Những Thành Tựu Lẫy Lừng Trong Tâm Lý Học Hiện Đại

IV. GIAO DƯỜNG DƯỢC MỞ RỘNG



C. J. JUNG:

CHỦ NGHĨA SIÊU THỰC VÀ SỰ TRỞ VỀ CỘI NGUỒN

Bạn chỉ nên truyền đạt sự hiểu biết cao cả

của bạn cho những người khôn ngoan.

Goethe

Tư tưởng của Jung rất đơn giản. Nó là chìa khóa của môn khoa học khai tâm nhưng cũng là liệu pháp tâm lý học rất hữu hiệu. Muốn hiểu được tư tưởng này phải cần đến một điều kiện vô cùng khắc khe: đừng bao giờ nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ? Đừng bao giờ nghĩ rằng khi có được một chiếc xe hơi tối tân và đèn điện là các bạn, về mặt tâm lý, khác xa những tổ tiên xa xôi của chúng ta? Với Jung, chúng ta tách khỏi con người–con kiến để tiến đến con người–nhân tính. Con người hiện đại luôn nhìn thấy mình không có gì khác lạ. Những tư tưởng của Jung đòi hỏi chúng ta phải tìm lại một tâm hồn trẻ thơ sâu lắng hoặc tâm hồn của một người sơ khai. Vả lại, trở về cội nguồn nguyên thủy không phải là một sút kém nhưng là một phát triển dị thường. Được như thế, mọi thứ sẽ trong suốt. Chỉ cần chúng ta cứ thoải mái… đến lúc đó chúng ta sẽ thấy tổ tiên của chúng ta vẫn đang đứng phía sau cánh cửa, sẵn sàng bước vào mà không cần gõ cửa!

Bất cứ nhà tâm lý học nào cũng biết những giấc mơ đêm luôn luôn làm xuất hiện nhiều cách biểu hiện (hình ảnh và tượng trưng) rất khác với những thứ của tình trạng tỉnh táo. Chúng ta đã biết điều này. Những tượng trưng trong giấc mơ của những con người có ngôn ngữ, có nền giáo dục và thuộc các nước khác nhau nhưng lại mang cùng một ý nghĩa.

Hình ảnh của loài người

Vài từ và vài hình ảnh có chung một ý nghĩa ở những con người khác nhau. Tại sao? Hãy xem lại bảng ở mục Tự do Liên tưởng.

Tại sao một hình ảnh, một từ nào đó, lại có cùng một ý nghĩa sâu lắng với một người Trung quốc cũng như một người Pháp, bất kể nền giáo dục và địa vị xã hội của họ? Tại sao những truyền thuyết của mọi thời đại và mọi chủng tộc lại có những tượng trưng rất giống nhau đến thế. Có thể nào hiện hữu một “bồn chứa” tinh thần tập thể, mà mỗi bộ não con người đều mang những dấu tích khi vừa mới chào đời? Có thể nào chúng ta nghĩ xa hơn nữa, và thí dụ sự hiện diện của một “môi trường” trí tuệ thuần túy, mà tinh thần của mỗi cá nhân chìm ngập trong đó?

VÔ THỨC TẬP THỂ

Như vậy đây là Vô Thức Bậc Cao, chung cho tất cả mọi người. Chúng ta hãy quan sát một người mà trí năng phê phán bị ngắt ngang bởi một lý do nào đó (giấc mơ đêm, cảm xúc, cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, trạng thái lên đồng, do buổi phân tích tâm lý,v.v…). Chúng ta sẽ thấy một việc thật sự kinh khủng. Mọi việc xảy ra như thể những con người hiện đại, trong thâm tâm họ, có những ký ức xúc cảm của các tổ tiên xa xôi của họ.

Cũng như họ, con người hiện đại vẫn sử dụng những hình ảnh và những tượng trưng sâu kín như thể một di sản tinh thần, chung cho tất cả nhân loại, không phân biệt nền văn hóa và chủng tộc.

Có phải là điều kỳ diệu khi đề tài của vài truyền thuyết được tái hiện dưới cùng một dạng trên khắp thế giới này không?

Để tìm thấy sự trong sáng của những truyền thuyết đó, chúng ta phải nghiên cứu các tôn giáo, kho tàng thần thoại, truyện kể dân gian, văn nghệ dân gian. Nhưng ở đây tôi chỉ muốn nói đến khoa tâm lý thực hành, vì vậy tôi chỉ đề cập đến những tượng trưng này với mục đích chữa bệnh. Chúng sẽ làm cho chúng ta trở về nơi sâu thẳm nhất của con người. Ý nghĩa của chúng vô cùng kỳ vĩ. Và dù cho tình trạng ý thức có làm cho chúng ta quên chúng, nhưng không phải vì thế mà chúng không hiện hữu. Chúng hành động trong bóng tối, ở phía sau bức màn ý thức của chúng ta.

CÁC TƯỢNG TRƯNG

Tôi sẽ nói một cách ngắn gọn để cho các bạn dễ hiểu. Vài thứ trong số đó sau này sẽ trở nên trong sáng hơn. Mỗi người chúng ta sẽ nhìn thấy chúng trong chính mình, vẫn nguyên vẹn như từ bao nghìn năm nay.

1. Một tượng trưng có thể có một hình dáng cụ thể để gợi nhớ một cái gì đó trừu tượng hoặc thiếu vắng.

Thí dụ: – Cây vương trượng, một vật hữu hình, tượng trưng cho Vương quyền (một điều trừu tượng).

– Một tam giác đều sẽ tượng trưng cho Thượng Đế.

– Một bao tay bị bỏ quên sẽ tượng trưng cho một người vắng mặt. v.v…

Vậy những tượng trưng này có hoạt động được không? Được nếu chúng có mang theo cảm xúc. Nếu người vắng mặt được yêu thương hay thù ghét, một mối liên kết cảm xúc sẽ được thể hiện trên cái bao tay bị bỏ quên đó. Vì vậy chiếc bao tay đó có một “quyền năng” cảm xúc. Như thế nó sẽ khởi phát cảm xúc và hành vi. (thí dụ: sẽ có việc hủy bỏ chiếc bao tay đó nếu người đó bị thù ghét; cất giữ nếu đó là người được thương yêu). Nếu không có cảm xúc, tượng trưng đó chỉ là một vật vô tri và không hề có giá trị nhân bản.

2. Tượng trưng có thể là một phần của một tổng thể:

Thí dụ: cái móng vuốt sẽ là một tượng trưng của con Sư Tử.

3. Tượng trưng là một Thực Tế Sinh Động, có quyền năng thực thụ. Đây là điều quan trọng nhất trong mọi thứ khác.

Thí dụ tầm thường: Đối với vài người, một con mèo mun có một quyền năng thực thụ, có lợi hoặc có hại.

Tôi chỉ quan tâm đến những tượng trưng quan trọng có mang theo cảm xúc. Chúng ta sẽ thấy sức mạnh của chúng trong liệu pháp tâm lý học.

Một tượng trưng được phát sinh như thế nào?

Mặc cho những kỹ thuật hiện đại, con người chỉ mới rời khỏi được cái lạnh giá, sự đói khát và nỗi sợ hãi. Nỗi sợ hãi của tổ tiên chúng ta đã được bù trừ bằng cuộc sống hiện đại. Nhưng chúng không bị triệt tiêu, trái lại. Chỉ cần một cái gì đó không đáng kể để cho con người tìm lại nỗi sợ hãi cũ xưa đó.

Sống là mục đích của con người. Vì vậy con người hướng cảm xúc của mình đến:

1) Tất cả những gì tạo ra sự sống.

2) Tất cả những gì giúp ích cho việc duy trì sự sống.

Cũng như việc có hai giới tính, trong mọi thời đại luôn có hai nguyên tắc quan trọng toàn cầu như sau:

  

  1) Nguyên tắc giống đực phải là

  

  năng động

  

  tỏa sáng

  

  Có khả năng thụ tinh

  

  Sâu sắc

  

  2) Nguyên tắc giống cái phải là

  

  Thụ động

  

  ẩn tránh

  

  mắn đẻ

  

  tự tin

Những điều này rất hợp lý và là hình ảnh chính xác của người đàn ông và đàn bà. Bây giờ chúng ta hãy xem xét đến sáu tượng trưng quan trọng đã chi phối loại người.

Các tượng trưng quan trọng thuộc giống đực

1. – Mặt Trời (hoạt động, tỏa sáng, sinh thực)

2. – Người Cha (người hướng dẫn sáng suốt và tỏa sáng)

3. – Lửa (năng động, tỏa sáng, được liên kết với mặt trời)

4. – Dương vật (tượng trưng cho giống đực trên toàn cầu, năng động, sinh thực và mạnh)

Các tượng trưng quan trọng thuộc giống cái

1 – Đất (thụ động và màu mỡ)

2. – Nước (màu mỡ, nhưng thụ động và lẩn lánh)

MẶT TRỜI

Chúng ta hãy bỏ một con người văn minh ngay giữa rừng trong lúc đêm tối. Chỉ sau vài phút, con người hiện đại đó sẽ có những cảm tưởng không khác gì con người cách đây mười ngàn năm. Trước những cảm tưởng nguyên thủy đó, chiếc xe hơi và cái ti vi của anh ta dường như đã trở thành những vật phù phiếm…

Con người đó đang đối mặt với chính mình, ngay giữa một thiên nhiên trở nên thù địch vì đêm tối. Anh ta sẽ phản ứng không khác gì tổ tiên anh ta: anh ta hoảng sợ. Anh ta sẽ ước muốn điều gì trước tiên? Sự xuất hiện của mặt trời. Sự hiện diện của mặt trời sẽ loại bỏ nỗi hoảng sợ đêm tối, thực thụ hoặc tưởng tượng. Mặt trời ban phát ánh sáng, hơi ấm, sự sống, an toàn, cái đẹp.

Bây giờ chúng ta hãy thí dụ con người đó mất hết cái trí nhớ hiện đại để trở thành lại con người sơ khai. Ngày này qua ngày khác, anh ta thấy mặt trời “lên”. Hết tối này đến tối khác anh ta nhìn mặt trời “xuống”, báo hiệu nỗi lo sợ thường ngày.

Lần hồi, hình ảnh vật lý của hiện tượng đó được thay thế bằng cái cảm xúc được liên kết với nó.

a) Con người sơ khai thấy mặt trời mọc, nỗi sợ cảm xúc biến mất.

b) Và con người nguyên thủy làm mối liên kết với việc Mặt Trời mọc: hơi ấm – ánh sáng – nỗi sợ hãi biến mất. Mối liên kết này càng ngày càng trở nên xúc cảm hơn.

c) Mặt trời trở thành một thực thể sống, một “con người” ban phát ánh sáng – hơi ấm – sự an toàn.

d) Mặt trời trở thành một vị Thần mà người nguyên thủy cầu nguyện và tôn thờ.

e) Bởi vì mặt trời “lên” bầu trời nên chỉ với cái ý nghĩ đơn giản thăng thiên thôi cũng khởi phát nơi con người một cảm giác sảng khoái, vui sướng, tươi sáng.

Ngày hôm nay

Và ngày hôm nay cũng thế. Dù mặt trời không còn được coi như một vị thần nữa, nó vẫn là một tượng trưng có tính xúc cảm, mang nhiều cảm giác sảng khoái mãnh liệt. Thí nghiệm này có thể được thực hiện mỗi ngày với mỗi người chúng ta.

Thí dụ: Chúng ta hãy xem những câu trả lời ở mục “Tự Do Liên Tưởng”, của từ “Lên”. Và sau đây là những câu trả lời được so sánh giữa từ Mặt Trời và Lên. Những câu trả lời này là của tám mươi người khác nhau, được sắp xếp theo mức độ giống nhau.

MẶT TRỜI

Ánh sáng – Hy vọng – Sự phong phú – Sự hoàn hảo – Không gian – Thần – Sự sống – Vẻ đẹp – Sức mạnh – Vinh quang – Thiên đàng – Sảng khoái – Người cha – Lửa – Tình yêu

 

LÊN

Ánh sáng – Hy vọng – Sư hoàn hảo – Không gian – Thần – Sự sống – Sức mạnh – Vinh quang – Niềm vui (sảng khoái) – Chúa Cha – Sự sống – Vẻ đẹp – Tình yêu vĩnh cửu

Chúng ta không cần so sánh từng câu trả lời. Tôi chưa hề nghe dù chỉ một câu trả lời nào cho lạc quan và xác thực.

Như thế, chúng ta thấy nhiều người khác nhau đã biểu lộ những cảm xúc giống nhau với sự gợi ý các từ Mặt Trời và Lên. Hai tượng trưng này được liên kết với bất cứ những gì sáng chói và mạnh mẽ. Chúng được liên kết với Tình Yêu, bởi vì đây là việc làm tẩy uế, làm cho hoàn hảo, và với Chúa (đang ở “trên”).

Thí dụ: Sẽ không có người nào nói “Anh ta đi xuống về phía ánh sáng. Người ta sẽ cảm thấy khó chịu. Tại sao? Khi đặt ra câu hỏi, chúng ta sẽ có những câu trả lời sau đây tùy theo cách suy nghĩ và mức độ thông minh:

– “Đi xuống” về phía ánh sáng? Nói cách này không ổn rồi. Người ta “đi lên” về phía ánh sáng.

Không thể nói như thế được, vì ánh sáng ở trên cao.

– Tôi không biết nữa… nhưng cách nói này làm cho tôi khó chịu… cũng giống như một cái gì đó quá sai… tôi không hiểu tại sao…trong thâm tâm tôi nghĩ như thế.

– Ánh sáng cũng có thể ở trên cũng như ở dưới. Nhưng khi “ở dưới” không liên quan gì đến tôi. Trong khi “đi lên”, ánh sáng cho tôi có cảm giác hiểu biết và được tẩy uế. Đây là một cảm giác khó tả và tôi thiết nghĩ mọi người cũng cảm nhận như tôi.

Người ta đã đặt Chúa, thiên đàng, tình yêu của Chúa, sự hoàn hảo, v.v… “ở trên”. Nhưng tại sao không để “ở dưới”?

Chúa Giê su đã “lên” trời. Tại sao không “đi xuống” trời? Bởi vì trời ở “trên cao”. Nhưng tại sao không ở dưới?

Đức Mẹ Đồng Trinh đã có sự “Quy thiên” của Bà, v.v…

Đối với một người “văn minh”, ý niệm đi lên luôn khởi phát những cảm giác tẩy sạch. Cảm giác của những nhà leo núi và những phi công cũng không khác gì. Việc thăng thiên sẽ tạo cho họ có một cảm giác uy lực, là điều chắc chắn. Nhưng họ thường nói “ở trên đó”, người ta có cảm giác trong sạch hơn…

Người ta luôn nhận thấy những cảm xúc đó trong các bộ môn nghệ thuật và trong những buổi phân tích tâm lý. “Đi lên” và “Mặt Trời” cũng có thể gợi những cảm xúc tình dục thuần túy cũng như Tình Yêu. Đó là điều lôgíc. Tình yêu được liên kết với sự trong sạch và siêu thoát.

Như vậy, để phân tích những giấc mơ cho đúng, người ta cần phải hiểu rõ cái ngôn ngữ tượng trưng, có nghĩa là nguyên thủy.

Một buổi tâm phân học.

Bà X được yêu cầu nói ra “hết những gì bà đang nghĩ trong đầu, sau sự gợi ý của từ Mặt Trời. Bà X…, ba mươi tuổi, rất lành mạnh và thông minh, đang trong tình trạng thư giãn hoàn toàn trong bóng tối, hai mắt nhắm kín:

– … tôi thấy mặt trời, rất cao trên bầu trời, được bao quanh bởi những ngọn lửa vàng như những màn trướng ánh sáng. Ánh sáng đó từ từ hướng về phía tôi, như mấy ngọn đèn pha. Tôi cảm thấy từ từ bay bổng lên không trung, như trong giấc mơ. Tôi đi lên thật mau trong sự thoải mái kỳ diệu. Tôi cảm thấy mình nhẹ như không.Ồ… nhưng tôi cảm thấy mình lên thật sự, đó là một cảm giác đờ đẫn tuyệt vời… Tôi lần lần tiến lại gần mặt trời và nó cũng lớn dần. Những ngọn lửa bao quanh nó… tôi nói làm sao đây…không dữ tợn; tôi có cảm tưởng chúng rất dễ chịu và mến tôi… Tôi thấy những ngọn lửa đó chạm vào người và tôi thấy ở phía sau mặt trời, một cái gì đó như một khu vườn sáng chói bao la, rất yên tĩnh, với nhiều quả cầu đủ màu sắc. Ở trong cùng có một cánh cửa, và một chàng thanh niên. Anh ta cầm một thanh kiếm trên tay và tôi có cảm tưởng anh ta đang cười với tôi… Như thể cái phần xấu xa của nhân cách tôi đã biến mất… Tôi cảm thấy thật sự xúc động, tôi có cảm tưởng như đang bước vào trong vùng ánh sáng vĩnh cửu… Bất ngờ tôi nhìn thấy cha tôi… Ông đứng trước mặt tôi, người đầy hào quang và đang cầm một thanh kiếm bằng kim cương… Ông đưa cho tôi một chìa khóa bằng vàng và chỉ vào cánh cửa sáng chói… mà tôi thấy trong đó có nhiều người mặc toàn quần áo trắng…

Chúng ta hãy ngừng lại đây. Chúng ta thấy trong tự do liên tưởng này có nhiều hình ảnh mà tôi vừa nêu ở trên. Tôi xin nhấn mạnh là trong tám trên mười trường hợp, chính những hình ảnh đó được biểu hiện.

Từ Mặt Trời lần lượt đưa đến theo thứ tự – đi lên (thăng thiên) – thoải mái (siêu thoát) – một khu vườn sáng chói, nhiều quả cầu (hình ảnh của thiên đường, với các hình cầu là những hình học hoàn hảo) – cánh cửa sáng chói – một thanh niên với một thanh kiếm lửa (gợi nhớ đến thiên sứ của tôn giáo) – như thể phần xấu xa của nhân cách tôi đã biến mất (sự tẩy uế) – ánh sáng vĩnh cửu (Chúa Trời) – cha cô ta (chúng ta sẽ thấy tại sao) – người cha đầy hào quang – thanh kiếm bằng kim cương (thanh kiếm = sức mạnh; kim cương = sự giàu có, mà đây là tinh thần sung mãn) – chìa khóa bằng vàng (cho phép mở cánh cửa của sự hoàn hảo) – nhiều nhân vật mặc quần áo toàn trắng (sự hoàn hảo, trong sạch, các thiên thần)

Tất cả những hình ảnh của “giấc mơ này” được tìm thấy trong các truyền thuyết dân gian của mọi thời đại. Thật vô cùng cảm động khi bắt gặp chúng trong những buổi tâm phân học được thực hiện với nhiều người hoàn toàn khác nhau.

Một Tượng Trưng Thật Vĩ Đại: người cha

Chúng ta thấy ý niệm về Người Cha xuất hiện:

a) trong các câu trả lời của từ “Mặt Trời”;

b) trong các câu trả lời của từ “Đi Lên”.

c) Giấc mơ đầy hình ảnh của bà X. bắt đầu với từ Mặt Trời.

Tại sao vậy?

Chúng ta biết thành ngữ “Cha tôi là một mặt trời đối với tôi”. Điều đó có nghĩa là “giống như mặt trời, cha tôi rất mạnh và sáng chói”. Giống như mặt trời, cha tôi hướng dẫn và soi sáng cho tôi, ban cho tôi sự an toàn.

Và đây mới là điều quan trọng

Giống như mặt trời, đứa trẻ xem người cha như một anh hùng. Người cha là một người hùng dũng và quang vinh. Vả lại mấy đứa trẻ thường hay khoe khoang về cha của chúng, về nghề nghiệp của ông ta, v.v… Đối với một đứa trẻ, người cha có nhiều nét siêu phàm và được đặt trên bệ thờ.

Nhưng không phải chính người cha mình mà đứa trẻ đặt trên bệ, nhưng là ý tưởng mà nó có về người cha nói chung. Đối với đứa trẻ, người cha là một tượng trưng trước khi là người cha của nó. Một cách vô thức, nó đòi hỏi người cha phải tương ứng với tượng trưng đó, phải có sức mạnh, quang vinh, tính không bao giờ sai lầm và sự tỏa sáng.

Vì vậy, nhiệm vụ thực tiễn của người cha rất khó khăn.

Bởi vì ông ta phải thể hiện sao cho hài hòa với hình ảnh tượng trưng của đứa trẻ. Đó là một nhiệm vụ rất nặng nề. Nếu người cha (vì một lý do nào đó) không tương ứng với tượng trưng này, sự chống đối liền xuất hiện nơi đứa trẻ (có thể dẫn đến sự mất cân bằng tâm lý)

Trường hợp: nghề nghiệp của người cha không vẻ vang; người cha nhu nhược; người cha độc tài; người cha không học thức; người cha không được hâm mộ; người cha quá nghèo…

Tất cả những trường hợp rất thông thường này mà ý niệm vẻ vang, sáng chói, hùng dũng mà đứa trẻ có về người cha nói chung, sẽ sụp đổ trước người cha thực thụ của nó.

Không cần phải nói việc này có thể được chỉnh sửa. Chỉ là vấn đề tế nhị, thông minh và nhất là cân bằng.

Trường hợp khác: một thiếu niên bắt đầu thù ghét người cha bởi vì ông này tự nhiên ngã bệnh. Sự hận thù này tự động khởi phát ngoài ý muốn của đứa trẻ và nó cảm thấy rất hối hận. Nó nói ông ta “đã ngã nhào từ trên bệ”. Đáng lẽ nó phải nói là người cha nó không còn tương ứng với cái tượng trưng nội tại.

Bởi vì vừa là tượng trưng và vừa là thực tiễn, nên nhiệm vụ của người cha rất khó khăn. Và luôn là một việc nguy hiểm khi bị nhìn xuyên qua một biểu trưng quá uy lực như thế. Trên đời này không có người cha nào là một vị thần cả, dù ông ta có là như thế đối với đứa con ông ta. Bất cứ người cha nào cũng chỉ là con người thôi. Và tất cả trí thông minh của ông ta sẽ hướng làm sao cho đứa trẻ coi ông như một người đàn ông và một người bạn chứ không phải một vị thần– mặt trời.

LỬA

Lửa luôn là một vật thờ cúng. Ngày nay, lửa chủ yếu được liên kết với những tình cảm yêu đương. Người ta thường nói (mà không nghĩ) – “tôi bốc lửa vì một ai đó” – tôi đang bị đốt cháy vì đam mê – tim tôi bừng cháy – tôi đang tàn lụi vì tình yêu, v.v…

Tại sao người ta tượng trưng Tình Yêu Tuyệt Đối (như Thánh Tâm chẳng hạn) bằng một ngọn lửa chói lọi ngay chỗ trái tim? Tại sao các Thế Vận Hội được mở màn bằng một vận động viên chạy bộ cầm Ngọn Đuốc?

Trước Mộ Người Chiến Sĩ Vô Danh, một ngọn lửa luôn cháy. Hàng năm người ta “làm sống lại ngọn lửa” của Người Chiến Sĩ Vô Danh. Tại sao trong dịp lễ Noel, người ta đốt đèn cầy? Tại sao người ta đốt một cây nến trước bức tượng của một người nào đó?

Nếu một vị hôn phu nói: “Anh dành cho em trái tim đầy nước của anh đây…”. Tôi để cho các bạn nghĩ đến sự kinh ngạc của cô gái. Nhưng nếu anh ta nói: “Trái tim nóng bỏng của anh…” thì không có chuyện gì xảy ra hết. Tại sao?

Đây là cách trả lời của một trăm người thường được nghe thấy cho từ:

LỬA

Sự chói sáng – Ánh sáng – Tình yêu – Sự tẩy uế – Sự sống – Mặt Trời – Chúa – Năng lượng – Trí Tuệ – Vinh quang – Sức mạnh – v.v…

Ý nghĩa sâu sắc của từ Lửa có điểm trùng với từ Mặt Trời hoặc Đi Lên. Nếu chúng ta đọc những câu trả lời ở phần trên, chúng ta nhận thấy gì? Có nhiều câu trả lời giống nhau được đưa ra như là: ánh sáng –Tình Yêu – Vinh quang – Chúa – Sự tẩy uế. Còn cần nói gì thêm không?

Trong các ngôn ngữ cổ, từ “Lửa” đồng nghĩa với Sự Sống, ánh Sáng, Tình yêu, Sinh khí, Sức mạnh (hãy so sánh với những câu trả lời “hiện đại” xem!)

Các nhà tâm lý đều biết, thí dụ như, ý niệm của từ Lửa được liên kết rất chặt chẽ với Tình yêu. Nếu Lửa gợi nhớ Tình yêu tất nhiên nó cũng có thể gợi đến tình dục, hoặc nói chung hoặc của cá nhân. Chúng ta hãy nghĩ đến sự “rực sáng” của vài người sùng tín, hoặc đến những suy nghĩ chủ động của những người yêu nhau “nóng cháy” được nói ở phần trên.

Tất cả những điều này sẽ là trò đùa thú vị nếu con người không đặt sự sống trên các tượng trưng đó. Nhưng điều trái ngược lại xảy ra. Hơn nữa, nếu các tượng trưng này được sản sinh bởi những cảm xúc vô thức, đến lượt chúng cũng có thể khởi phát ra.

Đó là trường hợp của vài họa sĩ được gọi là “thần cảm” mà rất thường khi họ chỉ làm mỗi công việc là tìm lại những tượng trưng vĩ đại có sẵn trong mỗi con người chúng ta.

Vì thế, có hai loại người: những người đặt sự sống trên những tượng trưng toàn năng, nhưng lại không biết điều đó dù cho các tượng trưng đó có ảnh hưởng đến họ.

Và những người, đã biết rất rõ và sống với hết tâm trí của họ, có thể sử dụng chúng để giúp đỡ và hiểu biết những người khác. Đó là những người Am Tường.

Lửa, con trai của mặt trời

Giống như Mặt Trời, lửa ban phát hơi ấm, ánh sáng và làm tan biến nỗi sợ hãi. Đối với những người xưa, Mặt Trời được gọi là Người Cha, và Ngọn lửa trần gian là Người Con. Có rất nhiều lễ hội được tổ chức. Nhất vào lễ Đông Chí (hiện nay là ngày 25–12 của chúng ta). Một nghi thức để tôn vinh sự ra đời của Đứa Con–Lửa… Đạo Cơ Đốc vẫn còn duy trì các tục lệ huy hoàng đó. Dù các tín đồ Cơ Đốc không nhớ chính xác ngày ra đời của Chúa Giê su, nhưng họ vẫn duy trì nghi lễ của sự ra đời của Đứa Con–Lửa. Thế là ngày 25–12 được ấn định là ngày sinh của Chúa Giêsu. Trong dịp này, nhiều đống lửa thật lớn được đốt lên, và những cây đèn cầy nhỏ của chúng ta là chỉ để gợi nhắc lại mà thôi.

Tất cả những thứ này, thay vì làm cho con người trở thành một vật nhỏ bé, lại hướng một cách kỳ lạ anh ta về lại những thế kỷ đã qua và đến cả những con người đã và đang chiếm lấy trái đất…

DƯƠNG VẬT

Con người bình thường luôn tôn thờ Sự Sống.

Vì vậy sẽ là điều tự nhiên khi anh ta tôn thờ tất cả những gì tạo ra sự sống và cho phép duy trì nó. Nếu, một cách vô thức, chúng ta tôn thờ tất cả những gì giúp cho sự sống được duy trì (chẳng hạn như mặt trời), chúng ta sẽ tìm một tượng trưng cụ thể hơn để biểu hiện cho chính Sự Sống.

Nhưng không có thứ gì có thể tồn tại mà không cần đến Dương Vật. Bất cứ cuộc sống nào cũng phải tùy thuộc vào dương vật mà nó đã trở thành Nguyên Tắc Giống Đực Tổng Thể. Đến chừng đó người ta mới dễ dàng hiểu tại sao một sự tôn thờ toàn cầu được thiết lập, hùng mạnh không kém gì sự tôn thờ Mặt Trời hoặc Lửa.

Đối với con người nguyên thủy, dương vật tượng trưng cho sự sống, nhờ vào hành vi tính dục. Ở đây chúng ta phải hiểu hành vi tính dục này tượng trưng cho chính sự sống, một cách hoàn toàn lành mạnh, thuần khiết và do bản năng tự nhiên. Hành vi của Dương Vật là một hành vi sáng tạo. Đó chính là nguyên tắc nam tính, năng động, công hiệu, xuyên suốt và sinh thực.

Và cũng phải cần đến vô số sai lệch phi lý để làm giảm thiểu hoặc vấy bẩn ý nghĩa này. Hãy nghĩ xem: trong thời đại của chúng ta, có với từ “tình dục” thôi cũng đủ làm người ta đỏ mặt! Đối với người sơ khai, tính dục là một hành vi thiêng liêng, được thờ cúng đúng như thế đó, bởi vì nó tượng trưng cho Sự Sống!

Vả lại đây là vài câu trả lời cho từ Dương Vật của:

1. vài người hoặc rối loạn thần kinh hoặc có một tính dục lệch lạc.

DƯƠNG VẬT

Giới tính –… làm cho tôi ngượng – Tội lỗi –…thật vô lý nhưng nó làm cho tôi xấu hổ…– Người đàn ông…

và tôi thù ghét đàn ông – Hưởng lạc – Bóng tối – Người ta phải học ăn nói cho đúng đắn lại mới được – Tôi nghĩ nó giống như một cái gì đó bị cấm đoán nhưng tôi nhận thấy việc giáo dục giới tính đã sai lệch.

2. vài người vô cùng lành mạnh.

DƯƠNG VẬT

Sứ sống – Sự Sáng tạo – Duy trì sự sống – Sức mạnh – Sự Sinh sản – Tình yêu –Sự Hoàn hảo – Cái Cột – Cái Cây

Tôi nhắc lại, một cách tượng trưng, hành vi tính dục là một hành vi thiêng liêng. Và cho đến ngày hôm nay nó vẫn giữ nguyên giá trị này. Đối với vài bộ tộc vô cùng lành mạnh, hành vi tính dục đôi khi được thực hành công khai, được xem như một nghi lễ của sự sống và được cả làng bao phủ bằng hoa. Có vài người bản địa giao hợp với nhau ngay trên mặt đất trong thời kỳ gieo hạt (tượng trưng cho sự sinh sản). Đây chỉ là một thí dụ bởi vì Dương Vật đã được thờ cúng gần như khắp toàn cầu.

Thế những biểu hiện của Dương Vật là gì (và còn những gì nữa trong các giấc mơ và bộ môn Nghệ Thuật)? Bất cứ cái gì mạnh khỏe, cụ thể, ngẩng cao, dựng đứng. Thí dụ: Cái Cây, Cái Cột (hãy nghĩ đến những vũ điệu tôn vinh dương vật với các ngọn giáo được cắm xuống những lỗ ở dưới đất), Thanh Kiếm (xem lại giấc mơ của Jean) –Lưỡi Cày (ở phần sau đây).

Dương Vật cũng được thể hiện trong vô số công trình kiến trúc, dưới hình dáng thực thụ hoặc được cách điệu.

Tính dục không còn được tôn thờ nữa, nhưng hình ảnh tượng trưng của nó vẫn còn ăn sâu trong chúng ta. Tính dục thực thụ không chỉ được liên kết với chính sự sống mà còn với tất cả những gì tâm linh hóa nó. Và không phải là điều lạ khi rất nhiều chứng rối loạn thần kinh bắt nguồn từ một tính dục lệch lạc.

ĐẤT

Những thành ngữ phổ biến nhất có liên quan đến tượng trưng tuyệt mỹ này là gì?

– Đất nuôi sống – Đất mẹ hiền – Bà Mẹ–Đất.

Ngoài ra, Đất sinh sản được, thụ động, cho ra trái.

Điều mà người ta nhận thấy ngay là sự liên kết ý nghĩa giữa từ Đất và Người Đàn Bà được xác lập từ những thời xa xưa nhất! Đất là một biểu tượng giống cái ở mức cao nhất. Người ta nói “ở trong lòng đất” mà không hề nghĩ đây đã là sự so sánh với người đàn bà.

Trên toàn thế giới và vào mọi thời đại, sự phì nhiêu của đất luôn làm người ta liên tưởng đến người đàn bà. Kho tàng thần thoại toàn cầu đã biến Trời và Đất thành một đôi vợ chồng toàn thiện. Thật thế, Trời mưa làm cho Đất “trở nên màu mỡ”; và Đất khi đã phì nhiêu, tạo ra sự sung túc. Có nhiều văn bản Ấn Độ so sánh chú rể với Trời và cô dâu với Đất. Có nhiều bộ tộc tin rằng Đất là “cái bụng của người mẹ”, sản sinh ra người đàn ông. Những thí dụ về sự tín ngưỡng Bà Mẹ–Đất có thể được nêu ra đến vô tận. Có phải là điều tuyệt diệu không?

Nhưng Đất muốn cho được màu mỡ, phải được cày cấy. Vì vậy chúng ta phải nghĩ đến việc con người đã liên kết việc cày cấy với việc làm cho phì nhiêu. Đó là điều đã xảy ra trong vô số truyền thuyết và nghi lễ.

Có phải nếu Đất được xem như một người đàn bà đã thụ thai, thì tất cả những dụng cụ thực hiện việc thụ thai này phải trở thành các tượng trưng của Dương Vật không? Đó chính là điều đã xảy ra. Lưỡi Cày là một trong những tượng trưng phổ biến nhất của Dương Vật.

Lưỡi cày “banh lòng đất ra”, “đào xới lòng đất”. Baudelaire đã nói gì? “Những nụ hôn thật tẻ nhạt của anh… Và những nụ hôn của người yêu em sẽ đào những đường rãnh như của những cỗ xe ngựa hoặc lưỡi cày bén nhọn…” Người thi sĩ này đã thấy trong thâm tâm mình cái tượng trưng vĩnh cửu. Trong vài bộ môn nghệ thuật, người ta tượng trưng vài kiểu lưỡi cày dưới hình dáng một Dương Vật.

Trong vài ngôn ngữ, từ này lại có nghĩa là: cái mai và dương vật! Có nhiều truyền thuyết đã so sánh người tân nương như một đường rãnh được tạo bởi lưỡi cày. Vài thổ dân tượng trưng đường rãnh bằng người đàn bà. Nhiều người nguyên thủy “làm cho Đất màu mỡ” bằng cách đưa đi đưa lại trên các luống cày những linh vật tượng trưng cho bộ phận sinh dục nam.

Người ta biết cái nghi lễ rất hấp dẫn của người Úc: họ nhảy múa trước một cái lỗ được đào trong đất, tượng trưng cho bộ phận sinh dục nữ, và sau đó họ cắm một cái cây vô đó (tượng trưng cho Dương Vật).

Cái tượng trưng Bà Mẹ–Đất được thụ thai và phì nhiêu, là tuyệt đối hợp lí và thật đẹp. Bằng sức mạnh và tính vĩnh cửu, tượng trưng này vẫn còn ẩn mình trong mỗi con người chúng ta; để sau đó trồi lên lại trong nhiều tình huống, giống như các tượng trưng khác:

Một người ngoại quốc có nói với tôi:

– Tôi muốn được chôn cất trong lòng đất của quê hương tôi…

– Tại sao?

– … tôi không biết nữa… tôi có cảm giác như tìm thấy lại mẹ mình và có một giấc ngủ muôn đời cạnh bà…

Sau đây là vài liên kết của các từ có được trong một buổi phân tích tâm lý của khoảng một trăm người:

ĐẤT

Sự Giàu có – Sự Màu mỡ – Sự Sung túc – Sự An toàn

– Người Vú nuôi – Người Mẹ – Thuộc về Mẹ – Được Thụ thai

– Người Đàn bà – Trinh Nữ – Thụ động

 

NƯỚC

Nước là một tượng trưng cảm xúc mãnh liệt, đã trị vì từ nghìn năm rồi. Nó thường xuất hiện trong những giấc mơ đêm, trong văn học, thơ ca, hội họa, bài hát, v.v…

Đây là những câu trả lời liên tưởng được đưa ra với từ Nước của khoảng một trăm năm mươi người. Chúng ta thấy không có gì thay đổi hết…

NƯỚC

Bao phủ – Sự Phì nhiêu – Sự Sung túc – Lúa mì

– Yên tĩnh – Rửa tội – Bà Má – Tôi uống không nghỉ

– Tinh khiết – Tuổi trẻ vĩnh cửu – Hồi sinh

Tôi xếp các câu trả lời này theo tượng trưng:

1) Tượng trưng của sự phì nhiêu: Sự Phì nhiêu, Sự Sung túc – Lúa mì.

2) Tượng trưng cho nữ tính: Người Mẹ – Bao phủ – Yên tĩnh.

3) Tượng trưng cho sự tinh khiết: Tinh khiết – Rửa tội.

4) Tượng trưng cho sự hồi sinh: Vĩnh cửu – Tôi uống không nghỉ – Hồi sinh.

Trên thực tế, nước luôn là những tượng trưng này, ở tất cả các bộ lạc trên trái đất. Chỉ cần một chút trực giác để có thể hiểu được nó.

Nước, tượng trưng của sự mắn đẻ và nữ tính

Đó là điều tất nhiên. Người đàn bà mắn đẻ sinh một đứa con, như đạt được nước làm cho phì nhiêu, tạo ra sự sung túc. Ngoài ra, chúng ta nên nhớ Trời và Đất tạo thành một đôi vợ chồng toàn thiện. Vì thế, sẽ là điều tự nhiên khi nước (mưa) từ trên trời rơi xuống, lại được tôn thờ như một nữ thánh ngăn chặn tình trạng cằn cỗi của Bà Mẹ–đất. Trong số mười ngàn bộ tộc khác nhau, người Nga có tôn thờ một vị nữ thần vừa là Người Mẹ, Đất và sự ẩm ướt. Người ta có biết đến cái đài nước ở Oxford, được xem như có thể làm những người đàn bà vô sinh trở nên mắn đẻ. Có vô số đài nước mà đứng trước đó người ta có thể ước nguyện.

Trong văn học, người ta nói “nước như mẹ hiền” bao lấy anh ta. “Anh ta cảm thấy như nằm trong vòng tay của Bà Mẹ”. Có vô số bài thơ và truyền thuyết nói về nước như một nữ thần hoặc như người mẹ. Người Trung quốc nói đến nước như một loại hình của sự khôn ngoan. Thế nước có tinh khiết, khiêm tốn, có thể bao lấy một cách hài hòa mọi hình dạng không? Đã có bao nhiêu bài hát nói về biển cả, dòng sông, đài nước, con suối, đến sương mai, v.v…

Chúng ta hãy nghĩ đến sông Seine! Nó rất “đa tình”, nó “tỉ tê” nó rất “nữ tính”, nó là “tân nương”, nó “ôm lấy” Paris, “tính khí nó thất thường”, nó “được làm đẹp” v.v… Tất cả những lời ca này tụ hội lại trong cái tượng trưng vĩ đại của nước; và cái tượng trưng sâu kín này, chạm phải cái bản năng truyền kiếp của mỗi con người chúng ta, đã tạo nên sự thành công của chúng.

Hơn nữa, nước cũng tượng trưng cho sự phì nhiêu và sinh sản. Chúng ta hãy trích vài dữ liệu được Mircéa Eliade kể lại (Lịch sử Các Tôn Giáo): “Trong ngôn ngữ Sumérien, từ a có nghĩa là “nước” nhưng cũng là “tinh dịch”, sự thụ thai, thế hệ. Ngày nay, đối với nhiều bộ lạc sơ khai, nước vẫn được xem như là tinh dịch (như trong huyền thoại). Trên Đảo Wakuta, một huyền thoại kể lại chuyện một thiếu nữ đã mất trinh bởi vì cô ta để cho nước mưa trúng vào người cô ta…

Một chút nữa đây, chúng ta sẽ thấy một giấc mơ của một cô gái trẻ tân thời, nhắc lại huyền thoại này.

Mối tương quan giữa sự phì nhiêu của Bà Mẹ–Đất và sự thụ thai của người Đàn bà là rất chặt chẽ và hoàn toàn hợp lý.

Nước, tượng trưng của sự hồi sinh và tinh khiết

Hình ảnh của sự hồi sinh bằng “nước” được tìm thấy trong nhiều truyền thuyết trên toàn thế giới. Một “ông già” trầm mình dưới nước để sau đó bước ra với một thân thể hoàn toàn mới. Tượng trưng của sự rửa tội. Thế các phong tục đã nói lên những gì? “Thế giới được hình thành từ Nước”. Trước khi hình thành từ Nước, thế giới chưa có hình dạng, chưa hiện hữu. Sự trầm mình vào nước (trong các lễ rửa tội) mang ý nghĩa sự “trở về hư vô” và việc ra khỏi nước mang ý nghĩa con người được tái sinh, trở nên trong sạch hơn, được tái tạo.

Về mặt thế gian, các nạn hồng thủy (được kể rất nhiều trong các truyền thuyết) cũng mang ý nghĩa đó: sự trở về hư vô của nhân loại cổ xưa và sự tái sinh trong một thời đại mới. Tất cả những anh hùng đều trầm mình trong biển; những cuộc du hành ghê rợn đều có một chuyến đi trên sông hoặc một cuộc vượt đại dương, đôi khi trong bụng của một con quái vật.

Người chết thường được đặt trên một chiếc ghe để trôi trên dòng nước. Có nhiều chiếc ghe chở linh hồn của những người quá cố, v.v…

Cuối cùng các anh hùng cũng ra khỏi nước trong chiến thắng và được tái sinh…

Sau nữa là chuyện những nguồn nước trường xuân, đài nước thần diệu, suối và dòng sông linh thiêng, giếng dành cho nghi lễ, vẫn còn hiện hữu trong thời đại của chúng ta. (Ngay tại Pháp, có nhiều dòng sông và nguồn nước, mà theo dân gian, có quyền năng tái sinh. Tại Cornouailles, những đứa trẻ bị bệnh đều được nhúng vào trong nước của cái giếng ở Saint–Mandron).

Ngoài ra, việc tẩy uế bằng nước được thực hiện từ khi có loài người. Ezéchiel có nói “Tôi sẽ rưới nước lên mình các người và các người sẽ trở nên trong sạch…”. Việc rửa tội lễ tắm gội và rưới nước lên người luôn là một minh chứng sống động.

Quả thật nước là một trong những tượng trưng tuyệt mỹ nhất trên đời.

VIỆC SỬ DỤNG CÁC TƯỢNG TRƯNG TRONG LIỆU PHÁP TÂM LÝ HỌC

Chúng ta có thể nào dùng các tượng trưng để khởi phát một cảm xúc không? Những cảm xúc hữu hiệu và có thể chữa lành bệnh không? Nếu một hình ảnh tượng trưng nào đó biểu hiện cho một cảm xúc, có thể nào người ta dùng một hình ảnh để kích gọi một cảm xúc không? Có thể nào người ta dùng nó để thực hiện một gợi ý sâu lắng không?

Như vậy, chúng ta bước sang một giai đoạn mới của Liệu Pháp Tâm Lý. Đây là một giai đoạn vô cung hào hứng, và có thể mang đến một hiệu quả thật sự “thần kỳ”, hoặc về mặt tâm lý hoặc cho việc chữa lành bệnh.

GIẤC MƠ TỈNH TÁO

Cách đây hai mươi năm, Robert Desoille, dưới sự dìu dắt của E. Caslant, có tham dự một buổi đang diễn ra một “giấc mơ tỉnh táo” ông ta rất ngạc nhiên trước sự phong phú và uy lực của các hình ảnh hiện ra trong tâm trí của “người nằm mơ”. Desoille liền bắt tay vào việc nghiên cứu và hoàn chỉnh một phương pháp mới, làm cho khoa tâm lý học trở nên phong phú hơn.

Vậy phương pháp đó làm gì?

1) Nó dùng các tượng trưng để phân tích người bệnh.

2) Nó sử dụng sức mạnh linh hoạt của các tượng trưng để tác động lên người bệnh.

3) Nó làm như thể nào đó để cho cái tượng trưng đó trở thành một thực tế sống động và hiệu quả (như đối với con người sơ khai).

Những điều kiện của kỹ thuật đó

Bởi vì nó liên quan đến việc tìm lại tư chất biểu trưng, nên chủ thể phải bị tách rời với “trí năng phán đoán” ở mức tối đa. Thả lỏng cơ bắp và tâm trí thoải mái là rất cần thiết. Có nhiều cách để thực hiện điều đó. Dù gì đi nữa, người bệnh nhân cũng bị cô lập càng nhiều càng tốt với thế giới bên ngoài (thoải mái, bóng tối, mắt nhắm lại, v.v…)

Sau đó, người ta sẽ làm cho người bệnh (lần hồi) đi từ trạng thái ý thức tự nhiên sang một trạng thái khác: trạng thái mà hiệu quả của tượng trưng có thể hoạt động. Đương nhiên chủ thể vẫn còn tỉnh táo. Có thể nói đại khái là giấc mơ tỉnh táo được thể hiện như một “kịch bản tượng trưng” được điều khiển. Nhà tâm lý học đảm nhận cái công việc dìu dắt và phân tích. Ngoài ra chủ thể sẽ còn cung cấp tư liệu một cách dồi dào hơn nữa.

Để minh họa, sau đây là ba đoạn ngắn của những buổi thực hành Giấc Mơ Tỉnh Táo.

1

Janine là một phụ nữ ba mươi tuổi rất nam tính. Bà là giáo sư toán và không biết ý nghĩa của Tượng Trưng. Điều này cho thấy rõ Vô Thức Biểu Trưng xem thường “lý trí toán học của 1958”. Tôi xin nhắc lại là với phương pháp này, “lý trí phán đoán” phải được gạt bỏ ở mức tối đa. Những tình huống “vô lý nhất” phải được biểu lộ mà không làm cho chủ thể phải khó chịu. (Không khác gì với giấc mơ đêm).

– … tôi cảm thấy mình đang bơi vào một cái bờ. Một ông già đang đứng đó, ông ta tươi cười và có vẻ rất hiền hậu. Ông ta đón tôi. Ông dẫn tôi đến một tảng đá nơi có một nguồn suối rất trong. Ông già đẩy tôi xuống làn nước đó và tôi có một cảm tưởng là như được tẩy uế… Tôi bước ra khỏi làn nước đó… và nhận thấy tôi đã có mang… điều này làm cho tôi ghê tởm vì tôi không muốn có con. Ông già mới nắm tay tôi và nhận đầu tôi xuống dòng nước mà tôi đã bơi trong đó. Ông bảo tôi “Đừng có sợ” ông nhìn bụng tôi và mỉm cười, rồi nói “Như thế tốt rồi”. Tôi vẫn có mang và tôi bắt đầu hát… Ngay tại chỗ tảng đá bây giờ tôi thấy một thanh niên đang phun nước từ trong miệng ra…

“Giấc mơ tỉnh táo” này có thể làm chúng ta kinh ngạc.

Chúng ta hãy nhớ lại tượng trưng của nước. Chúng ta nhận thấy sự trùng hợp lạ lùng với các huyền thoại xưa về sự thụ thai bằng nước!

Từ hàng ngàn năm, hàng ngàn người phụ nữ có thể có một “giấc mơ” giống như Janine.

Chúng ta hãy xem lại đoạn “giấc mơ tỉnh táo” này:

1) Janine được một ông già tươi cười đón tiếp (Sư Khôn Ngoan, Sự Tha Thứ, Sự Hiểu Biết)

2) Janine bị đẩy xuống làn nước chảy ra từ tảng đá. Cô ta có cảm giác như được tẩy uế.

3) Cô ta nhận thấy mình đã có mang. Ở đây chúng ta gặp ngay cái tượng trưng của việc nước làm thụ thai.

4) Cô ghê tởm bản thân cô ta. Đó là điều tất yếu bởi vì cô ta từ chối vai trò làm phụ nữ của mình. So lại với quan niệm của mình, cô ta cảm thấy như bị “ô uế”.

5) ông già đó lại nhận đầu cô ta xuống nước lại (Nhận xuống nước = cái chết), tiếp theo sự nổi lên = hồi sinh, tinh khiết. Những lời nói của ông già tương ứng với tượng trưng “Rửa Tội”

6) Janine vẫn có mang. Việc “tẩy uế” đã làm thay đổi quan điểm của cô ta, cô ta bắt đầu hát.

7) Thay vào chỗ tảng đá bây giờ là một thanh niên. Anh ta phun nước từ trong miệng ra. Lại thêm một tượng trưng của nước làm cho thụ thai; việc thụ thai được người thanh niên thực hiện và Janine chấp nhận điều này.

Chuyện gì xảy ra sau đó? Janine bị ấn tượng mạnh với việc chấp nhận (dù trong giấc mơ và nhiều ngày sau đó) vai trò phụ nữ và sự thụ thai phát xuất từ đó. Liệu pháp chữa trị tâm lý học đã lợi dụng những cảm thức mãnh liệt được biểu lộ bởi “giấc mơ tỉnh táo” này. Và việc trị liệu tiếp tục được tiến hành dựa trên những tượng trưng hùng mạnh này.

Janine đã mau chóng loại bỏ các mặc cảm để chấp nhận vai trò phụ nữ của mình. Bây giờ cô ta đã lập gia đình và rất nữ tính.

2

Chủ thể là một kỹ sư, độc thân, bốn mươi tuổi. Tiếp theo những kỹ thuật thư giãn, ông ta được mời nói ra ngay những gì ông ta cảm nhận hoặc thấy được. Chúng ta sẽ nhận thấy ở đây “lý tính” không thể tồn tại lâu được.

1)… tôi cảm thấy mình đang nằm, hai chân co lại. Vả lại đây là kiểu duy thất làm cho tôi ngủ được… Hình ảnh của một loại trứng mà tôi đang nằm trong đó chợt đến với tôi… mãnh liệt đến mức tôi cảm thấy an toàn… trong các trứng đó…mặc dù tôi đã bốn mươi tuổi rồi…

Ngay lúc đó, anh ta được yêu cầu nói ra anh ta so sánh mình với cái gì, và câu trả lời là:

2)… một bào thai. Đúng vậy, một bào thai. Có phải vì tôi quá sợ cuộc đời và những trách nhiệm không? Tôi luôn cảm thấy mình thua kém trước mặt những nhân công mà tôi phải chỉ huy họ… cái cảm tưởng thật kỳ lạ đó và cái ý nghĩ muốn trốn đi, giống như thể tôi chưa ra đời vậy.

Đến lúc này, anh ta được yêu cầu “chui ra” khỏi cái trứng đó bằng bất cứ cách nào.

3)… tôi duỗi người ra trong cơn phẫn nộ bất ngờ… mọi thứ đều bể, và… tôi cảm thấy mình đang nổi trên mặt nước… trên một mặt nước mênh mông… và ở trong cùng có một mặt trời vàng chói… mọi thứ trong một im lặng diệu kỳ… Tôi có cái cảm giác lạ kỳ như thể đang chờ đợi vậy…

Anh ta được yêu cầu bơi đi.

4)… tôi cảm thấy mình bắt đầu bơi thật chậm rãi, rồi mau hơn. Tôi bơi đến một bờ. Đột nhiên tôi bị một con đường chặn lại nó như trồi từ dưới nước lên và cứ cao mãi lên đến trời xanh. Con đường thì sáng chói còn bầu trời thì tối đen. Tôi nghĩ mình phải trèo lên đó nếu tôi muốn thay đổi…

Chúng ta thấy được các tượng trưng nào đây?

1) một hình ảnh chính xác của sự bám víu vào người mẹ, một sự trở về với người mẹ. Chính ông ta đã nói: Tôi có cảm tưởng như là một bào thai, (với sự ngụ ý: trong bụng của mẹ tôi).

Ngoài ra chứng “ấu trĩ” cũng được ông ta biểu hiện: những cảm thức tự ti, sợ trách nhiệm, dáng vẻ phụ nữ, độc thân, sợ đàn bà, không thể rời xa bà mẹ mình để cưới vợ, với những phản kháng trước những tình cảnh đó (Chúng ta nên ghi nhận là trong một buổi khác, ông ta nhìn thấy một bù nhìn. Được bảo xé hết quần áo cái bù nhìn đó, ông ta nhìn thấy khuôn mặt nghiêm nghị của bà mẹ ông ta)

2) Những lời giải thích cho tình trạng của mình.

3) Một tượng trưng toàn cầu rất đẹp. Người ta nghĩ tới những tập quán: thế giới được hình thành từ nước. Như vậy, chúng ta có ở đây, một hình ảnh hồi sinh cá nhân, “một lần chào đời khác cho một cuộc đời khác”. Chính ông ta đã nói “tôi có cảm tưởng như đang trông chờ…”.

Tượng trưng của nước thường được thấy trong giấc mơ tỉnh táo: bởi vì rất nhiều người muốn “thay đổi” – “được hồi sinh” – “được tẩy uế”. Vì vậy mà tượng trưng của nước thường được biểu hiện.

4) Ông ta đi đến một con đường “dốc lên”. Ông ta nói “Tôi nghĩ mình phải trèo lên đó nếu tôi muốn thay đổi…”

Như thế chúng ta cũng có cái tượng trưng cho sự đi lên – tẩy uế sự tự giải tỏa (Vả lại con đường là ánh sáng–chói lòa)

Nhờ cái gì mà giấc mơ tỉnh táo lại lý thú?

Chúng ta hãy so sánh nó với môn tâm phân học cổ điển. Trong một chừng mực nào đó, tâm phân học dựa vào sự hiểu biết của chủ thể. Nó dựa vào sự thông hiểu những mặc cảm của người đó để chỉnh sửa một nhân cách. Nhưng chúng ta biết rằng bất cứ một hành vi nào của con người, trước hết, được khởi phát từ một cảm xúc hoặc một cảm thức nào đó; và chúng không có liên quan gì với trí thông minh hoặc lý trí. Sự thông minh là chủ yếu trong việc hiểu biết con người mình, nhưng vẫn chưa đủ. Vì lý do đó mà giấc mơ tỉnh táo bổ sung một cách hữu hiệu cho tâm phân học. Tại sao? Bởi vì nó làm việc trực tiếp với vô thức. Bằng cách nào? Nhưng bằng cách dùng ngôn ngữ của chính nó, có nghĩa là bằng hình ảnh và tượng trưng! Có một điều đáng chú ý trong giấc mơ tỉnh táo: sự bình tĩnh mà nó mau chóng mang đến. Một trong những hiệu quả thường thấy nhất: là việc loại trừ chứng mất ngủ. Ngoài ra còn có thêm những cảm tưởng được giải tỏa. Tại sao? Bởi vì chủ thể cảm thấy mình đang hoạt động, và thật sự sống giấc mơ này. Một thành công với giấc mơ tỉnh táo mang đến nhiều hậu quả tức thì cho cách ứng xử.

3

Đây cũng là một đoạn của giấc mơ tỉnh táo, được thực hiện với Yvonne, một phụ nữ ba mươi tuổi, có gia đình. Có mặc cảm tự ti và tội lỗi mãnh liệt, được gắn liền với Mặc cảm OEdipe. Về mặt tính dục rất lãnh cảm, nhưng được người chồng cảm thông.

Ngay từ đầu, người ta đề nghị bà làm như đang ở nhà mình, đang sống trong không khí gia đình:

1)… tôi có cảm tưởng như đang ở nhà… tôi đang đọc sách.

– Bà đọc gì vậy?

2)… Ồ, một tác phẩm về Thánh Thomas d’ Aquin. Tôi thích hơn hết là những chuyện tâm linh… tôi muốn có một tâm hồn trong sạch.

Không một lời nhận xét hay câu hỏi nào của nhà tâm lý học. Lại thêm một gợi ý bảo bà ta cứ xem như đang ở nhà mình:

3)…tôi vẫn ở trong tình cảnh đó; tôi đang đọc. Chồng tôi thì tính sổ sách. Đứa con gái nhỏ của chúng tôi chơi ngay dưới chân ông ta. Mọi thứ đều yên bình, như bình thường…

– Bà hãy đứng lên đi và hãy có cảm tưởng như đang bước đến một cánh cửa mở ra bên ngoài:

4)… tôi đang tiến đến cánh cửa mở ra khu vườn. Tôi mở nó ra. Tôi đi ra ngoài. Không còn khu vườn nữa… tôi nhận thấy mình đang đứng trên một cánh đồng đầy ánh trăng, cho đến vô tận.

5)… tôi từ từ xoay người lại; tôi sợ… ngôi nhà của tôi đã biến mất… Mọi thứ đều bỏ rơi tôi. Cánh đồng trải dài đến hết tầm nhìn… tôi cảm nhận sự cô đơn lạnh giá…

Có phải là tôi không?…

– Bà hãy có cảm tưởng như đang bước trên cánh đồng đó đi.

6)… tôi… tôi không dám. Tôi muốn bám lấy một cái gì đó tôi tìm chồng tôi, hoặc một ai đó… không; tôi không dám bước tới; tôi muốn thấy ngôi nhà tôi xuất hiện trở lại…

– Hãy cầm một thanh kiếm trên tay và bước tới trước.

7) Phải… tôi có một thanh kiếm trong tay. Tôi cảm thấy mình mạnh hơn rồi, tôi bước tới trước. Trước mặt tôi bất ngờ có hàng rào lớn đóng kín. Ở phía sau có một đám người đang đứng nhìn tôi…tôi muốn bỏ chạy… tôi…

– Hãy nghĩ đến thanh kiếm của bà.

8)… tôi mở cửa rào ra; tôi sợ nhưng vẫn từ từ bước tới. Tôi có cảm giác đám đông đó không hung dữ như tôi đã nghĩ. Này… tôi vứt thanh kiếm của tôi! Và tôi tiếp tục. Những người đó cười với tôi. Tôi như có một cảm giác yên lành… trong người tôi…

Đến đây, bà ta được gợi ý hãy tìm một cách gì đó để Đi Lên:

9) Tôi đi ra khỏi đám người đó. Tôi chỉ thấy lại có cánh đồng đó tôi cảm thấy tự tin hơn. Tôi đang nhìn và kiếm một cách nào đó để đi lên. Cách đó không xa, tôi thấy một cái gì đó mờ mờ, đang rõ dần… một cầu thang… bằng kim loại hay thủy tinh gì đó… tôi không rõ… nó đi thẳng lên trời xanh… và kêu gọi tôi đi đến hạnh phúc… tôi không dám nhìn nó… tôi nghĩ có thể tôi sẽ khám phá ra con người thật của tôi trên đó… và tôi thấy ngôi nhà của tôi ở tận trên đỉnh; tôi phải đến đó, nhưng với một con người khác của chính tôi…

Đoạn này cho thấy gì?

2) “Tôi muốn có một tâm hồn trong sạch”: lời nhận xét này cho thấy đời sống tâm linh là một bù trừ cho những mặc cảm tự ti của bà.

5) Cảm tưởng bị bỏ rơi, cũng bị liên kết với những mặc cảm tự ti và tội lỗi.

6) Cảm tưởng sợ hãi. Thanh kiếm, tượng trưng cho sự thoải mái và sức mạnh, sẽ hóa giải nỗi sợ đó.

7) Hàng rào và đám đông. Lại là cảm tưởng bị bỏ rơi.

8) Bà ta bước tới trước. Bà ta liệng ngay thanh kiếm và cảm thấy như được giải thoát.

9) Với từ “Đi Lên”, bà ta trả lời bằng cái cầu thang. Trong bất cứ thời đại nào, cái cầu thang biểu hiện cho một “thay đổi hoàn cảnh”. Về mặt tượng trưng, nó cho phép đi từ thực chất qua tâm linh. Thời nay, cầu thang thường tượng trưng cho “sự thay đổi tầm mức”: một quốc vương bước lên “các bậc của ngai vàng”, biểu tượng của việc đi từ vật chất (thần dân) qua tâm linh (vương quyền). Cũng thế, vị linh mục bước lên các bậc đến bàn thờ, tượng trưng cho việc đi từ vật chất (mặt đất) cho đến tâm linh (Chúa), v.v…

Khi bước lên cầu thang đó, Yvonne cảm thấy mình “sẽ thay đổi hoàn cảnh”, có nghĩa là bà sẽ khác với trước đây. Chúng ta nên ghi nhận việc bà ta cũng có những cảm tưởng như ông kỹ sư ở phần trên. Cái cầu thang được thay thế bằng một con đường đi lên không gian. Và ông ta cũng đã nói “tôi cảm thấy mình cần phải lên đó nếu tôi muốn thay đổi…”

Những kết quả phụ theo phương pháp của giấc mơ tỉnh táo

1) Thay đổi những thói quen. Là điều dễ hiểu, bởi vì thói quen xuất phát từ cảm xúc vô thức. Hơn nữa, những dồn nén và mặc cảm áp đặt nhiều thói quen nội tại mà chúng vẫn được biểu lộ mặc cho cách ứng xử.

2) Tình trạng căng giãn của nhân cách, cả về chiều sâu lẫn chiều rộng. Chủ thể tìm lại nguồn gốc bản năng của mình và học cách sống sao cho hài hòa với chúng (điều trái ngược với các mặc cảm). Phương pháp này tạo sự hòa hợp giữa ý thức và vô thức, và loại bỏ những nỗi lo hãi xuất phát từ sự giằng xé của nhiều khuynh hướng khác nhau.

3) Việc đạt được một năng lực mới cho sự chú ý, tập trung và sáng suốt.

4) Một phát triển rộng lớn về trực giác và óc tưởng tượng sáng tạo.

5) Sự hiểu biết về sức mạnh tiên quyết của cảm tính; và việc áp dụng nó trong đời sống thường ngày.

6) Gia tăng việc ưa thích hoạt động, phương pháp này có một giá trị giáo dục không thể chối cãi được, cho cả thiếu niên lẫn người trưởng thành.

Chúng ta tóm tắt lại:

Bất cứ một tượng trưng nào cũng đều xuất phát từ một cảm thức nhân bản và một xúc động sâu lắng. Ngược lại, bất cứ một tượng trưng nào từ sự xúc động cũng có thể khởi phát một cảm thức và một hành vi. Những thí nghiệm tâm lý (và nghệ thuật) cho thấy những tượng trưng quan trọng luôn sống trong vô thức của mỗi con người chúng ta. Và vì chúng vẫn sống nên chúng phải hoạt động. Cuộc sống hiện đại đã loại bỏ bản chất toàn năng ra khỏi con người. Khởi phát từ đó, con người thành phố tưởng rằng các tượng trưng đã chết hay đã trở thành những trò giải trí đơn giản của trí tuệ. Không gì sai lầm hơn thế… Con người hiện đại đang buồn phiền, đặc biệt là mang nỗi sầu quyến luyến. Hãy nhìn lại chúng ta xem, với những chiếc xe hơi tối tân, xe điện, truyền hình, những màn ảnh rộng và tòa nhà chọc trời, v.v… Và mặc những thứ đó, đôi khi chỉ cần một bài hát rẻ tiền cũng đủ khởi phát một cảm xúc và làm cho chúng ta phải rơi lệ… Sức mạnh của con người hiện đại! Thế con người quyến luyến cái gì đây? Cái vai trò toàn năng của con người với niềm ước ao mãnh liệt tìm lại được cái bản chất người của mình… Và rồi, với vài điều kiện nào đó, tất cả mọi thứ trồi lên mặt lại: những cảm xúc trước Thiên Nhiên, những cảm xúc “không thể giải thích được” khi nghe một bài hát hồn nhiên, những giấc mơ đêm mà hiệu quả cứ kéo dài, những mơ tưởng mung lung, những cảm hứng… Những cảm xúc “buồn cười” khi đọc một chuyện thần tiên hay một truyền thuyết xưa… Mà những truyền thuyết này mang vô số tượng trưng toàn cầu… và cũng vì thế mà chúng dễ dàng tồn tại xuyên suốt nhiều thế kỷ trong khi những tác phẩm được sáng tạo “thật tỉ mỉ” đã biến mất từ bao giờ… Chúng ta hãy tạ ơn khoa tâm lý chiều sâu đã cho phép con người tìm lại được từ trong thâm tâm của mình, cái thiên đàng bị đánh mất và sự hòa hợp hài hòa với thế giới…

Phân tích tâm lý học nhờ gây mê với huyết thanh của sự thật

Phân tích tâm lý học nhờ gây mê là cách “tửu nhập ngôn xuất” của thời hiện đại. Đó là phương pháp phân tích tâm lý bằng cách gây mê bằng hóa chất (Narcose = gây ngủ bằng hóa chất, trong khi hypnose = thôi miên gây ngủ một cách tự nhiên). Hiển nhiên khoa tâm lý học chiều sâu đòi hỏi phải tìm đến vô thức. Để cho phép cái vô thức đó biểu hiện, hầu có thể phân tích nó và làm cho nó hòa hợp với cuộc sống ý thức.

Phân tích tâm lý học nhờ gây mê có nhiệm vụ chuẩn bị sự kiện đó bằng các hóa chất:

1) nó mau chóng đưa chủ thể đạt đến tình trạng cận kề giấc ngủ.

2) nó cho phép chủ thể còn đủ khả năng tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Phương pháp này còn mang nhiều tên khác như: sự hồi cảm (hãy xem lại nghĩa của từ này trong phần tâm phân học; tâm phân học bằng hóa chất; chẩn đoán bằng gây mê; tổng hợp bằng gây mê)

Những loại thuốc nào được sử dụng

Luôn là những thứ thuốc ngủ được tan biến mau chóng (penthotal, nesdonal, evipan, narconumal, seconal, v.v…) Người ta tiêm một mũi thuốc vào tĩnh mạch cho đến khi xuất hiện trạng thái cận kề giấc ngủ. Như vậy về mặt tâm lý học, việc tiêm thuốc này chỉ là sự chuẩn bị chủ thể. Nó chỉ làm cái công việc “mở cổng hàng rào” để cho phép nhà tâm lý nhập cuộc. Nó được mô phỏng theo phương pháp tâm phân học. Thực ra phân tách tâm lý học bằng gây mê là phương pháp mau chóng nhất để đạt đến tình trạng lý tưởng cho việc phân tích tâm lý.

a) nó đem lên bề mặt những dữ kiện đã bị chôn vùi trong lãng quên (kỷ niệm của thời thơ ấu, những sốc của thời thơ ấu, hoàn cảnh gia đình, những dồn nén, v.v…)

b) sau đó nó cho phép ta tập hợp hết những tình huống nội giới đó lại và làm cho chúng hài hòa.

Nhận xét về phương pháp đó

Nếu sự xung đột nội tại không sâu hoặc quá thâm niên, tâm pháp gây mê cho nhiều kết quả rất ấn tượng. Người ta đã chứng kiến trong lúc chiến tranh, khi nó mau chóng loại bỏ những sốc xúc cảm mà các chiến sĩ phải chịu đựng.

Nếu sự xung đột đó chìm quá sâu, nếu sự xung đột đó là một rối loạn thần kinh đã hoàn hành từ lâu thì trở ngại sẽ nghiêm trọng hơn. Đến lúc đó tâm pháp gây mê có nguy cơ tác động đến các triệu chứng chớ không phải lên những tầng lớp sâu kín (như trong thôi miên). Dù sao chăng nữa, nó cũng là một kỹ thuật hỗ trợ rất lý thú, cho phép mau chóng phát hiện những nguyên nhân sâu xa của một căn bệnh tâm lý.

HUYẾT THANH CỦA SỰ THẬT VỚI NGÀNH CẢNH SÁT

Về mặt tinh thần, có thể nào người ta được phép áp dụng phương pháp phân tách tâm lý học nhờ với một kẻ phạm tội không? Có thể nào người ta được phép dùng phương pháp đó để biết được “bản chất tâm lý” của một bị can không? Hiển nhiên vấn đề này rất nghiêm trọng và có thể có nhiều hậu quả khó lường.. Quả thật, đây là vấn đề của tự do tư tưởng! Vì vậy các ý kiến cũng rất khác nhau, và việc thực hành phương pháp phân tách tâm lý học nhờ gây mê trong ngành pháp ý vẫn còn đang tranh cãi.

Đối với kẻ phạm tội – Sự hiểu biết những tình huống sâu kín (giáo dục, hoàn cảnh gia đình, nhục nhã, tự ti, ức chế) đương nhiên sẽ giúp cho người ta hiểu rõ hành vi của kẻ phạm tội. Vì vậy phương pháp phân tách tâm lý học nhờ gây mê có thể giúp nắm bắt tình trạng tâm lý đã gây ra hành vi phạm tội đó. Nhờ vào đó mà người ta có thể tìm ra các nguyên nhân thầm kín mà lý luận không tài nào khám phá được. Đối với một tội phạm, phương pháp phân tách tâm lý học nhờ gây mê cho phép cắt nghĩa hành vi của hắn. Cắt nghĩa ở đây không có nghĩa là tha thứ. Nhưng việc giải thích cặn kẻ một hành vi tội lỗi đôi khi giúp chúng ta biết đây một bệnh nhân tâm thần. Trong trường hợp này, chất penthotal sẽ giúp giới hạn mức độ trách nhiệm hình sự. Chúng ta không được quên giữa việc phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và việc được miễn trách nhiệm, còn có cả một chuỗi tình trạng được miễn trách nhiệm từng phần. Trong những trường hợp đó, việc áp dụng khoa tâm lý học chiều sâu đôi khi cho phép “uốn nắn” lại kẻ phạm tội.

Đối với cảnh sát – Có thể nào người ta phải lo sợ (như giáo sư Piédelièvre đã nói) khi bắt đầu mở hé cánh cửa – bởi vì chỉ có bước đầu tiên là đáng kể – người ta càng ngày càng có khuynh hướng sử dụng chất penthotal không? Nền Công lý của nước Pháp chúng ta luôn phải trong sáng; nó phải loại bỏ tất cả mọi hình thức vũ lực mà người ta đang kêu ca, ít ra lúc khởi đầu những cuộc điều tra… Bị can có quyền bào chữa theo cách tùy thích. Tâm trí anh ta hoàn toàn tự do, không một ai có quyền đụng đến. Anh ta tự bào chữa theo cách nào mặc anh ta: khôn ngoan hay ngu dốt, xảo trá hoặc thẳng thắn. Anh ta không cần phải tuyên thệ và có quyền nói dối. Chính các vị chánh án phải đánh giá những lời khai của anh ta, với lương tâm của một con người tự do và năng lực nhân bản của chính họ…”

Như vậy, trong trường hợp phân tách tâm lý học nhờ gây mê này có bị đồng hóa với việc xâm phạm lương tâm không?. Mà phân tâm học cũng thế, bởi vì nó tìm kiếm những nguyên nhân thầm kín! Nghĩ xa hơn nữa, người ta có thể xem bất cứ lời tâm sự nào cũng là một xâm phạm lương tâm. Vì vậy, mọi việc đều tùy thuộc vào điểm chủ yếu duy nhất này: sự ưng thuận của chủ thể.

Đối với chính sách của cảnh sát: Giống như thuật thôi miên, phương pháp phân tách tâm lý học nhờ gây mê là một phương pháp để ám thị rất hữu hiệu. Nếu vấn đề là để biến đổi những người không bình thường, mọi việc đều hoàn hảo. Nhưng theo chính sách, việc sử dụng phương pháp này sẽ làm cho con người bình thường thay đổi ý kiến “một cách bất ngờ” (đó là “những lời thú tội tự nguyện” nổi tiếng). Người ta thấy đây là điểm nguy hiểm của khoa tâm lý học hiện đại, nếu nằm trong tay của những chính trị gia vô nhân đạo. Tiếc thay, người ta biết khá rõ về “những vi phạm chính kiến”! Người ta cũng biết đến các trại “cải tạo những vi phạm chính kiến”! Chừng đó đủ để cho chúng ta hoảng sợ trước những xâm phạm tự do tư tưởng mà tâm pháp gây mê tạo cơ hội triển khai.

Tóm lại:

Sẽ không có vấn đề nếu chủ thể chấp thuận, hiểu biết các phương pháp được sử dụng và mục đích muốn đạt tới. Đương nhiên đây là trường hợp người ta sử dụng phương pháp phân tách tâm lý học nhờ gây mê như liệu pháp tâm lý mà mục đích duy nhất là trị bệnh.

Vì vậy trong ngành pháp y, việc áp dụng phương pháp phân tách tâm lý học nhờ gây mê tùy thuộc vào hoàn cảnh. Một mặt nó cho phép giải oan một người vô tội bị tình nghi. Nhưng mặt khác, nó có thể bắt tội một tên cướp nói dối! Tên cướp đó có quyền nói dối hay không? Chúng ta lại rơi vào trường hợp của quyền tự do tư tưởng. Và chúng ta cũng nên nhớ trong Vụ án Nuremberg, Rudolf Hess không chấp nhận phương pháp phân tách tâm lý học nhờ gây mê. Sự từ chối của ông ta được tôn trọng cũng như việc ông ta có toàn quyền tự bào chữa như thế nào tùy thích.

Phương pháp phân tách tâm lý học nhờ gây mê cũng cho phép khám phá sự giả vờ. Ở đây cũng thế, có nhiều ý kiến khác nhau. Trong ngành Công lý quân sự, việc giả vờ bệnh bị phạt rất nặng nhất là trong thời chiến. Vấn đề vẫn đang bỏ ngỏ… Một quân nhân có quyền giả vờ không? Sự giả vờ đó có thuộc quyền tự do con người không? Về mặt đạo lý, Công Lý (của quân đội hay khác) có quyền truy tìm sự giả vờ bằng cách nào khác hơn là việc người chống lại người đó không?… Hoặc nó có thể thực hiện việc đó bằng hóa chất để loại bỏ ý chí của kẻ giả vờ giả định không?

Những nhà đạo đức học có nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề này, cũng bao la như lương tâm con người.

Trị liệu pháp tâm lý áp dụng cho từng nhóm

Cho đến lúc này, tôi chỉ đề cập đến những trị liệu pháp tâm lý “cá nhân”, có nghĩa là được thực hiện với một người mà thôi. Tuy nhiên, đôi khi phương pháp này có một trở ngại: chủ thể không thể nào nghĩ rằng mình không hề bị cô lập với cộng đồng. Anh ta luôn quả quyết trường hợp của mình là duy nhất và không có người nào khác bị giống như vậy. Nói cho ngắn gọn, anh ta cảm thấy bị tách ra khỏi xã hội, và xã hội (anh ta có tin chăng) cũng chống lại anh ta.

Vì thế sẽ rất lý thú khi tập hợp một nhóm người lại. Trước đó mỗi chủ thể sẽ được khám riêng biệt. Tại sao? Để cho cả nhóm có sự đồng nhất trong một loại bệnh trạng, và mỗi người có thể nhận thấy mình trong một người khác.

Những buổi dành cho nhóm được thực hiện như thế nào? Mục đích đầu tiên là loại bỏ cái ý nghĩ bị cô lập với xã hội. Vì thế buổi chữa trị này được thực hiện trên việc tranh luận mà tất cả những người hiện diện đều phải tham gia. Nhà tâm lý kích thích sự trao đổi. Vài “bài tự thuật” của những người có mặt có thể được đọc lên, dù cho bài tường thuật này có vô danh hay không. Đương nhiên sẽ là điều hay nếu chúng được công khai. Bởi vì sau đó sẽ có nhiều bài khác nữa, và nó tạo một cuộc tranh luận tập thể luôn rất lý thú. Nhiệm vụ của nhà tâm lý học là phải kích thích và hướng dẫn việc trao đổi các quan điểm và cung cấp lời giải thích. Những buổi như thế có thể được đặt trên nền tảng của việc phân tích tâm lý học.

Trị liệu pháp tâm lý áp dụng cho từng nhóm chỉ mới được phát triển ở Hoa Kỳ và Anh Quốc trong lúc chiến tranh.


Created by AM Word2CHM


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.