo sợ, ám sợ, lo hãi, chứng mất ngủ, những tật xấu nguy hại, “tính yếu đuối”, vài chứng rối loạn của da, và nhiều chứng ưu uất…
Và chúng ta nhận thấy, dù có thô sơ, phương pháp mà ông Emile Coué khám phá, đã đặt ra nền tảng cho khoa tâm lý của tương lai. Chúng ta hãy ngợi khen ông ta và chúng ta tiếp tục.
Người Nga PAVLOV; con chó bạn của chúng ta
và cơ chế vận hành của trí tuệ.
Bây giờ chúng ta hãy hướng về một chân trời mới với những hậu quả gần như không thể lường được. Ivan Pavlov là ai, vị chuyên gia sinh lý học rất nổi tiếng nhưng nghèo và không đủ tiền trang trải cho tuần trăng mặt của mình với bà vợ Sérafina Karschevoskaya? Mà vào năm 1895, được đề cử làm giáo sư sinh lý học và được nhận giải thưởng Nobel vào năm 1904?
Ông đơn giản là một con người thanh liêm và rất đam mê công việc nghiên cứu. Một con người bắt đầu biết nghĩ đến những biểu hiện được ghi nhận từ nhiều thế kỷ qua, và cố gắng sử dụng cái biết rồi để lý giải những điều chưa biết…
Chúng ta biết con người thường chảy nước miếng khi thấy một trái chanh! Người ta cũng biết là mỗi khi nói đến một “bữa ăn thịnh soạn” sẽ làm cho con người thèm ăn!… Nhưng người ta xem các phản xạ đó như là những hiện tượng của “trí tuệ” nên không cần quan tâm đến chúng. Nhưng người ta có nghĩ đến chuyện của con người và trái chanh, một khi được đẩy lên đến cực điểm, có thể làm tiêu tan đạo lý, tự do ý chí, công lý và các giá trị nhân bản không?
Chúng ta hãy thực hiện một thí nghiệm lâm sàng. Trong một thời gian khá dài, một bệnh nhân nào đó được chữa trị bằng những mũi thuốc an thần. Nhưng một ngày nọ, một y tá với một ý ngông cuồng lạ thường, đã chích cho ông ta một mũi nước cất… Nhưng hiệu quả an thần vẫn tác dụng!
Thoạt nhìn, người ta có thể nghĩ bệnh nhân này đã bị tự kỉ ám thị. Nhưng nếu tâm lý của bệnh nhân này hoàn toàn ổn định thì sao? Như thế, chúng ta có nghĩ anh ta đã phản ứng lại với chính mũi thuốc, chớ không phải với chất thuốc được chích vào không?
Chúng ta hãy xem xét trường hợp con chó của Pavlov.
Đây là một con chó đang đói meo mà người ta sẽ cho một món ăn khoái khẩu. Đương nhiên con chó sẽ biểu lộ sự vui thích. Nhưng trong lúc nó đang ăn, người ta lại đốt bàn chân của nó. Con chó đáp lại bằng một cảm giác đau đớn. Sau một thời gian, trò chơi nước đôi này (vui thích và đau đớn), người điều khiển đốt cái chân con chó mà không cho món ăn nào.
Con chó, bị nhiễm chứng tự hành hạ như con người, đã biểu lộ ngay trong cơn đau tất cả các dấu hiệu của sự vui thích. – Điều gì đã xảy ra?
Bộ não của con chó đã kết hợp: Sự vui thích (thức ăn) cùng một lúc với Đau đớn (vết phỏng) và sự kết hợp này đã biến thành Vui thích = Đau đớn.
Hãy để con chó qua một bên và hãy quan sát con người. Chứng tự hành hạ là một trạng thái bất thường khá phổ biến của tâm lý. Nhà văn Masoch đã đặt cho trạng thái này cái tên của mình, không phải vì đã khám phá ra sự lệch lạc gần xưa như trái đất, nhưng là vì nó mô tả một cách khá chính xác thái độ của chính ông ta.
Bằng sự lệch lạc đó, con người cảm thấy thỏa thích (tình dục hay tinh thần) trước sự đau đớn. Sẽ không có thích thú nếu con người không bị đau đớn:
– hoặc về thể chất (vài cú đánh, hay giả vờ đánh…)
– hoặc về tinh thần (chửi bới, hạ nhục, khinh bi, v.v…)
So sánh như thế, chứng tự hành hạ chỉ là một phản xạ được nối kết với sự đau đớn và sẽ không được biểu hiện nếu không có nó. Nếu như thế, dường như chúng ta thấy trường hợp của con chó được hoán vị.
NHỮNG PHẢN XẠ CÓ ĐIỀU KIỆN, CÁNH CỬA ĐƯỢC MỞ RỘNG TRƯỚC VỰC THẲM
Một phản xạ có điều kiện là một phản xạ được thể hiện bởi một tình huống, còn gọi là điều kiện.
Có hai thể chánh:
1– phản xạ kích thích, là phản xạ tức thì xảy ra ngay sau điều kiện.
2– phản xạ bị ức chế, có tác dụng như một cái thắng hay sự dừng lại.
Thí dụ: X… băng qua đường. Một chiếc xe hơi chạy cách đó vài thước, nhấn kèn inh ỏi. Nhưng có một người đang nhìn anh ta và anh ta muốn tỏ mình là một người bình tĩnh trước mọi tình huống (một người cầu toàn, chằng hạn).
a) Điều kiện thứ nhất: kèn xe.
b) Phản xạ kích thích đầu tiên: giựt mình, hoảng sợ, xúc động, trốn chạy.
c) Điều kiện thứ hai: một người đang nhìn và anh ta muốn giữ thể diện là người luôn bình tĩnh.
d) Phản xạ bị ức chế: anh ta không bỏ chạy, cảm xúc của anh ta bị chặn lại và anh ta giả vờ bình thản.
Như vậy phản xạ thứ hai (d) đã ngăn chặn cái thứ nhất (b).
Pavlov và các thí nghiệm của ông ta.
Tôi hơi do dự khi nhắc lại chúng vì chúng quá nổi tiếng rồi. Chúng ta chỉ xem xét lại trường hợp của con chó mà thôi.
a) Người ta cho con chó một miếng thịt. Con chó chảy nước miếng. (bằng sự bài tiết tự động của các tuyến nước bọt).
b) đồng thời người ta cho miếng thịt, người làm cho chuông reo.
c) sau một thời gian, chỉ tiếng chuông thôi (không có thức ăn) cũng làm cho con chó chảy nước miếng.
Sau đó Pavlov dạy cho con chó:
a) phải chảy nước miếng mỗi khi nghe bất cứ tiếng chuông nào (như phần trên). Tiếng chuông = tín hiệu 1.
b) đáp ứng lại một tín hiệu khác, nhưng không liên quan gì với thức ăn. Như vậy con chó sẽ không chảy nước miếng khi nghe tín hiệu số 2.
Rồi:
a) Người ta đưa một miếng thịt và cho vang lên tín hiệu số 2.
b) Con chó sẽ không chảy nước miếng trong khi miếng thịt phải gây ra hiện tượng này.
Vì thế:
Tín hiệu 1: Kích thích (chảy nước miếng)
Tín hiệu 2: Bị trì hoãn (ngưng chảy nước miếng dù có miếng thịt).
Như vậy, chúng ta thấy tầm quan trọng không thể ngờ được cả về mặt tâm lý lẫn đạo đức – của hai thí nghiệm này. Nếu thái độ của con người chỉ toàn là những phản xạ thần kinh thuần túy, hiển nhiên là sẽ không thể quy trách nhiệm cho bất cứ người nào và cho bất cứ tình huống nào. Đến lúc đó trách nhiệm tinh thần trở thành một từ vô nghĩa…
PHẢN XẠ SƠ ĐẲNG (vô thức) – PHẢN XẠ BẬC CAO (ý thức)
Phản xạ sơ đẳng.
Tôi chạm tay vào cái nồi nóng; tôi rút tay lại.
Phản xạ: rút tay lại.
Điều kiện: nóng – đau đớn.
Phản xạ bậc cao.
Hãy tăng thêm độ phức tạp cho phản xạ này: tôi không rút tay lại, và giữ nguyên sau một thời gian nhất định.
a) Phản xạ đơn giản (kích thích): rút tay lại.
b) Phản xạ bị trì hoãn: từ chối rút tay lại dưới điều kiện của sự kiêu hãnh, để chứng tỏ “ý chí” của mình, để chứng tỏ ta đây có thể chịu được cơn đau.
c) Phản xạ cuối cùng: tôi để tay nguyên như thế.
Như vậy phản xạ đã đi qua các trung tâm thần kinh cao cấp (vỏ não), nơi ngự trị của ý chí, lựa chọn, quyết định, từ chối,…
Bây giờ cao thêm một chút nữa. Đây là một con ếch không có bộ não. Người điều khiển nhỏ một giọt a xít lên chân con ếch. Người ta thấy con ếch cố dùng chân kia để chùi giọt a xít đó! Người ta có thể nghĩ đây là một hành vi có tính toán, chủ động… Nếu con ếch có bộ não, và giả dụ như nó biết suy nghĩ, có phải nó tin là nó “muốn” loại bỏ cái giọt làm cho nó khó chịu không? Có phải nó sẽ cho là hiện thực cái cảm giác của ý chí chủ động, mà theo đó được hình thành cả một hệ thống tinh thần nhưng không được đặt trên bất cứ một nền tảng nào hết.
Bởi vì con ếch đó không còn não bộ. Như vậy, ở đây là cơ chế vận hành tự động của hệ thần kinh, mà chỉ với nó thôi cũng đủ làm cho người ta phải quỳ xuống bái phục.
* Cánh cửa mở trước vực thẳm?
Đúng vậy. Dưới góc cạnh này, khả năng hành động tự nguyện, hành động có ý thức, hành động của tinh thần nói chung chỉ là một tổng hợp các phản xạ phức tạp xảy ra trong não bộ. Vì thế không liên quan gì đến sự tự do lẫn trách nhiệm…
Như vậy người ta có thể “tạo điều kiện” để một chủ thể trở thành một vị thánh, hoặc một tên cướp, tùy theo các tình huống được đưa vào hệ thần kinh của người đó không?… (Đương nhiên là với điều kiện những thí nghiệm trên thú vật có thể được áp dụng đối với con người).
Giả dụ chuyện đó là được đi, và một người phải lựa chọn giữa A và B.
– Anh ta muốn chọn A (bởi vì A tượng trưng một cảm giác dễ chịu cho anh ta).
Nhưng anh ta không thể đến A được (bởi vì nhận thức đạo đức của anh ta, được điều kiện hóa bởi sự giáo dục, ngăn cấm anh ta làm việc đó).
– Anh ta do dự và sự do dự này được điều kiện hóa bởi A (ham muốn, kích thích) và nhận thức về đạo đức có điều kiện (ngăn chặn, ức chế).
– Rồi anh ta do dự nhiều hay ít hơn, mau hay lâu hơn. Hình thức do dự này bị điều kiện hóa bởi tình trạng thể chất và tinh thần. Một trạng thái cân bằng sẽ làm cho sự do dự này ngắn ngủi. Một tình trạng thiểu năng sẽ kéo dài sự do dự này thành sự bực bội, xao động, cơn giận dữ, thôi thúc, v.v… (Chúng ta đã thấy phản ứng của con chó).
– Cuối cùng anh ta chọn B, bởi vì sự lựa chọn này là kết quả–phản xạ của tất cả các phản xạ có điều kiện khác.
Như vậy, người đàn ông đó sẽ không phải chịu trách nhiệm khi từ chối A. Không sự ngưỡng mộ, không một công trạng, không một khen thưởng nào có thể được ban tặng cho anh ta. Kể cả việc không thể khiển trách anh ta được dù cho anh ta có chọn A đi nữa. (Trong trường hợp này, tất cả các phản xạ “ngăn chặn” đều tỏ ra yếu hơn phản xạ (ham muốn). Nói tóm lại, trò chơi có thể được làm cho phức tạp đến vô cực.
Như vậy chúng ta thấy tầm quan trọng không thể lường của các thí nghiệm của Pavlov… mặc dù ông ta là một người mực thước. Bởi vì ông ta không phát triển những khám phá này trên con người. Ông ta chỉ làm một so sánh “về bản chất tổng thể và thần kinh” giữa thú vật và con người, và như thế bỏ ngỏ các cánh cửa được mở rộng cho tất cả những cuộc nghiên cứu và tín ngưỡng khác…
* Một con chó rối loạn thần kinh! Nếu như bạn có một con chó, có thể bạn đã huấn luyện nó được phép ăn trong bàn tay mặt của bạn và từ chối thức ăn được đưa ra trong bàn tay trái? Như thế:
– Tay phải = Kích thích, được phép ăn.
– Tay trái = Trì hoãn, từ chối thức ăn.
Người ta sẽ ghi nhận được gì khi người ta đưa thức ăn với bàn tay trái? Con chó xao động, tiến lên, thụt lùi, nhảy nhót, sủa, biểu lộ tất cả các triệu chứng của sự tương khắc nhức nhối giữa ý muốn và sự ức chế của nó. Đồng thời nó cũng bị kích thích bởi miếng mồi, sự ức chế đã ngăn cản nó. Khuynh hướng tự nhiên của nó nói “được”, nhưng sự giáo dục có điều kiện bảo “không”.
Và khán giả cười mà không hề biết rằng con thú này phản ứng như một người, và trong phần lớn các chứng rối loạn thần kinh…
Pavlov tạo điều kiện cho một con chó có phản ứng khi để nó trước một vòng tròn sáng trưng được chiếu trên một màn ảnh; để tăng thêm điều kiện này, ông cho con chó ăn.
Người điều khiển sau đó chiếu một hình êlíp sáng trưng với bề mặt và cường độ ánh sáng tương tự nhưng không làm tăng thêm điều kiện. (So với hình tròn, hình êlíp sẽ mang các đặc tính ức chế, vì rằng không có thức ăn).
Rồi Pavlov làm cho hình êlip đó mỗi lúc một tròn hơn. Cho đến một điểm nào đó, con chó nhận định được sự khác biệt. Nó không hề nhúc nhích trước hình êlíp. Nhưng thái độ của nó thay đổi khi hình êlíp này gần trở thành một hình tròn. Nó trở nên xao động, sủa, rồ dại, khó hiểu, hú như một con chó điên…
Con chó này đã bị rối loạn thần kinh, bởi vì có sự xung đột giữa sự kích thích và trì hoãn, giữa cái “được” và cái “không”.
Thế mà nhà tâm lý khám phá được xung đột này ở mỗi bước đi của chúng ta… Và khi “ngăn chặn”, phản xạ kích thích, Pavlov đã tạo nơi con chó, một mâu quẫn giữa các khuynh hướng; có nghĩa là chứng rối loạn thần kinh.
Trong khi Pavlov không nới rộng các kết luận này với con người, nhiều người khác sẽ tiến xa hơn thế…
Người Mỹ WATSON với thuyết hành vi
Từ behavior: thái độ, hành vi, ứng xử. – Watson, người Mỹ (cho nên thực tế) trước tiên bắt đầu theo khoa tâm lý học thú rồi đột ngột chuyển hướng sang khoa tâm lý học con người bằng cách đơn giản hoán vị vô điều kiện những phương thức của môn kia sang.
Nhưng trong tâm lý học thú, người ta phải từ bỏ việc tưởng tượng những gì đang xảy ra trong tâm hồn những con vật được nghiên cứu. Và Watson sẽ làm y như thế với con người mà không bao giờ bận tâm đến trạng thái chủ quan của người đó.
Nói tóm lại, đối với thuyết hành vi, toàn bộ thái độ của con người chỉ là phản xạ.
Với Pavlov, chúng ta thấy những kích thích đơn giản: âm thanh, ánh sáng, mũi chích, v.v… Nhưng Watson, khi nới rộng các phản xạ của bất cứ hành động nào của con người, đã tìm được một từ tượng trưng cho cái cơ chế vô cùng phức tạp của tất cả các điều kiện có thể: Tình huống.. Như thế thái độ, cá tính con người chỉ là cách mà con người phản ứng lại những tình huống của thời điểm đó, của “môi trường” của anh ta.
Như vậy, đối với thuyết ứng xử, bất cứ cử chỉ nào, bất cứ ý nghĩ nào, ý chí, lựa chọn, từ chối, bất cứ ý thức nào, đơn giản chỉ là những phản xạ thuần túy của một tình huống nào đó…
Watson đã nói gì? “Hãy cho tôi một chục đứa con nít, khỏe mạnh, có thể tạng tốt và một loại hình xã hội mà tôi cần để nuôi dưỡng chúng, tôi xin cam đoan với sự lựa chọn ngẫu nhiên, và theo cách đào tạo của tôi, chúng trở thành những chuyên gia như là bác sĩ, doanh nhân, luật gia, và trở thành ngay cả tên ăn mày hay trộm cắp, bất kể tài năng, khuynh hướng, thị hiếu, năng lực của chúng, cũng như nghề nghiệp và chủng tộc của tổ tiên chúng.”
Con người với thuyết hành vi.
Nhân cách. Nhân cách sẽ là một tổng hợp những thói quen, phản xạ, bị điều kiện hóa một cách tuyệt đối bởi các tình huống. Vì thế, không hơn không kém, con người chỉ là sản phẩm của các tình huống mà thôi.
Tư duy. Đó chỉ là một hành vi sinh lý đơn thuần chủ yếu để nói chuyện với chính mình. Chúng ta nên nhớ lại lời nhận xét nổi tiếng này “Não bộ phát sinh ra tư duy cũng như lá gan tiết ra mật vậy.”
Lương tâm? Dù chưa được lý giải, nó vẫn là một thực tế. Nó phát sinh từ não bộ và biến mất theo nó.
Căn bệnh tinh thần. Đây là một mâu thuẫn (giống trường hợp con chó) giữa những phản xạ kích thích và những phản xạ bị trì hoãn (chúng ta sẽ gặp lại điều này khi nghiên cứu về Freud).
Nói chung: con người sẽ là một cỗ máy tuyệt hảo, nhưng cũng chỉ là một cỗ máy mà thôi với một bàn phím rộng lớn. Sẽ không có sự khác biệt nào với con thú, ngoại trừ những rắc rối của con người do số lượng tế bào thần kinh nhiều hơn. Một cỗ máy, không có tự do hoặc bất cứ một trách nhiệm nào…
Như thế, theo thuyết hành vi, con người chỉ là một tổng hợp vô cùng phức tạp của các phản ứng, ngay cả với những năng lực bậc cao cũng như những hành vi sơ đẳng.
SỰ KHIÊM TỐN BẮT BUỘC
Chúng ta phải nhìn nhận rằng nếu tình thế này là thật, ít ra nó cũng mang lại một kết quả: đó là loại bỏ tính kiêu căng đôi khi vô lý của con người, và thỉnh thoảng giúp cho con người nghĩ lại thân phận của chính mình… Nó sẽ loại bỏ những phán xét, khinh bỉ, chê trách giữa con người với nhau; và con người trở nên khiêm tốn trước vũ trụ và cảm nhận mình là một chi tiết ý thức của nó.
Nhưng thật ra, có phải não bộ trước hết là một cỗ máy tuyệt diệu, một cây đại phong cầm phi thường mà người ta có thể biểu diễn vô số bản nhạc không? Và nếu người ta nghĩ rằng cuộc đời của người nhạc sĩ còn kém xa so với sự thông suốt cách đánh cây đàn này, ít ra con người cũng nên nghĩ đến con số vô lượng của những phản xạ có thể được phát sinh từ hàng tỉ tế bào não.
Và cuối cùng cho dù sự thật là gì đi nữa, chắc chắn có nhiều ý nghĩ và hành động chỉ là những thói quen và phản ứng được thu thập mà thôi. Chúng là những phản xạ có điều kiện của các tình huống xã hội, địa lý, tôn giáo, đạo đức, gia đình, được thừa kế, được di truyền lại.
Nhưng chúng ta có phải đã thấy có hàng triệu người chỉ biết dạo vài nốt nhạc trên cây đàn bao la kia không? Có phải chúng ta thấy họ “sống” bằng những thói quen tinh thần, những tật, nỗi sợ hãi, ức chế, lo hãi của họ không?
Và cây đàn của họ chỉ biết vang lên có vài ba nốt, vẫn là những nốt đó mà thôi, trong khi khả năng của họ có thể biểu diễn được cả một bản giao hưởng hùng vĩ… Tuy nhiên dù có bị chìm trong hàng vạn thói quen tinh thần, có phải họ luôn hô hào sự tự do và trách nhiệm của họ và tự cho phép mình phán xét người khác không?
Vì thế người ta mới nghiệm thấy tầm quan trọng đáng sợ của giáo dục. Vì sự giáo dục cơ bản của đứa trẻ được đặt trên nền tảng của các ám thị và phản xạ có điều kiện, và nếu sự truyền dạy không được thực hiện theo đúng cách, một số lớn của chúng có nguy cơ sẽ bắt rể vĩnh viễn. Chúng ta thấy nếu một phản xạ nào đó trở nên nổi trội hơn, nó sẽ ngăn cản sự thích nghi thích hợp với các tình huống! Và một khi trưởng thành, con người luôn chỉ đưa ra có mỗi một câu trả lời như một cây đàn được so dây cho chỉ một bản nhạc mà thôi…
Created by AM Word2CHM
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.