Nợ đời
BƯỚC NẤC THANG ĐẦU
Thầy Tư Cao cũng còn ở đậu tại nhà Ông Phán Khải mà đi làm việc.
Một buổi chiều, thầy đi làm việc về, thầy bước vô nhà thì thấy ông thân với bà thân của thầy đương ngồi nói chuyện với bà Phán. Thầy chào mừng cha mẹ, rồi ngồi tại đó mà nói chuyện, chớ không thay đồ. Cách một lát ông Phán Khải về, ông cũng ngồi lại đó mà hỏi thăm bà con cô bác dưới tổ quán.
Ông Hương Sư Hàng, là ông thân của thầy Tư Cao, nói chuyện với ông Phán ít câu rồi day qua hỏi thầy Tư Cao rằng: “Mầy làm giống gì mà mắc nợ đến bạc ngàn, nên gởi thơ xin một ngàn mà trả nợ?”.
Thầy Tư cúi mặt xuống đáp nhỏ nhỏ rằng:
– Con ăn xài thâm thủng một ngày một ít, nên mắc nợ có làm giống gì đâu.
– Mầy làm việc ăn lương mỗi tháng 40 đồng. Mầy ở đậu tại nhà anh Phán mầy đây, mỗi tháng mầy trả tiền cơm có 12 đồng, tại sao xài không đủ mà tới thâm thủng?
– May áo quần bận, vô hội nầy hộ kia với người ta, có 28 đồng làm sao mà đủ.
– Mầy bận đồ Tây, may một bộ giá chừng năm đồng bạc. Không lẽ mỗi tháng mầy may đến ba bốn bộ đồ. Còn hiệp hội với anh em thì bất quá mầy vô chừng 5 hội là nhiều, ví như mỗi hội mầy đóng một đồng bạc, thì tốn có 5 đồng bạc chớ bao nhiêu. Mầy nói thế nào kia, chớ mầy nói sắm áo quần với vô hội mà phải mắc nợ bạc ngàn, thì mầy khi người ta quá.
Thầy Tư ngồi lặng thinh, không trả lời được.
Ông Hương sư Hàng liếc mắt ngó con, rồi cười gằn mà tiếp rằng: “Công việc của mầy trên nầy tao với má mầy đều biết hết thảy. Mầy đừng có giấu. Tao nghĩ lại công tao cho mầy ăn học tốn hao bạc ngàn thiệt là uổng lắm. Học làm chi mà hư quá vậy? Phải tao dè như vầy thì hồi nhỏ tao bắt mầy giữ trâu, rồi lớn tao bắt mầy làm ruộng, như hai thằng anh của mầy, thì xong quá”.
Thầy Tư bị cha quở trách, thầy ứa nước mắt và nói nhỏ nhỏ rằng: “Con có làm việc chi quấy đâu mà hư?”
Ông Hương sư châu mày nạt rằng:
– Mầy mê đĩ như vậy đó, mầy nên lắm hả?
– Con có mê đĩ đâu.
– Vậy mà nó còn chối nữa chớ! Không mê đĩ, vậy chớ làm giống gì mà mắc nợ bạc ngàn? Mầy muốn hư thì tao bỏ cho mầy hư. Tao không biết tới mầy là con nữa đâu. Mầy có mắc nợ mặc kệ mầy; mầy trả không nổi họ kiện mầy rồi giam thân mầy thì mầy chịu. Phải, tao làm cực khổ cho có tiền đặng để lại cho con. Mà để cho con là con nên kìa, chớ con hư như mầy thì đừng có trông lãnh gia tài của tao. Không lẽ tao làm đổ mồ hôi xót con mắt đặng có tiền cho mầy nuôi đĩ.
Thầy Tư Cao không trả lời được nữa.
Ông Phán Khải muốn vớt giùm cho thầy Tư, nên can rằng: “Thằng Tư nó còn nhỏ, tự nhiên nó chơi-bời chút đỉnh. Chú giận chú nó như vậy, chớ lẽ nào mà bỏ nó, hễ nó có đôi bạn thì nó lo làm ăn chớ gì.”
Ông Hương – Sư trợn mắt đáp rằng: “Nó mê đĩ điếm thì để nó lấy quân đó, cưới vợ tử – tế cho nó mà làm gì.”.
Ông Phán thấy ông Hương-sư còn giận quá, ông không giám nói nữa.
Cơm dọn rồi, bà Phán mời hai vợ chồng Ông Hương-sư đi ăn cơm. Tối lại ông Hương-sư đi vô Cholon mà thăm một người quen. Ông vừa ra khỏi nhà, thì bà Hương-sư nói rằng: “ Con làm bậy, cha con giận con lung lắm. Xưa rày ổng cậy mai nhờ mối, tính cưới con của thầy Ban-Biện cho con. Ổng tính gần xong kế nghe con ở trên nầy sanh tâm trai-gái đào-đĩ, ổng giận hết sức. Hôm kia ổng được thơ con gởi xin một ngàn mà trả nợ, thì ổng càng giận thêm nữa, ổng giận đến nỗi bỏ ăn bỏ ngủ. Ở dưới nhà ổng rầy-rà lung lắm, ổng hăm ổng từ con, nói cho con biết. Sao con dạy dữ vậy ? Cha mẹ rán làm có tiền cho con ăn học, con muốn vật gì cha mẹ cũng cho hết thảy. Mấy năm con học trên Sàigòn mỗi năm tốn hao tới hai ba trăm, cha mẹ cũng vui lòng mà chịu. Bãi trường về nhà, con muốn học đờn, cha mẹ cũng rước thầy dờn cho con học. Từ nhỏ chí lớn con ăn học tốn hao của cha mẹ không biết bao nhiêu. Con ra làm việc mấy năm nay, con có lương-hưởng, mà con không giúp đỡ cho cha mẹ thì thôi, chớ sao con lại sanh chuyện mà làm cho phiền lòng cha mẹ nữa. Má khuyên con hãy bỏ cái tánh chơi-bời bậy-bạ đó đi; con có thương con nào thì cũng dứt phứt cho rồi, con lo tu bỉ lại rồi lần lần má sẽ thăng-thỉ[1] với cha con đặng xin ổng tha lỗi cho con, chớ con còn đeo-đuổi theo đồ đó, ổng giận chắc ổng bỏ luôn con đà, nói cho con biết”.
Thầy Tư Cao đương bối – rối về nợ nần, lớp tiền góp, lớp bạc tháng, họ đòi tứ tung, thầy chịu không nổi. Thiệt nếu có chừng 500 đồng bạc thì thầy trả dứt nợ hết. Nhưng mà thầy viết thơ về xin cha mẹ một ngàn ấy là thầy muốn cho có dư đặng thầy sắm đồ dọn nhà mà ở với cô Hai Phục. Chẳng dè cha mẹ đả không chịu cho bạc đặng thầy trả nợ mà lại còn rầy thầy về sự chơi – bời. Thầy có chơi – bời gì đâu? Thầy thương cô Hai Phục, thầy có ân tình với cô, tự nhiên thầy phải nuôi cô. Cô là gái không chồng, thầy là trai không vợ, hai đàng ân ái với nhau, có can danh phạm nghĩa chỗ nào đâu, mà gọi rằng hư, rằng quấy. Kết đôi bạn trăm năm phải để cho cha mẹ cưới mới nên, chớ còn để cho thong thả cho tình kiếm tình đồng thinh đồng khí mà phối hiệp thì hư hay sao? Cái lý thuyết như vậy có cái gốc chắc – chắn gì đâu mà buộc mình phải nhắm mắt làm theo cho được. Mà lại làm con không phép cãi lời cha mẹ, hễ cha mẹ rầy thì phải chịu. Cha rầy tuy cha nói nặng lời, song không có tiếng gay – gắt, còn mẹ rầy, tuy mẹ nói ngon ngọt, song lời nói châm trong gan trong ruột nên khó chịu không biết chừng nào.
Thầy Tư ngồi nghe mẹ nói thì thầy buồn hiu.
Vợ chồng ông Phán Khải nói có ban hát hay mới lại, nên mời bà Hương – Sư đi coi hát chơi cho vui. Thầy Tư đương buồn nên thầy kiếm chước nói nhức đầu mà ở nhà. Thầy đi ra đi vô một mình, sự buồn càng dồn-dập thầy chịu không được, nên thầy bận đồ mát, chơn mang guốc, lần lần đi lên đường Louvain.
Tới trước cửa Ba Có, thầy thấy có một cái xe-hơi đậu ngoài đường, còn trong nhà thì có ba người khách: một người chừng 45 tuổi, để râu ngạnh trê, mặc áo dài,bịt khăn đen, còn hai người nữa thì lối 25-30 tuổi mặc âu phục, mà tướng mạo sang trọng lắm. Ba người khách ngồi chung quanh cái bàn giữa mà nói chuyện. Cô Hai Phục cũng ngồi chung với khách, cô bận áo màu hột gà, mặt dồi phấn môi thoa son, nói cười ngả-ngớn, coi lả-lơi lắm. Ba Có thì ngồi tại cái ghế dựa vách, sụt vô trong nhà ăn trầu, mặt mày coi cũng hớn hở.
Thầy Tư Cao đương buồn rầu về nỗi riêng, muốn lại cho gặp cô Hai Phục hoặc may có bớt buồn chăng. Nào dè lại tới đây lại thấy cái cảnh như vầy chưng-hửng. Thầy tính tháo trở về, mà đi được vài bước thì thầy trở lại, đưóng ngó vô nhà nữa. Cô Hai Phục cũng cứ cười giởn với khách. Thầy Tư Cao lấy làm xốn mắt khó chịu, nên thầy nhứt định đi vô coi khách nào đó cho biết, thầy không thẹn về y phục của thầy khiếm lễ.
Thầy Tư xâm-xâm đi vô cửa. Ba người khách ngó thầy trân-trân. Cô Hai Phục cứ nói chuyện, cô không chào hỏi, mà cũng không thèm ngó. Duy có một mình Ba Có nói rằng: “Ngồi trên ván đó chơi thầy Tư “.
Người bận áo dài hỏi rằng: “ Thầy đây là ai ? “
Ba Có hớt mà nói rằng: “ Thầy dạy con Hai đờn ca đó đa “.
Một người khách bận đồ Tây nói rằng: “May dữ hôn ! Có sẵn thầy đờn đây, thôi mời đờn ít bài cho Cô Hai hát nghe chơi”.
Thầy Tư Cao giận đỏ mặt, thầy bước lại bộ ván mà ngồi, mắt ngó người khách biểu đờn đó lườm-lườm mà nói rằng: “Tôi tập đờn đặng khi nào tôi buồn tôi đờn cho tôi tiêu khiển, chớ không phải học đờn dặng đờn cho thiên-hạ nghe đâu.”
Cô Hai Phục châu mày, day lại nói với thầy Tư Cao rằng:
– Thầy vô lễ quá: Mấy ông muốn nghe thầy đờn, mấy ông dùng lời lịch-sự mà mời thầy. Dầu thầy không chịu đờn thì thầy cũng nói cho có lễ nghĩa, chớ sao thầy tỏ lời khinh-rẻ người ta như vậy.
– Chỗ nầy mà lễ-nghĩa gì ?
– Thầy nói sao ?… Thầy muốn làm nhục tôi hả ?
– Người khách bận áo dài thấy bộ hai đàng muốn xung đột, bèn can rằng: “Thôi, thôi, tưởng thẩy vui lòng, mình mời thẩy đờn đặng ca ít bài nghe chơi. Thẩy không chịu thì thôi, ép thẩy làm chi.”
Thầy Tư ngồi lặng thinh, mà mặt coi giận lắm.
Người khách ấy day qua nói với Ba Có rằng:
– Chị Ba, sao chị không mướn một cái nhà bánh-ếch cho rộng-rãi sạch-sẽ để hoa-khôi sắc đẹp ở đặng anh em tới chơi, chị ở căn phố chật-hẹp nực-nội quá, sợ hoa-khôi bịnh chớ.
– Trời ơi! Chị em tôi nghèo muốn chết, tiền bạc đâu mà dám mướn nhà bánh-ếch mà ở. Quan Huyện tưởng chị em tôi là đại điền chủ như quan Huyện vậy sao ?
– Nhà bách-ếch mướn một năm chừng năm sáu chục, chớ bao nhiêu.
– Thưa phải. Chừng năm sáu chục; mà phải có tiền đặng trả tiền mướn, chớ chị em tôi làm gì có tiền trả nổi. Nếu quan Huyện chịu trả tiền mướn thì hoặc may.
– Được mà. Chị mướn mà dọn đi. Tiền nhà anh em tôi chịu cho.
– Mướn nhà họ buộc phải đóng tiền trước ít nữa là một tháng. Lại dọn nhà ít nữa phải có bàn ghế tủ giường. Chị em tôi làm sao mà trả trước tiền nhà và mua sắm đồ đạc cho nổi.
– Để tôi đưa trước cho chị một mớ để dọn nhà…… Đừng có lo không tiền mà……
– Ông và nói và phành bóp-phơi lấy ra năm tắm giấy săn[2] mà đưa cho cô Hai Phục và nói rằng: “Đó, dọn nhà đi. Dọn cho xong đặng tuần sau tôi lên chơi. Dọn chỗ nào trên nầy thì nói cho ông Thầy Thuốc biết, đặng chừng tôi lên ổng dắt tôi lại“.
Cô Hai Phục cầm năm tấm giấy săn, mắt liếc ông rất hữu tình cười và nói rằng: “Em cám ơn ông. Mà chừng em dọn nhà tử tế, ông lên ông phải ở đó, chớ đừng có ở ngoài nhà hàng đó nữa đa “.
Ông gật đầu đáp rằng:
– Như đi một mình thì ở đặng, chớ nếu đi có bà thì ở sao đặng.
– Ông sợ bà lắm sao ?
– Không phải sợ. Nhưng mà việc chơi, cho đờn-bà họ biết làm chi.
– Chuyến sau ông lên ông phải mua đồ ăn tân-gia đã nghe hôn.
– Được, cô muốn tôi đi hạ bằng vật gì ?
– Em muốn ông đi cho em một chiếc vòng nhận chừng năm hột xoàn. Em thấy ngoài nhà hàng có bán một chiếc vòng em muốn quá. Nó để giá là 350 đồng.
– Được mà.
Khách ở nói chuyện tới 10 giờ rưởi rồi lên xe hơi mà đi, hẹn với nhau tuần sau sẽ gặp nhau mà ăn lễ tân-gia.
Cô Hai Phục đưa khách đi rồi cô trở vô, tay nắm sắp giấy bạc miệng chúm-chím cười.
Thầy Tư Cao ngồi ngó cô lườm-lườm và hỏi rằng: “Cô Hai, bây giờ cô quyết làm cái nghề nhục-nhã nầy hay sao ?”.
Cô Hai nghiêm sắc mặt mà hỏi lại rằng:
– Nghề gì mà thầy dám gọi là nghề nhục-nhã?
– Nghề đưa cửa trước rước cửa sau, nghề rù quến bướm ong mà lấy tiền, chớ nghề gì. Cô làm như vậy đó thanh cao lắm há ?
– Tôi cần học với thầy là học đờn học ca mà thôi, chớ tôi không cầu thầy dạy phong hóa. Cái môn phong hóa của thầy đó là đồ giả-dối, để gạt người, chớ không có giá-trị gì.
– Những việc và những người mà thầy cho là thanh cao đó bề ngoài coi tốt đẹp, còn bề trong thì thúi-oắc. Thầy đừng có khoe thanh cao với tôi.
– Thầy Tư lắc đầu, thở ra, nước mắt rưng rưng, không nói được nữa.
Cô Hai nói tiếp rằng: “Thầy là người có ăn học mà thầy vô lễ quá. Hồi nãy thầy bước vô nhà tôi, thầy thấy khách của tôi, thì thầy lấy mắt mà ngó, chớ không chào. Người ta mời thầy đờn chơi, thầy lại trả lời khiếm nhã. Tôi tỏ ý trách thầy, thì thầy lại cùn-quần nói chỗ nầy mà lễ nghĩa gì. Sao trước mặt khách của tôi mà thầy dám nhục tôi như vậy? Tôi nói cho thầy biết, từ rày sắp lên nếu thầy còn muốn tới lui chơi, thì hễ gặp nhà tôi có khách thầy đừng có vô. Còn như thầy vô thì phải chào hỏi cho đủ lễ. Nếu thầy cãi lời tôi thì tôi cấm tuyệt không cho thầy tới nữa”.
Thầy Tư giận đỏ mặt, thầy đứng dậy nói rằng: “Cha chả, bây giờ cô còn bắt lỗi tôi nữa hả?. Tôi không đánh cô đó là may phước cho cô lắm. Cô đừng có ọ ẹ mà chọc giận tôi”.
Nãy giờ Ba Có ngồi nghe hai đàng cãi lộn, chị ta không nói chi hết. Chừng chị ta thấy thầy Tư nói lớn lại lên tay lên chưn thì chị ta xốc lại xô thầy mà nói rằng: “Thầy có gan thì đánh thử coi. Thầy đánh một cái, tôi làm heo cho thầy ăn liền. Thầy có quyền gì mà thầy được lên giọng với em tôi?”
– Cô Hai làm cho em buồn lắm. Chị ba ơi!
– Thầy vui hay là buồn cũng vậy, có ăn thua gì với tôi đâu.
– Không ăn thua sao được. Chị nghĩ lại mà coi, tôi gần cô Hai mấy tháng nay, tôi thương yêu cô, tôi ra công dạy cô học, tôi tốn hao với cô đến năm bảy trăm đồng bạc…
– Thôi, thôi, thầy đừng có kể công ơn. Thầy tưởng năm bảy trăm đồng bạc của thầy đó nhiều lắm sao? Thầy không thấy hồi nãy đó sao? Em tôi nó nói một tiếng cũng có năm bảy trăm.
– Chị Ba, xin chị nín để em nói chuyện phải quấy cho chị nghe. Không phải em kể công hay là kể của. Em nhắc chuyện để mà nghe vậy thôi. Em ra công dạy cô là vì em thương cô. Bây giờ cô sanh tâm làm việc hèn hạ nhục-nhã quá, mà lại làm trước mặt em, thì em đau đớn hết sức. Em phải chết, chớ em sống mà thấy như vầy em chịu không được.
– Vậy chớ thầy muốn cho nó nhịn đói mà lấy thầy phải hôn? Thầy quê mùa quá! Cái thời kỳ “Trọng nghĩa khinh tài” đã qua lâu rồi, thầy không dè hay sao? Thời đại nầy là thời đại “đứa khôn lột da đứa dại”. Thầy đừng có tưởng việc nó làm đó là hèn-hạ hay là nhục nhã. Không có đâu, thiếu gì bực cao sang họ lập mưu mà lật lưng thiên hạ, họ cũng uốn lưởi, họ cũng bẹo hình, mà có ai chê cười gì đâu, người ta lại còn khen họ khôn, khen họ giỏi nữa chớ.
Thầy Tư nghe mấy lời thì thầy ngẩn-ngơ. Thầy đứng suy nghĩ một hồi rồi chắc lưởi lắc đầu mà nói rằng: “Uổng cái tình tôi thương cô Hai quá!”. Thầy nói dứt lời liền bước ra cửa. Ba Có cười và nói rằng: “Tôi khuyên thầy, ở đời mình phải thương lấy mình, chớ đừng có mong thương thiên hạ. Ai cũng tính lật lưng hết thảy, không ai thương mình đâu mà mình thương họ.”
Thầy Tư lầm lũi đi tuốt. Ba Có ngó Cô Hai Phục và cười và nói rằng: “Đó, học mà dốt là vậy đó. Học theo sách chớ không học ở đời. Thẩy tốn với mình có năm bảy trăm, mà học được bài học ở đời, có phải là mắc đâu”.
Trong nhà đã có tiền, sáng bữa sau Ba Có với cô Hai Phục ngồi xe kéo đi kiếm nhà mà mướn. Vô tới xóm Tân An gần Kho Đạn, thấy có ba cái nhà bánh ếch treo bảng cho mướn mỗi cái giá 45$00 một tháng. Hai chị em thấy xóm thanh tịnh, lại nhà cũng rộng rãi mát-mẻ, có nhà tắm, có nhà xe, trước có sân trồng bông, sau có nhà bồi bếp ở, bèn mướn một cái rồi mua tủ, giường, bàn, ghế dọn về mà ở.
Thầy Khuyên là chồng của Ba Có, trưa cũng theo về đó mà nghỉ.
Dọn nhà mới được hai bữa. Một buổi chiều, cô Hai Phục với Ba Có nhắc ghế ra sân ngồi hứng mát. Cô Hai Phục nhớ lại hồi trưa có mua một số nhựt trình mà cô chưa coi, cô bèn lấy ra đọc cho Ba Có nghe chơi. Cô vừa mới mở ra thì thấy trương thứ nhứt có một bài tựa đề chữ lớn như vầy:
“THẦY CAO TỰ TỬ”
Cô Hai Phục biến săc, Ba Có thôi thúc nên cô đọc bài ấy như vầy:
“Sớm mơi hôm qua, một người quét lá cây trong vườn Bách Thú lại tới góc một cây da lớn, gần chỗ chuồng nhốt rùa, xảy thấy một người trai, mặc đồ Âu phục, thắc cổ treo tòn-ten trên nhánh cây. Tri hô lên. Cò Bót lại tới, mở dây đem xuống thì người trai ấy chết đã lâu rồi, mình mẩy không có thương tích chi hết. Phóng viên của bổn báo đi điều tra, mới hay người bạc mạng nầy là thầy Cao, năm nay 23 tuổi, làm ký lục tại dinh quan Đốc-lý Thành phố Saigon. Thầy không có vợ, ở đậu tại nhà một người anh nhà bác, là ông Phán Khải ở đường Bourdais. Theo lời ông Phán Khải nói thì mấy tháng nay thầy Cao có tư tình với một cô mua hương bán phấn, thầy mê-sa say-đắm nên mắc nợ. Cha mẹ thầy ở Vĩnh long nghe tin ấy thì có lên quở trách thầy. Có lẽ thầy buồn về nỗi cha mẹ rầy, mà lại thêm lo việc nợ nần nữa nên thầy chán ngán cuộc đời mà tự-tử cho hết cái kiếp lao tâm khổ-trí.”
Cô Hai Phục đọc rồi, cô khóc mà nói rằng: “Thầy Tư chết chắc là tại em ở bức với thẩy quá, chớ không phải mắc nợ, hay là tại cha mẹ rầy đâu. Em nghĩ lại em ăn-năn hết sức. Tội nghiệp quá, thẩy thương em thiệt, chớ không phải giả-dối như thiên hạ.”
Ba Có châu mày, coi sắc mặt chị ta cũng buồn, song nét buồn vừa lộ ra thì lại đi mất liền, rồi thay một cái nét giận, mà nói rằng: “Ối! hơi nào mà thương tiếc! Người nầy chết là tại người kia, rồi người kia chết là tại người nọ. Ở đời vần công mà giết nhau, có lạ gì. Thầy Tư là một cái nấc thang đầu để cho em bước mà leo lên cái địa vị cao-sang. Em còn phải bước nhiều nhấc thang khác nữa, chớ nào phải một cái đó là đủ đâu. Nếu mới bước nấc đầu mà em dụ-dự muốn đứng lại đó, thì làm sao mà trèo cao được. Qua đã dặn em đừng thương ai hết mà”.
Cô Hai Phục lau nước mắt, rồi mới qua chuyện khác, muốn bày cuộc đờn ca mà ăn mừng cô dọn nhà mới.
[1] năng nỉ
[2] (cent): 100
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.