Những Thành Tựu Lẫy Lừng Trong Tâm Lý Học Hiện Đại

II. NGÔI GIÁO ĐƯỜNG ĐƯỢC KHÁM PHÁ



PIERRE JANET (1859 – 1947)

Pierre Janet là một vĩ nhân của ngành tâm lý học Pháp… Một người đàn ông tinh tế, thanh nhã, nổi danh vào năm ba mươi hai tuổi với các công trình nghiên cứu, nhưng vẫn nhanh nhẹn cho đến khi tuổi đã cao.

Một con người không giáo điều! Và Minkowsky đã giới thiệu ông như sau “Khi Pierre Janet, người nhanh nhẹn và dong dỏng, với ánh mắt sắc sảo, bước chân trẻ trung và linh hoạt, đưa bạn vào trong phòng làm việc của ông ta, bạn sẽ bị thu hút ngay bởi cái không khí đặc biệt trang nghiêm, tính nhẫn nại, bởi ý chí, sự tò mò cao độ, một trí lực tìm tòi, thoát ra từ người thầy này. Mà dường như mọi thứ trong căn phòng rộng lớn này đều mang dấu ấn của ông ta, từ trên các kệ cao xuống tới đất đều phủ đầy sách và nơi đây là phòng làm việc của ông. Kết quả đạt được của sự lao động cật lực và những gì tiếp tục được thực hiện sẽ làm cho bạn phải tỏ lòng thành kính”.

Ước muốn lớn nhất của Janet là hòa trộn nỗi đam mê khoa học với tôn giáo của mình. Có phải chính ông đã nói “Tôi ước mơ đến sự thỏa hiệp giữa khoa học với tôn giáo, đến sự hòa hợp khả thi bởi một triết lý hoàn hảo có thể thỏa mãn cho cả lý trí lẫn đức tin. Nhưng tôi chưa tìm được điều kỳ diệu đó, nhưng tôi vẫn là một triết gia…”

Trở thành bác sĩ y khoa, Janet nghiên cứu những người mắc chứng ưu uất. Ông hăng say thực hành thuật thôi miên, ông tìm tòi… Đến năm ba mươi tuổi, ông viết luận án “Tính tự động tâm lý”. Năm ấy là năm 1889.

Sau đó Janet lên Paris và đến thẳng ông Charcot vĩ đại ở La Salpétrière. Một môi trường lý tưởng cho ông! Những hiện tượng lạ kỳ của thuật thôi miên và chứng ưu uất đang là những vần đề nóng bỏng. Janet tham dự các buổi dạy của Charcot, sau đó trở thành giám đốc phòng nghiên cứu tâm lý học về bệnh lý.

Nhiều tựa sách đã chứng minh cho hàng ngàn nhận xét hết sức sáng suốt và luôn mang tính nhân bản sâu sắc của ông. Bốn mươi năm nghiên cứu như thế!…

Janet có nói “… việc thu hẹp các chuyên khoa không phải là một điều hay; nếu người ta chỉ phụ trách môn tâm lý, thì sẽ có rất nhiều hậu quả tai hại… Vì bằng chính cái định nghĩa thôi, môn tâm lý phải tiếp cận đến mọi thứ. Nó mang tính toàn cầu. Bất cứ đâu cũng có những sự kiện tâm lý…”

NGƯỜI BÌNH THƯỜNG VÀ KHÔNG BÌNH THƯỜNG DƯỚI CON MẮT CỦA JANET.

Đây là quan niệm chủ yếu của tâm lý học… và cho sự cân bằng trong đời sống hàng ngày. Những tình trạng thường thấy nơi con người là gì? Đó là việc họ chìm ngập trong các tình huống. Mà các tình huống đó lại đòi hỏi sự thích nghi… với những tổn thất tối thiểu có thể có được. Chính điểm này tạo ra sự khác biệt giữa người bình thường và người không bình thường.

Để dễ hiểu hơn, chúng ta hãy lấy một thí dụ sinh lý: một bữa ăn.

a) Con người được xem là bình thường ngay lúc anh ta tiêu hóa, hấp thụ một cách trọn vẹn những món của bữa ăn. Sự tiêu hóa được tiến hành mà không gặp bất cứ một trở ngại nào, một cách trơn tru.

b) Con người được xem là không bình thường ngay lúc anh ta tiêu hóa, và dạ dạy anh ta buộc phải làm việc vất vả. Như người ta thường nói “tôi ăn phải cái gì đó không tiêu”. Hơn nữa, có vài triệu chứng có thể xuất hiện: ợ, nôn mửa, khó ở, chóng mặt. Như thế có một món nào đó không được hấp thụ một cách trọn vẹn như các món ăn khác.

Bây giờ chúng ta thử xem xét vấn đề này về mặt tâm lý.

Một người bình thường là người có “trạng thái” tâm lý khỏe mạnh và hài hòa. Chúng ta hãy thí dụ người đó đang đứng trước một tình huống mà anh ta không được chuẩn bị. Điều gì sẽ xảy ra? Anh ta chỉ cần thoải mái “chấp nhận” sự kiện đó.

Tôi sẽ cho các bạn một thí dụ: bạn phải bước vào một căn phòng có nhiều người lạ mà không được chuẩn bị trước và cả trăm cặp mắt đang chăm chú nhìn vào bạn.

Nếu bạn là người bình thường:

a) vì đây là một tình huống bất ngờ, bạn đứng lại để xem xét tình hình.

b) bạn quyết định ngay và cẩn thận bước vào.

c) khi làm điều đó, bạn dần dần và sau đó mau chóng hơn thích nghi với tình hình:

d) sau vài phút bạn hành động hết sức thoải mái, không sợ sệt, không cảm xúc, không có thái độ khiêu khích hay cứng đờ.

e) bạn sẽ không cảm thấy mệt mỏi và hồi hợp. Công việc này không làm cho bạn phải tốn nhiều năng lượng. Nó đã được thực hiện và kết thúc. Nó được hòa nhập vào các tình huống khác tạo thành nhân cách của bạn.

Nếu bạn là người không bình thường: (chẳng hạn là nhút nhát, bị dồn nén, co cúm, hung hãn, v.v…)

a) bởi vì tình hình này bất ngờ và quá mới lạ, nên bạn đứng lại.

b) bạn liền bị “khớp” và phải chịu một phong tỏa cảm xúc.

c) nỗi sợ và xúc động xuất hiện.

d) hoặc bạn cứng người ra đó, hoặc bỏ chạy hoặc tấn công.

e) như thế bạn sẽ mệt mỏi. Hành động này làm tiêu hao sức lực. Vả lại hành động này chưa kết thúc. Thật vậy, có thể bạn đang nghiền ngẫm sự thích nghi bất thành của mình, làm tăng thêm mặc cảm tự ti, càng lo sợ hơn nữa, bị ám sợ, oán hận, v.v…

Sự bình thường và bất thường trong đời sống hàng ngày.

Đương nhiên cuộc sống hàng ngày đòi hỏi hàng ngàn sự thích nghi! Lúc nào cũng có tình huống mới, bất kể là thứ nào; có nhiều sự kiện bất ngờ, nhiều trách nhiệm mới; có nhiều “thử thách lớn”, những thất bại,…

Người bình thường sẽ hành động như thế nào? Anh ta “đón nhận” tất cả những tình huống đó. Anh ta chấp nhận và lãnh hội chúng trong tâm trí. Tất cả những sự kiện này được hòa trộn trong cái tôi, cũng như được hòa trộn một cách hài hòa trong cái nhân cách tổng thể của anh ta. Mọi việc xảy ra suôn sẻ và không mệt nhọc. Những hiện tượng cảm xúc của một con người bình thường cũng giống như một bình chứa mà trong đó sẽ hòa trộn tất cả các sự kiện… như nhiều loại trái cây được để chung trong một cái thúng. (hoặc giống như nhiều thức ăn trong một dạ dày khỏe mạnh)

Như thế này đây:

Vậy người không bình thường sẽ hành động như thế nào đây? Biến cố sẽ không được tâm trí “lĩnh hội”. Nó không được bản ngã thu nhận. Tình huống đó vẫn nằm ngoài cái tôi với hành vi một cách độc lập. Nó nằm ở ngoài cái bể chứa các hiện tượng cảm xúc và như thế sẽ tạo ra một hoặc nhiều vệ tinh tinh thần. Chúng có một cuộc sống riêng và không đạt được sự hòa hợp cần thiết. Từng cái một của những vệ tinh tinh thần đó sẽ áp đặt sự giằng xé nội tại và tạo ra nhiều triệu chứng (như thể sự bực bội tinh thần)… Tính thống nhất của cái tôi bị phá vỡ. Điều này được nhận thấy trong những mặc cảm, dồn nén, những cảm xúc chưa được giải quyết, v.v… Đến lúc này sẽ xuất hiện một chuỗi triệu chứng… đi từ cảm giác khó chịu tinh thần nhẹ đến những ám ảnh nghiêm trọng nhất.

Như thế này đây:

Janet nói ý thức là gì? Chúng ta hãy xem lại hình ảnh: ý thức như một bồn chứa mà trong đó hòa trộn tất cả các sự kiện. Như vậy ý thức làm một công việc tổng hợp. Ý thức phải thực hiện được sự hợp nhất hài hòa của hàng ngàn tình huống khác nhau. Ý thức gom nhiều hiện tượng lại thành một hiện tượng duy nhất mới hoàn toàn, nhưng không phải là một hiện tượng biệt lập.

Trường hợp của người đàn ông bình thường trong phòng khách: cái tôi của anh ta vẫn nguyên vẹn; tuy nhiên anh ta có thêm một kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm này đã hòa lẫn vào trong nhân cách của anh ta. Như thế đã có sự tổng hợp các sự kiện.

Trường hợp của người đàn ông không bình thường: cái tình huống vẫn đứng bên ngoài cái tôi của anh ta; cái tôi đó bị giằng xé bởi một “vệ tinh” tinh thần, và là một hành động bất thành của anh ta.

Vì vậy, bất cứ một căn bệnh tâm lý nào, dù thuộc loại nào đi nữa, đều xuất phát từ một yếu kém năng lực tổng hợp. Một sự kiện xuất hiện mà chủ thể không tài nào “kết nạp cho hài hòa” với cái tôi. Sự thống nhất của nhân cách bị thả lỏng, huyết áp bị hạ thấp. Trong dân gian, người ta đã không có nói như thế này sao?… “Chuyện đó à? Tôi chưa nuốt trôi được!”. Điều đó có nghĩa là sự kiện vẫn còn nằm ngoài cái tôi, làm cho anh ta bị ám ảnh và lo lắng,

NHỮNG ĐIỂM CHỦ YẾU TRONG TÂM LÝ HỌC CỦA JANET

Những hành động của con người chắc chắn sẽ không bao giờ có cùng một giá trị. Bạn có thể dễ dàng thích ứng với vài tình huống phù hợp với một thói quen. Thí dụ, một công việc làm văn phòng tự nhiên sẽ không tạo một khó khăn nào với một người bình thường. Nhưng mọi thứ sẽ thay đổi nếu cuộc sống trong văn phòng trở nên bất thường (một cấp chỉ huy độc tài chẳng hạn) hoặc người nhân viên không bình thường (quá nhút nhát,hung hãn, mất bình tĩnh,…). Như vậy mọi việc đều tùy thuộc vào:

a) nếu hành động đó được thực hiện bởi phản xạ–thói quen: không một chút khó khăn. Sự thích nghi được thực hiện.

b) nếu hành động đó đòi hỏi một hành vi khác, sự thích nghi có thể hình thành…hoặc không. Tại sao? Đơn giản chỉ vì sự thích nghi tùy thuộc vào tình trạng của chủ thể (vật chất lẫn tinh thần).

Như vậy, chúng ta phải xét xem hành động đó có đòi hỏi một hành vi mới không chớ không phải là một thói quen! Nhưng những hành vi này thường hay biểu lộ: xúc cảm, sự qua đời của người thân, đính hôn, tình dục, cưới hỏi; trách nhiệm mới, những chuyến du lịch, sống chung với những người khó chịu, v.v…).

Chẳng hạn một thí dụ khác: một hành động sáng tạo và một hành vi thông minh luôn mệt mỏi hơn một hành động thường ngày hoặc theo bản năng. Nếu các bạn thả lỏng tâm trí mình, các bạn sẽ ít mệt hơn là khi các bạn phải tập trung, v.v…

Như thế người ta có thể xem là có những hành vi “tập trung cao độ” và hành vi “dễ dàng”. Sự tập trung bị đòi hỏi ở đây có liên quan trực tiếp với độ phức tạp của thái độ được lựa chọn. Ngoài ra những hành vi này phải được tổng hợp và hòa trộn với cái tôi, mà cái tôi vẫn phải hài hòa và thoải mái.

Janet nhấn mạnh “Đương nhiên là có nhiều hành động tốn sức nhiều hơn mấy thứ khác và tiêu hao nhiều năng lượng hơn, vì thế chúng ta phải hiểu rằng việc thực hiện những hành vi bậc cao thuộc phạm trù của suy tưởng, có nhiều khả năng xảy ra hơn là việc xác định những suy nhược…”

Thế nào là sự khôn ngoan?

Chúng ta biết sự giàu có bằng của cải vật chất không giống nhau với mọi người. Chúng ta cũng biết cái vốn sức lực của chúng ta cũng khác nhau giữa người này với người kia. Nhưng nếu con người tiêu xài đúng mức số tiền họ có, hỏi thử có bao nhiều người biết sử dụng sinh lực cho phù hợp với sức lực của họ?

Vậy các bạn có muốn mình khôn ngoan một cách thiết thực không”’… hãy biết rõ số vốn của mình đi! Hãy biết giới hạn sức lực mình đi! Nhất là biết rõ những hành vi làm cho mình phải tốn sức đấy! Một chuyến du lịch bình thường không tốn nhiều năng lượng đối một người nào đó, sẽ trở thành một hành động vô cùng mệt nhọc đối với một người khác. Vì vậy chúng ta phải biết các giới hạn của mình. Như thế có phải chúng ta sẽ thông minh hơn khi chúng ta biết làm cho số vốn đó sinh lợi để cho chúng ta chỉ sống bằng những lợi tức đó?

Những người “dễ bị kích thích” thường có khuynh hướng hành động đơn giản. Họ khó lòng thích nghi với các tình huống mới, nên phải tiêu xài nhiều năng lượng lớn hơn. Ngoài ra nếu một công việc làm tho người ta mệt thì cảm xúc càng làm cho con người mệt hơn nhiều nữa. Và chúng ta không được quên những “người dễ xúc động” luôn bị ý nghĩ bất tài và nỗi lo sợ mệt mỏi đeo đuổi.

Vì thế chúng ta phải biết chỉ số làm việc về mặt thể chất và tinh thần của chúng ta và không được vượt qua nó. Tiêu xài phần lợi tức là rất đúng nhưng không được đụng đến số vốn! Biết luyện tập một nhịp độ làm việc là khẩn thiết. Nhưng biết ngưng ngay một công việc khi sự mệt mỏi xuất hiện, sẽ hay hơn nhiều. Năng lượng được khôi phục sẽ được chuyển vào số vốn đã tạo ra lợi tức. Khả năng hoạt động của con người phải được chia đều giữa hoạt động và nghỉ ngơi. Sự hài hòa phải chi phối hoạt động đó. Chúng ta phải chú tâm đến mệt mỏi, không phải để lo sợ, trái lại, là để rút ra một bài học và kinh nghiệm. Để thấu hiểu, để tạo một nhịp sống… không khác gì cách chúng ta phải tính toán các chi phí sau một ngày làm việc để xác định việc tiêu xài có vượt qua mức bình thường không.

Một người “dễ xúc động” không được chú tâm đến mức bị ám ảnh vì sự mệt mỏi, và tỏ ra nản chí trước việc thiếu trí nhớ của mình. Trái lại, tôi xin nhắc lại là con người phải biết cách vận dụng để nhận định và hiểu rõ các giới hạn rất co giãn của mình, để luyện cho mình một nhịp sống có thể giúp “tổng hợp” mọi hành động, dễ dàng thu nhận nó, và từ đó có thể hành động và suy nghĩ một cách thoải mái, mà nói cho đúng đó là nét đặc trưng của con người.

NHỮNG HÀNH ĐỘNG KIỆT SỨC.

Janet đã nghiên cứu rất kỹ các hành động kiệt sức, tức là các hành động có thể đưa đến tình trạng “giảm thiểu sinh lực”. Những điểm chính là: mệt mỏi kéo dài vì xúc cảm (nhất là) suy nhược thần kinh, và tất cả các loại trầm cảm. Đối với những người suy nhược, rất thường khi hành động vẫn chỉ là trạng thái ước muốn và manh ý. Mọi cố gắng đều rời rạc, không một kết quả rõ rệt. Người đó chỉ làm nửa chừng bất cứ công việc gì, sự phân tán sức lực càng tăng lên, đến lúc xuất hiện xúc cảm, sự cố gắng vô ích, do dự, nghi ngờ, nghiền ngẫm tinh thần, bất mãn với chính mình, kiệt sức. Tôi đã nói đến điểm này trong mục Mệt mỏi.

Dĩ nhiên là mọi việc đều tùy thuộc vào thiên hướng của mỗi người. Một lần nữa, đâu là sự khôn ngoan? Biết rõ các hành động kiệt sức của chính mình! Nhưng có vài hành vi nào đó kiệt sức hơn bởi vì chúng được đặt trên nền tảng của một chứng rối loạn thần kinh.

Trong trường hợp này, chắc chắn khoa tâm lý sẽ phụ trách chứng rối loạn thần kinh cơ bản chớ không vào chính hành vi kiệt sức kia, mà đó chỉ là một triệu chứng mà thôi. Cũng giống như thế, một bữa cơm gia đình đơn sơ, có thể đối với nhiều người, còn mệt sức gấp trăm lần một buổi học cật lực. Tại sao? Bởi sự co cúm, dồn nén, hành vi thù nghịch “phải nuốt trôi”, v.v…, mà bữa ăn đó có thể mang đến. Trường hợp này buộc tôi phải nói đến những con người kiệt sức. Chung sống với những người đó thường tạo ra chứng rối loạn thần kinh tệ hại nhất. Những người kiệt sức đó có lẽ phải được gọi là những kẻ tiêu phí năng lượng. Tại sao và vì sao? Chúng ta sẽ thấy. Như đã nói, những kẻ tiêu phí năng lượng thường xuất hiện trong gia đình; đơn giản chỉ vì việc chung sống bị kéo dài hơn và bắt buộc phải tuân theo những quy tắc đạo đức, sự kính trọng tuyệt đối, việc cấm đoán những hành vi thù nghịch, v.v… Nhưng sẽ là điều hiển nhiên khi một ông trưởng phòng có thể “nuốt” hết năng lượng của người nhân viên mình, bởi vì ở đây cũng có sự chung sống.

NHỮNG NGƯỜI TIÊU PHÍ NĂNG LƯỢNG HOẶC NHỮNG NGƯỜI KIỆT SỨC

Những người đó là ai? Những người đó quá đông, mang quá nhiều mặt nạ khác nhau, đến mức tôi phải từ bỏ ý định liệt kê hết ra đây… Nhưng dù sao, họ chỉ có một nhãn hiệu sản xuất chung: nhu cầu thống trị

Đó là những hạng người độc tài, chuyên quyền, mắc chứng hưng cảm, hay yêu sách, quá tỉ mỉ, hay hờn dỗi, ghen tuông, xét nét, thù nghịch, v.v…

Tôi có thể nào nói những người kiệt sức này đều mang những mặt nạ khác nhau không? Có bao nhiêu người (chúng ta sẽ thấy vài trường hợp) che giấu cái nhu cầu thống trị dưới một mặt nạ “tử tế” quá đáng? (mặc dầu vô thức). Một cách thật khôn khéo. Một người trong gia đình đang thống trị bạn, làm cho bạn cảm nhận nỗi thù nghịch nội tại, kèm theo xúc cảm. Nhưng nếu người đó đối xử “quá” tử tế với bạn, làm sao bạn có thể giải tỏa cảm xúc thù nghịch đó được? Đến lúc đó sự dồn nén mang vẻ huy hoàng nhất của nó… Cũng giống như thế, có bao nhiêu người chơi cái trò “tử vì đạo”?… để dễ dàng có những gì họ mong muốn? Có bao nhiêu người bám víu vào con của họ, để “nuông chiều” chúng? Có bao nhiêu người mẹ đã vô ý thức ngăn cản đứa con trai của họ trở thành một người đàn ông?…và làm đủ mọi cách để nó luôn là một đứa trẻ?… Trong những lĩnh vực này, mọi phương tiện đều có thể được tận dụng; từ tính chuyên quyền thuần túy cho đến vô số mặt nạ có thể che giấu chúng…

Khi nào những con người kiệt sức đó tiêu phí hết năng lượng của những người sống chung với họ? Trước nhất, khi người ta không thể giải tỏa hết cảm xúc thù nghịch. (có thể là trường hợp của một đứa trẻ đối với cha mẹ nó, một nhân viên đối với cấp chỉ huy ông ta, v.v…). Hơn nữa bất cứ ai biểu hiện nhu cầu thống trị người khác quá mãnh liệt đều là người rối loạn thần kinh. Đối với người này, việc thống trị là cơ chế an toàn nội tại. Vì vậy, sự thích nghi không những là rất khó đối với họ, bởi vì nó luôn đổi mới và biến hóa. Đối với họ, không thể nào có một cách sống quen thuộc. Họ luôn phải ở trong tình trạng rình mò, căng thẳng thần kinh, co cúm người.. “Không biết phải làm như thế nào đây”… là điệp khúc thường ngày của họ. Nhưng chúng ta không được quên việc chung sống này đôi khi kéo dài trong nhiều năm liền, hết giây phút này đến giây phút khác. Như thế, người ta có thể nào nhận thấy những cảm xúc, nổi loạn, cơn phẫn nộ “phải nuốt trôi”, phục tùng trong sự bực tức, mà những người tiêu hao năng lượng kia đã tạo ra?

Còn những lời than thở của những người sống chung với họ thì sao đây? Chúng có nhiều điểm chung: luôn là tình trạng kiệt sức, sự giảm thiểu hoặc tự triệt tiêu nhân cách của họ; tình trạng không còn là chính mình nữa, không thể có một hành vi chủ động được, phải suy tính cẩn thận mọi hành động; có mặc cảm tự ti và ức chế, loại bỏ tất cả trách nhiệm, v.v…

Tôi có nói sự thống trị có thể được thể hiện dưới hình dạng thuần túy. Nhưng ở đây cũng có vô số mặt nạ che giấu mặt thật của nó. Vả lại chính trường hợp sau cùng này mới gây nhiều tổn hại nhất.

NGƯỜI CHUYÊN QUYỀN THUẦN TÚY.

Có một khác biệt rất lớn giữa Quyền Lực và sự Chuyên Quyền. Quyền lực xem việc chỉ huy là một công cụ. Quyền lực còn tìm cách thực hiện quyền lực của mình trong một phạm vi rộng lớn hơn và tôn trọng hoàn toàn những người được chỉ huy. Nói một cách khác, đó là sự chỉ huy dân chủ ở trạng thái thuần túy. Cái quyền lực chính thống đó ban phát bởi vì đó là sức mạnh và sự phong phú.

Còn người chuyên quyền? Đây là điều hoàn toàn trái ngược… Chuyên quyền, tự bản thân nó xem việc chỉ huy như là mục đích cuối cùng. Đối với người đó, việc chỉ huy này là biểu tượng cho sự an toàn nội tại. Vì thế người đó sẽ không chấp nhận bất cứ sự chống đối nào cho việc thống trị của mình. Người đó đòi hỏi tất cả nhưng không ban phát bất cứ điều gì. Người chuyên quyền là một người hung hãn: vì vậy là một người yếu đuối. Sự chỉ huy của anh ta là một đòn tấn công giả tạo. Anh ta tấn công bởi vì anh ta sợ bị tấn công, bị tổn thương hay có mặc cảm tự ti. Tính chuyên quyền và sự thống trị, đối với những kẻ yếu đuối, là những bù trừ được ưa thích nhất. Hạ thấp những người khác sẽ tạo cho họ một ảo tường quyền lực và hơn người. Ngoài ra họ còn cảm thấy cần phải thực hiện một hành động nào đó mà không phải tốn quá nhiều năng lượng sáng tạo cần thiết, điều mà họ không tài nào làm được. Tiếc thay, trong đời thường có đầy rẫy loại chỉ huy–giả tạo này…

Cũng trong cái đời thường này, những kẻ chuyên quyền chỉ tồn tại được là nhờ vào nhiều yếu tố. Trước hết là những yếu tố vụ lợi: ví dụ, một thuộc cấp phải lặng thinh bởi vì anh ta sợ bị sa thải; một thuộc cấp nhút nhát, v.v… Sau đó, bởi sự lẫn lộn muôn đời giữa quyền lực và tính hung hãn. Như chúng ta đã thấy trong nhiều trường hợp, sự hung hãn đối nghịch với sức mạnh… Một sự nhầm lẫn khác: sự thống trị khô khan và ý chí. Nhưng, nếu kẻ chuyên quyền tỏ ra vô cùng kiên quyết, chính bởi vì hắn ta không hề có một ý chí thực thụ…bởi vì hắn ta không có sức mạnh tinh thần! Vả lại, người ta nhận thấy kẻ chuyên quyền luôn tỏ ra ngoan cố trong mọi cơ hội. Tại sao? Bởi vì bất cứ sự chống đối nào cũng sẽ đặt hắn trước cái vực thẳm hay nghi ngờ và yếu kém của chính bản thân hắn. Sự ngoan cố của kẻ chuyên quyền là người bà con nghèo của ý chí. Nếu sự ngoan cố phải là ý chí, thì những con la sẽ là những con vật hết sức cương quyết. (Tôi sẽ nói lại vấn đề này trong mục ý chí).

Trong lúc chờ đợi, tất cả những việc này đã tạo ra những vết cắt đau buồn cho sức khỏe. Bởi vì chung sống với một kẻ chuyên quyền là một hành vi kiệt sức, nhất khi nó tượng trưng một “Cấm Kỵ”, mà về mặt đạo lý, không cho phép người ta chống đối lại, như tôi đã nói ở trên.

Trường hợp của sự thống trị cải trang.

Yves, một người đàn ông ba mươi tuổi, rối loạn thần kinh và kiệt sức, bởi vì anh ta được nuôi lớn nhờ một bà dì, bà ta, không bao giờ để cho anh ta làm bất cứ điều gì mà bà không tham gia vào cả. Người dì này áp đặt sự trợ giúp của mình, áp đặt các ý nghĩ và lời khuyên của mình. Lúc nào bà ta cũng không ngừng chỉ vẽ tỉ mỉ, khắc khe, giúp đỡ và khuyên bảo thật cuồng động…

Yves đã nói như thế này “… tôi không bao giờ làm được bất cứ điều gì, dù là lố bịch đi nữa, mà bà ta không áp đặt vào sự giúp đỡ của bà… tôi không tài nào cắt nghĩa được… thật hết sức mệt mỏi, để cho mình tự rơi xuống vực thẳm… và còn nuông chiều nữa chứ… luôn chăm chút tôi… Chẳng hạn: đi lấy than à? Một hành động hết sức ngu ngốc có phải không? Nhưng bà ta vẫn áp đặt sự giúp đỡ của bà với những lý do như… đừng có lấy nhiều quá… nặng lắm… để dì giúp cho… dì sẽ làm như thế này đây… Gói một món đồ à? Một món đồ ngu xuẩn! (Tay của Yves run vì phẫn nộ)… không cách nào làm một mình được… dì tôi có mặt cạnh bên, bám sát tôi… bám sát món đồ… chăm chăm nhìn xem tôi để món đồ vô nghĩa đó như thế nào… Và như thế, hết ngày này qua ngày khác, ông có biết không? Có đôi lần, một cách thô bạo, tôi bắt bà ta để cho tôi hành động một mình, tôi cảm nhận bà ta đứng cách ba bước liếc nhìn tôi… tôi cảm thấy mình là một thằng hoàn toàn ngu ngốc giống như thể tôi mới có ba tuổi… tôi cảm thấy mình hoàn toàn không còn nam tính và nó đã kéo dài suốt 18 năm trời… Phản kháng lại à? Nhưng bà quá “tử tế” với tôi… bà nuông chiều tôi… vả lại bà sẽ không hiểu đâu. Bà tưởng mình hành động đúng khi làm như thế nhưng không ngờ là mình vô cùng độc đoán, cho dù bà “rất tử tế”… Bà rất đa nghi… hay hờn dỗi…còn buồn khổ nữa chứ mỗi khi ai đó làm phật ý bà!… Tôi phải co cúm lại cho đến mức khi tôi muốn làm một cái gì đó, tôi đành phải để cho bà làm thay tôi… dù đó là những công việc nặng nhọc…ngay cả việc đóng một cây đinh… và tôi biến thành một tên lười biếng… Tôi không thể nói cho ông những cơn phẫn nộ nội tâm mà tôi phải chịu suốt 18 năm qua, ở chỗ là tôi không bao giờ có được cái cảm giác mình là một người đàn ông linh lợi…”

Kết quả? Yves X… không còn khả năng nhận lấy bất cứ một trách nhiệm nào và đã trở thành một người đồng tính… Chỉ có bấy nhiêu đó thôi và thật thảm thương.

Một trường hợp khác.

Jacques đang ở độ tuổi thiếu niên. Bà mẹ cậu cũng thế, luôn nghĩ cậu không thể làm được bất cứ điều gì mà không có sự giúp đỡ của bà. Vì vậy, cũng gần giống như trường hợp của Yves… Một hôm, Jacques phải đem một món đồ dễ bể vào trong phòng khách. Một hành động tầm thường, nếu đúng là như thế! Và không biết đến lần thứ mấy ngàn, bà mẹ can thiệp vào… “Hãy coi chừng… mẹ muốn tự mẹ làm việc này hơn… tốt hơn con nên để cho mẹ gói nó lại… hãy coi chừng, con đừng có vấp nghe không… hãy coi chừng… con bê nhẹ thôi… coi nào con đừng có chụp lấy một cách thô bạo như thế chứ?… hãy khoan: để mẹ lấy tờ báo gói nó lại đã”

Và chàng thiếu niên kia, bực dọc và tuyệt vọng, trả lời bằng tiếng hét “Con chuyển được đồ từ nhiều năm nay rồi, mẹ có biết không! Con đã làm bể một món nào chưa? Thế mẹ nghĩ con vẫn có ba tuổi hay sao chứ?…”

Không thể làm gì khác được. Hoặc bà mẹ rối loạn thần kinh này hờn dỗi, hoặc bà ta tuyên bố “thằng này cáu kỉnh quá”. Hoặc tiếp tục nói “…không được, nhưng con nên cẩn thận vẫn hơn”.

Cuối cùng, chàng tráng niên niên này, không chịu nỗi nữa, đập nát món đồ xuống sàn nhà, và trong cơn tức giận tột cùng, bỏ đi không một lời nào. Bà mẹ này khi kể sự kiện này lại cho tôi có nói “… vô ơn như thế đó, thưa ông… trong khi tôi làm tất cả mọi việc cho nó… À, tuổi trẻ ngày hôm nay!…”

Và khi tôi cố cắt nghĩa thật đơn giản cho bà biết rằng việc trông nom độc đoán của bà đang đè bẹp đứa con của mình; và việc đập nát món đồ là sự phản kháng của tính nam nhi anh ta, chỉ thiếu điều bà ta nhảy lại bóp cổ tôi.

Một trường hợp khác.

Vẫn là trường hợp thống trị được ngụy trang. Trong trường hợp này không có sự bắt buộc phải tuân theo các mệnh lệnh được ban ra, nhưng bị đòi hỏi như là một dấu hiệu của sự thương yêu. Đó là điều mà Janet gọi là “cái tật gần như bệnh hoạn tình yêu”.

Thế người mắc chứng rối loạn thần kinh này nói gì?… “tôi luôn cần đến tình yêu… luôn phải có người bên cạnh… luôn được dỗ dành… tôi cần người ta phải chăm sóc tôi… tôi không chịu được khi người ta làm một điều gì mà tôi không biết…”

Và Janet nói: “Cái mà họ gọi “được yêu thương”, trước hết là họ không muốn bị tấn công hay bị tổn thương dưới mọi hình thức. Họ cần đến sự tâng bốc, luôn muốn được khích lệ, luôn muốn được khen ngợi, để làm tăng thêm áp lực tinh thần của họ”. Đối với những người này, tình yêu có nghĩa là đón nhận, chỉ đơn giản như thế. Không bao giờ ban phát bất cứ điều gì, nếu không phải là sự kiệt sức. Người sống chung, luôn phải đoán được ước muốn của họ, biết được sự yếu đuối của họ, phải khôn khéo tránh nghe các lời than vãn không dứt, thái độ “tử vì đạo”, tính tự ái luôn dễ bộc phát…

NHỮNG NGƯỜI GHEN TUÔNG.

Ghen tuông là một đại họa chết người của nhiều gia đình. Sự ghen tuông có thể đi từ trạng thái nhẹ cho đến mức trở thành rõ ràng là một tâm bệnh lý thực thụ. Người “được yêu” bị chiếm hữu một cách tuyệt đối và bị gò bó suốt đời. Ngoài ra hành vi gây chiến gay gắt, gàn dở, hung tợn, liên tục, sẽ xuất hiện để chống lại bất cứ thứ gì có thể làm xao lãng người “được yêu”: học tập cá nhân, công việc làm, sách vở, bạn bè… Mà ngay cả những ý nghĩ thầm lặng nhất! Một người ghen tuông không chấp nhận người “được yêu” có thể suy nghĩ hay mơ mộng một mình. Tại sao thế? Bởi vì việc đó có thể làm cho người được yêu thoát ra khỏi cái vòng kềm kẹp mà người ghen tuông đang nhốt người kia vào.

Đây là lời của một người đàn ông chịu phục tùng một người đàn bà ghen tuông: “…thật mệt mỏi vô cùng, tôi không thể nào chịu được nữa. Tôi rất sợ mỗi khi phải về nhà… bởi vì mọi thứ đều có thể là nguyên cớ để khởi phát sự ghen tuông cả… cái nơ ca vát hoàn chỉnh của tôi, cái vẻ vui tươi của tôi, một nụ cười ở miệng…Thế là bà ta bảo “Anh có gặp một người đàn bà khác nên anh mới cười như thế phải không?…Ồ, tôi biết là tôi không đẹp bằng người ta, nhưng tôi muốn giữ anh cho một mình tôi mà thôi…”

“Tôi không muốn trả lời, bởi vì sẽ vô ích thôi. Đúng là một định kiến thực thụ. Tôi cảm thấy mình bị bao quanh bởi một mạng lưới kiểm soát chặt chẽ. Khi tôi không nghĩ gì hết bà ta sẽ trách tại sao tôi không nghĩ đến bà ta; Khi tôi làm thinh, bà ta trách là tôi vô tình… Ở ngoài đường, sự kiểm soát này còn khủng khiếp hơn nữa. Tôi phải đi với thân mình thẳng như khúc gỗ vậy…Ông thử nghĩ xem!… Ở ngoài đường có nhiều phụ nữ khác! Tôi lần hồi phải rời xa hết bạn bè của tôi, bởi vì hình như họ lấy bớt đi một phần tình yêu mà đúng ra tôi phải dành cho nàng… Ngay cả việc đọc sách tôi cũng phải bỏ luôn… Tình trạng này kéo dài thêm sáu tháng nữa, tôi chỉ còn nước vào dưỡng trí viện nữa thôi… cho đến mức tôi chỉ muốn ở lại văn phòng nhưng tôi rất ghét cái phòng làm việc của tôi…”

Ghen tuông là sự độc quyền tuyệt đối. Nó đối xử với người “được yêu” không khác gì một “đồ vật” tầm thường và cấm đoán nó có một cuộc sống cá nhân chủ động. Sự ghen tuông luôn là một triệu chứng của sự yếu kém tinh thần và là sự nghèo nàn cảm tính. Người ghen muốn lấp đầy một khoảng trống nội giới thường hay chứa đựng các mặc cảm tự ti. Nhưng làm thế nào giữ được món đó? Bằng cách giam giữ nó trong tinh thần, là điều thường xảy ra, hoặc đôi khi có bằng thể chất… mà điều này cũng thường hay xảy ra! Nhưng muốn chiếm hữu một cái gì đó kéo theo sự đòi hỏi một hành động để giữ nó. Mà việc này, người ghen tuông không tài nào làm được. Vì thế, người đó phải khởi phát sự độc đoán hầu ngăn chặn bất cứ sự trốn chạy nào, mà điều đó lại đòi hỏi một công việc thu hồi. (Thí dụ một người phụ nữ ghen tuông sẽ tỏ ra hung hãn với tất cả bạn bè của người chồng, vì “họ lôi anh ta ra khỏi bà ta” và bà nghĩ là họ buộc bà phải “chiếm lại” tình yêu của chồng bà…).

Người ghen tuông nghĩ mình đang yêu, nhưng thật ra người đó chỉ muốn tìm sự an toàn nội tại cho chính mình mà thôi. Sự ghen tuông của người trưởng thành luôn là triệu chứng của một thiểu năng tâm lý. Nhưng, đối với người ghen tuông, những tình trạng không an toàn tinh thần rất mạnh và nhiều đến mức mà chỉ một cái búng tay nhẹ cũng có thể để lộ một vực thẳm xúc cảm… mà sự yếu đuối của người đó không tài nào lấp đầy được. Như vậy người ta dễ dàng hiểu tại sao sự độc tài và sức mạnh bền chặt, là giải pháp duy nhất đối với người đó. Bất cứ “sự trốn chạy” nào của “người được yêu” đều có thể gây ra các nỗi lo hãi, ám ảnh, mà có khi cả một hận thù khủng khiếp.

Sự ghen tuông là sự chuyên quyền ở dạng cấp tính, có thể đến lượt nó sẽ tạo ra nhiều sự mất cân bằng mới: ám ảnh, định kiến, giải thoát cảm xúc và dục vọng, nghiền ngẫm tâm thần, v.v… gây nhiều tổn hại tinh thần cho người bị giam giữ. Tôi xin nhắc lại là ghen tuông luôn là triệu chứng của sự mất cân bằng cảm tính.

Sự ganh tị nơi trẻ nít.

Có nhiều cơ chế vận hành nhập cuộc. Cách đơn giản nhất là khi thằng anh ganh với đứa em út của mình, mà anh ta cho rằng nó thu gom hết tình thương của cha mẹ. Đây là loại ganh tị khá tự nhiên, có thể được phá bỏ một cách dễ dàng bằng thái độ của cha mẹ và trách nhiệm mà họ giao phó cho người anh.

Sau này, sẽ đến phiên đứa em ghen ngược lại người anh. Tại sao vậy? Vì những lợi thế thể chất và tinh thần do tuổi tác đem lại. Ở đây cũng thế, mọi chuyện đều tùy thuộc vào cấu trúc của gia đình.

Có một dạng ganh tị khác nữa: sự ghen tuông của đứa nhỏ đối với cha mẹ cùng phái. (chẳng hạn đứa con trai ghen với người cha của nó). Đây là loại quan trọng nhất. Chúng ta sẽ thấy dạng này trong phần Phân tâm học khi nghiên cứu mặc cảm Ơđíp.

Phần lớn những tình cảm này đều vô thức (nhất là mặc cảm OEdipe!), tuy nhiên dù cho là vô thức thì chúng vẫn tác động. Đứa trẻ sẽ hành động như thế nào đây? Nó sẽ trút cơn ghen của nó bằng sự hung hãn đôi khi rất nguy hiểm. Hoặc sự trút giận này được thực hiện bằng một cách tượng trưng: đứa trẻ đập nát con búp bê của đối thủ nó, v.v…

Hoặc nó chơi với các con rối mà đối thủ của nó được tượng trưng bởi một nhân vật bị hạ nhục. Hoặc đứa trẻ vẽ: nó diễn tả đối thủ của nó bị gia đình xua đuổi, bị giết chết, bị nhạo báng, lăng mạ. Sự ghen tuông nơi trẻ nít thường biểu lộ những triệu chứng thần kinh: nhất là các tật và triệu chứng đáng chú ý nhất là “đái dầm”.

Trường hợp nguy hiểm nhất là khi đứa trẻ ghen tuông bị thoái hóa cảm xúc. Nó tự thu người lại, tự hạ thấp mình: nó luôn muốn làm trẻ con, nó chơi trò “làm trẻ con” để thu hút và níu giữ sự chú ý của cha mẹ. Tình trạng này sẽ rất nguy hiểm nếu nó kéo dài: đó là chứng rối loạn thần kinh. Đến chừng đó, chúng ta phải đối phó với một đứa trẻ bị rối loạn thần kinh và có tính trẻ con, tụt hậu về mặt cảm xúc, không thể thực hiện bất cứ điều gì khác nếu không phải là sự thất bại triền miên.

Có nhiều khi, đứa trẻ cảm thấy sự ghen tuông hung hãn của nó như là một lỗi lầm nghiêm trọng (điều luôn được kiểm chứng trong mặc cảm Ơđíp). Nếu tình hình này không được loại bỏ một cách tự nhiên, chúng ta sẽ gặp một người trưởng thành mang nhiều cảm giác tội lỗi vô thức, mặc cảm tự ti, tình trạng đồng tính tiềm ẩn, v.v… Tôi còn sẽ nói về vấn đề này.

Sự ghen tuông ngầm.

Tôi phải nêu ra đây một trường hợp (vả lại khá phổ biến) cho thấy nhiều, “mặt ngầm” đôi khi rất kỳ lạ của sự ghen tuông. Ở đây tôi muốn nói đến một tình huống nghiêm trọng hơn nữa, của một dạng rất khủng khiếp của sự ghen tuông mà đương nhiên nó có thể biểu hiện với nhiều cường độ khác nhau. Nó đã trở thành một định kiến gần chạm đến chứng hoang tưởng bị truy hại.

Ông X có nói như thế này “…Bà vợ tôi không ngừng buộc tội tôi là nhân tình của nhiều người đàn bà khác mà bà ta quen biết; bà ta cho rằng tôi có đưa ra nhiều đề nghị khiếm nhã với những người bạn của bà ta và với tất cả những người phụ nữ mà tôi gặp. Một việc không bao giờ kết thúc. Đôi khi thật khủng khiếp đúng là một cuộc sống địa ngục. Mỗi khi tôi về đến nhà là có các trận lôi đình, lời buộc tội triền miên… Bà ta quan sát tôi từ đầu đến chân… ở ngoài xã hội, điều này còn kinh hoàng hơn nữa. Đôi khi bà ta còn gây một trận cãi cọ trước mặt công chúng và tát tai một người phụ nữ mà tôi chỉ mới có nhìn thôi!…

Bà ta nói tôi có nhiều mối quan hệ bất chính và tôi là một con người trụy lạc… Hãy tin tôi đi, tôi phải gánh chịu một sự khổ nhục thực thụ… và điều tệ hại hơn nữa là bà vợ tôi biết rõ những người được coi như là tình nhân của tôi, đều không thuộc “mẫu người tôi ưa thích”.

Và đến lúc này nhà tâm lý mới lắng tai nghe. Loại hình ghen tuông như thế chắc chắn thuộc về bệnh lý rồi. Nhưng còn hơn thế nữa. Nếu nhà tâm lý có bà vợ đó trước mặt mình, ông ta sẽ mau chóng nhận thấy cái cơ chế có thể giải thích được mọi việc.

Tôi nói lại trường hợp của người chồng khốn khổ kia. Bà vợ tin chắc rằng ông ta phản bội bà với vài người đàn bà khác, bằng một phương cách rất đồi bại và trác táng. Đến lúc này mới lộ ra một trò chơi hiểm độc và rất kỳ lạ đối với người phàm tục, nhưng rất thông thường đối với nhà tâm lý.

1) Loại phụ nữ bị cáo buộc không tương ứng với khuôn mẫu nữ giới của người chồng.

2) Vẫn loại phụ nữ đó chắc chắn sẽ là khuôn mẫu nữ giới tương ứng với bà vợ. Như vậy, bà vợ có phải là người đồng tính không? Phải, nhưng là đồng tính tiềm ẩn và vô thức. Và vì bị chứng đồng tính luyến ái vô thức, nên người vợ một cách ý thức rất muốn đề nghị với những người phụ nữ kia. Nhưng tại sao bà ta lại không làm? Bởi vì tính luyến ái của bà ta là vô thức, và bởi vì sự đồng tính đó bị dồn nén trong các trung tâm thần kinh ý thức tùy theo tinh thần đạo đức của bà vợ đó. Vả lại, có phải bà ta đã buộc tội người chồng có nhiều thói “đồi bại” và “các trò phóng đãng nhục nhã”, mà về mặt tinh thần chúng biểu hiện các khuynh hướng mà bà ta cảm nhận trong chính thâm tâm của mình? Nhưng dù sao đi nữa, có bị dồn nén hay không thì các xung lực vô thức đó vẫn hiện hoạt.

Như thế điều gì sẽ xảy ra?

1) Rằng người đàn bà đó trong vô thức rất muốn đề nghị với những phụ nữ khác.

2) Bà ta không thể và không tài nào làm được việc đó.

3) Thế theo lẽ thường, ai sẽ đề nghị với những phụ nữ kia? Người đàn ông, tức là chồng bà ta.

4) Đến đây, người đàn bà này mới gán các khuynh hướng của mình cho ông chồng; bà ta biến thành người chồng của mình và tin tưởng rằng chính ông ta đưa đề nghị mà chính bà muốn làm điều đó.

5) Bà ta ghen với chồng mình vì chính cái vị trí mà bà muốn trên hết. Sau đó, nếu bà vẫn còn muốn chiếm giữ người chồng, sẽ là những trận ghen tuông ghê gớm được khởi phát bởi một cơ chế, có vẻ như là “tưởng tượng” nhưng lại tùy thuộc vào các khuynh hướng vô thức rất mãnh liệt

Trong chính trường hợp này, có hai người phải chịu nỗi thống khổ: người chồng phải chịu đựng các cơn ghen của bà vợ và chính người vợ, luôn bị giằng xé bởi một sự tranh chấp nội giới dữ dội giữa:

a) các khuynh hướng đồng tính luyến ái vô thức;

b) và cái mà bên ngoài bà tưởng mình là một người phụ nữ có đời sống tình dục bình thường.

Trường hợp ngược lại vẫn có hiệu lực. Đến lúc đó, chính người chồng với chứng hoang tưởng, một người đồng tính vô thức, sẽ gán chính các khuynh hướng của mình cho người vợ. Ông ta trở thành chính bà vợ mình, là người mà những người đàn ông khác (ông tin như thế) sẽ đưa lời đề nghị, mà trong thâm tâm chính ông là người muốn làm việc đó.

Như thế, chúng ta đã thấy ghen tuông có thể mang nhiều bộ mặt khác nhau. Sự ghen tuông tự nhiên không được xem như là hoàn toàn bất thường. Thí dụ, sự ghen tuông của đứa trẻ chỉ trở nên bất thường nếu như nó kéo dài hoặc dẫn đến sự thoái hóa cảm tính. Trong khi sự ghen tuông của người trưởng thành, trên thực tế, luôn luôn là bất thường. Nó là một triệu chứng của một thiểu năng cảm tính và phải tùy thuộc vào một liệu pháp tâm lý theo chiều sâu.

Sự tận tụy chuyên quyền

Paul nói “… Tôi không còn cha mẹ. Từ mười năm nay tôi sống với bà ngoại… Tôi không biết là tôi thương hay ghét bà ta nữa; có thể cả hai… Bà ngoại tôi rất tận tụy; ồ đúng như thế!… Quá mức nữa là đằng khác… Bà luôn áp đặt lên tôi những gì bà tưởng là tốt cho tôi… dù cho việc đó không tương ứng với điều tôi mong muốn tí nào hết. Ý thích cá nhân hoặc ý kiến của tôi à? Bà không bao giờ muốn nghe nói đến, và làm cho tôi kiệt sức với chuyện bếp núc… mỗi ngày tôi phải ăn thịt tươi, bởi vì thịt tươi rất ngon… thịt tươi làm cho người ta khỏe mạnh… nhưng tôi đã nói cả ngàn lần với bà là tôi rất ghét thịt tươi, nhưng không làm sao khác được. Mấy chuyện khác thì cũng thế; bà áp đặt sự tận tụy của bà cho tôi, áp đặt sự giúp đỡ, và tôi buộc lòng phải chấp nhận tất cả nếu không sẽ có lời quở mắng và hờn dỗi; bà luôn loay hoay quanh tôi như một con ruồi, và nếu tôi nói cho bà biết ý thích cá nhân tôi cũng quan trọng không kém, thì cũng giống như tôi nói chuyện với cánh cửa vậy. Điều này làm cho tôi mệt mỏi vô cùng. Đã bao nhiều lần tôi phải nôn bữa ăn tối của tôi bởi vì tôi quá ức chế và phẫn nộ… Nhưng đôi khi trong thâm tâm tôi, sự giận dữ bộc phát và tôi trở nên hung bạo bởi vì mọi lời giải thích đều vô nghĩa. Chắc có lẽ bà không muốn hiểu là tôi cũng có ý thích cá nhân?… Vậy mọi thứ nổ tung, như một nồi hơi chứa quá nhiều áp suất; tôi bùng nổ một cơn thịnh nộ kinh hồn làm cho bà khiếp hoảng như một người tuẫn đạo không được ai hiểu… nhưng sau đó tôi lại cảm thấy hối hận vô cùng và trong suốt nhiều ngày liền tôi không biết phải làm gì để được tha thứ; tôi mới giở cái trò “làm trẻ con”, tôi tâng bốc bà… Đã ba năm nay tôi muốn trả tiền ở trọ của tôi, bình thường có phải không?… Tôi đi làm và điều này tạo cho tôi có cảm tường là một người đàn ông độc lập… Bà lúc nào cũng từ chối và nếu tôi van nài thì bà lại hờn dỗi. Ông thấy đấy, bà lúc nào cũng muốn áp đặt sự tận tụy và giúp đỡ cho tôi! Nói cho đúng thì bà muốn tôi luôn phải phục tùng bà. Nếu tôi muốn trở thành một người đàn ông, tôi phải rời xa bà; nhưng tôi không tài nào làm được việc đó… Thảm kịch này sẽ ra sao đây? Bà không thể nào hình dung được nỗi khổ mà bà đã đem đến cho tôi khi bà nghĩ rằng đã cho tôi những thứ hay nhất trên đời…”

Như vậy, ở đây chúng ta có một dạng khác của sự chuyên quyền ẩn tàng. Những con người này không hề biết tận tụy; họ áp đặt lòng tận tụy của họ, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Họ thường nhẹ nhàng ép buộc người ta phải chấp nhận các món quà của họ, phải chấp nhận việc để cho họ làm mọi thứ một mình. Họ tạo cảm giác người khác không thể nào làm bất cứ điều gì cho tốt được! Thêm vào đó, họ cảm thấy cần nhận được lòng biết ơn của người ta, để củng cố sự an toàn nội tại. Bên ngoài, họ tỏ ra vô cùng tử tế… nhưng họ lại muốn người ta phải biết và nói ra điều đó. Người ta mới hiểu sự co cúm và sự kiệt sức xuất hiện ở những người cùng ở chung một nhà với tất cả những hậu quả có thể: nhút nhát, tự ti, mất đi nam tính, thất bại, rối loạn thần kinh, chứng loét bao tử. Tôi còn nói lại vấn đề này.

Bằng cách nào những người tiêu phí năng lượng đưa người thân của họ đến sự kiệt sức và chứng rối loạn thần kinh?

Không thể tránh việc những người chuyên quyền (có hoặc không có mặt nạ) tác động mạnh lên những người thân cận nhất. Phản ứng của những người thân này? Trước tiên đó là một phản ứng cảm tính ẩn tàng ở tận đáy sâu. Thế bạn muốn phản ứng như thế nào đây trước một người là hiện thân của một “bức tường”? Trước mặt một người hay áp đặt mọi thứ, kiểm soát mọi thứ, mắc chứng tận tụy và “lòng tử tế” bệnh hoạn? Đến lúc đó sẽ xuất hiện các cuộc nổi loạn cảm xúc, né tránh, tật, tình trạng co cúm, lời nói dối sợ hãi, cơn phẫn nộ nội tại, cơn thịnh nộ dồn nén, hối hận, cảm giác phạm tội, tự ti. Và xuyên qua tất cả những thứ đó, người ta phải cố cứu lấy nhân cách của chính mình!… Đó là toàn bộ cơ chế của cảm xúc không lối thoát được khởi phát như một dạng ung thư tinh thần âm thầm. Chúng ta sẽ thấy trong Y học Tâm–thể những phản hồi về thể chất và tâm lý của cảm xúc.

Tôi cũng thường nghe được “… đây là một gánh nặng thường ngày thật khủng khiếp… không thể nào cắt nghĩa từng điểm một được đó là những luồng hơi bốc lên đầu tôi, chứng co rút bao tử, buồn nôn… tôi không biết làm cách nào để làm vừa lòng anh ấy (hoặc chị) nữa… tôi muốn thấy hàng trăm hành động rõ nét hơn là cả ngàn hành vi nhỏ nhặt mà người ta không tài nào đoán được hậu quả… lúc nào tôi cũng phải cảnh giác… chị ta (hoặc anh ấy) với ý chí tốt nhất trên đời đang giết tôi chết mà không hề hay biết… vậy chớ bạn nghĩ làm sao tôi có thể trở thành một người đàn ông trong những điều kiện đó được?… tôi phải tranh đấu hết sức mình để có thể hành động một mình…

Như vậy, người ta thấy việc “tiêu hóa” vô số cảm giác đối nghịch càng trở nên khó khăn hoặc không thể được. Tình trạng kiệt sức xuất hiện, tâm trí không còn làm công việc tổng hợp được nữa. Làm cách nào một anh chàng thiếu niên có thể chung sống với một người chuyên quyền, có thể hấp thụ và hòa trộn những cảm xúc hoàn toàn đối nghịch đó? Bây giờ là tình yêu đấy, sau đó sẽ biến thành sự chống đối và thù hận bị dồn nén… Làm sao các cảm xúc của anh ta không bị sai lệch khi bị giằng xé từ tứ phía sau một thời gian dài như thế? Làm sao anh ta có thể giữ nguyên nhân cách của mình, trong khi người ta đào hết đường hầm này đến đường hầm khác, để rồi cho phá đi và cho nổ tung hết cái này đến cái khác?

Cái Tôi trước một người kiệt sức, đã bị bể thành nhiều mảnh nhỏ và vây quanh bởi các “vệ tinh”. Người ta thật sự hoảng sợ khi nghĩ đến vô số bệnh tâm thần, giáo dục sai trật, người đồng tính, thất bại tuyệt đối, và sự chuyên quyền dưới mọi hình thức… Và nhà tâm lý đã có mặt và luôn mang đến rất nhiều kết quả khả quan.

CHỨNG ƯU UẤT

Chúng ta đã thấy Janet làm giám đốc phòng thí nghiệm tâm lý học về tâm bệnh. Vào thời điểm đó chứng ưu uất là “vấn đề thời thượng”. Thế căn bệnh khó được nhận dạng đó là gì?

Nói một cách tổng quát, chứng ưu uất là một căn bệnh sôi động. Nhưng nó không chỉ là sản phẩm của thời đại hiếu động của chúng ta! Trong suốt nhiều thập kỷ, nó đã bao trùm các bác sĩ và nhà tâm lý học bằng một không khí ghê rợn và bất lực. Khi chứng ưu uất không gây nên các cơn co giật thì nó tạo ra các cơn nhức đầu dữ dội. Khi các cơn co giật biến mất thì các cơn nôn mửa xuất hiện, rồi đến các chứng tê liệt. Hoặc người mắc chứng ưu uất đột nhiên bị mù mà không có bất cứ một triệu chứng thể chất nào. Và khi sự mù lòa qua đi, hiện tượng mất thính giác lại ló đầu ra, nếu tôi có thể nói như thế. Chứng ưu uất cũng gây ra các ám ảnh, các cơn khủng hoảng tâm lý, định kiến, nỗi đau đớn và đôi khi cơn co giật quái ác.

Người ta biết số lượng và sự đa dạng của các triệu chứng đã làm cho các bác sĩ phải kinh hoàng.

Đương nhiên là mỗi người có quan niệm của riêng mình, và dĩ nhiên là một quan niệm dứt khoát. “Đó là một người ưu uất” mau chóng được xác định. Một cơn khủng hoảng thần kinh? Người ta dán ngay cái nhãn đó vào. Một người phụ nữ quá nhục dục? Người ta vẫn bảo như thế. Dĩ nhiên làm như thế thì rất dễ, nhưng nó còn cách quá xa sự thật.

Có rất nhiều người tin rằng căn bệnh này thuần túy thuộc nữ giới. Vả lại cái tên nó thôi cũng xuất phát từ một tín ngưỡng cổ xưa liên quan đến một rối loạn của tử cung. (hustera = tử cung). Nhưng ở đâu cũng thế, người ta chỉ nói quanh vấn đề mà thôi.

Trước hết chúng ta phải biết rằng:

1) chứng ưu uất có thể xảy ra cho cả nam lẫn nữ giới.

2) không chỉ có một chứng ưu uất mà là cả một loạt triệu chứng ưu uất. Những triệu chứng này hoặc là nhẹ và nhất thời, hoặc bẩm sinh và vĩnh viễn.

Thế chứng ưu uất xuất hiện từ bao giờ?

Không ai biết được… Nó có từ thời xa xưa. Thời Trung Cổ đã từng biết đến nó. Nhưng (vì tính kiêu căng của nam giới hoặc sự không hiểu biết), người ta lại nhã nhặn gán nó độc quyền cho nữ giới. Sau này (dĩ nhiên là phải có một tội phạm chứ) người ta tin rằng chính quỷ Lucifer đang hoành hành trong thân xác của người bị ưu uất. Các trò trừ tà ma chóng rơi xuống đầu của những người bị “nguyền rủa” đang nằm trong móng vuốt của con quỷ lông lá đó… Hay lắm… hay lắm… nhưng rồi thời gian cũng qua đi. Đến thế kỷ thứ XIX, các chuyên gia thần kinh mới chú tâm đến vấn đề phức tạp này. Khoa học đã bắt tay vào việc. Lúc đầu điều này chưa nói lên được gì nhiều, nhưng không khí bắt đầu thay đổi. Con quỷ đã trốn vào hậu trường và các chuyên gia thần kinh mới tìm đuổi nó ra; nhưng chứng ưu uất vẫn hiện diện trên vũ đài trong vô số bộ mặt khó xác định được. Tuy nhiên khoa học, lần hồi nhận thấy những người mắc chứng ưu uất không hề là những người cố ý giả vờ, bị nguyền rủa, mà họ cũng chỉ là bệnh nhân như bao bệnh nhân khác thôi!

Tính tò mò của y học là vô hạn. Phạm vi rộng lớn của những triệu chứng ưu uất được trải rộng ra cho y học… Những màn bí mật vẫn bao trùm. Lasègue đã không có đặt cho nó cái tên “cái giỏ rác mà người ta bỏ vào đó tất cả những thứ không thể xếp loại được” hay sao?

Rồi thế kỷ XX lại đến, và với nó, có các Nhà Tâm Lý học thâm sâu. Ngoài ra, xu hướng của y học tâm–thể trở nên chính xác hơn. Và rồi mọi chuyện bắt đầu thay đổi. Càng ngày chứng ưu uất càng được trả về đúng tầm cỡ của nó.

Charcot đã chứng minh thuật thôi miên có thể tạo ra các chứng ưu uất theo ý muốn, và thuật này cũng có thể làm cho chúng biến mất. Nhưng ai nói đến thôi miên là nói đến ám thị uy lực được các trung tâm thần kinh vô thức chấp nhận ngay tức thì.

Janet cũng nhận thấy nét giống nhau lạ lùng giữa những biểu hiện của thuật thôi miên và các triệu chứng của chứng ưu uất. Và ông nghĩ những bệnh nhân ưu uất cho rằng họ bị bại liệt hoặc mù. Như thế họ có một định kiến ngay tiếp theo sau một sự ám thị không cưỡng lại được. Nhưng định kiến của người ưu uất xuất phát từ đâu?… từ đâu mà bộ não của người ưu uất có đủ “sức mạnh” cần thiết để làm xuất hiện sự bại liệt, một ám ảnh hoặc chứng lặng thinh? Càng ngày người ta càng hiểu rõ sức mạnh của ám thị và tự kỉ ám thị trong các biểu hiện của chứng ưu uất. Và người ta hiểu rõ hơn nữa cơ chế vận hành của não bộ. Khoa tâm lý tìm kiếm những nguyên nhân tiềm ẩn. Và ngày hôm nay, những biểu hiện của chứng ưu uất được chữa khỏi giống như bất cứ một thiểu năng tâm lý nào.

Những biểu hiện quan trọng của chứng ưu uất là gì?

Cơn khủng hoảng: sự cuồng động hoàn toàn rời rạc, tuy nhiên không có sự kiện cắn lưỡi. Không có hiện tượng bài tiết nước tiểu (như trong chứng động kinh). Sự dào dạt ngôn từ, những tràng cười và khóc. Những lời than vãn, đôi khi cả tiếng hét, lời sỉ nhục. Ý thức vẫn hoạt động còn trí tuệ thì cảnh giác. Nếu có té, người ưu uất sẽ tìm một chỗ không bao giờ làm cho họ bị thương (chính điều này làm cho người ta nghĩ rằng đây đích thực là một trò giả vờ)

Tê liệt: Chúng thường xuyên xảy ra trong chứng ưu uất.

Hoặc:

– Chứng liệt một chi.

– Chứng liệt nửa thân người.

Chứng liệt hai chi trên, hoặc hai chi dưới hoặc cả hai chân lẫn hai tay.

Mù, chứng lặng thinh: không có nguyên nhân thể chất (chúng ta hãy nhớ lại trường hợp của người phụ nữ bị mù từ lúc lên ba, được Mesmer chữa trị)

Co giật và sự co cứng: gây ra chứng viêm màn não giả, viêm ruột thừa giả, đôi khi cả sự thai nghén giả.

Cảm xúc ý thức có thể bị loại bỏ. Vài người ưu uất tự đốt tay mình cho đến khi bị phỏng nặng hoặc tự cắt xẻo tay chân mình mà không hề cảm thấy đau đớn. Nhưng chúng ta cũng biết nhờ thôi miên, người ta có thể tiến hành phẫu thuật mà không gây đau đớn; có nghĩa làm tê liệt vài nơi trên thân thể (bằng ám thị). Ở đây có một liên kết rất mật thiết. Và một câu hỏi được đặt ra: tại sao sự đau đớn hiện hữu (phỏng, vết cắt) lại không được bộ não của người ưu uất hoặc người bị thôi miên, cảm nhận một cách có ý thức? Như vậy, trong cả hai trường hợp này, não bộ ý thức đang ngủ, hoặc một cách tự động như trong chứng ưu uất, hoặc được gây ra bởi thôi miên.

Ở đây tôi xin nhắc nhở các bạn điều này: định kiến sẽ ru ngủ những trung tâm của não bộ không liên quan gì với định kiến đó, vì vậy các trung tâm bị ức chế của não được chỉ định để ngăn cản sự đau đớn trở nên tri giác…

Người ưu uất có thể mắc thêm chứng mất trí nhớ, và không thể tự trở về nhà được. Chúng ta gặp sau đây hai trường hợp rất kỳ lạ, cái này tiếp nối cái kia: chứng mộng du và sự nhị trùng nhân cách.

Chứng mộng du: Đây là một hiện tượng hấp dẫn nhất của chứng ưu uất. Việc gì đang xảy ra trong chứng mộng du? Đây thực sự là một hành động, nhưng hành động này lại là vô thức. Chủ thể chỉ tỉnh táo bởi một điều duy nhất: giấc mơ nội tại của anh ta. Anh ta đứng lên, bước đi, uống nước, ăn và làm vô số việc khác. Anh ta thực sự sống trong giấc mơ của mình. Chúng ta phải nhớ rằng một người mộng du thuần túy không hề có một ý thức thực thụ, vì thế anh ta không hề biết sợ. Điều đó cắt nghĩa tại sao người mộng du có thực hiện được nhiều hành động mà đối với anh ta là rất nguy hiểm khi trong trạng thái bình thường. Ý thức trở lại, anh ta không còn nhớ gì về những hành động bất thường kia của mình.

Nhưng những hoạt động bất thường kia có thể kéo dài. Đến lúc này chúng ta đụng phải sự nhị trùng nhân cách. Trong trường hợp này, chủ thể sống với hai “bản ngã”, mà mỗi cái đều có một cuộc sống hoàn toàn độc lập! Cuộc sống thứ nhất đượn đặt dưới sự kiểm soát của một ý thức bình thường, do vỏ não chỉ huy; cái thứ hai thì bị điều khiển bởi cái tôi vô thức, nằm trong các trung tâm thần kinh của cuộc sống vô thức, với các thói quen, bản năng, v.v…

Chúng ta phải chờ đợi cho đến khi có những nghiên cứu của y học tâm–thể để hiểu nó rõ hơn. Đúng vậy, mọi việc xảy ra giống như thể người “bị nhị hóa” có hai bộ não mà không có mối liên quan nào với nhau… Chứng nhị trùng nhân cách, có thể kéo dài nhiều năm liền, chủ thể làm việc, sáng tạo, có một cuộc sống tình cảm và nghề nghiệp mà không để lộ bất cứ một nét đặc trưng nào cho một người quan sát không có kinh nghiệm. Tôi sẽ nói thêm ở phần sau.

Tính đặc trưng chủ yếu của chứng ưu uất là việc dễ dàng chấp nhận sự ám thị. Vì vậy, có vẻ như vỏ não của chủ thể hoạt động không tốt, bởi vì anh ta không biểu lộ một ý chí nào để ngăn cản sự ám thị. Vì lý do này mà chứng ưu uất là một chứng rối loạn thần kinh rất “truyền nhiễm”!. Người ta chỉ cần nghĩ đến hoạt động của những đám đông, đến những cơn kích động của giới trẻ khi nghe một số ca sĩ nào đó biểu diễn, như thể chỉ có một người phản ứng lại một cảm xúc được truyền đi thật nhanh, và như thế loại bỏ tất cả những ý chí cá nhân khác…

Tôi xin nói ngay người ưu uất thực thụ là thành thực, là một bệnh nhận thật sự. Ông Charcot đã mô tả một cách tuyệt vời những cực điểm và mê sảng của chứng ưu uất, với những lời nguyền rủa, tiếng la hét, lời quở mắng, trạng thái xuất thần (và đôi khi có sự phát ban kỳ lạ trên da), lời kích dục,v.v…

Những biểu hiện của chứng ưu uất là những triệu chứng của sự mất cân bằng cảm xúc rất trầm trọng.

Chứng ưu uất được chữa trị bằng cách nào đây?

Nói cho đúng, trước chứng bệnh này, y khoa cũng đành bó tay. Người ta dám quả quyết rằng chứng ưu uất nhảy từ triệu chứng này sang triệu chứng khác để đánh lạc hướng và làm nản chí người chữa trị… Bạn có thể làm gì nếu một người ưu uất bị tê liệt mà không hề bị bại liệt, bị điếc mà vẫn nghe được, hoặc mù mà vẫn nhìn thấy được? Và nếu người ta nhận thấy không một cơ sở vật chất nào rõ rệt gây ra những biểu hiện mà, ba ngày sau đó, có thể sẽ biến mất để nhường chỗ cho những thứ khác? Mà tôi xin nhắc lại là với thôi miên, người ta có thể dễ dàng bằng ám thị khởi phát những biểu hiện của chứng ưu uất. Chứng ưu uất có thể là căn bệnh mà chủ thể phải chịu sự ám thị một cách tốt và hiệu quả nhất. Ngoài ra, những biểu hiện của chứng ưu uất không được triển khai trong im lặng: người ưu uất không trốn tránh, nhưng áp đặt (dù có ý thức hay không) những biểu hiện đó để gây sự chú ý của những người chung quanh (mà điều này càng làm cho người ta tin đây hoàn toàn chỉ là một trò đùa).

Như thế, đằng sau việc này, người ta phải tìm cho ra một ý nghĩa nào đó. Một ý nghĩa mà người ta phải khám phá cho bằng được những động cơ chủ yếu. Nếu muốn nói một cách khác, người ưu uất có vẻ như là “một người giả vờ thực tâm”, dựa trên một rối loạn tinh thần mà người ta phải nghiên cứu và chữa trị theo kiểu đó.

Căn cứ trên những biểu hiện và triệu chứng, có nhiều tác giả đã đề nghị loại bỏ từ ưu uất trong từ điển và chỉ nên chú ý đến “những biểu hiện của chứng ưu uất” mà thôi.

Có một điều chắc chắn là nếu các biểu hiện đó có nhiều điểm chung nhưng lại được đặt trên những nền tảng hoàn toàn khác nhau! Dù những triệu chứng có đồng nhất nhưng chứng ưu uất của một ông già, về cơ bản không bao giờ giống với chứng mù của ưu uất được khởi phát bởi một cú sốc do chiến tranh! Tuy nhiên những triệu chứng có thể bị nhầm lẫn…

Nếu cơn ưu uất bộc phát thì chúng ta phải làm gì?

Tôi thấy có một cơn khủng hoảng mà không có sự hiện diện của bác sĩ. Hậu quả đầu tiên trước cơn ưu uất là sự hốt hoảng của những người chung quanh. Nhưng vị bác sĩ sẽ làm gì ngay khi ông ta có mặt? Ông sẽ tạo ra khoảng trống chung quanh bệnh nhân và người này còn tiếp tục giãy giụa thêm một lúc nữa; nhưng rất nhiều khi vẻ thản nhiên của vị bác sĩ sẽ chặn đứng cơn đó lại. Tại sao thế? Bởi vì sự hốt hoảng của những người chung quanh làm tăng thêm sự tự ám thị của bệnh nhân.

Những phương cách tức thì khác: rẩy nước lên người bệnh nhân, tát tai, ấn lên nhãn cầu. Đương nhiên là những phương cách này dứt khoát chỉ được thực hiện bên ngoài để chặn đứng cơn đó mà thôi! Những biểu hiện của chứng ưu uất chỉ là triệu chứng, chúng không phải là căn bệnh! Căn bệnh này nằm ở nơi sâu thẳm và người ta phải tìm đến độ sâu đó để chữa trị.

Bằng cách nào? Khám phá ra căn nguyên và những động cơ đôi khi được che giấu rất kỹ, và nhờ vào tâm lý học để tìm cho ra những xung đột cảm tính.

Những hiện tượng của sự chuyển hoán.

Chuyển hoán là một cơ chế vận hành thông thường; có vài xung đột cảm xúc được biểu lộ ra ngoài. Những xung đột tâm lý được “chuyển hoán” thành những căn bệnh thể chất.

Chúng ta hãy lấy một thí dụ kinh điển của cơn giận dữ. Sự giải tỏa tức thì của cơn giận dữ là: lời chửi mắng, sự dào dạt ngôn từ, cử chỉ hung hăng, đánh đấm, v.v…

Nhưng nó cũng có thể biểu lộ qua một chuyển hoán: đó là nói lắp. Trong trường hợp này, sẽ có sự chuyển hoán của các cơ quan thanh quản. Sự chuyển hoán có thể rất mạnh và được đặt vào các cơ quan dành cho việc biểu hiện giận dữ: chủ thể trở nên mất tiếng hoặc bại liệt (biểu hiện của chứng ưu uất).

Chúng ta biết có vài dạng loét bao tử là sự chuyển hoán thể chất của những xung đột cảm xúc. Sự chuyển hoán là một hiện tượng vô cùng lý thú và xảy ra thường xuyên… Y học tâm–thể sẽ làm sáng tỏ tất cả những vấn đề bằng phương cách thú vị nhất.

Những phương cách chuyển hoán có thể rất đa dạng. Như vậy, sẽ là điều tự nhiên khi một triệu chứng này biến mất để nhường chỗ cho một triệu chứng khác, như trong chứng ưu uất. Nhưng chúng ta không được kết luận rằng bất cứ hiện tượng chuyển hoán nào cũng thuộc chứng ưu uất! Bởi vì nếu nói như thế, bất cứ người nào bị chứng loét do nguồn gốc tâm lý là người ưu uất… là điều vô lý.

Trong ưu uất, mọi việc xảy ra giống như thể căn bệnh tâm lý phải hướng ra ngoài thân thể, bằng cách này hay cách khác. Như vậy người ta thấy sự nguy hiểm: hiện tượng thể chất của ưu uất là một giải tỏa cần thiết. Chúng ta biết một cơn giận dữ “bị dồn nén” có hại hơn là một cơn giận dữ được thể hiện bằng cử chỉ hoặc lời nói. Và nếu người ta thúc đẩy tình trạng này đến cực điểm, người ta nhận thấy việc chữa khỏi hoàn toàn một “chuyển hoán” ưu uất có thể là rất nguy hiểm… không khác gì người ta khóa một xu páp an toàn của một nồi hơi đang sôi sục. Việc không thể giải tỏa cảm xúc đôi khi thúc giục vài con bệnh phải tự sát.

Vì vậy trong ưu uất, người ta cần phải tìm cho ra nguyên nhân sâu kín và thực hiện một cuộc xét nghiệm tâm thần thật tỉ mỉ. Và đó là việc làm trước nhất. Như vậy, mỗi trường hợp ưu uất có một cách chữa trị khác nhau, nhưng dù sao thì việc chữa trị này phải được thực hiện ở chiều sâu. Và điều này nhờ vào những kỹ thuật y khoa và tâm lý thích hợp.

Chúng ta không được quên chứng ưu uất được biểu hiện dưới một loạt trạng thái khác nhau. Và để kết thúc, chúng ta nên nhớ một người có khí chất ưu uất có thể sống cả một đời mà không hề có những biểu hiện quá đáng. Như vậy khí chất này luôn sẽ thoát khỏi sự quan sát của một người không có kinh nghiệm. Đây sẽ là một con người có tâm trí rất yếu kém, rất dễ bị ám thị mà với một cuộc sống bình lặng, không có cảm xúc mạnh, sẽ không bao giờ cho thấy bất cứ một triệu chứng nào quá bất thường…

CÓ PHẢI CHÚNG TA, TẤT CẢ NHIỀU HOẶC ÍT, ĐỀU LÀ BÁC SĨ JENKILL, VÀ ÔNG HYDE?

Nói một cách khác, có phải chúng ta có nhiều nhân cách không? Một trong những nhân cách đó có thể nào lấn lướt một nhân cách khác không? Có phải chúng ta có nhiều “Bản Ngã” không?

Những trường hợp khá kinh ngạc của sự nhị trùng nhân cách không phải do trí tưởng tượng, hay viễn tưởng, mà là kết quả của sự nhận xét tuyệt đối khách quan của y học; vả lại đôi khi bị văn chương và điện ảnh khai thác (thường theo chiều hướng xấu).

Chúng ta nên nhớ Ý Thức giống như một bồn chứa, nhào nắn và pha trộn tất cả những sự kiện của cuộc đời để biến thành mỗi một cảm xúc duy nhất, một tổng hợp. Nếu muốn, chúng ta cứ bỏ vào trong bồn chứa đó nào là táo, lê và nho.

Nhưng thứ nước cốt thu được không hề là của táo, lê hay nho, mà là một nước cốt hoàn toàn mới, rất thuần nhất và có mùi vị rất dễ chịu.

Ý thức của con người là phải như thế đó: thuần nhất và dễ chịu.

Để định nghĩa một cách khô khan theo khoa học: ý thức là sự tổng hợp mà một cá thể thực hiện được vào một thời điểm nào đó bằng những hoạt động thu nhận, vận động và tinh thần, mà một khi đã loại bỏ những hình thể cơ bản, đã biến đổi và hòa chúng thành một thái độ có cấu trúc độc đáo. (Sutter) Chúng ta gặp lại quan niệm của Janet.

Chúng ta thấy điều này: một sự kiện không hòa trộn được vào trong khối ý thức sẽ không khác gì một vệ tinh bay quanh khối đó. Sự kiện không được tiêu hóa đó, sẽ giằng xé con người bằng sự thiếu thống nhất đó.

Trường hợp này tượng trưng cho tất cả những Mặc cảm, chẳng hạn. Một Mặc cảm cũng giống như một vệ tinh, nó hoạt động cho chính bản thân nó, mà ý thức không thể nào hấp thụ nó vào trong khối của mình. Nhưng con người thường chỉ thấy triệu chứng của mặc cảm nhưng rất hiếm khi để ý đến chính mặc cảm đó. Ngay lúc đó, con người, ít nhiều, đã có hai nhân cách rồi: “cái tôi” nguyên thủy và “cái tôi” của mặc cảm. Một cái gì đó trong anh ta thúc đẩy anh ta hành động ngoài ý muốn của anh ta.

Chuyện gì sẽ xảy ra khi mảnh vỡ–vệ tinh biệt lập nhưng rất hùng mạnh đó, chiếm được ưu thế? Chuyện gì sẽ xảy ra khi mảnh vỡ có ưu thế đó biến thành ý thức chính, loại bỏ cái ý thức nguyên thủy kia?

Nhưng tốt hơn hãy nghe đây…

Một trường hợp kỳ lạ

Một cách bất ngờ, không có dấu hiệu báo trước, một thiếu nữ ngủ thật say. Một giấc ngủ kỳ lạ, sâu hơn giấc ngủ tự nhiên… Rồi cô gái đó thức dậy. Và người ta mới nhận thấy nhân cách trước đây của cô ta không còn nữa. Tất cả những kiến thức của cô đều biến mất, não bộ cô trống rỗng. Cô ta là một con người hoàn toàn khác, như vừa mới được sinh ra, trong trắng và ngu dốt. Ngoài ra, cô ta hoàn toàn quên hết cái nhân cách trước đây của mình và tất cả những gì liên quan đến nó.

Người ta buộc lòng phải dạy hết mọi thứ lại cho cô ta, dạy cho cô ta nhận biết các đồ vật, học đọc và viết. Cô ta học rất mau. Và khi mọi thứ đã hoàn tất… cô gái được ngủ trở lại, cũng bằng giấc ngủ sâu và kỳ lạ đó. Rồi cô thức dậy lại… nhưng lần này với cái nhân cách thứ nhất của mình và tuyệt đối không hề nhớ những gì đã xảy ra giữa hai giấc ngủ.

Điều này kéo dài suốt bốn năm, với những thay đổi luân phiên của giấc ngủ và nhân cách. Trong mỗi nhân cách, không tồn tại bất cứ điều gì của nhân cách kia, dù chỉ một kỷ niệm… Mặc dù vậy, trong mỗi trạng thái đó, cô ta hoạt động, học hành, làm việc và suy nghĩ! Thí dụ cô ta có thực hiện một hành vi đáng chê trách trước khi ngủ đi để rồi thức dậy trong một trạng thái khác… Trách nhiệm của cô ta sẽ như thế nào? Công lý của con người sẽ làm gì? Làm sao người ta có thể tra hỏi cô ta được, bởi vì cái “Bản Ngã” mới của cô ta không còn nhớ gì đến “Bản Ngã” trước kia nữa mà?

Khi nhân cách bị rạn nứt…

Một thiếu nữ đến năm mười tám tuổi, có biểu hiện mất trí nhớ kèm theo chứng điếc và mù lòa. Cho cô ta chìm trong giấc ngủ và sau đó cô gái thức dậy, mất hết trí nhớ. Ở đây cũng thế, nhân cách đầu tiên đã biến mất… Người ta tập cho cô đọc và viết lại. Người ta nhận thấy nhân cách thứ hai này khác hoàn toàn với cái trước. Nếu nhân cách thứ nhất là buồn bã và sa sút tinh thần, thì nhân cách thứ hai lại vui vẻ, linh hoạt và vô tư. Và trong trạng thái thứ hai này, không có bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai có thể ngăn cản cô làm một việc gì đó mà cô muốn…

Rồi cô lại ngủ và thức dậy trong cái nhân cách số 1, với những kiến thức ban đầu với sự lãng quên nhân cách số 2.

Và điều đó được lặp lại. Cô lại thức dậy với cái nhân cách số 2 mà cô ta nhớ rõ, trong khi không hề có một ý niệm nào về nhân cách số 1.

Và khi đến năm ba mươi sáu tuổi, cô ta trụ lại trong trạng thái thứ hai cho đến chết.

Những trường hợp trên hiếm khi xảy ra và làm cho người ta phải kinh ngạc. Như vậy, cái Nhân Cách Con Người nổi tiếng kia, cái khối mà người ta tin là rất chắc, có thể bị vỡ nát phải không? Và mỗi mảnh nhỏ đó có thể hoạt động mà không cần quan tâm xem miếng kia đang làm gì à?

Những trường hợp cực điểm đó, cũng là tình trạng thái quá của thông thường và tự nhiên. Có một điều chắc chắn là đa số con người, ngoài ý thức của mình, họ còn có những “vệ tinh” không được hòa nhập và chúng xuất hiện tùy theo hoàn cảnh. Việc phân tích tâm lý, thôi miên, tâm pháp gây mê, cũng có thể khám phá sự hiện diện của chúng. Chúng ta sẽ nói đến vấn đề này trong mục Vô Thức.

Một thí dụ thông thường: Một người nhút nhát. Trong lúc cô đơn, anh ta sống rất hài hòa với ý thức chính của mình. Anh ta hòa nhập những hoàn cảnh trong cái bồn chứa tổng hợp đó. Nhưng anh ta phải xuất hiện trước công chúng: ngay lúc này, tính dễ xúc động của anh ta lại bật cái công tắc để cho anh ta tiếp xúc với các vệ tinh (nỗi sợ, tự ti, mặc cảm, v.v…). Việc gì sẽ xảy ra? Các “vệ tinh” tinh thần đó hành động cho riêng chúng và tiếp nhận các hoàn cảnh liên quan đến chúng. Như thế, đây là dạng nhị hóa nhân cách nhẹ nhất.

Một thí dụ khác: Một người sống trong nỗi ảm ảnh lo sợ vi trùng, nhất là khi đi ngủ. Trong suốt cả ngày, anh ta sống với ý thức chính của mình và mọi việc đều tốt đẹp. Tối đến. Và các “vệ tinh” tinh thần của anh ta bắt buộc anh ta phải rửa tay ít lắm là mười lần. Như vậy, phải có một cái gì rất mãnh liệt đã bắt anh ta phải hành động như thế.

Tôi xin nhắc lại nếu một mảnh rất mạnh bị tách rời khỏi “Bản Ngã” của anh ta, nó có thể tiêu hủy cái nhân cách nguyên thủy (giống trong trường hợp của sự nhị trùng nhân cách: hoặc làm giảm thiểu nó với nỗi lo sợ, mặc cảm, ám ảnh, định kiến,v.v…)

Nếu ý thức chính ảnh hưởng đến các giác quan, các mảnh vỡ cũng có thể làm được việc đó! Chủ thể phải gánh chịu những ảo ảnh hoặc ảo thanh. Anh ta thật sự nghe được những giọng nói và thật sự thấy được nhiều sự việc. Anh ta có cảm tưởng rằng những giọng nói và ảo ảnh đó đến từ bên ngoài, trong khi thật ra chúng sản sinh ra dưới sự tác động của một mảnh được tách ra khỏi ý thức; như thế từ nội tâm. Cơ chế này có thể tạo ra vài trường hợp hiện hình, việc nghe được vài giọng nói thiên giới,v.v… Sự dè dặt tột cùng của Giáo Hội La Mã đã được biện bạch bằng những sự kiện khoa học (chỉ cần nhắc lại ưu uất đôi khi cũng tạo ra các chứng rộp da và các dấu của Chúa).

Như vậy, ý thức được tạo thành bởi một tổng hợp những phản ứng được hòa trộn để trở thành một cảm xúc duy nhất. Bất cứ con người nào cũng đều được tạo thành bởi nhiều nhân cách khác nhau; cho dù là một nhân cách ý thức và một nhân cách vô thức. Điều lý tường sẽ là sự thống nhất các nhân cách đó. Sự thoải mái và hài hòa nội tâm đều tùy thuộc vào.

Càng ngày càng cần đến một nền giáo dục hoàn chỉnh. Cái ảnh hưởng tai hại của vài môi trường gia đình, vài cách giáo dục không khéo, đương nhiên sẽ tạo thành nhiều điều dị thường. Bên ngoài Khối Ý Thức, nhiều mảnh rời bắt đầu có cuộc sống. Đương nhiên lúc ban đầu, chúng chưa đủ mạnh để trở thành nhiều “Bản Ngã” khác. Nhưng về lâu về dài, với những biến loạn của cảm xúc, dồn nén, ức chế, nỗi lo sợ, đến trợ giúp và nuôi dưỡng chúng, làm cho chúng lớn hơn, phình ra. Và những mảnh này trở thành các “vệ tinh” nội tại thực thụ… giống như trong những mặc cảm nghiêm trọng.

Và con người, thay vì phải có một ý thức thống nhất và hài hòa, biến thành một con người với nhiều nhân cách đối chọi. Những “Bản Ngã” đó giằng xé anh ta, đôi khi đưa đến chứng rối loạn thần kinh nhức nhối…

 


Created by AM Word2CHM


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.