Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường
02. Một huyền thoại sống
– “Thật khôi hài, trước đây tôi đua để sống, giờ tôi chỉ muốn sống để đua.” Lance Armstrong, tay đua người Mỹ bảy lần liên tiếp vô địch vòng đua danh giá nhất thế giới Tour de France, sinh ngày 18/09/1971 tại Plano, Texas, Hoa Kỳ.
Sự nghiệp thể thao và thành tích thi đấu xuất sắc của Lance Armstrong là niềm khao khát của nhiều vận động viên đua xe đạp lẫn các môn thể thao khác. Nhưng trở thành huyền thoại sống như anh có lẽ chỉ có một vài người.
Liên tiếp bốn năm 2003, 2004, 2005, 2006, Lance được Kênh truyền hình thể thao ESPN trao tặng giải thưởng Vận Động Viên Xuất Sắc Nhất của năm. Từ năm 2002 đến 2005, Liên minh Báo chí Hoa Kỳ bầu chọn anh là Nam Vận Động Viên Xuất Sắc Nhất Của Năm. Đài BBC cũng từng trao Giải thưởng Người Nước ngoài Nổi tiếng Nhất năm 2003 cho anh.
Nhưng danh hiệu lớn hơn cả là sự “chiếm hữu” cả tên gọi cuộc đua vòng quanh nước Pháp “Tour de Lance” (Cuộc đua của riêng Lance) mà truyền hình, báo chí và người hâm mộ thân ái dành cho anh. Thật vậy, liên tiếp từ năm 1999 đến 2005, Lance Armstrong liên tục mặc áo vàng chung cuộc của cả bảy cuộc tranh tài được mệnh danh là khắc nghiệt nhất hành tinh này.
Đối với một người bình thường, đạt được kỳ tích trên đã là khó. Riêng với Lance Armstrong, điều đó còn khó khăn gấp bội.
Vì sao?
Lance Armstrong bắt đầu sự nghiệp thể thao là một vận động viên ba môn phối hợp (chạy – bơi – đua xe đạp). Mười bốn tuổi, anh đã tham gia tranh tài cùng các vận động viên đàn anh. Ba năm sau đó, ở tuổi mười bảy, anh xuất hiện trên trang bìa Tạp chí Triathlete đồng thời nhận được lời mời tham gia Đội tuyển Trẻ Quốc gia (Mỹ) bộ môn đua xe đạp.
Tuy nhiên, anh chỉ tham dự các giải nghiệp dư. Sau khi đoạt chức vô địch cuộc đua xe đạp nghiệp dư toàn nước Mỹ năm 1991 và về thứ mười bốn trong kỳ Olympics Barcelona 1992, Armstrong quyết định chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp. Tại vòng đua Clasica San Sebastian, cuộc đua đẳng cấp chuyên nghiệp lần đầu tiên của mình, anh cán đích… cuối cùng. Tuy nhiên, một năm sau đó, anh độc diễn trên đường đua Oslo, Na Uy và đoạt chức vô địch thế giới đầu tiên. Chiến thắng của anh ấn tượng đến độ anh được nhà vua Na Uy mời vào cung yết kiến, nhưng lúc đầu anh từ chối vì mẹ anh không có tên trong thiệp mời. Vào phút cuối, nhà vua đã mời cả hai mẹ con anh vào cung thăm hỏi và khoản đãi.
Anh tiếp tục thành công ở Đội đua Motorola, nơi anh thắng một số chặng của Tour de France vào các năm 1993 và 1995. Cũng trong năm 1995, anh đoạt chức vô địch Giải đua xe đạp Ngoại hạng Mỹ, về nhất giải Tour DuPont, Pháp (sau khi chấp nhận vị trí hạng nhì năm trước đó, 1994). Năm 1996, anh lại về nhất Tour DuPont và xếp hạng chín trong số các tay đua xuất sắc nhất thế giới. Tuy nhiên, cuối năm 1996, anh bỏ Tour de France và đạt thành tích đáng thất vọng trong cuộc tranh tài Olympics Atlanta 1996 ngay tại đất Mỹ, quê hương anh.
Thành tích kém cỏi bất ngờ này là dấu hiệu của một tai họa sắp sửa giáng xuống cuộc đời anh. Nhưng đồng thời, đó cũng là sự khởi đầu của một huyền thoại.
Ngày 02 tháng 10 năm 1996, Armstrong được chẩn đoán bị ung thư tinh hoàn giai đoạn ba, đã di căn lên phổi và não. Các bác sĩ bảo rằng anh chỉ còn 40 % cơ hội sống sót. Thực ra, sau này, khi anh đã khỏi bệnh, một trong các bác sĩ của anh nói lại rằng khi đó cơ hội sống của anh chỉ ở mức 3 %. Họ nói thế vì xem đó như một liệu pháp tâm lý nhằm tăng thêm hy vọng cho anh mà thôi.
Ngày 02 tháng 10 sau đó trở thành ngày kỷ niệm hàng năm của cả Armstrong lẫn Hãng giày Nike (nhà tài trợ trang phục thi đấu cho Lance). Nike tuyên bố dành một đô la trong mỗi đôi giày size 10//2 mà hãng này bán được để tặng cho Quỹ Lance Armstrong, được sáng lập vào năm 1997.
Kỳ lạ thay, sau cuộc phẫu thuật cắt đi tinh hoàn phải và hai vùng tổn thương ở não cùng với một đợt hóa trị liệu do Đại học Y khoa Indiana thực hiện, Lance dường như khỏi bệnh. Những tưởng một liều hóa trị tiêu chuẩn cũng đủ kết thúc cuộc đời trên lưng ngựa sắt của anh vì các tác dụng phụ do thuốc gây ra làm suy giảm nghiêm trọng chức năng bình thường của phổi. Đằng này anh phải hấp thụ một liều hóa chất tấn công mạnh hơn gấp nhiều lần, có thể hủy hoại hoàn toàn hai lá phổi của anh, nhưng anh lại không hề hấn gì.
Trong quá trình hồi phục, Lance quay lại luyện tập, đội Cofidis lúc này đã hủy hợp đồng với anh. Nhưng sau đó không lâu, anh đầu quân cho đội Bưu điện Mỹ (United States Postal Service Pro Cycling Team), một đội mới thành lập. Và, năm 1998, chưa đầy hai năm sau ngày tai họa ập đến, anh đánh dấu sự trở lại đường đua của mình bằng vị trí thứ tư ở cuộc đua Vuelta a Espana, Tây Ban Nha. Kể từ giây phút đó, Armstrong đã ghi dấu thành tích đáng tự hào nhất của mình là chiến thắng căn bệnh ung thư.
Ngày 18 tháng 10 năm 2001, năm năm sau ngày bị phát hiện ung thư, Lance Armstrong nhận được một phiếu khám chữa bệnh hoàn toàn “sạch”. Anh đã chiến thắng bệnh tật; hay nói cách khác, bệnh tật đã không thể đánh bại anh.
Tour de “Lance”
Sự hồi sinh thực sự của Armstrong đến vào năm 1999, khi anh đoạt chức vô địch Tour de France lần thứ nhất, bỏ xa người về nhì đến hơn sáu phút. Rồi lần thứ hai, thứ ba, cho đến chiếc áo vàng chung cuộc lần thứ bảy (liên tiếp) vào năm 2005, hầu như anh luôn giữ khoảng cách với người về nhì như thế, trừ năm 2003 là 1’01” trước Jan Ulrich (Đức) và năm 2005 là 4’40” trước Ivan Basso.
Ngoài thành tích bảy lần vô địch tổng sắp, Lance còn là người về nhất ở hai mươi hai chặng khác của Tour de France. (1993-1, 1995-1, 1999-4, 2000-1, 2001-4, 2002-4, 2003-1, 2004-5, 2005-1). Bên cạnh đó, anh đạt thành tích mười một chiến thắng ở các chặng đua tính giờ của Tour de France; đội của anh cũng từng thắng ba lần đua tính giờ trong các năm 2003 – 2004 –2005.
Trong chiến thắng Tour de France năm 2004, Armstrong đã về nhất năm chặng và trở thành người đầu tiên kể từ 1948 (sau tay đua Gino Bartali) thắng cả ba chặng leo đèo liên tục (chặng 15-16-17).
Vinh quang lần thứ bảy vào năm 2005 của Armstrong đến với anh vào ngày 24 tháng 7. Đội đua của anh dưới màu áo Kênh truyền hình Discovery đã chiến thắng trong cuộc đua tính giờ đồng đội. Riêng anh chỉ thắng một chặng tính giờ cá nhân. Ngay từ đầu cuộc đua lần này, anh luôn bị Jan Ulrich bám đuổi quyết liệt. Nhưng vào dãy Al-pơ (Alps) và rặng Py-rê-nê (Pyrenees), anh đã trả lời đối thủ một cách xác đáng, ngay cả khi không có đồng đội nào hỗ trợ bên cạnh. Và, Armstrong đã vượt qua đích đến trong sự reo hò cuồng nhiệt của người dân Parisvà khách du lịch quốc tế. Anh lập kỷ lục của mọi thời đại: lần thứ 7 liên tiếp vô địch Tour de France.
Lance Armstrong đã tuyên bố giã từ sự nghiệp thi đấu ngay chiến thắng lần thứ bảy này để dành thời gian cho gia đình, cho Trung tâm Lance Armstrong (chuyên hỗ trợ các bệnh nhân ung thư), và sẽ làm huấn luyện viên để dìu dắt các thế hệ sau tiếp tục chinh phục những cung đường mới.
LANCE ARMSTRONG
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.